Đường Ống Dẫn Đầu Khí Đốt Nord Stream 2

Linda Nguyễn Trong khi sự căng thẳng càng ngày càng gia tăng giữa Nga và Ukraine, áp lực đang gia tăng đối với Đức vì Hoa Kỳ và khối NATO yêu cầu Đức kết thúc dự án đường ống dẫn dầu khí có tên là Nord Stream 2. Đây có lẽ là một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế trong trường hợp Nga quyết định xua quân xâm lăng nước láng giềng Ukraine. Và sau một thời gian dài theo dõi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và ngoại trưởng Annalena Baerbock tuyên bố rằng Nga sẽ trả một giá rất đắt nếu Nga xâm lược Ukraine. Về phía Hoa Kỳ, ngoại trưởng Anthony Blinken tuyên bố:”điều đáng nói là chưa có khí đốt nào chảy qua Nord Stream 2 có nghĩa là đường ống này là một phương tiện gây áp lực cho Đức, Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi, không phải Nga”. Vậy Nord Stream 2 là gì? Nord Stream 2 là dự án thiết lập một đường ống dẫn dầu khí nằm dưới đáy biển Baltic. Đường ống này chạy song song với đường ống Nord Stream 1 đã bắt đầu hoạt động từ năm 2011. Đường ống Nord Stream 2 kéo dài khoảng 1230 km và kết nối Ust-Luga ở Nga với Greifswald ở đông bắc nước Đức. Dự án đã hoàn thành, nhưng chưa hoạt động. Việc xây dựng Nord Stream 2 bắt đầu vào tháng 5 năm 2018 dưới đáy biển Baltic và hoàn thành ngày 10 tháng 9 năm 2021, chậm hơn một năm rưỡi so với kế hoạch. Điều quan trọng ở đây là chủ sở hữu của đường ống là tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom, đảm nhận một nữa chi phí của dự án trị giá 9,5 tỷ euro. Các chi phí còn lại được tài trợ bởi một công ty Âu châu gồm OMV (Áo) Wintershall DEa (Đức), Engie (Pháp), Uniper (Đức) và Shell (anh). Các đường ống này sẽ cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, nhưng dự án cần sự chứng nhận của các cơ quan chức năng của Đức trước khi đi vào hoạt động. Có thể nói tập đoàn năng lượng Nga thừa biết là nầu Putin xua quân xâm chiếm Ukraine thì số tiền đầu tư gần 10 tỷ euro của họ có thể sẽ trở thành mây khói vì Đức sẽ tẩy chay dự án này. Đó là chưa kể trong tập đoàn đó Putin có bao nhiêu phần trăm đầu tư vào. Ai hỗ trợ đường ống? Rõ ràng, cả Nga và Đức đều ủng hộ dự án, nhưng ở Berlin, đặc biệt là trong bối cảnh chính phủ mới thành lập bao gồm ba đảng khác nhau, đã nhiều lần có quan điểm khác nhau về việc liệu và khi nào nên ra mắt Nord Stream 2. Chẳng hạn, The Greens từ chối dự án vì lý do chính sách địa chiến lược và khí hậu. FDP tự do nhận thấy cần phải hành động. Về nguyên tắc, Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga, được coi là nhiên liệu chuyển tiếp trong quá trình chuyển đổi xanh. Đường ống sẽ là một cách tương đối rẻ để thu được nguyên liệu thô và đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước. Moscow sẽ được hưởng lợi từ điều này, vì họ có thể bán khí đốt của mình, mang lại rất nhiều lợi nhuận tài chính. Khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt sẽ được chuyển từ Nga đến Đức qua Biển Baltic mỗi năm. Theo công ty điều hành, điều này có thể cung cấp cho 26 triệu hộ gia đình. Dự án có thể làm giảm tình trạng của các đường ống đã tồn tại trên tuyến đường bộ, và các khoản thu quan trọng do phí vận chuyển tạo ra có thể bị thất thoát. Ngoài ra, có những lo ngại rằng Nga có thể giành được quyền lực bằng cách khiến châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của mình. Trong bối cảnh xung đột Ukraine, Kiew cảnh báo không nên đưa dự án vào hoạt động. Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine gọi đây là "vũ khí địa chính trị nguy hiểm của Điện Kremlin.". Một tuần trước, công ty năng lượng nhà nước của Ukraine Naftogaz nói rằng đó là vấn đề "an ninh quốc gia" đối với Ukraine. Theo quan điểm của quân đội Nga ở biên giới Ukraine, "Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ khó bắt đầu một cuộc chiến hơn nếu khí đốt chảy qua Ukraine, vì nguồn cung cấp khí đốt sau đó sẽ bị ảnh hưởng", Giám đốc Naftogaz Yuri Vitrenko cho biết. "Tôi chắc chắn: Nếu Nord Stream 2 đi vào hoạt động, thì sẽ không có thêm khí đốt nào của Nga được đưa qua Ukraine để đến châu Âu." Vì thế dựa theo hiện trình thì Nga đang phải đối đầu với những vấn nạn khó giải quyết nếu Putin quyết định xua quân xâm chiếm Ukraine. Một trong những vấn nạn là Nga phải đương đầu với cuộc chiến dài lâu ở Ukraine mà dĩ nhiên phía sau có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ và toàn khối NATO. Hiện tại chính phủ Biden đang chuyển đến Ukraine hàng loạt vũ khí đủ loại để kìm chân Nga. Nếu Nga có động tỉnh thì chắc chắn chính phủ Biden sẽ gởi quân tức thì đến các quốc gia bao quanh Ukraine vì thế dựa theo các nhà quan sát quốc tế thì Putin có thể sẽ không dám động thủ vì hại nhiều hơn lợi./. Linda Nguyễn  
......

Nga, Ukraine, Pháp và Đức hội đàm về vấn đề Ukraine

Người Đà Lạt Xưa   Một cuộc đàm phán "định dạng Normandy" đã được lên kế hoạch giữa các cố vấn chính trị từ Nga, Ukraine, Đức và Pháp về chủ đề miền đông Ukraine, một nguồn tin trong chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Bảy. Trưởng đoàn đàm phán Ukraine, cố vấn Mykhailo Podolyak, xác nhận với Reuters rằng một cuộc hội đàm ở Paris được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba (25/1). Dmitri Kozak, nhà đàm phán hàng đầu của Nga, sẽ đại diện cho Nga trong cuộc đàm phán sắp tới. Theo dự kiến, chính phủ Đức sẽ cử Jens Plötner, cố vấn chính sách đối ngoại cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz, và chính phủ Pháp sẽ cử Emmanuel Bonne, cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. "Định dạng Normandy" có sự tham gia của bốn quốc gia Nga, Ukraine, Đức và Pháp, sau khi các đại diện của họ đã gặp nhau không chính thức nhân dịp lễ kỷ niệm D-Day năm 2014 ở Normandy, Pháp, trong nỗ lực giải quyết cuộc chiến ở Donbass, Ukraine. Nó còn được gọi là "nhóm liên lạc Normandy". Nga và Ukraine đã trở thành thù nghịch vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, và các lực lượng vũ trang do Moscow hậu thuẫn chiếm giữ lãnh thổ ở khu vực Donbass mà chính quyền Ukraine đang muốn lấy lại. Bán đảo Crimea là một vị trí chiến lược trong vùng Biển Đen, và khu vực Donbass với "Bể chứa than đen Donets" lên đến 90% trữ lượng của Ukraine. Sáp nhập Crimea và tạo bất ổn trong khu vực Donbass là sách lược của Nga nhằm đẩy mạnh áp lực quân sự và kinh tế, buộc Ukraine phải lệ thuộc Nga trở lại như dưới thời Liên bang Xô-Viết. Đức, một nước tiêu thụ lớn nhất khí đốt của Nga, và đang đối mặt với những quyết định khó khăn về đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, lại là một thành viên xé lẻ với các đồng minh NATO để bác bỏ lời cầu xin vũ khí của Ukraine. Trong khi Đức sẽ có được lợi ích kinh tế, thì đường ống Nord Stream 2 sẽ là một đòn "đau đớn" đối với nền kinh tế của Ukraine, vì Nga sẽ chuyển hướng khí đốt không còn đi qua các đường ống trên lãnh thổ Ukraine và không còn trả phí vận chuyển có thể lên đến 3 tỷ USD mỗi năm. Pháp, dưới quyền Tổng thống Macron, có chủ trương "xây dựng như những người châu Âu làm việc với những người châu Âu khác và với NATO, sau đó đề xuất đàm phán với Nga". Ông Macron cũng là người được xem là ủng hộ đường ống Nord Stream 2. Điều này cho thấy Đức và Pháp có thể lèo lái Liên minh châu Âu theo hướng xây dựng hiệp ước an ninh của riêng mình với Nga, trong bối cảnh Hoa Kỳ và Anh đang kêu gọi một NATO thống nhất nhằm ngăn chặn khả năng Nga xâm lược Ukraine. Vì là cuộc họp của bốn nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp trong nhóm "định dạng Normandy", các cố vấn của Hoa Kỳ và Anh sẽ không được mời. Hoa Kỳ trước đó đã bày tỏ mong muốn tham gia vào các cuộc đàm phán, trong cùng lúc với sự hỗ trợ phòng thủ Ukraine. Khoảng 90 tấn "viện trợ vũ khí sát thương" của Mỹ vừa được gửi đến Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng về việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới. Đây là chuyến hàng đầu tiên trong gói hỗ trợ an ninh 200 triệu USD được Hoa Kỳ phê duyệt vào tháng 12 năm ngoái. Vương quốc Anh là một thành viên không có ý định để Ukraine thất thủ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các đồng minh NATO cùng phối hợp thực hiện một phản ứng phối hợp. Trong tuần này, chính phủ Anh đã cung cấp 2.000 tên lửa và một đội huấn luyện quân sự cho Ukraine. Những chuyến bay vận tải chiến lược hạng nặng C-17 của Anh đã được ghi nhận liên tục đến và rời Ukraine từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 1 vừa qua. Điều đáng quan tâm, là các chuyến C-17 lại bay vòng để tránh không phận của Đức. Và đáng tiếc, Đức sẽ trở thành tiền đồn rủi ro hàng đầu ở châu Âu nếu Putin có được cơ hội để xây dựng một đế chế Xô-Viết mới. Người Đà Lạt Xưa  
......

Ukraina "trung lập" : Giải pháp tháo gỡ nguy cơ xung đột Nga - phương Tây ?

Bản đồ Ukraina trong lòng châu Âu. © Pixabay Trọng Thành - RFI Ukraina đang trở thành điểm nóng nhất hành tinh. Mỹ tuyên bố buộc Nga trả giá đắt nếu xâm phạm lãnh thổ Ukraina. Đối thoại Mỹ, Nga tìm giải pháp tuần qua không đạt kết quả. Hôm nay, 21/01/2022, ngoại trưởng hai nước đối thoại trực tiếp tại Genève. Hy vọng cho một giải pháp ngoại giao là rất mong manh, bởi lập trường của hai bên quá khác biệt, Nga muốn phương Tây cam kết không để Ukraina gia nhập NATO và coi đây là lằn ranh đỏ, điều mà Hoa Kỳ và các đồng minh bác bỏ. Theo nhiều chuyên gia, khủng hoảng Ukraina rất có thể sẽ tái bùng phát thành xung đột vũ trang. Liệu có giải pháp chính trị nào giúp tháo gỡ khủng hoảng ? RFI xin giới thiệu đề xuất về một giải pháp Ukraina trung lập về mặt liên minh quân sự, cho phép tháo ngòi nổ xung đột. Theo quan điểm này, việc Ukraina không gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đồng nghĩa với việc Ukraina đầu hàng Nga, từ bỏ nỗ lực dân chủ hoá. Ngược lại, việc một nước Ukraina không tham gia NATO, nhưng dân chủ hoá, và gắn bó mật thiết với Liên Âu, có thể là điều gây khó khăn nhiều hơn cho bất cứ chính quyền độc tài nào tại Matxcơva.      *** 1/ Đối kháng chủ yếu hiện nay trong khủng hoảng Ukraina là gì ? Nhà chính trị học Canada Jocelyn Coulon, thuộc một trung tâm nghiên cứu chính trị quốc tế (Centre d’études et de recherches internationales, đại học Montréal, CERIUM) giới thiệu về một bài xã luận đáng chú ý hồi tuần trước trên báo Globe and Mail, nhật báo Anh ngữ hàng đầu của Canada, cho biết điểm chung trước hết giữa Nga và phương Tây là hai bên đều đồng ý với nguyên tắc “một Ukraina độc lập” (“Ukraina cần có một cử chỉ nhân nhượng” trên trang mạng Lapresse.ca, ngày 20/01/2022). Vấn đề mâu thuẫn chính là, tại Kiev, người ta cho rằng “phương tiện duy nhất để có được độc lập là gia nhập NATO và Liên Hiệp Châu Âu". Nếu gia nhập NATO, Ukraina sẽ được bảo vệ về an ninh, theo điều 5 của Hiến chương NATO, và những lợi ích về kinh tế khi trở thành thành viên Liên Âu. Kể từ xung đột năm 2014, với việc Nga sát nhập bán đảo Crimée, và hậu thuẫn phe ly khai vùng Donbass, quan hệ Ukraina và NATO siết chặt. Năm 2017, Quốc Hội Ukraina ra luật khẳng định việc gia nhập NATO trở lại mục tiêu chiến lược của chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Mục tiêu này đã được đưa vào Hiến pháp Ukraina năm 2019. Năm 2020, tổng thống Ukraina, phê chuẩn dự án phát triển Đối tác đặc biệt NATO – Ukraina nhằm để thúc đẩy việc Kiev gia nhập tổ chức này. Về phía nước Nga, chính quyền Matcơva nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác. Theo nhà chính trị học Jocelyn Coulon, trong vòng 30 năm vừa qua, đã có gần 20 quốc gia thuộc khối Đông Âu và Liên Xô cũ đã quyết định đi với phương Tây. Việc “không ai muốn sống dưới sự thống trị của đế chế Nga là điều bình thường”. Thế nhưng, việc khối NATO kết nạp nhiều thành viên mới ở sát biên giới phía tây nước Nga, và hứa hẹn tiếp tục mở rộng trở nên một đe dọa, theo quan điểm của Matxcơva. Nhà chính trị học Canada cũng nhấn mạnh đến phương diện lịch sử, khi nước Nga đã thường xuyên là nạn nhân của “quá nhiều cuộc xâm lăng” đến từ phía tây. Hồi ức lịch sử này chắc chắn vẫn còn nhiều ảnh hưởng với hiện tại. Theo chính quyền Putin, việc Ukraina gia nhập NATO là một lằn ranh đỏ. Đây là điều được đưa ra để biện minh cho các hành động gây hấn của Nga với Ukraina. 2/ Giải pháp trung lập với Ukraina cụ thể như thế nào? Nhật báo Globe and Mail đề xuất việc thương lượng để Ukraina đi theo quy chế trung lập, giống như mô hình của nước Áo năm 1955, nhằm giải tỏa áp lực gia tăng trong quan hệ giữa phương Tây và Nga.   Sau Thế chiến hai, nước Áo từng bị bốn quốc gia chiến thắng kiểm soát (bao gồm Hoa Kỳ, Anh Pháp và Liên Xô). Phải mất hơn 10 năm, các đại cường mới tìm ra được một thoả hiệp có lợi cho tất cả các bên. Đó là đổi lấy việc Liên Xô rút quân, Matxcơva nhận được bảo đảm là Áo sẽ trở thành một quốc gia trung lập, trong lúc tiếp tục bảo tồn các định chế dân chủ và hệ thống kinh tế mang tính phương Tây. Kể từ đó, Áo vẫn là một quốc gia trung lập, và không có ý định trở thành thành viên của NATO. Điều tốt cho Áo cũng có thể tốt cho Ukraina. Quy chế của một quốc gia trung lập không hề loại trừ mối quan hệ mật thiết của Áo với các nước phương Tây, và thậm chí quan hệ của Áo với các nước châu Âu và Hoa Kỳ còn trở nên mật thiết hơn. Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Ireland cũng là các quốc gia châu Âu theo quy chế trung lập. Các quốc gia này có các định chế dân chủ cũng vững vàng, nếu không nói là hơn so với nhiều quốc gia thành viên NATO. Trong thời gian gần đây, Thụy Điển và Phần Lan khẳng định mạnh mẽ ý định gia nhập NATO, nhưng theo chính quyền hai nước, chủ trương này được đưa ra trong bối cảnh an ninh quốc gia bị đe dọa.   3/ Cần bước đi đầu tiên nào để hướng tới quy chế trung lập cho Ukraina ? Nhà chính trị học Canada, trong bài viết “Ukraina cần có một cử chỉ nhân nhượng” trên trang mạng Lapresse.ca, nhấn mạnh là chính quyền Kiev phải rút đề nghị gia nhập NATO. Điều này không hề dễ dàng, bởi từ gần 20 năm nay, tất cả các chính quyền Ukraina đều coi việc gia nhập Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương là một trụ cột trong chính sách đối ngoại. Chính quyền các thời tại Ukraina đã thành công trong việc khiến gần một nửa dân cư Ukraina, thoạt tiên còn lưỡng lự, ủng hộ quan điểm này. Trên thực tế, theo nhà chính trị học, có một sự tương phản ghê gớm giữa một bên là hy vọng trong công chúng Ukraina về việc gia nhập NATO, được chính giới Ukraina cổ vũ, và bên kia là thực tế của một con đường đầy chông gai, khi mà “NATO đặc biệt chú ý đến việc tạo ra rất nhiều trở ngại trên con đường gia nhập khối”, theo nhà chính trị học Jocelyn Coulon. Chuyên gia người Canada này nhấn mạnh là đã đến lúc Ukraina “thay vì sống trong ảo ảnh, hãy trở lại với thực tại”. Người Ukraina cần hiểu rằng nếu quân đội Nga can thiệp, không có quốc gia NATO nào trực tiếp giải cứu Ukraina. Ukraina sẽ phải hứng chịu toàn bộ những tàn phá kinh hoàng của một xung đột quân sự. Đây là lúc cần đến sự thoả hiệp, và để làm được điều này cần có một thái độ thực tế. Tuy nhiên, vẫn theo ông Jocelyn Coulon, trong thời điểm hiện tại, điều này rất khó xảy ra, bởi những người lãnh đạo chính quyền Kiev không có một thái độ như vậy. Nhà chính trị học Canada dẫn lại một phát biểu hồi đầu tuần, trên báo Pháp Le Figaro, ngoại trưởng Ukraina đã chế nhạo quan niệm “đầy ảo tưởng” của giới tinh hoa Pháp (ngụ ý nhắc đến tổng thống Emmanuel Macron) về nước Nga, nhưng cùng lúc đó lãnh đạo ngoại giao Ukraina lại khẩn nài Paris hỗ trợ. Theo Jocelyn Coulon, thái độ nói trên của Kiev không hứa hẹn điều gì tốt. 4/ Ukraina trung lập có đồng nghĩa với việc phương Tây đầu hàng trước các tham vọng đế quốc của Nga ? Nhà báo, nhà phân tích chính trị, tiến sĩ Anatol Lieven, giáo sư thỉnh giảng trường King’s College Luân Đôn, trong một phân tích mới đây trên The Nation, “Ukraine: The Most Dangerous Problem in the World. But there’s already a solution / Ukraina: Vấn đề nguy hiểm nhất hành tinh, nhưng đã có một giải pháp" (The Nation, ngày 15/11/2021), nhận định, quy chế trung lập của Ukraina, không tham gia Liên minh quân sự có thể gây bất lợi cho Nga nhiều hơn là cho phương Tây. Với việc Ukraina hưởng quy chế trung lập, Nga sẽ không thể thúc đẩy Kiev tham gia vào các khối do Nga lập ra.   Chuyên gia Anatol Lieven cũng nhấn mạnh đến các bài học của ba quốc gia Phần Lan, Thụy Điển và Áo trong Chiến tranh Lạnh. Các quốc gia này đã không mất gì do quy chế trung lập. Tất cả đều đã phát triển thành các xã hội phương Tây dân chủ, thịnh vượng, tôn trọng Nhà nước pháp quyền, và sau này đã có thể gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. 5/ Con đường nào khả thi cho việc Ukraina trung lập ? Việc chính quyền Kiev khăng khăng muốn gia nhập NATO, trong lúc hai vùng lãnh thổ, bán đảo Crimée và khu vực miền đông Donbass, hoặc do Nga kiểm soát, hoặc do phe ly khai thân Nga kiểm soát, khiến tình hình trở nên bế tắc. Bởi NATO ắt hẳn không thể kết nạp Ukraina trong lúc quốc gia này đang bị chia cắt về lãnh thổ. Theo giáo sư  King’s College Luân Đôn, một chìa khoá quan trọng để dẫn đến lối thoát cho khủng hoảng chính là thoả thuận Minsk II, đạt được vào đầu năm 2015. Hội Đồng Bảo An đã ra một nghị quyết yêu cầu các bên thực thi thoả thuận này nhằm thiết lập hoà bình tại Ukraina. Một điểm căn bản trong Thỏa thuận cho phép chấm dứt chiến tranh này là xác lập quyền tự trị của vùng Donbass, nằm trong lãnh thổ của một nhà nước Liên bang Ukraina (nếu dân chúng khu vực ủng hộ quyền tự trị, qua trưng cầu dân ý). Theo chuyên gia Anatol Lieven, chính quyền Kiev “chưa bao giờ đạt được một thoả thuận có lợi như vậy”. Trưng cầu dân ý về quyền tự trị và thành lập chính quyền khu tự trị theo hiến pháp Ukraina phải được tiến hành trước khi Ukraina giành quyền kiểm soát biên giới với Nga. Cảnh sát và tòa án ở Cộng hòa Tự trị Donbass sẽ trực thuộc chính quyền khu vực. An ninh quân sự sẽ được cung cấp bởi một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc được thu hút từ các quốc gia trung lập bên ngoài châu Âu và được thành lập như một phần của nghị quyết của Hội Đồng Bảo An nhằm hỗ trợ giải quyết hòa bình. Nhà chính trị học Anh nhấn mạnh, chính quyền Mỹ vẫn có khả năng xoay chuyển tình hình tại Ukraina, nếu từ bỏ việc ủng hộ “mục tiêu vô vọng” trở thành thành viên NATO của Ukraina. Trong trường hợp này, Mỹ có thể gây áp lực buộc chính phủ và Quốc Hội Ukraina chấp nhận một thoả thuận “Minsk III”, nối tiếp những gì đã được đặt nền móng trong thoả thuận Minsk II. Mục tiêu là ngăn chặn xung đột tại Ukraina, bởi nếu xảy ra một cuộc chiến tranh mới, dù chỉ là hạn chế giữa Ukraina và Nga, Mỹ cũng sẽ bị trói chân, trong lúc đang phải đối phó với nhiều thách thức quan trọng hơn. Nếu điều này xảy ra, đây “sẽ là thảm họa cho Mỹ, Nga, cho thế giới, và cho chính Ukraina”.  
......

Phạm Đoan Trang được trao giải thưởng nhân quyền quốc tế Martin Ennals

Nhà báo vừa bị chính quyền kết án nay lại được quốc tế tôn vinh. 19/01/2022 By Luật Khoa tạp chí Ngày 19/1/2022, từ Geneva, Thụy Sĩ, ban tổ chức Giải thưởng Martin Ennals dành cho Nhà hoạt động Nhân quyền đã xướng tên Phạm Đoan Trang – nhà báo, nhà hoạt động người Việt Nam vừa bị chính quyền kết án chín năm tù hồi tháng trước. Phạm Đoan Trang được vinh danh vì các nỗ lực từ những năm 2000 trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin của người dân. Ban tổ chức giải thưởng đặc biệt nhắc đến những sáng kiến truyền thông độc lập của cô, bao gồm Luật Khoa tạp chí và Nhà xuất bản Tự Do. Theo họ, trong một quốc gia chuyên chế như Việt Nam, những tổ chức độc lập này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác cùng lên tiếng vì nhân quyền, và chúng cũng là lý do khiến Đoan Trang trở thành mục tiêu truy đuổi của chính quyền. Nhà báo Phạm Đoan Trang đã liên tục bị quấy nhiễu trong suốt thời gian hoạt động. Cô bị đánh nhiều lần, dẫn đến những chấn thương lâu dài. Đoan Trang bị bắt vào ngày 7/10/2020, bị giam giữ biệt lập suốt hơn một năm, sau đó bị kết án chín năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. [1] Bản án này bị các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ. [2] Hiện tại, Đoan Trang bị giam tại Hà Nội. Cô vẫn không được phép gặp gia đình và không được điều trị y tế trong khi sức khỏe ngày càng giảm sút. Phạm Đoan Trang bị giải đi sau phiên tòa ngày 14/12/2021. Ảnh: Lê Kiên/ TTXVN. Thay mặt Phạm Đoan Trang phát biểu tại buổi họp báo công bố giải thưởng chiều nay, ông Trịnh Hữu Long, người đồng sáng lập, tổng biên tập Luật Khoa tạp chí nói rằng giải thưởng này khẳng định những việc làm của người cộng sự của mình là đúng đắn. “Giải thưởng Martin Ennals mà Đoan Trang được nhận hôm nay gửi đi thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng đến chính quyền chuyên chế của Việt Nam, và quan trọng hơn là đến người dân Việt Nam, rằng những gì Trang đã làm là đúng đắn, và cộng đồng quốc tế đứng về phía cô ấy”, Trịnh Hữu Long nói. “Câu chuyện của Phạm Đoan Trang chính là minh họa cho tình hình nhân quyền tại Việt Nam”, ông nhấn mạnh. Giải thưởng Martin Ennals được tổ chức hàng năm nhằm ghi nhận nỗ lực của các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới và vận động cho việc bảo vệ họ. Giải thưởng này được thành lập từ năm 1992, đặt tên theo Martin Ennals, nhà hoạt động nhân quyền người Anh từng là Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế từ năm 1968 đến năm 1980. Hội đồng chấm giải là một ủy ban độc lập bao gồm đại diện của mười tổ chức nhân quyền uy tín trên thế giới. Tiến sĩ Daouda Diallo (trái) và Abdul-Hadi Al-Khawaja – hai nhà hoạt động nhân quyền cùng được vinh danh trong giải thưởng Martin Ennals năm 2022. Ảnh: iBurkina.com, Bahrain Center for Human Rights. Cùng nhận giải thưởng năm 2022 với Phạm Đoan Trang là hai nhà lãnh đạo phong trào nhân quyền khác: Tiến sĩ Daouda Diallo đến từ Burkina Faso (một quốc gia ở khu vực Tây Phi) và ông Abdul-Hadi Al-Khawaja đến từ Bahrain (một đảo quốc theo chế độ quân chủ thuộc Vịnh Ba Tư). Cả ba người này đều hoạt động tích cực trong việc thu thập bằng chứng và tư liệu hóa các vụ việc vi phạm nhân quyền. Theo ban tổ chức, Phạm Đoan Trang, Abdul-Hadi Al-Khawaja và Tiến sĩ Daouda Diallo được nhận giải vì họ đã can đảm đấu tranh bảo vệ các giá trị nhân quyền với chủ trương phi bạo lực, bất chấp rủi ro đến tính mạng. Họ đã lãnh đạo và truyền cảm hứng cho nhiều người, và đều đang ở trong tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp. Ở Bahrain, ông Al-Khawaja bị kết án chung thân và đã phải ngồi tù đến năm thứ mười, còn Tiến sĩ Diallo thì là mục tiêu của rất nhiều lời đe dọa trong bối cảnh xung đột vũ trang tại Burkina Faso. Lễ trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào ngày 2/6/2022 tại Geneva, Thụy Sĩ. Mỗi người được giải sẽ nhận số tiền thưởng từ 20.000-30.000 Francs Thụy Sĩ (tương đương khoảng 500–750 triệu đồng). Mạng lưới của giải thưởng Martin Ennals cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và vận động ở tầm quốc tế cho những nhà hoạt động nhân quyền được vinh danh. https://www.luatkhoa.org/2022/01/pham-doan-trang-duoc-trao-giai-thuong-nhan-quyen-quoc-te-martin-ennals/    
......

Mỹ bất ngờ phô trương vũ khí mạnh nhất của mình tại châu Á để răn đe đối thủ

Ảnh minh họa: Tầu ngầm hạt nhân USS Nevada lớp Ohio của Mỹ. © Wikipedia Trọng Nghĩa - RFI Thứ Bảy 15/01/2022 vừa qua, chiếc tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Nevada đã bất ngờ xuất hiện tại căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, nằm ở phía đông-đông nam biển Philippines, sát cạnh Thái Bình Dương. Đây là một sự kiện cực kỳ hiếm hoi, vì hoạt động và hành trình của các tàu ngầm hạt nhân tấn công, được liệt vào diện vũ khí mạnh nhất của Hoa Kỳ, thường được giữ kín. Đối với giới quan sát, khi phô trương chiếc USS Nevada tại Guam, rõ ràng là Hoa Kỳ muốn gởi đi một thông điệp kép, vừa răn đe các đối thủ, cụ thể là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, vừa trấn an các đồng minh trong khu vực. Uy lực của chiếc USS Nevada như thế nào mà lại được coi là vũ khí mạnh nhất của Mỹ ? Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, đây là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc lớp Ohio, có khả năng mang theo hơn 20 tên lửa đạn đạo Trident, với tầm bắn hơn 11 ngàn cây số. Mỗi tên lửa lại có thể mang theo tối đa 12 đầu đạn hạt nhân với sức công phá tương đương với 5,7 triệu tấn thuốc nổ TNT. Tàu lại có khả năng hoạt động sâu dưới mặt nước trong nhiều tháng trời, chỉ phải nổi lên khi cần bổ sung nguồn nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn bao gồm hơn 150 thành viên.  Chính hỏa lực hùng hậu, kèm theo khả năng giấu mình trong một thời gian dài dưới mặt nước mà không bị phát hiện đã khiến cho loại tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ trở thành một trong ba thành tố răn đe hạt nhân mạnh nhất của quân đội Hoa Kỳ, bên cạnh các tên lửa đạn đạo phóng đi từ lãnh thổ Mỹ và các oanh tạc cơ tầm xa mang bom hạt nhân như B-2 và B-52. Theo ông Thomas Shugart, cựu chỉ huy tàu ngầm trong Hải Quân Hoa Kỳ và hiện là nhà phân tích tại Trung Tâm An Ninh Mới của Mỹ, tính chất răn đe của 14 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio đang hoạt động được thể hiện qua thông điệp gởi đến đối thủ: “Chúng tôi có thể đặt 100 đầu đạn hạt nhân trước cửa nhà của quý vị mà quý vị thậm chí không hề hay biết hoặc không thể làm gì nhiều để đối phó”. CNN ghi nhận, đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm hạt nhân đến Guam kể từ năm 2016 và là chuyến thăm thứ hai được loan báo công khai kể từ những năm 1980, vì thông thường, hoạt động của loại tàu ngầm này luôn được giữ bí mật. Thế nhưng lần này, quân đội Mỹ không ngần ngại phô trương sự có mặt của chiếc USS Nevada tại Guam. Một thông cáo của Hải Quân Hoa Kỳ nói rõ: “Chuyến thăm cảng tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, thể hiện năng lực, sự linh hoạt, tính chất sẵn sàng của Hoa Kỳ dấn thân bảo vệ an ninh và ổn định khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".  Ý nghĩa trấn an các đồng minh đã được thể hiện rõ trong bản thông cáo trên, trong bối cảnh các động thái hù dọa của Trung Quốc nhắm vào Nhật Bản tại vùng biển Hoa Đông, các hành động thị uy của Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan hay vào các nước Đông Nam Á ở Biển Đông không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây. Trong những ngày qua, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, việc Bắc Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm tên lửa cũng gây lo ngại, đặc biệt cho Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ. Theo CNN, khi đưa tàu ngầm có trang bị tên lửa hạt nhân đến Guam, Washington như muốn cho thấy rõ là họ có thể ứng phó hữu hiệu với các mối đe dọa, điều mà cho đến nay, cả Trung Quốc lẫn Bắc Triều Tiên đều không thể làm được. Chương trình tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên đang trong giai đoạn sơ khai, trong lúc hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ước tính của Trung Quốc chỉ gồm vỏn vẹn 6 chiếc, lại cồng kềnh, hỏa lực ít hơn và dễ bị phát hiện hơn.  
......

Thỏa thuận chiến lược Trung Quốc-Iran bắt đầu có hiệu lực

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và động nhiệm Trung Quốc trong cuộc gặp mặt tại Teheran, 27/03/2021. AP - Ebrahim Noroozi Trọng Nghĩa  - RFI Trung Quốc vào hôm qua, 15/01/2022 đã thông báo việc bắt đầu thực hiện thỏa thuận chiến lược 25 năm đã ký với Iran vào năm 2021, quy định việc tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị giữa hai nước. Bắc Kinh đồng thời lên tiếng chỉ trích Washington về các biện pháp trừng phạt Teheran.  Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết là ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian đã loan báo việc bắt đầu triển khai thỏa thuận trong cuộc họp hôm 14/01 tại thành phố Vô Tích, thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.  Rất ít chi tiết về thỏa thuận bí mật này được tiết lộ, nhưng theo Siavosh Ghazi, thông tín viên RFI  tại Teheran, thỏa thuận nhấn mạnh về hợp tác trong lĩnh vực dầu hỏa.  Thỏa thuận này bao gồm hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc Iran cung cấp dầu thường xuyên cho Trung Quốc, hoặc là các khoản đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh vào lĩnh vực dầu hỏa, khí đốt, thậm chí là hóa dầu của Iran. Trung Quốc, nước thường xuyên lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ, đã là đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu  của Iran và là khách hàng hàng đầu của dầu hỏa Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Không có số liệu chính thức nào được cung cấp về lượng dầu xuất khẩu từ Iran sang Trung Quốc, nhưng cách đây vài ngày, tổng thống Iran Ebrahim Raissi tuyên bố rằng doanh số xuất khẩu dầu hỏa của Iran đã tăng 40% trong những tháng trước. Việc thực hiện thỏa thuận Trung Quốc-Iran cũng bắt đầu trong bối cảnh Iran và các cường quốc đang đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhưng điều hiển nhiên là Teheran  đang dứt khoát hướng về Trung Quốc và cả về Nga. Thật vậy, trong vài ngày tới đây, tổng thống Iran Raissi sẽ đến Matxcơva để ký thỏa thuận hợp tác 20 năm với đồng nhiệm Nga Putin, cụ thể là về việc mua thiết bị quân sự, bao gồm cả máy bay chiến đấu.  Trung Quốc tiếp tục phản đối trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran  Theo Reuters, trong cuộc gặp ở Vô Tích, Trung Quốc tái khẳng định lập trường phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran, đồng thời ủng hộ nỗ lực hồi sinh thỏa thuận năm 2015 về hạt nhân của Iran.  Trên trang web của mình, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết là ông Vương Nghị đã nói với đồng nhiệm Hossein Amir - Abdollahian rằng Hoa Kỳ chịu trách nhiệm chính về những khó khăn hiện tại của Iran, vì đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2015 mà các cường quốc thế giới đạt được với Tehran.   Trong cuộc gặp, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng nói rằng Bắc Kinh sẽ ra sức ủng hộ việc nối lại các cuộc đàm phán về  hạt nhân.   
......

Đã đến lúc Mỹ cần phản công vào sân sau Trung Quốc

Thủ Tướng Campuchia Hun Sun (phải) và Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường duyệt dàn chào danh dự bên ngoài đại sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh hôm 16/5/2017, nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của Hunsen. Ảnh: Nicolas Asfouri/ AFP via Getty Images Nguồn: Derek Grossman, “Time for America to Play Offense in China’s Backyard,” Foreign Policy, 12/01/2022. Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Việc ngó lơ Campuchia và Lào là một sai lầm chiến lược – nhưng để gắn kết hai nước này đòi hỏi sự cân bằng khéo léo giữa các giá trị và lợi ích. Khi chính quyền Biden bước sang năm thứ hai, rõ ràng là các ưu tiên chính sách đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và việc cạnh tranh địa chính trị chống lại Trung Quốc vẫn chưa được phân bổ một cách cân bằng. Tính đến nay, có hai quốc gia tuy nhỏ nhưng quan trọng về mặt chiến lược đã bị chính quyền này bỏ qua: Campuchia và Lào. Đây có thể là một sai lầm lớn. Nếu Mỹ muốn thâm nhập vào Campuchia và Lào – được giới quan sát ví như những chư hầu, vệ tinh, hay ‘thuộc địa ảo’ của Trung Quốc – thì điều đó đồng nghĩa với Mỹ sẽ tiến hành cạnh tranh chiến lược ngay tại sân sau của chính Trung Quốc. Quan trọng hơn, hành động này sẽ giúp xóa bỏ ý nghĩ rằng Mỹ chỉ bị động phản ứng lại và chơi trò phòng thủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy ‘không thể tránh khỏi’ của Trung Quốc. Ý nghĩ đó, hơn cả các thực tế, vốn là một lực cản đối với chiến lược của Mỹ trong khu vực. Nó làm dấy lên nghi ngờ về chủ trương can dự của Mỹ, ngay cả ở các đồng minh lâu đời như Philippines và Thái Lan. Đẩy mạnh sự can dự của Mỹ tại Campuchia và Lào — chẳng hạn, bằng ứng phó lại nhiều dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, hoặc tăng cường khả năng tiếp cận của Mỹ đối với Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia — có thể giúp đảo ngược ‘sự đã rồi’: rằng Trung Quốc sẽ thống trị, thậm chí khuất phục, toàn bộ Đông Nam Á lục địa. Hợp tác với Campuchia và Lào cũng có thể giúp củng cố quan hệ với nước láng giềng Thái Lan, cũng như đối tác chiến lược của Mỹ là Việt Nam, vốn là hai quốc gia đang có chung nhiều quan ngại về Trung Quốc, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các con đập dọc sông Mekong, huyết mạch kinh tế của cả bốn nước. Tuy nhiên, cho đến nay, các tương tác của chính quyền Biden với Campuchia là rất ít và rất kém hiệu quả, còn Lào thì hoàn toàn nằm ngoài vùng phủ sóng. Xây dựng quan hệ với cả hai quốc gia, đều không phải là nền dân chủ, đã trở thành thứ yếu trong danh sách mục tiêu chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, vốn đặt các giá trị chung lên trên lợi ích chung. Đội ngũ cố vấn của Tổng thống Joe Biden cũng có thể đã kết luận rằng Lào và Campuchia đã nằm sâu trong quỹ đạo của Bắc Kinh, đến mức thời gian và nguồn lực tốt hơn hết nên được dành cho các nước khác trong khu vực, những nước được cho là dễ chấp nhận và hữu ích hơn trong việc hỗ trợ Mỹ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Vì thế, hai quốc gia này chính là những bài kiểm tra cho thấy liệu một trong những ưu tiên của chính quyền Biden — dân chủ, tự do và nhân quyền — có hay không làm suy yếu một ưu tiên khác: Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Thật ra, những mục tiêu này không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau, và hiện đã có một khuôn mẫu hiệu quả có thể giúp chính quyền Biden giữ vững lợi ích quốc gia, mà không hoàn toàn từ bỏ các giá trị. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Singapore bán-chuyên-chế, và Ngoại trưởng Antony Blinken đến Ấn Độ ngày-càng-phi-tự-do vào năm ngoái, cả hai đều đã công khai xuống giọng khi nói về giá trị dân chủ, không chỉ bằng cách thừa nhận rằng chính Mỹ cũng đang phải chật vật với những vấn đề dân chủ của riêng mình. Thay vì lên mặt rao giảng về dân chủ, họ đã biến chuyến đi của mình thành một tương tác hai chiều. Ngoài ra, chính quyền Biden cũng có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị tốt và kiểm soát tham nhũng ở Campuchia và Lào — chắc chắn là một phần của chương trình nghị sự về giá trị dân chủ — thay vì chỉ cứng nhắc gắn tương tác song phương với tình hình dân chủ ở các nước này. Cũng cần lưu ý là tiêu chuẩn dân chủ đã được nới lỏng đối với các quốc gia khác, nhưng điều này lại không được áp dụng cho Campuchia và Lào. Chính quyền Biden, Trump, và Obama đều chủ động hạ thấp các giá trị trong quan hệ của họ với nước láng giềng Việt Nam, quốc gia có thành tích nhân quyền không tốt và đang ngày càng xấu đi, nhưng lại là một quân cờ quan trọng trên bàn cờ chiến lược. Việt Nam chính là bằng chứng thuyết phục nhất rằng người Mỹ có thể —nếu họ muốn —cân bằng giữa các giá trị và việc hợp tác thực dụng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phải thừa nhận rằng việc gắn kết với Campuchia và Lào là không hề dễ dàng. Hồi năm 2019, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Donald Trump, đã trao đổi thư từ với Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong một nỗ lực tái thiết quan hệ. Trump yêu cầu Hun Sen “đưa Campuchia trở lại con đường quản trị dân chủ,” đồng thời cũng tỏ ý chia sẻ những lo ngại của Hun Sen khi nhắn nhủ rằng “chúng tôi không tìm kiếm sự thay đổi chế độ.” Hun Sen đã tự viết bức thư hồi đáp của mình. Trong đó, ông nói, “Quan điểm của tôi là chúng ta không nên sống mãi trong những chương đen tối của lịch sử hai nước. Còn rất nhiều chương đẹp đẽ khác đáng được quan tâm, vì những lợi ích cao cả hơn, cho đất nước và con người của cả hai bên.” Vì không muốn quyền lực của chính mình bị suy yếu, Hun Sen đã phớt lờ lời kêu gọi quay trở lại dân chủ của Trump. Công bằng mà nói, chính quyền Biden đã không hoàn toàn bỏ qua Campuchia, họ đã cử hai quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao tới thăm Campuchia vào năm ngoái. Khi Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đến thăm Phnom Penh vào tháng 6/2021, bà đã thảo luận về khoản hỗ trợ phát triển kinh tế trị giá 3 tỷ USD mà Mỹ dành cho Campuchia kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến năm 1991. Hai bên cũng thảo luận về quan hệ đối tác trong lĩnh vực y tế và giáo dục, các vấn đề liên quan đến sông Mekong, và việc Mỹ giúp rà phá bom mìn chưa nổ trong Chiến tranh Việt Nam. Sherman còn hứa sẽ hỗ trợ Campuchia khi nước này đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2022. Nhưng những diễn tiến tích cực trong quan hệ song phương đã sớm bị lu mờ bởi những điều tiêu cực. Ngay trước khi bà Thứ trưởng đến, một bài xã luận đăng trên một tờ báo nhà nước của Campuchia đã lập luận rằng: Thay vì chỉ trích các giá trị của Campuchia, Mỹ nên “tăng cường hợp tác phát triển hơn nữa” và “xem xét việc khuyến khích các nhà đầu tư của mình đầu tư vào Campuchia… giống như những gì Trung Quốc đã làm.” Thế nhưng, khi đến nơi, Sherman lại đi gặp các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, đồng thời chỉ trích hồ sơ nhân quyền và quản trị của Phnom Penh. Bà cũng đề cập đến kế hoạch của Bắc Kinh nhằm xây dựng một căn cứ hải quân tại Ream ở Campuchia, điều mà Hun Sen liên tục phủ nhận, và thúc giục chính phủ Campuchia hạn chế ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc ở nước này. Chính hành động kiên quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị hơn là hợp tác thực dụng của Sherman đã khiến chuyến thăm của bà, nhiều khả năng, chỉ đẩy Campuchia sâu hơn vào vòng tay Trung Quốc. Tham tán Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet, người đến Campuchia vào tháng 12 vừa qua trong một bối cảnh còn tiêu cực hơn, cũng đã thảo luận về các chủ đề tương tự. Washington khi ấy vừa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai nhà lãnh đạo cấp cao của quân đội Campuchia, bao gồm cả người đứng đầu lực lượng hải quân, sau các cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng Căn cứ Hải quân Ream. Washington cũng thông báo sẽ xem xét lại các đặc quyền thương mại của Campuchia — điều sẽ có ảnh hưởng đáng kể, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Campuchia — và đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Mỹ, rằng họ nên tránh giao dịch với các công ty Campuchia liên quan đến tham nhũng, tội phạm, và vi phạm nhân quyền. Sau khi Chollet rời đi, Washington ban hành lệnh cấm vận vũ khí, đồng thời cấm Campuchia mua lại các công nghệ lưỡng dụng để ngăn chúng rơi vào tay chế độ này, hoặc vào tay Bắc Kinh. Nếu so sánh các tương tác của Washington và Bắc Kinh với Phnom Penh, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được lý do tại sao Campuchia lại thích Trung Quốc. Như các tuyên bố ngoại giao của họ khẳng định, hai nước láng giềng này vẫn còn duy trì “tình anh em khắng khít,” tăng cường trao đổi ngày càng sâu sắc trên mọi phương diện. Ví dụ, một hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Campuchia vừa mới có hiệu lực, chắc chắn sẽ nâng tầm quan hệ thương mại của hai bên. Trung Quốc cũng đã hỗ trợ Campuchia rất nhiều trong việc cung cấp vaccine và các hoạt động cứu trợ đại dịch khác. Thêm nữa, các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh cũng giúp phát triển kinh tế, dù chúng cũng tạo ra cơ hội mới cho tham nhũng. Hun Sen, một đồng minh trung thành của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài duy nhất đến thăm ông Tập kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Bất chấp các hoạt động xây dựng gần đây của Trung Quốc tại Ream, cả hai bên đều bác bỏ ý tưởng rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ đóng quân tại đây. Nhưng thật khó để tin rằng lời phủ nhận này là sự thật, nếu xét đến các chi tiết đã được hé lộ về dự án này, cũng như dự án mở rộng đường băng của sân bay Dara Sakor gần đó do Trung Quốc tiến hành, vốn dường như nhằm trang bị cho sân bay khả năng tiếp nhận các máy bay quân sự. Lào thậm chí còn là một điểm mù lớn hơn, vì chính quyền Biden vẫn chưa cử một quan chức cấp cao nào đến đây. Trong khi đó, chính quyền Obama đã cử các Ngoại trưởng đến thăm Lào tận ba lần — Hillary Clinton một lần vào năm 2012, và John Kerry hai lần vào năm 2016. Đệ nhất Phu nhân đương nhiệm Jill Biden cũng đã đến thăm chính thức Lào vào năm 2015 khi chồng bà đang là Phó Tổng thống. Quan trọng nhất, Tổng thống Barack Obama đã từng thăm Lào vào năm 2016, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm nước này. (Obama, hồi năm 2012, cũng trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất từng đến thăm Campuchia). Tuy nhiên, chuyến thăm của ông không nằm trong một toan tính chiến lược nào cả; đúng hơn, nó phát xuất từ “nghĩa vụ đạo đức,” như lời Obama, nhằm giải quyết hậu quả của việc Mỹ ném bom xuống Lào trong Chiến tranh Việt Nam, khiến nước này phải hứng chịu lượng bom tính trên đầu người cao nhất từng được ném xuống một quốc gia. Dù thế, trong chuyến thăm, Obama cũng đã tuyên bố nâng tầm quan hệ với Viêng Chăn lên đối tác toàn diện. Mối quan hệ này gồm nhiều khía cạnh khác nhau của trao đổi song phương, và còn đi kèm 90 triệu đô la trong ba năm, để giúp Lào rà phá bom mìn. Trong vòng 20 năm trước đó, tổng cộng hỗ trợ của Washington cho Lào chỉ ở mức 100 triệu USD. Cả chính quyền Trump và Biden đều không tỏ ra quan tâm đến việc tận dụng chuyến thăm lịch sử của Obama. May mắn thay, nhiều chương trình dưới thời Obama vẫn được tiếp tục phát triển, bao gồm thúc đẩy kinh tế, hỗ trợ pháp lý, phòng chống buôn người, và dạy tiếng Anh – theo phát biểu gần đây của Đại sứ Mỹ tại Lào. Quan trọng nhất, các mức tài trợ cho hoạt động rà phá bom mìn vẫn ở mức cao dưới thời chính quyền Trump và Biden. Trong khi đó, Trung Quốc đang xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng vô cùng cần thiết, và đầu tư vào các lĩnh vực hứa hẹn tăng trưởng mạnh nhất của nền kinh tế Lào. Một tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào chuyên chở hành khách và hàng hóa đã được hoàn thành vào tháng trước. Bắc Kinh khoe rằng du lịch từ Trung Quốc đến Lào, quốc gia không giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á, đang gia tăng bất chấp đại dịch. Lào cũng được cho là đang hưởng lợi từ các chuỗi cung ứng mới nhờ đường sắt. Trung Quốc còn xây dựng nhiều đập cho Lào trên sông Mekong, nhằm giúp nước này tạo ra lượng thủy điện lớn, và trở thành “bình ắc quy của châu Á.” Bắc Kinh khẳng định rằng không có dự án nào trong số này đi kèm với các ràng buộc chính trị – tất nhiên, đó vẫn còn là điều gây tranh cãi. Mà dù điều đó có là sự thật đi chăng nữa, thì ràng buộc bằng tiền bạc và tham nhũng vẫn có thể mạnh hơn bất kỳ trao đổi ‘có qua có lại’ chính thức nào. Rõ ràng, Trung Quốc đang có lợi thế vượt trội, trước tiên là nhờ ảnh hưởng kinh tế to lớn và vị trí gần kề. Cả ba quốc gia đều độc tài; Campuchia và Lào do đó trở thành một đối tác kém hấp dẫn hơn đối với chính quyền Biden vốn ưu tiên các giá trị. Nhưng đó không phải là những trở ngại không thể vượt qua. Chính quyền Biden có thể phối hợp với các đối tác dân chủ – chẳng hạn như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc – để cùng thúc đẩy các dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng ở Campuchia và Lào, cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nền tảng cơ sở cho các dự án này đã sẵn có, bao gồm sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn của Biden, cùng với các thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư hiện có với Phnom Penh và Viêng Chăn. Nhưng ngay cả khi có sẵn nền tảng, thì trước tiên, Washington vẫn nên tránh để các quan hệ này xấu đi, đồng thời nên tích cực xây dựng quan hệ thân tình và hiệu quả. Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng rõ ràng sẽ phản tác dụng. Chính quyền Biden vẫn có thể thể hiện đúng trọng tâm hướng đến các giá trị, nhưng không phải bằng cách rao giảng và chỉ trích, mà bằng cách tái sắp xếp và điều chỉnh những cuộc đối thoại này, như đã làm với các nước khác trong khu vực. Một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với cạnh tranh chiến lược có thể được minh họa bằng việc chính quyền Biden tìm kiếm các trao đổi chính trị cấp cao với Campuchia và Lào, nhằm tạo điều kiện cho các thỏa thuận kinh tế và an ninh mới, chẳng hạn như việc tái lập quyền tiếp cận của Mỹ với Căn cứ Hải quân Ream. Một chiến lược đầy tham vọng như vậy có lẽ sẽ đòi hỏi một sự kiềm chế đáng kể những quan tâm của Mỹ đối với vấn đề giá trị. Dù bằng cách nào, chắc chắn sẽ có những khoảnh khắc khiến Washington cảm thấy ngần ngại. Chẳng hạn, Hun Sen đã thẳng tay đàn áp các nhóm đối lập; và tuần trước, ông đã đến thăm Myanmar để gặp gỡ chính quyền quân sự, vốn đang bị hầu hết các quốc gia khác xa lánh. Nhưng sau cùng thì, việc tăng cường can dự với Campuchia và Lào sẽ chỉ mang lại lợi ích ròng cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Một cách tiếp cận thuần túy dựa trên giá trị rõ ràng đã không tiến triển như mong đợi, làm Mỹ bị cô lập trong một khu vực có ít nền dân chủ thực sự, và trao cơ hội mở rộng ảnh hưởng cho Bắc Kinh một cách không cần thiết. Derek Grossman là chuyên viên phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corp., giáo sư thỉnh giảng Đại học Nam California, và là cựu báo cáo viên thông tin hàng ngày cho Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Các Vấn đề An ninh Châu Á và Thái Bình Dương. Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế  
......

