2013

Lê Hiếu Đằng: Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh

BBT-TTĐQ: Các từ ngữ và ý tưởng trong bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Sau hơn 45 năm chiến đấu trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, với 45 tuổi Đảng, những trải nghiệm cay đắng mà tôi cùng nhiều bạn bè nữa trong phong trào học sinh sinh viên trước 1975 đã chịu đựng, thôi thúc tôi phải “thanh toán”, “tính sổ” lại tất cả. Trong lúc nằm bịnh tôi đọc quyển Chuyện nghề của Thủy của đạo diễn Trần Văn Thủy, các truyện của các nhà văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Trần Dần và qua ti vi xem các chuyến đi thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Hàn Quốc, Myanmar (Miến Điện) lại càng giục giã tôi viết những dòng này. Các nhà văn đã cho tôi thấy thêm sự bi thảm của thân phận con người trong cái gọi là CNXH ở Miền Bắc, một xã hội không có bóng người. Chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không có những nghi thức cao nhất của một nguyên thủ quốc gia hay chuyến đi thăm Hàn Quốc, Myanmar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nếu đem so sánh các chuyến đi thăm Trung Quốc của các vị thì không khí hoàn toàn khác nhau. Một bên thì khô cứng, lạnh lùng của một nước lớn đầy tham vọng, một bên là không khí cởi mở, vui vẻ bình đẳng. Không biết các nhà lãnh đạo của ĐCS Việt Nam với lòng tự trọng dân tộc có “mở mắt” thấy điều đó không? Hẳn nhiên chúng ta không thể đòi hỏi Mỹ làm nhiều điều tích cực hơn bởi vì công bằng mà nói anh không thể “mở lòng” với một nước mà thái độ không rõ ràng, bất nhất. Tất cả tình cảm của gia đình và bạn bè trong nước cũng như ở nước ngoài làm tôi suy nghĩ miên man trong lúc nằm bịnh càng khẳng định với tôi một điều: con đường mà tôi cùng nhiều bạn bè, đồng đội đã lựa chọn, con đường tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng thời trai trẻ và một xã hội công bằng tự do dân chủ. Ở đó con người sống với nhau một cách tử tế, thật sự được giải phóng từ người nô lệ thành người làm chủ của đất nước. Tôi ngày càng hiểu sâu sắc từ “GIẢI PHÓNG” không có nghĩa như ngày nay người ta thường dùng mà là sự thoát xác thật sự làm người tự do dù cho người cai trị là da trắng hay da vàng, thậm chí điều đau khổ, bi thảm nhất là hệ thống cai trị chính là người của dân tộc đó, là Việt Nam, là Trung Quốc, v.v. Nếu hiểu từ giải phóng theo ý thức sâu xa đó thì tôi cũng rất đồng tình với nhận xét của nhiều nhà báo, nhà văn, học giả ở Miền Bắc, trong đó có nhà báo Huy Đức trong cuốn Bên thắng cuộc mới đây. Thật sự là Miền Nam đã giái phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng… Vì những lẽ trên tôi xin “tính sổ” với ĐCS VN và với bản thân cuộc đời của tôi, tư cách một đảng viên, một công dân ở những điểm cơ bản sau: một cách minh bạch, sòng phẳng để từ đây thanh thản dấn thân vô cuộc chiến mới. 1. Vì sao tôi đi kháng chiến, vào ĐCS Việt Nam? Vào thế kỉ trước, chủ nghĩa Marx, CNXH, CNCS đã làm say mê biết bao trí thức, văn nghệ sĩ ở các nước, nhất là ở nước Pháp, cái nôi của khuynh hướng xã hội, dân chủ mà cả thời kỳ ánh sáng với các tên tuổi như Montesquieu, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, v.v. với khát vọng xây dựng một xã hội bác ái, tự do, bình đẳng. Chủ nghĩa Marx, CNXH, CNCS chẳng những lôi cuốn, làm say mê nhiều thế hệ trí thức phương Tây mà ở Việt Nam cũng vậy. Những tri thức văn nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng như Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Thế Lữ, v.v. hay những trí thức tên tuổi ở nước ngoài như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường. Thật ra họ theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của HCM mà đi vào chiến khu chứ họ ít hoặc chưa biết chủ nghĩa Marx là gì, CNXH ra sao, nhưng họ hy vọng sau khi kháng chiến thành công sẽ xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ xã hội, tự do, hạnh phúc mà trong Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946 ông HCM đã trịnh trọng cam kết trước toàn dân giữa Ba Đình lịch sử. Lòng yêu nước, lòng tự trọng dân tộc đã thúc đẩy mọi người tham gia Cách mạng tháng 8 và sau đó đi kháng chiến. Bạn bè tôi và bản thân tôi cũng bị thôi thúc bởi những tình cảm đó: lòng yêu nước, ý chí chống xâm lược, giành độc lập tự do dân chủ cho Tổ quốc để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn các chế độ cũ ở đó công nhân, nông dân, người lao động, những người hi sinh nhiều trong chiến tranh có cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã thôi thúc chúng tôi lên đường. Tôi vào Đảng cũng rất đơn giản: năm 1966, anh Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết) phụ trách đơn tuyến tôi, hẹn tôi gặp nhau ở một chùa trên đường Trần Quốc Toản (nay là 3-2) để sinh hoạt. Anh Nguyễn Ngọc Phương nghiêm mặt tuyên bố: “Đ/c Bắc Sơn (bí danh của tôi lúc đó), đ/c từ nay là Đảng viên Đảng nhân dân cách mạng (thực chất là Đảng Lao động Việt Nam ở Miền Nam mà thôi). Lẽ ra tôi đưa điều lệ để đồng chí nghiên cứu nhưng đ/c là người hoạt động công khai trong Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn và ĐH Luật Khoa nên tôi bây giờ mới phổ biến một số điều trong điều lệ để đ/c biết”. Một buổi kết nạp chẳng có lời thề thốt, cờ quạt gì cả. Anh Nguyễn Ngọc Phương, người phụ trách tôi trong thời gian đầu, là người lớn lên trong một gia đình khá giả, có em gái lấy nghệ sĩ hài nổi tiếng Bảo Quốc. Thật ra qua một số người hoạt động ở Huế anh ấy đã biết tôi từng tham gia phong trào đấu tranh Sinh viên học sinh Huế lúc tôi còn học đệ nhị, đệ nhất Quốc học Huế và đã từng bị bắt giam ở lao Thừa Phủ Huế gần một năm với Lý Thiện Sanh (nay là Bác sĩ định cư ở Úc). Vì chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó nghĩ tôi là thành viên của Đoàn TN nhân dân Cách mạng Miền Nam. Nhắc đến đây tôi có một kỉ niệm khó quên: ba tôi và mẹ Lý Thiện Sanh nóng lòng vì đã đến kì thi Tú tài II nhưng chúng tôi vẫn bị nhốt trong tù. Vì vậy ông bà làm đơn hú họa xin cho hai chúng tôi được ra thi. Thế mà chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó lại giải quyết cho ra thi. Tôi theo ban C Triết học nên chỉ còn vài ngày nữa là thi, ba tôi gửi một số sách vào cho tôi. May mắn lúc đó tôi đã đọc nhiều sách triết học của các Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn và các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại của nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, v.v., kể cả quyển sách viết về Nietzsche của Nguyễn Đình Thi thời còn trai trẻ trước 1945, nên gặp đề thi triết khá hay tôi tán đủ điều, đậu hạng thứ dễ dàng. Còn Lý Thiện Sanh học ban B vốn rất giỏi nên đậu hạng bình thứ. Những ngày ba tôi đến đón tôi ra thi ông đã đi qua cánh đồng An Cựu trong giá lạnh. Tôi không thể nào quên hình ảnh đó của ba tôi. Bây giờ Người đã mất nhưng tôi không bao giờ quên ông, biết ơn nuôi dạy tôi thành người trưởng thành pha một chút ân hận vì tôi mà ông phải khổ sở. Tôi không biết với chế độ gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra khỏi nhà tù để đi thi như chúng tôi hay không? Trong thời gian đó, lúc nhà tù cho tù nhân làm văn nghệ tôi thường hát bài “Tình quê hương” thơ Phan Lạc Tuyên, nhạc Đan Thọ, lúc đó là Đại úy Quân đội Sài Gòn. Gia đình của người phụ trách lao Thừa Phủ đứng trên bức tường có đường đi bao quanh nhà tù để xem. Đúng là cái máu lãng mạng của đám Sinh viên học sinh chúng tôi lúc đó ngay trong tù cũng nổi dậy đùng đùng và có cô con gái rất thích bài đó. Lý Thiện Sanh đùa “Nó khoái mày rồi đó”. Về anh Nguyễn Ngọc Phương người phụ trách tôi sau này bị địch bắt, đã hi sinh trong tù năm 1973. Năm ngoái, nhân ngày giỗ anh, tôi có kể lại việc mỗi lần sinh hoạt với tôi xong anh đề nghị tôi hát bài “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên. Hát xong tôi hỏi anh: “Anh là bí thư Đảng ủy sinh viên mà sao thích bài hát ướt át quá vậy?”. Anh cười buồn và nói: “Chúng ta chiến đấu xét đến cùng là vì con người. Nhưng bài hát đó viết rất hay về con người thì sao mình không thích được!”. Nghe anh tôi càng cảm phục người đ/c phụ trách tôi và hôm giỗ anh tôi hát lại bài “Trăng mờ bên suối” để cúng anh. Sau đó, chị Cao Thị Quế Hương có vẻ trách tôi vì cho rằng anh Phương không thể ủy mị như vậy. Tôi cười buồn và im lặng. Tôi đã đi theo kháng chiến và vào Đảng như thế đó… 2. Vấn đề đa nguyên, đa đảng Có thời gian từ 1975 đến 1983 tôi là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lê nin mà tôi hiểu được có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó. Sau một thời gian dài Đảng và nhà nước Việt Nam nhận chìm các tầng lớp nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam dưới chế độ quản lý kinh tế bao cấp, đi ngược lại tất cả qui luật tự nhiên, cop-pi mô hình kinh tế của Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản 100%. Dân chúng đói kém rên xiết. Các đợt cải tạo tư sản X1, X2 đã làm tan nát biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều và biết bao gia đình phải chết tức tưởi trên biển. Trong đó có gia đình nhà báo Trần Triệu Luật, người đã cùng tôi vào chiến khu và đã hi sinh vào ngày 11.10.1968 tại căn cứ Ban tuyên huấn T.Ư cục Miền Nam cùng với nhà thơ Thảo Nguyên Trần Quang Long sau trận bom ác liệt của F105 của Mỹ. Hoặc bị bọn cướp biển hãm hiếp làm nhục trước mặt chồng con. Có thể nói tất cả điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không thể nói khác được. Trước sự rên xiết của người dân, những nhà lãnh đạo còn có tấm lòng và suy nghĩ đã chủ trương phải đổi mới kinh tế bằng cách phải chấp nhận kinh tế có nhiều thành phần trong đó có kinh tế cá thể. Thế thì một khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Đó là qui luật tất yếu, vì vậy không thể không đa nguyên đa đảng được, và như vậy điều 4 Hiến Pháp hiện nay là vô nghĩa. Trước sau gì các vị lãnh đạo của ĐCS phải chấp nhận thách thức này: các Đảng, tổ chức đối lập sẽ đấu tranh bình đẳng với ĐCS trong các cuộc bầu cử hợp pháp có quan sát viên Quốc tế giám sát như hiện nay Campuchia đã làm. Tôi thách bất cứ ai trong Bộ chính trị, Ban bí thư, trong Ban Tuyên huấn của Đảng mà đứng đầu là ông Đinh Thế Huynh, vừa là Trưởng ban, vừa là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, trả lời luôn một cách công khai, minh bạch với chúng tôi trên các diễn đàn mà không chơi trò “bỏ bóng đá người” như đã từng thường sử dụng hiện nay. Thực tế hiện nay, trong Nam ngoài Bắc đã tập hợp được những khuynh hướng có chủ trương đấu tranh cho một thể chế dân chủ cộng hòa mà tiêu biểu là đề nghị 7 điểm và dự thảo Hiến pháp năm 2013 của nhân sĩ trí thức tiêu biểu ở trong Nam ngoài Bắc như nhà văn Nguyên Ngọc, các Giáo sư Hoàng Tụy, Chu Hảo, Tương Lai, Phạm Duy Hiển, những trợ lý Tổng bí thư, Thủ tướng hoặc Đại sứ nhiều thời kỳ như ông Trần Đức Nguyên, Việt Phương, Nguyễn Trung, v.v. Các nhà kinh tế có uy tín lớn như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, các nhà báo, nhân sĩ trí thức kỳ cựu như Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Đình Đầu, Lữ Phương, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Quốc Thái, và các “lãnh tụ” sinh viên trước đây đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975 như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Trần Văn Long (Năm Hiền), Huỳnh Kim Báu, Hạ Đình Nguyên, Cao Lập và biết bao con người tâm huyết mặc dầu đời sống kinh tế đã khá giả, có những người là giàu có, nhưng không thể yên tâm thụ hưởng tất cả những tiện nghi của đời sống đã vùng lên sau một giấc ngủ khá dài để chấp nhận mọi rủi ro, nguy hiểm cho bản thân cá nhân mình cũng như gia đình, quyết dấn thân vào cuộc chiến đấu mới để tiếp tục thực hiện lý tưởng thời trai trẻ mà hiện nay đã bị phản bội, chà đạp lên những lời hứa năm nào trong kháng chiến. Ngoài ra còn cả một lớp trẻ hăng hái, nhiệt tình bao gồm những bloger, những sinh viên đang có những hoạt động ở các trường Đại học hoặc nhiều tổ chức khác. Tình hình trên cộng với thực tế hiện nay tôi biết nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng (giấy sinh hoạt bỏ vào ngăn kéo). Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ xã hội, những Đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị ĐCS bức tử phải tự giải tán? Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này? Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta. Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa. Đây là một yếu tố sẽ làm cho xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh lên, không có thế lực nào ngăn cản được. Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay. Chẳng lẽ nhà nước này bắt bỏ tù tất cả chúng ta sao? Chúng ta phải đấu tranh với phương châm công khai, minh bạch, ôn hòa, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực khiêu khích gây chiến tranh. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết, đại khái: trong bất cứ cuộc chiến tranh nào người thất bại đều là nhân dân. Giờ hành động đã đến. Không chần chừ, do dự được nữa. 3. Vấn đề Độc lập dân chủ, tự do và hạnh phúc - Việt Nam đã thống nhất mặc dầu còn nhiều điều chưa hòa hợp, đoàn kết thực sự. Nhưng còn độc lập thì sao? Sau khi hi sinh biết bao xương máu, nay Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn làm việc gì đều phải len lén nhìn ông bạn láng giềng Trung Quốc, những kẻ luôn chực nuốt chửng nước ta và vào năm 1979 họ đã xua quân tàn sát người dân Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc mà tên Đặng Tiểu Bình xấc xược gọi là dạy cho Việt Nam một bài học. Thật ra tổ tiên chúng ta, những tiền nhân thời xa xưa đã cho họ nhiều bài học Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, v.v. Không biết tập đoàn Tập Cận Bình có còn nhớ những bài học đó không? Riêng các vị lãnh đạo ĐCS và Nhà nước Việt Nam thì dường như chưa thấy hết sức mạnh của dân tộc Việt Nam nên quá “hiền lành” đối với một nước lớn nhưng rất “tiểu nhân” (chữ nghĩa của các truyện Tàu), miệng thì xoen xoét nói về “bốn tốt mười sáu chữ vàng” trong lúc hành động thực tế là uy hiếp, săn đuổi, bắt bớ một cách vô nhân đạo các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống của mình hoặc hèn hạ cắt đứt cáp các tàu thăm dò dầu khí của chúng ta. Thế mà phản ứng của lãnh đạo Việt Nam thì quá nhu nhược: chỉ là lời phản đối lặp đi lặp lại nghe quá nhàm tai và khó chịu của người phát ngôn viên bộ Ngoại giao. Đến nỗi có những vụ việc lớn mà lại không dám thực hiện hành động đáp trả theo quy tắc bình thường trong quan hệ quốc tế là triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm phản đối chứ không chỉ là đưa công hàm đến tòa Đại sứ. Vậy thì độc lập cái gì? Hẳn nhiên là chúng ta không dựa vào nước này chống các nước khác nhưng thực tế quốc tế hiện nay rất thuận lợi để chúng ta liên kết với các nước để đấu tranh với Trung Quốc về Biển Đông. Tôi rất mừng nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở hội nghị Shangri-La chống lại nền chính trị cường quyền và những đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam. Trả lời phỏng vấn một Thiếu tướng Trung Quốc, Thủ tướng đã khéo léo nói nước đó là nước nào ai cũng biết. Rõ ràng đây là cú đấm đích đáng bọn bành trướng Bắc Kinh trong một diễn đàn quốc tế. Tôi càng thấy vui hơn khi được biết đây là ý kiến của cá nhân Thủ tướng dám chịu trách nhiệm để tuyên bố như vậy chứ không có sự chỉ đạo nào của Bộ chính trị cả. Vì thế mà Hạ Đình Nguyên trong một bài viết về vấn đề này đã hoan hô Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến 5 lần. 4. Vấn đề Dân chủ, tự do và hạnh phúc Thực chất đây là vấn đề dân sinh, dân chủ mà trước đây trong thời kì kháng chiến hoặc trước 1975 ĐCS VN đã phát động để đấu tranh giành quyền sống. Đây là vấn đề về con người. + Về dân chủ thì đã quá rõ. Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hiến pháp, tư pháp độc lập. Tư pháp độc lập thì mới có thể chống tham nhũng. Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới. Sau đó bầu Quốc hội lập pháp để ĐCS sẽ qua bầu cử bình đẳng mà trở thành người lãnh đạo. Tôi nghĩ trong một thời gian dài ĐCS vẫn sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được. Các nhà lãnh đạo ĐCS cần tự tin điều đó. Dần dần các Đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ như một kháng thể trong một cơ thể xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập sẽ trở thành một con bệnh SIDA khó trị, chờ chết mà thôi. + Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (theo ngôn ngữ của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu). Không có tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí… thật sự. Do đó Hiến Pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người. Đó là vấn đề quyền con người. Nhưng giờ đây chế độ toàn trị đã phản bội tước đoạt tất cả các quyền cơ bản đó, vất bỏ tuyên ngôn nhân quyền và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề nhân quyền riêng. Họ không biết rằng đó là quyền cơ bản và phổ quát mà loài người đã đấu tranh qua nhiều thế hệ. Đại tá nhà văn Nguyễn Khải đã nói: “khi đọc cuốn Bàn về tự do của Stuart Mil thì vỡ ra nhiều vấn đề”. Vì vậy anh Nguyễn Khải đã nhìn lại những gì mà anh đã trải nghiệm một cách sâu sắc với một giọng văn nhẹ nhàng không hàm hồ nên rất thuyết phục. Đây là quyển sách đã đi sâu vào tim óc của chế độ mà không thấy các vị “phê bình chỉ điểm” (cách gọi mới đây của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội đối với tên Nguyễn Văn Lưu cùng với một số người trong việc “bề hội đồng” bài viết của Thạc sĩ Nhã Thuyên về nhóm “Mở miệng”) nào dám phê phán, chửi rủa. Các vị lãnh đạo ĐCS tại sao không suy nghĩ trong chế độ thuộc Pháp lại có một thời báo chí, văn học nghệ thuật phát triển mà cho đến nay chưa có thời kì nào có thể so sánh được dù là chế độ gọi là “tự do gấp vạn lần” như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói một cách hàm hồ, thiếu suy nghĩ, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Báo chí thì nở rộ: Gia Định báo, Phụ nữ tân văn, Nam Phong, Phong hóa, Ngày nay… với những học giả Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi,… Văn học nghệ thuật thì có cả một trào lưu thơ mới với Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư và nhiều nhà thơ nổi tiếng khác với nhiều bài thơ bất hủ mà đến nay ai cũng thuộc nằm lòng. Về tiểu thuyết thì có nhóm Tự lực văn đoàn với Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo… Ngoài ra còn có hàng loạt nhà văn tài hoa khác như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Lan Khai, Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, v.v. Với Thanh Tịnh tôi vẫn nhớ bài “Tôi đi học” trong tập Quê mẹ của ông. “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Nhạc thì có một thời có nền tân nhạc rực rỡ với các tên tuổi như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Doãn Mẫn, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương… Thế mà Thanh Tịnh và những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nói trên dưới chế độ XHCN ở Miền Bắc chẳng có tác phẩm nào ra hồn. Cũng may ra sau 1975, không khí vui vẻ, sum họp của những ngày đầu đã tạo nên trào lưu hứng khởi để nhạc sĩ VĂN CAO làm bài “Mùa xuân đầu tiên” với điệu valse dìu dặt. Nhưng tội nghiệp cho Văn Cao đã ngây thơ tin rằng “Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết quê người…” thế mà bài ca này cũng bị cấm hát hết mấy năm. Những năm sau khi vào chơi với Trịnh Công Sơn và các nhạc sĩ Miền Nam ông đã nói lên nỗi thất vọng của ông. Cảnh chia lìa, vượt biên, đày đọa, tù tội trong đó có người bạn văn chương của các ông đã làm ông buồn bực và tiếp tục uống rượu. Chỉ có một điều an ủi ông là vào Nam, vào Sài Gòn ông nghe mọi người từ trẻ đến già đều hát “Mùa xuân đầu tiên”, “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”, v.v. của ông. Vấn đề là ĐCS VN cần trả lại những gì của lịch sử, của tiền nhân để lại. Việc đổi tên đường từ Trần Quý Cáp thành Võ Văn Tần, từ Phan Đình Phùng thành Nguyễn Đình Chiểu, v.v. là việc làm thiếu suy nghĩ, nếu không nói là ngu xuẩn, chà đạp lên lịch sử, xúc phạm những chiến sĩ tuy không phải là Cộng sản nhưng đã đấu tranh bảo vệ đất nước trong các phong trào Cần Vương, Duy Tân. Ngay trong lĩnh vực báo chí tại sao lại lấy ngày ra đời báo Thanh niên, báo của tổ chức CS làm ngày báo chí VN. Quan điểm tôi là phải lấy ngày 15-4 là ngày số báo đầu tiên của Gia Định báo năm 1865 làm ngày báo chí VN. Năm sau, một số nhà báo cùng chúng tôi sẽ tổ chức ngày báo chí VN vào ngày 15-4. Còn ĐCS và các tổ chức của mình cứ lấy ngày 21-6 làm ngày báo chí Cách mạng cũng không sao. Việc ai nấy làm. Thế thôi. Tại Miền Bắc gọi là XHCN khi hòa bình mới lập lại, các văn nghệ sĩ mà đặc biệt đi tiên phong là các nhà thơ, nhà văn quân đội, mà tiêu biểu là Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm,... đã gây chấn động trong vụ Nhân văn giai phẩm. Có lẽ là những người trực tiếp chiến đấu chứng kiến cảnh chết chóc của nhân dân trong chiến tranh nên họ quyết tâm tiếp tục chiến đấu để xây dựng một chế độ xã hội tự do dân chủ và tiến bộ xã hội. Họ đã quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ giàn trận đấu tranh quyết liệt với Đảng để đòi hỏi tự do sáng tác, đòi hỏi chính trị không được can thiệp vào sáng tác của văn nghệ sĩ. Nhà nước độc tài Đảng trị trong những năm đó thấy đây là nguy cơ đe dọa của chế độ nên đã ra tay đàn áp, bắt bớ, tù đày một cách không nương tay. Người bị tù với vụ án ngụy tạo như công thần Nguyễn Hữu Đang, người đã làm lễ đài Độc lập năm 1946. Hữu Loan với lòng tự trọng của một người văn nghệ sĩ cương quyết về quê thồ vác đá nuôi vợ con. Ba mẹ vợ anh trong cải cách ruộng đất đã bị chôn sống để trâu bò bừa lên đầu, lên cổ cho đến chết. Một Nguyên Hồng khảng khái bỏ về Yên Thế nuôi heo để kiếm sống. Nguyễn Hữu Đang sau khi ra tù sống những ngày tủi nhục phải góp nhặt bao thuốc lá làm hàng “đối lưu” với ếch nhái, rắn rết của bọn trẻ chung quanh kiếm cho. Năm 1989, tôi gặp Tiến sĩ Luật Nguyễn Mạnh Tường ở Pháp, người đã theo Hồ Chí Minh về nước năm 1946. Ông kể lại hoàn cảnh của ông lúc đó, bị cô lập đến nỗi học trò cũng không dám nhìn mặt, phải bán tủ sách quí để sống qua ngày. Còn nhà triết học Trần Đức Thảo, khi tôi còn làm Phó chủ tịch thường trực MTTQ TP HCM đã mời ông đến nói chuyện. Bước xuống xe ông ngó lên liền xem có công an theo dõi ông không. Buổi nói chuyện làm mọi người thất vọng vô cùng về ông. Tôi còn có những kỉ niệm đau đến xé lòng khi còn nằm trong hệ thống chính trị của nhà nước toàn trị. Lúc còn là phó CT/TT MTTQ TP HCM và là đại biểu HĐND TP khóa 4, khóa 5. Có mấy việc tôi còn nhớ mãi: + ĐCS VN ngày trở thành kiêu binh. Đâu đâu cũng vỗ ngực xưng tên là “ĐCS VN quang vinh muôn năm”. Ngay cả Hội trường của cơ quan dân cử như HĐND TP thế mà chẳng thấy đất nước, Tổ quốc đâu cả, chỉ thấy một khẩu hiệu to chần dần [to đùng] “ĐCS VN quang vinh muôn năm”. Một số đại biểu trong HĐND trong Đảng cũng như ngoài Đảng thấy chướng mắt nhưng không dám nói. Họ đến nói với tôi. Tôi thông cảm họ. Trong HĐND khóa 5, khi lên phát biểu ở Hội trường tôi trầm giọng nói: “Đây là cơ quan dân cử, đại diện cho nhân dân TP, nhưng tôi không thấy đất nước, Tổ quốc ở đâu mà chỉ có ĐCS muôn năm thôi là sao? Đảng chỉ là một bộ phận của nhân dân, không có Tổ quốc, nhân dân thì làm gì có Đảng. Đảng phải đặt Tổ quốc lên trên hết, vì vậy tôi đề nghị thay đổi khẩu hiệu này bằng câu CHXHCN Việt Nam. Cả hội trường im phăng phắc. Nhưng ngay kỳ họp sau thì khẩu hiệu Đảng đã thay đổi bằng tên nước. + Tôi là Trưởng ban VHXH HĐND TP khóa 5. Trong các kỳ họp HĐND TP, các ban có bài thẩm dịnh khá công phu. Phải đi thực tế, làm việc với các ngành và sau đó họp toàn ban để thông qua Trưởng ban là người quyết định cuối cùng. Tôi nhớ trong một kì họp, tôi thức suốt đêm sửa chữa, hoàn thiện văn bản để phát biểu trước HĐND. Khi lên phát biểu, nhìn xuống thì không thấy vị Phó CT nào dự, kể cả phó CT phụ trách VHXH. Thấy vậy tôi không đọc mà đề nghị ông Huỳnh Đảm, lúc đó là CT HĐND, cho các thư kí, trợ lý điện gấp cho các Phó CT, nhất là các Phó CT phụ trách VHXH về dự họp. Ban thẩm định chuẩn bị công phu để phân tích những vấn đề, nhất là những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, các vấn đề xã hội khác. Những vấn đề có liên quan thiết yếu đến đời sống nhân dân TP. Khi thầy các Phó CT lục tục về họp tôi mới phát biểu bản thẩm định của Ban. Đây là lần đầu tiên các phóng viên báo chí thấy việc này nên rất khoái. Từ đó, kì họp nào các PCT UBND cũng đều có mặt trừ một số PCT có lý do chính đáng. Cái bệnh chỉ coi trọng Đảng, Thành ủy, xem thường HĐND đã vào máu các vị quan chức của chúng ta. + Việc thứ ba là cuộc đấu tranh hay có thể nói là đấu khẩu của Chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh và tôi về việc có nên dẹp chợ hoa Nguyễn Huệ hay không? Cuộc đấu khẩu gay gắt đến nỗi CT Võ Viết Thanh nói đại ý nếu đ/c Đằng thấy Đảng chật hẹp quá thì xin ra khỏi Đảng. Tôi liền đốp chát lại: đó là chuyện mà tôi và anh sẽ nói trong Đảng, còn đây là HĐND. Giữa lúc có nhiều đại biểu đồng ý với tôi, trong đó có Trần Văn Tạo, Ủy viên TVTU, Phó giám đốc Công an TP, Phạm Phương Thảo, Ủy viên TVTU, Phó CT phụ trách VHXH UBND TP thì chủ tọa kỳ họp lại được tin ban Thường vụ Thành ủy họp và đã đồng ý dẹp chợ hoa TP. Tôi cương quyết đề nghị có Nghị quyết về vấn đề này nhưng chủ tọa làm ngơ và thông qua NQ ở HĐND TP. Tuy đấu tranh gay gắt như vậy nhưng đối với anh Võ Viết Thanh tôi vẫn tôn trọng tính trung thực, quyết đoán của anh. Lúc đó tôi với tư cách đại biểu HĐND TP có phối hợp với các vị hưu trí Q.6, với Ban quản lý thị trường TP để tố cáo những tiêu cực, sai trái của Giám đốc Đông lạnh Hùng Vương. Phối hợp với cuộc đấu tranh này có anh Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên TV Quận ủy Q.6, Trưởng ban Tuyên huấn Q.6. Thắng cũng là dân phong trào SV. Không hiểu sao sau đó có một văn bản có danh sách 12 người gọi là điệp báo của Cục tình báo TƯ Mỹ trong đó Nguyễn Văn Thắng nằm ở số 7. Lúc ấy anh Nguyễn Minh Triết mới về làm Phó bí thư thường trực của TƯ. Tôi gặp anh Nguyễn Minh Triết và trình bày với anh về vấn đề thì anh đề nghị tôi không can thiệp nữa vì danh sách đã có dấu đỏ của đặc ủy tình báo TƯ của Mỹ. Trước đó có người biết chuyện ngụy tạo danh sách này và nói danh sách láo được đánh trên giấy Bãi Bằng là giấy chỉ do Cộng sản sau 1975 sản xuất. Anh Nguyễn Minh Triết ghi nhận nhưng Nguyễn Văn Thắng vẫn bị giam ở 4 Bạch Đằng. Lúc ấy Q.6 tính lấy lại nhà của Nguyễn Văn Thắng ở Bà Hom, Q.6. Tôi gặp Chủ tịch Võ Viết Thanh và đề nghị anh xem xét lại vấn đề này thì anh nói với tôi một cách cương quyết: “Chuyện chính trị của Thắng tôi không biết nhưng chuyện nhà của Thắng tôi bảo đảm không ai lấy được”. Anh giữ lời hứa khi Thắng được giải oan về lại Bà Hom, Q.6 như cũ. Tôi gặp anh Võ Viết Thanh cám ơn anh. Nhân đó tôi hỏi thăm tại sao anh không đi học Cử nhân, Tiến sĩ như những người khác. Anh cười nói rất Nam Bộ: “Tôi không chơi kiểu đó. Nếu tôi học tôi sẽ xin nghỉ làm để đi học thật sự, không như những vị học giả mà bằng thật như hiện nay”. Từ đó quan hệ giữa anh và tôi rất vui vẻ, không còn nhớ gì trận đấu khẩu nảy lửa ở HĐND về vụ chợ hoa Nguyễn Huệ. Sau này anh bị thất sủng vì vụ án Sáu Sứ mà trong quyển Bên thắng cuộc nhà báo Huy Đức có nêu. Tôi nêu những trải nghiệm nói trên để chứng minh rằng trong chế độ này không có chỗ cho người trung thực mà chỉ dành cho những người nói láo, tránh né đấu tranh. Giờ đây chúng ta phải phá vỡ nỗi sợ hãi đó đi để thực hiện một chủ trương cực kỳ quan trọng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Cuối cùng tôi xác định bài viết này chỉ có mục đích là thanh toán, tính sổ cuộc đời của mình, trang trải những món nợ còn lại để gửi các vị lãnh đạo Đảng CSVN, để mong các vị “mở mắt” ra mà có sự lựa chọn con đường sống cho dân tộc. Hiện nay xu hướng chạy theo CN Mác-Lênin CNXH đã lạc điệu, không còn phù hợp nữa và đã sụp đổ tan tành ở ngay quê hương Xô Viết. Hiện nay là cuộc đấu tranh trên thế giới về dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Nghĩa là đây là cuộc đấu tranh quyết liệt cho con người, vì con người chống lại các thế lực phản động đang âm mưu nô dịch nhân dân, phá hoại môi trường vì những lợi ích kinh tế ích kỷ của các tập đoàn, lũng đoạn nhà nước. Tôi không tin lắm về sự tự giác của một số nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước sớm thấy tình hình và xu thế phát triển hiện nay để đặt lợi ích của Đất nước, Tổ quốc lên trên hết mà có một giải pháp hợp lý, không vì lợi ích và sự tồn tại của Đảng, của chế độ mà đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại hiện nay. Tôi quan niệm rằng làm nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là cương quyết đấu tranh cho một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ, tôn trọng thực hiện những lý tưởng của biết bao thế hệ cha anh chúng ta về một nước VN hòa bình, độc lập, tiến bộ xã hội, văn minh và giàu mạnh. Một khi xã hội dân sự, xã hội công dân mạnh lên, sẽ đủ sức kìm hãm, ức chế các khuynh hướng độc tài của một nhà nước toàn trị. Trước mắt là phải “chấn dân khí” để không còn sợ hãi các thế lực tàn bạo, không sợ bắt bớ, tù đày. Sau đó là “khai dân trí” và “hậu dân sinh”. Bài viết này cũng là để trải lòng với bạn bè, đồng đội và những nhân sĩ trí thức, các văn nghệ sĩ, các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh mà tôi đã quen hoặc mới quen, để khẳng định một điều: với lòng tự trọng của một công dân một nước có lịch sử hào hùng chúng ta phải hành động. Không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia. Vì thật ra cả một bộ phận loài người trong đó có người VN luôn khát khao một xã hội tốt đẹp hơn, chống lại cái ác, cái xấu, nên đã có thời gian dài nuôi ảo tưởng về ĐCS VN và CNXH. Vấn đề là trước đây chúng ta chưa có đủ điều kiện, dữ liệu để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước, nhưng hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề trước đây. Nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới. Đừng loay hoay những chuyện đã qua mà làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy để con cháu chúng ta làm nhiệm vụ đánh giá lịch sử. Còn chúng ta trước mắt là hành động, hành động và hành động. Điều này tôi nói một lần rồi thôi… Viết trong những ngày nằm bịnh. L.H.Đ. - Nguyên phó TTK Ủy ban TƯ LM các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam - Nguyên phó CT Ủy ban MTTQ VN TP.HCM (từ 1989-2009) - Đại biểu HĐND TP khóa 4, khóa 5 Nguồn: Bauxite Việt Nam
......

Thứ trưởng Việt và phiên toà Đức, nan đề hội nhập chính trường

... một án quyết Đức ghi cả tên Thứ trưởng Việt Nam có một không hai trong lịch sử ngoại giao này, bắt nguồn từ mô hình hội đoàn giữa 2 nước Việt Nam và Đức vốn khác nhau về bản chất, nguyên lý vận hành, xuất phát từ 2 hình thái kinh tế xã hội đối lập nhau giữa các nước TBCN và XHCN trước đây... Cách 3 tháng trước, trang mạng Liên hiệp người Việt ở Đức đăng bài “Buổi gặp gỡ giao lưu của ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và  BCH Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức” có đoạn: “Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã động viên, khuyến khích mọi người tham dự buổi gặp mặt phát biểu ý kiến thẳng thắn, nêu rõ nguyên nhân và những người đã gây ra sự bất ổn cho cộng đồng để cùng nhau tháo gỡ… Tất cả các Uỷ viên BCH đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết và cụ thể về những nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong suốt năm qua. Bà Trịnh Thị Mùi, Chủ tịch “Hội đồng thành viên” của Liên hiệp đã luôn cản trở các hoạt động của BCH, gây rối, làm mất đoàn kết trong nội bộ và cộng đồng. Cơ sở khởi nguồn từ cấu trúc bất hợp lý trong Điều lệ Liên hiệp đó là việc thành lập ra “Hội đồng thành viên”. … Thứ trưởng chỉ  công nhận BCH mới có vai trò lãnh đạo Liên hiệp. Liên hiệp cần tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho hợp lý… „. Bản tin vừa đưa lên mạng lập tức dấy lên một làn sóng bức xúc, bất bình sôi sục cộng đồng; chỉ trong vòng 10 ngày, bài “thư ngỏ gửi Chủ tịch Liên hiệp” của Mạnh Thái lên tiếng phản đối, đăng trên trang mạng nguoiviet.de, đã có ngót 200 bình luận. Bởi Liên hiệp đã vi phạm Điều §9 Hiến pháp Đức: „ (1) Tất cả người Đức có quyền thành lập hội đoàn. (2) Cấm những hiệp hội mà tôn chỉ mục đích, hoặc hoạt động vi phạm luật hình sự hoặc chống lại nền tảng của một xã hội dân chủ hoặc chia rẽ, chống lại sự giao lưu hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm, giai tầng, dân tộc“. Điều khoản này có 3 điểm quan trọng: 1- Hiệp hội sinh ra để đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, chứ không phải tạo phe nhóm chống nhau, hay chống bất cứ cá nhân nào. 2- Chỉ áp dụng cho người Đức tức quyền công dân, không phải quyền con người áp dụng cho cả  người nước ngoài sống ở Đức. Lẽ dĩ nhiên, người nước ngoài không vì thế bị cấm lập hội, mà chỉ có nghĩa vị thế pháp lý hội đoàn họ khác người Đức ở chỗ, người Đức có quyền buộc nhà nước tạo mọi điều kiện luật định để thực hiện quyền đó, nếu không họ sẽ viện tới toà án chế tài cơ quan nhà nước liên quan, còn người nước ngoài thì không. 3- Những hiệp hội bị cấm không chỉ do sai tôn chỉ mục đích thường được thể hiện ở Điều lệ mà chính bởi những hoạt động hàng ngày vi phạm luật hình sự, như tụ tập, hội họp, ra nghị quyết, tuyên truyền gây thiệt hại cho nạn nhân, vu khống, lăng mạ, bài xích, kích động, chia rẽ…  Đầu năm nay, Toà án Hành chính ở Kassel, Đức, với án số 8 C 2134/11 đã cấm hiệp hội Hell Angels MC Charter Westend hoạt động. Trước nữa, tháng 12.2012, Hiệp hội HNG bị cấm, kháng kiện phúc thẩm lên toà án Hành chính Liên bang cũng bị y án. BCH Liên hiệp trong buổi gặp gỡ này quy chiếu theo Điều §9 Hiến Pháp Đức cho thấy: 1- Buổi gặp gỡ là 1 hoạt động của Liên hiệp; Liên hiệp phải chịu trách nhiệm. 2- Hội đoàn Đức không được phép tham gia chính trị, nhưng Liên hiệp đã vi phạm, “cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết và cụ thể về những nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong suốt năm qua”, cho Thứ trưởng “để cùng nhau tháo gỡ”. 3- Cuộc họp lại nhằm vào cá nhân, “tìm kiếm những người gây ra bất ổn cho cộng đồng”. Hội đoàn sinh ra để làm công việc thiện, chứ không phải để nhắm vào cá nhân con người. Ngay biểu tình dù rất tự do ở Đức nhưng sẽ bị giải tán, phạt hình sự người tổ chức, nếu hô khẩu hiệu hay mang biểu ngữ có tên cá nhân để chống họ, bất kể họ là ai. Chưa nói, nếu có gây bất ổn cộng đồng thật, thì đó là chức năng hiến định của cảnh sát Đức phải giải quyết, không liên quan tới bất kỳ hiệp hội nào, hay nhà chức trách nước ngoài nào. 4- BCH cũng như HĐTV do đại hội bầu không liên quan gì tới nhà nước nào cả, nhưng lại ra tuyên bố chỉ BCH mới được Thứ trưởng Việt Nam công nhận có vai trò lãnh đạo, loại bỏ chức năng tương đương của Hội đồng thành viên vốn được luật Đức thừa nhận. 5- Với danh nghĩa Liên hiệp, cùng hình thức tổ chức cuộc họp BCH, ra thông báo, kèm những câu vu khống, xúc phạm cá nhân trên phương tiện truyền thông, ảnh hưởng tới uy tín và nghề nghiệp của họ; rõ ràng tổ chức liên hiệp trong trường hợp cụ thể này đã được dùng làm phương tiện chống lại cá nhân, vi phạm luật hình sự, trực tiếp vi phạm mục (2) điều §9 Hiến pháp Đức, bị cấm hoạt động. Một xã hội thượng tôn pháp luật, tự nó sẽ vận hành một khi pháp luật bị vi phạm: Để chấm dứt ngay hành vi phạm pháp trên, bảo vệ nhân phẩm của mình, bà Trịnh Thị Mùi viện ngay tới luật sư đệ đơn lên toà án điạ phương Amtsgericht Lichtenberg, Berlin, Đức, „Yêu cầu toà ra án quyết khẩn cấp, chiểu theo Điều §§ 935 ff., 91 Luật ZPO, cấm lập tức Liên hiệp, đại diện bởi ông Nguyễn Văn Thoại Chủ tịch và ông Vũ Quốc Nam Phó Chủ tịch, đăng tải trên trang web Liên hiệp 2 câu liên quan tới bà Trịnh Thị Mùi. Nếu tái phạm, sẽ bị phạt tiền tới 250.000 Euro hoặc phạt tù 6 tháng“. Theo luật định về án quyết khẩn cấp, toà phải thụ lý ngay, lên lịch xét xử. Chỉ sau 15 phút, toà kết thúc với án quyết số 3 C 1004/13, nội dung: “Bên nguyên thông báo, bài viết vi phạm bị phản đối đã được gỡ bỏ. Bên bị cam kết, bài viết về gặp mặt giữa ông Nguyễn Thanh Sơn và BCH sẽ không đưa lên truyền thông nữa, nhất là trên trang mạng của Liên hiệp”. Hệ quả dẫn tới một án quyết Đức ghi cả tên Thứ trưởng Việt Nam có một không hai trong lịch sử ngoại giao này, bắt nguồn từ mô hình hội đoàn giữa 2 nước Việt Nam và Đức vốn khác nhau về bản chất, nguyên lý vận hành, xuất phát từ 2 hình thái kinh tế xã hội đối lập nhau giữa các nước TBCN và XHCN trước đây. Ở TBCN,  hội đoàn thuộc phạm trù xã hội dân sự, hay xã hội công dân, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “politiké koinonia”, sau này chuyển ngữ sang tiếng La Tinh “societas civilis”, được hiểu là tập hợp các công dân tự do. Lý luận về xã hội dân sự mô phỏng xã hội loài người như một vòng tròn chưá 3 vòng tròn ngoại tiếp nhau, gồm vòng tròn nhà nước hoạt động bằng quyền lực, vòng tròn thị trường trao đổi kinh tế, vòng tròn gia đình trao đổi tình cảm, riêng tư. Khoảng không gian giữa 3 vòng tròn đó chính là xã hội dân sự, nơi hoạt động bất vụ lợi của các hội đoàn, tổ chức, phong trào, biểu tình, bàn tròn, diễn đàn… Mấy triệu người Việt Nam sống  khắp thế giới hiện nay, khởi đầu đa số đều “chân ướt chân ráo”, thâm chí thân cô, thế cùng, có khi đánh cược bằng cả sinh mạng, được nước họ cưu mang đùm bọc, mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cảm ơn trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, chính nhờ vai trò nền tảng xã hội dân sự họ tác động lên chính quyền. Bởi chính quyền sinh ra không phải để  nuôi công dân nước khác, mà vì lòng nhân của công dân nước họ buộc nhà nước họ phải làm. Ở Đức bao trường hợp chính quyền trục xuất về Việt Nam đúng luật vẫn buộc phải đón trở lại nhờ sức mạnh đấu tranh của các hội đoàn, phong trào Đức, như phong trào “Bàn tròn Thu Nga” năm 2004 với trường hợp học sinh Thu Nga 14 tuổi, hay Hiệp hội ủng hộ tỵ nạn với trường hợp cả gia đình ông bà Nguyễn năm 2011. Mô hình hội đoàn ở ta tương tự Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, là “một bộ phận trong hệ thống chính trị xã hội”, “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, do nhà nước bao cấp lương và kinh phí, được tổ chức và vận hành theo cấp chính quyền từ trung ương tới điạ phương. Ngược lại, mô hình hội đoàn Đức, luật quy định, chỉ cần tối thiểu 7 người là được phép thành lập một hội đoàn, hoàn toàn độc lập với chính quyền và mọi tổ chức xã hội khác, nơi khác, tự quy định tôn chỉ mục đích, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, gọi là điều lệ đóng vai trò nền tảng như hiến pháp; tự bầu cử BCH và các hội đồng, ban bệ; tự lo tài chính kinh phí; hoạt động không được phép trả thù lao; nếu đăng ký ở toà án thì có tư cách pháp nhân nghĩa là Chủ tịch phải chịu trách nhiệm pháp lý, còn không thì tất cả hội viên phải cùng chịu chung. Ở Đức hiện có 280.000 hội đoàn khác nhau có đăng ký, thu hút 60% của trên 80 triệu dân số Đức. Liên hiệp người Việt ở Đức được thành lập năm 2011 theo đúng mô hình trên, thu hút 172 đại biểu cả cá nhân lẫn hội đoàn, trong đó có đại diện 72 hội đoàn, trên tổng số chừng 100 hội đoàn toàn Liên bang. Bản dự thảo điều lệ tham khảo từ 5 Liên hiệp người nước ngoài lớn nhất ở Đức, bổ sung, sửa chữa sau khi tiếp nhận 33 ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức hoà nhập về mô hình hội đoàn và đảng phái ở Đức, khi Liên hiệp bước vào hoạt động, Chủ tịch cùng Phó Chủ tịch thường trực vốn trên dưới nửa đời người học, làm việc trong nước và Đông Đức, điều hành Liên hiệp hoạt động theo mô hình XHCN như một quán tính, ra văn bản khẳng định Chủ tịch là cấp trên của BCH và Liên hiệp, sai với mô hình hội đoàn Đức không được phép và không thể phân cấp bậc hành chính trong hội đoàn vốn mang tính tự nguyện, ai tâm huyết thì tham gia không thì thôi, chẳng ai lệnh được cho ai, mà chỉ theo nghị quyết, thoả thuận. Đảng phái cũng vậy, chỉ khác hội đoàn ở chỗ hoạt động trên lĩnh vực chính trị. Số lượng 1 hội đoàn hay đảng phái ở Đức so với Việt Nam nói chung không nhiều, đảng FDP do Rösler gốc Việt làm chủ tịch, tham gia chấp chính, hiện chưa tới 60.000 đảng viên so với ở ta 3 triệu. Bỏ đảng này tham gia đảng khác là bình thường, kể cả chủ tịch Đảng cũng vậy. Với quan niệm mình là cấp trên, Chủ tịch cùng Phó Chủ tịch thường trực khi đăng ký ở toà án đã tự ý sửa biên bản đại hội lẫn điều lệ theo ý mình, biến Liên hiệp trở thành liên kết các cá nhân, phá vỡ hoàn toàn mô hình kỳ vọng của cộng đồng mong muốn liên kết các hội đoàn điạ phương trong một mái nhà Liên hiệp, bị HĐTV có chức năng đại diện hội thành viên và giám sát BCH can thiệp không được đành phải viện tới toà, hiện đang chờ phán quyết. Hậu qủa, Liên hiệp nay chỉ còn hơn 90 hội viên cá nhân, không có thẻ hội thành viên, thuộc loại nhỏ nhất các hội đoàn người Việt ở Đức. Nội bộ bất ổn, Chủ tịch đọc báo cáo trước Đại hội công khai chia cộng đồng thành 2 loại ủng hộ và chống phá Liên hiệp (ở Đức là một khái niệm hình sự phải có hậu quả thiệt hại), chụp mũ bất cứ ai chỉ trích mình đều là chống phá Liên hiệp. Bất chấp điều lệ quy định loại bỏ họ kể cả thành viên BCH. Vô hiệu hoá HĐTV bị HĐTV đề nghị Đại hội miễn nhiệm Chủ tịch. Buổi gặp gỡ Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phải viện tới toà giải quyết là hệ quả pháp lý không thể tránh khỏi khi không chỉ Liên hiệp mà cả Thứ trưởng cũng áp dụng mô hình hội đoàn XHCN vào quốc gia TBCN: 1- Với tư cách Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, theo mô hình hội đoàn trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn coi sự sống còn của Liên hiệp thuộc trách nhiệm của mình, nên đã can thiệp với hình thức dưới báo cáo trên chỉ đạo „tháo gỡ“, trong khi Hội đoàn ở Đức độc lập, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng pháp lý với bất kỳ cơ quan công quyền nào, không nhà chức trách nào được phép can thiệp. 2- Với trách nhiệm trước công dân nước  mình, Thứ trưởng yêu cầu BCH „nêu rõ  nguyên nhân và những người  đã gây ra sự bất ổn cho cộng đồng“. Nhưng nếu có bất ổn thật thì đó là công việc quốc gia Đức, thứ trưởng chỉ có thể can thiệp cho công dân nước mình qua con đường ngoại giao, chưa nói cộng đồng người Việt có tới 1/5 quốc tịch Đức. 3- Điều lệ do hội viên đề xuất và đại hội biểu quyết theo ý chí hội viên họ, nhưng Thứ trưởng chỉ đạo, tức theo ý mình, „Liên hiệp cần tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho hợp lý… „. 4- Với tư cách chính quyền, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn quyết định chỉ công nhận BCH „mới có vai trò  lãnh đạo  Liên hiệp“, trong khi theo luật Đức các cơ quan Liên hiệp do điều lệ họ quy định, không cấp nhà nước nào được phép thừa nhận hay không. Không chỉ hội đoàn, biểu tình cũng thuộc xã hội dân sự, thể hiện ý thức tự nhiên của con người trước đồng loại, hoàn toàn bất vụ lợi, được xã hội hiện đại coi là một quyền cơ bản thiêng liêng, được các quốc gia tiến bộ khuyến khích, bảo đảm, cho dù chống lại nhân sự hay chính sách nhà nước họ ban hành; hiến pháp nước ta cũng ghi nhận quyền đó. Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước, trên nghị trường quốc gia, được truyền thông cho cả thế giới biết, công khai miệt thị điều thế giới trân trọng: „Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh“. Nay tới lượt Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đánh giá biểu tình ở Mỹ sai lệch cả lý thuyết lẫn thực tế về xã hội dân sự – mà bất cứ ai đã từng 1 lần biểu tình ở bất cứ nước nào đều có thể nhận ra – đụng chạm tới quyền thiêng liêng bất vụ lợi của người biểu tình, khi ông trả lời báo chí thế giới: „có những người chỉ vì đồng tiền, có những người chỉ vì nhu cầu cuộc sống, có những người chỉ vì có một chút thu nhập thêm mà tham gia“.  Ở họ, bất kỳ cuộc biểu tình nào nhằm kiếm thu nhập, nghĩa là vụ lợi, đều bị pháp luật cấm, nên tuyệt không thể xảy ra như Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu, mà không hề hấn gì ! Khác với chiến tranh, chính biến, cách mạng bạo lực, biểu tình chống nhà nước họ hay nhà nước khác không đồng nhất với nhà nước đó hoàn toàn xấu, hay phải lật đổ, mà chỉ là sự biểu thị thái độ, chính kiến đối với những chính sách, nhân sự nhà nước đó mà họ quan tâm. Thái độ của nhà nước đối với biểu tình như thế nào phản ảnh nền tảng dân chủ tạo nên sức mạnh nhà nước đó ! Thứ trưởng Việt Nam có tên trong án quyết Đức, phát ngôn bị truyền thông thế giới phản ứng là một thực tế sống động cho các chính khách, quan chức Việt Nam tham khảo, nếu muốn dẫn dắt nước mình „sánh vai các cường quốc năm châu“; khi tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu ngày càng tăng tốc, toàn diện và đa chiều, đòi hỏi phải nắm vững không chỉ những nguyên lý, phạm trù phổ quát, mà quan trọng hơn là thực tế vận hành của xã hội, quốc gia họ, hiểu như chính mình đã sống trong đó; không thể lấy quan điểm cá nhân mình, hay rộng hơn mô hình quốc gia mình làm thước đo thế giới – đó chính là tiền đề của hội nhập. Nguồn: Basam.info
......

Lý lẽ của một nhân vật chống Đảng cộng sản

Nhà báo Bùi Tín mới phổ biến hai bản tin về việc 200 đảng viên Cộng Sản Pháp đã công khai từ bỏ đảng, trong đó có 3 dân biểu Quốc Hội mới viết chung một bài trên nhật báo Thế Giới (Le Monde) giải thích hành động của họ. Ðây là những quyết định đáng ca ngợi. Các đảng viên cộng sản từ bỏ đảng là một hành động khó khăn, không giống như khi một người ở Mỹ đổi từ đảng Dân Chủ sang Cộng Hòa, hoặc ngược lại. Vì những đảng chính trị ở Mỹ thường chỉ khác nhau về các chính sách trị quốc, ai thích chính sách nào thì hoạt động trong đảng đó; đến khi không đồng ý với các chính sách của đảng thì thay đổi. Chẳng khác gì có người đang ủng hộ đội banh Tây Ban Nha nay đổi sang ủng hộ đội Ðức vậy. Còn một người vào đảng Cộng Sản thì giống như gia nhập một giáo hội. Họ tôn thờ những giáo điều của các ông thánh Mác, Lê Nin, coi đó là những chân lý, là những giá trị tuyệt đối để theo đuổi trong đời. Cho nên, những đảng viên cộng sản bỏ đảng là họ rất can đảm, dám thú nhận rằng trong quá khứ họ đã chọn nhầm, đã sai lầm trên những điều căn bản. Trong số những người Pháp mới bỏ đảng có những vị đã đắc cử thị trưởng, nghị viên, dân biểu, vân vân, khi họ là đảng viên cộng sản. Nghĩa là họ đã đạt được những địa vị xã hội nhờ nhãn hiệu cộng sản, mà nay họ sẵn sàng từ bỏ. Như vậy thì việc bỏ đảng của họ còn đáng khen hơn những đảng viên thường. Những đảng viên Cộng Sản Việt Nam bây giờ mà dám từ bỏ đảng còn đáng khâm phục hơn những người Pháp này. Vì ở Việt Nam mà bỏ đảng thì không những biết trước sẽ mất nhiều quyền lợi dành cho các đảng viên, mà còn phải chấp nhận có thể sẽ bị đàn áp, trù dập suốt đời. Nếu chế độ đó kéo dài thì đến đời con, đời cháu có thể còn chưa thoát bị trù. Ngày 9 tháng 6 vừa rồi, ba dân biểu cộng sản đại diện các khu lao động trong vùng thủ đô Paris viết chung một bài dài 767 chữ trên báo Le Monde, Le sens de notre départ du Parti communiste - Ý nghĩa việc chúng tôi rời khỏi Ðảng Cộng Sản. Một nguyên nhân chính mà họ nêu lên là trong nhiều năm qua họ cùng nhiều người khác đã tranh đấu để thay đổi đảng Cộng Sản, nhưng bao nhiêu lời hứa hẹn thay đổi đã bị trì hoãn. Một nguyên nhân khiến người ta muốn thay đổi là không còn muốn ôm lấy những giáo điều cũ rích trong khi thế giới đã đổi thay - một thế giới chính trị đã chết, Ðảng Cộng Sản (Pháp) là một thành phần thừa hưởng di sản đó, một thế giới mới mà chúng tôi mong muốn đang chuẩn bị ra đời (Simplement, un monde politique meurt, don't le PCF est l'un des héritiers, un autre tarde à naitre...). Nhưng thế giới chính trị đã chết đó là thế giới nào? Mới nghe người ta có thể tưởng đó là thế giới cộng sản do Liên Bang Xô Viết lãnh đạo. Nhưng không chỉ giản dị như vậy. Sự sụp đổ của Nga Xô và các nước cộng sản chư hầu chỉ là hiện tượng bình thường trong lịch sử. Khi một hệ thống kinh tế chính trị đã tận dụng các ưu điểm của nó, tự nó sẽ sinh bệnh khô cứng rồi chết; khi một đế quốc lan ra rộng quá, trung tâm không còn đủ sức kiểm soát các địa phương, đế quốc tan rã. Một thế giới chính trị quan trọng hơn đã chết, là thế giới trong đó một số người sử dụng quyền bính áp đặt ý kiến của mình trên tất cả mọi người khác để hưởng thụ, trong khi vẫn tự coi mình đang theo đuổi một lý tưởng, nhân danh lợi ích của đám đông. Họ có thể hành động tàn bạo, lừa lọc, gian trá, trong lúc thực hiện “lý tưởng” của họ, vì họ tin rằng họ đã làm chủ được chân lý - để thực hiện chân lý, như một tôn giáo, người ta không từ nan một việc ác nào. Khai tử thế giới đó, chấm dứt ảo vọng đó, dù mới chỉ thực hiện được ở các nước cộng sản Âu Châu thôi, đã là một điều rất đáng mừng cho cả nhân loại. Những người đầu tiên theo chủ nghĩa cộng sản vì lý tưởng muốn chấm dứt, thay đổi cảnh bất công trong nền kinh tế tư bản. Nhưng lý thuyết kinh tế của Karl Marx dù phân tích rất xuất sắc nhưng chỉ đưa ra những viễn tượng thiếu thực tế, cho nên Lenin đã tìm cách thực hiện qua guồng máy nhà nước. Stalin đã hoàn thiện hệ thống chuyên chế quản lý xã hội này, kiểm soát cuộc sống của tất cả mọi người bằng một guồng máy tập trung. Các người làm cách mạng trong những nước nghèo nhìn vào hệ thống tổ chức đó rất cảm phục vì cảm thấy nó giản dị, hữu hiệu, và dễ bắt chước. Họ tưởng rằng muốn cho các nước nghèo tiến lên với tốc độ nhanh thì nên bắt chước Liên Xô! Ðó là bắt đầu sai lầm những mối sai lầm. Sai lầm đầu tiên là một đảng cách mạng dù theo mục tiêu dân chủ nhưng hoạt động trong bí mật sẽ dần dần đưa tới chế độ “quả đầu” ngay trong đảng của họ. Một lớp cán bộ chỉ huy năng động nhất sẽ chiếm độc quyền lãnh đạo và chỉ còn nghĩ tới địa vị của mình, bỏ qua lý tưởng ban đầu mà các đảng viên vẫn theo đuổi. Ðiều này đã được nhà xã hội học Robert Michels (1876-1936), một học trò giỏi của Max Weber nêu lên từ năm 1911. Các đảng cộng sản trên thế giới đều đi vào con đường như Lenin và Stalin đã đi ở Nga, cuối cùng đều phản bội lý tưởng ban đầu, chỉ còn giữ một hệ thống thư lại độc quyền. Một điều sai lầm quan trọng không kém là họ không nhớ rằng “quyền hành sinh nhũng lạm, quyền tuyệt đối sinh nhũng lạm tuyệt đối.” Lord Acton (1832-1902) được người đời nhớ nhất vì nhận xét giản dị này, mà một người bình thường sử dụng lương tri cũng có thể thấy như vậy. Chỉ những người cuồng tín và tự cao tự đại mới nhắm mắt trước sự thật đơn sơ đó. Những lãnh tụ cộng sản ở các nước nghèo tưởng rằng họ có thể đưa dân tộc mình vào con đường hiện đại hóa bằng guồng máy kinh tế, chính trị cộng sản Nga, họ phạm một nhầm lẫn khác. Sử dụng chính quyền để thúc đẩy kinh tế tiến lên, thay vì khuyến khích thị trường phát triển, đã không tiến nhanh hơn mà ngược lại còn làm cho quá trình hiện đại hóa chậm chạp hơn. Vì chính quyền không giúp cho xã hội tiến nhanh mà lại trói buộc, trì hoãn, khiến xã hội tiến chậm hơn. Cứ so sánh hai vùng Tây và Ðông Âu Châu sau Ðại Chiến Thứ Hai, thấy ngay. Các nước Ðông Âu có những chính quyền mạnh, tập trung lãnh đạo, chỉ huy, vẽ ra các kế hoạch; còn các nước Tây Âu thì luôn luôn lộn xộn, chính phủ lên rồi lại đổ, những nước như Italy tưởng như không ai cai trị nổi. Nhưng sau cùng Tây Âu đã tới trước Ðông Âu trong cuộc chạy đua kinh tế, đồng thời xã hội của họ cởi mở, tự do, lành mạnh hơn. Các chế độ cộng sản ở Nga và Ðông Âu sụp đổ không phải vì “những thế lực thù địch” nào chống phá mà vì chính người dân, các nhà trí thức, rồi đến các đảng viên cộng sản của các nước đó nhìn thấy con đường họ đang theo bế tắc, vì những sai lầm căn bản trên. Người dân sống nghèo hơn. Họ không có tự do. Ðạo lý cũng suy đồi. Hạnh phúc không đạt được. Những người như Gorbachev, Yeltsin ở Nga, Zaruelski ở Ba Lan, Egon Krenz ở Ðông Ðức không yêu thích gì chế độ dân chủ; họ vẫn mong bảo vệ một chế độ đã nuôi nấng họ, tạo nên địa vị, của cải cho họ. Nhưng họ phải lùi bước, vì những sai lầm tích lũy đã đưa đảng cộng sản đến bước đường cùng. Họ đã “từ bỏ đảng cộng sản” bằng cách lẳng lặng để cho nó tan rã, vô tình giúp bao nhiêu đảng viên khác tự động từ bỏ đảng. Cuối cùng thì tất cả các đảng viên cộng sản sẽ từ bỏ đảng, bằng cách này hay cách khác. Lịch sử sẽ ghi nhận cộng sản là một cuộc thí nghiệm thất bại của loài người. Kinh tế tư bản có vẻ sống lâu hơn. Tư bản không phải là một chủ nghĩa, mà chỉ là một cách tổ chức kinh tế dựa trên thị trường, trên hoạt động và sáng kiến của các công dân tự do. Hệ thống tư bản không theo một giáo điều cho nên cứ thế thay đổi, thích ứng; chưa biết nó sẽ kéo dài được bao lâu. Loài người sẽ tiếp tục thí nghiệm những phương pháp tổ chức xã hội khác. Một điều chắc sẽ khó thay đổi, là niềm tin vào tự do dân chủ của con người mỗi ngày mạnh hơn. Chỉ trong cuộc sống tự do dân chủ xã hội loài người mới tiến bộ được. Cho nên, nếu các đảng viên Cộng Sản Việt Nam biết từ bỏ đảng sớm, như 200 đảng viên Cộng Sản Pháp vừa mới làm, thì đó sẽ là phúc lớn cho dân tộc. Ngô Nhân Dụng
......

