Ý thức man di

......

Hồi ký gia tộc một thời niên thiếu

Ảnh; Huỳnh Thị Tố Nga Huỳnh Thị Tố Nga Tôi sinh ra trong một gia đình, bên nội bình thường, bên ngoại là thành phần trí thức. Bởi vì gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, cũng như nhiều gia đình miền Nam thời kỳ 1945 trở đi, bên ngoại tôi, trong gia đình đã xuất hiện hai dòng tư tưởng: VNCH và cs.   Ông ngoại tôi, là con trai một của một gia đình được xem là "địa chủ", rất hiền lương, nổi tiếng ở Gò Vấp, Sài Gòn. Ông ngoại là một y sĩ, hấp thụ hoàn toàn nền giáo dục và tư tưởng VNCH. Bà ngoại tôi, một người phụ nữ xuất thân từ vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai, bà ngoại là người có tư tưởng theo Việt Minh từ thời kỳ Pháp đô hộ nước ta. Tôi không biết làm thế nào ông bà ngoại tôi gặp nhau và thành vợ chồng, ông bà ngoại tôi có ba người con chung là cậu Năm, mẹ tôi, và cậu Út. (Ngoài ra, bà ngoại tôi có ba người con riêng với người chồng trước, là dì Hai, cậu Ba, và dì Tư). Chồng trước của bà ngoại là một người hoạt động cách mạng rất mạnh mẽ trong thời Pháp, sau này trở thành một tên tuổi nổi tiếng. Ông mất trong những năm 1940s.   Từ khi tôi lớn lên, tôi đã biết được ông bà ngoại tôi không có hạnh phúc trong đời sống vợ chồng. Bà ngoại tôi là người có tư tưởng cực đoan, thiên về cs, ông ngoại là người rất hiền hậu, hầu như chỉ biết đi khám bệnh, chích thuốc từ thiện cho người dân ở trong làng. Thời gian đó, ông bà ngoại hay ở với mẹ tôi ở Đồng Nai, nhưng nhà ông bà ngoại và mấy dì ở Sài Gòn). Bà ngoại tôi làm nữ hộ sinh, và mở nhà bảo sanh ở Sài Gòn, thời đó, nhà bảo sanh Người Mẹ Hiền của ngoại hầu như người dân Sài Gòn nào cũng biết đến trong thập niên 1950 đến trước 1975.   Trong những người con của ngoại, lại tiếp tục chia ra hai dòng tư tưởng, cậu Ba và cậu Út tôi, theo VNCH, dì Hai và dì Tư, theo cs. Cậu Năm và mẹ tôi thì không theo và không biết gì về chính trị. Cậu Ba tôi, hoạt động trong chính phủ VNCH và bị cs bắn chết, cụ thể như thế nào thì tôi không biết rõ, vì sau này, ngoại và dì tôi hầu như giấu nhẹm việc này, vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ.   Cậu Út tôi, một người được xem là xuất sắc của gia đình, từ bé, cậu học rất giỏi, luôn xếp hạng xuất sắc, lớn lên, cậu đi du học dạng học bổng và lấy bằng cao học hạng ưu ngành kỹ sư dầu khí của Liên Xô. Về nước, cậu đi làm vài năm thì phát bệnh, lúc đó tôi còn bé, khoảng 6 tuổi, nhưng sự việc xảy ra thì biết và nhớ hết, chỉ nghe gia đình tôi và người xung quanh xì xầm rằng, cậu chống cs nên bị chích thuốc cho bị điên. Cậu "điên" về chính trị chứ mọi sinh hoạt cậu bình thường như mọi người. Cậu chống cs kịch liệt, chửi rủa mỗi ngày và luôn trong trạng thái kích động, một thời gian gia đình tôi đưa cậu vào bệnh viện tâm thần, chắc là để tránh né cho cậu không bị bắt. Sau này, khi tôi lớn lên, về Sài Gòn ở, thời gian này, cậu sống một mình trong căn nhà riêng ở Sài Gòn, tự lo sinh hoạt cá nhân, nhốt mình trong căn phòng u tối, không chịu tiếp xúc với bất kỳ ai, cho đến khi cậu mất, khi đó cậu 54 tuổi. Cậu bị té cầu thang mà mất, bị đập đầu vào cầu thang, chắc là cậu bước xuống cầu thang và bị hụt chân, chân cậu đã rất yếu sau mười mấy năm bị bệnh tiểu đường. Khi gia đình tôi được tin báo, đến nhà thì được hàng xóm báo rằng, họ thấy cậu nằm dưới đất, vệt máu lớn chảy dài từ hông cầu thang xuống đất, vẫn chảy xuống từng giọt, tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ.   Khi tôi tầm 7 tuổi, đã từng biết cậu Út tôi viết những bản kế hoạch thành lập một chính phủ mới với đầy đủ các nghị viện, theo mô hình gì thì tôi không biết được so với lứa tuổi bé nhỏ như vậy. Cuộc đời cậu Út tôi là một người tài hoa, phải sống trong điên loạn và chết thảm như vậy, do đâu?!   Dì Hai tôi, là người phụ nữ rất giỏi, có lẽ chỉ thua cậu Út về sự thông minh nhưng lại hơn cậu về tính kiên trì, bền chí. Dì học văn khoa, từng làm tiếp viên hàng không, sau này đi dạy học, sau 1975 dì làm trong UBND Thành Phố. Dì Tư tôi cũng là một giáo viên, sau thời gian đi dạy rồi làm trong một hợp tác xã ở quận 3, Sài Gòn. Bà ngoại tôi, được xem như "công thần" của vùng đất Đồng Nai, bà từng hoạt động rất mạnh vào thời Pháp, chỉ tiếc rằng, bà và hai dì tôi, lại theo cs. Từ bé, với hoàn cảnh gia đình như vậy, tôi ít nhiều đã bị chính trị ảnh hưởng nhưng lại không ý thức được việc đó. Và đặc biệt, tôi nghiêng hẳn về phía ông ngoại và cậu Út tôi, mặc dù không ai dạy chuyện đó, tôi chưa từng bị tiêm nhiễm tư duy cs của bà ngoại và hai dì tôi. Mẹ tôi và các anh chị tôi, đặc biệt là tôi, không hòa thuận với dì tôi từ bé. Tất nhiên, có lý do cá nhân của gia đình, tôi không tiện nói ra, nhưng chính yếu là tôi nhận thấy bà ngoại tôi và hai dì tôi, họ rất cực đoan và không có nhiều tình cảm.   Tôi nhớ rất rõ, bà ngoại tôi chưa từng nói chuyện âu yếm với mấy anh chị em tôi, cũng chưa từng ôm chúng tôi một lần, chỉ vì mẹ tôi và mấy anh em tôi là "con cháu dòng sau", ngoại hận ông ngoại tôi vì ông theo VNCH. Phải chăng vì sống theo đường lối và tư duy cs đã làm cho ngoại và dì bị lạnh lùng, tham vọng và xem trọng vật chất, xem trọng tư tưởng chính trị hơn cả tình thân!   Hai dì tôi, đã từng ở tù chính trị thời VNCH, bây giờ đây, hai anh em tôi lại ở tù cs, nhân tình thế thái éo le như vậy, cứ hai dòng tư tưởng, tiếp nối đã 3 đời trong gia tộc tôi.   Nếu như các bạn hỏi tôi, vì sao tôi lại đi theo con đường đấu tranh, có lẽ hoàn cảnh gia đình tôi là một yếu tố tác động đến một cách vô thức khi tôi còn bé. Lại cũng vì hoàn cảnh gia đình, tôi có cuộc sống riêng độc lập một mình từ khi tôi 9 tuổi, một mình một căn nhà, không ai tác động trực tiếp vào cuộc sống của tôi, kể cả mẹ tôi. Tôi dạy bản thân tôi triết lý cuộc sống, tâm thức tôi tự dạy bảo tôi mọi điều, rèn luyện cho tôi thành một người có tư duy độc lập, không ảnh hưởng bởi bất kỳ ai, kể cả gia đình và xã hội, may mắn là sự nhận thức của tôi đã đi theo hướng tích cực, ít nhất là cho đến bây giờ.   Học y khoa, có lẽ là do ảnh hưởng vô thức từ việc làm từ thiện của ông ngoại tôi. Làm chính trị, có lẽ tôi bị ám ảnh tư duy sắc sảo và cuộc đời bạc mệnh của cậu Út tôi. Vả lại, từ bé tôi vẫn thường hay có những suy tư, rằng tại sao đa số con người lại phải sống khổ như vậy, chẳng lẽ kiếp sống con người cứ sinh ra rồi chịu đau khổ, bệnh rồi chết như vậy sao?   Sơ lược như vậy để biết rằng, tư tưởng chính trị đã ở trong tôi từ bé, một sự hiểu biết vô thức, mà sau này tôi mới nhận ra.   Tốt nghiệp trường y, tôi đi làm, lập gia đình, sinh con rồi bắt đầu dấn thân vào công việc chính trị một cách ẩn danh và độc lập cho tới khi bị bắt, lúc này danh tính và lý lịch cá nhân tôi được bạn bè trong giới đấu tranh chính thức biết đến. Trước đó, giới đấu tranh biết đến tôi qua những bài viết được các bạn, đặc biệt là những người lớn tuổi và tầng lớp trí thức quan tâm đến. Rồi tôi bị bắt, trải qua thời gian tù đày, cho đến hôm nay.   Hiện tại hay tương lai sắp tới, tôi chỉ có một tâm nguyện, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia tồn chủng nòi giống Bách Việt, nhân bản, hướng thượng, văn minh và thịnh vượng. Người dân Việt Nam có quyền được hưởng các quyền cơ bản của công dân như bất kỳ người dân nào ở các quốc gia phát triển trên thế giới.   Huỳnh Thị Tố Nga August 21, 2023  
......

Công an bắt cóc trẻ em tống tiền: Chuyện thật như đùa!

Người thân đón cháu bé bị bắt cóc về nhà. Diễm Thi, RFA   Ngay khi thông tin nghi can bắt cóc bé trai tại Hà Nội, đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng, được xác định là một cán bộ thuộc Đội tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Vĩnh Phúc, tờ Giao Thông điện tử đã loan tin ngay trong ngày 15 tháng 8 năm 2023. Tuy nhiên, hàng loạt tờ báo lớn khác thuộc hệ thống truyền thông Nhà nước đều không đưa tin thủ phạm là ai. Thậm chí có báo còn dẫn lời của Thiếu tướng Công an Nguyễn Thanh Tùng khẳng định rằng, có nhiều thông tin đăng tải nhưng đều là “không chính thống”. Giấu đầu, lòi đuôi Nhà báo Võ Văn Tạo nêu nhận định của ông với RFA về những diễn biến vừa qua: “Thứ nhất, ông thiếu tướng công an nói vậy là không đúng. Thứ hai, việc công an nói dối quanh co ban đầu rồi lòi ra sự thật về sau là đã có tiền lệ rồi chứ chẳng phải là chuyện hy hữu gì. Nói chung là người ta cứ muốn che đậy mặc dù sự thật rất khó che đậy. Trước sau cũng lòi ra, không đơn giản như họ nghĩ. Do đó, tôi cho đây là cách ứng xử kém thông minh của ngành công an lâu nay.” Ông Đào, một người dân TP.HCM nói với RFA: “Cách nói của ông thiếu tướng công an này ở một khía cạnh nào đó là phủ nhận các chính sách của Nhà nước, bởi như chúng ta biết, toàn bộ các cơ quan truyền thông trong nước đều của Nhà nước. Không có bất cứ cơ quan truyền thông nào của tư nhân hết. Tất cả họ đều nhận ngân sách Nhà nước và chịu sự chỉ đạo của Ban tuyên giáo Trung ương. Họ là cánh tay của Đảng, làm theo đường lối của Đảng. Bây giờ ông thiếu tướng này nói thông tin ‘không chính thống’, khác gì nói Đảng và Nhà nước cũng không chính thống!?” Chuyện công an đưa ra những thông tin lấp liếm ban đầu rồi cuối cùng sự thật lòi ra không là chuyện lạ. Có thể nêu một ví dụ cụ thể: Ngày 30 tháng 7 năm 2017, Facebook của nhà báo Huy Đức xuất hiện dòng trạng thái “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!”. Cùng ngày, báo chí Nhà nước đưa phát biểu của Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm rằng: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì”. Thứ hai, việc công an nói dối quanh co ban đầu rồi lòi ra sự thật về sau là đã có tiền lệ rồi chứ chẳng phải là chuyện hy hữu gì. Nói chung là người ta cứ muốn che đậy mặc dù sự thật rất khó che đậy. Trước sau cũng lòi ra, không đơn giản như họ nghĩ. Do đó, tôi cho đây là cách ứng xử kém thông minh của ngành công an lâu nay. - Nhà báo Võ Văn Tạo Nhưng chỉ một ngày sau, ngày 31 tháng 7 năm 2017, hàng loạt tờ báo của Nhà nước đồng loạt đưa tin “Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú” với thông tin do công an cung cấp. Tương tự câu chuyện một công an bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc vừa xảy ra ở Hà Nội hôm 15 tháng 8 năm 2023, một ngày sau những thanh minh trên báo của thiếu tướng công an Hà Nội, cư dân mạng xã hội lan truyền hai văn bản chính thức xác minh nghi phạm là công an. Một văn bản được Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra ký ngày 15 tháng 8 năm 2023 gửi Giám đốc công an tỉnh Vĩnh Phúc, Đại tá Đinh Ngọc Khoa, yêu cầu tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thượng uý Nguyễn Đức Trung, cán bộ đội Tham mưu, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh. Một văn bản là quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thượng uý Nguyễn Đức Trung, cán bộ đội Tham mưu, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, do Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc ký cùng ngày 15 tháng 8 năm 2023. Một ngày sau, chính Công an Thành phố Hà Nội xác nhận kẻ bắt cóc bé trai là cán bộ đội tham mưu, Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc, mang cấp bậc thượng úy Nguyễn Đức Trung. Công an biến chất: nở rộ… Chuyện công an bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc nhắc nhớ lại câu chuyện được truyền thông Nhà nước đăng tải đầu năm 2020 về sự việc tương tự rằng, do không có tiền thanh toán nợ nần, một cựu công an tên Nguyễn Quốc Toàn, từng công tác tại Công an huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, đã cấu kết đồng bọn bắt cóc một nữ sinh ở thành phố Trà Vinh rồi điện thoại cho gia đình đòi năm tỷ đồng tiền chuộc. Hoặc mới đây, tuy không phải chuyện bắt cóc nhưng liên quan đến hành vi “tha hóa” của công an khiến người dân bất bình đó là chuyện ba công an trộm dê của dân. Điều đó cũng cho thấy những lời dạy, những bài học được cho là tư tưởng của ông Hồ Chí Minh đều vô dụng. Đạo đức của một phần lực lượng công an đã rơi đến tận đáy. Họ thiếu đi những tấm gương gương mẫu, có thật để mà răn giữ mình. - Luật sư Đặng Đình Mạnh Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA sáng 16 tháng 8 năm 2023: “Chỉ mới năm tuần sau sự kiện ba công an Hà Nội bắn trộm dê của dân, đến vụ án hình sự “Chuyến bay giải cứu” đưa hàng loạt sĩ quan công an, thậm chí đến cả phó giám đốc công an ra tòa vì lừa đảo, nhận hối lộ mới kết thúc hai tuần qua… Chưa kể đến ông Nguyễn Đức Chung, nguyên là tướng công an phải ra tòa 3, 4 lần vì nhiều lần tham nhũng, thì nay lại đến một thượng úy công an ra tay bắt cóc cháu bé ngay tại Hà Nội đòi tiền chuộc đến 15 tỷ đồng !? Khiến công chúng hết sức thất vọng và hoang mang về lực lượng công an. Điều đó cũng cho thấy những lời dạy, những bài học được cho là tư tưởng của ông Hồ Chí Minh đều vô dụng. Đạo đức của một phần lực lượng công an đã rơi đến tận đáy. Họ thiếu đi những tấm gương gương mẫu, có thật để mà răn giữ mình. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, một khi mà hình ảnh người đứng đầu lực lượng công an nghiễm nhiên thưởng thức những bữa tiệc bò dát vàng đầy xa hoa đối lập với hoàn cảnh đang còn rất khó khăn của đất nước mà bị xử lý. Và cũng ông ấy, chỉ trong vài năm đưa ra hàng loạt quy định sửa đổi Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân… Cái sau đá cái trước gây tốn kém ngân sách quốc gia và thời gian của nhân dân… mà vẫn không bị truy trách nhiệm thì khó mà trách thuộc cấp của ngành công an được.” Ông Đào, một người dân TP.HCM nói với RFA: "Tôi thấy không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm bởi từ trước đến nay công an là ‘thanh kiếm và lá chắn’ bảo vệ Đảng và Nhà nước. Họ có rất nhiều quyền và thậm chí họ thực thi những quyền trái với hiến pháp quy định. Tôi chỉ ngạc nhiên khi một người dân bình thường dám phạm tội như vậy, chứ công an thì tôi không ngạc nhiên." Với những tội phạm là công an ở mọi lĩnh vực với cấp bậc thuộc hàng tướng như trung tướng Phan Văn Vĩnh, trung tướng Bùi Văn Thành, thượng tướng Trần Việt Tân, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, trung tướng Phan Hữu Tuấn… người dân có quyền tự hỏi, liệu trong số công an đang đứng nhan nhản ngoài đường, ngồi trong các trụ sở công an, kể cả từ cấp bộ đến địa phương, còn những công an nào là tội phạm chưa bị lộ? https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-kidnap-children-for-ransom-it-s-a-joke-08162023124312.html  
......

Định mệnh bi thảm!

Ảnh tác giả Bạch Cúc   1975, Tuấn, Hải, Minh và Khoa vừa tròn 17 tuổi. Cả 4 là bộ tứ chơi với nhau rất thân, nổi danh học giỏi trong trường ai cũng biết. Tuấn là con ông Phó Tỉnh Trưởng, Hải là con của Bộ trưởng một ngành quan trọng, còn Minh và Khoa là con nhà bình dân. Miền Nam bị "Giải phóng" đồng nghĩa gia đình Tuấn và Hải tan đàn xẻ nghé, tan nát trước tiên bởi cha mẹ 2 người này vẫn tin vào sự "khoan hồng" của chính phủ mới, họ chấp nhận ở lại, từ chối di tản qua Mỹ theo đường máy bay lúc dầu sôi lửa bỏng. Sau 30.4, 2 người Cha của Tuấn và Hải đều bị bắt đi tù cải tạo, xem như chẳng biết ngày trở về. Còn Minh và Khoa may mắn hơn bởi gia đình 2 bạn này không có ai đi lính, không có ai làm chức cao trong chế độ cũ nên vẫn bình an cả nhà. Thế nên Minh và Khoa thương Tuấn và Hải lắm, bộ tứ chia sẻ với nhau không tiếc thứ gì từ miếng cơm manh áo, đến cả việc thích chung một cô bạn gái cũng nhường nhau qua lại, không khác chi anh em ruột thịt! Hè 1976,   Đó là một trưa hè nắng gắt oi cả, cả 4 người bạn rủ nhau đi tắm hồ ở Thủ Đức, 3 người: Tuấn, Hải, Minh rất hăm hở đồng lòng đi bơi cho mát, chỉ có Khoa là chần chừ. Khoa bảo cậu vướng một lớp học đàn ở Học viện Âm nhạc thành phố, bỏ lớp tiếc lắm nên không chịu đi chung. 3 người bạn nằn nì mãi không được, Khoa vẫn một mực lắc đầu bảo chỉ có thể đi chung một đoạn đường, tới ngã rẽ là cậu phải đi học nhạc. Tới ngã 3, Tuấn chạy đầu tiên nên dừng xe lại và níu tay lái Khoa một lần nữa. Cậu bảo Khoa đi chơi với cả bọn đi, nghỉ học 1 ngày không ch.ết, đi đi rồi bơi xong Tuấn khao cả bọn ăn chè... nhưng Khoa vẫn cương quyết và hối thúc cả bọn chạy đi, cậu giơ tay chào 3 thằng bạn rồi mới rẽ phải cắm đầu chạy tới lớp học.   Chiều ấy, khi Khoa vừa ra khỏi học viện thì đã thấy Hải và Minh đứng đợi mình, cậu không thấy Tuấn đâu. Chưa kịp mở miệng hỏi về Tuấn thì Hải và Minh đã òa khóc nức nở. 2 chàng thanh niên ấy ngồi sụp xuống ôm mặt bên cạnh 2 chiếc xe đạp chỏng chơ, đôi vai của cả 2 run lên bần bật cùng tiếng nấc nghẹn ngào không nói rõ lời: "Tuấn ch.ết rồi Khoa ơi!"   Khoa đứng chết lặng tưởng 2 thằng bạn đóng kịch! Mới trưa nay cậu còn choàng tay qua vai, ra thế võ quật ngã Tuấn giỡn đùa khi Tuấn cứ lèo nhèo, lải nhải bắt Khoa phải bỏ học, đi tắm hồ chung với cả đám. Tuấn nói Tuấn không biết bơi, Khoa phải đi để dạy Tuấn bơi vì Khoa là đứa bơi giỏi nhất bọn, Hải và Minh chỉ biết bơi sơ sơ không thể kèm Tuấn. Và Tuấn đã ra đi nhanh như chớp mắt!   Khoa nghe bạn kể lại: khi Hải và Minh thi bơi với nhau, cả 2 tập tõm lướt tới đầu hồ bên này thì thấy trên bờ 4, 5 người xúm xít chộn rộn la ó, cả 2 leo lên dòm xem chuyện gì xảy ra thì thấy bạn mình - Tuấn đang nằm đó bất động, đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt tái xanh. Hải và Minh đứng chết trân, run lẩy bẩy trong lúc 4 - 5 người kia cũng chỉ là những thanh niên trẻ ngơ ngác, họ cũng chỉ biết la ó chỉ chỏ, không một ai biết hô hấp cấp cứu cho Tuấn, không một ai biết phải làm gì và Tuấn đã ra đi khi vừa tròn 18 tuổi như thế!   Cái ch.ết đột ngột của Tuấn đã ám ảnh Hải, Minh và Khoa dữ dội. Bây giờ chỉ còn lại bộ 3, ai cũng giành về mình lỗi lầm đã gây ra cái ch.ết cho Tuấn. Nhất là Khoa, cậu ray rứt tự trách phạt mình, cậu nghĩ giá như cậu bỏ 1 buổi học nhạc, ở cạnh dạy bơi cho Tuấn thì có lẽ bạn cậu đã không bỏ cậu mà đi như vậy. Nhưng những tháng năm sau 1975 quá khó khăn và khốn khổ, nỗi buồn đau thương tiếc Tuấn cũng dần vơi đi bởi lúc ấy nhà nhà đều đói ăn và bị dồn vào bước đường cùng, nên họ còn nghĩ gì được khác ngoài chuyện "bỏ trốn"!   Một buổi tối năm 1979,   Khoa đang trong nhà thì thấy mẹ Hải, mẹ Minh cùng 2 thằng bạn đến nhà mình. 3 bà mẹ vào phòng kín thì thầm với nhau, bên ngoài Hải cũng to nhỏ cho Khoa biết: Mẹ Hải quyết định cho Hải vượt biên chuyến này, mọi thứ người ta đã chuẩn bị xong hết rồi, họ báo còn dư 2 suất nên mẹ Hải tất tả qua nhà mẹ Khoa và Minh đề nghị cho cả 2 thằng đi cùng Hải. Ba bà mẹ nói chuyện với nhau rất lâu và kết quả:   Hải sẽ đi trước, Minh và Khoa sẽ đi chuyến sau vì báo quá đột ngột nên gia đình Minh và Khoa chưa thể kịp gom vàng. Thế là ngay tối hôm ấy, 3 người bạn phải chia tay nhau đột ngột, Minh và Khoa ôm chặt vai Hải, cả bọn cứ xiết chặt tay nhau không muốn rời và người ở lại chúc người ra đi thượng lộ bình an, mau đến bờ bến mới!   3 ngày sau, tin dữ bay về!   Mẹ của Hải đã gần như hóa khùng hóa dại, bà đứng trên cửa biển Bến Tre gào thét điên loạn, bởi con tàu vừa chuẩn bị rời ra khơi thì bà nghe tiếng s.úng nổ đồng loạt. Việt Cộng đã phục kích sẵn và bắn g.i.ết không nương tay, quyết không tha một m.ạng nào! Đã có 1 lệnh ngầm được ban ra ngay thời điểm ấy, sau này người ta mới biết đúng vào đêm đó, 14 con tàu vượt biên ở 14 vùng biển trên toàn nước VN bị truy kích đồng loạt, không một ai sống sót. 170 con người nhồi nhét trên tàu và hầm tàu, trong đó có Hải đã chìm xuống đáy biển mang theo bao uất hận ngập tràn, và mẹ Hải:   Người mẹ ấy đã hóa đ.iên dù vẫn sống, bà không ra đi cùng con bà vì bà phải ở lại để còn đi thăm nuôi chồng trong trại cải tạo. Và giây phút nhìn thấy từng x.ác người trên tàu ngả rạp dưới lằn đ.ạn; giây phút nhìn con tàu lật nghiêng vì hỗn loạn, mang theo x.ác con trai mình xuống tuyền đài bà đã không bao giờ còn tỉnh lại nữa!   Tin Hải ch.ết th.ảm một lần nữa như sét đánh ngang tai Minh và Khoa, từ bộ tứ nay bỗng chốc chỉ còn 2. Cả Minh và Khoa đều không còn cười vui được nữa, 2 thằng vẫn thân thiết lủi thủi bên nhau nhưng trong đáy mắt là nỗi buồn sâu thẳm không nói nên lời!   10 năm sau,   Minh và Khoa giờ đây là 2 người đàn ông đã trưởng thành, đã định cư ở Mỹ và sống gần nhau. Cả 2 vẫn thân thiết như ngày nào, Minh là kỹ thuật viên của 1 hãng cơ khí, còn Khoa học rất giỏi và đã trở thành kỹ sư cao cấp của hãng máy tính danh giá nhất thế giới. Cuộc sống bên Mỹ cuốn cả 2 vào guồng máy kiếm tiền tối tăm mặt mũi, Khoa rất bận rộn, thường phải đi công tác khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn không quên quan tâm đến thằng bạn chí cốt là Minh. Khoa lo lắng cho Minh rất nhiều bởi Khoa biết thằng bạn mình bắt đầu đổ đốn, hắn mê bài bạc từ ngay lần đầu 2 thằng bước chân vào Casio, lạ nước lạ cái, tò mò chơi thử cho biết và Minh đã bị con ma cờ bạc cuốn vào vòng xoáy. Kể từ lần đầu tiên đó, chủ nhật nào Minh cũng vào Casio đánh bài, có ít chơi ít, có nhiều chơi nhiều. Khoa khuyên can mãi mà thằng bạn vâng dạ như nước đổ đầu vịt rồi đâu cũng lại vào đấy. Khoa giận lắm nhưng không thể bỏ mặc bạn. Từ 4 thằng bạn chơi thân, giờ đây Khoa chỉ còn Minh thế nên biết bạn lầm đường lạc lối mà Khoa không thể không giúp mỗi khi Minh mượn tiền, dù số tiền đó luôn là một đi không trở lại!   Mùa xuân năm 1998,   Ngày hôm ấy Khoa còn nhớ rất rõ: trời rất trong và nắng rất lung linh nhưng Minh lại đến tìm Khoa trong tình trạng say khước, rồi Minh khóc lóc kể lể. Qua câu chuyện Khoa mới hay: cách nay 6 tháng Minh vào Casio đánh bài. Hôm ấy Minh trúng đậm 30k đô, đó là một số tiền quá lớn Minh không thể tưởng tượng được vì trong cuộc đời cờ bạc Minh toàn thua chứ không thắng lớn như thế. Minh hân hoan cầm 30k đô bước chân ra khỏi Casio thì khựng lại, và giống như ma đưa lối quỷ dẫn đường, Minh quay trở lại vào Casio đánh tiếp, vì hy vọng hôm nay may mắn Minh sẽ trúng tiếp nhưng ai ngờ:   Minh mất sạch 30k đô và còn nợ tụi xã hội đen trong đó thêm 11k nữa!   Ngày hôm sau đi làm Minh như kẻ mất trí, bần thần và sai sót đủ thứ trong công việc. Minh bị người quản lý quở trách nặng lời và không giữ được bình tĩnh Minh đã sửng cồ, cãi cọ lại và còn túm áo đe dọa họ. Rồi chuyện gì đến đã đến: Minh bị sa thải ngay lập tức!   Minh thất nghiệp tới 6 tháng vẫn không thể tìm ra công việc phù hợp, cứ làm thuê ngắn ngày loanh quanh bởi trình độ Minh có chỉ trung cấp và là kỹ thuật viên làng nhàng. Lúc này đây Minh rơi vào hoàn cảnh khó khăn thật sự và càng đau lòng hơn khi: mẹ người yêu Minh nhìn anh như nhìn một thằng vô dụng, không xứng đáng yêu con gái bà nên bà ra mặt ngăn cấm, cản trở Minh gặp bạn gái!   Tiền hết, tình cũng hết! Minh đau khổ khi thấy người yêu của mình yếu đuối chịu sự kiểm soát của mẹ, anh quyết định rủ người yêu đi trốn. Minh thề thốt sẽ bỏ bài bạc, hứa sẽ lo cho cô hết lòng trọn cuộc đời còn lại, chỉ cần cô tin Minh và đi cùng Minh, cô sẽ không bao giờ hối hận. Và cô gái đã đồng ý!   Sáng tinh mơ hôm ấy, trời còn sương sớm người yêu Minh đã lén ra khỏi nhà, cô vô cùng cẩn thận, rón rén từng bước chân nhưng ngờ đâu: mẹ cô gái đã đứng đợi sẵn dưới cửa. Bà quỳ thụp xuống khóc lóc than van, bà bảo nếu con bước ra khỏi cửa, mẹ sẽ t.ự t.ử ch.ết ngay lập tức cho con hài lòng. Rồi bà gào rú khóc lóc thảm thiết khiến cô gái phải quỳ sụp xuống hứa sẽ từ bỏ Minh ngay lập tức!   Sáng ấy, Minh đợi người yêu ở điểm hẹn trong mỏi mòn, anh gọi điện mà cô không nhấc máy, cô chỉ gửi 1 tin nhắn cụt lủn rằng: hãy tha thứ cho cô, tình yêu chúng ta đến đây là kết thúc!   Và Minh đã đi uống rượu đến say khước và tới gặp Khoa. Khoa không biết an ủi bạn mình thế nào, chỉ thu xếp chỗ để Minh ngủ cho tỉnh rượu, đợi Minh dậy Khoa sẽ trò chuyện khuyên lơn bạn!   Sáng hôm sau, Minh dường như trở thành một người khác, đàng hoàng và chững chạc khác thường. Minh chủ động nắm lấy tay Khoa, Minh xin lỗi Khoa rất chân thành. Minh bảo Minh biết Minh sai rồi và cảm ơn Khoa bao nhiêu năm nay đã luôn xem Minh là bạn và tận tình giúp đỡ Minh hết lần này tới lần khác. Minh nhắc lại rất nhiều kỷ niệm về bộ tứ, Minh bảo: Tuấn và Hải đ.oản m.ệnh sớm, giờ đây chỉ còn lại Minh và Khoa, Minh xin Khoa hãy giúp Minh lần cuối, Minh nhấn mạnh: là lần cuối cùng trong cuộc đời! Minh hứa sẽ bỏ cờ bạc, làm lại từ đầu. Minh bảo nếu Minh nói dối Khoa thì Minh sẽ ch.ết không t.oàn m.ạng. Nói thế rồi Minh mượn Khoa 1.500 đô, Minh bảo đây là số tiền Khoa giúp Minh làm lại cuộc đời, đến ch.ết Minh cũng sẽ không bao giờ quên ơn Khoa!   Và Khoa đã trao cho Minh 1.500 đô, anh nắm chặt tay Minh như sự tin tưởng lời hứa của thằng bạn chí cốt còn lại. Minh tạ từ Khoa ra về bằng cái ôm xiết thật chặt và lâu đến mức Khoa cảm thấy nghẹt thở! 5 ngày sau!   Khoa đọc được tin động trời trên báo! Họ ghi rõ tên tuổi và cả hình ảnh kẻ "Thủ ác" - hình Minh! Minh đã đến trước chỗ làm việc của người yêu, chờ đợi gặp cô, hai người đã vào trong xe hơi nói chuyện lần cuối và: Đoàng, đoàng!   Minh đã bắn chết người yêu mình bằng cây súng mua được từ tiền mượn của Khoa. Sau ph.át s.úng đầu tiên giữa thái dương người bạn gái mình, Minh cũng tự kết liễu đời anh bằng phát súng thứ hai. Xem như là đã xong một kiếp người!   Khoa buông rơi tờ báo và ngồi ch.ế.t lặng trên ghế. Anh không ngờ cuộc đời 3 người bạn thân duy nhất của mình lại bi ai đến vậy:   Tuấn chết vì đuối nước!   Hải chết chìm, mất xác theo chiếc tàu vượt biên!   Còn Minh: Minh chết bởi phát súng oan nghiệt do chính anh gây ra cho cuộc đời mình! Không những thế, anh còn nhẫn tâm lôi theo người yêu của mình xuống tuyền đài, trong tiếng khóc vật vã, đau đớn ngất lên ngất xuống của người mẹ cô gái.   Như vậy, bộ tứ đã chết 3, chỉ còn lại duy nhất mình Khoa!   Định mệnh o.an ngh.iệt giống như cái ngã 3 lúc 4 người bạn chia tay nhau: 3 người rẽ một hướng, chỉ có 1 mình Khoa đơn độc trong quyết định của mình và "sống sót" cho tới ngày hôm nay! Cái ngã 3 đó là ngã rẽ của định mệnh, sao mà:   Quá bi thảm và tàn khốc!  
......

Erdogan và Hunsen

Ảnh; Erdogan Nguyen Ngoc Chu   1. ERDOGAN Theo dõi cách hành xử của Erdogan, hiện ra khuôn mặt của một chính khách lão luyện. Erdogan là một “tay chơi chính trị” nhiều mang. Dù là Nga, Mỹ, châu Âu hay NATO, với phe nào, Erdogan cũng thu được lợi. Ví như Nga và Putin đã nhiều phen phải ngậm bồ hòn làm ngọt với Erdogan. Erdogan gián tiếp đối đầu với Nga, giúp Azerbaijan chiếm lại lãnh thổ thành công trong xung đột Nagorno- Karabakh chống Armenia được Nga hậu thuẫn. Erdogan trực tiếp đối đầu với Nga, không ngần ngại bắn rơi Su 25 của Nga ở Syria khi vừa xâm phạm vùng trời vài trăm mét. Đóng eo biển không cho chiến hạm Nga vào biển đen. Giúp vũ khí cho Ukraine, Bán máy bay không người lái Bayraktar TB2 cho Ukraine và đầu tư sản xuất tại Ukraine. Giúp Ukraine vận chuyển ngũ cốc. Thả các tù binh “Azov” trước thời hạn. Ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. Đó là những hành xử làm cho Putin phải nuốt hận. Putin trong lòng căm Erdogan, muốn ăn tươi nuốt sống Erdogan, mà ngoài mặt vẫn phải làm lành. Erdogan còn đi xa hơn nữa, nhưng Putin cũng không thể bỏ Erdogan. Vì Putin không thể đẩy Erdogan thành kẻ thù. Erdogan là chiếc cầu nối quan trọng của Putin để chấm dứt chiến tranh. Trong cuộc chơi với Putin, Erdogan biết tận dụng tối ưu lợi thế của mình, khai thác tối đa điểm yếu của đối phương.   Mỹ, châu Âu và NATO cũng không ưa Erdogan. Nhưng họ biết cách giải quyết với Erdogan. Với Erdogan, cái cuối cùng là lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cho nên, dù Erdogan có mua S -400, có cản trở Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO thì cuối cùng Erdogan cũng phảỉ đi cùng với Mỹ, châu Âu và NATO. Vì đó là lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Và tất nhiên là vì Mỹ, châu Âu và NATO không thể đẩy Erdogan vào vòng tay Nga. Erdogan đã biết dùng vị thế của Thổ nhĩ Kỳ để mặc cả. Và trong cuộc chới với Mỹ, châu Âu và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã thu được lợi rất nhiều. Erdogan còn mục tiêu là ước mơ gia nhập EU từ năm 1959 của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thành hiện thực. Và sẽ nhìn thấy những điều mặc cả của Erdogan về mục tiêu này trong tương lai.   Nga, Mỹ, châu Âu, phe nào cũng không ưa Erdogan mà không thể bỏ. Nước ở thế yếu hơn mà trên bàn cờ chính trị không yếu hơn. Erdogan làm cho kẻ mạnh hơn không những không thể bắt nạt, mà còn phải sợ, phải nể, vì dùng thế liên kết với kẻ mạnh khác. Sau đế quốc Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ làm thế giới nhớ đến trong cuộc khủng khoảng hạt nhân Cuba 1962. Kết thúc là Liên Xô không đặt tên lửa ở Cuba và Mỹ tháo dỡ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Jupiter IRBM khỏi Thổ nhĩ Kỳ. Erdogan đang khai thác hiệu quả vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ, làm hiện lên bóng dáng của đế quốc Ottoman.   2. HUNSEN Nếu ở phương Tây có Erdogan thì ở phương Đông, ở một mức độ nào đó, có Hunsen. Hunsen cũng là một chính khách không được ưa, nhưng không thể bỏ. Cũng giống như Erdogan, Hunsen biết khai thác tối đa vị thế của mình. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ và châu Âu, thì chơi với bên nào, Hunsen cũng thu được lợi. Có người nói Hunsen phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc thu được nhiều lợi từ Campuchia. Nhưng đường lối chính trị của Hunsen không phụ thuộc vào Trung Quốc. Lãnh đạo Camphuchia và Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố chung ý thức hệ, chưa bao giờ tuyên bố cùng phe, cùng mục tiêu. Hunsen có đường lối chính trị độc lập với Trung Quốc. Các nghị quyết của Liên hợp quốc về cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine, Campuchia bỏ phiếu khác với Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Camphuchia bị sức ép quyền lợi từ Trung Quốc, Hunsen hành động vì quyền lợi Campuchia. Trung Quốc sợ Campuchia xa rời. Hunsen có thể nhảy vào vòng tay người khác chỉ trong nháy mắt. Hunsen biết tận dụng nỗi sợ hãi của Trung Quốc để thu lợi. Hunsen làm cho các đối tác phải ve vãn, chứ không thể bắt nạt.   Tất nhiên, vị thế Campuchia khác với Thổ Nhĩ Kỳ, nên mức ảnh hưởng của Hunsen khó bì với Erdogan. Sự khác biệt về thể chế cũng tạo nên thang bậc vai trò. Một trong những điều khác biệt giữa Erdogan và Hunsen là cách được nắm quyền và quyền quyết định về người kế nhiệm. Erdogan không thể quyết định người kế nhiệm. Chức vụ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là do toàn dân Thổ Nhĩ Kỳ bàu ra. Còn Hunsen đưa con trai mình lên ngôi thủ tướng. Hunsen là một “ông vua”. Nhưng không phải là một “vua tập thể”. Hunsen muốn bảo vệ quyền lực gia đình, cùng với lợi ích dân tộc, chứ không phải sự tồn vong của chính thể. Trước cái sai của cấp dưới trong hệ thống, Hunsen trừng trị thẳng tay mà không phụ thuộc vào ai. Kẻ làm sai sợ hãi. Sợ hãi chứ không xu nịnh. Vì thế, ít kẻ xu nịnh bao quanh. Như một “ông vua” phong kiến, Hunsen chọn con trai có tài trong số con mình, cho đào tạo bài bản và nhường chức. Vua phong kiến cũng có bậc anh minh. Gặp thời minh trị, đất nước cũng có cơ hội phát triển. Nhưng chế độ cha truyền con nối, về cơ bản đã bị đào thải. Con trai Hunsen được Âu học. Việc truyền đời quyền lực của Hunsen khó có thể kéo dài như ở Bắc Triều tiên.   3. CÂU HỎI ĐỂ NGỎ   Nhắc đến Erdogan và Hunsen là để nói đến các cá nhân nâng cao được vị thế quốc gia trên bàn cờ chính trị thế giới, dù quốc gia bị sức ép tranh chấp ảnh hưởng từ các nước lớn. Không ưa nhưng không thể bỏ. Cứng mà không gãy. Đa phương mà không phụ thuộc vào một. Sẵn sàng rời bỏ mà không sợ hãi. Bắt người phải tôn trọng mình vì khả năng liên minh với người khác. Đó là các chiến lược trò chơi quan hệ quốc tế của những chinh khách như Erdogan và Hunsen. Liệu còn quốc gia nào cần có những chính khách như Erdogan?  
......

Loa & Net

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến   Buồn tất cả. Chỉ cái loa là vui! Nguyễn Chí Thiện Lịch sử cận đại của nước Việt vừa ghi nhận (thêm) hai lần … Nam Tiến nữa! Lần đầu – vào năm 1954 – gần một triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam bằng tầu: tầu bay, tầu hoả, và tầu thủy ... Họ mang theo nhiều thứ trông rất quen nhưng tên gọi thì hơi lạ: cái bàn là, cái bát, cái cốc, cái ô, cái môi, cái thìa ... Cuộc chung sống giữa cái bàn là với cái bàn ủi, cái bát với cái chén, cái cốc với cái ly, cái ô với cái dù, cái môi với cái vá, cái thìa với cái muỗm … tuy không toàn hảo nhưng (tương đối) thuận thảo và tốt đẹp. Từ thành thị đến nông thôn – trong mọi ngõ ngách – trẻ con miền Nam đồng lòng đổi lời bản “Khúc Nhạc Đồng Quê” (của Thúc Đăng) từ “Quê hương tôi gió chiều về trong nắng vàng” thành ... “Quê hương tôi cái mùng mà kêu cái màn,”  với tiếng cười khúc khích. 1954 – 1975: tuy ngắn nhưng đủ khoảng cách để xoá nhoà mọi ngăn cách giữa cái mùng với cái màn. Rồi ra, ai cũng biết: cái mền và cái chăn là một, cái phong bì và với cái bao thư cũng vậy, cái bao diêm chính là cái hộp quẹt, cái hôn với cái hun cùng một nghĩa! Đợt di cư thứ hai, khởi sự vào năm 1975, ồn ào và ồ ạt hơn trước. Những thứ được mang theo cũng rất khó coi, và gây ra rất nhiều phiền toái nơi vùng đất mới: nón cối, dép râu, tem phiếu, sổ gạo, sổ hộ khẩu, loa phóng thanh, tinh thần làm chủ tập thể, ảnh bác Hồ lộng kiếng ... Với thời gian, nón cối, dép râu, tem phiếu, sổ gạo, tinh thần làm chủ tập thể ... đều lặng lẽ bị vứt vào sọt rác. Ảnh bác Hồ lộng kiếng, không ít kẻ, cũng liệng cống luôn. Tới tuần rồi thì cái sổ hộ khẩu cũng đã đi vào dĩ vãng khiến “hàng triệu người dân vỡ oà sung sướng” – theo như nguyên văn của báo Lao Động, số ra ngày 5 tháng 11 năm 2017: “Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30.10.2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, với việc xóa bỏ nhiều thủ tục liên quan đến hộ khẩu, đã làm hàng triệu người dân ‘vỡ òa’ sung sướng.” Hồi đầu năm, dân Việt cũng đã trải qua một niềm vui (“vỡ oà”) tương tự, ngay sau khi báo Thanh Niên – số ra ngày 14 tháng 1 năm 2017 – hớn hở loan tin: “Loa phường đã hoàn thành vai trò lịch sử!”  Ngoài việc tháo gỡ những chướng ngại vật đã gây ra đủ thứ rắc rối, khó khăn, nhũng nhiễu, phiền hà ... cho dân chúng; Nhà Nước Cách Mạng còn đi rất xa trong tiến trình đổi mới. Báo chí tới tấp đi tin: Giúp Người Dân Cải Thiện Cuộc Sống Nhờ Tiếp Cận Internet Cuộc Sống Người Dân 40 Tỉnh Thay Đổi Ra Sao Nhờ Internet? Cơ Hội Cho Người Dân Nông Thôn Tiếp Cận Với Internet Máy tính cho cuộc sống với học sinh nông thôn Hiệp Hội Doanh Nghiệp Điện Tử Việt Nam hân hoan cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ TT-TT thực hiện giai đoạn hai Dự án thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam (BMGF-VN) tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng kinh phí hơn 50 triệu USD.” Ủa, tiền ở đâu ra mà chính phủ (bỗng) hào phóng dữ vậy cà? Tìm hiểu thêm chút xíu mới biết ra rằng BMGF là mấy chữ viết tắt của Bill & Melinda Gates Foundation của vợ chồng ông Bill Gates, có trụ sở tại Seattle, Washinton State. Theo trang Khoa Học Việt Nam : “Quỹ Bill & Melinda Gates viện trợ không hoàn lại 30 triệu USD, Microsof tài trợ 3,6 triệu USD (để mua máy tính) và số còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.” Thảo nào mà quan chức, cũng như  báo giới VN, hào hứng và vui vẻ quá xá. “DỰ ÁN NÂNG CAO KHẢ NĂNG SỬ DỤNG MÁY TÍNH VÀ TRUY NHẬP INTERNET CÔNG CỘNG TẠI VIỆT NAM” được tán thưởng không tiếc lời:  Lao Động: “Mỗi Công Dân Là Một Nhà Báo” Sài Gòn Giải Phóng: “Mỗi Công Dân Là Một Phóng Viên” Tuổi Trẻ: “Vinh Danh Nhà Báo Công Dân” Được “vinh danh” nên các nhà báo công dân hiện diện khắp nơi. Ngay cả ở vùng xa, vùng sâu như xã Quảng Điền – huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk – mà hình ảnh một ông công trưởng công an xã (đá tứ tung thúng mẹt rau cải, tôm cá ... của bạn hàng) cũng được phổ biến khắp năm Châu, trong chớp mắt. Trong một xã hội vốn khép kín mà bỗng dung mỗi công dân trở thành một phóng viên thì hệ lụy thật khó lường. Bung là cái chắc. Thông Tấn Xã Vỉa Hè thay thế ngay vai trò truyền thống của Thông Tấn Xã VN, và “từng bước đưa đất nước thoát khỏi cái vòng kim cô mang cái tên ‘định hướng’ trên lĩnh vực tư tưởng-truyền thông” – theo như nhận xét của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh. Bộ Thông Tin thất thủ. Truyền Thông vỡ trận. Chung qui cũng chỉ vì những con ngựa thành Troie, có tên gọi khác là máy vi tính, giữa lòng cách mạng! Nhà văn Trần Đĩnh gọi internet là thằng ... Thời Đại, và ông rất hả hê vì “luôn nhìn thấy Đảng loạng choạng lùi” trước cái “thằng” này. Nếu không vì nó thì mấy người dân Việt được nhìn thấy tận mắt phóng ảnh Công Hàm 1958, với chữ ký của Phạm Văn Đồng (hay Thư Xin Nhập Học Trường Thuộc Địa của sinh viên Nguyễn Tất Thành) và nói chắc cũng chả ai tin. Buộc phải lùi thôi nhưng lùi hoài chắc chết, chết chắc. Phải làm một cái gì đó để cứu vãn tình thế, chứ không thể để tên tuổi của những vị lãnh đạo cấp cao (Quang Gian, Trọng Mặt Dầy, Ngân Mặt Thớt, Phúc Maze …) bị bôi bác mãi. Thế là Bộ Công An bèn trình Quốc Hội cái gọi là “Dự Án Luật An Ninh Mạng.”  Bộ Trưởng Tô Lâm cho biết: “Dự thảo Luật An ninh mạng quy định các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được quy định trong 7 điều. Cụ thể là: việc xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động, gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam …” Dư luận, tất nhiên, dậy sóng: Trương Huy San: “Luật chống lại loài người.” Lê Văn Luân: “Luật pháp ban hành ngày càng tệ và có xu hướng đi ngược lại tiến trình phát triển văn minh của nhân loại.” Người Buôn Gió: “Công cụ đàn áp mới - luật an ninh mạng.” Trịnh Hữu Long: “Dự luật an ninh mạng: hàng Việt Nam made in China?” Trương Duy Nhất: “Với gần 100 triệu công dân Việt, đó là bức tường giam hãm tự do tư tưởng, biểu đạt và giao tiếp.” Nguyễn Thông: “Đó là thứ tư duy cộng sản man rợ.” Nguyễn Ngọc Chu : “Chỉ có những chế độ độc tài vì muốn duy trì sự cai trị của mình, mới liều lĩnh khống chế thông tin.” Trần Song Hào: “Đảng muốn có chi bộ trong máy chủ!” Nguyễn Sơn: “Việt Nam sẽ sắp sánh vai với… Bắc Hàn về mức độ tự do ngôn luận.” Võ Văn Tạo: “Lại tiếp tục tư duy lỗi thời.” Nguyễn Quang Lập: “Chỉ cần 1 năm vắng bóng Facebook và Google sẽ thấy đất nước này lạc hậu so với thế giới hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm.”                 Tất cả đều phẫn nộ hay buồn bực. Buồn tất cả. Chỉ cái loa là vui được tiếp tục vai trò lịch sử của mình. Với hệ thống loa phường thì an toàn là cái chắc. Không còn phải lo lắng đến sự phá hoại của những thế lực thù địch nước ngoài, và sự tự diễn biến/chuyển hoá của một bộ phận không nhỏ đảng viên nữa. Ban Tuyên Giáo lại độc quyền cầm loa nên chả việc gì phải “đối thoại” với bất cứ ai nữa. Đất nước sẽ an bình và ổn định (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) như cũ, cứ y như là chưa bao giờ có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra ráo trọi. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc dự đoán: “Ngày ấy sẽ không xa! Học viện KHXH sẽ đóng cửa; chủ nhân các biệt phủ sẽ ăn ngon ngủ yên; các quan anh sẽ tha hồ có bồ nhí; các trạm BOT sẽ có mặt khắp hang cùng hẽm cụt; lãnh đạo sẽ tha hồ cho trái đâm ra từ rễ cây; đày tớ sẽ thoải mái đá xô chậu, chặn xe đám cưới thu tiền ...” Từ trong hang đá chui ra Vươn vai một cái rồi ta chui vào...cho nó an toàn! tuongnangtien's blog  
......

Bọn Mafia & Đám Cách Mạng Tháng Tám

tuongnangtien's blog Truyện Bố Già của Mario Puzo mở đầu bằng một vụ xử bất công, thấy rõ : Amerigo Bonasera có việc ra Toà, Toà Đại-hình Nữu-Ước, Phòng 3 để nghe công lý phán xét, trừng trị hai thằng khốn can tội bạo hành, toan cưỡng dâm con gái lão. Ngài Chánh án uy nghi, bệ vệ vén áo thụng đen làm như sắp đích thân ra tay trị hai thằng nhãi ranh đang đứng xớ rớ trước Toà. Giọng ngài sang sảng, lạnh tanh: - Tụi bây hành động như những quân côn đồ tồi tệ nhất. Tụi bây làm như thú dữ ở rừng vậy! Cũng may mà cô bé đáng thương kia chưa bị tụi bây xâm phạm tiết hạnh, bằng không thì mỗi đứa 20 năm chắc… Xét vì tụi bây còn nhỏ, chưa có tiền án và con nhà đàng hoàng… Vả lại xét vì luật pháp đặt ra chẳng phải để trả thù nên toà tuyên phạt mỗi đứa 3 năm tù, cho hưởng án treo! ……… Bonasera nghiến răng nghe nỗi đắng cay trào lên nghẹn họng. Lão đưa chiếc khăn tay trắng lên bụm chặt miệng, ngó hai thằng khốn đi tà tà trở ra. Mặt chúng tươi rói, chúng tỉnh bơ không thèm nhìn lão một phát. Đành đứng trơ ra vậy. Cha mẹ chúng tò tò đi theo: hai cặp vợ chồng Mỹ trạc tuổi lão, bề ngoài Mỹ rặt bẽn lẽn ra mặt nhưng ánh mắt vẫn cứ vênh váo ngầm…. Lão quyết định tìm tới cố nhân Corleone, tốn bao nhiêu thì tốn…”“Tìm tới cố nhân  Corleone”  lão Bonasera không phải chi một đồng nào nhưng hai cậu nhóc “con nhà đàng hoàng” vẫn bị xử lại (và xử đẹp) cấp kỳ bằng một trận đòn thừa sống thiếu chết: Jerry và Kevin, nghe đâu, nằm nhà thương cả tháng. Từ đó về sau, hễ thoáng thấy đàn bà con gái (nói chung) và đám phụ nữ di dân gốc Ý (nói riêng) là hai cậu lảng đi chỗ khác chơi liền. Cho ăn kẹo cũng không dám buông lời tán tỉnh hay chọc ghẹo bâng quơ, đừng nói chi đến chuyện sàm sỡ như trước nữa. Trận đòn, ngó bộ, hơi bị nặng tay. Tụi Mafia, rõ ràng, là có khuynh hướng trọng nữ khinh nam. Đụng tới phụ nữ là tụi nó nổi giận cấp kỳ, và phản ứng (có phần) quá đáng. Tháng 11 năm 2007, cảnh sát Sicily tìm được (trong sào huyệt của ông trùm Salvatore Lo Piccolo) “Mười Điều Răn” (Ten Commandments) của đám Mafia địa phương. Đọc xong, quí bà và quí cô đều phải xuýt xoa và tấm tắc khen: Phải kính trọng vợ/ Không được dòm ngó vợ bạn/ Không được lem nhem về tiền bạc/ Luôn giữ đúng hẹn/  Không bao giờ nói dối … Thiệt, có một thằng con hay thằng rể ăn ở và cư xử mực thước (tới cỡ đó) thì ai mà không hãnh diện chớ? Lỡ nó có dính tới băng đảng Mafia “chút xíu” thì cũng đã chết ai đâu. Thằng nhỏ có hung dữ, đánh đập ai ở ngoài đường thây kệ, miễn nó “kính trọng vợ con” và “không dòm ngó tới vợ bạn” (và mấy con em vợ) là OK rồi - đúng không" ? Điều răn thứ IV mới thiệt là quí hoá chớ. Đọc mà mát ruột mát gan: “Don't go to pubs and clubs” (Không được chàng ràng ở quán bia ôm hay quán nhậu). Phải vậy chớ. Đ…má, tui ghét nhứt là cái thứ đàn ông mà mở miệng ra là chửi thề, hoặc tu bia, hay nốc ruợu ào ào. Thấy mất cảm tình hết sức!  Trong phần lời tựa của cuốn Bố Già, bản Việt ngữ, dịch giả Ngọc Thứ Lang còn cho biết thêm đôi điều lý thú khác nữa : “Nhiều tư liệu gần đây về Mafia và ‘The Godfather’ cho chúng ta biết rằng nhân vật ‘Bố Già’ ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ… Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, ‘Bố Già’ gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là ‘Mafia’ theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.” Những người ở trong “thế kẹt” và có “những nỗi oan ức” phải tìm đến Bố Già nhờ giúp đỡ (phần lớn) là những di dân nghèo khổ, không được pháp luật Hoa Kỳ - vào hồi đầu thế kỷ XX - che chở khi cần. Như thế, băng Đảng Mafia “thuở ban đầu hình thành” - xem chừng - có rất nhiều khí khái và thiện ý: đứng với kẻ ở thế cô, và sẵn sàng phò nguy cứu khổ. Đảng cộng sản VN cũng “khởi nghiệp” với những tuyên ngôn và khẩu hiệu nghe (tử tế) tương tự. Họ hô hào chống lại áp bức, bất công, kỳ thị … Nhờ vậy, họ vận động được quần chúng - kể cả những thành phần thiểu số, “ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng” - nổi dậy “giành lấy chính quyền về tay nhân dân.” Chả phải vô cớ mà Cách Mạng Tháng Tám vẫn được mệnh danh là “Cuộc Khởi Nghĩa Của Những Người Tay Không.”  Chỉ có điều đáng phàn nàn là sau khi “những người tay không” nắm được quyền bính trong tay thì họ (tức khắc) hành xử như một đám côn đồ, đối với tất cả mọi thành phần dân tộc. Xin ghi lại vài ba : - Đàn áp dã man những cộng đồng của người dân bản địa ở Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004. - Đàn áp dã man những cộng đồng của người dân bản địa ở Mường Nhé, Điện Biên năm 2011. - Tấn công Tu Viện Bát Nhã năm 2009. - Tấn công Đan Viện Thiên An năm 2017. - Tấn công nông dân ở Văn Giang năm 2012. - Tấn công nông dân ở Đồng Tâm năm 2020. …  Đó là chưa kể những vụ cướp ngày được mệnh danh là Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Đổi Tiền, Vượt Biên Bán Chính Thức (bằng cách ... bán bãi thu vàng) và vô số tài sản – nhà, xe, cơ sở thương mại … – mà dân chúng đã tự nguyện ký giấy “hiến tặng” với hy vọng (mỏng manh) của đi thay người. Vậy mà thời gian vừa qua, không ít kẻ gọi đám người đang nắm quyền bính ở Việt Nam hiện nay là “bọn Mafia” hay “băng đảng Mafia đỏ.”  Úy Trời, đừng có nói (đại) như vậy mang tội chết à nha.  Mafia đâu có hành động đê tiện dữ vậy! Tụi nó cũng cướp của, tống tiền,  khủng bố …nhưng đâu có ăn hối lộ, ăn chận, và cướp đất của những người cùng khổ. Tụi nó cũng đâu có bao giờ phải “giả dạng thường dân” hay “ném đá giấu tay” như đám công an cách mạng. Khi cần, đám Mafia (dám) ném lựu đạn như không, chớ đâu có cái chuyện ném cứt – bẩn thỉu, dơ dáy, và đáng tởm – như dân băng đảng ở làng Ba Đình, Hà Nội, đúng không? Tôì tin chắc rằng nếu quí ông Trần Độ, ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ … gia nhập bất cứ băng đảng Mafia nào, thay vì Đảng Cộng Sản Việt Nam – chắc chắn – họ sẽ được đối xử tử tế hơn nhiều vào lúc cuối đời, nếu chưa muốn nói là sẽ được đàn em tuyệt đối kính trọng vì cung cách hành xử can trường và nghĩa khí. Nếu bọn Mafia – đôi khi – phải làm những điều khuất tất chả qua vì họ ở cái thế chẳng đặng đừng, của những người thất thế, những kẻ bị gạt ở bên lề xã hội. Chứ còn cứ mở miệng ra là “toàn thắng đã về ta,” và cứ “đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” mà cách hành xử thì kém xa bọn băng đảng xã hội đen! tuongnangtien's blog
......