Từ ‘cuộc đảo chính ngoại giao’ của Hun Sen đến việc hoãn họp ASEAN: Các thất bại đã được báo trước

Hun Sen bắt tay tướng Min Aung Hlaing (trái) tại Naypyidaw. (Photo by An Khoun SamAun / National Television of Cambodia (TVK) / AFP) Trần Đông A  - Blog VOA “Ngoại giao cao bồi” của Hun Sen trên thực tế đã không mang lại sự đồng thuận trong ASEAN về hướng giải quyết cuộc đảo chính phi pháp của tập đoàn quân phiệt Myanmar. Dù trực tiếp gây sức ép hay thông qua “con rối chính trị” của mình, Trung Quốc vẫn chưa thành công trong nỗ lực dùng Campuchia như “con ngựa thành Troy” trong ASEAN. “Cuộc đảo chính ngoại giao” bất thành Ngày 12/01/2022 Campuchia buộc phải tuyên bố hoãn cuộc họp ASEAN đầu tiên trong bối cảnh khác biệt giữa các quốc gia thành viên quá lớn. Một phát ngôn viên của chính phủ CPC cho biết, có “khó khăn” đối với các nhà ngoại giao hàng đầu trong khối để tham gia “khóa họp hẹp” dự kiến trước đây vào 18 – 19/01/2022. Thất bại này đã được giới phân tích dự đoán. Sự chia rẽ trong ASEAN về chuyến đi của Hun Sen tới Naypyidaw và lời mời (do Hun Sen đưa ra) đối với ngoại trưởng Myanmar tham dự họp hẹp là lý do chính yếu, tại sao những người đứng đầu ngoại giao của một số nước trong khối đã chọn không tham dự cuộc hội luận tuần tới. Theo Giáo sư Sophal Ear, một chuyên gia về CPC tại Đại học Arizona (Mỹ), các quốc gia ASEAN đã nêu ra những khó khăn trong việc đi lại, thay vì nói thẳng rằng họ không muốn đến Siem Reap. “Đây chưa hẳn chính thức là một cuộc tẩy chay, nhưng vài ba ngoại trưởng của một số thành viên ASEAN không ngần ngại nêu ra một số lý do khiến họ không thể tham gia cuộc họp. Đây là quả báo đối với ‘chính sách ngoại giao cao bồi’ của CPC” (It’s karma for Cambodia’s ‘Cowboy Diplomacy’). Các tướng quân phiệt tiếm quyền Myanmar cho đến nay đã cản trở các nỗ lực của ASEAN và trên thực tế, dư luận thế giới coi chuyến công du tới Naypyidaw của Hun Sen như một “cuộc đảo chính về ngoại giao”. Tức là Thủ tướng CPC muốn đảo ngược cái công thức “10-X” mà ASEAN đã hai lần áp dụng trong năm ngoái. Những người trung dung có thể cho chuyến thăm là nỗ lực của Hun Sen nhằm gỡ rối các vấn đề phức tạp với cánh đảo chính ở Myanmar. Hun Sen không chỉ đưa ra những bình luận mang tính hòa giải nhằm vào Thống tướng Min Aung Hlaing, mà lợi dụng vị trí chủ tịch của mình, còn bổ nhiệm ngoại trưởng Prak Sokhonn làm “đặc phái viên mới” về Myanmar. Khỏi cần nói, tất cả điều này đã làm dấy lên sự giận dữ từ những người chống đối cuộc đảo chính, những người coi chuyến đi là sự mang lại tính hợp pháp cho chế độ quân phiệt và củng cố vị thế thương lượng của phe đảo chính. Hun Sen có thể thanh minh rằng, ông chỉ cố gắng thúc đẩy kế hoạch hòa bình của ASEAN với các tướng lĩnh. Bản chất của kế hoạch là sự nhất trí 5 điểm mà chính quyền đã đồng ý vào tháng Tư năm ngoái. Nhưng đồng thuận phải được bắt đầu bằng việc ngừng ngay lập tức bạo lực. Đối thoại phải mang tính xây dựng giữa tất cả các bên, được thực hiện với sự hòa giải có sự tham gia của đặc phái viên do ASEAN đề cử. Đáng ra các nhà cầm quân của Myanmar cần nắm bắt cơ hội và thực hiện cam kết của mình để cải thiện các vấn đề cho đất nước. Há dễ mấy ai quên làn sóng truyền thông quốc tế hồi đầu năm ngoái: “Ai đứng đằng sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar?” Còn giờ đây, dư luận và giới chuyên gia đang chú mục vào vai trò của Trung Quốc trong các động thái “ngoại giao lobby”, thậm chí gây sức ép để ASEAN chấp thuận cho Thống tướng cầm đầu cuộc chính biến bất hợp pháp Min Aung Hlaing được ngồi vào chiếc ghế của bà Aung San Suu Kyi tại ASEAN. Hoãn họp ASEAN không chỉ vì Myanmar Sau khi từ Myanmar về nước, Hun Sen nói rằng các thành viên ASEAN nên tạo ra một nhóm các nhà ngoại giao bao gồm Campuchia, Brunei và Indonesia để tiếp tục thực hiện lệnh ngừng bắn ở Myanmar. Hun Sen nói thêm, Nhật Bản cũng nên tham gia sáng kiến “Những người bạn của Myanmar” do Chủ tịch ASEAN tiền nhiệm Brunei tổ chức, trên cơ sở ủng hộ chuyến đi làm việc của ông với các nhà lãnh đạo quân đội. Một tờ báo từ Phnom Penh dẫn lời Hun Sen: “Nhật Bản dự định sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho CPC để nước này thành công trong vai trò chủ tịch ASEAN”. Nhưng khác với Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn giữ quan điểm trước đây. Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar cho biết, CPC cần thúc đẩy sự đồng thuận 5 điểm đã được nhất trí giữa Myanmar và ASEAN vào năm ngoái, cũng như chuyến thăm chưa được thực hiện giữa “đặc phái viên” do Brunei cử để gặp gỡ tất cả các bên liên quan ở Myanmar. Kiểu “ngoại giao cao bồi” của Hun Sen là màn khoe mẽ, còn thực chất đó chỉ là trò tung hứng của “con rối trong tay Trung Quốc”, không lừa phỉnh được dư luận CPC, dư luận của chính người dân Myanmar, đặc biệt là của giới quan sát quốc tế. Trong một tuyên bố của các Nghị sĩ ASEAN về Nhân quyền, một nhóm vận động trong khu vực, khẳng định rằng, Hun Sen đã thể hiện sự coi thường của ông ta đối với “Đồng thuận 5 điểm”. Ông ta sang Naypyidaw mà không cần biết bà Cố vấn Nhà nước San Suu Kyi và các thành viên nội các hợp pháp bị giam giữ ở đâu, chứ chưa nói tới việc được tiếp xúc như thỏa thuận. Nhóm này còn mô tả chuyến thăm của Thủ tướng CPC tới Myanmar là “một nỗ lực trơ trẽn và nguy hiểm để giành lấy sáng kiến”. Từ khối Đông Nam Á, nhóm Nghị sĩ viết: “Hai kẻ đảo chính này – Min Aung Hlaing bằng quân sự, còn Hun Sen bằng con đường ngoại giao – đang tiến hành một cuộc đảo chính thứ ba trong ASEAN, có nguy cơ dẫn đến chia rẽ của tổ chức”. Còn chuyên gia Charles Dunst, thành viên chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, ông Hun Sen tỏ ra “quá tự tin, vì nghĩ ông là một tác nhân vì hòa bình; rất nhiều lần ông nhấn mạnh đến kinh nghiệm CPC sau chiến tranh liên quan đến lực lượng Khmer đỏ vào cuối thập niên 1990. Liệu ông Hun Sen có sử dụng kinh nghiệm trấn áp xã hội dân sự, giải tán các đảng đối lập ở CPC để ‘thuyết phục và đồng cảm’ với Thống tướng Min Aung Hlang, người đứng đầu tập đoàn quân sự Miến Điện?” Không phải lần đầu tiên CPC đơn phương hành động trong khối ASEAN. Khi nước này giữ chức Chủ tịch luân phiên năm 2012, lần đầu tiên ASEAN đã không ra được Tuyên bố chung tại thượng đỉnh, vì Phnom Penh đứng hẳn về phía Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với nhiều nước Đông Nam Á. Một thập niên sau, giờ đây vẫn ông Hun Sen ấy còn hàm ý tố cáo Việt Nam mất dân chủ và không có nhân quyền, nay đang làm suy yếu uy tín của ASEAN sau khi CPC chính thức nhậm chức Chủ tịch.  
......

Vingroup bất ngờ thay thế tổng giám đốc VinFast toàn cầu người Đức bằng người Việt

VOA Vingroup vừa bổ nhiệm một phụ nữ người Việt thay thế ông Michael Lohscheller người Đức trên cương vị giám đốc toàn cầu của VinFast, hãng ô tô của tập đoàn lớn nhất Việt Nam hiện đang xâm nhập vào thị trường ô tô điện của Mỹ và châu Âu với những kế hoạch đầy tham vọng. Trong một thông báo hôm 27/12, Vingroup cho biết ông Lohscheller sẽ rời vị trí này và “trở về châu Âu vì lý do cá nhân.” Tập đoàn này còn công bố bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Thuỷ – hiện là phó chủ tịch tập đoàn Vingroup – lên thay ông Lohscheller làm tổng giám đốc VinFast toàn cầu. Quyết định ‘thay ngựa giữa dòng’ ở hãng sản xuất ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam được xem là bất ngời khi ông Lohscheller mới chỉ nắm giữ cương vị tổng giám đốc toàn cầu ở đây trong 5 tháng. Vingroup không cho biết việc bổ nhiệm mới là do ông Lohscheller rời bỏ chức vụ này hay vì lý do gì nhưng Automotive News nói rằng vị giám đốc điều hành người Đức xin từ chức. Ông Lohscheller được bổ nhiệm vào chức vụ cao nhất của VinFast hồi tháng 7. Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi đó nói rằng ông Lohscheller, người từng là phó chủ tịch Volkswagen Mỹ và tổng giám đốc Opel toàn cầu, “sẽ chịu trách nhiệm mở rộng hoạt động kinh doanh, thúc đẩy quảng bá VinFast ra toàn thế giới.” Ông Lohscheller trực tiếp quản lý và điều hành các thị trường của VinFast hiện nay, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan. Ông Lohscheller dẫn dắt chiến lược đưa VinFast thành “một hãng xe điện thông minh toàn cầu” sau khi rời bỏ hoặc buộc phải rời bỏ vị trí là CEO của hãng sản xuất ô tô của Đức, Opel, vào tháng 7 vừa qua. Ông là người giới thiệu các mẫu xe điện đầu tiên của VinFast tại triển lãm xe hàng năm lớn đầu tiên của Mỹ – Los Angeles Auto Show – hồi cuối tháng trước. Thông báo hôm 27/12, về việc đưa bà Thuỷ lên thay thế trên cương vị tổng giám đốc toàn cầu của VinFast, trích lời ông Lohscheller nói rằng ông “rất vinh dự khi được cống hiến công sức và làm việc cho VinFast trong thời gian qua.” “VinFast đang trên hành trình trở thành thương hiệu xe điện thành công trên toàn cầu và tôi xin chúc VinFast mọi điều tốt đẹp trong tương lai,” ông Lohscheller nói. VinFast có tham vọng lớn là sẽ bắt đầu bán xe ô tô chạy bằng điện tại thị trường Mỹ và châu Âu vào năm tới, cạnh tranh với Tesla và các nhà sản xuất ô tô khác. Được thành lập vào năm 2017, VinFast hướng đến mục tiêu cạnh tranh về kích thước và giá bán xe. Xe của VinFast sẽ đi kèm với chương trình cho thuê pin, nghĩa là chi phí của pin – phần đắt nhất của xe ô tô điện – không bao gồm trong giá bán xe. Ghi nhận về việc từ chức của ông Lohscheller, tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung cho rằng vị giám đốc điều hành người Đức ban đầu bị cuốn hút bởi “những cơ hội phát triển” của VinFast nhưng sau đó “có thể nó không lớn hoặc còn xa vời hơn bạn tưởng tượng.” “Kế hoạch đầy tham vọng tấn công Tesla, trong số những kế hoạch khác, (của VinFast) vẫn còn sơ khai,” tờ FAZ nhận định. “VinFast cho đến lúc này mới chỉ chủ yếu hoạt động ở thị trường nội địa và vẫn đang thử vận may với dòng xe SUV mới, mà tất nhiên là khó có thể nổi bật về hình thức và công nghệ.” Trong kế hoạch phát triển lâu dài, VinFast được cho là đang nhắm đến việc niêm yết công khai tại Mỹ vào năm tới. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, tập đoàn Vingroup hồi đầu tháng này lập ra một công ty mới có tên VinFast Singapore có trụ sở chính ở Singapore. Theo thông báo của Vingroup, vị tổng giám đốc toàn cầu mới người Việt của VinFast, bà Thuỷ, với nhiều năm kinh nghiệm nắm giữ ở các vị trí quản lý khác nhau, “được kỳ vọng sẽ là nhân tố thúc đẩy nâng tầm VinFast thành thương hiệu toàn cầu cũng như sản phẩm xe điện thông minh VinFast sẽ được khách hàng quốc tế đón nhận.”  
......

Taliban sẽ là lực lượng cứu châu Âu khỏi nạn khủng bố?

Nguồn: “Afghanistan: Taliban sollen die Welt vor islamistischem Terrorismus bewahren?”, WELT, 21/12/2021. Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài   Những lời đe dọa từ phương Tây không còn lại bao nhiêu. Bên cạnh nước Đức, Hoa Kỳ cũng đang từng bước thiết lập quan hệ với nhà cầm quyền mới ở Kabul. Chính họ sẽ là những người có nhiệm vụ kiểm soát các phần tử Hồi giáo khác. Cái giá phải trả là khá cao. Trong những tuần qua, các đại diện từ khắp nơi trên thế giới đã đến Doha, chi nhánh duy nhất của Taliban bên ngoài Afghanistan để tiến hành các cuộc đàm phán. Những người khác lại bay thẳng đến Kabul. Ví dụ, đại sứ Đức đi cùng người đồng cấp Hà Lan cũng như một số quan chức khác. Về mặt chính thức, Taliban vẫn bị coi là một tổ chức khủng bố và các nhà lãnh đạo chóp bu vẫn bị treo giải với giá hàng triệu đôla tiền thưởng. Nhưng chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền hồi tháng 8, các phần tử Hồi giáo cực đoan đã được chấp nhận trên chính trường ngoại giao quốc tế. Chủ yếu vì “tình hình nhân đạo đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết ở Afghanistan trong bối cảnh mùa đông đang đến gần”, đây là lý do biện minh cho các cuộc đàm phán. Điều này cũng đã được giải thích bởi một phái đoàn EU, những người đã gặp gỡ và đối thoại kéo dài hai ngày với Taliban ở Doha vào cuối tháng 11. Ngoài việc cung cấp viện trợ nhân đạo, châu Âu sẵn sàng cung cấp các nguồn tài chính đáng kể cho người dân Afghanistan. Đổi lại, Taliban hứa sẽ đảm bảo pháp quyền, quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tiếp cận giáo dục. Họ đã hứa điều đó trong nhiều tháng. Tuy nhiên, thực tế ở Afghanistan lại khác. Cho đến nay vẫn không có chính phủ đại diện. Từ lớp 12 trở đi, nữ sinh không được đi học, đi làm nữa, và gần đây có lệnh cấm phụ nữ lái xe. Thay vì một lệnh ân xá, Taliban đã hành quyết hàng trăm binh lính của chính phủ cũ. Rõ ràng là tình hình nhân đạo ở Afghanistan là cực kỳ tồi tệ. Hơn một nửa trong số 40 triệu dân đang bị nạn đói đe dọa. Hàng ngàn trẻ em đã và đang bị suy dinh dưỡng. Nền kinh tế đang trên đà sụp đổ và chưa có dấu hiệu của sự cải thiện. Afghanistan chỉ có thể tạm thời vượt qua được mùa đông này nếu có sự hỗ trợ của ngước ngoài. Nhưng đây không phải là lý do vì sao người ta không có hành động khi Taliban không làm gì để xây dựng một nhà nước đại diện. * Không chỉ là đế chế của Taliban Người ta nói sẽ đảm bảo tôn trọng quyền con người ở Afghanistan, nhưng điều này cho đến nay hầu như không được thực hiện. Thay vào đó, sau khi rút lực lượng khỏi Afghanistan, người ta có cảm giác, Taliban chỉ lo củng cố sự thống trị của mình. Chính nỗi sợ hãi về sự khủng bố của chủ nghĩa Hồi giáo đang khiến cho ngay cả những đối thủ lớn - Mỹ, Nga, Trung Quốc và châu Âu - hướng tới một chính sách xoa dịu. Bởi vì Afghanistan không chỉ là đế chế của Taliban. Một nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) và một số tổ chức cực đoan khác cũng đang hoạt động ở bên rặng núi Hindu Kush. Người ta sợ rằng chúng có thể xuất khẩu thánh chiến ra toàn bộ khu vực và tất nhiên sang cả châu Âu. Công thức rất đơn giản: Taliban cần kiểm soát các nhóm nhỏ này, đổi lại chúng phải chấp nhận quyền cai trị của Taliban. “Nguy hiểm nhất là nhóm IS”, theo nhận định của Guido Steinberg thuộc Viện Khoa học và Chính sách (SWP) ở Berlin. “Tổ chức này phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng hồi tháng Tám nhắm vào việc tổ chức cho người dân di tản ở sân bay Kabul và hàng loạt vụ ám sát sau đó ở Afghanistan.” Đối với IS thì Taliban chưa thực sự triệt để. Taliban bị coi là những kẻ phản bội Hồi giáo vì đã ký Hiệp định Doha với Hoa Kỳ. Hiệp ước hồi tháng 2 năm 2020 bao gồm việc rút quân Mỹ một cách hòa bình, nhưng Afghanistan sẽ không được trở thành xuất phát điểm cho các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các nước khác. Lý do cho cuộc xâm lược của Mỹ vào Afghanistan năm 2001 là do cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 do Osama bin Laden và al-Qaida lên kế hoạch ở Hindu Kush. Theo Steinberg, tác giả của nghiên cứu do Quỹ Konrad Adenauer (KAS) công bố hôm thứ hai về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở châu Âu và thánh chiến ở Đức: “IS đang tuyển mộ các thành viên từ cánh hữu của Taliban và có thể ngày càng mạnh hơn.” Ông lưu ý Taliban không phải là một nhóm thống nhất. Có những kẻ bất bình muốn đưa cuộc thánh chiến vượt ra khỏi biên giới quốc gia và khẩn trương thành lập các tiểu vương quốc Hồi giáo. Sau khi lên nắm quyền, Taliban không đột ngột ban hành luật Sharia mà tiến hành vấn đề này một cách từ từ. Taliban muốn truyền đi một hình ảnh ôn hòa, điều này cũng gây bất bình cho phe cứng rắn. Steinberg cho rằng: “Taliban càng ôn hòa, IS càng có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ, và chúng ta biết điều đó có ý nghĩa là gì khi tổ chức này lớn mạnh”. Khi ở đỉnh cao quyền lực, tổ chức IS ở Syria và Iraq đã tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu ở Paris năm 2015 và ở Brussel năm 2016. Ông nói: “Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh này nên chọn một Taliban ôn hòa hay một tiểu vương quốc ổn định”. Những người đòi phải có một chính phủ vững mạnh và trao quyền cho phụ nữ ở Afghanistan đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu Taliban thực sự đồng ý nhượng bộ trong vấn đề này, điều đó sẽ càng làm cho phe đối lập cực đoan mạnh mẽ hơn. Steinberg nói: “Điều đó có thể gây ra những hậu quả trực tiếp cho chúng ta ở châu Âu. Các cường quốc hàng đầu thế giới dường như từ lâu đã có quyết định. Họ dựa trên chủ nghĩa thực dụng về chính trị. Ở Hoa Kỳ, với việc rút quân, điều này từ lâu đã trở nên rõ ràng. Chỉ cần ra khỏi Afghanistan, Afghanistan sẽ rơi vào tay một tổ chức khủng bố nào, điều này họ không quan tâm. Với Washington, nhà cầm quyền mới ở Afghanistan hiện là đối tác trong cuộc chiến chống IS. Theo các nguồn tin trên các phương tiện truyền thông Mỹ, các cơ quan an ninh Mỹ cũng đang hợp tác với Taliban. An ninh Mỹ cung cấp cho lực lượng Hồi giáo thông tin tình báo quân sự để họ có thể hành động hiệu quả chống lại IS. Đồng thời, Nhà Trắng đã cam kết viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ không muốn giải tỏa các khoản tiền bị đóng băng của Ngân hàng Quốc gia Afghanistan. Có thể nói, Nga đang theo đuổi chính sách cây gậy và củ cà rốt. Chính phủ Nga đã tiếp một số phái đoàn Taliban tại Điện Kremlin. Tuy nhiên, cùng lúc đó, nước này đã tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở biên giới các quốc gia láng giềng của Afghanistan là Uzbekistan và Tajikistan. Đại sứ quán Nga không dấu diếm ý định sẽ không gây bất kỳ trở ngại nào cản đường Taliban, nhưng để làm được điều này, Taliban phải kiểm soát được lực lượng Uzbekistan và Tajik trong tổ chức IS. Vấn đề ở đây xoay quanh khoảng 2.000 phần tử, chúng có thể xâm nhập vào các nước Trung Á dưới dạng dân tị nạn, theo tổng thống Nga Vladimir Putin. Trung Quốc cũng có quan hệ tốt với lực lượng Taliban ở Afghanistan. Bắc Kinh hy vọng Taliban sẽ kiểm soát các phần tử Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Mặc dù nhóm chiến binh nhỏ này thực sự không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với bộ máy nhà nước đầy quyền lực của Trung Quốc, theo Steinberg. Tiếp theo là Pakistan. Theo báo cáo hồi tháng 6 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có 6.000 chiến binh Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP) ở Afghanistan. Tổ chức này chiến đấu chống nhà nước Pakistan trong hơn mười năm qua, Hindu Kush là nơi ẩn náu của họ. Chỉ vài ngày trước, lực lượng này đã chấm dứt lệnh ngừng bắn hiện có với Islamabad. Pakistan đã hỗ trợ Taliban ở Afghanistan trong hơn hai thập kỷ và có thể yêu cầu lực Taliban có sự đoàn kết đặc biệt. Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng việc Mỹ và các đối tác NATO của Mỹ rút quân đã biến điều này thành hiện thực: Taliban, kẻ đã giết hại hàng nghìn dân thường hiện lại có nhiệm vụ là cứu thế giới khỏi chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. “Taliban đang đóng một vai trò quan trọng và họ đang tìm cách chơi tròn vai với vai trò này.” Guido Steinberg nói. “Chúng ta sẽ chứng kiến Taliban thực hiện điều này khéo léo như thế nào. Chắc chắn đó là một nhiệm vụ không hề dễ dàng”./. Nguồn tiếng Việt: http://nghiencuuquocte.org/.../taliban-se-la-luc.../...  
......

50 năm sau chuyến đi đêm của Kissinger, Trung Quốc độc tài đe dọa thế giới

Thụy My -RFI Suy sụp vì thảm họa Cách mạng Văn hóa, lo sợ quân đội Liên Xô ở biên giới, Mao thông qua Rumani bí mật bắn tin mời Nixon. Cất cánh ngoạn mục nhờ sự trợ giúp có phần ngây thơ của phương Tây, 50 năm sau Trung Quốc hung hăng xưng hùng xưng bá. Hồ sơ của L’Obs tuần này dành cho « Săn bắn, chủ đề luôn gây tranh cãi tại Pháp ». L’Express đăng ảnh Anne Hidalgo, đô trưởng Paris, ứng cử viên tổng thống cánh tả, gọi bà là « Nữ hoàng thảm họa ». Courrier International đặt vấn đề « Mai đây chúng ta sẽ ăn những thức gì ? ». Riêng Le Point dành hẳn một số đặc biệt cho « Trung Quốc và phương Tây », dày hơn 70 trang, công phu như một quyển sách. Hai mươi thế kỷ lịch sử được lướt qua, từ « Kỷ nguyên vàng » với chuyến phiêu lưu của nhà hàng hải Trịnh Hòa (Zheng He) ; sang « Thời kỳ ô nhục » trong chiến tranh nha phiến, Di Hòa Viên của Từ Hi thái hậu bị bát quốc liên quân tàn phá. Cuối cùng là « Thời của sức mạnh » từ sau cuộc gặp Mao-Nixon, mở cửa kinh tế của Đặng Tiểu Bình và mưu đồ thống trị thế giới của Tập Cận Bình. Cạy cục mời Nixon sang với ngoại giao bóng bàn Mùa hè năm nay, Bắc Kinh kỷ niệm 50 năm chuyến thăm bí mật của Kissinger hồi tháng 7/1971. Ngược lại phía Mỹ giữ im lặng, chỉ được nhắc đến trong một video của cựu ngoại trưởng năm nay đã 98 tuổi. Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn không quên nhấn mạnh, nước Mỹ hiện nay đang thiếu một Kissinger mới để giúp hai nước ra khỏi trạng thái nghi kỵ. Vụ đi đêm này nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của tổng thống Nixon cuối tháng 2/1972. Mỹ muốn lợi dụng tình trạng xung khắc giữa Trung Quốc và Liên Xô, trấn an các nước Đông Âu và tìm cách thoát khỏi lò lửa Việt Nam. Đối với Bắc Kinh - đang suy sụp vì thảm họa Cách mạng Văn hóa trong lúc « cách mạng vô sản toàn thế giới » chỉ còn là ảo vọng - đây là cơ hội bằng vàng. Mao Trạch Đông lo sợ trước sự hiện diện đông đảo của quân đội Liên Xô ở biên giới Mông Cổ. Tuy muốn bước vào sân chơi quốc tế, nhưng Mao không muốn cho thấy mình phải lạy lục xin xỏ. Thông qua trung gian bí mật của Rumani, thủ tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai) từ tháng 11/1970 bắn tín hiệu sẽ hoan nghênh ông Nixon đến Bắc Kinh. Nhưng người Mỹ không mấy nhiệt tình : đến cuối tháng Giêng 1971 Kissinger không hề nhắc đến trong lá thư gởi cho Trung Quốc. Thế là đến lượt ngoại giao bóng bàn. Tháng 4/1971, ê-kíp Mỹ tham dự giải bóng bàn thế giới tại Nhật Bản. Sau khi trao đổi quà, tay vợt Trang Tắc Đống (Zhuang Zedong) mời đồng nghiệp Mỹ Glenn Cowan sang thi đấu tại Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không đồng ý, nhưng chính Mao Trạch Đông khẳng định muốn mời ê-kíp Mỹ ; cô y tá riêng ban đầu không tin vì Mao vừa uống cả vốc thuốc ngủ. Tin Trung Quốc cộng sản đưa ra lời mời với Washington nổ lớn như một quả bom. Hưởng lợi lớn, Mao lại cao ngạo với Mỹ Tại Hoa Kỳ, nhiều người trách Kissinger đã nhượng bộ Trung Quốc mà không đòi hỏi có đi có lại. Washington bỏ rơi Đài Loan đến hai lần, trước hết là công nhận « chỉ có một nước Trung Hoa », rồi sau đó tặng chiếc ghế Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho Bắc Kinh. Kissinger tiết lộ cho Bắc Kinh về việc thương lượng vũ khí chiến lược với kẻ thù chung Liên Xô, Trung Quốc cũng được chuyển giao những công nghệ tiên tiến để xây dựng lại kỹ nghệ hàng không đang rệu rã. Lúc Mao biết những tin vui này, ông ta nói với những người xung quanh : « Từ khỉ, Mỹ đã biến thành người nhưng chưa hoàn toàn, vì cái đuôi vẫn còn đó ». Chu Ân Lai đế thêm : « Tổng thống Mỹ là một con điếm, trang điểm phấn son và đến tận cửa trao thân ». Khi cánh cửa Tử Cấm Thành mở ra trước Nixon hôm 21/02/1972, ông không bàn bạc cụ thể được một điểm nào với Mao. « Những vấn đề này (Đài Loan, Việt Nam, Triều Tiên) không phải là những gì để thảo luận với tôi, xin ngài trao đổi với thủ tướng ». Trong khi Nixon và Kissinger có những lời lẽ lịch sự, Mao tỏ ra cao ngạo, tin rằng Mỹ cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Mỹ. Chuyến thăm lịch sử này đã giúp ông Nixon tái đắc cử, nhưng chính Trung Quốc mới hưởng lợi nhiều nhất. Sau đó các nhà lãnh đạo nước ngoài : Canada, Úc, Pháp, Anh lần lượt đến thăm theo những điều kiện do Bắc Kinh áp đặt. Trung Quốc đặt chân vào trường quốc tế với rất ít chi phí. Học hỏi kinh tế thị trường, tạo tầng lớp tinh hoa mới Thủ tướng Margaret Thatcher khi thăm Bắc Kinh năm 1982 ngỡ rằng sẽ thuyết phục được Trung Quốc để cho Hồng Kông vẫn chịu sự quản lý của Anh, nhưng bà đã lầm to. Nhà nghiên cứu của Havard, Philippe Le Corre nói : « Chuyến đi này cho thấy sự mù quáng của người Anh, Thatcher đến Bắc Kinh với bông hoa gắn trên nòng súng (…). Đặng chấp nhận để cho Hồng Kông sống dưới chế độ tư bản một thời gian vì tin rằng có lợi cho Trung Quốc, nhằm học hỏi nhanh hơn về kinh tế thị trường ». Ông nhắc đến một phim ngắn được chiếu trên toàn Hoa lục sau đó, với cảnh bà Thatcher vấp té, một cách để cho thấy sự yếu ớt của thực dân cũ. Marcel Giuglaris, thông tín viên Le Point thời đó nhận xét, Đặng Tiểu Bình đã « đưa Trung Quốc ra khỏi luyện ngục ». Cùng với Chu Ân Lai, ông ta thực hiện « bốn hiện đại hóa » (nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, khoa học kỹ thuật), với tham vọng GDP tăng gấp bốn trong 20 năm. Đặng trả đất cho nông dân, cho phép lập doanh nghiệp, tìm kiếm công nghệ nơi phương Tây và đào tạo một thế hệ lãnh đạo mới. Đảng giảng hòa với trí thức, nhiều triệu người bị đàn áp trong Cách mạng Văn hóa được phục hồi, con cái họ được nhận vào làm việc. Trung Quốc được Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ, các trường đại học Âu Mỹ mở rộng vòng tay đón tiếp các du học sinh được Bắc Kinh gởi sang. Đặng Tiểu Bình muốn Mỹ đứng ngoài để có thể đè bẹp Việt Nam Ưu tiên của Đặng còn là đạt được sự trung lập của Mỹ ở Đông Nam Á để cạnh tranh với Liên Xô tại đây. Nhất là với Việt Nam, nơi Trung Quốc muốn chà đạp « Cuba phương Đông » (chữ dùng của Đặng). Đặng Tiểu Bình tỏ ra cởi mở, dễ mến trong các chuyến thăm Hoa Kỳ, châu Âu ; và phát minh được phương Tây trao cho vượt quá mong đợi : siêu máy tính, công nghệ quân sự. Nhật Bản cũng giúp đỡ Trung Quốc rất nhiều. Năm 1989, Bắc Kinh đạt được vô số thành tựu, và tình hình địa chính trị bỗng đảo lộn với sự xuất hiện của Mikhail Gorbatchev. Để mừng tình hữu nghị vừa tìm lại với Liên Xô – vừa ra lệnh cho Việt Nam rút khỏi Cam Bốt và cho triệt thoái khỏi Afghanistan – một hội nghị thượng đỉnh Xô-Trung được chức, với sự hiện diện của các nhà báo khắp thế giới. Nhưng giới phóng viên rốt cuộc đưa tin một sự kiện bi thảm : Thiên An Môn. Sau vụ thảm sát, Phương Tây cứng rắn với Bắc Kinh một thời gian, rồi do choáng váng trước tình trạng hỗn loạn ở Liên Xô, đã dỡ bỏ cấm vận Trung Quốc (trừ quân sự). Năm 1992, đã 88 tuổi, Đặng vẫn cố đi miền nam để thúc đẩy các đặc khu kinh tế, tạo điều kiện cho tư bản ngoại quốc mở nhà máy dệt may, sản xuất đồ chơi, giày dép, thiết bị điện tử…Năm 2001, Trung Quốc được tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để trở thành công xưởng thế giới và người khổng lồ kinh tế. Trung Quốc cất cánh nhờ được gia nhập WTO Phải chăng đó là sai lầm của phương Tây ? L’Express đặt câu hỏi. Giáo sư Christian Saint-Étienne cho rằng việc cho Trung Quốc gia nhập WTO đã phá hủy nhiều mảng công nghiệp của phương Tây trong 20 năm qua, vì không ràng buộc Bắc Kinh trong việc trợ giá doanh nghiệp. Nhờ tài trợ ồ ạt ngành pin mặt trời, Trung Quốc đè bẹp được mọi cạnh tranh và đang tiếp tục với bình điện, xe hơi chạy điện. Hoa Vi (Huawei) là ví dụ cụ thể : từ một xưởng gia công nhỏ, 20 năm sau trở thành tập đoàn toàn cầu. Với thế mạnh hiện nay, Bắc Kinh ngày càng ngạo nghễ. « Lịch sử sẽ khoan hòa với tôi vì tôi muốn viết nên lịch sử ». Chẳng biết Tập Cận Bình có ngưỡng mộ Winston Churchill hay không, nhưng ông ta đã thực hiện câu nói trên đây của cố thủ tướng Anh, không phải « viết nên » mà là viết lại lịch sử. Hội nghị trung ương tháng 11 vừa qua đã ra nghị quyết thứ hai về lịch sử, trong đó Tập Cận Bình đóng vai trò người hùng của Trung Quốc. Giáo sư Françoise Lauwaert ở Bruxelles nhận thấy những đoàn học sinh đến tham quan Bảo tàng quốc gia ở Bắc Kinh không hề biết đến Cách mạng Văn hóa lẫn Đại nhảy vọt đã làm 40 triệu người chết. Trung Quốc còn phải đối mặt với ba thử thách : chống tham nhũng (các đối thủ của Tập đã phải trả giá), chống nghèo đói, và thống nhất đất nước. Việc đàn áp Hồng Kông là chiến thắng đầu tiên, trong khi chờ đợi Đài Loan trở về với « mẫu quốc ». Chế độ Bắc Kinh lo sợ văn hóa thần tượng lấn át đảng Về đối nội, L’Obs ghi nhận sau khi đàn áp các nhà ly khai, luật sư nhân quyền, báo chí, tư thục, Tập Cận Bình tấn công vào ngành giải trí, không gian thoải mái cuối cùng của giới trẻ mà ông ta muốn điều khiển. Các nhóm nhạc nam (boy band) xuất hiện cách đây vài năm, bắt chước trào lưu K-pop của Hàn Quốc, rất được yêu chuộng tại Hoa lục. Những chàng trai cao ráo có khuôn mặt đẹp, đôi mắt quyến rũ, nước da trắng trẻo, thu hút được mấy chục triệu người trẻ nhất là các thiếu nữ. Trong bối cảnh đó, vụ bắt giam thần tượng Ngô Diệc Phàm (Kris Wu), 31 tuổi, người Canada gốc Hoa, nổi tiếng nhất trong số các ngôi sao, có tác động như một quả bom. Bị cáo buộc hiếp dâm, cựu thành viên boy band EXO bị giữ ở một nơi bí mật, nhưng các fan của anh đã quyên góp để mướn luật sư biện hộ, thậm chí giúp vượt ngục ! Có người viết trên trang của một fan-club, nếu Ngô Diệc Phàm không được thả, họ sẽ đào đường hầm để anh trốn thoát và đã mua các dụng cụ cần thiết. Tất nhiên tài khoản các fan này bị đóng, cũng như hàng ngàn nhóm thảo luận và 150.000 post khác mà nhà cầm quyền cho là « độc hại ». Văn hóa « boy band » với lực lượng người hâm mộ khổng lồ bắt đầu làm chế độ lo sợ. Năm nay những đòn sấm sét đã giáng xuống các siêu sao. Sau Phạm Băng Băng (Fan Bingbing), đến lượt Triệu Vy (Zhao Wei) bị « mất tích » mà không ai biết tại sao. Song song đó, các tập đoàn công nghệ bị trấn áp : nhờ những nền tảng này mà các follower (người theo dõi) tập hợp được với nhau. Họ chia sẻ những hoạt động của thần tượng, tấn công những ai chỉ trích, mua những sản phẩm xa xỉ mà ngôi sao đang làm đại diện, và đưa thần tượng của mình lên dẫn đầu các bảng tổng sắp. « Văn hóa hâm mộ » tạo ra những mạng lưới có tổ chức tốt và vô cùng hiệu quả. Năm 2016, kỷ niệm sinh nhật 17 tuổi của Vương Tuấn Khải (Wang Junkai), thành viên boy band TFBoy, các fan đã thuê những màn ảnh khổng lồ ở New York, Bắc Kinh, Đài Bắc, Tokyo, Paris, Seoul, Reykjavik…Năm 2018, fan của Ngô Diệc Phàm thi nhau mua album « Antares », đẩy anh lên đứng đầu iTunes, trên cả Ariana Grande. Trước việc nhà cầm quyền ra tay đàn áp ngành giải trí, thế hệ trẻ con một, từ nhỏ đã quen thuộc với mạng xã hội và các fan club là phương tiện giúp họ ra khỏi cô đơn, nay hoang mang không biết làm gì để thư giãn đầu óc. Các nhà ngoại giao Litva giã biệt Bắc Kinh trong giá lạnh Cũng liên quan đến Trung Quốc, The Economist tả lại « Cuộc từ biệt lạnh giá », khi Litva rút sứ quán ra khỏi Bắc Kinh. Đó là cuộc khủng hoảng ngoại giao tệ hại nhất giữa Trung Quốc và một quốc gia châu Âu kể từ nhiều thập niên. Một trong những câu kinh nhật tụng ưa thích của Trung Quốc là cảnh báo phương Tây về một cuộc chiến tranh lạnh mới, một thế giới hòa bình cần hợp tác « đôi bên cùng có lợi ». Mùa đông năm nay những chữ này trở nên trống rỗng tại khu ngoại giao đoàn ở Bắc Kinh. Chính Trung Quốc đã khởi động một cuộc chiến tranh lạnh không tuyên bố, và chừng như tin rằng mình là người chiến thắng. Ngày 15/12, nước cộng hòa nhỏ bé vùng Baltic sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao và gia đình khỏi Bắc Kinh « để tham vấn ». Họ rời tòa đại sứ, cửa khóa và trống rỗng, sau nhiều tháng chịu sức ép nặng nề của Trung Quốc vì Litva cho Đài Loan mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius. Từ tháng Chín, đại sứ Litva đã bị yêu cầu rời Trung Quốc, đến tháng 11 Bắc Kinh đơn phương giáng cấp đại sứ quán thành văn phòng do một đại biện lãnh đạo. Các nhà ngoại giao Litva có hạn chót là 14/12 để trả lại giấy tờ do Trung Quốc cấp để đổi sang tư cách mới. Không biết có còn giữ được quyền đặc miễn ngoại giao hay không, và không chấp nhận sự giáng cấp này, Litva chỉ thị cho tất cả nhân viên ngoại giao giữ lại giấy tờ, và ngay hôm sau bay sang Paris. Họ tụ tập tại một con đường tấp nập gần tòa đại sứ trong một buổi sáng giữa tuần trời xám xịt, người lớn vẻ mặt căng thẳng, các thiếu niên đeo tai nghe xách theo lồng đựng mèo, lên chiếc xe ca dưới sự quan sát của công an mặc thường phục. Đồng nghiệp từ các sứ quán bạn bè tiễn họ đến tận phi trường. Trung Quốc tạo ác cảm khi chèn ép Litva tí hon Từ vài tuần qua, Litva bỗng biến mất khỏi cơ sở dữ liệu của hải quan Trung Quốc khiến các nhà nhập khẩu không thể khai thuế, các công ty Đức, Pháp được cảnh báo những hàng hóa có thành phần từ Litva có thể bị chận. Bắc Kinh nghĩ rằng các cường quốc châu Âu chú trọng đến thị trường Hoa lục sẽ bỏ rơi quốc gia Baltic tí hon. Tuy nhiên họ không biết là những nước châu Âu nhỏ và trung bình không hề ưa trò ỷ mạnh hiếp yếu. Không thích ông Trump vì chính sách « Nước Mỹ trước hết », châu Âu cũng rất ghét thói quen cưỡng ép của Trung Quốc, đặc biệt là khi nó đe dọa tính toàn vẹn của thị trường chung châu Âu. Ngay cả Hungary vốn thân thiết với Bắc Kinh cũng bênh vực Litva. Sự xua đuổi một sứ quán khỏi Bắc Kinh sẽ không được nhanh chóng quên đi./.  
......

Công ty tại tỉnh Khánh Hòa nhận giải ‘Doanh nghiệp xuất sắc’ của Ngoại trưởng Hoa Kỳ

Việt Nam - VOA Một công ty tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, mới được trao giải thưởng “Doanh nghiệp Xuất sắc” của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken hôm 8/12 đã trao tặng “Giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc” (ACE) 2021 ở hạng mục “Đổi mới Sáng tạo trong lĩnh vực Khí hậu” cho Công ty Australis Aquaculture. Tin cho hay, công ty của Hoa Kỳ này được cho là đã “tiên phong áp dụng mô hình nuôi trồng thuỷ sản trên đại dương, thích ứng với biến đổi khí hậu, tại vùng biển nhiệt đới miền Trung Việt Nam”. Cơ quan ngoại giao Mỹ cho biết thêm rằng công ty Australis, có trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa, “cũng đang phát triển công nghệ nuôi trồng một loài tảo biển có tiềm năng giảm phát thải khí mê tan từ việc chăn nuôi khi loại tảo này được đưa vào thức ăn gia súc”. Đại sứ quán Mỹ dẫn lời Đại biện lâm thời Hoa Kỳ Marie C. Damour phát biểu tại buổi lễ trao giải trực tuyến rằng “việc đánh bắt quá mức trên biển và biến đổi khí hậu đang làm gia tăng rủi ro với chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu và các nền kinh tế biển trên toàn thế giới”. “Nhờ vào cách thức nuôi trồng và chế biến của mình, Công ty Australis đã phát triển một mô hình mới, có quy mô lớn cho việc nuôi trồng thuỷ sản trên biển, tạo ra nguồn lợi kinh tế cho người lao động và các cộng đồng ven biển, góp phần tăng cường an ninh lương thực toàn cầu, bảo vệ các nguồn lợi thuỷ hải sản trong tự nhiên, và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu”, bà Damour nói thêm. Giám đốc Điều hành Công ty Australis Aquaculture Josh Goldman cũng được dẫn lời phát biểu cho biết “rất vinh dự được đại diện Công ty Australis Aquaculture nhận giải thưởng này, và chúng tôi vô cùng tự hào khi những nỗ lực nhằm đem lại một mô hình nuôi trồng thuỷ sản mới bền vững ở vùng biển nhiệt đới đã được Chính phủ Hoa Kỳ công nhận”. Ông Goldman được đại sứ quán Hoa Kỳ dẫn lời nói tiếp rằng “chúng tôi cũng muốn bày tỏ lòng cảm kích sâu sắc với Chính phủ Việt Nam và tỉnh Khánh Hoà vì đã đồng hành hỗ trợ chúng tôi thực hiện tầm nhìn nuôi trồng thuỷ sản thích ứng với biến đổi khí hậu”. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Giải thưởng ACE thường niên của Ngoại trưởng công nhận và tôn vinh những công ty Hoa Kỳ luôn giữ vững những tiêu chuẩn cao như những thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng. Ra đời từ năm 1999, giải thưởng này tôn vinh cách thức các công ty Hoa Kỳ đại diện các giá trị Mỹ trong việc kinh doanh, đồng thời tuân thủ các phương thức thực hành tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Tin cho hay, ngoài công ty Australis, các doanh nghiệp còn lại nhận giải thưởng ACE còn lại là: Công ty Purnaa ở Nepal và Công ty Mastercard ở Ấn Độ cho hạng mục Hoà nhập Kinh tế; Công ty Zipline từ Ghana và Công ty 3M ở Singapore cho hạng mục An ninh Y tế; và Công ty Patagonia tại Argentina cho hạng mục Đổi mới Sáng tạo trong lĩnh vực Khí hậu. Liên quan tới hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ mới đây đã hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường tại Việt Nam. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hôm 23/11 cho biết sự hỗ trợ của phía Mỹ đối với sáng kiến Chỉ số Xanh nhằm thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường tại Việt Nam. Được khởi xướng bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và thực hiện với hỗ trợ từ USAID và Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (SPVB), Chỉ số Xanh là sáng kiến nhằm thúc đẩy cải cách thể chế về môi trường và hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, theo USAID. Theo USAID, chỉ số Xanh hướng tới đánh giá và xếp hạng chất lượng môi trường tại 63 tỉnh, thành phố qua góc nhìn của doanh nghiệp, tìm hiểu về thái độ ứng xử với môi trường của doanh nghiệp cũng như mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ/thực hành thân thiện với môi trường của doanh nghiệp. Ngoài ra, chương trình hợp tác 3 bên này mong muốn đưa Chỉ số Xanh trở thành một công cụ hữu ích nhằm cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách và phát triển hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường./.
......

Tầm vóc

Thục Quyên Ngày 15-12-2021 vừa qua, cô sinh viên 20 tuổi Daria Navalnaya, con gái của Alexei Navalny, đã đến Strasbourg nhận Giải thưởng Sakharov của Nghị viện Âu châu thay cho người cha đang bị cầm tù của mình. Cùng đi với Daria là Leonid Volkov, được trân trọng giới thiệu là cố vấn chính trị, và Kira Yarmysh, phát ngôn viên của ông Navalny. (1) Alexei Navalny, hiện đang thụ án tù tại một trại lao động cưỡng bức của Nga. Ông là nhân vật đối lập hàng đầu của đất nước này trong hơn một thập kỷ, nổi tiếng với cuộc chiến chống tham nhũng và chống tình trạng vi phạm nhân quyền của điện Kremlin. Giải thưởng Sakharov về Tự do Tư tưởng là sự tôn vinh cao nhất mà Liên minh Âu châu dành cho công tác nhân quyền. Giải thưởng đã được trao cho những cá nhân, nhóm và tổ chức có đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ quyền Tự do Tư tưởng. Thông qua giải thưởng và mạng lưới liên kết của nó, EU hỗ trợ những người đoạt giải trong nỗ lực bảo vệ chính nghĩa của họ. Giải thưởng đặc biệt thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, quyền của người thiểu số, tôn trọng luật pháp quốc tế, phát triển dân chủ và thực hiện pháp quyền. Trong lời giới thiệu của mình, Chủ tịch Nghị viện David Sassoli đã ca ngợi lòng dũng cảm của Navalny: “Ông ta đã bị đe dọa, tra tấn, đầu độc, bắt giữ, tống giam, nhưng họ không thể thực sự khiến ông ta ngừng cất tiếng … Navalny đã từng nói, tham nhũng luôn luôn thịnh vượng ở những nơi không có sự tôn trọng nhân quyền, và tôi tin rằng ông ấy hoàn toàn đúng. Cuộc chiến chống tham nhũng cũng là cuộc chiến vì sự tôn trọng các quyền con người. Phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Navalny!” Lên nhận giải thưởng thay cho cha, Daria Navalnaya đã chỉ trích dữ dội những người theo chủ nghĩa thực dụng để chủ trương xoa dịu các nhà độc tài, và nhấn mạnh rằng, Âu châu cần phải trung thành với những lý tưởng của mình: “Khi tôi viết thư cho cha tôi và hỏi, xin  cha cho biết chính xác cha muốn con nói gì trong bài phát biểu? Thì ông đã trả lời: Nói rằng không ai được đánh đồng Nga với chế độ của Putin. Nga là một thành phần của Âu châu, và chúng tôi đang phấn đấu để điều này trở thành hiện thực. Nhưng chúng tôi cũng muốn Âu châu phải phấn đấu cho chính mình, vì những lý tưởng tuyệt vời đó là cốt lõi của Âu châu. Chúng tôi nỗ lực vì một Âu châu của những ý tưởng, của sự tôn vinh nhân quyền, của dân chủ và liêm chính”. Năm 2020, Nghị viện Âu châu đã trao giải thưởng Sakharov cho phe dân chủ đối lập chính quyền Belarus, đại diện bởi hai nhà hoạt động xã hội dân sự nữ, Swjatlana Zichanouskaja và Weranika Zapkala.(2) Chủ tịch Nghị viện David Sassoli đã giải thích lý do trao giải: “Cả thế giới đều nhận thức được những gì đang xảy ra trên đất nước của các bạn. Chúng tôi thấy lòng dũng cảm của các bạn. Chúng tôi thấy lòng dũng cảm của người phụ nữ. Chúng tôi thấy sự khổ đau của các bạn. Chúng tôi thấy những hành vi lạm dụng bất lương của họ. Chúng tôi thấy những bạo lực của họ. Tham vọng và quyết tâm của các bạn để được sống trong một quốc gia dân chủ là nguồn cảm hứng cho chúng tôi“. Những người đại diện như Daria Navalnaya, Swjatlana Zichanouskaja và Weranika Zapkala dù cũng đang mang thân phận phải sống lưu vong nhưng lúc nhận giải không có thái độ qụy lụy xin xỏ. Tiếng nói của những nhà hoạt động xã hội dân sự này của Nga và Belarus có tầm vóc buộc Liên minh Âu châu phải lắng nghe, vì họ đại diện cho tiếng nói của hàng trăm ngàn người tại quê nhà của họ vẫn đang thách thức độc tài đàn áp, đổ ra đường ngày này qua tháng khác tranh đấu cho Tự do Dân chủ. Nhìn họ để ngậm ngùi cho những người tranh đấu đơn độc tại Việt Nam, một đất nước mà dân chỉ đổ ra đường khi có bóng đá hay siêu sao, chỉ cất tiếng trên mạng xã hội để ồn ào chuyện phiếm hay cùng lắm là khóc thương, chửi rủa. Một dân tộc không còn khí phách. Một dân tộc đang đi vào đường cùng. _______ Chú thích: (1) https://www.europarl.europa.eu/sakharovprize/en/home (2) https://www.europarl.europa.eu/news/en/headlines/eu-affairs/20201210STO93502/belarusian-opposition-receives-2020-sakharov-prize  
......

Hy Lạp: Đồng minh mới của Mỹ ở Địa trung hải

Trong một thời gian dài, Mỹ đã dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy các lợi ích của mình trong khu vực. Nhưng vì chính sách khôn lường của Erdogan, Washington đang tìm kiếm các giải pháp thay thế và đang chuyển hướng sang Hy Lạp. Điều đó có thể gây ra hậu quả cho toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. USS Eisenhower là một tàu chiến quan trọng của Mỹ. Chính nhờ con tầu này mà máy bay phản lực của Mỹ đã cất cánh trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố IS, nó đã hoạt động trong cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh và hỗ trợ nhiệm vụ tác chiến ở Afghanistan. Tháng 3 vừa qua, con tầu này đi vào Địa Trung Hải và lên đường đến đảo Creta của Hy Lạp. Ở đó USS Eisenhower đã tiếp đón một vị khách nổi tiếng: Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis của Hy Lạp. Ông tuyên bố: “Liên minh giữa hai nước chúng ta đang chặt chẽ hơn bao giờ hết. Đại sứ Hoa Kỳ Geoffrey Pyatt trả lời: “Tôi xin thay mặt Tổng thống Biden (…) xin khẳng định chúng tôi quyết định đưa mối quan hệ giữa hai nước chúng ta lên một tầm cao hơn nữa.” Là điểm kết nối giữa châu Âu, Trung Đông và châu Phi, Địa Trung Hải có tầm quan trọng chiến lược, không chỉ với các nước láng giềng, mà còn với cả các cường quốc là đối thủ cạnh tranh trên thế giới. Trong một thời gian dài Mỹ đã dựa vào đối tác NATO là Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy các lợi ích của mình tại đây. Nhưng kể từ khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan liên tục có những hành động đi ngược lại các lợi ích của phương Tây, Ankara bị coi là một ứng cử viên thiếu vững chắc. Trong khi đó, Hy Lạp đang cố gắng hết sức để thể hiện bản thân là một giải pháp thay thế đáng tin cậy. Thổ Nhĩ Kỳ không hề hài lòng về điều này. “Cả nước Hy Lạp đã trở thành căn cứ của Mỹ”, ông Erdogan phàn nàn hồi giữa tháng 11. Washington đã “chọn nhầm đối tác”. Thật vậy, mối quan tâm của Mỹ đối với khu vực này đang thay đổi. Hồi tháng 10, Washington và Athen đã gia hạn hợp đồng sử dụng căn cứ hải quân và không quân tại Souda trên đảo Creta trong 5 năm, nơi Mitsotakis đã đến thăm chiến hạm USS Eisenhower. Cho đến lúc đó, hiệp định này đã phải đàm phán lại hàng năm. Hoa Kỳ cũng có thể được sử dụng một số căn cứ mới trong tương lai, như các sân bay ở miền trung Hy Lạp và cảng Alexandroupolis có tầm quan trọng chiến lược gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó, các hoạt động quân sự ở Balkan, Đông Âu và Đông Địa Trung Hải sẽ được hỗ trợ về mặt hậu cần. Endy Zemenides, giám đốc điều hành của Hội đồng Lãnh đạo Mỹ - Hy Lạp (HALC), cho biết: “Theo quan điểm chung hiện nay, Hy Lạp là quốc gia tuyến đầu bảo vệ các lợi ích an ninh của phương Tây và Mỹ”. Ông nói về sự tái tổ chức ở khu vực Địa Trung Hải, nơi Hy Lạp, Síp và Israel là trung tâm. Các quốc gia muốn hợp tác trong lĩnh vực khí đốt thiên nhiên đang hình thành xung quanh ba quốc gia này, Ai Cập và Jordan nằm trong số đó; EU và Mỹ có tư cách là quan sát viên. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở bên ngoài, đó là lý do tại sao Ankara nhìn tổ chức này với con mắt ngờ vực. Từ lâu, điều này không chỉ có ý nghĩa về lợi ích kinh tế. Zemenides nói: “Nếu bạn bắt đầu thể chế hóa sự hợp tác trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên, thì ắt sẽ dẫn đến một sự hợp tác liên quan đến an ninh và chính trị. Ngay từ bây giờ chúng ta đã nhận thức được điều đó.” Nhờ vị trí địa lý của mình, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một bên đóng vai trò quan trọng trong NATO ở khu vực Địa Trung Hải, Biển Đen và Caucasia. Nước này có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dòng người di cư, qua đó đã giúp EU thoát một lộ trình đầy khó khăn. Tuy nhiên, việc Erdogan hợp tác với Nga chống lại lợi ích của Mỹ đã khiến cho quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng và bị ảnh hưởng lâu dài. Ankara phần lớn bị cô lập về chính sách đối ngoại, trong khi Athen đã thành công trong việc tạo dựng các liên minh. Chiến lược của Hy Lạp là nhằm “thu hẹp khoảng cách và tận dụng căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều nước khác”, cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ömer Önhon cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Karar. Trong trường hợp của Hy Lạp, không có căng thẳng nào gây gánh nặng cho mối quan hệ với Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thậm chí còn gọi Hy Lạp là “nhà lãnh đạo khu vực và trụ cột của sự ổn định”. Một số nhà quan sát coi Athens là đối tác tốt hơn và kêu gọi nên có sự chuyển dịch nhất quán hơn nữa từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp. Một báo cáo gần đây của Viện Do Thái về An ninh Quốc gia của Mỹ (JINSA), đã đề cập Vịnh Souda ở Creta như một sự thay thế cho căn cứ không quân Incirlik của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại có thể gây nguy hại cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đó. Zemenides cho biết, mặc dù có thể thay thế Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò đối tác an ninh, nhưng đây không phải là mục tiêu của Mỹ, Hy Lạp, Síp hay Israel. Với tư cách là một “nhà nước pháp quyền và một đồng minh đáng tin cậy”, Ankara vẫn có nhiều giá trị ở trong khu vực. Mối quan hệ đối tác chặt chẽ của Mỹ với Hy Lạp nên được hiểu như một thông điệp: người ta đã có các giải pháp thay thế . Zemenides nói: “Chúng tôi cố gắng bắn ra tín hiệu: Hãy chú ý, con tầu sắp rời bến mà vẫn chưa thấy bạn. Hiện chúng tôi vẫn chờ đợi xem liệu thông điệp này có đến được Ankara hay không.” ---- * Nguồn tiếng Anh: “Griechenland: Der neue US-Verbündete im Mittelmeer”, WELT, 13/12/2021. Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài * Nguồn tiếng Việt: http://nghiencuuquocte.org/.../hy-lap-dong-minh-moi-cua.../  
......

Việt Nam: Nhà nước muốn bịt miệng Phạm Đoan Trang như thế nào

Lưu Thủy Hương Süddeutsche Zeitung là tờ báo với số lượng ấn phẩm lớn hàng thứ hai ở Đức. Ngày 15. 12. 2021, cùng với nhiều tờ báo khác tại Đức, họ đưa tin về Phạm Đoan Trang. Tôi dịch nguyên văn bản tin với tựa đề ban đầu: “Vietnam: Wie der Staat Pham Doan Trang zum Schweigen bringen will”: https://www.sueddeutsche.de/.../vietnam-pham-doan-trang...   Tôi không bình luận, tôi chỉ dịch để giới thiệu với nhà nước Việt Nam cái nhìn của người Đức về vấn đề cô Phạm Đoan Trang.   * Süddeutsche Zeitung   Việt Nam: Nhà nước muốn bịt miệng Phạm Đoan Trang như thế nào   Phạm Đoan Trang đã đối đầu với chế độ độc đảng chuyên quyền tại Việt Nam trong 20 năm - và bây giờ phải trả giá bằng 9 năm tù.   Bài của David Pfeifer   Từ một năm nay người ta không có tin tức gì về Phạm Đoan Trang, 43 tuổi. Nhà báo và nhà hoạt động Việt Nam đã bị bắt tại căn hộ của cô ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 năm 2020, và bị giam cầm, chỉ vài giờ sau khi đối thoại nhân quyền thường niên Hoa Kỳ - Việt Nam kết thúc. Người ta đưa cô về Hà Nội và tống vào khu biệt giam. Mãi một năm sau cô mới được nói chuyện với luật sư của mình. Theo sau đó là một phiên tòa xét xử, mà trong nhiều tuần không có thông tin lộ ra bên ngoài, ngoại trừ tội danh: "Tuyên truyền chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999. Vì điều này cô nhận bản án 9 năm tù.   Cho đến khi bị bắt, Phạm Đoan Trang chủ yếu viết về các vấn đề chính trị và công bằng xã hội. Năm 2000, cô bắt đầu làm việc cho tạp chí Internet đầu tiên là VnExpres. Cô chuyển sang các kênh truyền hình trực tuyến và viết sách, bao gồm cả việc phân biệt đối xử với người đồng tính ở Việt Nam. Cô là người sáng lập tạp chí độc lập Luật Khoa và là biên tập viên của Tạp chí Người Việt.   Ở Việt Nam, tự do báo chí là chuyện đặc biệt tồi tệ   Các đồng nghiệp của cô ở Việt Nam đã lập một trang chân dung cho Phạm Đoan Trang ngay sau khi cô bị bắt. Ở đó cô nói về tuổi trẻ của mình. "Tôi đã mượn sách âm nhạc của bạn bè để chép lại Beatles, bằng thứ tiếng Anh kém cỏi và ngữ pháp tệ hại ... Nhưng đó là cách tôi lớn lên - cùng với Beatles." Cô đã học ngành kinh tế quốc tế và khám phá ra internet. Cô kể rằng, hệ thống mạng điện tử đã thúc đẩy ý thức chính trị của cô: “Vào thời đó, chúng tôi không có nhiều sách, và thực tế mà chúng tôi thấy đã không như những cuốn sách đó. Những người siêng năng hơn trong đám chúng tôi, tìm thấy các bản tin kinh tế của nước ngoài – từ ngôn ngữ khác hoặc đã được dịch sang tiếng Việt - một nguồn thông tin tuyệt vời."   Theo "Committee to Protect Journalists" ở New York, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều phóng viên bị bỏ tù nhất, với ít nhất 23 nhân viên ngành truyền thông phải ngồi tù. Trong danh sách tự do báo chí toàn cầu của Tổ chức phóng viên không biên giới, Việt Nam đứng thứ 175/180 quốc gia. Trong những năm vừa qua, Phạm Đoan Trang đã nhiều lần bị đánh đập, bị bắt cóc, bị giam giữ và bị quản thúc. Cô bị thương nặng đến mức đi khập khiễng và phải chống nạng sau một lần phẫu thuật.   Nỗi sợ hãi lớn nhất của cô? Viết sai một cái gì đó   Vào tháng 5 năm 2016, cảnh sát đã ngăn cản cô tham dự cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Kể từ năm 2017, cô phải thay đổi chỗ ở thường xuyên. Điều đó không ngăn cản được nỗi sợ của cô, "tôi sợ nhiều thứ, nhưng nỗi sợ lớn nhất của tôi là viết sai một điều gì đó". Cô không chỉ đứng về phía người yếu kém mà còn bảo vệ môi trường. Vào tháng 1 năm 2020, Phạm Đoan Trang lên tiếng về một cuộc xung đột dẫn đến cái chết của ba công an và một trưởng thôn. Đó là việc xây dựng một sân bay quân sự trên đất nông nghiệp mà dân làng ngoại ô Hà Nội đang canh tác. Hai nhà hoạt động khác có liên quan đến vụ án hiện cũng bị đưa ra xét xử.   Phil Robertson, giám đốc đại diện khu vực châu Á tại "Human Rights Watch" nói về bản án: "Ngòi bút nổi tiếng Phạm Đoan Trang phải đối mặt với đòn trả thù nặng nề của chính quyền vì nhiều năm nay cô tranh đấu cho tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhân quyền". "Nhà chức trách Việt Nam qua sự khủng bố của họ, cho thấy họ sợ hãi việc lan truyền những tiếng nói chỉ trích như thế nào."   Phạm Đoan Trang từng nói: "Là một nhà báo Việt Nam, có nhiều lý do để buồn phiền. Nếu muốn tâm hồn thanh thản, có lẽ người ta không nên là nhà báo"./.   #PhạmĐoanTrang #SüddeutscheZeitung  
......

Tuyên bố của Liên Minh Châu Âu về các bản án đối với các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền

TUYÊN BỐ CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU VỀ CÁC BẢN ÁN ĐỐI VỚI CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ NHÂN QUYỀN   Brussels, 16/12/2021   Liên minh châu Âu kêu gọi trả tự do cho nhà báo và blogger Việt Nam Phạm Đoan Trang, người đã bị kết án 9 năm tù tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 14 tháng 12 với tội danh mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước”. Các hành động chống lại bà Phạm Đoan Trang vì những hoạt động báo chí ôn hòa nhằm để bảo vệ các quyền dân sự và chính trị là vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam, đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia kể từ năm 1982.   Ba nhà vận động nhân quyền khác cũng đã bị kết án với tội danh tương tự. Vào ngày 15 tháng 12, ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm lần lượt bị kết án 10 năm tù và 6 năm tù vì đã điều tra, lập hồ sơ và gây chú ý cho công chúng về các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Vào ngày 16 tháng 12, nhà bảo vệ nhân quyền Đỗ Nam Trung bị kết án 10 năm tù.   Liên minh Châu Âu cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Nhiều vụ bắt giữ tùy tiện những người biểu tình ôn hòa và các nhà báo là điều trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế. Liên minh châu Âu kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ tùy tiện và bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho mọi cá nhân. Liên minh Châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, và làm việc với các cơ quan chức năng nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.   Phát ngôn nhân về Đối Ngoại và Chính sách An ninh của Liên Minh Châu Âu   Peter Stano https://eeas.europa.eu/.../Vietnam:%20Statement%20by... #ViệtTân #nhânquyền
......

Liên Hiệp Quốc lên án các phiên toà xử những nhà hoạt động ở Việt Nam liên tiếp trong tháng 12

Những nhà hoạt động vừa bị kết án trong tháng 12/2021 RFA| Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 17/12/2021 ra thông cáo báo chí lên án các phiên toà dồn dập và các bản án nặng nề mà chính quyền Việt Nam dành cho các nhà hoạt động và nhà báo ở Việt Nam trong tháng 12 năm nay, đồng thời kêu gọi Hà Nội phải trả tự do ngay lập tức cho những người này. Liên tiếp trong vòng ba ngày của tuần này, các toà án ở Việt Nam đã kết án bốn nhà hoạt động vì quyền con người bao gồm: Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Đỗ Nam Trung với các cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước. Cụ thể, nhà báo Phạm Đoan Trạng bị tuyên án tù chín năm và năm năm quản chế sau hơn một năm giam giữ để điều tra; Trịnh Bá Phương - nhà hoạt động vì quyền đất đai - bị tuyên án tù 10 năm và năm năm quản chế trong cùng một phiên toà với bà Nguyễn Thị Tâm - người bị tuyên án sáu năm tù và ba năm quản chế; Đỗ Nam Trung - nhà hoạt động từng lên tiếng phản đối các trạm thu phí đường bộ BOT đặt sai quy định và tham nhũng - bị tuyên án 10 năm tù và bốn năm quản chế. Trong khi đó, ông Lê Trọng Hùng, người từng ứng cử vào ghế đại biểu Quốc hội, cũng sẽ bị ra toà vào ngày 31/12 tới đây với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước. “Các cáo buộc chống lại năm người này, những người đã báo cáo về quyền con người và quyền đất đai và bị bắt giữ vào các năm 2020 và 2021, dường như là một phần trong một chiến dịch nhằm làm im lặng và đe doạ những người dám lên tiếng bảo vệ quyền con người”, thông cáo báo chí của UN viết. Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhận định tiếp: “Tất cả các trường hợp này là nối tiếp một tình trạng lặp lại đáng lo ngại làm dấy lên vấn đề nghiêm trọng về việc suy đoán vô tội, tính pháp lý trong việc giam giữ họ, và sự công bằng của phiên toà. Có tình trạng giam giữ mà không không được tiếp xúc với bên ngoài trước khi xét xử, kết án với tội danh được định nghĩa mù mờ như “tuyên truyền chống Nhà nước”, từ chối không cho tiếp xúc với luật sư, xét xử kín không tuân thủ các tiêu chuẩn về xét xử công bằng của quốc tế” Nhận định về việc Hà Nội dồn dập mở các phiên toà xét xử những nhà hoạt động trong tháng 12 với các bản án nặng nề, nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở TPHCM trả lời RFA qua tin nhắn: “Theo tôi có hai lý do chính quyền xử án những người đấu tranh dân chủ liên tục vào cuối năm, thứ nhất, cuối năm ngành công an cần chốt sổ, chốt thành tích để làm chiến công báo cáo và thứ hai các đại sứ quán, bộ ngoại giao các nước cũng tập trung nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới nên sẽ không có khả năng phản ứng. Còn việc chính quyền xử án rất nặng những người đấu tranh dân chủ, theo tôi lý do chính là để răn đe những người đấu tranh khác, răn đe những ai đang muốn tham gia vào phong trào dân chủ. Một lý do nữa là chính quyền Việt Nam tự tin là các nước dân chủ cần Việt Nam đối trọng với Trung Cộng, vấn đề nhân quyền là thứ yếu nên họ vẫn xử án nặng, cũng là để người dân VN đừng hy vọng gì vào sự can thiệp quốc tế về vấn đề nhân quyền. Một điểm nữa là Bộ Công an muốn chứng tỏ uy quyền tuyệt đối so với Bộ Ngoại giao.” Cao uỷ Nhân quyền LHQ trong thông cáo mới cũng kêu gọi Việt Nam huỷ bỏ các điều luật mù mờ dùng để kết án những người bất đồng chính kiến vì không phù hợp với thông lệ về nhân quyền của quốc tế, đồng thời cảnh báo những trường hợp kết án như vậy chỉ làm xấu thêm tình trạng tự kiểm duyệt và ảnh hưởng tới tự do báo chí. “Các trường hợp như vậy cũng ngăn cản người dân thực hiện các quyền căn bản của mình và tham gia vào tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng”, thông cáo báo chí của UN viết. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/un-urges-vn-to-release-activists-who-stand-trials-in-dec-12172021065009.html  
......

Đây có phải là cách Thế chiến thứ Ba bắt đầu?

THE STRATEGIST  by John Storey – 9 Dec 2021 (John Storey là một luật sư và nhà sử học quân sự, là tác giả của cuốn  Big wars: why do they happen and when will the next one be? – Các cuộc Chiến tranh lớn: tại sao chúng xảy ra và khi nào thì cuộc chiến tiếp theo sẽ xảy ra?) Ba Gai - Ba Sàm lược dịch| Vào tháng 10, Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội liên quan của nó đã ngừng hoạt động trong vòng 6 giờ, trong những tình huống bí ẩn. Cùng ngày, Trung Quốc đã gửi 52 máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đây là cuộc tấn công lớn nhất và khiêu khích nhất từ ​​trước đến nay. Nếu các nhà lý luận quân sự đúng, những tiêu đề như thế này sẽ là tiền thân của Thế chiến thứ Ba. Một cuộc xâm lăng Đài Loan của Trung Quốc là một kịch bản mà nhiều người lo ngại sẽ là chất xúc tác cho một cuộc chiến tranh quốc tế lớn tiếp theo. Và hầu hết các chuyên gia tin rằng chiến tranh mạng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong một cuộc xung đột như vậy, hoặc thực sự là bất kỳ cuộc chiến tranh tầm cỡ quốc tế nào đó trong tương lai. Vì vậy, một cuộc tấn công mạng nhằm đánh bật giới truyền thông Mỹ,  nhằm che giấu hoặc đánh lạc hướng sự chú ý khỏi động thái của Trung Quốc chống lại Đài Loan, không phải là chuyện viển vông. Để cho rõ ràng, không có gợi ý nào cho rằng việc Facebook ngừng hoạt động và sự xâm nhập của Trung Quốc có liên quan đến nhau. Nhưng đó là một lời nhắc nhở kịp thời về việc thế giới mạng của chúng ta dễ bị tấn công như thế nào. Chiến tranh mạng sẽ đóng vai trò gì cho một cuộc xung đột trong tương lai và nó có quan trọng như các hoạt động quân sự truyền thống hay không? Có ba cách mà chiến tranh mạng có thể đóng một vai trò nào đó: như một giải pháp thay thế, như một bước khởi đầu, hoặc cùng lúc với các hoạt động     quân sự thông thường. Một số người tin rằng kịch bản chiến tranh mạng đang nổi lên sẽ thay thế hoàn toàn các hoạt động quân sự truyền thống, hoặc thực tế là nó đã xảy ra. Điều đó có thể đúng, nhưng nếu vậy thì không có gì đáng lo ngại. Việc đóng cửa Facebook, đóng cửa đường ống dẫn dầu hoặc can thiệp vào hoạt động của nhà máy điện, sân bay, ngân hàng hoặc nhà máy đều gây gián đoạn và tốn kém. Nhưng thiệt hại là tạm thời, và thế giới sẽ tiếp tục hoạt động. Tội phạm mạng là một phần như thứ tạp âm của nền kinh tế hiện đại, cho dù là do các tin tặc đơn độc, các nhóm tội phạm có tổ chức hay các tổ chức nhà nước xúi giục. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có hao tổn. Bảo vệ bằng sự kháng cự và đối phó với các cuộc tấn công mạng là một sự tổn đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng các quốc gia hiện đại là những thể chế mạnh mẽ và kiên cường. Nếu các hoạt động mạng là kế hoạch duy nhất mà một quốc gia áp dụng để đánh bại kẻ thù, thì sẽ mất một thời gian rất dài và chắc chắn sẽ liên quan đến hành động có đi có lại chống lại bên khởi xướng có thể gây thiệt hại tương ứng. Nếu đó là điều mà Thế chiến thứ Ba sẽ diễn ra, chúng ta có thể yên tâm ngủ ngon. Tất nhiên, một cuộc tấn công mạng hiệu quả cao có thể đóng cửa cả một quốc gia trong một thời gian. Hãy tưởng tượng sự gián đoạn đối với một nền kinh tế phát triển hiện đại nếu nó bị mất điện, liên lạc và truy cập internet cùng một lúc và nó tiếp tục trong nhiều tháng. Nhưng một cuộc tấn công như vậy sẽ tàn khốc đến mức nạn nhân có thể cảm thấy kẻ thù đã vượt qua lằn ranh đỏ và đó là một hành động chiến tranh công khai. Sự trả thù có lẽ sẽ không chỉ giới hạn trong không gian mạng. Các hoạt động không gian mạng có thể tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự thông thường (chẳng hạn như xâm lược Đài Loan) bằng cách làm gián đoạn liên lạc của bên kia, làm cho các trang thiết bị quân sự của họ tạm thời bất lực không thể phản ứng. Các lực lượng quân sự hiện đại bị mù nếu không có radar và hình ảnh vệ tinh, điếc nếu không có internet và câm lặng nếu không có hệ thống viễn thông an toàn. Trong một cuộc chiến ngắn, đây có thể là tất cả những gì cần thiết. Nếu Đài Loan tạm thời bị che mắt bởi một cuộc tấn công mạng, trong một tháng sau, đất nước này có thể bị tàn phá mà người Đài Loan sẽ không có một đòn phản công nào. Nhưng trong một cuộc chiến dài hơn, bất kỳ lợi ích nào của việc tung một đòn đánh qua mạng đầu tiên sẽ chỉ là tạm thời. Hệ thống chắc chắn sẽ được khôi phục hoặc tìm thấy các giải pháp thay thế. Một con tàu trên biển có thể bắn súng và tên lửa mà không cần vệ tinh. Các kíp xe tăng và lính mặt đất hoàn toàn có khả năng hạ gục kẻ thù của họ trước khi có Internet. Trong Thế chiến thứ Hai, Đức giáng một đòn đầu tiên tàn khốc vào Liên Xô vào tháng 6 năm 1941 khi nước này tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ – Chiến dịch Barbarossa – khiến không quân Liên Xô trên thực địa và quân đội của họ không được chuẩn bị sẵn sàng. Nhật Bản cũng đã thành công trong việc đánh bật các bộ phận lớn của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng trong một cuộc tập kích bất ngờ. Những thành công ban đầu này không mang lại chiến thắng cho phe Trục. Các nguồn lực lớn hơn của Đồng minh cho thấy họ đã phục hồi, tiêu diệt kẻ thù của mình và nghiền nát chúng. Một Trân Châu Cảng trên không gian mạng không có gì đảm bảo cho sự thành công lâu dài. Trong một cuộc chiến tranh hiện đại kéo dài và dằng dai, các hoạt động không gian mạng sẽ đóng một vai trò quan trọng. Các lực lượng quân sự không còn có thể dựa vào các vệ tinh mà họ đã quá phụ thuộc vào. Các nền tảng vũ khí đắt tiền dựa vào thông tin liên lạc hiện đại để vận hành có thể chứng tỏ sự đầu tư lãng phí so với các loại xe tăng, súng và pháo kiểu cũ. Nhưng các hoạt động không gian mạng không có khả năng tự quyết định. Trong nhiều năm, những người đam mê không quân đã dự đoán rằng ném bom chiến lược sẽ thay thế nhu cầu của các hoạt động mặt đất truyền thống. Chúng ta vẫn đang chờ đợi. Riêng lực lượng không quân thì chưa bao giờ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh (khác hẳn với việc góp phần vào chiến thắng). Các sự kiện thường được quyết định trên mặt đất. Tương tự như vậy, các cuộc chiến trong tương lai khó có thể được quyết định chỉ trong không gian mạng. Mối nguy thực sự của chiến tranh mạng không phải là nó sẽ thay thế các hoạt động quân sự thông thường, mà là nó sẽ kích động chúng. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình khá rõ ràng khi đối phó với xe tăng, tàu chiến và máy bay, nhưng lại có màu xám không rõ ràng khi đối phó với phần mềm độc hại và phần mềm điều khiển tự động các tác vụ trực tuyến. Nếu các quốc gia cảm thấy an toàn hơn khi tham gia vào cuộc xung đột đằng sau bức màn ẩn danh do Internet cung cấp, thì nguy cơ xảy ra một tính toán sai lầm thảm khốc sẽ tăng lên. Ba Sàm lược dịch *** Đài Loan có thể tập trận chung với Mỹ và đồng minh Cẩm Bình RIMPAC đem lại cơ hội tập trận chung với Mỹ và các nước khác cho Đài Loan - Ảnh: USNI News Nếu Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2022 được Thượng viện Mỹ thông qua và Tổng thống Joe Biden ký ban hành, Đài Loan có thể tham gia tập trận chung Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) sắp tới. NDAA vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ với tỷ lệ ủng hộ áp đảo. Phiên bản được Hạ viện Mỹ ủng hộ có nội dung kêu gọi tiến hành hoạt động huấn luyện cùng tập trận thiết thực với Đài Loan. Theo đó, nếu được Mỹ sẽ mời Đài Loan tham gia RIMPAC năm 2022 để giúp đỡ lực lượng phòng vệ của đảo tự trị tăng cường năng lực. Sắp tới Thượng viện Mỹ sẽ xem xét và bỏ phiếu, nếu thông qua sẽ đưa sang Tổng thống Biden. Theo thạc sĩ Richard Bitzinger thuộc Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam (Singapore): “Quyết định cuối cùng tùy thuộc vào việc Tổng thống Biden đánh giá mời Đài Loan tham gia có đáng hay không. Hiện tại, tôi nghĩ cơ hội Đài Loan được mời là 50/50”. RIMPAC là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, tổ chức mỗi hai năm một lần tại vùng biển quanh Hawaii. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (nay là Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) chịu trách nhiệm chỉ huy. Trung Quốc từng tham gia vào năm 2014 và 2016, nhưng bị loại khỏi vào năm 2018 và 2020. Cựu đại tá hải quân Mỹ Grant Newsham nhận định: “Đài Loan tham gia RIMPAC mang ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, đóng vai trò như dấu hiệu cho thấy Mỹ và các nước tham gia RIMPAC khác ủng hộ Đài Loan”. “Nếu Mỹ không giúp lực lượng quân sự Đài Loan phá vỡ thế bị cô lập hơn 40 năm và trao cho họ cơ hội huấn luyện với lực lượng khác, năng lực phòng vệ của Đài Loan không thể nâng cao được”, ông nói thêm. Đến nay Mỹ vẫn chưa tiến hành bất cứ hoạt động tập trận chung nào với Đài Loan, nhưng vào tháng 10 đã đưa quân đặc nhiệm cùng lính thủy đánh bộ đến đảo tự trị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.      
......

Uỷ ban Cosunam kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh

Tổ chức Cosunam kêu gọi trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh. Photo cosunam.ch VOA Tiếng Việt Uỷ ban Thụy sĩ – Việt Nam (Cosunam) có trụ sở ở Geneva, vừa kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, người đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm hơn 8 tháng qua nhưng chưa cho gia đình và luật sư thăm gặp. Uỷ ban Cosunam cũng cho biết rằng chính quyền bang Geneva đã nêu trường hợp của bà Hạnh trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 11. Uỷ ban Cosunam, gồm các thành viên là người Thụy sĩ và người gốc Việt, hoạt động hơn 30 năm qua nhằm tranh đấu cho nhân quyền và một nền dân chủ thật sự tại Việt Nam. Ông Nguyễn Tăng Lũy, Tổng thư ký của Uỷ ban Cosunam, cho VOA biết ủy ban này vừa gửi thỉnh nguyện thư gửi đến chính quyền bang Geneva, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ và Đại sứ quán Việt Nam yêu cầu can thiệp để trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh. Ông Lũy nói: “Uỷ ban Cosunam thấy rằng trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hạnh, người lo cho Qũy 50K tại Việt Nam, là trường hợp rất quan trọng và có ý nghĩa. “Uỷ ban Consunam đã làm một thỉnh nguyện thư đặc biệt với hơn 100 người trong chính giới tại Thụy Sĩ và các ủy ban quốc tế về nhân quyền khác. Thỉnh nguyện thư này đã gửi đến tòa đại sứ tại thủ đô Berne và chính quyền tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ. “Chúng tôi trình bày về trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hạnh, trước nhất xin yêu cầu cho gia đình được thăm bà, mang thuốc men vô và cho luật sư can thiệp.” Theo ông Lũy, Uỷ ban Cosunam cũng đã nhờ chính quyền bang Geneva can thiệp và đã nêu trường hợp của bà Hạnh trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi ông Phúc công du Thụy Sĩ vào cuối tháng 11 vừa qua. Ông Lũy cho biết: “Trước lúc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi một vòng qua Thụy Sĩ và tới thành phố Geneva, chúng tôi đã liên lạc với một số người trong Bộ Chính phủ Geneva và yêu cầu họ can thiệp cho bà Nguyễn Thúy Hạnh và một số tù nhân lương tâm khác khi tiếp phái đoàn ông Phúc. Và vào ngày họ gặp [ông Phúc] thì họ đã tỏ ý can thiệp theo đường hướng đó”. VOA đã liên lạc Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu thêm về sự can thiệp của chính quyền Geneva cho trường hợp này, nhưng chưa được phản hồi. Trang Cosunam.ch cũng đăng một bức thư của ông Jean-Luc von Arx, Ủy viên Hội đồng thành phố Geneva kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Hạnh. “Không thể chấp nhận được việc để bà Nguyễn Thúy Hạnh sống mòn mỏi trong tù thêm nữa và chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà ngay lập tức. Không một con người nào đáng bị đối xử như vậy, được cho là nhân danh công lý, mà không tôn trọng các quyền cơ bản của họ,” ông Jean-Luc von Arx viết. Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Hạnh, hôm 7/12 viết trên Facebook: “Hôm nay tròn 8 tháng kể từ ngày Hạnh bị bắt, đã qua hai lệnh tạm giam để điều tra nhưng cơ quan an ninh điều tra Hà Nội vẫn chưa điều tra ra tội của Nguyễn Thúy Hạnh để có kết luận gởi đi.” “8 tháng qua tui hoàn toàn bặt vô âm tín với Hạnh”, ông Chênh viết. Bà Nguyễn Thúy Hạnh, 57 tuổi, một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội, bị chính quyền khởi tố bắt tạm giam hôm 7/4/2021 với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Bà Nguyễn Thuý Hạnh đã tham gia vào các phong trào xã hội dân sự và các cuộc biểu tình vì môi trường trong mười năm qua. “Không có gì bất hợp pháp thực sự, ngoại trừ việc bà ấy bị cáo buộc đã lập nên và phát triển một quỹ nhân đạo vào năm 2014 để hỗ trợ các nạn nhân bị cầm tù và gia đình của họ bị bỏ rơi mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào của chính phủ Việt Nam. Bà Hạnh hỗ trợ hàng tháng cho gia đình để trang trải chi phí thăm gặp phạm nhân, mua sách giáo khoa và học phí cho con em của tù nhân lương tâm,” Ủy viên Hội đồng thành phố Geneva viết. Theo bức thư của ông von Arx, quỹ “50K” của bà Hạnh đã tạo được uy tín và sự tín nhiệm trong cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước, và rằng nhà chức trách Việt Nam lo sợ trước thành công của quỹ này và đã buộc bà khóa tài khoản vào năm 2020. Ngay sau bà Hạnh bị bắt giam, Cộng hoà Czech lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi trả tự do cho bà ngay lập tức. “Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh và những cáo buộc chống lại bà,” Bộ Ngoại giao Cộng hoà Czech nói trong một tuyên bố hôm 12/4. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng lên án việc bắt giữ bà Hạnh, cho rằng việc bắt bà Hạnh có “động cơ chính trị” và là hành động “vi phạm nhân quyền trắng trợn” của chính quyền Hà Nội. Truyền thông Việt Nam cho rằng bà Hạnh bị bắt tạm giam vì “hành vi chống phá Nhà nước.” Về việc phong toả tài khoản do bà Hạnh đứng tên quyên góp được hơn 500 triệu tiền “phúng viếng cụ Kình”, Bộ Công an nói rằng đây là một trong những biện pháp “chống khủng bố” mà pháp luật Việt Nam cho phép.  
......

Chương trình cầm quyền của Liên minh đèn giao thông tại Đức

Vũ Ngọc Yên Sau hơn hai tháng rưỡi thương thuyết kể từ khi cuộc tổng tuyển cử tại Đức kết thúc, đại diện lãnh đạo đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD), đảng Xanh (Grüne) và đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) vào ngày 7.12.2021 tại Berlin đã ký thỏa thuận liên hiệp (Koalitionsvertrag) tại Berlin. Theo thoả thuận, một chính quyền liên hiệp ba đảng dưới sự lãnh đạo của chính trị gia Olaf Scholz thuộc đảng SPD được thành lập và Scholz sẽ chính thức nhậm chức Thủ tướng sau khi được Bundestag (Nghị viện Liên bang – Quốc hội) bầu. Dựa theo màu sắc đặc trưng của từng đảng: Đảng SPD trung tả màu đỏ, Đảng FDP trung hữu màu vàng và Đảng Grün trung dung màu xanh, giới truyền thông báo chí đã gọi Liên minh ba đảng là Liên hiệp đèn giao thông (Ampel -Koalition) và Chính quyền tương lai cuả Cộng hoà liên bang Đức là chính quyền đèn giao thông (Ampel -Regierung). Ngày 8.12.2021 Quốc hội đã bầu Ứng viên Olaf Scholz (SPD) làm Tân Thủ tướng, kết thúc 16 năm cầm quyền của Nữ thủ tướng Angela Merkel thuộc Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU).Cùng ngày này các thành viên của tân nội các tuyên thệ trước Quốc hội. Olaf Scholz là Thủ tướng thứ 9 của nước Cộng hoà liên bang Đức (CHLBĐ), đồng thời là vị Thủ tướng thứ 4 của Đảng SPD. Một nội các cải cách Sau 16 năm với chính quyền liên minh Dân chủ/ Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel, nhiều người Đức muốn có một sự đổi mới. Công luận cho rằng Đảng Dân chủ Xã hội đã thắng cử vì phong cách và kinh nghiệm chính tri dày dạn của Tân thủ tướng Olaf Scholz. Ông sinh ngày 14.6.1958 tại Osnabruck, miền Bắc Đức, nhưng học và làm việc tại Hamburg. Ông nổi tiếng là một chiến lược gia đàm phán đã từng là luật sư lao động, thị trưởng cầm quyền bang Hamburg, Tổng thư ký SPD, Bộ trưởng tàì chính và Phó thủ tương của nội các Merkel. Lãnh đạo ba đảng thống nhất  phân chia nội các. Đảng SPD, ngoài giữ chức Thủ tướng còn nhận thêm 6 bộ: Lao động, xã hội Hubertus Heil, Nôị vụ Nancy Farser, Y tế Karl Lauterbach, Quốc phòng Chritine lambrecht, Hộp tác kinh tế và phát triền Svenja Schulze, Xây dựng – Gia cư Klara Geywitz và Phủ thủ tướng Wolgang Schmidt. Đảng Xanh giữ 5 bộ: Ngoaị giao Anna Baerbock, Kinh tế, Bảo vệ khí hậu Robert Habeck, Dinh dưỡng, Nông nghiệp Cem Ơzdemir, Môi trường Steffi Lemke và Gia đình – Phụ nữ Anne Spiegel. Đảng FDP giữ 4 bộ: Tài chính Christian Lindner, Tư pháp Marco Buschmann, Đào tạo Bettina Stark -Watying và Giao thông – Số hoá Volker Wissing. Đức sẽ tự do hơn, công bằng hơn và phát triển bền vững hơn Thoả thuận liên minh dài 177 trang mang tựa đề “Mạnh dạn nhiều tiến bộ hơn: Liên minh vì Tự do, Công lý và Bền vững – Mehr Fortschritt wagen: Bündnis für Freiheit, Gerechtigkeit und Nachhaltigkeit” là một cương lĩnh cầm quyền trình bày những kế hoạch, thông báo và ý định triển khai công việc của chính quyền trong nhiệm kỳ 2021 -2025. Liên minh xác tín nước Đức dưới chính quyền mới sẽ thay đổi về mặt chính trị và cả xã hội một cách sâu rộng. Nước Đức trong tương lai sẽ tự do hơn, công bằng hơn và phát triển bền vững hơn. Chính quyền mới đặt trọng tâm vào các vấn đề khí hậu, giáo dục, nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội: Nâng mức lương tối thiểu, thay thế chương trình phúc lợi và thất nghiệp Hartz -IV bằng chương trình Bürgergeld (trợ cấp công dân), xây cất thêm các khu nhà ở xã hội, tăng cường hệ thống hỗ trợ cho các gia đình có con nhỏ, đưa quyền trẻ em (Kinderrechte) vào Luật cơ bản. Sửa đổi luật nhập cư để giúp cho việc nhập tịch hoặc nhận giấy phép cư trú dễ dàng hơn. Các điểm cốt lõi của thoả thuận liên hiệp Y tế Thành lập Đội xử lý đại dịch Corona và một Hội đồng chuyên gia thường trực để tư vấn cho các chính trị gia về cách đối phó đại dịch. Cải thiện lương bổng và điều kiện làm việc cho nhân viên chăm sóc. Phân bổ 1 tỷ Euro để thưởng cho các nhân viên chăm sóc y tế vì những nỗ lực trong thời gian đại dịch đồng thời tăng khoản tiền thường miễn thuế lên 3.000 Euro. Khí hậu Việc loại bỏ sản xuất điện từ than phải được đẩy nhanh vào năm 2030 thay vì năm 2038. Tiếp đến vào năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ cung cấp 80% điện năng của cả nước. Gía điện sẽ giảm từ đầu năm 202 nhờ việc tài trợ hàng tỷ đồng từ thuế năng lượng tái tạo (EEG) trong giá điện để thúc đẩy điện xanh sẽ bị bãi bỏ. Trong trường hợp các tòa nhà thương mại mới, năng lượng mặt trời phải là bắt buộc trên bề mặt mái nhà… Ở các tòa nhà tư nhân mới, năng lượng mặt trời nên “trở thành quy tắc”. Kết thúc thỏa thuận ở Liên minh EU cho động cơ đốt (Verbrennungsmotoren) vẫn là năm 2035. Sẽ không có giới hạn tốc độ chung trên xa lộ. Tăng tiền đầu tư vào việc mở rộng giao thông công cộng địa phương. Trong tương lai, các chuyến tàu sẽ chạy nửa giờ một lần giữa các thành phố lớn nhất và thời gian chuyển tuyến sẽ giảm đáng kể. Tài chính: Phanh giới hạn nợ công được quy định trong Luật Cơ bản sẽ được tuân thủ lại từ năm 2023. Không tăng thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập. Đầu tư vào bảo vệ khí hậu có thể được khấu trừ vào thuế cho năm 2022 và 2023. Mức lương hưu được đảm bảo ở mức 48 phần trăm, tuổi nghỉ hưu không thay đổi. Lệ phí bảo hiểm hưu trí không được vượt quá 20 phần trăm trong nhiệm kỳ này. Bước đầu cấp 10 tỷ euro cho Cơ quan bảo hiểm hưu bổng Đức (Deutsche Rentenversicherung) để Cơ quan này đầu tư vào thị trường vốn (Kapitalmarkt) hầu phụ giúp trang trải một phần của bảo hiểm hưu trí theo luật định. Lương tối thiểu theo luật định sẽ tăng từ 9,60 euro hiện tại lên 12 euro (13,50 USD) mỗi giờ. Giới hạn tiền thu nhập cho Minijob được tăng lên 520 euro. Tiền trợ cấp thất nghiệp Hartz -IV trong tương lai được gọi là Bürgergeld. Trợ cấp tiền sưởi cho người thu nhập thấp. Gia đình Không một đứa trẻ nào ở Đức được phép lớn lên trong cảnh nghèo đói. Không một trẻ em nào phải đến nơi giữ trẻ hay trường học tồi tàn. Đảm bảo trợ cấp cơ bản cho trẻ em, theo đó kết hợp tất cả các khoản tài trợ trước đây và chuyển thẳng đến trẻ em. Đưa quyền trẻ em vảo Luật cơ bản. Gia cư Xây 400.000 căn hộ mỗi năm, 100.000 trong số này là nhà ở xã hội. Tiền thuê nhà: Ở những khu vực có thị trường nhà ở căng thẳng, tiền thuê chỉ được phép tăng tối đa 11% trong vòng ba năm thay vì 15% trước đó. Không được phép thanh toán tiền thuê nhà bằng tiền mặt. Nhập cư Những người đã sống ở Đức trong 5 năm tính đến ngày 1.1.2022, không phạm tội hình sự và tuân thủ Luật cơ bản sẽ nhận được giấy phép cư trú hạn 1 năm. Lưu dung cư trú cho thực tập viên là vô thời hạn. Không có lệnh cấm làm việc đối với người xin tị nạn, mà thủ tục tố tụng vẫn đang chờ giải quyết. Đơn giản hoá thủ tục xin đoàn tụ gia đình cho người nhập cư. Đào tạo Ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển được đặt ở mức 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đảm bảo học viên có chỗ học nghề. Bầu cử Tuổi bầu cử từ 18 sẽ giảm xuống còn 16 tuổi. Luật bầu cử sẽ được thay đổi nhằm hạn chế số dân biểu tăng trong quốc hội. Chính sách đối ngoại mới của Liên minh đèn giao thông “Một chương trình tiến bộ” Tân chính quyền muốn thay đổi hướng đi của Đức trên trường thế giới. Các giá trị sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong chính sách đối ngoại. Liên minh Âu châu (EU), Mỹ và các đồng minh trong NATO chào mừng đường lối mới này. Nhưng các mối quan hệ với Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng. Chính sách đối ngoại và an ninh được trình bày trong Thoả thuận liên hiệp đã làm cho các chuyên gia ngoại giao và quân sự kinh ngạc. Các chuyên gia quan hệ quốc tế cũng đánh giá cao tương tự. Bà Cathryn Clüver Ashbrook, giám đốc Hiệp hội Chính sách Đối ngoại Đức nhận xét Liên hiệp đã công bố “một chương trình tiến bộ”. Theo bà, Tân chính quyền đã trở lại chính sách đối ngoại chuẩn mực, dựa trên giá trị của Đức và chính sách được phối hợp với nhiều đối tác quốc tế. Tân chính quyền có tư tưởng toàn cầu nhiều hơn so với chính phủ tiền nhiệm và muốn củng cố một hệ thống quốc tế dựa trên giá trị. Trong thời gian qua các đảng SPD, Xanh và FDP đã nhiều lần chỉ trích cách thức mà Thủ tướng mãn nhiệm Angela Merkel tiếp cận với Trung Quốc.Bà Clüver Ashbrook nói: “Liên minh đèn giao thông cho thấy một thái độ rõ ràng, tiếp tục coi Trung Quốc là một đối tác, nhưng cũng là một đối thủ hệ thống”. Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách Công Toàn cầu (Global Public Policy Institutes – GPPI), lên tiếng khen ngợi thỏa thuận đã thể hiện một giọng điệu cứng rắn hơn trước đối với Nga. Thỏa thuận cầm quyền dài 178 trang của liên minh đã 12 lần nhắc đến Trung Quốc, trong đó có rất nhiều điểm nói đến các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, thậm chí cả Biển Đông. Thỏa thuận xác nhận, nước Đức vẫn tôn trọng nguyên tắc “Một Nước Trung Hoa Duy Nhất”, nhưng cho rằng: “Bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào ở eo biển Đài Loan đều phải diễn ra trong hòa bình và được cả hai bên đồng ý. Trong khuôn khổ chính sách Một Nước Trung Hoa của Liên Hiệp Châu Âu, Đức ủng hộ sự tham gia của Đài Loan dân chủ vào các tổ chức quốc tế”. Lập trường quan tâm đến nhân quyền “Đức rất quan tâm đến các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là ở Tân Cương. Nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ ở Hồng Kông phải được tái khẳng định”. Vấn đề lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương cũng được ghi nhận trong thỏa thuận: “Đức ủng hộ đề xuất của EU cấm nhập khẩu các sản phẩm từ lao động cưỡng bức”. Điểm điển hình nhất về khác biệt giữa hai chính quyền “mới” và “cũ” tại Đức là việc liên minh đèn giao thông không ủng hộ Thỏa Thuân Đầu Tư Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc mà cựu thủ tướng Merkel đã hết sức thúc đẩy. Về việc trang bị quân sự, Clüver nhận thấy một “chủ nghĩa hiện thực mới” phản ánh qua việc hứa hẹn việc mua lại các máy bay không người lái có vũ trang (Drohne) từ lâu đã được quân đội khẩn cầu. Thỏa thuận liên minh không nói trực tiếp đến mục tiêu hai phần trăm chi tiêu vũ khí của Liên minh quân sự NATO. Tuy nhiên, ba đảng hứa sẽ chi 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chung cho ngoại giao, ngăn chặn khủng hoảng, viện trợ phát triển và quân sự nhằm tăng cường khả năng hành động của Đức trên trường quốc tế. Các đảng trong liên minh đã tranh cãi về vai trò tương lai của Đức trong chiến lược răn đe hạt nhân của NATO – một mặt là cam kết tham gia hạt nhân, mặt khác là ủng hộ hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hiệp quốc, mà không thành viên NATO nào ký. Benner của GPPI, dự đoán: Các đối tác quan trọng nhất của Đức sẽ chỉ trích thái độ mâu thuẫn này. Liên hiệp đèn giao thông công bố sẽ phát động các cuộc thương thảo giải trừ quân bị trong thời gian cầm quyền. Nói chung chính sách ngoại giao và an ninh dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Olaf Scholz có lẽ không có nhiều khác biệt đáng kể so với chính quyền của Angela Merkel – Ngoại trừ đường lối cứng rắn đối phó với Trung Quốc và Nga Xô./.  
......

Olaf Scholz chính thức trở thành Thủ tướng CHLB Đức

Kể từ lúc 11g13 sáng ngày 8 tháng 12 năm 2021, ông Olaf Scholz là Thủ tướng thứ chín của Cộng hòa Liên bang Đức. Tổng thống Liên bang Frank-Walter Steinmeier đã bổ nhiệm chính trị gia SPD kế nhiệm bà Angela Merkel mà Hạ viện trước đó đã bầu ông ta. Với việc trao giấy chứng nhận bổ nhiệm, quyền lực chính phủ được chuyển từ Thủ tướng tiền nhiệm Angela Merkel cho người kế nhiệm phù hợp với các yêu cầu của Luật Cơ bản. Olaf Scholz được bầu làm Thủ tướng với 395 phiếu bầu Ông Olaf Scholz (SPD) là tân Thủ tướng Liên bang của Cộng hòa Liên bang Đức  nhiệm kỳ 2021 đến 2025 sau khi Quốc Hội Liên Bang(Hạ viện)đã bầu ông với 395 trong tổng số 707 phiếu bầu vào thứ Tư, ngày 8 tháng 12 năm 2021, . Trong 707 phiếu kín được bầu có 303 phiếu chống, 6 phiếu trắng và 3 phiếu bầu không hợp lệ. Vào đầu phiên họp toàn thể, Chủ tịch quốc hội Bärbel Bas đã đọc bức thư của Tổng thống Dr. Frank-Walter Steinmeier, người đã giới thiệu ông Olaf Scholz cho cuộc bầu cử làm Thủ tướng Liên bang theo Điều 63 Đoạn 1 của Luật Cơ bản. Sau cuộc bầu cử, ông Olaf Scholz sẽ được Tổng thống Liên bang bổ nhiệm làm Thủ tướng tại dinh thự chính thức của ông tại Schloss Bellevue. Bà Chủ tịch quốc hội Liên bang Bärbel Bas đã chào đón bà Angela Merkel, trong số những người khác, trên khán đài. Các nghị sĩ đứng dậy khỏi ghế và cảm ơn vị Thủ tướng vẫn còn đang điều hành bằng một tràng pháo tay dài. Nhiệm kỳ của bà Merkel đã hết hạn vào thứ Ba, ngày 26 tháng 10, ngày diễn ra phiên họp bầu cử của Hạ viện Đức lần thứ 20 mới được bầu vào ngày 26 tháng 9 (Điều 69, Đoạn 2 của Luật Cơ bản). Kể từ đó, bà đã chỉ còn hoạt động như một quyền thủ tướng điều hành. Điều mà Luật Cơ bản không nói là thời hạn mà Thủ tướng Liên bang mới phải được bầu. Khoản thứ ba của Điều 69 chỉ quy định rằng, theo yêu cầu của Tổng thống Liên bang, Thủ tướng (cựu) có nghĩa vụ tiếp tục công việc điều hành chính phủ của mình cho đến khi Tổng thống liên bang bổ nhiệm một Thủ tướng Liên bang mới. Khoảng thời gian giữa cuộc bầu cử Hạ viện và cuộc bầu cử Thủ tướng Liên bang có độ dài khác nhau trong 19 nhiệm kỳ bầu cử vừa qua. Nó dao động từ 23 ngày vào năm 1983 (bầu cử ngày 6 tháng 3, bầu cử Thủ tướng vào ngày 29 tháng 3) đến 171 ngày trong năm 2017 (bầu cử ngày 22 tháng 9, bầu cử Thủ tướng vào ngày 14 tháng 3 năm 2018). Năm nay, 73 ngày đã trôi qua giữa cuộc bầu cử Hạ viện và cuộc bầu cử Thủ tướng. Cuộc bầu cử Thủ tướng có thể bao gồm tối đa ba giai đoạn bầu cử và diễn ra với "phiếu bầu kín". Với thủ tục này, theo quy tắc thủ tục của Hạ viện, phiếu bầu chỉ được phát trước khi vào phòng bỏ phiếu. Các nghị sĩ được gọi tên để bỏ phiếu. Trong giai đoạn bầu cử đầu tiên, Luật Cơ bản buộc Tổng thống Liên bang phải đệ trình đề xuất bầu cử lên Hạ viện trong một khoảng thời gian “hợp lý”. Ông không bị ràng buộc bởi các khuyến nghị, chẳng hạn như khuyến nghị của nhóm nghị sĩ đa số. Nó quyết định theo quyết định của mình, nhưng đồng thời nên nêu tên một ứng cử viên chiếm đa số. Tổng thống Liên bang phải giới thiệu một ứng cử viên nhất định cho chức Thủ tướng và không được liên kết điều này với các chủ trương chính trị. Vì cơ hội thành công của ứng viên phụ thuộc rất quan trọng vào khả năng của anh ta để chiếm đa số trong Hạ viện, nên không có thời hạn cố định mà Tổng thống Liên bang phải đề xuất một ứng cử viên. Người Đức có quyền bầu cử và ứng cử vào Hạ viện có thể được bầu làm Thủ tướng Liên bang. Quyền bỏ phiếu chủ động có nghĩa là họ có thể bỏ phiếu trong Hạ viện, quyền bỏ phiếu thụ động mà họ có thể được bầu vào Hạ viện. Nhưng: Thủ tướng Liên bang không nhất thiết phải là thành viên của Hạ viện! Trong giai đoạn bầu cử đầu tiên, ứng cử viên cần có đa số tuyệt đối các thành viên của Hạ viện, tức là hơn quá bán ít nhất một phiếu so với số phiếu của một nửa quốc hội. Hạ viện mới có 736 thành viên, vì vậy ông Olaf Scholz phải đạt ít nhất 369 phiếu được bầu.  
......

Gió đã xoay chiều: Chính sách ngoại giao mới của Đức

Christian Lindner (FDP), Olaf Scholz, (SPD), Annalena Baerbock, (Die Grünen) trong bưổi lể giới thiệu Hợp đồng Liên Minh cho báo giới. Nguồn ảnh: Kay Nietfeld/ DPA Đỗ Kim Thêm - Báo Tiếng Dân| Bối cảnh Kết quả của cuộc bầu cử vào ngày 26/9/2021 là ba đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Xanh (Grüne) và Dân chủ Tự do (FDP) chiếm được đa số tại Quốc hội. Để nắm quyền cai trị trong bốn năm tới, các đảng này phải thoả hiệp nhau để tìm ra một đường lối chung định hình cho một chính sách liên minh mới mà  báo chí gọi tắt theo một biểu tượng là “đèn hiệu giao thông”, bao gồm ba màu đỏ, (đảng SPD) xanh lá cây (đảng Xanh) và vàng (đảng FDP). Nói chung, đảng Xanh quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, đảng FDP phát huy tự do cho nền kinh tế thị trường trong khi đảng SPD ưu tiên  bảo vệ công bình xã hội, quyền lợi công nhân và tôn trọng nhân quyền. Ngày 21/10, 22 nhóm chuyên gia của ba đảng bắt đầu các cuộc họp chuyên đề và đúc kết các dị biệt trong một văn bản chung quyết để thỏa thuận việc cầm quyền được gọi là Koalitionsvertrag (Hợp đồng Liên Minh), được mệnh danh là “Mehr Fortschritt wagen“ (Dám tạo ra nhiều tiến bộ). Kết quả này được trình bày trước công luận và báo chí vào ngày 26/11. Nội dung của Hợp đồng Liên Minh  là đem lại “một sự đổi mới toàn diện cho đất nước” trong “một sự khởi hành mới”. Văn bản đưa ra một số “xác định sơ bộ” để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, số hóa, bảo đảm thịnh vượng và gắn kết xã hội. Với 177 trang, ba đảng đề cập đến 9 chuyên đề. Các vấn đề “Đối ngoại, An ninh, Quốc phòng, Phát triển, Nhân quyền“ chỉ là một phần trong chuyên đề VII: “Trách nhiệm của Đức đối với châu Âu và thế giới“. Tóm lược Nhìn chung, chính sách ngoại giao của Đức dựa trên sự liên tục và  nằm trong khuôn khổ của cơ quan Liên Âu. Với tư cách là thành viên quan trọng nhất, Đức có khả năng hành động với nhiều chủ quyền hơn. Sự cạnh tranh hệ thống với các  nước độc tài và đoàn kết chiến lược với các đối tác dân chủ cũng được đề cập. Trong bối cảnh này, chính sách đối ngoại của Đức  “hành động từ một nguồn duy nhất”, bao gồm cả việc đệ trình một chiến lược an ninh quốc gia liên ngành, đó là một mô hình chiến lược mới. Tuy nhiên, việc thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia như đảng FDP đã dự kiến trong chương trình vận động tranh cử, không được đề ra trong kế hoạch. Trong các vấn đề liên minh xuyên Đại Tây Dương, Hoa Kỳ sẽ là “trụ cột trung tâm” và “NATO cũng là một phần không thể thiếu của nền an ninh Đức.” Vấn đề có thể tiên đoán là việc can thiệp tại Afghanistan sẽ được giải quyết tại Quốc hội. Việc mua các máy bay không người lái có vũ trang để bảo vệ quân đội mà SPD luôn chống lại trong chính phủ liên minh CDU-SPD, nay cũng đã được quyết định. Đảng FDP đã có ý đồng thuận và đảng Xanh không loại trừ việc trang bị vũ khí. Việc đóng góp tài chánh quốc phòng trong khối NATO như thỏa thuận, theo định mức hai phần trăm trong tổng sản phẩm quốc nội, không được Đức đề cập trực tiếp, nhưng dự kiến đóng ba phần trăm cho “đầu tư trong hành động quốc tế” và do đó cũng được hiểu là hoàn thành “nghĩa vụ tham gia  NATO”. Đó là một phạm vi chắc chắn sẽ còn gây tranh cải khi thảo luận cho việc chuẩn chi kinh phí  trong tương lai. Vấn đề mà đảng SPD có những phản ứng mạnh mẽ trước đây là có nên tham gia về vũ khí hạt nhân không, đã được giải quyết: Đức sẽ mua sắm một loại máy bay chiến đấu sau đời Tornado, và Đức sẽ tiếp tục tham gia “khi nào mà loại vũ khí hạt nhân còn đóng một vai trò trong khái niệm chiến lược của NATO”. Trong văn bản không đề cập đến  việc Nga cung cấp năng lượng cho Đức qua ống dẫn dầu trên biển Đông, Baltic Nord Stream 2, một chuyên đề bị đảng Xanh bác bỏ triệt để và đảng FDP còn hoài nghi, trong khi được đảng SPD ủng hộ hơn. Đối với Nga: Đức có nhiều chỉ trích và mong muốn hợp tác qua một cuộc đối thoại mang tính xây dựng “về các vấn đề của tương lai” và “trong việc vượt qua các thách thức toàn cầu”. Vấn đề kêu gọi Nga cần phải “chấm dứt ngay lập tức các nỗ lực gây mất ổn định chống lại Ukraine, bạo lực ở miền đông Ukraine và sáp nhập Crimea bất hợp pháp” không được văn bản đề cập. Việc trì hoãn này có nghĩa là để dành cho công việc cụ thể của chính phủ, mà nó có thể sẽ gây ra các cuộc xung đột. Bang giao Đức – Trung Quốc (Trích dịch từ nguyên tác Đức ngữ trong Koalitionsvertrag trang 157-158) Đức muốn và phải định hình mối quan hệ với Trung Quốc trong những tầm vóc đối tác, cạnh tranh và mang tính đối thủ qua hệ thống. Trên cơ sở Luật Nhân quyền và Luật pháp Quốc tế hiện hành, Đức tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc bất cứ khi nào có thể. Trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc, Đức muốn có các quy tắc công bằng. Để có thể thực hiện các giá trị và lợi ích của mình trong cuộc cạnh tranh mang tính hệ thống với Trung Quốc, Đức cần có một chiến lược toàn diện về Trung Quốc trong khuôn khổ chính sách chung Liên Âu-Trung Quốc. Đức muốn tiếp tục các cuộc tham vấn liên chính phủ và làm cho châu Âu mạnh hơn. Đức cố gắng phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ Xuyên Đại Tây Dương về một chính sách đốî với Trung Quốc và tìm kiếm sự hợp tác với các nước cùng quan điểm để giảm bớt sự phụ thuộc chiến lược. Kỳ vọng của Đức về chính sách đối ngoại của Trung Quốc là Trung Quốc sẽ đóng một vai trò có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định với các lân bang. Đức cam kết rằng các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông nên được giải quyết trên cơ sở Luật Biển quốc tế. Sự thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan chỉ có thể diễn ra theo một cách hòa bình và tương thuận. Trong khuôn khổ chính sách một Trung Quốc của Liên Âu, Đức ủng hộ sự tham gia trong các chuyên đề có liên quan Đài Loan dân chủ trong các tổ chức quốc tế. Đức đặt vấn đề rõ ràng về các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là ở Tân Cương. Giá trị của nguyên tắc “một quốc gia – hai hệ thống” ở Hồng Kông phải được tái khẳng định, Bang giao Đức-Ấn Độ-Thái Bình Dương Dựa trên các chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Đức và Liên Âu, Đức ủng hộ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở dựa trên các chuẩn mực toàn cầu và Luật Quốc tế. Đức muốn đạt được tiến bộ trong sự hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực tăng cường chủ thuyết đa phương, tinh thần trọng pháp và dân chủ, bảo vệ khí hậu, thương mại và số hóa. Đức muốn cùng thúc đẩy đối thoại sâu rộng về hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đức muốn thúc đẩy quan hệ đối tác EU-ASEAN. Đức muốn nâng cấp cho Hội nghị Doanh nghiệp Đức-Châu Á-Thái Bình Dương về mặt chính trị. Đức muốn mở rộng các mối quan hệ, bao gồm cả ở cấp quốc hội, với các đối tác có giá trị quan trọng như Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Đức muốn bắt đầu có các cuộc tham vấn thường xuyên cấp chính phủ với Nhật Bản. Đức đặc biệt quan tâm đến việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ bằng cách thực hiện chương trình nghị sự cho quan hệ đối tác Ấn-Đức và quan hệ đối tác kết nối Liên Âu-Ấn Độ. Đức hỗ trợ cho những người đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao. Đức muốn tích cực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc tế có chất lượng cao. Sáng kiến Cổng toàn cầu của Liên Âu là một công cụ quan trọng trong vấn đề này(hết trích dịch). Bang giao Đức-Việt Bang giao Đức-Việt không được đề cập trong lập trường của chính phủ mới, điều đó không có nghĩa là không quan trọng. Thực tế ngược lại, có nhiều chủ đề liên quan gián tiếp đến Việt Nam. Theo các tài liệu mới, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp đôi lên mức trên 10 tỷ USD, thương mại song phương tính đến tháng 8/2021 đạt hơn 7,2 tỷ USD, tăng 11,3 % so với cùng kỳ năm 2020. Có hơn 350 doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư tại Đức 30 dự án với tổng số vốn 120 triệu USD. Trong 30 năm qua, Đức đã cung cấp trên 2 tỷ USD cho Việt Nam trong các chương trình viện trợ phát triển kinh tế. Hiện nay, Đức xác định Việt Nam là Đối tác trong  Chiến lược hợp tác phát triển 2030 để Việt Nam phát triển bền vững, trước mắt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp 4.0. Thành quả này là còn trong thời của bà Merkel. Chính phủ tương lai của Đức cũng sẽ tiếp tục khai thác và sẽ tạo ra một xung lực mới cho việc mở rộng hợp tác trong nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam có tận dụng ưu thế này  không, còn phải cần thời gian theo dõi. Nhu cầu trước mắt là sau vụ Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam nên thể hiện tinh thần trọng pháp và lễ độ ngoại giao trong thời đại văn minh. Đức phê phán công khai và cứng rắn đường lối bành trướng của Bắc Kinh, đặc biệt là tranh chấp tại biển Đông và biển Hoa Đông. Đức báo động là bắt đầu quan tâm chặt chẻ hơn đến các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, tương lai dân chủ cho Hồng Kông  và bảo vệ cho lãnh thổ của Đài Loan. Chủ trương này được hiểu là giờ đây gió đã xoay chiều và thời kỳ trọng thương trong kỷ nguyên Merkel đã kết thúc. Giải thích sự thay đổi đường lối này một cách gián tiếp cũng có nghĩa là Đức sẽ ủng hộ cho Việt Nam theo đuổi một giải pháp hiếu hoà. Việt Nam có đủ can đảm để tận dụng các ưu thế này hay tiếp tục kiên trì trong im lặng với Trung Quốc, đó là vấn đề ý thức phản tỉnh về nội lực của Việt Nam. Trong chiều hướng mới này, Đức cũng sẽ quan tâm đến các vấn đề tôn trọng nhân quyền, phát huy dân chủ và vẹn toàn lãnh thổ cho Việt Nam,  có nghĩa là, các phong trào xã hội dân sự trong và ngoài nước có một cơ hội mới để hợp tác với Đức. Các phương tiện truyền thông Đức sẽ bắt đầu mở rộng hơn so với thời của bà Merkel. Gần đây, bà Merkel đã thú nhận là ngây thơ và dè dặt với Trung Quốc, nhưng không nói rõ lý do tại sao bà lại nhẹ tay cho Việt Nam trong vụ Trịnh Xuân Thanh. Vấn đề còn lại cho người Việt còn quan tâm đến công cuộc đấu tranh cho tương lai của Việt Nam là có tận dụng được lợi thế mới này tại Đức để mở rộng ngoại vận hay không, triển vọng này còn tùy vào việc phát huy năng lực nội tại và sự hồi phục của tình hình chung sau thảm hoạ COVID-19.  
......

Luật Magnitsky của Úc được thông qua thượng viện

Timothy Trinh Dự luật tu chính các biện pháp trừng phạt tự trị năm 2021, còn được gọi là luật kiểu Magnitsky của Úc, đã được Thượng viện thông qua vào hôm thứ Tư (1.4.2021) và sẽ được chuyển đến Hạ viện để có được biểu quyết cuối cùng. Luật mới sẽ cho phép các biện pháp trừng phạt tài chính được áp dụng đối với những thủ phạm vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và các quan chức tham nhũng bất kể đến từ quốc gia nào. Các mục tiêu sẽ bị trừng phạt có thể bao gồm các quan chức tham nhũng hoặc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc giam giữ các nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ, và các thuộc cấp tay sai của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Luật này của Úc một phần dựa trên Đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ và các luật tương tự đã có ở Vương quốc Anh, Canada và Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, luật theo kiểu Magnitsky của Úc đi xa hơn bất kỳ nơi nào khác bằng cách cho phép xử phạt các tin tặc “độc hại”. Các luật kiểu Magnitsky được đặt theo tên một luật sư người Nga Sergei Magnitsky, người đã chết trong nhà tù ở Moscow sau khi cáo buộc các quan chức Nga gian lận thuế. Luật Magnitsky hoạt động trên một nguyên tắc đơn giản. Các lãnh đạo vi phạm nhân quyền và các quan chức tham nhũng trở nên rất giàu có bằng cách khai thác những điểm yếu trong hệ thống luật pháp quốc gia của họ hoặc ăn cắp từ các tập đoàn thuộc sở hữu của nhà nước. Thông thường, họ thích tiêu tiền vào những kỳ nghỉ sang trọng ở nước ngoài, và cho vợ con tuồn tiền sang đầu tư ở các quốc gia ổn định, chẳng hạn như Anh hoặc Úc. Bill Browder, người đã vận động không ngừng các quốc gia tự do và giàu mạnh của thế giới để đưa ra luật Magnitsky, cho biết: “Đó là một thời khắc lịch sử đối với Úc”. “Những kẻ xấu”, như ông Browder gọi họ, sẽ bị đánh vào chỗ đau nhất. Tài sản của họ có thể bị phong tỏa và thu giữ, đồng thời việc đi lại đến Úc của họ và gia đình sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. “Kẻ nào bị dính vào luật Magnitsky, sẽ bị hủy hoại cuộc đời còn lại”, ông Browder nói. “Không ngân hàng nào mở tài khoản, không quốc gia nào cấp thị thực. Gia đình sẽ gặp khó khăn. Về cơ bản, kẻ đó sẽ trở thành người không phải người trong giới tài chính.” Các nhóm nhân quyền đã hoan nghênh việc Thượng viện thông qua luật kiểu Magnitsky của Úc. Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Úc, cho biết việc áp dụng chế độ “trừng phạt mục tiêu” sẽ gửi một thông điệp đến các lãnh đạo vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở khắp mọi nơi rằng: họ phải gánh chịu mọi “hậu quả sâu rộng cho các hành động của họ”./. Người Đà Lạt Xưa  
......

Thêm một nhà truyền thông Tin Lành bảo thủ chống vaccine qua đời vì COVID-19

Ông Marcus Lamb và bà Joni Lamb. (Hình: Daystar Television) BEDFORD, Texas (NV) – Ông Marcus Lamb, nhà đồng sáng lập và tổng giám đốc đài truyền hình Christian Daystar Television Network từng lên tiếng phản đối vaccine chống COVID-19, vừa qua đời ở tuổi 64, vài tuần sau khi nhiễm căn bệnh này, theo NBC News. Trong những tháng gần đây, nhiều nhà truyền thông bảo thủ nổi tiếng chống vaccine, như Dick Farrell, Phil Valentine và Marc Bernier, đều qua đời vì nhiễm Covid. “Chúng tôi xin thông báo một tin buồn rằng ông Marcus Lamb, chủ tịch và người sáng lập đài truyền hình Daystar Television Network, đã về với Chúa vào sáng nay,” đài truyền hình cho biết trên Twitter hôm Thứ Ba, 30 Tháng Mười Một. “Gia đình ông yêu cầu sự riêng tư về mất mát khó khăn này. Xin hãy tiếp tục động viên họ bằng lời cầu nguyện.” Ông Jonathan Lamb, con trai ông Lamb, trước đó thay thế cha mình trong chương trình phát sóng Daystar hôm 23 Tháng Mười Một và kêu gọi người nghe cầu nguyện cho cha khỏi bệnh COVID-19. Trò chuyện cùng người xem bên giường bệnh của ông Lamb qua điện thoại, bà Joni Lamb, vợ ông Lamb, cho biết: “Tôi có cảm giác việc này như đang đi tàu lượn siêu tốc vậy. Chúng tôi thành thật cảm ơn lời cầu nguyện của người xem.” Ông Jonathan Lamb mô tả việc cha mình nhiễm COVID-19 là “một cuộc tấn công tinh thần từ “kẻ thù” nhằm “hạ gục” ông Marcus Lamb. Đài của ông Lamb, vốn phản đối vaccine, có các giờ phát sóng dành riêng cho các nhóm và nhà hoạt động phản đối lệnh chích vaccine và đóng cửa ngăn ngừa dịch. Hồi Tháng Bảy, 2020, gia đình ông Lamb dành một giờ phát sóng để “kiểm duyệt” về đại dịch COVID-19, trong đó có sự góp mặt của America Frontline Doctors, nhóm thường đăng thông tin sai lệch về vaccine. Cho đến nay, vaccine vẫn là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để ngăn chặn những hậu quả xấu nhất của COVID-19. Một nghiên cứu của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) hồi Tháng Chín cho thấy vaccine vẫn có thể giúp những người nhiễm biến thể delta không phải nhập viện. Một nghiên cứu khác của Anh chứng minh những người được chích ngừa ít có khả năng lây lan coronavirus hơn nếu bị nhiễm bệnh. (MPL) Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/them-mot-nha-truyen-thong-tin-lanh-bao-thu-chong-vaccine-qua-doi-vi-covid-19/  
......

