BẢN LÊN TIẾNG VỀ VIỆC TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM ĐẶNG XUÂN DIỆU ĐẾN PARIS

Sau gần 6 năm (2011 – 2017) bị bắt giữ tùy tiện, bị kết án phi pháp và bị cô lập không cho gia đình gặp mặt, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã trục xuất tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu từ nhà tù Xuyên Mộc đến thẳng Paris vào sáng ngày Thứ Sáu, 13 tháng 1, trong tình trạng sức khoẻ yếu kém. Đây là kết quả áp lực từ các tổ chức Quốc tế, đặc biệt là phái đoàn ngoại giao của các quốc gia trong khối Liên Âu, nhằm cứu tù nhân Đặng Xuân Diệu bị công an đối xử ngược đãi, do sự đấu tranh kiên cường không nhận tội của anh. Đặng Xuân Diệu là một trong 14 thanh niên Công Giáo bị công an CSVN bắt giữ vào tháng 7 năm 2011 và bị kết án 13 năm tù giam, với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” trong phiên tòa sơ thẩm, ngày 9 tháng 1 năm 2013, tại Nghệ An. Trước khi bị bắt, Đặng Xuân Diệu là thành viên nhiệt tâm trong nhóm "Bảo Vệ Sự Sống-Chống Phá Thai", và hoạt động gắn bó thân thiết với trung tâm trẻ khuyết tật 19/3 trong Cộng đồng Công Giáo tại Nghệ An. Vụ án này đã bị Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Điều Tra Bắt Giữ Tùy Tiện (United Nations Working Group on Arbitrary Detention - UNWGAD) chính thức lên tiếng là bắt giữ phi pháp vào năm 2013, qua kiến nghị của Giáo sư Allen Weiner, Giám Đốc Chương Trình Luật Quốc Tế và Đối Chiếu của Đại Học Luật Stanford (Hoa Kỳ) đệ nạp vào ngày 25 tháng 7, 2012. Đảng Việt Tân tri ân nỗ lực của các chính phủ, các tổ chức nhân quyền thế giới, các đoàn thể, cá nhân, đặc biệt là Giáo sư Allen Weiner, và các bạn tù như anh Trương Minh Tam Tam Trương Minh đã góp phần đáng kể trong việc tố cáo chính quyền Cộng Sản Việt Nam giam cầm tùy tiện 14 thanh niên Công giáo trước dư luận quốc tế, để có được kết quả hôm nay. Việc Đặng Xuân Diệu rời khỏi nhà tù CSVN chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình mới nhằm góp phần vào nỗ lực tố cáo các hành vi tội ác của CSVN trước dư luận quốc tế, góp phần tranh đấu cho sự tự do của các tù nhân lương tâm còn đang bị giam giữ, đặc biệt là Hồ Đức Hòa và Nguyễn Đặng Minh Mẫn cùng bị kết án nặng nề với Đặng Xuân Diệu. Cùng với việc chính quyền Hoa Kỳ ban hành Đạo Luật Trách Nhiệm Nhân Quyền Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Human Rights Responsibility Act) ngày 23 tháng 12 vừa qua, chính phủ Canada và chính phủ Anh, Na Uy trong Khối Liên Âu đang xúc tiến việc ban hành một đạo luật tương tự, nhằm trừng phạt những cá nhân can dự hay vi phạm trầm trọng các quyền con người. Đảng Việt Tân sẽ cùng với các cựu tù nhân lương tâm đẩy mạnh việc thiết lập những hồ sơ cá nhân Việt Nam liên hệ theo tinh thần chế tài của quốc tế. Ngày 13 tháng 1 năm 2017 VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG Mọi chi tiết xin liên lạc Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 596-7951
......

VẠCH MẶT NẰM VÙNG

Hôm nay, tôi phải trở lại câu chuyện cũ để xác nhận một điều cay đắng chúng ta đã bị bức hại bởi chính kẻ nội thù ngụy trang trong đội ngũ chúng ta – những tên VC nằm vùng.    I. VỤ THỨ NHẤT Trong nỗi nhục rã rời sau ngày 30 tháng Tư, 1975, khi lâm cảnh tại những trung tâm “đăng ký trình diện hoc tập cải tạo”, chúng tôi còn phải gánh chịu thêm tình trạng bàng hoàng của kẻ bị lừa gạt, khi nhận ra những người hôm qua còn là “huynh đệ, bằng hữu”, nay thoắt trở thành “cán bộ” với những y phục xa lạ thô kệch, chiếc nón cối chùm hụp và đôi dép râu quê mùa.           Lẽ tất nhiên những kẻ nầy không quên đeo trên người khẩu K 54 và chiếc băng đỏ. Tôi và Triệt, người bạn cùng khóa, gặp Lưu Thừa Chí (cũng chung khóa 18 Ðà Lạt) trong tình thế bẽ bàng đáng hổ thẹn nầy. Chí ngồi ghi danh người đến “đăng ký” với lon thượng úy – ba ngôi sao và một vạch ngang, địa điểm trường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn.Thật sự, anh ta cũng có vẻ ngượng khi Triệt hỏi gằn với cách mỉa mai: – Mầy làm cái gì mà kỳ cục như thế nầy ? – Ờ … ờ tại vì kỳ làm ở Phong Dinh, tao có vài liên hệ với họ nên bây giờ họ nói tao giúp trong buổi chuyển tiếp. Tôi đứng xa chỉ nghe Triệt đến kể lại. – Thôi kệ nó, mầy và tao lần nầy lại ở chung với nhau như mười bốn năm trước trên trường Ðà Lạt, chỉ khác bây giờ là trại tù việt cộng, đất trời tính ghê quá, con người không biết đâu mà lường.      Ngày 23 tháng 6, 1975, chúng tôi vào trại Long Giao, Long Khánh, câu chuyện về một người gọi là “thiếu tá an ninh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mang lon thượng úy cộng sản ngồi ghi danh”, anh em không ai muốn nhắc lại, vì hiện tượng phản trắc đã lộ mặt và cùng khắp.       Tồi tệ hơn, những kẻ thay màu áo nầy hãnh diện với “sự nghiệp tráo trở của mình – thành tích “có công với cách mạng”. Chữ nghĩa được dùng với toàn bộ tính đê tiện khinh miệt nhất. Tôi và Triệt mất liên lạc với nhau khi chuyển ra Bắc, sau chuyến đi địa ngục trên tàu Sông Hương, khởi hành từ Tân Cảng, Sàigòn, đúng Ngày Quân Lực 19 tháng Sáu, 1976.       “Mười tám” năm sau, 1994, tôi và Triệt lại gặp nhau ở Houston, đường Beechnut. Hai chúng tôi đã thật sự ở tuổi già sau ba mươi năm “tuổi tù và tuổi lính”, nhưng Triệt vẫn giữ nguyên cách thẳng thắng mạnh mẽ của người miền Nam như đang kỳ trai trẻ.        Lần gặp gỡ bắt đầu với câu hỏi gay gắt như đã chực sẵn từ lâu: – Mầy nhớ vụ thằng Chí khóa mình trình diện năm 1975 không? – Thằng Chí thiếu tá an ninh quân đội, cũng là thượng úy việt cộng chứ gì? Tôi cũng sẵng giọng không kém. – Hắn qua Mỹ rồi đó, HO, đi trước khi mầy ở tù về, bây giờ đang ở DC, kỳ đại hội Võ Bị tháng 7 vừa rồi, nó có mặt trong ban tổ chức!! – Mầy có giỡn không, nó là Việt cộng chính gốc, sao lại đi HO? Câu chuyện được kể lại với những chi tiết bất ngờ, cho dẫu kẻ có trí tưởng tượng phong phú cũng khó lường phần bố cục.    Bắt đầu từ những năm đầu của thập niên 80, một số ít sĩ quan miền Nam thuộc những đơn vị chuyên môn như hành chánh tài chánh, quân cụ, quân nhu lần lượt được trở về chịu sự quản chế của địa phương sở tại. Khóa chúng tôi do một may mắn hiếm có (chỉ xẩy ra một lần với khóa 18), vào giai đoạn ra trường (cuối năm 1963), khi chiến tranh tăng cường độ, tổ chức quân đội mở rộng nên cần một số sĩ quan về các đơn vị chuyên môn.    Những người may mắn nầy sau 1975 nhận thêm một lần “hên”, họ được thả sớm hơn so với những người bạn ở các đơn vị tác chiến, mà theo đánh giá của cán bộ cộng sản thì món “nợ máu của nhân dân” chia ra bốn cấp: “Nhất Pháo, nhì Phi, tam Rằn Ri, tứ Chính Trị” (ý nói, lính pháo binh, phi công, biệt kích, nhảy dù, biệt động, thủy quân lục chiến và chiến tranh chính trị là những đơn vị đứng hàng đầu tội phạm).    Nhóm sĩ quan may mắn của khóa 18 kia vào ngày 23 tháng 11, 1981 (kỷ niệm ngày mãn khóa học mười tám năm trước, 23 tháng 11, 1963) tập trung tại nhà Nguyễn Ngọc Anh, biệt thự gia đình vợ, đường Pasteur cũ. Mười mấy anh, chị, lôi thôi, tơi tả vì trận đòn thù từ 1975 đến nay vẫn chưa hồi tỉnh, tính sổ lại 198 mạng cùi của ngày mãn khóa nay chỉ còn không tới 20, với 50 người tử trận vĩnh viễn không về, mươi kẻ tỵ nạn, vượt biên, số lớn còn lại hiện sống, chết không nên dạng người nơi các trại tù trong Nam, ngoài Bắc.     Trong giây phút mừng tủi của lần hội ngộ, bỗng nhiên, Lưu Thừa Chí xuất hiện. Mọi người đồng im bặt. Sau cùng, có người gắng gượng hỏi: – Anh còn đến với chúng tôi làm gì? – Tôi cũng đi cải tạo như các bạn, ở trại Cây Trâm! Chí giả lả làm hòa, hắn đưa Giấy Ra Trại để làm bằng, và đề nghị được góp phần tiền lớn để cùng mua thức ăn, đồ uống về chung vui buổi họp mặt. Không khí hóa nặng nề, từng người lặng lẽ rút lui. – Mầy có mặt hôm đó không? Tôi nôn nóng hỏi Triệt, cố tìm nên đầu mối. – Có, năm đó tao mới về, về được một tháng thì Tết Tây. – Thế thì nó cũng đi tù như bọn mình sao? – Tù chỗ nào, sao mầy ngu vậy, thiếu tá an ninh quân đội thì phải đi ra Bắc chứ; với lý lịch an ninh quân đội thì chẳng phải cần đến cấp tá, chỉ thiếu, trung úy hoặc hạ sĩ quan nó còn tìm cớ để bắn chết không cần xét xử như ở trại Xuân Phước, Tiên Lãnh ngoài Trung. Thiếu tá an ninh quân đội nào để lại ở trại Cây Trâm, Bình Dương như thằng nầy?! Triệt gắt cao giọng lộ vẻ bực tức vì tôi vẫn chưa rõ đầu mối câu chuyện. – Trại Cây Trâm ở đâu, ngày ở Long Giao không nghe ai nói đến. – Ðó là trại tụi hình sự, cũng có sĩ quan, nhưng chỉ có cấp thiếu, trung úy, mà là thành phần gây vụ việc sau 1975, chứ không là đám tập trung tháng 5, tháng 6, năm 75 như bọn mình. – Rồi sao nữa? Tao ngao ngán.! – Sao nữa, đ.m. nó đi HO trước hơn ai hết, kỳ đại hội 7 vừa rồi ở DC, nó góp 1000 đô la cho ban tổ chức. – Tiền đâu mà một thằng HO có ngay một ngàn để đóng? – Mầy tìm nó mà hỏi!! Triệt gầm gừ chấm dứt câu chuyện với cách chưởi thề chậm rãi từng tiếng một. Những nhân sự như Lưu Thừa Chí kể trên sẽ mãi mãi ở trong bóng tối với khả năng tầm thường, đối tượng công tác hạn chế riêng của nó, và giá như bị phát hiện (như đã từng bị nhận ra lý lịch), thì người quốc gia cũng chỉ giải quyết bằng biện pháp “đóng cửa dạy nhau”, coi như trường hợp “xử lý nội bộ” (nói theo cách cộng sản), bởi người phe quốc gia vốn dễ tính, không chấp nhứt đối với những kẻ tráo trở, bội phản, cũng do những kẻ nầy lỡ đã một lần là bạn bè cùng khóa, cùng hội, cùng trường. Nói ra sợ “xấu hổ cả đám”, nhưng, vì năm 1994 kia, tôi mới qua Mỹ được mấy tháng, lòng còn đang sôi sục ‘những chuyện cần được kể lại”, với ý hướng “ngây thơ” – người bên ngoài cũng đang muốn nghe về những câu chuyện kia – dẫu những vụ việc nói ra gây nặng lòng, cau mặt.        Ba mươi khóa Ðà Lạt, trước và sau khóa 18 (khóa chúng tôi bao gồm Lưu Thừa Chí), không hề có trường hợp: Thiếu úy tốt nghiệp trường Ðà Lạt được chọn đi ngành An Ninh Quân Ðội ngay lúc mãn khóa. Bởi, sĩ quan ngành tình báo nầy phần đông, nếu không nói hầu hết do ngành an ninh tuyển chọn từ các đơn vị, được huấn luyện ở những trung tâm quân báo, tình báo trong nước và ngoại quốc, sau một quá trình sưu tra an ninh đặc biệt (thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, trách nhiệm sưu tra thuộc một bộ phận của Văn Phòng Nghiên Cứu Chính Trị của cố vấn Ngô Ðình Nhu). Thế nên, sự kiện viên thiếu úy tên gọi Lưu Thừa Chí được tuyển chọn đi ngành an ninh quân đội từ ngày 23 tháng 11, 1963, không thuộc thẩm quyền chỉ định của Ban Tham mưu Trường Võ Bị, cũng không thuộc Phòng Tổng Quản Trị/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH – Nó xuất phát từ cấp độ cao hơn. Cao đến chỗ nào, chúng ta không thể biết, cũng không hề có khả năng được biết những “bí mật quốc gia” từ dinh Tổng thống, dinh Thủ tướng, bộ Quốc phòng – Những bí mật hằng được đám tình báo chiến lược Việt cộng nắm rõ đầu mối, ngọn nguồn. Chúng tôi không hề quan trọng hóa một sự kiện nhỏ nhặt, vì sau nầy, khoảng năm 1972, Chí để lộ cơ sở công tác: Y thả một nữ cán bộ cộng sản bị bắt giam tại Ty An Ninh Quân Ðội Phong Dinh. Âm mưu vỡ lở, Trung Tá Nguyễn Hữu Khiếu, Tiểu Khu Phó thụ lý nội vụ. Chí cầu cứu Trung Tá Khiếu với lý lẽ: “Bị mê hoặc bởi sắc đẹp cô gái, chứ không phải do công tác nội tuyến”. Trung Tá Khiếu nay ở Montréal, kể lại câu chuyện nầy với Hội Võ Bị địa phương ngày 20 tháng 10, 1996, có cá nhân tôi tham dự.        Năm 1960 – 1963, ông Khiếu là Ðại úy dạy vũ khí ở trường Ðà Lạt. Do bản chất trung hậu, và cũng có phần tin, “Chí lỡ dại do dáng dấp quê kệch, xấu trai” nên ông Khiếu che chở Chí vì tình thầy trò ở giai đoạn 1972 kia. II. VỤ THỨ HAI       Năm 1957 – xin nhắc lại, trước năm 1975 mười tám năm trước, trước vụ việc Lưu Thừa Chí như vừa kể trên gần một thập niên – một thanh niên tuổi chưa tới hai mươi, lội qua sông Bến Hải vượt tuyến vào Nam. Anh ta đến khai cùng đồn cảnh sát Gio Linh là em ruột của viên tướng Tư lệnh Quân khu 2, đóng tại Huế. Viên tướng cho người ra đón em, đem về hỏi lý do vượt tuyến. Anh thanh niên tỏ bày, vì có anh là tướng lãnh miền Nam, nên gia đình ngoai Bắc bị vây khổn chính trị ngặt nghèo, bản thân anh ta không được đi học và chịu cảnh sống cơ cực kinh tế, hoặc người anh cả (anh ông tướng) vốn là Trung tá binh chủng phòng không không quân bộ đội Miền Bắc, dẫu có công trận lớn vẫn không được thăng cấp. Ðược anh là ông Tướng nuôi ăn học, người thanh niên sau bậc trung học, tình nguyện đi lính với hoài bão nói ra lời: “cũng muốn được sự nghiệp vinh quang trong quân đội như anh”. Anh ta tốt nghiệp khóa sĩ quan trừ bị Thủ Ðức, đổi về binh chủng hải quân, Bộ Tư Lệnh vùng 4 Sông Ngòi ở Mỹ Tho. Những năm 70, anh lên Thiếu tá, được mệnh danh là “VC killer”, do thành tích, cuối mỗi cuộc hành quân, anh kéo xác Việt cộng sau tàu chạy dọc bến sông để biểu dương ý chí “chống cộng”! Những ngày cuối tháng 4, 1975, viên tướng cho người em út, Phó quận hành chánh quận Tân Bình, Gia Ðịnh về Mỹ Tho, kêu vị Thiếu tá “VC killer” về Sài Gòn để cùng gia đình lớn đi Mỹ. Thiếu tá “VC killer” mạnh mẽ khẳng định với người em:– Tui chỉ là thiếu tá, chú là quốc gia hành chánh, có gì mà phải sợ “cách mạng”, ông ấy là tướng mới cần đi Mỹ, còn chú với tôi thì ở lại “xây dựng đất nước”, hòa bình thống nhất rồi ta còn mong ước gì hơn. Sau 30 tháng Tư, 1975, thiếu tá “VC killer”, người em quốc gia hành chánh đồng “hồ hởi, phấn khởi trình diện học tập cải tạo”. Người em vào trại Long Thành, Biên Hòa; thiếu tá “VC killer” ra trại 1, Ðoàn 776, xã Việt Hồng, Hoàng Liên Sơn. Gặp tôi đi vác nứa giữa đường vào Cốc, thiếu tá “VC killer” đưa tay ngoắc thân ái và hỏi thăm về người em quốc gia hành chánh – cũng là em rể, lấy em gái tôi, Phan Ph. Kh. Một năm sau, khoảng mùa Hè 1977, một cán bộ mặc thường phục từ Hà Nội đến bộ chỉ huy đoàn 776, gặp viên chính ủy đoàn. Thiếu tá “VC killer” được tha ra khỏi trại , về Ban-Mê Thuột hành nghề giữ xe đạp với căn cước mới: “thiếu tá ngụy quân học tập tiến bộ, trở về do chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng”. Chỉ có một điều không ghi vào lý lịch, ấy là, đối tượng công tác của thiếu tá “hải quân ngụy – VC killer” trong giai đoạn mới là những ai. Hoặc là thành phần “Fulro phản động đang âm mưu nổi loạn ở Tây Nguyên”, cũng có thể là đám cán bộ cộng sản mới được bố trí vào Tây Nguyên mà thành phần chưa đồng nhất, nên cần phải theo dõi, báo cáo công tác theo hệ thống riêng của Cục Bảo Vệ Chính Trị thuộc quyền chỉ huy trực tiếp duy nhất của Ban Tổ Chức Trung Ương Ðảng – Cơ quan bao trùm cả Bộ Nội Vụ, lẫn Cục Tình Báo Hải Ngoại.     Thiếu tá “VC killer” hay người thanh niên vượt tuyến là Thái Quang Chức; – người anh cả là Trung Tá Thái Quang Hồng, binh chủng Phòng Không Không Quân bộ đội miền Bắc; – người anh thứ là Thiếu Tướng Thái Quang Hoàng, Tư Lệnh Quân Khu 2.   Từ năm ấy đến nay, trên đất nước Việt Nam, nơi hải ngoại, hằng vạn, triệu người đã chết. Chỉ một số còn sống, nhưng vẫn ” – giữ nguyên bí số” – Những người như Thái Quang Chức, Lưu Thừa Chí và rất nhiều – rất rất nhiều nữa – những kẻ vô danh, tầm thường, chuyển công tác theo “hệ thống ngang – từ nhân viên Cục Bảo Vệ Chính Trị lên thành nhân viên Cục Tình Báo Hải Ngoại – dưới quyền chỉ đạo nhất quán thuộc “hệ thống dọc bất khả thay thế”: Ban Tổ Chức Trung Ương ÐCSVN. III. VỤ THỨ BA Bắt đầu mùa Hè năm 1990, chương trình ODP được thực hiện với đối tượng cựu tù nhân cải tạo qua kế hoach H (Chỉ danh nầy bị hiểu nhầm một cách có ý nghĩa thành HO), cá nhân tôi cũng nộp hồ sơ theo thủ tục chung tại Trung Tâm Xuất Nhập Cảnh 333, Nguyễn Trải, Sài Gòn (trước Tổng Nha Cảnh Sát đường Võ Tánh cũ). Sau thời gian chờ đợi, trung tâm trả lại hồ sơ với lý do: “trên chưa có quyết định về những trường hợp thuộc diện như cá nhân tôi”. Sau vài lần vượt biên không thành, hơn nữa các trại tỵ nạn cũng đang có kế hoạch đóng cửa, nhạc mẫu tôi thử cố gắng thêm một lần nhân chuyến ra Bắc thăm họ hàng, với đầu mối – Trung Tâm Trung Ương, Cục Xuất Cảnh, Bộ Nội Vụ, 40 A Hàng Bài Hà Nội. Trung tâm ra giá, 500.000 đồng tiền Việt, cụ tặng thêm 100.000 đồng cho nhân viên làm biên lai thâu nhận hồ sơ. Ngày hôm sau, trung tâm Hàng Bài trả lại hồ sơ với lý do tương tự của đường Nguyễn Trãi. Cuối cùng, HÐ Ngoạn và PÐ Vượng, (hai người bạn thân, biết hầu hết nhân sự và vụ việc của Sài Gòn trước lẫn sau năm 1975, do đường giây giang hồ riêng) chỉ cho tôi đến địa chỉ 206 Nguyễn Trãi, cạnh rạp chớp bóng Khải Hoàn, sát cổng xe lửa số 1. Cơ sở không bảng hiệu, nhân viên mặc thường phục đón khách với thái độ “chúng tôi đã biết rõ tất cả”. Mà quả thật như thế, người tiếp tôi bắt đầu với câu chào “anh Nam có mạnh khỏe không?” Anh ta đứng dậy, mở tủ, nói với vẻ tự tin: “Tôi biết anh nhiều lắm!!” Rồi anh cho coi Chứng Chỉ Nhảy Dù do Trung Tâm Huấn Luyện Sư Ðoàn Nhảy Dù cấp, Trung Tá Trần Văn Vinh ấn ký, với lời giới thiệu: “Trung úy Trần Trung Phương, gốc đại đội 33 Tiểu Ðoàn 3 Dù, và đơn vị cuối, Biệt Ðội Quân Báo Ðiện Tử sư đoàn”. Nhưng, Trần Trung Phương không chỉ là “sĩ quan nằm vùng nơi Biệt Ðội Ðiện Tử Sư Ðoàn Dù”, mà còn là “nhân viên đặc vụ của sở phản gián Bộ Nội Vụ cộng sản”, nên anh ta đã có kết luận mau chóng: “Tôi có thể làm hồ sơ để anh ra khỏi nước trong vòng tám tháng là tối đa, gia đình anh tại Mỹ trả 2000 đô la cho người chúng tôi bên đó, và thêm một vài điều kiện khác .v.v… “ Lẽ tất nhiên, tôi không thể thực hiện những đề nghị của Phương, từ 2000 đô la đến “những điều kiện khác”. Sau nầy, năm 1993, để giúp một người quen giải quyết một khó khăn tương tự, tôi đi tìm Trần Trung Phương ở địa chỉ mới, một văn phòng trong khách sạn góc đường Nguyễn Văn Trỗi (Cách Mạng cũ) và Trần Quang Diệu. Nhân viên văn phòng nầy cho biết Phương đã có mặt ở Nam Cali, vùng Westminter với nhiệm sở mới là một văn phòng dịch vụ du lịch. Những bãi đáp đổ quân, vị trí hỏa tập tiên liệu, toa độ dội bom B52 của Sư Ðoàn Nhảy Dù trong chiến dịch Hạ Lào Lam Sơn 719 đã bị quân báo cộng sản giải mã từ nhiều đầu mối. Một trong những đầu mối hiểm nghèo kia có sự tham dự rất tích cực và hiệu quả từ Biệt Ðội Ðiện Tử và Phòng Hành Quân của sư đoàn. Và tại cơ quan hành quân tối mật nầy đã không cần đến một “sĩ quan nằm vùng” với cấp bậc trung úy như Trần Trung Phương, nhưng chỉ cần một hạ sĩ quan vẽ phóng đồ hành quân – viên Hạ Sĩ Nhất mà tôi đã từng thấy mặt, luôn làm việc im lặng, chăm chỉ của phòng 3 khi đơn vị còn mang phiên hiệu Lữ Ðoàn Nhảy Dù, năm 1963. Ngày 30 tháng 4, 1975 viên hạ sĩ quan nầy hướng dẫn trung tá Nguyễn Văn Tư, Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Sư Ðoàn qua Camp Davis, Tân Sơn Nhất gặp cán bộ cộng sản để bàn giao hồ sơ trận liệt của đơn vị mà y đã lưu giữ, cập nhật từ mười, hai mươi năm qua. LỜI KHẨN CẦU VIẾT VỚI GIÁ MÁU Tôi đã quá tuổi để bắt đầu một dự định mới, cho dẫu kế hoạch dự trù ấy cần thiết, cấp bách đến bao nhiêu, bởi thời gian còn lại không cho phép và việc chưa hoàn tất lại quá nhiều. Nhưng tôi phải có bổn phận chỉ đích danh những cá nhân tác hại điển hình như * Thiếu Tá An Ninh Quân Đội VNCH Lưu Thừa Chí, "kiêm" Thượng Uý Cộng Sản *Trung uý Biệt đội Quân Báo Điện Tử Sư Đoàn Dù VNCH Trần Trung Phương "kiêm" nhân viên đặc vụ sở phản gián Bộ nội vụ Cộng Sản, hiên mở dịch vụ Du Lịch tại CITY WESTMINSTER CALIFORNIA * Thiếu Tá Hải Quân VNCH Thái Quang Chức "kiêm" nhân viên Cục Bảo Vệ Chính Trị VC & Cục Tình Báo Hải Ngoại của tổ chức trung ương đãng * những viên hạ sĩ quan, những công an cộng sản (đi theo diện “ghép” với những gia đình HO hoặc ODP) như vừa kể trên (hiện tràn lan khắp cộng đồng Người Việt hải ngoại). – Một nhiệm vụ không thể trì hoãn và khoan thứ, vì đây không là sự việc “liên hệ giữa những cá nhân”, nhưng là sự tồn vong “sinh mệnh chính trị” của một tổng thể rộng lớn. Không phải chỉ khối Người Việt Miền Nam mà là toàn Việt Nam khổ nạn. Bởi chúng ta, người Việt Không Cộng Sản – không bao giờ là đảng viên cộng sản – đã lần lượt thua những trận quyết định liên quan đến vận mệnh toàn dân tộc, lần tháng 8, 1945, và lần 20 tháng 7, 1954, và lần cuối cùng 30 tháng tư năm 1975. – Và nếu hôm nay, chúng ta không điều chỉnh sách lược để nhìn rõ địch tình thì e rằng khí thế của lần Cali Vùng Dậy Cờ Vàng 1999, những Ðêm Tuổi Trẻ Thắp Nến sẽ trở nên vô ích, gây tàn lụi nguồn hy vọng bức thiết từ Xuân Lộc, Long Khánh, Thái Bình. – Chúng ta sẽ mãi mãi là ” Người Việt xấu xí” trước mắt thế giới do âm mưu từ một kẻ nội thù hiểm độc. Nhưng, cũng phải nói rõ thêm một lần hay bao nhiêu lần mới đủ: – Ðây là lỗi từ chúng ta. Cứ sẵn khắc nghiệt cáo buộc, chụp mũ, tranh chấp cùng nhau để rảnh tay cho kẻ thù, cũng đồng nghĩa vô tình tiếp tay kẻ nghịch, bức hại anh em – với “biện pháp cuối cùng và độc nhất” – cáo buộc người bạn của minh là “cộng sản”, do sau khi đã không tìm ra được nơi bạn mình một lỗi lầm nhỏ nhặt nào. Cuối cùng, chính bản thân ta đơn độc nguy khốn, vì lẽ đã tự tay phá hủy vũ khí đoàn kết của chính mình. Ðau đớn bao nhiêu. Uất hận bao nhiêu! Phan Nhật Nam
......

Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về “THẢM HỌA FOMOSA”

Nhằm cổ động phong trào đấu tranh đòi môi trường sạch cho Việt Nam, đài truyền hình VIETV Network cùng những người tài trợ đã đứng ra tổ chức một CUỘC THI PHÓNG SỰ “THẢM HOẠ FOMOSA”,  kêu gọi người Việt trong và ngoài nước đóng góp sáng tác văn học nghệ thuật phản ánh thảm hoạ Formosa. Các tác phẩm dự thi bao gồm phóng sự dưới dạng bài viết, nhạc, thơ, tranh biếm hoạ, phóng sự ảnh, phóng sự video… Ban tổ chức bao gồm các nhà tài trợ đã tự đóng góp cho nhiều giải thưởng cao nhất là 500 đô la, cùng các giải thưởng do bạn đọc bình chọn và khuyến khích từ 200-300 đô la. Theo ban tổ chức, những phần thưởng này chỉ có tính chất san sẻ những chi phí mà các thí sinh bỏ công sức, thời gian, đi lại để tìm tư liệu sáng tác. Hoàn toàn không xứng đáng với tấm lòng của các thí sinh, phần thưởng lớn nhất là khi tham gia cuộc thi, các bạn thí sinh ít nhất đã làm điều gì đó vì môi trường đất nước, như nhiều người khác đã làm ở các góc độ khác nhau. Dưới đây là chi tiết: Kêu gọi sáng tác văn học nghệ thuật phản ánh thảm hoạ Formosa. CUỘC THI PHÓNG SỰ “THẢM HOẠ FOMOSA”     Giải thưởng: – Giải do Ban GK chấm: + Giải 1: 500$. + Giải 2: 300$. + Giải 3: 200$ – Giải do bạn đọc bình chọn: + Giải 1: 300$ dành cho bài viết có nhiều lượt like nhất hoặc chia sẻ + Giải 2: 200$ dành cho bài viết có nhiều lượt like nhì hoặc chia sẻ + giải khuyến khích không giới hạn số lượng, tuỳ theo chất lượng và công sức của thí sinh bỏ ra. Dao động từ 20 – 100 usd cho mỗi giải.     Hình thức dự thi:     – Phóng sự dưới dạng bài viết, nhạc, thơ, tranh biếm hoạ, phóng sự ảnh, phóng sự video ( đặc biệt ưu tiên có kịch diễn ).     Để bảo mật cho các thí sinh, ban tổ chức chấp nhận thi sinh đăng ký dưới tên khác trong những bài viết có tình chất không an toàn cho thí sinh.     Chủ đề: – “Thảm họa Fomosa”     Đối tượng tham gia:     – Những người Việt Nam và gốc Việt Nam ở trong và ngoài nước     – Nhận bài: 1/1/2017-15/1/2017.     – Chấm bài: 16/1/2017-20/1/2017.     – Công bố kết quả: 21/1/2017. Những tác phẩm đặc sắc của cuộc thi sẽ được phát trên đài truyền hình VIETV Network. 5. Bài viết gửi về địa chỉ cuubien2016@gmail.comthamhoaformosa@gmail.com. Các bài viết sẽ được cập nhật tại đây:https://www.facebook.com/Thảm-Họa-Fomosa-1157110961075147/     Ban giám khảo ( để khách quan những nhà tài trợ sẽ không tham gia làm ban giám khảo chấm giải, nên rất cần những người tự nguyện ứng cử làm Ban Giám Khảo) 1. Vũ Tuấn Anh. 2. Tường Minh. 3.Nguyễn Hoàng Vi. 4…. 5…. Mỗi thành viên Ban Giám Khảo sẽ được nhận thù lao 100 usd. Đồng tổ chức: đài truyền hình VIETV Network và những người tài trợ. 1.Bùi Thanh Hiếu ( Người Buôn Gió ) – 500 usd. 2. Thành, Bình ( Ba Lan ) -400 usd. 3. Quan Dương – 200 usd 4. Quynh Tram -200 5. Kevin Dinh -200 6.Vo Tien Dat -200 7.Hoang Van Khan -100 8.Tran Thanh Dong-100 9.-Kieu Tho-100 10.Nguyen Thang Long -100 11.Linh Zing -100 12.Dieu Tuýet Dang -100 13. số đen đủi – bỏ 14. HT Yên Tử -100 15. Van Tinh Tran -100 16. Nguyen Victor -100 17.Toan Joe Huynh -100 18.Minh Hong Le -100 19. Vũ Tuân -100 20. Son Pham Trương -50 21. Kiều An Giang -50 22. Nguyễn Ngọc Trung -100usd. 23.Minh Nghiêm – 50 usd. 24. Nhóm bác sĩ Thắng, Hà tại Houston -700 usd Tiếp nhận đóng góp: Tài khoản Paypalatomi102@yahoo.de Tài khoản ngân hàng Đức. IBAN: DE63 5095 1469 0010 5140 29 Minh Truong Tran Giessener Str. 11 64646 Heppenheim Rất mong sự đóng góp bài và các tác phẩm để cổ động phong trào đấu tranh đòi môi trường sạch cho Việt Nam. Những phần thưởng chỉ có tính chất san sẻ những chi phí mà các thí sinh bỏ công sức, thời gian, đi lại để tìm tư liệu sáng tác. Hoàn toàn không xứng đáng với tấm lòng của các thí sinh, phần thưởng lớn nhất là khi tham gia cuộc thi, bạn ít nhất đã làm điều gì đó vì môi trường đất nước. Như những người khác đã làm ở các góc độ khác nhau. Cuộc thi sáng tác nghệ thuật chủ đề Formosa đã nhận được nhiều tác phẩm dự thi, dưới nhiều thể loại thơ, nhạc, bài phóng sự, ảnh… Xin lưu ý các bạn dự thi, khi gửi bài nếu thấy cần bảo vệ bản thân. Cách thứ nhất là không nên dự thi. Cách thứ hai dự thi nhưng ẩn tên khác, nhờ người khác gửi bài và nhận giải thưởng nếu được. Hoặc cách nào đó đảm bảo tối đa cho mình do các bạn nghĩ ra. Tránh trường hợp an ninh trà trộn gửi bài, rồi ý kiến này nọ kêu là vì ban tổ chức mở cuộc thi để gài bẫy các thí sinh, nộp thông tin cá nhân thí sinh cho an ninh. Gây hoang mang, chia rẽ. Đó là với các thí sinh. Với các nhà tài trợ, có thể rút tiền về bất cứ lúc nào nếu thấy không bằng lòng với cuộc thi khi đang diễn ra. Nhưng thời hạn cuối cùng là sau khi trao giải thưởng 72 tiếng đồng hồ, nếu không ý kiến thì ban tổ chức giải tán, không còn ai trả lại tiền cho bạn. Cũng tránh trường hợp an ninh đóng giả người hảo tâm, góp một chút rồi ấy đó làm tư cách để ý kiến, đánh phá này nọ. Việc các nhà tài trợ rút tiền không ảnh hưởng đến các giải thưởng. Những người phát động hay đồng tổ chức sẽ san sẻ gánh phần mà các nhà hảo tâm tự nguyện, vì lý do nào đó rút lại tiền. Xem diễn biến cuộc thi tại đây:https://www.facebook.com/Thảm-Họa-Fomosa-1157110961075147/  
......

