Vừa Hồng Vừa Chuyên Là Giáo Điều Lạc Hậu
07.09.2019
Phạm Trần - huynhngocchenh.blogspot
Phạm Trần - huynhngocchenh.blogspot|
Với bản lĩnh giáo điều, bảo thủ và cực đoan ngoại hạng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng sản Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo đầu tiên công khai chính trị hóa giáo dục để “nhuộm đỏ” thầy cô, học sinh và sinh viên.
Bằng chứng được phơi bầy trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020.
Ông Trọng đã yêu cầu :”Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên.” (theo Thông tấn xã Việt Nam,TTXVN, ngày 01/09/2019)
Tuy ông không nói ra, nhưng ai cũng biết điều gọi là “truyền thống lịch sử” bao giờ cũng phải ưu tiên ca tụng vai trò giữ nước và dựng nước của đảng CSVN và người thành lập đảng là ông Hồ Chí Minh. Ngược lại, mặt trái của “truyền thống” ấy, bao gồm cả những sai lầm và hệ lụy của 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng CSVN chủ động lại chưa bao giờ được ghi trong sách sử Việt Nam Cộng sản.
Vì vậy cả thầy, cô, học sinh và sinh viên qua nhiều thế hệ đã bị đánh lừa bởi thứ lịch sử một chiều do đảng dựng lên.
Do đó, khi ông Trọng đòi phải giáo dục cả “lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên” là ông muốn tẩy não cả một thế hệ bằng mớ giáo điều Cộng sản để làm cách mạng và xây dựng đất nước dựa trên Chủ nghĩa Mác-Lenin.
Nhưng ông Trọng lại làm như không biết rằng tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản cho học sinh, từ tiểu học đền lớp 12 là hành động giáo điều, bảo thủ và đầu độc tuổi trẻ. Ông tưởng rằng, càng nhồi sọ sớm bao nhiêu thì càng dễ uốn nắn thiếu niên đi theo lề đảng chăng ?
Không những ông sai mà cả hệ thống giáo dục của đảng cũng sai nên mới có chuyện học sinh, sinh viên Việt Nam không muốn học môn lịch sử vì nội dung thiếu trung thực và đầy rẫy tuyên truyền, khi nào cũng “ta thắng địch thua”.
Ông Nguyễn Phú Trọng còn viết trong thư:”Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”.
Nhưng “giữ vững bản lĩnh chính trị” là “chính trị” gì ? Có phải ông đòi mọi người phải tuyệt đối trung thành với Đảng và kiên định Chủ nghĩa Mac-Lenin và tư tường Cộng sản Hồ Chí Minh như quy định trong Cương lĩnh đảng ? Hay ông còn muốn răn đe không được quan liêu, suy thoái đạo đức, tham nhũng, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” như ông từng ra rả với cán bộ, đảng viên trong 2 năm qua ?
Đối với học sinh, sinh viên, ông Nguyễn Phú Trọng ngỏ ý:” Mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Tại sao cho đến bây giờ, khi Thanh, thiếu niên thế giới đã ăn sâu, bám rễ với nền khoa học điện tử thay đổi từng giây mà ông Trọng vẫn còn âm u trong cõi vừa “hồng”, vừa “chuyên” với tuổi trẻ Việt Nam ? Chẳng lẽ ông lại muốn xiềng xích chân tay họ để ông mặc sức độc tài ở tuổi 75 thời “đổi mới” ?
TRẦN ĐẠI QUANG-TRƯƠNG TẤN SANG
Vậy ta thử so sánh những lời “đao búa” của ông Trọng với vài bức thư gửi thầy cô, học sinh và sinh viên của hai Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Trương Tấn Sang xem khác nhau ở chỗ nào ?
Trong thư phổ biến ngày 31 tháng 8 năm 2018, Chủ tịch Trần Đại Quang viết những điều phi chính trị rằng :”Bước vào năm học mới, ngành Giáo dục cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. Tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, có giải pháp khắc phục hiệu quả những thiếu sót, hạn chế, đưa nền giáo dục nước ta phát triển vững chắc. Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Quan tâm hơn nữa con em các đối tượng chính sách, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi người dân.”
Kết luận, ông Quang tâm tình:”Tôi mong các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để mai sau cống hiến cho nước nhà.”
Ông Trần Đại Quang đã đột ngột qua đời ngày 21/09/2018.
Trong khi đó, trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2015 – 2016, ông Trương Tấn Sang đã viết như cảm ơn:” Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, các thầy giáo, cô giáo, nhất là các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đã vượt lên mọi khó khăn, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo, có những đóng góp thầm lặng nhưng hết sức to lớn cho đất nước. Tôi mong các thầy giáo, cô giáo tiếp tục cố gắng, có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp “Trồng người” cao cả, hết sức vẻ vang.”
Đối với học sinh và sinh viên, ông Sang bắt đầu:”
Các em học sinh, sinh viên yêu quý!
Các em là những chủ nhân tương lai của đất nước, những người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Tôi mong các em tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta, noi gương các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt và rèn luyện tốt để mai này lập thân, lập nghiệp, trưởng thành, góp phần đưa đất nước ta sánh vai với bè bạn năm châu.”
Tuyệt nhiên, không thấy hai Chủ tịch nước này viết điều gì “nổ” như ông Trọng.
NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY
Vậy học sinh, sinh viên và lớp Thanh niên, Thiếu nữ đoàn viên của Tổ chức Thnh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thành phần được gọi là “đội dự bị tin cậy của Đảng” đã làm nên cơm cháo gì theo trông đợi của đảng ?