Bỏ đảng hay đảng bỏ?

"Hôm nay là ngày giỗ Trung Tướng Trần Ðộ. Ông là một người đi tiên phong chống các chính sách của đảng, rồi bị đảng gạt bỏ ra ngoài, bị trục xuất từ hơn mười năm trước. Ðến lúc ông chết, những vòng hoa có chữ “thương tiếc” đều bị cắt bỏ. Cái dấu “bị đảng trục xuất” là một huy chương gắn trên quan tài ông. Những đảng viên hiện giờ đang nhìn thấy cảnh thối nát của đảng phải bật lên lời phẫn uất; họ muốn tự mình từ bỏ đảng hay là chờ tới ngày cũng bị trục xuất? Nếu hàng ngàn người cùng tuyên bố bỏ đảng một lúc thì hàng trăm ngàn đảng viên khác sẽ theo" Hôm qua, nhật báo Nhân Dân (ở Hà Nội) mới loan tin ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách “Trưởng Ban Chỉ Ðạo Trung Ương phòng chống tham nhũng” đã ký một Quyết định (số 17), với tham vọng sẽ thúc cho đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành công việc chống tham nhũng “tốt hơn.” Quyết định này thành lập bảy đoàn công tác để đi kiểm tra, giám sát các vụ án tham nhũng “nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.” Bảy đoàn công tác rất có bề thế. Hai ủy viên Bộ Chính Trị sẽ phụ trách đi điều tra ở các địa điểm nặng nhất, là Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng. Năm người ủy viên Trung Ương Ðảng phụ trách đi thanh kiểm các nơi khác, người nào cũng nằm trong cái “Ban Chỉ Ðạo Trung Ương” của ông Trọng. Riêng ông Nguyễn Bá Thanh, người từng được ông Trọng cất lên làm Trưởng Ban Nội Chính sẽ đi “làm việc tại Bộ Công An, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao;” đó là những cơ quan ở trung ương xưa nay vẫn phụ trách việc chống tham nhũng; để hy vọng biết tại sao họ mấy chục năm trời nay họ chống tham nhũng vẫn không xong! Trước đó một ngày, ông Nguyễn Phú Trọng đã ban hành kế hoạch (số 16) liệt kê những thứ ông định làm để chống tham nhũng. Ðại khái, họ thấy cần phải “phát hiện các hạn chế, yếu kém... nhằm nâng cao hiệu quả,” trong “công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay” rồi “kịp thời chấn chỉnh” để “củng cố lòng tin của nhân dân.” Ðọc hết cái quyết định thì thấy nó đúng là văn chương của đảng Cộng sản, người ngoài không bắt chước được. Nó chỉ toàn những khẩu hiệu tuyên truyền đã từng được lập đi lập lại; ý tứ cũng đại khái giống như lâu nay họ vẫn nói, nói sa sả từ nửa thế kỷ đến giờ. Nếu quý vị đảng viên cộng sản nào vẫn còn tin rằng đảng của họ muốn chống tham nhũng thật, thì chắc họ phải băn khoăn tự hỏi tại sao mình đã hô khẩu hiệu chống tham nhũng hàng ngàn lần, hô đến mỏi cả miệng mà vẫn cứ phải tiếp tục hô mãi? Hô đến bao giờ mới ngưng? Tại sao cái ung nhọt tham nhũng nó cứ phồng lên, càng ngày càng bốc mùi hôi thúi chịu không thấu? Chúng tôi xin giúp quý vị tìm ra một lời giải đáp, nhân mới có một bài nghiên cứu của một giáo sư Ðại Học Hamburg bên Ðức là ông Berno Buechel. Bài nghiên cứu, cộng tác với Eike Emrich, và Stefanie Pohlkamp, tựa là “Không ai vô tội;” nhằm tìm hiểu về hiện tượng dùng thuốc tăng cường sức mạnh (doping) trong các môn thể thao (Nobody's innocent: the role of customers in the doping dilemma). Hiện tượng chích thuốc kích thích này rất phổ biến, ai cũng biết, ai cũng than phiền nó làm mất giá trị các cuộc đấu. Các tổng hội thể thao đều tuyên bố muốn ngăn ngừa, muốn trừ khử, nhưng không thành công. Chẳng khác gì các đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam nói họ muốn trừ tham nhũng vậy. Có người bảo chính khán giả hâm mộ có thể làm áp lực chấm dứt tệ trạng này, nhưng Buechel bác bỏ ý kiến đó. Berno Buechel đã sử dụng một ngành trong toán học là “Lý thuyết Trò chơi” (Game Theory) để nghiên cứu vai trò của các đấu thủ, (ông tốt nghiệp Viện Toán học Kinh tế - Institute of Mathematical Economics từ Ðại Học Bielefeld ở Ðức). Ông đã dùng câu chuyện “Ngụ ngôn hai người tù” (prisoner's dilemma) rất nổi tiếng để tiên đoán rằng không đấu thủ thể thao nào muốn ngưng nạn dùng thuốc kích thích. Một đấu thủ nghĩ rằng nếu mình không chích, để tăng cường sức lực trước khi vào trận đấu, thì thằng khác chúng nó vẫn chích. Vậy tại sao mình lại không chích, nếu bị bắt thì cả hai cùng bị như nhau? Cũng giống như trong chuyện ngụ ngôn, người tù này quyết định thú tội vì nghĩ dù anh kia nó thú tội hay không, mình thú tội vẫn được lợi hơn. Cũng dùng phương pháp đó, Buechel xét đến những “người tù” khác, một “trò chơi, game” khác. Ông xét tới vai trò của các đấu thủ và của các thanh tra vẫn khám nghiệm họ; vẫn giống hai người tù trong câu chuyện ngụ ngôn. Nếu các đấu thủ nghĩ rằng khi bị khám nghiệm thế nào người ta cũng biết mình chích thuốc, thì họ sẽ ngưng không chích nữa. Nhưng kết quả các cuộc khám nghiệm không bao giờ đúng 100% như vậy. Cho nên, họ trở lại với lý luận: Nếu mình không chích thì thằng kia nó vẫn chích! Nhưng các thanh tra làm việc do các hội thể thao trả tiền. Nếu họ khám nghiệm nghiêm ngặt thì họ phải thấy nhiều trường hợp vi phạm hơn; mà trong nhiều môn thể thao hầu như đấu thủ nào cũng chích cả. Vậy thì các tổng hội thể thao chính họ có muốn bắt các thanh tra làm việc chặt chẽ hơn không? Theo quyền lợi của chính họ, các tổ chức thể thao cũng không muốn cho các thanh tra làm việc hữu hiệu. Trước hết, vì muốn khám nghiệm chặt chẽ hơn sẽ tốn tiền hơn. Quan trọng hơn nữa, vì lo mất khách! Nếu khán giả nhìn thấy ở đâu cũng chích choác thì họ sẽ chán không muốn coi các trận đấu võ hay các cuộc chạy đua, đua xe đạp nữa hay đấu bóng nữa! Khán giả mà chán thì số tiền thu của các hội thể thao sẽ xuống, các người lãnh đạo sẽ không lãnh những món lương cao như hiện nay nữa! Tốt nhất, cho khám nghiệm qua loa, lâu lâu bắt được một vụ cho nó đẹp, chứ không nên để cho người ta thấy chỗ nào cũng đầy những con sâu, có khi cả nồi canh toàn sâu là sâu! Trong tình trạng đó, các đấu thủ thấy tốt nhất là cứ chích: Nếu mình không chích thì thằng khác nó vẫn chích! Ðọc tóm tắt kết quả bài nghiên cứu của Berno Buechel chúng ta ngửi thấy ngay cái gì quen quen. Nó nhắc mình nhớ đến những chiến dịch chống tham nhũng triền miên của các đảng cộng sản khắp thế giới. Họ không thể làm công việc “thanh cha, thanh mẹ, thanh dì” một cách nghiêm chỉnh được. Vì làm đứng đắn thì cả “đảng ta” cùng bị thiệt, tội gì! Bảy đoàn thanh tra, chứ ngàn đoàn thanh tra cũng thế thôi! Chẳng qua là một đòn phép để phe này hất cẳng phe kia, triệt hạ đối thủ để nâng phe mình lên! Nếu đảng cộng sản trừ được tham nhũng thì các môn thể thao cũng trừ được nạn chích choác! Nghe như vậy thì chán đời quá! Nhưng may mắn, Berno Buechel có đề nghị một giải pháp hy vọng ngăn ngừa nạn chích thuốc kích thích. Vẫn dùng toán học theo lối Game Theory, ông chứng minh rằng nếu thay đổi “cơ cấu thông tin” (the information structure) thì có hy vọng chấm dứt được tình trạng chích choác trong thể thao. Ông đề nghị kết quả của tất cả các cuộc khám nghiệm phải được công bố, dù kết quả là có chích thuốc (positive) hay không (negative); dù nặng hay nhẹ. Buechel chứng minh, bằng toán học, rằng “nếu chính sách thông tin trong sáng về các các cuộc khám nghiệm được thiết lập, thì các môn thể thao sẽ hết nạn chích choác;” vì quyền lợi của chính những người tham dự trong “trò chơi” khám nghiệm! (If transparency about doping tests is established, then there is a doping-free equilibrium). Berno Buechel chắc cũng nghĩ đến chuyện tham nhũng, khi ông kết luận bài nghiên cứu của mình với nhận xét: Cuộc nghiên cứu này có thể dùng để ấn định chính sách bài trừ nạn chích thuốc, cũng như các hành động gian lận khác” (This has practical implications for the design of anti-doping policies, as well as for other situations of fraudulent activities). Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao nửa thế kỷ chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam không làm nên cơm nên cháo gì cả. Thiếu thông tin trong sáng, đầy đủ và trung thực. Nhưng làm cách nào để cho đảng cộng sản thiết lập một “cơ cấu thông tin trong sáng?” Chỉ có một cách, là họ phải xóa bỏ chế độ độc tài chuyên chế. Khi người dân được tự do bầu cử chọn người cầm quyền, khi mọi người được tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do làm blog, tự do biểu tình, vân vân, thì dù đảng nào nắm quyền cũng phải dần dần trong sáng hơn. Lúc đó nói chuyện chống tham nhũng sẽ dễ dàng hơn! Cho nên, nếu quý vị đảng viên cộng sản muốn cứu đảng và cứu nước, thì phải có hành động đủ mạnh mẽ để cho cái đảng của quý vị thay đổi. Một hành động đủ mạnh mẽ, tạo được một cơn kích xúc (shock) là quý vị hãy rủ nhau tự giải phóng khỏi ách chuyên chế. Phải có một hành động tập thể, của hàng ngàn người, dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin và con đường chuyên chính vô sản, từ bỏ cái chế độ hủ nát hôi thối hiện nay. Nhiều đảng viên đã phê phán, đã “phản biện” hàng chục năm nay rồi, chẳng đi tới đâu cả. Hôm nay là ngày giỗ Trung Tướng Trần Ðộ. Ông là một người đi tiên phong chống các chính sách của đảng, rồi bị đảng gạt bỏ ra ngoài, bị trục xuất từ hơn mười năm trước. Ðến lúc ông chết, những vòng hoa có chữ “thương tiếc” đều bị cắt bỏ. Cái dấu “bị đảng trục xuất” là một huy chương gắn trên quan tài ông. Những đảng viên hiện giờ đang nhìn thấy cảnh thối nát của đảng phải bật lên lời phẫn uất; họ muốn tự mình từ bỏ đảng hay là chờ tới ngày cũng bị trục xuất? Nếu hàng ngàn người cùng tuyên bố bỏ đảng một lúc thì hàng trăm ngàn đảng viên khác sẽ theo. Có như vậy nước ta mới thiết lập được một cơ cấu thông tin trong sáng. Nguồn: diendantheky.net  
......

Trung Quốc Ngàn Năm

Những Nhập Nhằng Của Bắc Kinh Và Hiểu Lầm Của Thế Giới Về Trung Quốc…   Với dư luận thế giới, Trung Quốc là cường quốc đã có ảnh hưởng quốc tế trong cả ngàn năm, sau thế kỷ lụn bại chỉ bằng chớp mắt, nay đang chiếm lại ngôi vị truyền thống. Cho nên các chiến lược gia đều thấy sự thật này trong cách xử trí với một quốc gia từng là trung tâm thế giới hay thiên hạ, như tên gọi của Trung Quốc. Khốn nỗi, sự thật này chỉ là một huyền thoại. Sự thật là Trung Quốc chưa từng là trung tâm của thế giới, dù chỉ là thế giới của đại lục Âu-Á. Và ngàn năm qua, Hán tộc đã từng bị các sắc tộc khác thống trị trong nhiều thế kỷ. Bài này sẽ nói về giai đoạn đầu của “ngàn năm Trung Quốc”, từ năm 960 với Đế chế của nhà Đại Tống cho đến năm 1911 khi Đế chế nhà Đại Thanh sụp đổ, chấm dứt luôn sự cai trị của các Hoàng đế Trung Hoa, khởi đầu từ Tần Thủy Hoàng Đế vào năm 221 trước Công nguyên. Sau ngàn năm đó là “trăm năm huy hoàng” của Hán tộc, từ 1912 đến 2013 – một chuỗi huyền thoại cận đại mình sẽ xét sau…. Thế giới ngoài Châu Á, là Âu Châu hay “Tây phương”, có thể đã lần đầu tiên biết về Trung Quốc dưới cái tên là CATHAY, hình như là do lầm lẫn của Marco Polo khi kể lại chuyện Trung Quốc thời nhà Nguyên với cái tên phổ biến KHITAN tại Tây Á và Trung Á của Đế quốc Khất Đan hay Khiết Đan. Khác với nhiều quốc gia mà tên nước phản ảnh chủ quyền của một sắc tộc chính (Đại Việt là một thí dụ, Afghanistan là một thí dụ khác, đất của người Afghan), Trung Quốc có tên nước khá trung hoà, chung chung, là “quốc gia trung tâm”. Bên trong có nhiều sắc tộc khác nhau, nhưng Hán tộc giữ vai trò chính – hoặc làm như là đã từng giữ vai trò chính. Đấy là huyền thoại đầu tiên, một sai lầm cứ lưu truyền như chân lý. Ngày nay, khi tiếp tục dùng chữ “Trung” như Bắc Kinh hay con vẹt Hà Nội, chúng ta lưu truyền sự sai lầm đó. Vô tình hay cố ý thì xin cứ chọn! Trong ngàn năm Trung Quốc, từ 960 đến 1911, Hán tộc đã nằm dưới, hoặc bị các dị tộc bợp tai đá đít trong nhiều thế kỷ, khoảng hai phần ba thời gian đằng đẵng này. Trước hết, sử sách lười biếng – và kẻ đọc sử theo tinh thần bị Hán hoá, là không dùng óc phê phán – thường ghi rằng nhà Đại Tống khởi nghiệp nhờ Triệu Khuông Dận vào năm 960 sau 70 năm loạn lạc của thời “ngũ đại thập quốc” (“năm đời 10 nước”), và kết thúc vào năm 1279. Ngàn năm qua, đấy là triều đại của Hán tộc có thiên mệnh lâu nhất, dài hơn ba thế kỷ (319 năm). Sự thật lại không hẳn như vậy. Trước hết là về nhà Đại Tống. ĐẠI TỐNG 960-1279   Sự thật là nhà Tống có nhiều thành tựu chói lọi về văn chương hay kỹ thuật, nhưng là thời “đa nguyên” khi chính quyền trung ương suy yếu nhất trong các triều đại của Hán tộc. Lý do là một sự thật khác: lãnh thổ Trung Quốc tuột khỏi tầm kiểm soát của Hán tộc vì bị các triều Khất Đan, Tây Hạ và nhà Kim cai trị trong cả thế kỷ. Xin hãy đọc lại: Từ năm 960 đến 1279, nhà Đại Tống bị mất đất 1) cho Khất Đan từ năm 916 (Triệu Khuông Dận chưa thống nhất tất cả như thiên hạ thường nghĩ) đến năm 1125; 2) cho Tây Hạ (thuộc tộc Tangut, Thông Cổ Tư, có họ với dân Tây Tạng) từ 982 đến 1227; 3) cho nhà Kim, thuộc sắc tộc Nữ Chân, có họ với dân Khất Đan và Mãn tộc sau này, từ năm 1115 đến 1234. Không chỉ mất đất, nhà Tống còn bị chia hai. Sau trăm năm đầu thì Bắc Tống bị tộc Liêu uy hiếp và bị nhà Kim tiêu diệt năm 1127. Còn Nam Tống thoi thóp đến năm 1279 là tiêu vong. Trong 319 năm đó, sự thật ai oán là nhà Đại Tống của Hán tộc chịu phận chư hầu, phải triều cống cho Khất Đan từ năm 1004 và cho Tây Hạ từ năm 1044. Năm 1207, Hoàng đế Nam Tống là Ninh Tông Triệu Khoách còn tăng mức triều cống và tự xưng cháu, “Hoàng điệt”, với “Hoàng thúc” nhà Kim. Chúng ta kính trọng các anh hùng của họ, như Nhạc Phi hay Văn Thiên Tường, nhưng, khi thấy Hán tộc coi thường các sắc tộc họ gọi là tứ di thì đừng quên sự thật: trong hơn ba thế kỷ của nhà Tống, có hai thế kỷ là bị “man di” khuất phục. Ta nhớ lại các anh hùng dân tộc của ta đã đánh bại quân Tống, như Lê Đại Hành năm 981 hay Lý Thường Kiệt năm 1075…. NGUYÊN MÔNG 1279-1368 Sau đó là thời của cháu nội Thành Cát Tư Hãn, là Hốt Tất Liệt, người lập ra nhà Nguyên của sắc tộc Mông Cổ trên một lãnh thổ bát ngát. Sau khi Thành Cát Tư Hản lấn đất cắm dùi từ năm 1207 thì Mông Cổ hoàn toàn làm chủ Trung Quốc từ năm 1279 đến 1368. Hán tộc là dân thứ cấp, hạng dưới, của người Mông Cổ. Dù có thi đỗ để ra làm quan từ năm 1315 trở về sau cho triều Nguyên Mông thì sĩ phu Hán tộc chỉ được nhậm chức ở địa phương. Triều đình trung ương thuộc các Đại Hãn. Họ kết nạp trí thức Tây Á, Trung Á, Á Rập, thậm chí Âu Châu (Marco Polo là thí dụ). Đây là một thời “đa nguyên” khác vì tầng lớp ưu tú xuất phát từ nhiều sắc tộc, thuộc các tôn giáo hay văn hóa như Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo, Cảnh giáo hay Mani giáo (“Minh giáo” theo cái hiểu thông tục nhờ truyện võ hiệp Kim Dung)…. Tư tưởng Khổng Nho và cả chữ Hán có được sử dụng, nhưng chỉ là phương tiện cai trị thực tiễn ở dưới. Và trí thức Hán tộc có hai ngả giải thoát là văn chương, và…. lại luyện thuốc trường sinh theo Đạo giáo. ĐẠI MINH 1368-1644   Sau trăm năm dưới ách Nguyên Mông (1279-1368) Hán tộc có cơ hội quật khởi khi Chu Nguyên Chương sáng lập ra một triều đại kéo dài từ 1368 đến 1644.   Trải ngàn năm của Trung Quốc nếu có một thời kỳ mà Hán tộc thật sự thi thố tài năng hoặc nguyện ước “bình thiên hạ” thì đấy là vào nhà Minh, ít ra trong nửa đầu của 276 năm cai trị, là hơn một thế kỷ. Kết luận là không có gì sáng láng! Tính trung bình thì trong 276 năm, mỗi năm lại có một cuộc chiến (con số chính xác của Alastair Johnson, một học giả Harvard, là 1,12!) Ngoài chuyện loạn lạc triền miên với hơn 300 vụ xung đột giải quyết bằng quân sự, những điểm nổi bật nhất của nhà Minh của tộc Hán là: Thứ nhất, mở rộng và củng cố Vạn lý Trường thành, một kỳ tích của sự sợ hãi có thể thấy được từ mặt trăng. Thứ hai và đấy là lý do, vì khu vực Trung Nguyên của Hán tộc thường bị các dị tộc Mông, Mãn tấn công. Thứ ba, nhà Minh quay đầu vào núi, giữ thể thủ để tồn tại: sau bảy chuyến hải hành từ 1405 đến 1433 của Tam bảo Thái giám Trịnh Hoà, một Đô đốc Hồi giáo, thì Hán tộc ra lệnh “hải cấm”. Nhường đại dương cho thế giới. Thứ tư, nhà Minh trở lại lý luận tinh thuần của Khổng Nho, không tranh đua buôn bán với thiên hạ. Một lý do quan trọng không kém của kỳ tích tự cô lập này là kinh tế: công khố bị kiệt quệ. Mười năm chiếm đóng (1407-1418) và thu vét tài nguyên của Đại Việt lại ộc ra hết và lỗ vốn vì 10 năm kháng chiến của Lê Lợi từ 1418 đến 1427! Xin đặt lại “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi vào bối cảnh “geopolitics”…. Và dù đã nâng cao mở rộng Vạn lý Trường thành, Hán tộc dưới đời Minh vẫn không ngăn nổi thác lũ từ Đông Bắc, họ lại bị dị tộc khuất phục sau khi gặp cảnh tham ô và động loạn liên miên từ trước đời Sùng Trinh 1611-1644. Kết luận thì lãnh thổ Trung Quốc thời Nguyên Mông rộng lớn chừng nào thì co cụm dúm dó chừng đó vào thời nhà Minh của Hán tộc. Rồi chỉ mở rộng là nhờ dị tộc Mãn Thanh.   ĐẠI THANH 1644-1911 Mối duyên, hay cái nợ, của Hán tộc với các sắc tộc Nữ Chân, Khất Đan hay Liêu Kim không kết thúc với nhà Nguyên hoặc được Trường thành Liêu Đông của nhà Minh ngăn trở. Các sắc tộc thiểu số trên vùng Đông Bắc đã tranh đua với nhau, thoát khỏi ách Nguyên Mông và quật khởi. Đó là Mãn Tộc, tự xưng nhà Hậu Kim rồi đổi thành nhà Thanh. Họ vượt trường thành vào làm chủ Trung Quốc từ năm 1644. Ngẫm lại thì thế giới bên ngoài biết quá ít về các sắc tộc hay bộ lạc như Mông Cổ, Tây Hạ hay Thông Cổ Tư, hoặc Mạt Hạt, Nữ Chân, Khất Đan, Cao Ly hay Mãn Châu, v.v…. Có lẽ Hán tộc cũng tránh nói đến cái phần kém vinh quang của họ trên những khu vực hoang vu cằn cỗi nơi “quan ngoại”, ngoài Vạn lý Trường thành. Cho đến khi bàng hoàng vì bị một sắc dân thiểu số từ đó bước vào cai trị trong 267 năm. Các sắc dân này cũng có đại anh hùng, như Đại Hãn Nỗ Nhĩ Cáp Xích và con trai là Hoàng Thái Cực, hai người sáng lập nhà Đại Thanh. Họ là tổ phụ của những Khang Hy và Càn Long nổi tiếng trên thế giới và góp phần nhân đôi diện tích của Trung Quốc vào đời Minh! Quả thật là nhà Đại Thanh đã là đại cường Đông Á trong thời kỳ đầu, với các cuộc viễn chinh mở rộng bờ cõi nhờ các chiến công quân sự tại Tân Cương, Tây Tạng, Nepal và Miến Điện. (Trường hợp nước ta với Quang Trung Nguyễn Huệ là ngoại lệ tê tái, y như các chiến công đời Trần). Thế giới khi ấy chỉ có ba Đế quốc xứng tài là Đế quốc Ottoman theo Hồi giáo, Đế quốc Moghul của văn hóa Ba Tư và Đế quốc Đại Thanh của Mãn tộc. Dưới triều Mãn Thanh, Hán tộc lại là loại công dân hạng nhì, thắt bím nằm im dưới các sắc tộc thiểu số. Trong tổ chức quân sự và dân sự, là “bát kỳ”, dưới tám lá cờ, các tộc Mãn và Mông vẫn lãnh đạo ở trên, Hán tộc là nô bộc chỉ được tham dự về sau, và ở cấp thấp. Trong sinh hoạt trị quốc, chữ Hán có được dùng, nhưng chỉ là phương tiện điều hành cho cấp dưới, chứ các văn từ quan trọng nhất đều viết bằng tiếng Mãn. Việc Hán tộc đã “Hán hóa” của dị tộc cũng là một huyền thoại khác. Nhà Thanh áp dụng tư tưởng Khổng Nho vì có lợi cho bộ máy thống trị – và cũng khiến xứ sở lụn bại dần – chứ vẫn khinh thường người Hán. Chỉ những ai đã nhiều đời phục vụ các tộc Nữ Chân, Kim Liêu về trước hay Mông Mãn về sau mới được trọng dụng. Họ là thành phần bị gọi là “Hán gian”…. Chính là sự miệt thị này mới giải thích phản ứng dội ngược của Hán tộc trong cuộc cách mạng gọi là “Dân Quốc” vào năm 1911 – và những thảm kịch về sau. Chuyện về sau, khi sẽ nói sau…. Khi điểm lại “ngàn năm Trung Quốc”, từ 960 đến 1911, ta thấy ra quy luật của sự nhập nhằng, lồng trong mặc cảm tự ti được che giấu bằng tinh thần tự tôn nhờ chiến công của người khác. Trong 319 năm của nhà Tống, có hơn 200 năm bị ngoại thuộc từng phần rồi toàn phần. Cộng với gần trăm năm thống trị của Mông Cổ và 267 năm của Mãn Thanh, Trung Quốc thực tế bị ngoại tộc khuất phục trong khoảng 600 năm. Xin viết lại cho dễ nhớ: 600 năm cúi đầu trong 950 của Đế chế Trung Quốc. Nói cách khác, đa số các Hoàng đế Trung Quốc không phải là người Hán. Hai phần ba thời gian vinh quang của Trung Quốc ngàn năm là một chuỗi dài nhục nhã cho Hán tộc. Khi các dị tộc man rợ này cai trị thiên triều thì họ mở cơ hội cho nhiều sắc tộc khác tham gia. Khi Hán tộc có thể một mình một chợ thi thố tài năng thì chủ nghĩa duy chủng thắng thế, Hán tộc là nhất. Trung Quốc có sự “ổn định” huy hoàng – trăm năm đầu của nhà Tống và nhà Minh. Sau đó là nội loạn, ngoại xâm và lụn bại. Ngày nay, khi lãnh đạo Trung Quốc lấy chiến công chinh phục của dị tộc để nói về chủ quyền của họ, từ vùng Mãn Châu qua Nội Mông, Tân Cương hay Tây Tạng, họ nhập nhằng với lịch sử. Và với địa dư. Những vùng đất nằm ngoài Vạn lý Trường thành, dù là xây vào đời Chiến Quốc, hay Tần, hay mở rộng vào đời Minh, không thể là lãnh thổ của Trung Quốc. Lãnh đạo Bắc Kinh còn nhập nhằng với các sắc tộc khác khi lại đề cao Hán tộc và coi thường những sắc tộc đã bị đồng hóa lần mòn, mà vẫn chưa thấy yên tâm trong bụng…. Nếu hiểu ra tâm lý đó, ta có thể hiểu được những động thái ngày nay của Bắc Kinh, rất hung hăng với bên ngoài, để che giấu mối lo ở bên trong.   Đặt vào bối cảnh địa dư chiến lược của trường kỳ, ta mới thấy sự kiêu hùng của Đại Việt từ các chiến công lẫy lừng vào đời Tống, đời Nguyên, đời Minh đến thời Thanh làm Càn Long phải tâm phục…. Còn đâu cái nét kiêu hùng? Nguyễn-Xuân Nghĩa Nguồn:vietthuc.org
......

Phỏng vấn nhà văn Võ Thị Hảo về Nghị định 72

Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã gặp phải nhiều chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền và một số công ty kinh doanh mạng cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm trầm trọng quyền tự do thông tin và được thông tin. Giới blogger Việt Nam cũng đã phản ứng mạnh mẽ, lên án NĐ 72 vi phạm nghiêm trọng các quyền căn bản của công dân, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận qua việc lưu truyền thông tin trên mạng. Riêng nhà văn Võ Thị Hảo nhận định rằng "Nếu thực hiện theo thông tin này thì con người chỉ có thể bàn về ăn, ngủ, mặc; thế hoá ra con người trở lại ngu xuẩn như loài vật, chỉ biết cúi vào cái máng của mình à?". Mời quí vị theo dõi cuộc trò chuyện giữa nhà văn Võ Thị Hảo và phóng viên Vân Quang về nghị định 72 mà nhà nước CSVN vừa ban hành. Vân Quang: Là một nhà văn, nhà báo, trong các tác phẩm của mình, chị rất quan tâm đến vấn đề dân khí của đất nước. Chị rất ưu tư và băn khoăn nhiều vấn đề khi dân khí đang ngày càng suy đồi một cách nghiêm trọng, chị có thể cho biết là nguyên cớ nào mà dân khí ở nước ta ngày càng suy đồi như thế? Võ Thị Hảo: Vâng, theo tôi thì dân khí Việt Nam ngày càng suy đồi, tại vì dân Việt Nam ngay từ thời phong kiến đã không có tự do ngôn luận và nhân quyền; đến thời thuộc Pháp thì cũng có bị hạn chế nhiều tự do, nhưng dù sao cũng có thể ra được báo chí tư nhân và có được những đảng phái đối lập. Từ năm 1946 đến giờ thì chuyển sang thể chế này thì tôi thấy rằng 67 năm nay, dù hiến pháp Việt Nam năm 1946 có qui định về tự do báo chí, tự do xuất bản, về quyền con người; thế nhưng lại thường xuyên bị vi phạm. Và người nói thật thì hoặc là họ không được nói, hoặc họ bị bức hại. Hệ thống tuyên truyền thì bị cấm đoán rất nhiều; ngay cả lời nói, phát biểu của một số nguyên thủ cũng còn bị cắt, bị sửa. Tôi thấy rằng người dân sợ hãi. Đã có truyền thống nô lệ từ trước; không có tự do báo chí, tự do xuất bản, rồi quyền con người cũng bị xâm hại, bởi vậy lâu ngày quá người ta càng sợ hãi, càng suy đồi. Tôi nghĩ đấy là những nguyên nhân rất quan trọng. Khi mà không có được sự giám sát, không có tam quyền phân lập thì rất khó để chân lý và sự thật được bảo vệ, và khi mà sự thật và chân lý rất khó để được bảo vệ thì con người ta càng sợ hãi, và bởi vậy dân khí càng đi xuống. Vân Quang: Thưa chị, dân khí đi xuống, nhưng bây giờ nhiều phương tiện thông tin đại chúng có thể giúp về vấn đề khôi phục lại để nâng cao dân khí thì lại đang bị nhà nước Việt Nam cản trở, thí dụ vấn đề internet chẳng hạn. Mới đây vào ngày 15 tháng 7, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Nghị định 72, mà theo mọi người thì đây là nghị định bịt miệng người nói và cản trở vấn đề phát triển trao đổi thông tin giữa mọi người với nhau, giao dịch để giúp nâng cao dân khí, chị nghĩ gì về nghị định này ạ? Võ Thị Hảo: Nghị định 72 đối với tôi là một điều tôi không thể tưởng tượng nổi là có một nghị định như thế này. Bình thường tôi cũng không để ý lắm, bởi vì tôi mải mê vào công việc của mình, song đến một ngày khi mà Nghị định 72 được ký ban hành thì tôi ngạc nhiên quá; tôi nghĩ rằng chắc mình đang nằm mơ bởi vì không thể tưởng tượng được là có một cái nghị định mà lạ như thế. Tôi thấy rất lạ là các cơ quan chuyên môn lại có thể tư vấn, đưa cho thủ tướng ký một cái nghị định vi hiến đến như vậy, nó lại còn tệ hơn cả điều 258 của Bộ luật hình sự Việt Nam, cũng là một điều bóp nghẹt tự do ngôn luận và cũng vi hiến nữa. Thế thì nó trái với qui định hiện hành của Hiến pháp Việt Nam về tự do ngôn luận cũng như về tự do báo chí, tự do thông tin, về quyền con người. Sự việc này rất là lạ vì lẽ ra, các cơ quan truyền thông chính thống - chẳng hạn như báo chí, báo chí của nhà nước - gọi là báo lề phải, người ta phải mất tiền cho dân đọc, cho dân bình luận, để cho mọi người càng bình luận, càng đọc để rộng rãi thì càng mừng chứ; như thế mới là có tác dụng của tuyên truyền. Tôi không thể tưởng tượng được có những qui định lạ như là: các trang thông tin cá nhân thì không được đưa thông tin tổng hợp, rồi tự trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước; nếu mà thế thị bị xử lý, theo một trả lời của một ông có chức lớn trong ngành quản lý phát thanh và truyền thông. Tôi không thể tưởng tượng được, như thế thì lạ quá; bởi vì là con người, cho dù đưa thông tin cá nhân hay những lời lên trang web của mình, hay là nói chuyện ở ngoài xã hội thì con người vốn là tổng hợp của các vấn đề trong xã hội, thì làm sao lại có thể không đề cập đến những câu chuyện của xã hội? Chẳng hạn như hôm nay, có người giết một người, hoặc là có người đưa thực phẩm độc vào trong bún hay trong gạo; hoặc có người thấy người ta chìm thuyền chết cả bao nhiêu người mà không cứu. Tất cả những cái ấy, người ta phải bàn luận chứ. Nếu mà thực hiện theo thông tin này thì con người chỉ có thể bàn về ăn, ngủ, mặc; thế hóa ra con người trở lại ngu xuẩn như loài vật, chỉ biết cúi vào cái máng của mình à? Sao kỳ lạ như vậy, tôi không thể tưởng tượng nổi; nó vi hiến, vi phạm luật báo chí và vi phạm các cam kết quốc tế về truyền thông. Tôi không thể tưởng tượng được. Tôi nghĩ rằng nghị định này ra đời chưa được sự kiểm tra của những người có chuyên môn, của Bộ tư pháp, và vì vậy mới xảy ra một trường hợp đưa ra một nghị định mà lại vi hiến đến mức này. Tôi nghĩ là Bộ tư pháp và Quốc hội cần vào cuộc để thẩm tra lại () cái nghị định này. Chẳng hạn như việc cấm tất cả các trang ở nước ngoài không được đưa những thông tin có hại cho đảng, nhà nước. Thế thì qui định như thế nào là có hại? Nếu đưa những thông tin về sự thật thì tôi nghĩ rằng nó không những không có hại mà có lợi cho đảng và nhà nước, cho chính phủ chứ! Tại vì nếu mà chính phủ muốn vững mạnh thì cần phải nghe những thông tin về sự thật để điều chỉnh lại mình. Thế thì tại sao lại đưa ra một cái nghị định với những qui định lạ đời như thế này, tôi không tưởng tượng nổi. Vân Quang: Để dân khí được nâng cao, để người dân không thể vô cảm trước tình hình, hiện trạng của đất nước, cũng như trong cuộc sống xã hội hiện nay, thì theo chị chúng ta phải có những biện pháp như thế nào, và làm thế nào vượt qua những điều mà chúng ta đang bị cản trở? Võ Thị Hảo: Về vấn đề dân khí, tôi biết là có những kiểu cầm quyền, những kiểu thể chế, họ sẽ ứng xử khác nhau với trình độ dân khí. Chẳng hạn như những nhà cầm quyền mạnh mẽ, tự tin và biết tôn trọng quyền con người và quyền tự do - quyền đương nhiên của mỗi một công dân, không bất cứ ai được quyền tước bỏ - thì họ sẽ rất mừng khi người dân có mức độ dân khí cao, người công dân có tự trọng, dám mở miệng, dám cảnh báo và nói sự thật; bởi vì sự thật là cái gốc của mọi sự tồn tại. Nếu nền tảng cao nhất của mọi sự tồn tại không có sự thật thì chúng ta xây nhà trên bùn, thì đương nhiên là nhà đổ. Nhưng với những thể chế không tự tin và chỉ muốn tước đoạt quyền tự do, quyền đương nhiên của con người, thì đương nhiên luôn luôn sợ hãi và làm mọi cách để cho dân khí tồi tệ đi; và dân càng tối tăm, càng sợ hãi, càng nô lệ thì họ càng mừng. Nhưng tôi nghĩ đấy là một sai lầm, và nếu cứ áp dụng những cách đó mãi thì sẽ không tồn tại được. Đấy là điều mà lịch sử hàng bao nhiêu năm nay đã chứng minh rồi. Tôi nghĩ là để làm cho dân khí lên cao thì đương nhiên là phải cải cách thể chế, phải trả lại cái quyền tự do cho con người và phải để cho nền kinh tế tư nhân phát triển, ruộng đất phải thuộc về tay người dân, người dân phải có quyền sở hữu về ruộng đất. Cuối cùng bao nhiêu sông cũng chảy vào biển, cuối cùng thì người dân cũng đóng góp cho đất nước này vững mạnh mà thôi, cho con người Việt Nam đỡ hèn kém nhục nhã, đỡ ác với nhau đến mức mà xã hội loạn như thế này. Tôi nghĩ rằng đấy là việc cần phải làm. Tất nhiên, trong đó nếu dân khí Việt Nam suy đồi thì cũng một phần tại những công dân Việt Nam; mỗi người phải tự thấy có trách nhiệm, phải tự thấy rằng mình phải xác tín quyền làm người của mình. Tôi đã nói nhiều lần rồi, ở đây tôi chỉ lập lại, tức là phải đặt mình ngang hàng với một con vịt, con gà chứ; có quyền kêu lên tiếng của một sinh vật đang sống, chứ không phải một sinh vật đã chết. Điều này trước hết là do có những người muốn bóp nghẹt quyền của con người, và họ có sức mạnh trong tay, có công cụ để đàn áp, có thể bức hại con người. Nhưng một mặt nữa là con người Việt Nam, mỗi người đã chưa ý thức về trách nhiệm con người của mình, trách nhiệm sinh vật của mình, và để làm cho càng dễ bị đàn áp hơn vì chúng ta thờ ơ với nhau quá. Tôi nghĩ rằng tất cả đều phải cố gắng, mỗi người hãy mở miệng ra để xác tín rằng chúng ta đang sống và chúng ta chỉ làm điều tốt thôi, không có gì là đối lập với chính phủ cả; và đấy là giúp chính phủ nhận ra sự thật và làm điều tốt. Tôi nghĩ như vậy và đương nhiên là phải cải cách thể chế càng sớm càng tốt, không thể để như thế này được. Vân Quang: Xin cảm ơn nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo về cuộc nói chuyện thân tình này. Xin chúc chị mạnh khỏe, xin cảm ơn chị. Võ Thị Hảo: Xin cảm ơn anh và chúc sức khỏe cũng như sự bình an cho các bạn. Nguồn: RadioCTM
......

Rối như canh hẹ

Gần đây, trên một số chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt nam, bắt đầu được nghe tin và bình luận về một số vấn đề "bức xúc" hiện nay. Kể ra, báo "lề phải" của Đảng và Nhà nước đã bắt đầu không chỉ "tô son vẽ phấn" cho diễn biến đời sống xã hội, bắt đầu dám nói đến những cái gai góc của đời sống xã hội ấy. Cho dù đây mới chỉ là "nốt nhạc dạo đầu" của những sự thật mà vai trò của báo chí cách mạng không thể làm ngơ.   Qua đó, chúng tôi cảm thấy trong thời gian này đất nước ta có nhiều vấn đề gay cấn quá thể. Qua báo chí "lề phải", nhất là qua các trang báo địa phương và Đài phát thanh truyền hình địa phương, thì mọi điều vẫn diễn ra "thành công, ổn định" cả, chẳng có gì phải quan tâm. Nhưng, theo dõi nhiều hội nghị của trung ương, của Bộ, ngành thì bật ra những điều lo lắng quá, rối rắm quá. Tôi tạm thời nói lại câu cửa miệng của bà ngoại tôi lúc nuôi tôi còn bé rằng : "Làm gì mà cứ rối như canh hẹ !" Cái mớ canh hẹ của tình hình xã hội ta trong thời điểm hiện nay là như thế nào ? Chẳng cần phải có "một góc nhìn nào khác" mà chỉ nhìn vào thực tế, nghe thực thế, nghe chính các báo đài "lề phải" cũng chắt lọc ra không ít vấn đề "rối như canh hẹ". Về tình hình phát triển kinh tế của đất nước, thì chỉ nghe báo cáo của Chính phủ trong các cuộc họp hàng tháng, có thể có những cái đáng mừng hơn thời kỳ ảm đạm, nhưng lại chưa thật mừng vì không biết tin vào con số nào. Cũng một vấn đề, mà báo cáo Chính phủ một khác, báo cáo ở Quốc hội một khác. Ví dụ như vấn đề phòng, chống tham nhũng "quốc nạn" hiện nay chẳng hạn. Tham nhũng đã được Trung ương Đảng chỉ mặt vạch tên, gọi thẳng, nhưng mới chỉ là sự "di lý" từ Chính phủ chỉ đạo sang Bộ Chính trị mà thôi. Có khôi phục Ban Nội Chính, Ban Kinh tế trung ương, và nghe đâu có thành lập chân rết các Ban này ở cấp tỉnh, thành nữa, nhưng sao "tham nhũng vẫn còn nhiều" và diễn biến phức tạp, tinh vi, to lớn, nghiêm trọng hơn trước rất nhiều, thì càng chống càng "giương" lên mà thôi. Những vụ tham nhũng lớn và rất lớn liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành, nhiều ông to bà lớn thì nêu đã nhiều, dân ngóng chờ đã nhiều mà không thấy Ban chỉ đạo hoặc cơ quan chức năng, dù của Đảng hay của Chính phủ thì vẫn là một, chưa xử lý dứt điểm cho dân nhờ, cứ tổng kết lại nêu lên "bức xúc", "quyết liệt", "quyết liệt" họp xong, nói xong lai đâu vào đấy. Bọn tham nhũng vẫn nhởn nhơ. Tiền bạc của cải của Nhà nước, của nhân dân vẫn thất thoát (Nói thất thoát cho có vẻ văn chương) chứ thực chất vẫn bị bọn tham nhũng "móc túi" nhiều nhiều lắm. Một đồng ngân sách cúng là tiến thuế của dân, hoặc ODA gì gì đó sau này cũng do dân phải nai lưng trả nợ chứ có phải là trên trời rơi xuống đâu ! Lại còn nợ xấu, nợ đẹp, lại còn lãng phí hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng, lại còn phải "đền" nhà đầu tư nước ngoài hơn 150 tỷ đồng vì cái tội "chậm giải phóng mặt bằng" cầu Nhật Tân, lại còn hàng chục công trình, hàng chục khu công nghiệp dở dang, bất động sản không chỉ đóng băng mà còn vỡ nữa. Tiền của ấy lấy đâu ra, ai chịu trách nhiệm? Nông dân nước ta còn chiếm 70% dân số cả nước, mấy năm qua được biểu dương kết quả "tam nông", trong đó có xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo... Bảo rằng nông dân sẽ được lãi 30%. Nhưng thực tế, cả nước nông dân đang chịu cái khổ "được mùa rớt giá" vì đầu vào cái gì cũng đắt, đầu ra lại phụ thuộc vào "thương lái" và đủ thứ ăn chặn... Người làm ra lúa gạo và nông sản xuất khẩu thì không được hưởng lợi. Lợi chỉ rơi vào tay ai đó mà thôi. Ôi chân lấm tay bùn, một nắng hai sương mà làm gì. Hầu hết nông dân mang tuổi "Sửu", tuổi "Sửu" cầm tinh con trâu ăn giả làm thật.Nghịch lý đấy nhưng ai sửa lại cho "xuôi" lý, cho "giai cấp nông dân" được mát mày mát mặt bây giờ ? Thông tin đại chúng dai dẳng đưa tin vì văc-xin phòng viêm gan B tiêm cho ba cháu sơ sinh ở Hướng Hóa, Quảng Trị, bị qua đời khi chưa được chào đời đầy 24 tiếng đồng hồ. Nhiều cơ quan vào cuộc điều tra nguyên nhân, nhưng Bà Bộ trưởng Y tế có mặt ở đấy cũng không thèm bớt chút thì giờ đến ủy lạo gia đình họ. Hay vì dân Hướng Hóa, các bà mẹ ở Hướng Hóa không xứng đáng để Bà Bộ trưởng đến thăm? Tiếp theo đó lại có tin hàng nghìn người chung một tờ kết quả xét nghiệm máu ở Trung tâm Y tế huyên Hoài Đức của Hà Nội. Có lẽ đây là "thành tích" kỷ niệm 5 năm ngày mở rộng Hà Nội ra cả tỉnh Hà Tây quê lụa ? Khi xảy ra một số tai nạn giao thông nghiêm trọng trong đó có tai nạn đường thủy ở huyện Cần Giờ, ông Bộ trưởng "bay" ngay vào hiện trường. Ít ra cũng cần có động tác như vậy, nhưng tại sao lại có tai nạn như vậy xảy ra bên cạnh rất nhiều tai nạn rất thảm khốc trên các tuyến đường bộ? Trên thế giới này, có nước nào nhiều tai nạn giao thông như nước ta không ? Gần đây, theo tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, thì hàng vạn văn bản pháp quy do các ngành, các cấp ban hành vừa không đúng Luật vừa không khả thi, vẫn được đưa ra "bắt" dân phải thi hành. Tôi được biết, những văn bản này đều do người có trình độ soạn thảo và nhiều cấp nhiều ngành cùng xem đi xét lại trước khi cho ban hành, vậy mà vẫn còn có những sai sót không đáng có. Ví dụ trong 8 ngày Bộ Giáo dục đào tạo cho ra và rút lại văn bản quy định cộng thêm điểm thi cho thí sinh là "Bà mẹ Việt nam anh hùng". Đấy là cấp trung ương, cấp bộ, cấp ngành, còn về đến cấp tỉnh thành, quận huyện và cấp cơ sở thì văn bản loạn đến mức nào. Chỉ khổ dân thôi. Qua thông tin đại chúng, tôi có cảm giác đất nước bây giờ thiếu "quan trị, quan nhậm" thiếu người cầm cương thống nhất và có tâm có tầm vì lợi ích quốc gia dân tộc, và lợi ích của nhân dân, dường như mạnh nhóm lợi ích nào nhóm ấy làm, không ai bảo được ai. Ví dụ, theo các nguồn tin cho hay thì giá thành một kWh điện có 900 đồng, vẫn bị ngành điện nâng lên hơn 1500 đồng, họ vẫn bảo là phải bù chi phí. Mong có điện khí hóa toàn quốc, dân nai lưng đóng thuế góp phần xây dựng mạng lưới phát điện, chuyển tải điện, nay có điện dùng (mặc dù chưa phải 100%) thì bị chính ông ngành điện muốn tăng giá thế nào thì tăng, không nộp đủ tiền điện hàng tháng thì bị cúp điện. Trong khi một số nơi dân bị "mất điện luân phiên" hay "bị sự cố", thì những "ông quan, ông vua" ở những khu vực "ưu tiên" hoặc bản thân những anh công nhân điện, chẳng bao giờ bị mất điện. Giá điện tăng, giá xăng dầu tăng, giá ga tăng, cứ bảo là không ảnh hưởng nhiều lắm, song thị trường cứ tăng giá theo vùn vụt, chẳng ai có thể ngăn được. Họ bảo không ảnh hưởng, như cụ thể, tại một cái chợ nông thôn quê tôi cách Hà Nội 30 km, sáng 8-8-2013, một mớ rau muống lên 8.000, 9.000 đồng, chưa nói đến sữa cho trẻ em người già, người ốm, cứ tăng vùn vụt trong khi thu nhập của dân chỉ tăng trên giấy, tăng trong các báo cáo chứ đời sống thì sắp sửa xuống đến độ âm rồi ! Cũng nghe tin từ thông tin đại chúng, trên các phương tiện báo chí của Đảng và Nhà nước, đây đó có hiện tượng cán bộ xã hội đỏ móc với "xã hội đen" đánh lộn thầu công trình chia nhau tiền tỷ, tranh nhau nơi nuôi ngao, hàng trăm dân đánh nhau như "trong phim" hành động, có người chết và bị thương. Chỗ này chỗ kia có những đám bạc lớn sát phạt nhau. Người ta còn phát hiện cán bộ ngành bảo vệ pháp luật cũng đánh bạc to lắm, con ông bí thư xã một canh cá độ mất tiền tỷ. Xã hội đen đến tận nhà siết nợ, làm cả gia đình sợ run, đành phải "nôn" tiền trả nợ cho con, "con dại cái mang" mà. Viết đến đây, tôi đã thấy cần dừng lại kẻo phơi bày ra nhiều "canh hẹ" quá làm khổ người lỡ đọc được bài của tôi. Đúng là "rối như canh hẹ" nhưng chờ mãi chẳng có ai có quyền giải quyết thấu đáo, chẳng thấy ai vào cuộc cho đến nơi đến chốn và xã hội thì cứ vẫn "rối như canh hẹ". Có người bảo chính là do ta "độc" nên ăn của độc đấy thôi. nguồn: http://bolapquechoa.blogspot.com/2013/08/ * Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
......

Thái độ khác biệt giữa Nhật - Phi với Việt Nam về sự lấn át của Trung Quốc ở Biển Đông

Lập trường của chính phủ Hoa Kỳ là không đứng về bên nào cả trong vấn đề tranh chấp chủ quyền những quần đảo ở biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng lên án bất cứ quốc gia nào sử dụng vũ lực quân sự để mưu đồ thay đổi hiện trạng ở hai vùng biển này. Ngoài ra Hoa Kỳ còn có những hiệp ước Bảo an với một số quốc gia ở Á châu như Nhật Bản, Philippines nên sẵn sàng bảo vệ mỗi khi các nước này bị tấn công. Mới đây, hồi tháng 6, tại California, trong cuộc hội đàm tay đôi giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc nên tự chế. Sau khi ông Bình trở về nước thì Trung Quốc lại tiếp tục đưa tàu hải giám, tàu thăm dò hải dương lẫn máy bay đến vùng quần đảo Senkaku. Lẽ đương nhiên lực lượng phòng vệ của Nhật sẵn sàng ứng chiến nếu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm hải phận và không phận. Trong khi đó ở vùng biển Đông thì 9000 tàu cá Trung Quốc được các tàu hải giám, tàu chiến hộ tống đến bắt cá ở ngay trong lãnh hải Việt Nam khiến các ngư dân của ta không dám kéo ra hành nghề, thế nhưng chính quyền CSVN chỉ phản đối chiếu lệ chứ không có một hành động cụ thể nào để bảo vệ ngư dân. Philippines thì không bị Trung quốc uy hiếp như Việt Nam vì quân đội của quốc gia này quyết chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Tin mới nhất cho hay là lực lượng hải quân và không quân Philippines sẽ dời căn cứ đến cảng Subic trên đảo Luzon (trước đây là căn cứ hải quân Mỹ) để có thể đối phó kịp thời mỗi khi Trung Quốc xâm phạm không phận và hải phận. Việc di chuyển này sẽ làm cho Philippines tốn phí một ngân sách khá lớn trên 5,1 tỷ peso (115 triệu USD), nhưng Quốc hội Philippines đã chấp thuận. Đứng trước tình trạng Trung Quốc leo thang gây bất ổn ở biển Đông và biển Hoa Đông bằng vũ lực quân sự nên vào ngày 29/07/2013 vừa qua, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một quyết nghị lên án việc sử dụng vũ lực để dành chủ quyền lãnh thổ đối với những hòn đảo trên biển Đông và Hoa Đông. Tokyo và Manila hoan nghênh quyết nghị này và coi đó như là một dấu hiệu tích cực trong chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ sang vùng Á châu- Thái Bình dương nhằm kiềm chế hành vi hung hãn của Trung Quốc. Việt Nam là quốc gia trong vùng bị Trung Quốc lấn áp nhiều nhất, thế mà Hà Nội vẫn im tiếng không đả động gì đến quyết nghị này, ngược lại còn đón tiếp Ngoại trưởng Bắc Kinh – kẻ lên tiếng kịch liệt phản đối quyết nghị này vì cho rằng Hoa Kỳ đã không dựa vào lịch sử và sự thực để rồi lên án Trung Quốc một cách vô cớ. Trung Quốc một mặt kháng nghị Hoa Kỳ, mặt khác thì hăm he các nước trong vùng bằng cách loan báo cho biết sẽ gia tăng hoạt động kiểm soát biển Đông và biển Hoa Đông. Trong phiên họp Quốc hội Nhật vào ngày 01 tháng 8 vừa rồi, Thủ tướng Abe đã tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ quyết sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ lãnh hải và lãnh thổ của mình nếu như Trung Quốc có bất cứ hành động đổ bộ nào lên khu vực đảo Senkaku. Thủ tướng Abe không phải tuyên bố suông để được lòng dân mà còn ra lịnh tăng cường thêm lực lượng tuần duyên ở vùng đảo Senkaku. Cùng ngày hôm đó Thủ tướng Abe đã điện đàm trực tiếp với Tổng thống Akino của Philippines để yêu cầu hiệp tác với nhau khi hữu sự. Ông Akino không những vui vẻ chấp thuận mà còn phát biểu rằng Nhật và Philippines có chung một mối đe dọa từ Trung Quốc nên chuyện hiệp tác với nhau để chống lại kẻ xâm lược là điều cần thiết. Vào chiều tối cùng ngày (01/08/2013), trên báo điện tử của nhà cầm quyền Việt Nam có cho đi một bản tin về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện đàm với Thủ tướng Nhật. Bản tin này viết rằng Thủ tướng Abe sang để cám ơn những tình cảm tốt đẹp mà chính phủ và nhân dân Việt Nam [đã dành cho ông trong chuyến thăm Hà Nội vào đầu năm nay], khẳng định chính phủ Nhật coi trọng quan hệ với Việt Nam như một đối tác tin cậy ở khu vực, hai Thủ tướng đã trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đồng thời nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN-Nhật Bản. Đúng là ông Abe đã điện đàm với ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng hai vấn đề chính mà Thủ tướng Nhật muốn yêu cầu Việt Nam hợp tác thì báo điện tử của Việt Nam lại lờ đi không nói đến, may nhờ trên trang mạng của bộ Ngoại giao Nhật có ghi rõ nên xin trình bày ra đây cho mọi người biết. Chuyện thứ nhất, ông Abe muốn trong thời gian làm Thủ tướng của mình phải giải quyết cho xong vụ người dân Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc và yêu cầu Việt Nam ủng hộ và hợp tác với Nhật Bản trong vấn đề này. Chuyện thứ hai là yêu cầu hợp tác trong việc ngăn chận Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự ở biển Đông và biển Hoa Đông. Người dân Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam còn bị nhà nước CSVN ngăn cấm, bắt ở tù thì làm gì nói đến chuyện hợp tác với Nhật chống bá quyền phương Bắc nên báo điện tử của Việt Nam đã lờ đi chuyện này. Có người cho rằng Thủ tướng Nhật khờ khạo, chọn lầm đối tượng, thật ra thì trên cương vị Thủ tướng Nhật, ông Abe phải tìm đủ mọi cách ngăn chận sự hung hãn của Trung quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông, có thêm được một quốc gia hợp tác thì càng tốt còn không thì Nhật vẫn phải cùng với các quốc gia đồng minh khác đương đầu. Những sự việc trên cho thấy rõ thái độ khác biệt của ba nước Nhật - Phi - Việt trong cách hành xử bảo vệ quyền lợi quốc gia của mình. Nhật và Phi thì luôn tìm đủ mọi cách để hợp tác, để có đồng minh chống lại bá quyền Trung Quốc. Còn CSVN thì yên lặng và ngoan ngoãn đứng nhìn từng bước lấn áp của Trung Quốc.
......