UB Công Lý & Hòa Bình Đức Quốc cầu nguyện cho TNLT và các nạn nhân Formosa

BERLIN, Đức Quốc  – Nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 Tháng 12, 2016, phái đoàn Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Đức đã đến tham dự buổi hội thảo khoáng đại về nhân quyền do Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình (UB CL&HB) Hội Đồng Giám Mục Đức Quốc tổ chức. Chủ đề cho hai ngày Đại hội mang tên Nhân quyền bị áp lực – Các truyền thống văn hóa là những nhịp cầu cho một nền chính trị phù hợp với nhân quyền? Thuyết trình đoàn gồm có: - Chủ tịch UB CL&HB Đức Giám Mục (ĐGM) Dr. Stephan Ackermann, Trier; - Prof. Dr. Dr. h.c. Heiner Bielfeldt, Đặc Trách Viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tự do tôn giáo và thế giới quan; - Prof. Dr. Walter Bruchhausen, Học Viện Lịch Sử và Luân Lý Y Tế, Aachen; - Dr. Bernhard Felmberg, Bộ Phát Triển và Hợp Tác Kinh Tế; Prof. Anand Grover, Tòa Án Tối Cao, Ấn Độ; - Dr. Azza Karam, Dr. Maria Kipele, Dr. Marlies Reulecke, Prof. Dr. Stephan Rixen, - Prof. Dr. Eva Senghaas-Knobloch, Dr. Alissa Wahid, ĐGM Krzysztof Zadarko. Trong thánh lễ tạ ơn với Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Sebastian Francis Shaw, ĐTGM Jean-Claude Hollerich, ĐGM Stephan Ackermann, ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh và ĐTGM Jude Thadaeus Ruwa`ichi, đại diện Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Đức, ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh đã đọc lời nguyện giáo dân cầu xin cho các tù nhân chính trị và các nạn nhân của vụ ô nhiễm môi sinh gây ra bởi công ty FORMOSA. Sau thánh lễ phái đoàn Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Đức đã gặp gỡ và trao đổi với các ĐTGM và vị Phó Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Người Công Giáo Đức Quốc bà Karin Kortmann, cựu Thứ Trưởng Bộ Phát Triển và Hợp Tác Kinh Tế. Các ĐGM đồng tế: Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Sebastian Francis Shaw, ĐTGM Jean-Claude Hollerich, ĐGM Stephan Ackermann, ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh và ĐTGM Jude Thadaeus Ruwa`ichi. ĐTGM Jean-Claude Hollerich, Luxemburg, Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Âu Châu. ĐGM Dr. Stephan Ackermann, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Hội Đồng Giám Mục Đức Quốc. Bà Karin Kortmann: Phó chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Người Công Giáo Đức Quốc, cựu thứ trưởng bộ phát triển và hợp tác kinh tế ĐTGM Sebastian Francis Shaw, Pakistan. ĐTGM Jude Thadaeus Ruwa`ichi, Tansania Theo https://chantroimoimedia.com ***** Ai đã từng tiếp xúc, vận động chính giới, chức sắc tôn giáo cao cấp và trí thức ngoại quốc thì biết rõ, để có những buổi hội thảo, cầu nguyện thế này không phải là điều dễ dàng tí nào. Đàng sau 6 tấm hình này là cả những nỗ lực bền bỉ, khéo léo và chân thành. Xin cám ơn những người yêu nước đã miệt mài trong công tác này để có kết quả rất tốt đẹp.  
......

Ngày Quốc Tế Nhân Quyền tại Berlin

Biểu tình trước Đại sứ quán CSVN Sau nghi thức chào cờ Việt, Đức và mặc niệm bắt đầu lúc 12 giờ 45 ngày 10 Tháng 12, 2016. Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ Tịch Liên Hội Người Việt Tị Nạn CS tại CHLB Đức (Liên Hội) bắt đầu ngày sinh hoạt kỷ niệm QTNQ lần thứ 68 năm nay bằng một bài diễn văn ngắn. Bà sơ lược ý nghĩa ngày QTNQ được Liên Hiệp Quốc long trọng ban hành vào ngày 10.12.1948 sau những đổ vỡ khốc liệt của trận Thế Chiến Thế Giới thứ hai. Bà nhấn mạnh, dù đã đặt bút ký kết tôn trọng văn bản nền tảng có giá trị nhân văn toàn cầu này từ hơn 30 năm nay, nhà cầm quyền ĐCSVN vẫn không hề tôn trọng nhân phẩm và luôn luôn trấn áp người bất đồng chính kiến, người yêu nước một cách rất thô bạo. Bà bày tỏ mong muốn người Việt trong và ngoài nước liên kết chặt chẽ với nhau hơn để giải quyết những vấn đề to lớn của đất nước. Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, Hội Phó Ngoại Vụ của Liên Hội đảm trách phần Đức ngữ suốt ba phần của ngày sinh hoạt. Phần biểu tình trước Tòa đại sứ CSVN năm nay được rút ngắn nên BTC chỉ dành phần phát biểu cho khách phương xa như bác sĩ Nguyễn Hoàng Bảo từ Bỉ, ông Nguyễn Minh Chính đại diện Cộng Đồng NVTN tại Strassbourg, Pháp Quốc. Trên từ trái: Cụ Nguyễn Đình Tâm, Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo Dưới từ trái:Ông Nguyễn Minh Chính, Blogger Bùi Thành Hiếu (Người Buôn Gió) BS Hoàng Bảo cho biết Khối Liên Hiệp Âu Châu năm nay đã dành hẳn hai trang thông báo để khuyến cáo tình trạng chà đạp nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ. Kết quả này một phần đến từ những yêu cầu của các Cộng Đồng Người Việt. Vị cao niên năm nay vào tuổi 95, cụ Nguyễn Đình Tâm cũng lại có mặt trong đoàn biểu tình, được BTC mời lên phát biểu. Cụ kêu gọi mọi người cùng „hất tảng đá“ CSVN đè lên vận mệnh Tổ Quốc bấy lâu nay để dân tộc hồi sinh. Cụ Tâm xoay mặt về phía cổng ĐSQ CSVN và đọc bài thơ „Trong bóng đêm*“ của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện để khuyến cáo về ngày tàn kề cận của ĐCSVN trước những biến chuyển đang thuận lợi cho một sự thay đổi lớn ở Việt Nam. Người phát biểu sau cùng trước khi mọi người kéo ra trung tâm Berlin là một blogger nổi tiếng: Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu. Anh không dài dòng, khiêm nhường cho biết là anh rất cảm động khi đến tham dự buổi biểu tình. Ngoài ra, anh mong người Việt tận dụng được thành công sự thay đổi lớn trong hàng ngũ lãnh đạo Hoa Kỳ để „tình trạng nhân quyền được tốt hơn“. Biểu tình trước Cổng Brandenburger (Tor) Địa điểm sinh hoạt phần hai là quảng trường Pariser (Platz) nằm ngay Brandenburger Tor, một trong những điểm thu hút cả du khách lẫn dân Berlin. Đoàn biểu tình nhanh chóng tụ họp lại với nhiều cờ vàng và biểu ngữ, dụng cụ âm thanh và bắt đầu lúc 15 giờ như dự định. Bá Linh đang trong không khí rộn ràng đón Giáng Sinh. Một cây thông cao hơn 10m được dựng lên ngay trung tâm quảng trường. Ngoài người Việt, năm nay còn có vài sắc dân khác như A Phú Hãn cũng biểu tình cùng mục đích đòi tôn trọng nhân quyền. Riêng đoàn Việt Nam giăng nhiều biểu ngữ có nội dung tố cáo nhà cầm quyền CSVN chà đạp nhân quyền, cầm tù nhiều người yêu nước như „Hãy thả tất cả tù nhân chính trị lập tức“, „Không khủng bố và dùng bạo lực đối với dân“, „Tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam“. Đặc biệt sau 7 tháng thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra, nhiều biểu ngữ và khẩu hiện liên quan cũng đã được mọi người chú ý như „Formosa cút khỏi Việt Nam!“, „Trả lại biển sạch cho dân Việt Nam“, „không quên thảm họa Formosa“ bằng tiếng Đức, Anh và Việt … Bầu trời Berlin lúc đó u ám, xám xịt như tình trạng nhân quyền Việt Nam. Đoàn biểu tình đã tuần hành vòng quanh quảng trường cùng đoàn bạn, lên tiếng tố cáo tình trạng nhân quyền tồi tệ với công chúng Đức. Đặc biệt, hai cô sinh viên Việt Nam Bảo Quyên và Bảo Quê đã đọc một bài diễn văn bằng tiếng Đức liên quan đến chủ đề ngày QTNQ. Sau những sinh hoạt ngoài trời, đoàn đã cùng đến nhà thờ St. Aloysius để tiếp tục phần cuối. Thánh lễ, hội thảo và văn nghệ đấu tranh Phần cuối chương trình bắt đầu bằng Thánh lễ Công Giáo trong nhà thờ St. Aloysius do Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh từ trong nước ra và Linh Mục Đỗ Ngọc Hà đồng tế vào lúc 16 giờ. Bên cạnh bài giảng, vấn đề môi trường mà thảm họa cá chết, biển Miền Trung bị hủy diệt mà thủ phạm không ai khác hơn là công ty Formosa với sự đồng lõa của ĐCSVN vì quyền lợi riêng tư ích kỷ đã nước nhắc đến nhiều lần. Sau Thánh lễ và chụp hình lưu niệm cùng ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, mọi người được Liên Hội mời dùng buổi cơm chiều nóng hổi và rất ngon miệng với hai món thịt kho trứng và cà ri gà. Ngoài ra các món bán ngọt, trái cây, cùng cà phê, trà, nước uống cũng được bày ra cho tất cả tham dự viên thưởng thức. Khoảng 18g15 nghi thức chào cờ như buổi trưa được cử hành. Các vị cao niên đã cầu nguyện trước bàn thờ Tổ Quốc theo nghi thức Phật Giáo với sự hướng dẫn của cụ Nguyễn Đình Tâm. Nghi thức thắp nến do Linh Mục chủ nhà Đỗ Ngọc Hà và ông Nguyễn Văn Rị hướng dẫn trong lời ca tiếng nhạc các bài Thánh ca do Ca đoàn Bá Linh trình diễn rất chuyên nghiệp và được kết thúc bởi bài „Kinh hòa bình“. Vào phần thuyết trình và hội thảo chính, sau phần giới thiệu sơ về bối cảnh dự án dựng bảng tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg, một thành phố nhỏ gần Dresden, đang đối diện với sự phẫn nộ của cộng đồng người Việt tại Đức nói riêng. Cả chính giới Đức cũng không hiểu vì sao một hai chính trị gia Đức lại mặn mà với dự án nhằm vinh danh một „Massenmörder“ (kẻ giết người hàng loạt như Hitler, Stalin), lời ông luật sư Bernhard Bannasch, diễn giả chính của chương trình. Theo ông, những dữ kiện mà phía muốn vinh danh ông Hồ gồm đại sứ CSVN, các doanh nhân và ông dân biểu QH Andreas Lämmel đưa ra là không đúng, ví dụ như ở thời điểm ông Hồ đến Moritzburg là năm 1957 thì ở Miền Bắc Việt Nam không hề có cuộc chiến tranh nào. LS Bannasch nêu đích danh hàng loạt Massenmörder theo chủ nghĩa cộng sản trên thế giới, kẻ đã giết vài triệu đến vài chục triệu người như Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh… Không thể vinh danh một kẻ giết 2 triệu người Việt trên đất nước tự do, tôn trọng nhân phẩm này, LS Bannasch cho biết sẽ sát cánh cùng cộng đồng người Việt để ngăn chặn dự án nhằm tuyên truyền cho chế độ CSVN này. Sau những vận động, LS Bannasch thông báo cho cử tọa biết là xác suất hình thành dự án trái đạo lý này rất thấp nhưng ông yêu cầu người Việt ở Đức không nên chủ quan mà phải theo dõi kỹ diễn biến vì chế độ CSVN rất cần dự án này. Trước khi LS Banannasch trở về nhà (gần 170km) BTC đã nồng nhiệt cám ơn thiện ý của ông và đã tặng hoa và ít quà Giáng Sinh cho LS Bannasch. Bé Hoàng Chí Bảo đã làm bừng nóng hội trường với bài „Việt Nam tôi đâu“ của nhạc sĩ Việt Khang. Bé mới 6 tuổi và là công dân Bá Linh từ lúc lọt lòng mẹ. Đề tài thứ hai của buổi hội thảo, ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh tập trung vào những thảm nạn môi sinh mà dân trong nước đang è cổ gánh chịu. ĐGM nói về vấn đề „sa mạc lương tâm“ của con người Việt Nam hôm nay đang thờ ơ, vô cảm với mọi vấn đề trong xã hội vốn liên quan trực tiếp đế sức khỏe và cuộc của mọi người. Formosa chỉ là một trong những vấn nạn thảm khốc đó, ngoài việc nguồn nước, không khí và thực phẩm bị ô nhiễm trầm trọng. Nói về bất công xã hội đang đầy rẫy, Ngài đưa ra ví dụ về một sinh viên mới đến Mỹ du học. Mới chập chững đến Mỹ và cần xe để đi lại, cậu sinh viên này đã làm chủ tiệm bán xe hơi vô cùng kinh ngạc khi mở „ví“ móc ra 80 ngàn USD tiền mặt để mua xe xịn. Trong cả hai đề tài nhiều câu hỏi được cử tọa đặt ra và cuộc thảo luận đã diễn ra rất hào hứng, súc tích. Món quà Liên Hội trao tặng cho ĐGM Micae HĐOanh đã được Ngài ưu ái tặng lại: bó hoa cho bé Bảo và khoản lộ phí cho BTC ngày sinh hoạt QTNQ. Kết thúc ngày sinh hoạt là phần văn nghệ với những bài ca đấu tranh nồng nàn tình yêu quê hương do các anh chị em Ca đoàn Bá Linh đảm trách với tài điều khiển chương trình rất sống động và chuyên nghiệp của chị Kim./. ——————————– * Trong bóng đêm – Nguyễn Chí Thiện Trong bóng đêm đè nghẹt Phục sẵn một mặt trời Trong đau khổ không lời Phục sẵn toàn sấm sét Trong lớp người đói rét Phục sẵn những đoàn quân Khi vận nước xoay vần Tất cả thành nguyên tử.
......

Cơ sở VT Anh Quốc sinh hoạt với giới trẻ về hiện tình đất nước

Vào ngày 4/12/2016 vừa qua, tại trường đại học University of East London, Cơ sở Việt Tân tại Anh Quốc đã tổ chức buổi gặp gỡ thân mật với quý thân hữu gần xa nhằm mục tiêu kết nối, chia sẻ về thực trạng xã hội Việt Nam cũng như các hoạt động đấu tranh dân chủ của Việt Tân và quyết tâm đồng hành cùng mọi tầng lớp nhân dân và mọi tổ chức đấu tranh cho dân chủ và quyền con người. Thuyết trình gợi ý về hiện tình VN và phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ. Gần 50 thanh niên Việt Nam đang cư ngụ tại Vương Quốc Anh đã hăng hái tham gia cuộc thảo luận vì cùng chung một tâm nguyện, luôn hướng trái tim mình về đất nước Việt Nam. Những hiện trạng xã hội dân sự bị kiểm soát hay đàn áp, sự không minh bạch của chính quyền, ĐCSVN đang mất đi sự tín nhiệm của phần lớn người dân. Đặc biệt là thảo luận và đánh giá hệ quả các sự kiện tranh chấp gay gắt trong thượng tầng đảng CSVN, sự kiện nền kinh tế & tài chính Việt Nam đang trôi nhanh vào khủng khoảng nợ công, cạn kiệt công quỹ & thâm thủng mậu dịch gần 200 tỷ đô-la do tham nhũng, sự kiện Biển Đông bị đàn anh của CSVN lấn chiếm và gây hại mội trường sinh sống của Việt Nam (vụ Công ty Formosa thải chất độc ra biển Vũng Áng gây hậu quả kinh tế miền Trung suy giảm đến 90%). Trong phần thảo luận về phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ của toàn dân Việt Nam, diễn giả đã chứng minh cho thấy các tổ chức đấu tranh dân chủ đang dần dần khẳng định vị trí quan trọng của mình trong tiến trình kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của phần lớn những người dân đã và đang chịu sức ép, bị đàn áp, đe dọa dưới sự cầm quyền của chế độ độc tài ĐCSVN. Một ví dụ cụ thể mới đây là 20 nghìn người dân biểu tình ngay trước cổng Công ty Formosa để phản đối công ty nầy đã cố ý đầu độc môi trường biển Việt Nam với sự bao che của CSVN cho thấy người dân không còn sợ hãi công an của CSVN. Ngoài ra, công cuộc đấu tranh tháo gỡ độc tài quân phiệt để xây dựng dân chủ thành công của dân tộc Miến Điện mới đây cũng được nêu ra để nhấn mạnh là Việt Nam hiện nay đang có nhiều biểu tượng như bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện. Tiếp theo là phần giới thiệu những bước đi của Việt Tân kể từ những ngày đầu thành lập, những hoạt động và định hướng, mục tiêu cũng như quyết tâm đấu tranh đến cùng vì độc lập, tự do và dân chủ thực sự cho người dân và đất nước Việt Nam, do anh Đôn Lê trình bày. Đặc biệt là đấu tranh Bất Bạo Động và ý thức đấu tranh vì quyền lợi của tổ quốc và dân tộc chứ không vì lòng hận thù hay quyền lợi của phe nhóm hay cục bộ. Gút lại mọi người đều đồng thuận là một liên minh dân tộc rộng khắp từ trong ra ngoài nước để trực diện đấu tranh bất bạo động tháo gỡ độc tài & xây dựng dân chủ là cần thiết. Phần trao đổi cũng sôi nổi không kém khi các vấn đề đang diễn ra ở Việt Nam khá trầm trọng, chẳng hạn như: những việc làm của ĐCSVN gây nên sự phẫn nộ cho đông đảo người dân trong và ngoài nước, những hành động lúng túng (dilemma) của nhà cầm quyền cho thấy sự bế tắc trong việc cầm quyền của ĐCSVN. Nhìn theo một góc khác, sự bế tắc của ĐCSVN và sự kiện người dân Việt Nam không còn đặt niềm tin của mình vào sự dẫn dắt của ĐCSVN nữa chính là những dấu hiệu tốt cho các tổ chức, phong trào đấu tranh dân chủ. Buổi gặp mặt, chia sẻ và trao đổi đã kéo dài từ 2 giờ đến 5 giờ chiều và dường như vẫn chưa đủ cho những trái tim, những tấm lòng vì một Việt Nam tươi đẹp hơn. Các bạn trẻ tham gia cũng bày tỏ mong muốn Việt Tân tại Anh Quốc sẽ tổ chức thêm nhiều buổi gặp gỡ hay những hoạt động tương tự như thế này để họ có thể tham gia, đóng góp thêm ý kiến của mình. Buổi gặp gỡ thân mật kết thúc vào lúc 5 giờ 30 chiều cùng ngày trong tinh thần phấn khởi, hân hoan và tràn đầy niềm tin về một Việt Nam tươi sáng hơn của tất cả những người tham gia. Thuyết trình gợi ý về hiện tình VN và phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ. Một góc quang cảnh hội trường Anh Đôn Lê trình bày về quá trình của Việt Tân và hướng hoạt động tương lai. Các bạn trẻ đã cùng hát chung bài ca “Nối Vòng Tay Lớn” vào dịp nghỉ giải lao. http://www.viettan.org/Co-so-Viet-Tan-tai-Anh-Quoc-sinh.html
......

Bài phát biểu của LM. Nguyễn Đình Thục tại Quốc Hội Đài Loan

Ảnh: Linh Mục Nguyễn Đình Thục, đại diện cho các nạn nhân thảm họa ô nhiễm biển Miền Trung, tại Quốc Hội Đài Loan ngày 5-12-2016. "Chúng tôi mong quý vị hãy đứng vào vị trí của người dân Miền Trung để hiểu họ: Con đường mưu sinh của họ đang bị chặn mất, tương lai của họ đang bị đe dọa, nòi giống của họ đang bị đầu độc, con cái của họ đang phải đối đầu với một viễn ảnh mờ mịt... Ngài Chủ tịch cũng như quý vị hãy tưởng tượng: Quý vị sẽ đối xử thế nào với một kẻ mà ngày ngày bỏ chất độc vào bát cơm của đứa con thân yêu của quý vị?"   Nguyên văn bài phát biểu: Kính thưa ngài chủ tịch, Chúng tôi, những linh mục của Giáo phận Vinh, chúng tôi đến từ vùng bị thảm họa ô nhiễm môi trường do Công ty Formosa gây ra. Chúng tôi là những người chứng kiến trực tiếp thảm họa ghê gớm mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu đồng thời chúng tôi cũng là những nạn nhân của nhân tai này. Hôm nay chúng tôi có mặt nơi đây để chuyển đến ngài Chủ tịch một số điều liên quan Công ty Formosa của quý quốc. I - Tường trình sơ lược về thảm họa 1. Diễn biến Chúng tôi tóm lược diễn tiến thảm họa ô nhiễm môi trường biển Miền Trung Việt Nam do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (một chi nhánh của Tập đoàn Formosa Đài Loan) gây ra – điều mà người dân Việt Nam chúng tôi gọi là “Thảm họa Formosa”. Sự việc bắt đầu từ ngày 06/4/2016 và kéo dài đến ngày 08/5/2016, hiện tượng hải sản chết hàng loạt khởi đầu từ Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi có khu công nghiệp Formosa, sau đó lan sang Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế,蜉 suốt chiều dài hơn 250 km bờ biển. Tổng cộng có hơn 140 tấn hải sản chết dạt vào bờ, số chết chìm trong biển không thống kê được.蜉 Chủng loại cá chết đa số sống ở tầng đáy và hiện tượng cá chết riêng lẻ vẫn còn kéo dài. Trước áp lực của dư luận, sau nhiều lần cho rằng Formosa vô can trong vụ cá chết, cuối cùng, ngày 29/6 tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã phải thừa nhận Formosa là thủ phạm, cúi đầu xin lỗi và cam kết bồi thường 500 triệu USD. Người dân Việt Nam không chấp nhận giải pháp đơn giản này, nhiều người đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại và nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa đã diễn ra. 2. Những thiệt hại Dựa vào thông tin mà báo chí cung cấp và một báo cáo của Chính phủ mà chúng tôi có được, thiệt hại của thảm họa như sau: - Thiệt hại về tài nguyên môi trường và kinh tế Số lượng hải sản chết đã dạt vào bờ biển là hơn 140 tấn còn số chết chìm không thể thống kê được. Từ 40 đến 60 % san hô chết, sinh vật phù du, cá tự nhiên chết khoảng 50% làm gián đoạn chuỗi thức ăn và phá vỡ hệ sinh thái.蜉 Thủy sản nuôi ven biển chết thảm hại: “diện tích nuôi tôm chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thành phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Có 16.313 lồng nuôi cá bị chết tương đương 140 tấn cá, 6,7 ha diện tích nuôi ngao chết tương đương 67 tấn và trên 10 ha cua nuôi bị chết. - Thống kê về thất nghiệp và thu nhập Thất nghiệp hoặc giảm thu nhập đang đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người, đẩy cả một thế hệ trẻ em vào một tương lai bất định. + Tổng cộng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng, trong đó 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. + Thất nghiệp: Khoảng 14% lao động bị mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng: Thừa Thiên Huế: 10,1%, tăng 1,6 lần; Quảng Trị: 13,2%, tăng 2,8 lần; Quảng Bình: 28,6%, tăng 7,9 lần; Hà Tĩnh: 16,4%, tăng 15,7 lần. Các công việc chính liên quan đến biển bao gồm: Đánh bắt, buôn bán, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, du lịch... tất cả đều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là những người đánh bắt thủy sản đã giảm gần 25.000 người, trong đó tại Hà Tĩnh, con số này giảm đến gần 74% so với trước khi xảy ra thảm họa Formosa. Số người hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, du lịch, khách sạn đã giảm tổng cộng 33%. Trong đó Hà Tĩnh giảm 54% và Quảng Bình giảm 52%. + Thu nhập, Quảng Bình là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất khi có tới 83,2% người dân bị giảm thu nhập so với trước thời điểm xảy ra thảm họa. Những con số trên dựa theo công bố mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhưng chúng tôi cho rằng, thực tế còn phủ phàng hơn. 3. Hoang mang lo sợ của người dân Muối, thủy sản là thực phẩm chính yếu và truyền thống của người dân. Từ khi thảm họa xảy ra, người dân không dám dùng những loại thực phẩm này vì không biết những chất độc đã giết cá sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Đến thời điểm hiện tại, đã hơn 8 tháng kể từ ngày cá chết, chúng tôi vẫn sống trong âu lo, không biết có nên ăn cá, muối, nước mắm và các loại thực phẩm biển hay không? Ăn vào liệu những điều khủng khiếp nào sẽ xảy đến với chúng tôi, với con cháu chúng tôi? Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu nữa? Điều căm phẫn là từ khi gây thảm họa đến nay, Formosa chưa một lần công bố cho công luận biết họ đã thải những chất gì vào biển, số lượng bao nhiêu, thải trong thời gian nào! Điều đáng sợ hơn nữa là một số báo chí trong nước đưa tin nhiều mẫu cá lấy ở Hà Tĩnh bị nhiễm cyanua, phenol và đặc biệt là kim loại nặng cadimi, chì, sắt và crom.蜉 Bằng sự cố gắng và qua nhiều con đường khác nhau, chúng tôi cũng đã thu thập được một số bản giám định mẫu cá chết giạt bờ ở thôn Xuân Hòa, Quảng Trạch, Quảng Bình do cơ quan Nhà nước tiến hành và đã xác nhận là chúng có hàm lượng độc tố cadimi và thủy ngân vượt mức cho phép. Về bệnh tật, mặc dù chưa được chính thức công nhận, nhưng thông tin trên các mạng xã hội ghi nhận ít nhất đã có ba trường hợp tử vong sau khi ăn cá biển. Một thợ lặn làm việc cho Formosa cũng đã chết sau khi có các triệu chứng nhiễm độc. Những thợ lặn khác cũng có các triệu chứng tương tự. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để lấy kết quả xét nghiệm liên quan đến kim loại nặng trong cơ thể của mình với những lý do khó hiểu. Hiện tại chúng tôi chỉ có một kết quả của một bệnh nhân cho thấy hàm lượng thủy ngân và chì trong máu vượt quá mức cho phép, trong đó thủy ngân vượt gần gấp 3 lần. Theo bản điều tra (chưa công bố) từ tháng 7 của Chính phủ Việt Nam蜉 “đã có một nguồn thải lớn từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) có chứa các hạt keo sắt dưới dạng mixel hấp phụ các độc tố như phenol, xyanua, kim loại nặng, hydrocacbon thơm đa vòng... (là chất thải của quá trình luyện cốc) di chuyển theo dòng hải lưu đã gây nên cá chết hàng loạt. Điều mà người ta đang cố tình né tránh ở đây là độc tố kim loại nặng. Người dân Việt Nam chúng tôi đòi hỏi phải công bố rõ ràng kim loại nặng trong nguồn gây ô nhiễm đó là những loại nào. Tác động của nó ra sao đối với môi trường và sức khỏe con người. Tồn dư của nó trong trầm tích đáy biển và sự ảnh hưởng lâu dài của nó đến nhiều thế hệ người Việt Nam mai sau ra sao. Chúng tôi đã nghe nói đến thảm họa Minamata ở Nhật Bản và chúng tôi lo sợ rằng trong những thập kỷ tới, người dân Việt Nam chúng tôi cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều ý kiến cho rằng, điều đáng sợ nhất của người dân bốn tỉnh Miền Trung Việt Nam bây giờ không phải là thất nghiệp hay đói kém trước mắt mà là sự hoang mang lo lắng bởi sự mập mờ, thiếu thông tin về thảm họa. Đòi hỏi chính yếu của người dân Miền Trung hiện nay không phải là các khoản tiền bồi thường thiệt hại mà là đòi hỏi phải được nhìn thấy tương lai cho chính họ và con cháu của họ. Có người phát biểu họ không muốn nhận tiền bồi thường, họ chỉ muốn biển sạch và Formosa đi khỏi Việt Nam! Chúng tôi đồng quan điểm này và cho rằng số rất đông người cũng có cùng quan điểm với chúng tôi. II. Đề nghị Chúng tôi đưa ra các đề nghị sau, mong ngài Chủ tịch và chính giới của quý quốc quan tâm xem xét: - Buộc Formosa công khai những chất độc đã thải ra biển, đó là những chất nào? Số lượng bao nhiêu? Thải trong thời gian nào? Đánh giá tác động đến môi trường và sức khỏe con người của những loại chất thải này, thời gian bao nhiêu? - Giải pháp và kế hoạch cụ thể để làm sạch môi trường, bồi thường thiệt hại một cách tương xứng cho nạn nhân, giải quyết công ăn việc làm cho họ trong thời gian xử lý ô nhiễm. Tổ chức xét nghiệm hàm lượng kim loại nặng trong cơ thể cho người dân vùng bị thảm họa. - Đưa ra công luận dự án thay đổi công nghệ xử lý chất thải để bảo đảm trong sạch môi trường, có cơ chế dễ dàng để người dân hoặc các tổ chức xã hội dân sự đại diện có thể dễ dàng giám sát việc xả thải của Formosa. Nếu không đảm bảo được điều này, yêu cầu đóng cửa Formosa. III. Thông điệp Đã từ lâu chúng tôi nhìn Đài Loan như một đảo quốc của những con người đam mê tự do và nhân quyền. Hình ảnh những con người, bất chấp nguy hiểm, ly khai khỏi Trung Hoa đại lục để tạo lập một nơi bình yên và đáng sống làm chúng tôi liên tưởng đến những công dân Anh Quốc vào thế kỷ 18 dám từ bỏ Âu Châu để lập nên nước Mỹ tự do và hùng mạnh. Chúng tôi cũng đã biết đến chính sách Hướng Nam và Hướng Nam Mới mà Chính phủ Đài Loan đã dày công xây dựng mấy thập niên gần đây. Chúng tôi cũng trông chờ chính sách đó góp phần mang lại tiến bộ và cải tiến nền kinh tế cũng như độc lập vững mạnh cho dân tộc chúng tôi. Nhưng chính Formosa đã làm cho chúng tôi nghĩ về một Đài Loan khác! Chắc quý vị cũng đã biết lịch sử Việt Nam có một truyền thống lâu dài không mấy tốt đẹp với chủ nghĩa Đại Hán của người Phương Bắc. Trong 16 cuộc chiến tranh lớn chống ngoại xâm thì đã có 14 cuộc chiến chống người Phương Bắc. Hơn nữa, trong thời điểm hiện nay, việc Trung Quốc muốn bá chủ Biển Đông, hàng hòa kém chất lượng và chứa nhiều hóa chất độc hại từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam càng làm cho cảm thức của dân Việt Nam, vốn đã không mấy tốt đẹp về Trung Quốc, lại càng trở nên tồi tệ. Nhắc tới những điều này chúng tôi không muốn khơi dậy chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay làm ảnh hưởng mối quan hệ của quý đảo quốc với Trung Hoa đại lục, nhưng điều chúng tôi muốn nói ở đây là: Formosa với cách làm ăn thiếu minh bạch, vô trách nhiệm, không tôn trọng môi trường sống của người Việt Nam đã làm cho người dân đồng hóa Formosa với Trung Quốc và kéo theo một hình ảnh xấu trong tâm thức người Việt về Đài Loan! Chúng tôi xin dẫn chứng: Vào trung tuần tháng 5/2014, khi Trung Quốc kéo dàn khoan HD981 vào thềm lục địa của Việt Nam gây nên một làn sóng chống đối mạnh mẽ. Khi đó hàng ngàn người đã xông vào đập phá nhà máy Formosa cũng như gây thương tích cho nhiều công nhân trong đó. Tại sao như vậy? Tại vì quá trình đầu tư vào Vũng Áng của Formosa đã để lại nhiều tai tiếng xấu, vì thế họ chống Trung Quốc nhưng lại tấn công vào Formosa. Họ đồng hóa Formosa với Trung Quốc! Trong hiện tại, với thảm họa Formosa, tình hình lại càng tồi tệ hơn. Việc biểu tình ở Việt Nam là điều hiếm thấy vì những áp lực, bắt bớ và cấm đoán từ phía chính quyền nhưng thời gian qua đã có nhiều cuộc biểu tình trên khắp Việt Nam, đặc biệt là cuộc biểu tình lớn của hơn 10.000 người trước cổng Formosa ngày 02/10 đã cho thấy điều đó. Chúng tôi mong quý vị hãy đứng vào vị trí của người dân Miền Trung để hiểu họ: Con đường mưu sinh của họ đang bị chặn mất, tương lai của họ đang bị đe dọa, nòi giống của họ đang bị đầu độc, con cái của họ đang phải đối đầu với một viễn ảnh mờ mịt... Ngài Chủ tịch cũng như quý vị hãy tưởng tượng: Quý vị sẽ đối xử thế nào với một kẻ mà ngày ngày bỏ chất độc vào bát cơm của đứa con thân yêu của quý vị? Formosa đang làm chậm lại, thậm chí làm mất tác dụng chính sách Nam Tiến Mới của chính phủ Đài Loan và tệ hại hơn, làm hình ảnh những người Đài Loan tự do ngày càng mờ nhạt thậm chí chuyển sang tiêu cực trong suy nghĩ của người Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi chắc rằng quý vị sẽ không thích điều đó! Xin chân thành cảm ơn quý vị đã lắng nghe!  
......