Angela Merkel tổng kết thành tích trong thời gian tại chức

Deutsche Welle (DW) Đỗ Kim Thêm dịch   Lời người dịch: Hiện nay, trên thị trường sách Đức đã có ba tác phẩm trình bày khá chi tiết về thân thế và sự nghiệp của bà Angela Merkel. Việc bà rời khỏi chính trường trước ngày 9/12 năm nay cũng là một đề tài cho báo giới quốc tế và Đức có vô số các bài bình luận. Nhìn chung, Đức là một đối tác mậu dịch quan trọng nhất với Trung Quốc. Do doanh giới Đức áp lực khá nặng nề, nên bà đề cao việc hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề giao thương và biến đổi khí hậu, không chủ trương gay gắt như Donald Trump. Đức không hỗ trợ tài chính đúng mức cho khối NATO tạo thêm căng thẳng trong bang giao Mỹ – Đức và quan hệ cá nhân giữa ông Trump và bà Merkel. Vì có khuynh hướng chống Trung Quốc, nên đa số người Việt khắp nơi không dành thiện cảm cho bà. Nhìn riêng trong mối bang giao Đức – Việt, vụ Trịnh Xuân Thanh là một vết nhơ cho lãnh đạo CSVN và mối lo cho người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức. Cho đến nay, Việt Nam không chính thức lên tiếng xin lỗi Đức về việc vi phạm chủ quyền an ninh và lãnh thổ, việc này chứng tỏ bà Merkel đã quá nhẹ tay và người Việt thất vọng về bà khi không dạy cho Việt Nam biết thế nào là tinh thần trọng pháp và lễ độ ngoại giao. Sau vụ thảm sát đảng viên Lê Đình Kình, lại một lần nữa, CSVN bắt cóc đảng viên Trịnh Xuân Thanh tại Đức và tự hào bạo lực cách mạng đã toàn thắng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhìn lại sau 16 năm trong chính trường, bà không thể tránh khỏi một số sai lầm nhất định, nhưng bà vẫn được dân chúng và công luận quốc tế tôn trọng về nhân cách và khả năng. Bà đã làm việc tận tụy và liêm chính, một hình ảnh mà giới lãnh đạo CSVN cần học tập tấm gương “cần kiệm liêm chính chí công vô tư“ của bà. Sau đây là bản dịch bài phỏng vấn của DW. *** Trong cuộc phỏng vấn dành cho DW, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel nói về biến đổi khí hậu, câu nói nổi tiếng của bà “Chúng ta làm được việc này”, một chút u sầu và sự bàn giao nhiệm vụ theo thủ tục. Lộ vẻ thư giãn và rõ ràng là trong yên bình: Đây là cách mà Thủ tướng Angela Merkel (CDU) thể hiện mình trong cuộc phỏng vấn dành cho Max Hofmann, Trưởng ban Tin tức của DW, tại Phủ Thủ tướng ở Berlin. Bà không phải đắn đo suy nghĩ khi được hỏi về những thách thức nào đã là khó khăn nhất trong nhiệm kỳ của mình. Về mặt cá nhân, bà bị thách thức nặng nề bởi “áp lực việc tỵ nạn Syria và các nước xung quanh, và sau đó là đại dịch Corona”. Trong cả hai trường hợp “người ta đã thấy điều này ảnh hưởng trực tiếp đến con người như thế nào, ở đâu mà người ta phải giải quyết đến số phận con người”. Lần đầu bà Merkel xuất hiện trên chính trường, bên cạnh Thủ tướng Helmut Köln (2001). Nguồn ảnh: DPA/ M. Jung “Vâng, chúng tôi đã làm được” Khi được hỏi liệu bà có quan điểm cho rằng Đức làm chủ được tình hình trước dòng tị nạn 800.000 người vào năm 2015, mà bà đã trả lời bằng câu nổi tiếng “Chúng tôi làm được”. Bà nói: “Vâng, chúng tôi đã làm được! Không phải mọi thứ đều diễn ra ‘trong lý tưởng‘, nhưng các vị thị trưởng thành phố và nhiều tình nguyện viên đã giúp đỡ“. Nhìn về những người nhập cư, bà Merkel nói: “Chúng tôi có những ví dụ tuyệt vời về sự phát triển thành công của con người khi tôi nghĩ về những học sinh tốt nghiệp trung học …”. Khi tự phê bình, bà nói thêm: “Nhưng tất nhiên chúng tôi vẫn chưa giải quyết được nguyên nhân của việc tỵ nạn. Chúng tôi thất bại trong việc châu Âu có một hệ thống thống nhất về tị nạn và di cư“. Nhiều việc trở nên rất, rất nhanh hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu   Bà Merkel cũng mô tả đây là một loại khủng hoảng trong thời kỳ bà còn là Thủ tướng mà ngày càng nhiều người trên thế giới đặt câu hỏi về chủ nghĩa đa phương: “Điều đó luôn quan trọng đối với tôi và tôi luôn cố gắng củng cố các tổ chức quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức khác“. Và về vấn đề của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày càng cấp bách, Thủ tướng thừa nhận: “Chúng ta phải nhanh hơn rất nhiều”. Trước khi làm Thủ tướng, bà Merkel là Bộ trưởng Môi trường và đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên Hiệp quốc đầu tiên tại Berlin vào năm 1995. Bây giờ bà nói: “Chúng ta lại phải tuân thủ các đánh giá khoa học, và điều đó có nghĩa là tiến gần với sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ”. Giới trẻ “phải tạo áp lực” Bà Merkel tham dự lần cuối hội nghị khí hậu của Liên Hiệp quốc năm nay, diễn ra tại Glasgow, Scotland cho đến giữa tháng 11. Bà nói: “Glasgow đã mang lại một số kết quả. Nhưng theo quan điểm của giới trẻ, về mặt pháp lý, nó vẫn còn quá chậm“. Đột nhiên, Merkel nói rõ thêm: “Và tôi nói với giới trẻ: Các bạn phải tạo áp lực“. Nhưng đó không phải là sự thừa nhận thất bại cá nhân trong chính sách khí hậu. Thủ tướng nói thêm rằng, đa số phải đạt được mỗi một biện pháp bảo vệ khí hậu và có nhiều lo ngại về hậu quả xã hội của việc cắt giảm nghiêm trọng, chẳng hạn như tiêu dùng tư nhân. Bà giải thích: “Đúng vậy, luôn đến lượt tôi, nhưng ngày nay, tôi không thể nói rằng kết quả đã mỹ mãn“. Bà cũng phải nhận thức rằng, đánh giá của các nhà khoa học với mỗi báo cáo “còn tệ hơn và khủng khiếp hơn“. Chỉ còn một thời gian ngắn tại chức Cho đến gần đây, người đứng đầu lâu năm trong chính phủ của Đức còn ở vị trí xử lý thường vụ, và Quốc hội mới đã được thành lập. Từ văn phòng của mình, trong 16 năm qua, Merkel đã có thể nhìn vào tòa nhà Quốc hội. Trong cuộc bầu cử liên bang vào cuối tháng 9 năm nay, bà đã không tái tranh cử với tư cách là ứng cử viên thủ tướng của các đảng CDU/CSU. Sau đó, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước Liên minh CDU/CSU. Tiệc chia tay ở Pháp “một trải nghiệm tốt đẹp” Gần đây nhất, bà Merkel đã đến thăm một số nguyên thủ quốc gia và chính phủ trong các chuyến đi tiễn biệt; ví dụ như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Thủ tướng đến thị trấn Beaune ở Burgundy và sau đó tặng bà huy chương Bắc đẩu bội tinh cao quý nhất, một danh dự tột đỉnh tại Pháp. Trong một cuộc phỏng vấn với DW, bà Merkel thẳng thắn nói rằng bà vô cùng cảm động: “Tôi biết rằng, cũng có những người không hài lòng với chính sách của tôi. Nhưng khi bạn ở Pháp bây giờ, nơi mà tất nhiên chúng ta đang ở trong lịch sử thì cũng không có những tình cảm thân thiện nhau, vì vậy tôi rất vui khi có rất nhiều người đến chào đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tôi. Và đó là một trải nghiệm tuyệt vời, tôi phải nói như vậy“. “Tín hiệu trấn an” của Merkel cho thế giới Tại cuộc họp G20 ở Ý chỉ hơn một tuần trước, Merkel đã nhiều lần giới thiệu về người có triển vọng làm kế nhiệm là Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), vẫn còn đương nhiệm là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của bà. Đảng SPD đang đàm phán tại Berlin với đảng Xanh và FDP về một chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của ông. Về những ngày tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, bà Merkel nói rằng, một thông điệp gửi tới người dân là rất quan trọng đối với bà: “Nếu bạn có cảm giác rằng có sự liên hệ tốt ở đây giữa người đứng đầu chính phủ hiện tại và người đứng đầu chính phủ tương lai xảy ra, đó là một tín hiệu trấn an trong một thế giới khá hỗn loạn. Và tôi nghĩ điều đó đã đúng“. Chia tay: “Sẽ quen thôi!” Khi Max Hofmann hỏi bà sẽ làm gì nếu không còn tại vị, bà Merkel nói: “Bây giờ tôi không biết mình sẽ làm gì sau đó. Tôi nói là, trước hết, tôi sẽ nghỉ ngơi một chút và hãy xem điều gì sẽ xảy ra trong đầu tôi“. Bà sẽ đọc và ngủ rất nhiều. Bà Merkel đã nhấn mạnh nhiều lần rằng, bà tin rằng bà có thể từ bỏ quyền lực khá dễ dàng, điều mà bây giờ bà nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn với DW, “một trong những người cuối cùng” trên cương vị nữ Thủ tướng Liên bang. Một mặt, vui mừng nhưng bà cũng phải thừa nhận là: “Nhưng sau đó chắc chắn có một chút buồn sẽ đến, bởi vì tôi đã luôn yêu thích công việc của mình, và tôi vẫn thích làm việc đó“, cho đến ngày làm việc cuối cùng, bà phải tiếp tục tập trung. Theo nhận xét của Hoffmann, sau 16 năm, bà Merkel không còn ngồi ghế Thủ tướng, người còn là đứng đầu chính phủ nói với thái độ tỉnh táo, điều mà bà vẫn thường trải qua, và với một nụ cười: “Rồi sẽ quen thôi”./.  
......

Anh, Đức, Ý phát hiện những ca nhiễm biến thể Omicron mới của virus corona

Biến thể omicron của virus corona được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 11 (hình ảnh biểu tượng) Ảnh: liên minh hình ảnh / Zoonar Châu Âu  - VOA|   Anh, Đức và Ý đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron mới của virus corona vào ngày thứ Bảy và Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố các bước mới để ngăn chặn virus lây lan, trong khi nhiều nước ban hành các hạn chế du hành từ khu vực nam Châu Phi. Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong một cuộc họp báo về biến thể Omicron mới của virus corona, ở London, Anh, ngày 27 tháng 11, 2021. Việc phát hiện biến thể mới này đã làm dấy lên lo ngại toàn cầu, đưa tới một làn sóng các lệnh cấm hoặc hạn chế du hành và một đợt bán tháo trên thị trường tài chính vào ngày thứ Sáu khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Omicron có thể làm trì trệ sự hồi phục toàn cầu sau đại dịch kéo dài gần hai năm. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết hai ca nhiễm biến thể mới được phát hiện ở Anh có liên quan đến việc du hành tới khu vực nam Châu Phi. Phát biểu sau đó, ông Johnson đưa ra các biện pháp bao gồm các quy định xét nghiệm nghiêm ngặt hơn đối với những người đến Anh nhưng không hạn chế các hoạt động xã hội ngoài việc yêu cầu đeo khẩu trang tại một số địa điểm. “Chúng tôi sẽ bắt buộc bất cứ ai nhập cảnh Vương quốc Anh phải làm xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ hai sau khi họ đến và tự cách ly cho đến khi họ có kết quả âm tính,” ông Johnson nói tại cuộc họp báo. Những người tiếp xúc những người có kết quả xét nghiệm dương tính nghi ngờ nhiễm Omicron sẽ phải tự cách ly trong 10 ngày và chính phủ sẽ thắt chặt các quy định về việc đeo khẩu trang, ông Johnson nói, và nói thêm rằng các bước này sẽ được duyệt lại trong ba tuần nữa. Bộ Y tế bang Bavaria của Đức cũng công bố hai ca được xác nhận là biến thể này. Bộ cho biết hai người này đã nhập cảnh Đức tại sân bay Munich vào ngày 24 tháng 11, trước khi Đức định danh Nam Phi là khu vực có các biến thể này của virus, và hiện đang cách ly. Tại Ý, Viện Y tế Quốc gia cho biết một ca biến thể mới đã được phát hiện ở Milan ở một người đến từ Mozambique. Cơ quan y tế Cộng hòa Czech cũng cho biết họ đang xem xét một ca nghi ngờ là biến thể này ở một người từng sống ở Namibia. Omicron, được Tổ chức Y tế Thế giới gọi là “biến thể đáng lo ngại,” có khả năng lây lan mạnh hơn các biến thể trước đây của bệnh COVID-19, mặc dù các chuyên gia vẫn chưa biết liệu nó có làm cho bệnh trầm trọng hơn hay không so với các chủng khác. Biến thể này lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và sau đó cũng được phát hiện ở Bỉ, Botswana, Israel và Hong Kong. Mặc dù các nhà dịch tễ học nói việc hạn chế du hành có thể là quá muộn để ngăn chặn Omicron lan tràn khắp toàn cầu, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới - bao gồm Mỹ, Brazil, Canada và các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu - đã công bố lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại đối với khu vực nam Châu Phi vào ngày thứ Sáu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày thứ Bảy đã bổ sung các hạn chế đi lại đã được công bố trước đó của Washington, khuyến cáo không nên du hành đến tám quốc gia nam Châu Phi. Châu Âu  - VOA  
......

Ông Olaf Scholz – người sẽ kế nhiệm bà Merkel là ai?

Theo giới phân tích, ông Olaf Scholz đã thành công trong chiến dịch tranh cử nhờ việc thuyết phục cử tri rằng ông sẽ giống với nhà lãnh đạo lâu năm và uy tín của nước Đức: bà Angela Merkel - người cầm quyền suốt 16 năm qua. Theo đuổi đường lối giống với bà Angela Merkel Đức vừa công bố thỏa thuận thành lập liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh, chấm dứt 2 tháng đàm phán căng thẳng sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 vừa qua. Với việc giải quyết được một số bất đồng liên quan đến chính sách tài chính, khí hậu và các vị trí trong chính phủ, Đức sẽ có một chính phủ liên minh mới trước Giáng sinh. Liên minh này được gọi là “liên minh đèn giao thông” theo màu sắc truyền thống của các bên. Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, 63 tuổi, ứng viên của SPD sẽ là thủ tướng tiếp theo của Đức. Theo giới phân tích, ông Olaf Scholz đã thành công trong chiến dịch tranh cử nhờ việc thuyết phục cử tri rằng ông sẽ giống với nhà lãnh đạo lâu năm và uy tín của nước Đức: bà Angela Merkel - người cầm quyền suốt 16 năm qua. Sử dụng ngôn ngữ súc tích, ngắn gọn và tránh xa bất cứ cử chỉ nào thể hiện sự đắc thắng, ông Scholz không chỉ xây dựng được hình ảnh có phần giống với thủ tướng sắp mãn nhiệm, mà còn thể hiện được khí chất và sự bình tĩnh trong mọi tình huống. Robin Alexander – một nhà quan sát chính trị lâu năm của Đức cho biết: “Ông ấy giống như một cầu thủ bóng đá đã nghiên cứu video của đối thủ và thay đổi cuộc chơi của chính mình, từ phong cách chính trị đến mọi biểu hiện trên gương mặt”. Khi ông Scholz công bố thành lập chính phủ trung tả mới vào hôm nay (25/11) và chuẩn bị nhậm chức vào tháng 12 tới, một câu hỏi đặt ra cho Đức, cũng như toàn bộ châu Âu và thế giới là: Liệu ông có thể “đi vừa chiếc giày” của bà Merkel hay không? Hiếm có một nhà lãnh đạo Đức nào khi lên nắm quyền lại phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nhức nhối như vậy. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào đầu tháng 12/2021, ông Scholz sẽ phải đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, căng thẳng biên giới Ba Lan-Belarus gia tăng, việc Nga tăng cường triển khai quân đội ở khu vực gần sườn phía Đông Ukraine, một Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn và một đồng minh Mỹ ngày càng xa cách. Nhà quan sát Jana Puglierin, giám đốc Hội đồng Đối ngoại châu Âu tại Berlin nhận xét rằng: “Áp lực hiện giờ rất lớn. Chính phủ sẽ nhậm chức trong bối cảnh sức nóng gia tăng trên nhiều mặt trận. Và khi nói đến chính sách đối ngoại, ông Olaf Scholz vẫn còn là một bí ẩn”. Từng bước gây dựng tầm ảnh hưởng Việc ông Olaf Scholz sẽ xuất hiện như thế nào trên cương vị thủ tướng sau 2 tuần nữa vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Là thành viên lâu năm của đảng SPD, đồng thời phục vụ trong 2 chính phủ do đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel lãnh đạo, ông Olaf Scholz đã trở thành gương mặt khá quen thuộc trên chính trường Đức trong hơn 2 thập kỷ qua. Tuy vậy, ông cũng được cho là một chính trị gia thực dụng và khó đoán. Sinh ra tại Osnabrück, miền Bắc nước Đức, nhưng Olaf Scholz lớn lên ở thành phố Hamburg – nơi ông từng giữ chức thị trưởng. Ông nội Olaf Scholz là công nhân đường sắt trong khi bố mẹ ông làm trong ngành dệt. Olaf Scholz và các anh trai là những người đầu tiên trong gia đình được theo học lên đại học. Olaf Scholz gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội khi đang học trung học. Là một thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết, Olaf Scholz đã dành một thập kỷ làm luật sư bào chữa cho những công nhân vị đe dọa mất việc làm do việc đóng cửa các nhà máy. Sau này, khi nắm vai trò là tổng thư ký đảng SPD, ông đã lên tiếng ủng hộ việc cải cách thị trường lao động. Lần đầu được bầu vào Quốc hội Đức, ông Olaf Scholz đứng về phe cánh hữu. Nhưng hiện giờ ông được coi là người ủng hộ cánh tả. Scholz từng thua trong chiến dịch tranh cử vị trí lãnh đạo của SPD vào năm 2019, nhưng sau đó ông đã gây bất ngờ và tạo dựng được ấn tượng tốt với những người phê bình mạnh mẽ nhất trong đảng này khi thúc đẩy gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ euro để giúp đỡ người lao động và các doanh nghiệp khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Theo một số nhân vật thân cận, Olaf Scholz đã ôm ấp tham vọng trở thành thủ tướng từ năm 2011. Bản năng chính trị, khả năng đương đầu với thử thách và niềm tin thầm lặng của ông đã khiến nhiều đối thủ chính trị thán phục. Cách đây 3 năm, khi tỷ lệ ủng hộ SPD ở mức thấp kỷ lục, Olaf Scholz từng nói với New York Times rằng đảng này sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Giống như bà Merkel, ông được cho là một người đáng tin cậy, có thể đảm đương những trọng trách lớn lao. Tác giả Alexander, người đã viết một cuốn sách bán chạy nhất về thời kỳ cuối của kỷ nguyên Merkel cho biết: “Bà Merkel đã vượt ra ngoài những toan tính chính trị mang tính đảng phải, bà là tiếng nói của lý trí. Trở thành nhân vật trung tâm trong nền chính trị nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, đó là điều bà Merkel đã thực hiện rất thành công và là những gì ông Scholz đang hướng tới”. Những thách thức đối với ông Scholz Giới phân tích cho rằng, sự linh hoạt về chính trị sẽ giúp ông Scholz trở thành một nhà lãnh đạo phù hợp có thể giải quyết những thách thức mà ông sẽ thường xuyên phải đối mặt trên cương vị thủ tướng, cũng như giữ hòa khí trong một liên minh ba bên và kết nối Đảng Xanh với Đảng Dân chủ Tự do vốn có nhiều sự khác biệt về quan điểm. Nhưng Scholz cũng có khả năng sẽ không làm hài lòng bất cứ bên nào. Theo các nhà quan sát, những yêu cầu khác biệt giữa 3 đảng phái có thể ảnh hưởng đến khả năng thông qua chương trình nghị sự đầy tham vọng của chính phủ để chuẩn bị cho một nước Đức trong tương lai với nền kinh tế không carbon và vững bước trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Điều đó cũng tác động đến vai trò và vị thế của Đức trên trường quốc tế. Giới phân tích dự đoán, nếu như ông Scholz bị phân tâm quá nhiều bởi những căng thẳng nội bộ thì châu Âu và thế giới chắc chắn sẽ cảm nhận được sự chấm dứt hoàn toàn của kỷ nguyên Merkel. Nhưng nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, nước Đức dưới thời Scholz có thể trở thành một cường quốc giữ vai trò nòng cốt để gắn kết châu Âu, thống nhất liên minh xuyên Đại Tây Dương trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cũng như đối đầu với các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Trung Quốc và Nga. Chính sách đối ngoại hầu như không được thảo luận trong chiến dịch bầu cử Đức vừa qua nhưng chính sách này cùng với việc ứng phó đại dịch Covid-19 có thể trở thành ưu tiên của chính quyền mới trong những tháng đầu tiên nắm quyền. Đức sẽ đảm nhận chức chủ tịch Nhóm G7 vào tháng 1/2022 và khi đó, ông Scholz sẽ phải hướng sự chú ý vào một loạt vấn đề quốc tế cấp bách. Đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz luôn giữ lập trường ôn hòa với Nga và ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức thông qua biển Baltic. Nhưng trong trường hợp Moscow tăng cường gây sức ép với Ukraine thì đây sẽ là một phép thử vông cùng quan trọng. Với Trung Quốc, chính sách có vẻ phức tạp hơn. SPD đã gửi đi tín hiệu rằng, trước mắt, ông Scholz có thể không theo đuổi chính sách đối đầu Trung Quốc cũng như đứng cùng hàng ngũ với Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn, và các ngành công nghiệp của Đức giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Berlin có thể thay đổi chủ nghĩa trọng thương có từ thời Merkel. Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg nhận xét rằng: “Scholz đã gây dựng được vị thế tốt và ông ấy sẽ còn có ảnh hưởng lớn hơn trong chính quyền. Ông ấy có tiềm năng trở thành một lãnh đạo mạnh mẽ trên trường quốc tế một khi giữ được các đảng phái trong liên minh gắn kết với nhau”./.  
......

Vì sao Bộ trưởng Tô Lâm bị đề nghị trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 10/11/2021. Ông Lâm, cùng chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình, bị 10 tổ chức quốc tế đề nghị đưa vào danh sách trừng phạt theo luật Magnitsky toàn cầu. VOA Tiếng Việt Chiến dịch do 10 tổ chức vận động nhân quyền quốc tế phát động kêu gọi các chính phủ phương Tây áp dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu để chế tài hai uỷ viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản, trong đó có Bộ trưởng Công an Tô Lâm Các tổ chức, gồm Phóng viên Không Biên giới (RSF), Article 19, Việt Tân và Hội Anh em Dân chủ, thúc giục Liên minh châu Âu, Quốc hội Mỹ, Anh và Canada áp dụng các chế tài chống lại ông Lâm và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình, mà họ cho là đã “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nhiều năm qua.” “Trong một thập kỷ qua, các quan chức chính phủ Việt Nam tiếp tục siết chặt tự do ngôn luận và nhắm mục tiêu đến các nhà báo công dân và những nhà hoạt động, làm tăng đáng kể vi phạm nhân quyền,” các tổ chức viết trong một báo cáo được đưa ra cho chiến dịch này. “Các luật, chẳng hạn như đạo luật Magnitsky, cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các chính phủ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.” Ông Lâm, cùng với ông Bình, bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho việc “đàn áp, tấn công bạo lực và bắt giữ hơn 300 tù nhân lương tâm” và “2.000 trường hợp các nhà bất đồng chính kiến bị sách nhiễu” với “ ít nhất 500 vụ đánh đập tù nhân bởi lực lượng công an do họ điều động.” Trong một thỉnh nguyện thư đưa ra cho chiến dịch này, các tổ chức còn cho rằng hai uỷ viên Bộ chính trị cũng chịu trách nhiệm đối với “những vụ tra tấn tù nhân, sách nhiễu người thân, triệt hạ kinh tế và can thiệp đưa đến những phiên toà bất công.” Một hồ sơ chứng cứ hành vi “vi phạm nhân quyền” của Bộ trưởng Lâm và Chánh án Bình cùng một báo cáo về tình trạng Tù nhân Lương tâm Việt Nam 2021, do 10 tổ chức phối hợp thực hiện, đã được trao cho các giới chức Liên minh châu Âu hôm 27/10. Trong phần cáo buộc đối với ông Lâm, người giữ chức Bộ trưởng Công an từ năm 2010, các tổ chức cho rằng với tư cách là người đứng đầu của cái gọi là “cơ quan siêu bộ” ở Việt Nam, vị bộ trưởng này “có thể can thiệp vào mọi tổ chức hành chính của Đảng Cộng sản Việt Nam” cũng như “có thể can thiệp vào các cuộc điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra, các lệnh truy tố của Viện kiểm sát, và thậm chí cả thủ tục của Toà án.” Bộ Công an của ông Lâm cũng là nơi quản lý và thực thi các chính sách tại các nhà tù và trại giam trên toàn Việt Nam. Đã có những trường hợp bị đánh đập hoặc tra tấn trong các trại giam được ghi nhận, gồm các nhà hoạt động như Nguyễn Chí Tuyến, Lã Việt Dũng và Nguyễn Văn Đài, hay các trường hợp chết trong tù như Đinh Đăng Định và Huỳnh Anh Trí. Các trường hợp này được nêu trong báo cáo của 10 tổ chức và cũng đã được các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng trước đây. Theo một báo cáo của chính phủ Đức được các tổ chức trích dẫn, bộ Công an của ông Lâm còn chịu trách nhiệm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017, dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong lịch sử giữa Đức và Việt Nam khi Berlin xem đó là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế tại Đức. Từ các phân tích về vị trí, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Công an, các tổ chức kết luận rằng ông Lâm “phải chịu trách nhiệm về tất cả những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong ít nhất 10 năm (2010-2020)… theo Đạo luật Magnitsky.” Tương tự, các tổ chức này cũng cáo buộc ông Bình, trong 10 năm giữ chức vụ cao nhất của Viện Kiểm sát và Toà án Tối cao, đã “phớt lờ những khiếu nạn của người dân đối với sự sách nhiễu và bất công của cảnh sát trong các phiên toà” và dưới sự chỉ đạo của ông, “các bản cáo trạng cũng như các bản án dành cho các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền được viết ra theo những hồ sơ điều tra của công an.” Theo thống kê của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Dự án 88, có ít nhất 352 người bị kết án trong vòng 10 năm qua chỉ vì thực thi các quyền tự do cơ bản của con người được ghi trong Hiến pháp Việt Nam. Các tổ chức này cho rằng ông Bình đã “biến toà án thành một công cụ quyền lực hơn cho việc duy trì các sắp đặt chính trị và các chính sách nhằm duy trì sự thống trị của Đảng Cộng sản chống lại những người dám lên tiếng phản đối.” Do đó, theo 10 tổ chức này, ông Bình cần phải chịu trách nhiệm và cũng bị đề nghị áp luật Magnitsky. Các cuộc gọi của VOA tới Bộ Công an và Toà án Nhân dân Tối cao để xin bình luận trước những cáo buộc mà 10 tổ chức đưa ra không được hồi đáp. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội luôn phản bác các chỉ trích về hồ sơ nhân quyền yếu kém của Việt Nam từ các tổ chức và chính phủ quốc tế. Người phát ngôn của bộ này thường khẳng định rằng các quyền cơ bản của người dân trong nước được đảm bảo và rằng chỉ có những người vi phạm luật pháp mới bị bắt giữ hay bỏ tù ở Việt Nam. “Với tư cách là bộ trưởng Công an và Chánh án, ông Tô Lâm và ông Nguyễn Hoà Bình đã không bị trừng phạt vì các hành vi tấn công vào xã hội dân sự không thể chấp nhận được này quá lâu rồi,” ông Matthew Bugher, người đứng đầu Chương trình châu Á của Article 19, có trụ sở ở London của Anh, nhận định với VOA. Theo ông Bugher, sự đàn áp của các quan chức Việt Nam đối với những tiếng nói độc lập không có dấu hiệu suy giảm tại quốc gia Đông Nam Á. Còn theo ông Daniel Bastard của RSF, có trụ sở ở Paris của Pháp, các quyết định cũng như những hành động trong quá khứ của ông Lâm và ông Bình “trực tiếp dẫn tới việc bắt giữ và kết án hàng chục nhà báo và những blogger vì nói lên sự thật.” “Vì vậy (ông Lâm và ông Bình) nên được coi là những kẻ săn mồi hung dữ của tự do báo chí,” ông Bastard nói với VOA qua email. “Hai quan chức này nên bị trừng phạt thích đáng vì hành vi vi phạm nhân quyền của họ, để hành vi sai trái của họ không lặp lại.” Có thể trừng phạt được Tô Lâm? Đạo luật Magnitsky, ban đầu là nhắm trừng phạt các quan chức của Nga có liên quan tới cái chết của luật sư thuế người Nga Sergei Magnitsky tại một nhà tù ở Moscow vào năm 2009, được quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12/2012. Đạo luật “Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky”, hay Magnitsky Act, sau đó được áp dụng trên toàn cầu từ năm 2016, trong đó quy định chế tài với các cá nhân mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Theo đó chính phủ Mỹ được phép trừng phạt những người được xem là vi phạm nhân quyền hay tham nhũng, phong toả tài sản của họ tại Mỹ và cấm họ bước chân vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Theo sau Mỹ, Canada và Anh vào năm 2018 cũng đã thông qua đạo luật này. Liên minh châu Âu – sau nhiều vận động bền bỉ của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, công lý và chống tham nhũng – cũng đã bắt đầu áp dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu vào tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, giới đấu tranh vì nhân quyền trong nhiều năm qua cũng đang vận động để đạo luật Magnitsky được ban hành và áp dụng tại Úc. Ông Trần Sơn, người đại diện Đảng Việt Tân đến trụ sở của Cơ quan Ngoại giao của EU (EEAS) tại Bruxelles ở Bỉ để nộp hồ sơ và báo cáo đề xuất Liên minh châu Âu trừng phạt ông Lâm và ông Bình theo luật Magnitsky Toàn cầu, cho VOA biết rằng trong những tháng tới các tổ chức này sẽ tiến hành các bước tương tự tại Mỹ, Canada và Úc, khi luật Magnitsky được thông qua tại đây. “Chúng tôi biết rằng trừng phạt một người đang giữ chức vụ khá cao trong bộ máy (chính quyền Việt Nam) không phải là dễ nhưng các tổ chức đồng ký tên, 10 tổ chức, đã đồng ý với nhau là mình phải lên tiếng vì trách nhiệm của (ông) Tô Lâm rất là cao trong sự đàn áp,” ông Sơn nói. “Không biết tiến trình sẽ đi tới đâu và không biết là các quốc gia có sẵn sàng trừng phạt một người như vậy hay không nhưng chúng tôi có bổn phận phải lên tiếng. Có được kết quả ngay bây giờ hay là sau đó hay vài năm nữa không thành vấn đề lắm mà cái quan trọng là phải vạch trần trách nhiệm của ông (Lâm) bằng giấy trắng mực đen, ghi vào trong sổ của các nước Tây phương khi họ đối thoại với Việt Nam.” Một đại diện của EEAS cho biết rằng cơ quan này không bình luận về tiến trình nội bộ hay tình trạng của bất kỳ quy trình thể chế nào, khi trả lời yêu cầu bình luận của VOA về việc liệu EU có áp dụng chế tài theo luật Magnitsky đối với ông Lâm và ông Bình hay không. Đại diện này cho biết qua email rằng “Đại diện cấp cao và/hoặc các Quốc gia thành viên (của EU) sẽ đề xuất danh sách theo các biện pháp hạn chế của EU để Hội đồng (Liên minh châu Âu) quyết định theo các điều khoản hiệp ước hiện hành.” “Tôi nghĩ rằng các nhà chức trách của Liên minh châu Âu, Canada, Anh và Mỹ có một cơ hội tuyệt vời để cho thấy rằng họ vẫn được thúc đẩy bởi các nguyên tắc phổ quát như nhân quyền và tự do báo chí,” ông Bastard nói. “Họ nên nắm bắt cơ hội này để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai cá nhân đã chà đạp lên các giá trị phổ quát đó. Nếu không làm như vậy thì sẽ là một dấu hiệu xấu cho cuộc chiến toàn cầu vì dân chủ.” Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức của Việt Nam bị đề nghị trừng phạt theo đạo luật Magnitsky. Vào tháng 12 năm ngoái, một nhóm các dân biểu Quốc hội Mỹ đã thúc giục Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ áp dụng luật Magnitsky toàn cầu để chế tài các thành viên của lực lượng công an Hà Tĩnh tham gia “tra tấn” nhà báo công dân và nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hoá, hiện đang thụ án 7 năm tù ở Việt Nam với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước.” Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John Cornyn hồi tháng 8 vừa qua cũng đã kêu gọi Ngoại trưởng Anthony Blinken có các biện pháp mạnh mẽ về nhân quyền trong khi thương thảo hợp tác với Việt Nam. Thượng nghị sỹ này còn kêu gọi áp dụng biện pháp chế tài theo luật Magnitsky toàn cầu đối với các cá nhân vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam./.   ĐƯỜNG LINK KÝ THỈNH NGUYỆN THƯ chế tài ông Tô Lâm và ông Nguyễn Hoà Bình, đã “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nhiều năm qua.”  
......

Nghị sĩ châu Âu lên tiếng về vụ công nhân Việt Nam kêu cứu ở Serbia

Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel, nhà lập pháp người Đức thuộc nhóm Greens/EFA của Nghị viện châu Âu, trả lời phỏng vấn với VOA vào ngày 23/11/2021. Khoảng 500 công nhân Việt Nam làm việc cho một dự án xây dựng của công ty Trung Quốc ở Serbia bị bóc lột, thậm chí bị đối xử gần như nô lệ. Sau nhiều tuần im lặng trước những cáo buộc của nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền Serbia, ngày 19/11/2021, tổng thống Serbia cho biết một thanh tra lao động đã được cử đến tìm hiểu tình hình.   Khánh An-VOA Sau khi truyền thông quốc tế đưa tin về tình cảnh khốn khổ của nhóm công nhân Việt Nam làm việc cho công ty Trung Quốc ở Serbia, một nhóm nghị sĩ châu Âu đã khiến cho nhà chức trách ở Belgrade nổi giận khi lên tiếng kêu gọi Serbia chấm dứt “chế độ nô lệ hiện đại”. “Những công nhân này đang sống trong những điều kiện vô nhân đạo”, nhóm 7 nghị sĩ châu Âu, bao gồm Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel (Greens/EFA, Đức), Gwendolyne Delbos-Corfield (Greens/EFA, Pháp), Tineke Strik (Greens/EFA, Hà Lan), Toniono Picula (S&D, Croatia), Klemen Groselj (Renew, Slovenia), Irena Ioveva (Renew, Slovenia) và Thomas Waitz (Greens/EFA, Áo), nói trong thông cáo ngày 19/11. “Hoàn toàn không thể chấp nhận được một quốc gia mong muốn là thành viên của EU lại dung túng cho việc xây dựng và duy trì một nhà máy được cho là thuê mướn nhân công từ nạn buôn người và bóc lột trên lãnh thổ của mình”, các nghị sĩ châu Âu nói thêm. Theo các nghị sĩ châu Âu, “Việc chính phủ Serbia im lặng về vấn đề lao động cưỡng bức này có nghĩa là họ đang đồng lõa với chế độ nô lệ hiện đại”. Các nghị sĩ kêu gọi chính phủ Serbia, Bộ Lao động và Thanh tra Lao động, Bộ Nội vụ và Văn phòng Điều phối các hoạt động Chống buôn người và Văn phòng Công tố viên phải “hành động ngay lập tức trước những hành vi lạm dụng trắng trợn về nhân quyền và nhân phẩm của người lao động”. Để tìm hiểu thêm về quan điểm của nhóm nghị sĩ về sự việc liên quan đến nhóm công nhân Việt Nam, VOA phỏng vấn Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel, nhà lập pháp người Đức thuộc nhóm Greens/EFA của Nghị viện châu Âu. VOA: Xin chào bà Viola von Cramon-Taubadel. Được biết bà đã kêu gọi Serbia phải hành động lập tức để chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại tại đây. Bà có thể cho VOA biết quá trình này như thế nào không? Và bà có nhận được phản hồi nào từ các bên liên quan không? Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel: Các quốc gia trên toàn cầu đã ký kết các hiệp ước ràng buộc khác nhau, các công ước đa phương như Bộ luật Tổ chức Lao động Quốc tế, Công ước về Nghị định thư Palermo, Hiến chương Châu Âu về các quyền cơ bản, và tất nhiên, Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn người. Tất cả các công ước đều có quy định tương tự rằng các quốc gia đã ký kết các công ước đó đều có nghĩa vụ ràng buộc là phải chống lại nạn buôn người, hay tình trạng xói mòn quyền lao động. Trong trường hợp này, những gì chúng ta thấy ở Serbia là một vụ việc nghiêm trọng mà công nhân Việt Nam đã hoàn toàn bị tước đoạt quyền của họ. Hộ chiếu của họ bị lấy mất, tiền công không được trả. Rõ ràng là trong một thời gian dài, các quyền xã hội của họ không được đảm bảo, và điều đó phụ thuộc vào tất cả chúng ta, các tổ chức phi chính phủ ở các quốc gia cụ thể, và cả chúng tôi ở Liên minh Châu Âu, phải đưa vấn đề này ra và chất vấn các nhà chức trách rằng điều gì đang xảy ra ở quốc gia của anh vậy? Và anh dự định làm gì với nó? Với chúng tôi, đây rõ ràng là một trường hợp mà họ cần phải thanh tra lao động để lo cho những người lao động đến từ Việt Nam được thuê mướn bởi các công ty Trung Quốc. Trong trường hợp có buôn người, anh cần phải có công tố viên để theo dõi chặt chẽ xem ai là người chịu trách nhiệm về chuyện này. Và đó là những gì chúng tôi kêu gọi, chúng tôi yêu cầu và đã thu hút được rất nhiều sự chú ý. VOA: Sau vụ 39 người nhập cư Việt Nam được phát hiện chết trong xe tải ở Anh trước đây, chúng ta thỉnh thoảng vẫn nghe tin về những người lao động nhập cư Việt Nam bị rơi vào các đường dây buôn người qua môi giới lao động, bất chấp tình hình đại dịch đang diễn ra. Bà có nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đã làm đủ để ngăn chặn tình trạng này? Bà có đề xuất gì không? Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel: Tôi hy vọng rằng thảm kịch mà chúng ta đã chứng kiến ở Anh quốc sẽ không xảy ra nữa. Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng và chính phủ Việt Nam hãy bảo vệ công dân của mình khỏi những thảm kịch này, và tất nhiên, phải bảo đảm rằng mọi công nhân được thông báo đầy đủ về những gì họ đang làm và họ được thuê mướn làm việc gì, những quy định, nguyên tắc trong hợp đồng… Tất cả những điều này đương nhiên là thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng Việt Nam. Tôi không rõ là họ đã làm đủ hay chưa, nhưng rõ ràng những trường hợp trên cho thấy có một nguy cơ lớn là công nhân thậm chí có thể mất mạng khi họ đi làm việc ở nước ngoài. Lời kêu gọi của nhóm nghị sĩ châu Âu được đăng trên trang web của Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel. VOA: Giữa bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường châu Âu thông qua các hiệp định thương mại tự do, theo bà, những sự việc như thế này có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU hay không? Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel: Như bạn biết đấy, chúng tôi đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, và thông thường đây là cơ hội tuyệt vời để thực thi các quyền xã hội đã được quy định trong các hiệp định thương mại đó. Tôi không chú ý nhiều đến vấn đề này nhưng tôi mong đợi từ phía Ủy ban Châu Âu và từ tất cả các tổ chức châu Âu có liên quan đến việc thực hiện này, rằng họ sẽ gây áp lực nhiều hơn nữa đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam để thực hiện xong chuyện này và hoàn thành kịp thời. Từ vụ việc ở Vương quốc Anh cũng như ở Serbia, chắc chắn cho thấy vẫn còn một phạm vi tiềm năng lớn cho việc cải thiện. Và có một nhu cầu rất lớn là các cơ quan của Việt Nam cần phải làm công việc của họ để bảo vệ công dân của mình, bảo vệ người lao động của mình, đảm bảo rằng các công ty môi giới của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như các Công ước khác. Những gì chúng ta thấy rõ ràng ở đây là không phù hợp với Hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. VOA: EU vốn không dung thứ cho bất kỳ hành vi lạm dụng nào về quyền của người lao động. Vậy bà và nhóm GREEN/EFA của Nghị viện châu Âu dự định sẽ làm gì tiếp theo nếu như chính phủ Serbia phớt lờ lời kêu gọi của bà? Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel: Đây không phải là vấn đề của các bên, không phải là chuyện The Greens sẽ nói gì, mà là vấn đề thuộc về một câu hỏi cơ bản, về quyền cơ bản. Và vì vậy, hy vọng Liên minh châu Âu sẽ có tiếng nói về vấn đề này. Nhưng theo tôi hiểu, chính phủ Serbia cũng sẽ giải quyết việc này. Tôi hy vọng họ bảo đảm rằng mọi thứ sẽ được công bố như họ gửi bằng chứng về việc thanh tra lao động đã đến nơi đó như thế nào, họ phối hợp với công ty Trung Quốc (công ty thuê mướn nhân công Việt Nam) như thế nào, cử công tố đến đây ra sao... Những vấn đề này không phụ thuộc vào việc The Greens hay thành viên The Greens của Nghị viện châu Âu gây áp lực. Mà tôi hy vọng vì lợi ích của chính mình, nhà chức trách sẽ quan tâm đến những trường hợp bi thảm trên và điều kiện làm việc không thể chấp nhận được tại đất nước của họ. VOA: Bà có nhận định gì về các công ty Trung Quốc đang làm ăn ở châu Âu và các nước khác không? Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel: Tôi cho rằng có một xu hướng lớn là gây suy yếu các điều kiện xã hội, vốn là cơ sở cho thị trường nội địa và còn ảnh hưởng đến các thành viên liên kết mở rộng. Tôi nghĩ chúng ta nên hết sức thận trọng khi hợp tác với các công ty Trung Quốc khi thấy có nguy cơ bóc lột lao động, các quyền xã hội bị suy giảm, không có tổ chức công đoàn, trong hợp đồng công nhân bị tước các quyền cơ bản và có những vi phạm khác... Rõ ràng, đối với các công ty Trung Quốc, càng đơn giản càng tốt. Nhưng đối với chúng tôi và Liên minh châu Âu, đây là điều kiện để hợp tác và đây cũng phải là điều kiện trong việc hợp tác đối với các quốc gia liên kết như Serbia. VOA: Cám ơn Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel đã dành thời gian cho VOA. Theo các báo cáo và thông tin từ truyền thông quốc tế, các công nhân Việt Nam đã được đưa sang Serbia qua công ty môi giới với giá từ 2.200 đến 4.000 đô la. Sau đó, họ được Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc Tianjin Electric Power Construction thuê, với hợp đồng không có ngày bắt đầu và thanh toán bằng tiền mặt. Họ phải làm việc theo ca 9 tiếng/ngày, 26 ngày/tháng và tất cả chi phí trang bị bảo hộ cá nhân đều bị trừ vào tiền lương. Nếu làm không đủ ngày, họ sẽ bị mất toàn bộ tiền lương tháng. Nếu đi làm muộn, họ có nguy cơ bị mất tiền lương cả ngày. Điều kiện sống của nhóm khoảng 500 công nhân Việt Nam này cũng vô cùng tồi tệ. Họ sống trong các lán trại đông đúc, không có hệ thống sưởi ấm hoặc thoát nước thải phù hợp, không đủ điện và thực phẩm. Họ đã đình công hai lần để phản đối tình trạng thiếu lương thực và không được trả lương kể từ tháng Năm. Những chỉ trích của nhóm nghị sĩ châu Âu trên ngay lập tức khiến nhà chức trách Serbia nổi giận. Ngoại trưởng Serbia, Nikola Selakovic, đã phản ứng dữ dội, nói rằng những cáo buộc về “chế độ nô lệ hiện đại” và “sử dụng nạn buôn người cho việc bóc lột sức lao động” là “một nỗ lực khác nhằm quỷ dữ hóa Serbia”. Ông Nikola Selakovic nói trên trang Twitter rằng các giới chức nước này đã “phản ứng khẩn cấp” sau khi truyền thông đưa tin về các công nhân Việt Nam và “hóa ra sự thật chẳng liên quan gì mấy đến những hình ảnh được tạo ra trong cuộc tấn công tuyên truyền chính trị có trật tự và phối hợp nhằm vào Serbia”. Ngoại trưởng Serbia sau đó nhắm vào Nghị sĩ von Cramon-Taubadel, người đã đăng thông cáo trên trang web của mình, bằng cách cáo buộc bà đang tiến hành “một chương trình nghị sự hung hăng chống lại Serbia và chống lại Trung Quốc, không liên quan đến vấn đề nhân quyền”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 18/11 trả lời báo chí rằng Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia đang xác minh thông tin, liên hệ với các công ty tại Serbia và các công ty phái cử lao động cùng cơ quan liên quan sở tại. Bà Hằng nói thêm rằng “Thông tin ban đầu cho hay, không có chuyện hành hung hay đánh đập”. https://www.voatiengviet.com/a/ngh%E1%BB%8B-s%C4%A9-ch%C3%A2u-%C3%A2u-l%C3%AAn-ti%E1%BA%BFng-v%E1%BB%81-v%E1%BB%A5-c%C3%B4ng-nh%C3%A2n-vi%E1%BB%87t-nam-k%C3%AAu-c%E1%BB%A9u-%E1%BB%9F-serbia/6325648.html  
......

