Tình thế buộc ông Putin phải sớm kết thúc chiến tranh
14.03.2022
Ts Nguyễn Ngọc Chu - Fb Nguyen Ngoc Chu
Nguyen Ngoc Chu
1. NHỜ SỰ GIÚP ĐỠ QUÂN SỰ CỦA TRUNG QUỐC LÀ TÌNH THẾ RẤT KHÓ CỦA ÔNG PUTIN
Việc Nga phải tuyển mộ lính đánh thuê từ Syria và Trung đông đã nói lên tổn thất nặng nề của quân Nga và nỗi khó của ông Putin.
200.000 quân chủ lực cùng với toàn bộ vũ khí đã được tung hết vào chiến tranh Nga – Ukraine, trong đó bao gồm lực lượng tinh nhuệ và kinh nghiệm nhất của Nga, từng trải qua chiến tranh Chesnia, Grudia, Syria, Donbass và Crimea. Ngoại trừ lực lượng hạt nhân, lực lượng của Nga tham chiến tại Ukraine thực chất đã chiếm không dưới 1/3 lực lượng quân sự thực chiến của Nga. Nga có 850.000 quân thường trực, bố trí trên toàn lãnh thổ hơn 17 triệu km2 và trên 5 hạm đội. Nga không thể huy động hết các quân số từ các quân khu khác. Có huy động thì cũng không có hiệu quả vì là lính nghĩa vụ bắt buộc không có kinh nghiệm, càng không có tinh thần chiến đấu. Hơn nữa, huy động lính nghĩa vụ là trái với cam kết công khai trên truyền hình trước toàn dân Nga của ông Putin, rằng chỉ có quân nhân chuyên nghiệp Nga tham gia chiến tranh ở Ukraine. Đại diện Bộ quốc phòng Nga đã phải thừa nhận là có lính nghĩa vụ bắt buộc “ không hiểu vì lý do gì đã bị điều nhầm lẫn đến Ukraine”, và đã được “rút về nước”. Nga càng không thể huy động quân từ 250.000 quân nhân dự bị. Phải chiêu mộ quân đánh thuê (trả lương cao hơn nhiều so với lương lính Nga) đã nói lên một phương diện rất khó của ông Putin.
Nhưng ông Putin phải công khai thừa nhận một phương diện khó khăn khác, căn bản hơn, đó là phải nhờ giúp đỡ về quân sự của Trung Quốc, trong đó có việc mua các phương tiện quân sự của Trung Quốc. Nghĩa là tiềm lực quân sự chiến tranh thông thường của Nga đang rất khó khăn.
Nhờ sự ủng hộ kinh tế của Trung Quốc trong điều kiện bị cấm vận ngặt nghèo là điều hiểu được. Nhưng nhờ sự ủng hộ quân sự từ Trung Quốc cho cường quốc quân sự thứ 2 thế giới là điều kinh ngạc. Không chỉ chứng tỏ rằng Nga đã bị tổn thất rất nặng nề, mà còn phản ánh thực lực hạn chế của Nga.
2. CÀNG KÉO DAI CHIẾN TRANH ÔNG PUTIN CÀNG THÊM THẤT BẠI
Nga hiện chỉ chiếm ưu thế trên không, bắn tên lửa hành trình, bắn tên lửa và ném bom từ máy bay. Một nhờ cậy khác của Nga là dựa vào pháo binh và xe tăng để phá huỷ từ xa. Nhưng tên lửa cũng có hạn, đạn pháo và bom cũng có hạn, nên đã phải cầu viện sang Trung Quốc.
Sự phụ thuộc của Nga vào kinh tế Trung Quốc đã làm giảm vị thế của Nga. Nay nếu Nga lại bị phụ thuộc vào sự cung ứng thiết bị quân sự thông thường của Trung Quốc, thì vai trò của Nga càng suy giảm. Các nước khu vực châu Á – Thái bình dương chắc chắn sẽ có những bước điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tương quan mới trong khu vực.
Càng tung bộ binh vào nhiều, ông Putin càng tổn thất nặng. Với sự viện trợ ngày càng nhiều tên lửa chống tăng cho Ukraine, chiến xa của Nga sẽ đối mặt với tổn thất lớn. Các tên lửa và hệ thống phòng không mới mà Mỹ và châu Âu kịp viện trợ cho Ukraine sẽ làm giảm ưu thế trên không của Nga, các máy bay Nga có nguy cơ bị bắn hạ nhiều hơn.