TIN NÓNG: Cuộc gặp gỡ với văn phòng Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan và họp báo về vấn đề Formosa tại Taipei.

Trong hai ngày 5 và 6 tháng 12 Linh Mục Nguyễn Đình Thục của Giáo Phận Vinh đại diện các nạn nhân của thảm họa Formosa cùng với LM Nguyễn Văn Hùng và các tổ chức Đài Loan đã có buổi gặp gỡ với văn phòng Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan để trình bày về thảm họa do Formosa gây nên đối với đời sống người dân và môi trường Miền Trung. LM. Nguyễn Đình Thục cũng đại diện các tổ chức trao thỉnh nguyện thư do 38 tổ chức Xã Hội Dân Sự và chính trị Việt Nam cùng với các tổ chức Đài Loan và XHDS trong vùng gửi đến Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan yêu cầu can thiệp. Hình: Lm. Nguyễn Văn Hùng mặc áo trắng bên trái.  ====== Ngày 5 tháng 12, 2016 Kính gửi Ông Chủ Tịch Su Jia-chyuan Viện Lập Pháp Trung Hoa Dân Quốc Đài Bắc, Đài Loan Thưa Ông Chủ Tịch, Chúng tôi là những tổ chức xã hội dân sự Đài Loan và Việt Nam, đặc biệt quan tâm tới thảm họa môi trường tại Việt Nam do công ty thép Formosa Hà Tĩnh gây nên. Vào đầu tháng Tư vừa qua, hàng trăm tấn cá chết đã trôi dạt vào bờ biển miền Trung Việt Nam. Đây là thảm họa môi trường chưa từng thấy đã xẩy ra cho ngư nghiệp Việt Nam. Những nguy hại cho đời sống và thiệt hại về kinh tế còn đang tiếp diễn và cho tới nay vẫn chưa được lượng định đầy đủ. Sau gần 3 tháng phủ nhận và chối quanh, nhà cầm quyền Hà Nội và công ty Formosa đã công bố một kết quả đã được dàn xếp giữa hai bên vào ngày 30 tháng Sáu. Thỏa thuận bí mật này đã cho thấy sự thiếu minh bạch trong việc giải quyết thảm họa môi trường nêu trên. Vào ngày 1 tháng Tám, trong chuyến đi tìm hiểu về sự cố môi trường tại Việt Nam, Nghị sĩ Su Chih-fen và phái đoàn của Bà đã bị nhà cầm quyền Việt Nam lưu giữ 9 tiếng tại phi trường Hà Nội và sau đó tiếp tục bị gây trở ngại trên đường tới Hà Tĩnh, là nơi hoạt động của công ty thép Formosa. Là những người quan tâm, chúng tôi rất cảm kích nỗ lực của nữ Nghị sĩ Su và bức xúc khi phái đoàn của Bà lại bị ngăn cản không cho tiếp xúc với dân chúng địa phương để tìm hiểu về tai nạn môi trường tại đây. Thảm họa môi trường tại Miền Trung Việt Nam là hậu quả của sự yếu kém, thiếu minh bạch, thiếu tôn trọng môi trường và người dân Việt Nam của nhà cầm quyền Hà Nội và công ty Formosa. Chúng tôi yêu cầu Ông Chủ Tịch Viện Lập Pháp và các Ủy Ban liên hệ của Quốc Hội Đài Loan: 1. Yêu cầu công ty Formosa phải công bố kết quả điều tra nội bộ về nguyên nhân xả chất thải độc hại và công ty Formosa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả mà họ đã gây ra. 2. Dùng áp lực của giới hành pháp Đài Loan để hỗ trợ lời kêu gọi của chúng tôi mở cuộc điều tra khoa học độc lập và thiết lập việc giám sát chất lượng môi trường toàn diện. 3. Theo dõi và can thiệp vào tiến trình bồi thường các nạn nhân của thảm họa để đảm bảo đầy đủ tiền bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân này. 4. Thúc đẩy công ty Formosa bạch hóa toàn bộ nội dung của các thoả thuận với chính quyền Việt Nam. 5. Thúc đẩy chính quyền Đài Loan thêm luật hoặc sửa đổi luật để ngăn ngừa các công ty có vốn đầu tư Đài Loan hoạt động tại nước ngoài không được lợi dụng các quốc gia yếu kém về luật lệ và thực thi bảo vệ môi trường. Khi tiến hành chính sách Hướng Nam Mới của chính quyền Đài Bắc, những việc làm có trách nhiệm sẽ minh chứng cho người dân Việt Nam và các quốc gia trong vùng thấy rằng Đài Loan là một đối tác có trách nhiệm để góp phần đem lại phát triển và thịnh vượng cho toàn vùng. Xin chân thành cảm tạ sự quan tâm của Ông Chủ Tịch về vấn đề hệ trọng này. Đồng ký tên, 財團法人天主教會新竹教區越南外勞配偶辦公室 桃園越南天主教團體 環境法律人協會 台灣人權促進會 人權公約施行監督聯盟 台灣國際醫學聯盟 社團法人台灣蠻野心足生態協會 Defend the Defenders(捍衛人權) Viet Tan(越新黨) People's Intellect(智慧人) Con Se Parish, Vinh Diocese(天主教榮市教區) Dong Yen Parish, Vinh Diocese(天主教Dong Yen教區) Phu Yen Parish, Vinh Diocese(天主教Phu Yen教區) Song Ngoc Parish, Vinh Diocese(天主教Song Ngoc教區) Tam Toa Parish, Vinh Diocese(天主教Tam Toa教區) Hoang Sa FC(黃沙FC) Brotherhood For Democracy(兄弟民主會) Bau Bi Tuong Than Assocation(南冬瓜會) Former Catholic Prisoners (天主教更生人) Chu Van An Teachers Association(周文安老師協會) Hội Thánh Tin Lành Lutheran Việt nam-Hoa kỳ, Ms Nguyễn Hoàng Hoa(越南之美國基督教-阮黃花小姐) Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết, ông Đinh Quang Tuyến(自覺越南民族聯盟) Viet Labor Movement(越南勞動陣線) Saigon Paper(西貢報) Tuổi trẻ lòng nhân ái, ông Thái Văn Dung(青年慈善,蔡文榮先生) Vì Tương Lai, ông Trần Minh Nhật(為了未來,陳明日先生) Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, ông Nguyễn Chí Trung(社會民主越南黨,阮志忠先生) 連署團體: 1.Centre for Human Rights and Development, Mongolia(蒙古人權與發展中心) 2.Cambodian League for the Promotion and Defense of Human Rights (LICADHO)(聯團協會與柬埔寨人權保護) 3.League for the Defence of Human Rights in Iran (LDDHI)(伊朗保護人權聯團) 4.Armanshahr Foundation/OPEN ASIA(Armanshahr 組織) Korean House for International Solidarity (KHIS)(韓國國際團結之家) 台灣國際家庭互助協會 南洋姐妹會 綠色公民行動聯盟 彰化縣環境保護聯盟 台灣圖書室文化協會 台灣生態學會 綠色陣線 政大種子社 樹黨 自從六輕來了電子報 輔大黑水溝社 活力海岸工作協會 北大翻牆社 看守台灣協會   Ảnh: Nguyen Tien Sy
......

Thông Cáo Báo Chí: Buổi gây quỹ “Thương Về Miền Trung” do SBTN tổ chức thu được hơn 619 ngàn USD

THÔNG CÁO BÁO CHÍ Đài Truyền Hình SBTN và Bên Em Đang Có Ta Foundation chân thành cảm tạ quý khán giả và quý đồng hương tại Hoa Kỳ cũng như khắp nơi trên toàn thế giới đã ủng hộ cuộc gây quỹ “Thương Về Miền Trung” nhằm cứu giúp nạn nhân bão lụt Miền Trung và yểm trợ công lý cho nạn nhân Formosa. Chương trình gây quỹ do Đài SBTN phối hợp với BEĐCT Foundation tổ chức vào ngày Chủ Nhật, 23 tháng 10 năm 2016, tính đến hôm nay đã thu được $619.632,34. Như đã thông báo trước đó, phân nữa số tiền gây quỹ sẽ được dành để cứu trợ các nạn nhân lũ lụt tại Miền Trung, và phân nữa còn lại để nhằm tạo phương tiện và vật chất cho các nạn nhân Formosa đi đòi công lý. Trong công tác cứu trợ lũ lụt, Đài SBTN và BEĐCT Foundation sẽ phối hợp với Giáo Phận Vinh để tiến hành các chương trình sau đây. 1. Cứu trợ khẩn cấp trước mùa lễ Giáng Sinh với tổng kinh phí là 100.000 USD.     Cứu trợ 10 địa điểm bị thiệt hại nặng nề nhất thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, bao gồm 3.440 gia đình và 1 cơ sở có 1.000 các em trẻ mồ côi, tật nguyền     Vào ngày 04 tháng 12 năm 2016, Đức Giám Mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp, cha Quản lý Giáo phận Trần Xuân Thùy cùng phóng viên SBTN và phái đoàn cứu trợ sẽ đến các địa điểm để trao quà cho đồng bào. 2. Cứu trợ dài hạn với tổng kinh phí là 165.000 USD.     Mua cho 5 địa điểm thuộc tỉnh Quảng Bình: Liên Hòa, Cồn Sẻ, Tân Hội, Kinh Nhuận và chợ Sàng mỗi nơi 5 chiếc đò để khi bị lụt kịp thời di chuyển cấp cứu; ước tính khoảng 35,000 USD.     Xây 2 con đường bê tông (dài 200m X rộng 5m X cao 20cm) cho 2 giáo xứ Liên Hòa và Cồn Sẻ để đồng bào di chuyển khi lũ rút và sinh hoạt hàng ngày; ước tính 35.000 USD.     Xây cho giáo xứ Kinh Nhuận (nơi người dân gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất) một ngôi nhà 2 tầng để cho đồng bào nghèo tạm trú khi có lũ lụt, ước tính 95.000 USD. Tất cả những chương trình nói trên mặc dù được giáo phận Vinh đứng ra tiến hành, tuy nhiên các cứu trợ và những hạ tầng cơ sở xây dựng sẽ là tài sản chung của tất cả người dân trong vùng không phân biệt tôn giáo. Ngoài ra, phần còn lại của số tiền cứu trợ lũ lụt sẽ được Đài SBTN và BEĐCT Foundation phối hợp cùng các tổ chức Xã Hội Dân Sự độc lập tại Việt Nam cùng nhau thực hiện. Phần còn lại cho việc yểm trợ nạn nhân Formosa sẽ được Đài SBTN và BEĐCT Foundation tiếp tục thông báo đến quý khán giả và quý đồng hương trong những lần sắp tới. Một lần nữa, Đài SBTN và BEDCT Foundation xin chân thành cám ơn tấm lòng hảo tâm của quý khán giả và quý đồng hương ở khắp mọi nơi đã đồng hành cùng SBTN và BEĐCT Foundation trong tinh thần lá lành đùm lá rách cũng như tiếp sức cho đồng bào chúng ta tại quê nhà trong công cuộc đi tìm công lý. Ngày 03 tháng 12 năm 2016 Tổng giám đốc Đài Truyền Hình SBTN – Nhạc Sĩ Trúc Hồ Chủ tịch Bên Em Đang Có Ta Foundation – Nguyễn Khoa Diệu Quyên Nguồn: http://www.sbtn.tv/thong-cao-bao-chi-buoi-gay-quy-thuong-ve-mien-trung-d...
......

Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam kêu gọi tham gia các hoạt động nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền

Vào ngày 30/11/2016, Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam đã gởi một bức tâm thư đến toàn thể những người Việt Nam yêu nước, yêu tự do dân chủ trong và ngoài nước. Bức tâm thư kêu gọi mọi người hãy có những hành động thiết thực để kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 68, diễn ra vào ngày 10/12/2016. Cách đây 68 năm, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế ra đời, đã khẳng định mọi người sinh ra đều được tự do, bình đẳng hưởng những quyền lợi căn bản của con người như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, bình đẳng trước pháp luật. Riêng tại Việt Nam, dưới sự cai trị của chế độ độc tài của ĐCSVN, mọi thứ quyền tự do đó của người dân Việt Nam đã bị tước đoạt. Gần đây nhất, CSVN tiếp tục bắt bớ, đàn áp những người yêu nước, những nhà đấu tranh vì tự do, dân chủ, quyền làm người: Mục Sư Nguyễn Công Chính, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Ông Trần Huỳnh Duy Thức, Blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), Nguyễn Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già), Bà Bùi Thị Minh Hằng, Bà Cấn Thị Thêu (vừa bị kết án 20 năm tù ở ngày 30-11-2016), bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), BS Hồ Hải, Ông Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Ông Lưu Văn Vinh, Ông Nguyễn Văn Đức Độ…Điều này cho thấy chế độ CSVN tiếp tục coi thường dư luận quốc tế, coi thường tiếng nói của hàng triệu người dân Việt Nam, tiếp tục từ chối quyền làm người của dân tộc Việt Nam. Trong một bối cảnh như vậy, Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam kêu gọi người Việt khắp nơi trên thế giới hãy có những hành động thiết thực nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2016, thí dụ như: biểu tình ôn hòa, thắp nến cầu nguyện, lập kháng thư kiến nghị gởi các tổ chức nhân quyền quốc tế… Đặc biệt, tại New York Hoa Kỳ, trong hai ngày 9 và 10 tháng 12, sẽ có nhiều hoạt động tại trụ sở Liên Hiệp Quốc thành phố New York như: gặp gỡ Cao Ủy Nhân Quyền LHQ, biểu tình ủng hộ nhân quyền Việt Nam… Sau đây là toàn văn thư mời: HỘI ĐỒNG LIÊN KẾT QUỐC NỘI HẢI NGOẠI VIỆT NAM TÂM THƯ KÊU GỌI THAM GIA CHIẾN DỊCH ĐÒI NHÂN QUYỀN  VÀ VẸN TOÀN LÃNH THỔ CHO VIỆT NAM NHÂN KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN LẦN THỨ 68 ————————————– Kính gửi: – Quý vị Lãnh Đạo tinh thần các Tôn giáo. – Quý vị Đại Diện các đòan thể đấu tranh, cộng đồng, hội đòan. – Quý Cơ Quan truyền thông báo chí người Việt Tự Do. – Quý Đồng Bào tại quốc nội và hải ngoại Kính thưa Quý Vị, Cách đây 68 năm vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được Liên Hiệp Quốc công bố nhằm đề cao, cổ vũ và bảo vệ quyền căn bản của con người trên toàn thế giới. Bản Tuyên Ngôn khẳng định: Mọi người sinh ra được tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, được hưởng những quyền tự do căn bản không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay tư tưởng, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán; ai cũng có quyền được một toà án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng về những quyền lợi, nghiã vụ hay những tội trạng hình sự bị cáo buộc v.v… Điều khoản cuối cùng của bản Tuyên Ngôn còn viết: “Không (ai) được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản Tuyên Ngôn này theo hướng ngầm cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào tham gia hoặc có hành vi nhằm tước bỏ bất cứ quyền tự do nào nêu trong Bản Tuyên Ngôn này”. Như vậy, các quốc gia khi gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc đều có bổn phận tôn trọng và thực hiện bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một mẫu mực nhằm mang lợi ích thiết thực cho quốc gia và dân tộc của mình. Tuy nhiên tại Việt Nam, đảng Cộng Sản đã áp đặt một nền cai trị độc tài độc đảng vô thần trên miền Bắc năm 1954 và toàn cõi Việt Nam năm 1975, tước đoạt các quyền tự do căn bản của người dân nhất là quyền tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội… Sau khi gia nhập Liên Hiệp Quốc tháng 1, 1977 và trở nên thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ năm 2013, cho đến nay nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam vẫn không tôn trọng bản Tuyên Ngôn Quốc Tế này, vẫn tiếp tục đàn áp, khủng bố các Chức Sắc và Tín Đồ Tôn Giáo chơn truyền, trấn áp các nhà tranh đấu ôn hòa cho tự do dân chủ, cho nhân quyền và cho sự vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhà cầm quyền CSVN hiện vẫn giam giữ và hành hạ rất nhiều Tù Nhân Lương Tâm trong đó có MS Nguyễn Công Chính, các tín đồ Tôn giáo sắc Tộc, LS Nguyễn Văn Đài, Ông Trần Huỳnh Duy Thức, Blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), Nguyễn Đình Ngọc (Nguyễn Ngọc Già), Bà Bùi Thị Minh Hằng, Bà Cấn Thị Thêu (vừa bị kết án 20 năm tù ở ngày 30-11-2016), bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), BS Hồ Hải, Ông Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Ông Lưu Văn Vinh, Ông Nguyễn Văn Đức Độ và nhiều người khác nữa. Gần đây, nhà cầm quyền CSVN đã thông qua luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo chỉ nhằm mục đích khống chế các Tôn giáo chặt chẽ hơn. Ngày 8 tháng 9, 2016, nhà cầm quyền đã cưỡng chế và phá hủy Chùa Liên Trì, một cơ sở của Phật Giáo đã tồn tại trên 70 năm tại Thủ Thiêm, Việt Nam bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Trong lúc đó, nhà cầm quyền CSVN đã làm ngơ trước nỗi thống khổ đói nghèo của Đồng Bào miền Trung sau thảm họa ô nhiễm môi trường do tập đoàn Formosa gây ra, lại còn ngăn cản và đàn áp nạn nhân đòi công lý về những thiệt hại to lớn cho đời sống và sức khỏe. Ngoài ra hàng ngàn, hàng vạn Dân Oan hiện sống trong cảnh lầm than, thống khổ, hoặc bị tù đày vì tranh đấu chống bất công, chống cướp đoạt tài sản đất đai ruộng vườn và chống áp bức gây ra bởi bọn cường hào đỏ từ nhiều năm qua… Kính thưa toàn thể quý vị, –       Trước hoàn cảnh Đất Nước và nỗi đau trầm thống của Tổ Quốc và Dân Tộc, –       Trước nguy cơ mất Nước về tay Trung Cộng đã quá gần kề và ngày càng lộ rõ, Chúng tôi, Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam khẩn thiết kêu gọi toàn thể Đồng Bào trong và ngoài Nước nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 68: 1-      Tổ chức và tham gia các cuộc gặp mặt, biểu tình, thắp nến, tuyệt thực, tọa kháng, – tùy hoàn cảnh và thời gian- nhằm tố cáo trước công luận thế giới chính sách bóp chết nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN, đồng thời nói lên khát vọng của toàn dân đòi Quyền Làm Người cho Dân Tộc Việt Nam. 2-      Lập kiến nghị, kháng thư, gặp gỡ các Cơ Quan Quốc Tế Nhân Quyền, các Chính Phủ, các Tòa Đại Sứ các Quốc Gia dân chủ, thỉnh cầu họ dùng ảnh hưởng và quyền hạn của mình nhằm:     Hỗ trợ cuộc tranh đấu của Nhân Dân Việt Nam đòi tự do dân chủ, đặc biệt cuộc tranh đấu đòi công lý môi trường tại miền Trung.     Áp lực buộc CSVN trả tự do thật sự cho các Vị Lãnh Đạo tinh thần các Tôn Giáo, các Nhà tranh đấu vì dân chủ, các Nhà bất đồng chính kiến cùng các Tù Nhân Lương Tâm hiện còn bị giam cầm hay quản chế một cách độc đoán. Nhân dịp này, chúng tôi kính mời quý vị tham dự ngày Quốc Tế Nhân Quyền được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc thành phố New York, Hoa Kỳ vào những ngày 9 và 10 tháng 12 năm 2016 với lịch trình như sau: – Ngày 9/12/2010 từ 10 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều: Tiếp xúc và đạo đạt Thỉnh Nguyện Thư đến Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền LHQ và Văn Phòng các Phái Bộ các Quốc Gia bên cạnh LHQ như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Canada… – Ngày 10/12/2010 từ 1 giờ đến 3 giờ 30 chiều: Biểu tình tố cáo và lên án nhà cầm quyền CSVN về hành động chà đạp nhân quyền tại Việt Nam, trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, Ralph Bunche Park, 1st Ave.  Bet. E.42nd St and E 43rd St. Manhattan, NY. Kính thưa toàn thể Đồng Bào, Với những biến động sâu xa hiện nay tại quốc nội và quốc tế, chúng ta quyết chọn Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 năm 2016 này là khởi điểm cho một chu trình đấu tranh mới, giương cao ngọn cờ Tự Do, Dân Chủ và Nhân Bản để cứu nguy Đất Nước. Vì tiền đồ và vinh quang của Tổ Quốc, vì tương lai Dân Tộc và sự tồn vong của Nòi Giống, một lần nữa, Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam ước mong toàn thể Đồng Bào hưởng ứng và tích cực tham gia đông đảo trong niềm tin tất thắng để dựng lại một nước Việt Nam Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ, An Lạc và Phú Cường. Làm tại Việt Nam và Hải Ngoại, ngày 30 tháng 11 năm 2016     Ủy Ban Thường Trực Hội Đồng Liên Kết QNHNVN     Cố vấn: LM Nguyễn Văn Lý – Hòa Thượng Thích Minh Tuyên.     Các đồng Chủ Tịch: –       HT. Thích Không Tánh (Phật Giáo), Đồng Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn VN. –       LM. Phan Văn Lợi (Công Giáo): Đồng ChủTịch Hội Đồng Liên Tôn VN. –       CTS. Hứa Phi (Cao Đài Chơn Truyền), Đồng Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn VN. –       Đạo Huynh Lê Văn Sóc (PGHH Thuần Túy), Đồng Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn VN. –       MS. Nguyễn Hoàng Hoa (Tin Lành), Đồng Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn VN. –       BS. Võ Đình Hữu, Chủ Tịch HĐĐB Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ. –       BS. Đỗ văn Hội, Chủ Tịch HĐCH Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ. –       Nhân sĩ Lưu văn Tươi, Chủ Tịch HĐGS Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ. –       Nhân sĩ Nguyễn văn Tánh, Chủ Tịch UB Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế, Cố Vấn CĐNVQGLBHK. –       Nhà Biên Khảo Phạm Trần Anh, CT Diên Hồng Thời Đại. –       Phó Trị Sự Trần Viết Hùng, TTK Liên Hiệp Hội Thánh Em và Tín Đồ Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh Hải Ngoại. –       Nhân sĩ Cao Xuân Khải, PCT Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Tôn Giáo Việt Nam. –       Nhân sĩ Trần văn Đông, Ban Kiểm Soát Liên Hội Người Việt Canada (Nguyên TTK). –       Nhân sĩ Trần Ngọc Bính (Ban Yểm trợ Truyền Thông Khối 8406). –       BS Hoàng Thị Mỹ Lâm, CT Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Hòa Liên Bang Đức. LIÊN LẠC: Email: LienlacQnHn@gmail.com – Website: LienketQnHn.org Ông Nguyễn Văn Tánh: 347-481-8283; tanhnguyen1947@yahoo.com BS Đỗ Văn Hội: 407-234-3596; hoivando@gmail.com Cô Tara Thu: 917-862-9969; Tarathu@gmail.com
......

