Dân biểu Úc đòi thả 3 Thanh Niên Yêu Nước

......

9 dân biểu HK yêu cầu TT Obama đặt vấn đề nhân quyền với ông Nguyễn Phú Trọng

Ngày 6 tháng 7, 2015 Tổng thống Barack Obama Tòa Bạch Ốc 1600 Pennsylvania Avenue NW Washington, DC 20500 Kính thưa Tổng thống Obama, Vào ngày 7 tháng 7 tới đây, Ông sẽ gặp Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng không phải là một nguyên thủ quốc gia và cũng không phải là lãnh đạo của một chính quyền dân cử. Ông đã được mời đến Tòa Bạch Ốc chỉ vì ông đứng đầu hệ thống độc đảng tại Việt Nam. Hệ thống độc tài độc đảng này là nguyên nhân của tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam hiện nay. Năm nay đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt. Là thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, chúng tôi hoan nghênh mối quan hệ chặt chẽ hơn với người dân Việt Nam và ghi nhận tiềm năng kinh tế và an ninh của đất nước này. Do đó, chúng tôi xem vấn đề nhân quyền là tối quan trọng và đưa lên hàng đầu trong quan hệ song phương bởi vì bất kỳ sự hợp tác toàn diện nào đều phải đặt trên nền tảng giá trị chung và tôn trọng các quy ước được thế giới công nhận. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã ký vào Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị cũng như Công ước chống tra tấn của LHQ. Việt Nam đã chọn cam kết các quyền làm người được thế giới công nhận. Tuy nhiên, Ủy ban Điều tra về bắt giữ tùy tiện của LHQ (UNWGAD) đã phán quyết rằng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ và giam cầm các nhà hoạt động xã hội và chính trị một cách có hệ thống, vi phạm những ràng buộc của luật pháp quốc tế. Trong khi danh sách các blogger và tù nhân lương tâm Việt Nam bị bắt giữ ngày càng gia tăng, điều quan trọng hơn bao giờ hết là Hoa Kỳ cần gởi một thông điệp rõ rệt tới giới chức trách Hà Nội rằng tôn trọng nhân quyền là yếu tố cần thiết để thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế và an ninh. Chúng tôi xin đề nghị Ông nêu vấn đề ngược đãi tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo tại Việt Nam — đặc biệt những người đang bị những án tù dài hạn chỉ vì họ cổ võ cho chính trị và ngôn luận một cách ôn hòa. Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Ông đòi hỏi ông Trọng phải thả ngay lập tức những nhà báo công dân/hoạt động nhân quyền nổi bật sau đây: Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Ngô Hào, Trần Thị Thúy, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Ms. Nguyễn Công Chính và Lm. Nguyễn Văn Lý. Chúng tôi cũng xin đề nghị Ông nêu vai trò thiết yếu của các tổ chức chính trị độc lập và các tổ chức xã hội dân sự trong một xã hội tân tiến, cũng như nêu những vi phạm trầm trọng về quyền tự do tôn giáo. Ông Trọng cần được khuyến khích việc lắng nghe người dân Việt Nam và bày tỏ sự tôn trọng xã hội dân sự, các nhóm tôn giáo, và quyền tự do chính trị tại Việt Nam. Chúng tôi mong cùng làm việc với bên Hành Pháp để hỗ trợ truyền thống của quốc gia chúng ta trong việc hỗ trợ nhân quyền và dân chủ. Trân trọng,
......

Grexit - Rồi Sao?

Hy Lạp và Bi Hài Kịch Âu Châu Từ khi Hy Lạp hết khả năng thanh toán món nợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, trị giá khoảng một tỷ 550 triệu Euro (tương đương một tỷ 730 triệu Mỹ kim) và đáo hạn ngày 30 Tháng Sáu, nhiều người hết còn biết là chuyện gì đang xảy ra. Trên nguyên tắc, đến đêm 30 rạng ngày hôm sau, vì Chính quyền Hy Lạp không đạt thỏa thuận về một giải pháp cứu nguy tài chánh với các chủ nợ chính yếu là Liên hiệp Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB và Quỹ IMF, Hy Lạp chính thức bước vào giai đoạn vỡ nợ. Việc đàm phán về giải pháp cứu nguy tan vỡ từ hôm Thứ Bảy 27 vì Chính quyền của tập hợp các lực lượng cực tả Syriza dời buổi họp trở về loan báo quyết định sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ Nhật mùng bốn Tháng Bảy. Trưng cầu dân ý về chuyện gì, được trình bày ra sao cho người dân, với giải pháp nào cho dân chọn lựa? Những câu hỏi căn bản này cũng chẳng rõ ràng. Thế rồi tin tức dồn dập từng giờ trong ngày Thứ Tư mùng một Tháng Bảy, giờ Âu Châu, khiến những người theo dõi cũng hết biết luôn. Ở tại chỗ, các ngân hàng được lệnh đóng cửa và mọi dịch vụ chuyển ngân đều bị kiểm soát, nhưng tình hình chính trị còn nguy kịch và rắc rối hơn vậy. Thí dụ như vào giờ chót ngày Thứ Ba, Thủ tướng Hy Lạp là Alexis Tsipras gửi công điện cho các định chế chủ nợ, rằng Chính phủ của ông có thể đưa ra một đề nghị dàn xếp. Nhưng hy vọng chẳng kéo dài vì các phe trong cuộc tung ra nhiều tuyên bố trái ngược nhằm tác động vào dư luận Âu Châu và Hy Lạp, cho đến khi ông Tsipras lại đổi ý vào chiều Thứ Tư. Ông lên truyền hình xác định rằng vẫn có trưng cầu dân ý và kêu gọi dân chúng trả lời “Không”, tức là bác bỏ giải pháp cấp cứu có điều kiện của Âu Châu. Trong trường hợp đó, Hy Lạp ra khỏi khối Euro, hết sử dụng đồng bạc Âu châu và phải phát hành lại đồng Drachma? Sau đó thì sao? Hồ Sơ Người-Việt xin tổng hợp nhiều dữ kiện khác nhau của vụ khủng hoảng Hy Lạp vì vấn đề không chỉ là tài chánh hay kinh tế…. Hồ Sơ Euro Về đại thể, Hy Lạp mắc nợ khoảng 315,5 tỷ Euro (tương đương với 350 tỷ đô la), chủ yếu là nợ các định chế Âu Châu, nhiều nhất là “tam đầu chế” Liên Âu, Ngân hàng ECB và Quỹ IMF. Với nền kinh tế sa sút liên tục và mất 25% sản lượng trong năm năm qua, và nay chỉ còn 200 tỷ đô la một năm, Hy Lạp không thể trả được các khoản nợ ấy mà muốn cần vay thêm Ngân hàng ECB theo thủ tục khẩn cấp một số nợ ngắn hạn để giải quyết nhu cầu thanh khoản là tiền mặt. Hy Lạp là một thất bại kinh tế vì tệ nạn chính trị. Kinh tế xứ này không thể có tương lai nếu không cải cách, nhưng chẳng ai muốn cải cách vì sợ mất đặc quyền. Thất nghiệp tại Hy Lạp đã lên tới 26% nhưng 50% thành phần trẻ hiện không có việc. Tệ nạn chính trị là sau nhiều thập niên lãnh đạo của đảng Xã Hội (Phong trào “Panhellenic Socialist Movement” gọi tắt là PASOK), Hy Lạp đi theo chính sách bao cấp và bảo vệ quyền lợi của một thiểu số thân tín với gia đình Papandreou có ba đời ông, cha và con (Georgios, Andreas và George) đều từng là Thủ tướng. Hy Lạp còn cải sửa thống kê kinh tế để đủ tiêu chuẩn gia nhập khối Euro và sau đó không thể theo kịp đà tiến hóa của các quốc gia khác. Việc Hy Lạp được gia nhập khối Euro là một sai lầm của Âu Châu, có thể là vì lý do chính trị: xứ này có vị trí địa dư tại một khu vực nóng và là thành viên của Minh ước NATO nên được biệt đãi cho tới ngày phá sản. Sau năm năm thương thuyết, và ráo riết nhất từ đầu năm khi tập hợp cực tả Syriza được cử tri bầu lên vào ngày 25 Tháng Giêng năm nay, Hy Lạp vừa muốn các chủ nợ xóa bớt một phần nợ và lại cho vay thêm tiền. Liên minh cầm quyền của tập hợp Syriza có đa số rất mỏng trong Quốc hội là 11 ghế và sở dĩ đắc cử là vì hứa hẹn 1) không cắt giảm chi tiêu mà còn tăng lương hưu bổng, và 2) thương thuyết việc giảm nợ với Âu Châu, mà 3) vẫn ở trong khối Euro. Điều này rất nan giải. Có tiền là nhờ sự chung góp của dân đóng thuế hay các nước thành viên, các chủ nợ không thể và cũng chẳng muốn thỏa mãn đòi hỏi đó mà còn yêu cầu Hy Lạp phải chấn chỉnh lại việc chi tiêu, cụ thể giảm chi và tăng thu, và cải cách cơ chế kinh tế để gia tăng sản lượng kinh tế trong lâu dài. Mâu thuẫn về yêu cầu đó dẫn tới bế tắc và Chính quyền Syriza quay về hỏi xem người dân có đồng ý với những yêu cầu của chủ nợ hay không. Sau đây là ba kịch bản về những gì có thể xảy ra sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày mùng năm. Ba Kịch Bản Tùy theo lá phiếu của dân chúng, người ta có thể nghĩ ra ba kịch bản là 1) Không; 2) Có; và… Có, Nhưng Mà. Giả Thuyết “Không”: Nếu cử tri không đồng ý với đề nghị của Âu Châu, qua cách trình bày và diễn giải của Syriza, nhiều phần thì Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro, được gọi là Grexit, từ cách chơi chữ Greece và Exit. Tập hợp Syriza thuộc thành phần cực tả, từ Cộng sản đến Maoist, được ủy quyền lãnh đạo là để giảm nợ mà vẫn ở trong khối Euro. Nếu cử tri không đồng ý với đề nghị của Âu Châu thì Hy Lạp hết nguồn tài trợ và sẽ vỡ nợ, đã không thanh toán được nợ của IMF cũng chẳng thể trả nợ Âu Châu vào ngày 20 này, trong khi đó hệ thống ngân hàng bị mất vốn và phải đóng cửa để khỏi phá sản. Kết cuộc thì Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro, dùng lại đồng Drachma chắc chắn là bị mất giá. Khi ấy, tập hợp Syriza cũng chẳng còn hy vọng cầm quyền và chính phủ đổ, dân chúng sẽ phải bầu lại cho một đa số khác. Giả Thuyết "Có": Cử tri đồng ý với đề nghị của Âu Châu và tạm đẩy lui kịch bản Grexit. Vì đến lúc cuối, Chính quyền Syriza còn đề nghị dân chúng bỏ phiếu chống, các chủ nợ Âu Châu sẽ nhân kết quả này mà nhấn mạnh rằng Syriza không đáng tin nên họ sẽ chỉ thảo luận việc giảm nợ cho một chính quyền khác. Nghĩa là Syriza cũng có thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và Hy Lạp câu giờ cho đến khi dân chúng bầu ra một đa số khác. Vấn đề ở đây là chính trường Hy Lạp không có lực lượng nào đủ mạnh khả dĩ thành lập một liên minh cầm quyền thay thế Syriza. Tức là tình hình vẫn chưa êm và còn loạn thêm nếu cử tri dồn phiếu cho cánh cực hữu hay xu hướng chống Âu Châu. Giả Thuyết "Có, Nhưng Mà": Trong cả hai kịch bản Có-Không, Chính quyền Syriza có thể sẽ đổ mà Hy Lạp vẫn khó tìm ra một giải pháp thay thế. Vì vậy, trong giả thuyết cử tri đồng ý với đề nghị của Âu Châu, Thủ tướng Tsipras và các đồng chí có thể nhân đó tìm ra một giải pháp qua ba ngả lách. Ngả lách thứ nhất là trình bày với các thành phần cực đoan trong tập hợp của mình rằng dù ta đã vận động chống lại đề nghị của Âu Châu, dân Hy Lạp vẫn muốn thương thuyết và ở lại trong khối Euro cho nên ta phải dung hòa để vẫn còn cầm quyền. Mục tiêu là bảo toàn được đoàn kết bên trong để khỏi bị bất tín nhiệm. Ngả thứ hai là thuyết phục quốc dân rằng Syriza vẫn là hy vọng khá nhất để đàm phán lại với Âu Châu cho những điều kiện khả quan hơn. Mục tiêu vẫn là cầm quyền. Ngả thứ ba là trình bày với các chủ nợ rằng thà là họ nhân nhượng một chút với Hy Lạp còn hơn là mất hết. Mục tiêu vẫn là mặc cả với các chủ nợ. Kịch bản này có xác suất cao vì đấy là chiến lược ban đầu của Syriza. Cùng lắm thì Tsipras sẽ tìm ra một liên minh mới với các phe nhóm rất ô hợp. Nghĩa là trong cả ba giả thuyết, Âu Châu vẫn xoay về chốn cũ và tái thương thuyết với một khách nợ thiếu tiền mà đầy thủ đoạn. Các chủ nợ đều đã quá chán ngán với trò bội tín ấy nên chưa chắc đã đồng ý với việc thương thuyết lại: Âu Châu chưa ra khỏi khủng hoảng và trước sau gì cũng vẫn trở lại quyết định “Grexit”. Một là Hy Lạp xin ra, hai là Hy Lạp bị đuổi ra. Lý do là quốc gia mạnh nhất và có thẩm quyền nhất trong khối chủ nợ là nước Đức đã hết kiên nhẫn và muốn có kịch bản này để còn cứu vãn được khối Euro với các thành viên còn lại. Tại sao? Liên Âu Sau Grexit Kinh tế rất nhỏ và mục nát của Hy Lạp chẳng có sức nặng gì với khối Euro hay cả tổ chức Liên Âu. Các ngân hàng chủ nợ của Âu Châu đều đã bán lại nợ và rút khỏi Hy Lạp nên các chủ nợ mới là ba định chế nói trên. Việc Hy Lạp ra khỏi Euro không thể gây khủng hoảng kinh tế hay tài chánh cho Âu Châu (hay Hoa Kỳ). Sở dĩ Cộng hòa Liên bang Đức phải giải quyết hồ sơ Hy Lạp chính là để làm gương cho các quốc gia mắc nợ tại miền Nam, như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Ý Đại Lợi. Và sau khi thanh toán xong món nợ Hy Lạp, nước Đức hy vọng sẽ có một nền tảng thuần nhất hơn về chánh sách và vững mạnh hơn về chính trị. Nhưng, các vấn đề căn bản của Liên Âu thì vẫn còn nguyên vẹn. Hệ thống quan thuế này không có quyền lực chính trị và phải dung hòa nhiều đòi hỏi trái ngược của từng quốc gia. Sau khi giải quyết xong món nợ Hy Lạp, các vấn đề tiềm ẩn vẫn nổi lên. Và vụ Hy Lạp ra đi sẽ dẫn tới nhiều rạn nứt hơn trong nội bộ Liên Âu ------ Kết luận ở đây là gì? Hy Lạp đang mở màn cho nhiều biến động trầm trọng hơn tại Âu Châu trong những năm tới./. Nguồn: http://dainamaxtribune.blogspot.de/ Hài Kịch Hy Lạp: Cho Cộng Sản Một Đạp Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống 150630 "Vùng Oanh Kích Tự Do" SYRIZA Ra Ma Và Hy Lạp Bay Ra Cửa Euro Như Thế Nào? Đây là vết bẩn Hy Lạp! - Thế có tẩy nó đi được không? - Hý họa của Ramirez trên tờ IBD Đầu năm nay, dân Hy Lạp đã tưởng mình khôn. Họ bầu cho một tập hợp 22 nhóm thiên tả, từ cộng sản đệ tam qua đệ tứ, đệ tứ rưỡi và các đệ tử lên đồng không đo đếm lẫn cô hồn các đảng “Mao-ít, Mao-nhiều”. Khi một chính đảng mà tự xưng là “tập hợp” thì nên đọc ra chữ “ô hợp”, là trường hợp của nhóm SYRIZA, viết tắt từ chữ Hy Lạp “Synaspismós Rizospastikís Aristerás”, liên hiệp của các đảng cực đoan cánh tả, “radical lefts”. Phát tin cho ngắn thì đa số cử tri ủy quyền cho tập hợp SYRIZA việc đi quịt nợ và tin rằng nhờ SYRIZA thì lương hưu còn tăng, đến 90% của mức lương cuối cùng nhận được. Hãy nói về lương lậu và chi phí đã. Xứ này vốn là Thiên đường Hạ giới nên tuổi trung bình để được nghỉ hưu thuộc mức thấp nhất Âu Châu (57,8 tuổi). Họ còn có 600 ngành nghề được coi là rủi ro và hại sức khỏe nên được về hưu ở tuổi 50, trong đó có giới viết lách và mỹ thuật làm tóc. Đấy là đỉnh cao “xã hội chủ nghĩa” khi mà đi cầy ba năm là có thể xác định mức lương căn bản và dưỡng già ở tuổi 50 mà vẫn có lương hưu tính từ căn bản đó. Và điện nước gì cũng được trả với giá trợ cấp, mà khỏi trả cũng không sao vì nhà nước không có quyền cúp! Thế thì ai sản xuất cho mọi người cùng hưởng điều kiện lý tưởng này? Rất ít! Doanh nghiệp mới thì khó thành lập vì đe dọa đặc quyền của các công ty lão làng được bộ máy hành chánh bảo vệ qua bán chác và tham nhũng. Chế độ bao cấp đó còn khiến tuổi trẻ ù té bỏ đi làm di dân xứ khác. Còn lại là lớp trung niên và tuổi vàng, ca hát tưng bừng chờ ngày nghỉ ngơi…. Đây cũng là nơi thăm thú lãnh thổ bằng xe taxi còn rẻ hơn xe lửa nên hỏa xa cũng là cái lỗ. Chuyện tưởng như chỉ có trong truyện thần tiên. Những người lên đồng không biết đếm chẳng cần biết xứ sở đang mắc nợ đến 315,5 tỷ Euro, tương đương với 350 tỷ Mỹ kim. Một năm sản lượng của cả nước chỉ có khoảng 200 tỷ mà nợ 350 tỷ thì đấy là bài toán kế toán mà một bà nội trợ cũng biết, trừ những người trong thế giới ảo. Đa số các chủ nợ của Hy Lạp là tổ chức Liên hiệp Âu châu của 28 quốc gia, là Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và một số quốc gia Âu châu. Khi dân Hy Lạp bầu lên tập hợp SYRIZA do một đảng viên cộng sản lãnh đạo là Thủ tướng Alexis Tsipras, thì các chủ nợ nói trên đều ngao ngán và trải qua sáu tháng cút bắt với một đám hủi. Mỗi tuần mỗi tháng là một đề nghị lập tức được SYRIZA coi như dép rách. Họ lẩn như trạch để khỏi cam kết việc cải cách và chấn chỉnh chi thu. Khi bị chủ nợ đẩy vào thực tế thì hô khẩu hiệu chống tư bản và chủ nghĩa Đức quốc xã! Bị dồn vào chân tường thì SYRIZA dọa lại là sẽ trốn dưới nách của Vladimir Putin, ở bên Nga. Họ chẳng lý gì đến số phận của xứ Ukraine. Khách có kẻ ngồi bên đọc mấy dòng trên mà tả hỏa. Nhà bác nói chuyện giỡn sao? Thế kỷ 21 lại có trò lạ như vậy? Kinh tế chính trị học có trường phái nào dạy về nghệ thuật lươn lẹo như thế không? Thưa rằng kinh tế chính trị học kiểu Mác-Lê-Mao có thể có! Nhưng cao nhân tất hữu cao nhân trị. Cao nhân ở đây là nữ nhân đã kinh qua xã hội chủ nghĩa của xứ Đông Đức cộng sản, Thủ tướng Angela Merkel của Cộng hòa Liên bang Đức. Tốp cộng sản ba mươi sáu động bảy mươi hai đảo gặp vị Sư thái đã luyện võ trong lò cộng sản Xin hãy nghiêm túc nhìn qua bờ vai của vị nữ lưu này vào thực tế Âu Châu. *** Trong đà hồ hởi của Âu Châu sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, các nước Âu Châu cùng lập ra Liên hiệp Âu châu (Liên Âu) vào năm 1992 qua Thỏa ước Maastrict, tên một thành phố của Hòa Lan. Sau đó, một số quốc gia Liên Âu còn tiến tới chế độ thống nhất tiền tệ, là Khối Euro, cùng sử dụng một đồng bạc chung là đồng Euro, mang ký hiệu €. Mười năm sau, hơi trễ, vào quãng 2009, người ta mới thấy đó là sự hồ hởi sảng, lạc quan tếu. Liên Âu chỉ là một liên hiệp quan thuế, trong đó các nước giao dịch theo tinh thần tự do với tối thiểu hạn chế. Nhưng Liên Âu không là một tổ chức chính trị thống nhất, có quyền hạn về chi thu ngân sách để bắt các thành viên cùng tuân thủ. Thỏa ước Maastrict không có khả năng cưỡng hành nên mọi thành viên vẫn có thể áp dụng nguyên tắc “đèn nhà nào nhà ấy rạng mạng người nào người ấy giữ”. Họ gọi đó là chủ quyền quốc gia, đối lập với thẩm quyền của tập thể Liên Âu. Tất nhiên nhiều kẻ khôn ngoan bèn nghĩ tới mối lợi trong trò góp gạo thổi cơm chung này. Khôn nhất là góp tấm trộn cám lại đòi ăn xôi gấc. Đấy là nếp khôn xã hội chủ nghĩa, là chủ nghĩa cóc biết đếm mà chỉ biết vồ ếch. Trong khu vực rộng lớn của 28 nước Liên Âu và 19 nước của khối Euro, Cộng hòa Liên bang Đức là cái trụ, có nền kinh tế mạnh nhất, lại thấu hiểu trò chơi chính trị của Liên Âu lẫn những giới hạn của Thỏa ước Maastrict. Kinh tế Đức mạnh là nhờ xuất cảng, chiếm phân nửa Tổng sản lượng, và trong số khách hàng nhập cảng của Đức cũng có nhiều quốc gia ở vòng ngoài của Liên Âu. Không kể xứ Ireland tại miền Bắc thì vòng ngoài đó có các nước miền Nam, rung đùi sưởi nắng rửa chân bên Địa Trung Hải. Đó là Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, các quốc gia “lâm nạn” từ năm 2009. Dân trong nghề gọi nhóm lâm nạn này là PIIGS (Portugal, Ireland, Italy, Greece và Spain). Tại sao lâm nạn? Khách chẳng thể ngồi yên nên nóng ruột hỏi thay cho độc giả, trong khi màn ảnh chan hòa màu đỏ, từ Á về Âu qua Mỹ…. Khi xuất cảng, Đức có lợi thế nhờ đồng Euro có giá rẻ hơn là nếu xứ này vẫn giữ đồng Đức Mã Đê Mê Deutschmark vững chãi của mình như trước. Vì vậy, việc duy trì khối Euro có lợi cho kinh tế Đức, nhưng với cái giá phải trả - chuyện sẽ nói sau vì dân Đức biết đếm. Trong môi trường đó, các nước ở vòng ngoài thoải mái mua hàng của Đức, trả bằng tiền mặt là đồng Euro cho nước Đức. Họ lâm nạn vì không biết đếm là xứ sở hết tiền mặt. Họ hết tiền mặt vì hai lẽ, mua nhiều hơn bán và chi nhiều hơn thu. Sở dĩ chi nhiều hơn thu vì ở trên bờ dốc bao cấp. Càng gần xã hội chủ nghĩa là càng chi bạo mà khỏi cần đếm. Đấy là nạn bội chi ngân sách còn nguy ngập hơn nạn nhập siêu. Vả lại, theo lý luận rất xã hội chủ nghĩa thì bề nào cũng có nhà nước lo. Nhà nước ở đây là nhà nước Đức và nhà nước Liên Âu cùng các định chế tài chánh như ngân hàng ECB và Quỹ IMF. Đấy là các chủ nợ đã tài trợ cho nhóm PIIGS này có tiền mua hàng (chủ yếu của Đức) và duy trì khả năng chi tiêu. Đồng tiền này không miễn phí và vô điều kiện. Phí tổn là phân lời trái phiếu khá cao trên thị trường Đức, và điều kiện là cải tiến chế độ kinh tế tài chánh và cải thiện chi thu ngân sách để ra khỏi tình trạng hào phóng theo kiểu cha chung không ai khóc. Khi ấy, càng gần bờ dốc xã hội chủ nghĩa, các chính quyền bên cánh tả của nhóm PIIGS càng thấy mình khôn. Khỏi chấn chỉnh gì thì cũng được thiên hạ nuôi báo cô nhân danh chủ quyền độc lập với cơ chế Maastrict. Khôn nhất là Hy Lạp! Nước Đức thì cần duy trì hệ thống Euro nhưng chẳng thể tốn tiền tiếp tục trò báo cô đó. Đã vậy thì bà cho cái đứa khôn nhất một đạp ra khỏi cõi càn khôn! Hy Lạp cạp đất là như vậy. Dõi theo đòn chính trị rất quái bên trời Âu, khách ngồi bên bèn gõ máy tìm hình Sư thái Angela Merkel để chiêm bái! Khi thấy dân Hy Lạp vẫn du dương với giấc mơ xã hội chủ nghĩa, lại bầu lên một tập hợp cộng sản có tôn chỉ quịt nợ bọn có tiền, Angela bèn nghĩ đến các khách nợ còn lại. Phải dùng phép sát kê hách hầu, diễn nôm là giết gà dọa khỉ. Trong sáu tháng liền, bà cứ để con gà SYRIZA gáy loạn. Chiêu pháp SYRIZA là hãy can em đi, kẻo em sẽ tự cắt tiết, hoặc bay qua cái lầu son gác tía của Nga. Sư thái Angela ra chiều đắn đo ái ngại, mà thầm nhủ: “xin cứ tự nhiên”. Chuyện quái ở đây là cả khối Euro, cõi Liên Âu và toàn thế giới đều chứng kiến đòn bài bây ăn quịt ấy nên rốt cuộc đành chấp nhận hậu quả là khối Euro phải cho Hy Lạp ra ngoài, kịch bản “Grexit”. Bay qua cửa sổ. Suốt sáu tháng đó, các nhóm xã hội chủ nghĩa của mấy xứ kia khéo nín thinh để khỏi lãnh cơn thịnh nộ của Sư thái Angela và các chủ nợ. Khi thấy Thủ tướng Alexis Tsipras ôm hôn thắm thiết Vladimir Putin thì họ hú vía và tự bảo nhau là cho chúng chết luôn. Đấy là pháp thuật của Angela Merkel. Vì Maastrict không có luật nên bà chọn đứa ngỗ nghịch nhất mà quăng ra cửa. May ra thì các nước còn lại sẽ biết thế nào là sổ sách chi tiêu và sống với nhau thì phải có thủy có chung. Vì thế, khi Hy Lạp cận ngày thanh toán nợ đáo hạn, là trả một tỷ rưỡi cho IMF vào ngày 30 Tháng Sáu, Thủ tướng Tsipras của SYRIZA rơi ngay vào cái hố Angela chờ đợi: cho em về hỏi ý dân đã, qua một cuộc trưng cầu dân ý sẽ tổ chức vào mùng năm Tháng Bảy. Có gì thì cũng tại dân cả. Dân thì đã hiểu. Họ ùn ùn rút tiền ký thác làm các ngân hàng cần ngân khoản cấp cứu của Âu Châu để khỏi lủng. Việc cấp cứu đó vừa chấm dứt và từ nay đến ngày dân bỏ phiếu, các ngân hàng tạm đóng cửa. Chúng ta có một vụ khủng hoảng điển hình như trong các nước nghèo mà ham. Âu Châu văn minh hiện đại cũng có loại nghèo mà ham đó. Đấy là những người cộng sản đã làm cho nước nghèo mà vẫn có tật ham. Bai em nhé.
......