Berlin cảnh cáo Hà Nội về ý định bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên đất Đức

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên báo Đức Taz RFA Chính phủ Đức đã cảnh báo nhà cầm quyền Việt Nam về hậu quả ngoại giao nghiêm trọng nếu Hà Nội lại thực hiện việc bắt cóc công dân của mình lần thứ hai trong lãnh thổ của Đức, theo nhà báo tự do Hiếu Bá Linh từ thủ đô Berlin. Chính phủ Đức có phản ứng như trên sau khi không chấp nhận đề nghị của Chính phủ Việt Nam về việc dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), người có nhiều thông tin cho thấy là đã tới Đức sinh sống trong thời gian gần đây. Ông Hiếu Bá Linh dẫn nguồn tin từ tờ nhật báo Taz, một trong những tờ báo lớn của Đức, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 08/8: “Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã cảnh cáo Việt Nam về các hành động bất hợp pháp có thể xảy ra tiếp theo sau khi đơn xin dẫn độ bị từ chối. Tờ Taz có dẫn nguyên văn lời của Bộ Ngoại giao: 'Chính phủ Liên bang Đức sẽ không dung thứ cho bất kỳ can thiệp của quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức'." Trong bài báo dài ba trang ngày 07/8, tờ Taz cho biết bà Nhàn là người có tiếng tăm trên trường quốc tế. Một học viện của Nga đã trao cho bà hai bằng tiến sĩ danh dự còn Chính phủ Nhật đã trao tặng cho bà Huân chương Mặt trời mọc, một trong những huân chương cao quý nhất của Nhật, vào năm 2018. Bà cũng được cho là có quan hệ mật thiết với Israel. Người phụ nữ 54 tuổi này đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí từ nhiều quốc gia cho Quân đội Việt Nam, bên cạnh các hoạt động xuất khẩu lao động và dự án xây dựng trong nước của AIC. Từ một người được cho là doanh nhân xuất sắc của Việt Nam, được trao tặng nhiều danh hiệu đình đám như Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Sao đỏ, Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu nhất, Thương hiệu quốc gia xuất sắc nhất... bà Nhàn đột nhiên bị xem là tội phạm. Cơ quan công an truy nã đặc biệt đối với bà Nhàn, sau đó Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử vắng mặt, tuyên bà bản án 30 năm tù về tội danh “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.” Bà và bảy nhân viên dưới quyền đã trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố bị can. Theo Taz, bà đã sang Đức được vài tháng và hiện đang sống tại một thành phố lớn. Ông Hiếu Bá Linh, người từng làm trưởng ban phát thanh tiếng Việt của Radio Multikulti- đài phát thanh đa ngôn ngữ của bang Berlin trong 14 năm, cho biết có nhiều thông tin chứng minh bà Nhàn đang sống ở Đức cũng như mong muốn của Hà Nội trong việc đưa bà về để chịu tội. “Mặc dù Bộ Ngoại giao và các cơ quan an ninh (Đức- PV) đều không trả lời trực tiếp những câu hỏi của tờ báo Taz (về thông tin bà Nhàn đang sống ở Đức- PV) với lý do là vì trên nguyên tắc dữ liệu cá nhân không được phép đưa ra ngoài. Tuy nhiên theo điều tra của phóng viên tờ Taz thì một số cơ quan ở Đức đang bận rộn với vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Cụ thể là Việt Nam đã gửi cho Đức đơn yêu cầu dẫn độ bà Nhàn nhưng Sở Tư pháp Liên bang Đức đã bác bỏ đơn này. Sở Tư pháp Liên bang Đức đã xác nhận có đơn xin dẫn độ bà Nhàn từ phía Việt Nam. Họ có nói rõ nguyên nhân là kể từ khi mà vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra vào năm 2017, tất cả những đơn xin dẫn độ về Việt Nam đều bị từ chối.” Phóng viên RFA gửi email cho Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao Đức để đề nghị họ bình luận về các thông tin của tờ báo Taz về trường hợp bà Nhàn, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa phản hồi email của phóng viên hỏi về các thông tin của tờ báo Đức, liên quan đến bà Nhàn. Taz -  một tờ báo độc lập thuộc về một tổ hợp của hơn 18.000 thành viên đầu tư góp sức cho tự do báo chí, cho biết thêm cơ quan an ninh của Đức đã liên lạc trực tiếp với bà Nhàn và cảnh báo về việc bà này đang bị cơ quan mật vụ Việt Nam truy tìm, ông Hiếu Bá Linh nói. Trường hợp bà Nhàn có nhiều điểm tương đồng với cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh, người bị bắt cóc bởi an ninh Việt Nam ngay giữa trung tâm Berlin năm 2017 sau khi Chính phủ Đức từ chối đề nghị dẫn độ. Về nguy cơ bà Nhàn bị mật vụ Việt Nam bắt cóc, ông Hiếu Bá Linh nhận định: “Không thể nào loại trừ khả năng bà Nhàn bị bắt cóc, mặc dù sau khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam đã bị một thảm họa ngoại giao tức họ bị Đức trừng phạt ngoại giao ít nhất một năm và sau đó mới bình thường lại. Nguy cơ đó là có thật vì thứ nhất theo những thông tin của Taz thì cơ quan mật vụ của Việt Nam biết bà Nhàn đang ở Đức. Thứ hai là cường độ truy tìm bà Nhàn rất gắt gao.”  Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ biên của trang tin Thoibao.de có trụ sở ở Berlin, cho RFA biết sau khi tờ báo trực tuyến bằng tiếng Việt của ông đưa tin về việc bà Nhàn đang sống ở Đức, nhiều tai mắt của Toà Đại sứ Việt Nam ở Berlin tích cực tìm kiếm thông tin về nữ doanh nhân này. Ông Lê Trung Khoa đánh giá về nguy cơ bà Nhàn bị bắt cóc là rất lớn. Ông nói: “Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là đầu mối rất quan trọng đặc biệt cho những vụ án lớn ở Việt Nam và những vụ buôn bán vũ khí có liên quan đến quan chức cấp cao hàng đầu Việt Nam cho nên Việt Nam sẽ bằng mọi cách để đưa vào Nhàn về Việt Nam. Tầm quan trọng của bà ấy gấp nhiều lần ông Trịnh Xuân Thanh trước đây.” Sau khi Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người chuẩn bị ra toà án di trú Đức xem xét về đơn xin tị nạn chính trị, Đức đã trục xuất hai nhân viên ngoại giao của Toà Đại sứ Việt Nam ở Berlin. Quan hệ đối tác chiến lược của hai quốc gia cũng bị đóng băng và mới được hâm nóng gần đây. Tuy nhiên, một vụ bắt cóc thứ hai, ở đây là trường hợp bà Nhàn, sẽ có hậu quả nghiêm trọng hơn, theo nhà báo kỳ cựu Hiếu Bá Linh. “Nếu xảy ra một vụ bắt cóc lần thứ hai ở nước Đức, hậu quả nó sẽ lớn hơn nhiều so với hậu quả về ngoại giao mà sáu năm trước đây, sau khi Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nước Đức đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam cam kết không bao giờ tái diễn tình trạng này. Lần trước có một cân nhắc là nước Đức sẽ trục xuất ông Đại sứ của Việt Nam chứ không chỉ hai nhân viên ngoại giao. Lần này nếu xảy ra bắt cóc, ví dụ bắt cóc bà Nhàn, chắc chắn Đức sẽ trục xuất Đại sứ Việt Nam tại Đức. Song song đó, quan hệ ngoại giao hai nước sẽ bị đóng băng lại.” Dẫn nguồn tin từ công an và các cơ quan tố tụng Việt Nam, báo chí nhà nước viết rằng bà Nhàn bị truy tìm và kết án vắng mặt vì các phi vụ đấu thầu mờ ám trong nhiều dự án lớn ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh - nơi ông Phạm Minh Chính làm Bí thư tỉnh uỷ thời gian đó. Tuy nhiên, truyền thông Israel được tờ báo của Đức dẫn lời cho rằng đằng sau lệnh bắt giữ bà Nhàn là cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc mua vũ khí, vì bà Nhàn là người môi giới các thương vụ vũ khí quan trọng giữa Việt Nam và Israel. Israel đã và đang là một nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam, với nhiều loại vũ khí đắt tiền như máy bay không người lái (drone), hệ thống phòng không, xe tăng hoặc tên lửa. Bình luận về liên quan giữa bà Nhàn với quân đội Việt Nam và sự bảo vệ chu đáo của chính quyền Đức, nhà báo Hiếu Bá Linh nói: “Các cơ quan an ninh của Đức có thể nói là - hiện nay không chỉ cảnh báo bà Nhàn không thôi, mà còn có những biện pháp bảo vệ bà Nhàn. Từ đó có những phỏng đoán hoạt động của bà Nhàn dính dáng đến tình báo, có nắm được những bí mật của phía Việt Nam, thành thử ra họ muốn bảo vệ bà Nhàn để khai thác những tin tức đó.” Ông cho rằng mật vụ của Việt Nam không còn được tự do hoạt động ở Đức sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vì cơ quan an ninh và cảnh sát Đức đã không còn chủ quan với mối hiểm hoạ đến từ quốc gia độc đảng ở Đông Nam Á. Thêm nữa, Đức đã huỷ bỏ Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao với Hà Nội, khiến mật vụ Việt Nam không còn tự do sử dụng hộ chiếu ngoại giao để nhập cảnh vào Đức. Tuy nhiên, nhà báo Lê Trung Khoa cho rằng lực lượng mật vụ mà Việt Nam cài cắm ở Đức và các quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu còn nhiều và khả năng gây mất an ninh của mạng lưới mật vụ Việt Nam vẫn còn lớn. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/germany-warns-vietnam-about-its-willing-to-kidnap-businesswoman-nguyen-thi-thanh-nhan-08082023075628.html  
......

Hàn quốc xứng đáng là một cường quốc

Bạch Cúc Thật không may, thời gian họp Trại Hướng Đạo Thế Giới tại Hàn Quốc với hơn 45.000 người ở 158 quốc gia cùng tham dự đã chịu sự bất lợi về thời tiết. Đúng thời điểm này Hàn Quốc đang phải hứng chịu một đợt nắng nóng kỷ lục. Hầu hết trại sinh của các quốc gia Châu Âu + Mỹ đã rất khó khăn để thích nghi dưới cái nắng gay gắt và dữ dội nên đã phải rời trại. Chính phủ Anh, Mỹ... đã phải quyết định đưa đoàn của mình đến một nơi khác để đảm bảo sức khỏe cho đoàn sinh vì đã có rất nhiều trại sinh phải cấp cứu vì sốc nhiệt!    Thông tin từ đoàn Việt Nam cho hay: các đoàn sinh vẫn trụ vững về sức khỏe và cả sự nhiệt huyết. Tuy nhiên, các hoạt động ngoài trời bị giảm bớt và cắt bớt rất nhiều, các em chủ yếu ở trong lều và vẫn sinh hoạt với rất nhiều hoạt động lý thú + giao lưu cùng các nước bạn. Tuy nhiên, trên các trang mạng đã lan truyền khá nhiều thông tin "phẫn nộ" về sự yếu kém trong khâu tổ chức của chính phủ Hàn Quốc, khiến tôi ít nhiều cũng lo lắng cho đoàn Việt Nam. May thay, thông tin phản hồi từ đoàn VN khẳng định chính phủ Hàn Quốc đã dốc hết sức làm mọi cách để đối phó với cái nắng gay gắt, ví dụ: tạo nên các mảng xanh bằng những vật liệu chịu nhiệt cấp tốc, tăng cường dinh dưỡng đến mức dư thừa thực phẩm, cung cấp đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho trại sinh!   Chúng ta có thể hiểu và đồng cảm cho Hàn Quốc. Để tổ chức một Trại Họp Bạn Quốc Tế có quy mô và số lượng lớn nhất từ trước tới nay ắt hẳn khâu chuẩn bị vô cùng khó khăn và vất vả. Và nếu có những sự cố ngoài ý muốn, những đáp ứng không hoàn hảo thì cũng rất nên phải thông cảm cho họ bởi: làm sao chu đáo hoàn thiện, không sơ sót cho được khi phải đón tiếp 45.000 người tụ họp về một nơi với những hoạt động kéo dài tới 12 ngày. Ấy vậy mà, những khó khăn đã không dừng lại ở đó:   Ngay trong lúc này, Hàn Quốc dự báo sẽ phải hứng chịu siêu bão - Khanun!   Trại Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới đã phải sơ tán khẩn cấp. Thông tin này khiến tôi phải rơi nước mắt vì tiếc và lo lắng nhưng không còn cách nào khác: an toàn và tính mạng con người là quan trọng nhất và tôi phải khâm phục đất nước Hàn Quốc bởi:   Để đối phó với cơn bão, họ đã phải sơ tán người dân của rất nhiều vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Bão có thể làm thiệt hại đến cơ sở vật chất, hạ tầng và nhất là tính mạng của người dân. Ấy vậy mà, ngoài việc chuẩn bị đối mặt với siêu bão, họ còn phải đảm bảo an toàn cho 45.000 người của 158 nước bạn. Đây không còn gọi là việc bắt buộc phải làm mà còn là danh dự quốc gia của Hàn Quốc!   Tôi thiết nghĩ: tổng thống Hàn Quốc và bộ máy Chính phủ của ông ấy đã và đang làm việc hết tốc lực, huy động mọi nguồn lực để đối phó với siêu bão và sắp xếp chỗ di trú - di tản Trại Họp Bạn. Đất nước này dự báo sẽ đối diện với thảm họa của thiên nhiên mà vẫn phải ưu tiên hàng đầu cho 45.000 người của 158 quốc gia đang có mặt tại Hàn Quốc. Trách nhiệm này vô cùng lớn lao, nó mang tính Quốc Thể: là danh dự, uy tín của quốc gia trên mọi phương diện, nhất là trong quan hệ với 158 nước bạn, và: chắc chắn Hàn Quốc sẽ làm được và làm tốt hơn cả mong đợi!   Ngay tối nay, đoàn Việt Nam đã di trú về thành phố Daejeon gần Seoul. Các em vẫn được tham dự các hoạt động bổ ích trong nhà, tham quan Seoul và các vùng lân cận. Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết làm tất cả mọi thứ tốt nhất để phục vụ cho 45.000 người phải di tản khỏi Trại Họp Bạn. Thông tin cho hay đoàn Việt Nam đã được bố trí nơi ở rất tốt, sạch sẽ và tiện nghi, được cung cấp thực phẩm và suất ăn chất lượng tuyệt hảo. Đây là một nỗ lực vô cùng lớn lao cho thấy cái tầm và tâm của đất nước Hàn Quốc! Cũng thật tiếc khi Trại Họp Bạn Thế Giới phải thay đổi toàn bộ kế hoạch, lịch trình vì lý do thiên tai khẩn cấp, nhưng trong ít ngày qua các em cũng đã được tham dự rất nhiều hoạt động lý thú. Dù sao đây cũng là trải nghiệm chỉ có 1 lần duy nhất trong cuộc đời và sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm trí các em suốt cuộc đời còn lại!   Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho Hàn Quốc, mong cho cơn bão chóng qua đi và không để lại thiệt hại nặng nề. Bài viết này như lời cảm ơn đến Tổng Thống và Chính phủ Hàn Quốc: trong những ngày qua đích thân vợ chồng Tổng Thống đã đến Trại Họp Bạn để khai mạc, vấn an, và xin lỗi vì đã có những sự cố đáng tiếc xảy ra do vấn đề khắc nghiệt của thời tiết. Và cho tới nay, với những gì Hàn Quốc đang thể hiện để đối phó lại với siêu bão, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn, chất lượng sinh hoạt cho 45.000 người của 158 quốc gia thì đã đủ chứng tỏ:   Hàn Quốc xứng đáng là một cường quốc! *** Bạch Cúc TRẠI HỌP BẠN HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI Chúc mừng con trai, con đã qua tới Hàn Quốc để tham dự Trại Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới (World Scout Jamboree) lần thứ 25 (1.8 - 12.tại khu vực đê chắn sóng dài nhất thế giới Saemangeum thuộc tỉnh Bắc Jeolla. Trại Họp Bạn Hướng Đạo TG diễn ra 4 năm một lần, đây là lần thứ 2 Hàn Quốc đăng cai tổ chức, lần đầu vào năm 1991. Sự kiện lần này có quy mô tham gia cao kỷ lục, với hơn 45.000 thanh thiếu niên đến từ 158 nước.   Hướng Đạo (Scout Movement) là một phong trào thanh thiếu niên có phạm vi toàn cầu với mục đích giúp giới trẻ trong việc phát triển tâm linh, tâm trí, sức khỏe, hoàn thiện mọi kỹ năng sống nhằm mục đích xây dựng xã hội. Trước 1975, phong trào Hướng Đạo tại VN phát triển mạnh mẽ, là thành viên của Tổ chức phong trào Hướng Đạo Thế Giới. Nhưng sau 1975, hoạt động này bị cấm tại VN và gần đây mới được khôi phục lại, nhưng hình như vẫn chưa được cấp phép hoạt động chính thức. Do thế, với hơn 300 thanh thiếu niên của Đoàn VN có mặt tại Hàn Quốc dự trại họp mặt Quốc tế lần này, đó là một sự kiện to lớn và là một nỗ lực vô cùng lớn lao của những người nhiệt tâm, những "Viên gạch lót đường" đã đóng góp cả cuộc đời, cố gắng hết sức khôi phục lại phong trào Hướng Đạo tại VN. Tôi thật lòng tri ân họ !   Điều kiện để được tham dự trại Hướng Đạo Quốc tế vô cùng nghiêm ngặt, họ giới hạn độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, xê dịch 1 ngày cũng không được. Và 4 năm mới tổ chức một lần + rất nhiều điều kiện khác thế nên có những em, có những người đã tham gia phong trào Hướng Đạo cả đời cũng không có cơ hội được tham dự. Nhất là từ sau 1975 đến nay, sau 48 năm bị cấm đoán, Đoàn Hướng Đạo VN đã làm đơn với sự can thiệp của Quốc tế để xin gia nhập lại tổ chức Hướng Đạo Thế Giới. Và đây là lần thứ 2 nhưng chính thức là lần đầu tiên Đoàn Hướng Đạo VN tham dự một cách mạnh mẽ với hơn 300 đoàn viên có mặt tại Trại Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới lần thứ 25 tại Hàn Quốc. Vậy nên, đây là một cơ hội quý giá, một may mắn và cả niềm tự hào không những của riêng mẹ con tôi mà còn là của tất cả thành viên Đoàn Hướng Đạo VN!...   Chia sẻ thật lòng với các bạn, tôi không ép con học thật giỏi để lấy thành tích ở trường mà tôi cố gắng cho con học các kỹ năng sống, bổ sung những điều cần thiết và vô cùng quan trọng để đứa nhỏ có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Động viên và ủng hộ con tham gia phong trào Hướng Đạo là một quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi. Việc tham dự sinh hoạt Hướng Đạo là hoàn toàn miễn phí, và con tôi được học rất nhiều kỹ năng để trưởng thành và ra đời làm công dân tốt của xã hội.   Tôi khuyến khích các bạn hãy cho con em mình tham dự Hướng Đạo, đứa trẻ sẽ nhận lại được những lợi ích vô cùng to lớn không thể đong đếm được. Hiện nay ở các tỉnh thành đều có những đội nhóm Hướng Đạo sinh hoạt ở công viên thường xuyên vào chủ nhật, bạn hãy đăng ký và trao cho con mình một cơ hội trưởng thành hiếm có này.   Cuối cùng, mẹ chúc con trai có 14 ngày trải nghiệm quý giá tại Hàn Quốc, con được mở mắt nhìn ra thế giới và được giao lưu văn hóa với 158 nước bạn cùng tham dự. Mẹ vô cùng hạnh phúc vì đây là một cơ hội lớn cho cả cuộc đời con mà người khác khó có thể có được. Chắc con đã biết chúng ta vất vả thế nào trong hơn 1.5 năm qua để chuẩn bị cho chuyến đi này: từ rèn luyện thể lực, trau dồi kỹ năng cho đến việc dành dụm tài chính. Con hãy tận hưởng từng giây phút quý báu này vì nó chỉ đến 1 lần duy nhất trong cuộc đời con. Các con hãy nỗ lực hết sức mình trong tất cả mọi hoạt động để ngang tài ngang sức cùng 152 nước bạn nhé!   Xin chân thành cảm ơn những lão thành đã khôi phục phong trào Hướng Đạo tại VN; Những thành viên của Ban tổ chức đã đấu tranh không mệt mỏi để được cấp phép chuyến đi này; Những cô chú, anh chị Huynh trưởng Hướng Đạo Sài Gòn và nhất là tại Đà Nẵng... Tất cả vì lòng nhiệt tâm đã giúp sức hết mình cho các em tới Hàn Quốc thuận lợi và bình an.   Xin tri ân tất cả   https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10223203757746739&id=1367142784&mibextid=Nif5oz Bạ
......

Chuyến bay ăn cướp

Trần Mai Trung  Vụ án "chuyến bay giải cứu", hoặc là "chuyến bay ăn cướp", được dự định kéo dài 1 tháng. Nhưng mới đi được 2 phần 3 đoạn đường thì Tòa cho chấm dứt phần tranh luận và vội vã tuyên án. Lý do là phiên tòa đã phản tuyên truyền. Đảng cộng sản muốn vẽ ra hình ảnh là đảng chống tham nhũng nhưng các hành vi tham nhũng có tổ chức của nhiều đảng viên lại cho thấy đảng cộng sản là đảng tham nhũng. Vụ án "chuyến bay ăn cướp" có sự tham gia của nhiều đảng viên cao cấp trong các cơ quan ở trung ương như Thứ trưởng Ngoại giao, Cục trưởng Lãnh sự, Thư ký Thứ trưởng Y tế, Cục phó Xuất nhập cảnh Bộ công an, Vụ trưởng Văn phòng chính phủ, v.v. Nó cũng có sự tham gia ở các địa phương như Phó chủ tịch Hà Nội, Phó giám đốc công an Hà Nội, Phó chủ tịch Quảng Nam. Nó cũng lan ra nước ngoài như Đại sứ Việt Nam tại Mã Lai, tại Nhật Bản. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, như Cục phó Xuất nhập cảnh Trần Văn Dự nói: tại số đen nên mới bị bắt. Ông ta nói một cách tự nhiên vì thấy các đồng chí chung quanh và cấp trên cũng ăn nhiều trong các phi vụ khác nhưng vẫn tiếp tục làm lãnh đạo. Đảng cộng sản độc tài, không cho người dân có quyền phê bình đảng, làm video "Thánh rắc hành" cũng bị bắt vào tù, cho nên tệ nạn tham nhũng ngày càng phát triển không kiểm soát và trở thành đảng tham nhũng. Việt Nam có nhiều người đi xuất khẩu lao động và du học sinh. Khi đại dịch Covid xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, rồi lan ra khắp thế giới thì các hãng xưởng và trường học bị đóng cửa trong nhiều tháng. Không có tiền lương và không đủ tiền trả các chi phí ở nước ngoài nên nhiều người cần trở về nước, đa số là công nhân xuất khẩu lao động và du học sinh, họ là công dân Việt Nam chứ không phải Việt kiều tị nạn "khúc ruột ngàn dặm". Khi có chiến tranh hoặc dịch bệnh thì việc đưa công dân của mình về nước là nhiệm vụ của chính phủ. Các quốc gia đều tiến hành việc này một cách bình thường, Việt Nam thì xem đó là chiến công "ngạo nghễ"! Tệ hại nhất là các quan chức cộng sản đã lợi dụng giai đoạn khó khăn này như cơ hội làm tiền. Người không có tiền mới cần về, thì vì không có tiền mà không được về, phải sống vất vưởng ở xứ người. Công dân Việt Nam còn bị đối xử như vậy thì Việt kiều tị nạn đừng mơ tưởng đảng và nhà nước thương nhớ "khúc ruột ngàn dặm", họ chỉ thương nhớ tiền ở trong túi Việt kiều mà thôi. Ở Mã Lai có gần 2.000 công dân Việt Nam bị tù mấy năm nay, họ là ngư dân bị bắt trong hải phận Mã Lai, là những người qua đó lao động chui hoặc hành nghề mại dâm. Khi mãn hạn tù, nếu gia đình có tiền gởi qua thì họ mua được vé để về, nếu gia đình nghèo thì họ đành "tạm trú" trong ... trại tù, chính sách bảo hộ công dân của đảng và nhà nước không giúp họ 1 đồng. Đảng cộng sản thường tuyên truyền là tranh đấu cho người nghèo nhưng trong trường hợp này thì thấy đảng đã nói láo. Lúc bình thường, người dân đã khó khăn để mua vé về nước. Khi Covid đến, Đại sứ Việt Nam tại Mã Lai là Trần Việt Thái chỉ đạo tăng giá vé, thu thêm tiền để ăn chia trong Sứ quán, cái khẩu hiệu "phục vụ nhân dân" chỉ có trên sách báo. Trong phiên tòa "chuyến bay ăn cướp", Thái bị phạt 4 năm tù. Đúng ra Thái phải bị phạt 2.000 năm tù cho tương xứng với sự đau khổ của 2.000 đồng bào ở Mã Lai. Tháng 2-2023, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc công an Hải Phòng, bị cáo buộc nhận tiền chạy án 35 tỉ đồng từ trùm buôn hóa đơn Trương Xuân Đước. Người ta tìm thấy đường dây chạy án này đã có từ thời ông Ca đang làm công an. Trong vụ án "chuyến bay ăn cướp", Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc công an Hà Nội, bị cáo buộc nhận tiền chạy án 2,65 triệu USD (60 tỉ đồng) từ công ty Bluesky (Bầu trời xanh). Hai đường dây bị lộ này cho thấy tệ nạn chạy án là có thật và các đường dây chạy án có sự tham gia của mấy ông Tướng công an. Tham nhũng phát triển ngày càng lớn trong chế độ cộng sản, từ một số đảng viên lên đến nhiều đảng viên, lên đến nhiều đường dây, nhiều phe đảng. Khi lấy tiền thì những người trong đường dây chia nhau tiêu xài. Khi bị lộ thì cấp trên đổ tội cho cấp dưới, bắt cấp dưới làm con dê tế thần. Thiếu tướng công an Tuấn nhận tiền chạy án, rồi nói là gởi hết cho Trung tá công an Hoàng Văn Hưng, Tuấn chỉ làm trung gian ăn 0 đồng, bắt đàn em Hưng gánh hết tội lỗi. Phiên tòa cũng bộc lộ cho thấy các lãnh đạo cộng sản đã tham nhũng và giàu có như thế nào. Trong một thời gian ngắn, Thiếu tướng công an Tuấn đã nộp lại 1,8 triệu USD (40 tỉ đồng), tương đương với tiền lương 200 năm của Tuấn. Số tiền đó từ đâu ra? Tuấn đã ăn tiền chạy án nhiều lần trong quá khứ? Những vụ án nào đã bị xử oan sai vì sự chạy án của Tuấn? Các câu hỏi này sẽ được Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho chìm xuồng để không làm vỡ bình. Ông Trọng gọi những đảng viên tham nhũng là những con chuột. Nhìn các đảng viên như Anh Dũng, Hương Lan, Xuân Dũng, Anh Tuấn, Việt Thái, v.v. và các đảng viên trong các phi vụ Việt Á, Đăng kiểm xe máy, Thuốc tây giả, AIC, AVG, v.v. và nhiều đảng viên tham nhũng bị nhân dân biết nhưng không bị đảng kêu tên nên vẫn tại vị, thì thấy đảng cộng sản có nhiều chuột hơn người. Trọng nói bóng bẩy: đánh chuột nhưng không làm vỡ bình. Nghĩa đen là đánh chuột nhưng không được đụng tới ổ chuột. Như vậy thì chuột sẽ còn hoài, đánh vài con chuột thì bọn chúng lại sinh đẻ ra con khác. Người Việt Nam muốn đất nước mình sạch sẽ, xinh đẹp nhưng không hiểu tại sao cứ ngồi nhìn bọn chuột chạy tới chạy lui mà không làm một cái gì. Hi vọng một ngày không xa, người dân sẽ đứng dậy, cầm chổi đuổi bầy chuột, quét luôn cả ổ chuột để đất nước Việt Nam được sạch sẽ./.    
......

Dư âm bản án sơ thẩm chuyến bay giải cứu!

  Thao Ngoc Sau 12 ngày thẩm vấn và tranh luận, 6 ngày nghị án, chiều 28-7 TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 54 bị cáo, sớm hơn so với quỹ thời gian 30 ngày dự kiến.   Tuy vụ án tạm khép lại, bản án đã được tuyên, nhưng dư luận không ngớt bàn tán xôn xao về phiên tòa đặc biệt và kỳ lạ này.   Từ khi cái lò tôn được cụ Tổng mở ra, thì những thanh củi bị đốt hầu hết là cán bộ đảng viên. Từ Ủy viên BCT, đến hàng loạt tướng công an và quân đội nhung nhúc chen chúc vào lò. Vì chỉ có cán bộ đảng viên mới có điều kiện tham nhũng. Điển hình là Nguyễn Đức Chung. Khi còn đương chức đương quyền, hét ra lửa mửa ra khói, ông ta to mồm đề nghị QH sửa luật cho xử tử hình những tội phạm kinh tế lớn. Nhưng chính ông ta sau đó lại dính rất nhiều án kinh tế với số tiền cực lớn.   Như vậy có thể nói: Đây là phiên tòa của những người chưa bị lộ, xử những người đã bị lộ.   Khi việc chạy án đã trở thành quốc nạn, có mặt ở mọi lúc mọi nơi, từ cấp thấp đến cấp cao, thì việc tống củi vào lò gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy tham nhũng có mặt khắp các bộ ngành, từ trung ương đến địa phương. Ngay trong ngành chống tham nhũng lại là cái ổ tham nhũng nhiều nhất. Hay nói như Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh rằng: “Tham nhũng vẫn ổn định”.   Vấn đề đóng tiền để khắc phục hậu quả không thể dùng những đồng tiền bẩn của bọn ăn cướp, cho chúng nộp tiền để chuộc tội. Như vậy sẽ tạo thành tiền lệ nguy hiểm. Cứ ăn cướp ăn chặn cho nhiều, nếu không may bị lộ thì nộp vào một ít là mọi sự sẽ yên. Như thế là “hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Vì chúng là những kẻ bằng cấp và chức vụ đầy mình, luôn rao giảng đạo đức và nhân nghĩa, thì lại càng phải áp dụng hình phạt cao hơn để làm gương   Bản án được tòa tuyên với các bị cáo cho thấy sự phân hóa rõ rệt hành vi phạm tội và rất khác. Tòa tuyên bốn án chung thân nhóm nhận hối lộ và chạy án, còn nhóm doanh nghiệp có 10 người được hưởng án treo. Trước tòa, không ít bị cáo là quan chức có nhân cách rất đáng khinh. Thái độ hèn hạ. Từng là những kẻ quyền uy, vậy mà khi đứng trước tòa thì mếu máo run như cầy sấy. Nhiều bị cáo khác tuy có nhận tội nhưng lại lập lờ, đánh tráo khái niệm, cho rằng mình phạm tội là do hoàn cảnh đưa đẩy, do các doanh nghiệp tự nguyện biếu xén, hoặc do nhận thức kém, thiếu am hiểu pháp luật, cầm tiền của doanh nghiệp như "quà cảm ơn".   Nhận hối lộ số tiền lớn, rất lớn, đặc biệt lớn.   Đây là vụu án phạm tội có tổ chức, nhiều lần, lợi dụng chức vụ để kiếm tiền trong thảm hoạ đại dịch. Vậy mà không có tên tội phạm nào bị tuyên phải “dựa cột”. Thế mới tài. Tiên sư anh Tào Tháo. Vịt lên giá một cách khủng khiếp.   Có người đã ví von những bản này khi so sánh vụ án kẻ trôm vịt trước đây.   Báo Dân trí ngày 17/03/2017 có bài: “Kiên Giang: Một thanh niên lãnh 7 năm tù… vì bắt 1 con vịt về nhậu”.   Theo đó: Ngày 16/3/2017, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành (Kiên Giang)tuyên xử Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1997, trú ấp Phước Chung, xã Mong Thọ) 7 năm tù về hành vi “cướp tài sản”.   Trong vụ án này: Nguyễn Quang Linh, trợ lý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, nhận hối lộ 180.000 USD cùng 100 triệu đồng, bị phạt 7 năm tù, tương đương một con vịt.; Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, bị phạt 7 năm tù, tương đương một con vịt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận hối lộ 5 tỷ đồng, bị tuyên 6 năm tù, chưa bằng một con vịt.   Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ, 8 lần nhận số tiền hơn 3,6 tỷ đồng, tòa tuyên 6 năm tù, gần bằng một con vịt. Đặc biệt là Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội,nhận hối lộ 2 tỷ đồng, bị tuyên 3 năm tù, chưa bằng nửa con vịt.   Vì vậy mà dư luận cho rằng: “Tội to như con voi, án nhỏ như con kiến”.   Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng cần thông cảm cho tòa, vì đây là vụ án tham nhũng, xử các cán bộ đảng viên. Mà như ông chủ lò tôn đã nói rằng: “Chống tham nhũng khó là vì tự ta đánh vào ta...”. Vì vậy nhân dân cần thông cảm cho tòa, vì tuy chưa dám đánh vào đầu, nhưng “tắm từ vai trở xuống” là có tiến bộ lắm rồi.   Khi ba luật sư nhân quyền trong vụ Tịnh thất Bồng Lai là Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân trốn ra nước ngoài lánh nạn, có người nói rằng như vậy là từ nay Công Lý không còn tồn tại trên đất nước VN. Nói như vậy là chưa chính xác. Thực ra Công Lý vẫn tồn tại trên đất nước VN. Nhưng đang đóng vai… Anh hề.   tn 31/7
......

Tí chết… với báo chí Việt Nam

Loc Duong   Không kịp đọc hết bài báo, hắn hộc tốc tự ý rời khỏi sở làm, phóng chiếc ô tô con mới tậu, lái một mạch thẳng về nhà. Thôi thế là tan nát hết rồi: Sự nghiệp, tiền của tích góp, những dự tính cho tương lai... Đời người đúng là phù du. Giờ đây chỉ cốt làm sao giữ cho được mạng sống. Vợ hắn thấy hắn về giữa giờ, mắt cứ tròn xoe lên. Hắn quát : - Nhìn gì? Gom một ít quần áo rồi ẵm con ra xe mau lên. - Đi đâu? Chuyện gì thế? Điên à? - Chẳng điên gì xất. Ra xe mau. Còn thằng Tường với con Khanh đâu? - Ơ hay. Chúng nó đi học chứ đâu. Cái lão này hôm nay làm sao ấy nhỉ. - Trăng sao gì. Ch.ết tới nơi rồi đây này. Mở mắt ra mà đọc đi. Vợ hắn lập cập mở tờ báo mà hắn vừa quăng ra. Đập vào mắt thị là cái tít : “Thắng kịch tính Syria, Việt Nam gi.ẫm nát cả vũ trụ dưới chân mình, vận nước đang bay khỏi trái đất”. - Ôi giời ơi! Gi.ẫm nát cả vũ trụ... Thôi thế thì ch.ết như kiến thật rồi, làm sao bây giờ đây ông? Hay có khi nào báo chí chỉ đăng láo lếu vậy thôi? - Chuyện. Đúng là đàn bà. Láo lếu mà báo đảng cho đăng à? Thằng viết láo thì còn phải qua thằng biên tập. Rồi Tổng biên tập có duyệt mới cho đăng được chứ. Đăng láo thế nào được. Lúc này vợ hắn mới quýnh quáng lên. Người run lập cập, vừa gom ít quần áo cho vào túi xách vừa hỏi: - Mình đi xuống địa đạo Củ Chi trốn hả anh. - Củ Chi chỉ tránh được khỏi bị gi.ẫm nát thôi, còn đằng này bay ra khỏi trái đất thì phải kiếm chỗ chắc chắn hơn. - Anh kiếm được chưa anh? Khổ thân tôi, hôm qua tôi lại mới cho con mẹ Lục mượn 50 triệu. - Kiếm rồi. Tôi có phôn cho người bạn ở Nguyên Tử Lực Cuộc Đà Lạt, nó bảo ở đây có căn hầm kiên cố xây từ hồi Mỹ, chắc là để tránh b.om nguyên tử. Trên đường đi tới trường đón hai đứa con, hắn phóng tẹt ga, cảnh sát giao thông bây giờ chẳng còn nghĩa lý gì. Thỉnh thoảng hắn lại phải ghé chỗ này chỗ kia để mua các món mà vợ hắn cho là cần đến trong lúc trú ẩn dưới hầm. - Phải mua thùng mì tôm với lại bĩm cho bé Bành. - Mua thêm bao cao su nữa anh ạ, trong ví em còn có 4 cái. Loay hoay tới tối xe hắn mới ra khỏi thành phố. Kẹt xe khủng khiếp ở xa lộ, phải tấp vào lề ngủ qua đêm. Đã thế, lúc tới đèo Bảo Lộc thì tắc đường, hai chiếc xe khách đấu đầu nhau ngay khúc cua giữa đèo. Cho nên mãi tới chiều hôm sau xe hắn mới tới được Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt. Hắn ngạc nhiên khi nhìn thấy người bạn vẫn đang ung dung ngồi uống cà phê, đọc báo trước cổng cơ quan. Thấy khuôn mặt hớt hải của vợ chồng hắn, người bạn cười bắn cả cà phê xuống áo: - Thôi ông về đi. Hết ch.ết rồi. Với tỷ số 3-1, tụi Hàn Quốc nó cứu cả vũ trụ đấy. Nó kéo Việt Nam mình về với mặt đất đầy ô nhiễm này rồi. Bây giờ có lẽ các ông tuyên giáo cùng với bọn bồi bút óc bằng trái nho đang vỡ oà mắc cở với những câu chữ láo toét của mình. Nhưng hắn tự hỏi vấn đề quan trọng là những tay viết báo ở Việt Nam có còn biết mắc cở với chính mình hay không ? Loc Duong  
......

Đảng và Chính phủ Việt Nam phải xin lỗi người dân về vụ “Chuyến bay giải cứu”

Quốc Phương, RFA Để xảy ra đại án nghiêm trọng ‘Chuyến bay giải cứu’ mà tòa sơ thẩm ở Việt Nam đang nghị án trong tuần này, hay vụ Que thử Việt Á, mà không có quan chức lãnh đạo cấp cao nhất nào đứng ra xin lỗi người dân, liệu Chính phủ Việt Nam có quá coi thường nhân dân hay không? Đó là câu hỏi được công luận Việt Nam nêu ra. Theo giới quan sát thời sự, chính trị Việt Nam trong nước, câu hỏi đó hoàn toàn ‘chính đáng’ và lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam cần sớm có lời giải đáp. “Xét xử là về mặt ‘lý’ hay pháp lý, ai sai thì phải đưa ra tòa, còn chính phủ cũng là những con người, để cho trọn vẹn lý tình, phải có động tác xin lỗi. Đúng với ứng xử bình thường của con người, anh sai thì anh phải đền bù đã đành, nhưng anh phải có lời xin lỗi, như trong ứng xử của cuộc sống, tôi nghĩ như thế,” ông Phạm Viết Đào, cựu quan chức cấp từng làm việc trong cơ quan thanh tra thuộc Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao của Việt Nam thời kỳ trước đây nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 24/7/2023 từ Hà Nội, trên quan điểm riêng. “Tùy theo cán bộ sai phạm trong vụ án ở cơ quan nào, nếu ở cơ quan đảng, thì đảng phải đứng ra xin lỗi, còn gây cho ai, thì phải xin lỗi đối tượng đó. Ở Việt Nam hiện nay, đảng và chính quyền là một, ông vừa là quan chức của chính quyền, của đảng, thì đều phải xin lỗi nhân dân; và người nào ở chỗ nào, gây ra lỗi ở chỗ nào, thì phải xin lỗi ở chỗ đó, như thế mới là hợp lý và thấu tình.” Bình luận về việc chậm đưa ra lời ‘xin lỗi’ của ban lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam, liên hệ thêm vấn đề và ‘đền bù’ trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, ông Phạm Viết Đào nói: “Cái này là do ở Việt Nam, mọi ứng xử ở trong nước đối với vấn đề quản lí, quản trị là chưa trọn vẹn. Tôi theo dõi vụ án giải cứu này, Viện Kiểm sát cũng không nói gì đến việc đền bù cho người bị hại, và ngay những người bị hại cũng không có đại diện trong phiên tòa. Như thế không đúng, bởi vì tất cả số tiền hối lộ đó là lấy tiền của dân, lấy tiền của các nạn nhân, chứ không phải là lấy tiền của nhà nước. Bây giờ trung ương phải có đại diện và trong đường lối của Viện Kiểm sát giữ quyền công tố phải nghĩ đến chuyện tiền ấy phải xử lý như thế nào để người ta thấy rằng được đền bù, trả lại, vì chi phí cao hơn bình thường, và phải trả lại cho người dân thì mới là công minh.” ‘Bộ nào cấp phép, Bộ đó phải đứng ra đền bù’ Trả lời câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu không có sự ‘đền bù’ nào như được đề nghị hay kỳ vọng được đưa ra cho các nạn nhân mà số lượng theo truyền thông Việt Nam lên tới trên 200.000 người, qua trên 1.000 chuyến bay, ông Phạm Viết Đào nói: “Nếu không ‘ông tòa’ sẽ trở thành một ông ‘trấn (lột)’ khác à? Ông ấy lại còn cao cấp hơn các ông quan chức bị bắt sao? Điều ấy trong văn bản công tố của Viện Kiểm sát không thấy nói gì cả, để xem tòa xử lý thế nào, nếu tòa sơ thẩm không nói chuyện này, thì để cho tòa phúc thẩm xử chăng? Để xem tòa ứng xử ra sao, nhưng tôi thấy hình như là họ ‘quên’, họ ‘bỏ qua’ như những phiên tòa khác… Theo tôi, tòa này phải có người bị hại, tức là những người mua vé mà phải chịu giá cao, như vậy số tiền thu về, phải đền bù lại cho người dân, cái ấy phải là trách nhiệm của nhà nước đã lập ra phiên tòa, còn nếu không ông này lại ‘chén lại’ của ông kia, thì còn ra gì? Mà có phải là tiền của nhà nước đâu mà nhập vào (ngân sách) của nhà nước? Còn tất nhiên, về việc chi phí, thì nhà nước đã có chi phí của nhà nước rồi. Dù là một đồng hay một nghìn đồng, thì phải đền người ta, trả lại tiền cho người ta, còn nếu lợi dụng để chia nhau tiền đó là không được.” Về cách thức đền bù cụ thể, theo ông Phạm Viết Đào nói: “Đã thu về 130 mấy tỉ đồng Việt Nam, lại đã có Bộ Tài chính, các cơ quan lại có bộ phận tài chính và các hội đồng, … Tòa cần giao cho các ban, bộ, như là Bộ Giao thông thu tiền thì phải đứng ra, rồi Bộ Y tế cũng phải đứng ra mà làm theo trách nhiệm của họ. Làm sai thì phải sửa, chứ ai làm hộ? Và đúng ra là trong xử án, thì phải có nội dung nói rằng việc này phải đền bù và giao cho bộ phận nào phải đứng ra xử lý theo quy trình của dân sự để đền bù, chẳng hạn Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông, Bộ Y tế và Bộ Công an, bốn bộ này phải đứng ra xử lý việc dân sự này. Bốn bộ này chịu trách nhiệm cấp phép (các chuyến bay), thì bây giờ các bộ đó phải làm. Còn nếu không làm việc đó thì tức là làm sai, tiền mà thu về để làm gì? Định xây tượng đài, hay định chia nhau? Bây giờ thu về 130 tỉ đồng VN, tuyên bố rồi, thì tiền đó bỏ vào đâu? Không thể nộp ngân sách được… Bây giờ đối với dân, chủ yếu là phải trả tiền người ta, phải minh bạch chuyện ấy,” ông Phạm Viết Đào nói.   ‘Phản bội niềm tin, phải xin lỗi nhân dân và nạn nhân bị lừa’ Cũng hôm 24/7/2023, từ Hà Nội, bình luận về câu hỏi đặt ra cần có một lời xin lỗi của lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam với người dân và các nạn nhân của vụ ‘Chuyến bay giải cứu’, một cựu cố vấn Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam, ông Trần Tiến Đức nói với RFA Tiếng Việt: “Tôi nghĩ rằng đấy là một câu hỏi rất chính đáng của người dân, vì vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ này kéo dài và không chỉ đụng chạm đến một, hai người mà nó ảnh hưởng đến khoảng 200.000 người dân, trong giai đoạn đại dịch Covid mà người ta ở nước ngoài thấy khó khăn và người ta muốn về nước để điều trị. Và chúng ta đều biết, việc này liên quan đến Văn phòng Chính phủ, đến năm Bộ, nếu tôi nhớ không nhầm, năm Bộ được thành lập một Tổ thường trực để xử lý tất cả vấn đề này. Như vậy, đến nay 54 người trong đó có các quan chức được đưa ra hầu tòa, và trong đó cũng có các bản án được đề nghị tử hình và các bản án nặng khác. Dư luận hoan nghênh việc đưa ra xét xử, nhưng người ta cũng thắc mắc rằng những người bị nạn là người dân, liệu sau vụ xử này, có được bồi hoàn gì không? Những khoản tiền mà người ta hoàn toàn tin tưởng vào nhà nước mà bỏ ra, mà bị mất tiền, thì bây giờ người ta được bồi hoàn như thế nào?” Về việc liệu lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam có đưa ra lời xin lỗi các nạn nhân và nhân dân hay không khi để xảy ra vụ việc trên, ông Trần Tiến Đức nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng sau phiên tòa, chính phủ và các bộ liên quan sẽ phải trả lời trước công luận và trả lời trước nhân dân về chuyện này. Những người cầm quyền phải làm, ngày xưa tôi nghĩ là hình như cụ Hồ đã có những lần đứng lên xin lỗi nhân dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Tôi nghĩ rằng đấy là một chuyện bình thường thôi, việc mà các quan chức trong chính phủ để xảy ra những chuyện, những hành vi vi phạm luật pháp mà sâu rộng như thế, mà ảnh hưởng đến uy tìn của chính phủ, thì xin lỗi là một điều tất yếu.” Theo ông Trần Tiến Đức, vấn đề quản lý khủng hoảng đã không được giảng dạy trong các trường dạy về quản lí công, hay các trường chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, và chính vì vậy rất nhiều cuộc ‘khủng hoảng’ đã được xử lý rất chậm, và ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng đã là một nhà nước pháp quyền, người có quyền hành thì đồng thời phải có trách nhiệm rất lớn, trách nhiệm giải trình trước cử tri, trước người dân, do đó tôi nghĩ rằng đó là một yêu cầu thích đáng của người dân.” Trước câu hỏi liệu Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN hay Quốc hội Việt Nam và hay cơ quan bộ, ban ngành có chức năng trong hệ thống chính quyền của ĐCSVN và nhà nước Việt Nam, có trách nhiệm gì không trong vụ việc này, hay là không có trách nhiệm gì, ông Trần Tiến Đức nói: “Tôi không nghĩ rằng những người có trách nhiệm là vô can, họ phải chịu trách nhiệm, bởi vì tất cả cán bộ đều phải tuyển chọn, được sàng lọc qua một quá trình cũng rất nhiều cấp, nhiều giai đoạn khác nhau và người ta vẫn gọi là được thử thách ở nhiều cương vị khác nhau. Cho nên đến khi có vi phạm về luật pháp, chắc chắn những người đã từng bổ nhiệm họ, đã từng phê duyệt họ, tôi nghĩ là phải chịu trách nhiệm và nhìn chung bộ máy giám sát theo tôi hoạt động chưa hiệu quả, và tôi nghĩ rằng ở trong vấn đề này, vai trò của xã hội dân sự chưa được phát huy. Tôi nghĩ rằng song song với việc phải tăng cường, củng cố cơ chế và bộ máy giám sát ở trong đảng, trong cơ quan dân cử, trong các cơ quan chính quyền, cũng phải tận dụng hơn nữa những tổ chức đại diện cho tiếng nói của người dân.” Đánh giá thêm về hậu quả của vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ và việc chính quyền để xảy ra vụ bê bối này, người cũng là cựu Vụ trưởng tại một Ủy ban trực thuộc Chính phủ Việt Nam giai đoạn trước đây nói với RFA: “Nếu mà nói gọn lại một câu, đấy là sự phản bội lại niềm tin! Bởi vì người dân đã tin tưởng, người ta đặt hết cả niềm tin, thậm chí đặt hết tiền của của người ta vào những cơ quan có trách nhiệm của nhà nước. Bây giờ những niềm tin của họ bị phản bội, họ bị lừa, thì tôi đấy là sự phản bội niềm tin. Tôi nghĩ xin lỗi là điều chắc chắn phải làm. Xin lỗi thì chắc chắn không khó, nhưng còn đền bù như thế nào, đấy là chuyện các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước phải ngồi với nhau để bàn bạc và xử lý một cách thỏa đáng.” Cuối cùng trước việc trên công luận Việt Nam có ý kiến đặt ra rằng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ông Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư ĐCSVN ông Nguyễn Phú Trọng cần phải đứng ra xin lỗi, ông Trần Tiến Đức nói: “Tôi đồng ý với ý kiến đó và nếu làm được việc đó thì sẽ được lòng dân,” cựu cố vấn Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng từ Hà Nội. Theo truyền thông Việt Nam, sáng 22/7, trong ngày làm việc thứ 10 phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án "chuyến bay giải cứu", trước khi vào nghị án, Hội đồng Xét xử đã cho phép 54 bị cáo nói lời sau cùng. Và theo thông báo của chủ toạ phiên toà sơ thẩm, mức án dành cho 54 bị cáo, trong đó có 21 bị cáo bị truy tố về tội ‘nhận hối lộ’, bốn bị cáo bị truy tố về tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, 23 người bị truy tố về tội ‘đưa hối lộ’, bốn bị cáo bị truy tố về tội ‘môi giới hối lộ’ và hai bị cáo còn lại bị truy tố ít nhất một tội liên quan ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, sẽ được tuyên vào 14h chiều ngày 28/7/2023./.  
......

Muối mặt…

Thái Hạo [Nhân bài báo “muối mặt” của báo TT&VH] Chúng ta là người Việt Nam sống trên đất Việt Nam nhưng đang đi chợ Thái, mua gạo Thái, trái cây Thái, bia - nước ngọt của Thái..., và đựng những thứ đó trong bao bì của Thái. Điểm qua một chút: Đừng quên người Thái đã mua lại hàng loạt chuỗi siêu thị của Việt Nam, như bây giờ bạn bước vào BigC chính là đang vào chỗ của người Thái. Thái Lan đã vượt qua các cường quốc như Nhật, Hàn để thống trị các lĩnh vực bán lẻ, nước giải khát, bao bì, năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Lợn Việt Nam bây giờ cũng đang ăn cám của Thái dưới cái tên rất dễ gây tự hào, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Vietnam! Ngành chăn nuôi của của Thái Lan ở VN mỗi năm thu về cho họ tiền lãi khoảng 1 tỉ USD – ngang ngửa với Honda của Nhật hay Samsung của Hàn trên đất Việt. Bây giờ chúng ta uống “bia Sài Gòn” thực chất là đang uống bia Thái đấy, ngay cả sữa Vinamilk cũng bị Thái mua hết gần 1 nửa rồi, không biết có trụ nổi không hay cũng rơi vào tay người Thái luôn. Báo chí nhà nước đã phải ngậm ngùi thừa nhận: “Doanh nghiệp Thái Lan đã thống trị nhiều lĩnh vực trên thị trường Việt Nam, biến Việt Nam trở thành “sân nhà” của họ” (https://nhipsongkinhdoanh.vn/thi-truong-viet-nam-co-tro...) Đây là chúng ta đang nói về người Thái trên đất Việt Nam thôi, còn nhìn qua bên nước ấy, thì khó lòng mà so sánh. Chỉ nói về nông nghiệp, tức là ngành mà VN có điều kiện tuyệt vời và “truyền thống” lâu đời nhất, thì riêng chuyện tên trái cây phải luôn đi kèm với tính từ “Thái” phía sau để đảm bảo cho độ “uy tín” thì rõ, như xoài thái, sầu riêng thái, chôm chôm thái, măng cụt thái..., thậm chí đến gạo cũng “thái” nốt. Những lĩnh vực khác thì xin không nhắc đến nữa. Chỉ lưu ý, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Thái đang gấp đôi Việt Nam. Một cách rộng và căn cơ hơn, theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du (khi so sánh kinh tế Việt Nam và Trung Quốc, là 2 nước có cùng thể chế chính trị): “Điểm khác nhau cơ bản giữa hai nước là sức mạnh hay khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và vai trò của các doanh nghiệp nước ngoài. Thứ nhất, TQ có nhiều doanh trong nước có quy mô cực lớn và có thể cạnh tranh quốc tế; điều này đang rất thiếu ở VN. Thứ hai, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có vị trí vừa phải trong nền kinh tế TQ, và họ đã tận dụng tốt đầu tư nước ngoài để phát triển các doanh nghiệp trong nước và chuỗi giá trị; nhưng, VN thì ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài có vai trò thống lĩnh, nhất là với các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn, và các doanh nghiệp trong nước gần như chưa thể tham gia vào các chuỗi giá trị mà chủ yếu là gia công. Nhìn các chuỗi với Apple, Intel, Samsung là có thể thấy rõ”. (https://www.facebook.com/HUYNHTHEDU/posts/10160648178213744) Tôi nghĩ, bóng đá hay thi “học sinh giỏi quốc tế” thì cứ chơi, đầu tư được thì cứ đầu tư, nhưng cũng nên nhớ: về cơ bản, đó là chỉ là vui chơi. Mà chơi thì không chỉ vui, còn phải đẹp nữa. Quan trọng nhất đối với quốc gia là phải luôn nhắc nhau về tình trạng kinh tế - xã hội của đất nước để tránh những ảo tưởng và tự hào vô lối dẫn đến “vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều”, thay vào đó “phải lo mà làm ăn chứ” – như lời một nhân vật trong một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Khải đã được đưa vào sách giáo khoa lớp 12. Cần dồn tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế, đầu tư cho giáo dục và khoa học công nghệ; có chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, chấm dứt tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, làm khó, vòi vĩnh “người nhà”. Để làm được như thế phải cấm xây tượng đài, cổng chào, cấm tổ chức hội nghị hình thức rình rang vô bổ; cải cách và tinh gọn bộ máy hành chính, chống tham nhũng hiệu quả bằng cách tuyên án chung thân không khoan giảm (vì tôi không ủng hộ án tử hình), thu hồi tài sản không để sót... Bên cạnh tất cả những điều cấp thiết trên thì việc cảnh tỉnh các cấp chính quyền cũng như người dân bằng cách luôn nói rõ, nói thật cho họ biết ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới và đang đối mặt với những nguy cơ và hiểm họa gì, để họ bớt tự hào đi bởi một trận bóng đá mà quên mất việc thất bát nhãn tiền, từ đó mà lo học hành và làm việc cho tử tế. Phải hình thành trong hết thảy, từ công chức đến dân chúng, cái tâm thế “vội vã như cứu lửa cháy đầu”, thì may ra. Nếu không thì không chỉ “muối mặt” đâu, mà có khi còn phải muối toàn thân. Hình: Vòng trong là các công ty Thái, vòng ngoài là các công ty có tên tuổi của Việt Nam, nhưng đã bị Thái thâu tóm. Thái Hạo  
......