Việt Nam có một chính sách đối ngoại nào không ?

Lý do gì đã khiến lãnh đạo cộng sản Việt Nam chọn theo hẳn Trung Quốc và thách thức Hoa Kỳ và ASEAN ? Và  một cách công khai thay vì chỉ thỏa hiệp ngầm ? Có thể là do Tập Cận Bình ép buộc vì ông ta đang cần một thắng lợi ngoại giao để thực hiện những thay đổi nội bộ quan trọng, nhưng tại sao lãnh đạo Việt Nam lại chấp nhận ? Hèn nhát hay khờ khạo ? Ngoại giao Việt Nam tỏ ra đặc biệt sôi động trong hai tháng qua. Chủ tịch nước đi Trung Quốc cuối tháng 6, một tuần sau đi Indonesia và một tháng sau đi Mỹ. Những chuyến công du ở cấp nguyên thủ quốc gia chắc chắn là phải được thỏa thuận từ lâu, sự dồn dập này nằm trong một kịch bản: Hà Nội biết trước rằng họ cần trấn an các đối tác quốc tế quan trọng cũng như dư luận quốc nội sau những thỏa hiệp rất nghiêm trọng với Trung Quốc. Tại sao Indonesia và Hoa Kỳ lại là những nước cần được thăm viếng ngay sau chuyến đi Trung Quốc ? Đó là vì hai nước này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam. Indonesia không phải là một nước phát triển giàu mạnh, trao đổi kinh tế và văn hóa với Việt Nam không đáng kể nhưng lại là nước có trọng lượng và tiếng nói áp đảo trong khối ASEAN vì dân số (gần một nửa dân số ASEAN) và vị trí chiến lược (3/4 hàng hóa đường biển của thương mại quốc tế đi ngang Indonesia). Có thể nói ASEAN quan trọng đối với thế giới chủ yếu vì Indonesia. Văn phòng ASEAN đặt ở Djakarta. Việt Nam cần ASEAN như một không gian sinh tồn bắt buộc và vì ASEAN cũng là thị trường xuất khẩu thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Châu Âu. ASEAN có lý do để lo ngại sau những gì mà ông Trương Tấn Sang vừa thay mặt chính quyền Việt Nam thỏa thuận với Trung Quốc. Mục tiêu chính của ASEAN là liên kết các nước Đông Nam Á để cùng đương đầu với áp lực của Trung Quốc trong vùng. Vậy mà Việt Nam đã thỏa thuận với Trung Quốc rằng "Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị cấp cao Đông Á... (1). Thỏa thuận này trên thực tế có nghĩa là từ nay Hà Nội sẽ nhận chỉ thị của Bắc Kinh trong mọi quan hệ đối với ASEAN và các định chế chung quanh ASEAN; nó biến Việt Nam thành nội ứng của Trung Quốc trong lòng ASEAN và một cách tự nhiên nó khiến các thành viên ASEAN nhìn Việt Nam như một kẻ phản trắc. Trong dự tính của ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam ông Sang cần đi Indonesia ngay sau chuyến đi Bắc Kinh vì ASEAN đang bị một cú sốc lớn. Hoa Kỳ lại càng quan trọng hơn. Phải nói thẳng nếu không có Hoa Kỳ thì Trung Quốc đã chiếm hết Biển Đông rồi. Hoa Kỳ là bảo đảm cho hòa bình trên thế giới và trong vùng. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thuận lợi nhất đem lại thặng dư thương mại hơn 15 tỷ cho Việt Nam trong năm 2012 và quan hệ với Hoa Kỳ cũng quyết định quan hệ đối với Châu Âu, Nhật và các nước dân chủ khác. Ngoại thương với Hoa Kỳ và các nước này chiếm sấp sỉ 80% ngoại thương Việt Nam; điều này có nghĩa là nếu quan hệ với Hoa Kỳ vì một lý do nào đó xấu đi thì quan hệ của Việt Nam với các nước dân chủ cũng sẽ giảm sút, kéo theo những hậu quả năng nề, kể cả và trước hết về kinh tế. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam dĩ nhiên là bị thương tổn nặng sau những thỏa hiệp Trung - Việt vừa rồi. Từ hơn mười năm qua một sự kiện quan trọng đã diễn ra, đó là Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước dân chủ dần dần nhìn Trung Quốc như một đe dọa. Không phải vì Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Trước đây Đức và Nhật đã tăng trưởng rất mạnh nhưng thế giới không hề lo âu mà còn vui mừng. Lý do thực sự khiến Hoa Kỳ và các nước dân chủ lo ngại là vì, trái với dự đoán và hy vọng của họ, Trung Quốc mạnh lên mà vẫn không chuyển hóa về dân chủ, không những thế còn tăng cường sức mạnh quân sự, bênh vực các chế độ độc tài và ngày càng tỏ ra hung hăng. Một phong trào bài Hoa không chính thức nhưng có thực đang hình thành trên khắp thế giới. Hầu như không có ngày nào không có những phát giác về sự độc hại của hàng hóa Trung Quốc, về sự bất chấp những chuẩn mực lao động và môi trường và về những vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc; không có tuần nào không có những nghiên cứu báo động cho thấy Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong vòng hai thập niên, thậm chí ngay vào năm 2020. Phong trào bài Hoa này đã là thành quả nổi bật nhất của giai đoạn Hồ Cẩm Đào và đã có tác dụng là biến Trung Quốc thành một đe dọa cho thế giới. Tại sao Hoa Kỳ chuyển trọng tâm chiến lược và sức mạnh quân sự sang Thái Bình Dương nếu không phải là vì lo ngại Trung Quốc? Trong một bối cảnh thế giới như thế việc Việt Nam chấp nhận làm một chư hầu trọn vẹn của Trung Quốc, "thúc đẩy", "mở rộng", "tăng cường" và "làm sâu sắc thêm" mối quan hệ đối với Trung Quốc vốn đã là một quan hệ lệ thuộc, cam kết "điều phối" và "phối hợp" với Trung Quốc, nói cách khác nhận mệnh lệnh của Trung Quốc, trong khối ASEAN và trong các quan hệ đối với thế giới, kể cả tại Liên Hiệp Quốc, không thể không làm Hoa Kỳ bất bình. Càng bất bình vì về mặt quân sự Hà Nội và Bắc Kinh cũng đã thỏa thuận sẽ "tăng cường trao đổi và điều phối trong các vấn đề an ninh đa phương khu vực. Trao đổi nghiên cứu hình thức mới, nội dung mới trong triển khai hợp tác quốc phòng, làm sâu sắc thêm hợp tác giữa quân đội hai nước" (1). Tất nhiên Hà Nội có nhu cầu phân bua. Nhưng ông Sang và lãnh đạo Việt Nam còn gì để nói với Indonesia và Hoa Kỳ? Sự thực đã quá rõ ràng qua tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc. Có lẽ Hà Nội cũng muốn bày tỏ thái độ hữu nghị đối với hai nước chiến lược này, làm như không có gì xẩy ra. Tương tự như một cô gái tới gặp bạn trai sau khi vừa chính thức đính hôn và cố làm như mọi sự vẫn như cũ. Giả dối và vô duyên. Cả Indonesia và Mỹ đều đã chứng tỏ họ đã nhìn Hà Nội một cách khác. Ở cả hai nước ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ được tiếp đón một cách lạnh nhạt và rẻ rúng, ở mức độ tối thiểu cần thiết. Cảm tưởng rõ rệt là họ không muốn gặp ông Sang và chỉ chấp nhận tiếp ông bởi vì cuộc thăm viếng đã được thỏa thuận từ trước. Tại cả hai nước dù mang theo một phái đoàn đông đảo ông Sang đã không ký kết được một hợp tác cụ thể nào cả, ngoài một tuyên bố chung ước lệ nói đến tăng cường "hợp tác toàn diện". Nhưng "hợp tác toàn diện" chỉ là một cụm từ rỗng nghĩa nếu không được cụ thể hóa bằng những hiệp ước và hợp đồng rõ rệt. Việt Nam không thể và cũng không cần hợp tác trên mọi mặt với Mỹ, thí dụ như dự án đưa người lên Hỏa Tinh. Chúng ta chỉ cần hợp tác trên một số mặt thôi, điều quan trọng là hợp tác đến mức độ nào. Hai chuyến đi Indonesia và Mỹ của ông Sang đều có cùng một kết quả là một con số không bẽ bàng. Một tuần lễ trước khi ông Sang tới Mỹ ngân hàng US EXIM Bank, định chế tài trợ xuất khẩu của chính quyền Mỹ, đã từ chối tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình trị giá 1,6 tỷ USD viện cớ nhà máy này gây ô nhiễm cho môi trường. Ô nhiễm có thể chỉ là lý cớ, lý do thực sự có thể là Mỹ không muốn trợ giúp một chư hầu của Trung Quốc. Người ta vẫn để ông Sang đến nhưng tiếp ông một cách rẻ rúng như một lượng không đáng kể, nghe ông nói một cách lơ đãng, nhắc lại một cách ngắn gọn những lập trường nguyên tắc rồi nhanh chóng chia tay vì Việt Nam không còn gì đáng chú ý. Tổng thống Obama cũng cho biết hai bên đã đề cập tới việc Việt Nam xin gia nhập khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP-Trans-Pacific Partnership) và nói là sẽ có gắng giải quyết vấn đề này trong năm nay. Cách giải quyết này rất có thể sẽ là một sự từ chối và như thế sẽ là một thiệt hại lớn cho Việt Nam. TPP là tổ chức hợp tác kinh tế của một số nước Châu Á và Châu Mỹ được thành lập năm 2006 với thỏa thuận ngay lập tức giảm ít nhất 90% và trong tương lai xóa bỏ hoàn toàn hàng rào quan thuế. Gia nhập TPP mở ra cho Việt Nam vô số cơ hội; ngay trước mắt quần áo và giầy dép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và các nước TPP sẽ được giảm thuế một cách đáng kể, trong tương lai có thể không còn phải trả thuế. Mỹ tuy chưa phải là thành viên nhưng lại có tiếng nói quyết định trong việc thu nhận thành viên mới vì mọi thành viên TPP đều thân Mỹ và cần Mỹ. Người ta có thể nghĩ TPP là một tổ chức ra đời do sáng kiến của Mỹ để cô lập Trung Quốc, dù Mỹ không chính thức ra mặt. Ngoài bốn nước sáng lập viên New Zealand, Chili, Brunei, Singapore, còn tám nước đang xin gia nhập : Úc, Mã Lai, Peru, Canada, Nhật, Mexico, Mỹ và Việt Nam; tất cả đều chắc chắn được chấp nhận trừ Việt Nam. Chính phủ Mỹ đã từng lặp lại nhiều lần, kể cả qua lời đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear, rằng cải thiện tình trạng nhân quyền là điều kiện để Việt Nam được chấp nhận vào TPP, nhưng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đã không cải thiện mà còn tiếp tục xấu đi. Sự câu kết với Trung Quốc càng làm cho khả năng Việt Nam gia nhập TPP nhỏ lại. Trừ khi có một đảo ngược chính sách ngoạn mục, như hủy bỏ nghị định 72 và phóng thích một số đông đảo tù nhân chính trị, Việt Nam không có hy vọng. Chắc chắn chẳng bao lâu nữa ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ nhận ra rằng chính sách phục tùng toàn diện đối với Trung Quốc, và do đó gián tiếp đứng vào thế kình địch với Hoa Kỳ và các nước dân chủ, gây thiệt hại nhiều hơn họ tưởng. Như đã nói ở trên, quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ đi song song và nhịp nhàng với quan hệ hợp tác với Châu Âu, Nhật và các nước dân chủ khác. Các quan hệ này chỉ có thể xuống cấp từ nay với những hậu quả nghiêm trọng. Việt Nam là một trong số một vài nước lệ thuộc ngoại thương nặng nề nhất thế giới, hơn hẳn cả Trung Quốc. Tổng số xuất nhập khẩu của Việt Nam gần bằng 200% GDP trong khi mức trung bình thế giới của tỷ lệ này chỉ là 50%. Đã thế 90% xuất khẩu của Việt Nam là sang các nước dân chủ. Ngoại thương của Việt Nam và kinh tế Việt Nam nói chung sẽ ra sao trong những ngày sắp tới còn là một dấu hỏi và một lo âu lớn. Cho đến nay Mỹ và Châu Âu vẫn làm như không biết rất nhiều mặt hàng xuất khẩu mang nhãn Made in Vietnam thực ra chỉ là hàng Trung Quốc và Việt Nam hành xử như một trạm xuất khẩu của Trung Quốc. Sự dễ dãi này còn tiếp tục bao lâu? Trong thế đối đầu đang hình thành Việt Nam có mọi lý do để dành ưu tiên cho quan hệ đối với Hoa Kỳ ngay cả nếu muốn giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi ở Hoa Kỳ và các nước dân chủ phát triển, về khoa học và kỹ thuật cũng như về văn hóa, tổ chức và phương pháp. Hoa Kỳ đã là thị trường lớn và thuận lợi nhất của chúng ta và còn đầy hứa hẹn vì chúng ta chưa chiếm được 1% tổng số nhập khẩu của họ. Chúng ta bán cho Hoa Kỳ và Châu Âu 40 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, gấp bốn lần kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, 80 tỷ USD nếu kể các nước dân chủ khác. Hoa Kỳ cũng không dòm ngó đất đai và biển đảo của chúng ta mà còn có thể bảo vệ chúng ta trước những âm mưu lấn chiếm từ bên ngoài. Quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ không chỉ giúp chúng ta tăng cường sự hợp tác đối với Châu Âu và các nước phát triển khác mà còn là điều kiện để chúng ta có thể chung sống hòa bình với Trung Quốc. Ngược lại chúng ta không có gì đáng kể để học hỏi và chỉ có thể thiệt thòi trong quan hệ đối với Trung Quốc. Hai xã hôi đồng dạng, chỉ khác nhau về mức độ. Những gì Trung Quốc có chúng ta đều có nhưng ở mức độ ít hơn và thấp hơn, những gì chúng ta làm ra Trung Quốc đều làm được nhưng tốt hơn và rẻ hơn. Quan hệ chỉ có thể thua thiệt. Một thí dụ cụ thể và đau nhức là thâm thủng ngoại thương. Chúng ta thâm thủng nặng đối với Trung Quốc và dù cả hai nước đều tuyên bố cần cân bằng cán cân thương mại, con số thâm thủng đã chỉ tiếp tục tăng lên. Năm 2012 chúng ta thâm thủng 17 tỷ USD. Con số này sẽ là ít nhất 22 tỷ năm 2013. Và quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" với Trung Quốc đã không ngăn cản Trung Quốc tiếp tục lộng hành trên Biển Đông. Vậy thì lý do gì đã khiến lãnh đạo cộng sản Việt Nam chọn theo hẳn Trung Quốc và thách thức Hoa Kỳ và ASEAN? Và ngay cả nếu chọn lựa một cách tai hại như thế thì cái gì đã khiến họ nói ra một cách công khai trước dư luận Việt Nam và thế giới trong bản tuyến bố chung Việt Nam - Trung Quốc thay vì chỉ thỏa hiệp ngầm ? Có thể là do Tập Cận Bình ép buộc vì ông ta đang cần một thắng lợi ngoại giao để thực hiện những thay đổi nội bộ quan trọng, nhưng tại sao lãnh đạo Việt Nam lại chấp nhận ? Hèn nhát hay khờ khạo ? Lý do đầu tiên đã được nhắc lại nhiều lần là họ đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi đất nước. Tiếp tục cầm quyền là ưu tư lớn nhất của họ và những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam dù xung đột với nhau đến đâu cũng đều đồng ý là phải dựa vào Trung Quốc để giữ chế độ; đi với các nước dân chủ thì phải chấp nhận dân chủ hóa và họ biết đảng cộng sản không có tương lai trong một nước Việt Nam dân chủ. Điều này không cần bàn cãi thêm nữa. Chỉ cần nói thêm rằng nó cũng là một di sản văn hóa của chủ nghĩa cộng sản. Trong chủ nghĩa này không có quyền lợi quốc gia, chỉ có quyền lợi giai cấp. Ngày nay quyền lợi giai cấp được thay thế bằng quyền lợi của những người cầm quyền. Nhưng còn hai lý do quan trọng khác. Lý do thứ nhất là Đảng Cộng Sản Việt Nam chưa từng biết đến một chính sách đối ngoại đúng nghĩa. Ý thức hệ quyết định chính sách đối ngoại và đồng minh, một khi ý thức hệ đã được chọn lựa thì các đồng minh và kẻ thù cũng đã được chọn lựa (2). Cho tới thập niên 1980 ĐCSVN tự coi là mũi nhọn tiến công của chủ nghĩa Mác-Lênin và dĩ nhiên coi mọi nước xã hội chủ nghĩa là anh em, Hoa Kỳ và các nước dân chủ là thù địch. Bộ chính trị không cần nghiên cứu về thế giới để tìm ra một chính sách đối ngoại, bởi vì đường lối đối ngoại đã vạch sẵn rồi. Sau năm 1985 họ chọn "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" theo Trung Quốc và chính sách đối ngoại cũng đã quyết định xong, đó là chính sách trao đổi kinh tế với các nước dân chủ nhưng phủ nhận chế độ chính trị. Chính sách này cũng buộc họ phải coi các chế độ Cuba và Triều Tiên là anh em trong khi Hoa Kỳ và các nước dân chủ là những nguy cơ tiềm ẩn. Lý do thứ hai là các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản đều thiếu hẳn sự hiểu biết về thế giới. Trong tiệc chiêu đãi tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ ngày 25/7 vừa ông Trương Tấn Sang nói: "Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng khá và đã đạt trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ". Việt Nam có thu nhập trung bình ? Thu nhập trung bình trên thế giới là 10.000 USD trên mỗi đầu người, tại Việt Nam con số này chỉ là 1.200 USD. Và Việt Nam đã đạt mục tiêu thiên niên kỷ nào ? Tại sao một nguyên thủ quốc gia có thể nói một câu ngớ ngẩn như thế trước một cử tọa chọn lọc như thế ? Câu nói này tiêu biểu cho trình độ hiểu biết về thế giới của những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ trước đến nay. Đảng Cộng Sản Việt Nam và chế độ cộng sản Việt Nam đã là những sản phẩm của sự thiếu hiểu biết và sự thiếu hiểu biết đã luôn luôn hướng dẫn họ. Theo lời thuật của chính ông, Hồ Chí Minh đã khám phá ra chủ nghĩa cộng sản sau khi đọc một bài báo, ông đã say mê như người mất trí mà không biết rằng chủ nghĩa này đã bị cả lý luận lẫn thực tế phủ nhận từ lâu rồi. Năm 1975 khi Đảng Cộng Sản Việt Nam tưng bừng áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin trên cả nước và ca tụng nó như là một chủ nghĩa bách chiến bách thắng, đỉnh cao của trí tuệ thì nó đã bị vất bỏ từ đúng một thế kỷ rồi sau đại hội Gotha tại Đức năm 1875, và 15 năm sau nó sẽ sụp đổ hoàn toàn. Đầu thập niên 1980 họ còn tin tưởng vào thắng lợi không thể đảo ngược của Liên Xô để rồi ngay sau đó hoảng hốt nhìn Liên Xô tan vỡ và quay sang đầu hàng Trung Quốc. Năm nay, 2013, giữa lúc Trung Quốc sắp lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và có nguy cơ tan vỡ luôn họ chọn lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Ngay cả nếu đảng cộng sản chỉ biết có quyền lợi của mình thì đây cũng là một chọn lựa dại dột. Càng dại dột vì cả Việt Nam lẫn thế giới đều đã thay đổi. Như đã nói, mục đích của các chuyến đi Indonesia và Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang cũng là để trấn an dư luận Việt Nam, trước hết là khối cán bộ đảng viên trẻ có học thức, rằng Việt Nam vẫn còn quan hệ đa phương bình thường với nhiều nước, nhưng kết quả đã ngược hẳn. Năm 1985 khi họ đem Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền để đầu hàng Trung Quốc thì sự đầu hàng này được che đậy bởi chính sách "đổi mới". Dù sự đổi mới này chỉ là cóp nhặt theo Trung Quốc nó cũng đã ít nhiều có tác dụng cởi trói và cải thiện mức sống, vì thế đã làm mất cảnh giác. Năm nay sự thần phục Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh kinh tế suy sụp và đàn áp gia tăng, nó lập tức bị nhận diện và bị lên án. Không phải là trong chế độ không có những người hiểu biết về thế giới. Bộ ngoại giao Việt Nam có khá nhiều chuyên viên quốc tế, nhưng họ không có tiếng nói. Tuy vậy sự thiếu hiểu biết về thế giới không phải là độc quyền của đảng cộng sản. Nó là đặc tính chung cố hữu của chính trị nước ta. Triều Nguyễn giữa một buổi giao thời mãnh liệt và mặc dù những bài học cay đắng liên tục vẫn chỉ biết cố bám vào một Trung Quốc đang bối rối và bất lực. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây dù sự sống còn tùy thuộc hoàn toàn ở Hoa Kỳ cũng không có lấy một cơ quan nghiên cứu, theo dõi và tranh thủ chính sách của Hoa Kỳ. Bao giờ cũng thế và dưới mọi chính quyền, chính sách đối ngoại của nước ta luôn luôn được quyết định một cách tùy tiện bởi những người thiển cận nhưng độc đoán, không biết và cũng không muốn biết về thế giới. Việt Nam chưa bao giờ có chính sách đối ngoại đúng nghĩa. Đảng cộng sản chỉ làm đậm hơn và lố bịch hơn một tâm lý ếch ngồi đáy giếng sẵn có. Tương lai Việt Nam có lẽ sẽ không quá đen tối vì một lý do ngoài dự tính của những người cầm quyền. Có nhiều dấu hiệu cho thấy là chính Tập Cận Bình cũng đang tìm cách từ bỏ chính sách đối đầu của Hồ Cẩm Đào để hòa dịu với Hoa Kỳ và các nước dân chủ. Như thế Trung Quốc sẽ bớt chèn ép Việt Nam trên Biển Đông, dù chỉ là để không gây lo ngại cho Hoa Kỳ và các nước ASEAN. Cũng rất có thể chính sự thay đổi tại Trung Quốc sẽ buộc Việt Nam phải hội nhập vào thế giới dân chủ và chấp nhận dân chủ hóa. Chúng ta có triển vọng thoát khỏi bế tắc, nhưng cần rút ngay ra một bài học lịch sử. Đó là từ nay nhất định không chấp nhận những người lãnh đạo thiếu văn hóa và tầm nhìn. Nguyễn Gia Kiểng (8/2013) Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến công du của Trương Tấn Sang. Chủ nghĩa thực tiễn và trường hợp Obama, Thông Luận số 245, tháng 3-2010 Nguồn: ethongluan.org
......

Thương người em nhỏ, bây giờ ở đâu?

Phải chăng cô là nạn nhân của sự ngăn cản thông tin. Khi chưa có nghị định 72 mới ra vừa xong của CP, cách đây vài năm. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh trên bục giảng, đã gợi ý học sinh của mình chịu khó lên mạng để tìm kiếm thông tin bổ sung cho môn học. Lập tức từ phía tuyên giáo của chính quyền nổi lên một cơn thịnh nộ. Báo Dân Trí lên án hành động này và quy kết cho đó là "đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục". Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Thạc sĩ Văn chương, giảng viên môn văn, bị Sở GD tỉnh Quảng Nam quyết định cho thôi việc chỉ vì giới thiệu học sinh tìm hiểu thêm thông tin trên Internet Cô giáo Bích Hạnh bị đuổi việc, lâu dần không ai nhắc đến cô nữa. Một chiều nắng năm 2010, tôi đến Yên Thành của đất Nghệ An, đi theo Lê Quốc Quân về quê hắn dự đám giỗ bố hắn. Quân dẫn tôi đi thăm làng quê hắn, đến một góc làng có một ngôi nhà lúp xúp thì hắn dừng lại ngó vào, qua hàng rào tre mục lưa thưa, tôi thấy một mảnh vườn phía trước trồng rau cải bắp và vài loại nữa. Quân nói. - Ông biết cô giáo Bích Hạnh không.? - À tôi có nghe, cô ấy ở Quảng Nam à.? Quân lắc đầu. - Không , nhà cô ấy ở đây, cô ấy dạy học trong Quảng Nam, nhưng vì bảo học sinh tìm kiếm thông tin trên mạng, bị bọn nó đuổi dạy, giờ về nhà rồi, xin việc chẳng nơi nào nhận. Quân đẩy cái cổng tre, chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà thấp lè tè, nền đất, trong nhà có bộ bàn ghế cũ để giữa nhà đã long tróc. Ở góc nhà có một bộ máy tính bàn sản xuất từ đời nào, một giá sách nhỏ. Tò mò tôi lại gần ngó vài thứ giấy tờ trên bàn, đó là những tờ giấy của ai đó đang soạn về một chương trình giáo dục. Nhà chẳng có ai, ở quê người ta thường để cổng như vậy, hơn nữa thì ngôi nhà này có gì mà để trộm bõ công vào lấy. Chúng tôi ngồi ở ghế giữa nhà một lúc, thì cô giáo Bích Hạnh đi từ ngoài cổng qua sân, tay cầm thúng, tay cầm liềm. Quân cất tiếng chào, cô giáo chào chúng tôi, cất đồ vào bếp và quay lên nhà rót nước mời chúng tôi uống. Hỏi thăm công việc, cô cho biết chưa xin được nơi nào, chẳng đâu người ta nhận, giờ về nhà làm ruộng vườn cùng mẹ. Tôi nhìn thân hình gầy gò, mảnh mai của cô, hình dung người con gái chịu khổ quyết chí học hành đến lúc có bằng thạc sĩ , vừa chớm ước mơ đứng trên bục giảng vài bữa thì bị tai họa giáng xuống. Mọi ước mơ, mọi công sức học hành giờ tan tành. Trở về nhà mẹ bên miếng ruộng, mảnh vườn tần tảo sống qua ngày. Thế rồi dòng đời trôi, tôi cũng không gặp cô nhiều, thỉnh thoảng lại đi cùng Quân về quê. Chuyện trò hàng xóm, tiện nhắc đến cô thì biết cô vẫn ở nhà làm vườn, ruộng, viết sách gì đó. Nghệ An xảy ra vụ án chống chính quyền của mười mấy thanh niên xứ Nghệ. Theo dõi tin tức về những người bị bắt, hoàn cảnh từng gia đình, từng con người. Họ ở khắp nơi trên tỉnh Nghệ An, có người ở tít tận cuối tỉnh giáp Lào, người giáp Thanh Hóa. Từ đầu này Nghệ an đến đầy kia hàng trăm cây số. Trên cái xe máy cà tàng tôi đến từng nhà người bị bắt, nghe chuyện gia đình họ. Người con đứa lên ba, đứa trong nôi. Người sắp cưới vợ, người đang nuôi mẹ già, người đang học hành dang dở...tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình họ, để bạn bè và những người quan tâm giúp đỡ là một phần nhỏ tôi thấy sức mình có thể làm được trong lúc họ bị tù đày. Thế nhưng, giờ tôi thấy mình đã bỏ sót một gia đình. Đó là gia đình cô giáo Bích Hạnh, thật sự chuyện này tôi cũng mới biết không lâu. Hóa ra trong vụ ấy, có người bỏ trốn được, anh ta đã bị phát lệnh truy nã của cơ an an ninh điều tra bộ công an. Thái Văn Tự, người đã bỏ trốn, nhờ có sự bỏ trốn của anh mà cơ quan an ninh điều tra đã bế tắc không khai thác được thêm thông tin về những người khác nữa. Bây giờ thì chẳng ai biết Thái Văn Tự ở đâu. Tự là chồng của cô giáo Bích Hạnh. Họ cưới nhau lúc nào tôi cũng không biết, dù tôi có gặp Tự trước đó vài lần.  Là một kỹ sư ngành tàu biển, đang có công việc và đồng lương tốt, Thái Văn Tự bỏ việc để theo đuổi con đường mà Tự và những người bạn cùng quê hương đã chọn. Mong cho đất nước có tự do, dân chủ và bác ái. Giờ thì Thái Văn Tự bặt tăm chim trời cá nước. Những người bạn anh vào tù được người đời nhắc đến, Thái Văn Tự ẩn dật nơi nào không ai rõ, kể cả vợ con anh ta. Cô giáo Bích Hạnh mang thai và sinh đứa con trai khi chồng cô đang trốn lệnh truy nã, giờ bên mảnh vườn, ruộng xơ xác nắng lửa miền Trung ấy, cái căn nhà lụp xụp thấp tè cũ kỹ ấy phải cưu mang thêm một sinh linh nhỏ bé nữa. Đằng sau những người đấu tranh, là những mảnh đời,  những số phận của mẹ già, vợ dại, con thơ cùng gánh chịu những gian khó với họ. Thế nhưng đất nước chưa bao giờ dứt những người đấu tranh. Những lớp người này vào tù ngục, lại có lớp khác đứng lên tiếp tục đòi hỏi tự do, công bằng , chủ quyền cho đất nước, cho dân tộc. Sẵn sàng đối diện với thể chế khắc nghiệt luôn đưa họ vào nhà tù hay khắc chế bằng mọi phương thức. Cảm ơn những người phụ nữ gày gò, sớm hôm bên mảnh ruộng vườn, tần tảo nuôi con. Không một lời ca thán, dãi bày như cô giáo Bích Hạnh. Từng ấy năm qua, một mẹ một con sống nhờ mảnh vườn, ruông , cô giáo Bích Hạnh âm thầm vượt bao khó khăn mà chưa bao giờ cô muốn kể cùng ai. Chẳng biết bao giờ cô và cháu nhỏ gặp lại người chồng, để sống yên bình như bao gia đình khác. Con đường phía trước của cô thật mịt mờ, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh ấy vẫn tràn đầy nghị lực sống,vẫn kiên cường đối diện vật lộn với miếng cơm , manh áo hàng ngày như bao thân nhân của những người tranh đấu khác. Cô vẫn gầy guộc như cánh hạc, giữa cuộc đời giông tố và khắc nghiệt này. Mong cho mẹ con cô vượt qua được mọi gian khó....những  gian khó mà chưa ai biết được ngày nào sẽ qua. nguồn: Facebook Người Buôn Gió
......

Viết tiếp câu chuyện về blogger Điếu Cày

Thông tin được những người bạn của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày đăng trên facebook, blog cá nhân theo lời kể của Nguyễn Trí Dũng, con trai Điếu Cày, đồng thời một vài báo, đài bên ngoài cũng đã nhanh chóng đưa tin: Chiều ngày 2 Tháng Tám, Nguyễn Trí Dũng đã được vào trại giam thăm bố vỏn vẹn vài phút. Điếu Cày cho biết đã ngưng tuyệt thực từ ngày 27 Tháng Bảy sau khi một cán bộ cấp cao của VKSND Nghệ An vào tận trại giam gặp mặt và chấp nhận giải quyết đơn khiếu nại của anh về việc trại giam bắt anh ký giấy nhận tội, khi anh không nhận thì ra lệnh biệt giam 3 tháng. Cuộc tuyệt thực sinh tử kéo dài hơn 1 tháng đã thành công và Điếu Cày gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã chia sẻ, ủng hộ anh và gia đình. Blogger Điếu Cày. (Hình: Người Việt) Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, người đã dũng cảm tìm cách báo tin Điếu Cày tuyệt thực ra ngoài, đã bị trại giam kỷ luật nhưng hôm nay cũng được cho gặp vợ. Cả tù nhân Nguyễn Kim Nhàn cũng vậy. Như thế là cả hai tù nhân kiên cường, bất khuất Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Xuân Nghĩa đều còn sống. Đó là điều mọi người mong mỏi và vui mừng nhất. Như thế là cả hai tù nhân kiên cường, bất khuất Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Xuân Nghĩa đều còn sống. Đó là điều mọi người mong mỏi và vui mừng nhất. Những thông tin ít ỏi ấy càng trở nên quý giá, kịp thời giữa hoàn cảnh những người tù bị cô lập, tình trạng sức khỏe của họ hoàn toàn bị bưng bít trong nhiều ngày qua. Và sự thật về những hình ảnh, video clip mà báo CAND, đài VTV đưa tin “Điếu Cày không tuyệt thực” cũng đã rõ ràng trước ánh sáng. Trước đó, từ nhà cầm quyền cho đến toàn bộ mạng lưới truyền thông báo, đài lề đảng đều hoàn toàn im lặng trước câu hỏi có hay không việc Điếu Cày tuyệt thực, nguyên nhân vì sao và tình trạng của anh thế nào. Một phần bởi vì sức khỏe của Điếu Cày vốn dĩ kém hơn tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ nhiều, sau hơn 5 năm tù đày trong điều kiện vô vùng khắc nghiệt. Và khác với Cù Huy Hà Vũ, cuộc tuyệt thực của anh chỉ được dư luận bên ngoài biết đến khi đã kéo dài sang ngày thứ 25. Lúc đó anh đã rất yếu, đi phải có người dìu hai bên, ngồi còn không nổi như con trai anh tường thuật lại khi được vào thăm bố ngày 20 Tháng Bảy. Chính vì vậy, báo đài của đảng không thể làm một video clip bôi nhọ anh vẫn “béo khỏe” như đã làm với tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ. Họ phải đợi đến ngày 29 Tháng Bảy khi anh đã ăn lại được vài ngày, tạm đi lại được để mà tung ra những bài báo như “Lật tẩy ‘chiêu tuyệt thực’ của Nguyễn Văn Hải” đăng trên báo CAND. Sau đó đến lượt đài Hà Nội, đài VTV đưa tin, hình ảnh tuyên bố Điếu Cày không tuyệt thực. Trong cái video clip đó họ cũng gán ghép rất nhiều điều không đúng với sự thật. Từ câu chuyện này, rất nhiều điều “thú vị” đã tự bộc lộ ra. Thứ nhất, điều kiện giam giữ tù nhân, đặc biệt tù nhân chính trị, hết sức tồi tệ trong các nhà tù lớn nhỏ ở Việt Nam là điều mà mọi người có thể đoán biết nhưng vẫn không sao hình dung hết được nếu không thật sự trải qua. Chỉ đôi khi những thông tin ít ỏi mới lọt ra bên ngoài. Gần đây, từ vụ nổi dậy của tù hình sự tại trại giam Z30 A Xuân Lộc, Đồng Nai vào Tháng Sáu cho đến những cuộc tuyệt thực của Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, thanh niên Công Giáo Paul Trần Minh Nhật... phản đối cách hành xử tàn ác, nạn vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền trầm trọng của các quản giáo, cán bộ trại đối với tù nhân, thì vấn đề này lại được xới lên. Thứ hai, cách hành xử, đối phó của nhà nước CSVN với dư luận trong và ngoài nước trước một sự kiện cụ thể, ví dụ như vụ Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ hay blogger Điếu Cày tuyệt thực, đã cho thấy khuôn mặt thật về họ nhiều hơn mọi bản cáo trạng, mọi lời tố cáo mà người dân có thể nghĩ ra. Đối với người tù chính trị đã hoàn toàn nằm trong tay họ, đang phải chịu đựng những bản án nặng nề, phi lý phi nhân nhất, tưởng như đã quá đủ, nhưng họ vẫn tiếp tục hành hạ, trừng phạt người tù ấy trong trại giam và sách nhiễu thân nhân họ bên ngoài. Khi người tù không còn cách nào khác buộc phải đem chính sinh mạng của mình ra tuyệt thực đòi công lý, thì họ lại tìm mọi cách bưng bít thông tin, trây lì, né tránh dư luận... Cho đến khi không thể né tránh được nữa và người tù có nguy cơ mấp mé bên bờ vực cái chết, họ mới tạm lùi bước để người tù chấp nhận ăn uống trở lại. Đồng thời họ sử dụng mạng lưới truyền thông báo đảng để bôi nhọ, vu khống người tù, hòng gây hoang mang mất lòng tin cho mọi người bên ngoài. Để “bảo vệ” cái chân dung đã quá lem luốc của chế độ trước người dân và trước thế giới, nhà cầm quyền không từ một thủ đoạn, trò bẩn nào. Thật ra bản chất đảng và nhà nước Cộng Sản từ xưa đến nay vẫn vậy. Nhưng nếu trước đây, người miền Nam có lên tiếng về vô số thủ đoạn, sự dối trá mà đảng Cộng Sản đã tiến hành để lừa bịp thế giới, tạo tính chính danh và giành chiến thắng trong cuộc chiến hai miền bằng mọi giá, thì vẫn có những người thiên tả trên thế giới không tin. Và ít nhất, đa số dân miền Bắc lúc ấy không tin. Nhưng bây giờ, bản chất của chế độ ngày càng bộc lộ quá rõ. Cũng như khả năng bịa đặt, vu khống, dựng chuyện bất chấp sự thật, đạo lý và pháp luật của hệ thống báo, đài lề đảng qua những câu chuyện như thế này, sẽ giúp cho nhận thức của người dân trưởng thành hơn. Một người có suy nghĩ đều có thể tự đặt câu hỏi ai bịa đặt, ai bị lật tẩy qua những vụ việc này. Nếu Điếu Cày không tuyệt thực, tại sao bao nhiêu ngày trước đó trại giam cứ lẩn tránh câu hỏi của gia đình, tại sao không công khai cho gia đình, báo đài quốc tế vào tận trại giam xem xét, đưa tin. Đó là cách hành xử của bất cứ một nhà nước văn minh, chính danh nào khác. Khi bài báo về vụ Điếu Cày không tuyệt thực được đưa lên, gia đình bạn bè đến chất vấn thì cả tổng biên tập, cả tay nhà báo viết bài đều lẩn như chạch. Nếu quả thật có bằng chứng Điếu Cày không tuyệt thực, nếu viết đúng với lương tâm, với sự thật, việc gì họ phải lẩn tránh? Một điều rõ ràng là nhà cầm quyền Việt Nam vẫn biết sợ dư luận trong và ngoài nước. Bởi vì vị thế của Việt Nam trên thế giới quá yếu, cả về kinh tế, quân sự, quốc phòng, lại không có đồng minh thực sự hỗ trợ khi cần. Việt Nam không phải như Trung Cộng để có thể bất chấp dư luận, dùng sức mạnh kinh tế để mua chuộc nước nào có thể mua chuộc, dùng sức mạnh quân sự để hăm dọa, lấn lướt nước nào có thể lấn lướt. Mà ngay cả Trung Quốc cũng đang bị Mỹ và đồng minh bao vây, nói gì đến Việt Nam. Đối với người dân trong nước, Việt Nam cũng không được như Trung Quốc, đảng Cộng Sản Trung Quốc còn viện dẫn thành tựu về kinh tế trong mấy chục năm qua để mỵ dân. Trong khi đó, người dân Việt Nam ngày càng phẫn nộ đủ thứ chuyện, xã hội như một cánh đồng cỏ khô dưới ánh nắng mặt trời chỉ một mồi lửa nhỏ là bùng cháy. Họ biết như vậy và không dại gì đẩy tới mức đó cả. Trong cả hai cuộc đấu tranh tuyệt thực, Điếu Cày đều đã chiến thắng. Nhưng có lẽ gia đình, bạn bè, tất cả những ai quan tâm đến anh cũng đều không mong muốn anh lại phải một lần nữa đem chính sinh mạng của mình ra để đấu tranh. Nếu các quản giáo, cán bộ trại và nhà cầm quyền nói chung không vi phạm pháp luật, không chà đạp nhân quyền những người tù một cách trầm trọng thì tù nhân đâu phải dùng đến biện pháp cuối cùng này. Và đã chắc gì trong những năm tháng tù đày còn lại, họ sẽ thôi nhũng nhiễu anh và các tù nhân lương tâm khác? Đối với những người bên ngoài cũng qua vụ này học thêm được nhiều điều để khôn ngoan, chủ động hơn trong những cuộc đấu tranh đấu trí tiếp theo với nhà cầm quyền, và cho phong trào dân chủ nói chung. Sự kiên nhẫn của nhân dân đã đến giới hạn. Sự kiên nhẫn của thế giới dành cho nhà nước độc tài toàn trị Việt Nam cũng đã đến giới hạn. Điều này có lẽ trong chuyến công du đến Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Obama mới đây, bản thân ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang thấm thía hơn ai hết. Nếu chưa thể cải cách nhanh chóng như Myanmar, chí ít cũng nên dừng tay lại, bớt đi những hành xử tàn ác, đê tiện với chính người dân của mình, như cách hành xử qua những vụ Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày vừa rồi chẳng hạn. Nguồn: http://www.nguoi-viet.com
......

Suy ngẫm "Những Tách Cà Phê"

Một nhóm sinh viên cũ gặp lại và hẹn nhau cùng trở về trường đại học cũ để thăm một vị giáo sư ngày xưa. Họ là những người rất thành công và đang có những chức vụ, địa vị cao trong xã hội. Trong khi ngồi hàn huyên tâm sự với nhau, mọi người bắt đầu than phiền về những sự căng thẳng trong việc làm cũng như trong đời sống của mình. Vị giáo sư mời những học trò cũ của mình uống cà phê. Ông đi vào nhà trong và mang ra một bình cà phê lớn, cùng với những ly tách đủ loại: bằng sứ, bằng plastic, bằng thủy tinh, có những tách nhìn rất tầm thường và có những tách nhìn rất đắt tiền và sang trọng. Vị giáo sư mời những học trò cũ của mình tự rót lấy cà phê uống. Khi mỗi người đã có một ly cà phê trong tay, vị giáo sư nói: -    Nếu các anh chị để ý, những tách cà phê đẹp và đắt tiền được chọn lấy trước hết, chỉ còn lại những ly tách rẽ tiền và tầm thường. Đối với các anh chị việc ấy cũng thường thôi! Chúng ta ai mà lại chẳng muốn chọn cho mình những gì hay và đẹp nhất, nhưng đó cũng là nguyên nhân của sự căng thẳng và những khó khăn của các anh chị trong cuộc sống. -   Những gì anh chị muốn, thực sự là cà phê, chứ đâu phải là chiếc tách, nhưng các anh chị lại có ý đi lựa cho mình những chiếc tách đẹp nhất và thỉnh thoảng cũng nhìn sang người bên cạnh, xem họ có những chiếc tách nào. -   Cũng vậy, nếu cuộc sống là cà phê, thì những công việc, tiền bạc, địa vị trong xã hội là những chiếc tách. Chúng chỉ là những phương tiện để chứa đựng sự sống của mình, chứ phẩm chất của sự sống không hề khác biệt. -    Và nhiều khi chúng ta vì quá chú ý và tập trung vào những chiếc tách, mà lại quên thưởng thức hương vị cà phê thơm ngon trong ấy. -    Vì vậy cho nên các anh chị nhớ, đừng để những chiếc ly tách sai xử mình. Hãy thưởng thức hương vị cà phê thơm ngon của cuộc sống. Hạnh phúc không có nghĩa là mọi vấn đề chung quanh chúng ta phải được hoàn toàn.   Hạnh phúc có nghĩa là chúng ta biết nhìn xa hơn, vượt ra ngoài những sự bất toàn ấy !   SUY NGẪM: Con người nên  thay đổi sự suy nghĩ, sao cho thích hợp với hoàn cảnh và với những người chung quanh, khi vô phương thay đổi hoàn cảnh hay thay đổi những người chung quanh. Trong câu chuyện trên, cà phê là thứ sẽ thuộc về mình, ly tách là thứ phải để lại, thuộc về người.  Cho nên, bằng lòng thưởng thức, thích những gì mình có, hạnh phúc hơn là  : thích những gì mình không có, hay không thể có. Bloger Caroline Thanh Hương  
......

Lại cấm !

Cán bộ quản lí Nhà nước yếu kém và lười biếng, sợ việc, sợ trách nhiệm, quen lối quản lí bằng mệnh lệnh hành chính vừa dễ dàng, vừa nhàn nhã, lại phô trương được quyền uy vì thế cứ cái gì phức tạp, khó quản lí liền ra lệnh cấm đoán là xong . Nghị định 72/2013 qui định: Trang thông tin cá nhân trên mạng internet chỉ được đưa tin của chính mình, không được trích dẫn, tổng hợp tùy tiện thông tin từ các cơ quan báo chí là sản phẩm của cách quản lí đó! Đó là một mệnh lệnh hành chính vi Hiến, là sự cấm đoán tước đoạt quyền Con Người. Cấm.... cấm... cấm hết internet.. Nghị định 72/2013 được ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kí ngày 15. 7. 2013 và ban hành ngày 31. 7. 2013. Các ông lãnh đạo bộ Thông tin – Truyền thông đề xuất và viết dự thảo Nghị định, ông Thủ tướng kí Nghị định 72/2013 đều là những ông Cộng sản bự, các ông có nhớ ông Mác, người khai sinh ra chủ nghĩa Cộng sản, khai sinh ra mô hình Nhà nước Cộng sản của các ông viết về Con Người như thế nào không? Ông Mác viết rất chí lí rằng: Con Người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Chỉ có con vật mới chỉ biết bản thân nó. Con Người là sinh vật xã hội. Phần sinh vật là phần di truyền do cha mẹ sinh ra. Phần xã hội do Con Người đó tự sinh ra mình bằng cách tiếp nhận nền văn hóa xã hội của loài Người để hình thành nên Con Người xã hội của mình. Con Người xã hội không thể tách ra khỏi xã hội. Con Người xã hội sống không thể chỉ cho riêng mình. Ngay từ thời xã hội Việt Nam còn trì trệ trong nền văn minh nông nghiệp cơ bắp: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, còn khép kín trong văn hóa làng xã: Phép vua thua lệ làng, con người xã hội đã được đề cao: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, nước nhà thịnh suy, mọi người Dân đều phải quan tâm, đều phải có trách nhiệm. Đi qua nền văn minh nông nghiệp, bước vào nền văn minh công nghiệp, Con Người xã hội không phải chỉ quan tâm lo toan đến những vấn đề của quốc gia, dân tộc mình mà còn phải bận tâm nghĩ suy, tham gia kiến giải những vấn đề của hành tinh, của loài người. Ngày nay loài người đã đi qua nền văn minh công nghiệp, bước vào nền văn minh tin học. Không phải chỉ rút ngắn mọi khoảng cách không gian, thời gian, nền văn minh tin học còn nâng Con Người xã hội lên vị trí rất cao. Với văn minh tin học, mọi người Dân bình thường đều tiếp cận được với những vấn đề đang đặt ra của đất nước mình và của thế giới. Văn minh công nghiệp đã thỏa mãn được những nhu cầu rất cao của Con Người sinh vật. Văn minh tin học lại đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của Con Người xã hội, nâng cao vị trí của Con Người xã hội, mở rộng những vấn đề quan tâm, lo toan của Con Người xã hội. Thế mà giữa thời văn minh tin học ở một Nhà nước vẫn tự nhận là đỉnh cao trí tuệ lại có nghị định buộc trang thông tin cá nhân trên mạng toàn cầu chỉ được đưa tin về chính mình, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí! Cấm người Dân không được trích dẫn tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí thực chất là cấm người Dân bàn luận, kiến giải những vấn đề các cơ quan báo chí đã thông tin. Những trang facebook, blog, website dù của cá nhân nhưng không phải chỉ là những trang nhật kí cá nhân, chỉ chứa đựng thông tin cá nhân. Nếu chỉ là trang nhật kí, thông tin cá nhân thì chả cần dùng internet, chẳng cần phải lên mạng toàn cầu. Facebook, blog, website là công cụ không thể thiếu của Con Người xã hội thời văn minh tin học để Con Người xã hội được bộc lộ chính kiến về những vấn đề xã hội, để Con Người xã hội của những người Dân bình thường được thể hiện mình, được tham gia bàn bạc, kiến giải những vấn đề xã hội của đất nước, của loài người. Facebook, blog, website cho người Dân được sử dụng tốt nhất quyền tự do ngôn luận đóng góp cho xã hội. Nghị định 72/2013 buộc những trang thông tin cá nhân trên mạng internet chỉ được đưa tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp lại thông tin trên báo chí đã vi phạm điều 69 Hiến pháp hiện hành: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nghị định 72/2013 đã chống lại một tư tưởng Nhân văn hiếm hoi của chính Nhà nước Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra. Nếu không chống lại thì nghị định 72/2013 đã vạch trần sự giả dối, nói một đằng làm một nẻo của Nhà nước Cộng sản Việt Nam khi những quan chức lãnh đạo Nhà nước Cộng sản Việt Nam miệng leo lẻo nói Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra nhưng tay lại ném vào mặt Dân nghị định 72/2013 cấm Dân không được bàn luận những vấn đề xã hội  trên những trang thông tin cá nhân mạng internet. Nghị định 72/2013 cũng tước đoạt một quyền cơ bản trong những quyền đương nhiên của Con Người, quyền: “Mọi Người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.” (Tuyên ngôn quốc tế Nhân Quyền được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua từ năm 1948 và Nhà nước Việt Nam kí kết thực hiện từ năm 1982) Nghị định 72/2013 buộc các trang mạng xã hội của cá nhân chỉ được đưa thông tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin của các cơ quan báo chí đã thô thiển, thấp hèn hóa Con Người, là một nghị định lạc lõng với thời đại. Những trí thức thực sự có tầm hiểu biết sâu rộng, đương nhiên trang mạng cá nhân của họ không thể thiếu những bài viết về những vấn đề xã hội với những phát hiện sâu sắc ở góc nhìn văn hóa. Những bài viết đó vô cùng có ích cho xã hội, càng có ích cho nhà quản lí xã hội. Cấm trang mạng cá nhân của trí thức không được bàn những vấn đề xã hội, chỉ được đưa thông tin cá nhân, nghị dịnh 72/2013 là một nghị định ngu Dân. Một nghị định Nhà nước thời tin học mà cấm trang thông tin cá nhân trên mạng internet không được đưa thông tin xã hội, chỉ được đưa thông tin về chính mình thì Con Người xã hội của người soạn thảo nghị định nhỏ bé đến mức như không có. Không có Con Người xã hội, chỉ có Con Người sinh vật, Con Người đó lại ở vị trí quản lí Nhà nước là thảm họa cho người Dân, là điều xỉ nhục cho một đất nước văn hiến. Nghị định 72/2013 là sự hốt hoảng của một Nhà nước độc tài trước sự lớn mạnh nhanh chóng, mạnh mẽ của những trang cá nhân nói tiếng nói thẳng thắn, trung thực của người Dân về những vấn đề xã hội hàng ngày và những vấn đề khẩn thiết của đất nước. Thẳng thắn, trung thực, những tiếng nói đó không thể đồng thuận, nương nhẹ với những chủ trương, chính sách và việc làm của một Nhà nước tham nhũng đang đi ngược lại lợi ích của người Dân Với một Nhà nước dân chủ, người Dân tham gia luận bàn, kiến giải những vấn đề xã hội được thông tin trên báo chí là điều quá bình thường, lành mạnh. Càng có nhiều ý kiến phản hồi ngược chiều về những vấn đề xã hội của người Dân, Nhà nước càng mở rộng tầm nhìn, càng có thêm nhiều góc nhìn và điểm sáng tư duy, càng năng động kịp thời điều chỉnh những hoạt động của Nhà nước phù hợp với cuộc sống và lòng Dân. Với Nhà nước độc tài, quen độc quyền chân lí, độc quyền lẽ phải, coi mọi ý kiến khác biệt đều là “thế lực thù địch” và khi “thế lực thù địch” xuất hiện đông đảo, mạnh mẽ trên các trang mạng cá nhân thì hốt hoảng đến rối trí vội ban hành nghị định 72/2013: Cấm! Cấm! Cấm! Tôi mong cơn hốt hoảng mau qua đi, những người soạn thảo nghị định 72/2013 bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan trở lại mà ngôn ngữ dân gian nói là “khôn hồn” thì chỉnh sửa lại ngay ghị định 72/2013, bãi bỏ ngay nội dung tước đoạt quyền Con Người, thấp hèn hóa Con Người và ngu Dân khi qui định, trang mạng xã hội của cá nhân chỉ được đưa thông tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin trên các cơ quan báo chí. P.Đ.T. nguồn: http://www.basam.info
......

Thời đại truyền thông “một mình một chợ” của Cộng Sản Việt Nam đã hết!

Trong tháng 7/2013, việc ra đời công khai Mạng Lưới BloggerViệt Nam (MLBGVN) có thể xem như là một cột mốc kế tiếp đánh dấu sự thay đổi về chất cho những người đấu tranh cho tự do ngôn luận, cho một nước Việt Nam tốt đẹp hơn trong thời đại toàn cầu hóa, phổ cập Internet. Dĩ nhiên để có thành quả ngày hôm nay đã có những mất mát của những con người ở các thế hệ, thời điểm khác nhau phải chịu đày đọa, tù tội khi nói/viết lên công khai chính kiến của mình. Tôi rất tự hào được ký tên trong bản tuyên bố của MLBGVN nhưng cũng tự thấy mình còn có những khiếm khuyết nhất định. Thành thực mà nói chuyện viết lách không phải là sở trường và cũng không phải là nhu cầu chính khi tôi quan tâm đến các vấn đề xã hội, chính trị. Mong ước thầm kín của tôi đó là sớm dứt điểm ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) và đầu quân cho một chính đảng theo đường hướng của các lãnh tụ Quốc Gia tiền bối. Đó là một nhu cầu chính đáng và tự nhiên của những người có ước vọng tham gia hoạt động chính trị. Tôi nhận thấy MLBGVN còn phôi thai cần phải được sự hưởng ứng của những nhà báo giàu kinh nghiệm, những người có chuyên môn trong giới truyền thông/truyền hình, các nhà văn/nhà thơ khả kính…Từ đây cho ra đời những tạp chí định kỳ theo tuần/tháng/quí, chuyên đề nhằm phổ biến rộng rãi cho người đọc trong và ngoài nước. Có những giải thưởng định kỳ thi đua nhằm thúc đẩy người viết hoàn thiện hơn, đi sâu sát hơn vào các vấn đề xã hội và bao quát hơn các vấn đề lớn của đất nước. Bằng không dù danh sách ký tên MLBGVN có đông đến mấy chỉ gây ồn ào một thời gian vì mục đích ký tên cho có hay ủng hộ tinh thần cho nhau là chính. Tôi hi vọng sự ra đời của MLBGVN là một tiền đề gây được sự chú ý của liên hiệp quốc, các nước trên thế giới và quan trọng nhất là được sự ủng hộ đông đảo người đọc trong nước. Từ đó theo đà tiến lan tỏa cảm hứng ra đời các nhà xuất bản/tờ báo, các tổ chức văn hóa/nghệ thuật, các hiệp hội hoạt động có tính chất xã hội độc lập. Tôi cho rằng vì là Mạng Lưới cho nên tự thân mỗi cá nhân, nhóm nhỏ khi kết nối vào MLBGVN sẽ có tính chất như những Nút Mạng độc lập. Nếu chúng ta muốn người ta biết đến sự đóng góp của mỗi cá nhân thì từng Nút Mạng phải gia tăng nỗ lực hoạt động, viết lách có hiệu quả thiết thực. Mỗi khi một ai đó (kể cả tôi) vì lý do nào đó dừng cuộc chơi, đi ngược lại tiêu chí chung cũng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển, vận hành của MLBGVN. Thậm chí ngay các những blogger “phò Đảng”, Dư Luận Viên cũng phải được xem như những Nút Mạng của MLBGVN (nếu kết nối). Nếu đâu đó còn e ngại MLBGVN chưa tuân thủ luật pháp của nước Việt Nam? Xin thưa: nói cho đúng luật pháp hiện hành là luật pháp mang danh nghĩa nước CHXHCNVN; là luật pháp do ĐCSVN độc quyền chấp bút và thao túng. Luật pháp này không thể hiện ý chí, khát vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân trong tình hình hiện nay. Quốc Hội này, Chính Phủ này, Tòa Án này, Quân Đội này là “của Đảng, do Đảng và vì Đảng” Vài lời mạo muội đóng góp xin gửi tới MLBGVN và các blog/web thông tin để rộng đường dư luận. (*) Ghi chú : bài viết thể hiện chính kiến của cá nhân với việc ra đời của MLBGVN nguồn:http://donghailongvuong.wordpress.com/2013/08/01
......

Lật tẩy hay bị lật tẩy?

