Bóng ma Cách Mạng Tháng 10 trên đất Việt

Khi nhìn lại thế kỷ trước, hầu hết các nhà bình luận và sử gia đều cho rằng, cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 ở nước Nga và 72 năm sau đó, sự xụp đổ của bức tường Bá Linh dẫn đến sự tan rã của khối Cộng Sản, là hai biến cố quan trọng nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga thành công vào ngày 24 tháng 10 theo lịch Julien được Sa Hoàng dùng ở nước Nga vào lúc đó, so với dương lịch thì chênh lệch nhau nửa tháng. Sau khi Cách Mạng Tháng 10 thành công thì nước Nga mới sửa lại lịch và lấy ngày 7/11 hàng năm là ngày kỷ niệm cách mạng đó. Sự thành công của Cách Mạng Tháng 10 đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội loài người, mở ra một kỷ nguyên mới của nhân loại với sự hình thành của khối các nước xã hội chủ nghĩa cùng với những nhà nước kiểu mới (theo như cách gọi của những người Cộng Sản) mà nhân loại chưa từng có trước đó. Những nhà nước “kiểu mới” này đã xiềng xích dân tộc của họ suốt mấy chục năm, cho đến khi khối các nước xã hội chủ nghĩa tan rã. Vì vậy sự tan rã này được coi là biến cố quan trọng ngang với cuộc cách mạng tháng 10. Trước khi đi sâu vào một số đặc điểm của cuộc Cách Mạng Tháng 10 cũng cần luợc qua các Quốc Tế Cộng Sản (QTCS), quan trọng nhất là đệ tam quốc tế (QTCS 3), vì được coi là đi song hành với sự hình thành của khối các nước xã hội chủ nghĩa; quan trọng hơn, nó còn có vai trò lãnh đạo các chế độ (và các phong trào) cộng sản. Các Quốc Tế Cộng Sản (QTCS) Có 4 QTCS gồm: QTCS 1 do Marx và Engels thành lập tại Luân Đôn (Anh Quốc) ngày 28/9/1864 và giải tán năm 1876 tại Philadelphia, Hoa Kỳ. QTCS 2 (tức Liên Minh Quốc Tế Các Đảng Xã Hội và công nhân) thành lập tại Paris ngày 14/7/1889. QTCS 2 tan rã khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Sau đó, năm 1923 và 1951 có hồi phục lại được trong một thời gian ngắn rồi tự tàn lụi. QTCS 3 (Komintern, hay Comintern) do Lenin thành lập tại Mạc Tư Khoa (Moskva) vào tháng 03 năm 1919. Đến năm 1943 thì giải tán, được tái sinh năm 1947 và giải tán năm 1956. QTCS 4 do Trotsky thành lập sau khi Lê nin qua đời. QTCS này theo khuynh hướng chống lại đường lối "cách mạng vô sản trong một quốc gia" của Stalin. Từ năm 1953, QTCS 4 phân hóa ra nhiều nhóm nhỏ rồi tan rã. Như đã đề cập ở trên, QTCS 3 có vai trò chỉ đạo các chế độ và phong trào cộng sản, cho nên trong khoảng 33 năm QTCS này tồn tại các chế độ và phong trào cộng sản trên thế giới đều phải nhận chỉ thị từ Mạc Tư Khoa. Đối với Việt Nam, ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN là thành viên của QTCS 3 nên đương nhiên phải tuân theo các điều luật của QTCS này. Đây là điều quan trọng cần nhấn mạnh, vì trong 21 điều kiện gia nhập Đệ Tam Quốc Tế được ấn định trong Đại hội thế giới của Đệ Tam Quốc Tế năm 1920 có nhiều điều bắt buộc các thành viên phải thi hành, nếu không thì sẽ bị loại trừ. Chẳng hạn như: Điều 12: “Tất cả các đảng thuộc Đệ Tam Quốc Tế phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Điều 16: “Tất cả các quyết nghị của các Đại hội thế giới Đệ Tam Quốc Tế, cùng các quyết nghị của Ủy Ban Chấp Hành của Đệ Tam Quốc Tế, đều ràng buộc các đảng gia nhập Đệ Tam Quốc Tế”. Điều 21: “Đảng viên nào phủ nhận các điều kiện và cương lĩnh của Đệ Tam Quốc Tế sẽ bị loại ra khỏi đảng”. Điều 17: Các đảng thành phần của Đệ Tam Quốc Tế chỉ là những chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế, vì Đệ Tam Quốc Tế “không phải là một tập hợp của những chi bộ quốc gia, mà là một tổ chức quốc tế thống nhất”. Điều 13: Các quyết định của Ủy Ban Chấp Hành “có tính cách cưỡng bách đối với các chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế và phải được thi hành mau chóng”. Ngoài ra, điều 6 quy chế QTCS 3 quy định một đảng xin gia nhập phải “ khước từ mọi tinh thần ái quốc , và cả tinh thần chuộng hòa bình về mặt xã hội”. Người cộng sản phải từ chối “dân chủ tiểu tư sản” và phương thức không cách mạng (tức không bạo động). Một câu trong Tuyên Ngôn Cộng Sản xác định tinh thần vô tổ quốc của các đảng Cộng Sản như sau: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, KHÔNG phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc ”. (1) Trở lại với cuộc Cách Mạng Tháng 10 thì khi nói về cuộc cách mạng này không thể không đề cập đến học thuyết của Marx và nhất là Lenin, người lãnh đạo của cuộc cách mạng đó. Thực ra thì học thuyết Marx chỉ là một mớ lý thuyết suông, nếu không có Lenin hiệu đính, rồi tổ chức và lãnh đạo cuộc cách mạng bạo động lật đổ chế độ Sa Hoàng thì đã không có cách mạng tháng 10 và như vậy cũng sẽ không có khối các nước XHCN. Vì vậy, khi nói về Cách Mạng Tháng 10 thì luôn luôn phải đi kèm với học thuyết Marx – Lenin. Có người cho rằng Lenin đã phản bội Marx, vì theo Marx thì sau khi đánh đổ được tư bản thể chế chính trị ở các nước vô sản phải là chế đội đại nghị. Lenin đã thực hiện đúng như vậy, nhưng chính quyền đầu tiên của Lenin chỉ chiếm được 24 phần trăm số ghế trong quốc hội. Vì thế ông ta phải dẹp bỏ nhà nước đó để thành lập nhà nước vô sản chuyên chính. Đây là khuôn mẫu nhà nước mà tất cả những quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa trước đây đều tổ chức và thực hiện rập khuôn như vậy. Và dưới đây là một số nét của nhà nước chuyên chính vô sản tại Nga sau cuộc Cách Mạng Tháng 10, mà nhiều điều chỉ được biết đến sau khi khối các nước cộng sản xụp đổ. Một số nét tiêu biểu về sự cai trị của nhà nước chuyên chính vô sản (hệ quả cuộc cách mạng tháng 10): Cách Mạng Tháng 10 được đảng CS Nga nhân danh là cuộc Cách mạng của quảng đại quần chúng lao động, cho tất cả giai cấp lao động và vì hoà bình, vì hạnh phúc của tất cả các dân tộc. Nó được các sử gia thiên tả, cộng sản ca tụng là cuộc cách mạng vĩ đại, giải quyết tận gốc ách thống trị, nô dịch các dân tộc, chỉ đường cho việc tổ chức một xã hội mới công bằng văn minh, cao đẹp; là ánh sáng hoà bình, xua tan những mưu đồ tàn ác, bạo ngược, soi đường cho sự phát triển của nhân loại v.v. và v.v. Có thật cách mạng tháng 10 Nga đã đem lại cho người dân Nga nói riêng và các dân tộc bị ách thống trị của chế độ CS được những điều tốt đẹp như những tuyên truyền về mục tiêu của Cách Mạng Tháng 10 đã nêu ra? Sau khi khối cộng sản Liên xô và Đông Âu sụp đổ, dần dần những sự thật của cái gọi là Cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga đã được hé mở do sự bạch hoá các tài liệu trong kho thư mật. Người ta đọc được những thủ đoạn tàn bạo và tinh vi của các lãnh tụ đảng CS Nga từ những ngày đầu tiên khi thiết lập một chính quyền mang danh của nhân dân nhưng không được lòng dân nên luôn phải xử dụng các biện pháp khủng bố bằng bạo lực để duy trì quyền lực của mình. Một điểm nổi bật đặc biệt là lãnh tụ CS Nga chủ trương dùng cái đói như một vũ khí lợi hại để kiểm soát bao tử và khống chế ngươi dân. Chính quyền Bolsevik đã cưỡng bức trưng thu lương thực, khiến người nông dân Nga nổi lên chống đối và đã bị đàn áp tàn bạo. Chỉ riêng trong mùa hè năm 1918, có khoảng 140 cuộc nổi dậy, trong đó nông dân chiếm phần lớn, để chống lại lệnh cưỡng bức trưng thu. Chỉ trong hai tháng mùa thu năm đó, số người bị hành quyết lên đến 15 nghìn, tức là gấp từ 2 đến 3 lần số người bị hành quyết trong suốt 92 năm cai trị của chế độ Sa Hoàng. Từ sau Cách Mạng Tháng 10, cuộc sống của người dân Nga ngày càng cơ cực. Công nhân bị bòn rút hết sức lực qua các phong trào thi đua, chỉ để được hưởng những tấm giấy hoặc lời khen thưởng hão huyền. Nông dân mất hoàn toàn quyền sở hữu ruộng đất, bị buộc làm công không trong các nông trường quốc doanh và tập thể. Trí thức, văn nghệ sĩ, truyền thông báo chí không còn được tự do sáng tác mà phải chịu dưới sự chỉ đạo của nhà nước…Từ đó người dân Nga trở thành những nô lệ cho một thiểu số cầm quyền từ tinh thần đến vật chất. Người ta đã từng biết đến những hệ thống trại tập trung của Đức Quốc Xã trong thế chiến thứ hai, nổi tiếng như Auschwitz, Dachau, Buchenwald, Sachsenhausen... Những nơi đày đọa và vắt kiệt sức con người cho đến chết, mà con số nạn nhân lên đến hơn sáu triệu dân Do Thái và hàng triệu người thuộc các chủng tộc thiểu số khác. Nếu may mắn còn sống thì cũng chỉ là những bộ xương biết cử động. Người ta cũng từng nghe đến hệ thống công an mật vụ khét tiếng Gestapo (Geheime Staatspolizei) do Đức quốc xã lập ra. Tổ chức này đã từng làm cho người dân khiếp đảm qua việc nắm chặt mọi ngõ ngách xã hội, vào tận từng gia đình, kiểm soát từng con người và cai trị bằng sự sợ hãi thường trực đến nỗi các sĩ quan cao cấp quân đội SS của Đức quốc xã cũng phải kiêng dè. Trong một thời gian khá lâu người ta vẫn tưởng rằng hai hệ thống trại tập trung và mật vụ nêu trên là do Hitler sáng chế. Nhưng thực ra đó là sáng kiến của Lê Nin ngay từ những ngày đầu khi thiết lập chính quyền chuyên chính tại Nga và sau này đã được Stalin áp dụng tới cực đỉnh, mà Hitler và đồng bọn chỉ là học trò. Ngoài hệ thống trại tập trung (Gulag) và hệ thống công an trị Lenin còn phát kiến hệ thống kiểm soát bao tử bằng tem phiếu để cai trị người dân. Từ đó lãnh đạo muốn trừng phạt ai thì trừng phạt. Trong lịch sử liên bang Xô Viết khoảng thời gian 1932 đến 1933, Stalin đã trừng phạt người dân tại Ukraina bằng cách bắt phải chết đói, vì họ chống lại việc cưỡng bức tập thể hóa và bị đe dọa tước quyền tư hữu ruộng đất. Số người chết vì nạn đói được ước tính khoảng từ 3 đến 10 triệu người. Về sự kinh hoàng của cuộc Cách Mạng Tháng 10 và sản phẩm của nó là các chế độ cộng sản, tác giả S.Courtois, cùng với mười tác giả khác như N.Werth, J.P. Panné, A. Paczkovski… trong cuốn sách tựa đề “Khủng Bố Đỏ“ đã đưa ra con số tổng kết là ít nhất đã có khoảng 100 triệu người bị các chế độ cộng sản tàn sát kể từ Cách Mạng Tháng 10 Nga đến 1989 ở Afghanistan; từ những cuộc thanh trừng của Stalin trong thập niên 1930, đến các cuộc cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, Việt nam; từ cuộc Cách mạng Đại Nhảy Vọt“, Cách mạng Văn hoá ở nước Tàu, đến Pol Pot ở Cambốt, Mengistu ở Ethopie, tàn sát Rwanda,... Trong đó riêng tại Nga, các nhà sử học ước tính có khoảng từ 20 đến 40 triệu