Nếu Hy Lạp ly dị khối Euro

Mười hai giờ đêm 30 Tháng Sáu (2 giờ chiều ở California), Hy Lạp bước vào tình trạng vỡ nợ. Hết trợ cấp, chính phủ Hy Lạp không thể trả cho IMF €1.55 tỷ (đồng Euro), gần $1.73 tỷ (Mỹ kim). Khi bà Christine Lagarde, chủ tịch IMF chính thức công bố tin này, trên nguyên tắc các định chế tài chánh khác ở Châu Âu có quyền đòi Hy Lạp phải trả hết €180 tỷ đã cho vay. Làm như vậy không khác gì “rút ống dưỡng khí” của kinh tế Hy Lạp. Cho nên chưa ai làm dữ cả, mà còn hứa hẹn sẽ nói chuyện tiếp về các biện pháp cứu giúp khác. Chính phủ Alexis Tsipras sẽ thở được ít nhất đến ngày Thứ Hai tuần tới. Thủ Tướng Alexis Tsipras, 40 tuổi, đã “đánh cuộc,” còn gọi là “đánh cá.” Cuối năm 2014, đảng Syriza của ông thắng cử nhờ hứa với cử tri rằng ông sẽ xóa bỏ các chính sách “thắt lưng buộc bụng” do nước khác ở Châu Âu ép buộc. Các chính phủ trước đều phải chấp nhận các chính sách này, khi Châu Âu đưa tay cứu Hy Lạp thoát khỏi bị vỡ nợ, năm 2012, là tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, khiến người già bị giảm bớt lương hưu, người thất nghiệp sớm mất trợ cấp, công chức bị cắt lương, vân vân. Các người lãnh lương hưu đã bị cắt 45% rồi, nạn thất nghiệp đã lên tới 25%, và tổng sản lượng nội địa Hy Lạp đã giảm một phần tư kể từ năm 2010. Dân Hy Lạp, với 2 triệu rưỡi người nghỉ hưu và 600 ngàn công chức, chịu khổ cực quá, cho nên thấy đảng Syriza hứa hẹn thì hoan nghênh; chấp nhận đối đầu với các nước chủ nợ! Ông Alexis Tsipras chắc nghĩ rằng nếu Hy Lạp cứ làm găng đến cùng, các nước khác sẽ phải nhượng bộ chứ không dám bỏ rơi nước ông. Nếu Hy Lạp vỡ nợ thật, sẽ phải rút ra khỏi nhóm 24 nước Châu Âu đang dùng đồng Euro, trong đó có Vatican và Monaco. Nếu chuyện đó xảy ra, hậu quả sẽ rất lôi thôi, cho tất cả mọi người. Năm 2012 Liên Hiệp Âu Châu và IMF, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dưới ảnh hưởng của Châu Âu, đã hùn tiền giúp Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Hy Lạp thoát cảnh vỡ nợ. Lý do cũng vì nếu không cứu ba nước này thì thì giới đầu tư khắp nơi sẽ mất niềm tin, kinh tế cả Châu Âu, và cả thế giới, sẽ suy yếu. Cho nên ông Tsipras đánh cá rằng năm nay cũng vậy; sau cùng các chủ nợ sẽ phải cứu; không dám đá Hy Lạp ra khỏi Nhóm Euro; rồi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) luôn. Dân Hy Lạp có vẻ tin ông Tsipras. Một cuộc nghiên cứu dư luận cho biết 74% dân Hy Lạp muốn nước họ nằm trong khối EU, nhưng 50% vẫn hoan nghênh đường lối cứng rắn của ông Tsipras. Tức là họ tin các nước Châu Âu sẽ không dám làm dữ. Cho nên trong sáu tháng qua, chính phủ Tsipras nhất định không nhượng bộ các định chế cho vay nợ, là IMF, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) và Hội Ðồng Liên Hiệp Châu Âu (European Commission, EC). Các chủ nợ tỏ ra rất cương quyết, nhưng ông Tsipras vẫn làm như họ chỉ dọa, “tháu cáy,” chứ không dám đẩy Hy Lạp vào cảnh vỡ nợ. Nhưng đêm hôm qua, ông Tsipras đã chịu thua một keo. Các nước Châu Âu không “tháu cáy.” IMF không cho trì hoãn món tiền 1.55 tỷ Euro. Hy Lạp đã vỡ nợ thật dù bà Lagarde không dùng từ ngữ đó. Nhưng tai họa không chỉ có thế. Ðến ngày 20 Tháng Bảy tới, nếu không có tiền trả 3.5 tỷ nợ đáo hạn cho Ngân Hàng Châu Âu thì chắc chắn Hy Lạp coi như sẽ tự động rút ra ngoài Khối 24 nước dùng đồng Euro. Vì lúc đó các ngân hàng Hy Lạp sẽ không được trợ cấp để có tiền trả cho các trương chủ muốn rút ra. Nói “tự động” bởi vì nội quy Nhóm Euro không có điều khoản nào về “rút ra” hoặc “bị đuổi ra.” Trước đây chưa có nước nào đã ra cả. Nhưng việc Hy Lạp rút ra, gọi là “Grexit,” nếu xẩy ra sẽ là một chuỗi các biến cố, chứ không phải một biến cố gọn gàng. Khi nào chính phủ Hy Lạp tuyên bố sẽ phát hành một đồng tiền mới, gọi tên cũ là “drachma” thì hành động đó có thể đánh dấu biến cố “Hy Lạp Ra, Grexit.” Thứ Bảy vừa qua, ông Tsipras đánh cá một cú chót. Ông tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, đặt một câu hỏi cho dân Hy Lạp là họ có chấp thuận các điều kiện mới của Châu Âu hay không? Trong tuần lễ chờ đợi, ông ra lệnh các ngân hàng đóng cửa và hạn chế số tiền dân có thể rút ra từ các máy tự động (€60 mỗi ngày, sau tăng lên €120 cho các cụ về hưu). Ông có thể đoán rằng phe bên kia sẽ nhượng bộ, nhưng họ vẫn lờ đi. Biện pháp cho các ngân hàng tạm nghỉ có thể cứu cả hệ thống tài chánh, vì dân đã bớt tin tưởng. Từ khi chính phủ Tsipras nắm quyền, số tiền dân gửi trong các ngân hàng từ €164 tỷ đã giảm một phần năm, chỉ còn €130 tỷ. Trong mấy tuần qua, số tiền rút ra khỏi các ngân hàng lên gần €10 tỷ. Người ta đoán dân Hy Lạp đang cất trong nhà khoảng €45 tỷ. Việc tổ chức trưng cầu dân ý là một hành động “trốn trách nhiệm” của Thủ Tướng Alexis Tsipras và đảng Syriza. Nếu dân chúng chấp thuận các điều kiện của Châu Âu, ông Tsipras có thể rút lại các lời hứa khi tranh cử. Chắc dân Hy lạp sẽ chấp thuận, nhưng họ sẽ “trừng phạt” đảng Syriza trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Các đảng đang liên hiệp với Syriza sẽ làm áp lực buộc ông Tsipras phải từ chức để bàu cử lại. Hai đảng được lợi nhất trong cơ khủng hoảng này là đảng Cộng Sản và đảng Cực Hữu Bình Minh Vàng (Golden Dawn), khuynh hướng phát xít. Nước Hy Lạp đã từng trải qua nhiều cuộc đảo chính trong quá khứ; dân chúng sẽ lo sợ tái diễn sau cuộc khủng hoảng này! Ðây không phải là lần đầu tiên, chính phủ Hy Lạp đã vỡ nợ bẩy lần trong 200 năm qua. Năm 1830 nước này không trả được nợ cho Anh Quốc khiến Hải Quân Hoàng Gia phải đưa tầu đến chiếm các tài sản gán nợ! Thực ra trên thế giới hầu hết các quốc gia đã vỡ nợ, trừ năm nước là Australia, New Zealand, Thái Lan, Ðan Mạch, Canada và Mỹ. Người ta đã tính toán xem nếu Hy Lạp phải rút ra khỏi khối Euco thì hai bên sẽ thiệt và lợi những gì. Khi tính sổ xong, thì đối với cả hai bên, lợi bất cập hại. Nếu các nhà lãnh đạo đều suy nghĩ một cách thuần lý thì họ sẽ tìm đủ mọi cách để việc “ly dị” không xẩy ra. Nhưng chúng ta biết, ngay trong hôn nhân, nhiều khi hai người quyết định ly dị nhau mà không cần suy nghĩ cho chín chắn. Trước hết, đối với nước Hy Lạp, nếu chấp nhận “vỡ nợ” thì ích lợi đầu tiên là sẽ không phải lo trả ngay những món nợ ngập đầu €320 tỷ, trong đó có €240 tỷ mới được cấp từ năm 2012, €56 tỷ nợ nước Ðức. Nhưng thực ra, việc trả các món nợ này đều rất nhẹ. Lãi suất rất thấp, số tiền trả nợ mỗi năm chỉ chiếm 3% GDP, nước Hy Lạp có thể lo được. Rút ra khỏi khối Euro, Hy Lạp sẽ khó vay được nợ với lãi suất thấp như vậy. Việc thay đổi đồng tiền từ Euro sang Drachma, đồng tiền dân Hy Lạp dùng từ năm 1830 đến năm 2001, sẽ nhiều rắc rối. Cần đến 430 triệu Mỹ kim để in tiền mới. Năm 1993, nước Slovak tách ra khỏi Tiệp Khắc, phải mất sáu tháng việc đổi tiền mới làm xong. Ðồng tiền mới khiến cho mọi bản hợp đồng thương mại, trong nước và với nước ngoài, sẽ phải được viết lại, dùng đồng tiền drachma thay euro. Nhưng các món nợ sẽ được tính theo tỷ lệ hối suất nào? Rất nhiều cuộc giao thương sẽ đình trệ khi hai bên không đồng ý với nhau về tỷ giá. Ðồng drachma của Hy Lạp chắc chắn sẽ mất giá đến 50% ngay khi ra đời. Một hậu quả khi đồng tiền xuống là hàng nhập cảng sẽ lên giá. Người ta có thể không chịu bán ra trong khi chưa biết họ sẽ mua hàng mới với giá nào, vì hối suất bấp bênh thay đổi. Ngược lại, hàng Hy Lạp bán ra nước ngoài sẽ được lợi vì giá hạ hơn, dễ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, trong nền kinh tế Hy Lạp phần ngoại thương chiếm phần nhỏ cho nên mối lợi về xuất cảng nếu có cũng không đáng kể. Trong ba năm qua chính phủ Hy Lạp đã hạ giá hàng xuất cảng rồi, khi buộc các công nhân giảm lương 16%; nhưng sau đó số hàng xuất cảng cũng không thấy tăng lên. Ảnh hưởng kinh tế sẽ kéo dài nếu Hy Lạp rút ra. Ngay lập tức, nhiều ngân hàng sẽ phá sản vì hiện nay họ sống nhờ Ngân Hàng Châu Âu bơm tiền cấp cứu. Khi đồng tiền mất giá, mọi người dân tiết kiệm đều mất tiền, có thể mất một nửa. Người dân mất niềm tin thì số tiết kiệm và đầu tư sẽ giảm, mọi việc giao thương bị trì trệ. Nhiều thanh niên Hy Lạp sẽ đi ngoại quốc, người có tiền cũng đem ra ngoài làm ăn. Giới đầu tư quốc tế sẽ ngần ngại hơn khi muốn đưa tiền vào Hy Lạp. Một quốc gia vỡ nợ sẽ bị gạt ra ngoài thị trường vốn thế giới trong một thời gian dài, hàng chục năm trở lên. Nói tóm lại, Hy Lạp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là được lợi nếu ra khỏi khối Euro. Ðối với Liên Hiệp Châu Âu cũng vậy, lợi bất cập hại. Nếu các nước Châu Âu xóa nợ cho Hy Lạp thì số thiệt hại cũng không lớn. Nhưng nếu Hy Lạp rút ra thì khối Euro sẽ không vững chắc như trước nữa. Các nước Ðông Âu đã tỏ thái độ cứng rắn nhất đối với Hy Lạp trong thời gian qua, vì họ thấy không có lý do gì dân chúng nước họ chịu một mức sống thấp hơn dân Hy Lạp, mà tiền họ đóng góp cho Liên Hiệp Châu Âu lại được đem giúp cho Hy Lạp. Nhưng nếu Grexit xẩy ra, vùng bị ảnh hưởng nặng nhất nằm ở Ðông Âu. Ðồng zloty của Ba Lan, đồng florint của Hungary có thể sẽ mất giá 15 đến 20% so với đô la Mỹ. Số tiền đầu tư tại các nước Ðông Âu có thể xuống vì, vì người ta bớt tin tưởng. Tuy nhiên, những mối lo trên có thể rất nhẹ và sẽ thoáng qua rất nhanh; khác với tình trạng năm 2012. Nếu năm đó Hy Lạp rút ra thì Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha cũng ra đi. Nhưng năm nay, hai nước trên đã hồi phục được niềm tin của thị trường. Chính phủ hai nước này hiện đang vay nợ chỉ phải trả lãi suất hàng năm khoảng trên dưới 2%, cho các trái khoán 10 năm; trong khi chính phủ Hy Lạp phải trả tới 10 hay 12%. Cho nên, nhiều người nghĩ rằng nếu Châu Âu dứt bỏ được một “của nợ” là nước Hy Lạp thì sau đó sẽ bớt được một vấn đề khó khăn! Ðối với nước Mỹ, ảnh hưởng sẽ không đáng kể, trừ một số công ty làm ăn nhiều với Châu Âu. Thực ra kinh tế Hy Lạp còn nhỏ hơn kinh tế các thành phố lớn ở Mỹ! Tuy nhiên, khối các nước dùng đồng Euro sẽ phải đối phó với một vấn đề mới: Việc tham gia vào khối từ nay sẽ mong manh, không vững chắc như trước. Nếu Hy Lạp “bị đuổi ra” thì nhiều nước kinh tế yếu khác sẽ có thể sẽ phải ra đi, như Cyprus, Bồ Ðào Nha; trong một cuộc khủng hoảng sau này. Có lẽ ông Tsipras đã đánh cá rằng khối Euro muốn tránh tình trạng đó bất cứ với giá nào. Cho nên ông mới “đánh cá” rằng Châu Âu không bao giờ dám “đuổi Hy Lạp” ra ngoài. Có điều, ông không biết nghĩ rằng một khối Châu Âu muốn tồn tại mà lại bỏ qua không tôn trọng các quy tắc chính họ đặt ra, thì chính họ sẽ mất uy tín, thiệt hại lớn hơn là chịu mất một thành viên trong khi thi hành các quy tắc tài chánh chung. Nhưng dân Hy Lạp sẽ phải nhận ra rằng ông Tsipras thích đánh cá, và ông ta đã đem nền kinh tế cả nước và tương lai đất nước đặt lên bàn đánh cá! Năm 2014, kinh tế Hy Lạp thực ra đã ngưng suy thoái, bắt đầu tăng trưởng. Nhưng chính phủ Tsipras thiếu khả năng, bao cấp cho bè đảng nhiều hơn các chính phủ trước, khiến kinh tế khựng lại và nay lại đang xuống. Chủ Tịch Liên Hiệp Châu Âu Jean-Claude Juncker đã mỉa mai rằng ông Tsipras tự nhận là theo chủ nghĩa xã hội; nhưng khi được yêu cầu tăng thuế các nhà giầu thì ông lại cưỡng đến phút chót mới làm. Ngày Chủ Nhật tới, dân Hy Lạp sẽ cho biết phán quyết của họ. Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/
......

Chủ nghĩa hoàn hảo và sự thần kỳ kinh tế của người Đức

Ít ai biết, từ năm 1992, tức chỉ 2 năm sau khi thống nhất 2 miền Đông Tây, nước Đức là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, dù dân số chỉ khoảng 80 triệu so với khoảng 300 triệu của Mỹ và 1.3 tỷ của Trung Quốc. Trị vì ngôi vô địch thế giới về xuất khẩu trong suốt 17 năm, đến năm 2009, Trung Quốc mới qua mặt nước Đức vì rất nhiều sản phẩm là tài nguyên thiên nhiên, nhiều sản phẩm thâm dụng lao động, trong khi nước Đức phần lớn xuất khẩu là xe hơi, máy móc công nghệ và chất xám. Vào nhà một người Đức, khó có thể phát hiện một sản phẩm nào mà không phải Made in Germany. Thậm chí bông ráy tai nước Đức cũng sản xuất, dù giá thành sản xuất là 10 USD so với 1 USD của người Trung Quốc. Khi Trung Quốc mở cửa và thành công xưởng của thế giới, các nước khác thấy không hiệu quả nếu tự họ sản xuất, nên qua Trung Quốc đặt hàng hết. Nhưng nước Đức thì không. Họ vẫn tự sản xuất cái cục gôm, cây bút chì, chiếc xe đạp…dù giá thành rất cao, và vì họ có một phân khúc thị trường riêng. Đó là dành cho những người quen dùng đồ Đức trên khắp thế giới. Vì sao? Vì dân tộc Đức là dân tộc theo chủ nghĩa hoàn hảo trong sản xuất. Giữa sự chao đảo của suy thoái kinh tế, nước Đức vẫn không hề hấn gì, và là chỗ dựa cho bao nhiêu quốc gia khác trong cộng đồng chung châu Âu. Nền giáo dục Đức là nền giáo dục mà Tony thích nhất, vì nó đào tạo ra những người học để "cho việc" thay vì tốt nghiệp ra trường để đi xin việc cho tốt. Một nền giáo dục dựa trên sự kỷ luật Vô cùng vô cùng nghiêm khắc. Sự tập trung cao độ của người Đức còn thể hiện qua bóng đá, năm 2014, tại World Cup được tổ chức tại Brazil, dưới áp lực của hàng vạn khán giả nước chủ nhà trên sân, các chàng trai đến từ nước Đức không hề bị run chân run tay gì, thắng vẫn vui nhẹ nhàng, thua vẫn bình thản thi đấu, ai vị trí người đó, tổ chức tấn công phòng thủ bình thường, và họ đã đăng quang ở ngôi cao nhất. Ít ai biết trước đó người Đức đã sang Brazil 4 năm trước, xây dựng một khu resort riêng cho đội tuyển Đức sang ăn ở tập luyện cho quen khí hậu, với đầu bếp bác sĩ đến lao công đều là người Đức. Khu resort này sau WC được tặng lại cho nước chủ nhà như là một món quà kỷ niệm của sự well-prepared. Người Nhật cũng từng hâm mộ và học theo người Đức, và gần đây là người Hàn Quốc, và trở thành 2 bản sao hoàn hảo. Ở trường, giáo viên Đức tỉ mỉ sửa cho học sinh từng lỗi dấu chấm, dấu phẩy...để tạo thành thói quen "hoản hảo" trong mọi thứ, tuyệt đối không bao giờ xuề xoà cho qua, vì như vậy là hại cá nhân từng học sinh, hại đến xã hội sau này vì thói quen làm sai, bất cẩn. Nên khi ra đời, họ khắt khe từng mm trong công việc, tạo thành hiệu quả cao, không tốn thời gian sửa sai vô ích. Người Đức quan niệm, trong cuộc đời con người, trong cuộc sống, có thể méo mó một chút để thú vị hơn. Tuy nhiên, trong học tập, sản xuất và kinh doanh, chúng ta phải áp dụng chủ nghĩa hoàn hảo. Nếu bạn biết lái xe hơi, cầm vô lăng xe Đức sản xuất sẽ thấy cảm giác yên tâm hơn nhiều so với xe đến từ các nước khác. Và tỷ lệ thu hồi xe lỗi của các dòng xe do nước Đức sản cũng thấp hơn nhiều so với các nước khác. Anh bạn của Tony, một kỹ sư làm việc cho một hãng xe Đức ở Sài Gòn, hay kể Tony nghe về câu chuyện ông sếp người Đức đã dạy anh như thế nào. Anh nói, ở Việt Nam, mình hay nói đại khái sản phẩm này là tất cả tâm huyết của tao. Tâm-huyết là tim và máu, tức cũng ghê gớm lắm rồi, nhưng với người Đức, tâm-huyết có ý nghĩa gì đâu, họ còn đem cả tính mạng ra bảo lãnh. Kỹ sư trưởng thiết kế một mẫu xe hơi mới, sẽ phải chịu trách nhiệm bằng tính mạng của mình cho độ an toàn của xe. Anh ấy sẽ phải sẵn sàng chết đi để cả triệu người lái mẫu xe đó được an toàn trên đường thiên lý. Ở nhà Tony có một cái thau giặt đồ bằng nhựa, người thân mang về từ Đông Đức từ năm 1988, để ngoài nắng mưa gió sương nhưng bây giờ vẫn còn xài tốt, màu đỏ vẫn rực rỡ. Chỉ là một cái thau nhựa thôi, nhưng vì Made in Germany nên đó là một đẳng cấp khác, một sản phẩm do người Đức tạo ra. Còn nếu bạn học kiến trúc, một bộ bút vẽ Made In Germany là cái phải có của mọi kiến trúc sư chuyên nghiệp trên thế giới. Ở Đức, giáo dục công lập được miễn phí kể cả đại học, kể cả sinh viên nước ngoài nhưng với điều kiện là phải biết tiếng Đức và có bằng Abitur tức tú tài. Những tưởng với sự tiên tiến của nền giáo dục ấy, sinh viên quốc tế sẽ đổ xô sang học? Nhưng không, số lượng sinh viên vẫn không nhiều so với các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc…một phần tiếng Đức khá khó, nhiều người ngại. Vì sợ học xong rồi ra trường, nếu không làm cho công ty Đức thì cũng không có lợi thế, dù tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến ở nước Đức. Thứ 2 là họ nghiêm khắc, học khó vì chất lượng thật sự chứ không chạy theo thành tích. Giáo dục Đức phân cấp học sinh theo trí tuệ của các bạn từ lúc tốt nghiệp tiểu học, tức ai giỏi thì bắt đầu lớp 5 sẽ đi theo hướng đào tạo hàn lâm, còn lại thì các trường khác theo hướng thực hành. Cả 2 hệ đều được xã hội tôn trọng như nhau, vì khả năng 1 đứa trẻ khác nhau nên cho nó học cái gì phát huy tối đa khả năng của nó. Ví dụ bạn Anne không tưởng tượng ra được cái hình cầu nội tiếp trong hình nón, mở 2 vòi nước và không tính được sau bao nhiêu phút thì đầy cái bồn, thì thôi định hướng cho nó học văn sử địa âm nhạc nghệ thuật cho rồi, chứ bắt nó sin cos làm gì cho nó nóng não. Cái cuối cùng quan trọng hơn chính là kỷ luật của người Đức, nhiều bạn trẻ ngại và sợ nếu phải học hay làm với họ. Họ chấp hành tuyệt đối các luật Lệ, các quy tắc của tổ chức một khi là thành viên. Nói 8hAM bắt đầu học là đúng khi kim giây vừa chỉ số 12 của 8 AM là cửa trường đóng lại, vô xin năn nỉ cỡ nào bảo vệ cũng không cho vô. Trong lớp đúng 8AM là thầy trò bắt đầu mở sách vở ra và học. Khi gửi con vô trường công lập ở Đức, hay hệ thống trường quốc tế Đức trên thế giới, phụ huynh học sinh sẽ ký vào một nội quy dài ngoằng, trong đó có nhiều cam kết, đại loại là con của họ sẽ không được ăn cắp (tức quay bài, đạo văn), nói dối (tức cha mẹ làm giùm bài cho con, nói dối thầy cô)…Nếu học sinh vi phạm, thì sẽ bị làm tư tưởng, học sinh sẽ phải ngồi suy nghĩ về hành vi của mình 1 ngày. Nếu tái phạm, học sinh đó sẽ bị đuổi học ngay và ghi vào sổ bìa đen (black list) trên khắp nơi và các trường công lập khác sẽ không muốn nhận, nếu muốn học tiếp thì vô trường tư sẽ rất đắt đỏ và cũng không tốt bằng. Tony hỏi hiệu trưởng một trường quốc tế Đức ở Thượng Hải vì sao có quy định đó, ông nói nếu bạn chọn cho con cái của bạn giáo dục Đức từ đầu, sản phẩm của bạn sẽ hoàn hảo. Vì giáo dục nước Đức không tạo ra sản phẩm con người của ăn cắp và nói dối. Đứa ăn cắp và nói dối thì không kiêu hãnh được, không ngẩng đầu được. Để sang và chảnh, người ta phải tự mình giỏi giang, tự mình đạo đức, tự mình tử tế, tự mình văn minh. Nước Đức nằm ở Trung Âu, và mỗi nước châu Âu xung quanh, hầu như người Đức nhờ gia công làm dịch vụ giùm cho họ. Đức là một dân tộc cho việc, tức giao việc cho các nước lân bang. Người Đan Mạch thì làm giao nhận vận tải mã hiệu mã vạch kiểm soát chất lượng cho họ, người Hà Lan thì như là một công viên giải trí với cảnh sắc tươi đẹp hoa nở khắp nơi để họ sang dạo chơi, giải trí; các nước phía Đông như Ba Lan, Séc,…thì cung cấp nhân công lao động sản xuất; Thụy Sĩ thì giữ tiền giùm; Áo thì là nơi họ đến nghe nhạc và xem triển lãm tranh; Ý là nơi cung cấp họ các dịch vụ liên quan ăn uống vì ẩm thực với Pizza, Spaghetti, Cappuccino.. Người Pháp, Anh, Nga...thì suốt ngày ganh tụy với người Đức, bên Đức có cái gì thì họ sản xuất cái đó, nhưng chất lượng thì còn lâu mới bằng, vì họ không có tinh thần Perfectionism (chủ nghĩa hoàn hảo) trong sản xuất. Bạn trẻ nào theo chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc thì không bao giờ sợ bị thất nghiệp. Và may mắn thay, hồng phúc thay cho doanh nghiệp nào có được nhân viên theo chủ nghĩa hoàn hảo này, làm ăn với họ sẽ vô cùng yên tâm vì không lo sai sót. Bắt đầu chủ nghĩa hoàn hảo đầu tiên với bản thân mình, sạch sẽ thơm tho trí tuệ thể lực đều không thể ngon hơn, rồi xung quanh 1m bán kính quanh mình, sạch sẽ gọn gàng không thể sạch đẹp hơn. Rồi bắt đầu lên bán kính 2m, 5m, 100m, cả ngôi nhà, cả khu phố,...tất cả đều phải hoàn hảo, hoàn hảo... Theo TONY BUỔI SÁNG https://anle20.wordpress.com/2015/06/13/chu-nghia-hoan-hao-va-su-than-ky...
......