Bài báo có tựa “Lật tẩy chiêu tuyệt thực của Nguyễn Văn Hải” do nhà báo Vũ Đại Phong viết và đăng trên tờ Công An Nhân Dân Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi, trong đó tấm hình đi kèm được chú thích chụp blogger Điếu Cày rất khỏe mạnh trong nhà giam bị cho là đã qua chỉnh sửa và điều này đã đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức báo chí. Mặc Lâm tìm hiểu sự việc qua phân tích của chuyên gia IT về vấn đề này.   Biểu tình trước cổng trại giam Thanh Chương- Nghệ An đòi trả tự do cho Điếu Cày- Nguyễn Văn Hải hôm 23/7/2013. Photo courtesy of blog badamxoe Bài báo có tựa “Lật tẩy chiêu tuyệt thực của Nguyễn Văn Hải” do nhà báo Vũ Đại Phong viết và đăng trên tờ Công An Nhân Dân Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi, trong đó tấm hình đi kèm được chú thích chụp blogger Điếu Cày rất khỏe mạnh trong nhà giam bị cho là đã qua chỉnh sửa và điều này đã đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức báo chí. Mặc Lâm tìm hiểu sự việc qua phân tích của chuyên gia IT về vấn đề này.   Trong thời đại computer đã phát triển vượt bậc như hiện nay, một tấm hình được xem là “hot” nếu xuất hiện trên mặt báo và có khả năng thay đổi nội dung một câu chuyện hay chứng minh đuợc sự thật mà công chúng đang tranh cãi thì tấm hình ấy chắc chắn sẽ đuợc săm soi rất kỹ để tìm hiểu nó chụp vào thời gian nào, trước hay sau sự việc diễn ra và quan trọng nhất tấm hình ấy có được chỉnh sửa bằng kỹ thuật Photoshop hay không.   Tờ báo Dân Trí của Việt Nam đã từng mang tiếng chỉnh sửa hình ảnh trong vụ Trần Khải Thanh Thủy với mục đích tăng thêm tội trạng cho bà và bẻ hướng câu chuyện theo ý đồ của phóng viên nếu không muốn nói kể cả của cơ quan công quyền. Sự việc gần đây nhất là tấm ảnh của phóng viên Vũ Đại Phong của báo Công an Nhân dân Hà Nội khi mang hình ảnh của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vào bài viết của mình để chứng minh người tù này vẫn mạnh khỏe và không phải là đang tuyệt thực như dư luận đang tố giác sự vô tâm của nhà giam Tổng cục 8.   Tấm hình nhanh chóng bị tố cáo là chỉnh sửa, lắp ghép một cách vụng về và từ đó làm động cơ cho gia đình người blogger nổi tiếng này cùng với bạn hữu tới thẳng tòa soạn báo Công an Nhân Dân đòi làm sáng tỏ vào sáng ngày 31 tháng Bảy vừa qua.   Bà Dương Thị Tân vợ cũ của blogger Điếu Cầy cho biết sự việc xảy ra khi đến tòa soạn báo Công an Nhân Dân:   Cũng như mọi khi giống như là từ lúc mẹ con tôi đi Nghệ An đến nay tất cả mọi nơi đều lẩn tránh, đều có chung luận điệu là không có người giải quyết công việc của gia đình tôi, hoặc thế này hoặc thế kia nhưng nói chung là lẩn tránh, thậm chí họ còn đóng cửa không có một người nào để chúng tôi có thể hỏi. Người ta cũng chỉ trả lời một cách rất đơn giản là sếp của họ đi vắng và người phóng viên viết bài đó cũng đi công tác xa tại Tây nguyên. Chúng tôi không chấp nhận cách trả lời như vậy và chúng tôi yêu cầu gặp người chịu trách nhiệm xuất bản bài báo đó.   Không chấp nhận chuyện đó nên anh em bạn hữu chúng tôi đi ra ngoài cửa của tòa soạn đó và căng băng rôn để phản đối những việc làm của báo Công an Nhân dân đã có hành vi xuyên tạc, vu khống bôi nhọ thân nhân tôi cũng như những bằng hữu của chúng khi bài báo cho là một nhóm người chuyên tụ tập kích động gây rối các thứ trong bài báo đó.   "Người ta cũng chỉ trả lời một cách rất đơn giản là sếp của họ đi vắng và người phóng viên viết bài đó cũng đi công tác xa tại Tây nguyên. Chúng tôi không chấp nhận cách trả lời như vậy... - Bà Dương Thị Tân"   Trong kỹ thuật computer graphic design, việc chỉnh sửa hình ảnh trông đẹp và thực hơn nhờ vào các tính năng cắt ráp rất thành công của phần mềm Photoshop. Người xem dễ dàng chấp nhận một tấm ảnh sau khi qua chỉnh sửa trở nên hoàn toàn khác với tấm ảnh nguyên mẫu mà chính người trong ảnh cũng bất ngờ nếu không được huấn luyện chuyên môn.   Tuy nhiên có một sự thật là cho dù tay nghề của người sử dụng phần mềm Photoshop chuyên nghiệp cách nào cũng không thể giấu được các công đoạn mà phầm mềm này thực hiện. Dưới sự phân tích của một chuyên gia, để phát hiện một bức ảnh cắt dán thì  tấm ảnh sẽ đuợc phóng to để lộ ra vết cắt chung quanh của chủ thể muốn cắt. Mặc dù chủ thể đã được làm mờ đi nhưng vẫn để lại những khác biệt của các Pixels hiện ra trong vùng bị cắt. Những chấm nhỏ li ti được gọi là Pixels này là các phân tử tạo nên hình ảnh trong Photoshop và do đó chúng có cùng cấu tạo từ màu sắc, ánh sáng trên từng vùng nhất định cho nên khi bị cắt dán, những khác biệt của các Pixels sẽ lộ ra vì không một bức ảnh nào lại có thể trùng khớp với một bức ảnh khác ở độ sáng cũng như màu sắc.   Hai nữa, cấu tạo hình ảnh của Photoshop trên màn hình computer căn bản trên ba channel khác nhau. Ba channel đỏ, lá cây và xanh (Red, Green, Blue) khi nằm chồng lên nhau sẽ tạo ra hình ảnh thật nhưng khi tách rời chúng từng phần một sẽ hiện lên sự lắp ghép cắt dán ấy rất rõ ràng vì mỗi màu đều nằm riêng ra trên channel của màu ấy.   Kỹ thuật thứ ba để phát hiện các công đoạn chỉnh sửa là Histogram trong chuơng trình của Photoshop. Histogram sẽ ghi nhận mọi hoạt động chỉnh sửa màu sắc, khẩu độ ánh sáng trên một chủ thể và từ Histogram người ta dễ dàng nhận ra bức ảnh được sửa khi nào và vùng nào bị sửa.   Lắp ghép vụng về   Tấm hình trên báo cand online với lời chú thích: Nguyễn Văn Hải trong buổi khám sức khỏe định kỳ (ngày 26/7) và nhận khẩu phần ăn từ cán bộ trại (ngày 28/7). Photo courtesy of cand online   Nhận xét tấm hình đang gây ồn ào của bài viết mang tên “Lật tẩy chiêu tuyệt thực của Nguyễn Văn Hải” do nhà báo Vũ Đại Phong sáng tác, chuyên gia IT về hình ảnh và an ninh mạng Hoàng Ngọc Diêu cho biết: Tôi nhìn qua thì tôi thấy có hai điểm rất rõ ràng và hiển nhiên. Thứ nhất là cái vai của anh Điếu Cày trên hình nền nó bị mờ đi vì ai đó đã cố tình làm mờ đi để tiệp với hình nền nhưng vì họ làm rất vụng về cho nên khi mình chuyển qua một channel thì mình thấy nó hiện ra rất rõ. Thứ hai là cái Histogram trên mặt và trên ngực của anh Điếu Cày nó khác nhau rất nhiều. Nếu tấm hình đựơc chụp cùng một ánh sáng cùng một góc độ thì không có thể nào cái skin tone, cái màu da ở trên trán và trên ngực lại khác biệt nhau đến như vậy. Đây là điểm mà tôi tìm ra ngay lập tức không cần phải phân tích gì nhiều.   Khi được nhắc tới chi tiết cánh tay trong tấm hình bị cắt một cách vụng về và tác giả của nó lắp ghép với sự thiếu sự hiểu biết về cơ thể học cũng như luật phối cảnh của hội họa, chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu cho biết:   Đó cũng là một chi tiết rất thú vị vì nói một cách khoa học thì khi đưa tay ra nắm thì ngón cái phải xòe ra để giữ cái ca chứ không thể ào nó cụp lại như trong tấm hình này. Nhìn cái hình thì rõ ràng mình thấy ngón tay cái nó bị cụt mất. Đây là do người cắt ghép tấm hình khá vụng về nên cắt nó bị biến mất một miếng nên không còn thấy nguyên vẹn ngón tay cái nữa. Còn chi tiết cánh tay của người nào đó đưa vào tấm hình nhìn rất kỳ quái, nó không phải là màu da bình thường nó giống như bị over expose, được cắt ở đâu đó rồi dán vô nên không phù hợp với ánh sáng, màu sắc của hình nền.   Sự bức xúc của dư luận và gia đình blogger Điếu Cày trước bài báo của nhà báo Vũ Đại Phong cũng như sự im lặng của Tổng biên tập tờ báo Công an Nhân dân Hà Nội cần được làm rõ, có như thế nền báo chí cách mạng mới khả dĩ có thể thuyết phục người đọc trong tình hình ngành công an đang tự đánh mất niềm tin một cách trầm trọng như hiện nay.   Nguồn: rfa.com
......

Chính khách, quan chức Việt cần phải thay đổi não trạng

Ai cũng biết, quan chức VN từ cấp thấp nhất cho đến cấp lãnh đạo cao nhất đều không do dân thực sự bầu ra, cũng không qua những vòng tuyển chọn, thử thách công khai, minh bạch mà do rất nhiều con đường “khó hiểu” khác nhau: do lý lịch, thân thế, con em cháu cha, do quan hệ thân quen, do chạy tiền mua chức mua quan, thậm chí chỉ là do sống lâu lên lão làng v.v… Chính vì vậy, hiếm khi có những nhân vật có kiến thức thật sự, có tài, có lòng với đất nước, với nhân dân. Phần lớn trong số họ hoặc là những con sâu tham nhũng, chuyên đục khoét của cải của đất nước, nhân dân, những kẻ chỉ biết nhăm nhăm nghĩ cách nào để vơ vét cho đầy túi tham, hoặc là những kẻ cơ hội, đội trên đạp dưới, gió chiều nào xoay chiều ấy, hoặc bất tài, ăn hại, hoặc tư cách tồi tệ, ăn chơi phung phí, hoặc quan liêu, vô cảm trước nỗi khổ của nhân dân… Bức chân dung đen của đa số quan chức, nhân vật lãnh đạo ở VN thật phong phú, đa dạng. Nhưng nhìn chung, họ đều có những đặc điểm: dốt nát, vô cảm, và rất thiếu lòng tự trọng. Dốt nát cho nên cứ mỗi lần họ mở miệng ra là người dân lại choáng, sửng sốt, phẫn nộ hoặc không thể nào nhịn được cười. Và ngay lập tức những giai thoại châm biếm, khôi hài đen về câu nói của một vị quan chức nào đó lại lan truyền rất nhanh trong dân chúng. Không thể nào kể hết những câu nói thuộc loại “đỉnh cao trí tuệ” của quan chức Việt. Cứ thử nhìn lại từ các nhân vật trong Bộ Chính trị, các Bộ trưởng, Thứ trưởng…trở xuống, có được mấy khuôn mặt là không từng ít nhất vài lần trong nhiệm kỳ của mình, đã phát biểu một câu cực kỳ dốt nát nào đó? Có thể có người bênh vực sẽ bảo rằng đó là vì chính khách ở VN không được đào tạo một cách bài bản nên vụng về đường ăn nói. Còn chính khách ở nước khác, nhất là ở các nước dân chủ phát triển, một khi muốn bước vào con đường chính trị thì phải học hành đàng hoàng. Không chỉ học để có kiến thức rộng, chuyên môn vững chắc, tầm nhìn xa, tư duy nhạy bén, mà còn phải học làm chính khách. Từ học ăn học nói-nói với nhân dân, nói trước đám đông, tranh cãi hùng biện với các đối thủ, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, nói năng khi đi ra bên ngoài tiếp xúc với những nhân vật quan trọng, nguyên thủ quốc gia các nước …Cho đến cách hành xử với tất cả mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Đây đúng là một điểm yếu của chính khách, quan chức Việt. Nhưng vấn đề là họ không chỉ dốt nát về kiến thức, chuyên môn hoặc vụng về trong đường ăn nói, thiếu kinh nghiệm ứng xử…Cái chính là họ rất liều, nói lấy được, nhiều lúc rất tự tin, hùng hồn là khác, mà dân ta vẫn quen gọi là “chém gió”, họ nói bất kể người nghe có tin hay không… Chẳng hạn, tình hình nhân quyền ở VN tồi tệ ra sao, VN có tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị hay không, người dân trong nước cũng như thế giới quá rõ. Thế nhưng, các quan vẫn cứ cãi chày cãi cối rằng ở VN dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản, ở VN không có tù nhân chính trị mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật, người dân đi biểu tình phản đối TQ xâm lược hay Việt kiều đi biểu tình phản đối nhà cầm quyền VN “hèn với giặc ác với dân” thì họ phản bác rằng đi biểu tình vì bị các thế lực thù địch xúi giục, vì hận thù cá nhân, và vì được cho tiền… Trong từng lĩnh vực cũng thế, những người chịu trách nhiệm cao nhất cứ thế mà phát biểu bất chấp thực tế, đúng sai. Trong ngành Y, 2 năm gần đây bao nhiêu trẻ em chết vì tiêm vaccine nhưng các vị trong Bộ Y tế vẫn tuyên bố vaccine loại này an toàn, cứ tiếp tục tiêm. Thực phẩm bẩn nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn, bà con cứ việc ăn. Hàng ngàn điểm 0 trong một kỳ thi đại học là chuyện bình thường. Nợ xấu cũng trong ngưỡng an toàn, không lo. Đánh thuế nhiều, vô lý, dân kêu thì lại bảo đóng thuế là yêu nước, lạm phát cao nhưng không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, giá vàng trong nước cao hơn hẳn nước ngoài là có lợi cho dân. Rồi tình hình biển Đông vẫn chưa có gì mới, nào biển của ta, ta cứ đánh bắt, mặc cho ngư dân thường xuyên bị tàu TQ rượt đuổi, bắn phá, đánh đập, cướp sạch từ hải sản, ngư cụ, xăng dầu…mà không ai bảo vệ v.v… Họ cũng bất chấp hậu quả, cứ nói, cứ hứa…Bởi vì chỉ có trong một cơ chế chính trị như ở VN thì quan chức dù nói sai nói bậy, nói liều, hứa mà không làm…cũng chẳng sao, chả ai bị cách chức, hay bị kỷ luật gì. Cứ xem ngay ông Thủ tướng khi mới nhậm chức từng hứa nếu không trừ được tham nhũng sẽ từ chức, bây giờ sau hơn một nhiệm kỳ của ông, nạn tham nhũng càng phát triển tràn lan với mức độ thiệt hại kinh khủng cho đất nước nhưng ông Thủ tướng thì đã quên béng lời hứa và vẫn điềm nhiên tại vị. Chính khách, quan chức Việt cũng hầu như không bao giờ thừa nhận mình sai, không bao giờ nhận lỗi, càng rất hiếm khi có được một lời xin lỗi. Khi bị dư luận “bắt giò” sự dốt nát hay cái sai sót, phản ứng đầu tiên là họ bảo vệ cái sai của mình đến cùng dù càng nói thì càng sai, hoặc ngụy biện, chống chế đủ kiểu. Cùng lắm không thể nói càn được nữa thì họ đánh bài lờ, hoặc có nhận lỗi nhưng quấy quá cho xong và sau đó, tình hình vẫn không có gì cải thiện. Một cái bệnh rất nặng khác của quan chức Việt là bệnh quan liêu, vô cảm, xa rời nhân dân, xa rời thực tế. Mười mấy ngàn người chết vì tai nạn giao thông hàng năm hay 27,000 trẻ em sơ sinh chết hàng năm vì những nguyên nhân khác nhau, hàng trăm ca bệnh tử vong vì nạn dịch tay chân miệng, hay hai chục trẻ sơ sinh chết vì tiêm vaccine không làm cho những tư lệnh đầu ngành là ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hay bà Bộ trưởng Bộ Y tế mảy may động lòng, dù miệng họ có tỏ ra đau xót bằng lời nhưng vẫn không có một hành động nào để thay đổi hiện trạng. Nhìn rộng hơn, sự lạc hậu của đất nước so với các nước láng giềng sau mấy mươi năm, nỗi khổ của nhân dân không làm cho những người lãnh đạo cao nhất trăn trở để biết đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên hết, tìm một con đường, một lối thoát cho nước cho dân mà cũng là cho chính mình. Chính khách, quan chức Việt cũng là những người rất thiếu liêm sỉ, lòng tự trọng. Dù bất tài, dù làm sai, gây ra bao nhiêu thiệt hại nghiêm trọng nhưng họ không bị cách chức, càng kiên quyết không từ chức. Nhìn sang TQ, một quốc gia có mô hình thế chế chính trị rất giống với VN do hai đảng cộng sản “anh em” lãnh đạo, quan chức ở quốc gia này cũng tham nhũng, bất tài, sa đọa, tha hóa, nhưng ít ra nhà cầm quyền TQ cũng xử lý mạnh tay. Có khá nhiều quan tham, dâm quan TQ phải rớt chức, vào tù, thậm chí bị tử hình. Nhưng ở VN rất hiếm quan chức bị xử lý nặng về tội tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực, tử hình lại càng không. Giả sử bây giờ các chính khách, quan chức ở VN có được đào tạo bài bản để làm quan, biết cách ăn nói, ứng xử lấy lòng dư luận, nhưng nếu họ không thành tâm, trung thực, hết lòng với dân với nước, thì mọi lời nói, hành vi giả dối bề ngoài cũng chẳng đánh lừa được ai mãi. Điều đầu tiên, họ phải thay đổi não trạng. Với những người lãnh đạo đảng và nhà nước, phải thay đổi lối suy nghĩ tự cho chỉ có đảng và nhà nước, nói chính xác chỉ có 16 vị trong Bộ Chính trị, là được quyền quyết định mọi chuyện có liên quan đến vận mệnh đất nước, còn 90 triệu người dân không có quyền được biết, được bàn, được giám sát, phản đối. Phải thay đổi lối nghĩ luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, của chế độ và bản thân lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, cái quyết tâm chỉ bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ đến cùng bất chấp sự tồn vong của đất nước, nỗi khốn cùng của nhân dân. Với đa số quan chức, là thay đổi cái quan niệm tự cho mình là quan thì có quyền muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, coi dân như con, không những thế như cỏ rác, trong khi ngược lại, quan chức ở các nước dân chủ đều hiểu rất rõ rằng quan là do dân bầu ra, dân nuôi bằng đồng thuế mồ hôi nước mắt của mình để đại diện cho dân mà làm việc và nếu không làm việc được thì dân có quyền yêu cầu cách chức, từ chức. Hay quan điểm làm quan là để vinh thân phì gia, một người làm quan cả họ được nhờ, làm quan thì phải trung thành với đảng, với thể chế, trong khi làm quan là làm công bộc cho dân, cho nước. Một khi não trạng bên trong đã thay đổi thì mọi lời nói, hành vi ứng xử, cung cách làm việc phục vụ nhân dân của họ sẽ khác. Lẽ tự nhiên là thế. Nguồn: songchi's blog
......

Thánh lễ cầu nguyện cho những thanh niên yêu nước tại Hamburg

Thánh lễ cầu nguyện cho những thanh niên yêu nước tại Hamburg Giới thiệu về nhóm "Bạn của Đặng Xuân Diệu"   Vào ngày 27.7.13, lúc 15 giờ, trong không khí oi bức của ngày hè, hai linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải và Vincent Maria Phạm Cao Quý đã cử hành thánh lễ đồng tế trong thánh đường Maria Himmelfahrt trong quận Rahlstedt, thành phố Hamburg, Đức Quốc. Giáo dân Việt Nam trong giáo xứ đã vận động được sự đồng ý của cha xứ để có một buổi thánh lễ dành riêng cho người Việt Nam.   Thánh lễ đã diễn ra trong bầu không khí thật trang nghiêm với đề tài "Cầu nguyện và ý nghĩa của cầu nguyện" do cha Khải làm phó tế, thuyết giảng. Khoảng 100 giáo dân trong ngôi thánh đường rộng thênh thang đủ giúp buổi lễ thành công ngoài dự trù của ban tổ chức - Nhóm "Bạn của Đặng Xuân Diệu. Xen kẽ vào nghi lễ, lời kinh và lời giảng là những bài thánh ca trầm bỗng, du dương, lắng đọng vang lên do Ca đoàn Thánh Linh đảm trách. Tấm ảnh của người thanh niên Công Giáo yêu nước Đặng Xuân Diệu với câu nói sau cùng của anh khi bị nhà cầm quyền cộng sản kết án đã được trang trọng kết trước bục giảng. Đặng Xuân Diệu đã bị phiên tòa bất công, bỏ túi tuyên án 13 năm tù và 5 năm quản chế về tội "âm mưu lật đổ chính quyền" (điều 79). Như bao phiên tòa "công khai" khác, cáo trạng buộc tội của quan tòa chứa đầy khuất tất, không thuyết được ai. Hình ảnh 14 thanh niên yêu nước được dán trước bàn làm lễ. Trước đó là thánh giá được cấu thành từ 14 đóa hồng trắng tinh đựng trong lọ hoa nhỏ. Cha Khải, đôi lúc, như nhiều người đã biết, đã giảng như một nhà hùng biện. Bài giảng của Cha thường đi sát với nhu cầu thiết thân của giáo dân.   Sau một giờ đồng hồ, nến đã được phát cho giáo dân - không đủ - và theo sáng kiến của hai Cha, mọi người rước nến đi thành hàng dài sang hội trường nắm cách nhà thờ một khoảng sân khá rộng. Tại đây, sau chừng 20 phút giải lao, chương trình hội thảo đã bắt đầu bằng chùm dương ảnh (dias show) giới thiệu về anh Đặng Xuân Diệu và những hoạt động của anh về mặt xã hội, cũng như hình ảnh các thành viên của nhóm Bạn ĐXDiệu đã đến thăm gia đình anh trong dịp sinh nhật anh vào ngày 8.7 vừa qua. Ban tổ chức cũng đã kêu gọi mọi người hỗ trợ gia đình ĐXD về vật chất lẫn tinh thần như gọi điện thoại về an ủi gia đình của ĐXD. Ngay tại chỗ, quỹ nhóm Bạn ĐXD đã được sự hưởng ứng khá nồng nhiệt.     Một quầy hàng bán thức ăn tươm tất và ngon miệng đã được các thân hữu cũng như thành viên Ca đoàn Thánh Linh nhiệt thành thực hiện. Tiền thu được sẽ được gửi về gia đình những thanh niên yêu nước. Cha Nguyễn Văn Khải cũng không quên cung cấp danh sách gia đình những thanh niên đó để mọi người có thể gọi điện về trò chuyện, thăm hỏi.   Nhờ tài diễn thuyết hấp dẫn, hầu như tất cả mọi người đều ở lại đến phút cuối của buổi hội thảo "Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam" đã diễn ra trong bầu không khí thoải mái, cởi mở, súc tích. Những câu hỏi của cử tọa đã được cha Khải giải đáp thỏa đáng. Ngày sinh hoạt bổ ích đã chấm dứt sau 20 giờ trong sự lưu luyến chia tay của giáo dân đối với hai cha Quý và Khải. Nhóm Friends of Đặng Xuân Diệu
......

Nhục quá bác Sang ơi!

Trương Tấn Sang mang danh chủ tịch nhà nước Việt Nam, bị hàng ngàn người Việt biểu tình phản đối khi vừa bước chân tới nước Mỹ. Chưa thấy ai nói những lời trâng tráo như Trương Tấn Sang! Được dịp gặp tổng thống Mỹ, ông ta nói, “Cám ơn nước Mỹ đã tạo điều kiện cho người gốc Việt ở Mỹ được thành công trong cả hai mặt kinh tế và chính trị! Ông ta làm như không biết rằng hàng triệu người Việt đang sống ở nước Mỹ đều từng chạy trốn khỏi cái địa ngục mà đảng Cộng sản của ông trùm lên trên cả đất nước Việt Nam từ năm 1975! Những thuyền nhân tị nạn không ai nhờ ông làm đại diện cho họ để ngỏ lời cảm ơn cả; đại diện của họ là những người đi biểu tình trong công viên La Fayette chống chế độ tham ác mà ông là đại diện. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích nhận xét, khi nhắc đến cả mặt “hoạt động chính trị” (political activities) của người Việt sống tại Mỹ, nghĩ lại thấy là “ông Sang qua câu đó, cám ơn các biểu-tình-viên đang la ó phái đoàn của ông ngay ở ngoài cổng Tòa Bạch Ốc!” "Quốc trưởng một nước đến mà Tổng thống, Phó Tổng thống kể cả Bộ trưởng Ngoại giao cũng chẳng thèm ra đón tiếp. Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội phải bay về Mỹ để ra phi trường đón ông chủ tịch nước Tư Sang của CHXHCNVN" Nhà báo Đức Tuấn kêu lên: “Nhục quá bác Sang ơi!” trong blog của anh. Kêu lên như thế là Đức Tuấn quá lạc quan về tư cách con người ông Sang. Ông này không hề biết nhục. Người không bao giờ biết nhục là cái gì mới mở miệng nói một câu như vậy. Nói trâng trâng làm như cả nước Mỹ và ông tổng thống của họ không hề đọc lịch sử, không hề biết tại sao lại có hàng triệu người Việt liều chết vượt biển tìm tự do, trong đó có những người Việt đang sống ở Mỹ! Nói nghênh nghênh ngáo ngáo không khác gì mấy anh quản giáo bảo tù nhân phải “biết ơn cách mạng” vì mỗi ngày đều cho mình đi lao động! Chỉ một con người sống cả đời trong hàng ngũ cán bộ cộng sản, leo từng bước lên đến ngôi vị chủ tịch nhà nước thì mới đủ cơ hội tập được cái thái độ trơ tráo không biết hổ thẹn để phát ra được những câu như thế mà không biết mình sẽ bị cười vào mặt. Đáng lẽ sau khi nghe Trương Tấn Sang nói những lời trơ trẽn đó, ông Barack Obama phải hỏi lại: “Thế ông chủ tịch đã viết thư cảm ơn các hãng tàu thủy quốc tế cứu giúp người Việt Nam tị nạn gặp nguy khốn trên đường vượt biển cho lên tàu hay chưa? Ngài có tặng huy chương cho Tầu Cap Anamour hay không? Họ đã chữa bệnh gần 40 ngàn người và cứu mạng sống hơn 10 ngàn người Việt sắp chết đuối trên mặt biển đó!” Ông Obama cũng có thể cũng thắc mắc trong lòng: Khi sang Bắc Kinh ông Trương Tấn Sang có ngỏ lời cảm ơn chính quyền Trung Cộng đã đón nhận những người Việt gốc Hoa bị chế độ cộng sản Việt Nam tịch thu tài sản, đuổi về Trung Quốc hay không? Phần lớn các đồng bào Việt gốc Hoa này đã sống ở Việt Nam bao nhiêu đời, chỉ nói tiếng Việt chứ không biết tiếng Trung Hoa, nhiều người đã đi lính, bị thương, nhưng vẫn bị tống ra biển bất kể sóng to gió lớn! Cũng chỉ một chế độ cộng sản mới có cái chính sách trục xuất người ta một cách táng tận lương tâm như vậy. Những người đã đánh mất lương tâm thì cũng không biết hổ thẹn. Không biết trong gia sản của Trương Tấn Sang, có lúc được coi là người giầu nhất Sài Gòn, có bao nhiêu phần là do “đóng góp” của những người tị nạn cộng sản? Bao nhiêu ngôi nhà ở Sài Gòn đã bị tịch thâu rồi “hóa giá,” bỏ vào túi các quan cộng sản mỗi người được bao nhiêu? Thời đảng Cộng sản tổ chức vượt biên bán chính thức thì bọn Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng kiếm được bao nhiêu “cây” do đám đàn em bán bến dâng nộp? Nghe Trương Tấn Sang tới nước Mỹ mở miệng nói những lời trâng tráo như bây giờ, người ta chỉ cần nhắc lại lời phê phán tên Sở Khanh trong chuyện Kiều: “Đem người đẩy xuống giếng khơi / Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay!” Những lời cảm ơn trâng tráo trên đây là điều dư luận còn ghi lại sau chuyến công du của Trương Tấn Sang. Bởi vì chẳng có gì khác đáng nhớ hết. Nói như Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, kết quả chuyến đi này là “Về tay không!” Nhưng về đến nước nhà, bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản là báo Nhân Dân cũng trâng tráo không khác gì Trương Tấn Sang. Bản tuyên bố chung được báo này dịch ra có đoạn viết: “Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ giữa hai bộ trưởng ngoại giao, và khuyến khích các cuộc đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan đảng của hai nước.” Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích hỏi: “Hai đảng nào?” Ở nước Việt Nam mới có một đảng độc quyền cai trị ngồi trên đầu nhà nước, chứ ở nước Mỹ có đảng chính trị nào được phép làm như vậy đâu! Ông Obama thuộc đảng Dân Chủ, đảng này làm gì có “cơ quan” nào ngồi trên đầu chính phủ để “đối thoại và trao đổi” với mấy ông bà trong đảng cộng sản? Nếu có, chắc ông Obama sẽ bị đàn hặc và truất phế ngay lập tức! Phải nói là chuyến đi của Tư Sang về tay không, vì kết quả cụ thể duy nhất là lời hứa hẹn hai chính phủ sẽ ráo riết tiến tới trong vụ Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP để kết thúc vào cuối năm nay. Nhưng nếu muốn được Mỹ đồng ý cho tham dự vào hiệp định đó, cqn cộng sản Việt Nam sẽ phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán về hàng dệt may đang xuất cảng sang Mỹ. Năm ngoái Việt Nam xuất cảng 17 tỷ hàng hóa qua Mỹ, hàng dệt may chiếm khoảng 7 tỷ đô la. Hiện nay hàng dệt may của Việt Nam được đánh thuế thấp khi sang Mỹ, theo điều khoản ưu đãi của WTO cho các nước chậm tiến. Trong khuôn khổ TPP, các sản phẩm xuất cảng của các nước thành viên phải có xuất xứ từ các nước trong khối TPP mới được hưởng ưu đãi về thuế. Người Mỹ lo rằng Trung Quốc sẽ chuyển hàng vải sợi sang cắt may Việt Nam để được hưởng ưu đãi. Đã có hơn 160 nghị sĩ Dân Chủ lẫn Cộng Hòa ký tên vào bức thư yêu cầu chính phủ Mỹ phải bảo đảm các loại hàng dệt may phải được sản xuất “với nguyên liệu từ một quốc gia là đối tác tự do mậu dịch của Mỹ, thì mới được nhập vào thị trường Hoa Kỳ với mức thuế ưu đãi.” TPP là một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển, nên không có chính sách ưu đãi như khi Việt Nam đàm phán xin gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO). Chính phủ Mỹ và một số nước thành viên tương lai của TPP vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Vào Tháng Sáu, ông Nguyễn Vũ Tùng, phó đại sứ Việt Nam ở Washington, cho biết đề nghị mới nhất của Mỹ “thực sự, thực sự rất khó để chúng tôi chấp nhận.” Như vậy thì muốn giữ lời hứa kết thúc cuộc đàm phán về TPP vào cuối năm nay, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải hy sinh quyền lợi của các công ty dệt may để được chính phủ Mỹ chấp nhận! Nhưng Đại Sứ Mỹ David Shear tại Hà Nội mới tuyên bố rằng, “Nếu muốn quan hệ mậu dịch sát hơn, ta cần đến hiệp định TPP. Nhưng muốn những nỗ lực hợp tác ngoại giao đó thành công cần có cần thấy có sự tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam.” Trong khi Tư Sang ở Washington, hàng trăm nhà trí thức nước ta đã ký lá thư gửi đích danh ông ta, yêu cầu phải giải quyết ngay vụ nhà báo Điếu Cày đang tuyệt thực vì bị bạc đãi trong nhà tù. Ông Điếu Cày có thể chết bất cứ lúc nào trong khi vợ và các con ông còn chưa được gặp mặt. Trương Tấn Sang được tiếp đón theo cung cách chưa có một vị nguyên thủ quốc gia nào phải chịu khi đến thăm nước Mỹ lần đầu. Chỉ vì xin được sang Mỹ gấp quá. Theo Giáo Sư Carl Thayer, thuộc Đại Học Quốc Gia Úc: “Chuyến đi Mỹ của phái đoàn ông Trương Tấn Sang chỉ có hai tuần lễ để chuẩn bị. Đây là điều rất bất thường trong các quan hệ ngoại giao quốc tế.” Tại sao phải đi gấp như vậy? Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đoán rằng sau khi Sang đi Bắc Kinh ký kết những thứ mà Bùi Tín gọi là các “văn kiện đầu hàng” thì “về nước bị mắng nhiếc quá nên Tư Sang mới vội vã xin sang hội kiến với ông Mỹ, mong để đối trọng với ông Tàu.” Chắc không riêng mình Tư Sang lo chạy chọt xin đi gấp. Cả Bộ Chính Trị đảng Cộng sản cũng lo. Sau khi nghe dư luận khắp nước phê phán các cam kết của Hà Nội với Bắc Kinh, họ cảm thấy sợ thật. Nhất là ngay sau khi Tư Sang ở Tàu về, mới đầu Tháng Bảy, tàu Trung Quốc lại tấn công, cướp phá các tầu cá Việt Nam đang khai thác hải sản tại vùng biển Hoàng Sa. Bộ Chính Trị không biết “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?” Cho nên cả guồng máy ngoại giao của nhà nước phải thu xếp xin cho Tư Sang qua Mỹ, hy vọng dân Việt Nam sẽ quên mối nhục Thành Đô nối dài. Một mình Tư Sang không đủ sức vận động chuyến đi này. Ông Nguyễn Ngọc Bích kể lại những điều bất bình thường khi Tư Sang tới Mỹ: Không có tiếp đón long trọng, không thảm đỏ, không duyệt binh, không đại bác, không viên chức cao cấp nào từ phía Mỹ ra nghênh đón ngoại trừ ông đại sứ Mỹ ở Hà Nội, không ở nhà khách quốc gia, không có khoản đãi bằng một bữa tiệc linh đình (quốc yến, “state dinner”), không trưng cờ hai nước ngoài đường, phái đoàn Tư Sang phải thuê khách sạn ở gần Sứ quán Trung Cộng, vân vân. Ông Bích viết: “Chỉ cần so với sự tiếp đón long trọng (chính phủ Mỹ) dành cho bà Aung San Suu Kyi cách đây ít tháng là thấy hết cả sự bẽ bàng của chuyến đi. Dù như là một lãnh tụ đối lập ở trong tù ra chưa được bao lâu, bà Suu Kyi đã được mời đến nói chuyện cả với lưỡng viện Quốc Hội.” Khi biết hình thức đón tiếp như vậy, chắc Đức Tuấn cũng phải nhắc lại: “Nhục quá bác Sang ơi!” http://www.nguoi-viet.com/
......

Chúng ta sẽ không bao giờ mất anh

Nhà tù không hẳn là địa ngục nhưng phận tù đày là kiếp đày đọa nhất của mọi kiếp người. Và trong kiếp đày đọa ấy, vẫn có thêm một sự đọa đày.   Nếu anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vẫn bị biệt giam trong buồng kỷ luật thì có nghĩa, anh đã bước sang ngày thứ 32 tuyệt thực trong “nhà tù của nhà tù”. Còn tôi, ngồi đây để gõ mấy con chữ vô nghĩa này, để nói về sự may mắn của mình. Tôi may mắn cả khi là một người tù. Tôi đã không phải bỏ mạng như người tù lương tâm Nguyễn Văn Trại, Trương Văn Sương sau hàng chục năm bị giam cầm. Hay người tù lương tâm, linh mục Nguyễn Văn Vàng, khi chết vẫn đang bị cùm và bị bỏ đói. Tôi không phải thoi thóp để nhìn quỹ thời gian của mình đang dần vụt mất như người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu gần bốn mươi năm trời không nhìn thấy ngày trở về. Tôi may mắn hơn rất nhiều những người trong một khoảnh khắc bại trận đã bị biến thành tù nhân chỉ vì không biết dùng thủ đoạn và sự tàn ác với dân tộc mình để chiến thắng. Trong số những cựu quân nhân cán chính dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, có người bị cầm tù đến tận hôm nay, đã hàng chục năm trời sau cái lần gọi là “giải phóng” ấy. Có người đã gửi lại thân xác (nguyên vẹn hoặc không nguyên vẹn) nơi chốn ngục tù. Nhiều đồng đội của họ vẫn còn bị cầm tù nơi nghĩa trang lạnh lẽo. So với những người tù hình sự (có tội hoặc không có tội), tôi cũng may mắn hơn. Họ, hầu hết không dám nhìn thẳng vào mặt những tên cai tù. Và nhìn sang những đứa trẻ phải theo mẹ vào tù để chung kiếp đọa đày, nhiều bé đã ra đời trong bốn bức tường giam, vẫn còn may mắn hơn nhiều bào thai khác không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời dù trong chốn ngục tù. Tôi may mắn hơn các bé vì tôi là người tù đã ngoài ba mươi tuổi. Còn trước anh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tôi thấy mình tầm thường và nhỏ bé. Trong buồng biệt giam, nơi có thể nghe rõ cả tiếng thở dài của người bạn tù buồng bên cạnh, Điếu Cày đối mặt với sự tĩnh lặng đến ghê người. Và lắng nghe cơ thể của mình - một hình hài đã trở nên quá mong manh - thay đổi qua từng ngày tuyệt thực. Nhưng anh đâu chỉ đối mặt với nỗi cô đơn tinh thần. Để đánh bại anh, chúng sẽ “lôi” Điếu Cày ra khỏi những suy tưởng của riêng mình, bắt anh chấp nhận một cuộc đấu cả bằng sức (vốn đã không còn) lẫn bằng trí. Một người luôn “dị ứng” và mẫn cảm với mọi sự sỉ nhục như Điếu Cày, hẳn sẽ không tiếc dù là chút sức lực cuối cùng để ném sự khinh bỉ và ghê tởm vào những tên cai tù, đang lăm lăm dùi cui và bản nhận tội viết sẵn dành cho anh. Tất cả chúng ta đang hướng về anh, tôi cũng như bạn. Nhưng tôi sẽ làm cái việc lần đầu tiên tôi làm: Kết thúc bài viết khi nó vẫn đang dang dở. Và tin rằng, chúng ta sẽ không bao giờ mất anh. Anh đã chiến thắng và anh sẽ sống. Nhà tù đã quỳ gối quy hàng trước anh, một người tù kiên gan và bền chí. Và chính anh, đang nâng đỡ chúng ta trong những phút giây yếu đuối này. Nguồn: thanh nghien pham
......

36 Dân Biểu Hoa Kỳ lên tiếng về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Ngày 23 tháng 7, 2013 Tổng Thống Barack Obama Tòa Bạch Ốc 1600 Pennsylvania Avenue NW Washington, DC 20500 Kính thưa Tổng Thống Obama,   Chúng tôi viết thư để bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về những vi phạm nhân quyền đang xảy ra liên tục tại Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chính quyền Việt Nam luôn coi thường những quyền tự do căn bản, bao gồm các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục các hành vi bắt bớ và giam cầm tùy tiện những công dân chỉ vì họ chỉ trích chính quyền, trong đó có nhiều nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền được nhiều người biết đến. Chính quyền Việt Nam cũng thường xuyên có những hành vi đàn áp các dân tộc và các tôn giáo thiểu số với những bằng chứng kỳ thị và đàn áp mà không ít lần đã dẫn tới những hành vi bạo lực đối với các dân tộc như Khmer Krom, Montagnards, Hmong, và các tín đồ Công giáo, Tin lành, Phật giáo, và còn nhiều nhóm người khác nữa. Vào ngày 25 tháng 7, Ông sẽ có cơ hội để đưa các vấn đề này lên hàng đầu trong buổi hội kiến với Chủ Tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Tòa Bách Ốc. Trước tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày một xấu đi, chúng tôi kêu gọi Tổng Thống bày tỏ lập trường mạnh mẽ trong việc áp lực chính quyền Việt Nam phải tuân theo các quyền tự do căn bản đã được quy địnhi trong chính Hiến Pháp của nước Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi Tổng Thống hãy yêu cầu ông Sang phải có những giải pháp để cải thiện tình trạng nhân quyền và chấm dứt đàn áp các tiếng nói đối kháng tại Việt Nam. Đây là quan điểm được sự ủng hộ nhất trí của lưỡng đảng trong Quốc Hội. Vào ngày 27 tháng 6, Uỷ Ban Đối Ngoại Hạ Viện đã đồng thuận thông qua H.R. 1897, Dự luật Nhân Quyền Việt Nam. Đây là một dự luật với nhiều biện pháp mạnh mẽ cho thấy sự quan ngại của Hoa Kỳ về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Thêm vào đó, chúng tôi kêu gọi Tổng Thống hãy đặt việc cải thiện nhân quyền làm điều kiện với Việt Nam trong dự tính tham gia Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương. Chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ phải tỏ rõ sự cương quyết trong việc cổ võ cho quyền căn bản và quyền tự do cho tất cả mọi người, trong đó có người dân Việt Nam. Chúng tôi mong được tiếp tục làm việc cùng với nội các của Tổng Thống để chúng ta cùng tiếp tục cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Kính, Các Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ đồng ký tên: ALAN LOWENTHAL WILLIAM R. KEATING JANICE HAHN GERALD CONNOLLY JAMES P. MCGOVERN ERIC SWALWELL RANDY WEBER JULIA BROWNLEY TED DEUTCH LOIS FRANKEL LORETTA SANCHEZ GRACE MENG RAUL RUIZ, M.D. ZOE LOFGREN MARK TAKANO JUDY CHU SUSAN DAVIS JUAN VARGAS GRACE NAPOLITANO JARED HUFFMAN MICHAEL M. HONDA MICHAEL MICHAUD SHEILA JACKSON LEE ELIOT ENGEL HENRY A. WAXMAN GEORGE MILLER ILEANA ROS-LEHTINEN BRAD SHERMAN DANA ROHRABACHER JAN D. SCHAKOWSKY CHRISTOPHER H. SMITH SCOTT PETERS ADAM SCHIFF LINDA SANCHEZ DORIS MATSUI JOHN GARAMENDI GENE GREEN  
......

Dân biểu Hoa Kỳ họp báo về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam

Vào sáng ngày 23/7/2013, tức 2 ngày trước cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, một cuộc họp báo của các dân biểu Hoa Kỳ đã diễn ra ngay trước tiền đình Quốc Hội Mỹ. Các dân biểu hiện diện bao gồm bà Loretta Sanchez, ông Chris Smith, ông Alan Lowenthal, bà Susan Davis, và ông Ed Royce - Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ Viện. Cùng có mặt là các vị đại diện của các tổ chức nhân quyền quốc tế: Freedom House, Reporters Without Borders (Phóng Viên Không Biên Giới); và đại diện các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam: Nghị Hội Toàn Quốc Người Mỹ Gốc Việt, Ủy Ban Vận Động Chính Trị cho Nhân Quyền Việt Nam, Đảng Việt Tân, Đặc biệt có sự hiện diện của ông Đoàn Hữu Định, Chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt tại Washington DC, Virginia, và Maryland và cũng là trưởng ban tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 25/7 khi cuộc hội kiến đang diễn ra tại Nhà Trắng. Từng diễn giả đã trình bày chi tiết và đưa ra các trường hợp cụ thể về tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng tại Việt Nam. Các dân biểu thay mặt cho cộng đồng cử tri đồng thanh yêu cầu Tổng Thống Obama hãy đứng với dân tộc Việt Nam và có thái độ mạnh mẽ đối với những kẻ đang chà đạp nhân quyền tại đất nước này. Đặc biệt một bức thư chung của 35 gia đình Tù Nhân Lương Tâm gởi Tổng Thống Obama đã được công bố trong dịp này. Cuộc họp báo hôm nay đã bắt đầu chuỗi hành động  tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam trong 2 ngày sắp tới để dàn chào chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang. Quốc Huy, Hồng Giang tường trình từ Washington DC Những tiếng nói chung cho Nhân Quyền Việt Nam trước ngày hội kiến Bên cạnh các bài phân tích, bình luận về cuộc hội kiến sắp tới giữa Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang và Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, chúng tôi đặc biệt ghi nhận sự xuất hiện của các bản lên tiếng chung dồn dập từ nhiều hướng sau đây: -         Bức thư chung mang chữ ký 82 nhà trí thức Việt Nam gởi ông Trương Tấn Sang, với lời kêu gọi hãy đừng bỏ lỡ "thời cơ thuận lợi để đẩy tới công cuộc 'giải Hán hóa' mà dân tộc ta bao đời nung nấu, quyết thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc hội nhập vào thế giới dân chủ, văn minh." (http://diendanctm.blogspot.com/2013/07/tri-thuc-vn-uu-tu-ve-van-nuoc-gui...) -           Bức thư chung của 35 gia đình Tù Nhân Lương Tâm gởi ông Obama, với lời kêu gọi: "Tổng thống yêu cầu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhà nước Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, trước khi Mỹ đặt bút ký quan hệ đối tác với Việt Nam." (http://diendanctm.blogspot.com/2013/07/gia-inh-cac-tu-nhan-luong-tam-vie...) -           Bản lên tiếng chung của 12 tổ chức quần chúng  người Việt phân tích rằng: "Việc Tổng Thống Barack Obama can thiệp một cách nghiêm chỉnh và mang lại kết quả cụ thể cho các tù nhân lương tâm trên đây sẽ cho thấy Hoa Kỳ tuân thủ cam kết của mình, luôn đặt dân chủ và nhân quyền, những hòn đá tảng của nền cộng hòa Mỹ, lên trên những toan tính lợi ích tầm thường, dù thương mại hay quân sự." (http://diendanctm.blogspot.com/2013/07/cac-to-chuc-quan-chung-len-tieng-...) -           Bức thư chung của 18  tổ chức nhân quyền quốc tế gởi ông Obama, với lời kêu gọi can thiệp cụ thể cho luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đang bị giam cầm: "Vì tầm quan trọng to lớn của sự chú ý của thế giới về nỗ lực đem lại tự do cho ông Quân cũng như giúp cho ông được trở lại với các hoạt động nhân quyền cần thiết, chúng tôi hy vọng Ông nắm bắt cơ hội qua cuộc viếng thăm của Chủ tịch Sang sắp tới để yêu cầu ông Quân được thả ngay lập tức." (http://diendanctm.blogspot.com/2013/07/diendanctm-hom-nay-23-7-2013-tai....) Ngoài ra, chúng tôi cũng được biết  một bức thư về tình trạng nhân quyền Việt Nam, mang chữ ký của 37 dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ, vừa được Dân biểu Lowenthal trao tận tay Tổng Thống Obama vào sáng hôm nay.    Diễn văn bằng Anh ngữ trong cuộc họp báo. Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên đảng Việt Tân: "Để phát huy hết tất cả tiềm năng của người dân và nền kinh tế VN, xã hội VN phải là một nơi mà người sinh viên có thể tìm thông tin online mà không bị chặn, một blogger viết bài mà không bị bắt". Opportunity for President Obama to redefine U.S.-Vietnam relations Viet Tan July 23, 2013 The United States is correct in recognizing Vietnam as a strategic nation. With its dynamic population and enormous economic potential, Vietnam has the potential to contribute to a stable and prosperous region. But Vietnam is also the new Myanmar in terms of repression. The Hanoi regime continues to detain peaceful activists, censor the Internet and block the development of civil society. The number of political trials has increased over the last year. When they meet this week, President Obama should remind Truong Tan Sang that the key to unleashing Vietnam’s economic potential and ensuring its security is empowering its people. This can only happen through true political freedom, starting with the release of activists such as human rights attorney Le Quoc Quan, blogger Dieu Cay and musician Viet Khang. If the U.S. is to develop a strategic relationship with Vietnam, it must be a Vietnam where university students can freely blog about the country’s foreign policy challenges and citizens can peacefully demonstrate for their country’s territorial interests. It must be a Vietnam in which the role of the military is to defend the homeland, not a political regime. Likewise, if the U.S. is to complete a high standard Trans-Pacific Partnership Agreement with Vietnam, Hanoi must respect the rule of law and international norms. Unfortunately, this is not the case in the Socialist Republic of Vietnam where the government applies tax evasion charges to silence dissent and flaunts its international commitments on human rights. Virtually all Vietnamese welcome closer ties with the U.S. In many ways, the interests of Americans and Vietnamese are aligned on economic engagement, regional security and political openness. President Obama has the opportunity now to stand with the Vietnamese people. Truong Tan Sang is the president of the Socialist Republic of Vietnam, but the people have never elected him to office. In the short term it may be necessary for Washington to deal with autocrats. To advance long-term U.S.-Vietnam interests, President Obama must heed the words from his second inaugural address: “our interests and our conscience compel us to act on behalf of those who long for freedom.” Contact: Duy Hoang +1.202.596.7951 http://www.viettan.org/Opportunity-for-President-Obama-to.html Quốc Huy, Hồng Giang, Thế Quyên tổng hợp Nguồn: DiendanCTM
......

18 NGO gởi thư đến TT Obama yêu cầu thả Ls. Lê Quốc Quân

(Ấn bản anh ngữ đính kèm bên dưới) Kính gởi Tổng Thống Hoa Kỳ Tòa Bạch Ốc 1600 Pennsylvania Ave. NW Washington, DC 20500 Bản sao kính gởi:Ngoại trưởng John Kerry Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ngày 23 tháng 7, 2013 Thưa ông Tổng Thống, Các tổ chức ký tên dưới đây trân trọng yêu cầu Ông nêu vấn đề với nhà cầm quyền Việt Nam về việc bắt giữ và giam cầm tùy tiện ông Lê Quốc Quân, một luật sư, blogger và nhà đấu tranh nhân quyền nổi bật. Chúng tôi được biết ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Việt Nam sẽ hội kiến ông vào ngày 25 tháng 7, 2013, và chúng tôi thành khẩn mong Ông dùng cơ hội này để trao đổi về trường hợp của Lê Quốc Quân. Ông Quân là một luật sư đủ tư cách và là một blogger năng nổ hiện đang bị giam cầm vì đã thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội ôn hòa, và vì các hoạt động tranh đấu nhân quyền của ông. Trước khi bị bắt, trên trang blog nổi tiếng của mình, ông đã phơi bày các vụ vi phạm nhân quyền mà các cơ quan truyền thông của Nhà nước Việt Nam thường phớt lờ. Trước khi bị tịch thu giấy phép hành nghề luật sư năm 2007, ông Quân đã bào chữa các vụ án nhân quyền tại tòa; ông đã bị bắt giam trong 100 ngày khi ông trở về Việt Nam năm 2007 sau chuyến đi Hoa Kỳ, tại đó ông từng là một cựu nghiên cứu sinh của chương trình Reagan-Fascell tại Học viện Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy). Vào tháng 4 năm 2011, ông bị bắt giữ một lần nữa và sau đó được trả tự do mà không bị buộc tội. Vào tháng 8 năm 2012, ông Quân bị đả thương nghiêm trọng trong một vụ hành hung mà ông nghi là do bàn nhân viên Nhà nước. Ngày 27 tháng 12 năm 2012, ông Quân lại bị bắt và bị buộc tội “trốn thuế”. Ông đã bị biệt giam trong vòng hai tháng đầu tiên và tuyệt thực 15 ngày. Ngay lúc này ông Quân vẫn đang bị giam cầm và không được phép gặp gia đình. Phiên xử dự kiến diễn ra vào ngày 9 tháng 7, 2013, nhưng đã bị hoãn vào giờ chót mà chưa được thông báo ngày xử mới. Việc bắt và giam giữ ông Quân vi phạm những cam kết quốc tế, đặc biệt ở điều khoản 19, 21 và 22 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Các điều khoản này buộc nhà nước có nhiệm vụ phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội của ông Quân. Cách đối xử với ông cũng đi ngược lại nhiệm vụ của nhà nước phải bảo đảm và bảo vệ các quyền hạn của người hoạt động nhân quyền, như đã liệt kê trong bản Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về Những Nhà Bảo Vệ Nhân Quyền. Nhiều thông tin chi tiết hơn về ông Lê Quốc Quân và sự can thiệp bất hợp pháp đối với các quyền con người của ông được trình bày trong bức Thư Tố Cáo kèm theo đây, bức thư gần đây đã được gởi đến những Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc. Vì tầm quan trọng to lớn của sự chú ý của thế giới về nỗ lực đem lại tự do cho ông Quân cũng như giúp cho ông được trở lại với các hoạt động nhân quyền cần thiết, chúng tôi hy vọng Ông nắm bắt cơ hội qua cuộc viếng thăm của Chủ tịch Sang sắp tới để yêu cầu ông Quân được thả ngay lập tức. Xin cảm ơn Ông đã lưu tâm đến những yêu cầu của chúng tôi. Xin hãy liên lạc với chúng tôi nếu Ông có câu hỏi hoặc cần thêm thông tin. Trân trọng, Media Legal Defence Initiative (MLDI) Nani Jansen Senior Legal Counsel Access Jochai Ben-Avie Policy Director Action des chrétiens pour l’abolition de la torture (ACAT) François Picart Chairman Article 19 Agnes Callamard Executive Director Réseau Avocats Sans Frontières / ASF Network Anne Lutun ASF Network Coordinator Electronic Frontier Foundation Eva Galperin Global Policy Analyst English PEN Robert Sharp Head of Campaigns and Communications Front Line Defenders Mary Lawlor Executive Director Human Rights Watch John Sifton Asia Advocacy Director International Federation for Human Rights (FIDH) Karim Lahidji President Lawyers for Lawyers (L4L) Adrie van de Streek Executive Director Media Defence - Southeast Asia HR Dipendra Director National Endowment for Democracy Sally Blair Senior Director, Fellowship Programs PEN American Center Larry Siems Director, Freedom to Write and International Programs Reporters Without Borders Christophe Deloire Director-general Southeast Asian Press Alliance Gayathry Venkiteswaran Executive Director Vietnam Committee on Human Rights Vo Van Ai President World Movement for Democracy Art Kaufman Senior Director -------------------------------------------------------------------------------- The President of the United States The White House 1600 Pennsylvania Ave. NW Washington, DC 20500 Copy to:The Honourable John Kerry Secretary U.S. Department of State 23 July 2013 Dear Mr President, The signatory organisations respectfully request that you raise with the Vietnamese Government the arrest and arbitrary detention of Mr Le Quoc Quan, prominent lawyer, blogger and human rights defender. We understand that President Truong Tan Sang of Vietnam will meet with you on 25 July 2013 and we sincerely hope that you will take this opportunity to discuss Mr Quan’s case with him. Mr Quan is a qualified lawyer and active blogger who is currently detained for exercising his rights to freedom of expression, association, and peaceful assembly, and for his activities as a human rights defender. Prior to his arrest, Mr Quan exposed human rights abuses commonly ignored by Vietnamese state media on his popular blog. He defended human rights cases in the Vietnamese courts until he was disbarred in 2007, when he was arrested and detained for 100 days upon his return from the United States where he had been a Reagan-Fascell Democracy Fellow at the National Endowment for Democracy in Washington, D.C. In April 2011, Mr Quan was arrested again and ultimately released without charges. In August 2012, he was severely injured in a violent attack committed by what he believes were State agents. On 27 December 2012, Mr Quan was arrested and charged with alleged ‘tax evasion.’ He was detained incommunicado for the first two months and went on hunger strike for fifteen days. At this moment, Mr Quan is still imprisoned and is not allowed visits from his family. His trial was scheduled to take place on 9 July 2013, but was postponed at the last moment until further notice. Mr Quan’s arrest and detention are in violation of Vietnam’s obligations under international law, in particular Articles 19, 21 and 22 of the International Covenant on Civil and Political Rights, which impose duties on the government to protect Mr Quan’s rights to freedom of expression, association and peaceful assembly. His treatment also contravenes state duties set out in the UN Declaration on Human Rights Defenders, to ensure and protect the rights of human rights defenders. More detailed information about Mr Quan and Vietnam’s unlawful interference with his human rights is set forth in the attached Letter of Allegation recently sent to the Special Rapporteurs of the United Nations. Given the great importance of international attention to the effort to secure Mr Quan’s freedom, and to enable him to return to his indispensable human rights work, we hope you will seize the opportunity of President Sang’s upcoming visit to request the immediate release of Mr Quan. Thank you for your kind consideration of our request. Please do not hesitate to have your staff contact us should you have any questions or need any additional information about this important case. Most respectfully, Media Legal Defence Initiative (MLDI) Nani Jansen Senior Legal Counsel Access Jochai Ben-Avie Policy Director Action des chrétiens pour l’abolition de la torture (ACAT) François Picart Chairman Article 19 Agnes Callamard Executive Director Réseau Avocats Sans Frontières / ASF Network Anne Lutun ASF Network Coordinator Electronic Frontier Foundation Eva Galperin Global Policy Analyst English PEN Robert Sharp Head of Campaigns and Communications Front Line Defenders Mary Lawlor Executive Director Human Rights Watch John Sifton Asia Advocacy Director International Federation for Human Rights (FIDH) Karim Lahidji President Lawyers for Lawyers (L4L) Adrie van de Streek Executive Director Media Defence - Southeast Asia HR Dipendra Director National Endowment for Democracy Sally Blair Senior Director, Fellowship Programs PEN American Center Larry Siems Director, Freedom to Write and International Programs Reporters Without Borders Christophe Deloire Director-general Southeast Asian Press Alliance Gayathry Venkiteswaran Executive Director Vietnam Committee on Human Rights Vo Van Ai President World Movement for Democracy Art Kaufman Senior Director Nguồn: NGOs
......