Uwe Siemon-Netto và Chiến Tranh Việt Nam

Cuốn sách nguyên bản  dày 306 trang với tựa đề „ Duc , der Deutsche – Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten „ , đã từng được các dịch giả Lý Văn Quý&Nguyễn Hiền dịch lại với tựa đề „ Vinh Quang của sự Phi Lý – Tình yêu của một phóng viên cho dân tộc Việt Nam bị bỏ rơi“ , do chính tác giả Uwe Siemon-Netto trong dịp đến Berlin nói chuyện với Cộng Đồng Tỵ Nạn Việt Nam ký tặng  đề  ngày 23.03.2014,   được trân trọng để riêng trong tủ sách quý gia đình từ bấy lâu nay. Mỗi lần lấy sách ra đọc lại tôi vẫn cảm thấy xúc động trước sự đồng cảm , sự trân trọng quý mến dân tộc Việt Nam bị tổn thương và phản bội trong dư luận quốc tế. Tuy bản dịch  tiếng Việt rất công phu nhưng nguyên bản mới diễn tả được sự điêu luyện sắc sảo trong lời văn ngôn từ và kỹ năng  của người viết. Thoạt nhìn hình bìa thì ai cũng  tưởng  đó chỉ là  là một cuốn sách viết về một đề tài chiến tranh khô khan , nhưng khi đọc người  ta mới cảm nhận được  sự thật kinh hoàng  của chiến tranh Việt Nam dưới cái nhìn của một Phóng Viên Chiến Trường có lương tâm nghề nghiệp  và  sự ấm áp tình người của một  người từng  đồng hành đồng khổ với người Việt miền Nam trong trận chiến đó. Ông Siemon-Netto là người Đức, sanh ngày 25.10.1936 và có một thời thơ ấu hồn nhiên ở Leipzig. Thân mẫu của ông là một Ca Sĩ Hợp Xướng sau này sống ở Frankfurt. Ông khởi nghiệp làm Phóng Viên Hải Ngoại ở Luân Đôn cho hãng truyền thông Đức Axel-Springer. Tại đây ông gặp người bạn đời Gillian vào năm 1962, một cô gái người Anh vừa đẹp tính lại vừa đẹp người. Hai người đã làm đám cưới vào cuối năm đó khi ông vừa 26 tuổi. Ngay sau đám cưới ông được hãng thuyên chuyển sang New York làm Phóng viên chuyên về phóng sự chính trị tại Liên Hiệp Quốc. Ba năm sau, đầu năm 1965,ông đặt chân lần đầu đến Saigon với nhiệm vụ Phóng Viên chiến trường cho Axel Springer và tiếp tục làm việc tại đây đến cuối năm 1969. Cuốn sách „Duc , der Deutsche „ là một hồi ký, là những mảng ký ức sống động được chép lại năm 2014 khi ông đã trở thành một Nhà Thần Học Tin Lành. Cũng nên nhắc lại là sau khi bỏ nghiệp nhà báo, ông Siemon-Netto đã theo học về Thần Học và chuyển sang làm nghề Chăm Sóc Tâm Linh cho các Cựu Chiến Binh đã tham chiến Việt Nam tại Hoa Kỳ. Năm 1992 ông trình Luận Án Tiến Sĩ về Thần Học và Xã Hội Tôn Giáo tại Đại Học Boston. Xuyên suốt cuốn sách có một câu tuyên bố của Đại Tướng Cộng Sản Việt Nam Võ Nguyên Giáp  được Siemon-Netto  nhắc đi nhắc lại nhiều lần là: „ kẻ thù (nghĩa là kẻ Phương Tây).. không có khả năng về tâm lý và chính trị để chịu đưng một cuộc chiến tranh trường kỳ „ , và đó cũng là cái  cốt lõi và phương châm của Cộng Sản Việt Nam để liên tục  khiêu chiến và duy trì cuộc chiến kinh hoàng với mục đích tối hậu là áp đật chế độ Cộng Sản lên toàn cõi Việt Nam. Siemon-Netto đã chỉ trích nặng lời với gíới chính trị Phương Tây là đã bỏ qua lời khuyên  của Sir Robert G.K. Thompson, một chuyên viên người Anh về Chiến Tranh Du Kích đã rời Việt Nam  vào năm 1965 vì Cơ Quan Tư Vấn của ông  bị đóng cửa. Theo chiến thuật của Sir Thompson thì chính việc loại bỏ  những tên Cộng Sản Nằm Vùng quan trọng hơn là việc diệt trừ những tên Cộng Sản Du Kích trong rừng sâu. Phương thức„ Clear and hold„ là làm sạch mầm móng Cộng Sản nằm vùng (clear) thì dân chúng địa phương tại đó sẽ đứng về phe chính phủ (hold) .Một hệ thống Cảnh Sát và Tình Báo hữu hiệu là yếu tố quyết định cho sự thành công của chiến thuật này. Trong chương 3  Siemon-Netto nêu lên sự thành công của một Ấp Chiến lược năm 1965 của Đại Úy Ngữ ở làng Long Khốt, cách Saigon 137km về hướng tây gần biên giới Căm Bốt, hình thành đúng theo chiến thuật Thompson với lực lượng Nhân Dân Tự Vệ  bén nhạy và ông đã tỏ lòng hết sức kính phục vị Đại Úy Việt Nam này. Tác giả (trái), Tướng Bùi Thế Lân và Phóng viên ảnh Perry Kretz Sự bỏ qua chiến lược này đã đưa đến những cái chết thảm thương của những người quốc gia chân chính sinh  sống nơi xa xôi. Trong chương 5 Siemon Netto ghi lại một hình ảnh kinh hoàng của một gia đình Xã Trưởng gồm 14 người bị du kích Việt Cộng hành hình ở vùng Tây Nguyên xa xôi trước mắt dân làng như môt hăm dọa  cho ai không theo Cộng: họ từ từ giết cháu nhỏ nhất trước rồi tới các  cháu lớn, kế đó là vợ rồi ông Xã trưởng; sự kinh hoàng không ngừng ở đó mà Việt Cộng đã hành hình vị Xã Trưởng bằng cách cắt lưỡi   rồi cắt bộ phận sinh dục nhét vào miệng trước khi treo cổ; các người con trai của ông ta chỉ bị cắt bộ phân sinh dục trước khi bị treo cổ. Người vợ và cô con gái thì bị xẻ vú trước khi treo cổ. Sự dã man này được thực hiện  như người ta thi hành một bản án thường nhật. Trong một chương khác Siemon Netto nhắc lại ánh mắt căm thù sắt máu của những bộ đội Bắc việt đối với bà Monika Schwinn, một nữ  Y Tá người Tây Đức  bị bắt khi đang phục vụ tai Việt nam trong chương trình nhân đạo của Malteser, trên đường dẫn độ ra Bắc trên con đường mòn Hồ Chí Minh. Là một nhà Thần Học ông biết  lòng căm thù và thú  tính giết ngừơi  không phải  tự trời sanh ra. Sự căm thù cũng như thú tính giết người này phải được gieo vào tim vào óc những  binh sĩ trẻ  Bắc việt với một khuôn phép giáo dục đặc biệt mà chỉ có  dưới chủ nghĩa độc tài toàn trị . Trong chương 8 ông nhắc lại bài báo„ Đồng cỏ nhuộm đỏ“ của mình đăng trên Die Welt ngày 13.12.1965 mô tả hiện trường sau một cuộc giao tranh ác liệt giữa Quân Đội Bắc Việt và Quân Đội Hoa Kỳ. Hàng trăm xác chết Việt Cộng phơi thây máu nhuộm đỏ cả bãi cỏ voi cao cả mét. Quân nhân Hoa Kỳ tử trận hay bị thương đã được di tản bằng máy bay trực thăng. Khi khám nghiệm hiện vật trong túi áo quần và ba-lô các tử thi Bộ Đội người ta mới phát giác được nhiều tử thi chỉ mới 15 tuổi. Trong ba lô chứa những bộ quần áo sạch xếp ngay ngắn hình như từ bàn tay của những người mẹ từ Vinh , Hải Phòng hay Hà Nội; có một số ba-lô dấu những tờ truyền đơn kêu gọi hồi chánh của Miền Nam. Sau khi kiểm soát người ta thấy có đến một phần tư các binh sĩ trẻ em mang tờ truyền đơn này trong người để chuẩn bị cơ hội đầu hàng; nhưng cơ hội lớn của các em không dễ tìm,vì chỉ cần một động thái khả nghi là các em sẽ bị đồng đội bắn ngay vào lưng. Tác giả trong một phút nghỉ ngơi trong trận đánh tại Huế. Ảnh: Hilmar Pabel Ngược lại Siemon –Netto cho người đọc thấy hình ảnh của những anh chàng GIs. Họ là những thanh niên còn quá trẻ để được phép uống bia rượu, nhưng đủ già dặn để đi quân dịch đem mạng sống giao cho rừng thẳm xa xôi. Phần lớn họ chỉ vừa đúng 18 tuổi và phải làm nhiệm vụ công dân. Những thanh niên này ngoài chút kiến thức căn bản về vũ khí chiến thuật, họ không được chuẩn bị tâm lý để đối phó với những sự tàn độc  của quỷ dữ. Trong một cuộc hành quân chung ở An Khê ông đã chứng kiến một cái chết của một thanh niên Hoa Kỳ 17 tuổi, viên đạn Kalaschnikow kẹt trong lá phổi của anh ta, anh ta nằm trong cơn hấp hối như một đứa trẻ thơ  , anh ta gọi mẹ rồi kêu trời. Đó là một trong nhiều cái chết của những người lính trẻ mà Siemon-Netto đã chứng kiến. Trước khi chết họ thường gọi mẹ và kêu trời và phần lớn là theo thứ tự đó. Sự tàn ác sâu độc của Việt Cộng còn được kể lại trong trận đánh tái chiếm Huế sau tết Mậu Thân. Khi những tay súng Việt Cộng nấp sau các cửa sổ phía bên bờ bắc sông Hương nã súng liên tục vào đoàn quân trong đó có Siemon-Netto đi theo, một binh sĩ Hoa Kỳ đã ném được một quả lựu đạn lọt qua một trong những cửa sổ ấy. Lựu đạn nổ. Tất cả trở thành im lặng. Đoàn quân reo vui vì nghĩ là đã đã hủy được mục tiêu. Nhưng cánh cửa chính bỗng bật mở, một người đàn bà trẻ bước ra, tay giơ lên xác một đứa trẻ đẫm máu. Anh chàng quăng lựu đạn hồi nãy  chợt lên cơn khủng hoảng: „Trời ơi , tôi đã làm gì ? tôi đã giết một đứa trẻ. Trời hãy cứu tôi, trời ơi, trời ơi .. „ anh ta quay cuồng, trong khi lính Bắc Việt từ những cửa sổ khác tiếp tục nã đạn vào phía chúng tôi. Người Trung Đội Trưởng phải dùng sức đè anh lính xuống và sau đó cho anh rút ra khỏi vòng chiến. Người binh sĩ này đã bị hủy hoại linh hồn và có thể bị tổn thương tâm linh vĩnh viễn. Trong cuộc chiến tranh tàn nhẫn đó Siemon –Netto đã phân tích sự độc ác một cách khách quan là : trong khi Bắc Việt xem việc giết người là nhiệm vụ thi hành một chỉ đạo một quyết định tối hậu của nhà cầm quyền, kẻ giết người được ân thưởng tuyên dương công trạng. Còn người Mỹ xem chuyện giết người, điển hình là vụ Mỹ Lai, là một vi phạm pháp luật  phải được nghiêm minh xét xử trước tòa án. Nhiều nhà báo quốc tế đã vô tình hoặc cố ý bỏ qua sự khác biệt về căn bản đạo đức này, khiến cho nhiều binh sĩ Hoa Kỳ khi giải ngũ về nước bị công dân Hoa Kỳ sỉ vả và bị làm tổn thương tinh thần trong suốt cuộc đời. Siemon-Netto cũng  phân tích tại sao chế độ Dân Chủ không đủ sức chịu đựng áp lực tâm lý và chính trị để chống lại cuộc chiến Partisan như Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố. Nguyên do là chỉ vì nền Dân Chủ khác với Độc Tài ở điểm Hệ thống Dân Chủ lệ thuộc vào Cử Tri. Nhưng ai là kẻ đem tin tức đến Cử Tri. Chính là giới truyền thông. Và khi giới truyền thông loan truyền  là sự kiên trì trong cuộc chiến tranh vũ khí không xứng đáng để kéo dài vì người được bảo vệ không đáng được bảo vệ. Như vậy là cuộc chiến phải chấm dứt , nếu cần thì thua thiệt cũng phải chấp nhận. Thế là Giáp thắng cuộc !. Siemon-Netto lên án cực liệt giới truyền thông thuộc lớp trẻ, dưới ảnh hưởng của phong trào Hiện Sinh thập niên 1960, đã bóp méo hình ảnh chiến tranh Việt Nam đúng theo sự mong đợi như lời tuyên bố của Giáp:“ Chiến tranh Việt Nam sẽ được đưa tới tận phòng khách  từng nhà mỗi gia đình Mỹ„. Giáp khẳng định: „giới truyền thông Mỹ sẽ là  một yếu tố quyết định trong sự thắng thế của Bắc Việt „. Điển hình là cảnh một đoàn quay phim ba người của một đài truyền hình Hoa Kỳ đứng bên cạnh một ngôi mộ tập thể ở Huế. Ngôi mộ này vừa mới được phát hiện sau trận đánh Mậu Thân. Tìm ra do những ngón tay còn sơn móng đỏ giơ ra khỏi mặt đất của những người đàn bà đã bị chôn sống khi đang cố bươi cào ra khỏi hố đất. Đoàn quay phim đứng hờ hững bên cạnh mộ và không có ý quay phim. Có người hỏi tại sao, thì họ trả lời: „Chúng tôi không đến đây để quay phim tuyên truyền chống Cộng Sản !!“. Nhắc về Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, Siemon-Netto trách đám nhà báo đồng nghiệp chỉ luôn đi theo hành quân với quân đội Hoa Kỳ hoặc quân đội Đồng Minh và gửi những hình của các Quân nhân này ra quốc tế,  mà quên hẳn đi hàng quân tinh nhuệ đã bảo vệ quê hương họ cho tới những giờ phút cuối cùng trước khi mất Saigon ngày 30.4.1975. Ông ca ngợi những gương anh hùng quân đội  : Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú là những nhân vật mà ông đã từng gặp trên đường nghiệp vụ và giờ đây họ đã đi vào lịch sử. Siemon-Netto yêu thương từ đứa trẻ bụi đời trên đường phố, đến thân phận những người đàn bà trong chiến tranh…Trong cuốn sách còn chứa đựng rất nhiều về con người văn hóa lịch sử Việt Nam,  về cái chết của vợ chồng Bác Sĩ người Đức Krainik và hai đồng nghiệp của họ: Alois Alteköster, Raimund Discher trong vụ tàn sát Mậu Thân Huế. Trong vài hàng giới thiệu này tôi không thể chuyển tải tất cả chi tiết trung thực và đứng đắn trong cuốn sách của Siemon-Netto, người mang sứ mạng cao cả của Nhà Báo và của nhà Thần Học để trải lòng viết ra cuốn sách có giá trị lịch sử này. Tôi thiết nghĩ và cầu mong cuốn sách này sẽ là cuốn sách kinh điển để lại cho thế hệ mai sau một cái nhìn trung thực và có lương tâm về cuộc chiến Việt Nam. Các bậc phụ huynh của những thế hệ sanh sau cuộc chiến hãy khuyến khích con cháu  tìm đọc cuốn sách này để hiểu chính xác về chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách được chính tay tác giả viết bằng hai thứ tiếng: tiếng Đức như đã nêu từ đầu: „ Duc, der Deutsche – Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten „  và tiếng Anh đã được xuất bản lần thứ hai là: „Triumph of the Absurd„ Mong lắm thay!!! BS Hoàng Thị Mỹ Lâm Berlin , 27.11.2016
......

Hội Tết Đống Đa - Xuân Đinh Dậu 2017 tại Köln

THƯ MỜI THAM DỰ HỘI TẾT ĐỐNG ĐA – XUÂN ĐINH DẬU 2017 Chủ đề "Tiếng Gọi Quê Hương" Kính thưa qúy vị Đại Diện các Tổ chức, Tôn Giáo, Đoàn thể, Kính thưa qúy vị Đại Diện Liên Hội và các Hội Đoàn NVTNCS tại CHLB Đức, Kính thưa quý Đồng Hương. Tết Nguyên Đán Đinh Dậu sắp đến HNVTNCS tại Köln kính mời toàn thể qúy vị tham dự Hội Tết Đống Đa, Xuân Đinh Dậu 2017 với chủ đề «Tiếng Gọi Quê-Hương » sẽ được tổ chức vào : Ngày Thứ Bảy, 14 Tháng Giêng Năm 2017, lúc 17 giờ 30 tại Hội Trường Heinrich-Heine- Gymnasium Hardtgenbuscher Kirchweg 100 51107 Köln-Ostheim Ngoài mục đích cùng nhau duy trì những gía trị lịch sử, phong tục, tập quán, văn hóa và cội nguồn dân tộc, chúng ta cũng không quên hướng về đất mẹ qua những diễn tiến sôi động hằng ngày trên quê hương. • HNVTNCS tại Köln sẽ  cống hiến qúy vị một đêm văn nghệ đặc sắc và ý nghĩa vói sự góp mặt của Ban Nhạc trẻ sống động Black Diamonds cùng các Ca, Văn Nghệ Sĩ tên tuổi, quen thuộc đến từ khắp các miền nước Đức, Pháp, Áo, Hòa Lan và Bỉ quốc…  • Và để chuẩn bị những ngày đầu xuân ấm cúng nơi viễn xứ, BTC kính mới quý vị ghé thăm các quầy hàng và thưởng thức những món ăn ngày Tết đầy hương vị ngọt ngào quê hương. HNVTNCS tại  Köln rất hân hạnh chào đón sự hiện diện thật đông đảo của quý vị. Trân trọng kính mời. TM/BCH Hội NVTNCS tại Köln Hội Trưởng: Nguyễn Hữu Dõng Köln, ngày 15 Tháng 11 Năm 2016 TB: HNVTN Köln xin đón nhận và chân thành cảm tạ mọi  đóng góp Văn Nghệ, Ẩm Thực… Xin liên lạc: hnvtnkoeln@gmail.com -Nguyễn Hữu Dõng: 0221 6160581hoặc 0160  6307585 -Võ  Sĩ Liêm:0221 7088481 hoặc 0152 27451343 -Nguyễn Văn Quang:02233 21111 hoặc 0176  65275081
......

Giám Mục Đức Otto Georgens lên tiếng và ban phép lành cho nạn nhân Formosa

NEUSTADT an der WEINSTRAßE, Đức Quốc (CTM Media) – Đức Giám Mục Phó Otto Georgens, thành viên Ủy Ban Giáo Hội Hoàn Vũ của Hội Đồng Giám Mục Đức Quốc, lên tiếng cho người dân miền Trung Việt Nam đã và đang gánh chịu thiệt hại do Formosa xả thải độc hại gây ô nhiễm trầm trọng môi trường biển. Ngày 15 tháng Mười Một, 2016 vừa qua, trong thánh lễ Đại Hội Mùa Thu của tổ chức từ thiện MISSIO ở thành phố Neustadt an der Weinstraße, Đức Quốc, với sự hiện diện đông đảo các đặc trách viên từ nhiều giáo phận, Đức Giám Mục Phó Otto Georgens đã lên tiếng trình bày về thảm trạng hơn 200 km bờ biển miền Trung Việt Nam bị ô nhiễm, và Ngài đã trích từ thông điệp LAUDATO SI của Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ về “Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung” để cầu nguyện và chúc lành cho các nạn nhân. Sau thánh lễ ĐGM Otto Georgens đã trực tiếp (qua Video) gửi lời an ủi và ban phép lành đến dân tộc Việt Nam. Dưới đây là lời chúc lành của Đức Giám Mục: Anh chị em thân mến, Tôi rất cảm thông với những thống khổ, cùng cực và những nỗi lo âu của anh chị em, và tôi cũng liên kết với anh chị em trong lời cầu bầu, xin Thiên Chúa ban cho anh chị em nghị lực để chịu đựng, không bỏ cuộc, song tiếp tục tranh đấu cho tạo vật tốt đẹp của Ngài. Tôi xin được ban phép lành cho anh chị em: Nguyện xin Thiên Chúa nhân hậu và đầy lòng thương xót chúc lành, che chở và cùng đi với anh chị em, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. Đức Giám Mục Phó Otto Georgens Nguyên bản tiếng Đức: Liebe Schwestern und Brüder, Ich bin sehr verbunden in Ihrer Not, in Ihrem Elend, in Ihren Sorgen, und ich verbinde mich mit Ihnen auch durch das Gebet, dass Gott Ihnen die Kraft schenke, auszuhalten, nicht zu resignieren, sondern weiterhin einzutreten für seine gute Schöpfung. Dazu gebe ich Ihnen gerne meinen Segen: Es segne, behüte und begleite Euch der gnädige und der barmherzige Gott, der Vater und der Sohn und der Heilige Geist. Amen. Weihbischof Otto Georgens
......

Đảng Cộng hòa kiểm soát cả 2 viện, nhóm Vietnam Caucus và nhân quyền VN

Đã đến thời ‘đối tác toàn diện’ Hình: Quốc Hội Hoa Kỳ Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đã khép lại với chiến thắng đảo lộn của Donald Trump, nhưng lại mở ra một trang sử mới đầy khó khăn hơn hẳn trong quan hệ Mỹ – Việt. Sau nhiều năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thỏa nguyện về yêu cầu “quan hệ với cả kênh đảng” khi họ không còn được chơi với một Đảng Dân chủ Mỹ bị xem là mềm mỏng thái quá đối với vấn đề nhân quyền Việt Nam, mà sẽ phải “đối tác toàn diện” với một Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện trong Quốc hội Mỹ.   Về truyền thống, Cộng hòa là đảng có tiếng cứng rắn không chỉ với những hoạt động đối ngoại “bảo vệ lợi ích Mỹ ngoài biên giới Mỹ”, mà về cả nhân quyền. Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama từ năm 2008 đến năm 2016, không phải giới nghị sĩ Đảng Dân chủ mà chủ yếu là những người của Đảng Cộng hòa mới là nhân tố gây áp lực liên tục về yêu sách nhân quyền đối với các quốc gia còn độc tôn ý thức hệ và chế độ một đảng như Cuba, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, kể cả với những quốc gia dù đa đảng nhưng mang màu sắc độc tài như Nga và Syria. Vào năm 2015, vài chục nhân vật cao cấp của Nga và vài trăm nhân vật cao cấp của Syria đã bị Mỹ cấm nhập cảnh vào Mỹ và phong tỏa tài khoản ngân hàng ở nước ngoài là một dẫn chứng xác thực về chủ trương cứng rắn của giới lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John MC Cain và ông Phạm Quang Nghị Trong khi đó, một hiện tượng kỳ lạ là vào cuối thời kỳ cầm quyền của Đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ, “quan hệ với cả kênh đảng” lại trở thành một nhu cầu tối thiết thân của giới quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam, được khởi nguồn từ chuyến đi lặng lẽ đến Washington vào tháng 7/2014 của Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị – nhân vật đã đặt dấu mốc chẳng mấy ấn tượng khi tiếp xúc với Đảng Cộng sản Mỹ và hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Một năm sau đó, “quan hệ kênh đảng” đã trở nên chính thức không cần tuyên bố qua cuộc đón tiếp tại Phòng Bầu Dục của Tổng thống Obama dành cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng. Đến lúc này – và hiểu theo cách nào đó – Tổng Bí thư Trọng đã trở thành “nguyên thủ quốc gia”, cho dù ở Việt Nam khi ấy vẫn còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và một thủ tướng chưa biết sẽ “ở” hay “về” là ông Nguyễn Tấn Dũng. Ngay trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2016, “quan hệ với cả kênh đảng” một lần nữa được nhắc lại bởi chuyến công du Washington của ông Đinh Thế Huynh – người được đồn đoán sẽ trở thành “truyền nhân” của Tổng Bí thư Trọng. Trong chuyến đi này, ông Huynh đã hành xử gần khớp với trường hợp ông Phạm Quang Nghị trước đó, nghĩa là tìm cách tiếp xúc với cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa theo tỷ lệ dàn đều – một tỷ lệ truyền thống mà giới lãnh đạo Việt Nam rất sính dùng trong phương pháp đu dây tay ba Việt – Trung – Mỹ. Tuy thế, có một thứ “điềm” gì đó không mấy suôn sẻ đã ứng vào chuyến công du của ông Đinh Thế Huynh: một trong vài nội dung then chốt mà ông Huynh muốn Mỹ tái xác nhận như thể “sẽ cho Việt Nam vào TPP” đã chịu cảnh thất vọng ghê gớm ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Tương lai TPP gần như sụp đổ sau gần một chục năm ròng rã đàm phán. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong chuyến đi Mỹ của ông Huynh cũng bởi thế đã tan thành mây khói. Ông Đinh Thế Huynh và Ngoại trưởng John Kerry tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ, 25/10/2016 An ủi còn lại với ông Đinh Thế Huynh cùng những người bên đảng ở Việt Nam chỉ còn là họ đã được chính phủ của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ xác nhận mối quan hệ chính thức một cách không cần tuyên bố. Thế nhưng nỗi thất vọng thầm kín thứ hai, sau cú sốc TPP, là Đảng Dân chủ đã bị rơi vào cảnh thoái trào có vẻ đột ngột sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, để từ đầu năm 2017 Đảng Cộng hòa mới là ông chủ thực sự của cả Thượng viện lẫn Hạ viện Hoa Kỳ. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải khởi động lại “quan hệ kênh đảng”? Vẫn còn quá sớm để dự đoán, và vẫn chưa có gì chắc chắn để chính phủ mới của tổng thống “không biết đâu mà lường” – Trump – cùng các nhân vật cốt cán của Đảng Cộng hòa có chịu “quan hệ với cả kênh đảng” với Việt Nam, hay là không. Làm lại từ đầu! Một khả năng gần như rõ ràng sẽ diễn ra là cùng với vai trò gia tăng mạnh mẽ của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, vai trò của những nghị sĩ Mỹ quan tâm đặc biệt đến chủ đề đối ngoại và nhân quyền cũng sẽ nổi lên và có thể sẽ nổi bật. Một trong những mối quan tâm ấy đã được thể hiện bởi ảnh hưởng của Vietnam Caucus, còn gọi là “Nhóm làm việc về Việt Nam” của Hạ viện Hoa Kỳ, bao gồm những nghị sĩ có tên tuổi và quen thuộc như Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Chris Smith, Frank Wolf, Alan Lowenthal, Ed Royce…, cùng vài chục nghị sĩ khác của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ.
......

Tâm thư mời gọi thắp nến cầu nguyện cho Tổ Quốc Việt Nam

Kính thưa qúy Ông Bà, Anh Chị Em, các Bạn Trẻ và các Em Thiếu Nhi, Từ những năm tháng qua chúng ta đã nghe, hoặc đã tận mắt nhìn thấy tình hình đời sống bên quê hương đất nước Việt Nam chúng ta có nhiều biến chuyển không tốt đẹp thuận lợi cho người dân. Chính thư chung của HĐGMVN gửi cộng đồng Dân Chúa vào ngày mùng 7.10.2016 vừa qua đã xác nhận: “Nhìn vào tình hình đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta không thể không có những băn khoăn, lo lắng. Làm sao không âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ! Làm sao vui được trước sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm! Làm sao không lo lắng trước tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên, thảm họa môi trường biển tại miền Trung! Đó là chưa kể đến mối đe dọa hằng ngày từ các thực phẩm bẩn và độc hại, có thể ngay trong các quầy hàng và trên bàn ăn của mỗi gia đình!“ Nơi hải ngoại, chúng ta hướng lòng về quê hương tổ quốc với lòng yêu mến và biết ơn, cùng lo lắng. Vì là con dân Việt Nam, chúng ta không thể dửng dưng, không thể khoanh tay im lặng nhìn TỔ QUỐC LÂM NGUY, SƠN HÀ NGUY BIẾN! Vì thế, Liên Đoàn Công Giáo và các Linh mục tuyên úy Cộng đoàn Công giáo Việt Nam xin kêu gọi và đề nghị toàn thể thành phần Dân Chúa tại Cộng Hòa Liên Bang Đức và tất cả người Việt Nam đang sinh sống nơi đây bất phân Tôn Giáo tín ngưỡng cùng hiệp thông cầu nguyện theo lòng tin và cách thức cầu nguyện của tôn giáo mình. Xin mời gọi hết cả con dân nước Việt, mang dòng máu con Rồng cháu Tiên, mời gọi các tôn giáo và đảng phái, mời gọi tất cả Giáo Hội Việt Nam (trong và ngoài nước) hãy chung tay góp sức, một lòng một ý để cầu nguyện cho Tổ Quốc Việt Nam ngàn đời dấu yêu trong giai đoạn lịch sử vô cùng khẩn cấp này. Chiến dịch Việt Nam nguyện cầu được khởi sự từ ngày thứ Năm 24.11.2016, ngày lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam. Cùng nhau hằng tuần vào mỗi ngày thứ Năm lúc 20 giờ thắp một ngọn nến cho quê hương tổ quốc Việt Nam trong nhà mình, đồng thời hướng lòng về Tổ Quốc dâng lời kinh cầu nguyện. Tín hữu Công giáo đọc Kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và có thể hát bài “Kinh hòa bình“ của Thánh Phanxicô. Hay kinh „Dâng Nước Việt Nam cho Rất Thánh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội“. Tín hữu thuộc các tôn giáo khác dâng lời kinh cầu nguyện của Đạo giáo mình vẫn thường niệm đọc. Hay cũng có thể tùy theo sáng kiến có một hình thái cầu nguyện nào khác. Hướng lòng về với quê hương dân tộc bằng lời kinh là sợi dây tình liên đới, là nhịp cầu tinh thần nối liền chúng ta lại với nhau trong mọi hoàn cảnh. Ước mong chiến dịch Việt Nam nguyện cầu lan rộng tới tất cả các gia đình, các cộng đoàn và giáo xứ, các giáo phận, các tổ chức và tôn giáo và mọi miền: toàn dân Việt Nam từ già trẻ lớn bé hãy mạnh dạn quyết tâm, một lòng một ý, quyết bắt đầu một cuộc sống mới trong hối cải và cầu nguyện: thực hiện công lý; quyết xua đuổi bóng tối của gian tà ra khỏi trái tim, khỏi gia đình và xã hội, ra công góp sức bảo vệ giang sơn gấm vóc của Tiền Nhân, cùng nhau xây dựng tự do dân chủ trong công lý, đề cao tinh thần tự lập tự cường và lòng ái quốc chân chính. Ước mong tất cả chúng ta cùng nhau hưởng ứng chiến dịch thắp sáng ngọn nến và dâng lời Kinh cầu nguyện cho quê hương tổ quốc Việt Nam. Xin chân thành cám ơn Đức Quốc, ngày 01.11.2016     Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Đức    Đại diện Tuyên Úy Đoàn Việt Nam tại Đức GB. Phùng khải Tuấn      Lm. Stephanô Bùi thượng Lưu
......

Một người Việt Nam tỵ nạn cộng sản nhận Huân Chương Cây Kim Vàng của Đức

Vào ngày 3.11.2016, Thành phố Mönchengladbach thuộc tiểu bang Nordrhein - Westfalen đã trao tặng Huân chương Cây Kim Vàng và Bằng Tưởng Lục của thành phố cho Ông Nguyễn Văn Rị, một thuyền nhân VN tỵ nạn cộng sản, được tàu Cap Anamur cứu vớt và được đến định cư tại Mönchengladbach - CHLBĐức vào năm 1981. Buổi lễ trao tặng huân chương Cây Kim Vàng được diễn ra tại tòa đô chính thành phố. Ông và gia đình không những hội nhập tốt vào xã hội Đức, mà ông còn hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt 35 năm qua về công việc phục vụ tông đồ Giáo Dân và văn hóa, xã hội, từ thiện tại CHLB Đức và các nơi trên thế giời. Đây là lần thứ tư Ông Nguyễn Văn Rị nhận được huân chương cao quý. Trước đây ông đã từng nhận được những huân chương như: - Huân Chương và bằng Hiệp Sĩ „Pro Ecclesia et Pontifice“ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban tặng vào ngày 27.09.2005. - Huân chương „Verdienst orden Bundes Republik Deutschland“ và bằng tưởng lục của Tổng Thống Cộng Hoà Liên Bang Đức Horst Köhler ban tặng và thư chúc mừng của Thủ Tướng Liên Bang  Angela Merkel vào ngày 12.05.2010 - Huân chương “Verdienstorden des Landes Nordrhein-Westfalen“ do Thủ Tướng Tiểu Bang Nordrhein-Westfalen tặng vào ngày 7.11.2013. Một số hình ảnh buổi lễ trao tặng huân chương:  
......

Thánh lễ cầu nguyện cho Tiến sĩ Rupert Neudeck

Phóng sự bằng hình Thánh Lễ đồng tế cầu nguyện cho Tiến sĩ Rupert Neudeck ngày 5 Tháng 11 năm 2016 tại Mönchengladbach: Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Nguyễn Văn Rị, chủ tịch Hội NVTNCS Mönchengladbach, kiêm BCH Liên Hội NVTN,  hơn 300 người Việt Nam và Đức     đã đến tham dự Thánh Lễ Cầu Nguyện tưởng nhớ Dr. Rupert Neudeck cũng như cầu nguyện cho môi trường miền Trung Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng do công ty FORMOSA gây ra dưới sự che đậy của nhà cầm quyền Cộng Sản.  Thánh lễ đã được bắt đầu vào lúc 15.00 giờ tại nhà thờ Heilig Geist, Mönchengladbach (MG) do 6 linh mục đồng tế bằng song ngữ: Lm. Johannes Van-der-Vorst, Lm. Nguyễn Đình Ngát đến từ Bỉ Quốc, Lm. Trịnh Văn Đức, Lm. Mai Quang Khoa, Lm. Trần Công Luận và Lm. Nguyễn Viết Hiển. Hai ca đoàn: Ca đoàn tổng hợp Giáo đoàn Đức Mẹ Lavang Troisdorf + Mönchengladbach và ca đoàn trẻ thanh thiếu niên Giáo đoàn Đức Mẹ Lavang Köln + Aachen đã trình bầy rất hay những bài hát đặc biệt tạo nên bầu không khí trang nghiêm và thánh thiện. Lm. Nguyễn Đình Ngát đã tha thiết nhắc nhở và  kêu gọi mọi người quan tâm về những thảm trạng tại quê hương Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Người ta thấy có sự hiện diện của rất nhiều quan khách và chính khách Đức quan trọng như Dr. Günter Krings, Thứ Trưởng bộ nội vụ Liên Bang Đức và là chủ tịch đảng CDU, MG; bà Gülistan Yüksel, chủ tịch Đảng SPD, MG và là Thượng Nghị Sĩ dân biểu Quốc Hội Đức; ông Hans-Willi Körfges, phó chủ tịch quốc hội tiểu bang Nordhrein-Westfalen (NRW), ông Bernhard Stein, ủy viên Hội Đồng Thành Phố Mönchengladbach; ông Norbert Post, dân biểu quốc hội tiểu bang NRW; bà Michaela Morshhoven, Hội Đồng Hội Nhập Thành Phố; bà Doris Jansen, đại diện cho tổ chức Công Nhân Kitô giáo (CDA) tại Mönchengladbach. Sự có mặt của Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ Liên Bang Dr. Günther Krings thật là một vinh dự lớn cho cộng đồng người Việt Tỵ Nạn, và cũng là một cử chỉ  rất ưu ái cho ông chủ tịch hội NVTNCS-MG, Nguyễn Văn Rị *, người vừa được thành phố Mönchengladbach tuyên dương và trao tặng Kim Vàng vì những đóng góp xã hội và từ thiện đa dạng và trường kỳ.  Quan khách Việt có Bs. Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức; Cư sĩ Lê Công Tắc thuộc Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo; Đại diện Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Bác Ái Vinh Sơn, Hội Người Việt Tự Do Bỉ Quốc, Gia Đình Phật Tử, Vovinam Bỉ (Liège) và Vovinam Đức (Darmstadt), Gia Đình Văn Võ Điểm Sáng, Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm, Ảo thuật gia Hoàng Trọng Định, Bỉ Quốc, Cộng Đồng Người Việt tại Odenwald, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đảng Việt Tân cùng các Hội NVTNCS và quý đồng hương đến từ miền Nam Đức như München, Nürnberg, Mannheim… cho đến Bắc Đức như Hamburg, Berlin…và đến từ các nước lân bang Bỉ Quốc và Hòa Lan… Trong phần sinh hoạt văn nghệ đấu tranh tại hội trường giáo xứ, ông Nguyễn Văn Rị  đã chân thành cảm ơn tất cả mọi người xa gần hiệp lực đóng góp hết lòng để ngày lễ hôm nay được thành công về mọi bề tinh thần lẫn vật chất: Ban ẩm thực, Ban văn nghệ, Ban trang trí, ban vệ sinh; Họa sĩ Nguyễn Đức Lập, Odenwald tặng bức tranh chân dung TS Rupert Neudeck để đấu giá được 300,- Âu Kim.  Số tiền quyên góp được cho quỹ xây Tượng Đài ghi ơn TS Rupert Neudeck  là trên 5000,- Âu Kim. Các chính khách Đức cũng lên tiếng cảm ơn và chúc mừng ông Nguyễn Văn Rị.     * Trong những năm qua ông Nguyễn Văn Rị cũng đã được nhận Huy Chương Ban Khen của Tổng Thống Liên Bang, của Thủ Hiến tiểu bang Nordrhein-Westfalen và của Đức Thánh Giáo Hoàng Johannes Paul II. Minh Hoài Ảnh: Minh Thông & Phong Nguyễn  
......

THÔNG BÁO - Biểu tình Hội thảo QTNQ 10.12.2016

LIÊN HỘI NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN Tại CHLB ĐỨC c/o   Dr.  Hoàng Thị Mỹ Lâm Postfach: 470435, 12313 Berlin -  E- mail: hoangml69@hotmail.com Internet : www.lienhoinvtn.de ------------------------------------------------Thông Báo Cập Nhật Kính thưa quý Lãnh Đạo Tôn Giáo Kính thưa quý Tổ Chức , Hội Đoàn và Cộng Đồng chống Cộng , Chúng tôi xin được hân hạnh thông báo chính thức về sự tham dự của các Diễn Giả trong buổi Hội Thảo sau Biểu Tình tại Berlin nhân Kỷ Niệm lần thứ 68 ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền:   1.-Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh, đến từ Việt Nam, thuyết trình về Hiện Trạng Quê Hương và Đất Nước 2.-Luật Sư Bernhard Bannasch, đến từ Sächsischer Landtag Dresden, thuyết trình về Vấn Đề Gedenktafel für HCM in Moritzburg. Trong buổi Hội Thảo quý vị sẽ có cơ hội trao đổi thắc mắc tâm tình về những vấn đề thời sự nóng bỏng tại Việt Nam và tại Đức. Xin kính mời quý vị tham dự nhiệt tình và đông đảo. Ban Tổ Chức sẽ lo sẵn cơm chiều phục vụ miễn phí tại Hội Trường Nhà Thờ trong lúc giải lao sau Biểu Tình. Kính thư BS Hoàng Thị Mỹ Lâm TM Liên Hội NVTN tại CHLB Đức e.V.   Berlin, ngày 12.10.2016 THÔNG BÁO Kính thưa     quý Lãnh Đạo Tinh Thần các Tôn Giáo, Kính thưa     quý Hội Đoàn, Đoàn Thể và Tổ Chức chống Cộng tại Đức Quốc và toàn Âu Châu, Nhân kỷ niệm 68 năm ra đời bản tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức xin trân trọng kính mời quý vị đến tham dự buổi biểu tình và hội thảo Tại Berlin vào Thứ Bảy ngày 10.12.2016 từ 12:45 giờ đến 23:00 giờ Bao gồm: - Biểu tình trước Sứ Quán Cộng Sản Việt Nam và tại Brandenburger Tor - Hội thảo tại Hội Trường Nhà Thờ St. Aloysius Schwyzerstr. 1 - 13349 Berlin Chủ đề: ·                        Đòi tự chủ Quốc Gia chống lại sự xâm lược tàn phá Việt Nam của Trung Cộng ·                        Hiệp thông với đồng bào miền Trung đòi quyền sống trong môi trường sạch , ·                        Hiệp thông với chùa Liên Trì đòi quyền tự do tôn giáo ·                        Ngoài ra còn có báo cáo cập nhật về các vấn đề tại Đức Quốc và văn nghệ đấu tranh Chương trình:                        - từ 12:45 giờ đến 13:30 giờ: Biểu tình trước Sứ Quán Cộng Sản Việt Nam - từ 14:00 giờ đến 15:30 giờ: Biểu tình tại Brandenburger Tor - từ 16:00 giờ đến 17:00 giờ: Liên Tôn cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam                                                          tại Nhà Thờ St. Aloysius Schwyzerstr. 1  - 13349 Berlin - từ 17:00 giờ đến 18:00 giờ:Cơm chiều do Liên Hội khoản đải - từ 18:30 giờ đến 21:00 giờ: Hội thảo tại Hội Trường Nhà Thờ St. Aloysius - từ 21:00 giờ đến khuya: Văn nghệ đấu tranh                        Trong phần hội thảo có tường trình cập nhật về các vấn đề tại Đức Quốc . Với tâm nguyện đấu tranh đòi Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền cho dân tộc Việt Nam chúng tôi chân thành kêu gọi sự tham gia đông đảo ủng hộ nhiệt tình của quý Hội Đoàn , Đoàn Thể và Tổ Chức . TM Ban Chấp Hành Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức e.V. BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
......