3. ÔNG PUTIN PHẢI SỚM KẾT THÚC CHIẾN TRANH
Về mặt chiến trường ông Putin phải tìm cách sớm kết thúc chiến tranh, để tránh tổn thất thêm về nhân mạng, vũ khí và tiềm lực quốc phòng.
Về mặt kinh tế, ông Putin phải tìm cách sớm kết thúc chiến tranh để tránh nhận những đòn cấm vận nặng nề hơn nữa.
Về mặt đối nội, ông Putin phải tránh sự phản đối của nhân dân Nga ngày càng gia tăng. Cho dù đã đóng cửa thông tin với thế giới bên ngoài, chỉ mỗi truyền thông Nga được phép cung cấp thông tin, thì vẫn có thông tin dò rỉ. Khi nhân dân Nga biết được sự thật tổn thất của Nga trong chiến tranh Nga – Ukraine thì phong trào phản chiến ngày càng mạnh mẽ, chiếc ghế của ông Putin sẽ thêm lung lay.
Về mặt đối ngoại, ông Putin phải sớm kết thúc chiến tranh để tránh không bị cô lập thêm nữa.
4. THẮNG THUA
Ông Putin lên kế hoạch chiếm Kyiv trong 48 tiếng đồng hồ, chậm nhất thì trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Kế hoạch đó đã đổ vỡ. Ông Putin hiểu, càng kéo dài chiến tranh càng thêm bất lợi, càng sớm kết thúc chiến tranh càng tốt hơn cho ông Putin. Vấn đề là thể diện của ông để biện minh trước nhân dân Nga. Ông phải tìm một cách kết thúc chiến tranh để cho là thắng lợi.
Một vị thế trung lập của Ukraine không phải là thắng lợi của ông Putin, cũng không phải là thất bại của Ukraine. Tuy nhiên, phe ông Putin có thể cho đó là thắng lợi. Còn với những người yêu chuộng hoà bình thì kết thúc chiến tranh là thắng lợi.
Giữ lại nguyên vẹn lãnh thổ Ukraine trước chiến tranh với 2 vùng tự trị ở Donbass. Cái khó là Crimea. Ông Putin không thể bỏ. Ukraine không thể công nhận, cũng không thể lấy lại. Một cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea cùng với đền bù cho toàn bộ những gì Ukraine đã xây dựng từ năm 1954 – có thể là một giải pháp mà hai bên chấp nhận được. Lấy được Crimea chính thức sẽ giúp cho ông Putin có được thắng lợi trước người Nga. Trưng cầu dân ý sẽ cho Ukraine thoả mãn về mặt pháp lý. Hoặc giả, bỏ ngỏ, để nguyên hiện trạng.
Kết quả đàm phán phụ thuộc vào thực lực chiến trường. Chỉ có sự kháng cự quật cường của nhân dân Ukraine anh hùng mới đưa đến kết cục bắt buộc trên bàn đàm phán.
Nhưng dầu có biện minh thắng thua kiểu nào, thì thời gian cũng cũng bóc ra sự thật. Tội ác chiến tranh thì lịch sử không bao giờ tha thứ.
5. HY VỌNG
Có một số người nhìn cuộc chiến Nga – Ukraine năm 2022 dưới con mắt của thập niên 1960 - ai là bạn vẫn còn là bạn, ai là kẻ thù vẫn là kẻ thù vĩnh viễn. Họ quên mất lúc đó họ là thanh niên, còn bây giờ họ đã là cụ già. Họ quên mất biển Đông của Việt Nam đang ở trong một tình thế mới. Họ vẫn khư khư ôm giữ quan điểm 2 phe XHCN và TBCN đã không còn tồn tại trên thực tế.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (16/5/1972) sinh ra và lớn lên dưới thời CNXH, nhưng quan điểm của ông về chiến tranh Nga - Ukraine hoàn toàn không phải từ góc nhìn ở thập niên 1970 hay 1980 của phe XHCN. Trả lời phỏng vấn về cuộc chiến Nga – Ukraine hôm qua, ông nói:
- Về chính trị Putin đã hoàn toàn thua.
- Về quân sự ông ta đang không thắng.
Là chính khách ngoại giao, ông Duda đã diễn tả không gì tốt hơn tình thế của ông Putin.
Hy vọng rằng những nhà quân sự đích thực của Việt Nam sẽ nhìn thế giới hiện nay như nó hiện có, chứ không bằng quá khứ, để có những quyết định phù hợp với lợi ích của dân tộc./.
......
⤑