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng: Điều trần trước Tiểu ban Nhân Quyền, Uỷ Ban Đối Ngoại Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ – ngày 17/6/2015

GNsP (19.06.2015) – Washington DC, USA Kính thưa quý vị, Tôi có mặt cùng quý vị trong một chiến dịch vận động cho tù nhân lương tâm Việt Nam, cùng với hai người bạn đồng hành, ông Trương Minh Tam, cựu tù nhân lương tâm và ông Nguyễn Văn Lợi, thân phụ của TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng: Điều trần trước Tiểu ban Nhân Quyền, Uỷ Ban Đối Ngoại Hạ Viện Quốc Hội Hoa Kỳ – ngày 17.06.2015 Foto Thưa quý vị, tôi là một mục sư của Hội Thánh Mennonite và đại diện Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam đến đây vì những người bạn, đồng đạo và tín đồ của chúng tôi bị đàn áp chỉ vì bày tỏ đức tin. Trước khi đi, tôi được biết, khi Chùa Liên Trì của Thầy Thích Không Tánh đứng trước nguy cơ bị san bằng, công an đã hăm dọa rằng “Sau khi vào TPP rồi, họ sẽ sang bằng Chùa Liên Trì”. Và nay tôi đến Hoa Kỳ trong một thời điểm hết sức quan trọng của tiến trình đàm phán TPP và tôi muốn mang kinh nghiệm và kiến thức của mình để cập nhập Quốc Hội Hoa Kỳ về hiện trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam: Hội Thánh Chuồng Bò là một điển hình của sự đàn áp đối với các tôn giáo không chấp nhận nhà cầm quyền CSVN can thiệp vào nội bộ. Hội thánh của chúng tôi có 100 tín đồ và 5 lớp học tình thương cho trẻ con nghèo. Vì không muốn chúng tôi làm việc từ thiện, nhà cầm quyền CSVN đã cưỡng chiếm buộc chúng tôi phải đi mượn một cái chuồng bò tồi tàn bỏ hoang để làm nơi thờ phượng Chúa. Trong suốt 8 năm nay, từ ngày về chuồng bò, nhà nước Việt Nam vẫn luôn tìm cách tiêu diệt chúng tôi. Có một lần khi Hội Thánh đang làm lễ thì tôi được báo công an đến kiểm tra và khi tôi từ trên lầu đi xuống thì bị côn đồ nhảy vào bóp cổ và đè tôi xuống đất để công an bước qua người tôi lên phòng làm lễ để giải tán buổi lễ. Một lần khác họ dùng côn đồ đến Hội Thánh đập phá tan nát các đồ dùng sinh hoạt trong nhà tôi và hâm giết vợ chồng và đứa con trai tôi. Thậm chí họ dùng côn đồ hoặc đánh đập dã man đồng đào của tôi như mục sư Nguyễn Hồng Quang. Ngoài ra họ dùng biện pháp cầm tù các bạn tôi như linh mục Nguyễn Văn Lý, Mục sư Dương Kim Khải và Mục sư Nguyễn Công Chính. Dù họ dùng mọi hình thức khủng bố thể xác, tinh thần cũng như kinh tế, nhưng chúng tôi không lùi bước. Đối với các tôn giáo bạn của tôi, các vấn đề cấp bách nhất gần đây, xin quý vị quan tâm như: • Cao Đài Chơn Truyền và Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Tuý bị tịch thu nhiều thánh thất, như thánh thất Tuy an tại Phú Yên, cấm cản tín đồ tham gia vào lễ lớn. • Công Giáo bị cấm cản không cho giám mục Hoàng Đức Oanh phong phẩm các tu sinh và sắp tới đây họ chuẩn bị cưỡng chiếm 22 nhà thờ của các tín đồ dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Kontum. Một vấn đề Hội Đồng Liên Tôn quan ngại và phản đối, đó là Dự Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo sắp được nhà nước Việt Nam ban hành nhằm gia tăng kiểm soát tôn giáo và xiết chặt tự do tín ngưỡng. Để đối phó với các thủ đoạn trên, 5 tôn giáo lớn đã liên kết thành lập Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam. Với tiếng nói chung, chúng tôi thường xuyên lên tiếng bênh vực các tôn giáo, các tù nhân lương tâm và thực hiện các công tác từ thiện. Đứng trước những sự kiện như kỷ niệm 20 năm bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cuộc đàm phán TPP cũng như chuyến viếng thăm Hòa Kỳ của Tổng Bí Thư CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, tôi mong chính phủ Hoa Kỳ: • Kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các lãnh đạo tôn giáo như LM Nguyễn Văn Lý, MS Dương Kim Khải và MS Nguyễn Công Chính. • Yêu cầu Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội thường xuyên viếng thăm các tù nhân chính trị. Tôi kêu gọi sự quan tâm cấp bách đến trường hợp của blogger Đặng Xuân Diệu, TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn, hiện đang bị cầm tụ tại Trại 5, Thanh Hoá, và nhà hoạt động Hồ Đức Hoà tại trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam. Họ đang phải chịu đối xử tồi tệ, bị biệt giam và trong trường hợp của Hồ Đức Hoà, anh đã bị từ chối quyền được bày tỏ tín ngưỡng trong tù. • Khuyến nghị nhà cầm quyền Việt Nam không ban hành Dự Luật Tôn Giáo Tín Ngưỡng. Trân trọng cám ơn. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng Tin lành Mennonite
......

10 kiến thức căn bản về hiệp định TPP

Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam và 9 quốc gia khác đang hy vọng sẽ hoàn thành ký kết TPP trong năm 2015. Theo Ezlaw, TPP sẽ là một sự kiện lớn nhất xảy ra với Việt Nam trong 20 năm nay (kể từ thời điểm Việt Nam và Mỹ bình thường quan hệ hóa vào năm 1995). Bạn có biết TPP là gì ? TPP là một hiệp định mang tính bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam và Quốc tế. Bạn vẫn muốn biết rõ hơn về TPP ? Sau đây là những điều căn bản nhất mà bạn cần biết về hiệp định này TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản *Hàn Quốc, Colombia, Costa Rica, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, và nhiều nước khác đang có ý định tham gia vào TPP *TPP bắt đầu từ một thỏa thuận giữa Singapore, Chile, New Zealand và Brunei vào năm 2009, trước khi Hòa Kỳ quyết định tham gia và dẫn đầu Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động… Các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Mỹ muốn TPP sẽ là điểm chốt mới của họ tại Châu Á sau nhiều năm Mỹ đã lún quá sâu vào khu vực Trung Đông. Ngoài ra, nhiều học giả còn cho rằng Mỹ muốn sử dụng TPP để tạo ra một nền kinh tế hợp nhất trong khu vực có thể đối trọng lại với sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc. Trung Quốc đã có lúc thể hiện ý định muốn tham gia TPP, nhưng nhiều điều khoản hiện tại của TPP dường như được thiết kế để cố tình không cho Trung Quốc có cơ hội tham gia vào thỏa thuận này. WTO hiện có tới 161 thành viên, vì vậy một trong những nhược điểm của mô hình này là sự khó khăn và dài lâu để tiến đến một thỏa thuận chung liên quan đến bất kỳ vấn đề gì. Hơn thế nữa, TPP sẽ đặt ra được các luật lệ quốc tế mà vượt qua phạm vi WTO như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động…. Hầu hết các thỏa thuận quốc tế là về xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, ví dụ như: Ta có thể nhập khẩu số lượng X hàng hóa với giá Y khi các mặt hàng này đã đủ tiêu chuẩn về chất lượng hoặc lao động. TPP khác vậy. Chính bản thân TPP sẽ tạo ra các điều luật quốc tế có khả năng điểu chỉnh chính sách và hướng đi của luật pháp trong từng quốc gia thành viên.  Nói một cách khác, các điều luật của các quốc gia thành viên sẽ phải tuân theo định hướng của TPP. Nhiều điều luật trong TPP còn có ảnh hưởng thay đổi chế độ pháp lý của các quốc gia. Ví dụ như điều luật khuyến khích các thành viên của TPP mở một cơ quan chính phủ, có cơ chế và cách thức hoạt động giống tại Mỹ, thực hiện phân tích ưu-nhược điểm trước khi ban hành các điều luật mới trong nước.     Thỏa thuận TPP bao gồm 29 chương, trong đó chỉ có 5 chương là trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các chương còn lại đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ tài chính, thực phẩm và thuốc men…   *Chú ý rằng TPP sẽ bắt loại bỏ nhiều lợi ích của các công ty nhà nước (là một phần lớn của nền kinh tế Việt Nam), để tạo cơ hội cạnh tranh cho các công ty tư nhân.     Với hiệp định TPP, các công ty, tập đoàn nước ngoài và quốc tế sẽ có khả năng mang chính phủ của các quốc gia thành viên ra tòa án đặc biệt của TPP khi các quốc gia này đặt ra các luật lệ, chính sách đi ngược lại với chỉ tiêu của TPP. Tòa án đặc biệt này có toàn quyền bắt chính phủ đền bù không những cho các thiệt hại đã xảy ra, mà còn những mất mát về cơ hội trong tương lai của các tập đoàn, công ty quốc tế.     Các thành viên tham gia TPP đều đã phải ký một thỏa thuận giữ bí mật về tiến trình thương lượng chi tiết các điều luật của TPP. Các nước này chỉ được tiết lộ những thông tin trên đến các cơ quan chính phủ, tổ chức, và cá nhân có liên quan trực tiếp đến tư vấn chính sách giao dịch.   *Hiện tại, một số chương của TPP có thể tìm thấy tại wikileaks - kênh chuyên đăng các thông tin tuyệt mật.   Theo Ezlaw, mọi người dân Việt Nam, đặc biệt nhất là các nhà trí thức, luật sư, doanh nghiệp, khởi nghiệp... cần phải biết rõ và nhiều hơn về TPP - sự kiện lớn sắp xảy ra với Việt Nam và thế giới. Hãy đón xem các bài phân tích sâu hơn về TPP tại Ezlaw Blog.
......

Trung Quốc Lo Ngại Liên Minh Quân Sự Mỹ - Nhật

Trung Quốc Lo Ngại Liên Minh Quân Sự Mỹ - Nhật Radio CTM (Thanh Thảo): Trong tuần vừa qua có hai sự kiện xảy ra liên quan đến tình hình an ninh biển Đông. Sự kiện thứ nhất là Tân Hoa Xã đưa tin vào lúc 10 giờ 18 phút sáng ngày 30/4/2015, đúng vào lúc CSVN tổ chức lễ mừng 40 năm cưỡng chiếm Miền Nam, Bắc Kinh đã đưa giàn khoan Hưng Vượng từ thành phố cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông đến biển Đông hoạt động. Theo tin tức thì Hưng Vượng tối tân hơn giàn khoan HD 981, hoạt động ở độ sâu 1.500 mết, độ sâu tối đa của giếng khoan là 7.600 mét, trọng tải là 5.000 tấn. Sự kiện thứ hai là Thủ tướng Abe của Nhật Bản đã được Hoa Kỳ tiếp đón hơn cả thượng khách trong chuyến công du vào đầu tháng 5 vừa qua. Ông Abe là người lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên có bài phát biểu trước lưỡng viện quốc hội với những tràng pháo tay ủng hộ của các dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ về tình hình an ninh khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Sự đón tiếp đặc biệt của Tổng thống Obama đối với Thủ tướng Abe đã khiến cho Trung Quốc quan tâm và theo dõi vì qua chuyến đi này, rõ ràng là Nhật đang trở thành đồng minh quân sự của Hoa Kỳ tại Á Châu. Dưới đây là nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân, về các sự kiện nói trên: Thanh Thảo: Trước hết việc Tân Hoa Xã thông báo Giàn khoan Hưng Vượng đang được Bắc Kinh cho tiến vào biển Đông vào lúc này mang ý nghĩa gì thưa ông? Lý Thái Hùng: Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hưng Vượng vào biển Đông ở thời điểm mà cách nay 1 năm đã tạo ra không biết bao nhiêu sóng gió về vụ giàn khoan HD 981, đã nói lên hai điều: Thứ nhất, Bắc Kinh đã và đang chạy đua việc kiểm soát Biển Đông để đặt Hoa Kỳ và các quốc gia liên hệ vào chuyện đã rồi. Việc lập căn cứ quân sự ở Hoàng sa và Trường sa hiện nay cũng như đưa các giàn khoan vào tìm dầu ở biển Đông là động thái có chủ mưu. Thứ hai, Bắc Kinh phải gia tăng các hoạt động trên biển Đông để chứng minh với Tòa Trọng Tài Tối Cao Liên Hiệp Quốc rằng biển Đông thực sự là của họ và gián tiếp phủ nhận việc kiện tụng của Phi Luật Tân về chủ quyền đường lưỡi bò chín đoạn mà Bắc Kinh chủ trương, trong lúc tòa án đang nghe giải thích các bên và sẽ ra phán xét vào tháng 6/2016 sắp đến. Nói tóm lại, vụ đưa giàn khoan Hưng Vượng vào biển Đông trong lúc tình hình còn có quá nhiều căng thẳng chứng tỏ là Bắc Kinh bằng mọi giá muốn kiểm soát biển Đông. Thanh Thảo: Dư luận quốc tế đang lên tiếng chống đối việc Trung Quốc cho lấp nhiều bãi đá chìm để lập khu quân sự trên quần đảo Trường Sa, nay Bắc Kinh lại cho giàn khoan Hưng Vượng tiến vào biển Đông cho thấy là Trung Cộng không quan tâm gì đến những phản đối của các nước như Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, Nhật Bản. Phải chăng Trung Quốc đang chuẩn bị thế đối đầu không thưa ông? Lý Thái Hùng: Trung Quốc ngày một có thái độ hung hăng như chị đề cập là vì Bắc Kinh biết là Phi Luật Tân, CSVN và cả Hoa Kỳ đều không muốn xảy ra tình trạng đối đầu trên Biển Đông. Thứ nhất là Hoa Kỳ tuy tuyên bố xoay trục về Á Châu Thái Bình Dương để ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh, nhưng trong mấy năm qua Hoa Kỳ chỉ muốn liên kết một số quốc gia đồng minh để gây áp lực lên Trung Cộng rồi thôi. Lý do là ngoài những bận tâm phải giải quyết về tình hình khủng hoảng ở Ukraine và Trung Đông, bản thân Tổng thống Obama là người rất lo ngại để xảy ra những xung đột vũ trang với Trung Cộng vào lúc này. Chính ông Obama rất ngại đối đầu với Bắc Kinh thì làm sao xảy ra chuyện đối đầu trên biển Đông với Trung Cộng. Thứ hai là Phi Luật Tân và CSVN tuy có ảnh hưởng trực tiếp đến những leo thang bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông nhưng cả hai cũng rất ngại trực tiếp đối đầu vì chỗ dựa của họ là khối ASEAN đang bị lủng phòng tuyến bởi sự khuynh loát của Bắc Kinh. Nói cách khác là khối ASEAN không những không đồng lòng với Phi Luật Tân và CSVN để đối đầu với Trung Cộng mà lại còn đang bị Bắc Kinh mua chuộc nên Phi Luật Tân và CSVN chỉ có thể loay hoay trên mặt truyền thông và ngoại giao mà thôi. Thứ ba là bản thân Tập Cận Bình vào lúc này muốn có cuộc xung đột trên biển Đông xảy ra để giúp cho họ Tập hướng những rối rắm và khó khăn trong nội bộ Trung Quốc hiện nay - nảy sinh từ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” đang đe dọa sự tồn vong của phe nhóm họ Tập - ra bên ngoài, để làm lý cớ mở cuộc thanh trừng mới hầu xiết lại hàng ngũ. Tuy tình hình hiện nay là như vậy; nhưng nếu Bắc Kinh không biết dừng lại ở mức giới hạn mà lại tiếp tục tung ra hàng loạt các kế hoạch lấn chiếm biển Đông thì chắc chắn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Phi Luật tân sẽ không thể ngồi im. Thanh Thảo: Sang một vấn đề khác là Tổng thống Obama đã dành một nghi lễ đặc biệt để đón tiếp Thủ tướng Abe của Nhật Bản vừa qua. Điều này phải chăng Hoa Kỳ thấy rõ thế đối đầu của Bắc Kinh nên đã nâng cấp Nhật Bản từ một đồng minh kinh tế thành đồng minh quân sự để chia xẻ gánh nặng an ninh trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương với Hoa Kỳ không thưa ông? Lý Thái Hùng: Nhật Bản là một đồng minh chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai, nhưng trong suốt nhiều thập niên qua, Nhật Bản chỉ nằm dưới dù an ninh của Hoa Thịnh Đốn và là đồng minh về mặt kinh tế hơn là quân sự. Từ lúc Trung Quốc trổi lên thành một cường quốc Á Châu và nhất là bắt đầu muốn cạnh tranh với Nhật Bản để vươn lên kiểm soát Á Châu, chính quyền Tokyo không thể im lặng mà buộc phải cải thiện  mặt quân sự để có thể đối đầu với Bắc Kinh. Vụ xung đột quần đảo Senkaku với Bắc Kinh đã khiến Nhật phải thay đổi hàng loạt những chính sách về quốc phòng như tân trang vũ khí, cải sửa đạo luật về lực lượng tự vệ, cho phép lực lượng này hoạt động cùng với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh khác vượt ra ngoài lãnh thổ Nhật. Không chỉ đối phó với sự tăng cường lực lượng hải quân của Trung Quốc mà ngay cả những tấn công bằng vũ khí hạt nhân từ Bắc Hàn, chính phủ Nhật Bản cũng đã có những chính sách hiện đại hóa quân sự đáng chú ý trong vòng 3 năm qua. Thứ nhất là khai triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mục tiêu trực tiếp là nhắm chống lại các đe dọa từ kho vũ khí hỏa tiễn của Bắc Hàn. Thứ hai là đã xây dựng một chiến hạm lớn nhất của mình từ sau thế chiến thứ hai là chiếm hạm Izumo được coi như là tàu khu trục có chở trực thăng, nhưng cũng là hàng không mẫu hạm cỡ nhỏ. Chiến hạm này có mục tiêu chống tàu ngầm và điều khiển, kiểm soát các hoạt động quân sự khi lâm chiến. Những tân trang quân sự để đối phó với Trung Cộng và Bắc Hàn nói trên đã nghiễm nhiên đẩy Nhật Bản từ một đồng minh kinh tế bước sang đồng minh quân sự với Hoa Kỳ. Điều này cũng dễ hiểu vì sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ không còn ở vào thế ưu việt như quá khứ vì ngân sách cắt giảm và trải rộng trên quá nhiều mặt trận. Nhật Bản cũng không thể mãi mãi núp dưới bàn tay bảo vệ của Hoa Kỳ mà phải có trách nhiệm bảo vệ chính họ và xa hơn nữa là Á Châu Thái Bình Dương. Do đó việc Tổng thống Obama đã đón tiếp Thủ tướng Abe hơn cả thượng khách vào đầu tuần qua cũng nói lên một điều quan trọng là Hoa Kỳ chính thức coi Nhật Bản là một đồng minh quân sự, để chia xẻ gánh nặng quân sự và an ninh với Mỹ tại vùng Á Châu Thái Bình Dương. Thanh Thảo: Theo ông sự liên minh chặt chẽ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ như vậy thì Bắc Kinh hiện nay quan ngại Nhật Bản điều gì thưa ông? Lý Thái Hùng: Khi Nhật Bản được tân trang để trở thành một cường quốc quân sự thì với hai khả năng vượt trội hiện nay về kỹ thuật và kinh tế, Nhật Bản sẽ không chịu ngồi im để nhìn Trung Quốc bành trướng sức mạnh ở Á Châu và nhất là đe dọa an ninh biển Đông nơi đang chi phối đến 75% lượng hàng hóa và dầu thô của Nhật di chuyển qua biển Đông. Từ sau Thế chiến thứ II cho đến nay, Nhật Bản từ bỏ mộng quân phiệt và tập trung phát triển kinh tế. Nhưng bản chất của dân tộc Nhật là bành trướng và mở rộng lãnh thổ ở bên ngoài, do đó giấc mơ quân phiệt của Nhật có thể trở lại bất cứ lúc nào khi cơ hội đến. Điều này càng khiến cho Trung Quốc và một số quốc gia Á Châu lo ngại hơn khi hàng năm từ Thủ tướng cho đến nhiều Bộ trưởng đang tại chức, viếng thăm đền Yasukuni, nơi tôn thờ những anh hùng tử sĩ Nhật Bản, trong đó có một số vị Tướng bị tòa án đồng minh kết án là tội phạm chiến tranh trong thế chiến thứ hai. Ngoài ra, Nhật Bản hiện nay không chỉ đầu tư tại Trung Quốc mà còn là quốc gia bán rất nhiều cho những công ty Trung Quốc về linh kiện có kỹ thuật tối tân để lắp ráp máy móc xuất cảng. Nếu xảy ra xung đột với Nhật, kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Ngược lại, vì lo ngại sự xung đột leo thang với Bắc Kinh, các công ty Nhật bản đã từ từ rút đi những đầu tư quan trọng sang các quốc gia Đông Nam Á và Phi Châu. Do đó khi Hoa Kỳ và Nhật Bản liên minh chặt chẽ hơn về mặt quân sự, Bắc Kinh rất sợ Nhật Bản ở hai điều. Thứ nhất là lực lượng Nhật Bản sẵn sàng tấn công và đè bẹp lực lượng Trung Quốc nếu xảy ra cuộc xung đột chớp nhoáng. Thứ hai là cả Nhật Bản và Trung Quốc đều có tham vọng bành trướng nên sẽ khó tránh khỏi những xung đột ngầm. Nói tóm lại sự liên kết mạnh mẽ hơn để trở thành đồng minh quân sự giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, là một bước tiến quan trọng và vì thế nó trở thành mối đe dọa cho Bắc Kinh là chuyện đương nhiên. Thanh Thảo: Nếu như giàn khoan Hưng Vượng tiến vào biển Đông như HD 981 đã từng làm, theo ông thì tình hình VN lần này sẽ như thế nào? Lý Thái Hùng: Nếu như giàn khoan Hưng Vượng tiến vào biển Đông và lập lại những gì mà giàn khoan HD 981 đã gây ra trong thềm lục địa Việt Nam như năm rồi, chắc chắn là tình hình sẽ rất căng thẳng và có thể tạo ra sự xung đột lớn. Thứ nhất là lãnh đạo CSVN sẽ không im lặng, nhất là Nguyễn Tấn Dũng muốn “lấy lòng” dư luận để đăng quang lên làm Tổng bí thư đảng nên sẽ ra lệnh cho cảnh sát biển nổ súng và từ đó Dũng sẽ đăng đàng kêu gọi “chống” Bắc Kinh. Thứ hai là Hoa Kỳ, Phi Luật Tân sẽ lên tiếng và có thể sẽ hậu thuẫn cho Nguyễn Tấn Dũng; nhưng sau đó yêu cầu hai bên kiềm chế; đồng thời sẽ làm phép thử khối ASEAN khi kêu gọi khối này lên tiếng chính thức để chống hành động hung hăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải tính toán lợi hại cho chính họ khi lập lại sự kiện này nếu tiếp tục đưa giàn khoan Hưng Vượng vào biển Đông. Tuy Trung Quốc coi thường các chống đối nhưng chính Bắc Kinh cũng rất e ngại khi mà dư luận chống đối quá mạnh và làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế là điều Bắc Kinh phải cân nhắc. Kết luận của tôi là Bắc Kinh tuy sẽ đưa giàn khoan Hưng Vượng vào biển Đông nhưng họ sẽ cho hoạt động trong phạm vi biển Quốc tế mà thôi. Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng./. Nguồn: http://radiochantroimoi.com/thoi-su-vn/van-de-an-ninh-bien-dong-trong-tu...
......

Điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam tại Quốc Hội Canada

Trong nhiều năm qua, tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam ngày một gia tăng, nhà cầm quyền Hà Nội đã ra sức đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, khiến cho dư luận quốc tế nhiều lần lên tiếng và quan ngại. Để tìm hiểu thêm về tình hình hiện nay, Tiểu Ban Quốc Tế Nhân Quyền thuộc Ủy Ban Thường Trực về Đối Ngoại và Phát Triển Quốc Tế Canada đã mời ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân tham dự buổi điều trần diễn ra vào lúc 1 giờ trưa Thứ Ba ngày 21 tháng 4 năm 2015 tại Toà nhà Quốc Hội số 1 Wellington Street, Ottawa. Buổi điều trần đặt dưới sự chủ tọa của Dân biểu Scott Reid, chủ tịch Tiểu Ban và các thành viên gồm Dân biểu Wayne Marston, bà dân biểu Nina Grewal, Dân biểu Irwin Scotler, Dân biểu Jim Hyllier, Dân biểu David Sweet, Dân biểu Tyrone Benskin và hai Dân biểu dự thính là bà Judy Sgro và bà Kirsty Duncan. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Tiến sỹ Lê Duy Cấn và Luật sư Vũ Đức Khanh cùng một số đồng bào Việt Nam đến từ Toronto và Ottawa.     Trong phần mở đầu, ông Đỗ Hoàng Điềm đã ngỏ lời cám ơn Tiểu Ban đã cho ông cơ hội để trình bày về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Đồng thời, ông cũng đã bày tỏ lòng tri ân đến chính phủ Canada đã hỗ trợ cho nhân quyền tại Việt Nam, và ông tin tưởng rằng với một nước Việt Nam tự do và dân chủ sẽ mang đến sự ổn định và thịnh vượng trong vùng Đông Nam Á. Trong bài tham luận ông đã nhấn mạnh đến 5 điểm chính yếu là: 1- Quyền tự do phát biểu và thông tin với việc nhà cầm quyền CSVN đã ra những điều luật ngăn cấm sử dụng thông tin trên mạng và các trang mạng xã hội, điển hình là Điều 72. 2- Quyền tự do hội họp và lập hội với việc bắt giam những nhà đấu tranh dân chủ khi họ tập trung phản đối việc Trung Cộng xâm chiếm Việt Nam. 3- Quyền tự do tín ngưỡng đã bị xâm phạm khi nhà cầm quyền đàn áp và bắt giam các vị lãnh đạo tinh thần như Cao Đài, Hòa Hảo, Công Gíao, Tin Lành và Phật Gíao. 4- Quyền tự do tham gia chính trị, trong đó Điều 4 Hiến Pháp cho phép đảng cộng sản Việt Nam độc quyền cai trị toàn dân, từ đó ra sức đàn áp và bắt bớ những tổ chức chính trị đối lập. 5- Về mặt pháp quyền, nhà cầm quyền đã ra những bộ luật mơ hồ như "tuyên truyền chống phá nhà nước" (Điều 88), "lật đổ chính quyền nhân dân" (Điều 79) và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền lợi nhà nước" (Điều 258) nhằm đàn áp và bắt bớ những ai muốn lên tiếng đòi tự do và dân chủ. Sau đó, ông đã đưa ra những đề nghị cụ thể để bảo vệ nhân quyền và hỗ trợ tiến trình dân chủ tại Việt Nam: - Nhà cầm quyền phải thả những tù nhân chính trị điển hình như Ls. Lê Quốc Quân, các bloggers Tạ Phong Tần, Nguyễn Đinh Ngọc, Nguyễn Hữu Vinh, nhà đấu tranh cho quyền lợi đất đai của người dân Trần Thị Thúy, nhạc sỹ Việt Khang, nhà hoạt động Bùi Minh Hằng, Ms. Dương Kim Khải và Ms. Nguyễn Công Chính và các thanh niên công giáo như Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu và Nguyễn Đặng Minh Mẫn. - Nhân viên Tòa Đại Sứ Canada tại Việt Nam nên gặp gỡ những tù nhân lương tâm để bảo đảm họ không bị đối xử tàn nhẫn trong tù. - Chú trọng đến việc cải cách luật pháp; đòi hủy bỏ các Điều 88, 79, 258; tham dự các phiên xử các nhà dân chủ; và nhấn mạnh nhà cầm quyền CSVN cần tôn trọng các quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận, và quyền thành lập những tổ chức dân sự. - Kèm theo các điều kiện về nhân quyền trong những quan hệ song phương với nhà cầm quyền Việt Nam. Sau đó các dân biểu thành viên của Tiểu Ban Nhân Quyền đã lần lượt đặt những câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực: Bà Nina Grewal đề cập đến tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em và những trù dập đối với các tôn giáo ở Việt Nam. Ông Đỗ Hoàng Điềm cho biết tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em vẫn luôn là một nan đề nếu nhà cầm quyền CSVN không tích cực giải quyết. Nhà cầm quyền CSVN vẫn luôn trù dập các tôn giáo vì họ muốn độc quyền kiểm soát những hoạt động của các tôn giáo vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Ông Wayne Marston quan tâm đến hệ thống tư pháp ở Việt Nam như việc xét xử công bằng, đặc biệt đối với các tù nhân chính trị cũng như các hình thức đối xử với tù nhân. Ông Đỗ Hoàng Điềm chia sẻ rằng các phiên xử đặc biệt với tù nhân chính trị không bao giờ công bằng và đúng theo quy trình xét xử vì các thẩm phán thường đã có những bản án định sẵn, thậm chí các thẩm phán đã không quan tâm đến những chi tiết vụ việc đưa ra trong phiên xử và các tù nhân thường bị đối xử bất công và tàn nhẫn. Ông Irwin Cotler đã nêu rất nhiều quan tâm liên quan đến tình trạng ngăn cản và đàn áp một số luật sư khi họ nhận biện hộ cho các tù nhân chính trị, và ông mong muốn làm thế nào để hỗ trợ các luật sư này. Trong phần trả lời, ông Đỗ Hoàng Điềm giải thích việc bắt bớ các luật sư nhằm ngăn cấm và đe doạ những nhà bất đồng chính kiến khi họ lên tiếng cho lẽ phải. Việc này sẽ làm các luật sư không dám nhận biện bộ bênh vực khi ra tòa. Sau đó ông đề nghị chính phủ Canada nên có những sự lên tiếng bênh vực các luật sư này, đồng thời trợ giúp để cải tổ hệ thống pháp luật Việt Nam hầu bảo đảm việc thực thi quyền biện hộ trước pháp luật. Ông David Sweet xác nhận một số tin tức đưa ra là chính xác tuy nhiên ông cũng thắc mắc trước tình trạng tham nhũng như Việt Nam thì làm sao nhà cầm quyền còn có thể đứng vững; ngoài ra ông cũng muốn xác định lại con số 200 tù nhân lương tâm vẫn còn đang bị giam giữ. Ông Đỗ hoàng Điềm cho biết con số 200 là khá chính xác và có thể còn cao hơn nữa trên thực tế. Ông Tyrone Benskin nêu câu hỏi về các hoạt động của các tổ chức NGO tại Việt Nam, có thể là do nhà nước dựng lên làm bình phong để che mắt thế giới? Ông Đỗ hoàng Điềm xác nhận đã có những tổ chức NGO được thành lập từ trong nước cũng như nhiều NGO từ ngoài vào, nhưng đa số các hoạt động của họ không có tính cách đe dọa chế độ dưới hình thức dân sự như môi trường, giáo dục, y tế; tuy nhiên nếu có liên quan đến các quyền tự do tôn giáo hoặc những việc nhạy cảm thì những hoạt động này sẽ gặp trở ngại từ phía nhà cầm quyền. Buổi điều trần kéo dài trong vòng 1 tiếng với sự tham dự và quan tâm đến nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng nhân quyền Việt Nam từ chính phủ Canada. Nhiều dân biểu trong tiểu Ban Nhân Quyền đã chia sẻ là họ rất hài lòng buổi điều trần vì giúp nhiều thông tin cũng như những chia sẻ thật cặn kẽ của ông Đỗ Hoàng Điềm. Sau đây là phần phát biểu của ông Đỗ Hoàng Điềm trước Tiểu Ban Quốc Tế Nhân Quyền thuộc Ủy Ban Thường trực về Đối Ngoại và Phát Triển Quốc Tế. HẠ NGHỊ VIỆN Tiểu Ban Quốc Tế Nhân Quyền Thuộc Ủy Ban Thường Trực về Đối Ngoại và Phát Triển Quốc Tế Tình Hình Nhân Quyền tại Việt Nam Ngày 21 tháng 4 năm 2015 Phát biểu của Ông Đỗ Hoàng Điềm Chủ Tịch Đảng Việt Tân Kính thưa, Ông Scott Reid, Chủ tịch Tiểu Ban Quốc Tế Nhân Quyền Quí vị Thành viên Quốc Hội, Toàn thể Quí vị. Trước hết, tôi xin cám ơn Tiểu Ban Quốc Tế Nhân Quyền đã tổ chức buổi điều trần này và cho tôi cơ hội trình bày về Tình Hình Nhân Quyền tại Việt Nam. Vào cuối cuộc Chiến Tranh Việt Nam năm 1975, Canada đã rộng lòng tiếp nhận nhiều người tị nạn Việt Nam và tạo cho họ một ngôi nhà mới. Đáp lại lòng tốt và sự hào phóng này, chúng tôi xin chân thành cám ơn quí vị. Ngày 30 Tháng Tư năm nay đánh dấu ngày kỷ niệm lần thứ 40 chiến tranh Việt Nam kết thúc. Chúng ta phải xem xét 40 năm dưới chế độ cộng sản đã ảnh hưởng thế nào lên người dân Việt Nam. Từ năm 1975, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã thiết lập một thể chế áp bức và tham nhũng nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngay sau khi kiểm soát được Miền Nam Việt Nam, Đảng Cộng Sản đã đưa hàng trăm nghìn người vào những trại tù mà hàng ngàn người đã chết vì bị tra tấn, bỏ đói, bệnh tật, hoặc kiệt sức vì lao động quá mức. Từ năm 1975 kéo dài đến thập niên 1990, thời gian cai trị đầy khủng bố của họ đã đẩy nhiều người vào một cuộc di tản hàng loạt khỏi Việt Nam. Trong số những người trốn chạy bằng thuyền, nhiều người đã bỏ mình trên biển hoặc trở thành nạn nhân của bọn cướp biển. Hàng trăm phụ nữ và thiếu nữ đã bị hãm hiếp hoặc bị bắt cóc. Có lẽ khía cạnh rõ ràng nhất của 40 năm thống trị của ĐCSVN là hồ sơ tồi tệ về nhân quyền. Trong buổi điều trần ngày hôm nay, tôi muốn tập trung trình bày về năm lãnh vực chính. Tự Do Ngôn Luận và Thông Tin Tại Việt Nam, nhà nước kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông in ấn và phát sóng. Tin tức và truyền hình nước ngoài bị kiểm duyệt trước khi được trình chiếu cho khán giả Việt Nam. Nhà cầm quyền ra sức bịt miệng những người chỉ trích bằng cách sử dụng công an để đe dọa, sách nhiễu, bắt bớ tùy tiện, và kết án tù nặng. Theo Bảng Chỉ Số Tự Do Báo Chí Năm 2015 của Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Nam xếp hạng thứ 175 trong số 180 quốc gia được khảo sát. Tháng 9 năm 2013, nhà cầm quyền thông qua Nghị Định 72, cho nhà nước quyền hạn rộng rãi để hạn chế ngôn luận trên các blogs internet và truyền thông xã hội. Tháng Giêng năm 2014, Nghị Định 174 được thông qua thiết lập hình phạt nặng nề đối với những người sử dụng truyền thông xã hội và internet để lên tiếng "tuyên truyền chống nhà nước" hoặc có "tư tưởng phản động". Nhà cầm quyền cũng sử dụng phương pháp từ chối dịch vụ (DDoS) để tấn công triệt hạ các trang mạng chống đối, sử dụng phần mềm gián điệp và phần mềm độc hại (spyware and malware) để xâm nhập vào máy vi tính của các nhà hoạt động. Theo tổ chức Freedom House, họ cũng sử dụng hàng ngàn "dư luận viên nhà nước" để quảng bá những tuyên truyền thuận lợi cho nhà nước tên mạng internet. Hai khuyến cáo hàng đầu cho Việt Nam từ cuộc Kiểm Tra Phổ Quát Định Kỳ Liên Hiệp Quốc vào Tháng 2 năm 2014 là:     Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và tự do lập hội;     Bảo đảm quyền tự do ngôn luận được bảo vệ trên mạng cũng như ngoài đời và quyền tiếp cận và sử dụng internet không giới hạn và cho phép các bloggers, các nhà báo, những người sử dụng internet và các tổ chức phi chính phủ được quyền cổ động cho nhân quyền. Tự Do Hội Họp và Lập Hội Nhà cầm quyền Việt Nam nghiêm cấm tất cả các đảng phái chính trị, các hiệp hội công nhân, và các tổ chức nhân quyền độc lập với chính phủ và đảng cộng sản. Nhà cầm quyền đòi hỏi các buổi tụ họp công cộng phải có giấy phép chính thức và từ chối cấp phép cho những cuộc hội họp, tuần hành, hay biểu tình mà họ cho là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều sự chống đối bộc phát vì vấn đề tịch thu ruộng đất bởi các viên chức tham nhũng, vì điều kiện lao động tồi tàn và luật lệ lao động thiếu sót, và vì vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Để phản ứng, lực lượng công an thường xuyên đàn áp những người tham dự các cuộc biểu tình, và nhiều nhà hoạt động hoặc đã bị bắt hoặc bị kết án tù lên tới 7 năm. Tự Do Tôn Giáo hay Tín Ngưỡng Mặc dù tự do tôn giáo được bảo vệ bởi Hiến Pháp Việt Nam; tuy nhiên, có nhiều nghị định hành chính liên quan giới hạn đáng kể tự do tôn giáo tại Việt Nam. Gần đây nhất, Nghị Định 92 được thông qua vào tháng Giêng năm 2013, càng mở rộng thêm sự kiểm soát của nhà cầm quyền đối với các nhóm tôn giáo. Tất cả các nhóm tôn giáo được yêu cầu tham gia một cơ quan giám sát do đảng kiểm soát bên dưới một tổ chức lớn có tên gọi là Mặt Trận Tổ Quốc. Những ai không chấp hành thường bị bắt hoặc bị sách nhiễu. Các nhóm tôn giáo là mục tiêu thường xuyên nhất của nhà cầm quyền bao gồm Hội thánh Cao Đài, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, các Hội thánh và nhà thờ tại gia Tin lành độc lập, Dòng Chúa Cứu Thế, và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Một thí dụ điển hình là chính quyền địa phương đang nỗ lực buộc Chùa Liên Trì, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ở địa điểm hiện tại đã gần 60 năm nay, phải di chuyển tới một địa điểm khác. Lý do chính là vì ngôi chùa này được sử dụng như là một trung tâm sinh hoạt cho một số tổ chức xã hội dân sự không được thừa nhận, trong đó có Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam. Tình hình hiện nay tại Việt Nam có thể được mô tả đúng nhất trong bản phúc trình của Báo Cáo Viên Đặc Biệt Liên Hiệp Quốc về Tự Do Tôn Giáo hay Tín Ngưỡng sau chuyến viếng thăm Việt Nam vào Tháng 7 năm 2014. Ông Heiner Bielefeldt đã viết trong phần tóm lược "Trong khi đời sống tôn giáo và sự đa dạng tôn giáo là một thực tế ở Việt Nam hiện nay, quyền tự chủ và hoạt động của các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng độc lập, tức là, những cộng đồng không được công nhận, vẫn còn bị hạn chế và không an toàn, khi mà các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của các cộng đồng này bị vi phạm rõ ràng với sự giám sát, đe dọa, sách nhiễu và đàn áp liên tục." Các quyền chính trị Việt Nam là một nhà nước độc đảng trong đó Đảng Cộng Sản Việt Nam có độc quyền vững chắc về chính trị. Sự độc quyền này được bảo đảm trong Điều 4 của Hiến Pháp, mới được sửa đổi năm 2013, trong đó xác định rằng Đảng Cộng Sản là lực lượng duy nhất "lãnh đạo nhà nước và xã hội". Như đã nêu ở trên, tất cả các đảng phái chính trị đối lập bị nghiêm cấm và bị đàn áp nặng nề. Thành viên của cơ quan lập pháp Việt Nam được bầu lên trong một cuộc tổng tuyển cử; tuy nhiên, tất cả các ứng cử viên phải được thông qua bởi Mặt Trận Tổ Quốc do ĐCSVN kiểm soát. Điều này khiến tổ chức Freedom House chấm Việt Nam điểm 7 về Quyền Chính Trị, với điểm 1 là cao nhất và điểm 7 là thấp nhất. Kết quả là ĐCSVN kiểm soát tất cả các ban ngành của chính phủ, và theo Freedom House "tư cách đảng viên thường được xem như là những phương tiện kinh doanh và quan hệ xã hội, vấn đề tham nhũng và gia đình trị trong đảng là một vấn đề liên tục." Trong Bảng Chỉ Số Tham Nhũng Năm 2014 của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, Việt Nam xếp hạng thứ 119 trong số 175 quốc gia trên thế giới. Mặc dù còn nhiều thách thức, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động dân chủ, các nhà trí thức, và ngày một đông cựu đảng viên cao cấp của ĐCSVN đã công khai kêu gọi cải cách chính trị và tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên nhà cầm quyền đã phản ứng bằng cách bắt bớ, sách nhiễu và đe dọa nhiều hơn; một sự đàn áp mà nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cho là tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua. Pháp Quyền Thay vì pháp quyền, nhà cầm quyền Việt Nam đã dựa trên "pháp trị", áp dụng các quy định chung chung về an ninh quốc gia để đàn áp các quyền cơ bản. Để hạn chế tự do ngôn luận, các nhà hoạt động đã bị buộc tội với những điều khoản mơ hồ trong bộ luật hình sự như "tuyên truyền chống nhà nước" (Điều 88), "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" (Điều 79), "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân." (Điều 258). Ngoài ra, hệ thống tư pháp Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSVN. Trong những trường hợp có động cơ chính trị, các vụ xử án thường được tiến hành một cách vội vàng, thiếu tính khách quan theo đòi hỏi của luật pháp quốc tế. Pháp luật Việt Nam cũng cho phép nhà cầm quyền "quản chế hành chánh" không qua xét xử, xem những người bất đồng chính kiến ôn hòa như là mối đe dọa tới an ninh quốc gia để quản thúc họ tại gia. Để tránh sự chỉ trích quốc tế, nhà cầm quyên đôi khi áp dụng những cáo buộc phi chính trị như "trốn thuế" để giam giữ những nhà hoạt động nổi tiếng. Một thí dụ là trong Báo Cáo Về Nhân Quyền Và Dân Chủ Năm 2014, Văn Phòng Bộ Ngoại Giao và Khối Thịnh Vượng Chung Vương Quốc Anh phân loại Việt Nam như là một "quốc gia cần quan tâm" với nhận xét như sau: "Có sự thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình trong toàn bộ hệ thống tư pháp. Chúng tôi quan ngại rằng nhà nước sử dụng tòa án để trừng phạt những người bất đồng chính kiến bằng cách truy tố họ về những vấn đề không liên quan. Thí dụ như trường hợp ông Lê Quốc Quân, bị kết án 30 tháng tù vì tội trốn thuế và bị xử y án tháng 2 năm 2014. Vưong Quốc Anh nhận định rằng ông ta bị tù chỉ vì đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về các vấn đề tôn giáo, tham nhũng, và cải cách ruộng đất, và phiên xử ông không được công bằng." Những Khuyến Nghị Trong phần kết, để bảo vệ nhân quyền và tối hậu là để hỗ trợ dân chủ tại Việt Nam, tôi xin đưa ra các khuyến nghị sau đay: 1. Kêu gọi phóng thích các tù nhân chính trị: Tôi kêu gọi chính phủ Canada cùng tham gia vào Kiểm Tra Phổ Quát Định Kỳ Liên Hiệp Quốc 2014, kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam "phóng thích ngay những tù nhân chính trị và những người bị bắt giữ vì bày tỏ một cách ôn hòa hay vì tín ngưỡng tôn giáo." Ước lượng hiện nay có hàng trăm tù nhân chính trị tại Việt Nam. Danh sách những tù nhân được nhiều người biết đến gồm có: Luật sư Lê Quốc Quân, các bloggers Ta Phơng Tần, Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Hữu Vinh; nhà đấu tranh cho quyền lợi đất đai của người dân Trần Thị Thúy; Nhạc sĩ Việt Khang; nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, Mục sư Dương Kim Khải và Nguyễn Công Chính; các nhà bảo vệ nhân quyền công giáo gồm Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu và Nguyễn Đặng Minh Mẫn. 2. Tiếp cận với xã hội dân sự. Tòa Đại sứ Canada tại Việt Nam nên tiếp cận và hỗ trợ những tổ chức quần chúng độc lập, đặc biệt là những nhóm chủ trương cải cách xã hội, cải cách luật pháp, và nhân quyền. Ngoài ra, việc tiếp xúc với những nhà bảo vệ nhân quyền và thân nhân của những người đang bị tù cũng là điều hữu ích. 3. Tập trung vào cải cách luật pháp: Chính phủ Canada có thể đòi hỏi việc hủy bỏ các Điều 79, 88, và 258 của bộ luật hính sự; và các Nghị Định 72, 92, và 174. Viên chức tòa Đại Sứ Canada nên yêu cầu được tham dự các phiên tòa chính trị và nhấn mạnh rằng chính phủ Việt Nam cần tôn trọng các quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận, và quyền thành lập những tổ chức dân sự. 4. Kết hợp quyền con người vào mối quan hệ song phương nói chung: Chính phủ Canada có thể kết hợp cải cách luật pháp và tự do internet vào chương trình nghị sự về phát triển giáo dục đại học và thương mại với Việt Nam, xây dựng lộ trình liên kết cải thiện nhân quyền với việc thắt chặt quan hệ kinh tế và an ninh; và tiếp tục nêu vấn đề nhân quyền trong tất cả những lần thăm viếng Việt Nam của cơ quan lập pháp và hành pháp. ##### Trong nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là chính phủ và nhân dân Canada, đã hỗ trợ cho nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi xin cám ơn quí vị về tất cả những gì quí vị đã làm. Chúng tôi tin tưởng rằng một nước Việt Nam tự do và dân chủ, nhân quyền được tôn trọng, là điều lợi ích nhất cho khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa. Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ của quí vị trong việc mang lại nhân quyền và dân chủ cho đất nước chúng tôi, để Việt Nam có thể trở thành một đối tác mạnh và đáng tin cậy cho một Đông Nam Á thịnh vượng và an toàn. Xin một lần nữa cám ơn quí vị cho phép tôi được có mặt ngày hôm nay và mong được cùng làm việc với quí vị trong tương lai. Theo http://www.viettan.org/%C4%90ieu-Tran-Ve-Tinh-Hinh-Nhan-Quyen.html
......

Hội nghị RightsCon về tự do ngôn luận và tự do internet

VRNs (27.03.2014) -Sài Gòn- Gần 500 tham dự viên của các tổ chức xã hội dân sự, các kỹ sư, các nhà hoạt động nhân quyền, các công ty phần mềm nổi tiếng trên thế giới và đại diện chính phủ của hơn 40 quốc gia đã nhóm họp tại  Manila, Philippines từ ngày 24-25/3 trong Hội Nghị RightsCon năm nay, nhằm cổ võ cho tự do Internet và tự do ngôn luận trong khu vực Đông Nam Á. Mục đích của Hội nghị nhằm đưa ra những phương cách bảo vệ tự do ngôn luận và quyền sử dụng cho người dùng internet. Hội nghị lần này do công ty Access đứng ra tổ chức chính và đồng tổ chức có công ty EngageMedia và Foundation Media Alternatives. Trong bối cảnh thời đại kỹ thuật số và xã hội dân sự đang phát triển, Hội Nghị RightsCon hướng đến các mục tiêu sau: . Hướng dẫn và trợ giúp quyền cho những người sử dụng internet đặc biệt trong bối cảnh Đông Nam Á là vùng xã hội dân sự chưa phát triển cao, cách riêng tại Việt Nam. . Hội nghị RightsCon tạo cơ hội cho các tổ chức dân sự bày tỏ ý kiến và chia sẻ câu chuyện của mình với các tham dự viên khác, nhờ đó thế giới biết rõ hơn tình hình về tự do ngôn luận trong đất nước của mình. . Về phía các công ty phần mềm thế giới sẽ biết rõ hơn về những thách đố mà họ phải đối mặt, nhờ đó họ sẽ cải tiến những sản phẩm của mình để đáp ứng những nhu cầu cho người sử dụng. . Các tổ chức nhân quyền và trợ giúp luật pháp hướng dẫn và hỗ trợ cho những nhà hoạt động dân sự trong khu vực của mình. . Cuối cùng Hội Nghị đề ra các chiến lược hợp tác giữa các nhóm với nhau trong khu vực để hướng đến một xã hội dân chủ và bảo đảm quyền cho người sử dụng internet hơn . Trong số tham dự viên đến từ Việt Nam có đại diện của tổ chức dân sự “Bầu Bí Tương Thân”; Hội Anh Em Dân Chủ và Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Ngoài ra trong nhóm người Việt lưu tâm đến tình hình tự do ngôn luận tại Việt Nam còn có đại diện của Việt Tân, đài RFA, Chân Trời Mới…. Trong gần 100 đề tài khác nhau liên quan đến tực do ngôn luận và tự do internet có phần trình bày của nhóm Việt Nam về đề tài “Dân Báo Việt Nam”. Trong phần này bà Libby Liu, Tổng Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do, là người điều phối chính. Đại diện truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam, Lm Giuse Trương Hoàng Vũ trình bày tổng quát về sứ mạng truyền thông của website: chuacuuthe.com. Sứ mạng loan báo Tin Mừng là sứ mạng ưu tiên của trang web này. Trong khi thi hành sứ mạng ấy, trang web liên đới với những hoạt động của xã hội dân sự và là tiếng nói vừa trung thực vừa đa chiều nhằm phát triển một xã hội lành mạnh, giúp phát  triển nhân quyền và tôn trọng phẩm giá con người. Tuy nhiên khó khăn mà trang web này đối mặt là người sử dụng rất khó truy cập để tiếp cận thông tin. Ngoài ra tổ chức dân sự “Bầu Bí Tương Thân”, nhóm Anh em Dân Chủ cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình về những khó khăn trong khi hoạt động. Ông David Kaye, Đặc Phái Viên Liên Hiệp Quốc về Tự Do Nhân Quyền có trụ sở chính tại Thụy sĩ đã lắng nghe và thấu hiểu về tình hình tự do nhân quyền tại VN, cũng như những khó khăn mà các anh em này đã gặp phải. Với tư cách là đặc phái viên LHQ về tự do nhân quyền, ông rất muốn đến VN để đàm phán với Chính Phủ VN về tự do nhân quyền nhưng phía VN chưa có lời mời chính thức. Các tổ chức tham dự Hội Nghị RightsCon hứa sẽ giải đáp và khắc phục cho chúng ta về những vấn đề sau: Làm sao để giữ bí mật thông tin khi trao đổi với nhau trên internet? Đây là một khó khăn cho giới hoạt động nhân quyền chưa có cơ hội được tiếp nhận những khóa học về kỹ thuật bảo mật internet. Ông Gary Garriott, Giám đốc của tổ chức Internews, một tổ chức chuyên bảo mật thông tin, có trụ sở đặt tại Washington, DC hứa sẽ hỗ trợ những khóa học cho những người hoạt động nhân quyền tại Việt Nam nhằm bảo đảm khá tuyệt đối những thông tin trao đổi với nhau trong giới hoạt động thông qua phần mền bảo mật Martus. Đây là một phần mềm ưu việt nhất hiện nay nhằm bảo vệ những thông tin cách tuyệt đối khi được chia sẻ cho nhau dựa trên nguyên lý “hai chìa khóa”. Đây là một cơ hội cho những  người đang hoạt động nhân quyền muốn trao đổi thông tin cho nhau trong một đất nước mà những thông tin dễ dàng bị kiểm soát. Chúng ta có thể liên lạc với ông để được hướng dẫn và trợ giúp qua địa chỉ email: ggarriott@internews.org hoặc skype: ggarriott Làm sao biết được thông tin của mình đã bị kiểm soát và cách nào để khắc phục? Ông Damar Juniarto, giám đốc công ty Safenet (bảo mật Internet) có trụ sở đặt tại Jakata, Indonesia sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho những ai muốn học hỏi thêm vấn đề này. Chúng ta có thể truy cập vào website của công ty (web: id.safenetvoice.org) để tìm hiểu, hoặc liên lạc trực tiếp với anh kỹ sư Duren Tiga Ray qua địa chỉ email info@safenetvoice.org để được hướng dẫn. Về mặt pháp lý trong việc thông tin của chúng ta bị đánh cắp trên internet thì sao? Chúng ta có thể nhờ đến những tổ chức trên thế giới bảo vệ cho chúng ta về mặt luật pháp. Ông Peter Noorlander hiện là Giám đốc điều hành tổ chức Media Legal Defence Initiative, một tổ chức chuyên hỗ trợ pháp lý cho hoạt động truyền thông có trụ sở chính đặt tại London. Nếu thông tin của chúng ta bị đánh cắp, chúng ta có thể nhờ đến luật pháp quốc tế lên tiếng bảo vệ cho chúng ta. Chúng ta có thể liên lạc trực tiếp với ông qua địa chỉ email: peter.noorlander@mediadefence.org hoặc nói chuyện trực tuyến qua địa chỉ skype: peter.noorlander.mldi Pv. VRNs Theo chuacuuthe.com
......