‘Chuyến bay giải cứu’, cuộc mặc cả trước công đường

Hoàng Trường (CTMM) Tiếc là Lưu Quang Vũ đã về cõi vĩnh hằng, nếu không, giờ này chắc ông vẫn ngồi gõ bàn phím để cho chào đời một “Macbeth thời Covid-19”, để dẫn dắt độc giả các lối đi zic zac của quyền và tiền, các biến thái của tham lam và tội phạm… Ai là người Việt Nam yêu dân tộc và đất nước khốn khó này lại không quặn đau từng khúc ruột khi theo dõi một vụ đại án như thế! Sáng 17/7/2023, Chủ tọa phiên tòa bỗng nhiên tuyên bố tạm dừng phiên xử để các luật sư cung cấp chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả. Cuộc mặc cả diễn ra công khai trước công đường? Đang xử mà tạm dừng chẳng qua là để “họp án” (Họp để bàn cách đối phó với các phản cung trong quá trình xử). Theo báo chí nước ngoài, tòa án của Việt Nam xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” như “mua bán”, như “đổi chác”, về mức độ nghiêm minh kém xa so với thời phong kiến. Chỉ có những cây bút viết nhân danh chính quyền mới có thể nói rằng đây là một phiên tòa “đề cao dân chủ, thượng tôn pháp luật”. Dân chủ nào ở đây? Pháp luật nào ở đây? Khiến chúng ta nhớ đến nhà thơ nhân dân Nguyễn Duy. Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, ông cũng đã từng quặn đau và phẫn uất khi hạ bút viết về một Tổ quốc trong lòng mà “cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”: Luật pháp như đùa, như có như không… Hôm 17/7, trong phần thẩm vấn tại tòa, một số bị cáo ‘thành khẩn” cho rằng hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn sau khi thực hiện thành công “các chuyến bay giải cứu”. Viện Kiểm sát xác định đây là việc đánh tráo các khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu. Cần phải nhận thức đúng để loại bỏ “văn hóa phong bì” ra khỏi đời sống xã hội (!?) Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, hành vi nhận tiền của các bị cáo trong vụ án này là hành vi nhận hối lộ. Cử tọa trong phòng nhiều người cúi mặt. Bởi vì, nếu loại bỏ “văn hóa phong bì” thì ngay đến cả nhân viên quèn ở cấp phường, cấp xã cũng khó tuyển dụng, chưa nói chi lấy đâu ra đội quân “mũ cao áo dài” như quý vị! “Văn hóa phong bì” lâu nay là con đẻ của chế độ, là “nhóm máu THAM” trong huyết quản của cán bộ ở mọi cấp mọi ngành trong chính quyền. Viện Kiểm sát mà không biết câu đồng giao này thì thật lạ: “Thanh cha (thanh tra) thanh mẹ thanh gì/ Phải có phong bì thì mới Thank You”. Đòi xóa phong bì là quá coi thường “văn hóa tham nhũng” do thể chế này sinh hạ và dày công nuôi dưỡng. Chỉ ngừng tham nhũng một buổi thì cả hệ thống Đảng/Nhà nước này “bị treo” (như khi cái máy tính bị hacker), không có cách gì vận hành tiếp được. Một loại bôi trơn đa chiều, trên – dưới – ngang – dọc đều “thấm đượm” và vượt trội trên cả Mobil, Shell và Castrol Industrial. Một nghịch lý lớn của phiên tòa hiện nay là, xử một đại án, với rất rất nhiều bị can, thiệt hại vật chất lên hàng ngàn tỷ VND, lưu lượng tiền tham nhũng và “đút lót” để chạy án cũng trên cả triệu USD, nhưng tuyệt nhiên, không thấy bóng dáng một người bị hại nào. Bản tin VOA ngày 18/7 chỉ rõ, phiên tòa kéo dài tới 30 ngày, bắt đầu từ 11/7, xét xử hơn 50 bị cáo về các tội liên quan đến hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, nhưng không có mặt nạn nhân là những người dân và vấn đề đền bù cho họ không hề được nêu ra. Vụ án bung bét đến mức không dấu được thì phải xử. Xử để còn làm những đại án tiếp theo, cho dù trên đã cho “khoanh vùng” đâu ra đó! Ngay từ những ngày đầu, nhiều người bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội rằng, họ quan tâm đến việc nhà nước Việt Nam có biện pháp nào để những nạn nhân của các “chuyến bay giải cứu” được đền bù hay không (Vì trong số này có cả ngoại kiều)? Điều này đủ nói lên tính chất giả nhân giả nghĩa của phiên tòa. Một số luật sư nói rằng người dân bị thiệt hại cần kiện dân sự hoặc tố cáo hình sự để đòi bồi thường. Lại đúng câu chuyện “con kiến đi kiện củ khoai”! Ngay sau mấy ngày xử sơ thẩm, FB Nguyên Tống đã nhận xét rất chính xác khi cho rằng, cái gọi là “chuyến bay giải cứu” đã bị sai ngay từ gốc, như bao việc theo kiểu nửa dơi nửa chuột, nhập nhèm, đầu Ngô mình Sở đã xảy ra trên đất nước này. Nếu rạch ròi thì không được gọi là “bay giải cứu” để gây nhầm lẫn với những gì chính phủ các nước khác đã và đang làm với công dân của họ trong các thảm hoạ dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai… Nếu có “chuyến bay giải cứu” thì phải là một chủ trương được ban hành từ cấp cao nhất của chính phủ để giải cứu công dân của nước mình, giao cho Vietnam Airlines chủ trì thực hiện rồi về thanh toán với chính phủ. Phải hoàn toàn miễn phí và vô điều kiện, miễn là có hộ chiếu Việt Nam. Đằng này, đây là một việc tự phát, do các doanh nghiệp tự bỏ tiền ra thuê máy bay và còn phải “xin” nhà nước cho bay mới được làm. Và họ làm việc này không hẳn là vì lòng nhân đạo, mà phần lớn là do “ngửi” thấy cơ hội kiếm lợi nhuận, có lãi mới làm. Chính vì thế mà không thể khoác cho nó cái áo “chủ trương của Đảng và Nhà nước” để lập lờ đánh lận con đen. Hưng phản cung là “trâu lấm vẩy càn”? Tranh luận tại tòa, bị cáo Hoàng Văn Hưng nêu câu hỏi ngoài số tiền 800.000 USD Hưng bị buộc tội lừa đảo, số tiền 1,8 triệu USD mà Hằng khai đã đưa cho Tuấn, hiện nay ai cầm và Hưng kiến nghị cơ quan tố tụng phải làm rõ điều này để tránh bị bỏ lọt tội phạm. Qua thần thái và điệu bộ của Hoàng Văn Hương, những cử tọa trong và ngoài phòng xử đều ngầm thán phục, thấy cựu Trưởng phòng Bộ Công an này không hổ danh với cương vị từng có. Nhưng cũng thật mỉa mai và ngược đời! Trước và cả sau khi bị thuyên chuyển công tác, Hưng vẫn tiếp tục hướng dẫn Hằng cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên. Thế mà ông tướng an ninh Nguyễn Anh Tuấn vẫn tin “sái cổ”. Hưng nói dối về vai trò của mình và khẳng định vẫn “kiểm soát được tình hình”, “vẫn trực tiếp báo cáo đề xuất chủ trương xử lý vụ án...” để moi tiếp tiền từ Tuấn và Hằng. Thế mà trước công đường, Hưng còn “dạy khôn” cơ quan tố tụng đừng để bỏ lọt tội phạm (!?) Hài hết chỗ nói… Cách phản cung của Hưng không phải là “trâu lấm vẩy quanh”. Sự tự tin của Hưng “trên mức bình thường” và việc tố ngược lại Tuấn có nghĩa là thế lực đứng sau Hưng khá mạnh, dẫu rằng, “người chống lưng cho Hưng” từ đầu câu chuyện, nay cũng đang “toát mồ hôi hột!” Xử vụ án lớn như thế này, nhất là trong đó có màn đấu tố và phản cung của mấy ông công an loại “bự” bao giờ cũng hứa hẹn nhiều kịch tính. Kịch loại này mà vào tay Lưu Quang Vũ thì thật là “cười ra nước mắt”. Vụ án này có cả một “tập thể Macbeth” hẳn hoi, chứ không phải chỉ duy nhất một cá nhân Macbeth như trong kịch của Shakespeare. “Tập thể Macbeth” này bao gồm cả Tòa, Công an và Viện kiểm soát. Phải “thông đồng bén giọt” mới nắm được các lối di chuyển zic zac của quyền và tiền. Từ trước đến nay, những phiên tòa xử Công an bao giờ cũng kịch tính. Đại tá dám tố ngược Thiếu tướng là chuyện giật gân. Nói như FB Dương Quốc Chính, anh em, đồng chí, ngày thường đầu gối tay ấp, chén chú chén anh, ăn nhậu chơi bời đủ các kiểu. Nay đùng một cái, rơi vào hai chiến tuyến đối kháng. Ở Việt Nam thì Tòa, Viện kiểm sát và Công an đều là chỗ “thân thiết”, nếu có số má thì biết nhau cả, vì phải “chạm trán” qua các buổi “họp án”. Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên của Cục An ninh điều tra là dạng đó. Hưng nói khá chuẩn, trên 2000 chuyến “giải cứu” mà chỉ điều tra có 700 chuyến, thì lọt khối tội phạm là cái chắc. Công luận vẫn tin là Hưng có tham gia chạy án. Khúc nhôi là Hằng (người đưa tiền) đã báo tổng số tiền là 2,8 triệu USD, vậy Hưng “kiếm” bao nhiêu, Tuấn “thịt” bao nhiêu và còn đưa cho ai nữa? Hưng đe sẽ khai tiếp về việc bỏ lọt tội phạm, khả năng là các đồng chí khác cùng tham gia đường dây. Hồi hộp phết! Vấn đề bây giờ là “bộ ba Macbeth” phải khoanh vụ án tới đâu, liệu khi nào sẽ cho cúp điện tại Tòa? Cách đây mấy năm, hồi Dương Chí Dũng nhắc đến tên Trần Đại Quang thì bỗng nhiên toàn bộ khán phòng “mất điện” (!?) Vụ Việt Á tới đây sẽ còn “nặng đô” hơn “chuyến bay giải cứu” rất nhiều. “Xấu chàng hổ ai?” Không khéo hổ cả ba ta (Tòa, Viện và Công an) thì rất dở, cho nên “đóng cửa bảo nhau” có phải là thượng sách? Hơn nữa, nếu lần này “Bay giải cứu” được gọn nhẹ, thì bên “Việt Á” nay mai cũng sẽ thể tình. Đôi ba bên cùng có lợi, nhất là sau khi đã thống nhất nhau “rút” được số tiền ban đầu nhỡ công bố với báo chí! Rút được tổng số tiền là “nhất cử lưỡng tiện”. Các cơ quan tố tụng vừa đút túi được khoản kha khá, mà các bị can, automatically, cũng được giảm nhẹ tội, vì đưa và nhận đều ít hơn trên thực tế sẽ không gây choáng! Một vấn đề giật gân khác vẫn còn “treo” đó, sau ngày 17/7. Hoàng Văn Hưng dọa tung chứng cứ mới, khi tòa bắt đầu phần tranh luận. Vì sao bị cáo Hưng phản cung trong lúc 53/54 bị cáo khác nhận tội một cách dễ dàng đến đáng ngờ? Thật dễ hiểu, thuật ngữ hình sự gọi là thỏa thuận nhận tội. Có ít nhất 3 yếu tố kịch tính cho thấy hậu trường vụ án này không chút đơn giản: Thứ nhất, bằng kinh nghiệm của một cựu Trưởng phòng an ninh, Hoàng Văn Hưng tự tin về chứng cứ chạy án “mỏng”. Thứ hai, cũng từ chuyện do điều tra viên để lộ, công luận linh cảm về những nhân vật giấu mặt trong vụ án của Hoàng Văn Hưng khi muốn có những ai làm “ma chết thay”. Thứ ba, thời gian “hòa đàm” cho những thỏa thuận trong thời gian tòa tạm nghỉ, để sang giai đoạn tranh tụng. Giả sử, Hoàng Văn Hưng tung chứng cứ mới và được cho là “có căn cứ”, các phiên xét xử tiếp sẽ ra sao? Hãy chờ màn sau sẽ rõ!
......

Các cơ quan tố tụng đã vi phạm luật trong vụ án Lê Anh Hùng như thế nào

Ảnh: Hình ảnh một lần tôi bị trói và bị tiêm thuốc độc tâm thần trong Viện Pháp y Tâm thần Trung ương do phản đối việc uống thuốc tâm thần. Le Anh Hung Ngày 23/5/2018, tôi treo biểu ngữ mang nội dung tố cáo ông Hoàng Trung Hải phạm tội “Gián điệp” theo Điều 110 BLHS và ông Nguyễn Phú Trọng phạm tội “Phản quốc” theo Điều 108 BLHS trên cầu vượt trước trường Đại học Thủy lợi, phố Tây Sơn, Hà Nội. Do hành động đó, ngày 5/7/2018, tôi bị Công an TP Hà Nội khởi tố và bắt giam theo Điều 331 BLHS “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.   Luật pháp VN không có điều luật nào cấm công dân treo biểu ngữ. Vậy nên, muốn kết luận tôi có vi phạm pháp luật hay không thì cần phải chứng minh nội dung biểu ngữ trên là đúng hay sai. Theo logic thông thường đó, các cơ quan tố tụng (Công an và Viện Kiểm sát) trước hết phải khởi tố vụ án “Lê Anh Hùng treo biểu ngữ…” rồi mời (hoặc triệu tập) đương sự đến và yêu cầu đương sự cung cấp các căn cứ, bằng chứng, lý lẽ bảo vệ lời tố cáo của mình. Sau khi điều tra, xác minh, nếu tôi đúng thì khởi tố những người mà tôi tố cáo; nếu tôi sai thì khởi tố tôi về tội “Vu khống” theo Điều 156 BLHS. (Liên quan đến vụ án này, năm 2009, Công an Quảng Trị cũng đã khởi tố tôi về tội “Vu khống”.)   Tuy nhiên, thay vì phải làm theo quy trình thông thường nói trên, các cơ quan tố tụng ở Hà Nội lại khởi tố và bắt giam tôi theo một điều luật hết sức mơ hồ (Điều 331 BLHS), mà không cho tôi bất kỳ cơ hội nào để bảo vệ lời tố cáo của mình. Như vậy, trong vụ án Lê Anh Hùng, các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng quy trình tố tụng thông thường đối với một vụ án tố cáo.   Nghiêm trọng hơn, sau khi khởi tố và bắt giam tôi, các cơ quan tố tụng TP Hà Nội còn vi phạm một nguyên tắc cơ bản trong điều tra hình sự, được quy định tại Điều 189 của Bộ luật Tố tụng Hình sự -- đó là việc đối chất. Khoản 1 Điều 189 (“Đối chất”) quy định: “Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất.” Trong vụ tố cáo của tôi, trước sau như một tôi luôn khẳng định, những thông tin liên quan đến vụ việc là do một nhân chứng sống, người từng nằm trong đường dây ma túy của Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải cung cấp cho tôi. Tôi có đầy đủ bằng chứng chứng minh điều này. Cơ quan điều tra đã dựa vào lời khai (vốn mâu thuẫn với khẳng định của tôi) của nhân chứng này để kết tội tôi, trong khi lại không cho tôi được đối chất với người đó, dù tôi đã nhiều lần yêu cầu. Đối chất là một nguyên tắc cơ bản trong điều tra hình sự, nó quan trọng đến mức ở Mỹ nó được quy định trong Hiến pháp (Tu chính án số 6). Rõ ràng, đây là một sự vi phạm pháp luật trắng trợn của các cơ quan tố tụng Việt Nam.   ---<>---   Việc tôi tố cáo ông Hoàng Trung Hải phạm tội “Gián điệp” (Điều 110 BLHS) và ông Nguyễn Phú Trọng phạm tội “Phản quốc” (Điều 108 BLHS) dựa trên những căn cứ sau:   1) Điều 46 Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia; Điều 4 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm;   2) Từ hàng ngàn năm nay, Trung Quốc luôn có dã tâm thôn tính quốc gia láng giềng phương Nam của họ. Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Gần đây nhất, Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam kéo dài 10 năm, từ năm 1979 đến 1989. Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (mà họ đánh chiếm từ năm 1974) và một phần quần đảo Trường Sa (mà họ đánh chiếm từ năm 1988) của Việt Nam;   3) Lịch sử đã ghi lại, trong cuộc chiến tranh Việt–Trung từ 1979–1989, những người Hoa kiều sinh sống gần biên giới đã trở thành lực lượng nằm vùng tiếp ứng cho đội quân xâm lược đến từ phương bắc;   4) Ngày 26/10/2007, Bộ trưởng Công an ban hành Quyết định số 1275/2007/QĐ-BCA, trong đó quy định cấm cán bộ, chiến sỹ công an kết hôn với người “có gia đình hoặc bản thân là người gốc Hoa (Trung Quốc)”. Hàng chục năm qua, Việt Nam đã đưa ra xét xử rất nhiều vụ án gián điệp Trung Quốc mà chúng mua chuộc, cài cắm trong bộ máy Việt Nam. (Một chiến sỹ công an bình thường thậm chí còn không được phép kết hôn với người gốc Hoa, vậy mà ông Hoàng Trung Hải vốn là người Hoa lại nắm giữ hàng loạt chức vụ trọng yếu, liên quan đến an ninh quốc gia trong bộ máy suốt hàng chục năm.);   5) Bức “Tâm Huyết Thư” ngày 7/5/2007 của một số cán bộ, đảng viên cao cấp đã hoặc đang công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương và một số cơ quan trọng yếu cơ mật khác của Đảng, Nhà nước CHXHCNVN gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên BCHTW Đảng khóa X, tố cáo ông Hoàng Trung Hải là người Hoa nhưng man khai lý lịch là người Kinh (đây là bức thư tập thể, do ông Nguyễn Bình Giang, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương, nguyên Trưởng đoàn Thẩm tra lý lịch ông Hoàng Trung Hải năm 2001, đứng tên – xem nội dung bức Tâm Huyết Thư tại địa chỉ: https://vuhuyduc.blogspot.com/.../tam-huyet-thu-to-cao...);   6) Ngày 5/8/2012, Đại tá Phạm Hiện (cán bộ lão thành cách mạng; số nhà 5 hẻm 2/245/6 phố Khương Trung, Hà Nội) đã gửi đơn thư cho các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội nước CHXHCNVN tố cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là người Hoa khai man lý lịch và buôn bán ma túy (xem nội dung bức thư tại địa chỉ: https://danlambaovn.blogspot.com/.../mot-pho-thu-tuong...);   7) Ngày 23/4/2016, nhà giáo Nguyễn Tiến Dân (Hà Nội) đăng bài viết “Hoàng Trung Hải, con bài tủ trong chiến lược Hán hóa Việt Nam” (xem bài vết tại địa chỉ: https://anhbasam.wordpress.com/.../7930-hoang-trung-hai.../); 8)) Ngày 2/7/2017, Đại tá Nguyễn Văn Tuyến (cán bộ tiền khởi nghĩa, trú tại 106 C19, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân – Hà Nội) gửi thư cho TBT Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu xử lý ông Hoàng Trung Hải với lý do khuất tất về lý lịch (xem nội dung bức thư tại địa chỉ: https://baotiengdan.com/.../ong-nguyen-van-tuyen-cuu-dai.../);   9) Hàng loạt việc làm của ông Hoàng Trung Hải gây nguy hại cho Việt Nam và làm lợi cho Trung Quốc một cách có hệ thống kể từ khi ông ta làm Bộ trưởng Công nghiệp (2002-2007), Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách kinh tế ngành (s007-2016) và Bí thư Thành ủy Hà Nội (2016-2019): mua điện Trung Quốc với giá cắt cổ cùng những điều kiện ngặt nghèo; 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia (lĩnh vực do ông Hoàng Trung Hải phụ trách) rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc; hiểm họa Formosa Hà Tĩnh (ông Hoàng Trung Hải là người ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt dự án); hàng trăm ngàn ha rừng đầu nguồn biên giới rơi vào tay các công ty Trung Quốc (ông Hoàng Trung Hải vừa là Phó Thủ tướng được giao chỉ đạo Bộ NN&PTNT vừa là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng), v.v.. Thảm họa Formosa Hà Tĩnh mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tội ác mà Hoàng Trung Hải và đồng bọn đã gây ra cho Việt Nam. Di họa của chúng sẽ còn kéo dài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau;   10) Từ tháng 4/2008 đến nay, tôi đã tố cáo ông Hoàng Trung Hải phạm một loạt tội ác khủng khiếp: buôn bán ma túy, giết người, buôn lậu vũ khí, bán tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia cho Trung Quốc, trùm băng đảng xã hội đen, với sự bao che, đồng lõa và tiếp tay của TBT Nông Đức Mạnh (2001-2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2006-2016) và (kể từ năm 2011) là TBT Nguyễn Phú Trọng. Ông Nguyễn Phú Trọng, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, cũng phải chịu trách nhiệm vì đã phê chuẩn ông Hoàng Trung Hải làm Phó Thủ tướng Chính phủ từ ngày 2/8/2007, bất chấp việc ông ta đã bị tố cáo trong bức Tâm Huyết Thư nói trên;   11) Chỉ thị 15 ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị quy định:“Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.” Vì vậy, các cơ quan tố tụng ở Việt Nam (Công an, Viện Kiểm sát) muốn điều tra xử lý ông Hoàng Trung Hải thì phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Chính trị, đứng đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng, điều mà ông ta đã phớt lờ suốt 12 năm qua.   ---<>---   Vì những lý do nêu trên, ngày 25/2/2023, tại Trại giam Nam Hà, tôi đã viết đơn đề nghị xem xét lại vụ án của tôi theo trình tự giám đốc thẩm.   Điều 370 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.” Điều 371 “Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ… (2) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.”   Yêu cầu của tôi là được đối chất với người đã cung cấp thông tin cho tôi. Nếu tôi đúng thì phải khởi tố và bắt giam những kẻ bị tôi tố cáo; nếu tôi sai thì xử tôi về tội “Vu khống”.   Hơn 4 tháng đã trôi qua kể từ ngày gửi đơn, nhưng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ hồi âm nào từ phía cơ quan chức năng. Tôi sẽ chờ đợi thêm một thời gian nữa trước khi đến Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội để hỏi về lá đơn nói trên. Không ai bị kết tội hai lần về cùng một hành vi. Tôi phải được minh oan và được bồi thường những tổn thất to lớn về thể chất và tinh thần mà tôi phải chịu đựng trong suốt 5 năm qua, đặc biệt là thời gian 3 năm kinh hoàng trong Viện Pháp y Tâm thần Trung ương. Quan trọng hơn, những kẻ phạm tội ác với quốc gia, với dân tộc phải bị vạch mặt và trừng trị đích đáng. Tôi sẽ theo đuổi đến cùng vụ án này. Điều 484 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, tôi yêu cầu Bộ Công an phải đảm bảo an toàn tính mạng, an toàn thân thể và tinh thần cho tôi cũng như người thân thích của tôi.   Những người bị tôi tố cáo kể từ năm 2008 đến nay đều là lãnh đạo quốc gia, trước kia là TBT Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và hiện tại là đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng (không tính Hoàng Trung Hải – người từng làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành, Ủy viên Bộ Chính trị/Bí thư Thành ủy Hà Nội/Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô – bởi ông ta là người Hán). Họ là những người đã và đang quyết định tiến trình lịch sử của đất nước; họ đều sẽ trở thành những nhân vật lịch sử. Vậy nên vụ án của tôi, dù muốn hay không, cũng là một vụ án lịch sử. Tôi tin rằng, bất luận thế nào, không một Đảng viên ĐCSVN nào lại muốn đảng mình, đất nước mình được lãnh đạo bởi một kẻ phạm tội “Phản quốc”. Đó là nỗi nhục không thể gột rửa của quốc gia, của dân tộc, và đặc biệt là của Đảng CSVN.   Hà Nội, ngày 17/7/2023   Lê Anh Hùng    
......

Nói dối, đặc sản của người Nga

Phan Thế Hải   Sinh thời, nhà văn Lê Lựu nổi tiếng là người hoạt ngôn, bộc trực. Ông là một trong những nhà văn VN đầu tiên được người Mỹ mời sang giao lưu với các nhà văn Mỹ. Khi ông về nước, người ta hỏi cảm giác của ông với Liên Xô và Mỹ, ông cười: “Tôi rất ngạc nhiên, ngạc nhiên đến kinh ngạc. Ở Liên Xô thì tôi cứ ngỡ Liên Xô là Mỹ và khi ở Mỹ thì tôi cứ nghĩ Mỹ là Liên Xô”…   Giải mã câu nói này, người ta cho rằng, sau hơn nửa thế kỷ là “thành trì” của phe XHCN, Liên Xô tuyên truyền về những ưu việt của CN XH khiến các nước đàn em đều tưởng đó là sự thật. Đặc biệt là với VN, rằng không đâu tốt bằng Liên Xô, không đâu mà người dân được quan tâm chăm sóc tốt như Liên xô, không đâu có nền kinh tế phồn thịnh như Liên Xô. Mãi cho đến năm 1991, khi Liên Xô tan rã, sự thật mới dần dần được hé mở.   Nước Nga kế thừa vị thế của Liên Xô, đặc biệt là truyền thống nói dối. Nhiều người Nga nói dối một cách thường xuyên. Họ nói dối ngay cả khi không cần phải nói dối. Đó là một trò chơi tiêu khiển mang tính quốc gia. Nó có thể bắt đầu từ một "lời nói dối trắng trợn" nhỏ của một thành viên trong gia đình đến một trong những lời nói dối lớn của một quan chức chính phủ. Nhưng thông thường, hầu hết người Nga không bị lừa dối và biết khi nào tuyên bố là sai sự thật.   Sang Nga vài lần, trao đổi với nhiều người từng du học ở Liên Xô, và sau này có nhiều lần quay trở lại nước Nga họ cho biết: Nói dối được củng cố bởi một hệ thống chính trị Liên Xô, luôn nói sai sự thật với người dân của họ. Chính phủ đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho công dân của mình bằng cách tuyên truyền không ngừng nghỉ về những kẻ thù mà chúng cho là có mặt khắp mọi nơi - trong và ngoài đất nước.   Hệ thống của Liên Xô nói dối để thao túng, duy trì sự kiểm soát và tạo ra sự sợ hãi và khuất phục. Chính phủ không thể thừa nhận bất kỳ sai sót nào, và nếu có sai sót sẽ bị từ chối ngay lập tức vì sẽ lộ ra những điểm yếu không thể chấp nhận được. Trong thời Xô Viết, mọi người thường nói dối chỉ để sống sót. Nếu cha mẹ hoặc vợ/chồng bị bắt và bị tuyên bố là kẻ thù của nhà nước, những thành viên còn lại trong gia đình thường đổi tên và nói dối để lấy giấy tờ giả nhằm để có tem phiếu kiếm thức ăn, nơi ở, học hành hoặc việc làm. Nói dối đã trở thành một phương tiện sinh tồn tiêu chuẩn để bảo vệ bản thân hoặc người thân.   Điều này cũng đã từng được nhập khẩu về VN. Có nhiều câu chuyện về những gì mọi người đã làm để sống sót trong thời kỳ bao cấp đói kém hoặc chiến tranh. Người ta không ngần ngại chữa hồ sơ, khai giảm tuổi để trốn tránh nghĩa vụ quân sự khiến anh đôi khi lại ít tuổi hơn em.   Chính phủ đã sử dụng những lời nói dối để làm cho hệ thống của Liên Xô có vẻ tốt hơn so với thực tế. Họ nói rằng Nga là quốc gia tốt nhất trên thế giới và những nước khác, đặc biệt là các nước Phương Tây chỉ là “phồn vinh giả tạo” hoặc có một chút thành tựu nhưng ít hơn và không thể sánh được với người Nga. Họ tuyên bố rằng chủ nghĩa cộng sản đã tiêu diệt tất cả các biến thể giai cấp và mọi người đều bình đẳng. Trên thực tế, các quan chức của Đảng Cộng sản, dẫu là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân nhưng có nhiều đặc quyền mà người bình thường không có: Căn hộ rộng hơn; chế độ tem phiếu với nhiều ưu đãi hơn, mặc đẹp hơn, được mua sắm thực phẩm và đồ dùng trong các cửa hàng dành cho cán bộ cao cấp. Họ cũng được đi du lịch và hưởng thụ tại các khu nghỉ dưỡng và biệt thự của Đảng.   Một bộ phận người Việt sang Nga cũng được hưởng chế độ tiếp khách, tiếp cận với hệ thống truyền thông bản địa... Điều này giải thích vì sao ở VN hiện vẫn còn một bộ phận mê muội trước những luận điểm của nước Nga và vẫn tin rằng cuộc chiến tranh mà Nga phát động xâm lược Ukraine là do Phương Tây. Nhà báo Phan Thế Hải                              
......

Cần tỏ thái độ với việc Trung quốc cài cắm đường lưỡi bò vào các văn hóa phẩm

Xuân Sơn Võ VOA đưa tin về vụ cấm chiếu phim Barbie. Nếu không phải là VOA thì tôi đã lướt qua tin này, vì phim ảnh, nhất là lại mang những cái tên kiểu Barbie, thì tôi rất không chú ý. Chưa hết, hôm qua giờ, mạng lại nóng với cái band Blackpink gì đó, mà nếu không có những cái "tít" cho thấy nó gắn liền với đường lưỡi bò ở Biển Đông, thì tôi cũng đã cho qua. Việc tạo ảnh hưởng bằng văn hóa phẩm thì nhiều nước đã làm. Tuy nhiên, có lẽ hiệu quả nhất ở Việt nam là Trung quốc. Nhiều người cho là Hàn quốc đã làm tốt việc này. Đúng vậy, Hàn quốc đã từ chỗ không được chào đón, đã trở thành thần tượng của cả một thế hệ trẻ của Việt nam. Thế nhưng, Trung quốc mới thực sự tác động mạnh. Cứ thử mở Tiktok lên xem. Ngoài một số clip thuần túy quảng cáo, thì gần như chỉ toàn nghe tiếng Trung quốc, hoặc ít nhất là những câu cảm thán bằng tiếng Trung quốc. Nếu là tiếng Việt, thì hầu hết đều là những câu chuyện mang màu sắc Trung quốc, câu chuyện về những kẻ hợm hĩnh khoe tiền, khoe chức vụ, miệt thị người nghèo... rất xa lạ với văn hóa Việt nam, và chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ người Việt ở một số vùng miền nhất định, đã tràn ngập trên đó, cứ như cả xã hội Việt nam đều hành xử giống như bọn trọc phú Trung quốc. Đôi khi xem những tiktok kiểu như vậy, cảm thấy như bị sỉ nhục, vì những clip tỏ thái độ khinh miệt người nghèo, hợm hĩnh khoe tiền, quyền, chức, được lồng tiếng Nam, với những từ ngữ không phải của người Nam. Ít nhất thì người dân Sài Gòn và người dân Nam Bộ không có những kiểu thể hiện đẳng cấp vừa thô thiển, vừa hạ cấp như vậy. Tôi ủng hộ việc chính quyền cấm phổ biến những bộ phim mà bản đồ có đường lưỡi bò được cài cắm vô. Tôi cũng ủng hộ cộng đồng mạng phản đối band nhạc Blackpink khi trang web đại diện của họ có hình đường lưỡi bò. Và đề nghị chính quyền cấm những band nhạc như vậy biểu diễn ở Việt Nam. BS Võ Xuân Sơn  
......

Ukraine và "thuyết" Zelensky

Tổng thống Volodymyr Zelensky Huỳnh Thị Tố Nga Ngày 28/6 vừa qua, nhân “ngày Hiến Pháp" Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trước Quốc Hội, bài phát biểu được giới chức Ukraine đáng giá là “Học thuyết Zelensky” với nền tảng là chiến thắng vinh quang của chính quyền Kyiv.   Pravda Ukraine, tờ báo thường theo sát đường lối của chính phủ, đã cho đăng bài xã luận với nội dung tóm lược phát biểu của tổng thống với 7 đặc điểm cơ bản sau:   1. Nền kinh tế nghìn tỷ USD Sau chiến thắng vinh quang, Ukraine sẽ phát triển mạnh mẽ với GDP tăng gấp 5 lần, đạt tới con số nghìn tỷ đô la Mỹ.   2. Bộ máy nhà nước tự động hóa tối đa Hãy hình dung hải quan mà không có công chức hải quan, thuế mà không có công chức thuế. Một nền kinh tế tự động hóa cao độ nhờ máy tính với trí tuệ thông minh.   3. Cải cách giáo dục Để đạt được tăng vọt về phát triển kinh tế, thì một “phép màu” trong ngành giáo dục là bắt buộc phải có. Giới chức Kyiv sẽ sớm công bố một chiến lược về việc này.   4. “Giấc mơ” cho người Ukraine Đây là tên một ứng dụng kỹ thuật số, dự kiến sẽ được triển khai ở Ukraine vào mùa Thu năm nay. Nó hứa hẹn sẽ ảnh hưởng mọi mặt cuộc sống của người Ukraine và giúp đất nước phát triển nhanh hơn bao giờ hết.   5. Công nghiệp quốc phòng Ukraine có được công nghệ và trở thành nhà sản xuất những thiết bị quốc phòng tiên tiến như máy bay không người lái và xuồng không người lái. Phát triển công nghiệp vũ khí sẽ là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế.   6. Tiếng Anh Tổng thống đã nói về dự luật về tiếng Anh. Tiếng Anh sẽ được đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc. Tiếng Anh sẽ được đưa vào xã hội qua các hình thức khác nhau, như trong điện ảnh. Sau một vài năm nữa, có thể là 4 năm sau chiến tranh, thì ai không biết tiếng Anh sẽ không được làm quan chức. Là một thành viên tương lai của EU, Ukraine nhất định phải là quốc gia biết tiếng Anh.   7. Chiến thắng của Ukraine và đòi lại lãnh thổ như năm 1991 Tổng thống đã khẳng định chắc chắn về việc đòi lại toàn bộ lãnh thổ như trạng thái 1991, và khẳng định chắc chắn rằng sẽ không chấp nhận giải pháp khác, ví như đóng băng cuộc xung đột (tựa như giải pháp Triều Tiên – Hàn Quốc)   TƯƠNG LAI CỦA UKRAINE   Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hơn 16 tháng qua và vẫn chưa đánh giá được đến khi nào sẽ kết thúc. Về mặt danh nghĩa, Ukraine có lợi thế là có được sự ủng hộ của những quốc gia dân chủ phát triển, ngược lại, Gấu Nga lại thất bại trên mặt trận chính nghĩa vì gây chiến tranh xâm lược phi nghĩa và chỉ được lèo tèo vài quốc gia độc tài ủng hộ, nhưng sự ủng hộ đó có giúp được gì cho Nga về mặt thực tế?   Cuộc nổi dậy vũ trang cuối tuần qua của Tập đoàn lính đánh thuê Wagner do ông Yevgeny Prigozhin làm thủ lĩnh đã làm chấn động thế giới và ít nhiều cho thấy Putin đã nao núng với tình hình bất ổn trong nội bộ của quân sự Nga, dù cuộc nổi dậy đó đã bị Yevgeny Prigozhin bất ngờ thay đổi ý định trong giờ chót và chấp nhận sống lưu vong tại Belarus.   Tương lai, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng phải đi đến kết thúc, sự thiệt hại chưa biết sẽ tổn thất cho Ukraine bao nhiêu, nhưng chúng ta thấy được thế giới không bỏ rơi Ukraine khi mà họ vẫn đứng lên chiến đấu để giữ gìn lãnh thổ của quốc gia. Sự mạnh mẽ của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã làm an lòng người dân và binh lính. Năm ngoái ông đã đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong đó kêu gọi Nga rút hết quân đội khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea mà ông Putin đã sáp nhập vào Nga năm 2014.   Khi người dẫn đầu đủ dũng lược, thì lòng dân sẽ như thác đổ, binh lính chiến đấu sẽ thấy được họ không đổ máu và mất tính mạng một cách vô ích. Bao nhiêu đó cũng đủ cho Ukraine sẽ nhìn thấy được tương lai xán lạn cho quốc gia họ. Huỳnh Thị Tố Nga June 30, 2023    
......

Đảng & Dân

Tưởng Năng Tiến   Tình đồng chí của đảng CSVN, rõ ràng, không chỉ đáng kinh mà còn đáng tởm nữa. Từ trung ương đến địa phương chúng đều bất nhân, bất nghĩa, bất tín như thế cả. Sự tàn ác của Đảng, xem ra, chả từ bất cứ ai – kể cả cái đám đảng viên lau nhau của nó.   Thỉnh thoảng, báo chí quốc doanh vẫn có mấy mẩu tin ngăn ngắn về Lễ Trao Huy Hiệu Tuổi Đảng cho đồng chí này hay đồng chí nọ. Ngoài Việt Nam, dường như, không đâu có cái thứ “lễ lạt” nhạt nhẽo và chán phèo như thế cả. Xứ sở này, không chừng, cũng dám là nơi duy nhất mà danh tính của một cá nhân thường kèm theo tuổi … đảng: Nguyễn Thị Bình 75 Lê Khả Phiêu 73 Lê Đình Kình 58 … Trong một chế độ đảng trị thì thâm niên tuổi đảng quả là một thành tích đáng kể nhưng đó không phải là một thứ “kim bài miễn tử” (hay miễn tù hoặc miễn bị sách nhiễu/bạo hành) nếu đảng viên đi … trật đường rầy! RFA cho biết: “Cho đến khi bị Cảnh sát cơ động Hà Nội bắn chết vào ngày 9-1-2020, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình vẫn còn là một đảng viên đảng Cộng sản có hơn 55 năm tuổi đảng.” Cách đó chưa lâu, vào hôm 15 tháng 4 năm 2017, ông Lê Đình Kình (LĐK) cũng đã bị “hành hung” đến trọng thương và phải nằm nhà thương gần đến chục ngày. Ủa! Chớ ổng đã phạm phải lỗi lầm gì mà Đảng xuống tay (và nặng tay) dữ vậy cà? Chuyện cũng hơi dài dòng nhưng không có chi là khó hiểu. Tuy là một đảng viên lão thành nhưng LĐK không “nhất trí” với đường lối và chủ trương (“Đất đai tuy thuộc sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước quản lý) của Đảng. Đã thế, sau khi bị hành hung đến độ phải nhập viện vì cái quan niệm (“trật lất”) của mình, ông vẫn thản nhiên tuyên bố: “Các anh có đưa máy chém chém ngay đầu tôi đi chăng nữa, thì tôi vẫn giữ quan điểm đây là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm.” Nói năng linh tinh như thế, dưới chế độ hiện hành, là một cách vời họa vào thân. Họa vốn “vô đơn chí” nên chả phải tìm kiếm đâu xa mà ngay chính người dân địa phương đã vô tình đón (và đưa) ông LĐK vào … cửa tử. Báo Tuổi Trẻ đi tin: “Sau 10 ngày điều trị tại Bệnh viện Việt Đức do bị gãy xương đùi, chiều 2-5, cụ Lê Đình Kình đã được đưa về với gia đình tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội… rất đông người dân Đồng Tâm đã xếp hàng dài từ ngoài đường làng đến trước cổng nhà cụ Lê Đình Kình để chào đón cụ Kình trở về.” Nếu đám đông đừng “mừng đến rơi nước mắt” khi LĐK được xuất viện, và đừng tôn vinh nhân vật này là “thủ lãnh tinh thần” thì chưa chắc lão nông phu chân chất của xã Đồng Tâm đã bị thảm sát, và thảm họa cũng đã không xẩy ra cho cả gia tộc của ông. Tại Việt Nam, “các đồng chí ở trên” không chỉ toàn quyền trong chuyện lãnh đạo mà họ còn độc quyền làm lãnh tụ nữa cơ. Với chủ trương toàn trị, họ không thể dung thứ cho bất cứ một loại “thủ lãnh tinh thần” nào sất. Cỡ chủ tịch xã nghỉ hưu mà được đám đông dân chúng công kênh, hoan hô (vì thái độ bất tuân) thì buộc phải bị loại thôi. Ông bị sát hại bằng súng tại nhà vào hôm 9 tháng 1 năm 2020. Cái chết của ông khiến cho không ít kẻ bàng hoàng, và lắm người đã rơi nước mắt. Nhà thơ Bùi Chí Vinh cảm thán: Tru di ta viết một bài hành Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh Hai con án chết đầy oan khốc Một cháu chung thân xử rành rành … Vụ bà Lê Thị Dung, một đảng viên khác (Bí Thư Chi Bộ Trung Tâm Giáo Dục Huyện Hưng Nguyên) thì hơi khác. Báo Tuổi Trẻ, đọc được hôm 13 tháng 6 năm 2023, cho hay: Sau hai ngày xét xử, chiều 13-6 hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung mức án 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ…    HĐXX nhận định tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Dung mức án 5 năm tù là quá nghiêm khắc, do số tiền bị cáo hưởng lợi (gần 45 triệu đồng) là không lớn, nhân thân bị cáo tốt, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Việc cấp sơ thẩm chưa xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Dung là áp dụng thiếu sót, cần rút kinh nghiệm. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Dung 15 tháng tù, tính từ ngày bị bắt giam 28-3-2022 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Như vậy, cuối tháng 6-2023, bà Dung sẽ chấp hành xong án phạt. Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm, cô Lê Thị Dung bị tuyên mức án 5 năm tù.” Tuy HĐXX đã “rút kinh nghiệm” và cũng hết sức quan tâm đến “các tình tiết giảm nhẹ” nhưng bản án 15 tháng tù – xem chừng – vẫn cứ khiến cho lòng người sôi sục: Ngô Trường An : “Không được! Tòa phải tuyên vô tội thả ngay cô Dung tại tòa, xin lỗi và bồi thường.” Nguyễn Vũ Bình: “Đây là một trường hợp vô cùng thú vị để nghiên cứu về một hệ thống khuyết tật bao gồm những con người khuyết tật hãm hại một người trung thực, thẳng thắn và không có bất kỳ một tỳ vết gì.” Đoàn Bảo Châu : “Tôi tin rằng phiên toà phúc thẩm vừa diễn ra là một phiên toà RÁCH NÁT. Muốn xoa xuýt dư luận, hạ nhiệt bức xúc nhưng không đủ dũng cảm và phục thiện để tuyên bố vô tội.” Thái Hạo: Tôi tin, không một người có lương tri nào có thể kìm được nước mắt vì sự phẫn nộ, đau xót, bất lực của mình khi nghe những gì cả một bộ máy đã làm với một người vô tội. Chu Vĩnh Hải: Cô giáo Lê Thị Dung ở Nghệ An vô tội! Công lý là công minh chứ không phải để ban phát! Vũ Tuân: “Từ 60 tháng tù giảm xuống 15 tháng. Công Lý là tên hề nổi tiếng.” Trần Thị Thảo: “Mặc dù giảm xuống còn 15 tháng nhưng vẫn thấy rừng rú thế nào ấy.” Nguyễn Thông: “Vụ xử sơ thẩm và phúc thẩm đối với cô Dung chả khác gì trò đùa, với đủ trò mưu mẹo dấm dúi và trắng trợn. Pháp luật trong tay kẻ tiểu nhân cai trị chỉ là trò đùa dai của vở diễn hài nhân danh công lý.” Nguyễn Khanh: “Chán nhỉ!” Tôi thì trộm nghĩ khác (“khó nhỉ!”) nhưng chỉ dám nghĩ thầm thế thôi vì sợ gạch đá tứ phương. Nói gần nói xa, chả qua nói thực thì được vậy cũng “tử tế” lắm rồi. “Pháp luật đang trong tay những kẻ tiểu nhân” mà từ sơ thẩm đến chung thẩm bản án đã giảm được tới ba phần tư rồi, chớ đâu phải ít. Dù cũng chả hả hê chi về phiên toà thượng dẫn nhưng đi tính lại tôi bỗng bật tiếng cười (vui) khi nhớ đến đôi lời đàm tiếu, nghe được ngay sau khi Việt Nam vừa được vào W.T.O: Còn điều “nực cười” và “mỉa mai” trong vụ án vừa qua là nếu không có sức ép của đồng bào thì các đồng chí ở Nghệ An đã “xử đẹp” bà Bí Thư Chi Bộ (Trung Tâm Giáo Dục Huyện Hưng Nguyên) rồi. Tuy không đến nỗi bị phanh thây, xẻ ngực và lãnh án chu di tam tộc như trường hợp của ông Lê Đình Kình nhưng bà Lê Thị Dung cũng rũ tù – dù vô tội. Tình đồng chí của đảng CSVN, rõ ràng, không chỉ đáng kinh mà còn đáng tởm nữa. Từ trung ương đến địa phương chúng đều bất nhân, bất nghĩa, bất tín như thế cả. Sự tàn ác của Đảng, xem ra, chả từ bất cứ ai – kể cả cái đám đảng viên lau nhau của nó. Đôi khi, tôi băn khoăn tự hỏi: Sao hà khắc, bạo ngược (và trơ tráo) đến vậy mà cái Đảng ôn dịch CS vẫn tiếp tục cầm quyền ở Việt Nam gần cả thế kỷ qua? Chả lẽ vì dân tộc này đã quá quen với bạo ngược và hà khắc của chế độ hiện hành nên không còn mấy ai quan tâm gì đến công bằng, công chính, công đạo, công lý (và công tâm) nữa sao? Hay giản dị chỉ vì thiên hạ không thể hình dung ra được một xã hội hậu cộng sản sẽ ra sao nên cũng ngại chuyện đổi thay? Tưởng Năng Tiến 6/2023  
......

Báo chí cách mạng sướng ghê!

Mạc Van Trang  Báo chí Cách mạng, dân bây giờ thường gọi là “báo quốc doanh”, thật là sướng.   Có người bảo làm báo khó lắm, ví dụ Bộ trưởng bộ TTTT yêu cầu: “Báo chí phải làm ngược và vừa làm giống, vừa làm khác với mạng xã hội”. Ôi, làm kiểu gì mà vừa ngược, vừa giống, vừa khác đây? Khó quá! Nhưng thực ra bộ trưởng TTTT nói cho vui thôi, chứ có phải làm theo đâu.   Báo chí chỉ cần làm theo TUYÊN GIÁO và CÔNG AN là ok rồi.   Ví dụ theo TUYÊN GIÁO, hầu như tất cả các báo trước đó đều đăng hình Thủ tướng Phạm Minh Chính tươi cười nắm tay thân mật Tổng thống Zelensky tại hội nghị G7 ở Tokyo Nhật Bản, nhưng sau khi Medvedev thăm Việt Nam, hình TT Phạm Minh Chính tay bắt mặt mừng với Medvedev đăng trên các báo, thì trên các báo Điện tử, hình TT Phạm Minh Chính bắt tay thân mật TT Zelensky được đồng loạt thay bằng hình hai người đứng cách xa nhau nghiêm nghị, cứ như chưa hề có chuyện bắt tay nhau thân mật (!).   Hay chuyện các báo TP Hồ Chí Minh sau khi đưa tin và hình nhà Nghiên cứu văn học Đặng Tiến từ trần tại Paris, hôm sau đồng loạt gỡ bài đó. Những trường hợp nêu trên, hỏi anh em làm báo thì mới được biết, do lệnh “trên”! Vậy Tổng biên tập và các PV có sướng không? Bảo đăng thì đăng, bảo gỡ thì gỡ, chả phải chịu trách nhiệm gì!   Đăng tin theo CÔNG AN càng sướng hơn. Dường như tất cả các vụ án nghiêm trọng gần đây, CA, cụ thể là tướng Tô Ân Xô người phát ngôn Bộ CA phát ngôn thế nào thì mấy trăm tờ báo chép đồng loạt như vậy. Hôm trước Tướng Xô nói thế này, hôm sau Tướng nói thế kia, các báo lặp lại nguyên xi, chả mất công viết bài, biên tập mệt óc!   Đặc biệt các báo không phải cử phóng viên đến hiện trường điều tra độc lập vất vả, tốn kém và có khi nguy hiểm nữa. Cứ ngồi cà phê tán dóc, chờ CA thông báo là chép, đăng. Sướng thế! Sướng nữa là các báo cứ chép nguyên lời các nhà lãnh đạo báo cáo thành tích, tuyên bố trên trời dưới biển, hứa hẹn đủ trò, nhưng sau đó mới biết là nói láo, bị cụ Trọng cho vào Lò, nhưng từ Tổng biên tập đến phóng viên viết bài chẳng ai phải chịu trách nhiệm.   Đại khái cũng như các báo đăng Quảng cáo, bốc phét tận mây xanh, nhưng khách hàng bị lừa, báo cũng chẳng sao. Sướng ơi là sướng.   So sánh với người dân viết facebook, phải cẩn trọng từng chữ, sai sự thật một tí, là có thể bị CA “mời làm việc”, lại còn có thể bị phạt mấy triệu đồng, nặng là có thể bị đi tù… mới thấy làm báo Cách mạng sướng " dã man"! (nói theo kiểu tuổi teen)   Những phóng viên các báo cách mạng, nhân danh “bảo vệ chế độ”, “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, có thể tha hồ bịa đặt, bôi xấu, xúc phạm những “đối tượng” bị cho là “suy thoái”, “phản động” mà không hề sợ trách nhiệm. Những “nhà báo” này y như bần cố nông đấu địa chủ trong CCRĐ; tố điêu khiến địa chủ bị bắn chết mà đương sự không sao cả, có khi còn được trọng dụng vì “có tinh thần đấu tranh quyết liệt, triệt để”…   Sướng hơn nữa là các tờ báo của cơ quan đảng như báo Nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng và báo của các Tỉnh ủy, đầu vào được bao cấp, đầu ra được bao tiêu. Các chi bộ, cơ quan đều mua báo này để nắm bắt, quán triệt kịp thời những chỉ đạo của cấp ủy. Rồi được được đảng bỏ tiền ra mua phát cho các đảng viên lão thành. Cụ đảng viên quen với mình bảo, đi vắng hơn hai tháng về nó nhét báo vào đầy nhà…   Những cái sướng của người làm báo cách mạng thời nay kể sao cho hết!   Nhân ngày báo chí Cách mạng, chúc các nhà báo cách mạng đã sướng rồi, sướng nữa, sướng mãi! ==== PS. Bài viết đưa sự thật. Mục đích ca ngợi báo chí CM. Động cơ có phần ghen tị với các nhà báo CM, như vậy có tính cá nhân không được trong sáng. Rất thành khẩn ạ. 20/6/2023 MVT  
......

Những tiếng súng từ câu chuyện Nam tiến

VietTuSaiGon's blog Vụ Tin Lành Degar những năm 2001, 2004, 2008 và vụ mới đây nhất, nhiều người đồng bào thuộc tộc người thiểu số vũ trang tấn công làm chết nhiều cán bộ ở huyện Cư Kuin tỉnh Đắc Lăk, Tây Nguyên, rồi sau đó là các vụ bắt bớ hàng loạt những người đồng bào thiểu số vận áo quần rằn ri trên khắp mọi miền Việt Nam, nếu nhìn bề ngoài, đây là một cuộc truy lùng tôi phạm, nhưng nhìn sâu vào bản chất, đây là một cuộc Nam tiến hết sức khốc liệt của người miền Bắc và cũng là câu chuyện giữ đất một cách vô vọng của người bản địa Tây Nguyên, cụ thể ở đây là các tộc người thiểu số. Trở lại những năm tháng trước 1975, Tây Nguyên vẫn còn thưa thớt dân cư và những tộc người thiểu số vẫn còn tự do canh tác trên các nương rẫy, vẫn còn luân chuyển từ rẫy này sang rẫy khác sau vài năm để “nuôi đất” rồi quay lại canh tác. Người đồng bào thiểu số vốn dĩ định cư trong căn nhà, bản làng của họ từ rất lâu, họ chỉ luân canh, du canh chứ không du cư. Chính sách sau 1975 khiến cho các tộc người ở Tây Nguyên bị một cú sốc quá lớn - kinh tế mới. Chính sách kinh tế mới sau 1975 của chế độ mới làm tác động đến diện tích rừng tự nhiên cũng như các rẫy đất của người thiểu số bản địa. Chưa dừng ở đó, chính những người di cư từ miền Bắc vào khai thác với giấc mộng lớn, sau đó đưa gia đình, họ hàng của họ vào để tạo thế lực xã hội cũng như thế lực chính trị ở Tây Nguyên đã khiến cho đời sống nơi đây thực sự đảo lộn. Nếu như những năm trước 1975, số người Việt lên Tây Nguyên sinh sống đếm trên đầu ngón tay, họ là những người dũng cảm và biết làm kinh tế, họ đã tạo ra một chuỗi các sinh hoạt tân tiến trên vùng đất này, tạo ra hoặc mở rộng các trung tâm, thị tứ, thị trấn và đô thị, giúp thay đổi đời sống của các tộc người bản địa theo khuynh hướng “hiện đại hóa trên nền tảng bản địa”. Điều này giúp các tộc người thiểu số không bị sốc, không bị lạc hậu và không cảm giác bị bỏ rơi, hay nói khác đi, họ không thấy mình bị người Việt xâm phạm. Thế nhưng cú sốc “kinh tế mới” sau 1975 đã khiến diện tích bị co cụm, đời sống thay đổi, nhịp sống đảo lộn, các tộc người tự thu mình lại. Nhưng, cú sốc này vẫn chưa đủ nặng để gây ra mối cừu thù sâu nặng của người bản địa như đang thấy. Mà, chính các cuộc Nam tiến sau này của người bắc di cư vào Tây Nguyên, họ nhanh chóng dựa trên sức mạnh lý lịch để thiết lập một bộ máy quyền lực từ quyền lực chính trị, thao túng chính quyền cho đến quyền lực xã hội, thao túng kinh tế và phá vỡ văn hóa Tây Nguyên, đây là cú sốc quá nặng nề đối với các tộc người bản địa. Chính sách về tôn giáo cũng như đất đai của chế độ mới nhanh chóng lấy gần như toàn bộ tự do và các nương rẫy, lấy mất sinh kế của các tộc người thiểu số, lựa chọn cuối cùng là đi làm thuê. Nhưng, ngay trong cả việc làm thuê, mặc dù người thiểu số quen chịu đựng và lao động rất tốt nhưng vẫn bị ép uổng ngày công lao động và bị phân biệt, kì thị hết sức. Bên cạnh đó, các vố lừa về đất đai của người Việt, phần lớn là người Bắc đã khiến cho mối thù manh nha trở thành mối thâm thù đối với kẻ đã lừa họ. Một bữa rượu cũng có thể đổi mất một cái rẫy của người Tây Nguyên (điều này nhà văn Nguyên Ngọc từng đề cập, và thực tế còn ghê gớm hơn những gì ông đã viết). Bị lừa, bị ép, bị đủ các kiểu để đẩy dần về phía rừng già, lòng thù hận ngày càng chồng chất, phía bên kia biên giới, hoặc ngay ở biên giới là những nhóm quân FULRO một thuở đang trú ẩn, những tộc người thiểu số nhanh chóng trở thành người đồng hành với FULRO và đương nhiên họ sẽ thành tay chân, đồng minh, và cả đồng chí hướng với FULRO để tạo thêm chỗ dựa, để chờ cơ hội. Cơ hội của họ chính là lúc những tay cán bộ nói giọng bắc hoặc thân Bắc - những kẻ đã đẩy họ đến đường cùng - đang say sưa hưởng thụ mọi thứ có được nhờ thành quả của việc mượn tay chính trị để đẩy họ vào rừng. Và, việc gì đến phải đến, những người thuộc FULRO (cứ xem họ là FULRO đi, cũng chẳng sao) đã chính thức nổ súng, bắn vào những kẻ đã gây ra oan khiên cho họ, sự giết chóc đã được chuẩn bị kĩ lưỡng, với tinh thần một mất một còn và chấp nhận cái chết. Thế nên khi bị bắt, những “kẻ FULRO” này rất ung dung, tự tại, vẫn cười nói như không có gì xảy ra. Điều này, nếu nhìn từ bên ngoài, chắc chắn họ là những kẻ máu lạnh (và cũng có thể là vậy thật, bởi qua quá nhiều bức bách, họ đã biến hình thành máu lạnh để trả thù, đó là cách phản ứng điển hình nhất từ triệu chứng tuyệt vọng xã hội). Và có một khuynh hướng chung ở Tây Nguyên, đó là người Việt mà phần đông là người Bắc càng giàu lên, càng lớn mạnh thì người Thượng càng trở nên khó khăn, nghèo khổ và thê  thảm. Bởi mọi thứ quyền lợi phát sinh từ chính trị, người Bắc đã thâu tóm, người ở những khu kinh tế mới có khá lên chăng thì cũng chẳng đáng kể so với người Bắc mới di cư theo lộ trình quyền lực sau này. Kể cả người Việt sống ở Tây Nguyên nhiều đời, trước 1975, cho dù họ có nỗ lực làm giàu thì cũng chật vật, gặp nhiều cản trở và khó khăn hơn rất nhiều so với những người có quyền lực chính trị. Bởi không có cách gì lấy nguồn tài nguyên đất đai của người Thượng nhanh hơn việc mượn tay quyền lực chính trị. Và, khi các “FULRO Tây Nguyên” nã súng vào những người trong hệ thống chính quyền, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ đã nã súng vào quyền lực của một tập hợp người Bắc sống gắn bó trên đất Tây Nguyên và cũng là động chạm vào thế lực chính trị của Tây Nguyên. Chính vì lẽ này mà khi những người gây án kia chạy trốn ra hướng Bắc thì bị tóm gọn hết, đặc biệt là trên địa bàn Nghệ An. Ngược lại, chưa thấy “FULRO Tây Nguyên” nào bị bắt ở các thành phố phía Nam bởi tay người dân cả. Điều này cho thấy mối lân mẫn của những người thuộc phe thua cuộc và thấp cổ bé miệng với nhau, họ đã chìa tay ra che chở cho nhau. Và ngay cả tại Tây Nguyên, những người đã bắt, đánh đập dã man các FULRO Tây Nguyên đều đội nón cối, bởi họ thuộc về nhóm thân Cộng hoặc chính họ là Việt Cộng. Mấy ngày nay, không khí truy lùng, bắt bớ rất sôi sục, điều này cho thấy công tác dân vận của nhà nước Cộng sản rất mạnh và hiệu quả. Đó là nhìn từ bên ngoài, kỳ thực, ngoài cuộc chiến giữa các tộc người thiểu số với thế lực nhóm trong thể chế, còn một cuộc chiến truyền thông khác giữa hai phe với nhau, vừa dùng đòn thật, vừa vờn nhau lại vừa tìm thế thượng phong trong cuộc chiến. Và, với đà này, chuyện bắt bớ còn rất dài, bởi để bảo vệ cuộc Nam tiến của các cư dân Bắc có quyền lực và lợi ích nhóm trên đất Tây Nguyên được suông sẻ, không còn cách nào khác là xô người bản địa ra khỏi nơi cư trú lâu đời của họ và cưỡng chế họ, biến họ thành những con cừu đúng chất, làm cho họ chịu sự áp bức và xem sự áp bức ấy là hiển nhiên. Những tiếng súng ở Tây Nguyên, về bản chất sâu xa, đó không phải là tiếng súng của những kẻ man rợ giết người làm trò vui, cũng không phải là tiếng súng của một nhóm FULRO giết người cướp của, mà xét cho cùng, có thể xem đây là tiếng súng của các “Hậu FULRO” bắn vào những cán bộ có yếu tố miền Bắc và bắn vào những đại diện chính trị cũng như những kẻ đã trực tiếp lấy đi sinh kế và sinh phần của các tộc người thiểu số. Nói là tiếng súng trả thù cũng đúng, nói là tiếng súng giết người hàng loạt cũng đúng và nói là tiếng súng cách mạng của các tộc người thiểu số cũng đúng nốt!  
......