Chủ tịch Đại Hội Đồng Giáo Hội Tin Lành Đức Quốc ủng hộ Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam

ĐỨC QUỐC – Chủ tịch Đại Hội Đồng Giáo Hội Tin Lành Đức Quốc, Dr. Irmgard Schwaetzer, và Đức Giám Mục Tin Lành, Christian Schad tỏ tình liên đới với Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam. Trong buổi hội thảo chuẩn bị kỷ niệm 500 năm CANH TÂN (Reformation, 1517 – 2017) và mừng Đại Lễ Kitô 2017 nữ thủ hiến tiểu bang Rheinland-Pfalz bà Malu Dreyer, nữ chủ tịch Đại Hội Đồng Giáo Hội Tin Lành Đức Quốc, Dr. Irmgard Schwaetzer và Đức Giám Mục Tin Lành ông Kirchenpräsident Christian Schad đã cùng các nhà báo chủ nhiệm Michael Garthe (DIE RHEINPFALZ) và Hartmut Metzger (EVANGELISCHE KIRCHENBOTE) thảo luận về những giá trị căn bản cho một xã hội trong thế kỷ 21. Đó là đa nguyên, công bằng xã hội và tình liên đới. Rất đông đảo các giáo dân đã theo dõi buổi hội thảo và gặp gỡ này. Người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại địa phương đã có cơ hội gặp gỡ và đối thoại với bà Dr. Irmgard Schwaetzer cũng như Đức Giám Mục Tin Lành ông Kirchenpräsident Christian Schad về tình hình nhân quyền và ô nhiễm môi trường miền Trung do công ty FORMOSA gây ra dưới sự che đậy của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhị vị đã tỏ ra rất am tường về những thảm trạng trên.   Chủ tịch Đại Hội Đồng Giáo Hội Tin Lành Đức Quốc, Dr. Irmgard Schwaetzer Đức Giám Mục Tin Lành ông Christian Schad
......

Cầu nguyện cho đất nước tránh đại nạn diệt vong

Mannheim-Neuhersheim, Đức Quốc -  Vào lúc 14 giờ 30 chiều Chủ Nhật, 23 Tháng Mười 2016 tại Mannheim-Neuhersheim thuộc miền Tây Nam nước Đức có một buổi thánh lễ Mở Tay của tân linh mục Trần Công Luận. Trong thánh lễ cộng đoàn Công Giáo Mannheim và các vùng phụ cận đặc biệt nhớ đến đồng bào tại miền Trung, đã bị thảm họa cá chết vì ô nhiễm môi sinh do công ty Formosa gây ra, giờ còn bị gánh chịu nạn lũ lụt do các thủy điện xả nước ra. Trong phần „lời nguyện giáo dân“ cộng đoàn nguyện cầu như sau: „Trong những ngày qua, chúng ta đau lòng nghe thấy thảm họa ô nhiễm môi trường biển chưa từng thấy ở miền Trung và trên bình diện cả nước. Người dân bị đầu độc, môi trường sống bị hủy diệt. Đại nạn diệt vong ắt khó tránh khỏi. Chúng ta khẩn thiết nài xin Mẹ Maria La-Vang bầu cử cùng Chúa Giêsu con yêu của Mẹ cho dân Việt Nam chúng ta thoát qua đại nạn diệt vong. Chúng con cùng cầu xin Mẹ.“ Ngoài hành lang có quầy thông tin về thảm họa Formosa, có bán CDs nhạc Thánh Ca do Lm. Xuân Đường thực hiện để gây quỹ giúp các học sinh nghèo. Ngoài ra, cộng đoàn Mannheim và vùng phụ cận quyết định quyên góp tiền để giúp đỡ đồng bào miền Trung trong tinh thần „lá lành đùm lá rách.“
......

Ủy Ban Thụy Sĩ – Việt Nam gặp Bộ Ngoại Giao Thụy Sĩ

Ngày 10/10/2016, phái đoàn Ủy ban Thụy sĩ-Việt Nam (COSUNAM) gồm các ông Rolin Wavre, Chủ tịch; ông Nguyễn Tăng Lũy, Tổng Thư ký và ông Đặng Xương Hùng đã có buổi làm việc tại Bộ Ngoại giao Thụy sĩ với bà Sandra Lendenmann Winterberg, Trưởng Văn phòng nhân quyền và bà Valérie Wagner, phụ trách Á Đông và Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Phái đoàn đã trao cho Bộ Ngoại giao Thụy sĩ ba tài liệu liên quan đến các vấn đề thời sự về nhân quyền tại Việt Nam, gồm: Thỉnh nguyện thư về thảm họa môi trường do Formosa gây ra tại vùng biển miền Trung Việt Nam. Thỉnh nguyện thư do Cosunam đề xướng, đề ngày 13/6/2016, đã thu thập được hàng trăm chữ ký, trong đó có nhiều chính khách quan trọng của Thụy sĩ và của cộng đồng người Việt. Thỉnh nguyện thư yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải có trách nhiệm và minh bạch trong thảm họa môi trường Formosa ; phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận và biểu tình của các nạn nhân thảm họa ; phải chấm dứt mọi đàn áp đối với người dân khi họ xuống đường biểu tình trong ôn hòa. Bản báo cáo tường trình về các vụ công an Việt Nam tra tấn người dân (Shadow Report on police torture in Vietnam 2013-2015). Bản báo cáo này do Cosunam, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức, Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà Lan, với sự trợ giúp của đảng Việt Tân, phối hợp hoàn thành vào ngày 30/4/2016. Bản báo cáo này đã được gửi tới Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp quốc, đệ trình tới Ủy ban một bản tường trình khá đầy đủ, cập nhật những vụ người dân Việt Nam bị tra tấn dã man trong đồn công an thời gian gần đây. Toàn bộ tài liệu dày hàng trăm trang là những bằng chứng rõ ràng của việc Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, mà Việt Nam đã ký vào ngày 7/11/2013 và phê chuẩn vào ngày 5/2/2015. Bản lưu ý Bộ Ngoại giao Thụy sĩ về 5 trường hợp tù nhân lương tâm đang chịu những bản án nặng nề, vô nhân đạo, chỉ vì họ đấu tranh đòi quyền con người. Đó là các trường hợp của ông Đặng Xuân Diệu, 13 năm tù giam và 5 năm quản chế; ông Hồ Đức Hòa, 13 năm tù giam và 5 năm quản chế; cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, 8 năm tù giam và 5 năm quản chế; bà Trần Thị Thúy, 8 năm tù giam và 5 năm quản thúc, và trường hợp khởi tố bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài. Các trường hợp tù nhân lương tâm này đều đã được Nhóm công tác của Liên Hợp quốc về giam giữ độc đoán (UNGWAD) công nhận tính chất giam giữ độc đoán và vi phạm nhiều điều khoản của Tuyên bố về nhân quyền của Liên Hợp quốc mà Việt Nam tham gia. Các tài liệu quan trọng về nhân quyền tại Việt Nam nói trên sẽ được Bộ Ngoại giao Thụy sĩ quan tâm sử dụng trong cuộc đối thoại song phương về nhân quyền giữa Thụy sĩ và Việt Nam sẽ diễn ra tại Việt Nam vào ngày 18/10/2016 sắp tới đây. Có một điều khá thú vị trong chuyến đi Berne của phái đoàn Cosunam, đó là, bên này tại Bộ Ngoại giao, phái đoàn làm việc về những vụ vi phạm nhân quyền của Việt Nam, thì bên kia, phía nhà Quốc hội, Thụy sĩ đang đón tiếp bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội, thăm Thụy sĩ, kỷ niệm 45 năm quan hệ hai nước. Tại nhà Quốc hội treo lá cờ đỏ sao vàng cùng lá cờ Thụy sĩ nhưng trước mặt khoảng 200m là quầy bán thức ăn nhanh của anh Nguyễn Văn Tuấn, treo cao cờ vàng cùng cờ Thụy sĩ. Khi đoàn của bà Phóng đi qua quầy ăn của anh, anh đã hô to “đả đảo cộng sản Việt Nam hèn với giặc, ác với dân”, họ đã phải lặng lẽ bỏ đi rất nhanh. Genève, 10/10/2016
......

BẢN LÊN TIẾNG

BẢN LÊN TIẾNG VỀ VIỆC CSVN DÙNG TIỂU XẢO ĐÁNH LẠC HƯỚNG CÔNG LUẬN KHỎI THẢM HỌA FORMOSA Mỗi khi không thể trả lời được về chính sách sai lầm quá lớn, nhất là khi không có lý do chính đáng để trấn áp làn sóng phẫn nộ của người dân trước các quốc nạn, lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lại đem thủ thuật vu khống, cáo buộc một đệ tam nhân khác ra sử dụng. Tiểu xảo này nhằm chuyển chú ý của công luận ra khỏi những nguyên do thật hay những kẻ thực sự trách nhiệm, đồng thời hù dọa để mong ngăn chận làn sóng căm phẫn từ người dân. Cụ thể, vào ngày 7 Tháng 10 vừa qua, nhà cầm quyền CSVN lại một lần nữa, qua công cụ báo đài của nhà nước vu cáo Đảng Việt Tân, sau khi đối diện với các cuộc xuống đường của hàng chục ngàn người Việt phản đối đòi khởi kiện công ty Formosa về thảm họa môi sinh. Chủ trương và quá trình hoạt động đã minh chứng Đảng Việt Tân là một tổ chức có mục tiêu đấu tranh cho dân chủ Việt Nam và quyền con người bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động. Trước thảm họa do Formosa gây ra, nhà cầm quyền CSVN không những cho phép sự hiện diện của tập đoàn này mà vẫn tiếp tục nhân nhượng các vi phạm khác về xả thải thể rắn và những công trình phá hủy môi trường quy mô ở nhiều nơi. Trước những tội ác của tập đoàn lãnh đạo CSVN đang cấu kết với tài phiệt Formosa, chúng tôi tin rằng người Việt Nam hiểu biết sẽ không để nhà cầm quyền dùng các trò tiểu xảo nói trên để chạy tội và che chắn sự ôm giữ chính sách hủy hoại môi sinh đang đe dọa sinh mạng 90 triệu người và các thế hệ Việt Nam tương lai. Chúng tôi kính mong mọi người, mọi giới trên cả nước tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa và đáng phục của các nạn nhân ngư dân tại miền Trung đã bị tước đoạt phương tiện mưu sinh vì thảm hoạ Formosa. Ngày 8 tháng 10 năm 2016 Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 202-596-7951 Email: lienlac@viettan.org - Web: www.viettan.org - FB: facebook.com/viettan ***** Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài - Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ - Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước
......

Việt cộng chơi bẩn đủ kiểu

Hôm 25.09.2016, một số đồng bào đã đến trước Lãnh sự quán CSVN tại Frankfurt am Mainz – Đức để biểu tình phản đối sự lạm thu và cửa quyền của cán bộ VC. Theo FB. Trần Minh Trương, thì bọn lãnh sự cho người ra thuyết phục bà con bỏ về không được bèn giở giọng đe dọa này nọ rồi cho người cầm cờ của Việt Tân nhảy vào nhóm tổ chức đang đứng để quay phim và chụp ảnh nhằm vu khống, may có cảnh sát can thiệp kịp thời không mình lại phải sử dụng bạo lực cách mệnh. Cuộc nói chuyện được ghi âm một phần này có một vài điểm cần lưu ý: – Nó diễn ra TRƯỚC KHI nhóm biểu tình nhóm họp, thuyết khách và người sau đó trương cờ Việt Tân đều quen biết nhau và cùng có mặt trong cuộc trao đổi này vì vậy nó là bằng chứng cho thấy Việt Tân chỉ là màn dàn dựng. – Trong lúc nói chuyện thuyết khách có nói nếu cuộc biểu tình này đông (người tham gia) thì sẽ có nhiều người cầm biểu ngữ chống Formosa, chống Trung Quốc..v.v…nhập vào nhóm biểu tình (để phá đám-tất nhiên). – Nội dung cuộc nói chuyện của tôi trước đó với nhân viên TLS thì thuyết khách đều biết rõ nội dung, do vậy họ có liên lạc, bàn bạc với nhau tìm cách đối phó ngay sau đó. – Còn một lực lượng sẵn sàng ứng chiến, tham gia phá rối theo kịch bản đã dàn dựng trước nhưng vì ít người biểu tình nên chưa được huy động. – Cơ quan TLS đã dùng thủ đoạn bẩn nhằm đối phó với nhóm biểu tình. https://chantroimoimedia.com/2016/09/27/viet-cong-choi-ban-du-kieu/
......

Lễ Giỗ các Anh Hùng Đông Tiến tại Đức quốc

Chiều ngày 27 Tháng Tám 2016, một buổi Lễ Tưởng Niệm những Anh Hùng Đông Tiến được cơ sở đảng Việt Tân (VT) tại Đức tổ chức tại Hội trường Albin Göhring thuộc thành phố Bad Homburg, nằm cách khoảng 20 km về phía Bắc thành phố Frankfurt am Mainz, trung tâm tài chánh Âu Châu. Buổi lễ quy tụ khoảng 100 tham dự viên gồm đảng viên, thân hữu và đại diện tổ chức, hội đoàn bạn tham dự.   Đúng 14 giờ, buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào cờ và mặc niệm. Dẫn vào chương trình là đoạn phim về bối cảnh sự hy sinh của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và những Kháng Chiến Quân (KCQ) của Đảng VT trong chiến dịch Đông Tiến, trên đường trở về đất mẹ để dựng ngọn cờ kháng chiến chống lại bạo quyền cộng sản. Nhiều người đã tỏ ra rất xúc động khi xem phim. Tiếp theo là nghi thức dâng hương và tưởng niệm bắt đầu bằng đoạn phim truy điệu ngắn. Cả hội trường nghiêm trang đứng dậy để tưởng nhớ đến những người đã khuất. Sau nghi thức dâng hương, ông Ngô Văn Minh, đại diện Ban Tổ Chức (BTC) đã lên chào mừng và cám ơn quan khách. Theo ông Ngô Văn Minh, tưởng niệm các AHĐT là để ghi nhớ những đóng góp, ngay cả sinh mạng của họ trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của dân tộc và đất nước. Để một lần nữa chúng ta cùng tiếp nhận và phát huy tinh thần yêu nước của họ bằng những đóng góp, những nỗ lực đấu tranh bền bỉ cho công cuộc dân chủ hóa đất nước của mỗi chúng ta nơi đây. Ông Ngô Văn Minh BTC cũng giới thiệu về sự hiện diện đặc biệt của 2 đảng viên Việt Tân đến từ Hoa Kỳ đó là Tiến Sĩ Trần Diệu Chân và ông Ngô Trọng Đức, một Ủy Viên Trung Ương của VT. Trong phần trình bày ngắn của mình, ông Ngô Trọng Đức đã chia sẻ với cử tọa về sự hy sinh của những Chiến hữu tiên phong và KCQ của Đảng Việt Tân trong những ngày tháng khởi đầu cuộc kháng chiến chống cộng sản. Trong phần giải đáp những câu hỏi của cử tọa, ông đã sơ lược về những bước đấu tranh theo qua điểm của Đảng Việt Tân như „nong xích, xây lực“ để đục ruỗng nát những trụ cột chống đỡ chế độ như công an, quân đội, truyền thông, luật pháp … Ông Ngô Trọng Đức Lê Đôn , một VT trẻ đến từ Sydney, được mời lên chia sẻ ngắn về cảm nhận của mình. BTC cũng đã cho phát một đoạn video thu qua skype một đảng viên VT trẻ tại Nghệ An là anh Nguyễn Văn Oai. Bằng một giọng Nghệ An rõ ràng và mạnh mẽ, anh Oai cho biết rằng anh và các bạn anh tri ân những Chiến hữu đã nằm xuống và rất hãnh diện được đứng trong hàng ngũ của những người thực sự cống hiến tài năng, sức lực và mạng sống của mình cho đất nước. Anh JB Nguyễn Văn Oai, một thanh niên Công Giáo và cũng là tù nhân lương tâm trong vụ án 14 thanh niên CG vào năm 2011. Anh đã bị cầm tù 4 năm vì „tội“ yêu nước và tham gia Đảng Việt Tân. Nhạc phẩm „Trăng Chiến Khu“ do chính Chiến hữu Chủ Tịch VT lúc đó là Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh sáng tác và nhạc sĩ kháng chiến Trần Thiện Khải soạn nhạc trong chiến khu được chị Minh Nguyệt trình bày với phần đệm đàn Guitar của cô con gái 10 tuổi Mỹ Tuyền. Chị Minh Nguyệt & con gái Mỹ Tuyền                                      Bà Lê Nhất Hiền Bà Lê Nhất Hiền đã ngâm bài thơ của Trương Nhật Tân. Ông là một người tù chính trị, cảm tác bài thơ trong trại tù A20, Phú Yên trong cảm xúc bàng hoàng trước tin PĐĐ Hoàng Cơ Minh và các KCQ hy sinh trên đường Đông Tiến. Ông Phạm Công Hoàng, bà Đỗ Lan, hai thân hữu sát cánh với cơ sở VT tại Đức suốt nhiều năm trường đã được mời lên phát biểu cảm tưởng về những anh hùng Đông Tiến. Bà Lan đã rất xúc động khi tâm sự cùng cử tọa. Ông Nguyễn Đình Phúc, đại diện Hội Người Việt Tị Nạn CS tại Hamburg, vị khách được mời phát biểu cảm tưởng trong buổi lễ tưởng niệm này cũng đã bày tỏ sự cảm phục và tôn vinh những Anh Hùng Đông Tiến, những Anh Hùng đã vị quốc vong thân. Ông Phạm Công Hoàng                     Bà Đỗ Lan                   Ông Nguyễn Đình Phúc Chương trình phần 1 được kết thúc bằng đồng ca của cả hội trường nhạc phẫm „Thế kỷ này, thế kỷ của chúng ta“ do KCQ Võ Hoàng sáng tác.   Phần 2 bắt đầu với TS Trần Diệu Chân đến từ Hoa Kỳ. Bà trình bày về đề tài hiểm họa đất nước đang đối diện và cuộc đấu tranh bất bạo động mà Đảng Việt Tân chủ trương bấy lâu. Bên cạnh nhiều hiểm họa khác, là chuyên gia về thực phẩm và kinh tế, TS Trần Diệu Chân đã cảnh báo về nguy cơ rất lớn mà TQ mang lại cho người Việt qua thực phẩm độc hại và đặc biệt trong thời gian qua là thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra. TS Diệu Chân cũng là dịch giả quyển sách nổi tiếng „Chết bởi Trung Quốc“ của GS TS Peter Navarro cảnh báo thế giới về hiểm họa lớn lao mà thủ phạm không ai khác hơn là Bắc Kinh. TS. Trần Diệu Chân Về đấu tranh bất bạo động, TS Diệu Chân nhấn mạnh đến hiệu quả, tính khả thi và có thể được mỗi người dân thực hiện. Bằng những con số thuyết phục như 75% các cuộc thay đổi chính quyền trên thế giới là nhờ vào phương thức bất bạo động, bà tin là dân tộc Việt Nam cũng sẽ hoàn thành sứ mạng lịch sử giao phó là chấm dứt chế độ cộng sản để xây dựng một thể chế dân chủ tự do thực sự tại Việt Nam. Trong phần hội thảo, qua sự chủ tọa và điều hợp của TS Diệu Chân, ông Ngô Trọng Đức và ông Nguyễn Thanh Văn, đại diện VT tại Đức và theo đề nghị của TS Trần Diệu Chân là không giới hạn chủ đề,  có nhiều câu hỏi, ý kiến nêu ra xoay quanh các đề tài nêu trên và câu hỏi liên quan đến hoạt động của Đảng Việt Tân cũng như những tấn công đánh phá của VC nhắm vào đảng VT trong thời gian qua. Trong nhiều câu hỏi, ý kiến nêu ra xoay quanh các đề tài nêu trên, đáng chú ý là ý kiến của một thân hữu đến từ Bá Linh đã được hội trường tán thưởng bằng những tràng pháo tay thật to, thật dài. Theo đó, VT đấu tranh có hiệu quả khiến CSVN luôn xem VT là đối tượng để đánh phá, qui chụp đủ thứ tội lỗi. Nỗ lực liên kết của VT với các nhóm và cá nhân đấu tranh trong nước đã chứng tỏ thiện ý muốn cùng toàn dân đòi lại quyền tự quyết cho dân tộc chứ không phải hợp tác để chia quyền lực. Các thành quả vận động chính giới quốc tế của VT rất đáng kể. Nó khiến giờ đây lãnh đạo ĐCSVN đang cho con cháu họ mang tiền ra nước ngoài tẩu tán vì thấy được sự tan rã của chế độ. Tuy nhiên, cũng theo anh Tân, thể chế dân chủ trong tương lai sẽ thu hồi lại được những của cải đó. Để kết thúc phần hai chương trình mọi người đã cùng hát bài „Trả lại cho dân“ của Duy Quốc Nam, Trúc Hồ soạn nhạc. Buổi Lễ Tưởng Niệm chấm dứt khoảng 18 giờ chiều. Mọi người được BTC mời chụp chung những tấm ảnh lưu niệm. Sau đó mọi người dùng bửa cơm chiều thịnh soạn và chia tay. NP
......

TCBC: Về việc một nhóm đăng ký danh xưng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng tại tiểu bang California

VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG Email: lienlac@viettan.org - Web: www.viettan.org - FB: facebook.com/viettan   **** THỐNG CÁO BÁO CHÍ Về việc một nhóm đăng ký danh xưng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng tại tiểu bang California   Vào ngày 26/8/2016, một nhóm người do Nguyễn Thanh Tú đại diện đã loan tin về việc đăng ký danh xưng Việt Tân – Vietnam Reform Party tại tiểu bang California. Trước sự việc này, đảng Việt Tân xin thông báo như sau: 1. Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt là đảng Việt Tân), tức Vietnam Reform Party, là danh xưng chính thức của tổ chức chúng tôi. Đây là một thực thể có tư cách pháp nhân trong dạng unincorporated association, hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới từ năm 2004. 2. Đảng Việt Tân được đồng bào trong và ngoài nước, chính giới và truyền thông quốc tế biết đến như một thực thể hoạt động cho mục tiêu đấu tranh cho dân chủ và canh tân đất nước Việt Nam từ nhiều năm nay. Chủ tịch hiện tại của đảng Việt Tân là ông Đỗ Hoàng Điềm. 3. Chúng tôi sẽ tận dụng mọi biện pháp pháp lý tại Hoa Kỳ để chận đứng những hành vi mạo nhận danh xưng đảng Việt Tân qua bất cứ hình thức nào. Chúng tôi sẽ thông báo đến quí đồng bào về diễn tiến và kết quả. 4. Trước tình trạng đảng Cộng Sản Việt Nam ngày càng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, và thường xuyên tìm mọi cách đánh phá đảng Việt Tân, mọi hành vi tiếm danh các tổ chức đấu tranh và gây hoang mang trong lực lượng dân chủ, như cá nhân Nguyễn Thanh Tú và đồng bọn đang làm, là tiếp tay giúp giải tỏa áp lực cho chế độ cộng sản Việt Nam, làm tản lực đấu tranh chung của người Việt Nam. 5. Đây là một đòn phép cũng nhằm tạo rối loạn trong các cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Chúng tôi kính kêu gọi mọi Ban Chấp Hành cộng đồng, mọi cơ quan truyền thông, và mọi hội đoàn hãy cảnh giác và cô lập những kẻ phá hoại ra khỏi hàng ngũ những người mưu tìm tự do, dân chủ cho đất nước. Ngày 27 tháng 8 năm 2016 Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 202-596-7951 Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài - Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ - Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước http://www.viettan.org/TCBC-Ve-viec-mot-nhom-dang-ky-danh.html  
......

Họp báo và biểu tình tố cáo tội ác Formosa và CSVN tại Đài Loan

ĐÀI BẮC (CTM Media) – Vào lúc 10 giờ sáng giờ địa phương Đài Bắc, một cuộc họp báo và biểu tình do một số các tổ chức chính trị và phi chính trị như Hội Anh Em Dân Chủ, Dân Trí Việt, Hội Bầu Bí Tương Thân, Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền, và tổ chức EJA – Environmental Jurists Association tại Đài Loan (Hội Luật Gia vì Môi Trường) với sự tham dự của một số tổ chức phi chính trị tại Đài Loan, đã diễn ra ngay trước trụ sở chính của công ty gang thép Formosa tại thủ đô Đài Bắc, Đài Loan. Rất đông người Việt Nam, phần lớn là công nhân người Việt hiện đang làm việc tại đây và người Đài Loan đã tham gia cuộc biểu tình. Mục tiêu của cuộc họp báo và biểu tình là để cảnh báo về thảm họa môi trường tại vùng biển Miền Trung nước Việt Nam do công ty Formosa, với sự tiếp tay của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, gây ra khi xả thải hàng trăm tấn hóa chất độc hại thẳng ra biển gây nên cái chết của hàng ngàn tấn cá và các hải sản khác, cũng như tàn phá môi trường biển của Việt Nam trải dài hàng mấy trăm cây số mà tác hại sẽ kéo dài nhiều chục năm. Hiện diện trong cuộc họp báo và biểu tình, ngoài các đại diện của các tổ chức trách nhiệm cuộc họp báo, người ta thấy sự hiện diện và phát biểu của nữ luật sư Echo Lin, Tổng Thư Ký EJA (Hội Luật Sư Môi Trường); bà Yibee Yang, Giám Đốc Covenants Watch (Giám Sát Các Quy Ước); bà Eling chiu, Tổng Thư Ký Taiwan Association for Human Rights (Hội Nhân Quyền Đài Loan); Linh Mục Nguyễn Văn Hùng, Giám Đốc Văn Phòng Hỗ Trợ Công Nhân Đài Loan; ông Hoàng Tứ Duy, Phát Ngôn Nhân Đảng Việt Tân; Ông Nguyễn Hoàng Thanh Tâm tuyên đọc phát biểu của Linh Mục Đặng Hữu Nam từ Hà Tĩnh. Những người tham gia biểu tình đã cầm các biểu ngữ với nội dung đòi lại công lý cho môi trường Việt Nam, tố cáo việc Formosa hủy hoại môi trường Việt Nam, đòi lại môi trường sạch cho Việt Nam, đòi Formosa bồi thường thích đáng những thiệt hại họ đã gây ra, đòi Formosa phải lập tức chấm dứt hoạt động và rời khỏi Việt Nam, truy tố Formosa và tất cả nhũng người liên đới tiếp tay vào việc Formosa hủy hoại môi trường Việt Nam,… Sau buổi họp báo và cuộc biểu tình, đại diện ban tổ chức sẽ có những tiếp xúc với một số chính trị gia Đài Loan trong buổi chiều cùng ngày và ngày hôm sau 11/8/2016. Xin kính mời Quý Độc Giả theo dõi và xem thêm các video và nhiều hình ảnh về cuộc họp báo qua trang mạng https://www.facebook.com/chantroimoimedia/, https://www.facebook.com/viettan/. Bà Eling Chiu, Tổng Thư Ký của Taiwan Association for Human Rights (Hội Nhân Quyền Đài Loan). Bà Echo Lin, Tổng Thư Ký của Environmental Jurists Association (EJA - Hội Luật Sư Môi Trường) Ông Nguyễn Hoàng Thanh Tâm đã tuyên đọc bài phát biểu của Lm. Antôn Đặng Hữu Nam. Linh Mục Đặng HữU Nam lẽ ra tham dự cuộc họp báo/ biểu tình, tuy nhiên ông đã bị nhà cầm quyền ngăn chận không cho xuất cảnh. Ông Hoàng Tứ Duy, Phát Ngôn Nhân Đảng Việt Tân https://chantroimoimedia.com/2016/08/10/cuoc-hop-bao-va-bieu-tinh-vi-moi...
......

Từ Miền Trung, LM Đặng Hữu Nam tranh đấu cho các nạn nhân Formosa

Linh Mục Antôn Đặng Hữu Nam, Quản Xứ Phú Yên, Giáo Phận Vinh, là một trong những khách được mời tham dự chuyến vận động “Vì Môi Trường Biển Miền Trung” tại Taipei, Đài Loan, nhằm đấu tranh cho các nạn nhân thảm họa môi trường biển tại VN do Formosa gây ra, cũng như đấu tranh để phục hồi môi trường biển cho Việt Nam. Tuy nhiên Linh Mục Đặng Hữu Nam đã bị nhà cầm quyền ngăn chận không cho xuất cảnh. Hôm 4 Tháng 8, 2016 Linh Mục Đặng Hữu Nam trên đường đi khám bệnh đã bị công an mặc thường phục chặn giữa đường và bị câu lưu gần 3 tiếng đồng hồ tại đồn công an Cầu Giấy. Cuộc họp báo nói trên do một số các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan và Việt Nam tổ chức trước trụ sở của Công Ty Formosa tại Taipei, Đài Loan, vào lúc 10 giờ sáng giờ Đài Loan (tức 9 giờ sáng ngày Thứ Tư 10 Tháng 8, 2016, giờ Việt Nam). Dưới đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài phát biểu của Linh Mục Antôn Đặng Hữu Nam trong cuộc họp báo này. *** Kính thưa Quý Vị, Tôi là Đặng Hữu Nam, Linh mục Quản Trị Phú Yên, Giáo Phận Vinh, thuộc địa bàn xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Người dân nơi đây sống nhờ vào biển. Từ ngày Formosa gây thảm họa môi trường, cuộc sống của ngư dân Miền Trung vô cùng thê thảm, họ đang chết dần với biển, biển bị nhiễm độc, cá chết hàng loạt, thuyền bè không thể ra khơi. Nếu có đi thì hải sản đánh về cũng không tiêu thụ được. Người dân có nguy cơ phá sản vì món nợ ngân hàng đầu tư vào phương tiện đánh bắt. Trẻ em đứng trước nguy cơ không được đến trường, nhiều người đã phải tha hương kiếm kế sinh nhai. Nghiêm trọng hơn, một số người đã chết vì làm việc tại vùng biển này. Một số nguời đã chết vì ăn phải cá tôm bị nhiễm độc, một số khác bị nhiễm độc nhưng bệnh viện đã từ chối tiếp nhận vì áp lực từ trên. Người dân nơi đây đã bắt đầu mang những căn bệnh lạ như lở loét chân tay. Lm. Antôn Đặng Hữu Nam Lm. Antôn Đặng Hữu Nam Sau khi nhận lỗi Formosa vẫn tiếp tục lén lút xả thải, tẩu tán và chôn lấp cá chết và chất thải độc hại ra môi trường. Được sự bao che và cố tình lừa dối dư luận của nhà cầm quyền, cũng như sự tiếp tay của một số quan chức Việt Nam, Formosa càng thiếu thiện chí, không thành tâm nhìn nhận và giải quyết hậu quả. Ngay cả khi họp báo công khai nguyên nhân thảm hoạ Formosa cũng chỉ xuất hiện qua một video ghi sẵn. Ông Giám Đốc Đối Ngoại Chu Xuân Phàm còn nêu yêu sách chỉ có một lựa chọn “hoặc là nhà máy hoặc là tôm, cá, môi trường”. Ông Trần Nguyên Thành, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Formosa còn thách thức và coi khinh dân Việt với phát biểu lộng ngôn là trong bất kỳ tình huống nào Công Ty vẫn chịu cho nhà máy được hoạt động. Những nạn nhân đã chết không được đền bù hay thăm hỏi, Formosa còn áp dụng chính sách nội bất xuất ngoại bất nhập không cho phóng viên báo chí tiếp cận các cơ quan hữu quan thanh tra hoạt động xả thải. Đứng trước thảm hoạ, thái độ bất chấp của Formosa, sự bao che thiếu minh bạch của nhà cầm quyền và sự tiếp tay của quan chức giáo sĩ, chúng tôi đã nhiều lần xuống đường biểu tình, để nói lên tiếng nói và nguyện vọng của mình. Người dân chúng tôi mong muốn: 1. Formosa phải đền bù thoả đáng những thiệt hại cho người dân; 2. Formosa phải cải tạo và trả lại biển sạch cho nước Việt; 3. Formosa phải đóng cửa vĩnh viễn, ngưng mọi hoạt động ngay lập tức và phải rút khỏi Việt Nam; 4. Khởi tố Formosa và những cá nhân, tập thể chung tay sát hại môi trường Việt Nam. Tôi kêu gọi các tổ chức bảo vệ môi trường, các công đoàn, các chính phủ dân chủ và công luận thế giới lên tiếng mạnh mẽ để nguời dân Việt Nam chúng tôi được sống trong một môi trường trong lành và an toàn. Xin cám ơn Quý Vị.
......