Hoa Kỳ Đang Bỏ Trung Đông ? Bỏ Do Thái ?

Ngoài các căn cứ hải quân Mỹ đang đóng ở hai bờ tây và đông Hoa Kỳ, chúng ta thấy rằng đa số các căn cứ hải quân  Mỹ tập trung nhiều quanh vùng vịnh Persian . Đây là điều hợp lý vì nhu cầu gia tăng dầu khí thế giới sau Thế Chiến Hai tăng cao vùn vụt và Mỹ cũng hòa nhịp với thế giới thi nhau hút nguồn dầu thô coi như 'vô tận' tại Trung Đông .   Hoa kỳ cũng như các cường quốc kinh tế đều biết rằng 2/3 trữ lượng dầu và 1/3 trữ lượng khí đốt đều trong tay vài nước quanh vùng Vịnh (Persian Gulf) . Chúng ta không lạ gì các tổ chức bảo vệ quyền lợi các quốc gia có dầu tại Trung Đông ra đời mà OPEC là tổ chức cuối cùng . Và điều dễ hiểu các căn cứ hải quân đa số đều đóng quanh vùng vịnh cùng sự bố trí của Đệ Ngũ Hạm Đội Mỹ tại đây . logo 5th Fleet & bản đồ trách nhiệm của Hạm Đội 5 Hoa Kỳ Sự phát triển kinh tế thế giới sau thời kỳ Chiến tranh Vn (Vietnam War) và sau Chiến Tranh Lạnh (Cold War) cho chúng ta thấy sự xuất hiện một cường quốc kinh tế hàng chế xuất (Manufacturing Economy ) là Trung Hoa và sự tiêu thụ dầu thô ào ạt từ quốc gia này cũng không lạ gì cho tuyến dầu thô đậm nét từ Vùng Vịnh tới Đông Nam Á , xuyên qua Biển Đông là có giá trị hàng hóa lớn nhất trong giá trị hơn 5 ngàn tỷ mỹ kim qua vùng biển này .       Giá dầu từ 1987 đến nay MỌI SỰ THAY ĐỔI VÌ DẦU Từ cuối năm 2014 cho đến hôm nay tháng giêng 2015 giá dầu thô tiếp tục trụt giá trầm trọng . Theo CƠ Quan Dự Đoán Năng Lượng Quốc Tế IEA (International Energy Agency’s World Energy Outlook)thì Mỹ sẽ vượt Ả Rập về nguồn cung dầu vào năm 2020 và tự túc hoàn toàn về năng lượng vào năm 2030 dựa vào các yếu tố: -canh tân kỹ thuật khoan dầu trong nước -tăng mức xử dụng nguồn lợi khổng lồ về phiến dầu (shale oil) -ứng dụng các nguồn năng lượng thay thế như biogas , ethanol , solar eneggy 1 mỏ lộ thiên khai thác phiến dầu Shale oil tại Colorado MỹDầu phiến của Hoa kỳ ước lượng dự trữ tới 1500 tỷ barrels dầu-- nhiều gấp 5 lần dầu phiến của Arab Saudi Những điều này, theo IEA có thể hạ giảm tới 90% mức nhập dầu từ Trung Đông sang Mỹ  ngoài trừ các đầu mối cung cấp gần như Canada, Venezuela và các nước gần nơi có giá dầu thô hạ nhất do khoảng vận chuyển quá gần làm giá dầu nhập không thể nào cao được . Bao lâu nay giá dầu cao do tuyến vận chuyển dầu đường dài nay giá dầu hạ không làm thiệt hại kinh tế Mỹ nhưng lại là sự thiệt hại cho các nước khối OPEC , Trung Đông hiện nay không nước nào chịu giảm sản lượng để nâng giá dầu . Theo IEA , họ tiên đoán rằng các nước Á Châu trong tương lai gần sẽ theo bước Hoa Kỳ giảm tới 90% dầu nhập từ Trung Đông , rất dễ hiểu họ sẽ mua dầu từ Nam Mỹ ngay cả từ Hoa Kỳ vì cước phí vận chuyển gần hơn . ÂU CHÂU không huởng lợi gì từ giá dầu hạ khi mức thất nghiệp tăng cao cùng nguồn thu hạ của Trung Đông sẻ giảm mức nhập hàng từ các nước này trong lúc kinh tế EU chưa vực lại . CHUYỆN KHÔNG ĐƠN GIẢN LÀ GIÁ DẦU HẠ Khi cái túi dầu Trung Đông không còn quan trọng đối với Mỹ thì các lực lượng quân sự Mỹ tại Trung Đông sẽ giảm vai trò CẢNH SÁT đối với các mỏ dầu và tuyến dầu quan trọng tại đây sẽ làm lung lay sự cân bằng,  lấy thí dụ Eo Biển Hormuz ( Strait of Hormuz ) không còn bóng dáng hải quân Mỹ .  Gần hai nhiệm kỳ của tt Barack Obama nếu để ý chúng ta thấy mối liên hệ Mỹ -DO thái , Mỹ -A Rập Saudit mờ nhạt dần.  Ví dụ đối với Do Thái, chính quyền Obama đã mô tả Netanyahu  như sau " ngoan cố, cận thị, phản động, chậm hiểu, hăm dọa, rình rang, ... "( Jefrey Godlberg, The Crisis in U.S.-Israel Relations Is Officially Here ) chẳng qua là khối dầu Trung Đông dần dà không là vấn đề "chết sống" đối với nền kinh tế Hoa Kỳ! Netanyahu - Obama   Nước Mỹ hàng năm tốn nhiều tỷ đô la cho an ninh Do Thái " cho người xung kích năng hoạt nhất "  mỗi khi khoảng trống quân sự của Mỹ xảy đến cho Vùng Vịnh thì Do Thái là người thiệt hại thứ Nhất . VÀ NHỮNG THÁCH THỨC CHO TRUNG CỘNG KHI MỸ RÚT KHỎI TRUNG ĐÔNG ? Mỹ đang có khối dầu an toàn sẵn sàng cho Nhật và Nam Hàn nhưng các nước Đông Á sẽ là những kẻ thiệt hại thứ hai khi Mỹ rút khỏi Trung Đông .  Tương tự Kênh Đào Suez bắt đầu mở cửa vào tháng 11 năm 1869; chúng ta tưởng cũng nên nhắc lại một ít về quá khứ của Kênh Đào Suez, trước tiên thuộc quyền kiểm soát của Pháp sau Anh quốc nắm quyền do sự cần vốn của Ismail người muốn canh tân Ai Cập nên Anh quốc đã thắng quyền làm chủ  . Nhiều cuộc chiến đã xảy ra suốt hai trận thế chiến và sau thế chiến Hai có liên quan đến kênh đào này mãi cho đến năm 1962 Ai Cập mới có toàn quyền cai quản nó . Kể từ thế kỷ 17 sau gần 2 thế kỷ Hoa kỳ lập nên chế độ cộng hòa, nước Mỹ không liên quan gì đến vùng này cho đến Thế chiến Hai. Khi nước Mỹ trổi dậy với nhu cầu to lớn về dầu hỏa  thì không ai hất nỗi chân Mỹ ra khỏi vùng dầu Trung Đông cho đến hiện nay là thời điểm nước Mỹ "tự động rút lui " . Ai sẽ thay thế Mỹ làm người 'Cảnh Sát' tại vùng Vịnh hay canh giữ eo biển Hormuz , cùng ngay cả kênh đào Suez thay thế Mỹ ngoài Trung Cộng ?   Tại sao chúng ta nghĩ Trung Cộng ? Đường màu xanh chỉ tuyến dầu qua Trung Cộng đến từ vùng Vịnh   Trung Cộng là nước mua dầu nhiều từ Trung Đông hiện tại thì phải gánh lấy vai trò này nếu không muốn nền kinh tế chế xuất chết cứng vì không có dầu . Nhìn vào lực lượng hải quân của Trung Hoa hiện tại chưa đủ sức bảo vệ bờ biển của họ thì điều này là bất khả thi trừ Mỹ . Tương lai Mỹ sẽ trở thành người bán dầu, nhưng hiện tại các nước Đông Á đang lệ thuộc dầu từ Vịnh Persian là chuyện thực tế trước mắt .   Tiếp đến khi nước Mỹ độc lập về năng lượng , hay nói cách khác khi cái "ô quân sự " tại Vùng Vịnh của Mỹ rút lui sẽ có người MẤT RẤT LỚN đó là các vương quyền tại Trung Đông đang sở hữu trong tay nguồn DẦU -ĐÔ LA và lệ thuộc vào quân sự Hoa kỳ nhất là hải quân  .Chúng ta chứng dẫn cụ thể là vương quyền Saudi Arabia, Morocco, Jordan, Kuwait, Bahrain, the UAE, Qatar and the Sultanate of Oman trong đó giàu mạnh nhất là Arab Saudi.Bản đồ có gạch chéo là các vương quyền A Rập Chúng ta sẽ chứng kiến người dược lợi nhất là IRAN vì không còn sự đe dọa của lực lượng hải quân Mỹ tại đây. Iran hơn bao giờ hết ước mơ là một cường quốc Hồi Giáo hạt nhân tại vùng Vịnh . Mong muốn này bao lâu nay bị Tây phương nhất là Mỹ ngăn chận . Tuy thuộc Hồi giáo nhưng Iran đa số theo hệ Shiite khác với Arab Saudi theo hệ pháo Sunni . Sự trổi dậy của Quốc Gia Hồi giáo Cực Đoan ISIS là một vấn đề thách thức lớn cho vùng Trung Đông khi Mỹ để lại khoảng trống lớn tại đây. Giáo chủ tối cao Iran : Ali Khamenei. Chấp giáo  4 June 1989, quyền hành cao hơn cả tổng thống Iran. NGƯỜI DÂN MỸ SẼ LÀ QUYẾT ĐỊNH Theo Bloomberg News 25-1-2015, có tới 45 trong 53 kinh tế gia Hoa kỳ cho rằng kinh tế Hoa kỳ đang trên đà hồi phục với những tín hiệu giảm lạm phát cùng tín hiệu Quỹ Dự Trữ Liên Bang FED Mỹ sẽ tăng phần trăm tiền lời trở lại vì cho la `nước Mỹ đã qua khủng hoảng kinh tế . MỖI KHI người dân Mỹ thấy được lợi ích từ giảm thiểu tốn phí thuế để nuôi đội quân hải ngoại tại Trung Đông, khi giá dầu rẻ đang thúc đẩy công ăn việc làm thêm và sự tiêu dùng tại quốc nội thì sự quyết định của cử tri sẽ là ' DẤU CHẤM HẾT ' cho vai trò của Mỹ tại Trung Đông . Từ điểm này, ai hay nghĩ đến thời cuộc sẽ hình dung vai trò ai là kẻ bắt buộc nhảy vào cuộc chơi thế chân Mỹ tại Trung Đông ? Liệu bao nhiêu chiếc 'Liêu Ninh' này mới ngang hàng với Hạm Đội 5 của Mỹ ? Hãy để cho Trung Cộng đem QUÂN GIẢI PHÓNG TRUNG HOA CÙNG CHIẾC HÀNG KHÔNG MẪU HẠM LIÊU NINH ' hàng phế thải' qua trấn giữ eo biển Iran và Vịnh Persian vì Tàu là kẻ dùng dầu nhiều nhất hiện nay ? Qua mấy mươi năm 'đổi mới ' từ thời hậu Mao tức là Đặng tiểu Bình , Tàu là kẻ thừa huởng mối lợi do lực lượng quân sự Mỹ trấn giữ Trung Đông để tha hồ mua dầu  nhưng không ' trả xu nào ' cho Mỹ ?  TIẾN THỐI VẠN NAN CHO VIỆC 'DĨ LỠ ' thế "leo lưng cọp " TẠI BIỂN ĐÔNG    Nếu Trung cộng gia tăng sự có mặt hải quân tại Trung Đông thì 'lực lượng răn đe' tại Biển Đông và Đông Bắc Á sẽ thưa đi. Nhưng muốn có dầu thì phải ít nhiều gì phải có lực lượng thế Mỹ tại vùng Vịnh, một thực tế mà Trung Cộng hoàn toàn chưa có đủ ngoài trừ lực lượng dọa nạt CSVN tại Biển Đông hay hù dọa các nước Đông nam Á thôi. Không có cái gì VĨNH CỮU kể cả chuyện SỐNG NHỜ TRÊN XƯƠNG MÁU KẺ KHÁC . DÒNG KẾT NGẮN GỌN Sự Hạ giá dầu , và VAI TRÒ RÚT LUI CỦA LỰC LƯỢNG MỸ tại Trung Đông là những  gì phải đến khi Mỹ trở về một chuyện tính trước từ thế kỷ 20 là    * KHAI THÁC DẦU KHÍ NỘI ĐỊA HOA KỲ     *định hình lại một nền kinh tế không lệ thuộc vào dầu nhưng lệ thuộc vào cuộc CHẠY ĐUA KỸ THUẬT CHO THẾ KỶ 21   Đây chưa hẳn hoàn toàn là một 'GAME CHƠI ' của Mỹ đối với Nga, Trung đông, EU, kể cả Tàu mà đây là một giai đoạn trong  chuỗi CHIẾN LƯỢC KINH TẾ CHÍNH TRỊ LIÊN THẾ KỶ mà các đầu não chính trị Hoa kỳ ( think tank ) tính trước . Chỉ tiếc cho các chế độ THIẾU VIỄN KIẾN, hay nhìn cái lợi trước mắt (theo lối "trực quan"), đến nay đang và sắp bước vào rối loạn. DHL -BA SOCIAL SCIENCE SJSU
......

Thế Giới Trong 10 Năm Tới (2015-2025)

Viện nghiên cứu Stratfor sắp cho ra bản dự báo về thế giới trong 10 năm tới, từ 2015 đến 2025. Viện chỉ làm việc này mỗi 5 năm một lần và có một video ngắn 6.5 phút để giới thiệu tóm lược. Dưới đây là phần hỏi đáp giữa ông David Judson, chủ bút Strafor và ông George Friedman, chủ tịch Stratfor. David Judson: Hi, tôi là David Judson, chủ bút tờ Stratfor. Hôm nay với tôi là George Friedman, người sáng lập và là chủ tịch của chúng tôi, và những gì chúng tôi muốn nói đến là điều chúng tôi không làm thường xuyên. Đây là dự báo 10 năm mà chúng tôi làm mỗi 5 năm. Từ nay đến năm 2025 sẽ có một số nguời ở đây xoay đầu ngạc nhiên, George. Các lực lượng ly tâm ở Nga có vẻ như đảo ngược, trong ý nghĩa so với những gì chúng ta đã thấy cách đây 5 năm, cuối cùng sẽ dẫn đến sự đối đầu về vũ khí hạt nhân, không nhất thiết là một sự đối đầu về vũ khí này, mà là một cuộc khủng hoảng về việc quản lý nó. Sự suy yếu biên cương quốc gia ở Trung Đông liệu có chấm dứt - có phải Sykes-Picot đang chết (thoả hiệp bí mật Anh-Pháp chia Trung Đông trong Thế Chiến I) - trong khi ngược lại biên cuơng quốc gia ở châu Âu lại mạnh lên. Những gì chúng ta gọi là PC-16 (16 nước hậu Trung Quốc), sự khuếch tán công nghiệp sản xuất cấp thấp của TQ vào các nước khác. Và cuối cùng tôi nghĩ ngạc nhiên lớn ở đây là Đức và Ba Lan. Ông dự báo rằng đây là khởi đầu của một sự suy yếu lâu dài của Đức và sự trừng lên của Ba Lan. Ông có thể nói về điều này một chút? George Friedman: Vâng, Đức hiện đang xuất khẩu 50% của GDP. Năm 1990 Đức xuất khẩu dưới 24%. Cho nên, khi Đức phát triển, xuất khẩu đã tăng mạnh. Nhưng nó không bền vững. Nó không bền vững vì khả năng xuất khẩu phụ thuộc vào sức khỏe kinh tế của các khách hàng. Và châu Âu không khỏe. Nhưng ngay cả khi châu Âu khỏe mạnh, thì khả năng cho một nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới để giữ địa vị này bằng cách dựa vào xuất khẩu đến 50% GDP của nó thì không bền vững. Điều đó, cùng với thực tế là dân số của Đức bắt đầu co cụm lại, dù không phải là điều quan trọng, nhưng nó thực sự có nghĩa là Đức đang lên tới đỉnh cao quyền lực của mình. Đức không thể duy trì điều này lâu dài được. Trong khi đó, nuớc bạn bên cạnh là Ba Lan, đã có một quá trình kinh tế khá đáng kể, đặc biệt là từ năm 2008 đến nay khá tốt. Dân số Ba Lan duy trì sự ổn định và trên đồng bằng Bắc Âu, với Nga suy yếu nghiêm trọng và Đức đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, Ba Lan nằm ở giữa không những là một quốc gia trong hình dạng tốt, nhưng còn phát triển mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ. David: Đi nhanh qua một vấn đề khác, các nước mà chúng ta tạm gọi là PC-16, nó nhận sự khuếch tán các nền tảng công nghiệp của Trung Quốc mà ông cho rằng sẽ tiến nhanh trong thập kỷ tới. George: Chủ nghĩa tư bản toàn cầu hầu như luôn luôn là dựa vào mức lương thấp và nền kinh tế tăng trưởng cao. Trong những năm 1880s và 1890s là Hoa Kỳ. Sau chiến tranh là Nhật Bản, Trung Quốc thay thế Nhật Bản. Bây giờ Trung Quốc không còn là một nền kinh tế tăng trưởng cao. Nó giảm tăng trưởng. Nó đạt đến trạng thái bình thuờng mới. Cho nên câu hỏi là nơi nào nó sẽ đi. Chúng tôi nhận diện được 16 nuớc mà sự tăng trưởng này đã bắt đầu diễn ra. Thật thú vị. Nó chung quanh vùng trũng Ấn Độ Dương, nhưng cũng bao gồm các nước mà bạn không nghĩ đến như Đông Phi - Ethiopia, Uganda, Kenya, và Tanzania. Đây là những quốc gia đang trải qua một số thay đổi khá đáng ngạc nhiên, nhưng cũng bao gồm Đông Nam Á và một số nước ở châu Mỹ Latin. David: Khái niệm về cái chết của Sykes-Picot, của quốc gia đang được thay thế bởi chủ nghĩa phe phái. Và chúng ta thấy gần như hàng ngày, nhưng ông dự đoán rằng điều này như một loại bình thường mới. George: Chúng ta đã nhìn thấy sự tan rã của quyền lực Syria, của đất nước Syria. Đã có các loại nhà nước xuất hiện trên một phần của nó. Iraq hiện nay đã tan rã. Thống đốc Baghdad có rất ít quyền lực. Các phe phái đang nắm quyền lực. Chúng ta cũng đang nhìn thấy điều này ở Libya. Chúng ta không biết liệu nó sẽ lây lan sang phần còn lại của bán đảo Ả Rập, Ai Cập, Algeria. Nó có thể tự giới hạn lại, nhưng chúng ta chắc chắn đã nhìn thấy rằng các quốc gia được xây dựng lên bởi các đế quốc châu Âu sau Thế chiến I đã không chỉ không còn chức năng, nhưng đại loại không còn tồn tại. Và những gì thay thế nó là các phe phái nhỏ, không thể bị tiêu diệt, và không thể tiêu diệt các nhóm khác. David: Tôi sắp kết thúc, bởi vì chúng ta không nói về Hoa Kỳ nhiều trong Stratfor. Nhưng dự báo này thì có. Và nó kết luận là sự khủng hoảng sắp tới của tầng lớp trung lưu. George: Vâng, nó không phải là một cuộc khủng hoảng của sự bất bình đẳng, như nhiều người muốn gọi nó. Nó chỉ đơn giản là một cuộc khủng hoảng thu nhập. Thu nhập trung bình của hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu bây giờ là $50.000 một năm. Sau khi trừ các loại thuế, sống ở bên ngoài các khu đô thị lớn, nó sẽ còn khoảng $40.000 một năm. Với $40.000 một năm, bạn có thể mua một ngôi nhà rẽ tiền, có lẽ là một chung cư. Bạn có thể có một chiếc xe hơi. Bạn có thể có một cuộc sống tối thiểu. Giới trung lưu nằm duới không còn có thể có được điều đó. Cho nên, chúng ta đã đi đến cái điểm trong xã hội Mỹ, nơi mà những điều người Mỹ hy vọng sẽ có được nếu họ làm việc, đang bị gạt ra ngoài. Tầng lớp trung lưu với thu nhập trung bình hiện nay chưa đi đến độ đó. Nhưng cách mà mọi thứ đang chuyển dịch, nó sẽ đến. Vì vậy, chúng ta đang đi về phía mà tôi gọi là chu kỳ mỗi 50 năm của cuộc khủng hoảng ở Mỹ, lần cuối cùng là vào những năm 1970s và lên tới đỉnh điểm trong cuộc bầu cử tổng thống Ronald Reagan. Và trong những năm 2020s chúng ta sẽ chứng kiến cuộc khủng hoảng tăng tốc cho tầng lớp trung lưu, liệu họ thể sống giấc mơ Mỹ của mình. David: Rất nhiều thách thức hướng tới năm 2025. Chúng tôi sẽ xuất bản dự báo này, cứ 5 năm một lần nếu có thể gọi nó như vậy, vào thứ Hai 23/2. Hãy tham gia cùng chúng tôi vào thứ Hai và chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin chi tiết. Cảm ơn rất nhiều cho thời gian của ông, George. George: Cảm ơn (Lê Minh Nguyên dịch - 20/2/2015) www.goo.gl/7V4hl8
......

Người Trung Quốc thống trị thủ đô thời trang của Ý

FLORENCE, Ý (NV) - Ngành kỹ nghệ dệt may nổi tiếng của Ý đang đổi thay thấy rõ khi hàng ngàn người Trung Quốc lũ lượt kéo đến định cư tại thị trấn Prato, nằm gần thành phố Florence. Theo MarketPlace.org, họ mua lại các doanh nghiệp của người địa phương để bắt đầu sản xuất hàng đóng nhãn “Made in Italy.” Người Trung Quốc làm việc trong ngành thời trang ở Prato, Ý. (Hình: Fabio Muzzi/AFP/Getty Images) Khoảng 4,000 xưởng may của người Trung Quốc tại Prato đang sản xuất chừng 1 triệu áo quần mỗi ngày. Nhu cầu sản xuất hàng loạt với gia công giá rẻ gọi là “thời trang nhanh,” khiến các công nhân làm việc chen chúc trong các xưởng may phải cố chạy theo cho kịp. Ông Xu Lin, chủ xí nghiệp may người Trung Quốc đóng trụ lâu năm ở Prato, nói không có người Trung Quốc vào đây tình hình sẽ tệ hại hơn nhiều. Ông Lin tiếp: “Người Trung Quốc mua len của Ý từ các công ty tại đây. Người Trung Quốc cũng tạo việc làm cho người Ý một khi ngành thời trang nhanh tăng trưởng mạnh.” Sự kiện này có thể gây tổn thương đến niềm kiêu hãnh của người dân địa phương khi người Trung Quốc sản xuất đồ thời trang nhanh hơn người Ý. Hậu quả, giá thành bị kéo xuống thấp hơn chỉ mới là một phần của vấn đề, áo quần do người Trung Quốc sản xuất tại đây đóng nhãn “Made in Italy” dễ đánh lận con đen với hàng thời trang truyền thống của Ý. Cô Lu Chen, người mẫu sống lâu năm ở Milan, nói rằng về phương diện thiết kế thời trang thì hiện thời người Trung Quốc thiếu óc sáng tạo, mà chỉ sở trường về bắt chước. Cô Chen nói cô không nghĩ họ có khả năng như người Ý để thăng tiến hơn về thời trang. (TP) Theo nguoi-viet.com
......