Luật sư Đào Kim Lân sẽ báo cáo gì với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc?

Gió Bấc's blog  Mong rằng 100 triệu người dân Việt cần quan tâm tự cứu mình, cùng đồng hành với các luật sư. Hai năm qua, các luật sư tham gia bào chữa cho các nạn nhân bị cáo oan ở Tịnh Thất Bồng Lai (TTBL) đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan pháp luật và lãnh đạo đảng và nhà nước cao nhất về sai phạm của Công An (CA) huyện Đức Hòa và tỉnh Long An nhưng không được xem xét giải quyết. CA Long An lại tạo dựng đơn thư tố cáo các luật sư vi phạm điều 331, tạo cớ “mời”, ra “thông báo truy tìm” các luật sư để điều tra. Luật sư Đào Kim Lân đã bị cấm xuất cảnh không được tham dự lễ khai giảng ở trường cũ mà Luật sư từng học tập và tốt nghiệp. CA cũng đến tận nhà đe dọa, trấn áp tinh thần người thân luật sư Lân. Nguy cơ bị khởi tố, bị bắt giam đang hiển hiện. Mong muốn làm sáng tỏ vụ việc, liên tiếp từ ngày 13-6 đến 18-6, Luật sư Đào Kim Lân đã có nhiều buổi livestream trần tình với cộng đồng mạng đang chuẩn bị hồ sơ để báo cáo sự việc lên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Trong trạng thái xúc động, livestream khá dài, để mọi người dễ theo dõi chúng tôi xin tóm tắt dưới đây những nội dung chính. Đã khiếu nại đến tất cả các cơ quan nhà nước Việt Nam Từ nhỏ được học tập dưới mái trường XHCN, lớn lên từng học trường An Ninh, Luật sư Lân ý thức được Mỹ và thực dân đế quốc phương Tây là kẻ thù xâm lược nên luôn cảnh giác. Lớn lên, dù rất thích mùi xà bông thơm Dove ông luôn cẩn thận mài nhẵn cho mất đi nhãn hiệu chữ Dove trên cục xà bông trước khi dùng nhưng trong bụng vẫn cứ lo những người chung quanh nhận biết mùi thơm của loại này. Vì vậy ông luôn có ý thức tốt khoe xấu che không làm gì để ảnh hưởng đến lợi ích, danh dự đất nước. Từ trước đến nay ông Lân luôn thiện chí hợp tác, trao đổi với CA huyện Đức Hòa và tỉnh Long An về những sai phạm trong tố tụng, hành xử công quyền của họ trước và kiên nhẫn chịu đựng những chiêu trò đe dọa, bôi xấu của đám tổ chức ngoại vi, dư luận viên mà ông gọi là bọn “loa làng”.  Ông và các luật sư đồng nghiệp buộc lòng phải nhiều lần có văn bản tố cáo lên cấp trên vì CA địa phương đã vi phạm pháp luật quá nghiêm trọng gây ra oan trái, bất công với người vô tội. Với ông, trước sau như một ông tin vào duy nhất là luật pháp và nhà nước Việt Nam. Nhiều người thân, bạn bè là cán bộ có trách nhiệm, nhiều lần hứa hẹn với ông sẽ có biện pháp xử lý, ông đã tin và chờ đợi. Nhưng rất tiếc đã hơn 2 năm qua, những kiến nghị ấy không được phản hồi. Giải oan thân chủ, Luật Sư bị quy chụp Vụ án có những tình tiết mâu thuẫn đến khó hiểu, thông tin báo chí, thông tin của “loa làng”, thông tin của những người am hiểu trên mạng xã hội mâu thuẫn đến rối loạn: TTBL bị khởi tố ba tội hay một tội khi báo chí chính thống của nhà nước khi đăng 3 tội loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều 331 khi đăng chỉ 1 tội theo điều 331? Tại sao CA công bố thông tin bắt khẩn cấp, quả tang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hình ảnh vật chứng nhưng lại khởi tố theo điều 331 ? Tại sao khởi tố theo điều 331 nhưng CA lại bao vây, canh giữ TTBL không cho ai ra vào. CA đóng quân từ ngoài vào trong nhà, tịch thu xe, cắt sóng wifi, làm cho các cháu bé không thể học (kể cả online) suốt thời gian dài. Để góp phần với các cơ quan pháp luật làm sáng tỏ vụ án, không để ảnh hưởng, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trong đó có người già, phụ nữ, trẻ em, các luật sư đã lập ra kênh youtude Nhật Ký Luật sư cung cấp những thông tin chính thống của vụ án theo hồ sơ vụ án, các hoạt động pháp luật của các luật sư trong từng giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Bình luận giải thích pháp luật về các tình huống có liên quan. Đây là vụ án hình sự theo điều 331 liên quan đến danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân nên việc thông tin rõ ràng minh bạch tránh những dư luận sai lệch là hết sức cần thiết. Nếu cơ quan điều tra làm tốt việc truyền thông chính xác, đúng đắn thì các luật sư không phải làm thêm công việc trái tay này. Ngược lại, CA Long An, tổ chức đã có nhiều sai phạm đang bị khiếu nại tố cáo về việc tạo dựng chứng cứ giả để buộc tội TTBL lại một lần nữa tạo dựng những chứng cứ giả để “mời”, tiếp theo đó là “truy tìm” các luật sư đến để xác minh điều tra dấu hiệu vi phạm theo điều 331 trong việc cung cấp thông tin trên kênh Nhật Ký Luật Sư. Người bị tố cáo điều tra xử lý người tố cáo là việc làm ngược ngạo hiếm có. Cần có cơ quan khách quan xem xét Theo luật tố tụng hình sự về trách nhiệm điều tra theo địa bàn, lãnh thổ thì ông Lân và các đồng nghiệp đều cư trú tại TP.HCM, việc livestream thực hiện trên địa bàn TP.HCM nên nếu có tội phạm xảy ra thì phải do CA TPHCM điều tra, sao lại là Long An? Hơn thế nữa, trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân, cho dù Luật sư Lân có phạm tội thì vợ con ông không hề tham gia, không phải chịu trách nhiệm gì nhưng CA Long An lại cử điều tra viên đến gia đình đe dọa, đàn áp người thân luật sư Lân. Đây là hành vi khủng bố, không phải cách hành xử của cơ quan pháp luật. Trong bối cảnh bức bách, quyền hành nghề Luật sư bị hạn chế như là bị bịt miệng. Ngay sự an nguy, quyền tự do thân thể của các luật sư cũng có nguy cơ bị tước đoạt. Gỏ cửa khắp các cơ quan tổ chức trong nước đều im lặng. Luật Sư Đào Kim Lân buộc lòng phải cầu cứu đến các tổ chức quốc tế khách quan. Cụ thể là Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một quốc gia thành viên. Luật sư Lân dự kiến sẽ trình bày những nội dung chính là các vi phạm tố tụng, những hành vi sai phạm pháp luật của CA huyện Đức Hòa và tỉnh Long An. Qua nội dung livestream, Luật Sư Đào Kim Lân cho biết đang hoàn thiện các văn bản này và đang nhờ dịch ra tiếng Anh để tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc dễ tiếp nhận nội dung. Luật sư Lân đã giới thiệu trước một số nội dung chính dự kiến sẽ trình bài với các tổ chức có trách nhiệm không phải là điều mới mẻ mà chính là những sai phạm pháp luật của CA Long An, Đức Hòa, trong chuỗi vi phạm đàn áp, buộc tội oan, làm ảnh hưởng danh dự nhân phẩm các thành viên TTBL mà ông và các luật sư đồng nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan pháp luật và lãnh đạo nhà nước. CA bao che tội phạm, bắt người trái phép! CA Đức Hòa đã bao che, bỏ lọt tội phạm trong vụ vợ chồng ông Võ Văn Thắng dẫn đầu gần 50 người xông vào TTBL lấy cớ tìm con hành hung gây thương tích, cướp phá tài sản. TTBL tố cáo sự việc đề nghị khởi tố về ba hành vi: xâm nhập chỗ ở trái phép, cướp tài sản, cố ý gây thương tích nhưng CA Đức Hòa chỉ khởi tố về một tội cố ý gây thương tích và có văn bản trả lời hành vi 50 người xông vào TTBL là không phạm pháp. Chính cách hành xử này làm các thành viên TTBL bức xúc nói “CA bao che tội phạm” và bị cáo buộc phạm tội theo điều 331. Sự kiện ông Trần Quốc Thắng, CA Đức Hòa mời cô Diễm My lên CA huyện. Tại đây, CA đã cách ly Diễm My với các thành viên khác của TTBL và cưỡng chế bằng sức mạnh giao Diễm My cho vợ chồng ông Thắng bắt về nhà giam giữ là hành vi sai phạm pháp luật. Bức xúc việc Diễm My bị bắt, các thành viên TTBL hô hoán “CA bắt người”. Đây là sự việc có thật, một hành vi phạm pháp của công dân diễn ra ngay tại trụ sở cơ quan công quyền nhưng những người nói lên sự thật lại bị đi tù vì phạm điều 331 Diễm My: mắc xích then chốt mất tích bí ẩn? Sau sự kiện này, trên mạng xã hội xuất hiện hai clip của Diễm My tố cáo ông vợ chồng ông Thắng đã giam giữ trái phép cô nhiều tháng trời. Ông Thắng có hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm thân thể cô. Diễm My cũng tố cáo CA huyện Đức Hòa và cụ thể là CA Trần Quốc Thắng đã lừa ký giấy mời cô lên làm việc và dùng sức mạnh xâm phạm thân thể, bắt cóc cô. Diễm My cũng tố cáo đích danh thầy chùa Thích Nhật Từ toa rập với ông Thắng bàn mưu bức hại TTBL với những thủ đoạn độc ác. Các Đài Truyền Hình và Báo chí đã thông tin đơn đặt, dối trá, xúc phạm danh dự của cô và các thành viên TTBL. Điều đáng nói là trong tâm trạng bị kích động, Diễm My đã dùng lời lẽ hết sức nặng nề nhục mạ, lên án các đối tượng mà cô tố cáo nhất là với cha mẹ ruột ông Thắng, bà Mai. Xét về hình thức, hành vi thì hai clip này là bằng chứng rõ ràng nhất, điển hình nhất vi phạm điều 331, đáng phải khởi tố hình sự. Nhưng mặt khác, trong bối cảnh chung của vụ án, Diễm My là người bị hại trong nhiều hành vi bắt người trái phép, giam giữ người trái phép,…. Đồng thời cô cũng là người có liên quan rất quan trọng không thể vắng mặt trong phiên tòa xét xử TT BL. Thế nhưng dù các luật sư nhiều lần yêu cầu khiếu nại, các cơ quan tố tụng chỉ xem cô là nhân chứng, có mặt cũng được, vắng mặt cũng không sao. Trên đất nước có ba người dân thì có một CA, Diễm My bị bốc hơi ở đâu đó mà mấy năm qua không còn tăm tích. CA tạo chứng cứ giả quy kết tội Nghiêm trọng hơn nửa là CA Long An đã tạo dựng chứng cứ giả trắng trợn để cáo buộc, xúc phạm danh dự các thành viên TTBL. Ngày 5-1-2022, CA cung cấp thông tin cho báo chí khởi tố TTBL về 3 tội:lừa đảo chiếm đoạt tài sản, loạn luân, điều 331. Tất cả báo chí, đài truyền hình, các youtuber bò đỏ đồng loạt đăng thông tin này kèm theo hình ảnh clip thầy Lê Thanh Nhị Nguyên bị bắt quả tang đang lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng với 100 triệu đồng vật chứng, trong hồ sơ vụ án còn có cả tên người bị hại là Hồ Phước Lợi. Thế nhưng sau đó các báo đồng loạt đăng lại mà không đính chính là khởi tố 1 tội theo điều 331 và đến nay sau hai phiên xử sơ phúc thẩm vẫn chỉ có một tội về điều 331. Thế nhưng trước và sau phiên tòa nhiều lần báo chí tung tin. hình ảnh về bản kết luận giám định AND cho thấy nhiều trẻ trong TTBL là con loạn luân. Báo chí đăng cả phả hệ cho rằng bé này con ai, bé kia con ai theo “kết quả giám định ADN” khi thò ra khi thụt vào là không có? Bác Sĩ Phan Xuân Trung xem xét theo phả hệ này và phát hiện ra cụ Lê Tùng Vân là một siêu nhân, người ngoài hành tinh khi từ nhỏ đến 60 tuổi không có con nhưng từ sau 60 đến 89 tuổi lại có đến 13 con.!!! CA Long An nhiều lần lấy mẫu tế bào bất hợp pháp các thành viên TTBL. Trong thời gian dịch COVID-19, CA cho rằng có người nhiễm COVID đi vào TTBL cưỡng bức các thành viên phải đi vào khu cách ly và tiến hành lấy máu. Sau phiên xử phúc thẩm, CA lại bao vây phong tỏa TTBL mà không có bất cứ văn bản nào, đồng thời dùng sức mạnh không chế, cưỡng ép các thành viên để lấy mẫu dịch vòm họng. Các luật sư đến bảo vệ các thân chủ, khuyến cáo CA làm đúng pháp luật cũng bị gây khó khăn đủ điều. Những chứng cứ mà các cơ quan tố tụng Long An quy chụp cho TTBL vi phạm điều 331 cũng là sự quy kết, tạo dựng. Ngoài các câu nói “CA bao che tội phạm”, “CA bắt người”. “Thích Nhật Từ ngu như bò” như đã nêu, CA Long An còn cắt ráp lời giảng của cụ Lê Tùng Vân dạy mọi người phải thượng tôn pháp luật thành câu nói khác và quy tội phỉ báng tôn giáo và pháp luật. Thủ đoạn này là bài bản mà CA Hà Nội từng áp dụng với Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Đàn áp tôn giáo, che lấp sự thật! Còn rất nhiều hành vi đạp trên pháp luật để đàn áp các thành viên TTBL là những người tu tại gia, không phục tùng theo giáo hội Phật giáo quốc doanh của Nhà nước. Họ có nhiều ảnh hưởng đến xã hội nhờ tài năng. Nhiều thành viên đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi. Kênh youtube Năm Chú Tiểu của họ được hàng triệu view, được danh hiệu Nút Phím Vàng. Một nguyên nhân sâu xa khác, cái tội lớn nhất của TTBL là dám nói lên sự thật, dám tố cáo CA Đức Hòa đòi hối lộ. Lần này, đến lượt các luật sư của TTBL phải trả giá cho việc nói lên sự thật về những sai phạm của CA . Luật sư Đào Kim Lân khẳng định ông chấp nhận những bất trắc thậm chí cả sự an nguy cho bản thân nhưng phải nói lên sự thật. Vì nếu không ngăn chặn được tình trạng này thì bất cứ một người dân Việt vô tội nào cũng có thể bị bắt giam, phạt tù nếu trái ý cường quyền. Quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm của người dân có thể bị chà đạp mà không có ai, không có cơ chế nào bảo vệ. Luật pháp chỉ là công cụ đàn áp của thế lực cầm quyền. Chúng tôi hoan nghênh tinh thần dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng. Nhưng chúng tôi hết sức quan ngại về cái giá phải trả của các luật sư. Mong rằng 100 triệu người dân Việt cần quan tâm tự cứu mình, cùng đồng hành với các luật sư. Kiều bào nước ngoài khúc ruột ngàn dặm không chỉ thể hiện lòng yêu nước bằng mồ hôi nước mắt qua tiền kiều hối mà cần lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ các luật sư, đòi hỏi nền pháp luật công minh. Nguồn tham khảo   https://www.youtube.com/watch?v=23Fith8wtSA&t=76s https://www.youtube.com/watch?v=JRsdcv5YeZY https://www.youtube.com/watch?v=qG-xILWFzgg  
......

Những điều lạ lùng trong vụ án bác sĩ Nguyễn Minh Quân

Thao Ngoc Mọi người còn nhớ: Tháng 11/2021, vụ bác sĩ Nguyễn Minh Quân, GĐ BV Thủ Đức bị bắt, đã làm ồn áo dư luận, làm tốn rất nhiều giấy mực của báo chí một thời gian.   Ngày nay, việc một tay bác sĩ GĐBV bị bắt, nhiều nhung nhúc như dòi trong đống phân lâu ngày, có gì đáng quan tâm. Nhưng riêng ở vụ án này có rất nhiều điều lạ lùng, về số lượng bị can, về thành phần tham gia chạy án, về số tiền chạy án cực khủng, là tổng cộng hơn 3,7 triệu USD.v.v.. https://nld.com.vn/.../cuu-giam-doc-bv-thu-duc-lap-4-cong...   Thứ nhất: Các đối tượng tham gia chạy án:Một ê kíp tham gia chạy án gồm: Hai cán bộ CA trong Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; là luật sư Bùi Thị Hồng Giang; là tổng GĐ công ty truyền thông Du lịch Việt Trần Văn Long. Cuối cùng là thượng tọa Thích Đồng Huệ.   Thứ hai: Thủ đoạn lập sân sau của Nguyễn Minh Quân: Tất cả những ngón nghề này Quân đều được “học tập và làm theo tấm gương” mụ phù thủy Nguyễn Thị Kim Tiến. Mụ Tiến kim tiêm chẳng những lập sân sau, mà trắng trợn và liều lĩnh hơn là bảo kê cho tập đoàn Vn Pharma buôn thuốc ung thư giả, làm chết hàng trăm bệnh nhân nghèo.   Trước tội trạng động trời như thế, nhưng cuối cùng mụ Tiến chẳng bị rụng một cọng lông nào. Sau gần 2 nhiệm kỳ ngồi chót vót trên ghế quyền lực để vơ vét, khi bị dư lận phản ứng dữ dội, thì mụ Tiến được ưu ái nhảy sang làm trưởng ban bảo vệ sức khỏe TƯ, chiếc ghế đầy quyền lực, lại tha hồ vơ vét.   Thứ ba: Thầy chùa cũng tham gia chạy án. Trong vụ án này, có một nhân vật mà khi nghe tên làm dư luận hết sức ngỡ ngàng. Đó là thượng tọa Thích Đồng Huệ, tên thật là Nguyễn Ngọc Triệu.   Nhà sư này với đống chức vị khủng khiếp, mà khi bạch hóa ra không khỏi làm người ta choáng ngợp: Là Ủy viên Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN, Phó ban Phật giáo Quốc tế TƯ, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Giang, Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Angola, Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Mozambique, trụ trì chùa Nôm (tỉnh Hưng Yên) và chùa Quan Âm (tỉnh Hà Giang), đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021 – 2026.v.v.   Điều buồn cười là vị tu sĩ Phật giáo quốc doanh này đã kịp thời trút bỏ áo cà sa 2 ngày trước khi bị bắt, với lý do bị bệnh hiểm nghèo.   Thế mới biết sư sãi quốc doanh ngày nay kiêm nhiệm nhiều nghề tay trái. Như chùa Phúc Khánh của nhà sư Thích Thanh Quyết, hoạt động dâng sao giải hạn, đón hàng nghìn người đến giải hạn sao La Hầu, ngồi bót kín các lối đi. Như chùa Ba Vàng (Quảng Ninh),với ngón nghề bịp bợm “vong báo oán”, “giải nghiệp”,mỗi năm thu hàng trăm tỉ đồng.   Như chùa giác ngộ của Thích Nhật Từ, ngoài việc rao giảng nghệ thuật phòng the, cách làm tình sao cho đạt cực khoái.v.v. Trần Ngọc Thảo còn kiêm nghề thầy kiện, vu khống, kiên quyết đẩy cụ Lê Tùng Vân, đáng tuổi ông nội của Từ vào tù bằng mọi giá.   Nay thêm Thích Đồng Huệ không biết có lo việc Phật sự cho tín đồ hay không, nhưng kiêm nhiệm nghề chạy án là thu bộn tiền. “Theo lời khai của Tuấn, sau khi nhận 1 triệu USD từ Nguyễn Minh Quân, Tuấn đã 6 lần mang đến Chùa Nôm đưa 970 nghìn USD Thượng toạ Thích Đồng Huệ”.   Thứ tư là: “Trong vụ này, ông Quân được đánh giá là chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên được miễn trách nhiệm hình sự”. Làm gì có chuyện tên kẻ cắp khi chưa bị phát hiện, mà tự giác đi thú nhận tội lỗi mình ăn cắp bao giờ? Hay là cái này đã được quy đổi thành tiền?   Thứ năm: Mất bò mới lo làm chuồng: “Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị nâng cao “kiểm soát quyền lực” của người đứng đầu bệnh viện sau loạt vụ án liên quan đến đấu thầu mua sắm thiết bị y tế”.(VTC NEWS ngày 17/6/2023). Hóa ra mấy chực năm nay, vì BCA chưa khuyến cáo, chưa kiến nghị nâng cao “kiểm soát quyền lực” , nên bọn quan tham tha hồ lộng hành?   Câu hỏi đặt ra là: Nếu vụ án này trót lọt thì hơn 3,7 triệu USD do Nguyễn Minh Quân chạy án(Vn Express ngày 8/9/2022), sẽ chui vào túi ai. Và còn bao nhiêu vụ chạy án khủng khiếp đã “trót lọt chui qua lỗ Kim” mà không bị phanh phui? tn 17/6    
......

Nguồn gốc tội ác và bạo loạn ở Tây Nguyên

Tùng Phong Cuộc vây bắt bố ráp nhóm người Thượng tham gia vào vụ bạo loạn đẫm máu ở hai đồn công an ở xã Ea Ktur và Ea Tu …rạng sáng ngày 11 tháng Sáu đang có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột sắc tộc và trả thù theo đúng nghĩa đen. Toàn bộ 5 tỉnh thành Tây Nguyên đặt trong trạng thái chiến tranh. Lực lượng công an, mật vụ, cảnh sát cơ động chống khủng bố, quân đội hùng hậu được triển khai. Bất kể ai, với kiểu hình và ngữ âm “dân tộc”, mặc quần áo rằn ri đều trở thành đối tượng bị truy bắt và xét hỏi. Một clip trên MXH cho thấy đám đông đầy phẫn nộ cùng lực lượng công an đang trói gô hai người đàn ông dân tộc mặc chiếc quần rằn ri khi họ trên đường đi làm rẫy như những kẻ tội phạm mặc cho hai thanh niên ú ớ thanh minh bằng thứ tiếng Việt không rõ ràng. Theo thông báo của BCA, hiện đã có 45 đối tượng tình nghi bị bắt giữ và cuộc bố ráp vẫn tiếp tục với qui mô mở rộng chưa từng có. Điều đáng lo ngại là bầu không khí đầy kích động thù hận đang lây lan, khuyến khích các hành động bạo lực tập thể. 6 viên công an và hai viên chức hai xã bị tử thương đều là người Nghệ An, Thanh Hóa và đây cũng là sắc dân nhập cư đa số, đông đảo nhất ở 5 tỉnh Tây Nguyên sau 1975. Với đặc tính cấu kết vùng miền mạnh mẽ, họ thậm chí tổ chức các đội nhóm đi lùng bắt người dân tộc thiểu số như thời Trung cổ và sẵn sàng sử dụng bạo lực mà không có sự ngăn cản của phía chính quyền. Cuộc bố ráp đang biến thành một cuộc trả thù sắc tộc không kiểm soát có thể tạo ra xung đột sâu sắc thêm, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Điều đó cần phải chấm dứt ngay. Cuộc khủng hoảng này cần nhanh chóng khép lại bằng tiến trình luật pháp. Điều quan trọng hơn là Hà Nội nhìn nhận ra ngọn nguồn của mâu thuẫn dẫn đến tội ác và bạo loạn như đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua và vẫn nhức nhối tới hôm nay dù nhà cầm quyền đã tiêu tốn một nguồn lực khổng lồ. Vấn đề cần được giải quyết ở gốc rễ chứ không phải bằng bạo lực và đàn áp sắt máu. Bỏ qua nguyên nhân trực tiếp gây cuộc bạo loạn có tổ chức này có thể có những tác nhân “nước ngoài” tác động. Tôi sẽ chỉ tập trung vào phân tích các nguyên nhân gây ra những mâu thuẫn và phẫn uất xã hội đã tồn tại quá lâu ở Tây nguyên nói riêng. Đó là các mâu thuẫn về văn hóa, bất công trong chính sách quản lý đất đai, phân biệt đối xử và cướp bóc một cách có hệ thống của chính quyền địa phương đối với những sắc dân thiểu số Tây Nguyên. Ngoài ra, còn có các yếu tố lịch sử và chủng tộc cần phải được xem xét một cách khách quan và toàn diện. Chính các vấn đề này mới là căn nguyên của tội ác và bạo loạn, bất ổn xã hội. Những sai lầm cần được triệt để khắc phục dù phải hy sinh các lợi ích phe nhóm đang chiếm ưu thế quyền lực vượt trội ở hệ thống cầm quyền Việt Nam. Tây Nguyên trước 1975 Ngược lại tiến trình Nam tiến của dân tộc Việt Nam thì đến khi chúa Nguyễn Hoàng nhập Phú Yên năm 1611 tới thời Gia Long thống nhất non sông một dải từ mũi Cà Mau đến Ải Nam Quan năm 1802, thì Tây Nguyên vẫn chưa nằm trong cương thổ Việt Nam. Vùng cao nguyên và núi non mênh mông này là nơi sinh sống của các sắc dân Kor, Ktu, Ba Na, Xơ Đăng, Hre, Jrai…và họ không khuất phục trước sự cai trị hà khắc của nhà Nguyễn. Những cuộc nổi dậy mạnh mẽ chống lại Nguyễn triều được biết tới với tên gọi “loạn mọi Đá Vách”. Đá Vách là tên gọi khác của núi Thạch Bích, phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Cuộc nổi dậy của họ kéo dài suốt nửa thế kỷ và Nguyễn triều đã phải nhọc công bình định với hao tổn to lớn. Vào thời Pháp thuộc, hệ thống quyền lực hành chính và những hạ tầng xã hội văn minh được người Pháp bắt đầu đặt nền móng từ những năm 1891. Với việc phát hiện ra cao nguyên Lang Biang bởi nhà khoa học lừng danh Yersin và theo đề nghị của ông, Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho xây dựng thành phố Đà Lạt, chính thức trực tiếp can thiệp vào vùng đất Tây Nguyên kể từ 1900. Đến tháng 5, 1949, người Pháp trao quyền quản lý Cao Nguyên Trung Phần với xứ Thượng Nam Đông Dương cho chính phủ Quốc gia Việt Nam. Quốc trưởng Bảo Đại tách riêng Cao Nguyên Trung bộ ra và lập qui chế hành chính đặc biệt có tên Hoàng Triều Cương Thổ vào tháng Tư, 1950. Vùng này gồm 5 tỉnh là Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Pleiku, Daklak, Kontum. Đến 1955, chính quyền VNCH dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm mới giải thể qui chế này và sát nhập “Hoàng Triều Cương Thổ” vào lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, Tây Nguyên hay Cao nguyên Trung phần là phần đất cuối cùng được sát nhập vào cương thổ Việt Nam trong lịch sử hiện đại. Trong suốt quá trình người Pháp can thiệp vào Tây Nguyên, việc nhập cư được kiểm soát khá chặt chẽ. Người Pháp duy trì chế độ tự trị của vùng đất này và hạn chế người Kinh nhập cư, ngoại trừ những công ty trồng café, cao su được quyền tuyển người và đưa người Kinh vào làm việc với số lượng giới hạn. Việc thành lập các đồn điền và di thực các loại cây công nghiệp chiến lược là café, cao su… về trồng tại cao nguyên Lang Biang đã sớm có những kết quả kinh tế to lớn, cùng với những hạ tầng kỹ thuật, đô thị được xây dựng một cách khoa học đã thay đổi đời sống của người dân địa phương. Đà Lạt trở thành thủ đô của Cao Nguyên Trung Phần. Người Pháp rất tôn trọng văn hóa và tập tục bản địa của người Thượng – tên gọi chung cho các dân tộc Tây Nguyên. Dưới thời Quốc gia Việt Nam, “Qui chế 16” của quốc trưởng Bảo Đại thừa nhận các quyền sở hữu đất đai của người Thượng, cũng như tôn trọng tập tục bộ lạc và chức sắc kế truyền … Nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, chủng tộc, tài nguyên, thổ nhưỡng, khí hậu của người Pháp về Tây Nguyên cách đây hơn 100 năm phải khiến cho giới trí thức Việt sau hơn một thế kỷ mới được tiếp cận phải sửng sốt, thán phục. Một ví dụ tiêu biểu là bản trường ca Đam Săn của dân tộc Ede (Rhade) đã được chuyển ngữ từ tiếng Rhade sang tiếng Pháp bởi Léopold Sabatier từ 1929. Rất lâu sau đó, những nhà “văn hóa Việt Nam” mới được biết tới kiệt tác này qua bản dịch của ông. Cuộc di cư lớn đầu tiên của người Kinh vào Tây Nguyên dưới thời VNCH được ghi nhận vào giai đoạn 1954 khi gần 1 triệu người Bắc di cư vào Nam. Trong số đó, 54.551 người đã được sắp xếp định cư ở Đà Lạt và Lâm Đồng. Cho đến 1975, toàn bộ dân số khu vực Tây Nguyên ước chừng khoảng 1,2 triệu dân với đa phần là dân bản địa chiếm khoảng 70%. Chính sách của VNCH sau khi sát nhập Hoàng Triều Cương Thổ vào Trung phần, gọi là Cao nguyên trung phần (hay Tây Nguyên) chú trọng xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, gia tăng quyền lực hành chính. Song đối với các dân tộc bản địa, chính quyền VNCH hết sức tôn trọng văn hóa, tập tục, hỗ trợ kinh tế, hướng dẫn nghề nghiệp, kỹ thuật lâm nghiệp để họ có đời sống tốt hơn. Mối quan hệ giữa chính quyền, người Kinh nhập cư và các dân tộc bản địa được ghi nhận là tốt đẹp và hòa hảo. Mặc dù vậy, việc sát nhập Hoàng Triều Cương Thổ và loại bỏ cơ chế tự trị của vùng đất này của tổng thống Ngô Đình Diệm cũng đã tạo cớ để cho những mâu thuẫn với người Thượng phát sinh. Điều này đã đem tới cơ hội để những người cộng sản khai thác và lợi dụng triệt để. Tây Nguyên sau 1975 Sau 1975, nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện chính sách di dân cưỡng bức một lượng lớn dân cư thành phố là những gia đình sỹ quan, viên chức làm việc trong chính quyền cũ tập trung vào các “vùng kinh tế mới” mà thực chất là những nơi rừng thiêng nước độc, không có hạ tầng để khai hoang và dọn dẹp bom mìn sau chiến tranh. Một lượng lớn dân nghèo nông thôn từ miền Bắc với đa số sắc dân ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hà Tây…cũng được khuyến khích vào làm việc trong các lâm trường quốc doanh theo chương trình phát triển kinh tế mới, nhằm giảm sức ép dân số ở miền Bắc và tăng nguồn lao động cho Tây Nguyên. Theo thống kê, Tây Nguyên là vùng có tốc độ tăng dân số cao nhất cả nước. Việc tăng dân số chủ yếu là tăng dân số cơ học bởi nhập cư trong đó có hai nguồn là nhập cư theo kế hoạch và nhập cư tự do. Chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk, từ 1976 đến 2005, đã có 56.490 hộ nhập cư theo diện tự do với 289.688 nhân khẩu. Dân số Tây Nguyên tính đến 2012 đã đạt khoảng 5,379 triệu dân, gấp 4,5 lần so với 1976. Tỷ lệ nhập cư tự do của toàn vùng trong 4 thập kỷ sau chiến tranh giao động 54% – 60% mức tăng dân số và xu hướng này ngày một cao hơn. Việc nhập cư ồ ạt thiếu kiểm soát, thiếu chính sách phát triển kinh tế xã hội một cách khoa học, căn cơ đã gây ra vô vàn các hệ lụy. Chỉ trong hơn 4 thập kỷ, hơn 80% rừng nguyên sinh ở Tây Nguyên trên thực tế đã biến mất và bị chuyển đổi thành rừng trồng cây công nghiệp, cây lấy gỗ làm nguyên liệu, sắn và các loại lương thực ngắn ngày. Rừng nguyên sinh về cơ bản đã không còn. Cùng với việc phát triển thủy điện ồ ạt, đô thị hóa nhanh cũng góp phần tàn phá môi trường gây ra tình trạng suy thoái tài nguyên đất trên diện rộng và nguồn nước ngầm sụt giảm về lâu dài sẽ gây ra thảm họa sinh thái trong tương lai không xa. Năm 2004, một khảo sát về dân số và xã hội cho thấy tỷ lệ người dân tộc bản địa chỉ còn khoảng 25% dân số Tây Nguyên (so với tỷ lệ 70% trước 1975) và là những đối tượng rất dễ bị tổn thương bởi các chính sách đất đai và hộ khẩu của nhà cầm quyền. Từ vị trí là chủ nhân của Tây Nguyên, những dân tộc bản địa này đã trở thành sắc dân “thiểu số”. Mặc dù của nhà cầm quyền luôn nói quan tâm tới đời sống cho các dân tộc thiểu số và 54 dân tộc anh em đều bình đẳng. Tuy nhiên, thực tế và chính sách thì cả một vực thẳm. Xung đột về văn hóa và bị tước đoạt sinh kế và nguồn lợi Nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp Jacques Dournes khi nghiên cứu về văn hóa những dân tộc Tây Nguyên có viết “Nền văn minh Jrai là một nền văn minh thảo mộc”. Nguyên Ngọc nói “Người Kinh thấy rừng là thấy gỗ, người Thượng thấy rừng là thấy Mẹ, thấy cội nguồn sự sống”. Không chỉ là văn minh Jrai, cả nền văn minh Tây Nguyên là nền văn minh thảo mộc, có nghĩa là Rừng. Văn hóa bản địa gắn liền với rừng đại ngàn. Những dân tộc Tây nguyên có đức tin riêng biệt, có văn hóa và đời sống vật chất, tâm linh gắn liền với Rừng Tây Nguyên.  Từ ngàn đời nay, người Thượng sống trong những tán rừng nguyên sinh và họ coi Rừng là Mẹ. Họ không phá rừng để xây biệt phủ bằng gỗ quí như ông tướng công an Trần Kỳ Rơi hay tất cả các quan chức CSVN người Kinh khác. Họ không bao giờ lấy từ rừng nhiều hơn cái cần thiết cho nhu cầu tối thiểu, gỗ chỉ đủ dựng một căn nhà đơn sơ, thú chỉ đủ cho sinh tồn. Người Thượng Tây Nguyên khi chặt một cây rừng, họ làm lễ xin Thần linh và tạ lỗi với cây rừng vì đã làm đau rừng. Đó là thứ Đạo Đức của Tự Nhiên – điều hoàn toàn xa lạ với những người Kinh và các sắc dân nhập cư sau 1975. Sự khác biệt đến đối lập trong cách nhìn nhận và ứng xử với Thiên Nhiên, mà ở đây là Rừng, giữa người Kinh và Thượng đã là một mâu thuẫn ghê gớm. Nhiều người cho rằng người Thượng Tây Nguyên với tập tục đốt nương làm rẫy gây nên nạn phá rừng. Điều này là một nhận thức sai và mang tính qui chụp. Bởi lẽ, người Thượng chỉ đốt rẫy làm nương trong một vùng bao trùm hoàn toàn bởi rừng nguyên sinh. Bốn mặt là rừng nguyên sinh. Họ coi đó là mượn Mẹ Thiên Nhiên một mảnh đất và sẽ trả lại sau vài vụ mùa. Những ai từng sống ở rừng nguyên sinh Tây Nguyên sẽ thấy rừng phục hồi rất nhanh và rất mạnh. Một mảnh rẫy như thế sau vài vụ mùa được trả lại Mẹ Thiên Nhiên sẽ tái sinh rất nhanh. Người Thượng không chiếm hữu nương rẫy, họ chỉ mượn của Rừng một thời gian và trả lại Rừng sau đó.  Nhưng điều này đã không còn nữa. Khi người Kinh xuất hiện, họ đã chặt phá phần lớn rừng nguyên sinh Tây Nguyên và thay thế bằng những cánh rừng trồng cây công nghiệp, họ chiếm hữu nương rẫy, đất đai và đẩy những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ra khỏi nguồn sống của họ từ ngàn đời nay. Phương thức canh tác độc canh và các hoạt động khai thác tận diệt, phát triển thủy điện bừa bãi và quá trình đô thị hóa của người Kinh đã thay đổi hệ sinh thái Tây Nguyên hoàn toàn. Những cánh rừng nguyên sinh giờ chỉ còn trong ký ức. Rừng nguyên sinh không còn, nương rẫy không còn, những sắc dân thiểu số Tây Nguyên bị đẩy tới chỗ vong bản về văn hóa, cùng kiệt về kế sinh nhai. Sau 1975, toàn bộ tài nguyên đất, rừng Tây Nguyên được quốc hữu hóa để hình thành các đơn vị kinh tế lớn. Ban đầu là các binh đoàn quân đội làm kinh tế, tiếp theo là các liên hiệp xí nghiệp nông lâm công nghiệp, sau đó là các nông trường, lâm trường thuộc trung ương hay tỉnh quản lý. Đến năm 1988, chỉ tính các đơn vị trung ương trên tỉnh Gia Lai- Kontum có tất cả 15 nông trường quản lý 50.000 hecta đất và 41 lâm trường quản lý 862.000 hecta rừng. Nếu tính cả các nông lâm trường của Binh đoàn 15 và của tỉnh, huyện…các loại là 1.500.000 hecta, chiếm gần 60% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Cuối thập niên 1980 việc phá rừng tràn lan và tình trạng các nông lâm trường quốc doanh làm ăn bết bát, Nhà nước đã chủ trương thu hẹp diện tích quản lý của các chủ thể nhà nước nhưng các nông lâm trường này vẫn quản lý phần lớn tài nguyên đất rừng của Tây Nguyên. Theo Bộ Tài nguyên môi trường cho biết, đến 2012, số hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp chỉ chiếm 1,5% tổng số hộ nông nghiệp với tổng diện tích được giao chỉ chiếm 2,55% diện tích đất lâm nghiệp. Đối với cộng đồng dân cư buôn làng, chỉ có 2,1% số buôn làng dân tộc tại chỗ được giao đất lâm nghiệp với diện tích được giao chỉ bằng 0,96% diện tích đất lâm nghiệp của vùng. Như vậy, từ vị trí chủ nhân của cao nguyên đại ngàn, người Thượng Tây Nguyên bị tước đoạt gần như toàn bộ quyền sở hữu đất và rừng. Trên thực tế, phần diện tích mà họ được giao phần lớn là đất rừng nghèo kiệt, rừng tre nứa và nền đất dốc rất khó để canh tác. Thiếu đất canh tác trở thành một hiện tượng phổ biến đối với nhóm dân tộc Tây Nguyên. Theo số liệu điều tra của Viện Dân tộc học, trước năm 2000, trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Dak lak là tỉnh mà tình trạng thiếu đất canh tác nghiêm trọng hơn cả. Năm 1997, khi điều tra tại 29 xã, 81 buôn của người dân tộc tại chỗ, kết quả cho thấy chỉ có 7/29 xã và 15/81 buôn có đủ đất canh tác; 9/29 xã và 17/81 buôn thiếu 1/3 đất canh tác; 6/29 xã và 28/81 buôn thiếu ½ đất canh tác; 7/29 xã và 21/81 buôn thiếu 2/3 đất canh tác (Vũ Đình Lợi, 2000). Đói nghèo khiến các buôn làng Tây Nguyên tan rã nhanh hơn bất cứ sự đàn áp nào. Chính vì lý do đó, người Thượng đã phải khai phá và xâm canh những cánh rừng ở xa, chiếm lại đất của các nông lâm trường nơi mà trước đây là rừng, là nương rẫy của họ. Tình trạng tái chiếm, thu hồi, xung đột bởi đất đai đã nhức nhối từ lâu khi bắt đầu chính sách quốc hữu hóa toàn bộ đất và rừng Tây nguyên để giao cho các nông lâm trường quốc doanh từ sau 1975. Người dân tộc tại chỗ không có đất canh tác, không có sinh kế, bị bức tới “bần cùng sinh đạo tặc”. Năm 2000, nhóm nghiên cứu gồm Vũ Đình Lợi, Bùi Minh Đạo, Vũ Thị Hồng đã đưa ra một cảnh báo trong “Sở hữu và sử dụng đất đai ở các tỉnh Tây Nguyên” mà nếu như nhà cầm quyền thực sự nghiêm túc tiếp thu thì đã không có những xung đột đẫm máu trường hợp người nông dân cầm súng Đặng Văn Hiến hay ở cuộc bạo loạn ngày 11 tháng Sáu ở hai xã Ea Ktur, Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Dak Lak vừa qua. Xin trích lại nguyên văn lời cảnh báo xác đáng của nhóm nghiên cứu này: …Sẽ không quá sớm khi đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khuyết điểm của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì “vấn đề dân tộc” sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là đổ máu, với sự can thiệp vừa kín đáo, vừa trắng trợn của kẻ thù dưới chiêu bài bảo vệ người dân tộc, bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ tới thật khó lường… Xung đột vì phân biệt đối xử và thù hận do yếu tố lịch sử Có thể nói, phương thức quản lý rừng và đất đai ở Tây Nguyên hiện nay vô cùng phi lý, bất công và kém hiệu quả. Tính đến 31 tháng 12 năm 2012, việc giao đất rừng cho hộ gia đình cá nhân và cộng đồng Tây Nguyên chỉ đạt 3,51% diện tích đất lâm nghiệp. Trong khi đó, con số tương ứng của cả nước là 28,69%. Vấn đề phân phối, giao đất cũng rất nhiều tiêu cực. Theo số liệu năm 2012, trong 1.205.047 hộ được giao đất có đến 338.424 hộ/cá thể không phải là hộ nông lâm ngư nghiệp nhưng vẫn được giao đất sản xuất. Đa phần trong số này là người Kinh và những người làm trong bộ máy công quyền. Những cánh rừng màu mỡ nhất, những thửa đất, rừng, mặt hồ, sông đẹp nhất thì đều là của người Kinh và cán bộ. Tình trạng vi phạm về quản lý đất đai trên Tây Nguyên là vô cùng phức tạp và nhức nhối khi lợi tức từ đồn điền và giá đất nông nghiệp tăng phi mã khoảng 15 năm trở lại đây. Trên thực tế, người dân tộc bản địa bị tước đoạt sinh kế, bị tách khỏi rừng là môi sinh và cội nguồn của họ. Họ bị gạt ra ngoài các chính sách hỗ trợ mà đáng nhẽ ra các dân tộc thiểu số phải được quan tâm như giáo dục, y tế…Thật khó tin khi có tới 35,17% người dân tộc tại chỗ không được đến trường, mù chữ. Những con số bi thảm này của Tổng cục thống kê cung cấp kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đã cho thấy mức độ “quan tâm” của đảng và nhà nước Việt Nam như thế nào trong hơn 40 năm qua. Để sinh tồn, cộng đồng người Thượng Tây Nguyên từ vai trò chủ nhân ông của Tây Nguyên đại ngàn trong một quá khứ không xa lắm, nay đã trở thành những dân tộc vong bản về văn hóa, chấp nhập các công việc tay chân hạ bạc cho người Kinh nhập cư – những người đã rất nhanh chóng chiếm hữu được phần lớn tài nguyên đất và rừng Tây Nguyên. Tại sao lại có sự bất công đến thế? Điều này có thể liên quan đến trong giai đoạn chiến tranh, các người Thượng Tây Nguyên đã tham gia lực lượng quân đội VNCH và họ trở thành những chiến binh quả cảm, chống Cộng hăng hái nhất. Thiệt hại mà các lực lượng người Thượng gây ra cho bộ đội Bắc Việt là rất lớn. Đã có nhiều cuộc trả thù đẫm máu do bộ đội Bắc Việt tấn công vào các cộng đồng người Thượng như vụ thảm sát tại Đắc Sơn năm 1967 khi hai tiểu đoàn bộ đội đã giết hại 252 người Thượng. Nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em. Ngay cả khi hòa bình lập lại, chính sách hà khắc tiếp tục được thi hành và như trên tôi phân tích ở phần trên, Hà Nội đã thực hiện một cách hệ thống việc triệt hạ sinh kế, không gian sống và văn hóa của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên bằng các chính sách hạn chế sự tiếp cận tài nguyên đất và rừng của người Thượng. “Con giun xéo lắm cũng quằn” là một phản ứng sinh tồn tự nhiên và không có gì lạ khi đã có rất nhiều cuộc nổi dậy của người Thượng mà truyền thông nhà nước không bao giờ đưa tin một cách khách quan, trung thực. Năm 1999, “nhà nước Degar” được thành lập. Sự kiện này đã tạo ra “cơ hội vàng” cho những sỹ quan công an thăng tiến thần tốc lên đỉnh cao danh vọng bằng các “thành tích” trấn áp sắc dân thiểu số Tây Nguyên mà phải kể đến ông cố chủ tịch nước Trần Đại Quang và cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Xung đột về tôn giáo và tín ngưỡng Người Thượng Tây Nguyên có đức tin riêng, họ tin vào Giàng và những thần linh Tự Nhiên ẩn trú trong những khu rừng nguyên sinh. Văn hóa thảo mộc của người Thượng gắn liền với Rừng và Rừng cung cấp nguồn sống cho họ. Bị tách khỏi rừng, những cộng đồng dân tộc Tây Nguyên đang vong bản về văn hóa và dần dần tiêu biến giống như sắc dân Mon Khmer, Chiêm Thành trong quá khứ. Bên cạnh tín ngưỡng có từ ngàn đời nay, người Thượng còn là những con chiên sùng kính Đức Chúa Trời. Thiên chúa giáo đã du nhập vào Tây Nguyên theo bước chân của các nhà truyền đạo Tây Phương trước khi người Pháp khai đặt hệ thống quyền lực hành chính ở vùng đất này. Đạo Tin Lành du nhập vào Tây Nguyên từ cuối những năm 20, 30 của thế kỷ trước cùng với Phật giáo Hòa Hảo. Từ đầu những năm 1990 trở đi, đạo Tin Lành phục hồi và phát triển nhanh trong nhiều vùng người Thượng Tây Nguyên. Đến tháng 12/2020, số lượng tín đồ đạo Tin Lành ở 5 tỉnh Tây Nguyên là 529.410 người, trong đó tín đồ là người dân tộc thiểu số khoảng 511.450 người. Có thể thấy Tây Nguyên là nơi phong phú các tôn giáo cùng tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, việc các tôn giáo như Tin Lành, Thiên Chúa giáo, Phật giáo Hòa Hảo không nằm trong vòng kiểm soát của nhà cầm quyền Việt Nam phát triển số lượng tín đồ đã khiến cho giới chức CS lo ngại. Các cuộc đàn áp tôn giáo được ghi nhận ở mức độ nghiêm trọng trong những năm gần đây đã khiến cho Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt về quyền tự do tôn giáo” vào ngày 4 tháng 12 năm 2022. Ngày 3 tháng Năm vừa qua, thậm chí Hoa Kỳ còn muốn đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia “đáng quan ngại về tự do tôn giáo”. Đó không phải chỉ là những lời cảnh báo suông. Việc bị đưa trở lại vào danh sách các quốc gia đàn áp về tôn giáo, tự do báo chí và vi phạm nhân quyền sẽ khiến cho Việt Nam mất đi cơ hội tiếp cận những nguồn hỗ trợ tài chính và đầu tư  quốc tế quan trọng để chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch và tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Tây phương. Điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng. Tuy vậy, quan sát cách hành xử của giới chức Việt Nam đối với những nhà bất đồng chính kiến trong thời gian qua, cũng như việc gia tăng đàn áp tôn giáo ở Tây Nguyên, tôi rất ngạc nhiên. Bởi dường như giới chức CSVN đang tự mâu thuẫn giữa mong muốn phát triển, hội nhập với cái gọi là “an ninh quốc gia”. Dường như, có một lực kéo rất mạnh đang muốn Việt Nam quay trở lại bóng tối cô lập. Cuộc đàn áp và bố ráp nhóm người Thượng ở Dak Lak đang trở nên hỗn loạn và đầy bạo lực. Tôi lo sợ rằng đây sẽ là điểm khởi đầu cho một quá trình công an hóa và quân sự hóa tồi tệ bộ máy nhà nước vốn đã hết sức chuyên chế và độc tài. Kết luận Với những phân tích và các kết quả nghiên cứu về xã hội, dân tộc, lịch sử, văn hóa được viện dẫn trong bài viết này, người viết mong muốn cung cấp cho các nhà lãnh đạo Việt Nam một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về căn nguyên mâu thuẫn, bất ổn ở Tây Nguyên. Bạo lực không thể và không bao giờ là giải pháp cho những sai lầm mà chính họ gây ra. Những sắc dân “thiểu số” Tây Nguyên, cũng giống như người Kinh, họ cần phải được đối xử công bằng, được tôn. Họ cần có sinh kế, được học hành và có nghề nghiệp. Chẳng nhẽ, những điều vô cùng giản dị đó là quá xa vời ở chế độ “gấp vạn lần tư bản” hay sao? Cuối cùng, để kết thúc bài phân tích tổng hợp này, tôi xin trích dẫn một đánh giá của nhà nghiên cứu Vương Xuân Tình “Trong lịch sử của các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên, chưa bao giờ vấn đề đất đai lại nóng bỏng như hiện nay…Trong đó, tính không phù hợp của chính sách đất đai của Nhà nước với truyền thống sở hữu cộng đồng của các dân tộc tại chỗ được coi là vấn đề xuyên suốt”. Bộ Luật đất đai của Việt Nam đã qua rất nhiều lần sửa đổi, nhưng những tồn tại, mẫu thuẫn về căn bản thì vẫn còn nguyên. Có chăng, chỉ là những sửa đổi câu chữ, “vẽ rắn thêm chân”. Và ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định “quyền sử dụng đất không phải quyền sở hữu”. Cái mệnh đề quái gở “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu” vẫn tồn tại như một lá bùa ma quỉ khiến cho đất nước không thể nào thay đổi, những mâu thuẫn, bất công, tệ nạn ngày càng nhức nhối, chồng chất oán hận của người dân Tây Nguyên nói riêng và khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S Việt Nam đang rên xiết tiếng kêu than.    
......

Putin mới là anh hề

Putin   Lưu Trọng Văn   1. CHUYỆN THẾ GIỚI.   PUTIN MỚI LÀ ANH HỀ … Putin khi gặp báo chí, cho rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề Ukraine nằm ở phía phương Tây: “Nếu họ thực sự muốn kết thúc cuộc xung đột hiện nay thông qua các cuộc đàm phán, họ chỉ cần đưa ra một quyết định: ngừng cung cấp dự báo và thiết bị. Thế là xong".   Ông tổng thống Nga thực sự mới là anh hề vì các phát biểu của ông đến tận cùng hài hước: phương Tây ngừng cung cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine để Nga mặc sức đánh chiếm Ukraine, Ukraine đầu hàng, đúng là “chiến tranh chấm dứt thật”, đúng là “thế là xong thật”!   2.CHUYỆN TRONG NƯỚC.   CỦA TIN CÒN LẠI CHÚT NÀY…?   Vụ án cô giáo Lê Thị Dung lẽ ra không bị mất tâm lực của xã hội và ngành nội chính tỉnh Nghệ An đến vậy nếu cơ quan nội chính của huyện Hưng Nguyên tuân thủ pháp luật.   Toà tỉnh Nghệ An vừa tuyên án 15 tháng tù cho cô Dung đúng với thời gian cô bị tạm giam, dù sao đã thể hiện một bước phủ nhận bản án quá nặng của toà cấp huyện. Nhưng cô Dung, các luật sư không đồng tình với bản án này vì bản chất không thay đổi so với bản án của toà huyện: cô Dung phạm tội.   Trong khi đó với các chứng cứ xác thực được cô Dung và các luật sư cũng như của nhiều chuyên gia luật chứng minh: cô Dung vô tội.   Nhiều người cho rằng, dù sao, cô Dung được tự do cũng là may lắm rồi, một toà án tỉnh thay đổi mức án tù từ 5 năm xuống còn 15 tháng là… chấp nhận được rồi.   Nhưng với tâm thế vẫn còn Niềm tin ở Pháp luật, cô Dung sẽ tiếp tục kiện lên Toà Tối cao để giành lại công lý và danh dự cho mình.   Đâu chỉ là chuyện của tin còn lại chút này mà là tính thượng tôn Pháp luật và Tinh thần Công dân.   Tại sao người Dân lại chấp nhận tự tước đi niềm Hy vọng vào Công lý của mình?   Một xã hội sẽ hoàn toàn băng hoại nếu người Dân mất Niềm tin vào Cơ quan Pháp luật. Vì vậy đâu chỉ chuyện của tin còn lại chút này?
......

Chúc mừng đ/c Phạm Bá Hiền, Tư lệnh Binh đoàn 16, vừa được thăng hàm Thiếu tướng!

Thao Ngoc   Mấy ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán về việc đ/c Phạm Bá Hiền, tư lệnh binh đoàn 16, vừa được phong quân hàm, từ đại tá lên thiếu tướng.   Thiếu tướng Phạm Bá Hiền, sinh năm 1972, có cha là liệt sĩ, mẹ là bà Từ Thị Loan, quê quán tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà tỉnh Hà Tĩnh.   Binh đoàn 16 là một đơn vị kinh tế quốc phòng của Quân đội, đóng quân dọc các tỉnh Tây Nguyên.   Phải thừa nhận đảng ta rất sáng suốt và tài tình khi giao đơn vị kinh tế quân đội cho một người có truyền thống sản xuất nông nghiệp giỏi. Vì từ năm 2019, người mẹ già của tướng Hiền là bà Từ Thị Loan đã làm dư luận dậy sóng. Khi đó bà đã 78 tuổi, chỉ làm nghề trồng rau mà xây nên một ngôi biệt thự rất chi là hoành tráng tại Hà Tĩnh.   Về ngôi biệt tự này, báo VietNamNet ra ngày 28/07/2019 viết như sau: “ Ở giữa làng quê thuần nông của xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện một ngôi biệt thự 'khủng'. Theo tìm hiểu, căn biệt thự này thuộc sở hữu của bà Từ Thị Loan (78 tuổi, người dân xã Mai Phụ). Cụ bà sống giản dị, thường ngày vẫn mang rau từ nhà ra chợ bán. Được biết, chủ nhà đã thuê đội ngũ thợ thi công từ Huế, Thanh Hóa và một số nơi khác đến để xây dựng và trang trí công trình. Tổng diện tích của dinh thự này lên tới gần 5.000m2. Trong đó gần 3.000m2 được xây dựng hồ sinh thái. Mặc dù không ai biết chính xác giá trị của căn biệt thự này. Tuy nhiên, theo ước tính của những người trong nghề thì số tiền để xây dựng căn biệt thự này phải trên 60 tỷ. Bà Loan tiết lộ, tiền xây nhà được dùng từ tiền bà tích góp cả đời, cộng thêm doanh thu từ việc kinh doanh của con trai bà, một doanh nhân thành đạt trong miền Nam.   https://vietnamnet.vn/tiet-lo-bi-mat-ve-chu-so-huu-sieu...   Có người nghi ngờ và nói rằng hay là tiền xây biệt thự do tướng Hiền tham ô mà có? Ý kiến này không có cơ sở. Vì từ một đại tá khi được phong lên thiếu tướng, người ta tuy lý lịch rất kỹ. Phải là con bần cố nông ba đời. Đơn vị tướng Hền phải nhiều năm là đảng bộ trong sạch vững mạnh. Tướng Hiền phải là tấm gương trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM.v.v.   Phát huy truyền thống làm kinh tế giỏi của gia đình, nên tướng Hiền còn sở hữu hàng chục bất động sản ở các thành phố lớn và nhà riêng tại quân Tân Bình TP HCM. Thế mà có những kẻ độc mồm nói rằng, 20 năm trước đ/c Hiền bị bắt mấy kho hàng buôn lậu, nhưng được BTQP Phùng Quang Thanh giải cứu. Nên biết rằng xã Mai Phụ là nơi phát tích người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan.    Việc đ/c Hiền được phong tướng là niềm vinh dự của tỉnh Hà Tĩnh, nên ngày 03/6 vừa qua, Hà Tĩnh đã tổ chức lế mừng. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chúc mừng Thiếu tướng Phạm Bá Hiền, đồng thời mong muốn đồng chí tiếp tục theo dõi, dành nhiều tình cảm cho quê hương Hà Tĩnh.   Nên biết rằng Hà Tĩnh đến nay có gần 100 tướng cả quân đội và công an. Nổi bật là gia đình có 2 tướng và 1 đại tá. Đó là thượng tướng Võ Trọng Việt, người em là cựu thiếu tướng Võ Trọng Hải, nay là chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, và người nữa là đại tá Võ Trọng Hùng mới nghỉ hưu.   Ngay bộ tài nguyên & Môi trường, ba vị bộ trưởng liên tiếp gần đây đều là người Hà Tĩnh: Nguyễn Minh Quang, Trần Hồng Hà và tân bộ trưởng Đặng Quốc Khánh.   Năm 2016,các thành viên chính phủ nhiệm kỳ mới, những nhân sự đứng đầu Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ngân hàng Nhà nước VN… đều là người Hà Tĩnh.   Có người nói rằng có lẽ nhờ TBT Trần Phú, người trước khi qua đời đã theo đạo Công giáo, phù hộ độ trì nên con cháu phát tài. https://conggiao.vn/viet-nam-co-tong-bi-thu-dau-tien-la.../   Dư luận cho rằng nếu dân VN nhiều người học tập tấm gương làm kinh tế giỏi như gia đính tướng Phạm Bá Hiển, thì con đường tiến lên thiên đường XHCN không phải đợi đến cuối thế kỷ này như trăn trở của cụ TBT, mà tương lai đang hiển hiện trước mắt chúng ta.   Mong rằng tướng Phạm Bá Hiền phát huy tấm gương của tướng Phạm Văn Trà trước đây. Vì cho đến nay vẫn văng vẳng câu ca:   "Khá khen anh Phạm Văn Trà Năm nhà, ba vợ vẫn là trung ương"   tn 6/6
......