người bị chế độ của Stalin giết chết trong các trại tập trung và các nhà tù thời Xô-Viết trước đây. Nếu so với chế độ Phátxít với 25 triệu người bị giết, thì nạn nhân bị chết dưới các chế độ cộng sản lớn hơn gấp 4 lần. Trong bảng “the Greatest Monsters“ (http://www.filibustercartoons.com/m...) xếp hạng thứ tự những nhà độc tài giết nhiều người nhất thì các lãnh tụ Cộng Sản nổi tiếng đều có tên. Như đã đề cập ở phần Quốc Tế Cộng Sản, khi Liên Xô xuất cảng Chủ nghĩa cộng sản sang các nước khác qua hình thức áp đặt (như ở Đông Âu) hoặc do một số cán bộ cộng sản địa phương mang về (như tại các nước Đông Nam Á, Trung và Nam Mỹ, Phi Châu), thì các đảng công sản tại các nơi đó đều rập khuôn theo mô thức của Lenin thực hành từ những ngày đầu cuộc Cách Mạng Tháng 10. Đó là:  Cướp chính quyền bằng bạo lực;  Đàn áp, khủng bố, giết chóc, thanh trừng,… để tóm thu quyền lực;  Bần cùng hóa, nô lệ hóa, công cụ hóa người dân để phục vụ cho một thiểu số cầm quyền nhân danh xây dựng một xã hội đại đồng không tưởng. Với Việt Nam thì ông Hồ Chí Minh khi vớ được ”Đề Cương về Các Nước Thuộc Điạ” của Lenin đã mừng như “người sắp chết khát trong sa mạc tìm được nước uống” và ông ta đã rước chủ nghĩa cộng sản về nước ta. Tính chất tay sai cho Đệ Tam Quốc Tế của ông Hồ Chí Minh được thể hiện qua một câu của ông ta trong bộ Hồ Chí Minh Toàn Tập nói về việc ông đã hoàn thành chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế khi đưa “cách mạng” về Đông Dương. Tương lai nào cho Cách Mạng Tháng 10? Sau khi các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên xô sụp đổ vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, hàng trăm triệu người dân các nước Đông Âu và Liên xô cũ đã dần dần phục hồi lại vai trò làm chủ và quyền tự quyết cho vận mệnh của mình. Đến nay, sau 23 năm canh tân và xây dựng, tuy còn một số nước vẫn chưa thể tẩy xóa những dấu vết di hại sau mấy mươi năm dưới ách cộng sản độc tài, nhưng họ đã vượt qua được rất nhiều khó khăn mọi mặt, để từ một xã hội mà tất cả là công cụ của cổ máy nhà nước phục hồi trở lại xã hội công dân. Và nhờ có tự do ngôn luận, tự do thông tin v.v... người dân các nước Đông Âu đã từng bước gạn lọc được để có một chính quyền của dân và vì dân đúng nghĩa. Đây là giai đoạn học cách sống và sử dụng các phương tiện dân chủ phải đi qua của mọi dân tộc vừa thoát ách độc tài. Hầu hết các nước Đông Âu như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary, Bulgary, Albania,... đều đã có nền dân chủ vững chắc, nền kinh tế chan hòa với Âu Châu và thế giới. Nhưng có lẽ thành công hơn cả là đã đem lại công bình và công lý cho mọi công dân qua những thay đổi xã hội một cách ôn hòa. Cộng Sản là tai họa kinh hoàng cho cả nhân loại trong thế kỷ qua! Đây là điều mà người ta không thể chối cãi. Chính vì thế mà nay nhân loại không chỉ bỏ vào đống rác lịch sử mà còn dạy các thế hệ tương lai về loại "tai họa giết người nhiều nhất" này của thế kỷ 20. Năm nay, trước những ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng 10 thì ngẫu nhiên lại xẩy ra những hiện tượng đáng suy ngẫm về tương lai của cuộc cách mạng này. Quan trọng nhất có lẽ phải kể đến việc đảng CS Trung Quốc đã vứt bỏ chủ nghĩa Marx – Lenin trong cương lĩnh của họ ngay trước những ngày đại hội đảng lần thứ 18 sắp diễn ra. Ở Bắc Hàn, người ta đã tháo gỡ bức chân dung vĩ đại của Marx và