CHIẾN TRANH và TỴ NẠN

Thời tiết mùa đông lạnh buốt, những cánh tuyết rơi trắng lấp cỏ cây, tôi ngồi ở phòng khách có sưởi ấm xem Tivi thật thoả mái, ấm áp... Nghe phần tin tức tường thuật về các trận chiến ở Syria, những đoàn người chạy giặc phần lớn là đàn bà trẻ em …đã gợi tôi nhớ lại thân phận người Việt Nam chúng ta cũng đã trải qua cuộc chiến tương tàn khoái lửa đốt cháy quê hương cách đây 40 năm... Từ năm 1965, những vùng quê hẻo lánh ở miền Trung cách xa quận lỵ hay thành phố bị „Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam„ chiếm bắt thanh thiếu niên, phụ nữ vào du kích, đi dân công, đào địa đạo, vót chông, đóng thuế nuôi quân và những người VC nghi ngờ thân Quốc gia bị bắt đi không bao giờ trở lại…Phần lớn dân quê bỏ nhà cửa ruộng vườn, về thành phố hay quận lỵ thuộc vùng Quốc gia để sống gọi là tỵ nạn CS. Được chính quyền VNCH giúp đỡ cấp tôn, cây gỗ để làm nhà, trợ cấp thực phẩm để sống trong thời gian đầu như ngoại ô Hội An có: Xóm Mới, Cẩm Hà, Khổng Miếu, trại Nông là những khu đất trống hay những bãi cát vàng bỏ hoang được lập thành trại tị nạn. Ở Đà Nẵng vùng ngoại ô như: Phước Tường, Hoà Khánh, Đò Xu, Cẩm Lệ, ngã ba Cây Lan, biển Thanh Bình, An Hải (biển Mỹ khê) là những nơi người tị nạn về sinh sống, an toàn không sợ bom đạn hay bị VC bắt giết chụp mũ tay sai phản động...Nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam giửa hai chế độ Quốc Gia và Cộng Sản hơn 20 năm khoái lửa điêu linh, đại lộ kinh hoàng từ Quảng trị vào Huế đẩm máu của người dân vô tội bỏ chạy lánh nạn CS, nhưng không có người dân nào bỏ nước ra đi. Sau 30.04.1975 chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước dù không còn nghe tiếng súng, nhưng đời sống dân VN trở nên khủng khiếp, tàn nhẩn hơn với chính sách tập trung cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền, đuổi người đi vùng kinh tế mới…Từ đó phát sinh làn sóng người vượt biên bằng đường bộ, vượt biển đi tìm tự do. Chúng ta đánh đổi mạng sống của mình trên biển với phong ba, bảo tố, hải tặc… Các Quốc gia vùng Đông Nam Á chấp nhận cho người Việt Nam trôi dạt vào bờ vào đảo, sống chen chúc trong những khu riêng dành cho người tị nạn ở Galang, Pulau Bidong (Indonesia), Songkla (TháiLan), Palawang (Philippines), Malaysia, Singapor, Hongkong... Được Cao Uỷ Tị Nạn (Office of the United Nations High Commissioner for Refugees (UNHCR), giúp đỡ lương thực sống qua ngày, các nước tự do trên thế giới mở vòng tay nhân ái đón nhận người Việt đi định cư. Hơn 35 năm qua đời sống người Việt khắp nơi trên thế giới hội nhập tốt đẹp, ngày xưa CSVN gọi người tị nạn bỏ nước ra đi là „bọn lưu manh, đỉ điếm, kinh tế, tay sai…“. Chính những người Việt tỵ nạn nầy hàng năm gởi về nước trên 10 tỷ USD giúp thân nhân, từ thiện, nhà cầm quyền CSVN có một số ngoại tệ lớn. Riêng ở Đức tiến sĩ Rupert Neudeck cựu chủ tịch Cap Anamur, đã vớt 11 ngàn người Việt trên biển Đông định cư ở Đức, ông rất hảnh diện về sự thành công của người Việt Nam ông từng tuyên bố „tôi là người Việt Nam“ trong dịp kỷ niệm 35 năm Cap Anamur (1979-1914) cứu người Việt Nam trên biển Đông. Trong những năm qua xảy ra nội chiến ở Trung Đông, Phi Châu, Syrien,..Làng sóng người vượt biển Hồng Hải đến các nước ở Âu Châu tị nạn chiến tranh hàng triệu người đủ các dân tộc ở Phi Châu, Syria, Iraq, libya, Nigeria… phần đông họ theo đạo Hồi Giáo các phái Shiite-Sunni. Hàng năm, các Quốc gia Âu Châu có chương trình giúp đỡ Thế Giới Thứ III cho 18 triệu người nghèo đói Phi Châu, theo các nhận định của giới truyền thông số người tỵ nạn sẽ lên tới 50 triệu người muốn di dân đến Âu Châu vì lý do kinh tế. Năm 2014 chính phủ Đức nhận 200 ngàn người tị nạn, số tiền trung bình của các tiểu bang cho mỗi đầu người trong một năm 6.700€  (bản tính theo Focus), nhiều tiểu bang giàu cấp khoảng 12.500€ cho mỗi người chưa tính tiền bảo hiểm sức khoẻ. Theo thống kê phân chia số người tỵ nạn đến 10 quốc gia Âu Châu. Đức và Thụy Điển (Schweden) phải nhận 50%! Đời sống Âu Châu cũng không tránh khỏi khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp tăng như: Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp…Nước Đức được xem là vững mạnh nhất về kinh tế, nhưng số người thất nghiệp khoảng 3 triệu người (phần lớn người dân thuộc Đông Đức cũ). Tiền lương hàng tháng mỗi người đi làm vẫn còn bị trừ khoảng tiền „Đoàn kết/ Solidaritätszuschlagt“ giúp xây dựng phiá Đông (dù đã thống nhất hơn 25 năm). Bởi vậy làng sóng người tỵ nạn đến trong giai đoạn nầy không được như xưa. Trong những tháng vừa qua phong trào Pegida bộc phát từ Dresden hàng chục ngàn người xuống đường biểu tình chống người Hồi Giáo di cư, “Islamisierung“. Ở Paris nhóm theo Hồi giáo bắn chết các ký giả và nhân viên tại văn phòng báo Charlie Hebdo, sự dã man trong vụ thảm sát đó làm tổn thương tự do ngôn luận, khi sự thịnh nộ đang xâm chiếm và đè nặng tâm hồn của con người trong thế giới tự do. Đã làm cho nhiều người với con mắt không thân thiện mất cảm tình với người theo đạo Hồi. Những người tỵ nạn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, đáng thương họ bị ngấm ngầm kỳ thị. Đời sống mới ở Âu Châu không còn đói khổ, nhưng bị kỳ thị là một nỗi đau thương của người dân rời bỏ quê hương! Với trình trạng càng ngày càng nhiều người Đức ít sinh con, đối với làng sóng di cư đến Đức như hiện nay thì khoảng 50 năm sau, không còn là một xứ Đức theo Thiên Chúa, mà sẽ trở thành một đất nước Đức mới bị Hồi giáo hoá. Gia đình người theo đạo Hồi di cư tới Đức sinh con nhiều, mỗi gia đình ít nhất 4 con, đàn ông nhiều vợ thì số con càng tăng hơn. Nhìn chung những Quốc gia theo đạo Hồi chậm tiến, nghèo đói, nhiều phần tử cuồng tín lợi dụng danh từ Thánh Chiến/  Dischihadisten gây nên nội chiến chém giết nhau… (mời xem lịch sử Hồi Giáo) http://bit.ly/1v81Fq6. Thăm dò dư luận, có thể người Đức ghét những người tị nạn mới vì lo ngại trước hiện tượng Hồi giáo hóa. Những gia đình theo đạo Hổi ở lâu năm ở Đức, nhưng khó hội nhập, dù thế hệ thứ 2 sinh ở Đức, đã có 500 người mang quốc tịch Đức, đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi sang Syria theo nhóm IS (Nhà nước Hồi giáo). Một số trở lại Đức bị theo dõi và bị bắt giữ tránh trường hợp „nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà“ khủng bố xảy ra như ở các Quốc gia: Bỉ, Úc (Sydney), Pháp… Làn sóng biểu tình lên cao, Thủ tướng Merkel khuyên công dân Đức không nên tham gia các phong trào có tính cách hận thù, phân biệt chủng tộc tôn giáo. Cấm báo chí không được khiêu khích, nhạo bán đức tin mạ lỵ tín ngưỡng người khác. Năm Ất Mùi cầu mong cho thế giới hòa bình, kinh tế ổn định, để nhân loại bớt khổ đau và hận thù. Nếu chiến tranh chấm dứt thì không còn người tị nạn. Hy vọng dân tộc Việt Nam có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Nguyễn Quý Đại 2015 Hình tài liệu của Tuần báo Focus
......

Phúc trình Tự Do Trên Thế Giới 2015: Việt Nam ‘không có tự do’

Việt Nam tiếp tục bị đánh giá là không có tự do trong phúc trình về Tự do trên thế giới 2015 vừa được tổ chức Freedom House có trụ sở tại Mỹ công bố hôm nay. Cảnh sát đứng gác bên ngoài Toà án nhân dân TPHCM Photo. Khảo sát của Freedom House về quyền chính trị và các quyền tự do dân sự tại 195 quốc gia trên toàn cầu năm nay xếp Việt Nam mức điểm thấp nhất về hạng mục quyền tự do chính trị 7/7, nghĩa là người dân không hề có quyền tự do chính trị trong nước. Về các quyền tự do dân sự, Việt Nam được 5/7 điểm. Xét điểm tổng thể về tự do, Việt Nam được 6/7, tức mức gần thấp nhất trên bảng xếp hạng.  Freedom House nói nhìn chung nền dân chủ thế giới trong năm qua bị xuống cấp phần lớn là do các cuộc tấn công khủng bố và những chính sách tàn bạo hơn của các chế độ độc tài. Với khảo sát vừa công bố, tự do trên thế giới bị tuột dốc trong 9 năm liên tiếp. Trong số 195 nước được đánh giá, 46% được xem là có tự do, 28% tự do một phần, và 26% là không có tự do, trong số này có Việt Nam. “Tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ. Điều này đã chứng tỏ qua các báo cáo của những tổ chức xã hội dân sự...Nhà cầm quyền cộng sản ngày càng trở nên hung bạo hơn và đàn áp người dân đủ mọi giới vì họ thấy rằng dân đang đứng lên đòi hỏi các quyền của mình từ những người nông dân đòi đất, người lao động đòi tiền lương, các tín đồ đòi tự do tôn giáo, tới các nhà đối kháng đòi dân chủ. Linh mục Phan Văn Lợi. Linh mục Phan Văn Lợi, một nhà bất đồng chính kiến được nhiều người biết tiếng lâu nay cổ xúy cho các quyền tự do chính trị, dân sự, và tôn giáo trong nước, nhận xét nền dân chủ quốc nội năm qua hết sức u ám: “Tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ. Điều này đã chứng tỏ qua các báo cáo của những tổ chức xã hội dân sự, ví dụ gần đây nhất là của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Dân Làm báo, và nhiều tổ chức khác. Nhà cầm quyền cộng sản ngày càng trở nên hung bạo hơn và đàn áp người dân đủ mọi giới vì họ thấy rằng dân đang đứng lên đòi hỏi các quyền của mình từ những người nông dân đòi lại đất, những người lao động đòi tiền lương, các tín đồ đòi tự do tôn giáo, tới các nhà đối kháng đòi dân chủ. Tất cả đều bị đàn áp. Không những thế nhà cầm quyền còn dùng côn đồ hay công an đội lốt côn đồ để đánh những người đi biểu tình hay thậm chí là những người đi thăm tù nhân lương tâm, như vụ tại nhà của ông Trần Anh Kim vừa xảy ra. Về tự do tôn giáo, nhà cầm quyền vẫn tiếp tục đàn áp các tôn giáo trong nước. Những quyền tự do tôn giáo chính đáng như độc lập trong tổ chức, tự do trong sinh hoạt, tự do trong đào tạo, hay tham gia về giáo dục giới trẻ và hoạt động xã hội các mặt thì nhà cầm quyền không cho. Năm nay rộ lên vấn đề đàn áp khốc liệt giáo hội Mennonite, đánh tín đồ và mục sư. Những người dân oan mất đất vẫn tiếp tục bị đàn áp, bị cướp đất. Thậm chí những người dân oan đã vào tù rồi còn bị đàn áp khốc liệt, bị giam chung với tù nhân bị HIV. Nói chung, tình hình Việt Nam về nhân quyền, về các quyền dân sự-chính trị-kinh tế-xã hội đều càng ngày càng đi xuống cả.” Thành viên của Khối Dân chủ 8406 và Hội Cựu Tù nhân Lương tâm và cũng là đồng Chủ tịch của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, báo động mức độ trấn áp các quyền tự do dân sự tại Việt Nam ngày càng gia tăng về cả quy mô lẫn mức độ: “Quy mô thì hầu như tất cả mọi giới đều bị đàn áp. Ví dụ năm nay họ giam rất nhiều blogger nổi tiếng, tiếp tục bắt rất nhiều nhà tranh đấu, dân oan cũng vậy, đã có những phiên tòa xử dân oan. Đối với người Hmong cũng vậy, những người Hmong đòi canh tân trong nếp sống cũng bị ra tòa và bị ở tù, như vụ của ông Thào Quán Mua hiện cũng đang bị đàn áp trong tù. Còn về mức độ thì chúng ta thấy càng lúc nhà cầm quyền cộng sản càng dùng các phương pháp bạo hành rât đê tiện, thậm chí còn dàn dựng những vụ bắt người rồi tạo vụ án như vụ của cô Lê Thị Phương Anh. Hoặc chúng ta thấy những vụ án oan tử hình Hồ Duy Hải hay Nguyễn Văn Chưởng, gia đình kêu cứu, luật sư và công luận đều lên tiếng mà nhà cầm quyền tới giờ vẫn im lặng.” Linh mục Lợi nói bất chấp sự sách nhiễu của nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam ngày càng nở rộ nhiều hơn, cố gắng hoạt động để lên tiếng bảo vệ các quyền dân sự-chính trị phổ quát bị hạn chế. Về mức độ thì càng lúc nhà cầm quyền cộng sản càng dùng các phương pháp bạo hành rât đê tiện, thậm chí còn dàn dựng những vụ bắt người rồi tạo vụ án như vụ của cô Lê Thị Phương Anh. Hoặc chúng ta thấy những vụ án oan tử hình Hồ Duy Hải hay Nguyễn Văn Chưởng, gia đình kêu cứu, luật sư và công luận đều lên tiếng mà nhà cầm quyền tới giờ vẫn im lặng. Linh mục Lợi. Linh mục Lợi dự đoán trong thời gian tới xu hướng đàn áp có thể tăng thêm giữa lúc đảng cộng sản đang lo ngại quyền lực bị lung lay và bộ mặt của giới lãnh đạo ngày càng bị xấu đi từ ngay trong nội bộ. Thế nhưng, nhà hoạt động nhân quyền này quả quyết chừng nào còn áp bức bất công, chừng đó sự tranh đấu phản kháng vẫn còn tiếp diễn: “Chúng tôi các tổ chức xã hội dân sự trong nước cương quyết phải đi tới cùng, chấp nhận những gian khổ, đòn thù đê tiện, và tù ngục để cứu đất nước ra khỏi hiểm họa Việt cộng và hiểm họa Tàu cộng.” Chính phủ Hà Nội lâu nay khẳng định luôn thăng tiến và bảo vệ các quyền dân sự-chính trị của công dân và cho rằng các chỉ trích, tố cáo của thế giới về tình hình dân chủ-nhân quyền Việt Nam là ‘bịa đặt,’ ‘vô căn cứ.’ Tuy nhiên, theo nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và quyền tự do tôn giáo Phan Văn Lợi, lập luận đó của Hà Nội là ‘mù quáng’ và ‘cố chấp’: “Với phương tiện internet và các trang mạng xã hội như Facebook thì trong vài giây sau các hình ảnh và tiếng nói ghi nhận những biến cố này nọ được đưa lên mạng rồi, làm sao dấu được mọi người, dấu được quốc tế? Cho nên, kiểu lập luận đó là của những người mù quáng, cố chấp và không nhận thấy thời đại này internet là một ánh sáng soi vào tất cả mọi sự việc. Chúng tôi mong rằng nhà cầm quyền cộng sản phải tỉnh táo hơn, tỉnh ngộ hơn. Đừng mong dùng bạo lực, đàn áp, gian dối để chà đạp, bịt miệng những tiếng nói của người dân Việt Nam.” Nguồn: voatiengviet.com
......

HRW lên tiếng về việc nhà cầm quyền sử dụng côn đồ tấn công các nhà yêu nước

Việt Nam: Nhân viên mặc thường phục tấn công các nhà vận động nhân quyền 26/1/2014 (New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức chấm dứt bạo lực nhằm vào các nhà vận động nhân quyền. Trong tháng Giêng năm 2015, các blogger hàng đầu đã bị công an mặc thường phục áp chế và đánh đập. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng các vụ tấn công đó đã vi phạm các quyền cơ bản và phải truy cứu trách nhiệm tất cả những cá nhân tham gia vào các vụ tấn công nói trên, nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền và các blogger, về những hành vi bạo lực, đe dọa và sách nhiễu của họ. “Có những câu hỏi nghiêm túc được đặt ra khiến chính quyền Việt Nam phải trả lời,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Có phải giờ đây chính quyền có chính sách đưa côn đồ đi cùng với công an để trừng phạt những người không lập tức tuân lệnh họ?” Ngày 21 tháng Giêng, một nhóm 12 nhà hoạt động nhân quyền và blogger đi từ Hà Nội xuống Thái Bình để thăm ông Trần Anh Kim, một tù nhân chính trị mới được thả ngày mồng 7 tháng Giêng sau khi mãn hạn 5 năm 6 tháng tù vì bị cho là có liên hệ với một đảng chính trị bị chính quyền cấm. Những người đi thăm gồm có nhà địa vật l‎ý Nguyễn Thanh Giang, nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, cựu biên tập viên Nguyễn Lê Hùng, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Vũ Bình, các blogger Nguyễn Tường Thụy và J.B Nguyễn Hữu Vinh; và các nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, Trương Minh Tam, Trương Văn Dũng, Nguyễn Thanh Hà, Bạch Hồng Quyền và Ngô Duy Quyền. Ngay sau khi những người đến thăm vừa rời nhà Trần Anh Kim, xe của họ bị ba công an phường Trần Hưng Đạo, nơi ông Kim sống, chặn lại. Ba người này yêu cầu mọi người về công an phường. Khi họ từ chối với lý do không làm gì sai trái, một nhóm côn đồ, rõ ràng có biểu hiện đang phối hợp với công an, lên xe và tấn công họ. Blogger nổi tiếng J.B Nguyễn Hữu Vinh bị lôi khỏi xe, đánh đập và gây thương tích. Khi đến công an phường, ông nhổ ra máu. Nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi bị vỡ kính. Những người khác như Nguyễn Tường Thụy, Trần Thị Nga, Ngô Duy Quyền, Bạch Hồng Quyền và Trương Minh Tam cũng bị đánh đập. Việc chính quyền rõ ràng đã sử dụng côn đồ để tấn công những người vận động nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam. Chỉ ba ngày trước khi xảy ra vụ ở Thái Bình, nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Hồng Quang, mục sư của một nhánh Tin lành Mennonite độc lập ở Tp. HCM bị những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công. Mục sư Quang phải vào bệnh viện vì bị gãy mũi và một số thương tích khác. Riêng trong năm 2014, có ít nhất 22 nhà hoạt động và blogger cho biết họ bị người lạ đánh đập. Chưa có ai bị bắt hay truy tố về các vụ tấn công này. Sau khi trở về Hà Nội vào ngày 21 tháng Giêng năm 2015, blogger Nguyễn Tường Thụy, một trong những nạn nhân của vụ hành hung, viết trên trang Facebook của mình, “Việc khủng bố của ‘vương quốc’ Thái Bình và những cấp chỉ đạo với mục tiêu làm cho chúng tôi sợ hãi sẽ không bao giờ thành công. Không có một bạo lực nào có thể làm cho chúng tôi không dám đến với TNLT Trần Anh Kim hoặc bất cứ TNLT nào khác.” “Chính quyền không có lý gì để sử dụng côn đồ đe dọa và đánh đập những người lên tiếng phê bình ôn hòa,” ông Adams nói. “Bất chấp những hành vi hành hung, sách nhiễu và bỏ tù, các nhà hoạt động và blogger vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng. Họ xứng đáng và cần được quốc tế ủng hộ.” Nguồn: Human Rights Watch
......

Thụy Sĩ và Trận Chiến Ngoại Hối

...đang thấy hiện tượng tư bản tháo chạy khỏi TQ trong khi khối tiền tệ lưu hành giảm dần... Sáng Thứ Năm 15, giờ Âu Châu, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bất ngờ công bố hai quyết định là chấm dứt việc giàng giá đồng Phật lăng Thụy Sĩ vào đồng Euro theo tỷ giá một đồng 20, và hạ lãi suất dưới số âm thêm 75 điểm. Quyết định ấy gây chấn động cho các thị trường tài chính toàn cầu, và chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa thì gọi Thụy Sĩ là nạn nhân đầu tiên của trận chiến về ngoại hối trong năm 2015. Vì sao như vậy, xin quý thính giả theo dõi cách nêu vấn đề của Vũ Hoàng.... Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong một chương trình vào cuối Tháng 11 năm ngoái, ông nói đến viễn ảnh năm tới là những trận chiến về ngoại tệ khiến một xứ như Trung Quốc cũng có thể rúng động. Tuần qua thì một xứ rất giàu mà nhỏ là Thụy Sĩ ở giữa Âu Châu đột ngột thông báo quyết định hạ lãi suất đến không bảy phần trăm dưới số không, tức là lãi suất âm, và không tiếp tục giữ đồng Phật lăng Thụy Sĩ, một loại ngoại mạnh của thế giới, ở mức trần là một đồng sẽ ăn tối đa là một Euro 22 xu. Quyết định khó hiểu ấy làm mọi thị trường tài chính trên thế giới đều bị chấn động. Thưa ông, Thụy Sĩ chỉ là một quốc gia rất nhỏ mà vì sao biến cố này của họ lại gây ảnh hưởng lớn như vậy và chuyện ấy có liên hệ gì đến điều mà ông gọi là Trận chiến Ngoại hối không? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng dù có bị trách cứ vì gây biến động toàn cầu, Thụy Sĩ là một nạn nhân đầu tiên của trận chiến ngoại hối này, theo sau là các nhà đầu tư Thụy Sĩ và các nước Đông Âu đang làm ăn gắn bó với họ, như Hungary hay Ba Lan. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả của biến cố trước khi nhìn ra một xứ khác cũng có thể bị lôi vào cuộc là Trung Quốc. - Thụy Sĩ là một nước nhỏ có hơn tám triệu dân nhưng có mức sống thuộc loại cao nhất địa cầu và từ lâu đã là một trung tâm tài chính của thế giới. Đồng Phật lăng Thụy Sĩ, có ký hiệu CHF, là ngoại tệ mạnh được thế giới ưa chuộng như một cách bảo vệ giá trị tài sản. Do vị trí địa dư và vai trò tài chính, Thụy Sĩ cũng là bản lề của nghiệp vụ đầu tư từ các nước Đông Âu với Âu Châu. Thế rồi, khi khối Euro bị khủng hoảng năm 2010 làm tiền Âu sụt giá, người ta bán tháo đồng Euro để mua tiền Thụy Sĩ khiến đồng Phật lăng hay đồng Franc Thụy Sĩ lên giá. - Việc đồng bạc lên giá như vậy khiến cho một quốc gia nhỏ bé sống nhờ xuất khẩu như Thụy Sĩ bị thiệt hại nặng. Vì vậy, từ năm 2011 xứ này định ra hối suất tối đa của đồng bạc so với Euro và tung tiền mua Euro để bán tiền Franc hầu đồng bạc không cao quá một Euro 22 xu. Nhưng sau đó, khối Euro tiếp tục bị khủng hoảng và Thụy Sĩ càng là nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư khiến họ tốn rất nhiều để giữ giá đồng Franc dưới mức trần đó. Quyết định ấy của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ là một cách bứt neo để thả nổi đồng Franc chứ không giàng giá vào tiền Âu nữa. Vũ Hoàng: Trước khi tìm hiểu thêm về các hậu quả, xin hỏi ông một chuyện nữa là việc hạ lãi suất dưới số âm đến 75 điểm cơ bản, đấy là gì? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy là nếu cho Thụy Sĩ vay một ngàn đồng để kiếm lời thì ta chỉ lấy về có 925! Tức là chẳng lời mà còn lỗ 75 đồng. Thật ra, xứ này đã ghìm lãi suất dưới số âm từ lâu và nay đẩy lãi suất xuống sâu hơn nữa. Điều ấy có nghĩa nôm na là trong cơn bão loạn tài chính của cả Âu Châu, nếu quý vị muốn tìm hầm trú ẩn an toàn cho tài sản của mình thì phải trả tiền, chứ quốc gia nhỏ bé của chúng tôi không thể tốn tiền mình để bảo vệ giá trị tài sản của quý vị! Vũ Hoàng: Ông vừa nói rằng chính sách lãi suất âm đã có từ lâu, thế thì tại sao Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ lại lấy quyết định kỳ lạ ấy vào lúc này? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dù đã dự đoán là Thụy Sĩ có thể còn hạ lãi suất nữa, người ta chưa biết hết được các lý do, nhất là một tuần trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia tức là Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ còn nói chắc rằng sẽ giữ giá đồng bạc ở mức trần ấy và hôm Thứ Hai tuần trước ông Phó Chủ tịch cũng khẳng định như vậy. Khi theo dõi tin tức thì tôi ngờ là một ngày trước đó, khi gặp giới chức của Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB thì họ đã phỏng đoán quyết định sắp tới của khối Euro nên lập tức có biện pháp phòng ngừa! Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì có vẻ như các ngân hàng trung ương trên thế giới làm việc với nhau theo tinh thần an ninh tình báo nên vừa giữ kẽ vừa phỏng đoán động thái của bên kia để tính chuyện của mình? Có phải vậy không, và tại sao như vậy? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông vừa tóm lược rất chính xác phong cách làm việc của các ngân hàng trung ương, mà điều ấy càng cho thấy tinh thần tôi gọi là "chiến tranh ngoại hối". Các ngân hàng trung ương đều phải lấy quyết định căn cứ trên quyền lợi của quốc gia mình. Giới chức của các định chế này thường xuyên họp hành với nhau, thí dụ như tuần này họ gặp nhau trong diễn đàn kinh tế tại Davos của Thụy Sĩ. Dù ngoài đời có khi là bạn học hay đồng nghiệp nhưng trong nghề thì họ vẫn phải thủ tối đa. Lý do là trong hoàn cảnh tôi cứ gọi là "đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ" thì ai ai cũng phải lo cho mình trước, bất chấp hậu quả cho xứ khác. Vũ Hoàng: Bây giờ mới nói đến hậu quà và trước hết là sự thiệt hại của Thụy Sĩ trong trận đánh này. Thưa ông, tình hình đã ra sao và sẽ ra sao? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi đoán Thụy Sĩ đã thấy trước là Ngân hàng Trung ương Âu châu sẽ khởi sự bơm tiền để cứu đồng Euro theo phương pháp gọi là "quantitative easing", có khi ngay sau hội nghị ngày 22 tới đây, nên phải bứt neo bỏ chạy chứ không giàng giá đồng bạc vào Euro nữa vì nếu đồng bạc Âu Châu còn chìm sâu hơn nữa sau biện pháp bơm tiền sắp tới thì sẽ kéo theo kinh tế Thụy Sĩ. Cho nên họ lấy quyết định trước dù là giới đầu tư có thể bị thiệt hại. Theo ước lượng của các ngân hàng ở bên Mỹ thì trong vụ vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ có thể mất khoảng 70 tỷ đô la, là một con số rất lớn, cũng tương đương như Hoa Kỳ bị mất hai ngàn tám trăm tỷ, hoặc Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam mất hơn 20 tỷ đô la vậy! Vũ Hoàng: Đó là chuyện Thụy Sĩ và các khách hàng của họ, còn hậu quả lâu dài cho cả thế giới thì sẽ là gì thưa ông? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta phải mường tượng ra toàn cảnh của trận chiến ngoại hối này. - Sáu năm về trước, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ và Anh quốc đã tung biện pháp bơm tiền cứu nguy kinh tế và nay đã tạm hồi phục mặc dù khiến Mỹ kim sụt giá rồi tăng giá và gây biến động toàn cầu như ta đang thấy. Các quốc gia khác, đầu tiên là Nhật Bản, cũng ráo riết bơm tiền như Nhật đã thông báo vào cuối Tháng 10, quyết định ấy càng khiến đồng Yen sụt giá và có khi gieo họa cho kinh tế Nam Hàn hoặc Ấn Độ hay Trung Quốc. Vì thế, xứ nào cũng cố lặn tới đáy để hạ tỷ giá đồng bạc làm các xứ khác bị hậu quả lây. Đấy là khung cảnh của trận chiến. - Khi Thụy Sĩ phải bứt neo và thả nổi đồng bạc dù bị mất tiền thì ta thấy ra tình trạng nguy kịch của toàn cầu. Nhìn một cách khác, nếu Việt Nam mà giàng đồng bạc vào tiền Mỹ theo một tỷ giá và biên độ nhất định thì cũng khốn đốn khi đô la lên giá. Đấy là lúc Bắc Kinh lại đề nghị Hà Nội sử dụng đồng Nguyên của họ trong luồng giao dịch thì Việt Nam sẽ chết khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chìm xuống đáy! Xứ nào cũng ưu tiên lo cho mình, nếu nghe lời đường mật của họ mà giàng số phận của mình vào đồng bạc của họ thì sẽ chết chứ đừng oán! Vũ Hoàng: Nói về Trung Quốc thì thống kê hôm Thứ Hai vừa qua cho biết là đà tăng trưởng của họ trong năm 2014 có thể là 7,4%, dù có thấp hơn chỉ tiêu thì cũng không đến nỗi tệ. Như vậy, xứ này có bị hề hấn gì không trong cơn biến động ngoại hối hiện nay? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Giới nghiên cứu kinh tế quốc tế cho là cũng có ngày Trung Quốc đứt neo chứ khó giàng giá đồng Nguyên vào tiền Mỹ. Tôi xin giải thích chuyện ấy như thế này: - Bắc Kinh mặc nhiên neo đồng Nguyên vào Mỹ kim nên giá đồng bạc tăng theo tiền Mỹ khi kinh tế vẫn quá lệ thuộc vào xuất khẩu mà chưa kịp chuyển dịch cơ cấu qua tiêu thụ nội địa, là điều không dễ. Bây giờ, sau khi Thụy Sĩ bứt neo và Âu châu sẽ bơm tiền nữa thì đồng Euro càng sụt giá, trong khi đồng Yen của Nhật đã sụt và sẽ còn sụt. Đấy là những sức ép rất nặng cho Trung Quốc vì xứ này cần bán hàng cho Mỹ, Âu và cả Nhật Bản mà lại chẳng làm gì được khác. - Dù kinh tế của họ có tăng 7,4% thì vẫn là đà tăng trưởng thấp nhất từ gần một phần tư thế kỷ và lần này Trung Quốc còn đối mặt với nguy cơ giảm phát như diễn đàn của chúng ta đã nhắc nhở. Mà ta cũng không quên cái núi nợ có thể đã vượt 250% Tổng sản lượng, có khi còn cao hơn nữa. Trong viễn ảnh giảm phát thì khách nợ khó hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ vì tiền đắt hơn, và sản xuất lẫn tiêu thụ đều đình đọng vì ai cũng chờ giá thấp hơn. Hậu quả đã thấy tại Trung Quốc là cả tiêu thụ lẫn đầu tư đều đã khựng và sẽ giảm. - Trong hoàn cảnh đó, những kẻ có tiền đều tìm cách đẩy tiền ra ngoài tìm bãi đáp an toàn hơn và điều ấy khiến dự trữ ngoại tệ bị hao hụt. Người ta cứ nói Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, tương đương với khoảng ba ngàn chín trăm tỷ đô la, nhưng đà gia tăng của dự trữ này đã hết mà còn bắt đầu giảm, trong Quý IV vừa qua thì giảm mất gần 50 tỷ. Ta đang thấy hiện tượng tư bản tháo chạy khỏi Trung Quốc trong khi khối tiền tệ lưu hành cũng giảm dần và họ rơi vào cảnh gọi là thiếu thanh khoản. Vũ Hoàng: Nếu so với hoàn cảnh của Thụy Sĩ thì bài toán hiện nay của Trung Quốc nghĩa là gì? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Là nếu vẫn neo vào tiền Mỹ thì họ phải mất dự trữ ngoại tệ để đánh ngược sóng mà như vậy lại càng thiếu thanh khoản và kinh tế càng sa sút. Để tránh nạn này thì Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh lại phải nới lỏng tiền tệ thì lại chất lên một núi nợ và đẩy thêm nạn tẩu tán tài sản vì tư bản tháo chạy. Ngần ấy vấn đề trong ba cái vòng luẩn quẩn cùng xoắn vào nhau dẫn tới một thực tế khác, là người ta hết tín nhiệm vào đồng Nhân dân tệ! - Trung Quốc cứ mơ cái ngày mà đồng Nguyên của họ trở thành một ngoại tệ phổ biến và chiếm ngôi vị ngoại tệ dự trữ của đồng đô la. Chuyện ấy chưa thể xảy ra, chứ trong trước mắt thì họ sẽ phải bứt neo để đồng Nguyên lên xuống tự do hơn, với nhiều biến động hơn nữa. Năm 2015 này quả thật là ly kỳ và đấy cũng là điều Việt Nam nên theo dõi. Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
......