Viết cho các ứng viên Việt Nam muốn gia nhập quân Wagner

Mạc Van Trang    Tôi viết bài này vì hôm qua xem ĐKN Tin tức và cả kênh VietCatholic News thấy Yevgeny Prigozhin - chủ tập đoàn Wagner đăng thông báo tuyển quân từ Việt Nam, hứa trả lương 2.800 euro/tháng và cho nhập quốc tịch Nga. Tôi thấy ở xứ ta cũng có khá nhiều người ủng hộ cuộc xâm lược của Putin, chắc nhân dịp này muốn đầu quân cho Wagner vì lương cao, được nhập quốc tịch Nga, lại thoả ước nguyện trung thành với “Putin Đại đế”, nên mạn phép chia sẻ vài điều.   Từ khi cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine xảy ra, tôi mới biết có quân đội của tập đoàn tư nhân Wagner chiến đấu cùng với quân chính quy của Bộ Quốc Phòng Nga. Tôi thấy kỳ lạ, sao Nga lại có tổ chức quân sự tư nhân có đến 5 vạn quân với vũ khí xe tăng, đại bác, tên lửa, máy bay… như quân chính quy và ngang nhiên cạnh tranh với quân của nhà nước Nga trên chiến trường.   Theo thông tin từ Wikipedia thì vào năm 2014, nhóm này mới có vài ngàn quân, tham gia “hỗ trợ các lực lượng dân tộc tự quyết thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk từ năm 2014 đến năm 2015… Nhóm thường chiến đấu theo phe thân Nga trong các cuộc nội chiến ở Syria, Libya, Cộng hòa Trung Phi, và Mali.” Rồi càng tham chiến, nhóm càng tăng quân số lên. Cho đến trận đánh chiếm TP Bakhamut thì lên đến 50.000 quân (1).   Đặc biệt, tại chiến trường Bakhamut, quân chính quy Nga đánh đến 10 tháng vẫn không chiếm được một thành phố nhỏ, thì quân Wagner đã đánh chiếm được, trưng cờ ở trung tâm thành phố, quay clip, tuyên bố “hoàn thành sứ mệnh” và bàn giao cho quân chính quy Nga chiếm đóng. Putin đã tuyên dương công trạng của tập đoàn Wagner và cá nhân Yevgeny Prigozhin.   Prigozhin luôn mồm chê trách Bộ QP đã không cung cấp đầy đủ và kịp thời vũ khí cho quân của ông ta, khiến hạn chế chiến thắng và bị thiệt hại nhiều; mặt khác ông ta luôn chê trách, chế nhạo từ Bộ trưởng QP đến các tướng lĩnh Nga là những “con mèo béo”, nhưng “thằng hề” hèn kém, nhút nhát…Ông ta cũng thú nhận quân Wagner bị thiệt hại đến 20.000 quân sĩ tại Bakhmut.   Sau chiến thắng ở Bakhmut, ông ta tuyên bố cho quân nghỉ một tháng và tuyển mộ thêm binh lính. Trong đó chú trọng nhằm đến nguồn binh lính từ Việt Nam.   Điều đặc biệt là, bất kỳ công dân Nga nào nói, viết “xấu” về “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine và nói “ảnh hưởng xấu đến uy tín quân đội” đều bị an ninh Nga bắt, xử phạt nặng hoặc xử tù từ 4 đến 7 năm. Vậy mà Prigozhin thì không sao cả. Thậm chí ông ta còn lên án việc lính Nga theo lệnh trên đã gài mìn vào đường rút lui khỏi Bakhmut của quân Wagner…   MẤY ĐIỀU ĐÁNG CHÚ Ý:   1. Wagner là một tập đoàn tư nhân, có văn phòng ở hơn 20 quốc gia, kinh doanh đa lĩnh vực nhưng trong đó tuyển đội quân đánh thuê cho các chính phủ hay phe nổi dậy nào đó ở các quốc gia có nhu cầu. Như vậy là đội quân “không tổ quốc”, chuyên đi giết người thuê cho các ông chủ. Để thực hiện mục tiêu đó, quân của Wagner được tuyển từ nhiều nước và trong nước, bất chấp lý lịch đầu trộm đuôi cướp, miễn là hăng hái làm theo lệnh chủ. Prigozhin được Putin cho phép tuyển hơn 20.000 tù nhân đang thụ án vào lính sang đánh tại Ukraine. Những tù nhân đánh nhau 6 tháng mà còn sống sẽ được xoá án, trở thành công dân tự do.   2. Tại sao Putin lại để một đội quân như vậy trong nhà nước Nga? Tìm hiểu thì thấy dư luận cho rằng, đây là chủ trương của Putin. Prigozhin là tay chân của Putin, được coi là “đầu bếp của Putin”, được Putin cho lập ra đội quân như vậy để đối trọng với bên quân đội, vì nhiều tướng lĩnh bên quân đội rất bướng bỉnh, Putin không thật tin tưởng, phòng nguy cơ đảo chính. Nhóm Wagner là lực lượng trung thành bảo vệ Putin. Có thể nhóm này còn thực hiện các “phi vụ đặc biệt”, ví dụ từ đầu cuộc chiến đến cuối 2022, gần 10 nhân vật có ý phản đối cuộc chiến, đã đột tử bởi những cách khác nhau mà không tìm ra thủ phạm.   3. Về đối ngoại, Wagner là đội quân “phi chính phủ” dễ dàng thực hiện các “phi vụ đặc biệt”, ví dụ như tham chiến cho “các vùng ly khai” hay gây ra tội ác trong cuộc chiến xâm lược với Ukraine, thì nhà nước Nga có thể chối bỏ trách nhiệm, vì đó không phải hành động của nhà nước Nga, mà là của tập đoàn tư nhân…   4. Không thể hiểu được, tại sao dân Nga lại ủng hộ Prigozhin và đội quân Wagner? Cũng hôm qua, tin trên kênh ĐKN cho biết cuộc thăm dò dư luận, người ủng hộ Putin thì giảm đi, mà người ủng hộ Prigozhin lại tăng lên. Nhà nghiên cứu, cựu sĩ quan Nga Igor Girkin đã từng lo lắng: “Khả năng rất cao là cuối cùng nước Nga vĩ đại bị cai trị bởi một thằng trùm du đãng”. Lạ, khó hiểu dân Nga!   TÓM LẠI, ai muốn đầu quân cho tập đoàn Wagner thì xin tìm hiệu cho kỹ rồi hãy quyết định. Thông tin về tập đoàn này khá phong phú, tôi chỉ xin gợi ý tí chút thôi ạ.   Tham khảo (https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%B3m_Wagner....) Kim Văn Chính: PMC Wagner - Một dấu hỏi lớn (https://www.facebook.com/tiengdanbao) 4/6/2023 MVT    
......

Tại sao Putin cần Wagner?

Thủ lãnh của đạo quân đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin, Moscow, tháng Tư/2023. Ảnh: Yulia Morozova/ Reuters Nguồn: “Why Putin Needs Wagner“, Andrei Soldatov và Irina Borogan, Foreign Affairs, 12/05/2023 Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng  Đang có một cuộc đấu tranh quyền lực ngầm nhằm duy trì lực lượng đánh thuê tàn bạo của Nga Tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga Đầu tháng 5, căng thẳng giữa Bộ Quốc phòng Nga và Wagner, tập đoàn quân sự tư nhân thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cuối cùng cũng bộc phát. Suốt nhiều tháng, những người lính Wagner đã dẫn đầu cuộc bao vây Bakhmut của Nga ở miền đông Ukraine, trả cái giá rất lớn về sinh mạng. Nhưng giờ đây, Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh hiếu chiến của Wagner, không thể chịu đựng thêm nữa. Trong một đoạn video gây sốc, ông ta đứng bên cạnh xác chết của những người lính Wagner ở Bakhmut, nói những lời tục tĩu nhắm vào Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, cũng như người đứng đầu bộ tổng tham mưu và người đứng đầu lực lượng Nga ở Ukraine. Prigozhin đe dọa sẽ rút lực lượng của mình khỏi Bakhmut nếu họ không được cung cấp thêm đạn dược ngay lập tức. Đối với nhiều nhà quan sát, một rạn nứt lớn dường như đang xuất hiện giữa Wagner và Điện Kremlin. Những người khác suy đoán rằng ngày tàn của Prigozhin đang đến gần, vì ông đã dám gây thù chuốc oán với toàn bộ giới lãnh đạo quân đội Nga. Nhưng hai ngày sau, Prigozhin rút lại lời đe dọa rút Wagner ra khỏi Bakhmut, cố gắng cho thấy rằng tình hình đã được giải quyết theo hướng có lợi cho mình. Sau đó, trong một video mới, ông tiếp tục chỉ trích một “ông già vui vẻ” giấu tên, người “nghĩ rằng mình hơn người,” khiến nhiều người ở Moscow băn khoăn về người mà ông nhắc đến. Sau cùng, toàn bộ màn kịch này trông như một nỗ lực tuyệt vọng của Prigozhin nhằm cứu vãn danh tiếng của Wagner, với tư cách là đơn vị duy nhất của Nga có khả năng tiến hành các chiến dịch tấn công, bất chấp những tổn thất thảm khốc ở Bakhmut. Tuy nhiên, quan điểm này không nhắc đến lý do tại sao Putin chấp nhận chịu đựng những chiêu trò của Prigozhin và vị trí thực sự của Wagner trong bộ máy quân đội và tình báo Nga. Trên thực tế, sự trỗi dậy của Wagner chỉ là bước phát triển gần nhất trong lịch sử lâu dài về sự phụ thuộc của Nga và Liên Xô vào các lực lượng không chính thức, vốn đã có từ thời Stalin. Hơn nữa, Wagner có một di sản đáng kể ở Ukraine, lần đầu tiên xuất hiện ở nước này trong cuộc chiến của Nga tại Donbas từ tám năm trước. Đối với Putin, Wagner cũng trở thành một phương tiện quan trọng để kiềm chế quân đội, mà ông từ lâu đã coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự cai trị của mình. Trái ngược với những giả định của phương Tây, vai trò nổi bật của Wagner trong cuộc chiến vừa liên quan đến cán cân quyền lực ở Moscow, vừa liên quan đến những gì đang xảy ra trên chiến trường ở Ukraine. Lực lượng bí mật của Stalin Để hiểu được sức mạnh tương đối của Prigozhin và Wagner ở Nga, cần phải xem xét cách thức tập đoàn này được nhìn nhận bởi ít nhất là bốn bộ phận khác nhau của nhà nước Nga: cơ quan tình báo quân sự, được gọi là GRU; quân đội nói chung; cơ quan an ninh nhà nước, được gọi là FSB; và bản thân Putin. GRU đóng vai trò quan trọng trong nguồn gốc của Wagner, và phần lớn lý do nằm ở những cải cách đầy biến động mà tình báo Nga đã trải qua vào cuối những năm 2000, đầu những năm 2010. Dưới thời người tiền nhiệm của Shoigu, Anatoly Serdyukov, người giữ chức bộ trưởng Quốc phòng Nga từ năm 2007 đến năm 2012, bộ này đã cố gắng giảm vai trò của GRU trong quân đội. Tuy nhiên, ngay sau khi lên tiếp quản, Shoigu đã thay đổi hướng đi và đưa các nguồn lực mới vào GRU. Kết quả là, cơ quan này được bổ sung thêm nhân sự mới, nhiều người trong số họ được tuyển dụng từ Spetsnaz – lực lượng đặc nhiệm của quân đội, những người vốn do GRU giám sát. Đối với các tướng lĩnh điều hành cơ quan này, việc sử dụng thêm nhân viên Spetsnaz là việc làm có ý nghĩa: quân đội Nga khi đó đang can dự vào cuộc xung đột ở Syria, cũng như ở Crimea và miền đông Ukraine, và GRU đang chuyển trọng tâm sang cái mà họ gọi là “tình báo tích cực” – tiến hành các hoạt động vũ trang thay vì chỉ đơn thuần khai thác các nguồn tin gián điệp truyền thống. Trong những năm sau đó, xu hướng dựa vào Spetsnaz đã phát triển bên trong cơ quan, và Tướng Vladimir Alexeev, người phụ trách Spetsnaz, được thăng chức làm phó giám đốc thứ nhất của GRU. Chính giữa trong bối cảnh GRU thay đổi các ưu tiên, sự tồn tại của Wagner lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Nga. Năm 2015, trang tin tức độc lập Fontanka.ru, có trụ sở tại St. Petersburg, đưa tin rằng các thành viên của tập đoàn quân sự tư nhân đang hoạt động ở miền đông Ukraine. Fontanka cũng là trang tin đầu tiên báo cáo rằng Prigozhin là người bảo trợ hàng đầu của Wagner, trong khi Dmitry Utkin, người từng là chỉ huy Spetsnatz, phụ trách các hoạt động quân sự của tập đoàn. Trên thực tế, dù không được công bố rõ ràng vào thời điểm đó, một bộ phận mới đã được thành lập bên trong GRU để giám sát hoạt động của các tập đoàn quân sự tư nhân, bao gồm cả Wagner. Vài tháng sau khi sự tồn tại của Wagner được nhắc đến lần đầu tiên, một quan chức GRU đã xác nhận với chúng tôi về sự tồn tại của bộ phận mới này, và cũng không có gì ngạc nhiên khi nhân viên của bộ phận này là các cựu binh Spetsnaz. Đối với GRU, Wagner mang đến khả năng dễ dàng phủ nhận các hoạt động của cơ quan này, vào thời điểm Nga đang công khai phủ nhận việc can dự trực tiếp vào miền đông Ukraine. Nhìn bề ngoài, việc sử dụng các tập đoàn quân sự tư nhân phù hợp với một mô hình chiến tranh mới của thế kỷ 21. Chẳng hạn, các nhà thầu quân sự đã từng được Mỹ sử dụng ở Iraq, và Wagner có một số điểm tương đồng với Blackwater, nhà thầu quân sự của Mỹ. Nhưng đối với GRU, Wagner cũng là sự tiếp nối của một truyền thống lâu đời hơn, có từ thời Xô Viết, khi Điện Kremlin sử dụng các lực lượng ủy nhiệm để can thiệp vào các cuộc xung đột trên toàn thế giới. “Giống như khi quân đội của chúng tôi ngụy trang ở Tây Ban Nha trong Nội chiến của nước này,” một quan chức GRU nói với chúng tôi vào năm 2017, khi được hỏi tại sao cơ quan này cần một tập đoàn quân sự tư nhân như Wagner. Dù chính phủ Liên Xô chưa bao giờ chính thức xác nhận sự can thiệp của mình, rõ ràng là Stalin đã cử các cố vấn quân sự đến hỗ trợ lực lượng Cộng hòa ở Tây Ban Nha trong thập niên 1930. Tất cả những người lính Liên Xô đến nước này đều được đặt những cái tên giả nghe giống tiếng Tây Ban Nha. (Một trong những cố vấn này là vị sĩ quan Liên Xô huyền thoại Haji Mamsurov, người được biết đến ở Tây Ban Nha với tên Đại tá Xanti, và có lẽ là một trong những hình mẫu cho nhân vật Robert Jordan trong tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai của Ernest Hemingway.) Năm 2015, một thị trấn gần Madrid của Tây Ban Nha đã khánh thành tượng đài Đại tá Xanti trong một buổi lễ có sự tham gia của con cháu Mamsurov và các quan chức chính phủ Nga. Các quan chức quân đội Liên Xô và Nga từ lâu đã coi Nội chiến Tây Ban Nha là một “cuộc chiến vì chính nghĩa”: những người lính Liên Xô đã đứng về phía chính nghĩa và không thể phủ nhận cuộc chiến này là chống phát xít, vì phe Cộng hòa đã đối đầu lực lượng Quốc gia của Tướng Francisco Franco, đồng minh với Mussolini và Hitler. Trong lịch sử chính thức của Nga, sự can thiệp của Liên Xô vào Tây Ban Nha được coi là nguyên nhân trực tiếp của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại – cuộc chiến huyền thoại của Nga chống lại Đức Quốc xã trong Thế chiến 2. Đối với GRU, kinh nghiệm của lính Nga trong Nội chiến Tây Ban Nha đã trở thành một lý do biện minh thuận tiện cho việc họ sử dụng lực lượng Wagner ở Ukraine, khi Điện Kremlin khẳng định rằng, một lần nữa, họ đang chiến đấu chống phát xít. Và Wagner thậm chí còn có Đại tá Xanti của riêng mình: giống như sĩ quan Liên Xô nổi tiếng, Dimitry Utkin đã sử dụng bí danh thời chiến – Wagner – và những chiến công của ông bao gồm chỉ đạo lính đánh thuê Nga khi hoạt động ở Syria. Cuộc chơi của các vị tướng Tuy nhiên, một câu hỏi phức tạp hơn nhiều là mức độ hỗ trợ của Wagner trong quân đội và FSB. Trong những năm kể từ khi xuất hiện vào năm 2015, và đặc biệt là kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến hiện tại ở Ukraine, đặc điểm của các chiến dịch quân sự của Wagner đã thay đổi đáng kể. Họ bắt đầu như một lực lượng lính đánh thuê ủy nhiệm bí mật, dễ phủ nhận; dần dần phát triển thành một đơn vị quân đội lớn với các chiến dịch ở nhiều quốc gia, sở hữu lực lượng pháo binh và không quân của riêng mình; và cuối cùng, dựng những biển quảng cáo tuyển quân khổng lồ trên đường phố Nga, sản xuất những bộ phim riêng để tôn vinh lực lượng của họ, và có hẳn một tòa tháp lớn sáng bóng ở St. Petersburg làm trụ sở tập đoàn. Wagner cũng được biết đến là lực lượng tàn bạo nhất trong quân đội Nga, công khai khoe khoang về việc giết chết “bọn phản bội” theo những cách kinh khủng nhất. Trong lúc Prigozhin ngày càng mạnh dạn chỉ trích giới lãnh đạo quân đội, nhiều nhà quan sát đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu ông ta có thể tiếp tục nhởn nhơ thêm bao lâu. Hiện tại, GRU vẫn duy trì sự ủng hộ dành cho Wagner, theo lời các quan chức mà chúng tôi đã phỏng vấn trong lực lượng Spetsnaz của cơ quan này. GRU dường như tin rằng Wagner vẫn hữu ích. Nhưng sự hậu thuẫn của GRU không mang lại nhiều đảm bảo cho Prigozhin. Trong nhiệm kỳ của Putin, đã có những thời điểm đáng chú ý khi sự hỗ trợ của GRU không có tác dụng gì nhiều. Ví dụ, trong những năm đầu của thế kỷ này, GRU và lực lượng Spetsnaz đã giám sát một tiểu đoàn quân sự ủy nhiệm ở Chechnya có tên là Vostok, đứng đầu bởi Ruslan Yamadayev, một nhân vật quyền lực ở Chechnya. Vostok là một lực lượng hoạt động hiệu quả và Yamadaev luôn trung thành với GRU. Nhưng điều này là không đủ để bảo vệ ông khi Vostok có xung đột với Ramzan Kadyrov, Tổng thống Chechnya. Tháng 9/2008, Yamadayev bị ám sát trong một vụ xả súng khi đang ngồi trong chiếc Mercedes của mình ở một cột đèn giao thông chỉ cách Nhà Trắng của Moscow (trụ sở của chính phủ Nga) vài trăm mét. Nhiều người tin rằng vụ ám sát này là theo lệnh của Kadyrov. Hiện tại, Prigozhin vẫn giữ được sự ủng hộ trong quân đội, bất chấp những lời chỉ trích gay gắt của ông đối với Bộ Quốc phòng. Kể từ tháng 9/2022, khi Nga mất phần lớn lãnh thổ sau cuộc tấn công của Ukraine ở miền đông bắc, Prigozhin đã công khai chỉ trích hệ thống chỉ huy quân sự của Nga. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ của Nga, kể cả các phóng viên chiến trường theo chân các đơn vị quân đội, đã được lệnh giúp quảng bá Wagner và các chiến dịch của tập đoàn này ở Ukraine. Do đó, các tờ báo thân Điện Kremlin vẫn tiếp tục đăng các bài phỏng vấn sĩ quan của Wagner để ca ngợi tinh thần chiến đấu của họ. Ngay lúc này, mức độ ủng hộ Wagner trên các phương tiện truyền thông Nga vẫn chưa giảm bớt. Hơn nữa, bản thân quân đội Nga dường như vẫn tiếp tục hỗ trợ Wagner. Theo Prigozhin, sau khi ông phát hành video Bakhmut, giới lãnh đạo quân sự đã giao cho Tướng Sergey Surovikin, cựu chỉ huy lực lượng Nga ở Ukraine và là một trong những vị tướng được kính trọng nhất của Nga, giám sát việc cung cấp đạn dược và tài nguyên cho Wagner. Prigozhin có một lợi thế là, ngoài ông ta ra, Wagner vẫn vô danh, và giới lãnh đạo quân sự Nga vẫn không coi họ là đối thủ cạnh tranh. Dù Prigozhin không ngừng quảng cáo rằng các chiến binh của mình là lực lượng chiến đấu có năng lực nhất của phe Nga, ông cũng đã nỗ lực giữ cho các sĩ quan và chỉ huy chiến trường của mình ẩn danh. Không có cái tên nào thuộc Wagner, kể cả tên của Utkin, là quen thuộc với người dân Nga, và khi những người lính và sĩ quan của tập đoàn được các phóng viên chiến trường phỏng vấn, họ vẫn ẩn danh. Sự khoan dung của giới lãnh đạo quân sự đối với Wagner rất quan trọng, nhưng nó có thể bị rút lại ngay khi quân đội hoặc Điện Kremlin thấy họ nên làm vậy. Các tướng lĩnh Nga vốn không có lòng trung thành với đồng đội của mình. Quan trọng không kém đối với Wagner là lập trường của FSB, cơ quan tình báo chính của Nga. Sau những sai lầm ban đầu khi chiến tranh nổ ra, FSB gần đây đã lấy lại được chỗ đứng và ảnh hưởng của mình trong chính phủ Nga. Ở chính nước Nga, FSB đang ngày càng hung hăng hơn trong việc trấn áp bất kỳ dấu hiệu bất đồng chính kiến nào. Nhưng cơ quan này cũng hoạt động rất tích cực ở Ukraine, đặc biệt là cục phản gián quốc phòng, đơn vị giám sát quân đội và được giao nhiệm vụ trấn áp mọi hình thức kháng cự ở các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng. Wagner, với tư cách là một đơn vị quân đội, thuộc trách nhiệm của đơn vị FSB này, và điều đó có lẽ khiến Prigozhin không thoải mái. Công dụng của kẻ xấu Nhân tố quan trọng nhất giúp Prigozhin tiếp tục đứng vững ở Ukraine chính là Putin. Thật vậy, những lời chỉ trích liên tục của Prigozhin nhắm vào hai nhà lãnh đạo hàng đầu của quân đội Nga nghe vô lý đến mức chỉ có sự hỗ trợ cá nhân của Putin mới có thể giải thích tại sao nhà lãnh đạo Wagner vẫn tiếp tục giữ một vai trò trong cuộc chiến. Nhưng tại sao Prigozhin lại có giá trị đối với Putin? Lời giải thích nằm ở mối quan hệ phức tạp của Putin với quân đội Nga. Trong những năm đầu cầm quyền, một trong những thách thức lớn nhất của Putin là kiểm soát quân đội. Là một trong những quân đội lớn nhất thế giới ở một đất nước rộng lớn, nơi mọi thứ đều được thực hiện nội bộ, quân đội Nga có truyền thống đảm bảo rằng thế giới bên ngoài biết càng ít về các chiến dịch của họ càng tốt. Điều đó có nghĩa là các hình thức giám sát thông thường của chính phủ và của công chúng – dù là thông qua Quốc hội, cơ quan hành pháp, hay phương tiện truyền thông – đơn giản là không tồn tại ở Nga. Trong thập niên cầm quyền đầu tiên, Putin đã tìm cách siết chặt quyền kiểm soát quân đội bằng cách bổ nhiệm cựu tướng KGB, đồng thời là người bạn thân tín của ông, Sergei Ivanov, làm Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng Putin đã buộc phải thay thế ông vào năm 2007 khi rõ ràng là những nỗ lực của Ivanov nhằm tiến hành một cuộc cải cách quân đội đã thất bại. Sau đó, với Shoigu, một người ngoài quân đội khác, Putin lại cố gắng tìm kiếm nhiều đòn bẩy hơn. Giờ đây, sau hơn một năm chiến tranh ở Ukraine, có rất ít bằng chứng cho thấy Putin đã thành công với Shoigu hơn là với Ivanov. Hơn nữa, Putin hiểu rằng trong thời chiến, quân đội có xu hướng giành được nhiều quyền lực hơn ở trong nước. Ông biết rõ, nếu cuộc chiến càng kéo dài, quyền lực của quân đội sẽ càng lớn, và ông sẽ càng khó kiểm soát tình hình hơn. Và vì ông có xu hướng nhìn thế giới dưới lăng kính của các mối đe dọa, nên sức mạnh tương đối của quân đội là điều khiến ông lo lắng – trong chừng mực nào đó, thậm chí còn lo lắng hơn cả hiệu quả của quân đội trên chiến trường. Kết quả là, Putin đã sử dụng các phương pháp ngày càng không chính thống để kiềm chế các tướng lĩnh. Chẳng hạn, bắt đầu từ mùa thu năm 2022, ông khuyến khích các phóng viên chiến trường công khai các vấn đề trong quân đội. Quan trọng hơn cả là vai trò của Wagner như một lực lượng đối trọng với quân đội. Đối với Prigozhin, bất chấp thương vong cao bất thường mà những người lính của ông phải gánh chịu, đây là một tình huống đôi bên cùng có lợi. Ông nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ trở thành mối đe dọa chính trị đối với Putin, vì ông không có sự hậu thuẫn nào khác trong giới cầm quyền Nga ngoài sự bảo trợ của chính Putin. Và Putin đã đảm bảo rằng mọi chuyện vẫn sẽ như vậy. Với địa vị đặc biệt của mình – được quản lý lỏng lẻo bởi GRU, được quân đội khoan dung, và được Putin bảo vệ – Prigozhin hy vọng sẽ giữ được vị trí độc tôn của mình trong một triều đình ngày càng giống thời trung cổ ở Điện Kremlin. Trong tình huống đó, ngay cả những phát ngôn bộc phát của Prigozhin thực chất có thể là một phần trong kế hoạch: ông ta càng hành động như một tên hề độc ác thì càng tốt. Đây là một hình mẫu quen thuộc trong lịch sử Nga. Vào thế kỷ 18, Sa hoàng Peter Đại đế đã phong Alexander Menshikov, tên hề của chính ông, làm Công tước quyền lực nhất đất nước vì lý do tương tự: Menshikov, với xuất thân khiêm tốn, không có địa vị trong giới quý tộc Nga, nhưng lại là kẻ tàn bạo, nhẫn tâm, và hết sức trung thành với Sa hoàng, người có thói quen dùng gậy đánh Menshikov. Điều mà Prigozhin dường như không hiểu là nước Nga của Putin không phải là nước Nga của Peter Đại đế, dù ông và Putin đã cố gắng biến nó thành như vậy. Nhiều thành phần của xã hội Nga, đặc biệt là bộ máy hành chính của đất nước, đang dõi theo hành động của ông chủ Wagner với sự kinh hoàng và ghê tởm. Ngay bây giờ, Wagner đang sử dụng nhiều đạn dược hơn bất kỳ đơn vị Nga nào khác, điều chỉ có thể được biện minh nếu Wagner làm được những gì Prigozhin đã hứa – đạt được tiến bộ ở Bakhmut. Nếu họ thất bại trên chiến trường, thì chiến dịch khổng lồ kéo dài hàng tháng trời – trong đó Wagner đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và phá hủy một lượng lớn vật tư chiến tranh – có thể trở thành sự lãng phí các nguồn tài nguyên khan hiếm. Nhưng liệu Putin có xem thất bại nghiêm trọng của Wagner là một trọng tội hay không lại là một vấn đề khác. Tổng thống Nga đã từng sử dụng hiệu quả các quan chức và chính trị gia thất bại, cũng như những tay sai khác – ví dụ như cựu tổng thống và thủ tướng Dmitry Medvedev. Prigozhin có thể sẽ là người tiếp theo. Andrei Soldatov là nghiên cứu viên không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, Đồng sáng lập và Tổng Biên tập của Agentura.ru, một trang tin chuyên giám sát các hoạt động của cơ quan mật vụ Nga. Irina Borogan là nghiên cứu viên không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, Đồng sáng lập và Phó Tổng Biên tập của Agentura.ru. Cả hai là đồng tác giả của cuốn “The Compatriots: The Russian Exiles Who Fought Against the Kremlin.” Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế  
......

Bài phát biểu của Tổng Thống Zelensky trước các nguyên thủ G7 và đối tác.

Ảnh: G7 họp thượng đỉnh với tổng thống Ukraina Zelensky tại Nhật Le Van Quy   Thưa Thủ tướng Kishida! Kính thưa các nhà lãnh đạo!   Tất cả chúng ta đều có cơ hội trở thành đồng tác giả của hòa bình. Nền hòa bình này sẽ không dành cho riêng một quốc gia, cũng như cuộc chiến này đang gây tổn hại không chỉ cho Ukraine. Hiến chương Liên hợp quốc và trật tự dựa trên các quy tắc đã bị hủy hoại.   Mọi người đều đã cảm nhận được hậu quả hủy diệt của sự xâm lược của Nga.   Một số người đã phải chịu đựng giá tăng chóng mặt đối với thực phẩm hoặc nguồn năng lượng. Một số người thấy rằng trong trường hợp xảy ra thảm họa tại một nhà máy điện hạt nhân do Nga chiếm đóng, bức xạ theo gió sẽ đến vùng đất của họ.   Một số người biết rằng nếu Nga thành công trong việc giữ lãnh thổ của Ukraine bị đánh cắp, người hàng xóm hung hãn cũng sẽ đến vùng đất của họ.   Thế giới của chúng ta rộng lớn, nhưng tất cả chúng ta đều ở trong đó cùng nhau. Và đây là sự nghiệp chung của chúng ta - hòa bình.   Vào thời điểm, trước ngày 24 tháng 2, Ukraine đã tổ chức hơn 180 vòng đàm phán với Nga - 183 vòng - dưới nhiều hình thức khác nhau để ngăn chặn hành vi xâm lược. Có những nhà trung gian quốc tế đáng kính trong các cuộc đàm phán đó và tất cả họ đều thấy rằng Nga không tìm kiếm hòa bình.   Thỏa thuận ngừng bắn không có tác dụng. Nó đã kéo dài trong 7 năm và hàng ngàn người đã thiệt mạng. Không có gì thay đổi, ngoại trừ việc chúng tôi tự bảo vệ mình đã làm suy yếu đáng kể nước Nga. Giờ đây, nước này công khai muốn đóng băng chiến tranh - không phải vì hòa bình, mà vì mục đích tranh thủ thời gian, tiếp thêm sức mạnh và tấn công trở lại.   Người đi vào con đường khủng bố không tự mình rời bỏ nó. Đây là lý do tại sao Công thức hòa bình của chúng tôi là cần thiết, luật pháp quốc tế là cần thiết.   Ukraine đã đề xuất Công thức hòa bình của mình với thế giới. Chừng nào quân xâm lược Nga còn trên đất của chúng tôi, sẽ không có ai ngồi vào bàn đàm phán với Nga. Thực dân phải rời đi. Và thế giới có đủ sức mạnh để buộc Nga từng bước khôi phục hòa bình. Chúng tôi đã chứng minh điều đó.   Ví dụ - an ninh lương thực. Đây là một trong những điểm của Công thức hòa bình của chúng tôi.   Khi Nga chặn biển của chúng tôi, chúng tôi đã tìm thấy lối ra. Chúng tôi đã thỏa thuận với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ về việc tạo ra một hành lang trên biển để xuất khẩu lương thực để không ai trên thế giới bị đói hoặc thiếu lương thực. Chúng ta cùng nhau ổn định thị trường. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra cho thế giới một yếu tố hòa bình. Và bằng cách tương tự, nó có thể hoạt động trên mọi con đường khác trong Công thức hòa bình của chúng ta, bắt đầu từ hạt nhân, vốn rất nguy hiểm, an ninh năng lượng và kết thúc bằng việc khôi phục toàn bộ hiệu lực của Hiến chương Liên hợp quốc và sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, những thứ đã bị Nga vi phạm.   Chúng tôi đã phát triển Công thức hòa bình theo cách đảm bảo mỗi điểm của nó đều được hỗ trợ bởi các nghị quyết của Liên hợp quốc. Và theo cách mà mọi người trên thế giới có thể chọn điểm mà họ có thể góp phần.   Nhân tiện, tôi muốn nói với các bạn rằng tất cả những điểm này đều dựa trên các nghị quyết và tất cả các quốc gia của các bạn trong những năm khác nhau đều ủng hộ và bỏ phiếu cho các nghị quyết này. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng. Từ Nhật Bản đến các quốc gia Ả Rập, từ châu Âu đến Mỹ Latinh, chúng tôi nhận thấy sự ủng hộ đối với Công thức của mình. Và chúng tôi tiếp tục công việc này.   Chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ đến tháng 7, cuộc chiến toàn diện sẽ kéo dài 500 ngày. Và đây là khoảng thời gian mang tính biểu tượng, một tháng thuận lợi để triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về Công thức hòa bình, hội nghị thượng đỉnh của đa số toàn cầu. Nơi hội tụ của tất cả những người đề cao sự trung thực và quyết tâm đưa cuộc chiến này đến hồi kết. Tôi mời các bạn tham gia vào những nỗ lực chung!   Ngay cả khi chúng ta bị ngăn cách bởi khoảng cách, chúng ta không bị tách rời bởi sự hiểu biết chung:   Bạn sẽ tự bảo vệ mình nếu nhà của bạn bị đột nhập, nếu kẻ thù đến trước cổng nhà bạn và trục xuất con cái của bạn, bạn sẽ không đầu hàng thực dân, bạn sẽ đoàn kết toàn thế giới, bạn sẽ chiến đấu như chúng tôi đang chiến đấu. Xin cảm ơn!   Linh Lê dịch và giới thiệu  
......

Nước Mỹ có vỡ nợ? Thực chất và hệ luỵ?

Nếu như Mỹ vỡ nợ, hàng loạt hệ luỵ sẽ ra đời và không biết thế giới sẽ phản ứng ra sao. Lê Quốc Quân Mỹ đang là quốc gia có tổng tài sản quốc dân lớn nhất thế giới nhưng cũng nợ nhiều nhất thế giới trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai chủ nợ lớn nhất. Theo Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, ngày 1/6 này có thể xảy ra một điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, đó là ngày mà chính quyền sẽ không có đủ tiền trả các “hoá đơn đến hạn phải thanh toán”. Điều này sẽ tác động rất lớn tới toàn bộ nền tài chính toàn cầu nhưng sự khủng khiếp của nó và mức độ ảnh hưởng đến đâu thì chưa ai có thể biết được. Vậy tại sao một quốc gia số một trên hành tinh này lại có thể vỡ nợ và bản chất của nó ra sao? Trần nợ công là gì? Trần nợ công là mức trần pháp lý về số tiền tối đa mà chính phủ được phép vay để thanh toán các khoản nợ và chi tiêu. Khi vay đến một ngưỡng nào đó đã được quy định mà không có thể được vay tiếp thì sẽ bị coi là “chạm trần”. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đưa ra mức trần nợ công bằng một tỷ lệ phần trăm so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nghĩa là việc vay nợ thường gắn với quy mô nền kinh tế, GDP càng cao thì càng được phép vay nhiều. Nếu tính ra tỷ lệ vay nợ so với GDP thì nước Mỹ đang vay ở mức 123% với số tiền gần chạm trần con số 31.46 ngàn tỷ USD. Hầu hết các quốc gia thì nợ công đều dưới mức 100% so với GDP tuy nhiên cũng có nhiều nước vay nợ nhiều như Nhât Bản hiện ở mức 226%, Singapore 167%, Ý 144% và Pháp 113% (1). Trong các nước kinh tế phát triển, chỉ có Mỹ và Đan Mạch thì trần nợ được đưa ra là một con số nguyên tuyệt đối, nhưng trường hợp của Đan Mạch hoàn toàn mang tính tượng trưng vì nó quá cao và còn lâu mới có thể vay đạt đến ngưỡng đó (2). Cụ thể số tiền mà chính phủ Đan Mạch hiện nay có thể vay là lên đến hai ngàn tỷ Krone Đan Mạch trong khi họ thực sự đang vay 323 tỷ Krone (3). Gần đây Đan Mạch lại đang có thặng dư ngân sách nên mức vay ngày càng ít, và có ý kiến cho rằng chính phủ đang đau vì nhiều tiền mà chưa biết làm gì. Trong khi đó ở Mỹ nợ công sau 100 năm, từ 408 tỷ USD vào năm 1922 đã lên đến 30,9 ngàn tỷ vào năm 2022 (4). Các nhà lập pháp liên tục đặt ra các mức để giới hạn chính phủ cẩn thận trong chi tiêu và sau đó lại nới trần để được phép vay tiếp. Lần này mức đặt ra là chỉ được chạm đến ngưỡng: 31.46 ngàn tỷ USD mà cho đến nay thì đã sắp đến. Do lo sợ sắp đáo hạn mà không có tiền để trả nợ cho nên Quốc hội gần đây đang làm việc quyết liệt để giải quyết nó. Thực tế thì Quốc hội Hoa Kỳ thường xuyên phải làm việc này. Họ đã phải hành động đến 78 lần kể từ năm 1960 để bàn thảo và quyết định nâng trần nợ công, giúp cho chính phủ tiếp tục vay tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn (5). Nhưng lần này có thể khó khăn hơn và, trong một kịch bản tệ nhất, nước Mỹ có thể bị vỡ nợ một cách kỹ thuật, xô đẩy chính nó và hàng loạt quốc gia trên thế giới vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Việt Nam sửa luôn cách tính GDP để vay thêm Nợ công Việt Nam cũng là mối ưu tư lớn của những người quan tâm đến vận mệnh đất nước và báo chí lề phải đã lên tiếng về việc này (6). Với GDP vào năm 2021 ở mức 368 tỷ USD, và mức nợ công là 43% trên GDP thì con số tuyệt đối là khoảng 158 tỷ USD, chia cho khoảng 98 triệu người, mỗi người Việt hiện nay ngay khi sinh ra đã phải mang nợ 37 triệu đồng. Điều nguy hiểm là nhiều người ở Việt Nam đang quên vụ nợ công vì chính phủ gần đây quảng bá nợ công đang giảm xuống còn 42% so với mức cao nhất là 61,4% vào năm 2017. Hồi đó chính nó đã vượt trần Quốc hội cho phép là 60% GDP. Như vậy, xét về mặt kỹ thuật, thì Việt Nam đã từng vỡ nợ. Tuy nhiên, thay vì tăng thu và giảm chi để kéo mức nợ công xuống, chính phủ Việt Nam vào năm 2020 hoàn tất phương pháp tính lại GDP, nghĩa là thay luôn cả thước đo, tăng mẫu số để giá trị phân số nhỏ đi (7). Vi diệu là ở chỗ đó. Ai chê mình thấp thì thay luôn cả thước để cho cao hơn. Thật vậy, vào năm 2017, tổng cục thống kê ban đầu công bố GDP của Việt Nam là 220 tỷ Đô la và sau đó điều chỉnh lại, cộng thêm 55 tỷ thành GDP 275 tỷ, với lý do là cách tính trước đây đã bỏ quên 79 ngàn doanh nghiệp. Rồi lần lượt các năm sau đó Tổng cục Thống kê cứ nhân với tỷ lệ tăng trưởng được công bố và cho đến năm 2020 thì hoàn toàn tính theo cách mới và công bố gần đây nhất là năm 2021 thì tổng GDP của Việt Nam là 366 tỷ USD. Khi tăng GDP thì một loạt chỉ số tính toán dựa theo GPD như nợ công, nợ nước ngoài, thâm thụt ngân sách sẽ đương nhiên giảm xuống. Nhìn con số sẽ đẹp hơn rất nhiều và chính phủ lại có điều kiện đi vay tiếp, nghĩa là lại tiếp tục bỏ thêm gánh nặng lên lưng thế hệ mai sau mà không ai còn làm toáng lên như ở Hoa Kỳ. Nước Mỹ lạ lùng mà cần thiết Tôi nghĩ chỉ có nước Mỹ là thực sự tự do và quyết liệt trong việc bàn bạc những vấn đề của tương lai, cả kinh tế và xã hội, bất luận đôi lúc có vẻ như được “vũ khí hoá” cao độ. Gần đây trên khắp các phương tiện truyền thông người ta đều nói về trần nợ (debt ceiling). Các thị trường chứng khoán toàn cầu phập phồng lên xuống theo từng động thái đầy kịch tính của các nghị sĩ tại Washington DC. Lần này có vẻ hai bên đang “nghiêm túc” chuyện trần nợ công và mức độ quyết liệt có vẻ cao hơn vì những lo lắng cho chuyện chi tiêu của đất nước, tránh để lại di sản nặng nề cho con em, nhưng cũng có thể là sự thể hiện của những chia rẽ vẫn âm thầm còn đó kể từ cuộc bầu cử năm 2020. Vào năm 2011, nếu như Tổng thống Obama không đồng ý cắt giảm chi tiêu khi chỉ còn 72 giờ đồng hồ nữa là chính phủ liên bang thực sự vỡ nợ thì không biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào? Nhưng qua sự việc đó ta thấy các nhà lập pháp đã từng được thử nghiệm một lần và có vẻ như lần này đã sẵn sàng cho một cuộc vỡ nợ thật sự. Lần này, với khả năng “gây sự” cao hơn, và các đảng viên Cộng hoà không nhượng bộ mà vẫn đòi thắt chặt chi tiêu, không cho nâng trần nợ công lên còn tổng thống kiên quyết không nhượng bộ và vẫn theo lộ trình chi tiêu của mình thì rất có thể một điều gì đó sẽ xảy ra. Cá nhân tôi thì tin rằng chắc chắn cuối cùng hai đảng cũng sẽ tìm được tiếng nói chung và trần phải được nới lên nhưng họ sẽ giằng co nhau cho đến phút cuối. Mỗi một phút trôi qua, là mỗi phút thế giới hồi hộp nhìn theo nước Mỹ, nín lặng lắng nghe tiếng đồng hồ tích tắc nhích về phía chạm trần. Tổng thống Biden vẫn còn một “vũ khí” quan trọng nằm ở câu sau trong Tu chính án số 14: “the validity of the public debt of the United States, authorized by law … shall not be questioned.” để có thể đơn phương hành động mà nâng trần nợ công lên. Câu tiếng Anh này có thể tạm dịch là “tính hợp lệ của khoản nợ công của Hoa Kỳ, được pháp luật cho phép… sẽ không bị nghi ngờ.” Nhưng không chỉ đơn giản như vậy, giữa 3 dấu chấm trong câu trên đó vẫn còn một đoạn và các luật gia và các nhà chú giải Hiến pháp vẫn còn hiểu về nó rất khác nhau, mà bài viết nhỏ này không thể đi sâu hơn. Tôi cũng tin rằng Tổng thống Biden sẽ không liều lĩnh sử dụng “vũ khí” quan trọng đã được thông qua hơn 150 năm trước hiện còn nhiều cách hiểu khác nhau để rồi lại phải đối mặt với những cáo buộc pháp lý đi kèm và biết đâu lại phải ra toà án vì một hành động cũng chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Ảnh hưởng của việc vỡ nợ Mỹ đang là quốc gia có tổng tài sản quốc dân lớn nhất thế giới nhưng cũng nợ nhiều nhất thế giới trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai chủ nợ lớn nhất. Nếu như Mỹ vỡ nợ, hàng loạt hệ luỵ sẽ ra đời và không biết thế giới sẽ phản ứng ra sao. Hàng loạt khuyến cáo về sư hỗn loạn và thảm hoạ kinh tế đã được các chuyên gia đưa ra và chậm trễ ngày nào uy tín kinh tế của Hoa Kỳ càng giảm trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và chủ nợ cho vay thì đang như ngồi trên đống lửa. Chúng ta đang sống thực sự trong một thế giới đầy bất định. Loài người đã phát minh ra tiền tệ và cả hệ thống tài chính tín dụng khổng lồ để hành động trong đó. Giống như một không gian đang phình ra ngày một to lớn, phong phú và đa dạng đến mức gây bất ngờ cho cả những người giỏi nhất thì sớm hay muộn có một điều gì đó cũng xảy ra ngoài nhận thức thông thường của chúng ta. Cha đẻ của AI đã lên tiếng khuyến cáo về sự nguy hiểm của nó và cảnh báo đến lúc nó có thể vượt con người. Tương tự như vậy, những hệ thống thông tin tài chính kinh tế đã được loài người sáng tạo ra với vô vàn khái niệm và phát triển hàng ngàn năm nay, cuối cùng cũng có thể bị sụp đổ hoặc biến đổi sang một kiểu gì đó. Cá nhân tôi cho rằng, trần nợ công nói riêng, các chỉ số về hệ thống kinh tế nói chung cũng chỉ là những hình thức “pháp lý” do loài người xây dựng nên, còn chiếc xe thì vẫn chạy, động cơ trong nhà máy vẫn quay và con gà trên bàn ăn vẫn còn đó. Tôi cũng nhìn thấy sức lao động chăm chỉ và bền bỉ ở những người Mỹ, đặc biệt là những người nhâp cư đang vô cùng hăng say làm việc để tạo ra của cải vật chất, tôi tin nó vẫn còn có sức sống và tiếp tục dẫn dắt thế giới đi lên dù có vỡ nợ hay không. Nước Mỹ to là ở chỗ đó (1) https://www.ceicdata.com/en/indicator/united-states/government-debt--of-nominal-gdp#:~:text=United%20States%20Government%20Debt%3A%20%25%20of%20GDP,-1969%20%2D%202022%20%7C%20Quarterly&text=United%20States%20Government%20debt%20accounted,Mar%201969%20to%20Dec%202022. (2) https://www.bbc.com/news/world-us-canada-64878254 (3) https://www.nationalbanken.dk/en/publications/Documents/2023/02/REPORT_No%201_Central%20government%20borrowing%20and%20debt%202022.pdf (4) https://fiscaldata.treasury.gov/americas-finance-guide/national-debt/#:~:text=Over%20the%20past%20100%20years,to%20pay%20down%20its%20debt. (5) https://home.treasury.gov/policy-issues/financial-markets-financial-institutions-and-fiscal-service/debt-limit#:~:text=Congress%20has%20always%20acted%20when,29%20times%20under%20Democratic%20presidents.. (6) https://vietnamnet.vn/moi-nguoi-viet-ganh-35-trieu-no-cong-chac-ai-do-phai-an-de-ha-tien-471714.html (7) https://vnexpress.net/tinh-lai-gdp-3983605.html Blog Lê Quốc Quân    
......

Ghẹo cho chúng chửi

Tưởng Năng Tiến Tôi có dịp được đi nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người, và cũng được nghe lắm lời bình phẩm (không được tử tế hay tế nhị gì cho lắm) về quê hương và đất nước của mình. Tuy thế, tôi chưa bao giờ bị một “vố” nặng như Trần Đĩnh cả. Ông kể chuyện có lúc nằm chung phòng bệnh với một viên tham tán thương mại Ba Lan, và đã được nhân vật này “rủ rỉ” đôi câu – như búa bổ: “Chúng tao bảo giá nước chúng mày dọn ra một hòn đảo giữa Thái Bình Dương rồi cả thế giới cung phụng cho mà sống thì gọn được biết bao nhiêu là chuyện cho … thế giới.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II, Westminster, CA: Người Việt, 2014). Ơ hay! Nói thế chả hóa ra là Đảng và Nhà Nước đa sự lắm sao? Hỏi cho có (hỏi) thế thôi chứ “ta” thì quả lắm điều nhiều chuyện thật và toàn là những chuyện tào lao, chỉ ghẹo cho chúng chửi thôi! Khi khổng khi không, Phát Ngôn Viên Phạm Thu Hằng  (Bộ Ngoại Giao) tuyên bố là : “Việt Nam lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc Úc đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh ‘cờ vàng’, cờ của một chế độ đã không còn tồn tại.” Bà Hằng làm nhiều người đỏ mặt vì xấu hổ, và khiến không ít kẻ phải dậm chân/bứt tóc (la làng) vì tức giận: Đi ăn mày chứ có phải con Trời đâu mà chỗ nào cũng xía vô cấm đoán Đồng 2 dollar Úc và nỗi hoang tưởng Hà Nội Việt Nam ‘can thiệp nội bộ’ Australia khi phản đối đồng xu có hình cờ vàng ba sọc đỏ? Ai bảo đối ngoại không có… Chí Phèo? Vụ đòi Úc rút đồng tiền có cờ vàng: “Việt Nam nên học cách ngoại giao văn minh!” Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối chuyện này là bị lố, không cần thiết, nhất là khi mà đang khuếch trương hòa hợp, hòa giải. Vậy cái hòa hợp sẽ tới chừng nào mới có? Việt Nam phản ứng việc đồng xu Úc có cờ VNCH, rõ vô duyên! Đây không phải là lần đầu tiên (hay duy nhất) nhà nước CHXHCNVN đã hành sử “vô duyên” như vậy đâu nha. Họ cũng đã từng phản đối Mã Lai và Nam Dương vì hai tấm bia tưởng niệm thuyền nhân, và cũng đã bị chửi cho tắt bếp nhưng vẫn không chừa được cái thói điêu ngoa và lắm chuyện! Hà Nội hết than phiền chuyện này rồi lại phản đối chuyện khác, toàn là những chuyện lãng xẹt hay vô cùng lố bịch nhưng khi đối diện với những vấn đề quốc tế (có ảnh hưởng đến cả an ninh cũng như quốc thể) thì thái độ của dân làng Ba Đình lại hoàn toàn khác hẳn – nếu không “bỏ phiếu trắng” thì cũng chỉ dám … ăn theo và nói leo thôi. BBC ghi nhận: Với diễn biến mới nhất, nhiều người chỉ ra sự “đồng điệu” cả sáu lần bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể, lần đầu tiên, ngày 1/3/2022, khi bỏ phiếu nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ, Việt Nam bỏ phiếu trắng. Lần thứ hai, ngày 24/3, Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết yêu cầu bảo vệ dân thường, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng. Lần thứ ba, ngày 7/4/2022, đề nghị trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bỏ phiếu chống. Lần thứ tư, ngày 12/10 rạng sáng 13/10/2022 theo giờ Việt Nam, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết kêu gọi các quốc gia trên thế giới chống Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine. Lần thứ năm, ngày 23/2/2023, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng như Trung Quốc đối với nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine và kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong bối cảnh tròn một năm chiến sự. Lần mới nhất này, ngày 26/4, Việt Nam và Trung Quốc “gia nhập” phe đa số, ủng nghị quyết về Liên Hợp Quốc và Hội đồng Châu Âu tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp để giải quyết hiệu quả nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó có việc thừa nhận hành động xâm lược quân sự của Nga đối với Ukraine. Bởi chỉ là kẻ ăn theo nói leo và luôn cam phận phục tùng nên dù lãnh thổ / lãnh hải / biển đảo bị xâm lấn, dân chúng bị bức hại (hay sát hại) lực lượng hải quân VN vẫn nhất định bám bờ. Giới lãnh đạo hiện hành thì lúc nào cũng im thin thít, chỉ ồn ào phát cờ cho ngư phủ bám biển, và đẩy ngư dân ra làm cái loa phản bác: – Báo VietnamPlus (07/07/2014): Hội Nghề cá Việt Nam phản đối Trung Quốc bắt giữ 6 ngư dân và tàu cá. – Báo Pháp Luật (11/7/2015): Hội Nghề cá Việt Nam phản đối việc làm phi nhân đạo của phía Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam. – Báo Người Lao Động (14/03/2016): Hội Nghề cá Việt Nam cực lực phản đối hành động phi pháp, vô nhân đạo của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sử dụng roi điện và gậy đập phá tài sản trên tàu ngư dân Việt Nam như những tên cướp biển. – Báo Mới (04/05/2016): Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam ra tuyên bố phản đối tàu lạ đâm chìm tàu cá của 34 ngư dân ở Hoàng Sa. – Báo VnExpress (02/03/2017): Hội nghề cá phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh cá ở biển Đông. – Báo Tiền Phong (26/03/2018): Hội nghề cá phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Ngư dân cứ “phản đối” Trung Quốc từ năm này qua năm khác (hết thập niên này sang thập niên kia) còn Đảng và Nhà Nước thì vẫn nhất định làm thinh khiến cho dân Việt sốt ruột và xót ruột. Nhiều người đã cùng nhau lên tiếng, qua bản Tuyên Bố (Phản Đối Trung Quốc Vi Phạm Chủ Quyền, Quyền Chủ Quyền và Quyền Tài Phán Của Việt Nam Trên Biển Đông) được phổ biến vào hôm 2 tháng 5 năm 2023: Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân luôn luôn mong muốn có cuộc sống hòa bình với nhân dân Trung Quốc, nhưng không thể chấp nhận những hành vi giẫm đạp lên luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc, phá hoại cuộc sống yên bình của đất nước và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tuyên bố: 1. Trung Quốc phải chấm dứt mọi sự gây hấn, phá hoại việc đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 2. Trung Quốc phải bồi thường các thiệt hại của ngư dân Việt Nam mà Trung Quốc đã gây ra từ trước đến nay. 3. Trung Quốc phải chấm dứt các hành vi cản trở phá hoại các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 4. Trung Quốc phải chấm dứt mọi việc xây dựng trái phép, phá hoại môi trường biển tại các đảo của Việt Nam bị cưỡng chiếm. 5.Cực lực phản đối hành vi đơn phương áp đặt chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc qua lệnh CẤM BIỂN trước nhân dân trong nước và nhân dân toàn thế giới. Bản Tuyên Bố thượng dẫn của nhiều vị nhân sỹ, cùng các tổ chức xã hội dân sự – tất nhiên – rất đáng được quan tâm và trân trọng. Vấn đề, tuy thế, e không thể giải quyết một cách hiệu quả bằng lời nói. Trước “những hành vi giẫm đạp lên luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc” thì VN cần phải có những phản ứng cụ thể, cương quyết và thích đáng hơn. Sự cần thiết này – tiếc thay – vô phương thể hiện khi đất nước vẫn bị dẫn dắt bởi đám người bất nhân, bất nghĩa, bất trí, bất tín, và bất chính: chính danh, chính đáng hay chính nghĩa … trớt quớt hết trơn! Tưởng Năng Tiến 5/2023    
......