Bản Lên Tiếng: Về cuộc họp báo vụ cá chết hàng loạt của lãnh đạo CSVN

VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG Email: lienlac@viettan.org - Web: www.viettan.org - FB: facebook.com/viettan ****                                  Bản Lên Tiếng                                Về cuộc họp báo vụ cá chết hàng loạt của lãnh đạo CSVN Sau gần 3 tháng trì hoãn và tìm cách khoả lấp tội phạm, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đành phải tổ chức cuộc họp báo vào chiều ngày 30 tháng 6, công bố việc nhận lỗi của công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) và số tiền bồi thường 500 triệu Mỹ Kim để xóa trách nhiệm. Trong khi đó phía nhà cầm quyền CSVN đã không có một sự phản tỉnh hay một lời xin lỗi tối thiểu trước quốc dân đã để xảy ra thảm kịch và thiếu minh bạch trong tiến trình giải quyết hậu quả. Tai họa cá chết hàng loạt không chỉ là sự biến nhất thời mà ảnh hưởng lâu dài lên môi trường sinh thái biển của Việt Nam và thế giới. Thay vì đón nhận sự hợp tác của nhiều quốc gia có kinh nghiệm, mở rộng sự tham gia của người dân, nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục khoanh vùng, giải quyết theo nhu cầu của đảng. Do đó, những thỏa thuận giữa nhà cầm quyền CSVN và công ty FHS qua cuộc họp báo, vẫn chỉ để phục vụ lợi ích của 2 phía chứ không phải vì nhu cầu bức thiết của các gia đình nạn nhân trực tiếp và người dân trên cả nước. Các loại giải pháp chuyển nghề để ngư dân bỏ biển, dọn đi nơi khác hay các ngư dân bỏ nghề không ra biển nữa như trong các chính sách bồi thường cho thấy đây là những giải pháp thiển cận và quan trọng hơn là xóa bỏ cuộc sống gắn liền biển truyền thống của bà con ngư dân miền trung. Vì tương lai của đất nước, nhất là phục hồi và bảo vệ môi trường sinh thái biển miền trung sau những tai họa do FHS gây ra, Đảng Việt Tân minh định: - Việc tẩy độc môi trường và ngăn chận sự lan tràn của dòng chất độc là điều quan trọng nhất hiện nay. Chỉ có nỗ lực này mới mong rút ngắn thời gian phục hồi môi sinh và trả lại nghề nghiệp truyền thống của bà con ngư dân. - Việc tẩy độc phải được tiến hành nghiêm chỉnh, công khai và minh bạch chứ không thể theo kiểu xoa dịu công luận rồi khỏa lấp như những vụ điều tra cá chết vừa qua. Cụ thể phải mời chuyên gia độc lập trong nước, mời các chuyên gia độc lập ngoại quốc, đặc biệt là đón nhận sự cộng tác của chính phủ những quốc gia có kinh nghiệm tham gia. - Mọi người dân có quyền bày tỏ quan điểm và hành động của mình trước những dự án có mức rủi ro cao, trước các thảm hoạ môi sinh. Mọi hành vi trấn áp các quyền này không chỉ vi phạm quyền con người mà còn mở cửa cho các thảm họa môi sinh khác tiếp diễn trên đất nước. Tai họa cá chết ở miền trung chưa chấm dứt. Đây chỉ là khởi đầu của tiến trình khắc phục thảm họa đang có nguy cơ đe dọa lên nhiều thế hệ nạn nhân trong vùng và ảnh hưởng nguy hại lên cả nước nếu không được giải quyết công khai, minh bạch trong ý nguyện chung của toàn dân. Đối với Đảng Việt Tân, sinh mạng dân tộc phải được đặt lên trên hết, trước nhu cầu khắc phục thảm hoạ môi sinh hiện nay. Ngày 1 tháng 7 năm 2016 Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-0845 Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài - Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ - Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước
......

Phái Đoàn Hội Bác Ái Vinh Sơn Phao lô Đức Hành Hương Năm Thánh Roma 2016

Một chuyến hành hương "Năm Thánh Từ Bi" gồm Đức, Mỹ, Hòa Lan, Đan Mạch tổng cộng 49 người từ ngày 11 đến 17.06.2016 do anh trưởng phái đoàn Vicentê Nguyễn Văn Rị đứng ra tổ chức và đặc biệt được Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải đang tu học tại Rôma hướng dẫn, đồng thời có Lm Gioan Đinh Công Lịch đang tu học tại Rôma, Lm. Antôn Nguyễn Bá Tòng, Lm Đaminh Phạm Văn Phúc dòng CCT. trợ giúp. Ngày đầu tiên đến phi trường và xe Bus đón chúng tôi tập trung về nhà dòng Foyer Phát Diệm. Lm. Gioan Trần Mạnh Duyệt du học Roma từ năm 1965 từng làm Cha xứ của Ý, nay ngài về làm Giám đốc Foyer Phát Diệm. Soeur Bề trên Anna Maria Phạm Thị Kim Tuyến, qúy Sơ ở đây vui vẻ, hát hay, đàn giỏ, phục vụ tận tình lịch sự. Đặc biệt các món ăn quê hương, mảnh vườn đầy bông hoa, trái cây và trồng rất nhiều loại rau của Việt Nam tạo cho chúng tôi cảm giác gần gũi và thân thương ngay từ lúc mới đến đây. Sau bữa cơm chiều và một đêm ngủ an bình . Sáng hôm sau chúng tôi được cha Phêrô Nguyễn Văn Khải dẫn đường xe Bus đi Napoli viếng Vương Cung Thánh Đường Thánh Anphongso Maria de Liguori. Lm Luciano Panella bề trên dòng Chúa Cứu thế ở đây rất vui vẻ, ngài đã hướng dẫn và giải thích cho chúng tôi thăm viện bảo tàng thánh Anphongsô vị thánh tổ sáng lập dòng Chúa Cứu Thế và là vị giảng thuyết lừng danh đã sống và qua đời tại nơi đây. Rất nhiều những đồ đạc phòng ngủ của ngài vẫn còn lưu giữ như cũ. Alfonso Maria de' Liguori (tên Việt phiên âm: An Phong hoặc Anphonsô, là vị thánh tổ sáng lập ra Dòng Chúa Cứu Thế. Là một trong những nhà thần học luân lý lừng danh nhất trong lịch sử Giáo hội Công Giáo. Tổng số tác phẩm của ngài lên đến 111 quyển bao gồm các lĩnh vực luân lý, tín lý và tu đức. Nhiều quyển đã được dịch ra tới 72 ngôn ngữ. Ngài được Giáo Hoàng Piô VII tôn phong Chân phước ngày 15.09.1816. Tôn phong Hiển Thánh ngày 26.05.1839. Tôn phong Tiến sĩ Hội thánh 1871. CUỘC ĐỜI DIỆU KỲ CỦA THÁNH NHÂN: Thánh Anphongsô là một luật sư bách thắng, nhưng thánh ý Chúa để cho ngài như một Phaolô ngã ngựa trên đường Damas vì thua một vụ kiện. Và từ đây cuộc đời ngài đã nhận ra tiếng Chúa gọi. Thanh bảo kiếm đặt dưới chân Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi nói lên sự từ bỏ danh vọng, quyền hành, địa vị, chức tước. Thánh Anphongsô đã nhận ra cái phù phiếm của cuộc đời:” Phù vân. Tất cả đều là phù vân”. Thánh Anphongsô chọn Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời mình để thực thi Lời thánh Kinh: "Hãy đi bán hết những gì con có đem cho kẻ nghèo khó và sau đó đến đây theo Thầy"( Lc 18, 22 ; Mt 19, 21 ). VIẾNG ĐẾN THÁNH GIÊRAĐÔ Sau bữa cơm trưa xe bus đưa chúng tôi lên đường viếng trung tâm ĐỀN THÁNH GIÊRAĐÔ. Đây là một trung tâm rất lớn và rất đẹp nằm ở trên đỉnh đồi Maiella, Materdomini, Campania. Sau khi nhận phòng để ngủ qua đêm tại khách sạn kế bên đền thánh Giêrađô, chúng tôi được Lm Phêrô Khải dẫn đi thăm đền thánh. Một Sr đã giải thích cặn kẽ, ngài thông dịch lại rõ ràng và lưu loát cho chúng tôi tất cả những di tích thánh Giêrađô tại đây. Từ căn phòng thánh Giêrađô qua đời cho đến vô vàn phép lạ ngài làm và tràn đầy một căn phòng lớn những hình ảnh, những trái tim tạ ơn treo đầy tất cả trần nhà và kín chung quanh rất đẹp và ấn tượng. Sau một đêm ngủ an lành trong an bình, sáng sớm phái đoàn chúng tôi dâng thánh lễ tại nhà nguyện chính nơi mộ thánh Giêrađô, với ý chỉ đặc biệt cho vị đại ân nhân của những người Việt TNcs ở Đức là Tiến Sĩ Rupert Neudeck, và cho Quê Hương Việt Nam được mau thoát ách cộng sản vô thần. Dòng Chúa Cứu Thế sáng chói nhất có thánh Giêrađô Majella, Vị thánh hay làm phép lạ vị thánh của các thai phụ, v.v... Ngài mất vào ngày 16.10.1755 lúc mới 29 tuổi. 29.01.1893 ĐGH. Lêô XIII phong chân phước. 11.12.1904 ĐGH Piô X phong tuyên hiển thánh. VIẾNG ĐỀN ĐỨC MẸ MÂN CÔI POMPEI. Sau giờ điểm tâm chúng tôi lên đường đến viếng đền thánh nổi tiếng thế giới Đức Mẹ Mân Côi Pompei và thành cổ Pompei. Thành cổ Pompei có khoảng 7 thế kỷ trước Công nguyên. Là di tích lịch sử thế giới đã được UNESCO công nhận là một trong những điểm thu hút đông khách du lịch nhất tại Ý. Với khoảng 2,6 triệu du khách mỗi năm, đã bị núi lửa Vesuvius phun trào chôn vùi luôn hai thành phố vào năm 79 sau Công nguyên. Người ta chỉ khám phá ra vào năm 1738 bởi các công nhân đang xây dựng móng một cung điện mùa hè cho Vua Naples, VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MẸ MÂN CÔI TẠI POMPEI Nói đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi Pompei và thành phố Pompei thì phải nói đến vị Chân phước Batôlô Lônggô người đã vẽ kiểu và khai sinh ra Vương cung thánh đường và thành phố này. Ông sinh ngày 11 tháng 2 năm 1841 và qua đời tại Pompei ngày 5 tháng 10 năm 1926. Ông là một luật sư, một kiến trúc sư và là người truyền bá kinh Mân Côi theo đường lối của thánh Đaminh. Một người đã tận hiến cả đời mình cho Chúa và Đức Mẹ trong công việc từ thiện giúp đỡ các trẻ em nghèo con của các tù nhân, các người nghèo và đặc biệt trong việc cổ động kinh Mân Côi cũng như công cuộc truyền giáo. Ngày 26 tháng 10 năm 1980, Ba-tô-lô Lông-gô đã được Đức Gio-an Phao-lô II tôn phong chân phước và dâng tặng tước hiệu "Người của Đức Mẹ" và "Tông Đồ kinh Mân Côi." Chiều tối chúng tôi trở về đến nhà dòng Foyer dùng cơm chiều và nghỉ đêm. VIẾNG ĐỀN THÁNH PHÊRÔ: - Sáng sớm phái đoàn dâng thánh lễ tại nhà nguyện của nhà dòng, sau đó ăn sáng và lên đường hành hương viếng đền thánh Phêrô. Cha Phêrô Khải đã đưa chúng tôi đi bộ đúng theo lộ trình từ xa tiến vào ngõ chính của đền thánh, khi còn cách một cây số thì trình giấy và nhận một cây Thánh Giá để một người trong phái đoàn vác đi trước, đoàn vừa đi vừa lần chuỗi theo sự hướng dẫn của Lm. Antôn Nguyễn Bá Tòng chúng tôi đã tiến vào "Cửa Thánh" của "Năm Thánh Từ Bi". Có lẽ phái đoàn chúng tôi được vinh dự vào đền thánh Phêrô đầu tiên của ngày hôm nay nên chúng tôi thong thả đi đến tận bàn thờ chính nơi có mộ của thánh cả Phêrô Tông Đồ. Nơi đây chúng tôi đứng quây quanh mộ thánh Phêrô đọc kinh để đón nhận "Ơn Toàn Xá" và cầu nguyện cho đất nước, quê hương và dân tộc Việt Nam. Sau đó được cha Phêrô Khải giải thích tỉ mỉ rõ ràng những chi tiết trên cung thánh và trong đền thánh này, đi tiếp xuống viếng hầm mộ các Đức Giáo Hoàng. Xong phần viếng mộ cha dẫn lên và tiếp tục giải thích thêm về các nhà nguyện chung quanh trong lòng nhà thờ thì ôi thôi người ở đâu ra mà đã đông nghẹt cả. Thật là một sự vinh hạnh cho phái đoàn chúng tôi vì có cha Phêrô Khải đang học ở đây về chuyên ngành lịch sử Giáo hội và cũng là nghành hướng dẫn viên chuyên nghiệp nên mọi cái cha đều nắm rõ và giải thích cặn kẽ cả. Vài đặc điểm của Ðền Thánh Phêrô Ðền Thánh Phêrô vẫn là thánh đường có kích thước lớn nhất thế giới Kitô giáo. Từ nền tầng hầm Ðền Thờ tới mái vòm cao 136 mét, từ nền Ðền thờ là 133 mét. Nguyên diện tích đền thờ, không kể nhà mặc áo, có diện tích hơn là 22,067 mét vuông. Mặt tiền đền thờ, giống như một sân túc cầu, cao 46 m và chiều ngang 115 m. Các cột cao gần 29 mét, đường kính 2.65 m. Tiền đường từ vòng cung Carlo Magno tới vòng cung Costantino dài 140 m. Chiều ngang đền thờ là 150 m chiều dài đền thờ là 187 m. Ðền Thánh Phêrô có thể chứa được 54 ngàn người nếu đứng chật hết mọi chỗ kể cả các gian lối đi. Trong Ðền Thờ có 46 bàn thờ, bàn thờ cuối cùng được Ðức Piô 9 (1846-1878) thánh hiến ngày 16-1-1856. Có 9 bàn thờ dâng kính Ðức Mẹ dưới nhiều tước hiệu khác nhau. Tầng hầm đền thờ, nền tương ứng với nền nguyên thủy từ thời hoàng đế Costantino. Trong tầng hầm này có nhiều nhà nguyện chung quanh mộ thánh Phêrô, với những bàn thờ để các linh mục cử hành thánh lễ. Mộ của 147 trong tổng số 264 giáo hoàng cũng được đặt tại đây". Viếng nhà thờ Đức Mẹ Scala hiệu tòa của ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận Sau khi viếng đền thánh Phêrô chúng tôi đi viếng mộ Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại nhà thờ Đức Mẹ Scala hiệu tòa của ngài. Chúng tôi cùng đọc kinh cầu nguyện cùng ngài, xin ngài phù trợ cho đất nước Việt Nam được tai qua nạn khỏi, được thoát ách tà thuyết vô thần để khỏi mất nước vào tay tàu cộng. Hiện nay ngài đã được Giáo hội nâng lên Đấng Bậc Đáng Kính (Venerable). VIẾNG ĐỀN THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH VÀ BƯỚC VÀO CỬA THÁNH: Vương Cung Thánh đường Phaolô là Tông Tòa Giáo Hoàng, là một trong bốn Vương Cung Thánh Đường lớn nhất của Vatican đang mở cửa "Năm Thánh Từ Bi" cha Lịch hôm nay thay cha Khải giải thích khá rõ ràng và tỉ mỉ. Lịch sử Ðền Thánh Phaolô ngoại thành (Tiếng Ý: Basilica Papale di San Paolo fuori le Mura, có tên khác là Nhà thờ Thánh Phaolô) Đây là một trong bốn Đại Vương Cung Thánh Đường lớn nhất của Vatikan "Năm Thánh Từ Bi" ĐGH cho mở cửa Thánh để khách hành hương lãnh ơn toàn xá, và khách hành hương không nên bỏ qua mỗi khi đến Giáo Đô Rôma. Dưới bàn thờ chính hiện nay, có một tấm đá bằng cẩm thạch 2.12×1.27 mét, có ghi hàng chữ: “Paolo Apostolo Mart” (Dâng kính Tông Ðồ Phaolô Tử Ðạo). Ðây chính là mộ của thánh Phaolô Tông Ðồ. Ở đây cũng có một hòm kính trong đó có sợi dây xích thánh nhân khi bị bắt giam trong tù còn lưu giữ. Theo tài liệu Thánh Phaolô đã bị chặt đầu tại tu viện Trois-Fontaines Thánh đường to lớn hơn được xây năm 386 được hoàn thành dưới thời Hoàng Ðế Onorio năm 395. Thánh đường có 5 gian, có 4 hàng cột phân ra, gồm 80 cột cẩm thạch. Là thánh đường lớn nhất của Kitô giáo trước khi Ðền Thờ Thánh Phêrô được kiến thiết. Suốt trong 15 thế kỷ Vương Cung Thánh Ðường nhiều người đến thăm và cầu nguyện. Thánh đường mới được khánh thành năm 1854, công trình tái thiết kéo dài 100 năm. Năm 1928 xây thêm 4 cổng 100 cột, do kiến trúc sư Guglielmo Calderini. Khuôn viên bên ngoài nhà thờ có 150 cột, tất cả đều là một khối duy nhất. Cửa đồng là một kiệt tác của nghệ thuật Bizantine do Giovanni VII đặt làm ở Constantinople. Thánh đường dài 136 m, rộng 65 m, cao 29.7 m. có 5 gian, được chia bằng 24 cột, trên trần nạm vàng hình ảnh đẹp lộng lẫy, chung quanh trên những đầu cột theo hình chữ nhật có chân dung 265 vị Giáo Hoàng, từ thánh Phêrô cho đến Ðức Benedict XVI và Phanxicô, phần cuối bên tay phải nhìn lên còn những hình tròn trống cho chân dung các ĐGH kế tiếp. Bức tranh khảm ở hậu cung do các hoạ sĩ miền Venezia thế kỷ 13 thực hiện. THĂM VIẾNG HANG TOẠI ĐẠO - "Hang Toại Đạo Thánh Callistô" (Catacambe Di.S Callisto) Đây là hang toại đạo quan trọng nhất Roma. Thầy sáu Callisto là người cộng sự thân cận của Đức giáo hoàng Zeferino (199-217) năm 217, ngài được chọn làm đấng kế vị lèo lái con thuyền Giáo Hội dưới thời hoàng đế Antonio Heliogabale. Đây cũng là nơi chôn cất chính thức của các Giáo Hoàng, từ Đức Giáo Hoàng Callisto trở đi cho đến cuối thế kỷ III. Các phần mộ này được Đức Giáo Hoàng Callisto nới rộng, sau đó Đức giáo hoàng Damacos cho trang hoàng với những bức tranh vẽ trên tường và được tôn kính cho đến thế kỷ XV. Hang Toại Đạo này gồm 4 tầng nhưng chỉ có thể thăm tầng 2. Nơi có nhà nguyện các ĐGH. Tại đây đã có 9 Thánh Giáo Hoàng được chôn cất, trong số đó có: Thánh Sistô II, Thánh Anterô Thánh Fabianô, Thánh Luciô I và Thánh Eutichianô. Bia mộ khác bằng nguyên ngữ Hy Lạp. Cuối nhà nguyện, gian bên cạnh là mộ thánh nữ Cecillia Đồng Trinh Tử Đạo. Khi bị hành quyết nàng không nói được vì bị cắt vào cổ nhưng vẫn giơ lên 3 ngón tay biểu tượng thờ một "Thiên Chúa Ba Ngôi". Nơi đây có nhiều bức tranh Byzantin thuộc các thế kỷ VII và VIII. Ðoàn hành hương viếng thăm nhà thờ "Quo vadis". Quo Vadis? là một cụm từ tiếng La tinh có nghĩa là "Thầy đi đâu?". Cụm từ này dùng để chỉ một câu chuyện được lưu truyền trong Kitô giáo, liên quan đến hành động của thánh Phêrô. Đang khi chạy trốn để tránh khỏi việc bị kết án đóng đinh ở Rôma, Phêrô đã gặp Chúa Giêsu, ông hỏi Chúa: "Quo vadis, Domine?" ("Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?"), Chúa Giêsu trả lời: "Eo Romam crucifigi iterum" ("Thầy vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa"), ngụ ý nhắc nhở Phêrô phải can đảm tiếp tục sứ vụ của mình. Cuối cùng, ông đã quay trở thành Rôma để chịu kết án, và chịu tử đạo. Ông xin đóng đanh ngược đầu xuống dưới vì tông đồ cả Phêrô cảm thấy không xứng đáng chịu đóng đanh bình thường giống như Thầy mình. Tiếp Kiến Đức Giáo Hoàng tại Quảng Trường thánh Phêrô. Hôm nay là ngày thứ tư được Đức Giáo Hoàng tiếp chung nên ai cũng ăn mặc lịch sự nhất là các chị em phụ nữ Việt Nam thì đẹp như tiên với những tà áo dài bay bay đủ màu đủ sắc. Phải phục cha Phêrô Khải ngài sắp xếp chương trình rất hay và đúng giờ nên phái đoàn Việt Nam ta và gần như vào trước tiên và ngài dẫn lên chỗ gần và tốt nhất. Hôm nay chúng tôi cũng gặp được Đức Ông Giuse Hoàng Minh Thắng ở Rôma, và 2 phái đoàn từ Hoa Kỳ sang hành hương của Lm. PX. Trần Quốc Tuấn và Lm. Châu. Thật đúng không hẹn mà hò vì cả 3 phái đoàn đều mang theo những lá cờ Vàng Ba sọc đỏ linh thiêng của Tổ Quốc, nên hôm nay Hoàng Kỳ trên giữa Quảng trường thánh Phêrô tung bay rực trời, thật là đẹp và đầy ý nghĩa. Mọi người chờ đợi ĐGH đi ngang những hàng ghế gần mình để chụp hình và chào ngài. Quảng trường đầy cả nhưng rất nghiêm trang và trật tự. Các ĐÔ. đọc tên và giới thiệu từng nước và những phái đoàn tham dự hôm nay, phái đoàn Việt Nam luôn là được giới thiệu gần cuối vì họ đọc tên theo bảng chữ cái nhưng khi xướng đến tên là cả khu vang dội và cờ vàng bay phất phới. Chờ đợi hồi lâu và rồi ĐGH cũng xuất hiện tiếng hò reo vang dậy cả quảng trường thánh Phêrô. Hôm nay ngài xuống thăm giáo dân có phần đi nhanh hơn những ngày bình thường, nhưng mình cũng chụp được một số hình ảnh ngài khi đến gần cách khoảng 1-2m, và may mắn trong phái đoàn có một chị được bắt tay ngài và vài người được đụng đến ngài. Ngài cũng đặt tay lên đầu một em bé Việt Nam trong đoàn và chúc lành. Sau khi xe rảo hai vòng chung quanh những lối đi trong quảng trường ngài trở về trên khán đài và chia sẻ bài Phúc Âm Người Mù Thành Giêrikhô (Lc 18,35-43) "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? - Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy". với tất cả mọi người... VIẾNG ĐỀN THỜ ĐỨC BÀ CẢ: Đền thờ Đức Bà Cả cũng gọi là Vương Cung Thánh Đường Liberiô, được xây trên đồi Esquilinô thành Rôma. Truyền thuyết kể rằng đêm mồng 4 rạng mồng 5 tháng 8 năm 352, Đức Mẹ hiện ra với Đức Liberiô I, và truyền lệnh xây một đền thờ nơi chỗ nào có tuyết rơi trong đêm hôm đó. Sáng hôm sau Đức Giáo Hoàng đến đồi Esquilinô thấy có tuyết rơi, thời kỳ này là mùa hè mà lại xảy ra đúng như lời Đức Mẹ đã nói với ngài trong giấc mơ, vì vậy đền thờ này cũng được gọi là Đền thờ Đức Mẹ xuống tuyết. Từ đây ngài chọn nơi đây xây đền thờ kính Đức Mẹ năm 366. Đền thờ được Đức Sixtô III chỉnh trang và cung hiến năm 435 để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa mà Công đồng Ephesô đã tuyên tín năm 431. Gọi là đền thờ Đức Bà Cả vì là đền thờ đầu tiên và là một trong bốn Vương cung thánh đường lớn nhất tại Rôma. Đền thờ được xây dựng, mở rộng trùng tu nhiều lần qua nhiều thế kỷ. Tiền đường chính được xây thế kỷ XVIII. Tháp chuông kiểu Rôma tuyệt đẹp được hoàn thành năm 1377 và được kể là ngọn tháp cao nhất kinh thành Rôma. Đền thờ Đức Bà Cả cũng còn có tên là Đền thờ Đức Bà máng cỏ, vì nơi nguyện đường này có máng cỏ Chúa Hài Nhi nằm được đưa từ Giêrusalem về đây. Đền thờ Đức Bà Cả tôn kính ảnh Đức Mẹ lừng danh nhất do thánh Luca minh hoạ, gọi là Đức Mẹ nhân dân thành Rôma (Salus populi Romani), đã được đội triều thiên liên tiếp nhiều lần do Đức Clementê VIII, Đức Grêgôriô XVI, và Đức Piô XII ngày 01.11.1954, Năm Thánh Mẫu kỷ niệm 100 năm Đức Piô IX tuyên tín Đức Mẹ Vô Nguyên Tội. Dịp này Đức Piô XII với thông điệp Ad Caeli Reginam, tuyên ngôn vương quyền của Mẹ và thành lập lễ Mẹ Nữ Vương ngày 22 tháng 8. Trên trần và những bàn thờ tượng ảnh hầu như toàn mạ vàng, tất cả mọi cái đều rất qúy giá, hay là vô giá. Viếng Vương Cung Thánh Đường Tông Tòa Giáo Hoàng Lateranô. Ðền thờ Gioan Latêranô là nhà thờ chánh toà của Ðức Giáo Hoàng. Ðức Thánh Cha với tư cách là Giám Mục Roma, đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ chánh tòa tại đây . Ðền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo Hội Chúa Kitô, tượng trưng cho Tòa Thánh Roma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ vô cùng khủng khiếp . Ðền thờ này do công của Hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích . Ðền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian trên. Lịch sử đã thuật lại rằng, khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố Roma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi thánh đường dùng đặt ngai tòa của Ðức Giáo Hoàng là Giám Mục Roma. Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng trầm của đạo Công Giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thời Hoàng đế Roma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội, gia nhập đạo thánh Chúa trong những đêm phục sinh và mừng lễ vượt qua tại đây. Theo như cha giải thích thì tại đền thờ này có mộ phần của thánh Mathias tông đồ thứ 12 thay thế ông Giuđa phản Chúa. Và nhiều mộ của các tông đồ nhất. Phía trước mặt đền thờ có tượng thánh Phanxicô khó khăn và các bạn của ngài đến đây để xin gặp Đức Giáo Hoàng. Nhà Nguyện cầu thang thánh (Scala Santa Monument) Cầu thang thánh (Scala Santa Monument) với những bậc thang Chúa Giêsu đã đặt chân lên khi đến gặp tổng trấn Philatô (được Thánh nữ Hêlêna đem từ Israel về). chúng tôi đã đi bằng đầu gối qua 28 bậc thang để đến được đỉnh cầu thang đối diện với cung thánh. THĂM ĐẤU TRƯỜNG CÔLÔSÊ Đây là nơi gắn liền với lịch sử của Giáo Hội Công Giáo vì biết bao nhiêu người đã đổ máu đào tử đạo tại đây. Biết bao nhiều anh hùng tử đạo đã bị giết, bị nhốt và cho thú dữ dày xéo, ăn thịt. Những hạt giống tử đạo đó đã sinh ra nhiều hoa trái rất lạ kỳ, cho đến một ngày nào đó đã ướp đậm cả kinh thành nguy nga tráng lệ Rôma và trở thành Giáo Đô của Giáo Hội CÔNG GIÁO. Chúa Kitô đã phục sinh Giáo Hội như lời Ngài đặt tên cho người thuyền chài Phêrô là đá tảng, và qủy hỏa ngúc dù có công phá bao nhiều cũng không thể thắng được. Đá Tảng này Ngài đã đặt tại đây và cửa hỏa ngục có công phá bao nhiêu cũng không thể lay chuyển được. Kế bên là một Khải Hoàn Môn, sau khi tham quan và chụp vài tấm ảnh làm lưu niệm thì trời đã chiều nên đoàn lên đường trở về nhà dòng Foyer dùng cơm chiều. Cả một ngày hôm nay chúng tôi đã được tiếp kiến Đức Giáo Hoàng, đi thăm biết bao nhiêu là những di tích kỳ công của kinh thành Giáo Đô Rôma muôn thuở. Buổi tối trở về nhìn lại ngày sống và nghỉ ngơi để lấy sức cho hôm sau. Thăm Đài phun nướcTrevi Ở Roma có rất nhiều đài phun nước tráng lệ, song có lẽ nổi tiếng và đặc biệt hơn cả là đài phun nước Trevi, Đài phun nước Trevi cao 25.9m, rộng 19.8m, ở giữa đài phun là tương hai vị thần Neptune và Oceanus. Ban đầu đây là miệng của một máng dẫn nước thời La Mã cổ đại cung cấp nước cho thành phố từ nguồn nước tinh khiết cách đó hơn 10km. Năm 1730 Giáo Hoàng Clement XII tổ chức cuộc thi vẽ kiểu để xây dựng lại đài phun nước, công việc nâng cấp bắt đầu năm 1732 và hoàn thành năm 1762. Trevi là một công trình nổi tiếng nhất của thành Roma, đài phun nước Trévi là một trong những điểm thu hút du khách khi ghé thăm thành phố Rôma này. Trung tâm của đài phun là bức tượng thần biển khổng lồ đứng trên cỗ xe được điều khiển bởi hai vị thần đầu người thân cá. Phía trên là bốn bức tượng đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Người ta thường ném xuống đài phun nước những đồng tiền cắc cho các mơ ước riêng để có dịp quay lại Rome thêm một lần nữa. Như lời cha Khải nói, mỗi ngày có tới vài ba ngàn Euro được du khách ném xuống đây. Số tiền này Tòa thánh và chính phủ không lấy nhưng dành cho Caritas lấy mỗi tuần một lần để giúp những công việc bác ái. Trở lên xe Bus tiếp tục đưa chúng tôi đi qua những khu phố và con đường đẹp nhất Rôma như cha Khải giải thích, Tòa nhà Quốc Hội, dinh Tổng thống v.v.. và v.v... Thăm Giáo Xứ Đức Giáo Hoàng thánh Gioakim. Cha dẫn chúng tôi tới thăm nhà thờ Giáo xứ ĐGH thánh Gioakim. Đây là nhà thờ của riêng Đức Giáo Hoàng, là qùa tặng của nhiều nước góp lại nên bên trong có nhiều nhà nguyện của mỗi nước đã góp phần tặng Đức Goàng trong đó. Chúng tôi được cha Bề trên Giám Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Roma tại đây tiếp chuyện rất lịch sự và vui vẻ. Ngài cũng chia sẻ, kể chuyện ngài mới về thăm Việt Nam v.v... Ngài cũng dành cho chúng tôi một giờ chia sẻ và giải thích về nguồn gốc bức ảnh lừng danh thế giới và đã làm rất nhiều phép lạ. Đó là bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Sau khi chia tay đoàn tới đền Đức mẹ Hằng Cứu Giúp Tổng Quyền trên toàn thế giới ăn trưa và nghỉ ngơi đôi chút. Buổi chiều dâng thánh lễ bế mạc Năm Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại đền chính này. Có 5 Lm.Việt Nam đồng tế trong thánh lễ. Thêm một số Sơ và những người Công giáo Việt Nam nơi đây tới tham dự chung. Có cô bé Thanh Thanh ở đây là Oganistin tới giúp đánh đờn. Thánh lễ bế mạc Năm Thánh của dòng CCT trên toàn thế giới, lại được dành đặc biệt cho Việt Nam thật là vô cùng cảm động. Chúng tôi cũng đặt ảnh của vị Đại Ân Nhận người Việt TNcs tại Đức trên cung thánh và cầu cho ông Dr. Rupert Neudeck và một bên là bức ảnh người di cư năm 1954 từ Bắc vào Nam chạy trốn cộng sản gồng gánh nhưng tay vẫn cầm theo khung ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. (Bức hình bằng ngàn lời nói.) Cuối thánh lễ cha bề trên nhà tỉnh dòng thế giới có đến chia sẻ cám ơn và tặng đoàn hành hương bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp sau đó chụp ảnh chung. Đoàn hành hương chúng tôi đã hoàn tất chặng đường như Giáo Hội mời gọi trong Năm Thánh LCTX này nên buổi tối hôm nay cha Khải đã nhận từ Tòa Thánh chứng chỉ rằng chúng tôi đã tham dự chương trình hành hương đầy đủ 7 nơi trong Năm Thánh LCTX. như Giáo Hội đã mong muốn và làm theo lời của Đức Giáo Hoàng. Trong phái đoàn hành hương 49 người này tôi thấy rất đặc biệt. Có Giáo sư khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, có Ông bà Bs. Trần Thị Mỹ Lâm-Hoàng Văn Thiên, và ông Ks. Lê Ngọc Châu đều là những người trí thức đang tìm hiểu học hỏi về đạo Công Giáo, (mong một ngày nào đó được tham dự lễ gia nhập đạo của Qúy vị thì qúy hóa lắm.) Kính xin Thiên Chúa chúc lành cho Qúy vị. Thánh lễ tạ ơn và chia tay. Sáng sớm ngày cuối cùng Phái đoàn dâng thánh lễ tạ ơn và ăn sáng chung. 9h xe Bus đưa chúng tôi ra Phi trường FIUMICINO và chia tay trở về Đức, Mỹ, Hòa Lan và Đan Mạch. Cảm ơn qúy Lm. Qúy Sơ nhà dòng Foyer đã ưu ái phục vụ những bữa ăn thật ngon và đầy tình thương yêu như Lời Chúa dạy. Cảm ơn cha Giám Đốc Gioan Trần Mạnh Duyệt đã chia sẻ những lời thương yêu và còn ra tận xe đưa chân Phái đoàn. Cám ơn tất cả anh chị em đồng hành hương và đặc biệt cảm ơn Ông trưởng đoàn tổ chức Vicentê Nguyễn Văn Rị và Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải. Phải nói thêm rằng cha là một người rất giỏi về lịch sử đạo lẫn đời và nhiều lãnh vực khác nữa chứ không phải chỉ là nói về Công Lý và Nhân Quyền như từ trước tới nay mọi người đã biết. Cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng con một tuần lễ hành hương về Thánh Đô Rôma tràn đầy hồng ân của "Lòng Chúa Thương Xót" Một chuyến hành hương qúa tuyệt vời! Lòng Thương Xót Chúa rải xuống đời Năm Thánh Từ Bi tràn cõi thế Làm sao chuyển tải hết thành lời Cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn người Anh em bốn biển tình chẳng vơi Bạn bè năm châu đầy thương mến Cầu chúc cho nhau mãi rạng ngời. Trầm Hương Thơ 19.06.2016  
......