Việt Nam: Trung Quốc và Hoa Kỳ

Tháng 6 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viếng thăm Trung Quốc trong bối cảnh sự phẫn nộ của người dân Việt Nam dâng cao vì những sự cố Trung Quốc liên tiếp xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam trên biển Đông.   Thực chất, từ trước nay, những cuộc viếng thăm Trung Quốc của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam chưa bao giờ mang tính ngoại giao song phương, mà chỉ có tính chất như những lễ chầu "thiên tử" ở Trung Nam Hải.   Sau chuyến thăm ấy, nhiều nhà bình luận đã tốn rất nhiều giấy mực để bàn luận và suy đoán về những gì nằm sau hậu trường. Trên bề nổi, có rất nhiều "thoả thuận" được ký kết giữa hai nước, nổi bật nhất là "thoả thuận hợp tác" thăm dò và khai thác dầu khí trên Vịnh Bắc Bộ. Cùng với những "thoả thuận" này là hai khoản tín dụng mà Trung Quốc dành cho Việt Nam. Không kể những gì tiềm ẩn phía sau, chúng ta có thể thấy khá rõ rằng các lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang bị những người đồng chí ở Bắc Kinh khống chế và mua chuộc triệt để. Những người cộng sản lãnh đạo và cha ông họ đã mắc Bắc Kinh một món nợ khổng lồ, để đổi lại họ được hẫu thuẫn ngoại giao và viện trợ quân sự nhằm đánh thắng Pháp, lên nắm quyền ở miền Bắc và chiếm Việt Nam Cộng hoà sau đó. Không ai trong chúng ta biết rõ món nợ đó lớn đến mức nào, nhưng có thể khẳng định những người cộng sản sẵn sàng đổi chủ quyền đất nước để lấy ngai vàng chư hầu ô nhục. Thế nhưng, Việt Nam lại nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trên đấu trường địa chính trị thế giới, vì trước mặt nhìn ra một vùng biển Đông với trữ lượng dầu khí lớn, ngư trường giàu có và là tuyến giao thông hàng hải quan trọng. Chính sách trục xoay của Hoa Kỳ cho thấy tầm quan trọng của vùng Đông Á, và Việt Nam không thể nằm ngoài tầm ngắm đó, đặc biệt là khi nó vừa nằm trong vùng chiến lược quốc tế, vừa là người đồng chí nằm sát gã khổng lồ Trung cộng đang đe doạ vị trí bá chủ toàn cầu của Hoa Kỳ. Vậy là, mặc dù biết rõ Việt Nam đã gần như nằm gọn trong vòng tay Trung Cộng, Hoa Kỳ vẫn muốn cố lôi kéo với hy vọng rằng ít nhất Việt Nam sẽ không trở thành tiền đồn của Trung Quốc. Với chính sách trục xoay châu Á Thái Bình Dương của mình, chính quyền Obama muốn giành lại ảnh hưởng của mình ở vùng này bằng cách củng cố các mối quan hệ đồng minh cũ, thiết lập các quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược mới trước ảnh hưởng ngày một sâu rộng của Trung Quốc trong khu vực. Có lẽ người Mỹ đúng khi hy vọng ở các lãnh đạo cộng sản một sự hợp tác hay ít ra là không "chống". Bởi họ dựa vào kiến thức chung về sự kình địch cố hữu từ lịch sử của hai quốc gia này và xét theo tình cảm tự nhiên, không một nước nhỏ nào thích phụ thuộc vào một nước lớn ở sát rào như thế, cũng như áp lực chống Trung Quốc ngày càng lớn của người dân Việt Nam đối với nhà cầm quyền độc tài hèn nhát. Nhưng ở đây vẫn hiện diện một nguy cơ lớn là người Mỹ tính nhầm. Với các thông tin tình báo của mình, không biết người Mỹ có biết Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức độ nào không? Có thể nói Trung Quốc hiện nay nắm rõ tình hình Việt Nam trong lòng bàn tay và họ có thể tuỳ nghi khống chế mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và giữ cả thế thượng phong trong tranh chấp lãnh thổ. Nếu bạn ở Việt Nam, hỏi những người hiểu biết, họ sẽ cho bạn biết rằng, với sự xảo trá và ranh ma của mình, Trung Quốc không cần đánh Việt Nam bằng một cuộc chiến tranh, thực ra họ đã hoàn toàn có Việt Nam trong tay và việc họ đang làm chỉ là cố gắng để sự thực đó ngày một rõ ràng và chính thức hơn. Không đánh mà có được đó mới là "thượng sách" theo kiểu Trung Quốc. Những đổi chác từ thời Hồ Chí Minh được hậu duệ của ông ta hoàn thiện, Việt Nam hiện nay hầu như đã bị ngập trong vũng lầy mang tên Trung Cộng. Việt Nam không phải là Miến Điện (dù Trung Quốc cũng có ảnh hưởng không nhỏ ở Miến Điện), vì thế không thể nào có một Thein Sein ở Việt Nam. Vì thứ nhất, những người cộng sản Việt Nam là những con người được trau dồi trong tinh thần vô Tổ quốc (dù họ bây giờ họ hành động như những nhà tư bản rừng rú nhưng não trạng vẫn là cộng sản); thứ hai, một lãnh đạo "phản tỉnh" sẽ hoàn toàn không thể cựa quậy được nếu số đông lãnh đạo cấp cao khác đều là người của Trung Quốc (sẽ là ngây thơ nếu chúng ta nghĩ chỉ một mình Thein Sein quyết định được việc Miến Điện phải vượt ra khỏi kiềm toả của Trung Quốc); biết được tình hình đó, không có cá nhân lãnh đạo cộng sản nào dám phá rào mà theo Mỹ vì khả năng thành công hiếm hoi và đe doạ đến an toàn của cả gia đình họ. Bởi vậy, nếu Hoa Kỳ muốn đạt được điều gì đó thực sự hữu hiệu trong mối quan hệ tay ba Mỹ Trung Việt thì họ phải có những hành động sâu rộng và có kế hoạch kỹ càng. Những nỗ lực nhỏ chỉ mang lại kết quả nhỏ, hoặc không có kết quả gì, hoặc thậm chí có tác dụng ngược. Nếu họ có thể dàn xếp để có thể khống chế một thành phần thức thời trong đảng cộng sản Việt Nam nhằm tạo ra một phiên bản mới của kịch bản Miến Điện và sau đó có nỗ lực thực sự để giúp dân chủ hoá Việt Nam một cách ôn hoà, người Việt Nam sẽ hoan nghênh họ. Còn nếu như họ vì muốn lôi kéo những người lãnh đạo cộng sản về phía mình mà xếp hồ sơ nhân quyền của chính quyền độc tài này qua một bên thì không những họ sẽ không lôi nổi những người cộng sản ra khỏi gọng kiềm siết chặt của Trung Cộng, mà còn tạo một hình ảnh rất xấu về nước Mỹ trong con mắt những người đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Nước Mỹ hiện nay không chỉ dẫn đầu thế giới vì có sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị mà còn vì "quyền lực mềm". Quyền lực mềm là chính là sự vượt trội về văn hoá và các giá trị tự do dân chủ nhân quyền mà nước Mỹ, với tư cách là nước đứng đầu các quốc gia nằm trong nền văn minh phương Tây, là biểu tượng lớn. Nếu Hoa Kỳ không thể chứng tỏ cho các nước ở Đông Á - đang phải miễn cưỡng chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi vẫn lo ngại vì sự trỗi dậy hung bạo của họ - thấy sự kiên quyết của mình đối với vấn đề Trung Quốc, thì ít ra cũng phải để cho người dân các nước này thấy Hoa Kỳ, một biểu tượng của tự do, đang đứng về phía những con người đang khát khao dân chủ tự do. Nếu không, thì dù có không ưa Trung Quốc, các nước này buộc phải để đấu trường Đông Á cho Trung Quốc tung hoành. Khi đó, Hoa Kỳ sẽ vấp phải nhiều khó khăn để thực hiện thành công chính sách trục xoay của mình. Mọi chuyện đang còn ở phía trước. Chúng ta hãy chờ xem người Mỹ sẽ làm gì. Nhưng theo thiển ý của tác giả bài viết, tình hình Việt Nam khó mà ổn định và được giải quyết ổn thoả khi tình hình biển Đông nói riêng và toàn vùng Đông Á nói chung còn chưa rốt ráo. Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
......

VÌ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Hội Nhà Văn Việt Nam có tờ tuần báo Văn Nghệ. Hội làm báo, Hội lại xin tiền từ ngân sách Nhà nước mua báo gửi cho hội viên. Vì thế từ nhiều năm nay, hằng tuần tôi đều đặn nhận được một tờ báo Văn Nghệ, hằng tháng tôi đều nhận được các ấn phẩn khác của hội Nhà Văn Việt Nam như tạp chí Thơ, tạp chí Nhà Văn… gửi từ Hà Nội vào Sài Gòn theo đường bưu điện. Đúng là chỉ có Chủ nghĩa Xã hội mới có sự “ưu việt” đó. Vì Chủ nghĩa Xã hội “ưu việt” như vậy nên báo Văn Nghệ từ mấy chục năm nay đã đưa lên trên cùng manchette của báo hàng chữ đậm: Vì Tổ quốc. Vì Chủ Nghĩa Xã hội! Chủ nghĩa Xã hội đã sụp đổ ở ngay chính quê hương người khai sinh ra lí thuyết Chủ nghĩa Xã hội, nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Chủ nghĩa Xã hội đã sụp đổ ở ngay chính quê hương của cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, sụp đổ ở ngay trung tâm, ở ngay thành trì bền vững nhất của hệ thống Xã hội Chủ nghĩa thế giới, thành trì Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết. Chủ nghĩa Xã hội đã sụp đổ dây chuyền cả một chuỗi các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu, sụp đổ ở những nước Xã hội Chủ nghĩa giầu có nhất, khá giả nhất. Chủ nghĩa Xã hội sụp đổ trên phạm vi thế giới vì Chủ nghĩa Xã hội là nỗi thống khổ của người dân ở những nơi nó thống trị. Chủ nghĩa Xã hội thực sự là thảm họa của loài người trong suốt thế kỉ hai mươi cách mạng và chiến tranh, thanh trừng và đấu tố, máu và nước mắt. Ở Việt Nam, Chủ nghĩa Xã hội là cuộc chiến tranh ý thức hệ đẫm máu, cuộc nội chiến Nam – Bắc nồi da xáo thịt giết hại nhiều triệu người Việt Nam, chia trận tuyến ý thức hệ trong từng gia đình, gây li tán sâu sắc cả dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa Xã hội là những thảm họa kinh hoàng, khủng khiếp: Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, Nhân văn Giai phẩm, xét lại chống đảng, cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền”, bắn giết, tù đày không thời hạn, không xét xử, không bản án hàng triệu người Việt Nam lương thiện. Chủ nghĩa Xã hội là cuộc chạy trốn bi thảm tìm cái sống trong cái chết của người dân Việt Nam suốt hơn nửa thế kỉ qua. Hơn triệu người dân miền Bắc cuống cuồng rời bỏ quê hương tháo chạy vào miền Nam năm 1954. Hơn ba triệu người cả miền Nam miền Bắc ồ ạt rời bỏ đất nước tháo chạy ra biển sau năm 1975. Hơn nửa triệu người bỏ xác dưới đáy biển. Gần ba triệu người thành dân tị nạn trôi dạt khắp thế giới. Cuộc trốn chạy Chủ nghĩa Xã hội của người dân Việt Nam còn đang âm thầm diễn ra đến nay vẫn chưa kết thúc. Tòa án tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa xử tù những người làm việc trên con tàu đánh cá đã tổ chức đưa nhiều người trốn sang nước Úc. Đấy chỉ là chuyến đi bất hạnh không thoát rất ít ỏi trong số nhiều chuyến tàu đưa người chạy trốn trot lọt. Chủ nghĩa Xã hội là quyền lực Nhà nước mặc sức tham nhũng và ức hiếp dân. Chủ nghĩa Xã hội là Nhà nước Xã hội chủ nghĩa không cần tồn tại bằng lá phiếu của người dân mà tồn tại bằng bạo lực chuyên chính vô sản và công an, công cụ bạo lực của Nhà nước, công thần bảo đảm sự tồn tại của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa trở thành hung thần với người dân, công an đánh chết dân thường xuyên diễn ra trên khắp đất nước. Chủ nghĩa Xã hội là những điều luật hình sự 79, 88, 258 vi Hiến, mơ hồ, mở rộng giới hạn phạm tội đến vô cùng tạo cớ cho Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa được quyền bắt bất cứ người dân nào Nhà nước muốn bắt. Hàng loạt công dân ngoại hạng là những công dân có tiếng tăm mà tên tuổi đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân .  .  . chỉ vì bộc lộ chính kiến khác biệt với chính thống mà phải nhận những bản án tù nặng nề, không còn được coi là con người trong những nhà tù Cộng sản khắc nghiệt. Vì những điều luật mơ hồ, vi Hiến đó mà gần 90 triệu người dân Việt Nam đều là những người tù dự bị và cuộc sống của người dân không được pháp luật bảo vệ trở nên bất an, ngột ngạt. Mọi người dân Việt Nam đều biết Chủ nghĩa Xã hội ghệ sợ, khủng khiếp như thế nào. Nhà văn thực sự phải là người biết đau nỗi đau của dân, có trách nhiệm với thăng trầm vận nước càng phải biết rõ Chủ nghĩa Xã hội là như thế nào. Vậy mà tờ báo của hội Nhà Văn Việt Nam lại nêu lí tưởng thẩm mĩ để hướng tới: Vì Chủ nghĩa Xã hội! Tờ báo Vì Chủ nghĩa Xã hội! Hội Nhà Văn Vì Chủ nghĩa Xã hội! Báo chí của Nhà nước Cộng sản Việt Nam rậm rịt như cánh rừng nhiệt đới. Trong cánh rừng đó chỉ có báo Văn Nghệ của hội Nhà Văn Việt Nam là trương cái slogan Vì Chủ nghĩa Xã hội. Hơn 700 tờ báo còn lại tuy không có slogan Vì Chủ nghĩa Xã hội nhưng đều là những tờ báo Vì Chủ nghĩa Xã hội của những tổ chức Vì Chủ nghĩa Xã hội trong Nhà nước Vì Chủ nghĩa Xã hội. Những tờ báo Vì Chủ nghĩa Xã hội. Những tổ chức Vì Chủ nghĩa Xã hội. Nhà nước Vì Chủ nghĩa Xã hội. Và người dân Việt Nam nạn nhân của Chủ nghĩa Xã hội vẫn phải âm thầm lặng lẽ rời bỏ đất nước ra đi thành dân tị nạn trôi dạt khắp chân trời góc biển! P.Đ.T. Nguồn:basamnews  
......

Tuyên bố của Mạng lưới Blogger Việt Nam

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ) có trách nhiệm tăng cường việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền và đưa ra khuyến nghị. Là một ứng cử viên vào HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam phải chứng minh các cam kết của mình nhằm hợp tác với HĐNQ và duy trì “những chuẩn mực cao nhất trong việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền”. Những nghĩa vụ và trách nhiệm này không chỉ được áp dụng trên bình diện quốc tế, mà còn trong nội bộ Việt Nam. Chính quyền Việt Nam cũng cần xem xét ại tình trạng vi phạm nhân quyền trên đất nước họ và nhân dân Việt Nam cũng phải có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt, kể cả các vấn đề nhân quyền. Để cải thiện việc bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, chúng tôi sẽ thực thi các nguyên tắc của HĐNQ như những hướng dẫn cho các hành động của chúng tôi, vốn cũng đồng thời tuân thủ các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật nhân quyền quốc tế. Chúng tôi sẽ: - Tiếp tục xúc tiến và truyền đạt đến người dân Việt Nam về các quyền của họ bằng cách phân phối công khai bản Tuyên ngôn nhân quyền, tổ chức các diễn đàn công khai để thảo luận về nhân quyền ở Việt Nam và vận động cho những sự cải thiện cần thiết trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. - Tiếp tục giám sát, báo cáo và bình luận công khai về sự cải thiện, thụt lùi hay vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, với sự tập trung vào vấn đề chính sách và thực thi chính sách ảnh hưởng đến nhân quyền do nhà chức trách Việt Nam tiến hành. Để hoàn thành những hành động có trách nhiệm này, chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam và HĐNQ xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 – “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Trong tháng Năm năm 2013, hai blogger đã bị tạm giữ ngay sau khi họ phân phát bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và cảnh sát cáo buộc họ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”. Chỉ vài tuần sau đó, hai blogger khác cũng bị tạm giữ sau khi tham gia một cuộc dã ngoại để thảo luận về các nội dung của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Gần đây nhất, trong tháng Năm và tháng Sáu năm 2013, điều 258 đã được sử dụng để bắt blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt bằng các đăng tải các bài viết ôn hoà lên blog của họ. Điều này vi phạm điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở, được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”. Sẽ là một trọng trách khi phụng sự như một quốc gia thành viên của HĐNQ, và là cơ hội để thúc đẩy nhân quyền ở trong cũng như ngoài quốc gia đó. Để thành công trong việc ứng cử vào HĐNQ, chúng tôi tin rằng Việt Nam phải bãi bỏ hoặc sửa đổi điều 258 để đảm bảo rằng nhân dân Việt Nam được tự do để tự học hỏi về nhân quyền cũng như thúc đẩy nhân quyền. Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ xem xét việc huỷ bỏ điều 258 để chứng tỏ cam kết của mình và đóng góp cho việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền, và chúng tôi hy vọng các thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ thúc đẩy Việt Nam thực hiện điều đó trong thời gian vận động tranh cử. Chúng tôi yêu cầu Việt Nam thể hiện các cam kết về nhân quyền của họ như một ứng cử viên tốt trước cuộc bầu cử, để tạo điều kiện cho các thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đánh giá các cam kết nhân quyền của họ. Việc bãi bỏ điều 258 phải là một trong các cam kết đó. Như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nói – “Tất cả các nạn nhân của việc vi phạm nhân quyền có thể trông cậy vào Hội đồng nhân quyền như một diễn đàn và một bàn đạp cho các hành động”. Là những người vận động cho tự do biểu đạt ở Việt Nam và là nạn nhân của các vi phạm nhân quyền vì các hoạt động của mình, chúng tôi xem việc ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền như một cơ sở cho các cuộc thảo luận có tính xây dựng về nhân quyền ở đất nước chúng tôi. ---------- Bản tiếng Anh (English Version) STATEMENT FROM A NETWORK OF VIETNAMESE BLOGGERS VIETNAM SHOULD AMEND LAW TO DEMONSTRATE HUMAN RIGHT COUNCIL CANDIDACY COMMITMENT The United Nations Human Rights Council (HRC) is responsible for strengthening the promotion and protection of human rights around the globe and for addressing situations of human rights violations and making recommendations on them. As a candidate for the HRC for the 2014-2016 tenure, Vietnam must demonstrate its commitment to cooperating with the HRC and upholding “the highest standards in the promotion and protection of human rights”. These obligations and responsibilities do not only apply on the international arena, but also inside Vietnam. The Vietnamese government also needs to review the human rights situation in their own country and the Vietnamese people also have a right to freedom of opinion and expression, including on these matters. In order to improve the protection of human rights in Vietnam, we will take HRC's principles as guidelines for our actions, which also comply with Vietnam’s obligations under international human rights law. We will: - Continue to promote and inform the Vietnamese people about their rights by publicly distributing the Universal Declaration of Human Rights (UDHR), organizing public forums to discuss human rights in Vietnam and advocating for necessary improvements of the respect and protection of human rights. - Continue to monitor, publicly report and comment on improvement, setbacks, or violations of human rights in Vietnam, with a focus on policy and practice by the Vietnamese authorities that affect human rights. In order to fulfill these responsible actions, we call upon the Vietnamese government and the HRC to review Article 258 of the 1999 Penal Code, amended in 2009 - “crime of abusing democratic freedoms to infringe upon the interests of the State, the legitimate rights and interests of organizations and/or citizens”. In May 2013, two bloggers were detained right after they distributed the UDHR and police accused them of abusing democratic freedoms to infringe upon the interests of the State. Only weeks later, two other bloggers were detained after participating an outdoor picnic to discuss the content of the UDHR. Most recently, in May and June 2013, Article 258 was used to arrest blogger Truong Duy Nhat, Pham Viet Dao, and Dinh Nhat Uy forexercising their rights of freedom of expression by peacefully publishing texts on their blogs. This article is in breach of the Article 19 of the UDHR: "Everyone has the right to freedom of opinion and expression; this right includes freedom to hold opinions without interference and to seek, receive and impart information and ideas through any media and regardless of frontiers." It would be a great responsibility to serve as a member stateof the Human Rights Council, and an opportunity to promote human rights domestically and abroad. For a successful candidacy, we believe Vietnam must repeal or make amendments to Article 258 to ensure that Vietnamese people are free to educate themselves about and promote human rights. We hope that Vietnam will consider the abrogation of Article 258 to demonstrate its commitment and contribution to promoting and protecting human rights, and we hope that the General Assembly members will push Vietnam to do so during the campaigning period. We request Vietnam to present its human rights pledges as a candidate well before the election, to enable members of the General Assembly to assess its human rights commitment. The abrogation of Article 258 should be among the pledges. As said by Ban Ki-moon, UN Secretary-General - “All victims of human rights abuses should be able to look to the Human Rights Council as a forum and a springboard for action.” As advocates for freedom of expression in Vietnam and victims of human rights violations because of our activism, we view Vietnam's candidacy for the HRC as a platform for constructive human rights discussions in our country. DANH SÁCH CÁC BLOGGER KÝ BẢN TUYÊN BỐ (List of the Vietnamese Bloggers Signing the Statement) 1. Võ Quốc Anh - Nha Trang 2. Huỳnh Ngọc Chênh - Sài Gòn 3. Phạm Lê Vương Các – Sài Gòn 4. Nguyễn Thảo Chi - Sài Gòn 5. Nguyễn Đắc Hải Di - Oslo, Norway 6. Lê Dũng - Hà Nội 7. Hoàng Văn Dũng - Sài Gòn 8. Nguyễn Văn Dũng - Hà Nội 9. Mai Xuân Dũng - Hà Nội 10. Trương Văn Dũng – Hà Nội 11. Ngô Nhật Đăng – Hà Nội 12. Nguyễn Chí Đức - Hà Nội 13. Phạm Văn Hải - Nha Trang 14. Hoàng Thu Hà - Hà Nội 15. Bùi Thị Minh Hằng - Vũng Tàu 16. Vũ Sỹ Hoàng - Sài Gòn 17. Nguyễn Thị Hợi - Nam Định 18. Lê Anh Hùng – Quảng Trị 19. Trần Văn Huỳnh - Sài Gòn 20. Nguyễn Việt Hưng – Hà Nội 21. Đặng Thị Hường - Hà Nội 22. Nguyễn Xuân Kim - Nghệ An 23. Đặng Ngọc Lan - Hà Nội 24. Bùi Tuấn Lâm - Hà Nội 25. Nguyễn Thùy Linh - Hà Nội 26. Đào Trang Loan – Hà Nội 27. Lê Thăng Long - Sài Gòn 28. Nguyễn Tiến Nam - Yên Bái 29. Phạm Thanh Nghiên - Hải Phòng 30. Vũ Quốc Ngữ - Hà Nội 31. Đào Hữu Nghĩa Nhân - Sài Gòn 32. Bùi Thị Nhung - Sài Gòn 33. Lê Hồng Phong – Hà Nội 34. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Nha Trang 35. Trương Minh Tam - Hà Nội 36. Hồ Đức Thành – Hà Nội 37. Phạm Văn Thành - Pháp 38. Nguyễn Hồ Nhật Thành - Sài Gòn 39. Nguyễn Lân Thắng - Hà Nội 40. Châu Văn Thi - Sài Gòn 41. Khổng Hy Thiêm - Nha Trang 42. Võ Trường Thiện - Nha Trang 43. Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại - Sài Gòn 44. Nguyễn Tường Thụy - Hà Nội 45. Trịnh Kim Tiến - Sài Gòn 46. Phạm Toàn - Hà Nội 47. Lê Thu Trà - Hà Nội 48. Nghiêm Ngọc Trai - Hà Nội 49. Phạm Đoan Trang - Hà Nội 50. Nguyễn Thu Trang – Hà Nội 51. Hoàng Đức Trọng - Sài Gòn 52. Phạm Văn Trội - Hà Nội 53. Hoàng Anh Trung - Hà Nội 54. Nguyễn Anh Tuấn - Đà Nẵng 55. Trịnh Anh Tuấn - Buôn Ma Thuột 56. Vũ Quốc Tú - Sài Gòn 57. Đặng Vũ Tùng – Thụy Sĩ 58. Nguyễn Chí Tuyến - Hà Nội 59. Nguyễn Hoàng Vi - Sài Gòn 60. Nguyễn Văn Viên - Hà Nội 61. Bùi Quang Viễn –Sài Gòn 62. Lê Công Vinh – Vũng Tàu 63. J.B Nguyễn Hữu Vinh – Hà Nội 64. Đặng Tuấn Vũ - Hà Nội 65. Huỳnh Thục Vy - Quảng Nam DANH SÁCH CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ NHẬN TUYÊN BỐ CỦA MẠNG LƯỚI BLOGGER VIỆT NAM (List of International Organizations Receiving the Statement) 1. Office of the United Nations High Commissioner for Human RightsInfoDesk@ohchr.org 2. Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA)yap@forum-asia.org 3. Southeast Asian Press Alliance (SEAPA)seapa@seapa.org 4. Human Right Watchhrwpress@hrw.org 5. Freedom House info@freedomhouse.org 6. Committee to Protect Journalists (CPJ)info@cpj.org 7. International Freedom of Expression Exchange network (IFEX) campaigns@ifex.orgmedia@ifex.org 8. International Federation for Human Rights (FIDH)amanet@fidh.org 9. Civil Rights Defendersinfo@civilrightsdefenders.org 10. Amnesty Internationalpress@amnesty.org 11. Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA)info@forum-asia.org 12. Human Right Law Networkcontact@hrln.org 13. Southeast Asian Human Rights Studies Network (SEAHRN)http://www.seahrn.org 14. Southeast Asia Press Alliance(SEAPA)http://www.seapabkk.org 15. Swedish International Development Cooporation Agency (SIDA)sida@sida.se 16. Open Society Foundation (OSF)http://www.opensocietyfoundations.org 17. Front Line Defendersinfo@frontlinedefenders.org
......

Lý tưởng Cộng Sản thế kỷ 21

Có nhiều định nghĩa về hai chữ “lý tưởng“. Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường; là ước mơ, hoài bão và luôn muốn biến ước mơ, hoài bão đó thành sự thật; là những tư tưởng cao cả, tốt đẹp nhất, định hướng cho cuộc sống của con người; là nguồn động lực, chất xúc tác giúp ta đạt được những gì mong muốn dù gặp khó khăn nguy hiểm; là mục đích tốt đẹp nhất mà người ta phấn đấu, đôi khi phải hy sinh hạnh phúc của chính mình để đạt tới…   Khi Quốc Tế Cộng Sản được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ 20, thế giới lúc đó nghe nhiều đến lý tưởng cộng sản. Theo Lênin, trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền, đảng viên có lý tưởng cộng sản là những người trung thành vô giới hạn đối với Chủ nghĩa Cộng sản theo định nghĩa của Các Mác và Lênin (gọi tắt là Chủ nghĩa Mác-Lê), trung thành với sự nghiệp của giai cấp vô sản, suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp của giai cấp vô sản, phục vụ hết lòng giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Và khi đảng Cộng sản đã giành được chính quyền, thì đảng viên phải trung thành với "lý tưởng của Đảng", tức là bằng mọi giá phải xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản tại từng nơi, rồi tiến lên thế giới đại đồng, không còn biên giới quốc gia, không ai thống trị ai, xã hội thực sự bình đẳng, không còn cảnh người bóc lột người, và con người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu…. Ông Hồ Chí Minh là một trong những người gốc Việt Nam đầu tiên được đúc theo khuôn mẫu lý tưởng Cộng sản nói trên. Sau đó ông huấn luyện lại cho thế hệ đảng viên kế tiếp và từng bước biến thành cái gọi là "đạo đức cách mạng". Trong bài giảng có tên "Đạo Đức Cách Mạng“ vào năm 1958, ông Hồ lập lại đầy đủ những ý niệm của Lênin nêu trên cùng với các luận cứ phê phán "cá nhân chủ nghĩa" và xem đó là kẻ thù của sự nghiệp tiến lên chủ nghĩa Cộng sản [1]. Sau đó, trong bài “Tổng Kết 13 năm Hoạt Động của Đảng CSVN“, năm 1960 [2], ông Hồ cũng lập lại và nhấn mạnh thêm những điều này. Và còn nhiều tài liệu khác nữa. Tóm tắt là định nghĩa nguyên thủy về lý tưởng Cộng sản tại Liên Xô được truyền đến Việt Nam không đổi. Chỉ đến khi hai nước cộng sản đàn anh lớn nhất, Liên Xô và Trung quốc, trở mặt chống nhau để tranh giành vị trí cầm đầu phong trào Quốc Tế Cộng Sản, thì niềm hy vọng và mục tiêu "cao cả" xây dựng thế giới đại đồng theo chủ nghĩa Cộng sản tan thành mây khói. Và cái gọi là "lý tưởng cộng sản" bắt đầu được các phe trong thế giới Cộng Sản định nghĩa lại để phục vụ cho lợi ích của phe mình. Có những lãnh tụ như Thống chế Josip Tito của Yougoslavia chỉ dùng chủ nghĩa Cộng sản để củng cố ghế cai trị của mình và hành xử khá độc lập, chứ không thiết tha gì đến thế giới Cộng sản hay các ông anh lớn nữa. Vô số những người Cộng sản trên khắp thế giới kinh ngạc và bắt đầu hồ nghi các kinh điển Cộng sản khi nhìn các cuộc giao tranh biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc kéo dài hàng chục năm trời, với những cuộc chạm súng đẫm máu ở vùng Hắc Long Giang. Tại Việt Nam, đã có khá nhiều đảng viên Cộng sản lão thành thú thật rất ít người Việt tham gia đảng Cộng sản vì hiểu chủ nghĩa Cộng sản là gì hay vì thấy lý tưởng Cộng sản cao đẹp. Trong thời kháng chiến chống Pháp, rất đông người gia nhập đảng CSVN vì lý tưởng muốn giải phóng đất nước. Vào thời đó, nhiều người cho rằng đường lối của đảng CSVN có xác suất thành công cao nhất. Tinh thần này kéo dài qua cuộc chiến chống Mỹ. Nhiều đảng viên đi theo tiếng gọi của lãnh đạo vì lý tưởng "giải phóng đồng bào ruột thịt đang bị đàn áp dưới gót giày của đế quốc Mỹ". Chỉ khi vào đến nơi và nhìn tận mắt xã hội miền Nam năm 1975 họ mới vỡ lẽ và biết mình bị lừa. Có lẽ tiếng nói mạnh nhất diễn tả tâm trạng này là của nhà văn Dương Thu Hương. Những năm tháng cai trị ngặt nghèo và liên tục đập bỏ mọi thành tựu đang có tại Miền Nam để xây dựng CNXH càng làm giật mình những đảng viên Cộng sản chưa một lần ra Bắc. Đơn giản vì xã hội Miền Nam trước 1975 còn tự do, còn có nhà nước pháp quyền, và còn tôn trọng con người hơn nhiều. Lý tưởng Cộng sản rớt xuống một tầng thấp mới. Nhiều đảng viên nhận ra lãnh đạo đảng nhất quyết "giải phóng" Miền Nam chẳng phải vì người Việt, mà chỉ để biến cả nước thành một phần của Khối Cộng Sản, rồi lại hãnh diện tình nguyện làm ngọn cờ đầu của Quốc Tế Cộng Sản đi "giải phóng" tiếp các nước Đông Dương và Đông Nam Á. Tất cả được trả bằng máu người Việt Nam. Lý tưởng đưa toàn vùng vào vòng tay Cộng sản đó - được ghi rõ trong bài bản học tập của đảng viên các cấp - chỉ khựng lại vào khoảng giữa thập niên 1980, khi ngân khố Liên Xô cạn kiệt. Đến năm 1989 khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, rồi Liên Xô cũng sụp đổ luôn. Gần cả tỉ con người vứt bỏ chủ nghĩa Mac-Lê và bắt đầu xây dựng thể chế dân chủ tự do. Giữa cơn hoang mang, bơ vơ lạc lõng, và loay hoay tìm phương hướng mới của giới lãnh đạo đảng CSVN, ông Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ chính trị, đề nghị một lý tưởng mới - lý tưởng trở về với dân tộc, bỏ con đường mòn bám chân các anh lớn Cộng sản. Ông đề nghị cải cách chính trị, chấp nhận đa nguyên, dân chủ hóa xã hội hầu đáp ứng khát vọng của dân tộc và để đất nước đi theo xu thế chung của thời đại. Nhưng thay vì can đảm hướng theo lý tưởng đặt dân tộc trên hết của ông Trần Xuân Bách, giới lãnh đạo đảng lúc đó lập tức cho đó là âm mưu chính trị của những "thế lực phản động quốc tế" nhằm xóa sổ đảng CSVN như đã xóa đảng Cộng sản Liên Xô. Họ tước ngay mọi chức vụ và thẳng tay trừng phạt ông Trần Xuân Bách. Cùng lúc, để cứu đảng, Bộ chính trị làm 2 việc: Khoác lên mình lá cờ dân tộc và đi tìm chỗ dựa mới. Để khoác áo dân tộc và thay thế các ông thần Cộng sản rước về từ Liên Xô, họ bắt đầu thôi coi các anh hùng dân tộc chỉ là sản phẩm của chế độ phong kiến; và khởi động việc phát minh món "hàng nội hóa" mới có tên là "tư tưởng Hồ Chí Minh" bất kể khi còn sống ông Hồ đã xác nhận công khai nhiều lần ông không có tư tưởng nào khác ngoài các tư tưởng của Mác-Lênin-Stalin-Mao. Và để tìm chỗ dựa mới thay thế cho khoảng trống Liên Xô, ngày 3/9/1990 Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười, và Cố vấn Phạm Văn Đồng lặn lội qua Thành Đô, Trung Quốc xin nối lại mối bang giao đã bị cắt đứt kể từ năm 1979 và xin Bắc Kinh bảo trợ. Họ dư biết Bắc Kinh chẳng cho không điều gì, đặc biệt sau 10 năm đánh nhau đầy cay đắng. Họ cũng biết tâm địa của Bắc Kinh đối với chủ quyền Việt Nam vì chính họ đã in sách liệt kê đầy đủ các chứng cớ và thủ thuật quỉ quyệt của Bắc Kinh, đặc biệt là cuốn SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM -TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM QUA do Nhà xuất bản Sự Thật phát hành vào tháng 10/1979. Rõ ràng kể từ thời điểm này lý tưởng Cộng sản là giữ đảng bằng mọi giá, dù giá đó là chủ quyền quốc gia. Lý tưởng bỏ nước giữ đảng được tiến hành từng bước liên tục từ đó đến nay, từ các hiệp ước dâng nhượng đất trên bộ mà các bản đồ đến nay lãnh đạo đảng vẫn không dám tiết lộ, đến hiệp ước dâng nhượng lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ, đến mấy chục khu rừng đầu nguồn, rừng biên giới, đến "mái nhà Đông Dương", v.v... kéo dài đến 10 thỏa ước mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký kết vào tháng 6/2013. Giới lãnh đạo đảng có vẻ tin tưởng và chấp nhận giải pháp để cho Bắc Kinh chiếm từ từ chủ quyền Việt Nam như đang thấy, vì như vậy đảng vẫn cai trị được vài chục năm nữa mới mất hết. Với lý tưởng mua thời gian đó, các đảng viên cao cấp bắt đầu đua nhau làm giàu. Trước hết, họ bán tất cả những gì có thể bán được, từ khoáng sản đến cô dâu. Kế đến họ giành trọn mọi cửa ngỏ buôn bán với nước ngoài cho gia đình và phe cánh, từ xuất nhập cảng trong mọi ngành nghề đến toàn bộ hệ thống ngân hàng. Và sau hết, họ cướp luôn tài sản của nông dân, và tiếp tay các công ty nước ngoài trấn áp công nhân. Tóm lại, đảng của giai cấp công nông đã biến mất mà chỉ còn tập đoàn tư bản đỏ ngồi ghế cai trị. Và lý tưởng của đảng viên ngày nay là được ngồi vào những chiếc ghế đó. Hiển nhiên, những chiếc ghế càng béo bở càng có nhiều đảng viên thèm thuồng. Thực tế này không chỉ dẫn đến những đấu đá chí mạng để giành ghế mà còn tạo hiện tượng kiếm ăn cực kỳ gấp rút và bất chấp mọi tác hại trong thời gian đang giữ ghế. Vì khối tiền thu được sẽ giúp làm 3 việc: Dùng để mua vây cánh bảo vệ ghế hiện tại; dùng để tranh những ghế béo bở lớn hơn; và dùng để mua bảo hiểm cho ngày hạ cánh an toàn. Tiền đã trở thành sức mạnh vô địch, mạnh hơn cả quyền lực Bộ chính trị. Đối với nhiều đảng viên, sau kết quả Hội nghị Trung Ương 6 và 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem là tấm gương thành công về cách làm ra cũng như sử dụng đồng tiền hiệu quả. Vì vậy, lý tưởng Cộng sản ngày nay còn bao gồm quyết tâm cào thật nhanh và giữ cho được khối của cải riêng. Theo các thống kê quốc tế, hàng ngàn đảng viên Cộng sản nay đã lên hạng có tài sản riêng ở mức vài trăm triệu đến vài tỷ mỹ kim. Nên nếu phải mô tả thật ngắn gọn, người ta có thể tóm tắt lý tưởng Cộng sản tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 21: • Thà mất nước chứ không mất đảng. • Thà mất đảng chứ không mất ghế. • Thà mất ghế chứ không mất của. ooOoo Nhưng đó là sai lầm khủng khiếp ngay từ điểm khởi đầu vì MẤT NƯỚC LÀ MẤT TẤT CẢ — từ "đảng" đến "ghế" đến "của", và vận tốc xâm lược sẽ tăng vọt theo từng bước lũy thừa. Bài học này đã lập lại quá nhiều lần trong lịch sử Việt Nam và tại nhiều nơi trên thế giới. - - - [1] Hồ Chí Minh Tuyển Tập ấn bản Anh Ngữ, nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội phát hành năm 1994, trang 195-208; (Ho Chi Minh Selected Writings 1920-1968, Thế Giới Publishers, Hanoi 1994). [2] Sách đã đẫn, trang 230-247.
......

Hoạt động dân chủ để nổi tiếng?

Đây là chủ đề vừa được bàn luận sôi nổi với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trên Facebook. Câu phát biểu (nói theo ngôn ngữ thời @ là một status) gây tranh cãi này khá ngắn gọn, gồm 2 dòng, 41 chữ. Xin dẫn nguyên văn, kể cả chấm, phẩy như sau: “Mình nhìn thấy một số người tìm kiếm sự nổi tiếng bằng cách hoạt động dân chủ và mình nhìn thấy một số người giải tỏa sự bất đắc chí cũng bằng hoạt động dân chủ. Có đúng vậy không ta?” Chủ nhân của status giãi bày, không nhằm vào những người hoạt động dân chủ chân chính mà muốn nhắm tới một số nào đó đang tìm kiếm sự nổi tiếng qua hoạt động dân chủ. Vấn đề là số đó là (những) ai và có hay không? Bài viết nhỏ này không phải để khép lại sự bàn luận mà ngược lại, muốn mở cho nó một không gian khác bên ngoài ‘khuôn viên’ của Facebook . Nổi tiếng – nhu cầu của không ít người   Trước hết, cần phải nói ngay rằng, nổi tiếng là một nhu cầu của không ít người và nó đã tồn tại từ lâu ở các nước phát triển trước khi được du nhập vào Việt Nam như một thứ bệnh dễ lây lan. Thông thường, người ta trở nên nổi tiếng một cách không chủ ý nhờ những hoạt động, những thành tựu, năng khiếu hay những cống hiến trong một thời gian dài. Bản thân họ bắt đầu công việc hay sự nghiệp không phải nhằm nổi danh. Nhưng danh tiếng, theo năm tháng, tự hình thành. Đó là những người, dù muốn hay không, vẫn trở thành nổi tiếng. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những người tìm đủ mọi cách để nổi tiếng. Tra cứu từ khóa “làm thế nào để nổi tiếng” trên Google sẽ rất bất ngờ, 82 triệu kết quả trong vòng chưa đầy 2 giây, với không biết cơ man nào là tin tức. Kết quả trên cho thấy, nổi tiếng là một vấn đề không có gì mới mẻ và lâu nay đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hóa ra, người ta đã dậy nhiều cách để nổi tiếng. Ví như: tham gia một chương trình truyền hình, cứu một người bị tan nạn giao thông hay tai nạn gì khác, tìm cách lập kỉ lục Guiness, làm từ thiện, làm những điều kỳ cục với bản thân (cởi truồng ở sân bóng đá, show diễn thời trang như đôi khi vẫn thấy ở nước ngoài), săm trổ kỳ dị khắp người, phát minh ra một thứ gì đó, dọa giết một ai đó, dọa đặt bom, chuyển giới, tạo xì-căng-đan, tự tử theo kiểu ‘chết đẹp‘, thậm chí dìm hàng nhau để nổi tiếng! Bên cạnh những tiêu chí chung chung như vậy, có những hướng dẫn cụ thể cho từng lĩnh vực, từng ngành nghề. Như, làm thế nào để nổi tiếng trên Facebook, trên Youtube; hay nếu là ca sĩ thì phải chọn nghệ danh thế nào, tạo phong cách ra sao, chọn bầu là ai v.v và v.v... Phương thức phổ biến và phong phú nhất hiện nay mà giới trẻ thường làm là tạo scandal (xì-căng-đan) để nổi tiếng. Dùng cách này có cả những người đã ít nhiều tăm tiếng, lẫn những người chưa từng được biết đến. Đặc biệt, giới showbiz đã sử dụng chiêu này trong nhiều tình huống khác nhau. Chỉ cần một pha lộ hàng, lộ clip sex, một bộ ngực đầy đặn (không cần biết là thực hay bơm) phô lộ liễu trước ống kính, hay có bồ mới, bỏ bồ cũ, ghen với người cũ, khoe thành tích làm tình, hôn môi đồng giới.v.v. là lập tức được dư luận chú ý. Hình ảnh được lên trang nhất, nơi mà báo chí lá cải đang thống trị, băng đĩa bán chạy và có thể thêm hàng ngàn người hâm mộ. Ví dụ gần đây nhất là “bà Tưng”. Mỗi video clip uốn éo của “bà” kèm vài lời giảng giải nhảm nhí liên quan tới tình dục có hàng trăm ngàn lượt truy cập. Facebook của “bà” trong vài ngày đã đầy ắp với cả chục ngàn “like”. Như vậy, để nổi tiếng theo cách tìm kiếm trên, có lẽ không quá khó. Chỉ cần 1 chút can đảm để ra tay cứu độ trong 1 vụ tai nạn giao thông, hay chút hớ hênh của một nhan sắc. Và, trong vô vàn cách thức mà người ta bày vẽ cho nhau – qua tra cứu trên mạng – tuyệt nhiên không có cách nào nói tới hoạt động dân chủ hay cổ vũ cho dân chủ để nổi tiếng. Vậy ít nhất, cho tới nay, dân chủ chưa phải là một lựa chọn để nổi tiếng. Nếu có, hẳn các ‘chú’ dư luận viên đã phải vạch vòi ra rồi, và nó phải hiện hữu qua sự tra cứu, ít ra là với dăm ba kết quả. Nghề của chàng, “không” còn nói được thành “có”, huống chi đã có chút ít lại không thổi phồng lên được, không chỉ mặt vạch tên ra được. Thử giải bài toán Vậy tại sao không tìm được một bài viết, một đoạn tin – dù của dư luận viên- với cụm từ “hoạt động dân chủ để nổi tiếng“. Để tìm hiểu vấn đề này, xin thử nhìn vào thực trạng một số nhà bất đồng chính kiến hiện nay tại Việt Nam để tính xem họ “lời” hay “lỗ” qua những hoạt động của mình. Phạm Hồng Sơn: Ông tốt nghiệp đại học y khoa Hà Nội từ đầu những năm 90s. Nếu không vướng vòng lao lý với 5 năm tù và 3 năm quản chế, có thể giờ này ông đang là bác sĩ tại một bệnh viện nào đó ở Hà Nội. Thu nhập của 1 bác sĩ loàng xoàng cũng đôi chục triệu, giỏi về mổ xẻ có thể tới cả 100 triệu/ tháng. Nhưng sau khi ra tù, Phạm Hồng Sơn ngồi nhà (không có gà mà đuổi). Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Lê Trần Luật… đều có thể yên vị với một văn phòng luật và cuộc sống gia đình no đủ. Nhưng họ đã vào tù ra khám và bị xã hội đẩy ra rìa vì những đòi hỏi dân chủ của mình. Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân sáng giá trong ngành Viễn thông – ngành hốt bạc trong những năm qua – đang bóc lịch 16 năm tù. Điểm qua vài cô gái. Phương Uyên, Minh Hạnh – 2 người đáng ra đang cắp sách tới giảng đường hoặc khoác tay người yêu dạo phố – giờ chịu cảnh héo mòn trong nhà tù. Huỳnh Thục Vy, một cô gái xinh xắn, gương mặt khả ái, cổ cao, da trắng ngần, số đo lý tưởng 1m68, nặng 51kg có thể tìm kiếm công danh sự nghiệp bằng con đường hoa khôi hay người mẫu để rồi tay trong tay với một đại gia. Bây giờ Vy luôn sống trong sự o ép, công việc cũng khó lòng xin nổi, du học chưa chắc đã được dù Anh ngữ của cô có khá đến mấy đi nữa. Phạm Thanh Nghiên được gì sau mấy năm tù ngoài cái vọng gác lúc nào cũng lù lù ngoài cổng? Và còn rất nhiều các ví dụ khác nữa. Nó đủ khiến cho những người có một trí óc bình thường, nếu muốn tìm kiếm sự nổi tiếng, phải lựa chọn một phương thức khác, ngon ăn hơn, để nếu không thành công cũng không thiệt hại tới bản thân và gia đình. Còn những kẻ cơ hội? Ở phần tranh luận, nhiều bạn nhắc tới những nhà dân chủ giả hiệu, cơ hội hay ‘chim mồi’ của chính quyền. Nói cho ngay, trong cuộc sống hay bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng đều có những kẻ cơ hội – những người dường như luôn xuất hiện vào lúc sắp ‘phá cỗ’. Cuộc vận động dân chủ cũng không phải là một ngoại lệ. Một lúc nào đó, khi những nhà độc tài cộng sản ôm của cải rời khỏi con tầu sắp đắm, thì rất có thể, những nhà dân chủ sẽ mọc ra nhiều như nấm sau cơn mưa. Nhưng lúc này, có lẽ còn quá sớm để những kẻ cơ hội xuất hiện, khi mà mới đây, chỉ trong vòng 1 tháng, nhà nước Việt Nam đã bắt giam 3 người; và theo thống kê của tổ chức Phóng viên không Biên giới, có ít nhất 35 người đang bị giam cầm với những bản án năm sau thường cao hơn những năm trước. Sự góp mặt (nếu có) của những nhà dân chủ cuội trong phong trào dân chủ hiện nay hay vào màn chót của cuộc cách mạng Dân chủ sau này cũng không có gì đáng lo ngại như một số người đặt ra. Lịch sử cho thấy, khi chế độ Apartheid sụp đổ, thì người lên nắm quyền là Nelson Madela, người đã trải qua 27 năm trong lao tù. Ở Ba Lan là ông thợ điện cả chục năm tranh đấu trong Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarność) – Lech Walesa. Ở Séc là Václav Havel, cựu tù nhân chính trị, người đã khởi xướng hiến chương 77. Và ở Miến Điện, nếu sức khỏe và tuổi tác còn cho phép, Aung San Suu Kyi rất có thể trở thành Tổng thống của nền dân chủ đa đảng. Ngày nay, với sự có mặt của Internet, mọi thông tin, hình ảnh, sự kiện, lời nói, câu chữ đều được phơi bày một cách tức thời và minh bạch. Bây giờ không phải là thời mà người này vác đạn để người kia đi báo cáo thành tích, hay tranh cãi cả thập niên về người cắm cờ trên Dinh Độc Lập nữa. Thiết nghĩ, nếu bạn tranh đấu với một cái tâm trong sáng thì chẳng có gì phải ngần ngại, dù có bị ngờ vực đi nữa, thời gian sẽ là câu trả lời. Mặt khác, nếu không có một bằng chứng rõ ràng, thì cũng không nên phát biểu vu vơ mà vô tình có thể xúc phạm tới những người đang dấn thân. Phần tiếp: Tranh đấu từ bức xúc cá nhân, tại sao không? Nguồn: danchimviet.info/
......

Từ thoái đảng đến bỏ đảng

Trên thực tế, đã có nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận không nhỏ các đảng viên của đảng CSVN đã từ bỏ đảng dưới hình thức âm thầm hoặc công khai. Sự thật của vấn đề này ở Việt nam đang diễn ra thế nào thế nào? Không còn vì dân, vì nước? Ở Việt nam, việc đảng viên đảng CSVN bỏ sinh hoạt đảng và dẫn tới bỏ đảng đang là một hiện tượng xã hội có xu hướng phổ biến đáng quan tâm. Những người từ bỏ đảng CSVN đều có một tâm tư chung, đó là kể từ lúc tự nguyện đứng vào hàng ngũ đảng Cộng sản, đến khi tự rút ra khỏi đảng là một quá trình chuyển biến nhận thức. Cùng với thời gian, tư tưởng của rất nhiều đảng viên Cộng sản cũng dần thay đổi, từ nhận thức bằng cảm tính sang nhận thức bằng lí trí. Nhưng một phần lớn là họ chịu tác động của quá trình chuyển biến của đảng CSVN. Đó là đảng CSVN từ chủ trương vì dân, vì nước trước kia sang chủ trương bằng mọi giá chỉ vì duy trì sự tồn tại của đảng hiện nay. Ông Nguyễn Hồng Bích từng là một cựu chiến binh, đảng viên đảng CSVN nhưng đã bỏ đảng một cách âm thầm năm 1992 cho biết: “Tôi là Nguyễn Hồng Bích, đi bộ đội ngày 4 tháng 3 năm1983, thuộc trung đoàn 612 Bộ Tư lệnh Thông tin – Liên lạc. Tôi tham gia vào đảng năm 1986 , trải qua một thời gian thì tôi biết rằng thực sự tôi không thích. Đến lúc tôi chuyển ngành, năm 1992 thì tôi rút. Tức là tôi là đảng viên đảng Cộng sản, nhưng khi tôi chuyển ngành về thì chế độ đảng tôi không lấy. Tôi về bằng các hồ sơ khác, nhưng đảng thì tôi không sinh hoạt.” Lý do bỏ đảng thì có nhiều, có thể khác nhau nhưng tựu chung là không ngoài vấn đề về tư tưởng của mỗi đảng viên. Phần lớn đảng viên bây giờ đã không còn tin vào chủ thuyết Cộng sản và chán ngán hàng ngũ lãnh đạo cầm quyền. Trước thực tế hiện nay, việc vào đảng bây giờ là động cơ cá nhân để thăng quan tiến chức, do vậy các đảng viên không có điều kiện để làm quan thì sinh ra chán đảng và bỏ đảng một cách âm thầm. Cũng có một số người dũng cảm thì họ dám viết đơn ra khỏi đảng công khai và nói rõ với lý do tư tưởng. Ông Nguyễn Chí Đức một kỹ sư, đảng viên đảng CSVN từng công tác ở Bưu điện Hà nội, đã tự nguyện viết đơn xin ra đảng cho chúng tôi biết: “Lý do bỏ đảng thì có nhiều như mưu sinh, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình v.v… và một lý do nữa là vấn đề về tư tưởng đã không còn tin vào chủ thuyết Cộng sản, chán ngán với hàng ngũ lãnh đạo cầm quyền. Hiện tượng bỏ đảng là không ít, nhưng chủ yếu là bỏ theo hình thức không công khai, mà phải nại một lý do gì cho hợp tình, hợp lý, đơn giản hơn là âm thầm không đi sinh hoạt nữa. Cũng có một số người dám viết đơn ra khỏi đảng vì lý do tư tưởng, nhưng để công khai lên mạng thì thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một nghịch lý, tuy Đảng rất đông thành viên nhưng nó đã mất lý tưởng, đại đa số đảng viên đã xa rời Cương Lĩnh của Đảng do chính họ viết ra. Đảng viên vào đảng Cộng sản bây giờ là động cơ cá nhân để thăng quan tiến chức, có mác đảng viên để yên ổn làm ăn.” Nhiều đảng viên trước đây nhận thức rằng "đảng CSVN là đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động" và họ đã từng nhiệt thành phấn đấu hết mình vì những khẩu hiệu đó. Nhưng quá trình tham gia sinh hoạt đảng và những thực tế của cuộc sống, đã làm cho họ thất vọng. Trong nội bộ đảng, tuy đảng viên số lượng đông, nhưng đảng viên trung thực và dám bảo vệ lẽ phải còn quá ít, phần lớn an phận, không dám đấu tranh. Người dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, thì bị cô lập, bị quy chụp, trả thù. Về vấn đề này, một đảng viên, cựu chiến binh ở Văn Giang, Hưng yên đã không dấu được bức xúc khi cho biết “Tôi từng tham gia 3 chiến dịch lớn, Mậu thân 68, năm 72, chiến dịch Buôn Mê thuột và tôi bị thương. Không dám nói xấu đảng, nhưng cảm thấy cái sinh hoạt (đảng) không đấu tranh mạnh dạn, bất công, cứ dung túng cho nhau, chán. Nói thật, tôi chỉ hỏi trong sạch đâu mà trong sạch? Trong sạch thì lấy đâu ai bỏ (đảng), kể cả lão thành cách mạng họ cũng bỏ. Nếu tôi có con vào đảng, bây giờ bắt tôi bán ruộng, thì tôi chỉ hỏi “Vào đảng, đảng có bắt chúng tôi bán ruộng, mà bán cho tư nhân đấy?” Giữ quyền lực bằng mọi giá Không chỉ thế, mà những đảng viên bỏ đảng vì họ đã nhận thấy động lực của hàng ngũ lãnh đạo đảng CSVN đã không phải vì quyền lợi của nhân dân, mà vì quyền lợi cá nhân của họ là trên hết và nhân dân chỉ là đối tượng để đảng lợi dụng. Như ông Nguyễn Chí Đức cho biết: “Chỗ làm việc của tôi gần Ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội, tôi thường hay thấy dân oan ở lân cận đấy. Hình ảnh này đập vào mắt mình, hết năm này qua năm khác, tôi không hiểu sao trong khi chủ thuyết Cộng sản tôn vinh giai cấp nông dân, công nhân là hạt nhân nòng cốt mà thấy dân oan la liệt như thế là mình cũng phải suy tư. Từ những tệ nạn tiêu cực đây đó và nhất là nhìn vào hàng ngũ lãnh đạo Đảng, tôi cảm thấy động lực của họ không phải vì quyền lợi của người lao động mà vì quyền lợi cá nhân trước hết. Tất cả những điều mắt thấy, tai nghe này khiến tôi càng chán đảng Cộng sản thêm.” Cho dù đảng CSVN có tới gần bốn triệu đảng viên, song hầu hết các đảng viên của họ đã đánh mất lý tưởng và đại đa số đảng viên đã xa rời cương lĩnh, tôn chỉ của đảng. Và từ trước đến nay, đảng CSVN muốn dùng mọi cách để duy trì độc tài và giữ quyền lực bằng mọi giá. Việc đó đã dẫn tới tình trạng mất dân chủ, không chỉ trong xã hội, mà kể cả trong đảng. Về việc này, ông Nguyễn Duy Ninh một cựu chiến binh ở xã Nam Sơn , huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, vào đảng năm 1972, đến năm 1992 cũng bỏ sinh hoạt đảng cho biết: "Dân chủ là người dân làm chủ chiếu theo cái Hiến Pháp và Pháp Luật. Đúng như thế chứ không phải Hiến Pháp làm thế này mà bên kia cái thực hiện lại làm cách khác. Người ta dùng mọi cái biện pháp này, cái gọi là biện pháp thực chất là thủ đoạn. Ép người ta chỗ này, ép người ta chỗ kia thì buộc người ta phải là theo nhưng thế không thể được". Với những đảng viên đảng CSVN chân chính, khi ra nhập đảng CSVN họ mang trong mình những hoài bão và lý tưởng tốt đẹp với mục đích cống hiến sức lực của mình cho dân tộc và đất nước. Nhưng thực tế đã cho họ thấy, đảng CSVN đã và đang phản bội chính bản thân mình và phản bội các đồng chí của họ. Vì vậy, bây giờ từ bỏ đảng CSVN, chính là cách để mỗi người tự làm trong sạch mình, để người dân có thể tôn trọng nhân cách của bản thân họ, một khi nếu họ còn là người tốt. Không phải tự nhiên mà hiện nay, chuyện người dân trên cả nước luôn nhìn đảng CSVN nói chung và các đảng viên Cộng sản nói riêng với cái nhìn không mấy thiện cảm. Với bằng chứng, chúng ta luôn nghe thấy người dân nói ra điều cay đắng rằng “Thằng ấy tuy nó là đảng viên, nhưng mà nó tốt”, đây là hiện tượng phổ biến. Điều đó là một điều sỉ nhục đối với những con người có nhân cách và lòng tự trọng. Nguồn: rfa
......