Vụ Bành Súy : Trung Quốc vụng về dàn cảnh để giữ hình ảnh trước Olympic mùa đông 2022

Cây vợt nữ Trung Quốc Bành Súy tại lễ khai mạc Giải Chung kết Fila Kids Junior Tennis Challenger, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/11/2021. © QINGQINGPARIS via REUTERS Thu Hằng  - RFI  Sau gần 3 tuần « bặt vô âm tín » đến mức cộng đồng quốc tế phải hỏi « Bành Súy ở đâu? » với hashtag #WhereIsPengShuai, tay vợt nữ nổi tiếng Trung Quốc liên tục « được xuất hiện ». Tuy nhiên, rất dễ nhận ra rằng mọi hình ảnh, sự kiện trong bốn ngày gần đây liên quan đến nhà vô địch đánh đôi Wimbledon 2013 đều được dàn dựng một cách vụng về, có lẽ do Bắc Kinh không dự đoán được phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế.  Bành Súy « gặp may », theo nhận định của báo Le Monde ngày 22/11. Thực vậy, nếu không có Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022, diễn ra trong chưa đầy ba tháng nữa, cây vợt nữ 35 tuổi có lẽ đã « biệt tăm » như trường hợp nữ diễn viên nổi tiếng Triệu Vy liên quan đến một vụ khác, hoặc phải « nhận lỗi » vì đã « vu khống » như nhiều phụ nữ tố cáo bị quấy rối tình dục trong phong trào #MeToo xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 2018.   « Vu khống » vì Bành Súy đã tiết lộ chi tiết « thâm cung bí sử » về mối quan hệ với cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli). Trong bức thư ngỏ dài được báo Libération dịch từ ảnh chụp màn hình tài khoản Weibo trước khi bị gỡ xuống và xóa dấu vết, Bành Súy thấy « cần phải nói sự thật » về mối quan hệ của cô với ông Trương Cao Lệ, người đã được vợ tiếp tay, ép cô quan hệ tình dục với ông, biến cô thành người tình, sau đó bỏ rơi cô khi ông được thăng chức, đến thời gian gần đây nối lại quan hệ và rồi lại bỏ rơi cô. Lời lẽ trong thư ngỏ của cô chứa đầy cay đắng và cho thấy phần nào thất vọng và bất lực của cây vợt nữ.   « Nhờ » truyền thông Nhà nước đưa Bành Súy trở lại  Bành Súy là người đầu tiên động đến thượng tầng quyền lực ở Trung Quốc, vì ông Trương Cao Lệ là nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 7 trong những năm 2013-2018. Và lẽ ra cô có thể bặt vô âm tín mãi mãi nếu không được công luận quốc tế và nhiều tổ chức thể thao, bảo vệ nhân quyền gây áp lực. Bắc Kinh buộc phải hành động, nhưng để cơ quan truyền thông Nhà nước dàn xếp sự trở lại của Bành Súy, mà đối tượng nhắm đến là công luận quốc tế.   Chỉ trong ba ngày, Bành Súy như hồi sinh, với hàng loạt hình ảnh, hoạt động dồn dập, nhưng tất cả đều do truyền thông Nhà nước đăng tải. Ngày 19/11, Bành Súy chúc « Cuối tuần vui vẻ » với ba hình ảnh tươi cười chụp với thú cưng, nhưng lại được tài khoản Shen Shiwei, bị gán nhãn « cơ quan truyền thông trực thuộc Nhà nước Trung Quốc » đăng trên Twitter, trong khi mạng xã hội của Mỹ này bị cấm ở Trung Quốc. Cùng ngày, tổng biên tập Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) Hồ Tích Tiến đăng hai đoạn video, trong đó một đoạn dài hơn 4 phút ghi lại cảnh Bành Súy đang « ăn tối với huấn luyện viên và những người bạn » trong một nhà hàng ở Bắc Kinh và cô « say sưa » thảo luận với huấn luyện viên trước ống kính quay chính diện. Tiếp theo, chỉ một ngày sau « tiên đoán » của ông Hồ Tích Tiến rằng Bành Súy « sớm » trở lại, thì cây vợt nữ làm khách mời danh dự của vòng chung kết giải quần vợt nhi đồng FILA Kids Junior Tennis Challenger. Hình ảnh hoạt động của cô tại giải này được đăng ngày 21/11 trên tài khoản Weibo của đơn vị tổ chức China Open.   Mượn CIO giập vụ việc  Có thể nói sự trở lại của Bành Súy được cân nhắc từng chi tiết, bị kiểm soát và kiểm duyệt. Và để có độ tin cậy cao hơn, Trung Quốc tổ chức cho Bành Súy một buổi nói chuyện trực tuyến với ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc tế (CIO). Cô trấn an là được an toàn và không muốn đời tư bị quấy rầy. Nhưng tại sao lại cho nói chuyện với CIO, mà không phải là với Hiệp Hội Quần Vợt Nữ (WTA) hay rộng hơn là Hiệp Hội Quần Vợt Nhà Nghề  (ATP) ?   Liệu CIO thật sự tôn trọng đời tư của tay vợt nữ và chỉ hài lòng với việc cô được an toàn mà không hỏi liệu Bành Súy có được tự do không ? Liệu CIO cố tình không hỏi đến vụ cáo buộc tấn công tình dục theo yêu cầu của Bắc Kinh ? Truyền thông phương Tây đều cáo buộc CIO đang tiếp tay cho Bắc Kinh giập vụ tai tiếng. Còn theo tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), CIO đang tiếp sức cho « tuyên truyền của Nhà nước Trung Quốc ».   Trung Quốc đang chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa đông 2022 trong khi hình ảnh của nước chủ nhà không ngừng xấu đi trong thời gian gần đây, do những cáo buộc vi phạm nhân quyền, dân chủ, trấn áp đối lập. Và vụ Bành Súy xảy ra không đúng thời điểm cho Bắc Kinh, vì trước đó đã có nhiều lời kêu gọi tẩy chay ngoại giao sự kiện thể thao toàn cầu này, từ Mỹ đến Anh và Pháp.  Hiệp Hội Quần Vợt Nữ vẫn tỏ ra tỉnh táo khi tái khẳng định: « Những đoạn video đó không làm thay đổi những yêu cầu của chúng tôi tổ chức một cuộc điều tra đầy đủ, minh bạch và không kiểm duyệt về những cáo buộc xâm hại tình dục, vấn đề làm phát sinh mối quan tâm của chúng tôi ». WTA đã sẵn sàng từ bỏ lợi nhuận ở Trung Quốc khi hủy các giải thi đấu ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Và có lẽ chỉ có lời kêu gọi mạnh mẽ của WTA, cũng như của những tổ chức bảo vệ nhân quyền khác, mới giúp vụ Bành Súy không bị nhấn chìm như phong trào #MeToo ở Trung Quốc.  Xem thêm; - Ủy Ban Olympic Quốc Tế ban “phước lành” cho TQ để nhận chìm vụ Bành Súy? https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20211123-%E1%BB%A7y-ban-olympic-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-ban-ph%C6%B0%E1%BB%9Bc-l%C3%A0nh-cho-tq-%C4%91%E1%BB%83-nh%E1%BA%ADn-ch%C3%ACm-v%E1%BB%A5-b%C3%A0nh-s%C3%BAy  
......

Công nhân Việt bị bóc lột và đối xử tàn tệ ngay tại Âu Châu

Ngọc Thu|   Hôm 18 Tháng Mười Một 2021, bài phóng sự của BBC phản ảnh „thảm trạng“ tồi tệ của hàng trăm lao động Việt Nam tại Serbia khiến dư luận phẫn nộ và EU buộc phải lên tiếng.   Viola von Cramon, nghị sĩ Đức trong Nghị viện Châu Âu, đã phản ứng với tình hình ở Zrenjanin – Serbia như sau:   "Nếu đó là lao động cưỡng bức, chế độ nô lệ ở Tây Balkan, thì đó là điều bi thảm và chúng ta phải cố gắng ngăn chặn nó."   Vì sao có tình trạng nô lệ lao động xảy ra trong các nước thuộc cộng đồng Liên Âu?   Khoảng 400 công nhân Việt Nam đã được đưa đến Serbia vào mùa xuân để tham gia dự án xây dựng nhà máy mới sản xuất lốp ô tô của công ty Linglong thuộc Trung Quốc. Tại đây họ bị tịch thu hộ chiếu và điều kiện sống rất tồi tệ. Chỗ ở lạnh lẽo, không khí ngột ngạt, giường không có đệm.   Những công nhân Việt Nam phản ánh với phóng viên rằng: "Mọi thứ đều khác với trong hợp đồng chúng tôi đã ký ở Việt Nam - cuộc sống rất tồi tệ, đồ ăn thức uống, thuốc, mọi thứ đều rất tồi tệ."   Hành vi tịch thu hộ chiếu của người lao động ngay khi đến Serbia và ngăn cản không cho nhà báo và các nhà hoạt động chống nạn buôn người tiếp cận với công nhân đã cho thấy đây có khả năng là một vụ buôn người vì mục đích bóc lột sức lao động.   Hôm thứ Tư, 17 Tháng Mười Một vừa qua một sự cố xảy ra khiến dư luận càng quan tâm hơn nữa đến vụ này. Các nhà hoạt động chống nạn buôn người đã cố gắng đưa một trong số những công nhân tố giác ra khỏi nhà máy, nhưng bị các nhân viên an ninh ở đây ngăn chặn, vì vậy đã xảy ra sự va chạm giữa công nhân và các nhân viên.   Trước phản ứng gay gắt của dư luận công ty Linglong phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng công nhân Việt Nam không phải do họ tuyển dụng mà là của nhà thầu.   Thủ tướng Serbia, Ana Brnabić, tuyên bố rằng công tác thanh tra lao động đang được tiến hành và đã ra lệnh chuyển công nhân ra khỏi chỗ này để họ có điều kiện tốt hơn.   Và cuối cùng là phản ứng của EU với sự lên tiếng của nghị sĩ Viola von Cramon rằng bà hy vọng, Chính phủ (Serbia) sẽ xem xét điều này một cách nghiêm túc.   Phản ứng của dư luận, truyền thông và EU hy vọng có thể ngăn chặn hay làm giảm bớt tình trạng buôn người nhằm mục đích bóc lột sức lao động, trong trường hợp này đối với công nhân người Việt.   Như thường lệ, nhà nước CSVN hoàn toàn im lặng về sự kiện loại này dù họ phải có trách nhiệm khi đồng ý đưa công nhân Việt ra nước ngoài làm việc.   Ngọc Thu  
......

Đức trả giá với làn sóng bài vaccine

Từng là tấm gương chống dịch, Đức giờ đây phải đối diện sóng Covid-19 thứ tư với số ca nhiễm mới cao kỷ lục, khi hàng triệu người bài xích vaccine. Bệnh viện Đại học Giessen, một trong những cơ sở khám và điều trị bệnh phổi hàng đầu Đức, đang phải hoạt động hết công suất, khi số bệnh nhân Covid-19 gần đây tăng gấp ba. Gần một nửa trong số họ cần sử dụng máy thở và gần như tất cả đều chưa tiêm vaccine. "Tôi hỏi họ tại sao không tiêm phòng?", bác sĩ Susanne Herold, lãnh đạo khoa truyền nhiễm, cho biết sau cuộc họp giao ban ngày 11/11. "Đó là những người không tin vaccine, không tin chính quyền và thường khó bị thuyết phục bằng các chiến dịch vận động". Các người bài xích vaccine mà bác sĩ Herold chỉ trích được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sóng Covid-19 thứ tư của Đức với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát đến nay. Đối với Đức, đây là bước lao dốc không ai ngờ tới. Khi Covid-19 mới xuất hiện, Đức là tấm gương cho châu Âu và cả thế giới về khả năng ứng phó đại dịch, khi luôn giữ được số ca tử vong ở mức thấp. Nhưng hiện tại, sự kết hợp của nhiều yếu tố đã thúc đẩy ca nhiễm gia tăng đột biến, như nhiệt độ thấp của mùa đông, chính quyền chậm triển khai vaccine tăng cường hay tình trạng tăng ca nhiễm rõ rệt ở các quốc gia Đông Âu lân cận, điển hình là Cộng hòa Czech. Mặt khác, Đức còn đang ở trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa chính quyền cũ và chính quyền mới, điều chắc chắn không giúp ích cho nỗ lực chống dịch. Tuy nhiên, các nhà virus học và chuyên gia về dịch bệnh nói rằng chính những người chưa tiêm chủng mới là nguyên nhân lớn nhất tạo nên sóng lây nhiễm thứ tư đang đè nặng lên hệ thống bệnh viện khắp đất nước. "Đó là vì tỷ lệ tiêm chủng thấp. Chúng ta chưa thực sự làm những gì cần thiết", bác sĩ Herold cho hay. Bà là thành viên trong nhóm các nhà khoa học đã lập mô hình tác động của sóng Covid-19 thứ tư và cảnh báo hồi đầu mùa hè rằng với biến chủng Delta siêu lây nhiễm, ít nhất 85% dân số Đức cần được tiêm chủng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng có thể nghiền nát hệ thống y tế. "Tỷ lệ tiêm chủng của Đức vẫn dưới 70%" (*), bà nói. "Tôi không biết bằng cách nào chúng ta có thể chiến thắng cuộc đua với đợt bùng phát thứ tư này. Tôi sợ rằng chúng ta đã thua rồi". Độ phủ vaccine của Đức vẫn cao hơn đáng kể so với nhiều nước Trung và Đông Âu, nơi số người chết do Covid-19 đang tăng vọt. Ở Rumanien (Romania), chỉ có khoảng 40% được tiêm đủ hai mũi và số ca tử vong do Covid-19 liên tục tăng lên những mức kỷ lục mới. Tuy nhiên, với khoảng 1/3 dân số, tương đương hơn 27 triệu người, chưa được tiêm vaccine đủ phác đồ, tỷ lệ tiêm chủng của Đức thuộc hàng thấp nhất ở Tây Âu. Tại Bỉ, Đan Mạch và Italy, cứ 4 người thì có ba người đã tiêm vaccine đầy đủ. Ở Tây Ban Nha và Iceland, chỉ khoảng 1/5 số dân chưa tiêm mũi thứ hai. Bồ Đào Nha có tỷ lệ tiêm chủng đạt gần 90%. "Những gì chúng ta đang trải qua trên hết là một đại dịch của những người chưa tiêm chủng", Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đầu tháng trước nói. Số ca nhiễm đang tăng mạnh ở một số khu vực thuộc Bayern (Bavaria) và Baden-Württemberg, hai bang miền nam giàu có, nơi diễn ra phong trào biểu tình ồn ào phản đối các biện pháp chống dịch, được gọi là "Querdenker" hay "Người chống đối". "Chúng ta đang đối diện hai loại virus, nCoV và thứ độc dược này (Querdenker), thứ chất độc đang lan rộng", Thống đốc Bayern Markus Söder cho biết trong một cuộc tranh luận trên truyền hình gần đây, đề cập đến những thông tin sai lệch về vaccine. Klaus-Peter Hanke là một trong những người đầu tiên nếm trải sự độc hại của làn sóng bài vaccine. Ông là thị trưởng Pirna, một thị trấn chưa đến 40.000 dân thuộc bang Sachsen-Anhalt (Saxony), phía đông nước Đức. Nơi đây từng chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối dữ dội từ những người bài vaccine trong những ngày cuối cùng của đợt phong tỏa hồi mùa xuân năm ngoái. Gần 50% cư dân Pirna từ chối tiêm vaccine, khiến Sachsen-Anhalt trở thành bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất Đức và có số ca nhiễm mới tính theo đầu người cao nhất. "Mức độ sẵn sàng tiêm chủng ở đây rất thấp", thị trưởng Hanke nói trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi cố gắng giải quyết điều này bằng đối thoại nhưng đã va phải bức tường và không thể tiến thêm được nữa. Hệ quả là tình hình ngày càng xấu đi". "Khu điều trị Covid-19 tại bệnh viện sắp hết giường. Khoảng 90% bệnh nhân ở đó đều chưa tiêm chủng", ông cho hay. Trong khi đó, một số nhà hàng trong thị trấn vẫn trưng biển sẵn sàng tiếp đón "tất cả mọi người", kể cả những khách chưa tiêm chủng. Nhà chức trách hiện duy trì 10 đội kiểm soát, mỗi đội gồm một cảnh sát, một quan chức y tế và một nhân viên từ Cơ quan Trật tự Công cộng, đi rà soát các nhà hàng, quán bar và tiệm làm tóc để phạt những ai không tuân thủ quy định phòng dịch. Khi bị phát hiện vi phạm, chủ cơ sở kinh doanh bị phạt 500 euro (khoảng 572 USD), còn khách hàng phải nộp phạt 150 euro (170 USD). "Biện pháp này khá cứng rắn. Nhưng chúng tôi không còn cách nào khác để khiến mọi người thay đổi hành vi", Hanke nhấn mạnh. Ít nhất, nó cũng mang lại hiệu quả. Thời gian chờ tại các điểm tiêm chủng lưu động đã tăng lên hai tiếng trong tuần qua, cho thấy mối lo bị cô lập khỏi cuộc sống thường nhật dường như đang thúc đẩy nhiều người đi tiêm hơn. Một số bang khác của Đức cũng đang thực hiện những quy định tương tự, đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt hơn về khẩu trang và bắt buộc người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc từng nhiễm nCoV khi đến nhiều địa điểm, thay vì chỉ cần giấy xét nghiệm âm tính như trước. Song theo Sandra Ciesek, giám đốc Viện Virus Y học tại Bệnh viện Đại học Frankfurt, những việc làm này có thể chưa đủ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ciesek cùng một số nhà khoa học danh tiếng của Đức tuần trước kêu gọi chính quyền áp dụng thêm các biện pháp mạnh tay khác, như phong tỏa một phần với những khu vực chưa tiêm chủng hay thậm chí phong tỏa ngắn hạn trên toàn quốc nếu cần. Sự thiếu vắng "đầu tàu" lãnh đạo ở cấp quốc gia vào thời điểm mà số ca nhiễm mới hàng ngày tăng vọt vượt 50.000 càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Kể từ khi đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel thất bại trong cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 9, bà chỉ là lãnh đạo chính phủ tạm thời, trong khi người tiềm năng kế nhiệm bà là Olaf Scholz đang bị cuốn vào các cuộc đàm phán khó khăn với hai đảng khác để lập liên minh cầm quyền. "Angela Merkel ở đâu?", "Scholz ở đâu?", tờ Der Spiegel đặt câu hỏi trong một bài viết mới đây. Đây cũng là câu hỏi mà nhiều nhà virus học trên khắp đất nước đang đặt ra với mối lo ngại rằng tình trạng thiếu lãnh đạo chính trị đang làm lãng phí thời gian quý báu và cái giá phải trả có thể là mạng sống của người dân. "Không có quyền lực tập trung và trách nhiệm thực sự. Đất nước đang thiếu vắng lãnh đạo", Michael Meyer-Hermann, trưởng khoa Miễn dịch học Hệ thống tại Trung tâm Nghiên cứu Nhiễm trùng Helmholtz kiêm thành viên hội đồng chuyên gia tư vấn cho Thủ tướng Merkel về đại dịch, nhận xét. "Chính phủ sắp mãn nhiệm không thực sự hành động nữa và chính phủ sắp tới đang coi nhẹ mọi thứ". Sau khi số ca nhiễm mới hàng ngày chạm mức cao kỷ lục vào ngày 3/11, lên đến 33.949 ca, các nhà virus học Đức đã gióng lên thông điệp cảnh báo. Nhưng các đối tác trong liên minh cầm quyền tương lai của Scholz lại tuyên bố rằng sẽ không có một cuộc phong tỏa nào nữa. "Đối với tôi, hiện tại là thời điểm quan trọng", giáo sư Meyer-Hermann nói. "Họ hành động như thể đại dịch đã kết thúc, trong khi số ca nhiễm đang bùng nổ". Vũ Hoàng (Theo NYTimes)  
......

Đài Loan sẽ an toàn cho đến năm 2027, trừ khi điều này xảy ra

Một chiếc F-16 của Không Quân Đài Loan (phía dưới) áp sát một oanh tạc cơ H-6 của Không Quân Trung Quốc khi chiếc máy bay này đến gần Đài Loan. Ảnh chụp ngày 10/2/2020, do Bộ Quốc Phòng Đài Loan công bố Nguồn: “Taiwan is safe until at least 2027, but with one big caveat,” Derek Grossman, Nikkei Asia, 10/11/2021. Biên dịch: Trần Hùng Sáu năm. Đó là khoảng thời gian còn lại Đài Loan có thể có trước khi hứng chịu một cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc. Ít nhất, đó là ước tính của vị tư lệnh sắp mãn nhiệm tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson, hồi tháng 3 khi phát biểu tại một phiên điều trần mở của Quốc hội. Kể từ đó, các nhà quan sát đã dựa vào các bình luận của Davidson – vốn rõ ràng ám chỉ dịp lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2027 có thể là một sự kiện mà Trung Quốc muốn kỷ niệm bằng cách chinh phục Đài Loan – để ủng hộ quan điểm của họ về việc Bắc Kinh có sớm thực hiện một bước đi nguy hiểm hay không. Đối với những người đồng tình với quan điểm của Davidson, số lượng máy bay chiến đấu chưa từng có xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, lên tới gần 150 chiếc trong vài ngày đầu tháng trước, là bằng chứng mới nhất cho thấy điều gì đó đang xảy ra. Đối với những người bác bỏ quan điểm trên, có thể dễ dàng giải thích rằng các cuộc xâm nhập không phận gần đây chỉ đơn giản là một phần cho thấy sự gia tăng phản ứng quân sự nói chung của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn việc Mỹ và Đài Loan tăng cường thắt chặt quan hệ song phương. Có nhiều lý do chính đáng để tin rằng dự đoán của Davidson có phần hơi quá táo bạo. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rõ ràng đang tìm cách khiến Đài Loan khuất phục, và bằng vũ lực nếu cần, ông vẫn tiếp tục thúc đẩy “tái thống nhất hòa bình” như là phương thức ưa thích của Bắc Kinh. Đến giờ ông Tập có thể đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ hơn nếu ông nghĩ rằng chiến tranh là một khả năng thực sự. Thay vào đó, ông Tập đã đưa ra các biện pháp nhằm dập tắt các suy đoán về một cuộc tấn công tiềm tàng bằng cách kiểm duyệt các tin đồn trên mạng xã hội Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã huy động lực lượng quân dự bị và hướng dẫn người dân tích trữ lương thực. Liệu có khả năng ông Tập đang âm mưu tiến hành một cuộc đánh lén hay không? Chắc chắn là có thể, nhưng cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy ông đang làm vậy, và những gì chúng ta biết lại cho thấy điều ngược lại – một cách tiếp cận từ từ, nghe ngóng, với hy vọng rằng áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự đối với Đài Loan sẽ dẫn đến việc Quốc Dân Đảng, vốn thân thiện với Trung Quốc, sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan tiếp theo vào năm 2024. Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn chưa cập nhật Luật Chống ly khai năm 2005, cho thấy trái với hầu hết các phân tích của phương Tây, Đài Loan không phải là ưu tiên hàng đầu. Ông Tập thường bỏ qua việc nhắc đến “Đài Loan” trong các bài phát biểu quan trọng của Đảng Cộng sản. Trong một bài phát biểu như vậy trước các quan chức hàng đầu hồi tháng Giêng, ông Tập tập trung vào các mục tiêu hiện đại hóa và phát triển kinh tế xã hội hơn là giải quyết vấn đề Đài Loan. Ông Tập cũng phải lo lắng về khả năng thành công của PLA nếu tiến hành một cuộc đổ bộ vào Đài Loan. Các cuộc tấn công đổ bộ bằng đường biển nổi tiếng là khó thành công, hãy xem trường hợp của Anh trong chiến tranh Quần đảo Falklands là một ví dụ – và PLA trong quá khứ đã thể hiện những khiếm khuyết trong các lĩnh vực quan trọng như không vận chiến lược, hậu cần và chiến tranh chống tàu ngầm, bên cạnh những vấn đề khác. Có thể việc Trung Quốc tái cơ cấu quân đội vào năm 2016 theo một khái niệm chung về hợp đồng tác chiến, đồng thời mở rộng và hiện đại hóa mạnh mẽ các lực lượng để phù hợp với lời kêu gọi của ông Tập là đạt được vị thế quân sự “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049, đã nâng cao hiệu quả của các lực lượng này. Nhưng nếu chỉ cải thiện năng lực thì không nhất thiết sẽ dẫn tới mức độ hiệu quả cao hơn trên chiến trường, đặc biệt là đối với một quân đội đã không tham chiến lần nào kể từ cuộc chiến tranh với Việt Nam năm 1979. Các bản tự đánh giá của PLA thường nêu bật những thách thức về khả năng sẵn sàng nhân sự, đặc biệt là trong lãnh đạo chiến đấu. PLA nhấn mạnh sự cần thiết phải huấn luyện trong “các điều kiện chiến đấu thực tế.” Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc cố gắng thực hiện một chiến dịch quân sự ít khó khăn hơn trước khi tấn công Đài Loan. Người đứng đầu cơ quan tình báo Đài Loan hồi đầu tháng này đã đưa ra một lời chứng đáng chú ý rằng Trung Quốc đã tranh luận trong nội bộ về việc chiếm quần đảo Pratas (Đông Sa) của Đài Loan. Cũng cần lưu ý rằng dù hành vi của Trung Quốc đối với Đài Loan trong vài năm qua có nghiêm trọng tới đâu, thì Bắc Kinh cũng đã thực sự kiềm chế so với những gì họ có thể đã làm cho tới nay. Ví dụ, trong cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995-1996, Bắc Kinh đã cho phóng các tên lửa đạn đạo đến gần Đài Loan – một biện pháp mang tính khiêu khích cao mà nước này đến giờ vẫn chưa lặp lại. Trung Quốc cũng đã quyết định giữ nguyên Hiệp định Khung Hợp tác Kinh tế (ECFA), được ký hồi năm 2010 dưới thời người tiền nhiệm của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là Mã Anh Cửu thuộc Quốc dân Đảng đối lập, bất chấp việc Đài Loan từ chối tái khẳng định nguyên tắc Một Trung Quốc theo cái gọi là Đồng thuận năm 1992. Việc chấm dứt Hiệp định ECFA sẽ gây áp lực kinh tế đáng kể lên hòn đảo. Nói rộng ra, nhiều người có thể mong đợi Bắc Kinh siết chặt áp lực mọi mặt lên Đài Bắc trước khi tiến hành bất kỳ cuộc tấn công quân sự cuối cùng nào. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay chưa xảy ra theo hướng đó. Tất cả những điều này là tin tốt cho an ninh của Đài Loan cho đến năm 2027. Nhưng có một ngoại lệ lớn có thể diễn ra. Nếu đương kim phó tổng thống đang rất được lòng dân của bà Thái là Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), có tên tiếng Anh là William Lai, trở thành ứng viên tổng thống năm 2024 của Đảng Dân Tiến, và nếu ông thắng cử, thì khả năng Trung Quốc tiến hành hành động quân sự chống lại Đài Loan sẽ gia tăng. Bắc Kinh đã gọi bà Thái là một người ly khai và bí mật ủng hộ độc lập, điều đã rất nghiêm trọng. Nhưng nếu ông Lại đắc cử tổng thống, thì Bắc Kinh sẽ đối mặt với một nhà lãnh đạo vốn lúc đang nắm chức thủ tướng hồi năm 2018 đã công khai tuyên bố rằng ông là “một người chiến đấu vì sự độc lập của Đài Loan.” Việc một người như vậy đắc cử tổng thống rất có thể sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiến tới hành động quân sự. Tuy vậy, nhiều điều vẫn có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2024, và chúng ta nên hạn chế đưa ra những kết luận dễ dãi. Trong thời gian đó, Đài Loan cũng sẽ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ bổ sung của Hoa Kỳ để tăng cường khả năng răn đe chống lại Trung Quốc. Đài Bắc sẽ được hưởng lợi hơn nữa nếu Mỹ cam đoan với Trung Quốc rằng Washington không có kế hoạch khuyến khích hoặc công nhận một Đài Loan độc lập. Trong năm đầu tiên nắm quyền, chính quyền Biden đã thực hiện một cách hiệu quả cách tiếp cận này. Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế XEM THÊM: Ông Lý Thái Hùng: Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan bằng cách nào & ảnh hưởng lên Việt Nam Khi nào Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan? Vì sao ông Tập Cận Bình không tham dự G20 và COP26  
......

Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc công bố quan điểm về trường hợp tù nhân Nguyễn Năng Tĩnh

RFA Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc Về Giam giữ Tùy tiện (WGAD) vào ngày 4/11 vừa qua công bố quan điểm về trường hợp tù nhân lương tâm, thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh và kêu gọi trả tự do cho ông. Tài liệu mang số 36/2021 của WGAD nêu rõ cáo buộc mà phía Việt Nam đưa ra đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh là quá mơ hồ, không thể là cơ sở pháp lý để giam tù ông. Chiếu theo nguyên tắc pháp lý thì luật cần có đầy đủ tính chính xác để các cá nhân có thể lượng định, thông hiểu rồi điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Thế nhưng Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015 không tương thích với điều 11 (2) của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và điều 15(1) của Công ước Liên Hiệp Quốc về Các quyền Dân sự và Chính trị. Bản thân ông Nguyễn Năng Tĩnh không thể tiên liệu được rằng việc thực thi quyền tự do biểu đạt để chuyển tải những ý kiến một cách ôn hòa trên mạng xã hội lại là hành vi phạm tội hình sự theo Điều 117. Theo Nhóm Công tác LHQ về Giam giữ Tùy tiện, bản thân ông Nguyễn Năng Tĩnh bị giới hạn quyền được trợ giúp pháp lý và được xét xử công bằng bởi một tòa án độc lập, không thiên kiến theo điều 14 (1) của Công ước LHQ về Các quyền Dân sự và Chính trị… GWAD cho rằng tại Việt Nam xuất hiện một dạng sách nhiễu và giam giữ những nhà bảo vệ nhân quyền chỉ vì hoạt động của họ. Trường hợp của ông Nguyễn Năng Tĩnh là một trong những nhà bảo vệ nhân quyền lên tiếng về thảm họa môi trường do nhà máy Formosa gây nên ở miền Trung Việt Nam hồi năm 2016. Trong những năm gần đây, một số trường hợp đã được nêu ra với Nhóm Công tác Liên hiệp quốc về Giam giữ Tùy tiện với dạng tương tự. Đó là việc bắt giam không theo các chuẩn mực quốc tế, thời gian dài trước khi xét xử người bị giam không được tiếp cận thủ tục pháp lý, bị từ chối hay hạn chế được tư vấn pháp lý, bị biệt giam, cách ly với thế giới bên ngoài, bị kết án theo những cáo buộc hình sự mơ hồ chỉ vì thực thi quyền con người một cách ôn hòa. Ông Nguyễn Năng Tĩnh, 45 tuổi, quê Nghệ An, là một thầy giáo dạy Nhạc tại Trường Cao Đẵng Văn hóa- Nghệ Thuật tỉnh Nghệ An. Ông tham gia một số tổ chức xã hội dân sự người gồm nhóm phản đối đường Lưỡi bò NoU FC tại Vinh, Nhóm Vì Sự Sống, Quỹ Phát triển Con Người, Truyền thông Công giáo. Ông bị bắt vào 29/5/2019 và ra tòa ngày 15/11 trong cùng năm với bản án 10 năm tù và năm năm quản chế. Phiên phúc thẩm ngày 20/4/2020 giữ nguyên án sơ thẩm. Hiện ông đang phải thụ án tại Trại 5, Yên Định, Thanh Hóa. RFA https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/working-group-on-arbitrary-detention-opinion-36-2021-concerning-nguyen-nang-tinh-11092021065543.html  
......

HRW kêu gọi trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến nhân Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ

Những người bị Chính phủ VN bắt giữ trong năm 2021 vì lên tiếng ôn hoà về nhân quyền RFA Chính phủ Hoa Kỳ cần sử dụng vòng đối thoại nhân quyền sắp đến để thúc ép Việt Nam trả tự do cho những tiếng nói bất đồng đang bị giam giữ và có những cải thiện về nhân quyền. Đó là kêu gọi mà tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HWW) đưa ra trong thông cáo báo chí phát đi ngày 8/11, chỉ một ngày trước vòng đối thoại nhân quyền song phương Việt-Mỹ lần thứ 25 sẽ khởi sự ở Washington DC vào ngày 9/11. Theo HRW, hoạt động đối thoại nhân quyền song phương là vô cùng quan trọng, nhưng đó không phải là cơ hội duy nhất về nhân quyền. Tổ chức này thống kê hiện Chính phủ Việt Nam đang giam tù ít nhất 145 người chỉ vị họ thực hành các quyền căn bản một cách ôn hòa. Riêng trong năm nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã kết án và giam tù ít nhất 31 người. Hầu hết những người này chỉ bày tỏ ý kiến trên mạng, mà đó là những quan điểm trái với phía chính phủ. Cũng trong năm 2021, Công an Việt Nam bắt giữ ít nhất 26 người khác, trong đó có một nhà vận động nhân quyền là bà Nguyễn Thúy Hạnh. Những người này bị bắt với những cáo buộc ngụy tạo, có động cơ chính trị như tuyên truyền chống Nhà nước hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, được dẫn lời rằng: ‘Việt Nam chà đạp nhân quyền khi bắt giữ những nhà hoạt động với những cáo buộc ngụy tạo rồi thẩm vấn khắc nghiệt họ suốt nhiều tháng trời mà không có luật sư bào chữa.’ Hồi năm ngoái, sau vòng đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ chỉ ít giờ, lực lượng chức năng Việt Nam tiến hành bắt giữ nhà báo độc lập/nhà hoạt động Phạm Đoan Trang. Bà là một trong những blogger tích cực viết và là một nhà hoạt động nhân quyền có ảnh hưởng tại Việt Nam. HRW cho rằng Hoa Kỳ cần đặt quan ngại về nhân quyền vào trọng tâm trong mọi mối quan hệ với Việt Nam chứ không chỉ hạn chế trong vòng đối thoại song phương thường niên.  
......

Đức Đạt Lai Lạt Ma gửi thông điệp tới COP26

Tôi vui mừng được biết rằng Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hiệp Quốc – COP26 – để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt hôm nay sẽ diễn ra tại Glasgow, Scotland. Nóng lên toàn cầu là một thực tế cấp bách. Không ai trong chúng ta có thể thay đổi quá khứ. Nhưng tất cả chúng ta đều ở vị trí để đóng góp cho một tương lai tốt đẹp hơn. Thật vậy, chúng ta có trách nhiệm với bản thân và với hơn bảy tỷ con người còn sống hôm nay để đảm bảo rằng tất cả chúng ta có thể tiếp tục sống trong hòa bình và an toàn. Với hy vọng và quyết tâm, chúng ta phải chăm sóc cả cuộc sống của chính chúng ta và những người láng giềng của chúng ta. Tổ tiên của chúng ta đã xem trái đất là giàu có và tài lộc, đó là chính nó, nhưng điều gì hơn nữa đó là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ nó không chỉ cho bản thân chúng ta, mà còn cho các thế hệ tương lai, và cho vô số loài mà chúng ta có chung hành tinh này. Cao nguyên Tây Tạng, hồ chứa tuyết và băng lớn nhất bên ngoài Bắc Bộ và Nam Cực, thường được gọi là “Cột Ba. Tây Tạng là nguồn gốc của một số con sông lớn trên thế giới, trong số đó có Brahmaputra, Ganges, Indus, Mekong, Salween, Sông Vàng và Dương. Những con sông này là nguồn sống vì cung cấp nước uống, thủy lợi cho nông nghiệp và thủy điện, cho gần hai tỷ người trên khắp châu Á. Sự tan chảy của rất nhiều sông băng của Tây Tạng, sự phá hoại và sự đa dạng của các dòng sông, và sự phá rừng lan rộng, thể hiện cách bỏ bê sinh thái trong một khu vực có thể gây hậu quả hầu như khắp nơi. Hôm nay, chúng ta cần đề cập đến tương lai không phải bằng những lời cầu nguyện được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi, mà bằng cách hành động thực tế được thành lập trên sự hiểu biết khoa học. Cư dân trên hành tinh của chúng ta liên lập hơn bao giờ hết. Tất cả những gì chúng ta làm đều ảnh hưởng đến những người bạn đồng hành của chúng ta, cũng như vô vàn các loài động vật và thực vật. Con người chúng ta là những sinh vật duy nhất có sức mạnh hủy diệt trái đất, nhưng chúng ta cũng là những loài có khả năng lớn nhất để bảo vệ nó. Chúng ta phải đối đầu với các vấn đề về biến đổi khí hậu ở cấp độ hợp tác toàn cầu vì lợi ích của mỗi người. Nhưng chúng ta cũng phải làm những gì chúng ta có thể ở cấp độ cá nhân. Ngay cả những hành động nhỏ hàng ngày, chẳng hạn như cách chúng ta sử dụng nước và cách chúng ta xử lý những gì chúng ta không cần thiết, đều có hậu quả. Chúng ta phải biến việc chăm sóc môi trường tự nhiên trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và học những gì khoa học đã dạy chúng ta Tôi được khuyến khích khi thấy rằng các thế hệ trẻ của chúng ta đang đòi hỏi hành động bê tông đối với biến đổi khí hậu. Điều này mang lại chút hy vọng cho tương lai. Nỗ lực của các nhà hoạt động trẻ như Greta Thunberg nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu lắng nghe khoa học và hành động phù hợp là rất quan trọng. Vì tư thế của họ là thực tế, chúng ta phải khuyến khích họ. Tôi thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì cảm giác về sự đồng hành của nhân loại, ý tưởng rằng mỗi con người là một phần của chúng ta. Mối đe dọa của sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu không bị giới hạn bởi ranh giới quốc gia; nó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Khi chúng ta cùng nhau đối mặt với khủng hoảng này, bắt buộc chúng ta phải hành động với tinh thần đoàn kết và hợp tác để hạn chế hậu quả của nó. Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ tập hợp sức mạnh để thực hiện hành động tập thể để giải quyết tình trạng khẩn cấp này, và thiết lập thời gian biểu để thay Chúng ta phải hành động để biến đây thành một thế giới an toàn hơn, xanh hơn, hạnh phúc hơn. Với những lời cầu nguyện và những lời chúc tốt đẹp của tôi./. Đạt Lai Lạt Ma
......

Facebook đổi tên Meta giữa tai tiếng bỏ lương tâm chạy theo lợi nhuận

Nhà đồng sáng lập Facebook, Mark Zukerberg giới thiệu Meta và vũ trụ Metaverse ngày 28/10/2021. AP - Eric Risberg   Thu Hằng - RFI  Từ ngày 28/10/2021, Meta trở thành tên chính thức của công ty Facebook Inc., sở hữu các mạng xã hội Facebook và Instagram, hai ứng dụng nhắn tin WhatsApp và Messenger cùng với các thương hiệu kính thực tế ảo Oculus. Giữa tâm bão đánh mất lương tâm chạy theo lợi nhuận và nằm trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ, việc Facebook đổi tên chỉ là hình thức « bình mới rượu cũ », vẫn giữ bản chất cũ, theo chỉ trích của những người phản đối mạng xã hội có 3,5 tỉ người sử dụng.  Ý nghĩa của tên Meta  Meta, theo tiếng Hy Lạp cổ, mang ý nghĩa « trên cao », để cho thấy rằng « luôn có nhiều điều hơn để xây dựng ». Theo nhà đồng sáng lập Mark Zuckerberg, tên gọi Facebook Inc. hiện nay chỉ « liên quan đến một sản phẩm mà không thể thể hiện hết những gì chúng tôi đang làm và sẽ làm trong tương lai ». Meta còn hướng đến tham vọng Metaverse (siêu vũ trụ), được thể hiện qua logo của Meta, mầu xanh dương, theo hình số « 8 » nằm ngang tượng trưng cho vô cực trong toán học.   Để quảng bá cho Meta, nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg dành một tiếng rưỡi để giới thiệu dự án Metaverse, một thế giới ảo song song với thế giới thực, như trong phim viễn tưởng. Trong thế giới được Zuckerberg gọi là « tương lai của internet », nhân vật đại diện (avatar) của người sử dụng có thể tương tác, làm việc với nhau và giải trí nhờ vào công nghệ như kính thực tế ảo.   Tỉ phú Mỹ khẳng định « màn hình không thể truyền tải được cảm xúc sâu sắc như sự hiện diện của một người » nhưng vũ trụ ảo sẽ đạt được mục tiêu đó và trong tương lai, các avatar sẽ trông giống người thật hơn. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg trấn an rằng người sử dụng sẽ « không trở thành tù nhân của một thế giới hay một một nền tảng tin học ». Từ giờ đến 10 năm nữa, vũ trụ ảo có thể có « 1 tỉ người sử dụng, vài trăm tỉ đô la thương mại trực tuyến và vài triệu việc làm cho các nhà sáng tạo và lập trình viên ». Tập đoàn thông báo đầu tư nhiều tỉ đô la trong những năm tới và tuyển khoảng 10.000 người ở châu Âu để thực hiện dự án.   Vũ trụ ảo để « trốn » cáo buộc thực tế  Thông báo đổi tên của Facebook diễn ra đúng lúc tập đoàn đang phải đối mặt với những cáo buộc mới vì cố tình phớt lờ những hậu quả cho con người, xã hội và chính trị để thu hút tối đa sự chú ý của người sử dụng.  Vụ việc được Frances Haugen, một cựu nhân viên Facebook, đánh động sau khi từ chức vào tháng 05/2021 và mang theo vài chục nghìn trang thông tư, ghi chép nội bộ. Frances Haugen được tuyển vào Facebook để điều hành một nhóm phụ trách soạn thảo những biện pháp bảo vệ người sử dụng và hạn chế hậu quả của những thông tin sai lệch đăng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những khuyến cáo hay đề xuất của cô toàn bị bỏ ngoài tai. Từ những tài liệu được Frances Haugen cung cấp, báo Wall Street Journal đã dành một số đặc biệt tăng thêm trang để đăng vụ « Facebook files », cáo buộc mạng xã hội chỉ quan tâm thu tối đa lợi nhuận.   Giới lãnh đạo Facebook bị cáo buộc cố tình bỏ ngoài tai cảnh báo của các nhà nghiên cứu trong công ty về những tác động tiêu cực của nền tảng và thuật toán quyết định tương tác giữa những người sử dụng. Tác động độc hại của mạng xã hội Instagram đến thiếu niên (như quá chú ý đến hình thể, phong cách sống gây chứng rối loạn ăn uống và tâm lý cho nhiều người sử dụng trẻ), được nêu trong một cuộc điều tra nội bộ tháng 03/2020, cũng bị các lãnh đạo tập đoàn bỏ qua. Facebook không hành động vì sợ làm giảm hoạt động của các mạng xã hội, trong khi đây là nguồn thu chính từ quảng cáo.  Những tài liệu được đưa ra ngoài cũng cho thấy Facebook « thiên vị » người nổi tiếng (ca sĩ, nghệ sĩ, chính trị gia…) có hàng triệu người theo, nhờ một hệ thống miễn quy tắc kiểm duyệt. Những người nằm trong « danh sách trắng » này có thể chia sẻ những lời vu khống hay thông tin sai lệch. Ví dụ năm 2019, cầu thủ Neymar đã đăng trên tài khoản cá nhân nhiều bức ảnh khỏa thân của một phụ nữ đã cáo buộc bị cầu thủ cưỡng hiếp. Những bức ảnh này được đăng trong nhiều tuần, sau đó mới bị Facebook rút xuống.  Sau Frances Haugen, một người đánh động thứ hai, xin ẩn danh, từng làm trong truy nhóm truy quét những thông tin độc hại được đăng trên Facebook, cũng cáo buộc ban giám đốc tập đoàn ưu tiên lợi nhuận hơn là hòa bình xã hội. Trong báo cáo, có tuyên thệ, gửi đến Văn phòng Thị trường Tài chính Hoa Kỳ (OFM) mà báo Washington Post tham khảo được, cựu nhân viên này cáo buộc là từ năm 2017, Facebook làm tất cả để làm chậm cuộc chiến chống thông tin sai lệch. Trước tiên là không để Donald Trump và các cố vấn của ông tức giận, đặc biệt là ông Steve Bannon. Facebook bị cáo buộc chỉ tìm cách làm tăng số người sử dụng, như vậy mới bảo đảm được sự thịnh vượng kinh tế của mạng xã hội. Thậm chí, người báo động này còn trích một câu của một cán bộ truyền thông Facebook : « Tất cả chuyện này chỉ là gió thoảng qua. Các nghị sĩ sẽ phẫn nộ một chút và sau đó là chìm xuống. Điều quan trọng là trong thời gian đó, chúng ta tiếp tục kiếm đẫy ».   Mạng xã hội Facebook vượt khỏi tầm kiểm soát của công ty mẹ ?    Ngoài ra, dường như Facebook không thực sự làm chủ được các mã tin học cho phép tự động kiểm tra bài đăng của 3,5 tỉ người sử dụng. Lý do là sự phức tạp của các hệ thống được Facebook phát triển mỗi năm có lẽ đã gây ra những hệ quả không kiểm soát được và không thể đoán được về những bài viết của người sử dụng trên khắp thế giới.   Ví dụ, nhiều kĩ sư báo động về việc mạng xã hội không có khả năng giám sát những nội dung không được viết bằng tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Ả Rập. Khoảng 10% nội dung mang tính chính trị được người sử dụng Mỹ truy cập trong kỳ bầu cử gần đây đều là thông tin sai. Sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020, Facebook đã không ngăn được sự lan truyền của phong trào « Stop the steal » (Ngừng đánh cắp) kết quả bầu cử, do chính tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó khởi xướng. Tập đoàn đã cấm nhóm Stop the steal, xóa nhiều bài viết đưa tin sai lệch, nhưng người sử dụng và thuật toán vẫn tiếp tục tuyên truyền cho lập trường của phong trào này.  Điều này cũng giải thích cho việc Facebook cũng bị lợi dụng vào mục đích xấu như các băng đảng ở Mêhicô chiêu dụ người mới, đào tạo hay tuyển sát thủ…, các mạng lưới mại dâm chào mời khách hay các nhóm tôn giáo cực đoan và chính trị kêu gọi tàn sát, như trường hợp ở Miến Điện… Ngay cả khi Facebook muốn truyền tải thông tin, như khuyến khích tiêm phòng, thì vẫn không đấu lại được những thông tin chống vac-xin hay những tin đồn gây nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch, tràn ngập trên mạng xã hội.  Trong tuần cuối tháng 10/2021, Facebook thừa nhận với các cổ đông là đang bị nhắm đến trong « nhiều cuộc điều tra » của chính phủ Mỹ. Tập đoàn của Mark Zuckerberg liên tục bị cáo buộc không bảo vệ dữ liệu cá nhân người sử dụng, trong đó phải kể đến vụ Cambridge Analytica năm 2018 tự ý thu thập dữ liệu của 87 triệu người sử dụng Facebook nhằm mục đích bầu cử. Sau đó, Facebook đã đạt được một thỏa thuận với Ủy Ban Thương Mại liên bang (FTC) và chịu nộp phạt khoản tiền kỷ lục 5 tỉ đô la.   Chính FTC đang nghiên cứu những tài liệu mới được tiết lộ, theo đó doanh nghiệp tự thừa nhận những tác động tiêu cực trong các sản phẩm của mình. Điều này vi phạm thỏa thuận được ký trước đó giữa hai bên.   Thế giới ảo của Facebook đã đầy rẫy khó khăn và sai lầm, liệu vũ trụ Metaverse có được hoàn hảo và siêu việt như kỳ vọng của Mark Zuckerberg ?  (Tổng hợp từ AFP, RFI, Le Figaro) https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211101-facebook-inc-doi-ten-meta  
......