Tường trình buổi bầu Ban Chấp Hành Liện Hội nhiệm kỳ 2016 – 2018

Mönchengladbach (Đức Quốc) - Hội trường Nhà Thờ St. Heilig Geist nằm trên ngọn đồi so với mặt đường thì cũng không cao, thuộc khuôn viên của Nhà Thờ. Khung cảnh đẹp, thơ mộng và rất thanh tịnh, không phải lần đầu tiên mà cũng đã hơn hai lần Tôi được đến địa điễm này qua những lần tổ chức sinh hoạt Cộng Đồng của Hội Người Việt tỵ nạn cộng sản tại Mönchengladbach. Vào khoảng mười hai giờ Chúng Tôi ba người đã có mặt tại Hội Trường, bốn bề yên lặng và vắng tanh. Sau khoảng hai mươi phút chờ đợi, bóng dáng Cộng Đồng bắt đầu xuất hiện, Bà Mỹ Lâm, Chủ Tịch Liên Hội; Ông Nguyễn Văn Rị , Ông Trinh Đỗ Tôn Vinh, Ban Chấp Hành của Liên Hội; Bác Sỹ Nguyễn Qúy Cường, Ông Đàm Văn Tiếu, Hội Cao Niên tại München; Bác Sỹ Trần Văn Tích, Chủ Tịch Danh Dự đồng thời cũng là người Cố Vấn của Liên Hội và dần dần đến khoảng mười ba giờ thì hầu như đã gần đông đủ ngoài trừ đại diện của những Hội Đoàn và Nhân Sỹ vì lý do đặc biệt không thể đến tham dự được. Khoảng 13:30h bắt đầu chương trình sinh hoạt bầu tân Ban Chấp Hành Liên Hội của nhiệm kỳ 2016-2018. Sau nghi thức chào cờ và phút mặc niệm, Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh điều hợp viên buổi sinh hoạt giới thiệu thành phần tham dự. Ngoài sự hiện diện Đại Diện 20 Hội Đoàn còn có những thành viên của các Hội Đoàn, tổng số tham dự viên ước chừng trên dưới 50 người. Bác Sỹ Mỹ Lâm, đương kim Chủ Tịch nhiệm kỳ 2014 - 2016 ngỏ lời chào mừng Đại Hội Đồng và báo cáo những hoạt động của Liên Hội trong quá trình hai năm vừa qua. Ngoài sự tham dư và kết hợp hỗ trợ cùng các Hội Đoàn tại địa phương, Liên Hội còn có những sinh hoạt đặc biệt với chính quyền mà cơ bản là đặt nặng về phương diện Quốc Tế vận, như vận động một nhóm 14 trí thức người Đức để yêu cầu trả tư do cho 07 tù nhân Lương Tâm. Vận động cho Nhân Quyền Việt Nam và sự kiện đưa đến nạn diệt vong qua nhà máy thép Formosa được tổ chức bởi Deutscher Gewerkschaftsbund DGB tại Ludwigshafen am Rhein vào ngày Quốc Tế Lao Động 01.05.2016. Liên Hội cũng đã và đang vận động chống lại mưu đồ đen tối của Tòa Đại Sứ viêt cộng trong âm mưu tái dựng Khu tưởng niệm tên Hồ Tặc tại Moritzburg thuộc Tiểu Bang Sachsen. Đây chỉ là vài ba sinh hoạt điển hình trong 62 sinh hoạt mà Liên Hội đã cùng với các Hội Đoàn chia xẻ và đồng hành cùng đồng bào Quốc Nội trong hai năm qua. Bác Sỹ Trần Văn Tích, Chủ Tịch Danh Dự cũng là Cố Vấn cho Liên Hội trình bày về âm mưu của Tòa Đại Sứ việt cộng trong mưu đồ dựng lại xác thối Hồ Tặc tại Moritzburg, sự kiện tái dựng lại Khu tưởng niệm là một việc làm hết sức ngoan cố và vô cùng man rợ của đảng cộng sản và nhà cầm quyền việt cộng. Vì ai mà đưa đến sự kiện Formosa, có biết rằng cá chết là tin báo diệt vong không? Dựng lại tượng Hồ Tặc chẳng khác chi đưa ´´lưởi hái của tử thần´´ lên cần cổ của người dân. Trong mấy ngày qua chắc Chúng Ta cũng được biết qua những điện thư được gởi đi từ Ban Chấp Hành của Liên Hội. Cám ơn BS Trần Văn Tích đã bỏ nhiều thời gian và công sức vì đại cuộc, cám ơn BS đã dâng trọn trái tim mình cho sự tồn vong của đất nước. Để tiếp tục chương trình nghị sự của phần 1 trước khi nghỉ giải lao, Bà Phi Nga, Hội Trưởng Hội Văn Hóa Phụ Nữ tại Đức Quốc cùng nhiều Hội Đoàn đã đưa ra vấn đề không rỏ ràng của Bản Nội Quy và thiếu sót trong việc họp Đại Hội Đồng. Bản Nội Quy đã quá củ không còn thích hợp nữa. Tu chỉnh lại bản Nội Quy là điều bắt buộc mà Tân Ban Chấp Hành Liên Hội phải thực hiện và mỗi năm ít nhất phải một lần họp Đại Hội Đồng. Họp Đại Hội Đồng chính là cơ hội để giải tỏa những khuất mắt , những bất đồng có thể xẩy ra trong lúc cùng chung tay trong những sinh hoạt và cũng là một không gian để dể dàng thắt chặc thêm sự liên kết trên tinh thần đấu tranh vì sự tồn vong của đất nước. Riêng nhận xét của Ông Võ Hùng Sơn, Hội Trưởng Hội Người Việt tỵ nạn cộng sản tại Frankfurt về Liên Hội rất chân tình: ´´Tôi rất khâm phục những việc làm của Liên Hội trong hai năm qua, chính bản thân Tôi cũng không làm được.´´Xin cám ơn lời phát biểu chân tình của Ông Võ Hùng Sơn dành cho những nổ lực của Ban Chấp Hành Liên Hội nhiệm kỳ 2014- 2016. Thực ra những nổ lực trong sự dấn thân vì Quê Hương , vì đất nước của Chúng Ta tại Hải Ngoại, nếu so sánh với tuổi trẻ yêu nước ở Quốc Nội đang ngày đêm trực diện với bạo quyền thì chỉ như một hạt cát nằm trong bải sa mạc. Tuy nhiên Hải Ngoại vẫn phải là một hậu phương vững mạnh cho Quốc Nội , không những trong giai đoạn đấu tranh một mất một còn hiện tại mà trong tương lai nửa. Hơn 40 năm qua, đảng cộng sản và bạo quyền việt cộng đã tàn phá đất nước, từ rừng vàng biển bạc đã trở thành một đống rác khổng lồ của thế giới và cũng đã hủy hoại tuổi trẻ Việt Nam trong chính sách trăm năm trồng người của Hồ Tặc. Nhưng may thay, Chúng Ta vẫn còn một tài nguyên vô giá đó là Chất xám. Chất xám nằm rải rác khắp năm châu trên các nước Tự Do, nguồn chất xám này đang tiềm ẩn trong Tuổi Trẻ Việt Nam. Tuổi trẻ Hải Ngoại sẽ là thành phần nồng cốt trong công cuộc xây dựng và kiến thiết lại đất nước bằng ´´chất xám´´ sau một cuộc bể dâu. Sau thời gian nghỉ giải lao, chương trình được tiếp tục qua phần 02. Bác Sỹ Mỹ Lâm tuyên bố trước Đại Hội Đồng ,hôm nay mãn nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành Liên Hội và xin được giao lại cho Ủy Ban Bầu Cử. Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh Điều Hợp Viên giới thiệu ba vị trong Ủy Ban Bầu Cử trước Đại Hội Đồng: -Bác Sỹ Nguyễn Qúy Cường , Hội Trưởng Hội Cao Niên tại München: Trưởng  Ủy Ban Bàu Cử. -Ông Đàm Văn Tiếu, Hội Cao Niên tại München: Phó Ủy Ban Bầu Cử. -Bà Lê Nhất Hiền, Nhân Sỹ tại Frankfurt: Thư Ký. Vì bản Nội Quy đã quá lâu đời, nên nếu căn cứ vào Nội Quy thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Ủy Ban Bầu Cử quyết định lấy ý kiến chung của Đại Hội Đồng. Sau phần hội ý, Ủy Ban cũng đã giải quyết được và nhanh chóng tiến hành bầu cử. Qua bỏ phiếu kín của 20 Hội Đoàn hiện diện, Ban chấp hành củ được tín nhiệm với số phiếu 14/20 – 02 không đồng thuận – 04 phiếu trắng. Ban Chấp Hành nhiệm kỳ 2016 – 2018: • BS Hoàng Mỹ Lâm : Chủ Tịch Liên Hội. • Ông Phạm Công Hoàng : Phó Chủ Tịch đặc trách Nội Vụ. • Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh : Phó Chủ Tịch đặc trách Ngoại Vụ. • Ông Lê Trung Ưng : Tổng Thư Ký. • Ông Nguyễn Văn Rị : Thủ Qủy. BS Trần Văn Tích : Chủ Tịch Danh Dự, Cố Vấn Liên Hội. 31.05.2016 Lê Trung Ưng – Odw , Đức Quốc  
......

Đại ân nhân của thuyền nhân VN, Tiến sĩ Rupert Neudeck qua đời

     Người sáng lập của tổ chức Ủy Ban Cap Anamur, một đại ân nhân của thuyên nhân VN tị nạn tại Đức Tiến Sĩ Rupert Neudeck đã qua đời sáng hôm nay 31 Tháng Năm 2016 sau một ca phẫu thuật tim, hưởng thọ 77 tuổi. Điều này đã được một phát ngôn viên của văn phòng của ông tại Köln (Cologne) xác nhận. Tiến sĩ Rupert Neudeck sinh ngày 14 Tháng Năm 1939 ở Danzig (thành phố hiện nay thuộc lãnh thổ Ba Lan). Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, gia đình ông bị trục xuất về Đức. Ông lớn lên và học tập ở Tây Đức. Năm 1958, sau khi tốt nghiệp bậc trung học, ông học ngôn ngữ và văn minh Đức, triết học, xã hội học và thần học Công giáo. Năm 1961. ông ngưng học để gia nhập Dòng Tên, nhưng ít năm sau ông ra khỏi Dòng và tiếp tục học. Năm 1972, ông đậu bằng tiến sĩ triết học với bản luận án Politische Ethik bei Jean-Paul Sartre und Albert Camus (Đạo đức chính trị của Jean-Paul Sartre và Albert Camus). Ông bắt đầu làm nhà báo cho đài phát thanh Công giáo ở Köln, và từ năm 1976 làm nhà báo tự do. Năm 1977, ông làm biên tập viên chính trị cho đài phát thanh Deutschlandfunk [1]. Năm 1979 vợ chồng Rupert Neudeck và nhà văn đoạt giải Nobel Heinrich Böll – cùng một nhóm bạn – đã thành lập Ủy ban “Ein Schiff für Vietnam” (Một tàu cho Việt Nam) và thuê tàu Cap Anamur làm nhiệm vụ cứu các thuyền nhân Việt Nam vượt biển tỵ nạn. Năm 1982, tổ chức “Komitee Cap Anamur/Deutsche Notärzte e. V.” được thành lập, theo tên tàu Cap Anamur. Những tàu này đã vớt 10.375 thuyền nhân Việt Nam từ 226 ghe thuyền trên Biển Đông. Đại đa số những thuyền nhân Việt Nam này được đưa sang tỵ nạn ở Đức. Cũng như Tiến sĩ Ernst Albrecht, Cựu Thống Đốc tiểu bang Niedersachsen, Tiến sĩ Rupert Neudeck là đại ân nhân của hầu hết những thuyền nhân Việt Nam tại CHLB Đức. Ông ra đi để lại vợ là bà Christel Neudeck, hai con gái và một con trai. BBT
......

MÜNCHEN - ĐỨC VĂN NGHỆ GIÚP DÂN OAN

MUNICH VĂN NGHỆ GIÚP DÂN OAN Trước cảnh khổ đau khốn cùng của dân oan không những nhà cửa bị CS cưỡng chế tịch thu mà còn bị đàn áp, đánh đập dã man và bắt bỏ tù. Ngày 26.05.2016. Một nhóm bạn trẻ tại München tổ chức đêm nhạc với chủ đề „hãy là ngọn gió đổi thay“(1). Gây qũy giúp cho dân oan Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi bị CSVN kết án 2 năm sáu tháng tù. Mở đầu chương trình văn nghệ là nhạc phẩm Trả Lại Cho Dân  của tác giả Duy Quốc Nam là tù nhân lương tâm, hòa âm nhạc sĩ Trúc Hồ. Qua các giọng ca trữ tình: Sỹ Sáng, Vĩnh Điệp, Quốc Nam và Ngọc Trâm đã làm cho hội trường ấm lên lòng yêu nước hướng về Quốc nội Trả lại đây cho nhân dân tôi Quyền tự do, quyền con người Quyền được nhìn, được nghe, được nói Quyền được chọn chân lý tự do Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn. …………………………….. Hồ Sỹ Sáng đại diện BTC tường trình về ý nghiã của đêm nhạc và tóm lược về vụ án của em Nguyễn Mai Trung Tuấn, đã phản đối chống lại nhà cầm quyền cưỡng chiếm tài sản của gia đình em mà việc bồi thường quá bất công. Bà Mai thị Kim Hương, mẹ của Nguyễn Mai Trung Tuấn, bị tuyên án 3 năm 6 tháng tù và cha Nguyễn Trung Can là 3 năm tù giam. Vì bảo vệ tài sản bị cướp Tuấn còn tuổi vị thành niên không kèm được nỗi oan ức, đã tạt acid vào đoàn cưỡng chế. Tuấn bị kết án 2 năm 6 tháng tù giam, chỉ có tòa án CSVN làm việc thất nhân tâm như vậy. Đêm nhạc được Trịnh Hội Giám đốc điều hành của VOICE hỗ trợ, để giúp những người tù nhân lương tâm: Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức…và lên án CSVN đã không có hành động cụ thể minh bạch về việc cá chết vì bị ô nhiễm do Cty Formosa đã xả chất độc hại ra biển. ở các vùng biển tỉnh miền Trung. Thảm họa môi trường người dân biểu tình yêu cầu “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”, nhưng nhà cầm quyền CS bao che không công bố rõ nguyên nhân, còn ra lệnh đàn áp đánh đập…Trịnh Hội tường trình ngắn về sinh hoạt của Voice là tổ chức phi chính phủ, vừa qua đã giúp 15 tấn gạo cứu trợ miền Trung, năm 2015 vận động chính phủ Canada thu nhận 85 người tỵ nạn VN bị kẹt lại ở Thailand vả sẽ thu nhận thêm 28 người cuối cùng khép lại trang sử thuyền nhân Việt Nam hơn 2 thập niên qua. Trịnh Hội mời khán giả cùng đưa khẩu hiệu nội dung ủng hộ người dân trong nước xuống đường 3 lần biểu tình trong tháng 5 và hình của anh Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù vì đấu tranh cho tự do và dân chủ, anh đã và đang tuyệt thực phản đối nhà cầm quyền CSVN. Trịnh Hội cũng giới thiệu cô Vũ Minh Khánh vợ của LS Nguyễn Văn Đài ra hải ngoại đi vận động với công luận thế gìới, đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho chồng. Khánh trình bày về hoàn cảnh của chồng từng bị tù nhiều năm được trả tự do và bị bắt lại, bị biệt giam gia đình không thể thăm viếng được. Nước mắt của người đàn bà đi kêu oan cho chồng làm cho nhiều người rung động,  Khánh được nhiều người tặng bông hồng. Trong lúc giải lao Khánh ngồi ở cuối hội trường trong nỗi cô đơn với đôi mắt u buồn, được các bà đến chia xẻ thân phận như Khánh từng chờ chồng bị tập trung cải tạo sau năm 1975 dù không án nhưng cũng đã bị giam giữ nhiều năm…Như Hà thế hệ với Vũ Khánh cùng những chị em khác tặng riêng một ít tiền nhờ mua quà cho anh Đài. Chương trình nhạc gồm những nhạc phẩm hướng về quê hương Việt Nam “ Khóc Mẹ Dân oan, Anh Không Chết Đâu Em, Thiên Thần Trong Bóng Tối, Một Người Đi, Anh là Ai; Nhân Danh Việt Nam”….với những ca sĩ cây nhà lá vườn rất năng động: Ngọc Thu, Ngọc Trâm, Julie Kim, Vĩnh Điêp, Quốc Nam, Sĩ Sáng, Kiều Nhiên. cùng với các ca sỹ đến từ Hoa Kỳ: Thiên Kim, Huỳnh Phi Tiễn, Nguyệt Anh. Ban nhạc dù không tập dợt trước nhưng các anh: Minh Tuấn, Lê Thuyên, Trần Hạnh và Minh Đường đã cố gắng phục vụ thành công. Về âm thanh ánh sáng do “TP Sound” Trường Phan phụ trách, ánh sáng nhiều màu sắc làm cho sân khấu lộng lẫy sống động, âm thanh lớn phù hợp với giới trẻ nhưng người lớn tuổi thì không! Sôi nổi nhất là bán đấu gia cây bonsai của một người ẩn danh tặng, Chị Thanh vui vẻ mua với giá 600€. Mua xong chị tặng lại BTC bán đấu giá tiếp lần thứ 2  Thảo mua 400€. Nhờ những tấm lòng vàng BTC có thêm 1000€. (2) Những Phật Tử của chùa Tâm Giác nhiệt tình lo việc nhà bếp, bán vé, ủng hộ thực phẩm… Đồng hương xa gần về München tham dự buổi văn nghệ, cùng đốt lên ngọn đuốc đồng hành với người dân trong nước, những nhà đấu tranh cho Tự Do, Dân chủ và Nhân Quyền đã bị tù tội và những người Dân oan thấp cổ bé miệng. Nguyễn Quý Đại Nhạc phẩm  Con Đường Việt Namhttp://www.sbtn.tv/vi/nhac-pham-con-duong-viet-nam.html Chú thích: 1/ Ca từ trong nhạc phẩm Triệu Con Tim Một Tiếng Nói của nhạc sĩ Trúc Hồ; 2/ Trên FB Hồ Sỹ Sáng thông báo Tổng kết đêm nhạc “Hãy là ngọn gió đổi thay” 1. Qùa thăm nuôi LS Đài 1.140 € (Ban tổ chức) + 500 € (Tiền bán sách của Người buôn gió) 2.  Quà cho thiếu niên dân oan Nguyễn Mai Trung Tuấn 1.000 € Cám ơn sự đóng góp tài chánh của – Các anh: Tùng (USA), Tuấn, Ngô Quang Diễm Phi, Bùi Thanh Hiếu. – Các chị: Nhị, Chi; cô chú Mai Tăng, phật tử chùa Tâm Giác… Xin chân thành cám ơn quý cô chú anh chị đã đến tham dự góp môt bàn tay cho đêm nhạc được thành công tốt đẹp. Tm. BTC Sĩ Sáng Hồ.
......

Tân trang khu tưởng niệm cho một TÊN DIỆT CHỦNG (Mass murderer) ?

Bà Vera Lengsfeld sinh năm 1952 tại Thüringen (Đông Đức). Là con gái của một sĩ quan mật vụ (Stasi-Offizier) bà đã được giáo dục trong tinh thần của chế độ Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất Đức (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands, SED-Regime). Mặc dầu vậy, bà đã sớm có những hồ nghi về thể chế này.  Khi mới bước vào tuổi trưởng thành bà Vera Lengsfeld đi đến quyết định hoạt động trong phong trào đòi hỏi dân quyền. Bà đã bị cấm hành nghề, bị tù đày và bị trục xuất. Khi bức tường Berlin sụp đổ ngày 09.11.1989 bà Lengsfeld trở về quê quán và bắt đầu sự nghiệp chính trị gia và là nhà đấu tranh cho tự do và dân chủ. Càng đau khổ hơn khi bà được biết, chính chồng bà (ông Knud Wollenberger) đã làm mật vụ Stasi theo dõi bà nhiều năm.Dưới đây là bài viết của bà nhân việc Đại sứ CSVN tại Đức vận động xây một khu tưởng niệm Hồ Chí Minh tại thành phố Moritzburg thuộc tiểu bang Sachsen miền Đông nước Đức.Nguyên bản tiếng Đức: Erneuerter Gedenkort für einen Massenmörder? -------------------- Tạo niềm cảm thông giữa các dân tộc là một việc làm tốt, nhưng người ta không bao giờ được quên rằng, mình đang thương lượng với ai và đang giao du với chế độ nào. Trong một vụ mới đây tại Sachsen (*) điều này có thể đáng tiếc đã xẩy ra trong trường hợp ông đại sứ Việt Nam mới tên Đoàn Xuân Hùng và chương trình cộng tác Đức-Việt. Vì người ta hiển nhiên đang đắn đo xây cất mới lại một nơi hồi tưởng tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức / DDR (CHDCĐ) với sự tài trợ của nhà cầm quyền Việt Nam, nhằm ảnh hưởng một chiều lên lịch sử. Bên cạnh việc nhớ lại chương trình đào tạo những trẻ em Việt Nam tại CHDCĐ, người ta thần tượng hóa một cách hoàn toàn thiếu phán đoán (nếu chương trình này được thực hiện như dự định) một TÊN DIỆT CHỦNG bằng những phương tiện dân chủ. Và câu chuyện như sau mà người ta có thể đọc trong tờ báo Sächsische Zeitung (SZ). „Gần như kính cẩn“, ông Sven Görner viết như thế trong tờ SZ ngày 19.5, ông đại sứ cầm trên tay một tấm bia bằng đồng đỏ, nói về một sự kiện cách đây gần 70 năm. Mùa hè năm 1957 ông Hồ Chí Minh (sau này trở thành Chủ tịch miền Bắc Việt Nam) đã đến Moritzburg gần thành phố Dresden để thăm những thiếu nhi Việt Nam trong viện Käthe-Kollwitz-Heim - bây giờ một lần nữa trở thành Diakonenhaus (cơ quan từ thiện của giáo hội Tin Lành) - đang được đào tạo thời bấy giờ. Một số đông những trẻ em này đã trở thành cán bộ cộng sản cao cấp tại quê hương của họ. Trong những thập niên qua thỉnh thoảng người Việt Nam đến thăm địa điểm này; họ tự gọi họ là người của Moritzburg („Moritzburger“). Vào thời đại CHDCĐ một tấm bảng nhắc nhở đến cuộc viếng thăm của „Bác Hồ“, mà cho tới nay người ta vẫn còn gọi kẻ độc tài này một cách „trìu mến“ như thế, theo lời quả quyết của tờ báo Sächsische Zeitung. Sau khi nước Đức thống nhất „nơi tưởng niệm“ này bị chìm vào quên lãng. Một đặc điểm của Moritzburg là thời gian gần đây người ta có những nỗ lực làm cho nơi này thêm thu hút.    Trong chiều hướng quan hệ Đức-Việt những nỗ lực này rõ ràng đã nhận được sự giúp đỡ có trọng lượng. Ông đại sứ Việt Nam và những thương gia nhà nước Việt Nam đã tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ. Chính khách địa phương và ông dân biểu quốc hội liên bang Đức, Andreas Lämmel (đảng CDU, liên minh Kitô-giáo dân chủ), cũng ủng hộ dự định này. Một điều mà người ta rõ ràng hoàn toàn coi thường là Moritzburg, nơi nhiều du khách ghé thăm, rốt cuộc sẽ bị áp đặt hình ảnh của một tay TÊN DIỆT CHỦNG được vẽ vời thành „Bác Hồ“ dịu dàng, như đã từng áp dụng trong thời DDR, và hiện nay là tiêu chuẩn trong guồng máy tuyên truyền của nhà nước Việt Nam, mà phải dùng bạo lực đạt cho bằng được. Nhưng Hồ Chí Minh là ai? Hồ Chí Minh (đồng tác giả cuốn hướng dẫn về những cuộc nổi dậy của Cộng Sản, được phổ biến năm 1928 tại Moskau, xuất bản tại Zürich / Thụy-Sĩ) chịu trách nhiệm chính cho những tội phạm dã man do quân đội giải phóng của ông gây ra, cũng như những cuộc đàn áp người khác chính kiến tại Việt Nam. Những trại giam Việt Nam tàn ác không thua những trại tù nguyên thủy ở Gulag. Cho tới nay những người khác chính kiến vẫn tiếp tục bị bỏ tù. Những đồng nghiệp cùng đảng của ông Lämmel đã bảo trợ để đòi trả tự do những Blogger đang bị giam cầm ở Việt Nam. Uwe-Siemon Netto (phóng viên chiến trường), chứng nhân cuộc chiếm đóng thành phố Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968, đã mô tả (không tô vẽ) chính sách tàn sát của lực lượng „Bác Hồ“: Khi đoàn xe nhà binh của ông Netto vào đến thành phố bị Việt Cộng xâm chiếm, các xe phải ngừng lại nhiều lần vì hàng trăm xác người nằm trên các con đường. Nhìn vào các vết thương người ta nhận ra rõ ràng, họ là nạn nhân của một cuộc tàn sát tập thể ngay tại chỗ; đa số là phụ nữ và thiếu nhi mặc áo lễ chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Ngay sau đó người ta nhận ra rằng những nạn nhân bị bắn còn có „phúc“, vì nhiều nạn nhân khác đã bị chôn sống. Siemon Netto đã thấy bên bìa một mồ chôn tập thể những móng tay mới sơn chồi ra khỏi mặt đất. Mặc dầu vô cùng tàn ác Việt Cộng vẫn không thắng về mặt quân sự. Tại sao những kẻ thất bại về quân sự sau cùng lại là kẻ chiến thắng, và toàn nước Việt Nam bị thống nhất dưới cái roi của cộng sản? Vì đó là chiến thắng của tuyên truyền mà họ đã đạt được nhờ những người bên Tây Phương sẵn sàng giúp đỡ. Đây là chiến tranh đầu tiên được thắng không vì lý do quân sự mà là tại mặt trận truyền thông. Những trí thức Tây Phương như John Kenneth Galbraith, Jean Paul Sartre hoặc Erich Wulff (một người Tây Đức tuyên truyền cho Việt Cộng; năm 1968 đã không gia nhập đảng Cộng Sản Đức để khỏi mất việc tại trường đại học Hannover) đã tạo ảnh hưởng quyết định lên công luận, vì họ làm lơ một cách mù quáng trước những tội ác của cộng sản, và mang những tội ác của Mỹ (dĩ nhiên cũng có) vào trung tâm dư luận, nhưng lại không nêu lên rằng, đây không phải là nguyên tắc của Mỹ, song là lỗi phạm những nguyên tắc. Mặt trận truyền thông vẫn tiếp diễn tới ngày hôm nay. Trong Wikipedia của Đức người ta không tìm thấy một chữ nào về những tội ác của Việt Cộng, nhưng lại có một chỉ dẫn về những sinh viên vào năm 1968 xuống đường cùng hô: Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh, và nâng cao bức hình của kẻ đại sát nhân như Mao. Kế hoạch gì đang được dự tính ở Moritzburg ? Hậu quả sau cùng là Moritzburg sẽ biến thành một nơi tuyên truyền. Huy hiệu DDR sẽ lại được treo lên; những bức hình kỷ niệm về viện đào tạo thiếu nhi đã được ông thị trưởng lấy ra từ kho lưu trữ và trao cho Diakonenhaus để triển lãm. Người ta không đọc và nghe thấy những nhận định có tính cách phê phán. Ngược lại „vương miện“ của kế hoạch này là một sáng kiến „tuyệt vời“ của một nhà tài trợ giàu kếch xù từ Việt Nam: Những bức hình này nên được triển lãm trong một căn nhà nhỏ bằng gỗ theo kiến trúc Việt Nam. Lý do là hồi đó „Bác Hồ“ cũng đã ở trong một túp lều bên cạnh dinh chính phủ, theo truyền thuyết tôn thờ Hồ Chí Minh đưa ra. Nếu dự định này mà thật sự được thực hiện với nguồn tài trợ của nhà nước Việt Nam thì người ta có thể nói rằng đây là hình thức tôn thờ những kẻ độc tài. Và nếu dự án này được thực hiện nhanh, thì người ta có thể dùng ngày kỷ niệm 70 năm Hồ Chí Minh đến thăm Moritzburg là ngày khánh thành. Như thế đây sẽ là „màn“ trình diễn hoàn hảo do bộ máy tuyên truyền của nhà nước Việt Nam đưa ra. Cho tới bây giờ chưa có tiếng thét to công khai nào cả. Chỉ có một nhóm nhỏ những cựu thuyền nhân Việt Nam chống lại vụ  „Skandal“ ( „scandal“ ) này. Đây là một thử thách cho nền dân chủ của chúng ta, để xem có ngăn chặn được dự án này hay không. Vì nó đi ra xa ngoài mong ước cảm thông và hợp tác chính đáng của hai dân tộc Đức-Việt. Dưới kênh này quý vị có thể ủng hộ thỉnh nguyện thư: https://www.change.org/p/bundestagsabgeorneter-andreas-l%C3%A4mmel-morit... Dưới kênh này quý vị có thể đọc về những diễn tiến đúng về chiến tranh Việt Nam:https://www.amazon.de/Duc-Deutsche-Vietnam-Falschen-siegten/dp/376552024... (*) một tiểu bang tại Đông Đức
......