Lenin từng ngự trị ở công trường Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng, từ khi chế độ cộng sản lên cầm quyền đến nay. Tượng Lenin ở Ulan-Bator, thủ đô Mông Cổ, cũng vừa được kéo xuống vào tháng trước. Ở Nga, hôm 30 tháng 10 (ngày tù nhân chính trị dưới thời Sô Viết) các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền tại Nga đã đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm cho hàng triệu nạn nhân dưới thời Liên Xô bị bắn, bị lưu đày hay bị đưa vào các trại cải tạo. Cũng ở Nga, tại thành phố Boulouvo, ngoại ô Mạc Tư Khoa, các buổi cầu nguyện chung đã được tổ chức cho 20.000 người đã bị xử tử và chôn tập thể chỉ riêng tại nhà tù của thành phố này. Trong khi chủ nghĩa Marx – Lenin bị chôn vùi ngay chính quê hương sản sinh ra nó, thì khốn khổ cho dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục phải ôm đống rác rưởi đó. Mặc dù chính Marx từng nói: “Chúng tôi không có ý định đoán định tương lai một cách giáo điều mà mong muốn dùng phương cách phê phán thế giới cũ, để tìm được thế giới mới. Việc kiến tạo và tuyên bố một lần và mãi mãi những giải đáp cho các vấn đề của mai sau không phải là việc của chúng tôi”. Và “Ngay khi viết học thuyết về chủ nghĩa tư bản, qui luật giá trị thặng dư, qui luật phản ứng của giai cấp công nhân bị bóc lột… ở đầu thế kỷ 19 Mác và cả Anghen đều cho công trình của mình chỉ như một thứ dự báo. Nó chỉ phù hợp với thời điểm ấy, chứ không thể phù hợp với tất cả mọi thời điểm trước và sau nó.” (2) Thế nhưng, lãnh đạo đảng CSVN lại vẫn coi học thuyết Mác là bất di bất dịch, là kinh điển … của mọi thời đại! Thậm chí tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng còn sang tận Cuba để rao giảng những thứ này, và tượng Lenin vẫn sừng sững ở vườn hoa Canh Nông cũ để dân gian có bài thơ mỉa mai: “Lênin ông ở nước Nga. Cớ sao ông đến vườn hoa nước này? Ông ngửng mặt, ông chỉ tay. Xã hội chủ nghĩa nước này còn lâu (3) Hai thập niên trước đây “tiến sĩ sinh học Hà Sĩ Phu viết tiểu luận "Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ". Bằng lý luận khoa học sắc sảo, ông đã vạch ra rằng động lực phát triển của xã hội là trí tuệ chứ không phải là đấu tranh giai cấp như luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin mà hàng triệu tín đồ cộng sản trên thế giới đang mê muội tôn sùng (4). Không lâu sau đó những khẩu hiệu “chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch”, “Cách Mạng Tháng 10 vĩ đại muôn năm”, v.v...suốt mấy chục năm được giăng đầy đường cùng với các lễ lạc hội hè đình đám kỷ niệm thật trọng thể Cách Mạng Tháng 10 đã âm thầm biến mất. Thế nhưng, ở đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, các lãnh đạo Việt Nam vẫn nhẫn tâm tiếp tục ra lệnh nhồi nhét chủ nghĩa Mác-Lê vào đầu thanh niên sinh viên; vẫn lạnh lùng xiềng bước tiến của đất nước bằng “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”; và vẫn nghiến răng bóp cổ cả dân tộc bằng “nhà nước chuyên chính”. ============= Tham khảo: 1. Minh Đức, “21 Điều Lệ để được gia nhập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản”, http://minhduc7.blogspot.ca/2012/08... 2. Hoàng Lại Giang, “Đừng tiếc nuối những gì mà loài người đã loại bỏ đi!” http://anhbasam.wordpress.com/2011/... 3. Bùi Tín, “Mặt Thật”. 4. Blog Huỳnh Ngọc Chênh, “Dắt Tay Nhau Đi...” http://huynhngocchenh.blogspot.ca/p...
......

Pages