34 Dân Biểu Liên Hiệp Âu Châu lên tiếng cho nhân quyền Việt Nam

Baroness Catherine Ashton of Upholland Phó Chủ Tịch/ Đại diện Cao cấp Liên minh Châu Âu, phụ trách Ngoại giao và Chính sách An ninh Sở Ngoại Vụ Âu Châu 1046 Brussels Vương Quốc Bỉ CC: Karel De Gucht 1049 Brussels Ủy Viên Giao Thương Vương Quốc Bỉ Brussels, ngày 11 tháng 7, 2013 Chúng tôi viết thư này để chia sẻ mối quan tâm về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam. Trong năm nay có khoảng 50 nhà bảo vệ nhân quyền và nhà đấu tranh dân chủ bị kết án và bị tù tội. Họ đã phải hứng chịu việc bị giam giữ tùy tiện, đe dọa, thẩm vấn và bị tước đoạt quyền hạn về luật pháp. Nhà cầm quyền vẫn tiếp tục giới hạn quyền thực thi tôn giáo và cấm đoán các tổ chức tôn giáo độc lập. Các chức sắc của nhiều nhóm tôn giáo tại Việt Nam đang bị buộc phải từ bỏ niềm tin, tài sản cơ sở tôn giáo bị tịch thu hoặc bị đập phá, và trong một số trường hợp, họ bị bỏ tù. Gần đây chúng tôi chứng kiến tình trạng bắt giữ các bloggers gia tăng. Mặc dầu có nhiều lời kêu gọi từ cộng đồng thế giới, ngay cả Quốc Hội Âu Châu, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục giới hạn quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt mạng. Họ nhắm tấn công các hoạt động trên mạng bằng cách phát tán mã độc để theo dõi cư dân mạng, ngăn cản truy cập vào các trang mạng, và bảo kê cho các cuộc tấn công vào các trang mạng tiếng Việt nằm bên ngoài Việt Nam. Quốc gia này đang chứng kiến một sự đổ vỡ về pháp trị. Các nhà đấu tranh cho nhân quyền bị bắt giữ dựa vào những cáo buộc mơ hồ, và thường là dựa vào các điều luật hình sự liên hệ đến "lật đổ chính quyền nhân dân", "tuyên truyền chống đối nhà nước". Ngoài ra, luật pháp Việt Nam cho phép "giam giữ hành chính" mà không cần đem ra xét xử. Đã có những trường hợp mà chính quyền cáo buộc các nhà đối kháng tên tuổi với những tội danh phi chính trị, thí dụ như "trốn thuế". Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã phán xét là việc bắt giữ và giam cầm các nhà hoạt động chính trị, kể cả thành viên của Việt Tân, là vi phạm điều luật quốc tế. Với tình trạng trên, chúng tôi yêu cầu Bà làm những điều sau đây: 1) Kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm Luật sư Cù Huy Hà Vũ và Luật sư Lê Quốc Quân; blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Paulus Lê Sơn; nhà đấu tranh dân oan Trần Thị Thúy; nhạc sĩ Việt Khang; tác giả Vi Đức Hồi; Mục sư Dương Kim Khải, Mục sư Nguyễn Công Chính và Hòa Thượng Thích Quảng Độ; sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha; và những nhà hoạt động nhân quyền bị kết án trong những năm gần đây, và đặc biệt là từ đầu năm nay. 2) Cổ xúy vai trò tích cực hơn cho EU trong việc hỗ trợ xã hội dân sự tại Việt Nam. Phái đoàn đại diện EU tại Việt Nam nên tiếp tục gặp gỡ và hỗ trợ những tổ chức quần chúng thuần túy, đặc biệt là các nhóm nhằm cải tổ xã hội và luật pháp, dân chủ và nhân quyền. Ngoài ra, gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền và gia đình họ, cũng như đi thăm những ai đang bị giam cầm là điều hết sức quan trọng. 3) Nhấn mạnh với nhà cầm quyền Việt Nam phải thi hành cải tổ luật pháp và hủy bỏ các điều lệ trong bộ Luật Hình Sự từng được sử dụng để giam cầm các nhà hoạt động nhân quyền. Hơn thế, cần nhấn mạnh với nhà cầm quyền Việt Nam phải ra điều luật bảo vệ quyền biểu tình ôn hòa, tụ họp, thực thi tự do ngôn luận, và được thành lập tổ chức chính trị và xã hội. Cuối cùng, vấn đề các luật sư nhân quyền bị tước quyền hành nghề cần được nêu lên. 4) Xa hơn nữa, cột các quan tâm nhân quyền vào các thương thảo với Việt Nam: nhấn mạnh yếu tố cải thiện nhân quyền trước khi có phái đoàn cao cấp đến Việt Nam, đưa các vấn đề nêu trên vào các cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam và lập lại điều kiện nhân quyền của quan hệ ngoại giao EU, luôn cả giao thương, với các quốc gia thứ ba. -------- [1] Nghị quyết Quốc Hội Âu Châu ngày 18 tháng Tư, 2013 về Việt Nam, đặc biệt về tự do ngôn luận. [2] EU nên tôn trọng lời cam kết vào ngày 25 tháng Sáu 2012 trong bản Khung Sườn Chiến Lược và Kế Họach Hành Động về Nhân Quyền và Dân Chủ, đặt vấn đề nhân quyền vào tất cả chính sách bên ngoài, kể cả giao thương. Việc thực thi Khung Sườn Chiến Lược và Kế Họach Hành Động về Nhân Quyền và Dân Chủ cần được duyệt xét, do đó, cũng trong khuôn khổ quan hệ EU-Việt Nam và phản ảnh phần thứ hai của bản Báo Cáo EU Hàng Năm về Nhân Quyền và Dân Chủ trên Thế giới sẽ được phát hành vào tháng 9 năm 2013. Trân trọng, Thành viên Quốc Hội Âu Châu Graham Watson Ramon Tremosa i Balcells Justina Vitkauskaite Bernard Sarah Ludford Konrad Szymanski Nils Torvalds Chris Davies Norica Nicolai Edward McMillan-Scot Marian Harkin Charles Tannock László Tõkés Christiana Muscardini Nicole Kiil-Nielsen Jean Lambert Niccolò Rinaldi Ivo Vajgl Bernd Posselt Hans Van Baalen Emilio Menéndez del Valle Tunne Kelam Renate Weber Jorg Leichtfried Giommaria Uggias Ana Maria Gomes Marietje Schaake Kristiina Ojuland Jelko Kacin Keonidas Donskis Reinhard Hans Butikofer Cristian Dan Preda Bastiaan Belder Iuliu Winkler Alexander Lambsdorff (Bản dịch của BBT-WebVT) http://viettan.org/34-DB-Quoc-hoi-Au-Chau-len-tieng.html
......

Lê Quốc Quân và đôi điều tản mạn

Trao đổi với một số người quan tâm đến hiện tình đất nước, tôi nghe anh em tâm tình: “Lê Quốc Quân bị chính quyền cộng sản để ý, bắt bớ, đánh đập, “lưu kho” có lẽ từ ngày anh đứng ra ứng cử Đại biểu quốc hội. Khác với Cù Huy Hà Vũ, chính quyền cộng sản chỉ cho anh Vũ là “chơi trèo”, “thích nổ” nên lặng lẽ cho qua, còn Lê Quốc Quân thì tà quyền biết rõ là Quân không đùa, Quân nói là làm, làm theo đúng đạo của người quân tử: Một lời đã trót nói ra Dẫu là bốn ngựa cố mà đuổi theo Huống hồ Quân không phải “chót nói ra” những dự định ấp ủ làm thay đổi thực trạng xã hội, trong bối cảnh bùng nhùng, lạc hậu, dốt nát đui mù từ sự lãnh đạo“ tài tình” và sự hy sinh to béo của đảng ta, mà là kết quả của nhiều đêm suy nghĩ, dằn vặt, muốn đem tài năng thi thố với đời, loại bỏ cái ác, cái xấu ra khỏi môi trường xã hội bằng bất cứ giá nào: “Dù thân này xương tan thịt nát, cũng đành lòng dâng hiến tài năng”. Giữa bày đàn ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, hoặc tồi tệ hơn - như những con vịt rúc đầu vào cánh ngủ trong mưa, không hiểu bầu trời, không hiểu sấm, thì Quân lại chọc trời như chim báo bão, như đại bàng, khổng tước, xé gió lao lên, làm chủ cả khoảng trời bao la rộng lớn, sừng sững vách đá lô nhô, làm sao những kẻ bẩn bụng, dốt nát chịu... chống mắt đứng nhìn? Bởi kiên định với mục đích mình lựa chọn, mà Quân phải trải qua bao hung hiểm. Bắt đầu bị nhà cầm quyền để ý, cử người theo dõi và bắt nóng vào tháng 3 -2007. Sau gần bốn tháng được thả, lại lặp đi, lặp lại bài bản quen thuộc: Cử người đóng chốt, bám đuôi, theo dõi 24/24 giờ rồi bắt nóng, bắt nguội một ngày, ba ngày lại chín ngày...Không kể việc bị các đồng chí công an giả danh côn đồ đánh đập ngay trong khu tập thể. Bây giờ chạm vào làn hơi lạnh toát, chết chóc, rỉ ngoèn phả ra từ những cánh cửa sắt nặng chịch của Hỏa lò, Quân vẫn vẹn nguyên một cốt cách làm người của mình: Kiên trung, đứng thẳng, không sợ sệt, không mắc bẫy, dù hỏa lò - địa ngục gấp trăm ngàn lần so với các trại tạm giam cấp quận, phường hoặc của B14 - trực thuộc Bộ công an mà Quân đã từng trải qua trước đó. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Chính tôi cũng “vinh dự” đi trên chiếc “cầu” Hỏa lò này 6 tháng 21 ngày nên biết rõ khúc đoạn trường này ai oán, uất hận đến mức nào, có lẽ chỉ kém đoạn...đầu đài một bước chân. Cả buồng tù dài, rộng khoảng 50 mét vuông, nhốt kín 40, 50 người, mỗi người vẻn vẹn hai gang tay, nghĩa là bị ăn gian mất 1/3 so với cái quy định nổi tiếng “nhân đạo” (gấp triệu lần tư bản) của cục V26, đứng đầu là tên Thái thú họ Cao*, mà mức độ gian manh, hiểm độc, trơ lì, ăn bẩn còn cao gấp cả trăm nghìn lần tên Thái úy Cao Cầu trong lịch sử Trung hoa. Bình thường, sinh ra làm người phải cần hai thứ tối thiểu đó là không gian để sinh tỏa và thời gian để khẳng định mình. Trong tù - đặc biệt vào những ngày oi bức, nóng nực này, không gian như cái chảo lửa khổng lồ úp chụp xuống cơ thể gày gò, trần trụi của người tù, lại thêm diện tích qúa eo hẹp, người nọ ép sát người kia như cá mòi xếp trên khay chuẩn bị đưa vào lò nướng, nóng bức đến nỗi óc não người tù cứ như bơ hơ trên lửa, chảy xèo xèo, còn bụng dạ, ruột rà cứ bỏng rát lên từng đoạn như thể bị ai thò tay vào bóp bẹp, vặn xoắn rồi căng ra dưới nắng mặt trời. Cả buồng hổn hển vì thiếu ô xy, khí thở làm ngực nhói lên từng cơn sau mỗi nhịp đập. Cảm giác nóng bỏng ngột ngạt còn len vào tận làn da, thớ thịt, khiến người lúc nào cũng nhớp nháp cáu bẩn vì mồ hôi, không khí oi nồng, đặc quánh vây hãm. Không còn không gian để tồn tại, sống sót, nói chi đến sinh tỏa? Thời gian cũng ngừng trong tê tái, đến mức tôi phải viết: Ta ép chặt trái tim Để giết chết nỗi buồn Trong nhà tù Cộng sản Bao ước mơ nhấn chìm Ngày gọt bớt suy tư Đêm xén mòn tâm tưởng Bảy tháng trời chết chóc (1) Hồn ta thành vườn hoang Ngoài trời mây thôi bay Đời ta trong ngục tối Chẳng sao trời dọi tới Không hoài vọng mảy may Sáng qua rồi trưa tới Ta kiệt quệ mỏi mòn Ôi số phận tai ương Bao nhiêu là nghiệp chướng Ngày hai bữa ăn thì chỉ có cơm hẩm và bí hấp rắn câng quanh năm( một ngày chỉ được chia một lần một miếng nhỏ bằng 1/3 bàn tay). Nước vừa bẩn vừa khan hiếm. Cánh chị em cẩn thận lồng 3 đôi bi tất vào vòi của bể nước để lọc hết cặn, bùn, cát, sỏi, bèo hoa dâu v.v để lấy nước tắm giặt. Còn cánh đàn ông vốn không cầu kỳ, tỉ mỉ như chị em thì lãnh đủ... Chưa kể mỗi ngày chỉ được ba gáo nước tắm: 50 người chia làm 5 tốp, lần lượt theo lệnh của trực buồng, cởi truồng nồng nỗng ngay cạnh bể nước. Người được giao nhiệm vụ trực bể múc nước dội ào ào một loạt, mỗi người một gáo rồi dõng dạc hô: “Kỳ cọ cho hết mùi tù đi, rõ chưa?” Sau khoảng một phút lại dội tiếp hai gáo nước tráng rồi... biến để còn lấy chỗ cho mười người của tốp sau. Cứ thế cho đến người cuối cùng là cạn sạch bể nước... Tất cả công đoạn kỳ cọ, vệ sinh thân thể tắm táp của cả buồng diễn ra chưa đầy nửa tiếng. Chính sự chật chội, bẩn thỉu, nóng nực là nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ lở, hắc lào cho hầu hết cánh đàn ông của trại (99%). “Nhà mét” mới là nơi đặc trưng cho tù ở hỏa lò. Gọi là nhà mét vì tổng diện tích giành cho việc tiểu tiện, vệ sinh chỉ vẻn vẹn một mét. Dù đầu vào đông đến đâu thì “đầu ra” của cánh tù nhân cũng chỉ ngần ấy, không hơn, không kém. Bao gồm hai bệ xí và một thùng phuy đựng nước...Tất cả phơi ra, phô ra dưới thanh thiên bạch nhật, đến mức người nào “đi” nhanh hay chậm, mức độ lên men của vi sinh vật gây thối trong ruột già như thế nào? (Thối nhiều hay thối ít). Hay đi vào giờ nào? Bị Tào Tháo đuổi hay táo bón... cả phòng đều biết, vì nhà mét thông luôn với bệ ngủ nên một người có nhu cầu “xổ ruột” là 49 người còn lại có nhu cầu bịt mũi, chu tréo, chửi đổng... Không kể nạn đại bàng, đầu gấu hoành hành. Vốn đã mất hết nhân tính mầm thiện, lại thêm tương lai là một hố thẳm trước mặt, nên hễ ngứa mắt là chúng nện, nhiều khi chỉ là vài hột lạc, thìa ruốc, gáo nước nóng chia không đều là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, đánh nhau chí chết. Ít nhất trong gần 7 tháng trời ở đó tôi chứng kiến cả chục cái chết của cả hai khu vực nam nữ. Chết vì bệnh tật, suy dinh dưỡng, vì đói ăn rồi đánh nhau, nện cả xoong đựng cơm vào mặt, vào đầu nhau, cho đến khi xoong bẹp dí và người thì tả tơi, xiêu vẹo, người chết gí dưới đống xoong nồi. Không kể khu vực trạm xá, chuyên nhốt những kẻ dính Aids ở giai đoạn cuối, ngày nào ít nhất cũng có một con nghiện ra đi, có ngày cả 3 đứa cùng rủ nhau đi cho vui mà không khí toàn trại vẫn điềm nhiên tĩnh lặng, “như chưa hề có cuộc chia ly”. Giữa nơi sinh tử như vậy, gắng gượng để tồn tại đã là một điều cố gắng lớn, vậy mà Quân còn làm thơ: Việt Nam ơi đất trời tổ quốc Trong trái tim con cháu Lạc Hồng Việt Nam ơi tên Người thổn thức Trong máu xương nước mắt nụ cười ... Những câu thơ hào sảng của Quân viết trong bốn bức tường của Hỏa lò mà mỗi từ nặng như một quả bom tấn, mang sức công phá hủy diệt đảng cộng sản đã đành còn là lời kêu gọi người dân đứng dạy, tiếp bước cha ông, giành lại non sông gấm vóc sắp mất vào tay tàu khựa: Việt Nam ơi tên người vẫy gọi Đứng lên đi quét sạch bóng thù Đứng lên đi dựng lại cơ đồ. Xây nước Việt đời đời bền vững Lại một lần nữa lãnh đạo cộng sản phải vò đầu bứt trán vì những vần thơ bất tử của Quân. Cả sáu bài thơ như một tràng cười ngạo nghễ, thách thức mà trước đó nhà thơ Phùng Cung - văn nhân giai phẩm đã viết: Giam người giam được miệng người ư? Ngục tối càng thêm dậy tiếng thơ Vui với văn chương mà mắc tội Nợ cùng non nước mắc lao tù Ngăn mây, mây chặn thành mưa lớn Chặn thác, thác dồn hoá sóng to Ai sợ hoả lò, lò thử lửa Thơ ca nảy lửa, lửa nung lò... Một chế độ mà quan tòa chỉ nhăm nhăm làm theo mệnh lệnh đốn mạt của đảng, đến ốm cũng phải ốm theo... chỉ đạo để hoãn phiên tòa thì đất nước đã đến hồi mạt vận. Huống hồ còn cam tâm đem hết các nhà báo, lại luật sư, trí thức, thanh niên công giáo yêu nước ra xử, xem ra câu nói của nhà bác học Lê Quý Đôn đã thành hiện thực: Người tài không dùng, sĩ phu ngoảnh mặt Tướng dốt lại kiêu, hành binh sĩ nhược Tham nhũng tràn lan Nước mất nhà tan... lúc này đã rõ Những vần thơ nảy lửa, nung lò của Quân (phải đổi bằng giá máu vì trong tù cấm sử dụng bút viết và giấy) chắc chắn sẽ góp vào việc giải thể chế độ cộng sản một ngày không xa. Bởi người dân - vốn đã cạn kiệt niềm tin với đảng, với chế độ - như đám lá khô gặp gió, sẽ bùng lên dưới ngọn lửa thoát ra từ những bài thơ bất tử của Quân, thiêu rụi đảng ta trong một ngày 82 năm trước Lý Tử Trọng bị chính quyền thực dân Pháp kết án và được người Pháp kính cẩn gọi bằng “ông nhỏ” thì trong thời điểm vô cùng căng thẳng, sôi động này, Lê Quốc Quân xứng đáng là một “ông nhỏ” thứ hai của Việt Nam, một ông nhỏ - vốn nhỏ về thể tạng, nhưng tâm hồn, tình cảm trí tuệ hệt như một đập nước lớn có thể cuốn trôi chế độ xuống ống cống xã hội chủ nghĩa khiến lũ âm binh của đảng phải ra lệnh hoãn phiên xử, hy vọng số anh em, họ hàng, nội ngoại từ Nghệ An cũng như số bà con giáo dân Thái Hà hạ hỏa, không kéo ra ngập đường Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt (nơi diễn ra phiên tòa) để những ngày sau đó phiên tòa sẽ diễn ra xuôn xẻ, theo đúng kịch bản dựng sẵn của bè lũ bán nước, hèn với giặc ác với dân... Song ý dân là ý trời, dù phiên tòa bị hoãn, song lòng người vẫn sục sôi khí thế hờn căm ai oán, ngột thở, quyết đi đến tận cùng chân lý để tìm tự do, và quyền làm người đích thực của mình, vì vậy, càng giam người đảng càng sợ hãi. Bão nổi lên rồi từ Nghệ An quê hương thân yêu Từ Trịnh Nguyễn lan qua Văn Giang lan tới phiên tòa Triệu người bừng bừng cùng tòa thánh thắp nến sáng chói Khí thế sôi sục tràn về Hà Nội Tình thương Quân sục sôi tim muôn người** Trong cơn bão nổi từ lòng dân, có một phần không nhỏ từ những vần thơ hào sảng, nung chảy cả bốn bức tường giam tại Hỏa lò của “ông nhỏ” Lê Quốc Quân. Sacramento 13/7/2013 TKTT - - - *Tức Cao Ngọc Oánh *Nhại bài Bão nổi lên rồi của Trọng Bằng
......

Chống cộng… phải chăng để thành lập một chế độ độc tài khác?

Trong số những người chống cộng, đương nhiên có rất nhiều người chân chính, khôn ngoan, họ đấu tranh cho một nước Việt Nam thật sự tự do, cường thịnh, hạnh phúc, nhân quyền được tôn trọng. Nhưng cũng không thiếu những người tuy chống cộng rất kịch liệt, nhưng cách ứng xử của họ lại rất giống cộng sản ở nhiều điểm, và điểm giống nhất là ở chỗ: cũng độc tài độc đoán, cũng kết án tuỳ tiện không cần đủ bằng cớ, cũng chủ trương thà kết án lầm hơn tha lầm, ai có đường lối khác với mình là kết án, loại trừ, cũng dùng thù hận làm động lực tranh đấu... Ai cũng biết rõ những đặc tính trên của cộng sản. Chính vì cộng sản có những đặc tính ấy mà chúng ta mới chống lại và quyết tâm dẹp bỏ chế độ của họ. Thế còn những người đang tích cực muốn lật đổ chế độ cộng sản nhưng lại có những đặc tính y hệt cộng sản thì ta phải đối xử thế nào? Giả sử họ lật đổ được chế độ cộng sản đang hiện hành thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đây chỉ là giả sử thôi, vì với cách chống cộng kiểu loại trừ nhau, đánh phá lẫn nhau của họ thì chắc chắn phải đến "tết Công-gô" họ mới đủ sức mạnh và khả năng làm được việc ấy! Tuy nhiên, để vấn đề được sáng tỏ, chúng ta cũng cứ giả sử chuyện không tưởng ấy sẽ xảy ra như một phép lạ, thì chế độ do họ thành lập sẽ đi theo hướng nào? Cha đẻ của thuyết "tam quyền phân lập" là Montesquieu viết: "Kinh nghiệm muôn thuở cho biết bất cứ ai có quyền lực đều có khuynh hướng lạm dụng quyền lực; lạm dụng cho đến mức gặp phải giới hạn" (*). Nếu chưa nắm được một quyền lực nào trong tay mà ta đã muốn ép buộc mọi người phải chống cộng theo kiểu của mình, theo đường lối của mình, ai không chấp nhận thì ta chụp mũ họ là việt gian không cần chứng cứ, và coi họ như kẻ thù cần phải loại trừ; thế thì khi có quyền lực trong tay, ta sẽ sử dụng quyền lực ấy thế nào? Chắc chắn ta sẽ hành xử "y chang" như Việt cộng đã làm, và sẽ thành lập một chế độ độc tài khác y hệt như chế độ cộng sản, có thể ít tàn bạo hơn mà cũng có thể tàn bạo không kém! Lúc ấy, dân tộc ta lại phải tốn bao nhiêu xương máu và công sức nữa để đấu tranh lật đổ chế độ độc tài mới ấy do ta vừa thành lập. Nếu thế thì tội nghiệp cho dân tộc ta quá! Quyền lực cũng như tiền bạc có thể tha hóa người nào có nó trong tay. So sánh tình trạng của một người khi chưa có quyền lực với lúc đã có quyền lực, ta thường thấy tốt ít hơn, xấu nhiều hơn. Nghĩa là người rất tốt thành tốt vừa, tốt vừa thành bình thường, bình thường thành xấu, và xấu thành rất xấu. Điều này có thể thấy rất rõ đối với cộng sản. Khi chưa có quyền lực, họ có thể tỏ ra rất tốt, nhưng khi nắm được quyền lực rồi, họ trở thành rất xấu. Cũng vậy đối với những người đang chống cộng hiện nay, nếu họ cũng có những đặc tính y hệt cộng sản như đã nói trên, thì khi có quyền bính trong tay, họ cũng hành xử tàn bạo không khác gì cộng sản! Đó là điều chắc chắn! Vì thế, những người đang chống cộng hiện nay, nếu muốn xây dựng một đất nước tự do dân chủ và cường thịnh thật sự, thì phải dứt khoát từ bỏ những đặc tính của cộng sản. Đó là: không chấp nhận những ai có đường lối chống cộng khác mình, ai có quan điểm hay phương cách đấu tranh khác mình thì chụp mũ họ là việt gian, là cộng sản, không cần một chứng cứ có giá trị nào cả, quyết hạ uy tín của họ trước quần chúng để loại trừ họ khỏi vòng chiến chống cộng... Những người đang đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng sản hiện nay rất đa dạng, họ có những chủ trương, khuynh hướng, suy nghĩ rất khác nhau, do xuất thân từ những gốc tích khác nhau, được xã hội hun đúc khác nhau, do cách nhìn, góc độ nhìn và do nhiều yếu tố khác nhau... Do đó, những cá nhân hay tổ chức chống cộng có rất nhiều dạng khác nhau. Mỗi dạng quy tụ một số người cùng lập trường, cùng đường lối đấu tranh với nhau và tạo thành một nhóm hay một tổ chức. Trước thực tế đa dạng đó, nếu những người chống cộng ai cũng quyết tâm loại trừ những người có quan điểm hay đường lối khác mình, thì đó chính là cách phá hoại hữu hiệu nhất lực lượng chống cộng vốn vẫn chưa đủ mạnh. Và đó cũng chính là kế ly gián mà CSVN đang cố gắng thực hiện trong hàng ngũ chống cộng cả trong lẫn ngoài nước. Và điều rất đáng tiếc là rất nhiều người chống cộng tích cực đã vô tình sa vào bẫy của chúng. Ý thức được sự đa dạng đó, chúng ta cần tìm hiểu những khác biệt của nhau, sự hợp lý của nhau để chấp nhận lẫn nhau hầu liên kết với nhau thành sức mạnh. Đó là điều tối cần thiết hiện nay trước tình trạng vô cùng nguy hiểm của nước nhà trước tham vọng bành trướng của Trung cộng. Phải liên kết lại, đừng chia rẽ nữa! Dưới đây là một số dạng tiêu biểu khác nhau của những cá nhân hay tổ chức có cùng mục tiêu chống cộng hay chống chế độ đang hiện hành tại Việt Nam. Dạng 1: Chống cộng, nhưng chủ yếu là chống độc tài. Họ cho rằng chế độ đang cai trị đất nước hiện nay chỉ còn là cộng sản trên danh nghĩa. Thực chất của chúng còn tệ hại và xấu xa hơn cả cộng sản, vì hiện nay chúng đích thực là một đảng cướp. Do đó, phải lật đổ chế độ hiện hành là vì chúng độc tài, tàn bạo và bán nước hơn là vì chúng là cộng sản. Nếu chế độ hậu cộng sản mà độc tài thì cũng cần phải tiếp tục chống. Dạng 2: Chống cộng trước đã, độc tài tính sau. Điều quan trọng đối với họ là phải lật đổ chế độ cộng sản trước đã, làm được chuyện đó là đã thỏa mãn rồi. Còn sau đó là chế độ nào thì chưa quan tâm tới, hoặc để "hạ hồi phân giải". Dạng 3: Chống cộng sản nhưng chủ trương không hận thù. Những người này chịu ảnh hưởng của tôn giáo. Các tôn giáo nói chung đều chủ trương không hận thù, sẵn sàng tha thứ nếu kẻ ác hối hận và từ bỏ sự ác. Đối với họ, hận thù không phải là một động lực tốt. Nếu lấy hận thù làm động lực đấu tranh thì đó cũng là điểm trùng hợp với cộng sản. Dạng 4: Chống cộng với động lực hận thù. Biết bao nhiêu người là nạn nhân vô cùng đau khổ của chế độ cộng sản tàn bạo. Sự công bằng đòi buộc chúng phải đền tội, vì thế "thù thì phải trả". Hận thù cộng sản chính là động lực mạnh nhất để thúc đẩy mọi người đấu tranh. Muốn tiêu diệt cộng sản, phải cổ võ lòng hận thù cộng sản. Dạng 5: Chống cộng nhưng sẵn sàng đối thoại với cộng sản. Họ cho rằng cộng sản có thể chấp nhận thay đổi chế độ nếu họ thấy sự thay đổi ấy có lợi cho quyền lợi cá nhân hay gia đình của họ, nhất là có thể cứu họ thoát khỏi sự trả thù thảm khốc khi người dân phẫn nộ nổi dậy (như trường hợp Gadhafi, Mubarak, Ceaucescu, Honecker, v.v.). Giữa hai cái xấu, ắt nhiên họ phải chọn cái xấu nào ít tai hại hơn. Đối thoại để họ nhận ra lối thoát ấy hầu họ tự chuyển đổi, hoặc để có phe nào đó trong nội bộ của họ nổi dậy lật đổ chế độ hầu "đái công chuộc tội". Như thế tiết kiệm được biết bao xương máu và thời gian đấu tranh... Vả lại, cho tới nay, chưa thấy ai đưa ra một phương cách nào khác có tính thuyết phục và hữu hiệu để chấm dứt chế độ độc tài đang hiện hành. Dạng 6: Chống cộng quyết liệt, không chấp nhận đối thoại. Đối thoại với cộng sản là vô ích. Cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không bao giờ thay đổi (Yeltsin). Hy vọng cộng sản thay đổi thì hoàn toàn là ảo tưởng. Đối thoại với cộng sản là đối thoại "với cái đầu gối". Nếu cộng sản thật sự muốn đối thoại thì họ phải chấp nhận từ bỏ chế độ độc tài, và phải biểu lộ điều đó qua hành động như thả tất cả các tù nhân chính trị, cho các tôn giáo được tự do hành đạo, cho các báo chí được tự do phát hành, v.v. Dạng 7: Trước nguy cơ bị Trung cộng xâm lược, một số người chống cộng nghĩ rằng cần phải tạm thời hợp tác với Việt Cộng để chống Trung Cộng hầu cứu đất nước khỏi rơi vào tay ngoại bang đã, chuyện Việt cộng thì tính sau. Nếu để Trung cộng biến nước mình thành một tỉnh của họ rồi thì lúc đó có chống Việt cộng cũng vô ích. Dạng 8: Dù có nguy cơ bị Trung cộng xâm lược, ta cũng không thể nào hợp tác với Việt cộng để chống Trung cộng. Vì Việt cộng đã hoàn toàn bị Trung cộng mua chuộc, chúng chỉ tiếp tay tạo thuận lợi cho Trung cộng xâm chiếm Việt Nam, chứ không có chút thiện chí nào chống Trung cộng cả. Kinh nghiệm lịch sử thời chống Pháp cho thấy hợp tác với cộng sản thì chỉ bị cộng sản lợi dụng và cuối cùng bị cộng sản tiêu diệt. Đừng bao giờ dại dột mà hợp tác với cộng sản! Dạng 9: Chống cộng nhưng không tôn vinh cờ vàng. Họ thường là những người xuất thân từ miền Bắc trước 1975. Vì chưa từng sống dưới chế độ VNCH, nên cờ vàng của VNCH này vẫn còn xa lạ đối với họ. Tuy trong bụng không chấp nhận cờ máu của cộng sản, nhưng vì còn sợ bị cộng sản hãm hại, nên họ chưa thể công khai biểu lộ điều đó. Dạng 10: Chống cộng là phải tôn vinh cờ vàng. Cờ vàng là cờ của dân tộc chứ không phải chỉ là cờ của VNCH, nó biểu tượng cho lý tưởng tự do dân chủ. Muốn chống cộng hữu hiệu phải có một lá cờ làm biểu tượng để đoàn kết. Hiện nay không có một lá cờ nào có thể làm biểu tượng tốt hơn cờ vàng ba sọc đỏ. Do đó, không tôn vinh cờ vàng thì là việt gian! Dạng 11: Nhiều người chống cộng rất tích cực, nhưng gặp những trường hợp khó giải quyết và bất khả kháng (**), thì họ chấp nhận hoặc treo cả hai loại cờ (vàng và đỏ), hoặc không treo cả hai loại cờ, vì lúc phải phát biểu lập trường, họ chưa nghĩ ra cách giải quyết nào khác tốt hơn để gỡ rối vấn đề. Dạng 12: Nhiều người chủ trương dù khó khăn cũng phải tranh đấu để cờ của CSVN không bao giờ được tung bay trong các nước tự do dân chủ trên thế giới, mà phải là cờ vàng tượng trưng cho một Việt Nam tự do. Không thể chấp nhận treo cả hai cờ hoặc không treo cả hai cờ. Dạng 13: Nhiều người từ Việt Nam du lịch hải ngoại, vì còn phải sống dưới ách độc tài cộng sản, không muốn khi trở về nước bị công an hỏi han, khó dễ, nên đã tránh né cờ vàng, không muốn vào những nơi có cờ vàng, sợ bị chụp hình và công an trong nước biết được… (***) Dạng 14: Một số ít người trong nước du lịch hải ngoại, dù khi về nước có bị cộng sản phiền nhiễu, vẫn ngang nhiên chấp nhận cờ vàng, không tránh né. Vì họ chủ trương "nhập gia tùy tục", không thể đến với bà con tị nạn cộng sản mà lại tránh né lá cờ mà họ trân trọng. Cũng tương tự như người ở hải ngoại về nước không thể tránh né lá cờ đỏ sao vàng nếu muốn đến cơ quan nhà nước để làm giấy tờ, hay để tiếp xúc với ai đó ở cơ quan. Dạng 15: Có những người không đặt nặng hình thức, nên trong một vài trường hợp họ đã khởi đầu một cuộc họp mà không chào cờ VNCH vì họ đã  mời tham dự buổi họp cả "những người muốn tránh né cờ vàng" (như đã nói trong trường hợp trên) mà không muốn làm họ khó xử. Hoặc để dễ dàng liên kết với những người tuy chống cộng nhưng chưa mặn mà với lá cờ VNCH. Dạng 16: Có những người chủ trương người Việt quốc gia đã họp với nhau đông đảo thì phải chào cờ VNCH, đó là luật định. Ai không chấp nhận luật này thì… hẳn nhiên là… thân cộng, v.v. Dạng 17: Đối với những người đã, đang phục vụ trong chế độ cộng sản, sẵn sàng áp dụng chính sách chiêu hồi, mời gọi và vui mừng đón nhận họ trở về với Đại Khối Dân Tộc để cùng đấu tranh chống độc tài cộng sản, đem lại tự do nhân quyền cho toàn dân. Dạng 18: Đối với những người đã, đang phục vụ trong chế độ cộng sản, phải coi họ như kẻ thù vì họ đã từng trực tiếp hay gián tiếp phục vụ cho chế độ kẻ thù của dân tộc, từng giết chết hay hãm hại những người thân yêu nhất của mình là người dân, hoặc là quân cán chính trong chế độ VNCH. Việc họ bỏ từ đảng, chống lại đảng hay đấu tranh cho tự do dân chủ ta không nên vội vàng tin tưởng sự thật lòng của họ, và sự trở cờ đó không xóa được tội ác của họ. Dạng 19: Nhiều người ghét cộng sản nhưng vẫn về Việt Nam du lịch hay gửi tiền về Việt Nam cho thân nhân. Dạng 20: Có những người chống cộng quyết liệt và biểu lộ điều đó qua việc không về Việt Nam du lịch khi cộng sản còn thống trị, cũng không gửi tiền về Việt Nam vì đó là một hình thức nuôi chế độ cộng sản tồn tại. V.v. và v.v. Còn rất nhiều dạng chống cộng khác nhau nữa với những cung cách và mức độ khác nhau, tùy theo cách suy nghĩ và hoàn cảnh mỗi người, mỗi nhóm. Nói chung, ai cũng cho suy nghĩ hay cách chống cộng của mình là đúng, là tốt (thậm chí đúng nhất, tốt nhất), vì nếu biết là sai, là dở thì theo lẽ thường họ đã thay đổi, không suy nghĩ như vậy nữa. Một khi nghĩ mình đúng thì ai cũng có khuynh hướng lấy cái đúng của mình làm tiêu chuẩn để phán đoán người khác là đúng hay sai: hễ ai suy nghĩ giống mình là đúng, ai khác mình hay ngược với mình là sai. Dường như đó là bản năng rất tự nhiên nơi con người. Nhưng nếu ai cũng cứ nhất định lấy cái đúng của mình làm tiêu chuẩn đúng sai và ép buộc người khác phải suy nghĩ giống mình thì đó chính là nguồn gốc phát sinh chia rẽ, chống đối lẫn nhau, và là nguyên ủy của tâm thức độc tài, độc đoán. Tâm thức này khiến người ta dễ dàng vi phạm quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, đồng thời tạo nên những chế độ độc tài tàn bạo trên thế giới. Những người ý thức điều đó thì nhận ra sự phân biệt đúng sai ấy mang rất nhiều tính tương đối; và ai thật sự muốn đấu tranh cho tự do dân chủ thì phải từ bỏ tâm thức độc tài ấy ngay trong đầu óc mình, trong cách suy nghĩ của mình. Nếu cùng mục tiêu chống cộng với nhau, cùng đấu tranh cho tự do dân chủ với nhau mà ta không chấp nhận những cách suy nghĩ khác biệt của nhau thì hóa ra ta tự cô lập hóa nhau, tách rời lẫn nhau. Lúc đó mỗi người trở thành một hòn đảo, tách biệt và xa cách nhau… Và tập hợp của chúng ta giống như những hạt cát trong một đống cát, tuy bên nhau nhưng không dính liền với nhau thành một khối. Như thế, không bao giờ chúng ta trở thành một lực lượng có sức mạnh để làm được một việc gì lớn lao, đừng nói tới chuyện giải thể chế độ cộng sản! Muốn có sức mạnh phải liên kết lại. Không có cách nào khác! Thiết tưởng những người cùng lý tưởng xây dựng đất nước, cùng mục đích thực hiện tự do dân chủ, cùng muốn chống kẻ thù chung là cộng sản, nếu chưa đồng ý được với nhau, hay chưa liên kết được với nhau thì ít ra là đừng chống nhau, đừng đánh phá nhau, đừng phê bình chỉ trích nhau. Hãy chấp nhận đối lập như dân chúng của những nước dân chủ: "đối lập chứ không đối kháng", nghĩa là không chống báng, không đánh phá đối lập, không coi đối lập như kẻ thù (****). Tốt nhất, trước khi lên tiếng chỉ trích ai, chống báng ai, hãy suy nghĩ xem hành động đó có lợi cho ai, cho cộng sản hay cho công cuộc đấu tranh chống cộng? Những ai muốn thực hiện đoàn kết, xin hãy can đảm nhưng cũng hãy tế nhị và nhẹ nhàng can gián những người chống cộng mà lại đi đánh phá những người chống cộng khác! Đừng để "phe mình đánh phe ta"! Đừng để tình trạng "chống cộng thì ít mà chống nhau thì nhiều"! NVTL _____________________ (*) Nguyên văn: "C’est une expérience éternelle que tout homme qui a du pouvoir est porté à en abuser; il va jusqu’à ce qu’il trouve des limites." (Charles-Louis de Secondat Montesquieu, L’Esprit des Lois, XI, 4). Bản dịch  tiếng Anh: "It is an eternal experience that every man who has power is drawn to abuse it; he proceeds until he finds the limits." (Montesquieu, The Spirit of the Laws) (**) Như trường hợp treo cờ ở trường đại học Fullerton, California, Hoa Kỳ. Ban giám hiệu rất khó xử vì sinh viên học ở đây có những người từ Việt Nam qua, mà cũng có những người tị nạn cộng sản. Treo cờ đỏ sao vàng thì bị các sinh viên tị nạn phản đối, treo cờ vàng ba sọc đỏ thì bị sinh viên từ trong nước đến không đồng ý. Mà treo cả hai cờ hoặc không treo cờ nào cũng đều phát sinh vấn đề. Cuối cùng nhờ sự tranh đấu hợp lý của các sinh viên tị nạn cộng sản, ban giám hiệu đã chấp nhận chỉ treo cờ vàng ba sọc đỏ, là biểu tượng cho lý tưởng của một nước Việt Nam tự do. (***) Công an cộng sản thấy người nào trong nước ra hải ngoại mà chụp hình dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ thì kết án người ấy phản động, là theo "ngụy", theo "thế lực thù địch"… Ở hải ngoại, một số người chống cộng cũng hành xử tương tự công an cộng sản: khi có ai về nước mà bị chụp hình dưới lá cờ đỏ sao vàng hoặc bên cạnh tượng Hồ Chí Minh thì lập tức chụp mũ họ là thân cộng, là cộng sản! (****) Tại các nước dân chủ, các đảng đối lập là những đảng có lập trường khác biệt nhau, thậm chí đối nghịch nhau, nhưng vẫn liên kết với nhau để cùng xây dựng đất nước, đồng thời để kiểm soát lẫn nhau tránh trường hợp lạm dụng quyền bính… Họ có thể tranh cãi với nhau kịch liệt để tìm ra đường hướng tốt nhất. Sau khi tranh cãi, bên đuối lý hay bên thiểu số sẵn sàng chấp nhận quyết định cuối cùng theo hướng của bên thắng lý hay bên đa số. Những người đang đấu tranh cho tự do dân chủ cần học bài học của dân chúng những nước dân chủ: đối lập chứ không đối kháng, vẫn có thể hợp tác và liên kết chặt chẽ với nhau! Nguồn: http://nguoivietthamlang2012.blogspot.de/
......

Chui đầu vào thòng lọng Trung Quốc

Tuần trước, ông Bùi Tín, cựu phó chủ bút báo Nhân Dân (Hà Nội) hiện đang tị nạn tại Pháp, viết một bài nhận xét về bản “Tuyên bố chung” giữa Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình, ký ngày 21 Tháng Sáu vừa qua tại Bắc Kinh: “Không hề có một chữ nào (xác định) về Hoàng Sa, Trường Sa là đất Việt Nam bị cưỡng chiếm bằng vũ lực. Không một lời yêu cầu nào đòi bảo vệ tính mạng tài sản của ngư dân Việt Nam trong vùng biển quốc gia của mình. Không một lời bác bỏ nào đối với cái ‘lưỡi bò’ phi pháp trên bản đồ Trung Quốc. Chủ quyền quốc gia đã bị hoàn toàn từ bỏ.” Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ cũng công bố một bản Nhận Ðịnh về cùng vấn đề này, ngài viết: “Tuyên bố chung tại Bắc Kinh không hề có một dòng nào xác định việc Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần đảo Trường Sa của Việt Nam, hoặc hàng nghìn cây số trên đất dọc biên giới, đặc biệt tại Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, v.v. hay đòi hỏi Trung Quốc hoàn trả biển và đất đã xâm chiếm.” Những lời lên án trên khiến dư luận chú ý hơn đến văn kiện mà hai ông Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình đã ký sau một chuyến công du ba ngày. Trong thực tế, xưa nay người Việt ở trong và ngoài nước không mấy khi chú ý đến các bản thông cáo chung của lãnh tụ hai đảng Cộng Sản, vì biết trước rằng đó thường chỉ gồm những lời tuyên truyền trống rỗng. Nhưng khi vị tăng thống thứ năm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phải viết rằng Hội Ðồng Lưỡng Viện của giáo hội “vô cùng quan ngại về nội dung bản tuyên bố chung này” thì mọi người Việt Nam yêu nước phải cùng chia sẻ nỗi lo lắng đó. Mặc dù bản tuyên bố chung có nhắc đến quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản, Trương Tấn Sang đã ký kết với tư cách là chủ tịch nhà nước Việt Nam, nhân danh cả đất nước và dân tộc Việt Nam. Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ phải cảnh cáo: “Với kẻ cướp đã vào chiếm đóng một góc nhà rồi, ông chủ tịch nước vẫn ‘nhất trí’ với mưu kế của kẻ xâm lăng...” Giống như nhà báo Bùi Tín viết: “Lũ giặc bành trướng được coi là bạn bè thân thiết nhất, là đồng chí tin cậy nhất.” Ông lên án: “Chưa bao giờ có sự đầu hàng nhanh chóng và nhục nhã đến như vậy.” Ðầu hàng nhanh chóng như thế nào? Chỉ trong ba ngày, ông Trương Tấn Sang đã ký tên vào một văn kiện dài bốn ngàn chữ, trong đó đề cập đến hàng chục bản văn khác về việc hợp tác giữa hai nhà nước; và hai bên cũng ký kết nhiều văn bản mới khác nữa. Chỉ trong ba ngày, họ đã xem lại để “nhất trí hợp tác” thi hành rất nhiều văn kiện. Trong đó có, thí dụ, “Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại Giao; Ðối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng; Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp Ðịnh Văn Hóa Việt-Trung giai đoạn 2013-2015; Kế hoạch công tác năm 2013 của ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền hai nước,” vân vân. Hai bên còn thảo luận và “nhất trí” về việc “hoàn thành việc xây dựng trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực sản nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực. Hai bên nhất trí tổ chức Liên Hoan Thanh Niên Việt-Trung lần thứ 2 vào nửa cuối năm nay;” lại “tăng cường hơn nữa hợp tác” giữa các bảy tỉnh của Việt Nam và bốn tỉnh của Trung Quốc ở hai bên biên giới. Bao gồm mọi lãnh vực, chỉ trong ba ngày đã ký kết xong. Hãy nhìn vào danh sách các văn kiện mới được Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình cam kết với nhau, với các “thỏa thuận” cũ được duyệt xét, sửa đổi, bất cứ người nào có suy nghĩ cũng phải tự hỏi làm sao họ “thỏa thuận” với nhau nhanh chóng như vậy? Xin kể ra mấy bản văn mới ký: Một “Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc Phòng hai nước Việt Nam-Trung Quốc;” một “Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc;” một “Thỏa thuận giữa Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam và Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.” Lại thêm, “Thỏa thuận giữa Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam và Tổng Cục Giám Sát Chất Lượng, Kiểm Nghiệm, Kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu;” “Ðiều lệ công tác của ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc;” “Bản ghi nhớ giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc về việc thành lập trung tâm văn hóa tại hai nước;” “Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2013-2017 giữa liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc;” “Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới vịnh Bắc bộ;” đặc biệt còn có một bản “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc;” và nhiều thỏa hiệp hợp tác kinh tế khác. Tất cả đều được ký kết trong chuyến thăm trong ba ngày. Trong trường bang giao quốc tế, ít có hai quốc gia nào lại ký kết với nhau, cùng một lúc, nhiều văn kiện “hợp tác” bao trùm đủ các lãnh vực sinh hoạt của quốc dân như vậy. Hai nước Canada và Mỹ đã sống bên cạnh nhau một cách hòa bình hơn hai thế kỷ, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao lãnh vực nào cũng hợp tác với nhau. Nhưng họ cũng chưa bao giờ ký kết cùng một lúc nhiều thứ cam kết ràng buộc nhau, sau ba ngày thăm viếng như vậy! Phải nhấn mạnh đến các điều liên quan đến quân đội, vì quân đội nước nào cũng là lực lượng bảo vệ quốc gia. Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang ký kết, hứa hẹn với nhau sẽ “...làm sâu sắc thêm hợp tác giữa quân đội hai nước... đi sâu trao đổi kinh nghiệm công tác đảng và chính trị trong quân đội, tăng cường đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ.” Chúng ta phải chú ý tới việc “đào tạo cán bộ” trong quân đội, đặc biệt về “công tác đảng” và “chính trị,” nghĩa là giáo dục, đào tạo não bộ của các sĩ quan trong quân đội. Theo tinh thần những cam kết này, chúng ta có thể thấy tái diễn cảnh “rèn cán chỉnh quân” mà Hồ Chí Minh đã đem vào Việt Nam trong thời kháng chiến chống Pháp: Việc huấn luyện chính trị và nhồi sọ lý thuyết Mác Lê Nin và tư tưởng Mao Trạch Ðông cho các sĩ quan trẻ Việt Nam có thể sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Cộng; hoặc đưa họ sang Trung Quốc thụ huấn các giáo điều tương tự! Chính trong các đợt “rèn cán chỉnh quân” bắt đầu từ những năm 1950, sau khi Hồ Chí Minh đưa tư tưởng Mao Trạch Ðông lên hàng lý thuyết chỉ đạo cho đảng Lao Ðộng, mà rất nhiều sĩ quan trẻ tài ba đã bị nghi kỵ, bị hạ tầng công tác, nhường chỗ cho thành phần bần cố nông được các cố vấn Trung Cộng chấp thuận. Tuy việc nhồi sọ các cán bộ trong quân đội là điều đáng lo ngại nhất, nhưng bản Tuyên bố chung của Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang còn mở rộng chương trình “đồng hóa” về tư tưởng, về lý luận bao trùm hầu hết các lãnh vực khác, không giới hạn trong quân đội. Họ ký kết như sau: “Hai bên... nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai ban đối ngoại và ban tuyên giáo, tuyên truyền của hai đảng vận hành thuận lợi, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ đảng và nhà nước. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tổ chức tốt hội thảo lý luận hai đảng lần thứ 9, tăng cường hơn nữa trao đổi kinh nghiệm về xây dựng đảng và quản lý đất nước... ở mỗi nước.” Ðọc những lời cam kết bao gồm đủ các lãnh vực từ quân sự đến “đào tạo cán bộ đảng và nhà nước,” đến “Ðối ngoại, Tuyên giáo, Tuyên truyền” như trên, chúng ta cảm thấy có một “âm mưu đồng hóa” của đảng Cộng Sản Trung Quốc; mà họ đang được đảng Cộng Sản Việt Nam tích cực ủng hộ để thi hành. Chưa kể tới những cam kết giữa hai đảng cộng sản khi nhắc tới các tranh chấp đang xảy ra trên biển Ðông; sẽ bàn trong mục này vào dịp khác. Nhà báo Bùi Tín cũng nhận thấy: “Ðọc kỹ các văn bản, có cảm giác như Việt Nam đã hội nhập vào trong lòng Trung Quốc. Tuy hai mà một. Hòa nhập triệt để về mọi mặt, đặc biệt là về quốc phòng, về đối ngoại, về an ninh, trị an xã hội, về đảng, nhà nước, về quân đội, về công tác đảng, bảo vệ đảng, bảo vệ quân đội.” Có thể nói, Cộng Sản Việt Nam đang tiếp tục đưa cả nước chui đầu vào trong cái thòng lọng do Trung Cộng đưa ra. Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ giải thích sự hợp tác mật thiết giữa hai đảng cộng sản hiện nay đã “xuất phát từ ý thức nô lệ của ông Hồ Chí Minh khi ông làm bài thơ tuyên truyền ‘Cứu Trung Quốc thị cứu tự kỷ’ (Cứu Trung Quốc là tự cứu mình) đưa đăng trên báo Cộng Sản Tàu Cứu Vong Nhật Báo năm 1940 tại Quế Lâm.” Chúng ta thông cảm với Hòa Thượng Quảng Ðộ khi ngài viết: “Người con Phật không thể khoanh tay đứng ngó hay chỉ thắp hương cầu nguyện, mà phải đem từng biệt nghiệp chuyển hóa cộng nghiệp ác hành.” Hơn tám mươi triệu người Việt Nam cũng không thể chỉ “khoanh tay đứng ngó hay chỉ thắp hương cầu nguyện!” Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/
......

Sự hèn hạ của nhà cầm quyền CSVN qua hai bản án “trốn thuế”!

Chỉ cần nói đến “hai bản án trốn thuế”, người ta sẽ nghĩ ngay đến hai bản án bất công vô nhân đạo của chế độ CSVN (Cộng Sản Việt Nam): Một đã dành cho blogger yêu nước Điếu Cày và một sẽ sắp giáng xuống đầu một blogger khác, đó là luật sư Lê Quốc Quân trong phiên tòa dự kiến (nếu không có gì thay đổi) sẽ diễn ra vào ngày 09/07/2013.   Và đó cũng chính là sự thất bại của mọi thủ đoạn hèn hạ đến từ nhà cầm quyền CSVN Một tòa án, cụ thể hơn là mỗi phiên tòa, sẽ là thước đo công lý và sự thượng tôn pháp luật của những viên quan tòa và những bị cáo. Ở đó, mỗi viên công tố, mỗi luật sư, mỗi chủ tọa đều hành xử theo những gì luật pháp đã quy định. Cuối cùng, một bản án được tuyên ra sẽ có tác dụng răn đe những tội phạm và khẳng định sự công bằng của pháp luật… Đó là nói đến những phiên tòa độc lập và công minh. Nhưng đối với chế độ đảng trị toàn diện, núp bóng công lý, sử dụng luật pháp như những công cụ đàn áp ở Việt Nam hiện nay thì đừng bao giờ mơ đến công bằng! Và công lý chỉ là mỹ từ che đậy cho những thủ đoạn chính trị bẩn thỉu… Tại sao nhà cầm quyền CSVN lại dùng thủ đoạn chuyển tội danh chính trị sang tội danh trốn thuế cho blogger yêu nước Điếu Cày? Đó đơn giản là họ muốn trả thù anh để làm đẹp lòng quan thầy Bắc Kinh, vì anh đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc năm 2007. Nhưng trước dư luận, những kẻ luôn nhân danh công lý và độc lập tự do kia đã không dám nói thẳng ra sự thật đó, nên chúng đã buộc phải dùng tội danh “trốn thuế” đối với anh. Với cách làm như trên CSVN đã tạm làm yên lòng quan thầy, nhưng sau khi blogger Điếu Cày hết hạn tù thì lũ yêu ma Đảng Cộng Sản Việt Nam lại tiếp tục đưa anh ra tòa với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong khi những “bằng chứng” kết tội anh và các bạn là blogger Tạ Phong Tần và Anh Ba Sài Gòn không thể gọi là bằng chứng thì phiên tòa xử những blogger yêu nước này đã diễn ra theo cách: “…một phiên tòa chỉ có đọc cáo trang, luật sư đọc lời bào chữa chung chung là hết giờ” (Lời bà Dương Thị Tân – vợ blogger Điếu Cày). Đây chắc chắn phải là một lệnh miệng từ Bắc Kinh vì có lẽ họ thấy sự trả thù đó chưa đủ hả giận… Người ta kinh ngạc với mức án 12 năm tù dành cho blogger Điếu Cày! Đây quả là một đòn thù hèn hạ vì không bao giờ có chuyện một bản án (tạm cho là nhẹ) được áp đặt trước với mức án chỉ hai năm sáu tháng cho một người và ngay sau khi mãn hạn người đó lại phải chịu một bản án khác lên tới 12 năm. Trên thực tế cũng có những phạm nhân, bị cáo đã phải chịu cùng một lúc hay lần lượt hai, ba bản án, nhưng rõ ràng là những cáo buộc đối với Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do gồm các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn đều “vuốt đuôi” (đặc biệt là đối với anh Điếu Cày) vì sự việc đã xảy ra từ trước năm 2007. Không những thế, như dư luận đã biết các blogger kể trên không hề phạm tội! Như vậy có thể thấy, bản án “trốn thuế” có thể chỉ là bước đầu cho một sự trả thù hèn hạ của nhà cầm quyền CSVN. Ngày 09/07/2013 tới đây tội danh “trốn thuế” sẽ được áp dụng với blogger, luật sư Lê Quốc Quân, có thể kịch bản sẽ lại giống như trường hợp blogger Điếu Cày, luật sư Quân có thể lại phải đối mặt với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” sau khi mãn hạn tù về “tội” trốn thuế… Gần đây, nhà cầm quyền CSVN mạnh tay đàn áp với các blogger nhằm lấy lòng quan thầy Trung Cộng, nhưng đồng thời đó cũng là biểu hiện sự lo ngại về việc ngày càng có nhiều tiếng nói dõng dạc đòi tự do dân chủ, lên án chế độ thối nát bất công… Đã đến lúc chế độ đảng trị không còn nghĩ đến thể diện nhà nước, không còn biết thế nào là lương tâm, không đếm xỉa gì đến quyền sống, quyền tự do của đồng bào mình nữa! Họ đã lộ nguyên hình trần trụi là những kẻ lừa dối, bịp bợm, phản dân hại nước.., khi dám ra tay với cả những người đã từng là đồng chí đồng đội của họ, những người đã cưu mang nuôi nấng họ trong chiến tranh. Nay, khi đã nắm chặt quyền lực trong tay thì họ chẳng cần che đậy điều gì… Sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Một khi bị dồn nén đến bước đường cùng thì chắc chắn người dân sẽ bão hòa nỗi sợ. Lịch sử cho thấy, tàn bạo và khát máu như Tần Thủy Hoàng, cuối cùng cũng bị lật đổ. Hay như chế độ tại các nước Đông Âu thời Cộng Sản cũng đã từng bắt bớ kết án hàng trăm ngàn người vô tội, nhưng một khi người dân không còn biết sợ thì chính lúc đó là thời điểm nhân dân vùng dậy… Nói đến sự hèn của nhà cầm quyền CSVN thì dù có viết ra hàng trăm ngàn trang sách cũng không hết. Nhưng hèn với giặc thì đã đành, nhưng hèn hạ với dân trong cách hành xử thì lại là một bản tính cố hữu khác của họ. Trong khoảng vài chục năm qua, không biết bao nhiêu những con người vô tội đã bị chế độ CSVN dùng thứ luật pháp mọi rợ với các phiên tòa bẩn thỉu để đàn áp.     Đối với những người yêu nước, tôn trọng lẽ phải như Điếu Cày và Lê Quốc Quân, mặc dù các anh đang nằm trong tay chế độ phi nhân, nhưng tin chắc rằng những sự hy sinh của các anh không phải là vô nghĩa. Cho dù các anh có bị cầm tù hàng chục năm hay lâu hơn nữa thì chế độ CSVN cũng không thể khuất phục nổi ý chí của họ. Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều những người yêu nước thương dân căm thù Cộng Sản sẵn sàng noi gương các anh, vì họ hiểu: Không hèn hạ không phải là Cộng Sản! Và không tự đứng lên thì còn chờ ai lúc này? Lê Nguyên Hồng
......