Thư phản đối dự án xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh tại Moritzburg

Berlin, den 28.05.2016   Sehr geehrter Herr  Andreas Lämmel, wir sind auf den Artikel „Auf den Spuren von Onkel Ho“  in der Sächsischen Zeitung vom 19.5.2016 aufmerksam geworden, in dem berichtet wird, dass  der vietnamesische Botschafter Doan Xuan Hung am  18.05.2016 auf dem Gelände des Diakonenhauses in Moritzburg  die Wiederherstellung und Erweiterung des Ho Chi Minh Gedenkortes  wünscht. In diesem Bericht wurde Ihr Name ebenfalls erwähnt und lässt der Eindruck entstehen, Sie würden dieses Vorhaben befürworten. Erlauben Sie uns, zunächst unsere Sicht darzustellen. Für die Vietnamesen, die vor der kommunistischen Unrechtsherrschaft und Missachtung der Menschenwürde geflüchtet sind und Zuflucht in Deutschland gefunden haben, ist dieses Vorhaben ein großer Affront und ein Stich in die alte Wunde. Ho Chi Minh  hatte  den Kommunismus  nach dem Vorbild des Stalinismus und Maoismus in Vietnam  mit aller Macht eingeführt und ohne Rücksicht auf Verlust, sei es Menschenleben oder Frieden des Landes. Nach außen gab er sich als Volksretter und Revolutionär, doch er verfolgte das Ziel, Vietnam komplett unter die kommunistische Herrschaft zu stellen. Unterdrückung und Terror prägten sein Vorgehen. Seine Maßnahmen dienten nicht dem Frieden des Landes, sondern hatten unsägliches Leid über die vietnamesische Bevölkerung beider Seiten gebracht. Nachstehend einige Beispiele: -          in Nordvietnam ließ  er vom 1953 bis 1956 hunderttausende Groß-/ grundbesitzer samt Familienangehörigen im Rahmen der Landreform grauenvoll foltern und töten. -          im Rahmen der „Hundert Blumen Kampagne“ vom 1954 bis1960 (nach dem Vorbild der „Kulturrevolution“ in China) wurden Schriftsteller, Komponisten, Musiker, Künstler u.v.m. massenhaft verhaftet und erhielten Berufsverbot. Zeitweise saßen bis 200.000 politische Gegner im Straflager ein. -          Bei der Tet-Offensive des Vietcongs in Hue (1968) wurden neben tausenden getöteten vietnamesischen Zivilisten auch vier Deutschen exekutiert (drei  Ärzte  Raimund Discher, Horst-Günther Krainick und seine Ehefrau Elisabeth  sowie  Alois Alteköster). Im Vietnamkrieg  starben 3 Millionen Soldaten der Nordvietnamesische Armee (NVA) und 1,3 Millionen südvietnamesische Soldaten sowie 2-4 Millionen vietnamesische Zivilisten. 58.220 US Soldaten und 5.264 verbündete Soldaten waren ebenfalls im Krieg gefallen. Nach dem Kriegsende (30.04.1975) herrschten weiterhin Unterdrückung und Terror in Südvietnam. Männer, die unter der südvietnamesischen Regierung gedient haben,  wurden in Zwangsarbeits-  bzw.  Umerziehungslager  deportiert und eingesperrt. Deren Frauen und Kinder wurden  aus ihren Wohnorten in  sogenannte „ neue ökonomische Zonen“ verbannt, wo sie praktisch vor dem Nichts standen.  Ca. 60.000 unerwünschte Südvietnamesen kamen ums Leben. Die daraus folgende Fluchtwelle aus Vietnam erreichte den Höhepunkt in den Jahren 1975-1982. Etwa 500.000 sogenannte „Boatpeople“ kamen auf ihrer Flucht  im Meer um. Rund 1.218.000 Vietnamesen gelang die Flucht, und sie ließen  sich in über 16 verschiedenen Ländern nieder. Sehr geehrter Herr Lämmel, in VN herrscht bis heute noch das totalitäre kommunistische Regime, in dem die Menschenrechte und die UN-Antifolterkonvention konsequent ignoriert werden. Die vietnamesische kommunistische Regierung  versucht dennoch immer wieder ihren damaligen Führer Ho Chi Minh  im Ausland zu glorifizieren. 1990 scheiterte sie mit dem Versuch,  Ho Chi Minh als Persönlichkeit der Weltkultur zu ehren, bei UNESCO (Paris)aufgrund des massiven Protestes der Freiheit liebenden Vietnamesen. In Hanoi ist das Mausoleum von Ho Chi Minh aus unserer Sicht  ein  Schandfleck in Vietnam.  Auf Deutschem Boden, wo die Würde des Menschen im Grundgesetz verankert ist, gibt es keinen Platz für die Ehrung eines Massenmörders bzw. eines totalitären, kommunistischen Diktators. Die Herrichtung und der Ausbau des Ho Chi Minh-Gedenkortes in Moritzburg sind nicht nur eine Ohrfeige für die  Opfer der kommunistischen Gewaltherrschaft in Deutschland, sondern auch eine Missachtung und tiefe Beleidigung gegenüber den vietnamesischen Opfern. Mit diesem Schreiben  möchten wir Sie auf die Brisanz der geplanten Herrichtung des Gedenkortes in Moritzburg im Zusammenhang mit Ho Chi Minh hinweisen. Als Freiheit liebende Bürgerinnen und Bürger in Deutschland wissen wir aufgrund unserer geschichtlichen Herkunft die Werte der Menschenrechte, Freiheit und Gerechtigkeit sehr zu schätzen. Wir sehen es als unsere Pflicht an, diese Werte zu verteidigen und sie den nachfolgenden Generationen vorzuleben, sowohl in Deutschland als auch in Vietnam. Wir bitten Sie hierbei um Unterstützung und bedanken uns recht herzlich für Ihre Aufmerksamkeit. Mit freundlichen Grüßen Frau Dr. med. Hoang, Thi My Lam Vorsitzende des Bundesverbandes der vietnamesischen Flüchtlinge in der Bundesrepublik Deutschland e.V.
......

Phản đối Formosa: Cộng đồng người Việt tại München Đức đồng hành cùng quốc nội

MUNICH BIỂU TÌNH ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI DÂN TRONG NƯỚC Các tuần qua người dân trong nước trên khắp nẻo đường từ Bắc-Trung-Nam đoàn kết một lòng, không còn sợ hãi trước bạo quyền CS. Họ xuống đường biểu tình chống việc Cty Formosa ở Vũng Áng thải chất độc ra biển làm ô nhiễm mội trường trầm trọng cá chết hàng loạt dọc theo biển miền trung dài hơn 250 km. Thảm trạng đó xảy ra hơn 4 tuần lễ nhưng nhà cầm quyền điạ phương cũng như Hà Nội điều tra chậm trễ có hành động bao che cho Formosa, không công bố minh bạch về nguyên nhân, thủ phạm gây ra thảm hoạ cá chết. Hiện tượng biển bị ô nhiễm, cá chết, biển chết không chỉ ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống ngư dân các tỉnh về kinh tế, du lịch bị suy thoái mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ hàng triệu người lâu dài vì người Việt hằng ngày ăn muối, cá, tôm và nước mắm! Tình trạng nhà cầm quyền CS Hà Nội không kiểm soát Formosa và các công ty khác… phần lớn là các công ty của Trung cộng xả thải chất độc, bụi khói làm ô nhiễm môi trường là một tội ác đối với dân tộc. Người dân VN yêu nước khắp nơi xuống đường biểu tình ôn hòa, đông nhất tại Sài Gòn và Hà Nội hàng ngàn người ở nhiều lứa tuổi và thành phần khác nhau xuống đường để phản đối Formosa. Họ không được nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do và nhân quyền mà còn bị công an chìm, Dân phòng, Thanh niên xung phong…đàn áp, đánh đập dã man, cả đàn bà con nít họ cũng không nương tay. Hành động đàn áp, canh cửa, gác nhà, bắt người tham gia biểu tình của nhà cầm quyền CS Hà Nội, không ngăn chận được lòng yêu nước của người dân. Hình ảnh đàn áp biểu tình phổ biến rộng rải khắp nơi trên thế giới, đánh động lương tâm con người. Đồng hành với người dân trong nước Người Việt tỵ nạn CS từ các quốc gia lớn như: Úc, Mỹ, Canada, Đức, Pháp… và người Việt ở các nước Ba Lan, Tiêp, Đài Loan, Nhật… Hàng loạt tổ chức biểu tình lên án nhà cầm quyền CS và thể hiện sự ủng hộ người dân tiếp tục tranh đấu bảo vệ môi trường, đòi hỏi nhà cầm quyền CS Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền, dân chủ, tự do ngôn luận. Người dân có quyền bày tỏ nguyện vọng đối với mọi vấn đề ảnh hưởng đến đời sống, văn hoá, vận mệnh của dân tộc và cho tương lai thế hệ con cháu mai sau. Không được bịt miệng đàn áp, bắt người vô đồn công an đánh đập cho đến chết … Tại Munich Cộng Hoà Liên Bang Đức, thứ Bảy ngày 21.5.2016 Cộng Đồng Người Việt Tự Do tổ chức biểu tình từ 16 giờ đến 18 giờ (được Cảnh sát bảo vệ) tại trung tâm thương mại đường Neuhauser, ngày cuối tuần thời tiết đẹp, nắng ấm rất đông người có cả du khách quốc tế. Hàng trăm đồng hương người Việt từ các nơi như Stuttgart, Frankfurt (Đại diện Hội Người Việt Tự Do ông Võ Hùng Sơn), Ingolstadt, Regensburg, Thụy sĩ… về tham gia biểu tình với nội dung các biểu ngữ: • Umweltvergiftung in Vietnam – Bitte Mitdenken, wir sterben bald (Môi trường nhiễm độc tại Việt Nam – Xin đừng vô cảm, chúng tôi đang chết dần!) • Hanoi-Regime: keine Gewalt gegen das eigens Volk! (Nhà cầm quyền Hà Nội: Không được đàn áp dân chúng) • Pressefreiheit für vietnamesische Media (Tự Do báo chí truyền thông tại Việt Nam) • Meinungsfreiheit für Vietnam (Tự Do ngôn luận cho Việt Nam) Demonstrationsfreiheit für das Volk (Tự Do biểu tình cho dân) • Nieder mit staatlicher Terrorakten gegen das Volk Vietnam (Đả đảo hành động khủng bố của nhà cầm quyền đối với dân Việt Nam)… • Vietnam heute: Vergiftetes Meer, verödetes Land, sterbende Menschen! (Việt Nam ngày nay: Biển nhiễm độc, Đất khô cằn, Người chết dần) • https://www.youtube.com/watch?v=iDWZtfErUZo • Truyền đơn, in hai ngôn ngữ Anh-Đức trao cho người Đức và du khách để họ hiểu mục đích của buổi biểu tình là chính đáng. Mở đầu chương trình là chào cờ và hát Quốc Ca VNCH. Đại diện BTC ông Lê Quang Thành tuyên bố lý do, tiếp theo đại diện các Tổ chức, Hội đoàn: Dr. Dương Hồng Ân, đại diện Diễn Đàn VN 21 (Stuttgart), Dr. Nguyễn Tiến Thành (Ingolstadt) chị Mỹ Nga đều phát biểu tiếng Đức. Ông Đàn Văn Tiếu (Hội Cao Niên) tiếng Anh, Ông Vũ Ngọc Hải đại diện đảng VNQDĐ; cựu Thiếu tá KQ Lê Hồng Đức (đại diện Tập Thể Hôi Cưụ Chiến Sĩ QLVNCH). Ông Trần Lê Tĩnh (đại diện đảng Tự Do Dân Chủ VN). Tất cả đều lên án chế độ CS độc tài, vô nhân và hy vọng người dân trong nước bớt sợ hãi cùng xuống đường biểu tình hàng chục ngàn người thì tập đoàn CS không thể đàn áp… Ông Lý văn Xuân đại diện đảng Việt Tân, nhà truyền thông Trương Nhân, nhà báo Lê Ngọc Châu…. Các bạn trẻ nói tiếng Đức-Anh lưu loát giải thích hướng dẫn người Đức xem hình ảnh đàn áp biểu tình ở Việt Nam. Được nhiều người Đức đồng tình ủng hộ, Họ lên án nhà cầm quyền CS Hà Nội vô trách nhiệm với người dân Việt. Bởi tệ nạn của chế độ CS là tham nhũng „há miệng mắc quai“ vì đã ăn tiền hối lộ rồi nên ngậm miệng, hèn hạ, không trả lời minh bạch còn ra lệnh đàn áp nhân dân là hành động làm tay sai bán nước hại dân. Cuộc biểu tình kéo dài 2 tiếng thu hút được hàng ngàn người Đức cùng du khách chú ý và ủng hộ. Người Việt khắp nơi trên thế giới luôn đồng hành và hỗ trợ tinh thần đấu tranh trong nước, mong một ngày mai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam phá được xiềng xích gông cùm CS, như các nước Đông Âu. BTC đã lo chu đáo nước uống và bánh mì. Mọi người tự nguyện tham dự biểu tình, không có tổ chức, đảng phái nào trả tiền như CS Hà Nội thường tuyên truyền nói xấu một cách vô liêm sỉ mà không biết ngượng miệng . Nhìn lại các quốc gia tự do dân chủ, Người dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái được quyền ứng cử, để cử tri tự do chọn lưa người tài đức bỏ phiếu, bầu xong Dân biểu rồi mới bầu Chủ tịch Quốc hội. Ngược lại CSVN luôn diễn cái trò hề mỵ dân, đảng bầu Chủ tịch Quốc hội trước, còn Dân biểu cũng đảng cử, dân phải bỏ phiếu không có quyền chọn lựa. Bởi vậy dưới chế độ CS không thể gọi là CHÍNH QUYỀN mà phải gọi là NHÀ CẦM QUYỀN thì đúng hơn. Người dân không có quyền gì hết. Nguyễn Quý Đại
......

CSVN ĐỪNG XEM THƯỜNG LƯƠNG TRI VÀ LÒNG YÊU NƯỚC CỦA MỌI NGƯỜI.

Thưa quý vị và các bạn,   Sự kiện môi trường biển tại miền Trung bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt là một tai họa lớn đang xảy ra cho dân tộc ta. Thay vì nhanh chóng giải quyết để bảo vệ sự sống của người dân, thái độ lừng khừng và không chịu làm sáng tỏ sự việc của chính quyền CSVN đã thúc đẩy mọi người phải hành động.   Vì vậy, bắt nguồn từ ý thức trách nhiệm và động lực trong sáng, mọi người đã đồng lòng đứng lên tranh đấu để bảo vệ môi trường trong sạch và đòi hỏi sự minh bạch của chính quyền. Các hình thức phản đối, các cuộc biểu tình ôn hòa đều là những hành động chính đáng và cần thiết. Và cũng như mọi người, anh chị em đảng viên Việt Tân đã tham gia trong phạm vi khả năng của mình vì muốn được chia sẻ bổn phận đối với đất nước.   Nhưng chính quyền CSVN lại thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình. Họ tuyên truyền và chụp mũ đảng Việt Tân đã “xúi giục và kích động” mọi người. Thật sự chỉ có lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm cao độ mới có khả năng huy động được một số lượng người đông đảo để đồng loạt và liên tục biểu tình phản đối chính quyền. Đảng Việt Tân không có khả năng kích động hay xúi giục trước vấn đề này. Thật ra, không thể nào gọi là “kích động” hay “xúi giục” cho những hành động cần thiết vì lẽ phải. Đối với chúng tôi, việc chính quyền CSVN chụp mũ đảng Việt Tân xúi giục, thậm chí trả tiền cho người biểu tình là một sự xúc phạm danh dự của những người Việt Nam yêu nước. Chúng tôi bác bỏ và tố cáo hành động xuyên tạc này của CSVN. Việc chính quyền CSVN nêu riêng tên đảng Việt Tân để tấn công thật sự không “quảng cáo” gì cho chúng tôi như một vài người đã suy diễn. Trái lại sự tấn công này nhằm một mặt lái dư luận sang những vấn đề không liên hệ, một mặt tạo sự hoang mang và chuyển sự bực tức sang phía chúng tôi. Mặc dù người đại diện đảng Việt Tân đã lên tiếng và trả lời một số cơ quan truyền thông nhưng cũng có một số người trách chúng tôi đã không khẳng định phản bác lại thủ đoạn tuyên truyền của CSVN. Chúng tôi xin ghi nhận những lời phê bình xây dựng để làm tốt hơn trong tương lai vì chắc chắn trò chụp mũ của CSVN đối với đảng Việt Tân sẽ không ngừng ở đây. Sau cùng, là những người tham gia đảng Việt Tân, đều mang giòng máu Việt, chúng tôi cũng âu lo vì cuộc sống và thiết tha vì tương lai của đất nước như mọi người khác. Chúng tôi muốn được góp phần vào việc chung chỉ vì ý thức bổn phận đối với dân tộc. Chúng ta không thể nào để cho CSVN tiếp tục xem thường lương tri và lòng yêu nước của tất cả mọi người. Đỗ Hoàng Điềm Chủ tịch Đảng Việt Tân  
......

Thông báo biểu tình của Cộng Đồng Người Việt Tự Do München Bayern

München, ngày 15 tháng 05 năm 2016 THÔNG BÁO KHẨN V/V Biểu tình Vì Thảm Họa Môi Trường tại VIỆT NAM và yểm trợ Cuộc Tổng XUỐNG ĐƯỜNG của Đồng Bào VIỆT NAM Kính gửi              Quý vị Đại Diện các Tôn Giáo                        Quý Hội Đoàn, Đoàn Thể, Đảng phái              Quý Đồng Hương Kính thưa quý vị. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại miền Trung Việt Nam hiện nay đang là một thảm họa quốc gia. Trong khi đó giới truyền thông và nhà nước cộng sản cầm quyền tại Việt Nam lại hoàn toàn yên lặng, bình chân như vại; đồng bào khắp nơi trong nước xuống đường biểu tình đòi hỏi sự giải quyết chính đáng thì bị đàn áp dã man bằng mọi thứ bạo lực. Đây là thời điểm người Việt hải ngoại chúng ta phải cùng đồng hành yểm trợ đồng bào trong nước. Chúng ta xuống đường đòi hỏi cùng người dân quốc nội: -         Được sống trong một môi trường sạch, từ nơi núi rừng đến vùng biển cả.  -         Nhà cầm quyền phải minh bạch và giải quyết thảm họa môi trường hiện nay khiến cá chết hàng loạt trên cả ngàn cây số dọc bờ biển Việt Nam. -         Chấm dứt trò cướp đất của dân giao cho bọn tư bản đỏ xây những khu công nghiệp trá hình của bọn Tầu xâm lược. Để cùng tiếp sức cho tiếng kêu gọi của đồng bào trong nước được vang vọng tới khắp mọi miền trên toàn thế giới nói chung và tại vùng Müchen Bayern nói riêng. Chúng tôi tha thiết  kêu gọi Quý Vị cùng tham gia cuộc biểu tình đồng hành cùng với Đồng Bào Quốc Nội sẽ được tổ chức vào ngày: Thứ Bảy 21.5.2016 lúc 16 giờ tại Neuhauserstr. 8 80331 München, Đức Quốc Kính mong Quý Vị cùng tham gia đông đảo cùng với các biểu ngữ tự làm có nội dung vì thảm họa môi trường tại Việt Nam. Kính mong quý Hội Đoàn, Đoàn Thể, Đảng phái cùng tiếp tay tham gia vào việc tổ chức. Trân trọng kính chào toàn thể quý vị và xin gặp toàn thể quý vị trong buổi tổ chức nói trên. Tm Ban Tổ Chức Lê Quang Thành Trần Hồng Khải Lê Phi Bằng Nguyễn Văn Nghệ Một số khẩu hiệu, biểu ngữ có thể sử dụng trong cuộc biểu tình: Fische brauchen sauberes Wasser - Das Volk braucht Transpanrenz  (Cá cần nước sạch, Dân cần minh bạch) Eine saubere Umwelt - Eine saubere Regierung   (Một môi trường trong sạch - Một chính quyền trong sạch) Vietnam heute: Vergiftetes Meer, verödetes Land, sterbende Menschen! (Việt Nam ngày nay: Biển nhiễm độc,  Đất khô cằn, Người chết dần) Formosa: Umweltkiller - China: Der Umweltkiller Nr. 1 (Formosa: Kẻ tàn phá môi trường - China: Kẻ tàn phá môi trường số 1) Keine Tolerierung für Umweltzerstörer Keine Akzeptanz für korrupte Regierung (Không nhân nhượng kẻ hủa hoại môi trường Không chấp nhận kẻ cầm quyền thối nát) Umweltvergiftung in Vietnam - Bitte Mitdenken, wir sterben bald (Môi trường nhiễm độc tại Việt Nam – Xin đừng vô cảm, chúng tôi đang chết dần!) Hanoi-Regime: keine Gewalt gegen das eigens Volk! (Nhà cầm quyền Hà Nội: Không được đàn áp dân chúng) Nieder mit staatlicher Terrorakten gegen das Volk Vietnam (Đả đảo hành động khủng bố của nhà cầm quyền đối với dân Việt Nam) Preesefreiheit für vietnamesische Media     (Tự Do báo chí cho truyền thông tại Việt Nam) Meinungsfreiheit für Vietnam (Tự Do ngôn luận cho Việt Nam) Demonstrationsfreiheit für das Volk  (Tự Do biểu tình cho dân)
......

Thư của Liên Hội người Việt tỵ nạn tại CHLB Đức gởi cho Bộ trưởng Liên Bang Đức về Môi trường

Berlin , 16/05/2016 Thưa Bà Tiến sĩ Barbara Hendricks, Bộ trưởng Bộ Liên bang về Môi trường, bảo tồn thiên nhiên, xây dựng và an toàn hạt nhân, Thưa ông Jochen Flasbarth và ông Gunther Adler, Đại diện bà Bộ trưởng và Quốc vụ khanh  của Bộ, Thưa bà Rita Schwarzeluehr-Sutter và Sir Florian Pronold, lãnh đạo của Bộ, Một thảm họa môi trường nghiêm trọng đã xẩy ra tại Việt Nam kể từ tháng tư năm 2016. Hàng tấn cá chết và động vật biển đã được tìm thấy không những ở các khu vực ven biển mà còn ngay cả dưới đáy biển ở Trung Tâm Việt Nam (miền Trung VN). Thảm họa bắt đầu ở tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó mở rộng về phía Nam đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng cũng như Nha Trang. Tóm lại, hơn 700 km bờ biển bị ảnh hưởng. Các rạng san hô ở đó và đá ngầm cũng bị bao phủ với một lớp bùn nhão dầy và hôi thối. Nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường tại Vũng Áng là do - trong tất cả các xác suất - nước thải công nghiệp độc hại chưa được thanh lọc từ nhà máy thép của Công ty Formosa Hà Tĩnh Steel (VSATTP). Mặc dù có sự xác nhận một đường ống thoát nước ngầm và dẫn sâu xuống biển với sản lượng lên đến 45.000m3 mỗi ngày của một nhóm công tác của Bộ Công nghiệp và Thương mại Việt Nam hôm 26.04.2016 rằng biển bây giờ sạch sẽ và vụ cá chết đã ngừng. Vì sự tồn tại của ngư dân và người nuôi cá cũng như các nguy cơ cho sức khỏe của cả một dân tộc, do đó đã có hàng ngàn người ở Hà Nội và Sài Gòn xuống đường hôm 08.05.2016 tham dự cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường. Để tiếp tục che đậy thảm họa môi trường trước người dân của mình và trước thế giới các quan chức an ninh nhà nước của nhà cầm quyền đã giải tán các cuộc biểu tình bằng vũ lực, trong đó có nhiều người bị thương. Các cuộc biểu tình ôn hòa cho môi trường vào ngày 15/05/2016 đã bị lên án và bị cấm, nhiều người dân Sài Gòn một lần nữa đã bị bắt một cách thô bạo trên đường phố. Tuy nhiên, cuộc biểu tình tiếp theo tại các thành phố lớn ở Việt Nam đã được dự kiến ​​vào ngày 22.05.2016 Thưa quý bà và quý ông, Với lá thư này, tôi thỉnh cầu quý vị thể hiển tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Những thảm họa môi trường ở Việt Nam phải được truyền thông vận chuyển đến với thế giới để đòi hỏi "chính phủ Việt Nam" đối thoại. Đây là nhiệm vụ của "chính quyền cộng sản Việt Nam",  nhận  trách nhiệm bảo vệ con người, cá, sinh vật biển và toàn thể thiên nhiên, thay vì tiếp tục che giấu, đẩy mạnh tội lỗi đã gây ra cho môi trường. Trân trọng Dr. med. Hoàng Thị Mỹ Lâm Chủ tịch Liên Hội người Việt tị nạn tại CHLB Đức e.V. * ©  Lê-Ngọc Châu phóng dịch_ Nam Đức, 18. Mai 2016 * * * * Đính kèm Thư bằng Đức ngữ (LNC)                                 C/o Frau Dr. Hoang Thi My Lam, Postfach: 470435, 12313 Berlin                             Mail: hoangml69@hotmail.com, www.lienhoinvtn.de Berlin den 16.05.2016 Sehr geehrte Frau Dr. Barbara Hendricks, Ministerin des Bundesministeriums für Umwelt, Naturschutz, Bau und Reaktorsicherheit, Sehr geehrter Herr Jochen Flasbarth und Herr Gunther Adler,  Stellvertreter der Ministerin und Staatssekretäre des Bundesministeriums, Sehr geehrte Frau Rita Schwarzelühr-Sutter und sehr geehrter Herr Florian Pronold, Leitungen des Ministeriums, in Vietnam herrscht seit Anfang April 2016  eine schwere Umweltkatastrophe. Tonnenweise tote Fische und Meerestiere  wurden sowohl in den Küstengebieten als auch am Meeresboden in  Zentralvietnam gefunden. Die Katastrophe begann zunächst in der Provinz Ha Tinh. Später weitete sie sich südwärts  nach Quang Binh, Quang Tri, Thua Thien-Hue, Danang sowie Nha Trang aus. Insgesamt sind mehr als 700 Kilometer Küste betroffen. Die dortigen Korallenbänke und Riffe sind  ebenfalls mit schlammiger, fauler, stinkender  Brühe  überzogen. Die Ursache der Umweltkatastrophe ist mit hoher Wahrscheinlichkeit auf das unbehandelte, giftige Abwasser aus dem Stahlwerk der Formosa Ha Tinh Steel Company (FHS) in Vung Ang zurückzuführen. Trotz der Bestätigung einer unterirdischen und ins Meer geleiteten  Abwasserkanalisation mit einem Ausstoß von bis zu 45.000m3 pro Tag behauptete eine Arbeitsgruppe des Industrie- und Handelsministeriums Vietnam am 26.04.2016, dass das Meer jetzt sauber sei und das Fischsterben aufgehört hat. Wegen der Existenzbedrohung von Fischern und Fischfarmern sowie der Gesundheitsgefährdung des ganzen Volkes gingen tausende  Menschen in Hanoi und Saigon am 08.05.2016 zur Kundgebung gegen die Umweltverschmutzung auf die Straßen. Um die Umweltkatastrophe weiter vor dem eigenen Volk  und vor der Welt zu vertuschen, lösten Staatsicherheitsbeamte die Demonstration gewaltsam auf , wobei zahlreiche Menschen verletzt wurden. Die friedliche Kundgebung für die Umwelt am 15.05.2016 wurde denunziert  und verboten; zahlreiche Menschen in Saigon wurden auf der Straßen  wiedermal  gewaltsam verhaftet.  Trotz allem wird  die nächste Kundgebung in den Großstädten in Vietnam am 22.05.2016 eingeplant . Sehr geehrte Damen und Herren, ich ersuche Sie mit diesem Schreiben, sich mit der vietnamesischen Bevölkerung zu solidarisieren. Die Umweltkatastrophen in Vietnam müssen medial in die Welt  transportiert werden, um  die vietnamesische Regierung zum Dialog aufzufordern. Es ist die Pflicht der vietnamesischen kommunistischen Regierung hierfür die Verantwortung zu übernehmen, um Menschen, Fische, Meeresbewohner und die gesamte Natur zu schützen, statt Umweltsünden weiter zu verheimlichen  und zu fördern. Hochachtungsvoll Frau Dr. med. Hoang Thi My Lam Vorsitzende des Bundesverbandes der vietnamesischen Flüchtlinge in der Bundesrepublik Deutschland e.V. https://vietbao.com/a253078/thu-cua-lien-hoi-nguoi-viet-ty-nan-tai-chlb-...
......

Bốn tổ chức đệ nạp hồ sơ chặng đầu khởi kiện cộng sản Việt Nam về bạo hành

Một hồ sơ tiếng Anh mang tên Shadow Report On Police Torture in Vietnam, dầy 278 trang tố cáo các Hành Vi Bạo Hành Tra Tấn, Giết Người của công an CSVN vừa mới được hoàn thành. Lá thư giới thiệu hồ sơ gởi cho các cơ quan đặc trách của Liên Hiệp Quốc do ông Rolin Wavre, Chủ Tịch Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam COSUNAM, một người đã từng làm việc trong Hội Hồng Thập Tự Thụy Sĩ, đại diện đứng tên ký. Được biết hồ sơ, hình thành do Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam COSUNAM tại Thụy Sĩ, Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức với sự hỗ trợ của đảng Việt Tân sẽ được gởi đến 4 cơ quan Liên Hiệp Quốc sau đây: 1. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, Hoa Kỳ 2. Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền (Office High Commissioner for Human Rights OHCHR), tại Geneva, Thụy Sĩ 3. Uỷ Ban Liên Hiệp Quốc Chống Tra Tấn (United Nations Committee Against Torture UNCAT), tại Geneva, Thụy Sĩ 4. Qũy Liên Hiệp Quốc Cho Các Nạn Nhân bị Tra Tấn (United Nations Voluntary Fund for Victims of Torture UNVFVT), tại Geneva, Thụy Sĩ CSVN đã ký kết Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn (UN Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment được thông qua 10/12/1984 và chính thức có hiệu lực vào 26/06/1987) vào ngày 07/11/2013, và Quốc Hội CSVN chính thức thông qua ngày 05/02/2015, tức hơn 27 năm sau và là một trong những quốc gia đông dân số, sau cùng ký kết Công Ước, nhưng từ chối ký vào điều khoản phụ trội của Công Ước (OPCAT có hiệu lực từ 22/O6/2006 nhằm kiểm soát mức độ tuân thủ một quốc gia qua các cuộc viếng thăm định kỳ). Theo chính lời thú nhận của CSVN, hơn 260 người dân trong nước đã bị đánh chết trong tù từ 2011 đến 2014. Mặc dù CSVN đã thông qua công ước từ tháng 2/2015, hàng trăm người dân, thành phần đấu tranh cho dân chủ, ngay các em nhỏ bị Công An đánh đập, tra tấn dã man, đánh chết trong đồn bót công an, trong các trại tù. Các thành phần Công An và đầu gấu mất lương tri đã nhận được chỉ thị từ lãnh đạo CSVN, từ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư, đến Trần Đại Quang, Chủ tịch Nước và cựu Bộ Trưởng Công An, đánh đập dã man các người dân biểu tình đòi hỏi sự thật về tình trạng duyên hải, môi sinh bị huỷ hoại, ngư sản bị nhiễm độc, hàng trăm ngàn gia đình ngư dân mất hẳn nguồn lợi nuôi sống gia đình, đòi hỏi truy nguyên và trừng phạt theo pháp luật các thành phần thủ phạm. Mục đích của hồ sơ là nhằm: 1) tố cáo một cách rộng rãi chính sách bạo hành có hệ thống của lãnh đạo đảng CSVN qua những thành phần công an, đầu gấu trước dư luận quốc tế; 2) đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN tôn trọng Công Ước Chống Tra Tấn mà chính họ đã kỳ kết và yêu cầu Ủy Ban Chống Tra Tấn LHQ cho tiến hành điều tra tại Việt Nam; 3) vạch mặt các thành phần Công An, đầu gấu thủ phạm các vụ bạo hành, đánh chết người, chuẩn bị các hồ sơ pháp lý để có thể khởi tố trước một tòa án quốc tế hay quốc gia, để cho các thủ phạm thấy những việc làm bạo hành của họ không phải không có ảnh hưởng trong tương lai; 4) hỗ trợ các nạn nhân và gia dình về mặt pháp lý, tinh thần và vật chất qua việc đòi hỏi các bồi thường thỏa đáng. Hồ sơ Shadow Report On Police Torture in Vietnam đã được hoàn thành trong mục tiêu nêu trên với các trường hợp bạo hành, tra tấn, đánh chết người. Toàn bộ hồ hơ đã được thực hiện theo khuôn khổ Istanbul Protocol phù hợp qui định pháp lý. Nguồn: http://www.viettan.org/Bon-to-chuc-de-nap-ho-so-chang-dau.html
......

Phản đối Formosa: Người Việt tại Đức đồng hành cùng quốc nội

Vào lúc 14 giờ ngày Thứ Bảy, 14 Tháng Năm 2016, Cộng Đồng Người Việt tại CHLB Đức tổ chức một cuộc biểu tình trước Lãnh Sự Quán CSVN tại thành phố Frankfurt am Main để đồng hành cùng đồng bào quốc nội trong việc phản đối tập đoàn Formosa xả chất độc hủy hoại môi trường tại các tỉnh ven biển Miền Trung - Việt Nam và đồng thời phản đối nhà cầm quyền CSVN đã đàn áp người dân trong các cuộc biểu tình ôn hòa bảo vệ môi trường tại Sài Gòn vừa qua. Tuy chỉ trong vòng 3 ngày mời gọi, cuộc biểu tình cũng quy tụ đông đảo bà con tham dự. Có người đến từ miền Bắc Đức xa xôi như Hamburg, Bremen. Tham dự cuộc biểu tình có sự hiện diện của các tổ chức, hội đoàn, đảng phái, tôn giáo như: Hội Thánh Tin Lành tại Frankfurt, Cộng Đoàn Công Giáo tại Frankfurt và vùng phụ cận, Liên Hội NVTN tại Đức, Đảng Việt Tân, Đảng Dân Tộc, các hội đoàn người Việt tị nạn tại các địa phương từ Bắc xuống Nam như: Hamburg, Bremen, Krefeld, Recklinghausen, Krefeld, Köln, Nürnberg, Mannheim, Saarland,... Phát biểu trước cuộc biểu tình với hừng hực khí thế, đại diện các tổ chức, hội đoàn, đảng phái, tôn giáo cùng nhân sĩ trong cộng đồng đều bày tỏ sự đồng hành và ủng hộ triệt để các đòi hỏi chính đáng của đồng bào trong nước trong việc bảo vệ môi trường sống của người Việt hôm nay và cho các thế hệ mai sau, cũng như mạnh mẽ lên án hành động đánh đập tàn bạo người biểu tình của nhà cầm quyền CSVN. Các biểu ngữ bà con xử dụng trong cuộc biểu tình để nói lên những điều mình muốn nói trước dư luận như: Formosa phải bồi thường cho ngư dân VN; Formosa trả biển sạch lại cho Việt Nam; CSVN phải công bố sự thật Formosa; CSVN ngừng ngay bạo lực với người dân; CSVN phải minh bạch nguyên nhân cá chết; STOP FORMOSA – Umweltkiller : Ngưng ngay Formosa, kẻ hủy hoại môi trường; Ha-Noi-Regime - keine Gewalt gegen das eigene Volk !!! : Bạo quyền Hà Nội không được dùng bạo lực chống lại người dân; ... Cuộc biểu tình chấm dứt lúc 16 giờ chiều cùng ngày và bà con hẹn nhau trong cuộc biểu tình lần tới. Đại diện các tôn giáo, tổ chức, hội đoàn, đảng phái và nhân sĩ cộng đồng phát biểu trong cuộc biểu tình  
......

Pages