Lãnh đạo Pegida ra đi vì hình giống Hitler

Lãnh đạo của phong trào bài Hồi giáo có tên là Pegida của Đức đã phải ra đi sau khi có những lời phát biểu tai tiếng chống nhập cư và được nhìn thấy giống như Hitler trong một bức ảnh. Ông Lutz Bachmann đã xin lỗi cho những lời bình luận trên Facebook mà ông được cho là đã mô tả người tỵ nạn là ‘súc vật’ và ‘cặn bã’. Tuy nhiên, ông không nhắc đến tấm ảnh thể hiện ông với kiểu tóc và ria mép giống Hitler, nhà lãnh đạo Đảng Quốc xã của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. ‘Không cân nhắc kỹ’ Trong khi đó, hàng ngàn người đã tham gia vào cuộc tuần hành của Pegida ở Leipzig. Cảnh sát đã được triển khai đến thành phố phía đông nước Đức để ngăn chặn xung đột giữa Pegida và những người biểu tình phản đối Pegida. Trong khi phe ủng hộ Pegida hô khẩu hiệu: “Chúng ta là nhân dân” trong khi phe chống đối thì hô: “Biến đi”. Biểu tình chống đối Pegida Không có tin tức về bạo lực giữa hai phe. Các cuộc tuần hành này diễn ra trong lúc ông Bachmann xin lỗi cho những lời bình luận ‘không được cân nhắc kỹ’ của ông. “Vâng, tôi ra khỏi ban lãnh đạo (Pegida),” ông được nhật báo Bild của Đức dẫn lời nói. Bà Kathrin Oertel, nữ phát ngôn nhân của Pegida, nói những lời phát biểu bài nhập cư của ông Bachmann đã ‘đi quá xa’. Tuy nhiên, bà cố gắng làm giảm mức độ nghiêm trọng của vụ tấm ảnh Hitler khi nói tấm ảnh đó chỉ là ‘trò đùa’, ‘châm biếm’ mà bất cứ công dân nào cũng có quyền. Chính phủ Đức đã lên án việc này. Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel nói với tờ Bild: “Bất cứ ai làm chính trị mà làm cho mình trông giống Hitler thì hoặc là hoàn toàn mất trí hoặc là kẻ Quốc xã. Những người có lý trí không theo bước kẻ điên và người đàng hoàng thì không theo Quốc xã.” Pegida đã tập trung ở Leipzig sau khi cảnh sát ngăn cấm họ biểu tình ở Dresden hôm 19/1 sau khi có tin về một âm mưu ám sát nhằm vào các lãnh đạo của họ. Một phát ngôn nhân của Viện Công tố ở Dresden, nơi Pegida tổ chức các cuộc tuần hành của họ trong thời gian qua, nói với hãng tin Reuters rằng họ đã bắt đầu thủ tục truy tố những lời phát biểu của ông Bachmann. Ông Bachmann đã phủ nhận mình là người ‘phân biệt sắc tộc’. Pegida ‘vẫn tiếp tục’ Cho dù ông từ chức nhưng phong trào Pegida vẫn tiếp tục, nữ phát ngôn nhân của Pegida nói. Với các cuộc tập hợp thu hút hàng chục ngàn người, Pegida đã trở thành một lực lượng chính trị ở Đức. Pegida do ông Lutz Bachmann sáng lập hồi tháng 10 năm 2014. Tên gọi của nó trong tiếng Đức có nghĩa là: “Những người châu Âu yêu nước chống Hồi giáo hóa phương Tây”. Pegida là nhóm tập hợp các thành phần cánh hữu, thu hút từ những người bảo thủ chính thống cho đến những kẻ tân Quốc xã và các cổ động viên côn đồ trong bóng đá. Bản cương lĩnh 19 điểm của Pegida nói rằng họ chống lại chủ nghĩa cực đoan và kêu gọi bảo vệ nền văn hóa Thiên chúa giáo của Đức. Tuy nhiên, họ nói họ ‘không phân biệt chủng tộc và bài ngoại’. Họ thường xuyên tổ chức những cuộc biểu tình chống lại cái mà họ cho là sự gia tăng ảnh hưởng một cách nguy hiểm của đạo Hồi đối với các nước châu Âu. Từ Leipzig, phóng viên BBC Jenny Hill mô tả: “Cảnh sát đội nón cối đã tạo một hành lang cho những ủng hộ viên Pegida đi qua một đám đông phản đối. Quảng trường đông đặc người và đầy những tiếng hô. Cảnh sát ước tính khoảng 15.000 người đã xuống đường ủng hộ Pegida – cuộc tập hợp lớn nhất của họ bên ngoài Dresden. Tôi hỏi một phụ nữ tại sao bà tham gia, bà trả lời: “Tôi là người Đức. Tôi không muốn con gái tôi sau này phải đội khăn trùm đầu.” Những người ủng hộ Pegida đi biểu tình vì nhiều lý do. Một người đàn ông khác ước tính có khoảng 5% đến 10% số người tham gia là ‘phân biệt chủng tộc’. Ông ấy nói với tôi là ông ấy đến đây vì ông lo sợ về quan hệ giữa các nhóm sắc tộc. “Chúng tôi không muốn gặp những vấn đề giống như ở Birmingham và Edinburgh,” ông nói.” http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/01/150122_pegida_leader_hitle...
......

Giải mã phong trào bài Hồi giáo Pegida ở Đức

Họ tự nhận là người châu Âu yêu nước muốn chống lại viêc phương Tây bị Hồi giáo hóa. Họ là thành viên phong trào chống nhập cư tại Đức Pegida mà hàng nghìn người đã tuần hành hôm 05/01/2015 trên các đường phố nước Đức. Những cuộc xuống đường tương tự đã diễn ra liên tục từ nhiều tuần lễ nay, làm dấy lên những cuộc biểu tình phản đối, tố cáo những ý tưởng cũng như đà vươn lên của phong trào này. Trả lời phỏng vấn của Caroline Paré, ban Tiếng Pháp RFI, Nele Wissmann, chuyên gia thuộc Ủy ban Nghiên cứu Quan hệ Pháp-Đức (Cerfa), dã giải thích rõ hơn về phong trào này. RFI: Những người ủng hộ phong trào Pegida tuần hành trên đường phố nước Đức là ai ? Nele Wissmann: Vì đây là một phong trào tương đối mới, chúng tôi chưa có công trình nghiên cứu xã hội học nào về họ. Điều mà chúng ta có thể nói được vào lúc này, đó là việc đây là một nhóm rất hỗn tạp, không đồng nhất. Điểm mới là ở chỗ đó. Đây là một phong trào, đĩ nhiên là bao gồm những thành phần tân phát xít cực đoan, thuộc cánh cực hữu, nhưng cũng càng lúc càng thu hút những người hàng xóm, giới sinh viên, những người hưu trí. Họ muốn thể hiện thái độ không hài lòng của họ với chính sách nhập cư của chính phủ Đức, và lo sợ trước tình trạng người tị nạn tăng cao tại Đức. Trong năm 2014, Đức đã đón nhận 200.000 người tị nạn và những người trong phong trào Pegida cảm thấy bị hiện tượng Hồi giáo hóa đe dọa. Tóm lại, đây là một phong trào rất hỗn tạp, và điều nguy hiểm chính là ở chỗ đó : Các công dân bình thường không còn thấy ngại khi tuần hành chung với các phần tử cực đoan, các thành phần tân phát xít, và họ không còn ngần ngại trong việc bày tỏ thái độ không hài lòng của mình. Rốt cuộc, tâm lý sợ hãi xu hướng Hồi giáo hóa ở Đức bắt rễ khá sâu trong xã hội. Khoảng 30% người Đức nói rằng họ e ngại Đức bị Hồi giáo hóa. RFI: Như vậy, phong trào Pegida có một quy mô địa lý rộng rãi hay không ? Hôm 05/01 vừa qua, họ đã huy động được một lượng người đặc biệt đông đảo tại phía đông nước Đức ? Nele Wissmann: Chúng ta phải hết sức cẩn thận. Dĩ nhiên, phong trào đã phát sinh từ Đông Đức, cụ thể là từ thành phố Dresden, và có vẻ như là mạnh mẽ hơn ở phía đông nước Đức. Đã có đến 18.000 người xuống đường ở Dresden, trong lúc tại Koln (một thành phố ở Tây Đức) chỉ có khoảng một trăm người biểu tình, so với một cuộc biểu tình phản đối đông đảo hơn gấp bội. Nhiều cuộc xuống đường chông Pegida cũng diễn ra ở Munster và Stuttgart, hai thành phố mà phong trào bài Hồi giáo chưa biểu tình vì lẽ đã có những cuộc xuống đường phản đối họ. Thế nhưng, nếu xem xét các kết quả thăm dò dư luận, nếu nhìn vào số người đang sợ Hồi giáo, đang ghét những người tị nạn, đang lo ngại trước hiện tượng Hồi giáo hóa, thì những con số ở Tây Đức và Đông Đức hầu như giống hệt nhau, với 36% ở Đông Đức và 33% ở Tây Đức. Tuy thế, điều có thể ghi nhận được, đó là phong trào Pegida có vẻ huy động được nhiều người hơn ở Đông Đức vào lúc này, và đó là một hiện tượng cần phải được nghiên cứu thêm trong tương lai, nhất là vì tại vùng Sachsen, nơi có thành phố Dresden, số lượng người nước ngoài trong thực tế lại rất thấp. Chỉ có 0,5% dân số là người Hồi giáo trong khi tỷ lệ đó tất nhiên là cao hơn nhiều ở Berlin và Koln, nơi mà phong trào Pegida rốt cuộc không có gì là quan trọng. RFI: Cũng như là tại các vùng và thành phố nơi diễn ra những cuộc xuống đường chống Pegida rầm rộ hơn nhiều... Nele Wissmann: Đúng thế. Và không nên lập luận quá đơn giản - Và đây chính là một sai lầm mà ta đã phạm phải trong những năm 1990 - khi nói rằng rốt cuộc thì Đông Đức bài ngoại dữ hơn là phần còn lại của nước Đức. Và cần phải xác định rõ điều này. RFI: Liệu phong trào Pegida khá mới này có tham vọng ra tranh cử hay không ? Nele Wissmann: Tất nhiên. Do tính chất thiếu thuần nhất, tôi cho rằng trước mắt phong trào này khó có khả năng tham gia đời sống chính trị, nhất là khi họ có rất ít tiếp xúc với các đảng phái. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận sự kiện phong trào này xích lại gần đảng chống châu Âu Alternative für Deutschland (Giải pháp thay thế cho nước Đức) vốn có các quan điểm gần như tương tự với phong trào Pegida. Ban tổ chức phong trào Pegida tại Dresden sắp tiếp xúc với đảng hoài nghi châu Âu này, và bắt đầu Đại hội toàn bang Sachsen. Tuy nhiên, theo Ban tổ chức phong trào Pegida tại Dresden, tiếp xúc giữa hai bên sẽ chỉ giới hạn trong cuộc họp đó, và họ không muốn tham gia vào đời sống chính trị địa phương hay toàn vùng. Về ý định bầu của người Đức, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy là 10% dân chúng Đức sẵn sàng bỏ phiếu cho một đảng nào đó muốn chiến đấu chống lại xu thế Hồi giáo hóa. Pegida là một phong trào đấu tranh trên đường phố, nhưng điều đó không có nghĩa là các đề tài họ khai thác sẽ không đè nặng trên các cuộc bầu cử sắp tới vì các đảng chính trị sẽ phải xác định lập trường đối với phong trào này. RFI: Một chính khách đã xác định lập trường rồi : Bà Angela Merkel đã trực tiếp nhắm vào phong trào Pegida trong bài phát biểu đầu năm của mình. Nele Wissmann: Chính phủ Đức rốt cuộc đã phản ứng khá muộn vì không hiểu ngay lập tức nguy cơ và quy mô của phong trào này. Nhưng bây giờ thì các chính trị gia đã lên tiếng phản đối Pegida. Trong thông điệp Giáng sinh của mình, Thủ tướng Merkel đã khuyên các công dân Đức là không nên đi theo phong trào này. Đối với bà, phong trào đó chỉ là hận thù và bà cũng đề cập đến khẩu hiệu "Wir sind das Volk", (Chúng tôi là nhân dân) mà các thành viên phong trào Pegida hô vang. Đây là một khẩu hiệu đã được sử dụng trong cuộc cách mạng hòa bình ở Đông Đức vào năm 89. Đối với bà - bà Merkel đã nói như vậy với người Đức - không ai có quyền sử dụng các khẩu hiệu đó nếu mục tiêu là nhằm loại bỏ một người nào đó vì tôn giáo hoặc màu da. Lập trường đó của bà Merkel đã được phe đối lập hoan nghênh, nhưng lại bị đảng chống châu Âu Alternative für Deutschland chỉ trích. Đối với đảng này, bà Merkel đã bêu riếu và loại trừ môt bộ phận dân chúng. http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150107-giai-ma-phong-trao-bai-hoi-giao-pegida...
......

Mỹ chạy đua hàng giá rẻ với Trung Quốc

Trong làn sóng phục hưng hàng "made in USA", các nhà sản xuất và phân phối Mỹ đang đẩy nhanh cuộc cạnh tranh về giá thành với hàng Trung Quốc. Theo một cuộc thăm dò của Wall Street Journal gần đây, khoảng 76% người Mỹ được hỏi đã cho rằng thế hệ con cái của họ sẽ không có cuộc sống tốt hơn. Người Mỹ nhận thức nền kinh tế đang rủi ro hơn và có thể không bao giờ phục hồi trở lại. Năm 2002, một trong hai người Mỹ hy vọng thu nhập của họ sẽ tăng trong 5 năm tiếp theo; vào năm 2013, con số này chỉ là một trong ba người. Thu nhập trung bình thực tế của người Mỹ không tăng trong 20 năm qua; thu nhập tổng thể cũng đã trở nên bất ổn định hơn.   Áp lực từ suy thoái kinh tế càng khiến Chính phủ Mỹ mạnh mẽ hơn trong các chính sách đẩy mạnh "sản xuất tại Mỹ” (made in USA). Tổng thống Obama năm 2013 thông qua Bộ Thương mại và Lao động đã đưa ra thách thức mang tên "made in USA", với giải thưởng lên tới 40 triệu USD cho những ai có những đề xuất tốt nhất nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo việc làm. Kèm theo đó là nhiều chính sách khuyến khích các công ty Mỹ đưa việc làm trở lại quê hương. Với vai trò là kênh tiêu thụ hàng hoá lớn, Wal-Mart đã cam kết dành thêm 250 tỷ USD trong vòng 10 năm tới cho các sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Theo dự báo của Công ty Tư vấn Boston Consulting, cam kết này sẽ tạo ra 1 triệu việc làm tại Mỹ trong cùng thời gian. Hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart đang tạo ra xấp xỉ 500 tỷ USD doanh thu hằng năm, lớn hơn cả GDP của nước Áo, có số nhân viên bằng dân số thành phố Houston và phục vụ hơn 200 triệu khách hàng mỗi tuần. Nói cách khác, những con số kinh doanh của Wal-Mart có ảnh hưởng rất lớn đối với kinh tế Mỹ và chiến lược phục hưng hàng hóa "made in USA". Trong nhiều năm qua, Wal-Mart đã tìm nguồn cung ứng hàng hóa giá rẻ trên toàn cầu mà chủ yếu là từ Trung Quốc nhằm giảm giá thành bán ra và tăng lợi nhuận. Vì thế, tăng nguồn hàng sản xuất tại Mỹ buộc Wal-Mart phải tính toán rất kỹ nhằm giữ ưu thế cạnh tranh. Mặc dù hãng bán lẻ này mua từ Trung Quốc với giá đơn vị rất rẻ, nhưng nếu tính chung chi phí toàn hệ thống thì nó không còn quá rẻ nữa. Khi mua hàng từ Trung Quốc, Wal-Mart thường mua số lượng nhiều hơn nhu cầu vì thời gian giao hàng dài, vì thế chi phí tồn kho cũng rất cao. Bill Simon, Chủ tịch hội đồng quản trị của Wal-Mart sẽ thực hiện nhiều cuộc diễn thuyết để kêu gọi nhiều nhà bán lẻ khác cùng đồng lòng thực hiện chương trình này. Bill cho biết: "Người Mỹ có thể rất yêu nước Mỹ, nhưng họ sẽ mua hàng Trung Quốc nếu chênh lệch giá hàng hóa Mỹ quá cao. Chúng tôi hy vọng các nhà phân phối khác cùng chung tay để tạo ra "giá trị Mỹ” thật sự cho người tiêu dùng. Cũng với tính toán như Wal-Mart, hãng điện tử General Electric năm ngoái đã đưa công việc sản xuất máy giặt, tủ lạnh, và máy nước nóng từ Trung Quốc về tiểu bang Kentucky. Hãng này cũng đầu tư 1 tỷ USD trong hai năm 2013 – 2014 để khôi phục lại ngành điện tử gia dụng của Mỹ và hứa hẹn tạo ra 1.500 việc làm. Theo bảng xếp hạng chi phí sản xuất trên toàn thế giới của Boston Consulting Group mới đây, Mỹ hiện đang ở vị trí thứ 7, theo sát sau Trung Quốc. Khi chi phí sản xuất ở Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ... liên tục tăng trong một thập niên nay, chi phí tại Mỹ lại gần như không thay đổi nhờ mức lương lao động không tăng, chi phí năng lượng giảm và khoa học kỹ thuật hiện đại giúp tăng năng suất. Tờ Business Week cho biết, mỗi USD chi phí sản xuất tại Mỹ hiện tương đương với 96 xu sản xuất ở Trung Quốc. Với mức chênh lệch không đáng kể này, sau khi cộng thêm chi phí vận chuyển hàng và nhiều yếu tố khác, đã có đến 300 doanh nghiệp Mỹ dời các công xưởng từ nước ngoài trở về Mỹ. Con số này được Boston Consulting Group dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai gần. Có 37% những công ty với doanh số 1 tỷ USD đang cân nhắc đưa các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về lại Mỹ trong thời gian tới.
......