Nhận định của Ông Lý Thái Hùng về những biến động ở Ai Cập

Cuộc đảo chánh không tiếng súng của quân đội Ai Cập đã diễn ra vào tối ngày mồng 3 tháng 7 năm 2013, khi tướng Abdel Fattah al-Sisi, lãnh đạo tối cao cùa Quân đội Ai Cập đã tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia rằng theo ý nguyện của nhân dân, quân đội truất quyền tổng thống của ông Mohamed Morsi và trao quyền lại cho ông Adly Mansour, Chánh án Tòa Án Hiến Pháp tối cao để tổ chức một cuộc bầu cử mới. Tuy là cuộc đảo chánh không tiếng súng, nhưng biến cố này đã làm cho dư luận thế giới và cả dư luận Việt Nam lo ngại rằng cuộc cách mạng Hoa Lài xảy ra hai năm truớc đây để lật đổ chế độ độc tài Mubarak có thể sẽ bị bế tắc, khi mà quân đội phải ra tay đối với chính quyền dân chủ của Tổng thống Mohamed Morsi vừa mới được dân chúng bầu lên khoảng 1 năm qua. Để tìm hiểu những diễn biến của tình hình chính trị Ai Cập xin mời quý thính gia theo dõi phần nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.   Thanh Thảo : Kính chào ông Lý Thái Hùng. Trước hết để giúp cho thính giả hiểu rõ bối cảnh chính trị tại Ai Cập như thế nào trong một năm qua, vì sao dẫn đến hệ quả là quân đội phải ra tay hạ bệ một tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập sau khi chế độ độc tài Mubarak sụp đổ vào tháng 2 năm 2011, xin ông chia sẻ một số nguyên nhân đưa đến những diễn biến như hiện nay ?   Ô. Lý Thái Hùng : Như chúng ta biết là sau những biến động chính trị đưa đến sự sụp đổ chế độc tài của tổng thống Bel Ali Mubarak tại Tunisia vào ngày 14 tháng 1 năm 2011, thì cuộc biến động này đã làm bùng lên một niềm phấn chấn mới trong thành phần trí thức và giới công nhân Ai Cập và một số nưoóc Trung Đông. Lực lượng chống đối tại Ai Cập đã chọn dịp kỷ niệm 1 năm ngày một sinh viên bị chính quyến Mubarak bắn chết trong cuộc đình công của công nhân năm 2010 làm khởi điểm tụ họp đấu tranh, đó là ngày 25 tháng 1 năm 2011. Tuy bị đàn áp nhưng làn sóng biểu tình ngày một gia tăng sau đó, trước sự làm ngơ của quân đội, cuối cùng Tổng thống Mubarak đã phải từ chức vào ngày 11 tháng 2 năm 2011 trao quyền điều hành đất nước lại cho Hội đồng quân lực cao cấp.   Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng quân lực cao cấp, Ai cập được điều hành bởi một chính quyền dân sự lâm thời với 2 nhiệm vụ: 1/Soạn thảo hiến pháp; 2/Ổn định tình hình sau khi chế độ độc tài Mubarak sụp đổ.   Ngày 24 tháng 12 năm 2011, Ai Cập đã thông qua hiến pháp mới sau 2 đợt trưng cầu dân ý và dựa trên hiến pháp này, Ai Cập đã tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 16 tháng 6 năm 2012. Trong cuộc bầu cử này ông Mohamed Morsi, lãnh đạo đảng Công lý và Phát Triển là một đảng chính trị của Tổ Chức Huynh Đệ hồi giáo đã đánh bại cựu thủ tướng Ahmed Shafiq, với số phiếu khá khít khao. Điều này cho thấy mức ảnh hưởng của lực lượng cầm quyền của Tổ Chức Huynh Đệ Hồi Giáo so với các nhóm đối lập không chênh lệch bao nhiêu. Hơn nữa, một số người lại sợ khối Hồi Giáo khống chế quyền lực đối với lực lượng đối lập nên đã không ủng hộ chính quyền của ông Morsi, Liên Đoàn Á Rập không ủng hộ nhóm Hồi giáo và không có thái độ thiện cảm với chính quyền này. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu ông Morsi lên nắm chính quyền đã có sự rạn nứt trong quần chúng.   Ngoài ra, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tuy ra đời từ rất sớm, nhưng hoạt động của tổ chức này chỉ thu hẹp trong các lãnh vực xã hội, tôn giáo và chưa bao giờ tham gia chính trường nên khá lúng túng trong việc điều hành quốc gia.   Có hai vấn đề mà Tổng thống Morsi và Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo đã hành xử không khéo, tạo sự xung đột lớn với lực lượng đối lập và phe quân đội. • Thứ nhất là sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Morsi đã hủy bỏ Tuyên bố Hiến pháp bổ sung do Hội đồng Quân sự ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2012. Việc làm này của Tổng thống Morsi đã vô hình chung loại bỏ quyền lực của phe quân đội vốn là lực lượng xương sống, đã duy trì sự ổn định của Ai Cập sau khi chính quyền Mubarak sụp đổ.   • Thứ hai là vào ngày 30 tháng 3 năm 2013, Tổng thống Morsi đã sửa một phần nội dung Hiến pháp để cho phép Tổng thống nắm quyền lập pháp trong khi Hạ viện chưa được bầu lại. Đây là quyết định cho thấy là Tổng thống Morsi và Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo muốn tóm thu quyền lực vào tay mình khiến cho lực lượng đối kháng thấy là Ai Cập có thể bị đưa về lại thời kỳ độc tài của Mubarak.   Thêm vào đó, tình hình kinh tế bi đát trong suốt một năm qua chứng minh khả năng vượt qua khủng hoảng kinh tế của chính quyền Morsi rất hạn chế, đã thổi bùng lên cơn giận dữ của chính những người đã từng bỏ phiếu cho ông Morsi.   Trước khi xảy ra vụ lật đổ ông Mubarak, kinh tế Ai Cập đạt tốc độ tăng trưởng 7%/năm; nhưng trong hai năm 2011 và 2012 mức tăng trưởng chỉ còn 2,2% và theo dự báo, đến tháng 6-2013 tốc độ tăng trưởng cũng chỉ đạt 2,7%.   Hậu quả là người dân Ai Cập lại xuống đường biểu tình với số lượng người tham gia ngày càng đông. Khác với những gì xảy ra cách đây hai năm, những cuộc biểu tình chống Tổng thống Morsi diễn ra khá ôn hòa vì người dân còn mong chờ sự thay đổi của Tổng thống Morsi.   Nhưg thay vì tìm cách đối thoại với lực lượng đối lập và quân đội để tìm cách giải quyết các khó khăn và bất đồng, Tổng thống Mohamed Morsi và tổ chức Huynnh Đệ Hồi Giáo lại tìm cách kiểm soát mọi quyền lực, đàn áp đối lập. Các tổ chức đối lập đã lập ra phong trào có tên là Tamarod có nghĩa là “nổi dậy”, tuyên bố là đã vận động được 22 triệu chữ ký, chiếm 1/3 dân số và đã kêu gọi một cuộc biểu tình lớn vào ngày 30 tháng 6, nhân kỷ niệm 1 năm ông Morsi nhậm chức tổng thống. Sau cuộc biểu tình này, phong trào Tamarod đã ra tối hậu thư cho Tổng thống Mohamed Morsi là trong vòng hai ngày ông phải từ chức hoặc phải đối mặt với chiến dịch phản đối dân sự, tức là cho đến 5 giờ chiều ngày 2 tháng 7 năm 2013.   Tối hậu thư vừa đưa ra thì bên quân đội lên tiếng tiếp theo rằng Tổng thống Morsi có 48 tiếng đồng hồ để trả lời cho phe đối lập, nếu không thì quân đội sẽ đảo chánh. Tổng thống Morsi đã từ chối và cho rằng ông là người được dân chúng bầu lên một cách hợp pháp, không cần thiết phải nghe theo mệnh lệnh của quân đội. Tuyên bố này của ông Morsi coi như sẵn sàng đối đầu và cuối cùng quân đội đã ra tay, truất phế khỏi chức tổng thống và giam lỏng ông Morsi. Thanh Thảo : Sự kiện quân đội đảo chánh lật đổ tổng thống Morsi tuy không có đổ máu nhưng theo ông thì có hợp hiến hay không và tại sao quân đội không cầm quyền mà lại trao cho Chánh án Adly Mansour lên làm tổng thống lâm thời ?   Ô. Lý Thái Hùng : Tôi thiết nghĩ cuộc biểu tình ngày 30 tháng 6 và việc tổng thống Morsi không chấp nhận đối thoại với phe đối lập để giải quyết tình hình khủng hoảng chính trị kéo dài từ cả một năm qua, khiến cho phe quân đội không thể đứng yên mà nhìn tình hình bất ổn ngày càng gia tăng. Hơn thế nữa, xứ Ai Cập đã có truyền thống quân đội nắm chính quyền trong nhiều thập niên dài và sẵn sàng can thiệp khi tình hình chính trị có những dao động nghiêm trọng như tình hình bất phân thắng bại hiện nay giữa phe Huynh Đệ Hồi Giáo với phe đối lập. Vì thế mà Bộ trưởng quốc phòng Abdel Fattah Al Sisi đại diện cho hội đổng tướng lãnh, tuyên bố việc truất phế Tổng thống Morsi hôm tối mồng 3 tháng 7 giờ Ai Cập.   Sự truất phế này đương nhiên là vi hiến vì đã giải nhiệm một tổng thống do dân bầu lên theo hiến định. Phe quân đội cũng biết là việc làm của họ là vi hiến nên họ đã không dám nắm quyền như các cuộc chính biến trưóc đây, vì thế mà Tướng Al Sisi đã chỉ định Thẩm phán Adly Mansour, chủ tịch Hội đồng Hiến pháp tối cao lên thay thế trong trách vụ tổng thống lâm thời và ông này đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 5 tháng 7 năm 2013 và sẽ giữ trách vụ này cho đến khi tiến hành cuộc bầu cử tổng thống mới.   Tuy các nước trong và ngoài khu vực Trung Đông cũng như các cường quốc Hoa Kỳ, Pháp, Anh đều không lên tiếng phản đối hành động lật đổ tống thống Morsi của phe quân đội Ai Cập, nhưng đa số đều mong muốn tiến trình chuyển giao chính quyền sang dân sự càng nhanh càng tốt.   Chính vì thế, nếu tiến trình này kéo dài thì tình hình Ai Cập khó có thể trở lại bình thường và quân đội Ai Cập sẽ chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, trước hết là của các nước phương Tây. Một trong những áp lực này là từ Hoa Kỳ, khi tổng thống Obama nói rằng ông sẽ duyệt lại vụ viện trợ 1,3 tỷ mỹ kim quân sự cho Ai Cập trong năm 2013. Thanh Thảo : Theo tin tức thì tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo đang kêu gọi những người ủng hộ họ tham gia biểu tình đòi quân đội phục hồi lại chức vụ Tổng thống của ông Mohamed Morsi. Như vậy người dân Ai Cập chia làm hai phe: Phe chống và phe ủng hộ ông Morsi, hay nói cách khác là chia làm 2 phe ủng hộ và chống lại cuộc đảo chánh của quân đội. Theo ông thì tình hình Ai Cập sẽ đi về đâu?   Ô. Lý Thái Hùng : Đúng như chị nói là sau gần 4 ngày ở trong tình huống bất ngờ bị mất quyền lực, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo vào ngày 5 tháng 7 vừa qua, đã lên tiếng kêu gọi người dân xuống đường biểu tình chống lại việc quân đội truất phế Tổng thống Morsi và yêu cầu trả lại vị trí Tổng thống cho ông Morsi. Cuộc biểu tình không chỉ diễn ra ở thủ đô Cairo mà khắp toàn quốc. Chúng ta biết là tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo là một tổ chức Hồi giáo lớn, không chỉ nằm ở Ai Cập mà còn lan rộng trên nhiều quốc gia ở Trung Đông.   Huynh đệ Hồi giáo là phong trào Hồi giáo đầu tiên được thành lập năm 1928 tại Ismailia, bên bờ kênh Suez. Sáng lập viên là Hassan el Banna, một giảng viên Hồi giáo chủ trương kêu gọi quay về cội nguồn. Ông tin rằng tổ chức cuộc sống xã hội cần phải dựa trên những nguyên tắc của Kinh Coran và truyền thống Hồi giáo. Tổ chức huynh đệ hồi giáo chống lại khuynnh hướng bạo lực của các nhóm Hồi Giáo khác.   Chính thái độ ôn hòa này đã giúp cho tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tạo dựng được uy tín và được lòng dân. Trong quá khứ, về mặt chính thức, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bị cấm hoạt động, nhưng chính quyền Ai Cập lại có những châm chước, nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo của tổ chức này.   Từ năm 2011, trước những thay đổi do cuộc cách mạng Hoa Lài mang lại, hầu như tất cả các tổ chức chính trị Hồi giáo đều tuyên bố tiến hành các hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và các định chế hiện có, theo mô hình đảng Công lý và Phát triển thành lập và cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.   Với một lực lượng được tổ chức chặt chẽ như vậy, chắc chắn sẽ gây rất nhiều tác động lên tình hình chính trị tại Ai Cập trong thời gian tới. Điều mà nhiều người lo ngại là sự hình thành 2 phe ủng hộ và chống cuộc đảo chánh của quân đội đối vối Tổng thống Morsi sẽ tạo ra một sự phân hóa trầm trọng trong nội tình của người dân Ai Cập.   Hiện nay, vì nhu cầu giữ ổn định tình hình, phe quân đội đã bắt giữ hơn 300 cán bộ cao cấp của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo. Đây chính là điều tạo thêm sự hận thù giữa tổ chức Hồi Giáo với quân đội. Vì thế tôi thiết nghĩ là viễn cảnh của tình hình Ai Cập có thể xảy ra ba kịch bản như sau:   • Kịch bản thứ nhất là quân đội nhanh chóng tổ chức đối thoại với phe đối lập và tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo để đi đến những đồng thuận trong việc tổ chức lại một cuộc Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt, để bầu ra một Tổng thống mới và nhiều phần sẽ là một tổng thống không thuộc phe Huynh Đệ Hồi Giáo trong lần này.   • Kịch bản thứ hai là quân đội tiếp tục đứng sau Tổng thống lâm thời Adly Mansour để chi phối các quyết định chính trị quan trọng cho đến khi khống chế được tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo thì mới tiến hành bầu cử.   • Kịch bản thứ ba là nếu không hòa giải được phe đối lập và tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, và tình hình bất ổn lan rộng thì quân đội có thể sẽ lên nắm quyền như nhiều chính thể quân đội trước đây tại Ai Cập.   Nếu kịch bản thứ nhất xảy ra là điều tốt nhất và đúng như mọi người mong đợi. Nhưng để có kịch bản này, phe quân đội và các lực lượng đối lập phải nỗ lực vượt qua những bất đồng hiện nay để sớm mang lại sự ổn định cho Ai Cập trước khi nền kinh tế có thể bị phá sản.   Thanh Thảo : Cuộc cách mạng Hoa Lài xảy ra vào đầu năm 2011 đã tạo một sự phấn chấn rất lớn trong dư luận; nhưng sự sụp đổ của chính quyền dân sự Mohamed Morsi vừa qua, khiến người ta thấy rằng cuộc cách mạng dân chủ bằng đấu tranh bất bạo động đã không hoàn hảo tại Ai Cập. Đâu là những điều chúng ta cần tránh cho cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam?   Ô. Lý Thái Hùng : Sự xuất hiện của phong trào nổi dậy Tamarod để chống lại sự độc quyền của Tổng thống Morsi và tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo với cuộc biểu tình ngày 30 tháng 6 vừa qua, một lần nữa cho thấy là sức mạnh của quần chúng khi đã hội tụ được, chắc chắn sẽ đưa đến những đổi thay mới.   Tình hình Ai Cập đang trải qua một giai đoạn mới nhưng bản chất của nó chẳng khác gì cách nay hai năm vì khát vọng dân chủ của người dân khi lật đổ chính quyền gia đình trị Mubarak vào năm 2011 vẫn còn nguyên. Lý do là Tổng Thống Morsi và tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, ngày càng tỏ ra chuyên quyền, coi rẻ ý nguyện của người dân, đàn áp các đảng phái chính trị khác, và trừng phạt các tiếng nói chỉ trích chính quyền. Nói một cách khác là chính phủ Morsi của Huynh Đệ Hồi Giáo lại từng bước trở về con đường độc tài của Tổng Thống Mubarak, người mà dân chúng đã lật đổ vào đầu năm 2011 bằng phương thức đấu tranh bất bạo động.   Nhìn qua lăng kính đấu tranh bất bạo động để phân tích về tình hình Ai Cập hiện nay, chúng ta có thể rút ra một số điểm như sau:   • Thứ nhất tiến trình dân chủ ở mỗi quốc gia có những diễn trình khác nhau. Những diễn trình này phải đi qua một số giai đoạn để phát huy nếp sinh hoạt chính trị dân chủ. Chính quyền của mỗi giai đoạn sẽ từng bước cải tổ, đáp ứng các đòi hỏi của người dân cho đến khi nào có một chính quyền dân chủ thật sự. Nhìn như vậy, ta thấy là diễn trình dân chủ tại Ai Cập mới đi vào giai đoạn đầu.   • Thứ hai là sau khi chấm dứt độc tài không có nghĩa là sẽ có ngay sinh hoạt chính trị dân chủ. Lý do là trong những lực lượng tham gia chống lại độc tài cũng có những con người mang tham vọng khống chế những lực lượng khác khi họ ở thế thượng phong. Do đó sau khi thoát khỏi chế độ độc tài, người dân phải luôn luôn cảnh giác đối với các toan tính độc tài mới, dù đó là thế lực phát sinh từ chính hàng ngũ những người đã từng tranh đấu cùng với dân chúng. Trường hợp Tổ Chức Huynh Đệ Hồi Giáo là lực lượng chiếm ưu thế tại Ai Cập hiện nay và đã rơi vào tham vọng độc quyền như Tổng thống Morsi đã hành xử.   • Thứ ba là khi chúng ta nắm vững phương thức đấu tranh bất bạo động thì dù có thế lực nào toan tính tái lập lại thể chế độc tài thì cũng sẽ bị người dân bẻ gãy ngay. Vì người dân đã nhuần nhuyển về cách thức đấu tranh bất bạo động, sẽ nhanh chóng đối phó với các thế lực độc tài mới. Sự kiện phong trào nổi dậy Tamarod của Ai Cập thu hút 22 triệu người ký tên chống chính quyền Morsi là một bẳng chứng cho thấy phe đối lập Ai Cập đã nắm vững kỹ thuật vận động số đông để tạo áp lực bằng kỹ thuật bất tuân dân sự.   Nói tóm lại, ba điểm mà tôi phân tích nói trên cũng có thể coi như là 3 bài học mà phong trào dân chủ tại Việt Nam cần rút tỉa trong công cuộc đấu tranh chấm dứt ách độc tài Cộng sản để xây dựng một thể chế chính trị dân chủ thật sự trên đất nước Việt Nam trong tương lai. Thanh Thảo : Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng và xin cảm ơn sự lắng nghe của quý vị thính giả.   Nguồn: http://radiochantroimoi.com/
......

27 ghi chú dành cho những Tù nhân Lương tâm dự khuyết

Tháng 6 28, 2013   1. Nguyên tắc “suy đoán vô tội”: Không ai có quyền cho bạn là tội phạm cho đến khi có một tòa án công chính đủ thẩm quyền đưa ra một phán xét kết tội có hiệu lực. Nhưng bạn đừng bao giờ trông chờ sẽ có một tòa án như thế trong một chế độ độc đảng toàn trị. 2. Dù bạn là tù nhân hay thậm chí là “phạm nhân” cũng không ai có quyền xúc phạm danh dự và tuyệt đối không có quyền xúc phạm thân thể bạn. Chắc chắn bạn cũng không kỳ vọng chế độ độc đảng toàn trị sẽ tôn trọng những điều hiển nhiên này nhưng bạn cần phải nhớ để bảo vệ nhân phẩm tối thiểu cho mình. 3. Bất kể lúc nào, tình huống nào bạn vẫn luôn có ba quyền đương nhiên sau đây: 1. Quyền không trả lời (im lặng), tức cũng là trả lời. 2. Quyền không ký. 3. Quyền sửa sai, đính chính, phản bác, phản cung lại những điều đã nói hoặc đã ký. Tất nhiên khi làm như thế, bạn sẽ bị chế độ độc tài đảng trị liệt vào dạng “ngoan cố” “cứng đầu” nhưng chắc chắn bạn sẽ có nhiều giấc ngủ ngon hơn trong tù và đời bạn sẽ bớt được nhiều nỗi day dứt không đáng có. 4. Nếu phải giam chung với tù hình sự, đừng sợ hay ác cảm trước những bộ dạng gớm ghiếc hay những cơ thể xăm trổ đầy mình của họ. Phía sau những ghê rợn đó có thể là một trái tim rất nhạy bén, tự trọng và đầy bản lĩnh. Hãy sống nghĩa hiệp với họ. 5. Ba suy nghĩ sai lầm bạn cần loại ngay ra khỏi đầu: 1. Không khai, không có chứng cớ hoặc mọi việc bạn làm đều đúng luật nên họ sẽ không thể kết tội được bạn và sẽ phải thả bạn. 2. Bên ngoài sẽ giúp bạn hoặc vì bạn là người nổi tiếng, có nhiều quan hệ nên trước sau họ cũng phải thả hoặc án phạt sẽ không đáng kể. 3. Thế là hết rồi, xong rồi.Than đời hay buông hết hy vọng với đời là hoàn toàn chẳng nên, kể cả lúc bị gông xiềng, nhưng rồi bạn sẽ lại nhận thấy điểm tựa tốt nhất cho đời bạn trước hết vẫn chính là bạn. Bạn cũng không nên phải quá cay đắng nếu vẫn mắc phải suy nghĩ sai lầm số 1 vì sự vô sỉ của chế độ toàn trị cộng sản cho đến nay vẫn nằm ngoài sự tưởng tượng của rất nhiều người. 6. Đừng bao giờ tin lời nói, lời hứa, kể cả cam kết (bằng chữ), của điều tra viên (nhà chức trách). Đừng bao giờ trở thành nguồn tin cho họ (dù họ đã biết hay chưa). Cũng đừng bao giờ sững người khi họ nói đồng đội của bạn đã phản bội bạn. Hãy tạc vào lòng ba lời nhắn của tiền nhân: “Đừng nghe những gì họ nói mà hãy xem những việc họ làm.”, “Đừng trao trứng cho Ác”, và: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo.” 7. Ba điểm cần nhớ nằm lòng khi làm việc (đi cung, đi thẩm vấn, “đi làm” hay gặp gỡ bất kỳ nhân vật nào thuộc chính quyền): 1. Nói nhiều không có lợi. 2. Nổi nóng, khiếm nhã không có lợi. 3. Nhượng bộ hay coi thường đối thủ đều là nguy hiểm. Hai điểm đầu cho phép bạn được rút kinh nghiệm nhưng điểm thứ ba phải coi ngay là miệng vực. Khi nghiêm khắc thực hiện ba điểm này bạn sẽ hiểu thấu hơn sự đúc kết của cổ nhân: “nhất thủy nhì hỏa”. Song, bạn không nên nhầm giữa sức mạnh hủy diệt khổng lồ với sức mạnh xanh cũng khổng lồ nhưng nhân ái, thu phục. 8. Hãy chủ động đón nhận một trang đời mới ngay khi bạn bị tống vào tù. Càng chủ động bao nhiêu, đời tù của bạn sẽ càng nhẹ nhõm bấy nhiêu. Nếu bị biệt giam nghĩa là đời bạn đã được trao một cơ hội để nhận rõ sự khác biệt hoàn toàn giữa đơn độc và cô đơn, được gặp một cơ may để khám phá, tiếp nhận nhiều sức mạnh, cảm hứng, hạnh phúc, đốn ngộ từ những tĩnh lặng mênh mông sâu hút gần như tuyệt đối của vũ trụ. Còn nếu được giam chung là người ta đang tôi cho bạn những kỹ năng hội nhập, đoàn kết, ảnh hưởng, rèn thêm cho bạn lòng trắc ẩn, đức quên mình, là giúp bạn nhìn ra những khiếm khuyết, thói xấu láu lỉnh nhất trong bạn và cho bạn trải nghiệm sự kinh ngạc tột cùng trước sự đa dạng vô biên, vô cấp độ của những khả năng, tài năng, sức chịu đựng và những ham muốn, ước vọng, cả cao cả vô cùng lẫn thấp hèn tột bậc, của loài người và thậm chí của chỉ một người. Hãy nhớ câu châm ngôn hài hước của tù hình sự: “Đi tù nếu không học được cái lọ thì cũng sẽ được cái chai”. 9. Đừng quá thành kiến với công an. Nhưng phải cảnh giác khi họ tử tế. Người ác nhất vẫn có lúc tử tế nhưng hãy nhớ công an là công cụ của chế độ độc tài toàn trị – chế độ không bao giờ muốn tính thiện con người trỗi dậy có lợi cho bạn – kẻ đang bị coi là thù địch. Hãy trân trọng, ghi nhận mọi thiện ý nhưng chớ mềm lòng. 10. Trong khi thẩm vấn không nhất thiết bạn phải thuộc phía thụ động, sợ hãi. Chính kẻ thẩm vấn cũng có nỗi hoang mang của riêng họ. Họ sợ không khuất phục được bạn. Họ hồi hộp sẽ không moi tin thêm được từ bạn. Và họ rất lo lắng rằng bạn sẽ ngày càng vững vàng hơn. 11. Người ta có thể rất tức tối, thậm chí căm ghét bạn nhưng bạn phải biết không ai có thể khinh thường một tù nhân lương tâm kiên định. Căm ghét vẫn có thể chuyển thành tôn trọng thậm chí kính trọng. Nhưng khinh thường thì không bao giờ. 12. Đừng quá trông chờ vào luật sư khi bị cầm tù. Một luật sư tốt nhất lúc này cũng chỉ có 3 vai trò chính: 1. Cầu nối thông tin giữa bạn và bên ngoài. 2. Cung cấp thêm một số luận cứ pháp luật cho niềm tin của bạn. 3. Chứng nhân cho những gì bạn thể hiện trong những phiên tòa “công khai”. Bạn nên nhớ bạn không chỉ là thân chủ mà còn là người liên đới, chịu trách nhiệm trước hết và sau cùng cho mọi phát ngôn, hành động của người đại diện pháp lý (luật sư) của mình. Và bạn luôn có toàn quyền đồng ý hay chấm dứt liên đới với luật sư bất kể khi nào kể cả ngay tại tòa. Bạn không nên quên chế độ độc tài toàn trị không bao giờ thèm cần đến tranh tụng nhưng họ rất cần hình ảnh và quan điểm của bạn bị đánh hỏng ngay trước tòa. 13. Khi nỗi nhớ thương gia đình (con cái, cha mẹ, vợ chồng) trào dâng, nên nghĩ đến ba điều: 1. Trách nhiệm của một công dân không chỉ là chăm lo cho gia đình riêng của mình. 2. Đây là điều ngoài mong muốn của bạn. Ngọn nguồn của chia ly, đau khổ này là từ chế độ độc tài. 3. Bạn có thể đã phải gặp một rủi ro xấu hơn như nhiều người đã đột ngột phải chia ly gia đình mãi mãi. 14. Chắc chắn bạn sẽ suy sụp nếu cứ đo đếm thời gian, trông mong ngày trở về. Hãy đặt ra công việc và mục tiêu cần đạt được cho mỗi ngày, mỗi giai đoạn ở tù. Bạn nên nhớ đó là những khoảnh khắc vô cùng đặc biệt mà đời thường không thể có và rất không dễ để hiểu. 15. Có những lúc bạn sẽ có cảm giác vui sướng, nhưng đừng để quá vui. Cũng đừng nghĩ quẩn. Trước mọi vấn đề, cần suy nghĩ thật kỹ càng, chu đáo nhưng đừng để lo lắng, day dứt làm kiệt sức bạn. Hãy biết an tâm, chấp nhận những rủi ro ngoài khả năng tiên liệu. 16. Hãy biết tự giễu mình mỗi khi cảm thấy yếu ớt, căng thẳng hay sợ hãi. Và cũng phải biết tự thầm khen mình, tự hào về mình mỗi khi vượt qua một thách thức. 17. Cảnh giác với ba loại thời tiết dễ làm bạn không còn là bạn: nóng quá, lạnh quá và đặc biệt tiết trời u ám, ẩm thấp (như tiết tháng Ba miền Bắc). 18. Thà nhịn đói còn hơn ăn đồ không an toàn (nghi là ôi thiu, không tin cậy, thức ăn lạ). Hãy nhớ câu: “Chết vì ăn là rất nhục”. 19. Tuyệt đối không dùng dao cạo cũ (của người khác), không để tiêm chích, không để chạm dao kéo (nếu không phải là trường hợp cấp cứu tính mạng). Hãy nhớ câu: “Chết vì xuề xòa là cái chết đáng trách”. 20. Ba cách đơn giản giúp tăng cường sinh lực và sức dẻo dai cho cơ thể: 1. Chạy (hoặc đi bộ) ngay tại chỗ hoặc trong khoảng cách 2m. 2. Chống đẩy (hít đất), đứng lên ngồi xuống nhiều lần. 3. Làm dẻo các khớp từ cổ đến chân, xoa bóp cơ thể. Siêng năng là cần thiết. Nhưng điều cần hơn là thực hành với sự hiệp nhất cùng nhịp thở trong sự tò mò, chú tâm để cảm nhận và lắng nghe những rung động bình dị mà kỳ lạ trên từng phần thân thể. Hãy luôn nhớ: Mỗi khi bạn lười nhác hay ngại ngùng là có một nụ cười đang hé trên môi của quyền lực độc tài. 21. Có ba thứ quí giá, ngoài bạn ra, không ai có thể tước đi được: 1. Giấc ngủ ngon. 2. Lý tưởng. 3. Mơ ước và suy tư. 22. Hãy đặt mọi yêu sách, đấu tranh của bạn trên ba trụ cột: pháp luật, phi bạo lực và chính trực. Tuy nhiên, tôn trọng pháp luật không có nghĩa là chấp nhận cả những qui định, luật lệ vô lý, phi nhân. 23. Những lúc cảm thấy đau khổ cùng cực hãy nghĩ đến ba điều: 1. Những người bị khuyết tật về thân thể hay trí não. 2. Những bạn bè, người thân đồng tuổi nhưng đã không may qua đời sớm. 3. Sự lo toan, tất tưởi, rủi ro của gia đình ở bên ngoài. Hãy nhớ câu: “Nỗi khổ của ta không bao giờ là nỗi khổ lớn nhất”. 24. Những khi bạn cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa, hãy nhớ đó chính là lúc bạn đã tiến tới sát khả năng phát hiện ra những năng lực mới của bản thân khiến chính bạn phải sửng sốt. 25. Cả hai thứ, thân thể và ý chí, luôn cần được chăm chút, rèn luyện trong suốt những ngày tù. Nhưng nếu phải giữ lại một thì phải chọn cái thứ hai – cái không ai có thể tù hãm hay giết chết được, trừ bạn. 26. Nếu bạn xác quyết rằng Tạo hóa đã hào phóng ban cho mọi con người có khả năng tận hưởng những quyền tự do bất khả nhượng thì bạn cũng phải tin rằng Tạo hóa muốn con người phải thực sự xứng đáng hơn mọi loài vật khác khi nhận ân sủng lớn lao đó. Bởi Tạo hóa đã chỉ cho một loài duy nhất của địa cầu biết chế ra nhà tù: đó là con người. 27. Đường đến tự do không nhất thiết cứ phải xuyên qua nhà tù nhưng những kẻ kìm giữ tự do rất hay mượn nhà tù để thử độ khát khao tự do. Và những kẻ đó chắc chắn sẽ không thấy cần phải đoái hoài tới những tự do bất khả nhượng của chúng ta nếu họ cho rằng độ khát khao tự do của chúng ta thuộc loại chẳng cao lắm. Nguồn: pro&contra
......

Người Việt ở Âu Châu

Tôi đi không nhiều nơi, không gặp nhiều người lắm. Nên bài viết này không khái quát hết toàn bộ người Việt ở Châu Âu. Chỉ một góc hẹp trong số những người tôi gặp. Người Việt sang Châu Âu rất đa dạng , đi học, đi làm, và di tản. Người di tản thường là người miền Nam đi hồi năm 1975 bằng con đường vượt biển, họ được tàu Châu Âu cứu và theo tàu của nước cứu về định cư tại nước đó. Có nước dùng riêng cả một con tàu lang thang ngoài biển Đông xem có người Việt vượt biên không để cứu vớt. Cá biệt có số người miền Nam VNCH đi học thời đó và khi chiến tranh xảy ra họ ở lại luôn không về nữa. Nhiều gia đình người Việt di tản là người gốc Bắc di cư vào Nam năm 1954. Ở những gia đình này tiếng Việt thuần khiết cũng như các phong tục, lề thói được giữ gìn một cách trang nghiêm, nền nếp đến đời thứ ba. Ở Bremen tôi được ăn những bát bún thang của một bà mẹ hơn 80 tuổi,người phố Hàng vải cũ. Bát bún của bà làm tôi ngạc nhiên bởi nước dùng trong vắt và ngọt thơm, một bát bún hương vị đặc biệt của Hà Nội không lẫn tạp. Chỉ tiếc điều sợi bún làm từ bún khô chứ không phải bún tươi. Những người trong gia đình này đối xử với nhau ân cần, lễ độ , trên dưới một cách rất Hà Nội cũ. Rất nhiều người Việt già di cư năm 1975 vẫn đi làm, ở tuổi 80 hay thậm chí hơn họ vẫn chăm chỉ kiếm việc nào phù hợp với mình. Ở Oslo tại một nhà đôi vợ chồng già người Bắc di cư năm 54, thức dậy lúc 7 giờ sáng tôi ngạc nhiên thấy trong nhà không có ai. Cả hai ông bà đều đi từ lúc nào, chỉ có mảnh giấy ghi lại lời dặn thức ăn để trong tủ lạnh và chìa khóa nhà nằm trên mẩu giấy. Những đôi vợ chồng gia đã sống qua bao nhiêu biến động, chia ly, tù đày, vượt biển ấy sống rất ân cần với nhau. Nhìn cái cách mà họ nói chuyện, cư xử với nhau tôi không hình dung được ở họ đã có những quãng thời gian chia ly đầy khắc nghiệt mà giờ khó có đôi vợ chồng nào ở Việt Nam có thể chịu đựng được. Những người đàn ông đi cải tạo bao nhiêu năm dài đằng đẵng xứ Bắc. Người vợ ở miền Nam vừa tần tảo nuôi con, vừa tiếp tế cho chồng nơi xa tít tắp. Ở nơi đây họ sống yên bình, đi làm, về nấu nướng chăm sóc nhà cửa, nghe tin tức Việt Nam với vẻ buồn da diết vì những chuyện thương tâm xảy ra liên miên. Người già miền Nam dù rất tế nhị, nhưng tôi vẫn thấy sự khó chịu của họ với tôi khi họ thấy tôi là người Bắc . Chỉ một số ít đọc những gì tôi viết thì họ không thế. Còn lại đa số họ có vẻ không ưa tôi. Thậm chí gặp những lời khá gay gắt tôi cúi đầu nhẫn nhịn vâng dạ chịu trận, họ nói tôi như chính tôi là những người đã tiến vào miền Nam năm 1975 và đẩy họ phải ly hương. Tôi không có thói quen giới thiệu về mình, mà có giới thiệu tôi thường nói mình là một tay lưu manh. Bởi vậy tôi thích gặp người Việt gốc Bắc di cư năm 54 hơn, vì ở họ tôi thấy gần gũi, thấy thân thiết và dễ đồng cảm hơn. Những người là quân nhân của quân lực VNCH vẫn tha thiết với chế độ mà họ đã sống, thế nhưng họ hầu như chẳng đọc tin tức gì về Việt Nam ngày nay. Sinh hoạt của họ một năm gặp nhau vài lần, ôn chuyện cũ, gói gọn chỉ có vậy. Ở một số người miền Nam khác thì họ có đọc đôi chút, nhưng họ chỉ nhắc tới, quan tâm tới những người đấu tranh dân chủ là người miền Nam. Còn đâu họ không biết gì về những người đấu tranh miền Bắc, hoặc có thể họ không tin, không thích nhắc đến. Những người Việt gốc Bắc đi học trước năm 1990 cũng khá dễ chịu, họ là những người hiểu biết, có kiến thức, có cái nhìn tương đối chính xác về thực trạng hiện tại ở quê hương. Sống với họ thật dễ chịu hơn cả những gia đình người Việt gốc Bắc đi năm 54. Đơn giản chỉ vì họ trẻ hơn, mình có thể tuềnh toàng văng một câu chửi bậy, nói to một chút mà không phải e ngại. Người Việt gốc Bắc đi học trước 1990 có cái hay là ở vị trí của một người trí thức, nhưng họ rất hiểu đời sống Việt Nam, kể cả cách sống của giới giang hồ. Cho nên họ đối xử rất khoáng đạt không cần câu nệ lắm. Còn người Việt đi lao động, đi học sau này thì thật hiếm hoi tìm thấy người có quan tâm đến đất nước theo kiểu "lề trái''. Hầu hết tất cả trong số họ đều còn rất nhiều thứ liên quan ở Việt Nam, liên đới với đại sứ quán. Một số hiếm hoi trong họ còn sự phẫn nộ với hành động Trung Quốc chiếm biển đảo của Việt Nam, đa còn lại phần chỉ chăm chút kiếm tiền, vun vén cuộc sống gia đình. Ở những người này thì tình trạng cũng y hệt giới tương tự với họ ở Việt Nam. Một lứa trẻ hơn những thanh niên ở tuổi 20 đến 30 người Việt gốc Bắc, họ bê nguyên xi lối sống ở Việt Nam sang đây, co cụm lại ở một nơi như chợ Đồng Xuân, Sa Pa. Những cô gái vùng quê giờ nhuộm tóc, xăm hình, mỹ phẩm cong cớn bê đồ cho khách. Những chàng trai xăm trổ rồng phượng, đầu tóc đủ loại ngỗ ngược nói chuyện bằng những câu văng tục, họ kể về cuộc ăn chơi tối qua thác loạn ra sao, hết mấy nghìn đồng. Cái cách họ kể đầy tự hào như một chiến tích về cuộc thác loạn rượu, gái, thuốc lắc một cách sôi nổi tự nhiên. Một số sinh viên đi học sống hiền lành và khiêm nhường , họ chăm chỉ vào việc học và kiếm thêm tiền để chi tiêu, những người này sống khá trầm lặng bởi chương trình học của họ. Hóa ra mấy triệu người Việt ở hải ngoại, không phải tất cả là những người quan tâm đến đất nước như ta gọi tế nhị là "'lề trái". Cũng như ở Việt Nam, nhiều người trong số họ sống hưởng thụ, ăn chơi, kiếm tiền gửi về cho người thân, thỉnh thoảng tham gia vài chương trình do sứ quán kêu gọi để lấy quan hệ thân thiện. Chẳng có gì khác biệt với trong nước. Thậm chí là cả những người Việt tị nạn năm 1975, nhiều người trong số họ giờ sống an phận né tránh những điều gì khiến chính quyền Việt Nam không hài lòng, và tranh thủ có những dịp gì khiến chính quyền hài lòng thì tham gia. Y hệt trong nước, những người có tiền được khuyến khích từ đại sứ là thôi giờ đất nước đã ổn định rồi, có lòng với quê hương thì đóng góp từ thiện, quan tâm ba cái chuyện chính trị làm gì. Đại khái là đừng tham gia những chuyện mà chính quyền Việt Nam không ưa, cứ kiếm tiền rồi về Việt Nam tiêu, gửi về cho người thân, đóng góp từ thiện là cách hay nhất, an toàn nhất. Số người Việt ở Châu Âu đa phần theo xu hướng sống này, nó cũng là bản chất chung của người Việt mấy chục năm gần đây ở trong nước. Thế mới biết không đi thì không biết, trước đây cứ nghĩ người Việt hải ngoại "lề trái " nhiều lắm. Giờ mới biết con số đó không nhiều. Và những người đó chẳng giàu có gì, các đại gia có tiền thì họ chả tham gia hay quan tâm đến chính trị làm gì, họ lấy quan hệ tốt với đại sứ để còn về nước ăn chơi, tậu đât đai. Những người hải ngoại quan tâm đến "lề trái " thường là những người bình thường, cặm cụi đi làm quần quật, họ dành dụm phần tiền nào đó để giúp đỡ cho gia đình những người bị bắt trong nước, hay những người bị khó khăn vì có hành vi , lời nói mà nhà nước Việt Nam gọi là "phản động''. Một điều cảm động là họ có khi chả nằm trong tổ chức, đảng phái nào. Chỉ vài gia đình sống gần nhau, cuối tuần gặp nói chuyện quê nhà, thấy ai ở trong nước khó khăn, mỗi người họ bỏ ra vài chục đồng gom lại gửi trực tiếp về. Họ cứ làm âm thầm ròng rã như vậy từ năm này qua năm khác mặc dù họ chả giàu có gì, ở tuổi ngoài 80 họ vẫn cặm cụi đi làm vệ sinh ở nhà hàng, rửa bát quán ăn. Tóm lại thì chuyện đấu tranh, dân chủ thì bên ngoài hải ngoại, chẳng phải ai cũng quan tâm đến. Phần lớn cũng muốn an phận, giữ hòa khí với chính quyền, thậm chí nhiều người dù ở bên ngoài vẫn còn sợ chính quyền Việt Nam, thỉnh thoảng mon men ra đại sứ quà cáp, biếu xén lấy tình cảm. Dân Vệ chỉ thế thôi, đi đâu cũng vẫn thế. Nguồn: Blog Người Buôn Gió
......

12 NGO gửi thư đến Đại diện Cấp cao EU Catherine Ashton về phiên toà sắp xử Ls Lê Quốc Quân

Baroness Catherine Ashton Đại diện Cao cấp Liên minh Châu Âu phụ trách Ngoại giao và Chính sách An ninh Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu 200, rue de la Loi B-1049 Brussels, Bỉ Email: Nabila.MASSRALI@ec.europa.eu   Ngày 1 tháng 7 năm 2013 V/v: Ông Lê Quốc Quân và phiên tòa xử ông sắp diễn ra vào ngày 9 tháng 7 năm 2013 Thưa Bà, Các tổ chức ký tên ở đây trân trọng yêu cầu Bà dành sự quan tâm đặc biệt cho trường hợp bắt giữ một luật sư, blogger và là người đấu tranh cho nhân quyền nổi tiếng ở Việt Nam – ông Lê Quốc Quân. Như Bà hẳn đã biết, ông Lê Quốc Quân hiện đang bị giam giữ một cách tùy tiện vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp và lập hội ôn hòa, cũng như vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông. Ông Lê Quốc Quân là một luật sư có trình độ và là một blogger tích cực. Trên trang blog nổi tiếng của mình, ông đã phơi bày các vụ  vi phạm nhân quyền mà các cơ quan truyền thông của Nhà nước Việt Nam thường bị phớt lờ. Trước khi bị tịch thu giấy phép hành nghề luật sư năm 2007, ông Lê Quốc Quân đã các vụ án nhân quyền tại tòa. Ngay sau khi từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam năm 2007, ông đã bị bắt giam trong 100 ngày. Vào tháng 4 năm 2011, ông bị  bắt giữ một lần nữa và sau đó được trả tự do mà không bị buộc tội. Vào tháng 8 năm 2012, ông Lê Quốc Quân bị thương nghiêm trọng trong một vụ hành hung có thể có liên quan đến các nhân viên Nhà nước. Ngày 27 tháng 12 năm 2012, ông Lê Quốc Quân lại bị bắt và bị buộc tội “trốn thuế”. Những lời buộc tội này được xem là không có căn cứ và được đưa ra chỉ vì mục đích ngoài luật pháp nhằm buộc ông Lê Quốc Quân phải im lặng. Việc giam giữ ông chờ ngày xét xử đối với các lời buộc này đã vi phạm những điều khoản về quyền tự do trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã cam kết việc tuân thủ Công ước này. Điều 9 của Công ước quy định rằng việc giam giữ trước khi đưa ra tòa chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt khi những nguy cơ chắc chắn đối với an ninh công cộng và/hoặc đối với tính toàn vẹn của hệ thống pháp lý không thể được ngăn chặn một cách thích đáng bằng các phương tiện khác (ngoài việc phải bắt giữ). Chúng ta biết không có bằng chứng hay bất cứ mối nguy hiểm nào đối với công chúng hoặc đối với tính toàn vẹn của hệ thông pháp lý Việt Nam khi ông Lê Quốc Quân được tại ngoại. Hơn nữa, ông Quân đã bị biệt giam trong vòng hai tháng đầu tiên và hiện vẫn đang ngồi tù. Phiên tòa xét xử ông sẽ diễn ra tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 9 tháng 7 năm 2013. Chúng tôi hiểu rằng phiên tòa sẽ được xử công khai. Nhiều thông tin chi tiết hơn về ông Lê Quốc Quân và sự can thiệp bất hợp pháp đối với các quyền con người của ông được trình bày trong bức Thư Tố Cáo kèm theo đây, bức thư gần đây đã được các tổ chức  ký tên ở đây gởi đến những Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc. Ông Lê Quốc Quân nằm trong danh sách các tù nhân cần được quan tâm của Liên Hiệp Âu Châu. Sự hiện diện của những nhà quan sát quốc tế có thể khuyến khích chính quyền Việt Nam tôn trọng những nghĩa vụ nhân quyền quốc tế. Vì thế chúng tôi trân trọng yêu cầu Bà gởi một phái đoàn cấp cao đến tham dự phiên tòa ngày 9 tháng 7 sắp tới. Thêm vào đó, chúng tôi hối thúc Bà lên tiếng bày tỏ sự quan ngại của Bà với chính quyền Việt Nam và yêu cầu họ phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Lê Quốc Quân. Xin hãy liên lạc với chúng tôi nếu Bà có câu hỏi gì hoặc cần thêm thông tin. Trân trọng,   Tổ chức L4L (Luật sư Bảo vệ Luật sư) Adrie van de Streek Giám đốc điều hànhinfo@lawyersforlawyers.nl PO box 7713, 1007 JC Amsterdam, Hà Lan   Tổ chức Article 19 (Điều 19) Agnes Callamard Giám đốc điều hànhinfo@article19.org   ASF Network (Mạng lưới ASF) Anne LUTUN Điều phối viên mạng lưới ASFcoordination@asf-network.com   Electronic Frontier Foundation (Quỹ Giới tuyến Điện tử) Eva Galperin Nhà phân tích chính sách cao cấpeva@eff.org   English PEN (Văn bút Anh) Jo Glanville Giám đốcjo@englishpen.org   Tổ chức Front Line Defenders (Những người bảo vệ tiền tuyến) Mary Lawlor Giám đốc điều hànhmary@frontlinedefenders.org   Tổ chức Index on Censorship (Chỉ số Kiểm duyệt) Kristy Hughes Giám đốc điều hànhkirsty@indexoncensorship.org   Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) James Lin Trưởng văn phòng phụ trách Đông Nam Ájlin@fidh.org   Tổ chức Lawyers’ Rights Watch Canada (Giám sát Quyền lợi Luật sư Canada) Gail Davidson Giám đốc điều hànhlrwc@portal.ca Tổ chức Media Defence – Đông Nam Á HR Dipendra Giám đốcdipendra3000@gmail.com   Tổ chức Media Legal Defence Initiative(MLDI) Nani Jansen Trưởng ban cố vấn pháp lýnani.jansen@mediadefence.org   Tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders) Benjamin Ismail Trưởng ban phụ trách châu Á Thái Bình Dươngasia@rsf.org   (Defend the Defenders) Nguồn: Lawyers’ Rights Watch Canada  
......

Văn kiện đầu hàng

Chưa bao giờ có sự đầu hàng nhanh chóng và nhục nhã đến như vậy. Nhân danh Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang, đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc. Ngày 21 tháng 6 ông đã ký với Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư đảng CS Trung Quốc Tập Cận Bình bản Tuyên bố chung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến vận mệnh nước ta. Bản Tuyên bố chung bằng hai thứ tiếng Trung Quốc và Việt Nam này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác và phố biến đi khắp thế giới. Mọi người Việt Nam yêu nước không thể không bàng hoàng và phẫn nộ khi đọc kỹ văn kiện nói trên, không thể không nhận định đây là một văn kiện tuyên bố đầu hàng bọn bành trướng và xâm lược phương Bắc. Chắn chắn cả Bộ Chính trị 16 người đã được thông báo và đồng tình với bản Tuyên bố chung (TBC) thảm hại này.     Đọc thật kỹ bản TBC, có thể dễ dàng nhận ra nó được phía Trung Quốc khởi thảo và phía Việt Nam hoàn toàn không được đóng góp hay thay đổi gì hết. Bản TBC hoàn toàn phản ánh tham vọng bành trướng và xâm lược của đế quốc Cộng sản Đại Hán Trung Hoa đối với đất nước Việt Nam, phục vụ dã tâm biến nhà nước Việt Nam Cộng sản thành một chư hầu của Trung Quốc, biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc, với sự tiếp tay của nhóm lãnh đạo CS bất tài và tham nhũng đã thoái hóa đến cùng cực.   Kính mời đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, kể cả các đảng viên Cộng sản, hãy đọc cho kỹ bản TBC ký chưa ráo mực này. Ngoài bản TBC dài lòng thòng gồm có 8 điểm, trong đó riêng điểm 3 chứa đựng đến 13 mục quan hệ hợp tác vừa mở rộng vừa ăn sâu, 2 bên còn ký đến 10 văn kiện khác, trong đó có Chương trình hoạt động chung của chính phủ 2 nước, Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện giữa bộ Quốc phòng 2 nước, Thỏa thuận giữa 2 bộ Nông nghiệp về đường dây nóng trong nghề đánh cá trên biển, về giám sát chất lượng, kiểm dịch thực vật, Điều lệ hợp tác quản lý cửa khẩu trên đất liền, Ghi nhớ về xây dựng các trung tâm Văn hóa Việt – Trung, Quan hệ giữa các tổ chức hữu nghị, Hợp tác trong thăm dò dầu khí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ.… Trong 13 mục quan hệ mở rộng và ăn sâu, sau khi khẳng định phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt, TBC kể ra một loạt thỏa thuận : thường xuyên tiếp xúc ở cấp cao đảng, chính phủ, hoạt động của Ủy ban chỉ đạo hợp tác chiến lược toàn diện song phương, quan hệ chặt chẽ giữa 2 đảng, 2 ban Đối ngoại, 2 ban Tuyên huấn, về ngiên cứu lý luận, về xây dựng đảng, quan hệ giữa 2 bộ Ngoại giao, giữa các vụ, cục trong 2 bộ Ngoại giao, quan hệ giữa 2 quân đội, 2 bộ Quốc phòng, trao đổi về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, trong đào tạo sỹ quan, trong tuần tra chung ở vùng biên phòng đất liền, hợp tác về thực thi pháp luật, an ninh, về trật tự an toàn xã hội, về an ninh biên giới và cảnh sát biển, thực hiện kế hoạch  2 hành lang 1 vành đai vùng biên giới, hợp tác về năng lượng, giao thông vận tải, đầu tư kinh doanh, hợp tác về văn hóa, khoa học, công nghiệp và thông tin … Bản TBC còn nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với 3 tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc - Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông - và đảo Hải Nam. TBC cũng nói đến hợp tác của Ủy ban Liên hợp biên giới Việt – Trung để tàu thuyền đi lại tự do trong khu Bắc Luân, hợp tác khai thác du lịch thác Bản Giốc, và cũng không quên nói đến hợp tác đáng cá chung trong Vịnh Bắc Bộ. Đọc kỹ các văn bản, có cảm giác như Việt Nam đã hội nhập vào trong lòng Trung Quốc. Tuy 2 mà một. Hoà nhập triệt để về mọi mặt, đặc biệt là về quốc phòng, về đối ngoại, về an ninh, trị an xã hội, về đảng, nhà nước, về quân đội, về công tác đảng, bảo vệ đảng, bảo vệ quân đội. Cứ như ở thời kỳ quan hệ anh em đồng chí bền chặt nhất vậy. Đây phải chăng là một cạm bẫy do nhóm lãnh đạo mới của đảng CS Trung Quốc, với Tập Cận Bình cầm đầu, giăng ra để nhử Trương Tấn Sang chui vào tròng. Chiếc bẫy này chắc chắn đã được chuẩn bị rất công phu, và buộc Trương Tấn Sang phải cúi đầu chấp nhận cả gói, không sửa đổi du di gì được dù một ly. Không hề có một chữ nào về Hoàng Sa, Trường Sa là đất Việt Nam bị cưỡng chiếm bằng vũ lực. Không một yêu cầu nào về việc bảo vệ tính mạng tài sản của ngư dân VN trong vùng biển quốc gia của mình. Không một lời bác bỏ nào đối với cái lưỡi bò phạm pháp trên bản đồ Trung Quốc. Chủ quyền quốc gia đã bị hoàn toàn từ bỏ. Lũ giặc bành trướng được coi là bạn bè thân thiết nhất, là đồng chí tin cậy nhất, còn hơn anh em ruột thịt. Đây có thể là phản ứng có tính toán của nhóm Tập Cận Bình đối với lời lên án của Việt nam tại cuộc họp Shangri La ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua. Tuy chỉ là lời nói bóng gió, không nêu đích danh, nhưng cũng đủ để bị chạm nọc, để mất mặt giữa trường quốc tế và để nổi tự ái giận dữ. Đó là câu của thủ tướng Ba Dũng: «Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền». Đã nhún nhường, nói xa xôi, nhưng vẫn cay đắng, vì bọn trùm bành trướng luôn kiêu ngạo, tự cao tự đại, tự coi là yêng hùng trong thiên hạ. Trung Nam Hải gần đây tỏ ra rất lo ngại khi trí thức và tuổi trẻ Việt Nam cũng như một số đảng viên CS lão thành tỏ rõ ý muốn Việt Nam liên minh quân sự với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Âu…trước mối đại họa bành trướng Trung Quốc.   Cũng có thể đây là một tính toán thâm độc của Trung Nam Hải, nhưng cũng có thể là một tính toán sai lầm trong cơn hoảng hốt. Họ không tính rằng sự lộ mặt quá lộ liễu là ông chủ của 16 ông vua tập thể ở Ba Đình là dại dột và nguy hiểm cho họ ra sao. Nước cờ này sẽ đẩy đảng CS Việt Nam đang núng thế thụt sâu thêm xuống hố suy thoái, bị lên án mạnh thêm là bán nước cầu lợi riêng, chia rẽ thêm nhóm lãnh đạo vốn đã hiềm khích nhau, kích thích mạnh thêm các cuộc xuống đường quyết liệt chống bành trướng và tay sai của đồng bào ta. Nguồn: Blog / Bùi Tín /VOA  
......

Thánh Lễ và Thắp Nến Cầu Nguyện Cho LS Lê Quốc Quân tại Đào Viên, Đài Loan

Trong dịp Đại Lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam huyện Đào Viên đã tề tựu về thánh đường Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ vào lúc 19g ngày 30.6.2013, tham dự thánh lễ và thắp nến cầu nguyện cho LS Lê Quốc Quân. Đã có trên 400 anh chị em công nhân, cô dâu hiện diện tham dự thánh lễ. Cha chủ tế Phêrô Nguyễn Văn Hùng đã mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cách riêng cho LS Lê Quốc Quân và gia đình của anh trong những ngày trước phiên xử 9/7 sắp đến, trong phần mở đầu thánh lễ. Cha đã giới thiệu ngắn gọn về LS Quân và nói rõ lý do anh bị bắt và đưa ra xử vì lý do chính trị, không phải lý do như nhà nước gán ghép. Điều này được thể hiện qua những bài viết, phát biểu của anh liên quan đến những vấn đề tham nhũng, hối lộ, nghèo đói, bất công và vấn đề mất Hoàng-Sa, Trường-Sa của Việt Nam. Cha chủ tế, trong bài giảng, đã nhấn mạnh đến vài trò chứng nhân của 2 thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Cha đã nối kết sự can đảm và hăng say rao truyền Phúc Âm với tấm gương can đảm và hăng say của LS Lê Quốc Quân trong những việc lên tiếng công khai trước dư luận quốc tế về những nguy cơ tiềm ẩn do cơ chế độc tài đảng trị, dẫn đến nguy cơ mất biển, mất nước. Những buổi xuống đường đi biểu tình cùng với nhân dân, phản đối sự hèn yếu, khiếp nhược của chính quyền trước những đòi hỏi phi lý của chính quyền Trung Quốc, cũng như “hèn với giặc, ác với dân” của chính phủ Việt Nam ngày hôm nay. Linh mục Nguyễn Văn Hùng cũng đã nhắc lại biến cố thánh Phêrô được thiên thần đến giải cứu từ trong ngục tù do những lời cầu nguyện của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, kêu xin cùng Thiên Chúa. Trong tâm tình hiệp thông, noi gương đó, cha mời gọi mọi người trong thánh lễ, cùng có 1 tâm tình tương tự của cộng đoàn của thánh Phêrô hơn 2000 năm trước. Sức mạnh của lời cầu nguyện, xuyên thủng cách biệt địa lý, không gian tuôn đổ trên LS Lê Quốc Quân trong đêm nguyện cầu hôm nay. Chắc chắn LS Quân sẽ cảm nhận được lời nguyện cầu của cộng đoàn ngay trong giây phút này. Sau lời nguyện Thánh Thể, cha chủ tế đã mời gọi mọi người cùng thắp nến và đưa cao các lời khắng định như “LS Lê Quốc Quân Vô Tội, LS Lê Quốc Quân Là Người Yêu Nước và Trả Tự Do cho LS Lê Quốc Quân”. Mọi người đã sốt sắng hát bài Kinh Hoà nhiều lần. Những ngọn nến cháy sáng và lời ca thánh thiêng trầm bổng quyện lẫn nhau, trong những dòng lệ chảy dài trên má đến từ cảm xúc rung động của những con tim cảm thông của những người cùng đức tin. Điều này đã được thể hiện qua những lời cầu nguyện tha thiết được cất lên và theo sau là khẩn nguyện “xin Chúa nhậm lời chúng con.” Sau đó, mọi người đã sắp hàng đi lên cung thánh với ngọn nến cháy sáng trên tay. Những ngọn nến đơn lẽ đã được đặt chung với nhau trở thành 1 rừng nến. Biểu tượng của những ngọn lửa hy vọng, bừng sáng; xua tan bóng đêm của bất công, sợ hãi, nghèo đói trên quê hương. Với sức mạnh hiệp thông cầu nguyện, LS Lê Quốc Quân, sẽ là 1 trong trăm triệu ngọn nến, thắp sáng niềm tin, hy vọng cho 1 tương lai Việt Nam dân chủ, công bằng và phú cường, sẽ đến trong 1 ngày không xa trên quê hương Việt Nam dấu yêu. Nguồn: http://thanhnienconggiao.blogspot.com.au/
......