AUKUS và QUAD trong chiến lược Indo-Pacific

Nguyễn Quang Dy  QUAD (“Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) ra đời từ năm 2007 và hồi sinh vào cuối năm 2017 (thời Donald Trump). Còn AUKUS (“Bộ Tam” gồm Úc, Anh, Mỹ) vừa mới đầy tháng. Ngày 15/9/2021, nguyên thủ ba nước đã họp trực tuyến và tuyên bố thành lập liên minh AUKUS. Sự kiện này diễn ra chỉ mấy ngày sau khi Tổng thống Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình (10/9) và không lâu sau chuyến thăm Singapore và Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (28/7) và Phó tổng thống Kamala Harris (24/8).    Ngay sau khi AUKUS vừa ra đời, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã họp trực tiếp tại Nhà Trắng (24/9/2021) để “nâng cấp Bộ Tứ”, với những sáng kiến đầy tham vọng. Có thể nói AUKUS và QUAD là “cặp bài trùng” trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific. Trong bài phân tích này, tôi sẽ lý giải để làm rõ thêm các vấn đề vừa nói trên. QUAD ("Bộ Tứ") gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc ra đời từ năm 2007 và hồi sinh vào cuối năm 2017 Phản ứng với AUKUS   Quyết định thành lập AUKUS khá đột ngột như một đợt sóng bất ngờ ập đến làm cho dự luận phản ứng khác nhau. Tuy Pháp là một đồng minh phương Tây, nhưng phản ứng rất mạnh như con gà trống Gô-Loa bị tổn thương nặng, đã triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Úc. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tượng chính tuy có lý do để phản ứng mạnh hơn, nhưng đã phản ứng khá ôn hòa, có thể vì Trung Quốc cần thỏa hiệp với Mỹ về vụ thả Mạnh Vãn Chu. (AUKUS: Why Beijing didn’t go ballistic, Jia Deng, Lowy Interpreter, October 14, 2021). Tuy trước mắt, Pháp phản ứng mạnh là dễ hiểu, không chỉ vì thiệt hại về kinh tế do mất một hợp đồng lớn mấy chục tỷ USD, mà còn vì thể diện chính trị trước tranh cử sắp tới. Nhưng về lâu dài, Pháp không thể quay lưng với các nước đồng minh phương Tây chủ chốt (như Mỹ, Anh, Úc), vì hợp tác ở Nam Thái Bình Dương. Tuy Pháp gọi AUKUS là “nhát dao đâm sau lưng”, nhưng họ cũng cần tự trách mình đã chủ quan làm mất hợp đồng. Trong khi đó, Trung Quốc đã không phản ứng mạnh vì những lý do nhất thời, nhưng về lâu dài, AUKUS là một cục xương khó nuốt, làm Bắc Kinh đau đầu. Có lẽ vì vậy mà Trung Quốc đã thông báo xin gia nhập CPTPP (ngày 16/9) như một nước cờ để làm Mỹ khó xử và “tiến thoái lưỡng nan”. Như phản ứng dây chuyền, Đài Loan cũng đã quyết định xin gia nhập CPTPP (ngày 22/9), làm cho Bắc Kinh tức giận, phải lên tiếng phản đối. AUKUS sẽ là một cơn ác mộng đối với Trung Quốc, vì đây có thể là tiền thân của một “NATO châu Á” mà Bắc Kinh vốn lo ngại lâu nay. Trong khi Mỹ muốn mở rộng nhóm “Ngũ Nhãn” (Five Eyes), gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, Tân Tây Lan, để kết nạp thêm Nhật và Hàn Quốc, thì NATO tăng cường quan hệ với bốn đối tác trong khu vực Indo-Pacific là Nhật, Hàn Quốc, Úc và Tân Tây Lan. Trong khi AUKUS cụ thể hóa chuyển trục chiến lược của Mỹ tới Indo-Pacific, thì nó giúp Anh khẳng định tầm nhìn “Global Britain”. AUKUS nằm trong chiến lược đối phó với Trung Quốc tại Indo-Pacific, không chỉ gồm ba nước Úc, Anh, Mỹ, mà còn gồm nhiều nước khác. Vì vậy, Trung Quốc chính là đối tượng mà QUAD và AUKUS nhắm tới. QUAD và AUKUS không chỉ đơn thuần là một liên minh về an ninh mà còn gồm các lĩnh vực khác như công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và tin học lượng tử. Năm 2015, Bang Bắc Úc đã cho tập đoàn Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm, nhưng đã đến lúc Canberra cần chấm dứt hợp đồng này.  Phản ứng của ASEAN đối với AUKUS cũng khác nhau. Trong khi một số nước ủng hộ (như Singapore, Philippines) và một số nước phản đối (như Malaysia, Indonesia) vì lo ngại chạy đua vũ trang trong khu vực sẽ tăng lên, thì Việt Nam bên ngoài tỏ ra rất thận trọng, nhưng bên trong ngầm ủng hộ. Đợt sóng ngầm do AUKUS gây ra làm dư luận ồn ào với các cung bậc cảm xúc khác nhau, đang lắng xuống như “phần nổi của tảng băng chìm”.   Theo báo chí Nhật, viêc AUKUS ra đời đã làm thay đổi cuộc chơi, và là một tín hiệu mạnh về răn đe đối với Trung Quốc. Với AUKUS, vị thế chiến lược của Úc sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho Canberra đóng một vai trò tích cực hơn để duy trì cân bằng quyền lực có lợi tại Indo- Pacific. (AUKUS shows beginnings of U.S. Indo-Pacific strategy, Susannah Patton, Ashley Townshend and Tom Corben, Nikkei Asia Review, October 1, 2021). Phản ứng của dư luận Úc tuy đa dạng, nhưng ngày càng tích cực hơn. AUKUS là một bước ngoặt lớn để định vị chiến lược lâu dài, nhưng điều đó không có nghĩa là Úc theo đuổi ngoại giao nước lớn mà coi nhẹ ngoại giao với các nước trong khu vực như ASEAN. Ngược lại, vai trò của Úc như một quốc gia bậc trung thực dụng, độc lập và tích cực ở khu vực Indo-Pacific sẽ tiếp tục và tăng cường trong thập kỷ tới. (The future of Australia's middle-power diplomacy after AUKUS, Thomas Parks, Asia Link Insight, October 7, 2021). AUKUS sẽ đi vào lịch sử, biến Úc thành quốc gia thứ 7 trên thế giới tham gia “câu lạc bộ tàu ngầm hạt nhân” (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ). Nó đe dọa làm thay đổi bàn cờ chiến lược tại khu vực Indo-Pacific, gia tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc theo đuổi trò chơi tốn kém này. Nói cách khác, AUKUS đã biến điều không thể thành có thể, “làm thay đổi cuộc chơi” (game changer).    Lợi ích quốc gia Úc Theo giáo sư Alexander Vuving (APCSS), trước mắt tuy AUKUS gây tranh cãi, nhưng về lâu dài nó đặt Úc “vào đúng vị trí lịch sử” (on the right side of history). Tranh chấp nước lớn Mỹ-Trung về cơ bản là cuộc đấu tranh giữa trật tự quốc tế dựa trên luật pháp (ruled-based) và trật tự quốc tế dựa trên thứ bậc (hierarchy-based). Là thành viên của QUAD & AUKUS, Úc có quyền lựa chọn chỗ đứng cho mình trong cuộc đấu tranh của thế kỷ này. AUKUS trước mắt có thể làm tổn thương quan hệ của Úc với một số đối tác ở Châu Âu (làm Pháp bất bình) và ở Đông Nam Á (làm Indonesia và Malaysia lo ngại), nhưng về lâu dài, có nhiều lý do để tin rằng AUKUS là sự lựa chọn đúng của Úc, vì lợi ích quốc gia của mình, để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên pháp luật. (AUKUS Is a Short-Term Mess but a Long-Term Win for Australia, Alexander Vuving, Foreign Policy, October 11, 2021). Pháp có lý do bức xúc vì mất một hợp đồng lớn trị giá mấy chục tỷ USD, nhưng lên án AUKUS là “nhát dao đâm sau lưng” không thỏa đáng. AUKUS chủ yếu liên quan đến Trung Quốc chứ không phải Pháp, tuy đáng tiếc là nó đụng đến sự nhạy cảm của Pháp. Úc đã phí mười năm theo đuổi hợp đồng tàu ngầm với Pháp, vì ngay từ đầu có lẽ Úc đã chọn nhầm phương án. Hợp đồng đã bị chậm, mắc nhiều lỗi, phải thiết kế lại nhiều lần tốn kém. (AUKUS Is Good for Australia, Simon Cowan, American Conservative, September 24, 2021). Trị giá hợp đồng tàu ngầm với Pháp là 40 tỷ AUD (năm 2012), sẽ bị đội vốn lên 100 tỷ AUD khi chiếc tàu đầu tiên sẽ được hoàn thành năm 2040 (chậm10 năm). Vì vậy, AUKUS là quyết định đúng của Úc cho chiến lược “phòng thủ từ xa” (forward defense). Tàu ngầm của Úc phải vượt hơn 4,000 dặm để đến Biển Đông, ngoài tầm hoạt động của tàu ngầm chạy bằng diesel, vì sau đó tàu ngầm chạy bằng diesel phải mất hàng tuần để trở về Úc. Vì vậy, Úc cần hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công suất lớn hơn, vì lợi ích quốc gia, phù hợp với lợi ích của đồng minh. Theo AUKUS, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc có một hạm đội tàu ngầm (dự kiến 8 chiếc) chạy bằng năng lượng hạt nhân, để thay thế kế hoạch hợp tác với Pháp lập một đội tàu ngầm (gồm 12 chiếc) chạy bằng diesel và điện. Lâu nay, Úc không thấy cần phải chọn phe trong tranh chấp Mỹ-Trung, nhưng gần đây Úc bị Trung Quốc bắt nạt, buộc Canberra phải có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Từ năm 2020, Trung Quốc đã trả đũa Úc vì kêu gọi điều tra nguồn gốc virus Corona bằng cách cấm nhập hàng hóa Úc, trị giá 20 tỷ USD. Trung Quốc sử dụng các biện pháp kinh tế, thương mại, và ngoại giao để trừng phạt Úc, nhưng chỉ làm cho Úc cứng rắn hơn và “thoát Trung”. Sau gần một năm tranh chấp, không chỉ Úc bị thiệt hại về kinh tế, mà Trung Quốc cũng bị “gậy ông đập lưng ông”. Nay Trung Quốc đang liên minh với Nga, Iran, và Pakistan để hình thành “Bộ Tứ” của Trung Quốc, nhằm đối phó với “Bộ Tứ” của Mỹ. Trong 18 tháng qua, hợp đồng tàu ngầm với Naval Group của Pháp đã gặp nhiều trở ngại, vì đội vốn và kéo dài tiến độ. Tháng 6/2021, Úc đã dự kiến “Kế hoạch B” nếu “Kế hoạch A” thất bại. Theo các nguồn tin thì Mỹ và Anh phải hành động gấp vì lý do “an ninh quốc gia”. Đây là lần đầu tiên sau 70 năm, Mỹ chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc, tạo tiền lệ cho Nhật Bản và Hàn Quốc. AUKUS là một thông điệp mà Mỹ, Anh, Úc muốn gửi đến Trung Quốc rằng liên minh AUKUS đã hình thành, và cuộc chơi mới bắt đầu. AUKUS rất quan trọng đối với Úc, không chỉ về địa chiến lược, mà còn vì đặc thù về văn hóa và lịch sử. Thứ nhất, ý thức hệ của ba nước này giống nhau. Thứ hai, Anh đã từng là “mẫu quốc” bảo hộ Úc cho đến khi Mỹ thay thế, nay sẵn sàng “trở lại tương lai” để cùng với Mỹ bảo đảm an ninh cho Úc. Thứ ba, cả ba nước này đều coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với khu vực và thế giới. Sự hợp tác giữa ba nước này về tàu ngầm hạt nhân, chuyển giao công nghệ cao và các nhu cầu an ninh quốc phòng khác, sẽ làm thay đổi cuộc chơi.  Các đồng minh khả tín thường có chung văn hóa chính trị như một ưu thế so với các đối thủ. Sức mạnh của liên minh QUAD và AUKUS sẽ tạo ra thế cờ vây áp đảo đối phương (Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan). Nó có thể làm thay đổi sâu sắc chính sách ngoại giao và quốc phòng của Úc, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với khu vực và thế giới. Tham gia AUKUS, Úc chỉ có con đường tiến, mà không còn đường lùi. (How China Exports Authoritarianism, Charles Edel & David Shullman, Foreign Affairs, September 16, 2021). Đằng sau QUAD và AUKUS Tiếp theo cuộc họp cấp cao (trực tuyến) đầu tiên của QUAD (12/3/2021) ra thông cáo chung về hai chủ đề chính là đối phó với đại dịch và biến đổi khí hậu, là cuộc họp cấp cao (trực tiếp) của QUAD (24/9/2021). Cuộc họp này đề xuất các sáng kiến quan trọng về y tế (tài trợ sản xuất và phân phối vaccine qua “Nhóm Chuyên gia Vaccine” và “Nỗ lực An toàn Y tế”); về hạ tầng (khởi động “Nhóm Phối hợp Hạ tầng” để xây dựng “Hạ tầng Chất lượng cao”); về biến đổi khí hậu (lập “Mạng lưới Tàu biển xanh” và “Đối tác Năng lượng sạch”).    AUKUS mang dấu ấn của Kurt Campbell (kiến trúc sư “Pivot”, và “Indo-Pacific Coordinator” tại NSC); Ely Ratner (nguyên cố vấn cho Biden, là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, trưởng nhóm đặc nhiệm về chiến lược mới); Rush Doshi (tác giả “The Long Game”, là Giám đốc Trung Quốc tại NSC); Mira Rapp-Hooper, nguyên cố vấn về Trung Quốc tại Vụ Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao, làm việc tại NSC. (China whisperers: The US advisers shaping the world’s great rivalry, Emily Tamkin, New Statesman, September 17, 2021). Đây là một nhóm cựu quan chức và học giả về Châu Á tham gia “Team Biden”, chủ trương đối phó với Trung Quốc như “thách thức lớn nhất” đối với Mỹ. Họ đều là học giả tại các trường đại học danh tiếng (Ivy League), cùng tham gia think tank (như CNAS), từng phục vụ trong các chính quyền trước (Clinton và Obama). Họ đều nhận thấy Trung Quốc không giống như người ta among đợi là “trỗi dậy hòa bình”, thông qua tham dự có thể hòa nhập vào trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, mà Trung Quốc ngày càng quyết đoán và độc tài.   Nếu AUKUS chứng tỏ chủ trương “xoay trục” của Mỹ cuối cùng đang diễn ra, thì vẫn còn thiếu “yếu tố kinh tế” (an economic component) như Kurt Campbell đã từng nhấn mạnh. Tuy QUAD và AUKUS có thể đóng góp rất nhiều, nhưng không thay thế được sự can dự thực tế của Mỹ ở khu vực. Tuy Anthony Blinken đã hứa với lãnh đạo ASEAN (cuối tháng 9/2021) là Mỹ sẽ có chiến lược toàn diện cho Đông Nam Á, nhưng vẫn chưa thấy. (Americas doughnut-shaped Indo-Pacific strategy, Henry Storey, Diplomat, October 18, 2021). Có nhiều lý do để Mỹ tham gia CPTPP, và Trung Quốc là nguyên nhân chính. Nay Trung Quốc đã xin vào CPTPP, nên Mỹ tham gia CPTPP không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì vai trò của Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Joe Biden tuyên bố đối phó với Trung Quốc là một trong các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, nên Mỹ cần một chính sách thương mại mạnh với khu vực, nhưng vào CPTPP vẫn còn nhiều lực cản. (America Must Return to the Trans Pacific Partnership, Wendy Cutler, New York Times, September 10, 2021).  Theo các chuyên gia chiến lược, hiện nay QUAD và AUKUS vẫn còn thiếu các “điều kiện thiết yếu” (critical ingredients) so với thời chiến tranh lạnh, nên chưa đủ mạnh để ngăn chặn các tham vọng của Trung Quốc. AUKUS mới chỉ là những tuyên bố về ý định trong khi nội hàm chính của AUKUS là Úc sẽ mua 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng đàm phán cụ thể về giá cả và tiến độ vẫn chưa rõ. (The Gaps in the New Regional Security Architecture for the Indo-Pacific, Hanns Maull, Diplomat, October 16, 2021). Thành viên của AUKUS còn bất cập, do thiếu các đối tác quan trọng khác như Canada, New Zealand (nhóm “Five Eyes”) hay Viêt Nam và Indonesia (ASEAN). Anh tham gia AUKUS chủ yếu do ý chí chủ quan (wishful thinking) và tượng trưng (symbolism), chứ chưa phải là cố gắng nghiêm túc (serious effort). Khẩu hiệu “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain) về cơ bản phản ánh ý định của Thủ tướng Boris Johnson muốn đánh lạc hướng dư luận (escapism) vì động cơ chính trị, chứ chưa chắc là chính sách an ninh khu vực của Anh. AUKUS và QUAD dù có được “nhất thể hóa” (integrated) thì cả hai thực thể này còn thiếu khuôn khổ cần thiết để xây dựng cơ chế an ninh khu vực Indo-Pacific đủ mạnh nhằm ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy. Trong khi Pháp (một cường quốc Indo-Pacific) bị gạt ra ngoài, thì Ấn Độ (không liên kết) vẫn chưa sẵn sàng tham gia một liên minh quân sự với Mỹ. Nói cách khác, cấu trúc an ninh khu vực Indo-Pacific cần được làm sâu sắc hơn. Vì vậy, câu chuyện QUAD và AUKUS chỉ là bước đầu, và là “phần nổi của tảng băng chìm”. Lời cuối Theo giáo sư Andrew Erickson (CMSI, Naval War College), trong 5 năm tới, Trung Quốc phải quyết định có tấn công Đài Loan hay không, vì quyền lực của Trung Quốc và Tập Cận Bình đã lên tới đỉnh cao, trong khi Đài Loan như “quả táo chín dễ hái”, nếu bỏ qua sẽ mất cơ hội vàng. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và phương Tây đang đau đầu nghĩ cách đối phó với “thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 về đối ngoại”.  (A Dangerous Decade of Chinese Power Is Here, Andrew Erickson, Foreign Policy, October 18, 2021). Trong cuốn “Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific” (APCSS, September 2020), giáo sư Alexander Vuving cho rằng tuy tình hình Biển Đông rất nguy hiểm, nhưng khó rơi vào “bẫy Thucydides” như giáo sư Graham Allison dự đoán, vì nó theo quy luật “chicken game” (trọi gà) chứ không phải “Prisoner’s dilemma” (nan đề tù nhân). Nhưng tình hình eo biển Đài Loan hiện nay lại là một câu chuyện khác, và là một yếu tố hệ trọng trong bàn cờ Indo-Pacific, mà AUKUS là một nước cờ thế. Tham khảo 1. America Must Return to the Trans Pacific Partnership, Wendy Cutler, New York Times, September 10, 2021 2. China whisperers: The US advisers shaping the world’s great rivalry, Emily Tamkin, New Statesman, September 17, 2021 3. Fact Sheet: Quad Leaders Summit, The White House, September 24, 2021  4. AUKUS Is Good for Australia, Simon Cowan, American Conservative, September 24, 2021 5. SSN vs SSK, Hugh White, Lowy Interpreter, September 29, 2021 6. AUKUS shows beginnings of U.S. Indo-Pacific strategy, Susannah Patton, Ashley Townshend and Tom Corben, Nikkei Asia Review, October 1, 2021 7. The future of Australia's middle-power diplomacy after AUKUS, Thomas Parks, AsiaLink Insight, October 7, 2021 8. AUKUS Is a Short-Term Mess but a Long-Term Win for Australia, Alexander Vuving, Foreign Policy, October 11, 2021 9. AUKUS: Why Beijing didn’t go ballistic, Jia Deng, Lowy Interpreter, October 14, 2021 10. The Gaps in the New Regional Security Architecture for the Indo-Pacific, Hanns Maull, Diplomat, October 16, 2021 11. America’s doughnut-shaped Indo-Pacific strategy, Henry Storey, Diplomat, October 18, 2021 12. A Dangerous Decade of Chinese Power Is Here, Andrew Erickson, Foreign Policy, October 18, 2021   NQD. 19/10/2021 Nguồn: https://www.viet-studies.com/kinhte/NQuangDy_AUKUS_Quad.html  
......

Đài Loan và Biển Đông trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung

Nguyễn Quang Dy| Gần hai năm qua, Mỹ và thế giới phải tập trung đối phó với đại dịch Covid-19, với tổn thất nặng nề, làm hơn 664.000 người Mỹ chết. Trung Quốc đã nhân cơ hội đó gia tăng sức ép tại eo biển Đài Loan và Biển Đông, đặc biệt sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, làm chính quyền Kabul sụp đổ nhanh chóng trước Taliban, như “Cú sốc Việt Nam” năm 1975. Tiếp theo bài AUKUS và QUAD trong chiến lược Indo-Pacific (Viet-studies, 19/10/2021), bài này sẽ phân tích vấn đề Đài Loan và Biển Đông trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung.       Hai thùng thuốc súng   Dù có phải “thuyết âm mưu” (conspiracy theory) hay không, Trung Quốc đã tranh thủ tối đa “cơ hội trời cho” (windfall) để gia tăng sức ép tại Đài Loan và Biển Đông. Ngày 4/10 là đỉnh điểm khi 49 máy bay của Trung Quốc đã xâm phạm vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của  Đài Loan. Để đối phó với trò chơi “bên niệng hố chiến tranh” của Trung Quốc, Mỹ đã cùng với đồng minh Anh và Úc lập ra “AUKUS” (15/9) và họp thượng đỉnh “QUAD” tại Washington (24/9), như một nước cờ thế mới trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung.      Đài Loan và Biển Đông là hai lò lửa chiến tranh như hai “thùng thuốc súng” (power keg) trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng xét về thứ tự ưu tiên trong “lợi ích cốt lõi” (core interests) của Trung Quốc thì Đài Loan quan trọng hơn Biển Đông. Trong khi Đài Loan thuộc “vòng tròn đồng tâm thứ nhất” (first concentric circle) và “chuỗi đảo thứ nhất” (first iseland chain), trong “chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực” (Anti-Access/ Area Denial) thì Biển Đông thuộc “vòng tròn đồng tâm thứ hai”. Xét về mặt địa lý và dân tộc, thì Trung Quốc coi Đài Loan (cũng như Hongkong) là “một tỉnh của Trung Quốc”, và người Đài Loan là một bộ phận của dân tộc Trung Hoa. Sau khi thất bại trong cuộc nội chiến tại Trung Quốc, thì Quốc Dân Đảng đã rút chạy ra Đài Loan. Vì vậy, Trung Quốc coi việc “thống nhất” (hay thôn tính) Đài Loan là mục tiêu chính đáng và “chỉ là vấn đề thời gian”. Trong khi đó, “Biển Đông chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc”, và dân tộc Việt Nam “chưa bao giờ bị đồng hóa” bởi người Hán ở Trung Quốc. Trung Quốc coi diễn biến tại Afghanistan là một đòn mạnh giáng vào uy tín của Mỹ, làm tổn hại cho cam kết “nước Mỹ trở lại” của Joe Biden. Trước sự hỗn loạn tại Kabul, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói (18/8) “Đài Loan không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng cường sức mạnh quốc phòng”. Theo bà, “Đây không phải là một sự lựa chọn dành cho Đài Loan khi không làm gì và chỉ dựa vào sự bảo vệ của người khác”. Nếu nhìn ngược lại lịch sử từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Trung Quốc tuy rất ngang ngược nhưng chưa bao giờ tiến hành chiến tranh mà qua mặt Mỹ. Trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô trước đây, Mỹ và Trung Quốc đã bắt tay nhau (“Shanghai Communique” năm 1972).  Trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt (2/1979) Đặng Tiểu Bình đã sang Mỹ gặp Tổng thống Carter để vận động Mỹ ủng hộ, hoặc làm ngơ… Nhưng nay thời thế đã thay đổi. Tập Cận Bình đang đứng đầu bộ máy quân sự mạnh nhất lịch sử Trung Quốc. Một số chuyên gia lập luận rằng Tập đã chuẩn bị hậu trường để làm “hoàng đế Trung Hoa” thêm khóa thứ ba (từ 2022), nên có thể muốn chinh phục Đài Loan “để làm vương miện”. (Starting a Fire: US and China Enter Dangerous Territory Over Taiwan, Chris Buckley & Steven Lee Myers, New York Times, October 9, 2021). Phản ứng của Mỹ    Đây không phải lần đầu Trung Quốc dọa chiếm Đài Loan. Trong cuộc “khủng hoảng tên lửa eo biển Đài Loan” (1995-1996), khi Mỹ phản ứng mạnh, đưa hai tàu sân bay đến eo biển Đài Loan thì Trung Quốc đã xuống thang. Theo Bà Thái Anh Văn, “Đài Loan đứng trên tuyến đầu của tranh chấp toàn cầu giữa nền dân chủ tự do và chủ nghĩa chuyên chế…Nếu Đài Loan sụp đổ thì hậu quả rất tai hại với hòa bình khu vực và nền dân chủ. (Taiwan and the Fight for Democracy, Tsai Ing-wen, Foreign Affairs, November/December 2021). Trước nguy cơ Đài Loan bị tấn công, Tổng thống Biden nói “Có, chúng ta có một cam kết phải thực hiện điều đó”. Nhưng theo người phát ngôn Nhà Trắng, “Không có thay đổi nào trong chính sách của chúng ta… Chúng ta sẽ giữ vững cam kết của mình theo đạo luật “Quan hệ Đài Loan”. Có thể nói đến nay, Washington vẫn theo đuổi chính sách “mơ hồ chiến lược” (strategic ambiguity). (Mỹ sẽ đến bảo vệ Đài Loan, VOA, 22/10/2021).   Theo một báo cáo của CNAS (26/10/2021), Quân đội Trung Quốc có thể chiếm đảo Taiping (Pratas) tại Biển Đông do Đài Loan kiểm soát, và biến đảo này thành một tiền đồn. Các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể chơi trò “chọi gà” (chicken game) với Trung Quốc ở Pratas, nhưng nếu không có Nhật hỗ trợ thì vị thế của Mỹ và Đài Loan sẽ suy yếu. Theo các chuyên gia, đây là thế “lưỡng nan” (dilemma) của Lầu Năm Góc (In Taiwan war game, few good options for US to deter China, Dan Lamothe, Washington Post, October 26, 2021). Theo Elbridge Colby (nguyên phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng) Trung Quốc đã dành 25 năm để xây dựng quân đội hiện đại, chủ yếu nhằm chiếm Đài Loan…Trung Quốc hoàn toàn có khả năng chiếm Đài Loan vào năm 2025.  Xét khả năng xảy ra xung đột lớn, nơi nguy hiểm nhất thế giới hiện nay chính là Đài Loan. Để tránh xung đột, Mỹ phải hành động nhanh để răn đe Bắc Kinh. Ưu tiên cấp bách là Đài Loan phải nâng cấp hệ thống phòng thủ. Mỹ cần thay thế “sự mơ hồ chiến lược” bằng đảm bảo cứng rắn hơn đối với Đài Loan(The Fight for Taiwan Could Come Soon, Elbridge Colby, Wall Street Journal, October 27, 2021).    Trong cuốn sách The Strategy of Denial: American Defense in an Age of Great Power Conflict”, Elbridge Colby cũng cho rằng trong bất cứ tình huống xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc, chắc sẽ khởi đầu từ Đài Loan. Theo Elbridge Colby, Mỹ không phải chỉ cần bảo vệ Đài Loan mà còn phải cùng với đồng minh để chiến thắng và có thể ngăn chặn được xung đột leo thang vượt ra khỏi phạm vi Biển Đông. (As the US and China continue to posture, the key will be Taiwan, Clyde Prestowitz, Washington Post, October 29, 2021). Theo sử gia Niall Ferguson (Hoover Institution, Stanford University), cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai có “một giai đoạn nóng”, và nơi có thể xảy ra xung đột chính là Đài Loan. Điều đó có thể xảy ra sớm vì Tập Cận Bình biết rằng đối đầu với Mỹ tuy rất rủi ro, nhưng đây là thời điểm tốt nhất để làm điều đó, vì Mỹ thiếu khả năng răn đe về Đài Loan. Bắc Kinh cho rằng hành động ngay bây giờ tốt hơn là chờ thêm 10 năm nữa. (Will Xi move on Taiwan? History warns he might: Niall Ferguson, Mikio Sugeno, Nikkei, September 10, 2021).   Đài Loan và “bẫy Thucydides”  Trong cuốn Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific (do giáo sư Alexander Vuving chủ biên và APCSS xuất bản (9/2020), tác giả cho rằng Biển Đông tuy nguy hiểm, nhưng khó rơi vào “bẫy Thucydides” như giáo sư Graham Allison dự báo, vì nó theo quy luật “chọi gà” (chicken game) chứ không phải “thế lưỡng nan của tù nhân” (prisoner’s dilemma). Nếu eo biển Đài Loan nguy hiểm nhưng cũng theo quy luật “chọi gà”, thì hy vọng sẽ không rơi vào “bẫy Thcydides”, tức chiến tranh không phải tất yếu. Theo các chuyên gia, ảo tưởng về thắng lợi của nền dân chủ tự do và sự lỗi thời của đối đầu nước lớn, đã thúc đẩy các chính quyền Dân Chủ và Cộng Hòa theo đuổi chủ trương “can dự” (engagement) giúp Trung Quốc giàu mạnh. Mỹ đã tăng cường đầu tư vào Trung Quốc và cho họ vào hệ thống thương mại toàn cầu (WTO), tưởng Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ và “một thành viên có trách nhiệm” trong trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Nhưng ảo tưởng đó không thành hiện thực, vì Mỹ đã ngộ nhận về bản chất của Trung Quốc. Tại Châu Á, không có ranh giới rõ ràng nào chứng tỏ “bức màn sắt” (Iron Curtain) của Trung Quốc sẽ duy trì được ổn định. Ngược lại, một số cuộc xung đột tiềm ẩn ở khu vực, tuy có giới hạn và chỉ sử dụng vũ khí thông thường, nhưng đã làm cho chiến tranh “có thể” (thinkable). Đó là những cuộc chiến nhằm kiểm soát Đài Loan, Biển Đông, và quần đảo Điếu ngư (Senkaku Islands). (The Inevitable Rivalry: America, China, and the Tragedy of Great-Power Politics, John  Mearsheimer, Foreign Affairs, November/December 2021).   Trong mấy thập kỷ qua, Trung Quốc đã lợi dụng sự ngộ nhận của Mỹ để “giấu mình chờ thời” và tranh thủ trỗi dậy trở thành siêu cường. Nay Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc đã đủ mạnh để cạnh tranh với Mỹ, mà không cần “giấu mình chờ thời”. Những kế hoạch đầy tham vọng mang dấu ấn Tập Cận Bình đã làm nước Mỹ giật mình tỉnh ngộ. Đó là sáng kiến “Vành đai Con đường” (BRI) để thao túng thế giới, chiến lược “Made in China 2025” để vươn lên ngang hàng với Mỹ, và chiến lược “Đường Lưỡi Bò” để thâu tóm Biển Đông và gạt Mỹ ra khỏi khu vực bằng “vùng xám” (grey area), với hạm đội “dân quân biển”. Đó chính là sự khác biệt giữa Biển Đông và Đài Loan. Trong khi Trung Quốc dùng “vùng xám”  và “dân quân biển” một cách hiệu quả để kiểm soát Biển Đông và gạt Mỹ ra khỏi khu vực, họ không triển khai “vùng xám” và “dân quân biển” tại eo biển Đài Loan. Trung Quốc không muốn chiến sự nổ ra tại Biển Đông, vì không muốn đối đầu với Mỹ. Theo binh pháp Tôn Tử, họ chỉ muốn dùng “cờ vây” để áp đảo đối phương. Nhưng nếu chiến sự nổ ra tại eo Biển Đài Loan, thì đó sẽ là một cuộc “chiến tranh thông thường” (conventional war). Sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ vẫn có căn cứ quân sự và lực lượng mạnh (gồm không quân, hải quân, tên lửa, và lính thủy đánh bộ) đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng không có lực lượng thường trực như vậy đóng tại các nước ASEAN. Tại sao cán cân lực lượng (balance of forces) và cơ cấu an ninh (security architechture) ở hai khu vực này khác nhau như vậy? Phải chăng vì Trung Quốc và Mỹ đều coi trọng Đài Loan và Đông Bắc Á hơn? Dù muốn hay không, đó là những thực tế khó phủ nhận trong bàn cờ chiến lược nước lớn. Thay lời kết  Nói cách khác, xét về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, Đài Loan quan trọng hơn Biển Đông. Xét về cam kết của Mỹ với đồng minh, thì Đài Loan và Đông Bắc Á cũng quan trọng hơn, không chỉ vì bán đảo Triều Tiên, mà còn vì cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh quan trọng nhất ở Đông Á. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Biển Đông kém quan trọng hơn Đài Loan, mà phải đặt cả hai trong tầm nhìn chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với AUKUS và QUAD để kết nối mạng lưới đồng minh.    Nhưng trong mấy năm tới, dù căng thẳng đến đâu, Mỹ và Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến thực sự, tuy có thể đe dọa “bên miệng hố chiến tranh” (war brinkmanship) để thử gân nhau. Theo Reuters (7/10) trước căng thẳng tại eo biển Đài Loan, Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận về nguyên tắc để lãnh đạo hai nước gặp nhau (trực tuyến) vào cuối năm. Tiếp theo điện đàm giữa Joe Biden và Tập Cận Bình (9/9), Jake Sullivan (cố vấn an ninh quốc gia) và Dương Khiết Trì (đặc trách đối ngoại) vừa gặp nhau tại Thụy Sĩ (26/10). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã xô đẩy thế giới vào khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu, với những hệ quả khó lường, nên đối đầu Mỹ-Trung cũng buộc phải điều chỉnh theo một cách tương ứng và linh hoạt. Nói cách khác, như Ngoại trưởng Anthony Blinken đã tuyên bố, “Quan hệ của chúng ta với Trung Quốc sẽ là cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi bắt buộc” (A Foreign Policy for the American People, March 3, 2021). Tham khảo 1. A Foreign Policy for the American People, Anthony Blinken, Department of State, Washington, D.C, March 3, 2021 2. Taiwan and the Fight for Democracy, Tsai Ing-wen, Foreign Affairs, November/December 2021 3. The Inevitable Rivalry: America, China, and the Tragedy of Great-Power Politics, John  Mearsheimer, Foreign Affairs, November/December 2021 4. As the US and China continue to posture, the key will be Taiwan, Clyde Prestowitz, Washington Post, October 29, 2021 5. The Fight for Taiwan Could Come Soon, Elbridge Colby, Wall Street Journal, October 27, 2021   6. In Taiwan war game, few good options for US to deter China, Dan Lamothe, Washington Post, October 26, 2021 7. Mỹ sẽ đến bảo vệ Đài Loan, VOA, October 22, 2021 8. Starting a Fire: US and China Enter Dangerous Territory Over Taiwan, Chris Buckley & Steven Lee Myers, New York Times, October 9, 2021 9. Will Xi move on Taiwan? History warns he might: Niall Ferguson, Mikio Sugeno, Nikkei Asia, September 10, 2021 NQD. 01/11/2021 Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/2021/11/ai-loan-va-bien-ong-trong-ban-co-chien.html   Xem thêm: AUKUS và QUAD trong chiến lược Indo-Pacific https://www.viettin.de/content/aukus-v%C3%A0-quad-trong-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-indo-pacific  
......

Đối đầu Anh – Pháp khiến Mỹ và phương Tây lo lắng

Tác giả: GIDEON RACHMAN Đây là tuần mà Boris Johnson phải kêu gọi thế giới đoàn kết chống lại biến đổi khí hậu. Nhưng vị thủ tướng Anh tham dự COP26 trong khi bị phân tâm bởi một cuộc tranh cãi gay gắt với Pháp về vấn đề đánh cá. “Bắn tỉa” và cạnh tranh nhau giữa Anh và Pháp đang trở thành một vấn đề quốc tế nghiêm trọng. Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 diễn ra trong bối cảnh một tranh chấp khác giữa Pháp và Anh – lúc đó là về vấn đề Bắc Ireland. Mọi bất đồng nhỏ giữa hai nước dường như đều leo thang thành một cuộc cãi vã đầy những lời đe dọa và lăng mạ. Vấn đề cơ bản không phải là cá, hay Bắc Ireland. Mà là về Brexit. Nói một cách đơn giản, Johnson muốn Brexit thành công trong khi Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, lại muốn nó thất bại. Một bức thư bị rò rỉ của thủ tướng Pháp Jean Castex gửi cho Ủy ban châu Âu đề xuất rằng điều quan trọng là phải chứng minh cho dư luận châu Âu thấy chi phí khi rời EU lớn hơn so với việc ở lại. Người Anh coi đây là bằng chứng cho thấy Paris đang tìm cách trừng phạt Anh vì Brexit. Người Pháp cho rằng đây là một cách cố tình hiểu sai đầy ác ý. Việc chính phủ Anh háo hức diễn giải theo cách tồi tệ nhất có thể về bức thư nói lên nhiều điều. Mặc dù Johnson đang thăng hoa sau hội nghị thành công của đảng Bảo thủ, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng Anh đang đi đến kết luận rằng Brexit là một sai lầm. Trả lời cho câu hỏi, “Bạn nghĩ Anh rời EU là đúng hay sai”, 49% trả lời là sai và 38% trả lời là đúng. Một cuộc thăm dò khác gần đây cho thấy 53% số người trả lời tin rằng Brexit đã dẫn đến giá cả cao hơn. Những thay đổi này trong quan điểm của công chúng có thể gây rắc rối cho Johnson, đặc biệt nếu lạm phát và tình trạng thiếu hụt hàng hóa trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông. Điều đó làm cho một cuộc đụng độ với Macron trở nên quá hấp dẫn. Nếu người Pháp thực hiện lời đe dọa làm chậm lưu lượng hàng hóa của Anh qua các cảng bên kia eo biển, bất kỳ sự thiếu hụt nào sau đó có thể được đổ lỗi cho tư tưởng trừng phạt Anh của người Pháp hơn là những khiếm khuyết cố hữu của Brexit. Chính phủ Anh dường như cũng đang chuẩn bị thực hiện các thay đổi đơn phương đối với giao thức Bắc Ireland, một phần của thỏa thuận Brexit. Một cuộc tranh cãi với Pháp có thể cho phép Johnson tuyên bố những thay đổi đó là nhằm phản ứng với sự cứng rắn của Pháp, chứ không phải là một hành động thiếu thiện chí của Anh. Macron, giống như Johnson, cũng đang chịu áp lực chính trị dữ dội. Ông phải đối mặt với một cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Tư năm sau. Eric Zemmour, ngôi sao đang lên của cánh hữu, đã liên tục khẳng định “người Anh đã thắng trong trận chiến Brexit”. Macron cần phải dập tắt ý tưởng đó. Việc ký Aukus – một hiệp ước an ninh được đàm phán bí mật giữa Úc, Anh và Mỹ – đã giáng một đòn nặng nề vào Pháp. Một quan chức Mỹ nói: “Pháp tin rằng Brexit đã khiến Anh trở nên không còn quan trọng, và chúng tôi (người Mỹ) sẽ bỏ qua London. Sau đó, họ phát hiện ra chúng tôi đã thực hiện một thỏa thuận bí mật với người Anh, sau lưng họ ”. Sự tức giận của Pháp càng tăng lên khi mất hợp đồng quốc phòng có giá trị lớn với Australia. Áp lực mà chính phủ Macron đang phải chịu được phản ánh qua giọng điệu hơi cuồng loạn của một số trao đổi gần đây. Clément Beaune, Bộ trưởng Châu Âu của Pháp, khẳng định rằng ngôn ngữ duy nhất mà người Anh hiểu là vũ lực. Rõ ràng cần phải làm gì đó để giải tỏa những căng thẳng này theo cách có thể kéo dài hơn mức một vài tuần. Ben Judah thuộc viện nghiên cứu chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, người mang hai quốc tịch Pháp-Anh, đưa ra đề xuất sáng tạo rằng hai nước nên thành lập một ủy ban chung gồm các đại diện để vạch ra một kế hoạch hòa giải song phương. Trong một thế giới lý tưởng, một sáng kiến như vậy có thể mở đường cho một “Entente Cordiale” mới – thỏa thuận hồi năm 1904 vốn giúp xoa dịu một giai đoạn kình địch giữa Anh và Pháp trước đó. Nhưng cả London và Paris dường như đều không sẵn sàng khắc phục mọi thứ. Peter Ricketts, cựu đại sứ Anh tại Paris, dự đoán rằng sẽ có thêm vài năm “bắn tỉa” trước khi quan hệ cuối cùng được cải thiện. Liên minh phương Tây không thể chấp nhận được điều đó. Quan hệ độc hại giữa Anh và Pháp có khả năng lây lan và nhiễm vào NATO, G7 và các cuộc đàm phán quốc tế về mọi thứ, từ biến đổi khí hậu đến thương mại. Xung đột Anh-Pháp cũng sẽ khiến việc hình thành các lập trường chung của phương Tây trong các cuộc tranh chấp với Trung Quốc và Nga trở nên khó khăn hơn. Thomas Wright thuộc Viện Brookings lo ngại rằng Anh và Pháp có nguy cơ biến thành “Nhật Bản và Hàn Quốc của châu Âu” – hai đồng minh thân cận của Mỹ nhưng cũng là đối thủ gay gắt của nhau. Ở châu Á, Mỹ đã cố gắng xây dựng cầu nối giữa Tokyo và Seoul. Bây giờ có thể đã đến lúc Washington thực hiện vai trò tương tự giữa London và Paris. Người Mỹ cần dẹp bỏ ảo tưởng của cả hai bên. Người Anh cần hiểu rằng Mỹ coi EU là một đối tác quan trọng và sẽ không từ bỏ Brussels chỉ vì không gian “Anglosphere”. Người Pháp cần chấp nhận rằng Mỹ cần nước Anh hậu Brexit thành công và sẽ không coi Anh là một quốc gia bất hảo. Khả năng đóng vai “người môi giới trung thực” của Mỹ đã trở nên phức tạp hơn sau thỏa thuận Aukus. Nhưng Biden có vẻ đã thực sự hối hận về việc qua mặt nước Pháp và đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả. Thực tế, việc cả Macron và Johnson đều coi trọng mối quan hệ thân thiết của họ với Biden tạo cơ hội cho Mỹ. Nói theo ngôn ngữ tư vấn hòa giải, người Mỹ cần phải “dàn xếp một sự can thiệp”. Họ nên cố gắng thuyết phục người Anh và người Pháp từ bỏ những mối đe dọa kỳ quặc nhất của họ và hợp tác với nhau vì lợi ích của bản thân cũng như lợi ích của phương Tây nói chung. ----- * Nguồn tiếng Anh: Gideon Rachman, “UK-French rivalry puts the west at risk”, Financial Times, 01/11/2021. Biên dịch: Phan Nguyên. ** Nguồn tiếng Việt: http://nghiencuuquocte.org/.../doi-dau-anh-phap-khien.../...  
......