Trong bài viết trên Tạp chí Cộng sản, cơ quan ý luận của Đảng, Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, Bí thư thứ nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCSHCM) đã kiểm điểm thành tích sau 10 năm thức hiện “Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/07/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X” về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.”
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, theo Lê Quốc Phong, vẫn còn hạn chế, đó là:
-Việc học tập, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, triển khai học tập 6 bài học lý luận chính trị vẫn chưa đồng bộ, chưa có nhiều giải pháp sáng tạo.
-Công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao. Công tác dự báo và nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng cho thanh niên ở nhiều nơi chưa kịp thời; việc xử lý các vấn đề nổi cộm phát sinh trong thanh niên còn lúng túng.
-Hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn đôi lúc còn chạy theo thị hiếu, phản ánh tiêu cực mà chưa quan tâm định hướng, giáo dục thế hệ trẻ, giới thiệu gương người tốt, việc tốt.
-Việc tổ chức phong trào hành động cách mạng tại một số cấp bộ đoàn còn có biểu hiện dàn trải, hình thức, thiếu kiên trì, thiếu hấp dẫn, mới chỉ thu hút một bộ phận thanh niên tích cực tham gia, kết quả thiếu tính bền vững. Hiệu quả triển khai một số phong trào thi đua không rõ nét, thiếu tính thường xuyên. Chất lượng, hiệu quả công tác giới thiệu việc làm cho thanh niên chưa cao.
Tổ chức cơ sở đoàn ở một số nơi chưa quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng kết nạp đoàn viên. Công tác quản lý đoàn viên còn lỏng lẻo. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức và đoàn kết, tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước chuyển biến chậm.
Vẫn còn một bộ phận thanh niên thiếu ý chí phấn đấu, có biểu hiện tiêu cực về đạo đức, lối sống. Một bộ phận thanh niên yếu thế về cơ hội phát triển. Tình hình vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội trong thanh niên diễn biến phức tạp.
Trước đó, vào ngày 23/01/2016, tại phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XII,người tiền nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nói thẳng:” Cần thẳng thắn thừa nhận, công tác giáo dục thanh thiếu nhi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, nguy cơ "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp rất đáng lo ngại. Những yếu tố đó tác động mạnh mẽ đến thanh thiếu niên và đặt ra yêu cầu cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.”
XÔI HỎNG BỎNG KHÔNG
Trong khi đó, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống (LTCMĐĐLS) cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, do Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức tại Hà Nội ngày 27/12/2018, nhiều thất bại cũng đã được công khai.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh tại Hội nghị: “Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 1501, công tác giáo dục LTCMĐĐLS cho thanh thiếu niên nhi đồng vẫn còn nhiều hạn chế bất cập: Một bộ phận thanh thiếu niên thiếu bản lĩnh dễ bị lôi kéo, tham gia tệ nạn xã hội. Một số thanh thiếu niên thiếu động cơ học tập rèn luyện đúng đắn. Bạo lực học đường diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Sử dụng mạng xã hội chưa đúng mục đích và công tác truyền thông chưa đạt hiệu quả mong muốn...”
Báo cáo tại Hội nghị cũng cho biết:”Trong khi đó, nhiều sinh viên dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng Internet, games online, mạng xã hội nên ngại tham gia hoạt động đoàn thể, hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Việc áp dụng học chế tín chỉ ở cơ sở đào tạo nên không còn mô hình lớp niên chế (có sĩ số ổn định) nên sinh hoạt Chi đoàn theo lớp gặp khó khăn, nhiều sinh viên lơ là sinh hoạt Đoàn, gây khó khăn trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống ở một số trường.”
Chỉ ra một số nguyên nhân, Bộ GD&ĐT lý giải: “Sự phát triển của nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế kéo theo những mặt trái đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, lối sống của thanh thiếu niên, HSSV, tạo ra nhiều nguy cơ, thách thức đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Việc kiểm soát, ngăn chặn những tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị của thanh thiếu niên, HSSV, đặc biệt là trên Internet, mạng xã hội rất khó khăn. Đời sống vật chất và tinh thần của thanh thiếu niên, HSSV vẫn còn thiếu thốn…”
Như vậy, điều mà ông Nguyễn Phú Trọng từng cảnh giác nhiều lần rằng tình trạng “nhạt Đảng, khô đoàn, xa rời chính trị” trong giới Thanh niên cần phải được ngăn chặn đã như cơn mưa lũ vỡ bờ.
Do đó, không ai ngạc nhiên khi nghe ông báo động tại Hà Nội ngày 11/12/2017 rằng :”Hiện vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng.”
Sở dĩ hàng hàng, lớp lớp Thanh niên đã “phai nhạt lý tưởng cách mạng” vì cuộc cách mạng của đảng đã, đang và chỉ để cho đảng viên, nhất là những kẻ có chức và có quyền, có sân chơi để tranh giành quyền lợi và địa vị.
Bằng chứng đã cho thấy càng “hồng” và càng “chuyên” bao nhiêu thì hủ bại tham nhũng, mua quan bán tước, lợi ích nhóm, kèn cựa, cấu xé lẫn nhau, tranh giành quyền lợi càng đẻ ra như dòi bọ làm cho người dân đã nghèo càng nghèo thêm và đất nước đã tụt hậu cảng lạc hậu hơn. -/-
Phạm Trần
(09/019)
......
⤑