Nhân ngày 19/5: Nhận định những sự thật về Hồ Chí Minh

Lê Bá Vận   Con người của Hồ Chí Minh, chủ tịch nước VNDCCH là đầy bí ẩn và ĐCSVN luôn khai thác điểm này, cho là lợi thế? thêu dệt thành huyền thoại. Thậm chí thần thánh hóa, có nơi đưa ông ta lên bàn thờ ngồi ngang hàng đức Phật tổ xem như vua Lê chúa Trịnh, hoặc chết và sống lại cũng lúc 36 tuổi như đức Chúa Jésus Christ.   Năm nay đến ngày 19/5, CSVN lại rầm rộ tổ chức kỷ niệm năm thứ 133 ngày sinh của HCM (19/5/1890). Tuy nhiên CS với bản chất lừa dối cố hữu không chắc HCM sinh năm 1890.   HCM:   + Sinh năm 1895. Trên giấy thông hành năm 1922 HCM sang Liên-Xô. Lúc bị bắt giam ở Hồng Kông năm 1931 và chết vì bệnh lao hoặc trốn thoát được? cũng đang giữ ngày sinh này. + Sinh năm 1894. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đến sở Cảnh sát Paris, Pháp xin làm thẻ căn cước mới khai sinh 15/1/1894. + Sinh năm 1892. Năm 1911 vừa ở Việt Nam sang thì Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống Pháp đơn xin học trường Thuộc địa, đề ngày 15/9/1911. Khai đúng tên Nguyễn Tất Thành, sinh ở Vinh năm 1892 và con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Chú ý Nguyễn Tất Thành còn trong trắng và được cụ thân sinh sắp đặt trước, chắc khai đúng sự thật, hơn nữa nếu cần còn phải xuất trình giấy khai sinh, thẻ học sinh, học bạ của trường Quốc Học Huế v.v… + Sinh năm 1892. Trong hồ sơ hình sự tại sở Mật Thám Bắc Kỳ ghi Nguyễn Sinh Cung còn gọi là Nguyễn Tất Thành, còn gọi là Nguyễn Ái Quốc sinh năm 1892, con Nguyễn Sinh Sắc.   Xét sự việc, năm sinh đúng của HCM là 1892 thay vì 1890 (công bố năm 1946). Chọn ngày 19/5 là do Nguyễn Ái Quốc khai sinh Mặt trận Việt Minh ngày 19/5/1941 tại Pắc Bó.   Từ năm 1911 đến năm 1922 Nguyễn Ái Quốc thay đổi năm sinh nhiều lần là điều không cần thiết vì ở Pháp làm chính trị, đảng phái là hợp pháp, cảnh sát không hỏi đến.   Sự kiện HCM thông thạo 29+ ngoại ngữ song lúng túng nói tiếng Việt khiến gây thắc mắc.                              Cho đến nay chỉ có một tư liệu chính thức chứng tỏ HCM có đến Hoa Kỳ. Đó là bức thư đóng dấu bưu điện thành phố New York ngày 15/12/1912 Nguyễn Tất Thành gửi Khâm sứ Trung kỳ về việc gởi tiền cho cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Thành tự xưng là thủy thủ, tên Paul Tất Thành [17] và để địa chỉ ở hộp thư lưu (poste restante) tại cảng Le Havre, Pháp. Điều này chứng tỏ NT Thành sẽ không ở lâu ở Mỹ và đúng vậy, Thành đã theo tàu buôn về lại Âu châu đầu năm 1913. Tính ra Thành chỉ lưu lại Hoa Kỳ vài tuần lễ, lại nhằm các dịp lễ lớn cuối năm. (Báo điện tử ĐCSVN : “Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước”).  (25/8/2019).   Sự lừa gạt, bịa đặt này, CS không thể phản bác và có tầm ảnh hưởng to lớn vì rồi đây sẽ chẳng ai mấy tin các chuyện do CS vừa kể vừa hư cấu vào thời gian Bác sống ở Anh, Pháp, học tập, dự hội nghị, viết báo, diễn thuyết, đọc luận cương Lenin và khóc… Toàn là láo.   Lời bàn: Ban giám đốc Parker House Hotel xem lại hồ sơ, xác nhận Nguyễn Tất Thành không hề là nhân viên cũ. Tuy vậy họ vẫn vui vẻ đón tiếp phái đoàn Việt Nam đến thăm viếng. Có thể Nguyễn Tất Thành có đến Boston, cũng gần New York như Sài Gòn đi Phan Thiết, Phan Rang. Thành thấy thích Parker House Hotel và muốn xin việc ở đó song bi từ chối tương tự như năm trước Thành bị bác đơn nhập học trường Thuộc địa ở Pháp. Đọc được bài viết này rồi đây các quan chức CS còn đủ đảm lượng ‘cố đấm ăn xôi’ đến hành hương tại căn hầm nhà bếp của Parker House Hotel hay không, đặc biệt Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng mà nghe nói sẽ công du Hoa Kỳ sắp đến. Hãy chờ xem!     4) HCM và Nguyễn Ái Quốc (NAQ) là hai người khác biệt. Điều này CS không thể phủ nhận vì do bằng chứng khoa học cung cấp: HCM cao 1m75, NAQ cao 1m62.   Trong các hình chụp chính phủ các năm 1945, 1946 HCM trông cao nhất. Trong các hình chụp với thủ tướng Ấn Đô J. Nehru cao 1m78 (5’10”), chủ tịch Bắc Hàn Kim Nhật Thành cao 1m75 (5’9”) và chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cao 1m80 (5’11”), phân tích kỷ các hình chụp, HCM khẳng định cao 1m75 (5’9”) ngang chủ tịch KN Thành.  +Hình 1- Nguyễn Tất Thành hầu bàn và phụ bếp trên các tàu buôn Pháp, 1911-1912. Người nhỏ nhắn, cao 1m62 (theo hồ sơ hình sự ở sở Mật thám Bắc Kỳ). Thời năm 1970 người Việt cao trung bình nam 1m60 và nữ 1m50. +Hình 2- Thủ tướng Ấn Đô, J. Nehru, cao 1m78 và chủ tịch HCM (đi dép). New Delhi 1958.            +Hình 3 - Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cao 1m80 và chủ tịch HCM. Trong hình chú thích tiếng Anh : Ho Chi Minh explains to Mao Zedong how to do the dab and whip nae nae circa 1967 . Tạm dịch: HCM giải thích cho Mao Trạch Đông nhảy điệu `dab` và `nae nae` khoảng 1967. Các điệu nhảy này thuộc loại rap, hip hop. Chú ý HCM đi giày, nhún thấp chân, múa tay.            CSVN luôn miêu tả HCM là NAQ. Đây là sự lừa bịp siêu vĩ đại. NAQ có thể đã qua đời vì lao phổi ở bệnh xá nhà tù Hồng Kông? (Giải mã bí ẩn thân thế bác Hồ). -------                                       LỜI KẾT   Chủ tịch HCM có thể là người Việt, Tàu, Hẹ, Đài Loan gì… thì chưa rõ nhưng CS phải sử dụng tạm ngày sinh của NAQ mà cũng là ngày tưởng tượng. CSVN thì xưa nay vẫn lừa dối, bịa đặt. Điều này đang biến dần thành dân tộc tính, chuẩn mực mới của xã hội thay thế truyền thống tốt đẹp lương thiện, thành thật, nhân ái.   Kể từ ngày HCM đem chủ thuyết Mác- Lê xây dựng CNXH tròng lên đầu cổ nhân dân Việt Nam nói là theo ý nguyện toàn dân song thực chất để CS tiện việc dẫn dắt, kiểm sát…. thì lợi lộc đâu chưa thấy, chỉ thấy trong nước đạo đức xuống dốc, phong hóa suy đồi, tham nhũng lên ngôi, lừa dối chiếm lĩnh. Lòng người ly tán, nói gì gắn bó và đoàn kết dân tộc lúc nước nhà hữu sự!   Trong bối cảnh đó thì “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung cốt lõi xuyên suốt toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh” chính là đại họa dẫn đến mất nước. Do Việt Nam ở sát kề ông bạn Tàu cộng láng giềng khổng lồ bá quyền luôn giữ truyền thống khuyến dụ hoặc cưỡng chiếm, đưa Viêt Nam trở lại thành một tỉnh của họ như xưa.       “Đừng thấy đỏ mà ngỡ là chín’, chắc gì chỉ có CNXH và CNCS là có thể đem lại ‘độc lập, tự do, hạnh phúc’ như CS tuyên truyền đoan quyết! Hãy nghe và suy gẫm về vài câu nói nổi bật của Lenin: “Nhà nước là vũ khí đàn áp của giai cấp này so với giai cấp khác”. “Tự do rất quý hiếm, quý hiếm tới độ nó phải được hạn chế”. “Khi chính quyền (cộng sản) đang tồn tại thì sẽ không có tự do, khi có tự do thì sẽ không có chính quyền (cộng sản)”.    Năm nay ngày sinh nhật 19/5/1890 của chủ tịch HCM được cử hành trọng thể trong niềm hân hoan của toàn thể đảng viên. Chế độ ưu đãi, họ giàu lên trong mọi hoàn cảnh. Song trong nhân gian độ này kinh tế ảm đạm kéo dài như truyền thông trong nước: báo chí, you tube phóng sự đưa tin. Thiếu đơn đặt hàng các công ty cho nghỉ viêc nhiều chục ngàn công nhân, gây nạn thất nghiệp trầm trọng. Ngành du lịch vắng khách, phần nào hậu quả của tính lừa dối, chém chặt của xã hội CSVN khiến khách không trở lại. Dân chúng bớt tiêu pha, sắm sửa.   Buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương nghỉ bán, trả lại mặt bằng đường phố, sạp hàng trong chợ. Các siêu thị sang trọng cũng lâm cảnh tiêu điều, đa số cửa hàng đóng cửa, bỏ trống chờ khách mướn. Nhân viên mất việc. Cộng đồng người Việt hải ngoại bứt rứt xót xa, thông cảm với tình hình kinh tế khó khăn của đồng bào trong nước. Đảng, Nhà nước CS thì vẫn loan báo kinh tế tăng trưởng đúng chỉ tiêu, kế hoạch. Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi!    Bài trích đoạn  
......

Giải thưởng quốc tế Karlpreis được trao cho Tổng Thống và nhân dân Ukraine ngày 14.05.2023 tại Aachen Đức

Diễn văn của bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại buổi trao giải Karlpreis Tuyen Nguyen   · DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI ĐỨNG VỀ PHÍA UKRAINE GIẢI THƯỞNG QUỐC TẾ KARLPREIS ĐƯỢC TRAO CHO TỔNG THỐNG VÀ NHÂN DÂN UKRAINE NGÀY 14.5.2023 TẠI AACHEN, ĐỨC Tổng thống Ukraine  Wolodymyr Selenskyj - Thủ tướng Đức Olaf scholz (trái phía trước)   Mặc dù cuộc chiến ở miền đông Ukraine đang diễn ra cực kỳ khốc liệt, Tổng thống Selenskyj vẫn thực hiện chuyến đi đến những nước hùng mạnh nhất châu Âu. Hầu như không có thời gian nghỉ, sau khi đến thành Rom ông đáp máy bay ngay đến Berlin ngày 14.05.2023 để nhận giải thưởng Karlpreis, một giải thưởng quốc tế dành cho những người có công đóng góp vào sự thịnh vượng của châu Âu và bảo vệ những giá trị tự do, dân chủ của lục địa này. Buổi tối ông lại lên máy bay sang Paris rồi London.   Đi đến đâu Selenskyj cũng được đón chào với sự nể phục vì tính kiên cường và biệt tài lãnh đạo trong cuộc chiến vệ quốc của dân tộc Ukraine. Đến Đức, nghe những bài phát biểu của Tổng thống Steinmeier, Thủ tướng Scholz, Chủ tịch Liên minh châu Âu Von der Leyen, tôi đều có cảm xúc rất mạnh. Dù rất bận, tôi vẫn dành chút thời gian cho nghề nghiệp, và xin dịch toàn bộ bài phát biểu của bà chủ tịch Von der Leyen để độc giả hiểu được sâu hơn sự ủng hộ của EU đối với cuộc chiến đấu của nhân dân Ukraine chống quân xâm lược Nga do Putin phát động.   … Khi người ta bước chân đến thành phố Aachen và được chứng kiến tính đa dạng, hoành tráng của những công trình kiến trúc, tượng đài dấu ấn thời Cổ đại thì người ta mới thấm thía ý nghĩa và tầm cỡ của lịch sử châu Âu. Đó là sự hung vĩ trong vẻ đẹp ngỡ ngàng, đó là nỗi đau và sự tiến bộ, bị chia cắt nhiều thế kỷ và sự thống nhất mới mấy chục năm gần đây.   Như người thành lập giải thưởng này, ông Kurt Pfeiffer đã nói, giải thưởng này ghi nhận “hàm lượng đạo lý cao nhất” để hoàn thiện tiếp những trang sử vẻ vang trong lịch sử chung của tất cả chúng ta. Ông đã giao nhiệm vụ cho những người sống trên đất châu Âu, tôi xin được phép trích lời ông “là bảo vệ di sản cao quý nhất, đó là Tự Do, Nhân Đạo, Hòa Bình và bảo đảm sự yên lành cho tương lai con cháu chúng ta”.   Hôm nay chúng ta vinh danh người nhận giải thưởng này và nhân dân của đất nước ông là những người thực hiện nghĩa vụ kể trên thật hoàn hảo, vượt xa khả năng của tất cả chúng ta. Họ thực sự chiến đấu một cách đúng nghĩa cho Tự Do, Nhân Ái và Hòa Bình. Họ đã dùng máu và mạng sống của mình để bảo vệ tương lai con cháu họ. Và như vậy bảo vệ cả tương lai cho con cháu chúng ta. Tổng thống Selenskyj và nhân dân Ukraine biết rất rõ họ chiến đấu vì điều gì. Và họ cũng hiểu châu Âu và Liên minh của chúng ta có tiềm năng lớn như thế nào.   Những lời của tôi không thể nào mô tả được sát thực. Nhưng những lời của Tổng thống Selenskyj thì bao hàm được hết ý nghĩa này. Trong bài phát biểu khi nhậm chức năm 2019, ông đã gửi những lời sau đây đến nhân dân Ukraine: “Chúng ta đã quyết định chọn con đường đến với châu Âu, nhưng châu Âu không phải là nơi xa xôi nào đó. Châu Âu ở chính nơi đây, trong bộ não của chúng ta. Khi đến được với châu Âu, nó sẽ lan tỏa ra toàn bộ đất nước Ukraine.”   Ngài tổng thống Selenskyj, Volodymyr thân mến, tôi tin tưởng hoàn toàn rằng, những lời bạn nói là thực tế, và sẽ trở thành sự thật. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tạo dựng không biết mệt mỏi cho công trình này.   Thưa các quý vị, câu chuyện về khổ đau thường gắn liền với yếu tố sức mạnh và lòng dũng cảm. Nước Ukraine hàng ngày đã chứng minh điều đó, kể từ cái buổi sáng kinh hoàng khi nước Nga cho hàng đoàn xe tăng và hàng chục ngàn lính tràn qua biên giới, xâm lược Ukraine.   Vài tuần sau đó tôi gặp Selenskyj ở khu chính phủ thủ đô Kiew bị bom phá hủy. Trước đó vài tiếng tôi đã đến thăm Butscha. Chính mắt tôi đã nhìn thấy những mộ chôn tập thể bên cạnh nhà thờ, các túi đựng xác nằm sát nhau. Đó là những biểu tượng thật dã man của cuộc chiến do Putin gây ra. Tôi không thể nào quên được hình ảnh vô số ngọn nến cháy: Mỗi ngọn nến tưởng nhớ đến một người cha, một người mẹ, một bé trai, một bé gái, một mạng người bị xóa bỏ rất vô nghĩa. Cảm giác của con người lúc đó là căm phẫn và tuyệt vọng.   Nhưng ở nơi đó vẫn có niềm tin sắt đá. Niềm tin đó là đất nước Ukraine sẽ kiên quyết chống lại và lịch sử sẽ sang trang. Trong những ngày và những tuần đen tối đầu tiên ấy, tôi thường nói chuyện điện thoại với Tổng thống Selenskyj. Tôi rất dễ nhận ra sự quả cảm và ý chí quyết tâm của ông.   Nhưng ngày hôm đó, khi tôi đến Kiew và nhìn thẳng vào mắt ông, tôi thật sự xúc động về ý chí kiên cường không gì lay chuyển nổi từ đôi mắt đó phát ra. Tổng thống Selenskyj có một niềm tin tuyệt đối. Đó là những người chiến đấu vì một mục đích nào đó sẽ dần mạnh lên hơn là những kẻ chỉ muốn đặt ách lên cổ người khác.   Chúng ta viết lên trang sử mới như thế đấy. Và cũng chính vì thế, vì sự quả cảm và sức kháng cự, sự hy sinh và hệ giá trị của ông, nên tôi không thể tưởng tượng được là sẽ tìm thấy một người khác xứng đáng nhận giải hơn Tổng thống Selenskyj và nhân dân Ukraine. Chính Tổng thống Selenskyj và nhân dân Ukraine đã chiến đấu để bảo vệ những giá trị đó và chiến đấu cho những tiêu chuẩn mà giải thưởng này theo đuổi. Và như vậy họ cũng đã chiến đấu cho tự do và hệ giá trị của chúng ta. Dân chủ, pháp quyền, tự do ngôn luận và nền tự do, muốn tự quyết vận mệnh của mình. Họ, những người Ukraine đã chiến đấu cho những giá trị này.   Và cũng chính vì điều này mà Putin đã tìm cách dùng vũ lực để xóa sạch. Putin đã phá hủy công trình xây hòa bình mà chúng ta đã dày công cùng nhau xây dựng từ sau Đại chiến thế giới II và sau khi bức màn sắt của chiến tranh lạnh sụp đổ. Putin muốn phá hủy châu Âu mà những người được giải Karlpreis này như Gyula Horn, Vaclac Havel, Francois Mitterrand hay Helmut Kohl và rất nhiều người khác đã cống hiến hết mình để tạo nên. Putin tìm cách hủy hoại thành tựu của năm 1989 và những thập kỷ sau đó, khi người châu Âu xé toang bức màn sắt “làm thay đổi bộ mặt châu Âu”, như nhận định rất đúng của nhà sử học và cũng là người từng nhận giải Karlpreis Timothy Garton Ash.   Thời điểm cho mỗi thế hệ sẽ đến. Đó là thời điểm mà họ phải đứng dậy vì nền dân chủ và vì những gì họ hằng tin tưởng. Đối với chúng ta, thời điểm đó bây giờ đã đến. Những công dân nam nữ dũng cảm chiến đấu cho tự do đã làm thay đổi hẳn bộ mặt châu Âu từ hơn 30 năm qua. Và ngày nay hành động của chúng ta sẽ quyết định, chúng ta những người châu Âu sẽ mang bộ mặt nào trong tương lai.   Ukraine đã cho thế giới biết xã hội của họ mạnh mẽ đến mức nào. Ý chí yêu chuộng tự do của họ làm cho thế giới phải kinh ngạc. Lương tâm và mục đích của họ, nếu nói về vị thế của họ ở châu Âu, thì hành động đó như một sự cổ xúy cho tất cả chúng ta. Từ mười năm nay, người Ukraine đã chứng minh cho chúng ta bằng sự quyết tâm tìm con đường đến với Liên minh châu Âu. Không bao giờ chúng ta có thể bù đắp cho những hy sinh và lòng dũng cảm của nhân dân Ukraine, nhưng chúng ta luôn đứng về phía họ.   Tôi không chỉ nói về sự giúp đỡ nhiều tỉ cho Ukraine, cấm vận Nga rất nặng, hứa và cung cấp những vũ khí, quân dụng hiện đại cho Ukraine. Mà tôi còn nói đến việc phải giúp họ tìm con đường đến với Liên minh của chúng ta và chuẩn bị cho tương lai của họ, mặc dù chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.   Tôi cũng phải kể đến biết bao nhiêu người dân châu Âu mở rộng trái tim nhân ái để tiếp đón những người tị nạn Ukraine. Bốn triệu người phải rời bỏ quê hương họ, vì bom đạn của Putin, đã tìm được nơi tránh nạn. Nhân đây tôi cũng muốn cám ơn những người tình nguyện và tôn vinh các địa phương, lực lượng giáo viên, các câu lạc bộ thể thao đã nhiệt tình đón nhận trẻ em Ukraine, cám ơn các hãng xưởng đã tạo công ăn việc làm cho bố mẹ các cháu. Đó là một châu Âu với bộ mặt tuyệt vời.   Thưa các quý vị. Nhờ Tổng thống Selenskyj, nhờ những con người của đất nước Ukraine, nhờ sự đoàn kết của chúng ta mà bộ mặt châu Âu lại thay đổi. Ukraine là nơi hội tụ tất cả tư tưởng của châu Âu: Lòng dũng cảm, tin vào chính nghĩa chiến đấu cho những giá trị châu Âu và tự do, chiến đấu vì hòa bình và thống nhất. Chính vì thế tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, Ukraine sẽ thực hiện được ý nguyện của mình, họ sẽ có hòa bình và giấc mơ được là thành viên trong gia đình châu Âu của họ sẽ thành sự thật.   Người phụ nữ đã từng giành giải thưởng Sacharow, Oleksandra Matwitschuk, đã nói trước đây vài ngày: “Không ai khao khát hòa bình hơn người dân Ukraine lúc này. Nhưng hòa bình không thể có được khi một đất nước bị tấn công hạ vũ khí. Đó không phải là hòa bình. Đó là sự chiếm đóng. Chiếm đóng cũng tồi tệ như là chiến tranh, nhưng chỉ với hình thức khác.” Bà ấy nói rất có lý.   Trong khối Liên minh châu Âu, chúng ta dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhưng tất cả các ngôn ngữ ấy đều đề cao cái chiến thắng của hòa bình và công lý, một nền hòa bình công bằng. Đương nhiên khi nói đến châu Âu, bao giờ cũng có những người đa nghi cho rằng: Không thể làm được, đó chỉ là giấc mơ.   Nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu đó thực sự là nhiệm vụ của chúng ta: Cùng chung lưng đấu cật để biến cái không thể trở thành có thể? Những lời nói sau đây cũng là của Tổng thống Selenskyj: “Chúng ta nói đến chiến thắng khi đã im tiếng súng và con người được cất lên tiếng nói chính kiến của mình”. Tuy ông nói về đất nước Ukraine, nhưng những lời nói đó cũng có giá trị với châu Âu và châu Âu của chúng ta sẽ có thái độ thế nào.   Điều gì sẽ xảy ra, nếu đó thực sự là nhiệm vụ của chúng ta, những công dân châu Âu: Cùng chung lưng đấu cật để biến cái không thể trở thành có thể?   Với giải thưởng này, chúng ta phát ra một thông điệp rất rõ ràng: Chúng ta đứng về phía Tổng thống Selenskyj. Chúng ta đứng về phía nhân dân Ukraine. Chúng ta đứng về phía họ cho đến khi cùng nhau biến được cái không thể thành có thể.   Slava Ukraini! Châu Âu muôn năm   Chuyển ngữ: Nguyễn Thế Tuyền  
......

Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Việt Nam có thể thoát Trung và thoát cả chế độ độc tài toàn trị!

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 11 năm 2017. Diễm Thi - RFA Một số chuyên gia chính trị nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang lợi dụng cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine để gia tăng áp lực với Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Diễm Thi phỏng vấn Tiến sĩ Âu Dương Thệ, một chuyên gia về chính trị Việt Nam, hiện đang cư ngụ tại Cộng Hòa Liên Bang Đức về vấn đề này. Diễm Thi: Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, với người đứng đầu là Tổng thống Putin, đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Theo nhận định của ông, cuộc chiến này ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao, thưa tiến sĩ? Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của nhà độc tài Putin thực hiện trên một năm nay đang trở thành nóng bỏng nhất và đe dọa trật tự và hòa bình thế giới từ sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt giữa Đông và Tây, giữa cộng sản và tư bản khi Liên xô sụp đổ đầu thập niên 90 thế kỷ trước! Putin đang đẩy Nga vào một tình thế cực kỳ lưỡng nan: Bị phong toả kinh tế, bị cô lập ngoại giao. Không những thế còn đang bị Tập Cận Bình lợi dụng để tạo thế cò hến tranh nhau ngư ông biển lợi. Chuyến gặp Putin tại Mạc tư khoa gần đây của họ Tập và Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc để lộ khá rõ ý đồ này. Mới đây, Tập Cận Bình tại Hội nghị Giáo dục đã tiếp tục nhồi sọ chủ nghĩa dân tộc cực đoan cho thanh thiếu niên Trung Quốc nên đã lập lại tham vọng đế quốc của thời Đại Hán: “Không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền và trình độ lãnh đạo của Đảng, ngưng tụ sức mạnh tiến lên trên hành trình mới, phấn đấu vươn lên, anh dũng tiến bước, đoàn kết phấn đấu vì xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thúc đẩy toàn diện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.”  Nếu Nga càng sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraine thì Bắc Kinh không chỉ lợi dụng thêm mà có thể còn gây sức ép để Putin còn phải nhượng bộ Bắc Kinh cả trong một số lãnh vực kinh tế và quốc phòng, thoạt nhìn ngoài tưởng như không quan trọng, như ép Putin rút khỏi khai thác dầu khí với Việt Nam trên biển Đông. Khi đó Bắc Kinh có thể tăng cường và mở rộng áp lực quân sự với Việt Nam trên Biển Đông. Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, Trung Quốc gần đây có động thái hay phát ngôn gì, mà theo ông, đã đe dọa trực tiếp Việt Nam? Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Mới đây vào cuối tháng 4, trong buổi tiếp phái đoàn bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư và Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Tập Cận Bình đã lên giọng vừa dụ dỗ vừa đe dọa: “Năm nay hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Đảng, Nhà nước Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, sẵn sàng cùng với Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngừng tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tin cậy chính trị và đoàn kết giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.” Riêng bà Trương Thị Mai đã cho biết, Nguyễn Phú Trọng mời Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam trong năm nay để kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Các nguồn tin Tây phương mới nhất cho biết, mới vài ngày trước, hai tàu tuần duyên và 11 tàu đánh cá hộ tống một tàu gọi là nghiên cứu của Trung Quốc đã vào lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa một công ty dầu khí của Nga và PetroVietnam.  Việc này đã xảy ra tiếp theo các hành động gần đây của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và các nước Đông nam Á, khi Bắc Kinh thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông. Trước đây vài tuần, Tập Cận Bình đã thăm Quảng Đông và các đơn vị quân đội Trung Quốc giữ trách nhiệm kiểm soát và theo dõi trên biển Đông. Tại đây ông nhấn mạnh, Trung Quốc phải tăng cường sức mạnh ở biển Đông. Hiện nay Tập Cận Bình cũng gia tăng đe dọa dùng quân sự xâm chiếm Đài Loan. Diễm Thi: Với việc xâm lược Ukraine, Nga bị các quốc gia phương tây trừng phạt về kinh tế, tẩy chay về mặt ngoại giao, đồng thời ủng hộ Ukraine về mặt quân sự. Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao, thưa tiến sĩ? Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Sau hơn một năm mở cuộc chiến xâm lược Ukraine nhưng Putin không đạt được những mục tiêu đã đề ra là làm chính quyền Ukraine dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Zelensky phải đầu hàng. Nhưng trái lại quân đội và nhân dân Ukraine đã đoàn kết một lòng chống lại Putin. Khiến quân đội Nga bị tổn thất rất cao về sinh mạng và tài sản. Putin phải ban hành lệnh động viên từng phần, nhưng hàng vạn thanh niên Nga đã chống lại và chạy sang các nước lân bang. Cho tới nay các biện pháp tẩy chay ngoại giao, phong tỏa kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, EU và NATO chống lại Putin tương đối thành công. Vấn đề trong tương lai là, về tương quan lực lượng trên các lãnh vực quân sự, ngoại giao, kinh tế, thương mại thì bên nào có chiến lược khôn ngoan, có sức dài hơi, được sự ủng hộ của nhân dân trong nước và thế giới thì sẽ thành công! Tình hình hoàn toàn bất lợi này cho Nga, càng khiến cho Putin phải lúng túng và càng phải dựa vào Trung Quốc nhiều hơn. Tập Cận Bình đang nhận rõ ra thời cơ thuận lợi để ép Putin phải để Trung Quốc gia tăng áp lực với Việt Nam trên biển Đông.  Diễm Thi: Theo nhận định của Tiến sĩ thì Bắc kinh đang gia tăng áp lực lên chính quyền Hà Nội. Ông có thể giải thích lý do? Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Việt Nam ngày càng lệ thuộc kinh tế và thương mại vào Trung Quốc. Mới đây đài Bắc kinh đã cho biết, “Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong hơn 10 năm liền, Việt Nam đã vượt Malaysia, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu trong năm 2022”. Nghĩa là đối với cộng sản Việt Nam, khi dạ dày đói thì phải chạy đi xin, chịu thân phận làm tôi đòi! Đặc biệt không những thế, Bắc Kinh biết rằng, khả năng phòng thủ của Việt Nam ngày càng bị giới hạn. Bởi vì Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào võ khí từ Nga. Từ nhiều năm nay, Nga là nước xuất cảng võ khí chiến lược nhiều nhất cho Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, Nga còn đang gặp khó khăn lớn vì thiếu võ khí ngay cho chiến trường Ukraine, thì làm sao lại có thể thỏa mãn những yêu cầu của Hà Nội! Thế thượng phong của Bắc Kinh càng gia tăng thì sức ép của họ càng gia tăng lên Hà Nội, nhất là khi Tập Cận Bình đang theo đuổi mộng bành trướng trên biển Đông. Khi ấy Hà nội phải chọn lựa, liệu có thể trung lập ‘đu dây’ giữa Hoa Kỳ và Bắc kinh mãi được không? Diễm Thi: Chủ trương chính sách đối ngoại của Việt Nam được coi là “đu dây” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với tình hình chính trị thế giới hiện nay, theo nhận định của tiến sĩ, liệu Việt Nam có thể đứng vững với chính sách “đu dây” hiện nay hay không, thưa ông? Tiến sĩ Âu Dương Thệ: Ai theo dõi sát tình hình thời sự Việt Nam hiện nay đều biết rằng, sự tranh chấp giữa các phe trong Đảng đang dẫn tới khủng hoảng chính trị ngay trong "cung đình đỏ" cộng sản Việt Nam ngày càng gia tăng. Chưa có thời kỳ nào sự tranh chấp giữa các phe phái kịch liệt công khai như hiện nay. Chỉ từ giữa năm 2022 tới đầu năm nay, để tìm cách cứu chính mình, ông Nguyễn Phú Trọng đã phải ra tay tổ chức bốn Hội nghị Trung ương bất thường, bốn kỳ họp Quốc hội bất thường để cách chức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai Phó Thủ tướng và nhiều cán bộ cao cấp. Nguyên nhân chính vì chính ông Nguyễn Phú Trọng đã cực kì vô trách nhiệm và vô lương tâm trong đại dịch COVID-19 suốt trong các năm 2020- 2022. Giữa lúc đại dịch đe dọa hàng triệu nhân dân, nhất là trong các thành phố lớn và các trung tâm kinh tế, nhiều lãnh đạo từ trong Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ đã lợi dụng làm giàu khiến bùng nổ nạn tham nhũng có hệ thống trong vụ Việt-Á và các “chuyến bay giải cứu”. Trong khi ấy, Nguyễn Phú Trọng trong tư cách Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Trưởng ban Trung ương phòng chống tham nhũng tiêu cực lại vẫn nhắm mắt đặt tay ký Quyết định số 264/QĐ-CTN (ngày 10 tháng 3 năm 2021) “Tặng Huân chương lao động hạng ba cho công ty Việt Á có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch COVID-19”. Mới đây, ngày 2 tháng 5, nhiều tổ chức Xã hội dân sự có uy tín và nhiều người dân chủ có tên tuổi đã ra “Tuyên bố: phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông”. Yêu cầu nhà cầm quyền Bắc kinh phải chấm dứt các hành động trái phép cấm ngư dân Việt Nam bắt cá trên biển Đông, hay ngăn cản Việt Nam khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Đồng thời còn đòi hỏi nhà cầm quyền Trung Quốc phải tôn trọng Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế 12/7/2016 đã phủ nhận rằng, đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố là chủ quyền của họ, với ranh giới bao phủ gần 80% Biển Đông, là bất hợp pháp. Nhưng tới nay Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết trên và tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình tại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Ai cũng thấy người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đang áp dụng chính sách trong nước thì đàn áp nhân dân, với Bắc Kinh lại chỉ biết cúi đầu. Hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đang mở ra cơ hội vàng lần thứ ba cho đất nước ta. Nó đang tiến tới sừng sững trước mắt cho toàn dân tộc ta. Mọi người, mọi tổ chức dân chủ ở trong và ngoài nước, kể cả các đảng viên cộng sản tiến bộ, phải biết nắm cơ hội không thể để mất như hai lần trước đây sau 30/4/1975 và sau khi Liên Xô sụp đổ 1991. Đất nước đang đứng trước cơ hội mới, có thể thoát Trung và thoát cả chế độ độc tài toàn trị! Diễm Thi: Cảm ơn tiến sĩ đã dành thời gian cho RFA.  
......

Giá nào cho sự tư do?

Gia đình Bùi Tuấn Lâm (hay còn gọi là Peter Lâm Bùi) Tuan Ngo    Mấy hôm trước, tại Trạm tạm giam Công an thành phố Đà Nẵng, luật sư Lê Đình Việt và tôi có vào thăm gặp bị can Bùi Tuấn Lâm (hay còn gọi là Peter Lâm Bùi). Cùng đi để thực hiện quyền giám sát có đại diện Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng và đại diện Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng. Dù có một vài khúc mắc nho nhỏ ban đầu nhưng tôi thực sự ghi nhận, buổi thăm gặp được diễn ra thuận lợi, không bị hạn chế về thời gian. Mặc dù buổi gặp được ghi hình để phục vụ công tác giám sát nhưng chúng tôi không gặp trở ngại trong nội dung trao đổi vì các bên cùng thống nhất rằng, chẳng có gì bí mật ở đây cả. Lâm cũng ghi nhận rằng, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, Lâm không bị phân biệt đối xử; đó là sự nhân văn cần thiết và là tín hiệu tốt cho một phiên toà cởi mở hơn. Peter Lâm Bùi nhạy Tô Lâm ăn bò dát vàng ở Anh.   Qua tiếp xúc, tôi nhận thấy Lâm là một người rất thẳng thắn, cương trực, kiên định dám làm, dám chịu. Lâm cho biết, cậu ấy đã xác định sẽ đi tù từ lâu rồi nên hoàn toàn không có gì bất ngờ về việc bị bắt giam; không chống đối lực lượng chức năng và thừa nhận mọi hành vi mà mình thực hiện, trừ việc nhận tội. Lâm cho rằng, những hành vi của mình là đúng và thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp chứ không phải là hành vi phạm tội. Lâm không đề nghị luật sư bất kỳ điều gì nhằm gỡ tội cho mình mà chỉ mong luật sư làm theo pháp luật. Hơn thế nữa, Lâm còn động viên ngược lại các luật sư là không nên quan tâm tới mức án nặng nhẹ của Lâm để tự gây thêm áp lực cho mình. Lâm cho hay “10 hay 12 năm trong tù với Lâm không phải là vấn đề”. Tôi có trao đổi với Lâm, rằng không vấn đề với cậu nhưng có thể là vấn đề với vợ con mình; nếu ra sớm hơn để phụ vợ một tay chăm sóc con có tốt hơn không? Bọn nhỏ vẫn cần có sự quan tâm của bố mà… Lâm im lặng một lát nhưng sau đó, cậu ấy vẫn bảo lưu quan điểm của mình.   Là luật sư, chúng tôi không thể đồng thuận và hùa theo suy nghĩ của thân chủ, tung hô họ lên mây xanh để rồi họ lãnh những mức án cao chót vót được. Họ đi tù, vợ con họ khổ, chúng tôi không khổ. Dù trong lòng có đồng cảm với thân chủ bao nhiêu đi nữa, chúng tôi cũng phải giữ cái đầu lạnh, giữ mình ở vị thế trung dung chứ không thể thuộc hay chạy theo cảm xúc của họ; chỉ có thế thì họ mới có thể có thời gian suy ngẫm và ra quyết định một cách độc lập. Chúng tôi biết, Lâm đã quyết là không thay đổi và giả sử có thêm thời gian để suy nghĩ thì cậu ấy vẫn thế. Chúng tôi cũng không có ý định thay đổi suy nghĩ của Lâm. Thời gian gian suy nghĩ đôi khi chỉ dành cho kẻ hèn như chúng ta thôi…   Phải thấy rằng, con đường Lâm đi, cách Lâm làm có thể đúng, có thể sai nhưng mơ ước của cậu ấy là không hề sai. Nếu mơ ước cậu ấy thành hiện thực, chúng ta có thể được hưởng ké thành quả; nếu Lâm sai, cậu ấy và gia đình mình phải gánh hậu quả. Chúng ta chỉ được lợi chứ không phải trả giá cho hành vi của cậu ấy. Do đó, xã hội cần có cái nhìn công bằng hơn đối với Lâm và những người như Lâm nếu muốn từng bước tiệm cận, chuyển mình qua một xã hội văn minh hơn.   Chúng ta có quyền sống hèn để mua lại sự bình yên (dù là thật hay giả tạo) cho bản thân và gia đình thì cũng đừng ném lời cay độc với những người sống khác mình vì chính họ chứ không phải chúng ta là những kẻ có thể làm cho đất nước này tốt đẹp hơn trong tương lai - cái giá họ phải trả cho sự khác biệt ấy, chắc chắn không thể quy đổi được bằng tiền. Ls Ngô Anh Tuấn  
......

5 năm lưu lạc trên đất Thái!!!

Trang Nguyen Ngày này 5 năm trước mình quyết định sang Thái Lan tị nạn. Trong thời gian nhiều thử thách này, có lẽ bài học quý giá nhất mình học được là trạng thái quân bình vui - buồn, vinh - nhục. Dù trong điều kiện sung túc vẫn an nhiên tự tại, dù trong cảnh bần hàn, túng thiếu thì tinh thần bình thản trước thăng trầm, như là bổn phận bắt buộc.   Mình bị Bộ Công an cấm xuất cảnh và thu hộ chiếu từ năm 2014, cho nên mỗi lần ra nước ngoài đều là vượt biên. Vậy nên, mình cũng đã quen với cảnh hoang vắng ở các vùng biên giới, nhưng lần vượt biên 5 năm trước có cảm giác rất đặc biệt, vì lần này mình quyết định đi luôn, không quay lại, không quay về Việt Nam nữa!   Tổ chức Human Rights Watch từng có một báo cáo đề cập đến tình trạng giới hoạt động nhân quyền Việt Nam ‘không chốn dung thân’. Đó chính xác là những gì mình phải đối mặt vào thời điểm 5 năm về trước!   Năm 2016, cơ quan an ninh đã ép trường đại học đuổi học mình chỉ 2 tháng nữa mình sẽ tốt nghiệp và trở thành kỹ sư cầu đường. Vẫn chuẩn bị tinh thần việc có thể bị đuổi học bất cứ lúc nào, nhưng thời điểm chút nữa thôi là mình đã học xong, không thể không tiếc. Nhất là suốt 4.5 năm học, chưa khi nào mình thôi cố gắng theo học một ngành rất khó và kết quả học tập lẫn thành tích bảo vệ báo cáo thực tập đã đạt loại giỏi. Chút nữa thôi là đã hoàn thành một ước mơ! Sau đó mình may mắn trốn thoát khỏi an ninh Thanh Hoá, chạy vào Sài Gòn sống lang bạt. Một lần, mình bị mất ví tiền, trong đó có chứng minh nhân dân, không thể về quê làm lại chứng minh mới thay thế, nên buộc phải làm giả chứng minh của chính mình với tất cả các thông tin … đều là thật. Có lần đi đổi bằng lái ô tô, nhân viên cấp đổi với kinh nghiệm đã phát hiện và khẳng định chứng minh thư mình đang dùng là giả, nhưng cô ấy không thể lý giải được tại sao trước mặt người thật và các thông tin đều khớp với hồ sơ lưu trữ của Bộ GTVT. Dù miễn cưỡng, nhưng cô ấy cũng đổi mới bằng lái xe cho mình, nhưng mình hiểu nếu cứ dùng chứng minh thư giả thì về lâu dài là không ổn.   Đến năm 2017, Bộ Công an ra lệnh bắt hàng chục thành viên Hội Anh Em Dân Chủ. Mình biết, mình đã quá may mắn khi lặn thiệt sâu và mai danh ẩn tích trước đó. Tuy nhiên, sau đó nhà cầm quyền CSVN kết án mỗi người hơn chục năm tù khiến mình phải cân nhắc nhiều về các giới hạn của bản thân, tình trạng sống không có giấy tờ tuỳ thân và đặc biệt là những mục tiêu đang dang dở, cho nên quyết định ra đi. Quyết định này có lẽ đúng, vì chỉ thời gian ngắn sau Bộ Công an đã phát truy nã toàn quốc đối với mình. Nhìn lại 5 năm sống ở Thái Lan với nhiều biến cố và tiếc nuối. Không biết làm gì hơn là cầu mong những điều tốt đẹp hơn cho quê hương, cho tương lai!   Bangkok, 10/05/2023 Nguyễn Văn Tráng    
......

Có hay không khuất tất trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung?

Lưu Trọng Văn   Ngày 7.5.2023, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã họp, nghe các ngành báo cáo về vụ án cô giáo Dung. Điều ngạc nhiên là các cái gọi là “tiêu cực chi tiêu không đúng quy định 45 triệu”của cô Dung xảy ra trong suốt năm năm từ 2012-2017 qua biết bao thanh tra tài chính không hề ai quan tâm, phê phán, cô Dung vẫn luôn là cá nhân xuất sắc và luôn được giữ chức bí thư đảng, giám đốc TT GDTX huyện Hưng Nguyên, thì đùng một cái được điều tra và khởi tố bắt giam như một tội phạm kinh tế nghiêm trọng. Thực chất của “tội” mà cáo trạng của Viện Kiểm sát Hưng Nguyên truy tố và bắt giam cô Dung một năm rồi đưa ra xét xử là gì? “Từ năm 2012 đến năm 2017, cô Dung là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) H.Hưng Nguyên (nay là Trung tâm GDNN-GDTX) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Cụ thể, trong năm học 2011 – 2012 với số tiền hơn 3,3 triệu đồng; năm 2013 – 2014 với số tiền hơn 303.000 đồng; năm 2014 – 2015 số tiền hơn 30,9 triệu đồng và trong năm 2015 – 2016 hơn 13,8 triệu đồng.” Còn ông Lâm Quốc Tú chánh án Toà án ND Hưng Nguyên thì cho rằng: “Chúng tôi đã rất muốn cô Dung nộp lại số tiền mà cáo trạng đã quy kết để có thêm tình tiết thứ 2 giảm nhẹ mà cô đã có 1 tình tiết được giảm nhẹ là cán bộ xuất sắc. Nếu vậy, cô Dung có thể đã được hưởng án treo. Nhưng cô Dung không thực hiện nên chúng tôi phải xử theo luật quy định, không có cách nào khác, dù chúng tôi rất áy náy”. Thưa ông chánh án, ông áy náy vì điều gì? Cái điều quan trọng nhất không phải là áy náy mang tính tình cảm mà là cần đặt câu hỏi: vì sao chỉ số tiền 45 triệu “chi tiêu không đúng”theo cáo trạng, cô Dung lại không chịu nộp và nhận lỗi để được án treo thay vì án tù giam 5 năm dằng dặc? Chỉ có thể lý giải logic thông thường nhất đó là cô Dung thà tù tội chứ không nhận cái tội mà cô cho là không có? Phải chăng ở đây cô đã đặt Danh dự và Nhân cách một nhà giáo lên trên hết? Vì sao một sự việc nhỏ suốt năm năm của quá khứ, tại thời điểm này lại bị lục lôi ra để khởi tố? Phải chăng ai đó chỉ cố tìm ra cái cớ để che đậy một âm mưu khác đối với cô Dung? Hoan nghênh Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An đã vào cuộc. Vào cuộc có nghĩa là phải trả lời cho được các câu hỏi sau đây. Đó là có hay không các sự việc: 1. Gần đây cô Dung không đồng tình việc bán đất của Trung tâm GDTX mà cô là giám đốc cho một doanh nghiệp tư nhân, theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện? 2. Có hay không sự việc cô Dung gửi đơn lên Thanh tra Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ tố cáo sai phạm trong việc tuyển dụng của Sở GD và ĐT tỉnh Nghệ An? 3. Có hay không chính việc kiện cáo này đã dẫn đến hai cuộc gặp căng thẳng của phó chủ tịch tỉnh Bùi Đức Long với cô Dung? Tuy vậy, trở lại vụ án, dù cô Dung có thiếu sót trong quản lý tài chính thì với số tiền chỉ 45 triệu trong 5 năm từ 2012-2017 mà bị bắt giam một năm mới đưa ra xét xử, rồi kết án 5 năm tù là bản án khó chấp nhận được. Vậy thì chuyện gì thực sự tạo nên bản án khó chấp nhận này? Hy vọng khi vào cuộc Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An với sự công tâm của mình sẽ góp phần tìm ra. Còn việc xử án cô Dung hiện thuộc trách nhiệm Toà phúc thẩm.Liệu sẽ có bản án đúng đắn để công lý được thực thi? *** QUA VỤ ÁN CÔ GIÁO DUNG, PHÁT HIỆN NHIỀU PHẢN ĐỘNG!   Xưa nay cứ hễ một quan chức hay cán bộ nhà nước nào bị "vào lò" thì dư luận luôn hả hê, vui mừng, "cho chúng mày chết, ăn lắm vào", nhưng vụ án gần đây nhất xử cô giáo Dung ở Nghệ An thì ngược lại và đáng suy ngẫm.   Nhiều người phản biện có uy tín cho rằng phiên tòa xử cô giáo Lê Thị Dung 5 năm tù và hơn 1 năm giảm giữ với cáo buộc "tham nhũng hơn bốn chục triệu đồng" trong 10 năm công tác, chính phiên tòa này có sức tàn phá chế độ và hủy diệt niềm tin của dân với đảng hơn bất kỳ một tổ chức "phản động" nào đã làm.   Chính những cá nhân góp phần đưa cô Dung vào tù là những tên phản động nhất từ trước đến nay.   Hoàng Dân
......

Chuyện không nhỏ

Nguyễn Thông Này, có nhẽ từ chuyện Campuchia cấm đem ảnh idol vào sân chơi thể thao để nhảy nhót hò hét ủng hộ, xứ An Nam cũng cần coi lại cái cách dung túng những trò tuyên truyền dở hơi lâu nay.   Trước hết, nó không hợp, sân bóng không phải là chỗ biểu dương lãnh tụ. Sau nữa, trong thế giới văn minh văn hóa, nó có vẻ thô lậu, nhố nhăng, chả giống ai, cứ kiểu một mình một chợ, anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta. Sau nữa, đừng để thiên hạ người ta chê cười, mà lệnh cấm vỗ mặt như Campuchia vừa ban hành là biểu hiện dứt khoát của sự chê cười ấy.   Ngay trên đất mình còn chả nên thế, huống hồ cứ cái thói "đem ảnh đi đấm nước người". Rồi lại còn hát "như có bác trong ngày vui đại thắng" nữa.   Còn cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió thì được, OK, chẳng ai cấm, bởi cờ là biểu tượng của quốc gia, chứ không phải ảnh. Ảnh chỉ là thói sùng bái cá nhân, mà thói này thì nhân loại nói chung, nhất là thế giới văn minh, rất ghét.   Lạ kỳ cho thể chế một quốc gia, cứ để cho thiên hạ "dạy" từng bài học ứng xử, đối nhân xử thế nho nhỏ, mà "thầy" lại là "thằng em dại" Campuchia mới đau.   Tôi khuyên các vị lãnh đạo xứ này từ giờ nên bớt ngạo nghễ, tự sướng, ảo tưởng, lừa dối... đi. Hãy sống cho tử tế và thực chất. Vẫn biết rằng đối với các vị, làm được điều đơn giản như thế là cực khó bởi mấy thứ "phẩm chất" kia ngấm vào trong máu rồi, nhưng không làm thì xê ra cho người khác làm. Tôi nói thật./.  
......

Những quốc gia có thể loại bỏ vua Charles III với tư cách là vua của nước họ

Người dân Jamaica kêu gọi Anh bồi thường cho các tội ác của chế độ nô lệ ở nước này qua cuộc biểu tình bên ngoài lối vào của Cao ủy Anh trong chuyến thăm của Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge ở Kingston, Jamaica vào ngày 22-3-2022. Ảnh: AFP   Time Tác giả: Simmone Shah Cù Tuấn, biên dịch Lễ đăng quang ngày 6 tháng 5 của Vua Charles III sẽ là khoảnh khắc ăn mừng của hoàng gia Anh. Nhưng đối với nhiều quốc gia trong số 14 quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung vẫn gắn liền với chế độ quân chủ Anh, đây có thể là thời điểm mà những lời kêu gọi từ bỏ chế độ quân chủ lại trỗi dậy, sau cái chết của Nữ hoàng nổi tiếng Elizabeth II. Matthew Smith, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di sản của Chế độ nô lệ Anh tại Đại học College London, cho biết: “Nữ hoàng đã duy trì rất tốt sự gắn bó của các nước với Khối thịnh vượng chung và chế độ quân chủ trong nhiều thế hệ sau khi độc lập. Giờ thì… chúng ta có Vua Charles III, đó là một mối quan hệ rất khác”. Không ở đâu điều đó đúng hơn ở Caribe, nơi lịch sử thuộc địa và chế độ nô lệ của Anh đang dẫn đến việc tách ra khỏi Khối thịnh vượng chung hiện đại, mà một số người tin là một hình thức của chủ nghĩa thực dân mới. Vào năm 2021, Barbados trở thành quốc gia đầu tiên chuyển sang chế độ cộng hòa kể từ khi Mauritius làm việc này vào năm 1992. Các quan chức ở ít nhất sáu quốc gia Caribe khác đã báo hiệu rằng họ có ý định loại bỏ vua nước Anh ra khỏi vị trí lãnh đạo hình thức của nước họ. Đây là những quốc gia có thể sẽ làm việc này trong tương lai. 1. Áp lực “đi một mình” Hơn một chục quốc gia là một phần của Khối Thịnh vượng chung, bao gồm Canada, Úc, Papua New Guinea, Jamaica và New Zealand, mặc dù vai trò của chế độ quân chủ ở các quốc gia này chủ yếu mang tính biểu tượng. Hơn 40 quốc gia khác là một phần của Khối thịnh vượng chung, nhiều quốc gia trong số đó không chính thức công nhận Hoàng gia Anh. Khối Thịnh vượng chung của Anh hình thành sau Thế chiến thứ hai, khi các lãnh thổ cũ của Đế quốc Anh tìm cách giành độc lập. Sự kết nối với Anh cho phép các quốc gia được tự quản, trong khi vẫn duy trì khả năng tiếp cận các nguồn lực như học bổng và thương mại ưu đãi với Anh. Khi đế chế Anh tan rã, nó đặt ra những thách thức mới cho các quốc gia thuộc địa đã trở nên phụ thuộc vào Anh để tiếp tục có được nhiều nguồn tài nguyên khác nhau. Liên minh Khối thịnh vượng chung đã hỗ trợ cho các quốc gia vẫn điều hướng nền độc lập mới của họ, cùng với sự hợp tác về các mục tiêu quốc tế. Smith nói: “Trở thành một phần của Khối thịnh vượng chung có thể giảm bớt áp lực phải đi một mình với tư cách là một quốc gia độc lập”. Matthew nói, đây là một lợi thế đối với nhiều quốc gia Caribe, những quốc gia đang ở giai đoạn đầu phát triển khi Khối Thịnh vượng chung hình thành, và hầu như họ không được biết đến trên trường quốc tế. “Khi họ trở nên quyết đoán hơn rất nhiều và có sự hiện diện quốc tế với tư cách không chỉ là một phần phụ của Đế chế Anh, có ý kiến cho rằng đã đến lúc họ nên tách ra”. Hơn nữa, một số người tin rằng Khối Thịnh vượng chung về cơ bản là một hình thức của chủ nghĩa thực dân mới, một sự tiếp nối hiện đại của “các sứ mệnh văn minh hóa” trong đó các lực lượng phương Tây nỗ lực đồng hóa các nền văn hóa bản địa thành hình ảnh của riêng họ. Phù hiệu Hoàng gia Anh được sử dụng trên khắp Khối thịnh vượng chung sử dụng biểu tượng phân biệt chủng tộc và cơ hội giáo dục ở Anh được quảng bá tốt hơn những cơ hội có sẵn tại địa phương. Jahlani Niaah, giảng viên tại Viện Nghiên cứu Caribe tại Đại học West Indies, giải thích: “Nó tiếp tục là một kiểu tiếp cận diệt chủng nhất định đối với nền tri thức bản địa”. Niaah nói: “Đó là một trong những nền tảng còn sót lại của quá khứ thuộc địa tiếp tục diễn trò hề về một ‘sứ mệnh văn minh’, rằng một thể chế hậu thuộc địa đương nhiên là tốt cho sự hợp tác chính trị và lợi ích văn hóa”. Niaah nói rằng nhiều lợi ích mà Khối thịnh vượng chung hứa hẹn ban đầu đã không thành hiện thực. “Chúng tôi đang dựa vào những thỏa thuận đó để mang lại cho chúng tôi sự chuyển đổi chính trị xã hội nghiêm túc, nhưng chúng chỉ khiến chúng tôi mất cân đối hơn về tài chính.” Các thành viên của chính phủ Úc và New Zealand đều ám chỉ về việc chuyển đổi các quốc gia này thành các nước cộng hòa trong tương lai gần. Sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II, Adam Bandt, một thành viên của Đảng Xanh của Australia, đã chia sẻ lời chia buồn của mình trên Twitter, cùng với lời kêu gọi Australia “hãy tiến lên” thoát khỏi chế độ quân chủ. Ông nói: “Chúng ta cần [a] Hiệp ước với những người thuộc các Quốc gia thứ nhất và chúng ta cần trở thành một nước Cộng hòa. Cựu Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden trước đây đã nói rằng bà mong đợi một quá trình chuyển đổi sẽ xảy ra “trong cuộc đời của [bà]”. 2. Di sản của chế độ nô lệ ở Caribe Những lời kêu gọi thay đổi là lớn nhất ở vùng Caribe, nơi di sản của chế độ quân chủ bị dính chặt một cách sâu sắc với chế độ nô lệ. Smith nói: “Tình cảm chống chế độ quân chủ đã phát triển cùng với các phong trào đòi công bằng chủng tộc”. Smith nói: “Trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ, các yếu tố di sản của người châu Phi ở vùng Caribê đã bị cấu trúc đế quốc thống trị hủy hoại đáng kể. Bây giờ chúng ta đang ở thời điểm mà hậu quả và động cơ của điều đó—lợi nhuận và sự bóc lột con người—được biết đến và hiểu rõ hơn nhiều. Và điều đó đưa toàn bộ mối quan hệ đó trở nên tập trung hơn và được tìm hiểu kỹ hơn”. Những lời kêu gọi thay đổi ngày càng tăng xác nhận điều này. Mùa xuân năm ngoái, Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge trong chuyến thăm vùng Caribe đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình ở khắp nơi. Lễ đính hôn lớn đầu tiên của cặp đôi Công tước này ở Belize đã bị hủy bỏ trước khi họ đến, sau khi những người dân địa phương tổ chức biểu tình phản đối chuyến thăm của họ. Một ủy ban chính phủ ở Bahamas đã kêu gọi hoàng gia Anh phải đưa ra “lời xin lỗi đầy đủ và chính thức về tội ác chống lại loài người của họ”. Những bức ảnh từ chuyến đi—cho thấy cặp đôi bắt tay với những đứa trẻ Jamaica qua hàng rào dây thép và nhìn vào đám đông từ một chiếc Land Rover trong một cuộc diễu hành quân sự—được nhiều người coi là sự gợi nhớ lại chủ nghĩa thực dân. Trong cuộc gặp với Công tước và Nữ công tước, Thủ tướng Jamaica đã thông báo với họ rằng đất nước Jamaica sẽ “tiến lên”, thoát khỏi chế độ quân chủ. Niaah nói: “Chuyến thăm đã kích thích một cuộc thảo luận về mức độ ràng buộc giữa Jamaica với Vương quốc Anh. Nó cung cấp thước đo hoàn hảo để kiểm tra tâm trạng của khu vực này”. Quá trình chuyển đổi là khác nhau tùy theo quốc gia. Cả Úc và quốc gia Caribe St. Vincent và Grenadines lần lượt tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc trở thành các nước cộng hòa vào năm 1999 và 2009, nhưng đều thất bại. Nhiều khả năng Jamaica có vẻ sẽ theo sau Barbados để trở thành một nước cộng hòa. Động thái này sẽ tạo thêm động lực quan trọng cho vùng Caribe, vì Jamaica từng là một trong những thuộc địa lớn nhất của Anh trong khu vực. Niaah nói rằng rõ ràng mối quan hệ này không có lợi cho cả hai bên, mô tả cách thức một số thỏa thuận thương mại nhất định đã khiến đường Jamaica ở Vương quốc Anh có giá còn rẻ hơn so với giá đường này ở chính Jamaica. “Sự vô lý kiểu này cho thấy các quy tắc [kinh doanh] dường như chỉ có lợi cho một bên”.  
......