Chuyên gia nhân quyền LHQ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang

Trọng Thành - RFI Các chuyên gia độc lập về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm 29/10/2021 đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho bà Phạm Đoan Trang, nhà tranh đấu nhân quyền, đang phải đối mặt với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” với án tù lên đến 12 năm. Theo thông báo của Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, nhóm các báo cáo viên đặc biệt và chuyên gia độc lập về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết bà Phạm Đoan Trang là “nạn nhân mới nhất của việc chính quyền sử dụng các cáo buộc mơ hồ về tội tuyên truyền chống Nhà nước, để bắt bớ các nhà văn, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền, hình sự hóa việc thực hiện quyền tự do phát biểu ý kiến ​​và chia sẻ thông tin của họ.” Bà Phạm Đoan Trang đang bị giam tại Trại tạm giam số 1 Hà Nội. Bà bị bắt vào tháng 10/2020. Theo nhóm chuyên gia độc lập, bà Trang bị tạm giam hơn một năm trước khi được phép gặp luật sư, và không được phép tiếp xúc với gia đình. Phiên tòa xét xử bà Phạm Đoan Trang ban đầu dự kiến ​​diễn ra vào ngày 4/11 đã bị hoãn, có khả năng sẽ diễn ra trong những tuần tới. Nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết các cáo buộc chống lại bà Phạm Đoan Trang xuất phát từ ít nhất ba báo cáo nhân quyền, mà bà là đồng tác giả, cũng như các trả lời phỏng vấn với một số hãng truyền thông nước ngoài. Ba báo cáo bao gồm báo cáo về thảm họa môi trường biển Formosa năm 2016 (liên quan đến công ty Đài Loan Formosa), luật về tôn giáo năm 2016, và về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nói chung. Các chuyên gia nhận định, “như chúng tôi đã nhiều lần cho biết trước đây, Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999, mà bà Phạm Đoan Trang bị buộc tội, được định nghĩa một cách mơ hồ và vi phạm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.” Các chuyên gia một lần nữa “kêu gọi chính phủ (Việt Nam) bãi bỏ tất cả các điều khoản xâm phạm quyền tự do ngôn luận'” Các chuyên gia cho biết, việc bắt và giam giữ một cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình để báo cáo về các vấn đề nhân quyền là tước đoạt tùy tiện quyền tự do của người dân theo luật pháp quốc tế về nhân quyền.  Liên Hiệp Quốc đã khẳng định việc chính quyền Việt Nam giam giữ bà Phạm Đoan TranNhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện củag là “tùy tiện” trong thông báo “Opinion ​​40/2021″ ban hành tháng 9/2021. Các chuyên gia “vô cùng lo ngại rằng các báo cáo ghi lại những quan ngại về nhân quyền đang được sử dụng chống lại những người bảo vệ nhân quyền, được sử dụng làm bằng chứng (chống lại họ) trong phiên tòa hình sự,” và “điều này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng và củng cố bầu không khí sợ hãi ở Việt Nam, dẫn đến việc tự kiểm duyệt và ngăn cản những người khác hợp tác với Liên Hiệp Quốc.” Hoạt động của các báo cáo viên đặc biệt và các chuyên gia độc lập nằm trong “các Thủ tục Đặc biệt” của Hội đồng Nhân quyền, tên gọi chung để chỉ cơ chế giám sát độc lập của cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Các chuyên gia về “các Thủ tục Đặc biệt” không phải là nhân viên Liên Hiệp Quốc, làm việc tự nguyện và không nhận lương. Công việc của các chuyên gia nói trên độc lập với bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào. Về sức khỏe của bà Phạm Đoan Trang, theo nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc, bà Phạm Đoan Trang mới được điều trị y tế gần đây bất chấp sức khỏe của bà Trang ngày càng giảm sút. Các chuyên gia kêu gọi các cơ quan chức năng trước mắt cho phép bà Phạm Đoan Trang nhận được tất cả các chăm sóc y tế cần thiết. Trọng Thành Nguồn: RFI  
......

10 tổ chức vận động nhân quyền kêu gọi EU trừng phạt Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình

Việt Tân| Đảng Việt Tân, Hội Anh Em Dân Chủ cùng 8 tổ chức vận động nhân quyền kêu gọi Liên Minh Châu Âu, thông qua Đạo Luật Magnitsky Châu Âu, trừng phạt Bộ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm và Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Hòa Bình vì hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trong ngày 27 tháng Mười, 2021, ông Trần Sơn, đại diện Đảng Việt Tân và Luật Sư Nguyễn Văn Đài, đại diện Hội Anh Em Dân Chủ đã được mời đến trụ sở của European External Action Service – EEAS tức Cơ Quan Ngoại Giao của Liên Minh Châu Âu, tại Bruxelles, Vương Quốc Bỉ. Tại đây các ông đã có buổi làm việc với ông Johan Sorensen, giới chức phụ trách về các vấn đề Việt Nam và bà Alva Bruun, giới chức phụ trách về các vấn đề nhân quyền. Đại diện của Đảng Việt Tân và Hội Anh Em Dân Chủ đã trao cho các giới chức Liên Minh Châu Âu hồ sơ chứng cứ hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của hai quan chức CSVN nầy cùng một báo cáo về tình trạng Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam 2021. Hai tập tài liệu này đã được 10 tổ chức vận động cho nhân quyền Việt Nam và quốc tế phối hợp thực hiện. Theo ông Trần Sơn, giới chức của EEAS cho biết vào đầu tháng Chín, Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu (European Commission) bà Ursulla Von der Layen đã nêu vấn đề nhân quyền ở Việt Nam với Chủ Tịch Quốc Hội CSVN Vương Đình Huệ khi ông này đến Bruxelles. Liên Minh Châu Âu đang dùng tất cả phương tiện có trong tay để tạo áp lực lên CSVN và Luật Magnitsky là một trong những phương tiện đó. Vì vậy hai tập tài liệu về tình hình Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam 2021 và chứng cứ hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của hai quan chức CSVN nầy rất hữu dụng cho EEAS. Các tổ chức cũng thực hiện thỉnh nguyện thư kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước ký tên để yêu cầu Hội Đồng Liên Minh Châu Âu trừng phạt hai quan chức cao cấp nầy của CSVN theo Đạo Luật Magnitsky Châu Âu. Link ký thỉnh nguyện thư: Link: https://chng.it/hpw4dYTwYt   XEM THÊM: EU thông qua một chế độ trừng phạt nhân quyền toàn cầu Liên Minh Châu Âu thông qua đạo luật Global Magnitsky  
......

Fanpage của ba đài RFA, VOA và BBC bất ngờ bị đổi tên

Ảnh chụp màn hình giao diện trang Facebook của 3 đài khi bị đổi tên RFA| Sáng ngày 30-10-2021, cả ba trang Facebook Việt ngữ của các đài lớn như Đài Á Châu Tự Do, VOA Tiếng Việt, BBC News Tiếng Việt đều đồng loạt bị đổi tên. Đài Á Châu Tự Do bị đổi thành "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm", BBC News Tiếng Việt bị chuyển thành "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại" và VOA Tiếng Việt lại trở thành "Đông Lào Muôn Năm". Cả ba đài Việt ngữ này nhiều lần bị báo chí trong nước cho là các "trang báo thiếu thiện chí" đối với chính quyền Việt Nam, riêng RFA hiện có ba cộng tác viên, blogger đang bị cầm tù là các ông Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Tường Thụy và Trương Duy Nhất. Cả ba trang đều ngay lập tức có thông báo về việc tên trang bị đổi. VOA thông báo trên trang Facebook của mình như sau: "Vào khoảng 10 giờ tối ngày 29 tháng 10, giờ miền Đông Hoa Kỳ, trang Facebook của VOA Tiếng Việt bị “hack”, và bị đổi tên thành "Đông Lào Muôn Năm.” VOA Tiếng Việt đang liên lạc Facebook để lấy lại tên cũ, tăng cường bảo mật. Xin cáo lỗi cùng quý độc giả về sự cố này." Khoảng một đến hai giờ sau, các trang này đều lấy lại được tên như cũ và phối hợp với Facebook để khắc phục sự việc. Trong bài viết trên báo Nhân Dân - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam hồi năm 2020 với tiêu đề "VOA, RFA vẫn tiếp tục chống phá Việt Nam" cho rằng, "bên cạnh việc đề nghị chính quyền cùng cơ quan chức năng của Mỹ cần chấn chỉnh hoạt động của VOA, RFA sao cho phù hợp với các nguyên tắc, quan điểm của nước Mỹ với Việt Nam; thì mặt khác, chúng ta cần tiếp tục đấu tranh vạch trần thái độ, mưu đồ, mọi thủ đoạn của VOA và RFA." Trang Chính trị Việt Nam chuyên đăng các tin ủng hộ Chính phủ chạy dòng tít "Sốc: Trang RFA chuyên chống phá Việt Nam bất ngờ đổi tên thành "Đảng Cộng Sản Việt Nam Muôn Năm". Một độc giả trên Facebook của đài RFA bình luận: “Hacker giỏi thế hack giúp tiền hỗ trợ COVID cho người dân đi, chờ từ năm ngoái đến giờ”. Một buổi hội thảo của Lực lượng 47 ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tỉnh. Ảnh: huyện Hương Khê. Việt Nam có lực lượng dư luận viên hùng hậu lên đến hàng chục ngàn người của cả quân đội và công an được cho là "vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao” Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hồi năm 2016 cho thành lập Lực lượng 47 nhằm chống các "quan điểm sai trái" trên mạng Internet tại Việt Nam. Đến năm 2018, Bộ Quốc phòng tiếp tục cho ra mắt Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, ngoài việc "tham gia bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia" tổ chức này còn có nhiệm vụ "đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình trên không gian mạng; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc cả trên đất liền, trên không, trên biển và không gian mạng." Hồi năm ngoái, nhóm bảo mật của Facebook cho biết nhóm hacker APT32 (Ocean Lotus - Sen Biển) do chính phủ Việt Nam hậu thuẫn đã lan truyền mã độc nhắm vào các nhà hoạt động Việt Nam, các chính phủ nước ngoài, các cơ quan báo chí, cùng các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp. Tháng 10 này, báo chí quốc tế dẫn nguồn thạo tin cáo buộc Giám đốc điều hành của Facebook là Mark Zuckerberg đã đích thân chấp nhận yêu cầu mạnh mẽ của Hà Nội trong việc giới hạn những bài đăng bị cho ‘chống Nhà nước’. Theo AFP, mạng xã hội khổng lồ Facebook trong những năm qua trở thành một diễn đàn phổ biến cho giới hoạt động tại đất nước cộng sản này khi mà truyền thông độc lập bị cấm tiệt. Thế nhưng những tiếng nói chỉ trích trên mạng này trong thời gian sau này là mục tiêu bị ngăn chặn. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/fanpages-of-three-media-rfa-voa-bbc-have-all-been-renamed-by-tricker-10302021012604.html
......

Nghị viên Âu Châu thông qua nghị quyết ủng hộ Đài Loan

Hôm 21.10.2021, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết  nhằm tăng cường quan hệ với Đài Loan với 580 phiếu ủng hộ và 26 phiếu chống và bắt đầu xúc tiến thỏa thuận đầu tư với vùng lãnh thổ tự trị này. Trong nghị quyết được thông qua này, các nhà lập pháp EU nói Liên hiệp châu Âu phải làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với Đài Loan và bắt đầu làm việc về một thỏa thuận đầu tư với hòn đảo. Động thái này khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc và EU đã đạt được thỏa thuận tương tự hồi năm 2020 nhưng bị gác lại từ đó đến nay. Nghị quyết đề nghị nhánh hành pháp của khối là Ủy ban châu Âu "khẩn trương bắt đầu đánh giá tác động, tham vấn công khai và tính toán quy mô về một thỏa thuận đầu tư song phương". Các nhà lập pháp cũng yêu cầu văn phòng thương mại của khối ở Đài Bắc được đổi tên thành văn phòng Liên hiệp châu Âu tại Đài Loan, về thực chất là nâng cấp phái bộ này mặc dù cả EU lẫn các quốc gia thành viên đều không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nơi bị Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ. Nói với các phóng viên tại Bắc Kinh, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin (Uông Văn Bân) đưa ra "lời lên án mạnh mẽ" rằng “Nghị viện EU cần dừng ngay những lời nói và hành động gây hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ cảm ơn về sự ủng hộ của EU, nói rằng nghị quyết sẽ "đặt dấu mốc mới" cho mối quan hệ của hòn đảo với khối. Căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan đã gia tăng, kèm theo đó, Đài Bắc cho rằng Bắc Kinh sẽ có khả năng tiến hành một cuộc xâm lược "có quy mô toàn diện" đánh vào hòn đảo vào năm 2025. Vào năm 2015, EU đã đưa Đài Loan vào danh sách các đối tác thương mại đủ điều kiện để đi đến ký kết một thỏa thuận đầu tư, nhưng chưa tổ chức đàm phán với hòn đảo có chính quyền dân chủ về vấn đề này kể từ đó, mặc dù Đài Bắc rất muốn đạt được thỏa thuận. EU và đối tác thương mại lớn là Trung Quốc ký kết một thỏa thuận đầu tư tương tự hồi năm ngoái, nhưng nó đã bị chặn lại trong nhiều tháng nay. Nghị viện châu Âu hoãn việc phê chuẩn sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lập pháp EU vì hai bên có mâu thuẫn về nhân quyền. Trong khi đó, cường quốc công nghệ Đài Loan ngày càng trở nên hấp dẫn đối với EU trong bối cảnh toàn cầu thiếu linh kiện bán dẫn khiến Brussels vận động hành lang để các nhà sản xuất chip quan trọng của Đài Loan đầu tư vào khối như họ đã làm ở Hoa Kỳ./. Theo Reuters  
......

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt hành vi bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông

Hình minh họa. Thượng Nghị sĩ Ben Carden (Đảng Dân Chủ) của tiểu bang Maryland. RFA Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ ba 19/10 thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân và đối tượng Trung Quốc tham gia vào các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông.  Dự luật lưỡng đảng do Thượng Nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio, đại diện tiểu bang Florida và Thượng Nghị sĩ Dân Chủ Ben Cardin của tiểu bang Maryland bảo trợ, có tên “Dự luật Trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Dự luật khi thành luật sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và đối tượng Trung Quốc tham gia vào hoạt động khẳng định yêu sách chủ quyền về hàng hải và lãnh thổ của Bắc Kinh đối với Biển Đông và Hoa Đông. Thượng Nghị sĩ Rubio trong một thông cáo báo chí nói: “Không có mối đe dọa nào lớn hơn đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở hơn Đảng Cộng sản Trung Quốc và lực lượng vũ trang của họ là Quân đội Giải phóng Nhân dân”. Ông kêu gọi toàn thể đồng nghiệp trong Thượng viện thông qua dự luật này. Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn đã bị Toà Trọng tài Quốc tế bác bỏ trong một phán quyết vào năm 2016 nhưng Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết này. Mỹ không phải là một bên có tranh chấp về chủ quyền ở khu vực Biển Đông nhưng luôn khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này, đồng thời lên án Trung Quốc đã bắt nạt các nước láng giềng có đòi hỏi chủ quyền ở đây, quân sự hoá khu vực Biển Đông.   
......

Nước Đức sẽ bỏ đại dịch lại phía sau

Lưu Thủy Hương Kế hoạch chấm dứt các biện pháp chống dịch dự trù vào tháng 11. Cuộc sống ở Đức sẽ trở lại bình thường, sau 19 tháng vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, vừa nghiên cứu và phân bố vaccine cho toàn thế giới. * https://www.berliner-zeitung.de/.../jens-spahn-corona... Bộ trưởng bộ y tế Liên bang Đức, Jens Spahn tuyên bố: Tình trạng khẩn cấp chống lại Corona sẽ kết thúc vào tháng 11. Vì nguy cơ corona đối với những người được tiêm chủng chỉ còn ở mức "vừa phải". Spahn ủng hộ việc loại bỏ dần cái gọi là "tình hình dịch bệnh trên phạm vi quốc gia", căn cứ vào việc, Viện Robert Koch phân loại "nguy cơ đối với những người được tiêm chủng là vừa phải", vì vậy, tình hình đặc biệt chống lại dịch bệnh sẽ chấm dứt vào ngày 25 tháng 11 năm 2021, sau gần 19 tháng, kể từ ngày 28 tháng Ba năm 2020. Vào cuối tháng 8 vừa rồi, Hạ viện đã gia hạn tình trạng chống dịch thêm ba tháng. Và kế hoạch này sẽ tự động hết hạn nếu nó không được Quốc hội kéo dài thêm. * Trung bình mỗi ngày có 2.574 người tử vong ở nước Đức, vì các loại bệnh, trong đó chủ yếu là bệnh tim mạch và ung thư. Con số thống kê chung có thể dao động từ 2400 đến 3500 người/ngày. https://www1.wdr.de/.../coron.../corona-todesfaelle-100.html Với con số tử vong do covid hiện nay vào khoảng 20-80 người/ngày, rơi vào nhóm không tiêm chủng và nhóm suy yếu hệ thống miễn dịch, thì bệnh covid đã được xếp vào loại bệnh chỉ còn có nguy cơ vừa phải. Đây là phân loại do viện Robert Koch thực hiện, trung tâm chỉ huy chống đại dịch trên toàn quốc từ suốt 19 tháng nay. Chính quyền Đức chỉ tuân thủ hướng dẫn khoa học của các nhà nghiên cứu để đưa ra kế hoạch trên toàn quốc. Đúng là chính quyền Đức chống dịch gắt gao và căng thẳng hơn các nước quanh vùng, nhưng ngược lại, trong suốt 19 tháng đại dịch họ vẫn đảm bảo cho đời sống dân sinh được ổn định. Những công việc, sản xuất, giao dịch, hoạt động kinh tế cần thiết vẫn được duy trì. Chợ búa, nơi cung cấp thực phẩm và đồ gia dụng không được phép đóng cửa ngày nào. Các nhà thương và phòng khám bệnh vẫn mở cửa. Và người dân không hề bị cấm ra đường tập thể dục hay dạo mát, vì đó là nhu cầu rất cần thiết cho sức khỏe để chống dịch. Bây giờ, với tỉ lệ tiêm chủng là 64%, nước Đức đã quyết định: Bỏ đại dịch Corona lại phía sau để đi tới. Đó không phải là một thứ tên gọi bình thường mới, hay bình thường cũ. Đó là một xác định khoa học, đánh giá khoa học và quyết định khoa học. ° Thật ra thì tôi đã bắt đầu sống bình thường từ tháng Bảy – tháng Tám và đã trở lại với các hoạt động giải trí cuối tuần: thể thao, xem phim, tắm xông hơi, tham dự họp báo, hội thảo… Từ lâu tôi cũng không còn quan tâm đến các con số ở Đức. Nếu có nhiễm tôi cũng không bị bệnh nặng, nếu có nhiễm tôi cũng không lây ai. Quan tâm làm gì nữa. Sống với những kế hoạch cho tương lai thôi./.  
......

Mỹ trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Thanh Hà -  RFI Liên Hiệp Quốc ngày 14/10/2021 biểu quyết cho phép Hoa Kỳ trở lại với Hội Đồng Nhân Quyền (HRC). Tháng 6/2018, Washington dưới chính quyền Trump đã ra khỏi tổ chức này với lý do HRC “che chở cho các quốc gia vi phạm nhân quyền” và có khuynh hướng bài Do Thái. Trong phiên họp hôm qua tại New York, 168 trên tổng số 193 quốc gia bỏ phiếu thuận để Mỹ hội nhập trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này bao gồm 47 thành viên bắt đầu hoạt động từ năm 2006, trụ sở đặt tại Genève, Thụy Sĩ. Các thành viên được bầu lại 3 năm một lần. Washington sẽ chính thức trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kể từ ngày 01/01/2022 cùng với 17 nước khác, trong đó Ấn Độ, Malaysia hay Qatar,  Argentina… Giới quan sát dự báo với việc Washington hội nhập lại định chế đa quốc gia này, “nhiều cuộc tranh cãi gay go sẽ diễn ra, giữa Mỹ và Trung Quốc hay Nga.” Dưới chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã rút lui khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Hãng tin Reuters lưu ý, trong thời gian Mỹ vắng mặt, Trung Quốc và nhiều đối tác của Bắc Kinh, như là Venezuela hay Belarus, đã tận dụng thời cơ thông qua những tuyên bố chung ủng hộ Bắc Kinh trên các vấn đề từ Hong Kong đến Tây Tạng hay Tân Cương. Tháng Giêng 2021, khi lên cầm quyền, Tổng Thống Joe Biden tuyên bố Nhà Trắng xem nhân quyền sẽ là “trung tâm” trong chính sách đối ngoại. Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, trong thông cáo hôm qua nhấn mạnh trong giai đoạn đầu, Washington có thể sẽ xem xét trên các hồ sơ liên quan đến Afghanistan, Miến Điện, Trung Quốc, Ethiopia, Syria và Yemen. Đại diện của Hoa Kỳ cho biết thêm là sẽ đặc biệt chú ý đến trường hợp của Israel, không để các tuyên bố “quá đáng” bất lợi cho quốc gia này. Một cuộc điều tra do Reuters thực hiện hồi tháng 9/2021 cho thấy ngay cả chính quyền Biden đôi khi cũng đã gạt vấn đề nhân quyền sang một bên vì những ưu tiên như là “an ninh quốc gia hay nhu cầu cần nối lại đối thoại với một số nước lớn.” Tổ chức quan sát nhân quyền UN Watch chỉ trích Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, xem cơ quan này là một “trò hề” khi kết nạp các những quốc gia chà đạp nhân quyền, như Syria, Kazakhstan… Thanh Hà -  RFI  
......

Dân biểu, xã hội dân sự tại Đan Mạch lên tiếng vì quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam

Đoàn người trên đường đến trụ sở Google tại Copenhagen, Đan Mạch để trao kiến nghị hôm 7/10/2021. Giang Nguyễn - RFA| Hội thảo về Quyền Tự do Ngôn luận và Truy cập Mạng xã hội tại Việt Nam tổ chức hôm 7 tháng 10 tại Đan Mạch, diễn ra trong bối cảnh chính quyền Copenhagen đang triển khai một dự án với tên gọi là “Tech for Democracy” (công nghệ vì dân chủ), nhắm vào việc dùng công nghệ để hỗ trợ các phong trào đấu tranh cho dân chủ tại các nước độc tài. Bà Helena Hương Nguyễn, Trưởng Ủy ban Hỗ trợ Việt Nam, nói dự án Tech for Democracy do Bộ Ngoại giao Đan Mạch khởi xướng: “Project (dự án) này của Đan Mạch khởi xướng nhưng nhắm vào toàn thế giới, nhiều quốc gia và những tech company (công ty công nghệ) quốc tế. Vì họ thấy được ví dụ như Facebook rất quan trọng đối với người dân ở các nước độc tài. Thành ra họ muốn liên kết với Facebook và Silicon Valley để không dập tắt những phong trào dân chủ”. Ủy ban Hỗ trợ Việt Nam, một tập hợp nhiều hội đoàn và cá nhân Việt Nam tại Đan Mạch, đồng tổ chức hội thảo cùng với tập hợp Globalt Fokus của 80 hội đoàn phi chính phủ tại Đan Mạch. Bà Helena cho rằng chính quyền Đan Mạch đã nhận rõ nhiều người dân Đan Mạch có khuynh hướng quan tâm đến nhân quyền và quyền trên mạng tại Việt Nam. Thời gian qua nhiều Facebooker và nhà báo tự do tại Việt Nam đã bị bắt vì lên tiếng về những điều sai trái trong xã hội nước này.  “Chính quyền Đan Mạch và Bộ Ngoại giao Đan Mạch có khuynh hướng như vậy là một sự khởi đầu, một tin vui, một sự nâng đỡ, hỗ trợ tinh thần cho những phong trào đối kháng. Mọi chuyện, họ cũng nói phải từ từ để họ ra một chương trình hoạt động”. Bà Helena cho biết Bộ Ngoại giao Đan Mạch đang nhắm đến một thỏa thuận với nhiều quốc gia, nhiều công ty công nghệ như Facebook và Google để có một số quy định về hoạt động mạng xã hội ở các nước độc tài như Việt Nam. Vì vậy, những buổi hội thảo như ngày hôm nay là một cơ hội để cộng đồng người Việt liên đới với các nhà lãnh đạo Đan Mạch cũng như Châu Âu và các tổ chức phi lợi nhuận để trao đổi và nâng cấp tầm quan trọng trong việc đẩy mạnh quyền biểu đạt tại Việt Nam. Đây là năm thứ nhì Ủy ban Hỗ trợ Việt Nam và Globalt Fokus tổ chức Hội thảo về Quyền Tư Do Ngôn Luận và chủ đề xoay quanh quyền truy cập trên mạng trong lúc Facebook, công ty có trụ sở tại Silicon Valley, thung lũng điện tử của Hoa Kỳ, đang bị chỉ trích đặt lợi nhuận riêng trên lợi ích cộng đồng.  Tại Việt Nam, cách điều hành của Facebook đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và nhà hoạt động lên án rằng đã hạn chế quyền tự do biểu đạt của người dân, thậm chí hỗ trợ chính sách dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến của Hà Nội. Ông Trần Đức Tuấn Sơn, thành viên Đảng Việt Tân và là một trong các diễn giả của buổi hội thảo, chia sẻ: “Facebook bây giờ cũng có một số hành vi ngăn chặn người trong nước xem một số bài vở đăng trên Facebook mà những người ngoài Việt Nam có thể truy cập được. Tôi lấy một vài ví dụ trên trang nhà của Facebook Việt Tân chúng tôi thường xuyên đăng một số bài hàng ngày. Có một số bài thì mọi người được xem. Nhưng có một số bài khác thì chỉ có những người ở ngoài nước Việt Nam truy cập được thôi. Ví dụ như là một bài gần đây nói lên sự lan tràn của COVID-19 trong nước, một bài rất vô thưởng vô phạt, nói về một đề tài rất thời sự cho đất nước Việt Nam. Chúng tôi không hiểu tại sao mà Facebook lại ngăn chặn sự truy cập của bài đó cho tất cả những người ở trong nước Việt Nam qua sự yêu cầu của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chứ không phải là tự Facebook làm.  Mỗi lần Facebook làm vậy là theo yêu cầu của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Đây là vấn đề chúng tôi cần nêu lên trên dư luận quốc tế”. Ông Sơn nói thêm, đây là cách điều hành của Facebook tại nhiều quốc gia độc tài trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam nên người Việt có thể góp tiếng nói cùng với các tổ chức đấu tranh các nước trong nỗ lực này. Vẫn theo lời ông Sơn, riêng Việt Tân có những cuộc đàm phán với Facebook, nhưng kết quả đạt được chỉ chừng mực mà thôi. Ngoài ra tổ chức đấu tranh này cũng vận động các dân biểu quốc hội Hoa Kỳ có những quy định phù hợp đối với quyền hạn của Facebook. Hội thảo về Quyền Tự do Ngôn luận và Truy cập Mạng xã hội tại Việt Nam hôm 7/10/2021 tại Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Courtesy of Ủy ban Hỗ trợ Việt Nam Dân biểu Quốc hội Châu Âu của Đan Mạch, bà Marianne Vind trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do sau hội thảo, đã chia sẻ rằng Hiệp định Thương mại Tự do EU và Việt Nam (EVFTA), bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, là một công cụ tốt để các nhà ngoại giao Châu Âu thúc giục Việt Nam phải tôn trọng những cam kết về nhân quyền và dân quyền, đặc biệt quyền của người lao động. Bà nói: “Chúng tôi đã có một số kết quả về quyền của người lao động, vì hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) hơn. Vì vậy, chúng ta đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng các công nhân trên khắp đất nước Việt Nam hiện không cảm thấy như vậy. Nhưng khi chính phủ đã ký một số công ước, thì đây là một công cụ để thúc giục họ tôn trọng các quyền. Trên nguyên tắc người dân Việt Nam bây giờ có nhiều quyền hơn. Tôi biết chỉ có trên văn bản không là chưa đủ, nhưng đây là hướng đi đúng đắn”. Dân biểu Vind nhấn mạnh vấn đề nhân quyền liên tục được đưa lên bàn thảo luận giữa EU và Việt Nam.  “Chúng tôi đang theo dõi những gì đang diễn ra ở Việt Nam, và nếu chúng tôi thấy những điều đi ngược lại với cam kết hoặc không đi đúng hướng, chúng tôi có thể liên hệ với Việt Nam và hỏi xem chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi có thể đưa ra những biện pháp. Và nếu vấn đề tồi tệ đến mức đạt ngưỡng, thì chúng tôi có thể chấm dứt các hiệp định thương mại”. Trước và sau Hội thảo về Quyền Tự do Ngôn luận và Truy cập Mạng xã hội tại Việt Nam, các tham dự viên đã đi bộ đến trụ sở của Facebook và Google tại Copenhagen để trao kiến nghị, yêu cầu hai công ty công nghệ khổng lồ này không tiếp tay cho chính quyền Hà Nội trong việc đàn áp tiếng nói của người dân Việt Nam. Giang Nguyễn -  RFA  
......

Đức hỗ trợ bổ sung vắc-xin cho Việt Nam

Việt Nam Đức tiếp tục hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam với một lô vắc-xin thứ hai được gửi tới quốc gia Đông Nam Á này. Theo đại sứ quán Đức ở Việt Nam, ngày 26/9, lô vắc-xin tiếp theo với tổng cộng 2,6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19 đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh. Tin cho hay, lô vắc-xin này được viện trợ từ nguồn dự trữ của Đức như đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Theo cơ quan ngoại giao Đức ở Hà Nội, phát biểu tại lễ bàn giao vắc-xin ngày 27/9 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và đại diện Bộ Y tế, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner nói rằng “đây là lô vắc-xin thứ hai từ Đức trong vòng hai tuần qua” và rằng “cùng với lô vắc-xin được vận chuyển qua cơ chế COVAX ngày 16/9, chính phủ Đức đã viện trợ tổng cộng 3,45 triệu liều”. Ông Hildner được trích lời nói tiếp rằng “sự hỗ trợ này thể hiện tinh thần đoàn kết của chúng tôi với người dân tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam mà hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập trong năm nay”. “Nước Đức luôn sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình phòng chống và vượt qua đại dịch COVID-19”, ông Hildner nói, theo Đại sứ quán Đức. Theo cơ quan ngoại giao này, ngoài việc viện trợ các lô vắc-xin này, Đức và Việt Nam còn hợp tác chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tin cho hay, đầu năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ Đức hơn 100.000 khẩu trang, và vào mùa hè năm 2021, một số bang của Đức đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng một triệu kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên cũng như khẩu trang, quần áo bảo hộ và tủ lạnh chuyên dụng. Ngoài ra, theo đại sứ quán Đức, lĩnh vực hợp tác phát triển giữa Đức và Việt Nam cũng góp phần vào việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Tin cho hay, một khoản kinh phí lên đến 104 triệu Euro sẽ được sử dụng để triển khai các dự án hiện tại và tương lai trong các lĩnh vực đào tạo nghề, phòng chống dịch bệnh, Một Sức khỏe (One Health), Phục hồi Xanh (Green Recovery), mạng lưới an sinh xã hội và số hóa, trong đó bao gồm kế hoạch xây dựng một trung tâm phòng chống dịch bệnh cùng với Bộ Y tế Việt Nam cũng như thiết lập các dịch vụ tư vấn về phòng chống buôn bán động vật hoang dã. Thêm nữa, tháng 5 vừa qua, Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) đã thành lập một trong bốn trung tâm toàn cầu mới về y tế và phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam, và trung tâm này sẽ giúp phòng ngừa và điều trị các căn bệnh truyền nhiễm. Về đợt trao vắc-xin mới nhất hôm 27/9, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng “bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Đức về khoản hỗ trợ y tế gồm 2,6 triệu liều vắc-xin AstraZeneca qua kênh song phương, hơn 850 ngàn liều vắc-xin qua cơ chế COVAX và nhiều trang thiết bị vật tư y tế”. Ông Dũng được Bộ Ngoại giao trích lời nói tiếp rằng “đây là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết của Chính phủ Đức đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, hỗ trợ thiết thực cho Việt Nam trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp”. “Đồng thời, đây cũng là minh chứng sinh động cho tình hữu nghị gắn bó giữa hai nước, hai dân tộc, trong bối cảnh Việt Nam và Đức đang kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (11/10/2011 - 11/10/2021)”, ông Dũng được trích lời nói và bày tỏ mong muốn rằng “Đại sứ Đức tiếp tục tham mưu, đề xuất chính phủ Đức hỗ trợ y tế cho Việt Nam, đặc biệt là tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn cung vắc-xin, cung cấp vật tư, thiết bị y tế và hợp tác trong sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19”. Theo phía Việt Nam, tính đến ngày 28/9, khoản viện trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế của chính phủ Đức là “sự hỗ trợ lớn nhất của một nước thành viên EU đối với Việt Nam”.
......

Bầu cử Đức: Tương lai nào sẽ đến?

Nguyễn Phú Lộc Cuộc bầu cử vừa chấm dứt hôm 26.9.2021 với một kết quả mà người ta có thể phỏng đoán từ hai tháng qua. Nền chính trị Đức đứng trước tình huống không dễ dàng để đưa ra một thỏa hiệp chính trị giữa các đảng phái để thành lập chính phủ. Dù chỉ là tạm thời, nhưng kết quả sau đây chắc hẳn không có gì thay đổi đáng kể. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lên nắm quyền sau 16 năm độc bá của Liên minh Cơ Đốc (CDU/CSU) thuộc Angela Merkel. Về các đảng lớn truyền thống: Điều rõ ràng nhất từ kết quả này là: Dù Angela Merkel rất nổi danh trên các vấn đề quốc tế, nhưng trong nội bộ nước Đức, dân chúng đã thất vọng và không còn đặt cược số phận của mình cho các đảng lớn, như họ đã từng tin tưởng hơn 50 năm qua. Trong hơn nửa thế kỷ đó, CDU/CSU hoặc SPD, dù chưa bao giờ đạt được đa số tuyệt đối, nhưng họ cũng thay phiên nhau chiếm được số phiếu đủ cao để có thể thành lập chính phủ với một đảng nhỏ nào đó, hoặc là Dân chủ Tự do (FDP) hoặc Đảng Xanh (Grüne). Với CDU/CSU, đi từ thắng lợi rực rỡ của Helmut Kohl với 48,8%, đến Angela Merkel với 32,9% vào nhiệm kỳ cuối cùng, và bây giờ Armin Laschet chỉ đạt 24,1%. Đảng cầm quyền của Angela Merkel bị giảm mất 8,8% chứng tỏ rằng, ngoài khả năng tranh cử quá kém của Armin Laschet, nguyên nhân lớn nhất vẫn nằm ở chính quyền Angela Merkel, trong thời gian qua đã thất bại trong việc đáp ứng yêu cầu của dân chúng. Một vài nguyên nhân nổi bật có thể nhận thấy là: 1) Cơ cấu quản lý nhà nước không đạt hiệu quả cao để đối phó những cuộc khủng hoảng bất chợt xảy đến. Đại dịch COVID và thảm họa thiên nhiên vừa mới đây đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, dù chuyên gia có thể phát họa được con đường giải quyết khủng hoảng, nhưng sức ì của hệ thống quan liêu phức tạp đã làm cho các biện pháp xử lý không đạt được tốc độ nhanh chóng cần thiết. Hiệu quả quản lý rõ ràng chưa đạt đến mức độ mong muốn so với nguồn lực đang có. Hai tháng sau thảm họa bão lụt ở vùng biên giới Bỉ mà vẫn còn có gia đình phải sinh sống tạm bợ cho qua ngày. Tiền thì nhà nước không thiếu, nhưng hệ thống quan liêu rườm rà đã làm cho những cố gắng hỗ trợ từ mọi phía trở thành vô dụng. 2) Cơ cấu hạ tầng về kỹ thuật số không đủ độ phủ sóng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của dân chúng và công nghiệp. Trong một nước giàu như Đức, mà vẫn còn một số người dân ở vùng quê chưa tiếp cận được hàng ngày với Internet. Sự phát triển mạng truyền thông cấp cao (thí dụ 5G) vẫn còn ì ạch, trong lúc các nhu cầu của công nghiệp rất lớn. Mặc dù về công nghệ, các định chế tư nhân đã có đủ lời giải tối ưu vốn đã được giải quyết trong phạm vi thử nghiệm, nhưng để biến chúng thành ứng dụng thực tế thì gặp phải trở ngại về cơ cấu hạ tầng. Tất cả các công ty dịch vụ mạng đều ở trong tay tư nhân, nhưng điều đó không thể xem là lý do để biện hộ cho sự yếu kém của hệ thống luật pháp vốn dĩ là vai trò quan trọng hàng đầu của nhà nước Đức. 3) Chiến lược phát triển của nhà nước có vẻ không hoàn chỉnh để đối phó với những thách thức lớn lao của thời đại. Một vài lĩnh vực sau đây vẫn còn là những ẩn số chưa có lời giải: Dân số ngày càng già, tỉ lệ lao động trong dân chúng ngày càng thấp, trong lúc hệ thống an sinh xã hội phục vụ cho người già đã đến ngưỡng quá tải. Nếu chính sách nhập cư của Đức không tiến hành hợp lý, vị trí của Đức trên trường quốc tế sẽ suy giảm trong vài thập kỷ tới; Về biến đổi khí hậu, người ta chỉ nghe nói nhiều về năng lượng tái tạo, nhưng một giải pháp tổng thể vẫn còn mơ hồ. Việc ngưng sử dụng năng lượng hạt nhân và than nâu là những lời giải cục bộ, trong lúc việc truyền tải năng lượng từ các vùng phát điện tái tạo ở miền Bắc xuống vùng dân cư đông đúc và công nghiệp dày đặc ở miền Nam, sau 5 năm bàn cãi vẫn chưa có một lời giải dứt khoát. Đấy là chưa kể, biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của các quốc gia riêng lẻ, mà là vấn đề toàn cầu. Tiếng nói của Đức trên quốc tế dường như còn quá yếu để có thể ảnh hưởng được điều gì. Về bất bình đẳng xã hội, nội các chính phủ trong 16 năm qua vẫn không tìm được một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn xu hướng ngày càng tồi tệ: hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng, trong lúc nhà nước bất lực trong việc huy động tài sản của những người siêu giàu cho các dự án xã hội cần thiết. 4) Về công nghiệp xe hơi, vốn dĩ là cột xương sống của nền công nghiệp quốc gia, nuôi sống hàng triệu người lao động và hàng chục ngàn công ty cung cấp linh kiện, thì dường như nhà nước khoán trắng cho tư nhân như những đứa con rơi. Các tập đoàn xe hơi lớn như VW, BMW, Mercedes, AUDI vốn không thua kém ai trong suốt cả 100 năm qua, và luôn luôn là những công ty tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu người tiêu thụ về các đòi hỏi công nghệ mới, thì giờ đây họ bỗng nhiên lu mờ trên thị trường quốc tế, thí dụ trong lĩnh vực xe hơi chạy điện. Cả bốn tập đoàn nói trên đã có sẵn lời giải trong hộc tủ, họ chỉ cần một khung pháp lý phù hợp, nếu được hỗ trợ thêm một ít tài chính thì càng tốt, họ sẽ nhanh chóng chiếm lại ưu thế đã mất, hoặc nuốt chửng hoặc đánh bạt luôn cả Tesla cũng không phải là điều không thể. Nhà nước Đức đã bất lực thời gian qua để đưa ra khung luật pháp cần thiết để thúc đẩy xu hướng thời đại trong công nghiệp xe hơi. 5) Sự thay đổi tư tưởng và lối sống của giới trẻ: CDU/CSU và cả SPD, đều có một lượng cử tri rất đông đảo thuộc thành phần trên 60 tuổi, chiếm gần 25%. Trong lúc đó, thế hệ trẻ của Đức hoàn toàn khác với các thế hệ cha ông của họ. Để xây dựng tương lai, họ đã trở nên xa lạ với truyền thống ăn chắc mặc bền, đổ hết tiền vào các qũy tiết kiệm, hoặc khá hơn là đầu tư vào bất động sản, mà ngôn ngữ Đức gọi là Beton Gold (nhà cửa là vàng). Giờ đây, gần một nửa giới trẻ trong lứa tuổi dưới 40 có xu hướng đầu tư vào các sáng kiến mới đầy rủi ro, nhưng cũng đầy cơ hội vàng chờ đón. Công ty vắc-xin BioNTech là một thí dụ, họ lỗ lã suốt 10 năm qua, bây giờ thành công lớn trong vòng vài tháng. Trong lúc đó thì mặc dù nguồn lực không thiếu, khung pháp lý của Đức vẫn chưa thể hiện tư duy mới của chính phủ để hỗ trợ các Start-Up. Chỉ cần nhìn quanh trên thế giới, có biết bao nhiêu lời giải hay: Mỹ có độ uyển chuyển cao, Bắc Âu có chính sách ủng hộ đầu tư kinh doanh kết hợp với chính sách xã hội tiến bộ. Không đáp ứng được đòi hỏi mới của giới trẻ, các đảng lớn truyền thống sẽ dần dần biến mất trên sân khấu chính trị Đức chỉ trong vòng vài nhiệm kỳ tới. Về phía các đảng nhỏ: Có những thay đổi lớn trong hoạt cảnh các đảng nhỏ. Trước hết, đảng cực hữu AfD (Alternative für Deutschland – Chọn lựa khác cho nước Đức) giảm hơn 2% sau thắng lợi huy hoàng cách đây bốn năm. Mặc dù AfD vẫn chiếm tỉ lệ cao ở hai tiểu bang, xu hướng chung trên liên bang không hề thuận lợi cho tư tưởng cực hữu. Rất có thể AfD sẽ rơi vào tình trạng của đảng cực hữu Republikaner vào thập niên 1990, đã vươn lên huy hoàng trong 10 năm, rồi dần dần rơi vào quên lãng không để lại một dấu vết nào. Xu hướng chung hiện nay cho thấy, rất có thể AfD cũng theo lộ trình đó. Hai nhiệm kỳ bầu cử sắp tới sẽ chứng minh rõ hơn. Sau nữa, Đảng Tả (Die Linke) không vượt qua được rào cản 5%, cho nên ngoại trừ vài ba đại biểu trúng cử trực tiếp, trong quốc hội không còn điều gọi là phái đoàn Đảng Tả để có thể ảnh hưởng lên các chính sách quan trọng. Di sản của Đông Đức (DDR – Cộng hòa Dân chủ Đức) dường như chỉ còn le lói ở vài tiểu bang phía Đông, và rất có thể sẽ rơi vào quên lãng trong thập niên tới. Cuối cùng, hai đảng nhỏ còn lại, Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh (Die Grüne), với bề dày kinh nghiệm chính trị hơn nửa thế kỷ, trở nên những đảng quan trọng, không những có thể ảnh hưởng đến quá trình thành lập chính phủ trong vòng vài tuần tới, mà còn sẽ quyết định mạnh mẽ lên chương trình nghị sự của nội các sắp tới. Đa số cử tri ủng hộ hai đảng này thuộc thành phần trung lưu và trẻ dưới 40 tuổi. Nếu các đảng lớn truyền thống không cải cách triệt để, một ngày nào đó sẽ bị thay thế bởi hai đảng FDP và Đảng Xanh. Liên minh nào sẽ thành hình? Theo kết quả ở trên, chính phủ Đức nhiệm kỳ tới có thể là một trong ba liên minh sau đây: – Liên minh SPD + CDU/CSU: liên minh này không được dân chúng ưa chuộng (ít hơn 15%), ngoài ra cả hai vị thủ lãnh đều xem đây là giải pháp xấu nhất, chỉ thực hiện trong điều kiện “chẳng đặng đừng”. – Liên minh SPD + FDP + Đảng Xanh – Liên minh CDU/CSU + FDP + Đảng Xanh Đây là tình huống vô cùng khó khăn cho nền chính trị Đức. Trong quá khứ, hai đảng FDP và Đảng Xanh vốn xem như „không thể ngồi chung“ trên bàn nghị sự. Cách đây bốn năm, một liên minh tay ba như thế không thể thỏa thuận được, cuối cùng đưa đến đám cưới bất đắt dĩ giữa CDU/CSU và SPD. FDP thì nghiêng về kinh tế và chống việc tăng thuế, Đảng Xanh thì chú trọng việc bảo vệ môi trường cho dù phải hy sinh quyền lợi giới công nghiệp. Sẽ vô cùng gay go, chưa chắc một liên minh có thể được thành lập trước cuối năm. Đảng nào, SPD hay CDU/CSU, sẽ được phép cử người làm Thủ tướng? Thật khôi hài, điều đó không tùy thuộc vào chính hai đảng đó, mà hoàn toàn tùy thuộc vào cách hành xử của hai đảng nhỏ còn lại, FDP và Đảng Xanh. Nếu có thỏa hiệp tay ba, thì đây là lần đầu trong lịch sử nước Đức có một nội các ba thành phần. Dù khó khăn, liên minh đó cũng khá hơn là tổ chức lại một đám cưới của hai người đã tuyên bố ly hôn: SPD và CDU/CSU. Đố có ai dám quả quyết liên minh nào sẽ ra đời? Nguyễn Phú Lộc Nguồn: https://diendankhaiphong.org/bau-cu-duc-tuong-lai-nao-se-den/ Để hiểu hệ thống bầu cử của Đức, xin xem bài viết súc tích của TS Nguyễn Tường Bách: https://www.diendan.org/the-gioi/hallo-deutschland-lich-su-sang-trang
......

Pages