Người trẻ Việt được trao Giải Hành trình Can đảm

Một điều quan trọng cần nói là mình không bao giờ quên là mình may mắn được đến đây và đừng bao giờ quên phải vươn ra giúp đỡ những người tị nạn sau này và luôn nhớ về nước Việt Nam. Mong một ngày gần đây mình có thể giúp đem lại các quyền tự do cho người dân Việt Nam mà ai trên thế giới này cũng phải có. Chris Phan   Trà Mi kính chào quý vị và các bạn đến với Tạp chí Thanh Niên của đài VOA. Một người trẻ Việt Nam tị nạn tại Hoa Kỳ vừa được vinh danh Giải thưởng Hành trình Can đảm nhân Ngày Thế giới về Người tị nạn 20/6 năm nay. Lễ trao giải thưởng của tổ chức mang tên Dịch vụ Tị nạn và Nhập cư Lutheran vừa diễn ra tối hôm 19/6 và Trà Mi hân hạnh được đón tiếp người được vinh danh tại phòng thu đài VOA, Nghị viện thành phố Garden Grove, nơi có đông người Việt sinh sống nhất nhì ở hải ngoại, Thiếu tá Luật sư Hải quân Hoa Kỳ, Chris Phan. Trà Mi: Xin chào anh, rất cảm ơn anh đã đến với đài VOA hôm nay.  Thiếu tá Chris Phan: Xin chào Trà Mi và khán thính giả của đài VOA. Thiếu tá Hải quân Luật sư Chris Phan  Trà Mi: Cuộc hành trình của anh đến với giải thưởng này như thế nào, dựa trên những đóng góp nào? Vì sao anh được chọn trao giải?   Thiếu tá Chris Phan: Tại vì tôi có lo lắng cho người tị nạn, không chỉ là người tị nạn Việt Nam mà trên thế giới nữa. Trong thời gian sinh hoạt với quân đội Hoa Kỳ, tôi có đi chiến tranh bên Iraq với đội người nhái Navy Seal của Mỹ. Lúc về lại Mỹ, tôi có giúp những người từ Iraq nộp đơn xin tị nạn qua Mỹ. Tôi rất may mắn được sang Mỹ tị nạn, cho nên khi có cơ hội thành công, tôi luôn nhìn trở lại và giúp thêm nhiều người tị nạn khác.   Trà Mi: Hành trình đến với giải thưởng này trải qua nhiều thời gian, đóng góp, và công sức. Thế còn hành trình của anh đến với nước Mỹ này trong vai trò là một người tị nạn để cuối cùng được vinh danh nhân Ngày Người tị nạn Thế giới như thế nào? Anh có thể tóm tắt đôi nét?   Thiếu tá Chris Phan: Ba tôi sau chiến tranh Việt Nam năm 1975 đi khỏi nước. Lúc đó, Chris mới 1 tuổi nên mẹ không dám đi sợ tai nạn trên biển này kia. Đến năm lên 8 tuổi, ba Chris mới bảo lãnh mẹ và Chris qua. Lúc đến đây ở bang Indiana, rất bơ vơ, không có người Việt nào cả. Tôi là người Việt Nam và là người Châu Á duy nhất trong trường học. Bên đó cũng không có lớp dạy tiếng Việt. Tiếng Việt của Chris là do cha mẹ dạy ở nhà thôi.  Trà Mi: Nhìn lại quãng đời của một người tị nạn trên nước Mỹ, anh thấy những cam go nhất mà anh đã gặp phải là gì? Thiếu tá Chris Phan: Phần nhiều là lúc mới qua, rất là khó vì khác biệt ngôn ngữ và chủng tộc.  Trà Mi: Với những khó khăn bước đầu đó, cho tới hôm nay Thiếu tá Hải quân Luật sư Chris Phan, một người Mỹ gốc Việt trẻ, sẽ nói gì về người tị nạn Việt Nam nhân Ngày Người tị nạn Thế giới?   Thiếu tá Chris Phan: Chris thấy người Việt Nam rất kiên nhẫn, luôn phấn đấu giúp gia đình, cộng đồng, và quốc gia. Nhân cơ hội này, xin cảm ơn thế hệ cha chú đã cho thế hệ của Chris cơ hội thành công. 38 năm qua cộng đồng mình đã trải qua rất nhiều cực khổ, hy sinh để bắc nhịp cầu để thế hệ của Chris có thể tiếp nối.   Trà Mi: Với cương vị là một người tị nạn, anh thấy người tị nạn Việt Nam trên đất Mỹ có những ưu-khuyết thế nào, những đóng góp của họ đối với quốc gia này ra sao?   Thiếu tá Chris Phan: Rất nhiều. Người Mỹ gốc Việt đã góp phần rất nhiều cho nước Mỹ về quân đội, kinh tế, thương mại.     Trà Mi: Những khó khăn của người Việt tị nạn tại Mỹ có những gì đáng chú ý, theo ghi nhận của anh?   Thiếu tá Chris Phan: Theo tôi, một điểm khó khăn là mình không có một nước gọi là quê nhà. Ví dụ người Nhật, người Đại Hàn qua đây, họ vẫn còn quê nhà ở nước bản xứ để có thể nhìn trở lại được. Người Mỹ gốc Việt rất đặc biệt vì không có nước Việt Nam để quay trở lại.   Trà Mi: Còn về đóng góp, người Việt có những đóng góp nào đáng tự hào so với các cộng đồng khác tại Mỹ?   Thiếu tá Chris Phan: Bây giờ thế hệ trẻ của mình cũng đã bắt đầu bước vô nền chính trị Mỹ. Một ao ước của Chris là mình có thể chọn người xứng đáng có thể đại diện cho cộng đồng mình trong chính trường quốc gia. Nếu tương lai mình muốn thay đổi đường đi của nước Việt Nam, mình phải có người Việt trong Quốc hội Mỹ chẳng hạn, để có thể ngồi bàn thảo ra điều kiện, tạo đường đi hay cơ hội thay đổi tốt cho nước Việt Nam, tốt cho dân chúng ở Việt Nam.   Trà Mi: Ý anh muốn nhắc tới việc giúp cải thiện điều kiện nhân quyền tại Việt Nam?  Thiếu tá Chris Phan: Đúng.   Trà Mi: Vì sao vấn đề nhân quyền Việt Nam là một trong những mối quan tâm của anh, một người trẻ thành công ở Mỹ?   Thiếu tá Chris Phan: Trước sau gì, dù mình muốn Mỹ cách mấy, mình cũng vẫn là da vàng, gốc Việt. Mình bây giờ có nhiều cơ hội và may mắn ở bên đây trong khi dân chúng ở Việt Nam hiện giờ vẫn còn phải trải qua những cực khổ. Mình thường nghe những tin không tốt ở bên Việt Nam. Cho nên, dù là một sĩ quan Mỹ, sống ở Mỹ, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ về Việt Nam và tương lai của người dân Việt Nam.   Trà Mi: Anh có nhắc tới vai trò lãnh đạo của người Việt trong dòng chính để góp tiếng nói mạnh mẽ hơn thúc đẩy nhân quyền Việt Nam. Theo anh, trở lực nào khiến cộng đồng người Việt ở đây chưa mấy có mặt, có tiếng nói trong chính trường Mỹ hoặc có ảnh hưởng đối với Việt Nam?  Thiếu tá Chris Phan: Theo tôi, tại cơ hội cũng chưa đến vì phần đông cộng đồng của mình tại Mỹ từ lúc thành lập tới giờ phải lo đi làm để lo con cái ăn học thành tài. Bây giờ, cơ hội đó đã tới cho thế hệ sau bước lên dòng chính.   Trà Mi: Nhân ngày Người Tị nạn Thế giới, người tị nạn Việt Nam sẽ nói gì với thế giới và với Việt Nam? Nếu có ai đặt câu hỏi này với anh, anh sẽ nói gì?   Thiếu tá Chris Phan: Một điều quan trọng cần nói là mình không bao giờ quên là mình may mắn được đến đây và đừng bao giờ quên phải vươn ra giúp đỡ những người tị nạn sau này và luôn nhớ về nước Việt Nam. Mong một ngày gần đây mình có thể giúp đem lại các quyền tự do cho người dân Việt Nam mà ai trên thế giới này cũng phải có. Theo tôi, mình còn có sức khỏe thì nên luôn nghĩ về người khác. Vì vậy mà tôi mới gia nhập quân đội và cũng vì vậy mà tôi đã đi bộ nguyên năm ngoái để được đắc cử Nghị viên thành phố Garden Grove. Nếu mình có cơ hội, nên làm tốt không những cho cộng đồng, mà cho nước Mỹ và thế giới nữa.  Trà Mi: 20 năm sau vào ngày Người Tị nạn Thế giới, anh mong nhìn thấy những thay đổi gì đối với người tị nạn Việt Nam?   Thiếu tá Chris Phan: Tôi mong lúc đó mình được đoàn kết hơn, nước Việt sẽ có nhiều tự do-dân chủ cho dân chúng, mong có những thay đổi để mình có thể dạy dỗ con cái về nguồn gốc của mình từ đâu.   Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay. Bấm vào để nghe cuộc phỏng vấn Thiếu tá Luật sư Hải quân Hoa Kỳ Chris Phan Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/nguoi-tre-viet-duoc-trao-giai-hanh-trinh-can-dam/1692275.html
......

Cẩm Nang Luật 4 cho Bạn và Tôi - Dành cho Cư Dân Mạng

LCST xin được giới thiệu cùng các bạn Cẩm Nang Luật cho Bạn và Tôi tập 4, dành cho Cư Dân Mạng, do Luật của Sự Thật hợp tác cùng với Luật sư Nguyễn Thành thực hiện và xuất bản. Cẩm Nang này được xuất bản nhân dịp hàng loạt các bloggers, facebookers bị trù dập, bắt bớ và bỏ tù chỉ vì họ dám lên tiếng bày tỏ chính kiến và lý tưởng yêu nước của mình qua những dòng chữ trên mạng. Với niềm hy vọng có thể giúp các bạn ít nhiều hiểu thêm được các quyền lợi của mình, mà chính Hiến Pháp và các Bộ Luật Việt Nam qui định, chúng tôi xin được trình bày một số vấn đề mà hiện nay dân cư mạng đang rất quan tâm, qua dạng hỏi đáp. Xin mời quý bạn đón xem.   CẨM NANG 4 DÀNH CHO CƯ DÂN MẠNG Luật sư Nguyễn Thành   Trước khi đọc cẩm nang ngắn này, xin bạn lưu ý rằng nó được viết dựa trên những văn bản pháp luật đang có hiệu lực vào ngày 29-6-2013. Câu 1. Tôi có một blog / facebook cá nhân, vậy tôi có cần phải lưu ý những văn bản pháp luật nào có liên quan không? Trước hết, bạn cần lưu ý rằng một vấn đề pháp luật có thể được điều chỉnh bởi một hệ thống các văn bản pháp luật từ Hiến pháp, cho tới luật, nghị định, thông tư,... Tuy nhiên, khi có một số văn bản đặc thù quy định về vấn đề đó, không có nghĩa là các văn bản khác không có liên quan. Ví dụ, chúng ta có một nghị định quy định trực tiếp đến blog, nhưng bản thân việc bạn viết blog còn liên quan đến quyền tự do ngôn luận của bạn được thừa nhận tại Hiến pháp. Chúng tôi khuyến nghị bạn quan tâm đến một số văn bản sau đây: 1. Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2001. 2. Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 và Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật hình sự số 37/2009/QH12. Đặc biệt lưu ý các điều sau: - Điều 87. Tội phá hoại chính sách đoàn kết - Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Điều 121: Tội làm nhục người khác - Điều 122: Tội vu khống - Điều 226: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. - Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân 3. Luật Công nghệ thông tin 4. Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý Internet và thông tin điện tử 5. Nghị định 28/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. 7. Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt lưu ý các điều sau: 6. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc. 7. Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc.   Câu 2. Blog / facebook có phải là một tài sản không? Có. Theo quy định tại Điều 163, Bộ luật Dân sự năm 2005, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Ở đây, tài sản của bạn là quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của blog và quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung bạn tải lên, kể cả mã nguồn blog (nếu mã nguồn đó là của bạn) và cách bạn sắp xếp các dữ liệu đó. Nói một cách khác, bạn là chủ sở hữu của tài khoản đăng nhập (username và password) và cơ sở dữ liệu của blog (database), cùng với quyền được truy cập và thao tác trên cơ sở dữ liệu đó. Vì vậy, việc bạn sử dụng blog / facebook của bạn như thế nào, hoàn toàn là quyền của bạn, không ai được xâm phạm, trừ khi bạn cho phép họ làm thế. Câu 3. Tôi có một blog cá nhân nhưng chạy trên tên miền riêng (www.abc.com). Liệu tôi có phải đăng ký với cơ quan nhà nước nào không? Trường hợp bạn sử dụng tên miền quốc gia .vn thì bạn không cần quan tâm đến nội dung sau đây. Lý do là có thể là bạn đã phải khai báo đầy đủ thông tin cá nhân khi đăng ký tên trên miền đó rồi. Nhưng nếu bạn sử dụng hay dùng các miền khác như .com, .net, .org, .asia,... thì bạn cần lưu ý đến một số quy định về thông báo tên miền. Tại khoản 2, khoản 3 điều 23 Luật Công nghệ thông tin quy định như sau: “2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" khi thiết lập trang thông tin điện tử không cần thông báo với Bộ Bưu chính, Viễn thông. Tổ chức, cá nhân khi thiết lập trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" phải thông báo trên môi trường mạng với Bộ Bưu chính, Viễn thông những thông tin sau đây: a) Tên tổ chức ghi trong quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép mở văn phòng đại diện; tên cá nhân; b) Số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh thư nhân dân hoặc số, ngày cấp, nơi cấp hộ chiếu của cá nhân; c) Địa chỉ trụ sở chính của tổ chức hoặc nơi thường trú của cá nhân; d) Số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử; đ) Các tên miền đã đăng ký. 3. Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này, khi thay đổi thông tin thì phải thông báo về sự thay đổi đó.” Việc thông báo phải được tiến hành trên website thongbaotenmien.vn của Trung tâm Internet Việt Nam.   Câu 4. Nếu tôi dùng tên miền quốc tế (.com, .net,...) cho blog của mình mà không thông báo với cơ quan nhà nước thì sao? Bạn có thể sẽ bị xử phạt, với số tiền từ 2 - 5 triệu đồng. Điều 11, Nghị định 28/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet quy định như sau: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi sử dụng tên miền cấp cao khác tên miền “.vn” mà không thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông; khai báo thông tin không chính xác hoặc không cập nhật khi có thay đổi thông tin liên hệ đối với cá nhân đăng ký, sử dụng tên miền “.vn.”   Câu 5. Tôi có được quyền ghi âm, đăng hình trên blog của tôi không? Pháp luật không cấm bạn ghi âm, ghi hình để đăng trên blog / facebook. Tuy vậy, bạn cần lưu ý rằng ngoại trừ ở các địa điểm công cộng, việc ghi âm, ghi hình của bạn cần tuân thủ các quy định về Bảo vệ bí mật nhà nước (xem câu 7), quyền cá nhân đối với hình ảnh (Điều 31 - Bộ luật Dân sự) và quyền bí mật đời tư (Điều 38 - Bộ luật Dân sự). Ngoài ra, cá nhân và tổ chức có quyền thiết lập các quy định riêng để bảo vệ các thông tin của mình (bao gồm cả âm thanh, hình ảnh, dữ liệu khác,...), việc bạn xâm phạm khu vực thuộc sở hữu của họ để ghi âm, ghi hình có thể khiến bạn phải bồi thường một khoản tiền lớn cùng với án tù nhiều năm, tùy từng vụ việc cụ thể. Rất tiếc, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền bí mật đời tư nên cách giải quyết phụ thuộc vào quan điểm của tòa án đối với từng vụ việc.   Câu 6. Tôi ghi âm, ghi hình được một cảnh vi phạm pháp luật của nhân viên nhà nước khi họ đang thi hành công vụ, nếu đăng lên blog thì tôi có gặp vấn đề rắc rối pháp lý nào không? Có thể có. Bạn cần lưu ý các quy định pháp luật đã nêu tại phần trả lời câu hỏi số 5. Trường hợp bạn ghi âm, ghi hình ở khu vực cấm có chứa bí mật nhà nước, bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi “quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm” theo Điều 25, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Số tiền bị xử phạt có thể từ 500.000 đ đến 2.000.000đ. Tuy nhiên, nếu bạn ghi âm, ghi hình các hành vi vi phạm pháp luật của công an, cán bộ, công chức nhà nước không nằm trong các khu vực cấm, ví dụ như ở các địa điểm công cộng, ngoài đường hay cơ quan nhà nước thông thường,... thì bạn hoàn toàn không phải chịu một rủi ro pháp lý nào cả. Trên thực tế, số lượng các khu vực cấm rất ít, do đó, phạm vi để bạn thực hiện quyền ghi âm, ghi hình rất rộng. Câu 7. Tôi là sinh viên, nếu tôi viết bài phê phán nhà trường hoặc chính quyền, tôi có thể bị đuổi học không? Không. Bạn chỉ bị đuổi học hoặc kỷ luật theo các văn bản về Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng sau đây: 1. Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 2. Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 3. Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy, ban hành kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 4. “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học” ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, bạn chỉ bị đuổi học khi kết quả học tập của bạn không đạt yêu cầu hoặc bạn vi phạm điều cấm về thi hộ - tức nhờ người khác thi hộ. Không có điều gì liên quan đến việc bạn viết blog phê phán nhà trường hoặc chính quyền. Bên cạnh đó, hành vi viết blog của bạn là hành vi độc lập của cá nhân, dựa trên quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ, nhà trường hoàn toàn không được pháp luật trao quyền để hạn chế quyền tự do ngôn luận của bạn. Nhà trường chỉ có thể can thiệp bằng cách khởi kiện bạn ra tòa án dân sự khi họ cho rằng bài viết phê phán nhà trường của bạn đã gây thiệt hại về uy tín hoặc vật chất cho nhà trường, theo quy định của Bộ luật Dân sự. Câu 8. Tôi là sinh viên, nhà trường có quyền yêu cầu tôi gỡ bài viết trên blog / facebook của mình không? Không. Lý do tương tự như phần trả lời cho câu hỏi trên.   Câu 9. Tôi có được ghi hình ở khu vực có cắm biển “Cấm quay phim, chụp ảnh” không? Đối với vấn đề này, bạn cần quan tâm đến các văn bản sau đây: 1. Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Bảo vệ bí mật nhà nước. 2. Nghị định số 33/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước. 3. Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định địa điểm cấm, khu vực cấm. 4. Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP. 5. Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về các địa điểm cấm cụ thể trên địa bàn. Theo đó, các cơ quan nhà nước chỉ có quyền đặt biển cấm tại các cơ sở, địa điểm chứa bí mật nhà nước, bao gồm các cơ sở quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, kho dự trữ chiến lược quốc gia và một số địa điểm khác (bao gồm cả một số địa điểm tạm thời trong tình huống nghiêm trọng). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền ra quyết định về các khu vực cấm cụ thể, nhưng không được trái với quy định của các văn bản có hiệu lực cao hơn. Do vậy, có mấy vấn đề cần lưu ý: ●●● Điều 18. Xét xử công khai (Bộ luật Tố tụng hình sự 2003) Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai. Điều 15. Xét xử công khai (Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004) 1. Việc xét xử vụ án dân sự của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. 2. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai. Điều 17. Xét xử công khai (Luật Tố tụng hành chính 2010) Việc xét xử vụ án hành chính được tiến hành công khai. Trường hợp cần giữ bí mật nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.   Câu 12. Tôi có quyền giữ bí mật danh tính, tài khoản đăng nhập và nguồn tin của mình khi viết bài trên blog / facebook không? Có. Danh tính (hay thông tin nhân thân của bạn) là quyền nhân thân của bạn được quy định trong Bộ luật Dân sự. Bạn có toàn quyền quyết định việc sử dụng nó ra sao khi viết blog. Nguồn tin của bạn và tài khoản đăng nhập là thông tin riêng của bạn, quyền của bạn đối với thông tin này là một quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, không ai có quyền buộc bạn phải cung cấp tài sản của bạn cho người khác. Bạn không có nghĩa vụ phải khai báo với bất kỳ ai (kể cả cơ quan công an) về việc bạn có phải là chủ sở hữu blog hay là tác giả của bất kỳ bài viết nào hay có liên quan đến bất kỳ nguồn tin nào. Trong mọi trường hợp, những người đưa ra cáo buộc có nghĩa vụ phải chứng minh sự liên quan của bạn đối với blog, chứ bạn không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội hoặc không có liên quan. Câu 13. Nếu tôi bị bắt, công an có quyền bắt tôi khai báo mật khẩu của các tài khoản online của tôi không?  Bất kỳ ai, kể cả công an, cũng chỉ có quyền đề nghị bạn khai báo mật khẩu các tài khoản của bạn chứ không có quyền bắt ép bạn phải khai báo. Việc bạn đồng ý hay không là quyền của bạn. Mời bạn xem thêm câu 10. Câu 14. Tôi có phải chịu trách nhiệm về những bình luận (comment) của người khác trên blog / facebook của tôi không? Pháp luật Việt Nam chưa từng có quy định cụ thể nào về trường hợp này. Tuy vậy, nội dung bình luận của người khác thuộc về quyền tự do ngôn luận của người bình luận theo quy định tại điều 69 của Hiến pháp 1992 và họ phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền này của mình. Chủ sở hữu blog / facebook không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của người khác, ngay cả khi phát ngôn đó được đăng trên blog của mình. Để có một so sánh gần gũi, chúng ta có thể coi blog là nhà mình, và người bình luận là khách. Bạn mở cửa cho khách ra vào tự do ở nhà mình không có nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của họ trong nhà của bạn. Câu 15. Nếu tôi viết bài phê bình nhà nước, tôi có thể bị cáo buộc những hành vi nào? Hành vi phê phán chính quyền nằm trong quyền tự do ngôn luận của bạn được quy định tại điều 69 Hiến pháp 1992: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Quyền tự do ngôn luận của bạn cũng được thừa nhận tại Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và các điều ước quốc tế khác về nhân quyền mà Việt Nam tham gia. Điều 19 - Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ. 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội. Do vậy, xét về mặt Hiến pháp quốc gia và pháp luật quốc tế, bạn có quyền được tự do phát biểu về mọi vấn đề, với mọi thái độ, miễn là phát biểu của bạn không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Đây là quy định mang tính phổ quát trên toàn thế giới và được chính Việt Nam, với tư cách là một thành viên Liên hợp quốc - tham gia và ký kết. Theo đó, phê phán chính quyền không nằm trong phạm vi hạn chế quyền tự do ngôn luận. Nếu bạn xâm phạm đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác, tất cả rủi ro bạn phải chấp nhận là nguy cơ bị cá nhân, tổ chức đó khởi kiện ra tòa án dân sự để yêu cầu bạn xin lỗi và bồi thường cho họ. Tuy vậy, ở Việt Nam, bạn có thể chịu nhiều rủi ro hơn. Bạn có thể bị khép vào các tội được nêu trong câu hỏi số 1 của cẩm nang này, đặc biệt là hai điều sau của Bộ luật Hình sự: ●●● Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Có ba khoản mà bạn có thể phải bồi thường theo quy định tại điều 611 Bộ luật Dân sự. Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm 1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. 2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Câu 17. Nếu tôi phê bình một người khác trên blog nhưng đổi tên của người đó rồi, tôi có gặp rủi ro pháp lý nào nữa không? Có thể có. Nếu những thông tin bạn nêu ra trong bài viết đủ để khiến người đọc cho rằng bạn đang ám chỉ đến một cá nhân, tổ chức nào đó (không cần thiết phải trùng khớp với cá nhân, tổ chức mà bạn đang nhắm đến) và gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức đó, bên bị hại có thể khởi kiện bạn ra tòa yêu cầu bạn xin lỗi và bồi thường, tương tự như trường hợp bạn không đổi tên của họ trong bài viết. Đây là thực tế đã xảy ra với trang tin kenh14.vn, liên quan đến một bài viết họ ám chỉ ca sĩ, diễn viên Lê Ngân Khánh. Câu 18. Vượt tường lửa để vào các trang mạng bị chặn có vi phạm pháp luật không? Chỉ khi nào nhà nước ban hành và công bố một văn bản quy định người dân không được phép truy cập vào một trạng mạng nào đó, thì việc bạn cố truy cập mới trở thành vi phạm pháp luật. Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam không có một văn bản như vậy, do vậy việc bạn truy cập vào bất kỳ trang mạng nào (dù là vượt tường lửa hay không), đều không phải là vi phạm pháp luật. Câu 19. Các công ty nước ngoài như Google, Facebook, Wordpress có bắt buộc phải cung cấp dữ liệu cá nhân của tôi cho nhà nước không? Pháp luật Việt Nam không chi phối được tới các công ty có quốc tịch nước ngoài, trừ khi họ cung cấp dịch vụ cho bạn thông qua chi nhánh ở Việt Nam. Trường hợp một công ty nước ngoài có chi nhánh ở Việt Nam nhưng chi nhánh này không liên quan đến dịch vụ bạn sử dụng, hoặc có liên quan đến dịch vụ bạn sử dụng nhưng không quản lý dữ liệu cá nhân của bạn, thì pháp luật Việt Nam cũng không thể điều chỉnh tới. Do vậy, họ không bị bắt buộc phải cung cấp dữ liệu cá nhân của bạn cho nhà nước. Nguồn: http://luatcuasuthat.blogspot.com.au/2013/06/cam-nang-luat-4-cho-ban-va-toi-danh-cho.html  
......

Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội hưởng ứng phong trào “Công lý cho Ls Lê Quốc Quân”

  Với Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội, Ls Lê Quốc Quân vừa là thành viên, vừa là người anh tận tâm trong cộng đoàn từ khá lâu. Vì thế việc Ls Quân bị bắt bớ, giam cầm, thả ra rình rập và lại bắt bớ là việc họ không thấy ngạc nhiên. Những thông tin về vụ bắt bớ Ls Lê Quốc Quân và những hành xử của cơ quan an ninh, cơ quan công an thời gian qua đối với Ls Quân đã không làm cho các thành viên cộng đoàn hiểu rõ ràng rằng “Trốn thuế” chỉ là cái cớ để đưa anh vào vòng lao lý. Trong quá trình Ls Lê Quốc Quân bị bắt giữ đến nay, cộng đoàn đã chia sẻ, thăm hỏi và luôn bên cạnh gia đình nạn nhân. Nhận được thông tin về phiên tòa đối với Ls Lê Quốc Quân sẽ được đưa ra ngày 9/7/2013, các thành viên Cộng đoàn dành một sự quan tâm đặc biệt. Tối nay, 28/6/2013, Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội đã dâng Thánh lễ cầu nguyện và thắp nến hưởng ứng phong trào “Công lý cho Ls Lê Quốc Quân”. Dù đang là kỳ nghỉ hè của các sinh viên, nhưng nhóm Cựu sinh viên đã tập trung đông đủ tại nhà nguyện Giêrađô Giáo xứ Thái Hà, cùng dâng Thánh lễ với hai linh mục Gioan Lưu Ngọc Quỳnh là cha linh hướng và linh mục Phaolo Nguyễn Xuân Đường. Tham dự Thánh lễ, ngoài Cộng đoàn Cựu sinh viên thuộc Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội, anh chị em còn chào đón sự tham dự của gia đình, mẹ già, vợ con Ls Lê Quốc Quân và nhiều anh em, bạn bè ngoài công giáo đến tham dự. Thánh lễ nghiêm trang, sốt mến và cháy ngời tình yêu thương, hiệp nhất. Thánh lễ hôm nay, cũng là ngày kính hai Thánh Phêrô và Phaolo Tông đồ. Bài giảng trong Thánh lễ, linh mục Phaolo Nguyễn Xuân Đường đã chỉ rõ: Như lời hỏi của Đức Giêsu với Thánh Phêrô “Con có yêu mến Thầy chăng?” giờ đây, Ls Lê Quốc Quân đang đối diện với câu hỏi khó khăn đó. Bởi yêu mến Đức Giêsu, nghĩa là yêu mến Sự thật và Công lý, yêu mến sự hi sinh”. Gia đình Ls Lê Quốc Quân đến tham dự Thánh lễ và tri ân mọi người là tín hữu, anh em, bạn bè và những người quan tâm đối với anh và gia đình thời gian qua và xin được cùng hiệp thông trong thời gian tới. Nhìn mẹ già và đàn con nhỏ của Ls Lê Quốc Quân, ngây thơ và trong sáng, thậm chí không biết rằng tai họa của bạo quyền đang gieo xuống đầu gia đình cách nặng nề ra sao, nhiều người đã không thể cầm nổi nước mắt. Sau thánh lễ, tất cả đã thắp nến cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hòa bình trong vụ việc của Ls Lê Quốc Quân, đồng thời cầu nguyện cho nhà cầm quyền biết hành xử minh bạch, sáng suốt, lấy mục đích phục vụ đất nước, nhân dân làm trọng để trả Ls Lê Quốc Quân trở lại với gia đình và cộng đoàn, xã hội. Tất cả đang hướng về phiên tòa nhà cầm quyền đưa Ls Lê Quốc Quân ra xét xử tại TAND Thành Phố Hà Nội, 43, Hai Bà Trưng, Hà Nội.   Một số hình ảnh Thánh lễ tối nay: Hà Nội, 28/6/2013J.B Nguyễn Hữu Vinh Nguồn: Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh
......

Lật tẩy chiêu độc Trung Quốc dùng văn hóa xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần cố tình xuyên tạc sự thật về lãnh thổ nước ta thông qua các ấn phẩm văn hóa. Trắng trợn thay đổi lãnh thổ của Việt Nam trên các loại bản đồ Trung Quốc ngày càng bộc lộ tham vọng độc chiếm biển Đông một cách trắng trợn khi liên tiếp cho phát hành bản đồ dưới nhiều hình thức, trong đó thâu tóm trái phép gần như toàn bộ biển Đông. Mẫu tem "nhận xằng" lãnh thổ Hoàng  Sa của Việt Nam vào Trung Quốc   Tháng 4/2013, Trung Quốc phát hành mẫu bản đồ mới nhất, vô lý “quy hoạch” 80% diện tích biển Đông, trong đó có những vùng lãnh hải của Việt Nam, thành của mình.   Trước động thái này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thanh Nghị đã khẳng định: “Việc Trung Quốc lưu hành bản đồ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; không phù hợp với tinh thần DOC, gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông. Bản đồ và quy hoạch trên là hoàn toàn vô giá trị”. Ngang ngược in sách kỷ niệm 1 năm thành phố phi pháp "Tam Sa"   Bất chấp mọi dư luận phản đối, Trung Quốc tiếp tục lấn tới khi Nhà xuất bản Nhân dân (Trung Quốc) phát hành cuốn sách khoe khoang về “lịch sử, nguồn tài nguyên và vai trò quốc phòng" của cái gọi là thành phố Tam Sa – đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tân Hoa Xã còn lớn tiếng giải thích rằng động thái này đánh dấu 1 năm ngày Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa”, xây dựng nhiều công trình trường học, bệnh viện, phớt lờ sự thật về lịch sử và địa lý, tự cho mình quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vô lý in hình Hoàng Sa của Việt Nam trên tem Trung Quốc   Đầu tháng 6/2013, nhân kỉ niệm ngày du lịch quốc gia, Trung Quốc đã phát hành bộ tem phổ thông “Mỹ lệ Trung Quốc” (Trung Quốc xinh đẹp), bao gồm 6 mẫu, nhằm giới thiệu một số danh thắng của nước này. Điều đáng nói ở đây là bên cạnh những mẫu tem in hình thắng cảnh của mình, nước này đã ngang nhiên đưa vào đó cả hình ảnh biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Mẫu tem này có giá 1,2 nhân dân tệ và được đặt tên là “Tam Sa thất liên dữ” (tạm dịch: Nhóm 7 đảo nhỏ liền nhau ở Tam Sa). Song, trên thực tế, các đảo nhỏ này thuộc nhóm đảo An Vĩnh, nằm ở phía Đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.   Thậm chí, kèm với bộ tem, Trung Quốc còn cho phát hành một phong bì ngày đầu tiên (FDC) và một bưu ảnh có in hình của nhóm đảo thuộc chủ quyền Việt Nam này. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc vô lý “nhận vơ” chủ quyền của Việt Nam vào bộ tem của mình. Hình ảnh quần đảo Hoàng Sa đã từng được sử dụng trái phép trên một mẫu thuộc bộ tem “Phong cảnh biên giới Trung Quốc” được phát hành năm 2004. Thâm độc ‘tuồn’ đèn lồng in chữ Tam Sa vào Việt Nam   Cũng nhằm âm mưu xuyên tạc, bóp méo dư luận về vấn đề chủ quyền, Trung Quốc đã “tuồn” những chiếc đèn lồng in chữ Tam Sa và Nam Sa (bằng tiếng Hoa) vào thị trường đèn lồng Tết của Việt Nam. Những người dân tại Chí Linh (Hải Dương) cho biết họ đã mua những chiếc đèn lồng này với giá từ 75 – 150.000 đồng mà không hề hay biết các chữ Trung Quốc in trên đó có nghĩa gì. May mắn là các cơ quan chức năng của Việt Nam đã kịp thời lật tẩy âm mưu tinh vi, thâm độc này và thông tin tới người tiêu dùng, ngay lập tức gỡ bỏ “công cụ” tuyên truyền phi pháp của Trung Quốc ẩn dưới danh nghĩa kinh doanh này. Tại Hải Phòng, người dân đã có sáng kiến dán cờ đỏ sao vàng lên đèn để trang trí. Lợi dụng cẩm nang du lịch để xuyên tạc sự thật   Cẩm nang du lịch của Trung Quốc cố tình xuyên tạc sự thật  khi in bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa   Tháng 5/2013, 98 cuốn cẩm nang du lịch có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị thu giữ tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Lí do là trên bản đồ Việt Nam được in kèm với cuốn cẩm nang này hoàn toàn không xuất hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.   Hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc Xu Feiling, người đã mang theo những ấn phẩm này vào Việt Nam, khai rằng, ông đã được công ty du lịch của mình tại Quảng Đông (Trung Quốc) cấp để hướng dẫn cho khách tham quan tại Đà Nẵng.   Ông Xu đã được cho phép tiếp tục đưa khách đi tham qua, song số ấn phẩm này đã bị thu giữ, phục vụ công tác điều tra. Trước đó, Cảng biển quốc tế Đà Nẵng cũng phát hiện và thu giữ các ấn phẩm của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.   *  *  * Theo blog Thùy Linh: Đây chính là những bằng chứng về "quyền lực mềm" mà Trung Quốc muốn bành trướng cả trên lãnh thổ Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Đằng sau "4 tốt và 16 chữ vàng" cùng những cái bắt tay thắm thiết tình đồng chí là cả một âm ưu thâm độc, lâu dài và không hề giấu diếm...Ai còn nghi ngờ, nhân dân không nghi ngờ về điều này.
......

Việt Tân không chấp nhận thể chế độc tài

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân trả lời phỏng vấn của BBC về hoạt động của đảng Việt Tân BBC Đang có sự liên kết ngày càng tăng giữa các nhóm đấu tranh chống Đảng Cộng sản ở trong và ngoài nước, theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Quân, nhà hoạt động dân chủ ở hải ngoại, thành viên trung ương Đảng Việt Tân. Trả lời phỏng vấn BBC tại London hôm 25/6/2013, ông Quân cũng trả lời các câu hỏi quanh nghi ngờ về việc rò rỉ thông tin cũng như 'nội gián' trong lòng tổ chức chính trị đặt văn phòng ở Mỹ. Mở đầu cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Quân, người từng bị bắt giữ hai lần khi hoạt động ở Việt Nam trong các năm 2007 và 2012, bình luận và đánh giá tình hình chính trị ở Việt Nam sau khi gần đây diễn ra các vụ bắt giữ, câu lưu với một số blogger, nhà bất đồng chính kiến trong nước.   TS Nguyễn Quốc Quân: Tôi nhận thấy những việc bắt bớ vừa qua có hai đặc điểm. Đặc điểm thứ nhất là khá đồng loạt sau những vụ xử án rất là nặng và thứ hai nữa là khá dồn dập. "Theo tôi nghĩ có sự thay đổi, nó biểu hiện phần nào, nói hơi quá, sự hoảng loạn của chính quyền Việt Nam hiện thời. Thứ hai, nói lên sự không sợ của những người trí thức cũng như người dân bình thường trong nước." TS. Nguyễn Quốc Quân Theo tôi nghĩ có sự thay đổi, nó biểu hiện phần nào, nói hơi quá, sự hoảng loạn của chính quyền Việt Nam hiện thời. Thứ hai, nói lên sự không sợ của những người trí thức cũng như người dân bình thường trong nước. BBC: Đảng Việt Tân hiện bảo vệ các dữ liệu và tránh xâm nhập các dữ liệu ra sao, nhất là đảm bảo an toàn mạng trước khả năng thâm nhập hệ dữ liệu về đảng viên, hay thông tin về các hoạt động quan trọng, theo ý kiến riêng của ông? Vấn đề bảo đảm dữ liệu quan trọng đó là một trong những vấn đề rất được quan tâm ở trong đảng Việt Tân. Đặc biệt là các giữ liệu về nhân thân của các Đảng viên. Quả thực vừa rồi khi tôi đi về, tôi có đem theo laptop, nếu quý vị có nhìn thấy họ bảo rằng họ tìm thấy trong laptop của tôi tài liệu đấu tranh bất bạo động, hoặc là vân vân. Có vẻ như là sự giữ gìn dữ liệu trong máy vi tính nó có vẻ hơi yếu. Nhưng mà thực sự ra đó là một cách thử tôi xem thử coi cái khả năng kỹ thuật của Công an Việt Nam về vấn đề đào những tài liệu, dữ liệu trong máy vi tính ở mức độ nào. Chúng tôi có năm tầng. Riêng trong máy của tôi có năm tầng, nhưng họ chỉ được tầng thứ nhất và tầng thứ nhì mà thôi. Điều thứ hai là trong đảng Việt Tân có phương pháp gọi là phân cấp thông tin. Nghĩa là ở một ông cấp độ nhất định, thì chỉ có thể biết được một loại thông tin nhất định. Thứ hai nữa là phân nhỏ thông tin. Nghĩa là một người ở vị trí cao nhất cũng không thể nào biết được toàn bộ thông tin. Đó là một trong những cách để bảo vệ. Do đó, nếu tôi có bị bắt giữ đi chăng nữa, và gặp phải trường hợp tra khảo dữ dội như thế nào, tôi nghĩ họ cũng chỉ biết được một phần rất nhỏ của thông tin, đặc biệt của những người trong nước. 'Rò rỉ thông tin?' BBC: Có ‎ý kiến nói Việt Tân có rò rỉ thông tin, do đó nhiều Đảng viên của Đảng ông khi về Việt Nam liền bị bắt, ông bình luận thế nào về ‎ý kiến này? Nếu so sánh số lượng người Việt Tân bị bắt qua quá trình công tác rất dài, thì chúng ta thấy rằng chỉ có một vài trường hợp thôi. Chẳng hạn như trong trường hợp của tôi, tôi về Việt Nam rất nhiều lần, trong khi họ chỉ bắt được tôi vào năm 2007 và 2012. Rồi có những trường hợp như phát mũ nón ở trên cầu Thê Húc, rồi giữa Thủ đô Thăng Long, chúng tôi đã ứng dụng một số phương tiên thông tin nhanh nhậy, một số phương pháp, vừa là để cho cùng chia sẻ những gian nan của đảng viên trong nước, cũng như đồng bào trong nước, mà vừa là để xem thử sự nhạy bén, sự hợp tác của quần chúng xung quanh với công an, Việt Cộng như thế nào. Nó thể hiện rằng công an Việt Nam, cũng như nhà nước Việt Nam không còn được sự hỗ trợ của người dân nữa. Do đó, nhiều công việc ở trong nước, họ sẽ bị bất lực dưới tai mắt của nhân dân đã không còn đứng về phía của chính quyền. BBC: Trong dư luận, kể cả ở hải ngoại, có ‎ý kiến đặt vấn đề nói rằng Việt Tân là một tổ chức do ai đó lập nên để mang lại lợi thế, giúp biện minh cho duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, thậm chí có người nói trong Việt Tân có hiện tượng bị “an ninh”, “công an mật” cài vào? Thứ nhất, hãy xem thử hành động của một tổ chức hay một con người nào đó để biết, coi coi họ đứng về phía nào. Tất cả những việc làm của đảng Việt Tân vẫn là chống chế độ độc tài. Do đó mà nếu đảng Cộng sản còn giữ nguyên đó, thì thể chế độc tài sẽ là sự đối đầu đương nhiên của nhiều tổ chức khác nhau, trong đó có Việt Tân. "Sự liên kết đó không nhất thiết phải nhất thống trong một tổ chức mà liên kết hướng về mục tiêu. Và chúng ta cùng bước với nhau, để thực hiện điều đó." TS. Nguyễn Quốc Quân Thứ hai nữa về chuyện cài đặt, tại sao lại không đặt một câu hỏi ngược trở lại, chính trong Quốc hội, chính trong một số cơ quan của nhà nước Việt Cộng vẫn có những người rất đồng ý với quan niệm đấu tranh của đảng Việt Tân, hoặc là chính đó là đảng viên Việt Tân. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng không chủ quan đến nỗi trong Việt Tân không có những người cài đặt vào, nhưng họ cài đặt ở mức độ nào, và họ biết được bao nhiêu thông tin? Tôi tin rằng chắc chắn họ chỉ ở mức độ đảng viên bình thường, và họ không thể có bất cứ một loại thông tin nào cần thiết cho cuộc đấu tranh. BBC: Việt Tân bị chính phủ Việt Nam xếp loại là tổ chức khủng bố, ông tự bảo vệ ra sao trước quan điểm này? Thực sự ra, đảng Việt Tân cũng không cần phải tự bảo vệ. Vì chính quốc tế đã trở lời câu hỏi đó. Và thực sự chính nhà nước Việt Nam hiện giờ cũng cảm thấy sự ghép, sự úp chụp về việc 'khủng bố' của đảng Việt Tân nói riêng và một số đảng khác nói chung, thì điều đó nó cũng đã vô lý. Do đó mà họ đã nhiều lần úp chụp cho ngay chính trường hợp của tôi về 'tội khủng bố', nhưng mà chỉ cần một, hai tháng sau đó, phải đổi thành ra một tội danh khác vì nó rất là trơ trẽn và vô lý, không ai có thể tin được. 'Cơ chế công bằng' BBC: Thưa ông, giả sử trong tương lai, Việt Nam cải tổ thể chế, sửa đổi hiến pháp, lập một Quốc hội lập hiến mới, Việt Tân có sẵn sàng tham gia Quốc hội này hay không? Có sẵn sàng chia sẻ quyền lực với và bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam hay không? Đảng Việt Tân sẵn sàng làm việc với mọi tổ chức khác nhau miễn là không phải ở trong, cho chế độ độc tài. Vậy thì mở ra một cơ chế nào đó, với cơ hội nào đó, để đất nước thay đổi, quan trọng là thay đổi đó có được sự bảo đảm thực sự với sự công bằng để có thể đạt được tự do dân chủ hay không. Do đó nếu đây là một cơ chế do nhà nước cộng sản Việt Nam mở ra khung cửa và mời mọi người vào, chắc chắn nếu chỉ đơn giản như vậy thôi, chắc chắn đảng Việt Tân không bao giờ tham dự. Vì chúng ta không thể nào hợp tác hay thảo luận trong một vị thế mà mình không có quyền lực, không có áp lực nào nhất định. BBC:Theo ông việc một đảng chính trị đặt trụ ở nước ngoài được cho là thường xuyên gửi Đảng viên của mình tới một quốc gia khác hoạt động có vi phạm luật pháp ở đâu không? Ở Mỹ, theo ông có đảng phái chính trị nào từ nước ngoài vào Mỹ hoạt động chống chính quyền Mỹ và được phép hoạt động không? Thứ nhất, Đảng Việt Tân hay nhiều đảng đấu tranh chính trị khác, gọi là có những thành phần lãnh đạo ở nước ngoài, không có nghĩa là họ đang hoạt động ở nước ngoài. Tại vì mọi đảng chính trị, nguồn gốc và phát sinh cũng là từ ở trong nước mà ra. Đảng Việt Tân là một Đảng ở trong nước với những người, nhân sự cùng hợp tác. Vì chúng ta đứng ở trong nước có những lợi thế riêng, mà đứng ở ngoài nước cũng có những lợi thế khác, cái lợi thế đối với quốc tế, lợi thế về vấn đề truyền thông, thông tin. Tất cả các loại công tác, nếu mà muốn được an toàn, vẫn là kiểu liên lạc chéo. Từ trong nước liên lạc với một người bên ngoài, bên ngoài liên lạc với một người khác để bảo vệ an ninh mà thôi và thành phần lãnh đạo ở trong nước của Đảng Việt Tân vẫn phải cố gắng giữ được một vị thế nhất định để có độ an toàn nhất định. Do đó bảo là Đảng Việt Tân là một đảng ở hải ngoại, điều đó hơi quá đáng. Thực sự ra, Đảng Việt Tân hoạt động ở trong nước rất nhiều và mọi nỗ lực của Đảng Việt Tân đều là dồn cho cái sự phát triển lớn mạnh của những người Đảng viên trong nước, cũng giống như những người đồng bào có cùng quan niệm với Đảng Việt Tân ở trong nước. BBC: Việt Tân, hoặc các tổ chức đảng phái, giới bất đồng chính kiến, hoạt động ở trong và ngoài nước có tương lai nào và ra sao trong một Việt Nam ở tương lai gần, trung bình hay xa hơn? Thực sự ra, mong mỏi của tất cả mọi người yêu dân chủ nói chung và những người Việt Nam đã bị đè nén về tự do, về nhân quyền và dân chủ, đều muốn cho đất nước sớm có một đời sống được tôn trọng nhân phẩm, mà không chấp nhận chế độ độc tài. Chế độ độc tài sợ nhất là gì? Chế độ độc tài sợ nhất là sự thật. Vì họ luôn luôn muốn che lấp những điều sai, hay điều trái, để họ làm những việc đó. Họ sợ thứ nhì là họ sợ công lý, sợ người dân cùng nhau đòi lại lẽ phải cho mình. Và thứ ba, họ rất sợ sự liên kết. Tôi đã nhìn thấy những người dân trong nước đã liên kết, và dần dần đã có nhiều tôn giáo khác nhau liên kết với nhau và các tổ chức chính trị liên kết với nhau. Tôi tin rằng ở trong nước, cũng như những người Việt ở nước ngoài, luôn luôn mong có một sự liên kết, nhất là trong giai đoạn này; hơn bao giờ hết, sự liên kết đó rất quan trọng. Sự liên kết đó không nhất thiết phải nhất thống trong một tổ chức mà liên kết hướng về mục tiêu. Và chúng ta cùng bước với nhau, để thực hiện điều đó. Tôi rất lạc quan trong tinh thần liên kết đó, nó thể hiện qua sự tiếp cận của nhiều nhà dân chủ, đối với đảng Việt Tân nói riêng và đối với nhiều đảng khác ở nước ngoài cũng như ở trong nước, nói chung. Tôi rất lạc quan sự liên kết trong thời gian tới mỗi ngày một vững mạnh hơn. Nguồn: BBC    
......

Sau 38 năm, lần đầu tiên Phật giáo Hòa hảo Thuần túy tổ chức được lễ Khai Đạo

Sài Gòn – Cụ Hội trưởng Lê Quang Liêm, cùng Quý vị Ban trị sự PGHH Thuần túy đã quyết tâm – quyết tử để thực hiện cho bằng được lễ Khai Đạo, 18.05 Âm lịch (25.06.2013). Kết quả, sau 38 năm, lần đầu tiên PGHH Thuần túy đã tổ chức được đại lễ lần thứ 74 giữa hàng ngũ lãnh đạo cao cấp trước sự chứng kiến của 4 tôn giáo khác. Vượt qua khó khăn Từ sáng sớm, các chú an ninh đã đến nhà cụ Lê Quang Liêm sách nhiễu và gây khó khăn cho các cụ cũng như các Tín đồ. Họ yêu cầu cụ Liêm và các Tín đồ tháo gỡ các banô mừng lễ xuống, nhưng mọi người quyết tâm không làm theo đòi hỏi phi lý đó. Cụ Liêm nói: “Cái bảng tôi treo trước của nhà có gì sai? Tôi treo ở nhà tôi có phiền gì đến ai? Nếu muốn tháo thì treo lên tháo đi, nhưng tôi không bảo đảm tính mạng cho đâu!” Sau đó cụ Liêm lịch sự mời họ đi về, vì không còn chuyện gì nữa để nói. Đầu hẻm, cách nhà cụ Lê Quang Liêm khoảng 30m có hơn 30 chú an ninh mặc thường phục đứng chụp hình và quay phim những người đến tham dự. Hôm nay, bổng dưng, hàng xóm bên cạnh nhà cụ Liêm cưa sắt, mài sắt, lấy búa đập vào các thanh sắt liên tục … tạo ra những tiếng ồn khó chịu. Trước đó 1 ngày, ngày 24.06.2013, Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm và các Tín đồ PGHH ở Chùa Quang Minh tại huyện Chợ Mới, An Giang đã bị hơn 100 công an, mật vụ, dân phòng bao vây, tấn công và đánh đập. Nhiều trẻ em và phụ nữ bị đánh cho bị thương và cho đến ngất xủi. Nhà cầm quyền còn đem nước nước xịt vào những người bị thương đang nằm la liệt trên đường đi. Riêng tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm bị khoảng 20 tên thay phiên nhau đánh vào bụng, ngực và đầu làm Tu sỹ phải gục xuống thì họ mới thôi. Cụ Lê Quang Liêm nói: “Cộng sản đã giết hơn 20 ngàn tín hữu PGHH rồi. Bây giờ nếu có giết them 200 đồng đạo nữa cũng được. Ai đồng ý?” Mọi người trong Ban trị sự Trung ương và các Tỉnh giơ tay và vỗ tay đồng tình.   Chức sắc các tôn giáo chia sẻ Có hơn 40 Tín đồ PGHH, là thành viên Ban trị sự Trung ương và các Tỉnh từ các tỉnh Miền Tây về tham dự. Đặc biệt có sự hiện diện của các vị Chức sắc Liên Tôn Giáo như Hòa Thượng Thích Không Tánh (Phật giáo), Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng (Tin Lành), Chánh Trị Sự Nguyễn Kim Lân, Chánh Trị Sự Nguyễn Bạch Phụng (Cao Đài giáo), Lm Giuse Đinh Hữu Thoại, và Lm Antôn Lê Ngọc Thanh (Công giáo), đến chia sẻ niềm vui. Những tín hữu PGHH đã từng bị tù tội vì bảo vệ đạo pháp. Nay họ lại sẵn sàng hiến thân cho đạo pháp.   Trong niềm vui cụ Lê Quang Liêm, 94 tuổi chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng và vinh hạnh khi có sự hiện diện của các quý Chức sắc Tôn giáo. Các vị đến là một niềm khích lệ cho chúng tôi, cũng như là một sự hòa đồng Tôn giáo trong bối cảnh xã hội VN hiện nay mà chúng ta cần tiến tới, thì tôi mong rằng trong tình Liên tôn chúng ta sẽ được bền vững. Sau 38 năm, lần đầu tiên chúng tôi được tổ chức buổi lễ vinh hạnh có sự tham dự của quý Chức sắc. 38 năm, năm nào chúng tôi cũng tổ chức và địa điểm tổ chức bị công an phong tỏa nên nhiều tín đồ PGHH không đến tham dự được. Vì thế, năm nay, chúng tôi tổ chức tại Sài Gòn để nhà cầm quyền muốn làm gì thì làm. Trước hoàn cảnh khó khăn như vậy, trong tình tôn giáo, mình phải dấn thân bảo vệ đời sống tâm linh của mình dù ở một trong chế độ nào đi nữa. Chúng tôi, xin đại diện cho 7 triệu Tín đồ PGHH xin chân thành cảm ơn đến quý vị đã đến chung vui với chúng tôi.” Hòa Thượng Thích Không Tánh rời khỏi Chùa Liên Trì, Quận 2 từ ngày 24.06.2013 để có thể đến nhà cụ Liêm cùng hòa chung niềm vui với mọi người. Hòa Thượng Thích Không Tánh nói: “Trước tình cảnh PGHH bị đàn áp, đánh đập một cách bất công thì chúng ta cảm nhận ra sự tàn ác, sự vi phạm về vấn đề tự do tín ngưỡng Tôn giáo trong chế độ VN hiện nay. Riêng Hội Phật Giáo VN Thống Nhất kể từ ngày cộng sản chiếm đóng, các vị chức sắc cũng bị cs bắt bớ, đàn áp và bị tù đày, còn các cơ sở Tôn giáo bị trưng dụng và bị tịch thu hết. Những vị chức sắc nào nghe theo cs, lệ thuộc làm tai sai cho cs thì mới được cai quản các cơ sở Chùa chiền của Phật Giáo. Xin thành tâm cầu nguyện cho PGHH sớm được tự do tín ngưỡng tôn giáo để phụng sự cho đất nước Dân tộc Nam Bắc, đồng thời cầu nguyện cho Quốc thái dân an và thế giới được hòa bình, nhân dân được an lạc sống trong cảnh thái bình hạnh phúc và được tự do dân chủ thực sự, chứ không phải cái tự do dân chủ giả như hiện nay.” Trong bối cảnh VN hiện nay, nhà cầm quyền cs luôn bắt đạo, sách nhiễu và hành hung các vị chức sắc cũng như tín đồ ở khắp mọi nơi trên đất nước VN bằng nhiều hình thức khác nhau như đi nói xấu các Tôn giáo, vu khống cho các vị chức sắc tôn giáo, giam cầm cầm các vị chức sắc cũng như các tín đồ nhiều năm mà không có lý do… Lm Antôn Lê Ngọc Thanh, C.Ss.R nhận định: “Khi bắt đầu làm truyền thông để đưa tin về các tôn giáo, tôi mới nhận ra PGHH ở VN là một cộng đồng rất lớn, 7 triệu hoặc hơn 7 triệu tín đồ nhưng lại bị phân biệt đối xử nhất, bị loại trừ một cách rõ ràng nhất so với tất cả các Tôn giáo, gần như rất dễ bị đi tù, lý do đi tù không thể thuyết phục người khác nhưng nhà cầm quyền thích bắt là bắt. Trong bối cảnh này, dường như, nhà cầm quyền rất sợ PGHH bởi vì PGHH gần như lấy được lòng toàn bộ người Miềm Nam. Như vậy, nếu nhà cầm quyền duy trì một chế độ như hiện nay thì pháp nạn đối với PGHH sẽ chưa chấm dứt, nó sẽ còn gia tăng. Vì thế, tôi nghĩ, các tôn giáo phải liên kết lại với nhau bởi vì Tôn giáo có mặt là muốn xây dựng con người và muốn hướng con người đến sự hạnh phúc tuyệt đối, chứ không bám vào quyền chức hay một thế lực ở thế gian. Nhưng nhà cầm quyền lại sợ vì nhà cầm quyền đã hiểu sai về tôn giáo, họ đã coi tôn giáo như là một thế lực chống đối, dẫn đến họ trả thù tôn giáo. Nhiều cộng đồng tôn giáo không được công nhận và bị đàn áp trực tiếp bằng bạo lực, không những thế nhà cầm quyền còn đi nói xấu các tôn giáo này đến các tôn giáo khác, đi nói xấu các tôn giáo với người dân và các tín đồ. Không nói xấu được nữa, nhà cầm quyền bắt đầu vu cáo cho các chức sắc tôn giáo những điều xấu… thì bây giờ người dân đã biết hết cả rồi vì mọi sự đã có internet công khai. Nên chúng ta không còn lo sợ điều này nữa.” Mục tiêu của chế độ cs là tiêu diệt niềm tin tôn giáo trong lòng người dân qua nhiều phương tiện và hình thức định hướng khác nhau trên các trang mạng xã hội. Lm Antôn Lê Ngọc Thanh đặt ra hai vấn đề cùng suy nghĩ: “Thứ nhất, xây dựng tinh thần đạo đức cho giới trẻ của các tôn giáo. Đây là một điều cấp bách, bởi vì, nếu không xây dựng tinh thần đạo đức cho giới trẻ thì nay mai khi bầu khí được tự do hơn chúng ta lại vất vả chính con em của mình. Thứ hai, chúng ta phải xin ơn trên để đối phó những sự ác ở đời này trong niềm xác tín rằng chúng ta đang làm đúng thì những người gây khó dễ và bách hại cho chúng ta là những người làm sai. Những người làm đúng không sợ những người làm sai. Xin quý vị tiếp tục cộng tác với Cộng đồng Liên tôn, để chúng ta trở thành một điểm tựa nhất định cho cộng đồng các tôn giáo, nhất là khi cộng đồng các tôn giáo cần chúng ta lên tiếng.” Các chức sắc tôn giáo cùng niệm hương và cầu nguyện theo cách riêng của tôn giáo mình cho quốc thái dân an Giáo hội Tin Lành có nhiều Mục sư và Tín đồ bị bách hại và giam cầm trong nhà tù cs VN. Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Dưới chế độ cs vô thần thì nhà cầm quyền coi tất cả tôn giáo là kẻ thù của họ, bởi vì tôn giáo là nơi được người dân tin tưởng nhưng đối với nhà cầm quyền, họ muốn người dân tin tưởng vào họ và không muốn người dân tin vào bất cứ một tôn giáo nào cho nên nhà cầm quyền luôn luôn chống phá các tôn giáo. Riêng những nhóm Tin Lành nhỏ bị chống phá liên tục, nhất là những Hội Thánh trên vùng Tây Nguyên, trên các vùng cao vùng sâu vùng xa. Bên phía tôn giáo Tin lành chúng tôi có hàng chục những tù nhân lương tâm đã mãn hạn tù trở về và hiện tại bây giờ vẫn còn có hàng chục những mục sư và tín đồ đang bị giam cầm. Những tôn giáo thuần túy thực hiện theo tâm linh của mỗi tôn giáo đều bị bách hại rất nhiều, các vị đi trước trong mỗi tôn giáo cho chúng ta thấy rằng, trên con đường hành đạo thì thế nào chúng ta cũng bị bách hại vì khi chúng ta chiến đấu với ma quỷ và satan, chúng tìm mọi cách để phá đời sống tâm linh của chúng ta, nên chúng ta phải chấp nhận cái đó. Nhưng tôi tin rằng, các Đấng Tối Cao sẽ thêm sức và phù hộ cho chúng ta để chúng ta có đủ sức vượt qua. Hội đồng Liên Tôn là một dấu hiệu ơn trên ban cho để chúng ta liên kết với nhau, để chúng ta đòi lại quyền tự do tôn giáo cho chúng ta được tự do thờ phượng và đòi lại quyền tự do, quyền dân chủ cho chúng ta và để đất nước VN chúng ta được thịnh phượng.” Chánh Trị Sự Nguyễn Kim Lân khẳng định Cộng đồng Liên tôn giáo cùng nhau liên kết và hành động cho nền Dân chủ ở VN là điều rất cần trong chế độ cs vô thần. Chánh Trị Sự Nguyễn Kim Lân nói: “Trên con đường hành đạo, tất cả 5 anh em Tôn giáo chúng ta lấy làm vinh hạnh có cơ hội ngồi lại với nhau và cùng nhau mở ra nền dân chủ thực sự cho VN chúng ta. Trước đây, sau 75, các tôn giáo liên lạc với nhau rất khó khăn, các vị chức sắc không được ngồi lại với nhau. Ngày hôm nay, các vị chức sắc đã ngồi lại với nhau thì tôi rất là mừng cho dân tộc VN. Chúng ta phải nhờ vào các Đấng Thiêng Liêng để các Ngài giúp chúng ta đòi lại chủ quyền cho chúng ta. Chính chúng ta phải làm và kết quả trong tương lai chắc chắn sẽ gặt được tùy thuộc vào sự kiên trì của chúng ta, vì thế các vị chức sắc các tôn giáo đoàn kết hơn nữa trong Cộng đồng Liên tôn để có sự hòa bình thịnh vượng tốt đẹp cho dân tộc VN. Tôi cầu nguyện cho các vị chức sắc tôn giáo PGHH và các vị chức sắc Liên tôn giáo được nhiều sức khỏe.” Chánh Trị Sự Hứa Phi bị sách nhiễu không đến tham dự được nên ngài đã gọi điện thoại chia sẻ niềm vui trong tình Liên Tôn. Nguồn: VRNs        
......

Pages