Tuyên bố phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông

Dân tộc Việt Nam sống trên một bờ biển dài 3260 km, với truyền thống đánh bắt hải sản ngoài biển khơi có từ lâu đời; quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã từ lâu là môi trường đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam. Những tài liệu lịch sử của Việt Nam cũng như thế giới đã xác minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đã có từ lâu đời, ít ra từ thời các Chúa Nguyễn vào thế kỷ thứ 17, và không hề bị tranh chấp. Cho đến khi Pháp chiếm Việt Nam, việc quản lý hai quần đảo này do Pháp thực hiện diễn ra trong hòa bình không bị tranh chấp, sau đó Pháp bàn giao lại cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam, Chính phủ Quốc gia Việt Nam chuyển giao cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tại Hội nghị Hòa bình  San Francisco với 51 quốc gia tham dự thảo luận vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật Bản, ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã long trọng lên tiếng tái xác nhận chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với tuyên bố như sau: “Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt mọi mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”. Lời tuyên bố được ghi vào biên bản và được 46/51 quốc gia đồng ý. Bất chấp mọi căn cứ pháp lý nêu trên, ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã đem lực lượng bắn giết các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hoà, cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ra công hàm phản đối. Ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đưa quân tàn sát công binh Hải quân Việt Nam, chiếm 7 đảo (Châu Viên, Chữ Thập, Đá Gaven, Tư Nghĩa, Gạc ma, Vành Khăn, Subi) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã ra công hàm phản đối. Tiếp theo đó Trung Quốc thường xuyên dùng lực lượng vũ trang bắn giết, cưỡng bức, đánh chìm tàu, tịch thu tàu, ngư cụ, sản phẩm của ngư dân Việt Nam trên hai ngư trường truyền thống của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa, phá hoại cuộc sống của ngư dân Việt Nam, đồng thời cưỡng bức phá hoại các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngày 12 tháng 7 năm 2016, theo đơn kiện của Philippines, Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo Phụ lục Vll của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982) ra phán quyết phủ nhận cái gọi là Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc tự vẽ. Với phán quyết này, Trung Quốc không có quyền lợi nào ở Biển Đông ngoại trừ việc lưu thông hàng hải theo luật pháp quốc tế. Hiện nay Trung Quốc tiếp tục bất chấp, giẫm đạp mọi luật pháp quốc tế, tiếp tục ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, xem Biển Đông trong đó có vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là ao nhà của Trung Quốc, gây khó khăn cho cuộc sống của ngư dân Việt Nam, đồng thời phá hoại hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cho đến nay, qua thực tế diễn biến lịch sử kéo dài, mọi người yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới đều nhận thức được rằng: duy nhất Trung Quốc là kẻ luôn luôn gây hấn, không ngừng đe dọa không gian sinh tồn của người Việt. Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân luôn luôn mong muốn có cuộc sống hòa bình với nhân dân Trung Quốc, nhưng không thể chấp nhận những hành vi giẫm đạp lên luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc, phá hoại cuộc sống yên bình của đất nước và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tuyên bố: 1. Trung Quốc phải chấm dứt mọi sự gây hấn, phá hoại việc đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 2. Trung Quốc phải bồi thường các thiệt hại của ngư dân Việt Nam mà Trung Quốc đã gây ra từ trước đến nay. 3. Trung Quốc phải chấm dứt các hành vi cản trở phá hoại các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 4. Trung Quốc phải chấm dứt mọi việc xây dựng trái phép, phá hoại môi trường biển tại các đảo của Việt Nam bị cưỡng chiếm. 5.Cực lực phản đối hành vi đơn phương áp đặt chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc thông qua lệnh CẤM BIỂN trước nhân dân trong nước và nhân dân toàn thế giới. Ngày 2 tháng 5 năm 2023 (Tham gia ký tên hưởng ứng xin vui lòng gởi về paracelle19011974@gmail.com) Các tổ chức xã hội dân sự Lập Quyền Dân. Đại diện: ông Nguyễn Khắc Mai Diễn đàn Xã hội Dân sự. Đại diện: TS Nguyễn Quang A Ban Vận động Văn đoàn Độc lập. Đại diện: PGS TS Hoàng Dũng Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Nguyễn Huệ Chi Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh. Đại diện: GS Nguyễn Đình Cống Câu lạc bộ Phan Tây Hồ. Đại diện: TS Hà Sĩ Phu Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện:  ông Võ Văn Thôn Câu lạc bộ Hoàng Quý. Đại diện: Hoàng Đức Kiên, kỹ sư chế tạo máy, cựu chiến binh , Hải Phòng. Cá nhân Ông Nguyễn Khắc Mai, Hà Nội TS Nguyễn Quang A, Hà Nội Nguyễn Huệ Chi, GS Hà Nội Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, Hà Nội Nguyễn Đình Cống, GS Xây dựng, Hà Nội Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư Pháp, CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM Hoàng Hưng, nhà văn, TP HCM Hoàng Dũng , phó Giáo Sư Tiến sĩ , tp HCM Andre Menras ( Hồ Cương Quyết) đạo diễn phim, CLB Lê Hiếu Đằng, Cộng Hòa Pháp Nguyễn Thị Kim Chi, nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn Mạc Văn Trang, PGS Tâm lý học, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn Lê Phú Khải, nhà báo, nhà văn, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn Vũ Trọng Khải, PGS TS chính sách nông nghiệp, TP HCM Đỗ Như Ly, nhà báo, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn Daniele Thiều Thị Tân, cựu tù Côn Đảo, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn Lê Thân, nhà hoạt động xã hội, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn. Bùi Nghệ, kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn Lại Thị Ánh Hồng, nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, TP HCM Trần Minh Quốc, GS Trung học trước 1975, CLB Lê Hiếu Đằng Saigon. Cao Ngọc Lâm, cựu chiến binh, CLB Hoàng Quý, Hải Phòng Đỗ Thanh Cương, cựu chiến binh, CLB Hoàng Quý, Hải Phòng Lê Anh Tuấn, cựu chiến binh, CLB Hoàng Quý, Hải Phòng Lê Thanh Giang, cựu chiến binh, CLB Hoàng Quý, Hải Phòng Trần Hữu Quang, phó giáo sư xã hội học, Saigon
......

Đánh Giá Ngày 30/4/1975 Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh Ủy Nhiệm

Lê Bá Vận Lục Giả giảng giải cho Lưu Bang: “Nhà vua ngồi trên mình ngựa lấy được thiên hạ, nhưng có thể ngồi trên lưng ngựa mà cai trị thiên hạ không?... (Sử Ký Tư Mã Thiên).                                      Lời giảng giải chí tình, hợp lý trên của cổ nhân chỉ ra Đại Thắng 30/4/1975, Cộng sản chiếm đoạt miền Nam là đại họa, là sự kiện xấu xa bậc nhất trong lịch sử nước Việt Nam. TRONG CUỘC CHIẾN TRANH ỦY NHIỆM (Proxy War). [1]. (TBT Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc…”).    PHẦN 1.       I) TÓM TẮT THỜI CUỘC.   Ngày 20/7/1954 Pháp và CS VNDCCH ký Hiệp định Geneva đình chiến chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 tại sông Bến Hải, Quảng Trị. Chia tay từ năm 1955, gia cảnh 2 huynh đệ Bắc Nam không khác biệt nhiều. Sài Gòn giàu có hơn Hà Nội, xấp rưỡi hoặc có thể xấp đôi. Nhưng miền Bắc có thêm Hải Phòng. Đà Nẵng còn bé xíu. Đến thập niên 1970 ở Sài Gòn đã có nạn kẹt xe hơi trong khi Hà Nội vẫn giữ vẻ cổ kính, nghèo nàn, trên đường phố chỉ thấy người đi bộ, quang gánh, xe đạp là nhiều, có khi xích lô, xe bò, tàu điện đầy nhóc người bu bám ở cửa.   Miền Bắc Cộng sản (CS) được hưởng thái bình liên tục suốt 20 năm ròng, 1955-1975 để xây dựng kinh tế đất nước với sự viện trợ của các nước thuộc hệ thống CNXH. Cho dù máy bay Mỹ từ 1965 -1968 thường kéo đến bắn phá các cơ sở quân sự xây cất ở các tỉnh kề ranh giới Bến Hải, chỉ chấm dứt trước ngày hội đàm Paris khởi nhóm. Từ 17 đến 30 tháng 12/1972, trong 12 ngày liên tục, Mỹ lại dùng phi cơ B-52 oanh tạc các mục tiêu quân sự ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh ở miền Bắc, hủy diệt tiềm năng chiến tranh nhằm khai thông hội nghị Ba Lê (Paris, Pháp).   Miền Nam Việt Nam VNCH sau Hiệp định Geneva, trong vòng 8 năm, 1955 - 1962 cũng được hưởng thái bình tuyệt đối như ở miền Bắc. Đất nước thanh bình trở lại, tự cường tự lực, sung túc, rộn rã. Ruộng đồng miền quê Nam Bộ phì nhiêu, thóc lúa đầy vựa, các thị trấn phố xá hàng quán trên bến dưới thuyền, tấp nập, sầm uất. Các hãng hàng không nhộn nhip chào đón khách, tàu hỏa chạy suốt Quảng Trị - Sài Gòn, và lên Đà Lạt. Trên các tuyến đường xe cộ lớn nhỏ vận chuyển hành khách chen chúc, hàng hóa chồng chất. Tuy nhiên năm 1962 chiến tranh trở lại ở miền Nam, tăng dần cường độ ác liệt kéo dài.   Ngày 27/1/1973 hiêp định Paris được ký kết giữa bốn nước tham chiến: Mỹ, VNDCCH, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (bản doanh ở Đông Hà) và Việt Nam Cộng Hòa. Bốn bên ngưng bắn và Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam cùng với các đồng minh. Chỉ 2 năm sau, nhiều chục sư đoàn quân Bắc Việt ồ ạt trở lại, mạnh hơn nhiều với đầy đủ vũ khí hạng nặng, xe tăng, trọng pháo… và giành chiến thắng ngày 30/4/1975.      II) NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC.   Trận chiến 1962 -1975 xảy ra trên đất miền Nam và làm chết trên 1 triệu binh sĩ con dân miền Bắc thuộc lứa thanh xuân, từ Bắc kéo vào, sinh Bắc tử Nam. Miền Nam mất khoảng 230.000 quân nhân tử trận trên đất nhà, kèm thêm một số lớn nhân dân tên bay đạn lạc.   Nội chiến Bắc Nam 1962 – 1975 là cuộc chiến man rợ và đẫm máu nhất trong lich sử nước nhà, hai bên như cặp gà chọi, là đánh thuê song đánh chí tử, dùng súng đạn của các siêu cường đối địch cung cấp miễn phí để huynh đệ tương tàn.   Trong cuộc chiến ủy nhiệm (proxy war) này Liên Xô, Tàu đứng ngoài, trao vũ khí và Hồ Chí Minh (HCM), Lê Duẩn gây chiến, tận lực. VNCH tiếp nhận súng đạn Mỹ nhưng cũng vì sự bắt buộc phải có vũ khí để tự vệ, hơn nữa Mỹ cũng trực tiếp nhảy vào vòng chiến và chịu tổn thất 58.281 quân nhân chết[42], 303.644 bị thương đủ loại[45][46][47], 1.584 - 1.948 mất tích[48][49] . Thương vong khá lớn làm xôn xao dư luận Mỹ và dấy lên các phong trào phản chiến.   Kẻ làm lính đánh thuê tàn sát đồng bào không gớm tay thì ngày 30/4/1975 đại thắng có gì mà huênh hoang tự đắc! CS lại không có chính nghĩa vì dựa trên sự lừa dối.   HCM và CS hô hào đánh Mỹ xâm lăng, giải phóng miền Nam đang đói rách, lừa gạt dân Bắc  vào Nam gởi xương máu. Song ai chính là kẻ “vừa ăn cướp vừa la làng”?   Mỹ ư? Không thấy Mỹ như thời Pháp thuộc, bổ nhiệm quan cai trị: thống sứ, khâm sứ, công sứ, giám binh (chỉ huy lính bản xứ), nắm giữ thuế vụ, hải quan, kinh tế… bóc lột dân chúng!   Chiến trường là tại miền Nam. Năm 1962 CS bắt đầu gây hấn khuấy rối miền Nam, tăng dần cường độ. Miền Nam buộc phải chống trả, đó là chiến tranh hợp lý tự vệ, giữ nước và từ năm 1965 được bạn bè đồng minh gởi quân đến tham chiến hỗ trợ.   Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, được thành lập tại miền Nam là năm 1960. Đến năm 1962 Mặt trận ra mặt quấy phá ban đêm ở thôn quê và được nhân dân gọi là Việt cộng (VC), “ngày cọng hòa, đêm việt cọng”. Đêm đến VC từ ‘bưng’ về hoặc từ địa đạo bò lên thu thuế, buộc ủng hộ lương thực, bắt cóc, chặt đầu các người bị nghi hợp tác với chính quyền ban ngày. Đào đường, đắp mô, giật mìn. Mặt trận làm tai mắt - và được cung cấp khí giới - cho bộ đội chính quy miền Bắc vào Nam ngày càng đông, đóng quân ẩn núp trong rừng núi.   Ngày 6/6/1969 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. KTS Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch. Chính phủ phát hành tiền giấy, bưu chánh (bộ tem) riêng và dùng cờ nửa xanh nửa đỏ, giữa sao vàng. Trụ sở đặt tại Đông Hà sau hiệp định Paris. Gần cuối hội nghị Paris, có lúc bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình của Cọng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) đề xuất lập chính phủ liên hiệp với VNCH song Mỹ bác bỏ.   Sau ngày 30/4/1975 CHMNVN thừa kế VNCH, được 90 quốc gia công nhận. Quốc tế xem đó là sự thay đổi chính quyền xảy ra trong nội bộ một nước .   “Miền Nam Việt Nam phải được độc lập, tự do…”, chính phủ mới trong viễn ảnh của các người cầm đầu là Trung Lập và Độc Lập song thân hữu đối với chính phủ Hà Nội. Như vậy sau tổng tuyển cử trên cả nước sẽ là thống nhất với hai chính thể khác nhau.   Các sự kiện dồn dập đến. Ngày 25/4/1976 tổng tuyển cử trên toàn quốc. Quốc hội Việt Nam, chung cả nước được bầu thì chính phủ Hà Nội chưa gì đã đặt tên là Quốc hội khóa VI, như sự đã rồi, nối tiếp Quốc hội khóa V của VNDCCH được bầu vào ngày 6/4/1975.   Ngày 2/7/1976 Quốc hội khóa VI họp bầu ra các lãnh đạo nước. LS Nguyễn Hữu Thọ nguyên thủ của miền Nam trúng cử ‘đệ nhị phó chủ tịch nước’ trong số 2 vị phó. KTS Huỳnh Tấn Phát được bầu ’đệ nhị phó thủ tướng’ trong số 7 phó thủ tướng. Quốc hội đặt lại tên nước là CHXHCNVN thủ đô, quốc kỳ, quốc ca của VNDCCH cũ. CHMNVN chính thức xóa sổ nhanh chóng trong nhục nhã, uất hận âm thầm.   PHẦN 2.      I) ĐÁNH GIÁ NGÀY 30/4/1975. Nội chiến huynh đệ tương tàn là chuyện thường xảy ở Tàu và ta trong lịch sử. Ở Tàu điển hình là thời Tam Quốc (Ngụy, Thục, Ngô) nhiều tình tiết. Nước ta xưa có Thập nhị sứ quân, thời cận đại có Trịnh Nguyễn phân tranh và chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn.   Nội chiến vừa rồi ở thế kỷ 20 giữa 2 chính thể: VNDCCH miền Bắc và VNCH miền Nam là man rợ và đẫm máu nhất, sản phẩm của cuộc chiến tranh ủy nhiệm điển hình. Liên Xô, Tàu cộng mưu đồ cộng sản hóa thế giới, Mỹ cố sức ngăn cản. Tránh đối đầu trực tiếp các siêu cường cung cấp vũ khí, ủy nhiệm việc gây chiến tranh cho các nước nhỏ.   Tại Việt Nam năm 1954 Bắc, Nam 2 bên được phân chia ranh giới tại sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, “nước sông không phạm nước giếng”, lại càng không có thù hận truyền kiếp gì với nhau.   Sự kiện Hồ Chí Minh (HCM) nhất quyết gây chiến, thanh toán VNCH dù phải trả giá mạng sống cả triệu thanh niên công dân miền Bắc bỏ thây trên chiến trường miền Nam, tất nhiên phải có một động lực to lớn nào đó bất khả kháng thúc đẩy, ngoài nhiệm vụ đánh thuê.   Động lực đó là tính cuồng tín nơi chủ nghĩa Mác Lê của HCM và cộng sự. Hồ nói, nguyên văn: “không khoan nhượng, lập chế độ chuyên chính toàn trị vô sản và đấu tranh giai cấp theo khuôn mẫu Mao Trạch Đông”. Nghị quyết phải giết sách tất cả ngụy quân ngụy quyền.    Ngày 30/4/1975 bên thắng cuộc khen tài khen giỏi, bên thua cuộc chê bai, bất phục vì thương vong, thua trận chỉ do hỏa lực súng đạn Xô Tàu, hai bên hằn học bất tận.   Trong chiến tranh Bộ chính trị Đảng đã liên tục đưa ra hàng trăm nghị quyết về chiến lược bất kể hao quân, chỉ đạo tài tính cuộc chiến đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác (?) như trận Tết Mậu Thân 1968, Quảng Trị 1972, chiến dịch Tây Nguyên 1975… Đảng đã có những nhà quân sự tài ba, những nhà ngoại giao đàm phán khôn ngoan, lỗi lạc, những chiến sĩ anh hùng, tay nã đạn, tay níu càng trực thăng địch, ghìm xuống, những cô gái vót chông sông Ba kiêu dũng…   Song để ĐÁNH GIÁ NGÀY 30/4/1975  tốt hay xấu, phúc hay họa là tùy thuộc ĐCSVN làm gì sau khi chiếm được miền Nam. Lúc đó ta sẽ thấy được chân diện mục của Đảng.   Sự đánh giá là hoàn toàn không tùy thuộc những chiến thắng quân sự và chính trị to lớn của Đảng trong thời chiến, những huyền thoại máy bay Đảng phục kích trong mây, nổ máy xông ra bắn hạ B-52… Nếu chiến tranh kết thúc mà CS không rời lưng ngựa, vẫn khư khư mang giáp trụ, khinh thường lời khuyên của Lục Giả thì nhân dân biết đã gặp bọn côn đồ, ác bá.   Thực vậy sau ngày 30/4/1975 CS đã hành xử như một đội quân thổ phỉ chính hiệu.   Choá mắt choáng ngợp trước miền Nam giàu có CS tích cực, lớp mua rẻ, lớp tịch thu của cải, tài sản tivi, tủ lạnh, máy thêu may, radio, VCR, đồng hồ, quạt máy, xe đạp, xe gắn máy, xe hơi, sữa hộp, thuốc men, vải vóc, mỹ phẩm… tháo gỡ các máy móc trong cơ xưởng, bệnh viện, trong các kho dụng cụ, vơ vét vàng bạc, đá quý của ngân hàng, chở lớp lớp ra miền Bắc xơ xác, thiếu hụt mọi mặt, nay chiếm được miền Nam như đại hạn gặp mưa rào. Sách vở thì chúng đốt hết.   Người thì bị trù dập, để lại tài sản, trốn ra biển cả trên những chiếc thuyền mong manh, gần số nửa bỏ mình trên biển, một số đông phụ nữ, bé gái bị hải tặc hãm hiếp, nhục nhã. Công an lại tổ chức bảo kê vượt biên, thu vàng bạc các hộ giàu, chờ ra khơi đón bắt trở lại, trấn lột thêm. Lại cắt hộ khẩu, bố trí đi kinh tế mới lao động cuốc đất sỏi đá đồi núi, để lại nhà cửa, phố xá buôn bán sầm uất được giải phóng tiếp quản, phân phối cho cán bộ và gia đình từ Bắc vào.    Cả trên triệu người diện ngụy quân, ngụy quyền, văn nghệ sĩ đi trại tù cải tạo học tập đổi đời, sống dở chết dở từ vài năm đến ít chục năm với đám quản giáo kém học nhưng quyền uy, khinh khi hách dịch, xem mạng người tù miền Nam như cỏ rác. Hàng chục ngàn tù viên, tù sĩ đã bỏ xác trong trại tù nhất là tại các trại tù thiết lập ở Việt Bắc nơi thâm sơn cùng cốc, khí hậu rét buốt quá sức chịu đựng của người miền Nam. Thuốc men đã hiếm, các tù viên lại phải lao động cuốc rẫy, cực nhọc chết bỏ, gieo trồng tự túc lương thực, thực hiện lao động CS là vinh quang!     Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười (1991-1997) người kém học nhất trong các tổng bí thư đảng CS, song phát biểu lại rất chính xác, huỵch toẹt ruột ngựa : “Giải phóng miền Nam chúng ta có quyền tịch thu tài sản trưng dụng nhà cửa, hãng - xưởng, ruộng đất chúng nó, xe chúng nó ta đi, vợ chúng ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ, còn chúng nó thì ta đày đi kinh tế mới và nơi rừng sâu nước độc, chúng nó sẽ chết lần mòn”.   Đánh giá ngày 30/4/1975 là vậy, quan sát việc làm của CS sau ngày thắng trận. Chiếm được nước CS tái lập nền cai trị tròng lên đầu cổ nhân dân.   Theo định nghĩa khái niệm CAI TRỊ được hiểu : là (giai cấp hoặc thế lực cầm quyền) sử dụng bộ máy hành chính nhà nước và các công cụ tư pháp… một cách chuyên quyền, độc đoán, có tính áp đặt, thiếu dân chủ, bất bình đẳng, không vì lợi ích của toàn xã hội mà chỉ phục vụ cho lợi ích giai cấp, thế lực cầm quyền (Wikipedia). Vd: Chính sách cai trị của thực dân. Đối lập với cai trị (to rule) là quản lý, quản trị, điều hành (to govern, to run, government).   Nước Việt Nam qua 4.000 năm lịch sử liên tục được trị vì bởi các triều đình phong kiến chuyên chế, bởi Tàu, Pháp đô hộ, bởi Cộng sản cai trị kiểu phong kiến. Chỉ có một khoảng thời gian 20 năm 1955 -1975 ngắn ngủi, riêng người dân miền Nam được trải nghiệm một thể chế ‘cộng hòa’, biết có tổng thống, có đa đảng tranh đua ở Quốc hội và Thượng viện... do đó biết chắc chắn các quyền lợi của người dân được bảo đảm.   Thời đó chưa có mạng Internet song báo chí là đa chiều, cung cấp đấy đủ mọi thông tin.   Chỉ kể nhật báo, lâu đời nhất là Thần Chung, Sài Gòn Mới, Tiếng Chuông… và rồi Tiếng Dội, Tin Điển, Tia Sáng, Tự Do, Ngôn Luận, Dân Chủ, Dân Quyền, Chánh Đạo, Chính Luận, Độc Lập, Trắng Đen, Thời Luận, Xây Dựng, Lẽ Sống, Sống, Sóng Thần, Lửa Việt, Ánh Sáng… Hồi đó miền Nam có tự do báo chí. Có tờ đả kích chính phủ, có tờ thân chính quyền, đa số trung lập, hay khen dở chê. Một số báo thì chống Mỹ như Dân Chủ, Tin Sáng, Chánh Đạo v.v…   Nhiều phóng viên các hãng thông tấn ngoại quốc từ Sài Gòn loan truyền những tin tức bất lợi cho chính phủ và chiến cuộc song họ vẫn được để yên, tự do hành nghề. Chính phủ không ra báo. Báo chí là của tư nhân, hội đoàn... muôn màu muôn sắc.   Chế độ VNCH còn non trẻ, tất nhiên chưa hoàn hảo song đầy hứa hẹn. Tiếc thay nền cộng hòa nhân bản chỉ tồn tại 2 thập niên ngắn ngủi trong chiều dài lịch sử 4.000 năm thì tính ra mỗi ngày chỉ được tia nắng dọi vào nhà một hai phút, mà cũng chỉ ở nửa nhà. ____       II) VAI TRÒ NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN CS VÀ ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM.   Từ năm 1975 đến nay 2023 đã 48 năm qua. Thủ đô Hà Nội năm 1975 còn nghèo xơ xác, phát triển tụt hậu, trên các nẻo đường hầu như chỉ thấy xe đạp và người đi bộ. Thật nghịch lý trong hoàn cảnh đó, Hà Nội đã đánh thắng miền Nam trù phú với thủ đô Sài Gòn giàu sang, dòng xe hơi nối đuôi kẹt dài trên đường phố.   Ngày nay Hà Nội đã biến đổi thành một đô thị hiện đại lố nhố những dãy cao ốc, vô số khách sạn 5 sao, thậm chí 6 sao, đông đảo siêu thị lớn, xe cộ thì tràn ngập đầy đường, xa lộ chằng chịt lại có tàu điện ‘metro’ treo cao… Những thay đổi lột xác thần kỳ ấy có được là nhờ sự lãnh đạo tài ba của đảng CSVN, không thể chối cãi. Khắp nước còn xây dựng cơ man tượng đài đồ sộ, các công trình tưởng niệm rộng lớn, lấn đất, ảnh hưởng nặng đến cảnh quang đẹp đẽ, môi trường thiên nhiên lành mạnh.   Không có Đảng thì không bao giờ nước ta có được cơ đồ như hiện nay (theo NPTrọng). Đất nước trù phú thì đảng viên giàu sụ. “Nếu là người hãy là người cộng sản” (TBT Nguyễn Phú Trọng 2/2/2023). Thật phúc đức cho nòi giống Hồng Lạc.  Cầu mong Đảng cai trị đời đời, người dân nghèo đói thiếu thốn chịu mất tự do đổi lấy ấm no, ai giàu mặc ai.   Nhưng phải là ấm no có thật vì hiện tại vẫn đầy rẫy những cảnh tượng đau lòng, dân nghèo bươi đống rác sinh kế, đau ốm không có tiền vào bệnh viện, thất nghiệp thì con thôi học... Người dân mất cả chì lẫn chài, ấm no lẫn tự do, xôi hỏng bỏng không, nhưng phải giữ im lặng.   Sự cai trị độc tôn của ĐCSVN dựa vào 1- độc quyền thông tin và 2- họng súng đàn áp chống đối. ĐCSVN bậc thầy cả hai sách lược, thể hiện như sau:      1-  Độc quyền thông tin = bưng bít thông tin + bịa đặt lừa dối:         - Bưng bít thông tin: Điển hình: Đầu tháng 11/2021 video quay cảnh Đại tướng Tô Lâm, bộ trưởng Công An công du Anh Quốc cùng tùy tùng vào nhà hàng nổi tiếng của “Thánh Rắc Muối” Salt Bae hưởng lạc, thưởng thức món “Bò dát vàng” tính tiền tỷ. Cách ăn độc đáo ”đút nhanh, đớp gọn”, kích thích khẩu vị. Báo chí quốc tế, mạng xã hội trong nước sôi động bàn tán. Đảng, Nhà nước Việt Nam thì bưng bít tin này, cấm đả động. Mới đây ngày 21/4/2023 nhà văn Dương Thu Hương được trao tặng Giải thưởng Văn Học Thế Giới trị giá 200.000 € (221.000 USD). Truyền thông CSVN giữ hoàn toàn im lặng không loan báo. Người dân trong nước vẫn biết qua báo chí quốc tế và mạng xã hội trong nước.         - Bịa đặt lừa dối: Điển hình Truyện dài Bác Hồ Mỹ du. Báo chí CS hư cấu Nguyễn Tất Thành, tức là Bác, đến và lưu lại Mỹ 2 năm (1912 - 1913) có lúc lại nói 3 năm, từ 1911. Ở New York Bác đến nghe ông Marcus Garvey diễn thuyết ở khu Harlem và đều đặn tham dự các cuộc họp của Hiệp hội cải thiện người da đen toàn cầu (UNIA).   NT Thành lại đến Boston, xin phụ làm bánh tại Parker House Hotel cũng 2 năm. Phái đoàn Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng năm 2015, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ năm 2018, Thủ tướng Phạm Minh Chính năm 2022 và nhiều đoàn công tác khác đi Hoa Kỳ đều đến Parker House, xuống thăm căn bếp ở tầng hầm, nơi Bác ở và làm việc (!) và bày tỏ sự xúc động sâu sắc nhớ ơn Bác. Tầng hầm chứa căn bếp này nay đã trở thành nơi Thánh địa tại đất Mỹ của ĐCSVN cùng với Lăng Bác, Hà Nội.   Đây là sự bịa đặt trắng trợn to lớn được CS dàn dựng. Sự thực Nguyễn Tất Thành theo tàu buôn đến New York, Mỹ là gần cuối tháng 12/1912. Tháng này có nhiều lễ nghỉ (Giáng sinh, Tết Dương lịch) và qua đầu năm 1913 Thành mới có thể theo tàu rời Mỹ trở về châu Âu. Tính ra NT Thành chỉ ghé lại Mỹ trong khoảng 2 tuần lễ. (Báo điện tử ĐCSVN : “Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước”).  (25/8/2019).   Còn nữa, ông Marcus Garvey (1887-1940) người Jamaica, sáng lập hội UNIA là từ năm 1914 và mãi đến năm 1916 mới sang sống ở Hoa Kỳ. Suy diễn ra cả đống chuyện lặt vặt, tầm phào CS kể về Bác Hồ đều là sản phẩm tưởng tượng, kiểu Lê Văn Tám.   Tuy nhiên chính sách độc quyền thông tin của CS bấy lâu ‘một mình một chợ’ nay gặp khắc tinh là mạng lưới Internet bao phủ toàn cầu, cung cấp, trao đổi thông tin, từng giờ phút.       2- Đàn áp chống đối.   Với các điều 258 và 331 hình luật CSVN xử lý phạt tù nặng các nhân vật bất đồng chính kiến, ngày càng nhiều với các quan điểm và phê phán sắc bén, xây dựng, từ tốn. Kết quả cho đến nay thì cũng tương tự trò đốt lò thiêu tham nhũng, ‘như nước đổ đầu vịt’.   Một mặt khác chính sách dùng họng súng trấn áp thế lực thù địch là bất khả thi đối với cộng đồng trên 4 triệu người Việt hải ngoại, đại đa số là các người di tản sau 1975.   Cộng đồng người Việt di tản chống cộng tích cực. Là những người già dặn kinh nghiệm họ viết sử, báo, phát thanh, lập Website, youtube… rồi rào và liên tục viết hồi ký kể lại chuyện cải cách ruộng đất đẫm máu, bao cấp, nhân văn, thảm sát Tết Mậu Thân, vượt biên, kinh tế mới, đổi tiền, tù cải tạo, chuyện lãnh đạo ngu lú, chế độ tham nhũng, mua quốc tịch... CSVN muối mặt, chỉ có thể sai bảo dư luận viên viết bài phản bác trên mạng, lý luận rẻ tiền. Vd: Để phản bác bài viết: “Giải mã bí ẩn thân thế bác Hồ”, CS cho đăng tải bài Giải mã âm mưu xuyên tạc sự thật về Chủ tịch Hồ Chí Minh (https://nhanvanviet.com > giai-ma-a) trên mạng ngày 23/4/2023. Tuy nhiên chỉ đánh động hiếu kỳ khiến bài viết đó ăn khách.   Việt Nam là nước độc nhất trên thế giới có một cộng đồng lớn ở hải ngoại chống đối năng động, tích cực, mạnh mẽ, kiên trì chính quyền trong nước.   Mới nhìn qua người ta có thể cho rằng sự chống đối CS của cộng đồng người Việt hải ngoại là như ‘muỗi đốt chân voi’, chỉ tổ gãy vòi song “nước chảy đá mòn, mưa dầm thấm lâu”, hợp công với các mạng xã hội trong nước vạch rõ quản lý kinh tế yếu kém + tham nhũng chằng chịt, bán tài nguyên, nhượng đất… Chính quyền CSVN nay đã bộc lộ những nứt rạn, chia rẽ nội bộ, dân chúng thì ngày càng hiểu biết và tăng bất mãn.  Ánh sáng cuối đường hầm hé lộ.   Thí dụ một bước quan trọng: Cộng đồng người Việt tị nạn CS đã đóng góp chứng minh một cách khoa học HCM, cội gốc thảm họa và NAQ là 2 người khác biệt. Kẻ nằm trong lăng Bác là ai gốc gác chưa rõ. Đã có một sự phối hợp che dấu thông tin + lừa dối vĩ đại. Báo L’Humanité (Nhân Đạo) của ĐCS Pháp, năm thứ 29, số 12292, ngày thứ ba 09/08/1932 cũng đã đăng tin và chia buồn về Nguyễn Ái Quốc, sáng lập viên kiên cường của ĐCS Đông Dương đã từ trần vì bệnh lao phổi tại bệnh xá nhà tù ở Hong Kong.   HCM và NAQ được chứng tỏ khác biệt nhau quá rõ rệt.  Về ngoại hình, Nguyễn Ái Quốc người nhỏ nhắn, cao 1m62 theo số liệu trong hồ sơ hình sự tại sở Mật thám Bắc Kỳ. Hồ Chí Minh dáng cao cao, cao 1m75  căn cứ theo các hình chụp Hồ chủ tịch đứng ngang hàng sát cánh chủ tịch Bắc Hàn, Kim Nhật Thành (cao 1m75), Thủ tướng Ấn Độ, J. Nehru (cao 1m78) và chủ tịch Trung Quốc, Mao Trạch Đông (cao 1m80) là những nguyên thủ quốc gia khác tại các nước Á châu (Giải mã bí ẩn thân thế Bác Hồ).        +Hình 1- Nguyễn Tất Thành hầu bàn và phụ bếp trên các tàu buôn Pháp, 1911-1912. Người nhỏ nhắn, cao 1m62. Thời năm 1970 người Việt cao trung bình nam 1m60 và nữ 1m50. +Hình 2- Thủ tướng Ấn Độ, J. Nehru (cao1m78) và chủ tịch HCM (đi dép). New Delhi 1958. Chú ý HCM cao xấp xỉ gần bằng thủ tướng Nehru. Chẳng kém bằng chứng xét nghiệm ADN, mà CS ngăn cản, sai sót gần bằng số ‘0’, hai người cao 1m75 và 1m62 thì không thể lẫn lộn. +Hình 3- Thủ tướng Phạm Minh Chính viết cảm tưởng sau khi thăm khách sạn Omni Parker House - nơi Bác Hồ từng làm việc từ năm 1911-1913. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).   Video còn cho thấy năm 1964 được ký giả Pháp phỏng vấn, HCM tỏ vẻ khá, trả lời trực tiếp bằng tiếng Pháp tuy còn sai văn phạm đây đó và cần người phụ tá nhắc nhở những chữ khó. (Phỏng vấn bác Hồ năm 1964 - Youtube.com/watch?v=z93J) Năm 1966 trả lời phóng viên Nhật Bản thì qua video màu mọi người ngỡ ngàng và sượng sùng thấy HCM nhặt kính mang vào mắt, cầm xấp giấy, cúi đầu ngắc ngứ đọc các câu trả lời viết sẵn, cũng ngắn thôi bằng tiếng Việt để trả lời phỏng vấn, được thông dịch ra tiếng Nhật. (https://www.youtube.com/watch?v=nCPdpYMrhzI). Sự kiện này là do có những người học ngoại ngữ viết, đọc khá dễ nhưng nói khó khăn, mất tự tin.   Nếu là Nguyễn Tất Thành, cựu học sinh trường Quốc học Huế, năm 1910 dạy thể thao và chữ quốc ngữ ở trường tiểu học Dục Thanh, Phan Thiết, tất không đến nỗi phải đọc trên giấy viết sẵn các câu trả lời phỏng vấn. ____       III) LỜI KẾT.   Từ 1975 đến nay đã 48 năm qua cộng đồng người Việt hải ngoại không ngớt đấu tranh không khoan nhượng (từ ngữ CS) với chế độ CSVN. CSVN có súng đạn, có Công an còn Đảng còn mình song thúc thủ một bề, vô phương hăm dọa, trừng phạt, bắt bớ được ai.   Lúc đói rách người ta chịu hi sinh tự do. Đến lúc có cơm no ấm cật thì tự do là không thể thiếu. Nhìn xem các nước quanh ta: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia… ĐCSVN cho Việt Nam có gì: thành phố hiện đại với dãy dãy cao ốc, khách sạn 5, 6 sao, siêu thị sầm uất, xe cộ đầy đường… thì các nước kể trên cũng có đầy đủ (hoặc nhiều hơn) các thứ ấy cho nhân dân họ. Người dân của họ lại có thêm ‘tự do’.  Là thứ mà người dân ta không có, CS xây nhiều tượng đài thay thế cũng thế thôi.   ĐCSVN luôn ra rả khẳng định ‘dân làm chủ’, mọi thứ ‘của dân, do dân, vì dân’, ‘dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát’… Rất chí lý! Nói dân làm chủ tức là nói Hiến pháp làm chủ: Hiến pháp là mệnh lệnh, là tiếng nói của nhân dân để quản lý và điều hành đất nước.   Dân làm chủ đúng nghĩa chỉ khi nào Hiến Pháp là văn kiện pháp lý cao nhất trong nước. Cương lĩnh mọi đảng phái tất nhiên đều đặt dưới. Bằng không thì chớ nói ‘dân làm chủ’.   Lãnh vũ khí đánh thuê cho chủ ngoại nhân có tận sức đạt thắng lợi cũng chẳng danh giá gì. Tổ chức linh đình kỷ niệm ăn mừng đại thắng cướp được nhiều tài sản, của cải càng thêm nhục. Hơn nữa nếu phải tàn sát đồng bào và hi sinh mạng sống của cả triệu binh sĩ của mình.   Ngày 30/4/1975 Ất Mão CSVN đại thắng cuộc chiến ủy nhiệm. Ngẫm lại bên thắng cuộc là vinh quang hay sỉ nhục? Đánh giá ngày 30/4/1975 CS đại thắng ‘phúc hay họa, vinh hay nhục’ cho nước nhà còn tùy thuộc ngày ấy mang lại cho đất nước hận thù triền miên hay hòa giải dân tộc.   Tuy nhiên vượt trên tất cả, đánh giá ngày 30/4/1975 đó là ‘họa kiếp’ dẫn dắt Việt Nam vào tròng lệ thuộc Tàu cộng và như thanh gươm Damocles, ‘đại họa’ mất nước, diệt tộc sờ sờ nhãn tiền trừ phi được dân tộc hòa giải hóa giải.   Năm nay Quý Mão, 48 năm qua. Đến 30/4/2035 sẽ đủ 60 năm, một hoa giáp, Ất Mão trở lại.   Xưa năm Giáp Thân 1884 Pháp chiếm trọn nước Việt Nam, thiết lập nền bảo hộ tồn tại đến năm 1945, được 60 năm. Nếu tính từ năm Pháp chiếm Nam Kỳ thì được trên 80 năm.   Ngày nay xét họa Tàu cộng, tình hình bất hòa dân tộc và sự thức tỉnh của đồng bào thì chế độ CSVN như hiện hành sẽ tồn tại tương tự Pháp thuộc đô hộ, không quá một hoa giáp, kể từ ngày 30/4/1975 Ất Mão là ngày CS thâu tóm trọn vẹn đất nước, cho đến năm Ất Mão trở lại.   Lê Bá Vận.     Chú Thích.   [1] Hai ví dụ điển hình nữa của loại hình chiến tranh uỷ nhiệm ở trong cuộc chiến tranh Lạnh này là Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Chiến tranh Việt Nam (1955-1975)… (Wikipedia). Cuộc chiến uỷ nhiệm có các kết quả khác nhau khi lúc là phe cộng sản (thân Liên Xô) chiến thắng như ở Việt Nam hay là phe chống cộng (thân Mỹ) thắng như ở Afghanistan hay là bế tắc như ở Triều Tiên (Wikipedia).    
......

Lịch sử sẽ viết gì về ngày 30 tháng 4

Ngô Nhân Dụng Người học lịch sử sau này sẽ tự hỏi tại sao chế độ đó không sụp đổ nhanh hơn, theo sau ở các nước Đông Âu và Nga, để dân Việt Nam được sống tự do sớm hơn, có cơ hội phát triển kinh tế và văn hóa nhanh hơn? Ký giả này đã nhiều lần tự hỏi một cuốn lịch sử Việt Nam in năm 2075 sẽ nói gì về ngày 30 tháng Tư trước đó 100 năm? Nhà viết sử sẽ ghi nhận 30 tháng Tư năm 1975 là ngày cuộc nội chiến đã chấm dứt giết chết hai triệu người Việt; sau đó ba, bốn trăm ngàn người Việt đã vùi xác trên Biển Đông khi tìm đường chạy trốn một chế độ độc tài khắc nghiệt. Sách có thể ghi chú rằng dân số cả nước lúc đó khoảng 35 triệu. Các sử gia sẽ so sánh: Cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17, 18 là do hai dòng họ các tướng quân tranh quyền, chiến tranh kéo dài đến vài trăm năm. Cuộc nội chiến thế kỷ 20 không lâu như lần trước, chỉ có 16 năm, từ tháng Năm năm 1959, khi toán quân Bắc Việt đầu tiên theo đường Trường Sơn xâm nhập miền Nam. Nhưng số người chết cao gấp mấy chục lần. Chắc các nhà viết sử sẽ phải nhìn rộng hơn để tìm hiểu cái gì gây nên cuộc nội chiến thứ nhì này? Tìm đến gốc thì đó là một phần trong lịch sử của cả loài người, cái gọi là “Chiến tranh Lạnh” giữa hai khối tư bản và cộng sản. Gốc rễ bắt đầu là phương thức kinh tế tư bản phát triển vào thế kỷ 18 ở Âu châu, đưa tới một phản ứng là lý thuyết Mác xít. Từ đó, có cuộc cách mạng năm 1917 thành lập một chế độ cộng sản ở nước Nga. Rồi thế giới chia hai, nhiều quốc gia cũng bị cắt đôi theo hai ý thức hệ. Trong lịch sử Việt Nam thì cuộc nội chiến chấm dứt năm 1975 chỉ là một đoạn trong một cuộc tranh chấp lâu dài hơn giữa hai chủ trương lập quốc sau khi thoát nạn thực dân. Một bên là những người muốn đưa nước ta vào làm một thành phần, một đội quân đi hàng đầu trong mặt trận quốc tế do Liên Xô lãnh đạo. Bên kia là những người chủ trương lấy dân tộc làm mục đích chính yếu, liên kết với các nước chống lại Nga Xô. Một bên muốn thiết lập chế độ chuyên chính của đảng cộng sản, tổ chức kinh tế theo lối hoạch định tập trung. Bên kia muốn tùy nghi học hỏi theo kinh nghiệm các chế độ chính trị tự do dân chủ, với hệ thống kinh tế thị trường, cũng gọi là kinh tế tư bản, có thể tùy nghi lựa chọn vì ở mỗi nước mỗi khác. Nhưng không phải bất cứ một nước Á và Phi châu nào cũng trở thành bãi chiến trường cho hai khối cộng sản và tư bản tranh hùng giết hàng triệu người, như ở Việt Nam. Ấn Độ không, Thái Lan không, các cựu thuộc địa như Phi Luật Tân, Malaysia, Indonesia, vân vân, cũng không lâm cảnh tương tàn bi thảm như nước mình. Những nước đã bị chia đôi như Đức, Hàn Quốc sau năm 1954, cũng không bị cảnh nội chiến kéo dài như ở Việt Nam. Có phải các quốc gia này tình cờ, gặp may mắn hay chăng? Hay là giới lãnh đạo ở các nước đó khôn ngoan hơn người Việt? Vì vậy Việt Nam là một trường hợp đặc biệt, và rất đáng thương. Sự kiện đầu tiên đẫn tới cuộc nội chiến là ông Hồ Chí Minh lập đảng Cộng Sản Việt Nam, nhắm mục đích đưa người Việt vào chủ nghĩa cộng sản, một tín ngưỡng duy vật. Ông theo đường lối Stalin bên Maskva muốn dùng phong trào Cộng Sản Quốc tế mở rộng ảnh hưởng của Nga ra khắp thế giới. Lúc đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời (sau bị Stalin bắt đổi tên là Đảng Cộng Sản Đông Dương), nước Việt Nam đang bị người Pháp cai trị và bóc lột. Người Việt Nam đã nổi lên chống Pháp suốt từ cuối thế kỷ 19. Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước đều chống Pháp. Tất cả đều mong đuổi người Pháp đi, xây dựng một nước Việt Nam độc lập. Những chiến sĩ bị người Pháp hành quyết trong năm đó là 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Các nhà cách mạng đều muốn nước Việt Nam sau khi độc lập sẽ theo một chế độ dân chủ, tự do giống như thể chế của nước Pháp sau các cuộc cách mạng 1789 và nước Trung Hoa từ năm 1911. Ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam nghĩ khác. Họ nêu chủ trương rõ rệt là sau khi được độc lập thì sẽ thiết lập ở nước ta một chế độ theo kiểu của Stalin gọi là “vô sản chuyên chính.” Họ nhắm biến Việt Nam thành một phần của mặt trận vô sản thế giới chống chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Theo ông Stalin, các khái niệm về quốc gia, về tổ quốc là các tư tưởng lạc hậu. Các người nghiên cứu có thể thấy rõ ý nguyện của Hồ Chí Minh trong báo Thanh Niên do ông xuất bản ở Quảng Châu. Ngày 18 tháng Mười năm 1925 báo này in trên tiêu đề khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!” Đó là kết luận của bản Tuyên ngôn Cộng Sản, do hai nhà triết học Đức, Karl Marx và Friedrich Engels viết vào tháng Hai năm 1848. Câu này vẫn còn trên bia mộ của Karl Marx ở nghĩa trang Highgate, London. Ngày 20 tháng 12 năm 1926 ông Hồ viết trên báo Thanh Niên: “Cái danh từ tổ quốc là do các chính trị gia đặt ra để đè đầu nhân dân ... để buộc những người vô sản phải cầm vũ khí bảo vệ tài sản của địa chủ và quyền lợi của giai cấp tư sản. Thực ra, chẳng có tổ quốc, cũng chẳng có biên giới.” Không có quốc gia, không có tổ quốc, đó là quan điểm rõ rệt của ông Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản ra đời năm 1930 đặt cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam trước một ngã rẽ: Phải lựa chọn giữa khuynh hướng quốc gia, dân tộc và một chủ nghĩa quốc tế. Ông Hồ Chí Minh đã chọn đường lối quốc tế, sau khi “hãnh diện đã được giác ngộ” ở Pháp, rồi được huấn luyện các kỹ thuật nghề gián điệp, tuyên truyền, ở Maskva. Nhiều nhà cách mạng Việt Nam không đồng ý, họ chỉ nhắm mục tiêu giành độc lập dân tộc. Từ đó, ở nước ta có hai xu hướng chính trị đối nghịch, quốc gia và quốc tế, mối xung đột càng ngày càng nặng nề. Khi thế giới chia ra hai khối theo ý thức hệ tư bản và cộng sản, Việt Nam cũng chia làm hai, giống ở Đức và Hàn Quốc. Vì vậy nước ta trở thành chiến địa cho hai thế lực quốc tế, làm nơi thí nghiệm các loại vũ khí của Nga và Mỹ. Các nước Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân không lâm cảnh tương tàn vì họ không có những đảng cộng sản trung kiên và tàn bạo như ở Việt Nam. Những nhà cách mạng xu hướng quốc gia ở các nước này không bị Cộng Sản sát hại trước khi bắt đầu cuộc tranh đấu vũ trang đòi độc lập. Ở Việt Nam thì Đảng Cộng Sản lo thanh toán tất cả những lãnh tụ quốc gia có uy tín, như Trương Tử Anh, Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ, vân vân trước khi đánh nhau với Pháp. Hồ Chí Minh cũng theo đúng chỉ đạo của Stalin, sát hại những chiến sĩ Đệ Tứ Quốc Tế như Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu. Đảng Cộng sản thành công vì họ dám vứt bỏ đạo lý, bất chấp các quy tắc pháp luật, nói lời gian trá không ngượng miệng, giết người không ghê tay. Các nhà viết sử sau này có thể ghi nhận 30 tháng Tư năm 1975 cũng là ngày bắt đầu giai đoạn suy yếu của chủ nghĩa Cộng Sản ở Việt Nam. Khi chiến tranh chấm dứt, người dân có dịp so sánh hai chế độ ở miền Nam và Bắc. Nhiều nhà trí thức nhìn thấy những dấu vết của một xã hội tự do tương đối ở miền Nam, dễ thở hơn so với miền Bắc. Đảng Cộng Sản để lộ bộ mặt thật, là một guồng máy cai trị bằng công an, độc tài, tham nhũng, bất lực trước vấn đề hiện đại hóa đất nước. Cộng Sản Việt Nam khó biện minh cho các chính sách chuyên chế, tàn bạo như cũ, phải thay đổi. Đến những năm 1980 thì đảng Cộng Sản Việt Nam quay đầu ngược lại, cũng chập chững đi theo kinh tế tư bản như khi họ bắt đầu phát triển hồi thế kỷ 19. Cảnh sụp đổ của các nước cộng sản ở Âu châu càng giúp người Việt thấy rõ những nhược điểm của guồng máy cai trị mà ông Hồ Chí Minh đã gây dựng lên theo kiểu mẫu ông học ở Nga xô. Người học lịch sử sau này sẽ tự hỏi tại sao chế độ đó không sụp đổ nhanh hơn, theo sau ở các nước Đông Âu và Nga, để dân Việt Nam được sống tự do sớm hơn, có cơ hội phát triển kinh tế và văn hóa nhanh hơn? Vì một guồng máy chuyên chính, độc quyền rất khó thay đổi. Những người nắm quyền trong tay sẽ không bao giờ muốn bị giảm bớt, đừng nói đến bị mất quyền. Hệ thống công an được nuôi dưỡng để bảo vệ quyền hành cho các đảng viên, họ nói thẳng rằng “Đảng Còn thì Mình Còn.” Hệ thống kiểm soát các nguồn thông tin khiến người dân chỉ còn biết lo nhu cầu “cơm áo gạo tiền,” không nghĩ tới ước vọng nào cao hơn. Nếu nới lỏng hai gọng cùm kiểm soát này, dân Việt nếm mùi rồi đòi thêm tự do thì các đảng viên sẽ mất hết ưu quyền, không thể ngồi trên đầu dân mãi được. Đến năm 2075 người Việt đọc lịch sử nước mình sẽ thấy Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, thật đáng tiếc. Giữa thế kỷ 19 khi bắt đầu tiếp xúc với Tây phương, nếu chính quyền nhà Nguyễn biết canh tân đất nước, thì chắc nước mình đã khá, nếu không tiến nhanh bằng Nhật Bản thì cũng phải theo kịp Thái Lan. Vào cuối thế kỷ thứ 20 nếu chế độ cai trị thay đổi toàn diện và nhanh chóng sau năm 1990 thì chắc nước Việt Nam không đến nỗi thua kém các nước lân bang như Mã Lai, Cam Bốt, Phi Luật Tân. Nếu Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại thì bây giờ cũng có thể tiến gần bằng Đại Hàn Dân Quốc hay Đài Loan. Sẽ không đến nỗi người dân hãnh diện kiếm được tiền nhờ làm công nhân lắp ráp trong cơ xưởng của Sam Sung hay Foxconn, mà khi họ cần đến một cây đinh ốc mình cũng không cung cấp được. Một bài học kinh nghiệm mà người Việt Nam năm 2075 có thể nghĩ ra là đừng bao giờ chấp nhận sống dưới một chế độ độc tài. Nhất là một chế độ dựa trên một hệ thống tư tưởng giáo điều, hủ lậu, cố chấp, mà các vua quan cộng sản còn tham những gấp vạn lần vua quan thời phong kiến./.  
......

Tìm hiểu về các ‘đồn công an chìm’ của Trung Quốc ở nước ngoài

Ông "Harry" Lu Jianwang , một trong hai người Trung Quốc có quốc tịch Mỹ, bị bắt vì bị cáo buộc lập đồn công an chìm tại New York nhân danh chính phủ Trung Quốc. AP - VOA  Cảnh sát ở New York đã bắt giữ hai người đàn ông bị cáo buộc lập đồn công an chìm tại New York cho một cơ quan công an cấp tỉnh của Trung Quốc để thu thập thông tin về những người chống đối Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các văn phòng như vậy đã được báo cáo trên khắp Bắc Mỹ, Châu Âu và ở các quốc gia khác, nơi có cộng đồng người Hoa bao gồm những người chỉ trích Đảng Cộng sản có gia đình hoặc doanh nghiệp ở Trung Quốc. Trung Quốc phủ nhận đó là đồn công an, nói rằng chúng tồn tại chủ yếu để cung cấp các dịch vụ công dân như gia hạn giấy phép lái xe. Lãnh đạo đảng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng mà chiến dịch này cũng nhắm vào những người chỉ trích chế độ của ông trong và ngoài nước, đồng thời tìm cách truy đuổi những người bị cáo buộc phạm tội tài chính. Vụ Mỹ bắt giữ hai người ở New York hôm 17/4 diễn ra cùng với các cáo buộc đối với 34 nhân viên thuộc lực lượng công an ở Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội để quấy rối những người ở Mỹ chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà chức trách Mỹ nói ngày 17/4. Dưới đây là những cáo buộc rằng Trung Quốc đang điều hành các đồn công an chìm ở nước ngoài và phản ứng dữ dội mà họ gặp phải. Điều mới nhất trong vụ New York là gì? Hai người đàn ông bị bắt đang hoạt động dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của một quan chức chính phủ Trung Quốc, Bộ Tư pháp Mỹ nói trong một tuyên bố hôm 17/4. Vụ bắt giữ những người đàn ông, được xác định là “Harry” Lu Jianwang, 61 tuổi, ở Bronx, và Chen Jinping, 59 tuổi, ở Manhattan, cả hai đều là công dân Hoa Kỳ, là vụ bắt giữ đầu tiên thuộc loại này ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Các quan chức thực thi pháp luật Hoa Kỳ cho biết cả hai đã không đăng ký với Bộ Tư pháp tư cách là đặc vụ của chính phủ nước ngoài. Và mặc dù văn phòng này đã thực hiện một số dịch vụ như giúp công dân Trung Quốc gia hạn bằng lái xe Trung Quốc, nhưng nó cũng phục vụ một chức năng “nham hiểm” hơn, bao gồm giúp chính phủ Trung Quốc xác định nơi ở của một nhà hoạt động dân chủ gốc Hoa sống ở California và đe dọa một kẻ đào thoát, người mà công an muốn trở về Trung Quốc, các quan chức Mỹ nói. Mục đích của các văn phòng này Ngày 18/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói “không có cái gọi là đồn công an ở nước ngoài” và cáo buộc Hoa Kỳ “bôi nhọ và thao túng chính trị”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ điều hành các trung tâm ở nước ngoài để giúp công dân thực hiện các nhiệm vụ giấy tờ, chẳng hạn như gia hạn giấy phép lái xe, thường được thực hiện tại các đồn công an ở Trung Quốc. Nhưng nhóm phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, trong một phúc trình được công bố vào năm ngoái, cáo buộc công an Trung Quốc sử dụng các văn phòng này để theo dõi những người chỉ trích ở nước ngoài và quấy rối hoặc đe dọa cả công dân lẫn người không phải công dân Trung Quốc. Một quan chức Trung Quốc năm ngoái tuyên bố rằng 210.000 nghi phạm lừa đảo đã được “thuyết phục” trở về Trung Quốc vào năm 2021 như một phần của cuộc trấn áp lừa đảo qua điện thoại, mặc dù các nhà nghiên cứu đã viết rằng không phải tất cả đều bị truy tố tội phạm hình sự. Các quốc gia bao gồm Canada và Ireland đã yêu cầu Trung Quốc đóng các đồn này hoặc mở các cuộc điều tra của riêng họ sau phúc trình của Safeguard Defenders. Theo các công tố viên ở New York, đồn công an chìm ở New York được điều hành bởi chi nhánh Phúc Châu của Bộ Công an Trung Quốc, không có thẩm quyền hoạt động ở đó và vi phạm luật pháp cũng như chủ quyền quốc gia của Mỹ. Cuộc điều tra sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung như thế nào? Quan hệ chính trị Trung-Mỹ đang ở mức thấp lịch sử. Vào tháng 2 năm nay, Hoa Kỳ đã hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Anthony Blinken tới Bắc Kinh giữa làn sóng phẫn nộ về việc khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua Mỹ. Không tin tưởng Trung Quốc là một trong số ít lĩnh vực mà cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ tìm thấy điểm chung và cáo buộc về các đồn công an của Trung Quốc bất hợp pháp có thể sẽ kích động tâm lý cấm các thương hiệu Trung Quốc như Huawei và TikTok. Các quốc gia, theo hiệp ước quốc tế, phải thông báo cho nhau về thời gian và địa điểm họ điều hành các cơ quan đại diện ngoại giao của mình. Không rõ liệu Trung Quốc có tìm cách để hai người đàn ông bị bắt ở Hoa Kỳ được trả tự do hay không, cả hai đều là công dân Hoa Kỳ. Trung Quốc trước đây đã bị cáo buộc về ngoại giao con tin, bao gồm cả việc bỏ tù hai công dân Canada liên quan đến việc giam giữ một giám đốc điều hành hàng đầu của công ty điện tử khổng lồ Huawei. Trung Quốc có điều hành các văn phòng tương tự ở đâu không? Trong một thông cáo báo chí tháng 2/2002, chính quyền tỉnh Phúc Kiến cho biết họ đã thành lập đợt đầu tiên gồm 30 “Trạm Dịch vụ Hải ngoại của Công an Phúc Châu” trên năm châu lục. Tỉnh này có truyền thống gửi làn sóng di dân đến Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Úc và Châu Âu. Số lượng văn phòng dịch vụ — Safeguard Defenders ước tính hơn 100 — đã được báo cáo trên khắp thế giới, từ Canada đến New Zealand. Một số có trụ sở tại các đại sứ quán, trong khi một số khác hoạt động bên ngoài các trung tâm thương mại mà các thành viên của cộng đồng người Hoa hải ngoại thường xuyên lui tới. Tại Ý, công an Trung Quốc đã thỏa thuận với chính phủ vào năm 2016 để tiến hành tuần tra chung với cảnh sát địa phương hỗ trợ khách du lịch nói tiếng Trung Quốc. Ý đã chấm dứt chương trình này năm ngoái tiếp sau phúc trình của Safeguard Defender.  
......

Leo lên được chức đó thì nó không hiền đâu em!

  Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh trên mạng Chu Mộng Long Thật ngây ngô khi có nhiều trí thức tỏ ra tiếc nuối cho tài năng Nguyễn Quang Tuấn bị sa lưới pháp luật. Một tài năng được đi du học ở nước ngoài, được đánh giá như là… nếu không có ông ta, nhiều người sẽ chết vì tim mạch! Nhiều người còn chiêu tuyết cho tài năng, rằng thì là, làm quan trong cơ chế này ai cũng phải tham nhũng. Cơ chế mà họ nói không chỉ là cơ chế chung mà cụ thể ở đây là cơ chế thầu trang thiết bị y tế. Bề ngoài những lời tiếc nuối, những lập luận chiêu tuyết tưởng có lý, nhưng rất cảm tính đến vô lý. Đi du học thì sao? Kim Jong Un chẳng phải du học ở nước dân chủ để trở về Triều Tiên thành nhà độc tài? Vô số con ông cháu cha đi du học về làm gì, ngoài kế thừa bố mẹ chúng, không làm quan thì cũng làm đại gia bằng cách phá nát cái đất nước này? Theo tôi, với thành phần đó, bất tài thì tham lam trắng trợn, nếu có tài năng thì thành lưu manh và tham lam trá hình với nhãn hiệu nhân văn, nhân đạo. Đằng nào cũng phá hoại hơn là có ích! Ừ thì do cơ chế. Một cơ chế lỏng lẻo như trước đây, đúng là cái cửa mở toang hoác cho các dự án, đặc biệt là các gói thầu chui hết vào bụng quan. Nhưng chuyện gì xảy ra khi nhà nước siết cơ chế? Chỉ một Nghị định siết cơ chế đấu thầu mà từ Nam chí Bắc, các quan chức y tế đã đồng loạt “đình công”, hô hoán không thể nhập thuốc, nhập vật tư, mặc cho con bệnh nằm chờ chết để gây áp lực Chính phủ mở cửa cơ chế như cũ. Do cơ chế thì sao chính nhà nước lại tóm cổ các nhóm lợi ích này vào lò? Tham lam là cái gene truyền thống Việt. Cái truyền thống giáo dục toàn rao giảng đạo đức giả, nhân văn giả, cho nên mỗi cá nhân luôn bộc phát tham vọng, từ chạy đua quyền lực đến tham lam, vơ vét vô độ cho cái túi tham của mình. Nhớ một lần, ngồi nói chuyện với thầy cũ của tôi. Tôi khoe ông bạn đồng môn đã lên sếp và khen anh ta hiền. Cũng là học trò của thầy, nhưng thầy cười rất mỉa mai: “Nó đã leo lên đến chức đó thì nó không hiền đâu em!” Có nghĩa là những người này đã tham từ gốc bằng con đường chạy quan chứ không phải do làm quan mới tham. Người ta đã tham ngay từ khi chưa làm quan chứ không phải làm quan rồi mới tham. Tôi không tin có cái gọi là “tha hóa quyền lực”! Một lần tôi hỏi một đồng nghiệp: “Mày đua quan để làm gì?” Anh ta nói: “Vì dân vì nước!”. Tôi chửi: “Dối! Vì dân vì nước thì hy sinh ở chiến trường, không phải đua quan!” Tóm lại là, anh ta phải như thế nào mới được cất nhắc, bổ nhiệm. “Như thế nào” ấy không thể là phẩm chất đạo đức tốt và tài năng xuất chúng. Với tôi, thằng quan nào vào lò cũng đều đáng ghét. Không thương tiếc được! Tài năng như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát,… mắc tội chống triều đình thối nát phải gặp họa tru di thì mới đáng chiêu tuyết, chứ đủ bằng chứng tham lam vô độ thì có oan đâu mà chiêu tuyết? *** Ông Nguyễn Quang Tuấn đã nộp hơn 6,2 tỷ đồng Hôm nay 17.04 ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) bị đưa ra xét xử với cáo buộc “thông đồng” với hai doanh nghiệp để hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu, gây thiệt hại hơn 53,6 tỷ đồng cho Bệnh viện Tim Hà Nội và Quỹ bảo hiểm xã hội. Trước phiên xét xử, ông Tuấn đã nộp khắc phục số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Tuấn bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Hầu tòa cùng ông Tuấn có 11 bị cáo, gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội); Nguyễn Thị Dung Hạnh (cựu Kế toán trưởng bệnh viện); Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh (cùng là cựu Phó phòng phụ trách Phòng Vật tư bệnh viện); Nguyễn Đức Đảng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga); Phạm Thị Kim Oanh (vợ ông Đảng, cựu kế toán trưởng công ty Hoàng Nga); Phạm Huy Lập (Giám đốc Công ty Hoàng Nga); Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT công ty Kim Hoà Phát); Trần Phú Hưng (Phó TGĐ Công ty đầu tư và định giá AIC); Nguyễn Hồng Dũng (Phó TGĐ Công ty đầu tư và định giá AIC); Nguyễn Trung Dũng (Nhân viên Công ty đầu tư và định giá AIC).
......

Cái bẫy bảo hiểm - lỗi tại ai?

Nguyen Khan NR (Người Rừng) là một nông dân. Và dĩ nhiên đa số nông dân thuộc giai cấp nghèo đến tận răng, khó đến tận mạng, trong đó có NR. Và vì thuộc giai cấp khổ tận cam lai nên ngoài việc gắng sức mua bảo hiểm y tế để chống đỡ giá dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc men… Ngày một leo thang, và mua bảo hiểm xe máy bắt buộc để tránh bị lôi thôi với cảnh sát giao thông, thì các loại hình bảo hiểm khác là quá xa xỉ với thu nhập bạc lẻ của nông dân. Dạo gần đây, mạng xã hội rộ tin có diễn viên lên mạng xã hội khóc lóc vì bị công ty bảo hiểm nhân thọ nào đó lừa mất bạc tỷ, và chuyện cán bộ bảo hiểm, thay vì tích cực tháo gỡ thiệt hại cho khách hàng, lại xử lý truyền thông theo kiểu đổ thừa, được vây cánh vào hùa quy lỗi cho khách hàng không coi kỹ nội dung hợp đồng, “ngu ráng chịu” v.v… Vì không quan tâm đến các loại hình bảo hiểm của những người có thu nhập cao nên NR không tham gia bàn chuyện. Cho đến hôm nay, đọc được bản tin viên đại tá lái trực thăng chở khách tham quan vịnh Hà Long bị tai nạn vừa rồi, vợ con được nhận bảo hiểm khá tốt để sống đủ đầy… Mới hay bảo hiểm cũng rất tốt chứ có phải toàn lừa đảo? Dĩ nhiên trừ những công ty bảo hiểm bất hảo chuyên gài bẫy khách hàng bằng nội dung mang tính hỏa mù, tù mù trong các hợp đồng bảo hiểm để… quỵt tiền…? Câu hỏi đặt ra, nếu làm ăn đàng hoàng, minh bạch, sao không đơn giản hóa chữ nghĩa, không xử lý tích cực và trách nhiệm khi có sự cố với khách hàng? Mà cố tình đánh lận con đen trong các hợp đồng để quỵt tiền? Còn vô cảm chỉ trích khách hàng khi khách hàng đang tan nát tâm cang vì mất của? Thật ra, người dân mua bảo hiểm chỉ có thể mắc lỗi khi chọn mua loại hình bảo hiểm không phù hợp, dẫn đến việc lợi ích nhận được từ loại hình bảo hiểm mình mua thấp hơn lợi ích từ loại hình bảo hiểm khác phù hợp hơn. Chứ không thể nói khách hàng mắc lỗi (không cảnh giác) để mất trắng bạc tỷ như chị diễn viên nào đó khóc lóc. Bởi mua bảo hiểm mà bị gài bẫy mất trắng thì khác nào mua bảo hiểm của bọn cướp? Vì chỉ có cướp mới lấy không tiền người khác, chứ bảo hiểm làm ăn đàn hoàng phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi khách hàng, luôn khuyến cáo đúng lúc để khách hàng nhận được lợi ích tốt nhất, tránh những thiệt hại không đáng có. Đặc biệt phải tránh mọi thủ tục có thể trở thành cái bẫy nuốt tiền khách hàng. Như vậy, chính các cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm vì thiếu cân nhắc cấp phép cho một công ty bảo hiểm nhân thọ nào đó làm ăn theo kiểu gài bẫy, đánh đố chữ nghĩa, tạo ma trận tù mù để bẫy khách hàng, khiến khách hàng mất bạc tỷ như chị diễn viên nào đó kêu rêu. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước khẩn cấp vào cuộc, không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân mua bảo hiểm theo đúng chức năng quản trị của mình, mà còn sớm ngăn chặn những hành vi bẩn thỉu cài bẫy quỵt tiền khách hàng, nếu có, của bọn bảo hiểm bất hảo! NK
......

Chưa thấy đột phá trong chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Blinken

Trần Đông A Giới quan sát có thể còn có đánh giá khác nhau. Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ đã đạt được một số kết quả cụ thể thúc đẩy bang giao, nhưng chưa đạt được điểm đột phá. Có thể là vì chủ nhà, cả ông Tổng bí thư lẫn ông Thủ tướng đều như ngồi trên “núi lửa” để tiếp khách. Tiến triển nhưng chưa có đột phá “Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng sâu rộng, ổn định và vững chắc”, “Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu”… Đó là hai trong hàng loạt những tiêu đề lớn từ “Cổng thông tin điện tử” (CTTĐT) của Chính phủ Hà Nội cho đến tối ngày 15/4 (giờ Việt Nam), lúc ông Blinken vẫn chưa kết thúc chuyến thăm. Trong một phóng sự dài trên 2500 từ với 5 tiêu đề lớn ngang ngửa nhau (Nhớ là tất cả đều là “title” chứ không phải “subtitle”) – một kiểu trình bày báo chí khác với truyền thống thường ngày – đủ cho thấy, các cơ quan từ Chính phủ Việt Nam thực sự muốn chuyển tải “càng nhiều càng tốt” những thông tin cơ bản đến độc giả. Đối với thể loại đề tài còn ít nhiều nhậy cảm như quan hệ Việt – Mỹ, bản báo vẫn dành một thời lượng nổi bật khác thường như vậy là động thái hiếm hoi và cho thấy tiến triển lạc quan trong quan hệ Việt – Mỹ. Vẫn từ CTTĐT, độc giả còn được “chiêm ngưỡng” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken. Phóng sự này tuy độ dài chưa bằng một nửa phóng sự nói trên, nhưng đổi lại, gần 1200 từ ấy đã chốt lại một thông điệp khá rõ ràng: TBT Trọng đánh giá những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thay mặt Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken nhắc lại lời mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cảm ơn, đề nghị các cơ quan liên quan thu xếp vào thời điểm thích hợp và nhắc lại lời mời Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam. Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định lại Tổng thống Joe Biden mong sớm sang thăm Việt Nam. Liệu đây đã phải là nội dung đột phá mà Ngoại trưởng Blinken đã cất công “cưỡi mây” hàng vạn cây số, mang sang tận Văn phòng TBT để trao cho Nguyễn Phú Trọng? Có lẽ là chưa phải! Thông tin này, quan trọng thật đấy nhưng nó đã có từ cuộc điện đàm ngày 29/3. Vậy đâu là thông điệp quan trọng nhất của chuyến đi? Rất có thể là thỏa thuận nếu Tổng thống Mỹ và Tổng bí thư ĐCSVN cùng nhắc lại lời mời lẫn nhau, thì cụ thể thời điểm của mỗi chuyến đi sẽ rơi vào quãng nào trong năm nay? Mà điều này thì như một nguyên tắc bất thành văn của Lễ tân Việt Nam thường chỉ công bố trước khi chuyến thăm xảy ra dăm ngày. Tiến triển lớn tiếp theo có thể ghi nhận qua các tiếp xúc cấp cao lần này là cả Tổng bí thư và Thủ tướng Việt Nam lẫn Ngoại trưởng Mỹ đều gặp nhau ở một điểm cốt lõi, đó là nhận thức quan hệ song phương Việt – Mỹ, Mỹ – Việt đã đến lúc cần nâng cấp (upgrade). Báo chí quốc tế, từ “Japan Time” đến “Nikkei” cũng đồng điệu với mạch tư duy ấy. Tờ “Japan Times” chạy tít lớn: “Blinken tìm kiếm chiến lược nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam” (Blinken to seek strategic upgrade of U.S.-Vietnam ties). Tờ báo này còn thuyết minh thêm về vị thế của Hà Nội: Việt Nam là một trong tám quốc gia không phải là thành viên G7 được Nhật Bản mời tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 vào tháng 5 tới tại Hiroshima khi Tokyo tìm cách thành lập một mặt trận quốc tế thống nhất về các vấn đề như thách thức của Trung Quốc đối với Trật tự dựa trên luật lệ và đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Hy vọng, Việt Nam sẽ không khước từ lời mời vinh dự này. Phát biểu khi gặp Ngoại trưởng nước chủ nhà Bùi Thanh Sơn trước đó, ông Blinken nói, trong hành trình mối quan hệ 28 năm qua, hai nước đã cùng nhau xây dựng nền tảng rất vững chắc cho mối quan hệ song phương. Ông Blinken cũng cho biết: “Và bây giờ chúng ta có một cơ hội, tôi hy vọng, để đưa mối quan hệ lên một cấp độ cao hơn nữa trong những tuần tới và tháng tới”. Vẫn lời ngoại trưởng Mỹ: “Những gì chúng tôi từng bàn về khí hậu, năng lượng, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, giáo dục và rất nhiều lĩnh vực khác nữa đã đem đến nhiều hứa hẹn to lớn cho người dân cả hai nước. Cam kết chung của chúng ta về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi nó đang bị thách thức, nhưng cả hai nước đều cùng nhau thẳng thắn đấu tranh cho trật tự đó”. Như ngồi trên “núi lửa” tiếp khách Trong những ngày Ngoại trưởng Blinken ở Hà Nội, giới quan sát ít nhận ra sức nóng như “núi lửa” tỏa ra do sự bất an cả ngoại giao lẫn nội trị của chủ nhà. Về nội trị, bốn lãnh đạo trong “Bộ tứ” thường đứng ra tiếp các quốc khách trong những dịp như thế này. Nhưng với ông Blinken, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã không xuất hiện. Trong trường hợp này, Việt Nam không bao giờ đưa ra lời giải thích chính thức, nhưng sự bất bình thường ấy không thể che dấu những biến sự trên thượng tầng Ba Đình. Cuộc đấu đá nội bộ trong những tuần sắp đến (có tin là trong tháng Năm tới) khiến cho cả ông Trọng lẫn ông Chính không thể ăn nói một cách tự tin, đề cập tới một tầm nhìn dài hạn về nội trị Việt Nam trước các chính khách Hoa Kỳ. Những lãnh đạo được cho là cao nhất trên thượng tầng không chỉ phải dè chừng lẫn nhau khi tiếp xúc với các khách quốc tế, ở đây là với Hoa Kỳ, mà họ còn phải đề phòng bị Trung Quốc “đánh tụt điểm”. Cho nên Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò tích cực góp phần nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một tập hợp lực lượng của Hoa Kỳ chống Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì lại tránh đề cập đến cái không gian chiến lược rất nhạy cảm ấy đối với ĐCSTQ. Chính quyền Biden công khai tuyên bố, việc thắt chặt quan hệ với Việt Nam là một phần trọng tâm trong chiến lược Indo-Pacific của Mỹ, bên cạnh việc hiện đại hóa liên minh với Philippines, củng cố quan hệ với Singapore và Indonesia. Theo các chuyên gia, chính do mối quan hệ phức tạp giữa Việt Nam với Trung Quốc, việc nâng cấp với Washington vẫn là vấn đề “nóng” với Hà Nội. Trong chuyến công du lần này của ông Blinken, Việt Nam vẫn chưa “chốt” câu trả lời là do những tính toán về lợi và hại của động thái này. Washington cần phải chứng tỏ rằng, họ cam kết với mối quan hệ và sẽ mang lại những kết quả rõ ràng để vượt qua bất kỳ trở ngại kinh tế và ngoại giao nào mà Việt Nam sẽ phải đối mặt từ Trung Quốc. Cho dù các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố rằng, các mối quan hệ song phương nên được nâng cấp, nhưng ý tưởng này chưa bao giờ được thực thi, một phần do Việt Nam lo ngại rằng điều đó có thể bị Bắc Kinh hiểu là thù địch với Trung Quốc. Chưa nói, động thái của Việt Nam hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược có thể gây khó chịu cho một vài nước khác nữa chứ không chỉ Trung Quốc. Một phần cộng đồng ASEAN, nhất là Lào và Campuchia, nay đang trong sức hút vào quỹ đạo của Bắc Kinh, chưa hẳn đã hồ hởi với sự nâng cấp này. Cho đến trưa 16/4, vẫn không thấy bất cứ một thông cáo báo chí nào về việc ông Blinken kết thúc thăm Việt Nam. Thay vào đó, cư dân mạng có thể đọc mấy dòng Tweet thật tình cảm của ông Ngoại trưởng: “Xin cảm ơn những người dân tuyệt vời của Việt Nam và chính quyền Việt Nam đã tổ chức chuyến thăm đầu tiên của tôi trên cương vị Bộ trưởng. Cam kết hơn bao giờ hết trong việc nâng cao Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam và cùng nhau hợp tác để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Điều này cho thấy, cả Hà Nội lẫn Washington đều kín tiếng về những thỏa thuận quan trọng nhất giữa Mỹ và Việt Nam, trước khi ông Blinken báo cáo cho Tổng thống./.  
......

Võ Nguyên Giáp một trường hợp về nghiên cứu tẩy não

Trần Trung Đạo   Giới thiệu: Trong bài viết ngắn “Điều cần nói nốt về Nguyễn Lân Thắng”, võ sư Châu Đoàn, ngoài việc ca ngợi Hồ Chí Minh như một nhà “tư tưởng dân chủ đều có tầm cao mà những người cộng sản thế hệ sau rất khó theo kịp”, còn nhắc đến một người khác là Võ Nguyên Giáp. Ông đặt câu hỏi cho người đọc “Tôi chỉ hỏi đơn giản một điều rằng, nếu bạn được sinh ra vào thời những bậc tiền bối cộng sản vào thời kỳ như ông Hồ, ông Giáp thì các bạn sẽ làm được điều gì?” Trong bài mới đăng “Nếu Việt Nam Không Có Đảng CS” tôi có phân tích con đường cứu nước không phải bắt đầu từ đảng CSVN và cũng không do đảng CSVN. Con đường đó bắt đầu từ Nguyễn Tri Phương,Hoàng Diệu, Trương Công Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Nguyễn Duy Hiệu, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám và vô số người Việt yêu nước khắp ba miền. Trước đảng CS cũng đã có nhiều đảng phái không cộng sản chiến đấu chống thực dân để xây dựng một chế độ Cộng Hòa. Dù sao, tôi mượn câu văn đó như một lý do để đăng bài viết khá dài này về họ Võ trong loạt bài “bàn về tẩy não”. Mời anh chị em và các cháu đọc để biết dù chiến tranh đã chấm dứt mấy mươi năm, đảng vẫn còn vận dụng thành công lòng yêu nước mù quáng và bịnh sùng bái cá nhân của khá đông người Việt: *** VÕ NGUYÊN GIÁP, MỘT TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU VỀ TẨY NÃO   Việt Nam có mấy ông Võ Nguyên Giáp?   Những người có chút kiến thức thời sự sẽ nhảy dựng lên phản đối “Một Võ Nguyên Giáp chứ làm gì có mấy ông, câu hỏi vớ vẩn”. Đúng ra, Việt Nam có hai ông Võ Nguyên Giáp. Một ông Võ Nguyên Giáp đã chết từ năm 1984 và một ông Võ Nguyên Giáp khác qua đời đầu tháng 10, 2013. Hai ông Võ Nguyên Giáp về thịt xương chỉ là một ông nhưng trong quan điểm của lãnh đạo CS lại là hai. Khi Võ Nguyên Giáp còn sống đảng xem như đã chết nhưng khi Võ Nguyên Giáp tắt thở đảng lại quyết định ông ta phải sống như một “anh hùng dân tộc”. Ngày ông Giáp qua đời, các trang mạng “lề dân”, các hãng tin quốc tế trong đó có BBC loan tin sớm nhất. Hai mươi bốn giờ đầu tiên, tờ Nhân Dân và cả Thông Tấn Xã Việt Nam, hai cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN không đưa tin ông Giáp từ trần.   Lý do? Bộ Chính trị cần phải họp để quyết định có nên cho phép ông Giáp chết chưa, chết như thế nào, chết ngày nào và an táng ra sao. Hơn một ngày sau, đảng quyết định Võ Nguyên Giáp “nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII…đã từ trần hồi 18 giờ 9 phút, ngày 4-10-2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.” Nguyên văn thông cáo chỉ dài một trang nhưng cố tình viết sót.   Thông thường trong cáo phó hay tiểu sử, chức vụ cuối cùng là chức vụ chính thức và các chức vụ khác trước đó được viết sau hay bỏ sót cũng không sao.   Chức vụ về mặt nhà nước cuối cùng trước khi nghỉ hưu của ông Giáp không phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam mà là Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ Có Kế hoạch chiếu theo quyết định bổ nhiệm số 58/HĐBT do Phạm Văn Đồng ký ngày 18 tháng 4 năm 1984. Khi đó ông đã rời chức Bộ Trưởng Quốc Phòng đến bốn năm. Một chức vụ cả thế giới đều biết mà đảng còn giấu được nói chi những chuyện khác. Việc xóa đi chức vụ lo phần sinh đẻ của ông Giáp là một cách thừa nhận chức vụ đó chẳng qua là vết chàm nhục nhã do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đóng lên trán của ông Giáp. Dù sao ông Võ Nguyên Giáp là một người may mắn. Khi còn sống ông có nằm mơ cũng không nghĩ mình được ca ngợi, vinh danh và thương tiếc nhiều đến thế. Ngoại trừ Hồ Chí Minh, những lãnh tụ CS cùng thế hệ không ai được ca ngợi như ông.   Việc chọn được an táng ở một nơi vắng vẻ thay vì nghĩa trang Mai Dịch cho thấy tâm trạng của Võ Nguyên Giáp là tâm trạng của kẻ thua cuộc và từ lâu đã bị bỏ rơi. Ngoài ra, chắc ông cũng cảm thấy khó chịu khi nghĩ đến việc phải nằm cạnh Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Trường Chinh. Nếu Võ Nguyên Giáp chết vào đầu thập niên 1980 khi Lê Duẩn còn sống hay khi Đỗ Mười làm tổng bí thư có lẽ cũng không hơn gì những sĩ quan cấp tướng khác như Lê Trọng Tấn (1914-1986), Hoàng Văn Thái (1915-1986). Trường Chinh so với Võ Nguyên Giáp còn cao hơn cả đảng tịch lẫn chức vụ nhưng khi chết cũng không được tổ chức đình đám hơn.   Dưới chế độ CS, khóc thương, nguyền rủa, ca ngợi hay phê bình kiểm thảo cũng đều có chủ trương, có chính sách chứ không phải là một tình cảm tự nhiên.   Tận diệt kẻ thù còn sống nhưng lợi dụng mọi ảnh hưởng có lợi của kẻ thù đã chết cũng là một trong những đặc điểm trong bộ máy cai trị CS khắp thế giới. Stalin khóc Sergey Kirov, Fidel Castro khóc Ernesto “Che” Guevara, Đặng Tiểu Bình khóc Mao Trạch Đông. Tình đồng chí trong giới lãnh đạo đảng CS chỉ có trong các điếu văn.   Cùng phát xuất một nguồn nên CSVN cũng chẳng tốt hơn Liên Xô, Trung Cộng. Ca tụng kẻ chết không gây tác hại gì. Xác chết không nghe được lời ca tụng, không nếm được mỹ vị cao lương, không sống trong các biệt thự có kẻ hầu người hạ, chỉ có đám độc tài đang thống trị đất nước mới thật sự là những kẻ hưởng thụ quyền lực, sống trong chiếc bóng những người đã chết. Họ đối xử nhau còn tệ hơn giới giang hồ đâm thuê chém mướn. Danh vọng và quyền lực làm mờ nhân tính trong con người họ. Lê Duẩn liên minh với Lê Đức Thọ để loại Võ Nguyên Giáp, rồi Lê Đức Thọ tính hại Lê Duẩn ngay cả khi y đang nằm trên giường bịnh vì không chịu viết di chúc truyền chức tổng bí thư. Đoàn Duy Thành kể trong hồi ký Làm người là khó, khi Lê Duẩn sắp chết con cái y còn lo cánh Lê Đức Thọ sẽ giết chết hết cả gia đình.   Nhưng tại sao lãnh đạo CSVN lại muốn Võ Nguyên Giáp tiếp tục sống như một “anh hùng dân tộc” trong giai đoạn này?   Lãnh đạo CSVN cố dựng lại tấm bình phong chính danh lịch sử. Như người viết đã trình bày trong bài Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Trong Tình Hình Mới trên talawas trước đây, một câu hỏi thường được đặt ra, tại sao các nước Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ mà Cộng Sản tại các nước Á châu như Trung Cộng, Việt Nam không sụp đổ. Mặc dầu mỗi nhà phân tích chính trị có thể giải thích nguyên nhân một cách khác nhau tùy theo góc độ họ đứng và mục đích nghiên cứu, đa số đã đồng ý rằng các nước Cộng Sản tại Á Châu có một điểm mà các nước Cộng Sản Đông Âu không có, đó là sự liên hệ lịch sử giữa dòng sống của đảng Cộng Sản và dòng sống của đất nước nơi đảng ra đời. Đảng Cộng Sản Trung Quốc được thành lập 1921 trong cuộc kháng chiến chống Nhật, đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời 1930 trong cuộc kháng chiến Pháp. Lãnh đạo Trung Cộng và CSVN đã vận dụng tối đa mối liên hệ này.   Tại Trung Cộng, Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo CS Trung Cộng biết rõ hơn ai hết, cây cột duy nhất có thể giữ chế độ CS khỏi sụp đổ là tính chính danh lãnh đạo của đảng CS. Giáo sư Peter Hays Gries, một chuyên gia về Trung Cộng, viết “Thiếu vắng tính hợp luật dựa theo thủ tục để bầu ra các chính phủ theo các nguyên tắc dân chủ, và đối phó với sự sụp đổ của hệ tư tưởng Cộng Sản, đảng Cộng Sản Trung Hoa gia tăng phụ thuộc vào các tiêu chuẩn dân tộc để cai trị đất nước.”   Lãnh đạo CSVN sao chép toàn bộ lý luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc kể cả việc lợi dụng mối liên hệ lịch sử ngắn ngủi giữa đảng CS và dân tộc để giải thích tính chính danh của đảng trong tương lai lâu dài của dân tộc. Đừng quên, trong thời điểm chống thực dân Pháp, không phải chỉ có đảng CS mà rất nhiều đảng, nhiều phong trào cách mạng khác ra đời từ nam đến bắc để cùng đánh đuổi thực dân. Tuy nhiên, không có một phong trào nào, một đảng phái nào trong cương lĩnh tự cho rằng vì họ đánh Pháp nên đảng của họ có đặc quyền lãnh đạo cách mạng, đặc quyền lãnh đạo đất nước, không chỉ hôm nay và mãi mãi về sau như đảng CSVN. Đó là lý luận của kẻ cướp nước.   Sau 38 năm cai trị, chưa bao giờ đảng CSVN bị phải đương đầu với nhiều khó khăn như hôm nay. Ngoài sự phân hóa nội bộ và một nền kinh tế suy sụp, những thành phần từng nhiệt tình ủng hộ đảng, chấp nhận chiến đấu dưới sự lãnh đạo của đảng đang lần lượt ra đi. Nhiều trong số đó đang công khai thách thức quyền cai trị của đảng. Hơn bao giờ hết, đảng cần sự ủng hộ của quần chúng, và muốn vậy, phải hâm nóng lại chiêu bài yêu nước. Võ Nguyên Giáp là những que củi cần thiết để đốt lên lò lửa “chống thực dân và đế quốc” đã nhiều năm nguội lạnh. Giới lãnh đạo CS dùng chiếc khăn chính danh lịch sử để bịt mắt nhân dân và đã nhiều lần chứng tỏ thành công. Giáo sư Archie Brown thuộc đại học Oxford, Anh, cho rằng sở dĩ các chế độ CS tại Việt Nam, Trung Cộng còn tồn tại vì khái niệm tình cảm dân tộc nhiều giai đoạn có lợi cho CS.   Lãnh đạo CSVN đánh giá đúng trình độ của các thành phần bị tẩy não.   Nếu so sánh Việt Nam, Trung Cộng và Bắc Hàn, Việt Nam còn quá nhiều người bị tẩy não, mê muội và lạc hậu hơn cả Trung Cộng và Bắc Hàn. Người dân Trung Hoa ít ra chứng tỏ cho thế giới thấy khát vọng dân chủ của họ qua biến cố Thiên An Môn với một triệu người vùng dậy chiếm cứ khuôn mặt của thủ đô Bắc Kinh suốt gần một tháng. Chế độ Cộng Sản tại Trung Hoa đang đi trên lưỡi dao cạo, chỉ cần mất thăng bằng, mất kiểm soát sẽ bị đứt chân và rơi xuống vực sâu. Khi dựng bức tượng Nữ Thần Tự Do làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh, các lãnh đạo của phong trào Thiên An Môn chọn dứt khoát một con đường, đó là con đường tự do dân chủ và không có một con đường nào khác.   Bắc Hàn chìm đắm trong tăm tối, hoàn toàn bị cô lập nhưng từ 1952 đến nay, mỗi năm vẫn có hàng ngàn người dân vượt thoát được khỏi địa ngục Bắc Hàn bằng những cách vô cùng nguy hiểm. Một người Bắc Hàn vượt biên bị bắt, nếu bị bắn ngay tại chỗ, là một may mắn. Không, phần lớn phải trải qua những trận tra tấn vô cùng dã man, bị bỏ đói dần dần cho đến khi thân thể chỉ còn máu và mủ. Hầu hết người bị bắt lại hay bị Trung Cộng trao trả về Bắc Hàn đều bị giết. Tuy nhiên, những người dân Bắc Hàn đó đã chứng tỏ khát vọng tự do là một quyền bẩm sinh trong mỗi con người từ khi mới chào đời, không ai ban cho và cũng không cần ai chỉ dạy. Harvard International Review phỏng vấn anh Ji Seong-ho, người đã vượt sáu ngàn dặm qua các nước Trung Cộng, Thái Lan, Lào và Đài Loan để tìm tự do năm 2006 và được anh cho biết chế độ CS Bắc Hàn đã đánh mất niềm tin trong lòng dân, và khi tôi còn ở đó người dân đã nghĩ đến sự thay đổi. Họ sợ thảo luận nơi công cộng nhưng trong riêng tư họ đã bàn đến. Áp bức vẫn tiếp tục, nhưng sự yêu chuộng cũng như uy tín của chế độ giảm nhiều.   Việt Nam thì khác. Để tồn tại, từ 1981 đến nay, giới lãnh đạo CS buộc phải hé cửa và tự diễn biến hòa bình qua các chính sách đổi mới kinh tế. Ánh sáng văn minh nhân loại theo những kẽ hở đó lọt vào. So với Bắc Hàn, người Việt Nam có nhiều điều kiện hơn để nhìn ra thế giới. Lẽ ra, người dân, nhất là thành phần trí thức, có cơ hội học hỏi, so sánh các chế độ chính trị, sở hữu một nhận thức chính trị và chọn lựa một lập trường chính trị phù hợp với xu hướng phát triển thời đại, nếu không công khai chống lại chế độ độc tài ít ra cũng biết tự trọng làm im. Khi còn sống, những lá thư của ông Võ Nguyên Giáp lên tiếng về chủ trương xây dựng Nhà Quốc Hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu hay ít nhất ba lần về Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên cũng bị ném vào sọt rác. Ngoại trừ một số rất nhỏ, không ai binh vực ông.   Thế nhưng, khi đảng cho phép tiếc thương, nhiều bồi bút tận dụng cơ hội để lập công, khẳng định sự trung thành và chứng tỏ mình luôn đi sát với lập trường, quan điểm của đảng. Trên mấy trăm tờ báo đảng, bấm vào là đọc một mẩu chuyện về “cuộc đời”, “sự nghiệp” và “chiến công” của Võ Nguyên Giáp. Đọc những bài thơ, bài văn tâng bốc Võ Nguyên Giáp mà cảm thấy tội nghiệp cho tiếng Việt. Những cây đinh tuyên truyền tẩy não lại tiếp tục đóng vào nhận thức của các thế hệ Việt Nam chẳng khác gì thời chiến tranh. Tang lễ của Võ Nguyên Giáp cho thấy nhiều người vẫn còn bị lừa gạt một cách quá dễ dàng và thành phần xu nịnh trong xã hội Việt Nam còn quá đông. Thì ra, dù nhân loại bắt đầu thám hiểm những vì sao xa nhiều triệu dặm, chiếc đồng hồ báo thức tại Việt Nam 60 năm vẫn chưa gõ lên một tiếng nào.   Như đã viết trong bài Bàn Về Tẩy Não, sau 38 năm, tầng lớp có học thức, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo không ít người vẫn còn nghĩ rằng nói gì thì nói đảng CS trong suốt dòng lịch sử của đảng đã đồng hành với dân tộc, nói gì thì nói chỉ có đảng CS mới có khả năng đưa đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu, nói gì thì nói đảng CS là đảng nắm trong tay ngọn cờ chính nghĩa, nói gì thì nói Việt Nam vẫn cần ổn định để phát triển và mọi thay đổi đột biến sẽ dẫn đến hỗn loạn; nói gì thì nói các lãnh tụ CS vẫn là những người yêu nước, những anh hùng dân tộc và xứng đáng được kính trọng khi họ sống và tôn thờ, tiếc thương, than khóc khi họ chết. Đảng không từ chối đã phạm nhiều sai lầm trong quá khứ nhưng đó là những sai lầm khách quan. Đảng không từ chối đang có nhiều tình trạng tiêu cực xã hội nhưng đó chỉ là hiện tượng không phải bản chất của chế độ. Từ những năm đầu ăn bo bo sau 1975 cho đến gần bốn chục năm, một học sinh cho đến các “tiến sĩ” cũng đều bị tẩy não bằng những lập luận như vậy qua các lớp chính trị.   Đảng biết rất rõ thành phần “nói gì thì nói” là ai và quá khứ xuất thân của từng người trong số họ. Họ yêu nước không? Có. Họ muốn đất nước Việt Nam giàu mạnh không? Có. Họ muốn xã hội Việt Nam trong sạch không? Có. Họ muốn điều kiện chính trị tại Việt Nam được nới rộng nhưng đảng CS vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước không? Cũng có luôn.   Nhà tâm lý học Michael Langone mô tả đó tình trạng tâm thần của những người đang trôi giữa hai bờ, bờ đúng và bờ sai, bờ thực và bờ ảo, bờ chánh và bờ tà. Họ thoạt trông như có tinh thần cách mạng nhưng trong thực tế là vật cản cho một cuộc cách mạng xã hội toàn diện và đắp đập để giữ cho cơ chế độc tài tồn tại lâu dài hơn.   Những nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ đó có bao giờ nửa khuya thức dậy pha một bình trà thật đậm, vừa uống và vừa tự hỏi những những nhận thức chính trị của mình từ đâu mà có? Những kiến thức về lịch sử của mình do ai cấy vào? Ông Võ Nguyên Giáp thực sự là nạn nhân hay cũng chỉ là kẻ sát nhân thất thế như nhiều lãnh đạo CS khác? Ông Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân tộc hay là một trong những người đưa đất nước vào vòng nghèo nàn, độc tài, lạc hậu hôm nay?   Nếu ông Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân tộc rồi ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng triệu đồng bào miền Nam từ 1954 đến 1975, chẳng lẽ những nạn nhân vô tội kia không phải là một bộ phận của dân tộc Việt Nam sao? Và cứ thế, hãy đặt ra những câu hỏi ngược với những khẳng định và kết luận mà đảng đã trang bị, không chỉ riêng về ông Võ Nguyên Giáp mà cả một giai đoạn lịch sử dài từ khi đảng CSVN có mặt. Phải biết hoài nghi, so sánh và đặt vấn đề một cách khách quan và độc lập để thấy những gì được gọi là “chân lý” và “sự thật” dưới chế độ CS chỉ là những bùa ngải tuyên truyền.   Các phương pháp giải tẩy não   Bác sĩ Robert J. Lifton là nhà nghiên cứu tiên phong về tẩy não dưới chế độ CS. Trong tác phẩm Cải Tạo Tư Tưởng Và Tâm Lý Học Về Chế Độ Toàn Trị: Một Nghiên Cứu Về “Tẩy Não” Tại Trung Cộng (Thought Reform and the Psychology of Totalism: A Study of “Brainwashing” in China) ông đã đưa ra 8 đặc điểm về cải tạo tư tưởng của CS: (1) Kiểm soát môi trường (Giới hạn tối đa sự liên lạc giữa nạn nhân và thế giới bên ngoài, giữa nạn nhân và xã hội chung quanh và cả giữa nạn nhân và chính nhận thức cũ của nạn nhân); (2) Vận dụng huyền bí (Vận dụng cá nhân bằng mọi cách và không giới hạn ở một phương tiện nào); (3) Đòi hỏi sự thuần khiết tuyệt đối (Một quá trình phấn đấu liên tục để đạt đến trình độ tự giác); (4) Tự thú công khai (Con người trong xã hội CS phải phô bày mọi suy nghĩ, quan tâm và lo âu một cách công khai, không có riêng tư về thể chất cũng như tinh thần); (5) Chủ thuyết là tuyệt đối đúng (Chủ thuyết CS được đảng lý luận như đồng nghĩa với khoa học và phê bình chủ thuyết CS chẳng những sai lầm về đạo đức mà còn vi phạm các nguyên tắc “khoa học”); 6) Khẩu hiệu chuyên chở ngôn ngữ (Những vấn đề phức tạp, khó hiểu và sâu xa nhất của con người được cô đọng thành những khẩu hiệu có sức cám dỗ cao, dễ giải thích, dễ hiểu và dễ nhớ); (7) Giá trị của chủ thuyết đặt cao hơn giá trị con người (Kinh nghiệm quá khứ của một người sẽ không giá trị gì nếu kinh nghiệm đó mâu thuẫn với chủ thuyết, lịch sử của dân tộc được viết lại, sửa đổi hay cắt xén để phù hợp với chủ thuyết); (8 ) Thành phần cần thiết và không cần thiết tồn tại trong xã hội (Có hai hạng người trong xã hội CS, một hạng thuộc giai cấp ưu việt gồm công nhân, nông dân, buôn bán lẻ có quyền tồn tại và thành phần khác gồm tư sản, địa chủ, phản động không cần phải tồn tại).   Các điểm mà Bác sĩ Robert J. Lifton trình bày về chính sách tẩy não tại Trung Cộng, đã và đang được áp dụng tại Việt Nam, cho thấy chính sách tẩy não CS vô cùng thâm độc, tận gốc rễ và có hệ thống tinh vi.   Chính Mikhail Gorbachev cũng gián tiếp thừa nhận mình từng bị tẩy não. Lần đầu tiên được đi ra nước ngoài vào những năm 1970, xã hội Tây phương đã giúp ông ta sáng mắt. Những chuyến đi trong thập niên 1980, trong tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, đã củng cố quyết tâm thực hiện các chính sách đổi mới sau này. Gorbachev kể lại, một lần, khi tháp tùng phái đoàn đảng CS Liên Xô tham dự tang lễ của lãnh đạo CS Ý Enrico Berlinguer, ông ta ngạc nhiên khi thấy hầu hết các chính trị gia thuộc các đảng dân chủ kể cả Tổng thống Ý Alessandro Pertini cũng đến cúi chào tiễn biệt trước quan tài của Enrico Berlinguer. Đảng CS Ý trong thập niên 1980 đóng vai trò tích cực trong đời sống chính trị Ý và có hậu thuẫn rộng lớn trong quần chúng. Gorbachev thán phục tính đa nguyên và cách cư xử văn hóa trong chính trị Tây phương. Ông nghĩ điều đó không thể nào xảy ra với chủ thuyết CS mà ông được đào tạo.   Nhiều người Việt Nam tự hào học cao, hiểu rộng, đọc nhiều sách Anh, sách Mỹ, du học tại các trường đại học nước ngoài, nghĩ rằng mình không bị tẩy não. Không phải. Quan điểm lịch sử và nhận thức chính trị của họ bị tẩy từ trong bào thai cho đến tuổi trưởng thành để chấp nhận những kết luận phản khoa học như là chân lý. Áp dụng ví dụ của Yuri Alexandrovich Bezmenov trong bài trước vào điều kiện Việt Nam, dù có mang những người này ra tận các “trại cải tạo” Suối Máu, Cổng Trời và chỉ họ những nơi CS đã bỏ tù hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức VNCH chưa hẳn họ tin cho đến khi chính họ bị nhốt vào trong các thùng sắt, bỏ đói và chịu rét, lúc đó họ mới tin.   Giải tẩy não   Tiến trình giải tẩy não vì thế là một tiến trình hết sức khó khăn và chỉ có thể thành công nếu nạn nhân can đảm đối diện với sự thật, thừa nhận tình trạng bị tẩy não và giải tẩy não liên tục. Can đảm đối diện với sự thật Mọi hành trình bắt đầu từ chính con người. Nếu những người bị tẩy não còn đủ khôn ngoan để hiểu rằng những kiến thức mình đang có là kiến thức một chiều, là thuốc độc được nhỏ từng giọt vào nhận thức và thấm dần qua thời gian, từ thuở còn thơ cất tiếng đầu đời cho đến trường mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, trường đoàn, trường đảng, hãy đem những kiến thức đó trả lại cho chủ nhân của chúng. Không nên tự kết án vì người bị tẩy não chỉ là nạn nhân chứ không phải là kẻ gây ra tội ác. Hàng ngàn người khóc vật vã trên đường phố trong tang lễ của ông Võ Nguyên Giáp không quan trọng vì ngày mai đảng bảo cười họ cũng sẽ cười, nhưng các nhà văn, nhà thơ, nhà báo thì khác. Họ là những tiếng nói gây ảnh hưởng và được ví như là những phát ngôn nhân của thế hệ và thời đại. Không nên tiếp tục bị nô lệ tri thức. Nô lệ vật chất chỉ thiệt hại bản thân nhưng nô lệ tri thức thiệt hại cho những người chung quanh, người đọc và nhiều thế hệ con cháu sau này. Hãy nhổ mũi tên độc ra khỏi vết thương và tiếp tục cuộc hành trình xây dựng một nhận thức mới, độc lập, khách quan và tự do. Thừa nhận tình trạng bị tẩy não   Con người thường bất đồng với những điều nghịch lý nhưng khó chống lại những điều rất hiển nhiên và hợp lý. Người bị tẩy não thường không thừa nhận bị tẩy não và luôn sống trong tình trạng từ chối. Tuyên truyền tẩy não CS không kê súng vô đầu một người để buộc người đó phải tin nhưng thuyết phục bằng một lý luận rất hợp với nhân tính. Những tù binh Mỹ bị bắt trong chiến tranh Triều Tiên không bị tra tấn về thể xác và không bị kết án giết người. Các cán bộ tuyên truyền Trung Cộng xác định họ là những người tốt, chỉ vì phải có mặt tại Triều Tiên trong một thời điểm sai để làm một công việc trái với đạo lý con người do chính phủ Mỹ chủ trương. Người tù binh cũng là “nạn nhân” như những người dân Triều Tiên vô tội bị bom đạn Mỹ giết chết. Người tù binh được tiếp đãi tử tế, được cấp các tiêu chuẩn ăn uống cao hơn những tù binh khác. Sau đó, anh ta được có trao cơ hội để giải phóng khỏi niềm tin cũ và xây dựng một niềm tin mới. Giải tẩy não là một tiến trình liên tục   Tẩy não dưới chế độ CS nhằm thay đổi tận gốc rễ, diễn ra có hệ thống và tập trung vào mục đích thuần hóa con người. “Trăm năm trồng người” là mục tiêu đầu tiên và tối hậu của đảng CS. Tuyên truyền CS diễn ra như sóng vỗ vào bờ, hết đợt này đến đợt khác. Khác với các tù bình Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên bị tẩy não trong một giai đoạn ngắn, phần lớn sau khi khi về lại nhà, thay đổi môi trường giáo dục, thông tin và tình cảm, họ nhanh chóng trở lại bình thường. Những người sống ngay giữa lòng chế độ, việc giải tẩy não khó hơn nhiều. Họ phải chiến đấu liên tục về mặt tư tưởng để chống lại các thông tin tẩy não bằng mọi hình thức và trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Chống lại chính sách tẩy não là một nỗ lực vô cùng khó khăn, đòi hỏi ý chí quyết tâm cao và tinh thần bền bỉ.   Sự thật sẽ thắng Để trả lời câu hỏi tại sao Liên Xô sụp đổ, người viết tin rằng phần lớn người có kiến thức chính trị căn bản sẽ nghĩ ngay đến vai trò của cựu Tổng bí thư đảng CS Liên Xô Mikhail Gorbachev, người đã đưa ra hai chính sách quan trọng Perestroika (cải cách kinh tế) và Glasnost (cải cách văn hóa xã hội); một số người khác sẽ nghĩ đến vai trò của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người đã tăng cường chạy đua vũ trang đến mức làm nền kinh tế Liên Xô kiệt quệ; một số có thể nghĩ đến vai trò của Đức Giáo Hoàng John Paul II, người với câu nói “Các con đừng sợ hãi” đã là chỗ dựa tinh thần của phong trào Công Nhân Đoàn Kết Ba Lan và phong trào dân chủ tại các nước Đông Âu; một số có thể nghĩ đến cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người “phụ nữ sắt” như báo chí Liên Xô mô tả và đã được tác giả John O’Sullivan xem như là một trong ba người (Roldnald Reagan và Đức Giáo Hoàng John Paul II) đã góp phần quan trọng vào việc làm sụp đổ phong trào CS châu Âu.   Tất cả những người nêu trên thật sự đã có đóng góp quan trọng vào việc làm tan rã hệ thống CS. Tuy nhiên, họ chỉ là những giọt nước tràn ly và ly nước không thể tràn bằng vài giọt nước. Lý do chính làm tan vỡ các chế độ CS châu Âu phát xuất từ chỗ nhân dân các nước Đông Âu và Liên Xô đã vượt qua được căn bịnh tẩy não. Các chính sách tuyên truyền tẩy não từ thời Lenin, Stalin đã không còn hiệu quả, không thuyết phục và cũng không làm người dân sợ hãi, không còn ai kể cả các lãnh đạo đảng tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng Sản. Một khi chính sách tuyên truyền không tác dụng, chế độ độc tài sẽ sụp đổ.   Như một định luật của phát triển xã hội, ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh. Khát vọng tự do trong con người chưa bao giờ chết dù giữa mùa đông tuyết giá trong các trại tập trung Siberia hay trên đường phố Budapest ngập máu trong tuần lễ từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 11, 1956. Sau hơn 70 năm đối kháng trong âm thầm nhẫn nhục giữa lừa dối và chân thành, giữa bạo lực trấn áp và khát vọng tự do, giữa độc tài và dân chủ, giữa cổ võ chiến tranh và yêu chuộng hòa bình, giữa hận thù và tình yêu, cuối cùng, sự thật đã thắng tại châu Âu và sẽ thắng ở Việt Nam.   George Orwell đã viết “Trong thời đại lừa dối, nói lên sự thật là một hành động cách mạng”, hơn bao giờ hết, Việt Nam đang cần những con người làm cách mạng bằng cách sống thật và nói thật.   Trần Trung Đạo  
......

Việt Nam đón Blinken: Có bước ngoặt nào trong quan hệ hay không?

Trần Hưng Đạo (RFA) Một Thông cáo báo chí, hoặc từ Washington hay từ Hà Nội, mà cũng có thể từ cả hai thủ đô sẽ được tung ra vào ngày 16/4. Lúc bấy giờ, giới phân tích và bình luận đủ cỡ, sẽ biết rõ hay chỉ mới dự đoán xem, có bước ngoặt nào trong quan hệ Việt – Mỹ hay không? ___________ Bối cảnh “khét lẹt” của chuyến thăm Là nói bối cảnh “tiền xung đột” của bang giao Trung – Mỹ trước thời thời điểm Blinken đến Hà Nội. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13/4 đã công bố lệnh trừng phạt Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ Michael McCaul, vì đã đến thăm Đài Loan, cho rằng, ông McCaul đã phát đi “tín hiệu sai lầm nghiêm trọng tới các thế lực ly khai đòi độc lập cho Đài Loan” (1). Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc tiếp tục “huấn luyện chiến đấu thực tế” xung quanh Đài Loan hôm thứ ba 11/4. Truyền thông Bắc Kinh cho biết như vậy, một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố kết thúc tập trận và cũng là lúc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chỉ trích Trung Quốc về hành vi “vô trách nhiệm”. Trung Quốc bắt đầu tập trận hôm 8/4 khi bà Thái trở về Đài Bắc sau cuộc gặp ở Los Angeles với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy. Mặc dù Trung Quốc cho hay vào tối 10/4 rằng, cuộc tập trận đã kết thúc, truyền hình nhà nước vẫn nói về việc một số tàu chiến “tiếp tục thực hiện huấn luyện chiến đấu thực tế ở vùng biển xung quanh Đài Loan để kiểm tra khả năng tổ chức và chỉ huy các cấp cũng như hiệu quả chiến đấu của vũ khí, khí tài” (2). Tuy nhiên, giới phân tích vẫn coi những hành động nói trên chỉ là những “đòn gió”. Thời điểm hiện nay, đặc biệt là khi cao điểm cuộc chiến tranh xâm lược của Putin ở Ukraine đang vào hồi bế tắc, Trung Quốc sẽ suy tính kỹ hai ba lần trước khi động thủ đối với Đài Bắc. Sau khi Trung Quốc tuyên bố kết thúc tập trận quanh đảo Đài Loan, Mỹ và Philippines lại khởi động cuộc tập trận chung lớn nhất của hai nước trong vòng 30 năm qua. Theo Bloomberg, cuộc tập trận “Balikatan” của quân đội Mỹ và Philippines, bắt đầu hôm 11/4, sẽ tập trung phát triển những chiến dịch kiểm soát an ninh hàng hải và đổ bộ, đồng thời bao gồm các cuộc huấn luyện bắn đạn thật. Đại sứ quán Mỹ ở Manila cho biết với sự tham gia của hơn 17.600 thành viên thuộc lực lượng vũ trang hai nước, cuộc tập trận Balikatan năm nay có quy mô lớn gấp đôi so với năm 2022. Quy mô của cuộc tập trận nói trên cũng thể hiện nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục quan hệ với Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Cùng thời điểm diễn ra cuộc tập trận, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp Philippines tại thủ đô Washington nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (3). Động năng mới của Mỹ ở khu vực Tổng thống Joe Biden đã tìm cách điều chỉnh lại sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và khôi phục mối quan hệ với Philippines kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức vào năm ngoái. Mặc dù Trung Quốc không được đề cập cụ thể khi công bố thỏa thuận mới, nhưng cả hai nước đều lo lắng về các yêu sách ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh đối với một vùng rộng lớn ở Biển Đông, bao gồm các đảo và rạn san hô mà Manila coi là của mình. Các tàu Trung Quốc thường xuyên bám theo các tàu cá Philippines, thường xuyên chặn và buộc họ phải chuyển hướng ra khỏi các khu vực tranh chấp. Tổng thống Marcos từng nêu vấn đề trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu năm nay. Trong khi đó, Tổng thống Biden đã tăng cường sự đảm bảo của Hoa Kỳ để bảo vệ cả Philippines lẫn Đài Loan. Hoa Kỳ đã xác nhận sẽ chuyển hàng ngàn Thủy quân lục chiến có trụ sở tại Nhật Bản đến một căn cứ vừa được kích hoạt lại trên đảo Guam. Động thái trực chỉ này cũng được coi là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm phân tán các lực lượng của Mỹ để giúp nước này đối phó tốt hơn với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng (4). Trung Quốc “nhắc nhở” Việt Nam Trước thời điểm chuyên cơ của Ngoại trưởng Mỹ đáp xuống sân bay Nội bài tối 14/4 (giờ Hà Nội), “Hoàn cầu thời báo” – anh em sinh đôi của tờ “Nhân Dân Nhật Báo” (Cơ quan Ngôn luận của ĐCSTQ) – đã có bài phân tích với đầu đề vòng vo: “Blinken’s reported Vietnam visit ‘will not affect Hanoi’s overall strategy due to inherent and structural concerns” (Chuyến thăm Việt Nam được loan báo của Blinken sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược tổng thể của Hà Nội bởi những quan ngại cố hữu và mang tính cấu trúc). Đưa con ngáo ộp “diễn biến hòa bình” của Mỹ ra dọa chán hàng thập kỷ, nay Trung Quốc lại chuyển sang lá bùa mới để “trù úm” Hà Nội. Điều mà báo Đảng Trung Quốc la lối về “nỗi lo cố hữu và mang tình cấu trúc” của Hà Nội, thực chất là muốn khoét sâu vết thương của cuộc xung đột mà Mỹ gọi là “chiến tranh Việt Nam”, còn Hà Nội thì cho đó là “cuộc chống Mỹ cứu nước” (5). Trước đó, dường như lo sợ các quan chức Việt Nam quên mất cam kết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh cuối năm ngoái, nên trong các cuộc điện đàm giữa tân Thủ tướng Lý Cường và tân Ngoại trưởng Tần Cương với Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngày 4/4) và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn (ngày 28/3), các bên đều đồng thanh ca bài ca “đi cùng năm tháng” về “tình hữu nghị truyền thống ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’ do Hồ Chủ tịch và Mao Chủ tịch đích thân gây dựng và dày công vun đắp” (6).  Hy vọng lần này, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội Hùng Ba sẽ không “lao ra chặn xe” của các quan chức Việt Nam tối 14/4 khi họ trên đường lên phi trường quốc tế Nội Bài đón Blinken. Nhiều khả năng ông Hùng Ba sẽ không “diễn lại” màn kịch “chặn xe” Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi ông Chính chuẩn bị ra sân bay đón bà Phó Tổng thống Kamala Harris tháng 8/2021. Một lần đạt kỷ lục Guinness về Ngoại giao quốc tế như thế là quá đủ cho cả Trung Quốc lẫn Việt Nam! (7) Liệu chuyến thăm có là bước ngoặt? Cách đây vài giờ đồng hồ, Văn phòng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra một công bố (Fact Shee)”: “The United States – Vietnam Relationship: Celebrating 10 Years of Comprehensive Partnership and 28 Years of Diplomatic Relations” (Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam: Kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện và 28 Năm Quan hệ Ngoại giao). Theo đó, năm nay là thời điểm kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam do hai Tổng thống lúc bấy giờ là Obama và Trương Tấn Sang khởi xướng vào năm 2013. Nhân dịp này, chúng tôi mong muốn mở rộng quan hệ đối tác trong những năm tới. Được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng và mong muốn chung để vượt qua những di sản chiến tranh, quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển nhanh chóng kể từ khi quan hệ song phương được thiết lập vào năm 1995. Mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, giao lưu nhân dân: quan hệ con người, khoa học và công nghệ, y tế, khí hậu, năng lượng, giáo dục, nhân quyền, v.v. Việt Nam và Hoa Kỳ là những đối tác mạnh mẽ và đang phát triển, cùng chia sẻ mục tiêu về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở, kết nối, thịnh vượng, tự cường và hòa bình (8). Xin nhớ cho, nội hàm “khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở, kết nối, thịnh vượng, tự cường và hòa bình” cho mãi đến gần đây vẫn là điều húy kỵ trong từ điển ngoại giao của Hà Nội. Vì từ khái niệm một “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP), Trung Quốc rất dễ suy ra Việt Nam có thể đang bị thu hút vào các kết nối tiểu đa phương như QUAD (Bộ Tứ) hay AUKUS (một liên kết tiểu đa phương khác giữa Mỹ, Anh và Úc). Thật ra Trung Quốc quá lo xa. Chừng nào Việt, Mỹ chưa chính thức công bố nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược” thì cho đến khi đó, những kết nối với các tiểu đa phương trong khu vực còn là câu chuyện “đường xa sau này”. Ngày 16/4, chuyên cơ của Ngoại trưởng Blinken sẽ rời Hà Nội, trực chỉ tới Karuizawa (Nhật Bản) để tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 và thảo luận với những người đồng cấp về phương hướng cho một loạt vấn đề toàn cầu. Sau khi chuyển thông điệp của Tổng thống Biden cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Blinken sẽ mang trả lời của ông Trọng gửi ông Biden. Một Thông cáo báo chí, hoặc từ Washington hay từ Hà Nội, mà cũng có thể từ cả hai thủ đô sẽ được tung ra dịp ấy. Lúc bấy giờ giới phân tích và bình luận đủ cỡ, từ những “Thông tấn xã Vỉa hè” đến các hãng tin lớn của quốc tế sẽ tha hồ mổ sẻ, xem kịch bản nào sẽ diễn ra trong bang giao Việt – Mỹ trong những tuần tới, tháng tới của năm 2023 này? Ông Biden thăm Hà Nội tháng 5 hay ông Trọng sẽ vượt Đại Tây Dương qua Mỹ…? (9) ___________ Tham khảo: https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-trung-phat-mccaul/7048764.html https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-huan-luyen-sau-tap-tran/7045557.html https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-03-19/us-philippines-to-hold-military-drills-from-april-11-star-says#xj4y7vzkg https://www.washingtonpost.com/business/energy/2023/04/11/why-marcos-is-inviting-the-us-military-back-to-the-philippines/074f0e02-d86d-11ed-aebd-3fd2ac4c460a_story.html https://www.globaltimes.cn/page/202304/1288748.shtml https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-dien-dam-voi-thu-tuong-trung-quoc-ly-cuong-102230404170019943.htm https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/old-story-on-the-occasion-of-harris-trip-08252021105746.html https://www.state.gov/the-united-states-vietnam-relationship-celebrating-10-years-of-comprehensive-partnership-and-28-years-of-diplomatic-relations/ 9. https://www.voatiengviet.com/a/ba-kich-ban-nong-cua-bang-giao-viet-my-vao-tuan-toi-thang-toi/7046998.html  
......

Pages