Giáo Hoàng “dũa” giáo triều thê thảm nhân mùa Giáng Sinh

(VNC) Mùa Giáng Sinh năm nay, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô có hai việc được thế giới nhắc đến. Thứ nhất, về mặt đối ngoại, cả hai chính phủ Mỹ và Cuba đều xác nhận việc hai nước nối lại bang giao một phần là nhờ sự trung gian tiếp tay thu xếp của GH Phan-xi-cô. Thứ Hai, về mặt đối nội, GH Phan-xi-cô công khai phê phán giáo triều đang phục vụ mình. Hôm thứ Hai, trước mặt những người đứng đầu các cơ quan trong giáo triều đến chúc mừng Ngài nhân dịp Giáng Sinh, GH Phan-xi-cô đã kể ra 15 thứ bệnh mà giáo triều đang mắc phải, ngoài “7 mối tội đầu” của người Công Giáo. Giống như nhà vua có triều đình, các giáo hoàng có những cá nhân và tổ chức, gọi chung là giáo triều (Cura) giúp mình lãnh đạo 1.2 tỉ người trên trái đất, trong đó có phủ Quốc Vụ Khanh, các thánh bộ, các hội đồng, các ủy ban v.v… GH Phan-xi-côphê phán gay gắt các hồng y, giám mục, tu sĩ trong giáo triều đã thâu tóm quyền lực và của cải, có cuộc sống “giả hình” hai mặt, quên rằng họ có nhiệm vụ phải phục vụ lời Chúa, mang tin mừng của Chúa đến cho mọi người. GH Phan-xi-cô nhấn mạnh rằng kế hoạch cải tổ sâu rộng Giáo Hội phải đi kèm với việc cải tổ tận gốc rễ giáo triều. Bá quan văn võ – trong đó có khoảng 60 hồng y và 50 giám mục – có mặt tại sảnh đường lót đá cẩm thạch Sala Clementina hôm thứ Hai hầu như đều xanh mặt khi nghe GH Phan-xi-cô kể ra từng bệnh trong 15 thứ bệnh của giáo triều. Trước tiên là bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được. GH Phan-xi-cô ví những tin đồn, những lời nói ra nói vào trong giáo triều là một hình thức “khủng bố” và e ngại loại khủng bố này có thể “lạnh lùng giết hại thanh danh các bạn đồng nghiệp và những người anh em của mình.” GH Phan-xi-cô cảnh giác các bè phái trong giáo triều giống như “những u ung thư đe dọa đến sự hài hòa của cơ thể” và cuối cùng cơ thể này có thể chết dưới tay “hỏa lực của quân bạn.” GH Phan-xi-cô nhắc nhở một số người trong giáo triều mắc bệnh “Alzheimer’s tinh thần,” quên béng lời của Chúa đã kêu gọi mình lúc ban đầu, khi vâng lời gia nhập hàng ngũ tu sĩ. “Giáo triều được kêu gọi luôn luôn tự hoàn thiện mình và phát triển trong sự hiệp thông, sự thánh thiện và có kiến thức để hoàn thành sứ mệnh của mình,” Ngài nói. “Nhưng, giống như cơ thể con người, giáo triều có thể gặp khó chịu trong người, rối loạn chức năng, bệnh tật.” Sau đó, GH Phan-xi-cô khuyên họ nên dùng mùa Giáng Sinh năm nay đề sám hối, đền tội, và giúp Giáo Hội lành mạnh hơn, thánh thiện hơn trong năm 2015. Các nhà theo dõi tình hình Vatican nói rằng họ chưa từng thấy một bài nói chuyện mạnh mẽ, gay gắt của một giáo hoàng nào giống vậy. Họ nghĩ rằng đây là kết quả của cuộc điều tra bí mật mà người tiền nhiệm – Bê-nê-đíc-tô – đã ra lệnh thực hiện, sau khi có vụ rò rỉ văn thư của giáo hoàng năm 2012. Khi đó, Đức GH Bê-nê-đíc-tô16 đã chỉ định 3 vị hồng y tin cẩn để xem tại sao một người giúp việc cho giáo hoàng lại có trong phòng riêng của mình những thứ giấy tờ về tình hình tài chính của Giáo Hội mà chỉ có giáo hoàng mới được xem. Người giúp việc này, khi cung cấp các thông tin đó cho một nhà báo, đã hành động một mình hay có sự chỉ đạo của ai đó trong giáo triều, và nếu có thì nhằm mục đích gì, có phải mục đích hạ uy tín của giáo hoàng hay không? Báo cáo của 3 vị hồng y đã được trình cho hai vị giáo hoàng còn sống. Trong thông điệp Giáng Sinh năm ngoái, GH Phan-xi-cô đã nhắc sơ qua về những chuyện này, và năm nay đã không ngần ngại phàn nàn về những mưu đồ quyền lực quan liêu, thăng tiến sự nghiệp bất chấp lợi ích của người khác. GH Phan-xi-cô nhấn mạnh, trong vòng một năm qua, giáo triều đã có những thay đổi, nhưng các thay đổi bề mặt, hời hợt đó không phải là những gì mà Ngài mong đợi, Ông Alberto Melloni, nhà sử học về giáo hội Công Giáo đang cộng tác cho nhật báo Corriere della Sera, nói rằng đây là bài nói chuyện trước giờ chưa từng nghe nơi một giáo hoàng. Ông cho biết, “Nếu Ngài phải dùng giọng như vậy bởi vì biết đó là cần thiết.” Ông Melloni ghi nhận thêm, trước khi GH Phan-xi-cô lên ngôi, giáo triều Vatican có thể nói là một cơ chế đầy quan liêu, muốn làm gì thì làm, không chịu phục tùng một ai, “toàn bộ giáo triều hành động giống như họ là giáo hoàng vậy.” Cố GH Gioan Phao-lô, người vừa được phong thánh, quá bận rộn với những chuyến du hành, đến độ không để ý nhiều đến những chi tiết về thủ tục hành chính, về sau Ngài lại đau yếu liên miên. Qua đến GH Bê-nê-đíc-tô, công việc quản lý giáo triều được giao cho một người phụ tá, người này về sau cũng được xác định là có vấn đề. Một nhà sử học về giáo hội Công Giáo khác, Linh mục Robert Wister của trường đại học Seton Hall, nghĩ rằng bài nói chuyện của GH Phan-xi-cô chủ yếu muốn yêu cầu giáo triều tự vấn lương tâm, suy gẫm những tội lỗi của mình trước mặt Chúa, trước khi đi xưng tội. “Có lẽ Ngài tin rằng chỉ có một lời khiển trách nghiêm khắc mới có thể xoay chuyển tình hình giáo triều,” Linh mục Wister phát biểu. Trước khi chấm dứt bài nói chuyện, GH Phan-xi-cô kêu gọi các vị lãnh đạo trong giáo hội hãy cầu nguyện để “các vết thương tội lỗi mà mỗi người chúng ta mang trong tâm hồn được chữa lành.” Bài nói chuyện của GH Phan-xi-cô được soạn cẩn thận với những trích dẫn và tham chiếu. Chỉ có một số ít hồng y hiện diện mỉm cười trong lúc Ngài nói. Khi chấm dứt, chỉ có một đợt vỗ tay nhẹ nhàng. Sau đó, Ngài bắt tay chào từng hồng y một, nhưng không khí Giáng Sinh không tưng bừng như mọi năm. Nếu nói một cách công bằng, giáo triều đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Giống như hai người tiền nhiệm gốc Ba Lan và Đức, đương kim giáo hoàng gốc châu Mỹ Latinh phải làm việc với một giáo triều mà đa số là người Ý. GH Phan-xi-cô đang cùng với 9 hồng y đồng cảm đang lập các kế hoạch cải tổ toàn bộ cấu trúc quan liêu, sáp nhập nhiều cơ quan để có hiệu quả và đáp ứng với thời đại hơn. Ngài đã từng nói rằng dù kế hoạch cải tổ cơ cấu đang diễn tiến tốt, nhưng khó nhất và tốn thời gian nhất là “cải tổ tinh thần” của những người can dự. Lĩnh vực tài chính của Vatican cũng đang giữa chương trình đại tu bổ. Hồng y George Pell, người nắm tay hòm chìa khóa cho GH Phan-xi-cô đã ra những quy định về kế toán và ngân sách cho những tổ chức, cơ quan trước đây vốn độc lập, không quen với chuyện bị ai kiểm tra sổ sách. Tổng hợp theo Yahoo.news
......

Cuộc chiến dầu lửa: ĐÒN HẠ THỦ BẤT NGỜ CỦA MỸ

BIỂU ĐỒ GIÁ DẦU THÔ TỪ 2000 ĐẾN 2014 Oil Price today Thursday 04.12.2014 : $66.81 ▼-0.57   -0.85 Tin cập nhật hôm nay giá dầu thô chỉ còn $66.81 sự hạ giá gây "choáng" và con bài dầu của Mỹ đang "lật". TỪ KHI GIÁ DẦU LỬA từ đỉnh điểm 3 con số tức có lúc lên đến trên 140 đô la/ 1thùng là thời gian khối OPEC hốt bạc. Bao nhiêu sự chi tiêu các nước Trung Đông đều lệ thuộc vào dầu. Chuyện giàu sang của khối dầu Trung Đông bao lâu nay là chuyện ai cũng biết. Cú gây sốc này là những gì khối dầu Bắc Mỹ đã tính từ trước với sự vận hành của hệ Petrodollar , càng bán dầu càng xài đô la và Bắc Mỹ vừa cất dầu vừa in đô la cho những ông chủ dầu Trung Đông "cất làm của" cho sự giàu sang của họ. Người ta tính rằng nếu dầu hạ xuống 80 đô la một thùng thôi thì Trung Đông đã thiết hại hàng tỷ đô la mỗi ngày. Giờ dầu đang dưới 70 đô la cái hậu quả là OPEC lại càng gia tăng sản lượng dầu để giữ mức thu nhập và cung tăng thì cầu giảm đó là lẽ thuờng , sẽ đẩy giá dầu tuột dốc. Chúng ta lại bàn qua hai anh chàng ăn theo chuyện dầu và khí đốt là Putin đã và đang đánh canh bạc dầu và khí đốt đối với Mỹ và Tây Phương. Tưởng tượng mùa đông rét mướt không có khí đốt của Nga thì Đông và Tây Âu chắc chết. Ai chết trước? - Nga đây là câu trả lời vì Sư Trừng Phạt Kinh tế Nga sau vụ Ukraine đang làm Nga sống dỡ chết dỡ qua sự mất mát thua thiệt về thuơng mãi cũng như hệ thống ngân hàng Nga đang bị "cấm túc" chết theo. Putin đã không dùng khí đốt làm vũ khí "răn đe" được mà phải năn nỉ "ai mua khí đốt giùm em...? " để cứu vãn nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề do sự trừng phạt của Tây phương theo lệnh Mỹ. Putin khoan vội hung hăng Cú đòn không dừng ngang dây, lần đầu tiên kể từ năm 1949 Mỹ đã xuất cảng dầu và những thứ liên hệ với dầu cao hơn nhập cảng. Đại kỹ nghệ khí đốt sẽ xuất cảng sang Châu Âu vào năm tới cạnh tranh với Nga. Giấc mông Liên Bang Nga của Putin đang bị đứng khựng lại vì cái nạn "dầu rớt giá" mà sự kiện rớt giá này là ngón "Nhất Dương Chỉ" của Hoa kỳ đã khổ luyện từ lâu điểm vào yếu huyệt "dầu và khí " của Putin. Trong bài diễn văn trước viên DUMA theo BBC hôm nay 4/12/2014 Putin vẫn hô hào bất chấp mọi khó khăn trong lúc cử tọa thì không dấu vẻ bồn chồn lo lắng vì những cú trừng phạt quá nặng từ hệ thống tài chánh và nhất là vụ GIÁ DẦU GIẢM quá nhanh. Giờ đây sự huy hoàng của một đế chế mà Putin là "Nga Hoàng" cùng với sự trở về "nước mẹ" của Crimea và đông Ukraine có cứu Putin đươc không? câu trả lòi là KHÔNG ! Thưa bạn đọc,  những thông tin và chi tiết thì hi vọng chúng ta đã biết nhiều qua thông tin cập nhật. Người viết chỉ mong rút ra những phân tích trọng yếu cho các sự kiện kể trên. Trong đó sự rớt giá dầu và xuất cảng dầu của Mỹ là vấn đề cốt lõi. Mỹ đã tính trước: dùng dầu Trung Đông phát triển kỹ nghệ song hành với việc đưa đẩy thế giới dùng đồng đô la đó là một chiến lược kinh tế có chủ trương hay PETRO-DOLLAR . Thời điểm hôm nay Mỹ bắt đầu xử dụng khối dầu dự trữ của Bắc Mỹ và hệ khí đốt để trở thành cường quốc số 1 trong vấn đề sản xuất dầu + khí cùng tương đương. Theo Bloomberg thì Hoa kỳ năm nay đang qua mắt Arab Saudi , trở thành nước sản xuất dầu vói năng xuất 11 triệu thùng/1 ngày trong quý đầu. Hoa kỳ đã sản xuất khí đốt đứng đầu thế giới kẻ từ năm 2010. Tổng hợp lại theo Cơ Quan  Năng Lượng Quốc Tế -IEA, thì Hoa kỳ xem nhu chính thức là nước sản xuất đứng đầu thế giới về lượng dầu và khí thiên nhiên hóa lỏng.  Trong tương lai (theo IEA) gần Mỹ sẽ sản xuất lên con số 13.1 triệu thùng 1 ngày vào năm 2019. Sự kiện Ukraine đã làm gia tăng áp lực gay gắt giữa EU , Hoa kỳ đối với Putin. Theo lệnh NATO , Bulgaria hủy bỏ đường khí đốt Nga qua nước này và Putin đã chỉ thị cho ngoai trưởng Nga Alexander Novak chính thức cho biết hủy bỏ kế hoạch qua Bulgaria và  phải chuyển huớng ống qua huớng Thổ nhĩ Kỳ. Rõ ràng nước Mỹ đã đứng sau lưng EUhứa hẹn về nguồn khí hóa lỏng sẽ cung cấp cho EU thế Nga. Liên xô một lần sụp đổ vì chạy đua vũ trang với Mỹ ; đến nay Putin sẽ sụp đổ vì chạy đua vũ khí " dầu và khí " với Mỹ. Sự suy sụp kinh tế của Nga hiện nay là cái "máy chém" vô hình đang để vào cổ Putin cùng sự sụp đổ của cái ghế tổng thống độc tài của ông ta. Các cụm bơm dầu trên đất liền của Mỹ Giờ chúng ta điểm qua Trung Cộng và số phận Biển Đông Một Tập cận Bình và một nước Trung Hoa Cộng Sản đang đi theo vết xe đổ của Liên xô khi chạy đua võ trang với Mỹ. Cát - xi măng, gỗ , thép là những vũ khí hiện nay cũng như sự chọn lựa của Trung cộng trong việc nới đảo củng cố chủ quyền tranh giành quần đảo Trường Sa(theo BusinessWeek). Nhìn rõ thảm họa thất bại của chế độ CS Trung Hoa đang bành trướng sức mạnh qua nền kinh tế được mệnh danh là KHU VỰC SẢN XUẤT để gom góp bao tài lực nuôi lớn lực lượng quân sự , chạy đua vũ trang với những vũ khí hiện đại nhất và đắt tiền nhất cùng với cổ máy THAM NHỮNG KHỔNG LỒ với một điều kiện và mục tiêu hết sức quyến rũ là KHỐI DẦU BIỂN ĐÔNG. Nước Mỹ vừa làm F35 trị giá cao nhưng nhờ thị trường tiêu thụ nuôi dưỡng nó, hiện nay đã có tới 11 quốc gia đã đặt mua F35 của hãng Lockheed Mỹ . Riêng chính phủ Mỹ và đồng minh sẽ tiêu tốn 398.6 tỷ đô la cho F35. Hãng Lockheed đang chế tạo F35 Có bán mua có lớn mạnh sức sản xuất thêm trong lúc những chiếc hàng nhái cở J 20 và J31 cũng là "tàng hình" cũng ca ngợi "giống F35" của Mỹ nhưng có việc tiêu tốn không bán ra cho ai thì xem như "hết vốn". Đây cũng là một điểm chết trong những "cái chết" của thảm kịch chạy đua vũ trang của Bắc Kinh đối với Mỹ. Bao công lao của Bắc Kinh đã thành DÃ TRÀNG XE CÁT khi dầu càng ngày càng rẻ mạt không xứng sự đầu tư vào lực lượng quân sự quá khổng lồ để độc chiếm Biển Đông . Chiều huớng nay mai là Bắc Kinh sẽ mất "cả chì lẫn chài" vì các cường quốc nhất là Mỹ không bao giờ cho phép Bắc Kinh "cắt ngang xương" huyết lộ hàng hải quốc tế với giá trị thuơng mãi quốc tế hơn 5 ngàn tỷ mỹ kim hàng năm xuyên qua đây ?  Hoa Kỳ sẽ có dầu khí đốt , sẽ có thật nhiều F35 bán cho thế giới và ngay cho chính mình. Bắc kinh vừa đi mua dầu vừa tốn kém quân sự trong khi máy bay "vừa bán vừa cho"cũng không ai hỏi ! vì là "hàng nhái,hàng nhỗm" rõ ràng là "tử lộ" đó thôi. Những tài lực vừa có được đúng ra để cho Trung Cộng nâng cao mức sống của hơn 1 tỷ rưởi dân ,đầu tư vào xã hội và hạ tầng cơ sở cùng kiến tạo nền đại kỹ thuật bước ra nền KINH TẾ CHẾ BIẾN VÀ SẢN XUẤT. Tham vọng đưa ra và những chiến lược dĩ lỡ ở Biển Đông cùng sự đầu tư quá múc vào quân sự , Bắc kinh không "thu đòn" lại kịp nữa. NHỮNG VỚT VÁT CUỐI CÙNG CỦA TẬP CẬN BÌNH. Những trò "đả hổ diệt ruồi" của Tập cận Bình diệt trừ tham nhũng, chỉ lấy lại một phần nhỏ sức lực cùng uy tín của đảng CS Trung Hoa. Sự rạn nứt càng lúc càng tăng trong nội bộ đảng CS Bắc Kinh sẽ là một hiểm họa đấu đá nội bộ trong tương lai. Vấn đề Biển Đông sẽ là chuyện "đem con bỏ chợ" không còn sức lực bảo vệ khi cái huyết mạch thông thuơng của các cường quốc bị chặn đứng với cái mục tiêu đang mất giá là "kho dầu Biển Đông". Sự thối lui của Bắc kinh để giữ an NỘI TRỊ là chuyện không thể tránh được khi Mỹ sẽ sản xuất càng nhiều và khí đốt càng nhiều thêm. Cùng một lúc sự cạnh tranh lấy lại khu vực sản xuất(manufacturing sectors) của các cường quốc với kỹ thuật hiện đại nhất như: -Robot Hóa, -trí thông minh nhân tạo và - kỹ thuật 3 chiều sẽ giáng những đòn kinh tế "trí mạng" vào nền kinh tế "hàng rẻ , nhỗm " của Trung Cộng. AI Tính qua được THIÊN CƠ ? Lúc này con bạch tuộc Bắc Kinh mới co vòi tại Biển Đông và các hiểm họa bá quyền sẽ không còn. Hoan hô ngón đòn "HẠ THỦ BẤT HOÀN" xuất cảng dầu và khí của Mỹ. KẾT LUẬN NỀN KINH TẾ DẦU KHÍ LÀ CHUYỆN CỦA THẾ KỶ 20 Qua bài bình luận hôm nay chúng ta thấy gì? Đến khi nước Mỹ giở món bửu bối "Nhất Dương Chỉ" cuối cùng cất bao lâu nay là thời đại dầu hỏa làm chủ sẽ không còn nữa. Nguồn năng lượng này sẽ trở thành thừa mứa khi các kho tàng dầu+ khí tích trữ tại Bắc Mỹ và Alaska bắt đầu "tung độc chiêu" . Chuyện không phải ngang đây nó báo hiệu cho sự giàu mạnh của một nền kinh tế không còn dính líu nhiều vào chuyện dầu khí mà là vấn đề KHOA HỌC KỸ THUẬT: NƯỚC NÀO CÓ NỀN KỸ THUẬT CAO NHẤT SẼ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI một thời gian với tầm nhận thức cũ, có một số người vội vàng cho Trung Hoa với sự vươn lên nhanh chóng của nền kinh tế CHẾ XUẤT(manufacturing) sẽ "LÃNH ĐẠO" THẾ GIỚI thay Mỹ? -Không phải vậy ! Tất cả ý tưởng đều xoay chiều nhanh chóng khi "món đòn Dầu Khí "của Mỹ bắt đầu tung ra thị trường, kéo theo sự sụp đổ giá cả dầu thô một thời làm "mưa gió" trên thị trường năng lượng. Loại hình kinh tế thế giới mới đang ló dạng đó là nền kinh tế KỸ THUẬT CAO với thời đại thăng hoa của kỹ nghệ điện tóan, robot, và kỹ thuật 3 chiều đó là những nội dung mà nhân loại trong thế kỷ 21 bắt đầu chứng giám.  DHL - BA Social Science SJSU 4/12./2014
......

Thủ Tướng Angela Merkel tái đắc cử

Cologne, Đức. (Reuters) – Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tái đắc cử chức chủ tịch đảng Liên hiệp Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thường gọi tắt là CDU tại đại hội đảng được tổ chức ở thành phố Cologne với 96.7% số phiếu. Đối với người Đức, việc tái đắc cử của Thủ tướng Merkel là điều chắc chắn, nhưng con số tỷ lệ phiếu quá lớn là điều làm họ ngạc nhiên. Thủ tướng Merkel đang phục vụ nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ 3 và trở thành chủ tịch đảng CDU nhiệm kỳ thứ 8. Theo kết quả các cuộc thăm dò mới nhất, mức chấp thuận đối với Thủ tướng Merkel hiện giờ là 67% và 56% dân chúng trong nước muốn bà ta làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4.  Đảng viên đảng CDU đã mạnh mẽ ủng hộ bà Merkel vì lập trường cứng rắn của bà ta trong vụ khủng hoảng tài chánh và khủng hoảng nợ các nước trong khu vực đồng euros cũng như cứng rắn đối với cuộc xung đột ở Ukraine.   Nền kinh tế Đức đã vững chắc trong thời gian bà Merkel cầm quyền, không tạo thêm nợ mới. Angela Dorothea Kasner sinh tại Hamburg, con gái Mục sư Horst Kasner, học vật lý tại đại học Leipzig, làm việc cho Viện hàn lâm khoa học Đông Đức từ năm 1978 đến năm 1990. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Angela gia nhập đảng Demokratischer Aufbruch hay Thức Tỉnh Dân chủ mới thành lập. Sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Đông Đức cô làm phát ngôn viên cho chính phủ Thủ tướng Lothar de Maizeiere. Trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc cô ta đã đắc cử dân biểu quốc hội nước Đức thống nhất, trở thành Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên trong nội các Thủ tướng  Helmt Kohl. Cô  kết hôn với ông Ulrich Merkel trong năm 1977, ly dị năm 1982. Năm 1988 đã thành hôn với ông Joachim Sauer. Khi chính phủ Thủ Tướng Kohl thất bại trong cuộc bầu cử năm 1998, bà Merkel đã được chỉ định làm tổng thư ký đảng CDU. Vào năm 2000 bà trở thành người phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch đảng ở Đức. (Huệ Võ)
......

Nguyên nhân và hậu quả của việc giá dầu thế giới giảm mạnh

(VNC) Trong vài tuần lễ vừa qua, giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm gần 25%, tạo ra những chấn động lớn trên toàn thế giới và đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế và chiến lược. Kể từ tháng Sáu vừa qua, giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã giảm từ $115/thùng xuống còn $85 vào cuối tháng 10. Giá dầu tiếp tục giảm xuống còn gần $82/thùng vào ngày bầu cử của Hoa Kỳ 4-11, giá thấp nhất trong vòng 4 năm qua, sau khi Saudi Arabia hạ giá dầu xuất cảng qua Mỹ theo hãng tin Reuters. Những lý do nào khiến giá dầu thế giới giảm mạnh? Có nhiều lý do khiến giá dầu giảm mạnh. Những lý do bất ngờ và ngắn hạn bao gồm việc Lybia vào tháng 9 tăng sản xuất 40% so với một tháng trước. Saudi Arabia cũng gia tăng sản xuất dầu (0,5%) để bảo vệ thị phần (market share) đặc biệt tại Ấn Độ và Trung Quốc, chèn ép những nhà sản xuất dầu đá phiến và việc khai thác dầu ở Bắc Cực. Iraq và Iran theo gương Saudi Arabia cũng gia tăng sản xuất dầu. Ngoài ra vào đầu tháng 10, Saudi Arabia giảm giá dầu bán cho những nước tiêu thụ chính ở Á châu. Thêm vào đó, những tổ chức đầu cơ dầu trước đây đã tích trữ một số dầu để chờ giá dầu tăng kiếm lời. Nay họ bán tống bán tháo số dầu này ra để tránh lỗ thêm.   Việc giá dầu giảm mạnh có những lý do căn bản. Thứ nhất nhu cầu về dầu giảm vì kinh tế phát triển bị chậm lại ở nhiều nơi như Âu châu, Trung Quốc, Brazil, và Nam Dương. Thứ nhì là tiết kiệm nhiên liệu ngày càng hiệu quả hơn vì giá dầu gia tăng trước đây và luật bảo vệ môi trường. Trung bình xe hơi ngày nay tiêu thụ săng 25% cho mỗi dặm (mile) ít hơn 10 năm trước đây. Thứ ba là số xe hơi tại các quốc gia giầu có đã đạt tới mức cao nhất. Thứ tư là ảnh hưởng của việc sản xuất dầu và hơi đốt từ đá phiến tại Hoa Kỳ. Đây là lý do quan trọng nhất và chúng ta đang bắt đầu thấy hiệu quả của cuộc cách mạng kỹ thuật khai thác dầu này. Hoa Kỳ đang tiến sâu vào kế hoạch tự lập về năng lượng trong vòng 15-20 năm tới. Hoa Kỳ đã gia tăng sản xuất dầu từ 3 triệu thùng mỗi ngày từ đầu năm 2010 lên đến 8.5 triệu thùng mỗi ngày hiện nay. Từ 2009 đến nay, Hoa Kỳ tiếp tục đều đặn giảm nhập cảng dầu và hơi đốt. Tiến trình này đang phát triển tương tự tại Canada. Việc cải tổ cấu trúc của khu vực năng lượng của Mễ Tây Cơ cũng sẽ giúp gia tăng khả năng sản xuất. Theo nhận định vừa rồi, chúng ta có thể tóm tắt rằng một mặt mức tiêu thụ dầu chậm lại. Mặt khác sản xuất gia tăng. Luật cung cầu tạo áp lực cho giá dầu đi xuống. Công nghiệp dầu đá phiến và năng lượng tái tạo (còn gọi là năng lượng xanh) bị ảnh hưởng ra sao? Như ở phần trên chúng ta đã nói đến, Saudi Arabia hỗ trợ giá dầu hạ để cản trở việc khai thác dầu đá phiến và cả năng lượng tái tạo dùng sức gió, sức nước và ánh sáng mặt trời. Sản xuất dầu đá phiến từ những giếng dầu nhỏ khá tốn kém. Nếu giá dầu xuống dưới $US 80/thùng, 1/3 số giếng dầu đá phiến sẽ lỗ. Kỹ nghệ dầu đòi hỏi một kế hoạch đầu tư lâu dài. Tới một thời điểm nào đó, những nhà đầu tư không thể đóng cửa nhà máy sản xuất dễ dàng. Trong trường hợp giá dầu xuống thấp hơn, việc sản xuất dầu đá phiến sẽ điều chỉnh và sẽ vẫn tiếp tục kiếm lời như kinh nghiệm cho thấy những trường hợp giá dầu xuống thấp trước đây. Trong những bốn năm qua, kỹ nghệ dầu đá phiến đã tăng năng suất của các giếng dầu 300%. Kỹ thuật khai thác dầu đá phiến tiếp tục cải thiện. Giá dầu giảm sẽ không đình chỉ việc sản xuất dầu đá phiến.   Trên thị trường tự do, khi giá đi xuống, người bán sẽ bị thiệt và người mua sẽ được lợi. Trong trường hợp giá dầu giảm mạnh, những nước nào bị thiệt hại và những nước nào được lợi? Những nước sẽ chịu nhiều hậu quả nhất là Venezuela, Iran, và Nga. Venezuela là nước sẽ bị rạn nứt trước tiên. Ngân sách của Venezuela dựa vào dầu ở giá $120/thùng. Ngay cả trước khi giá dầu giảm, Venezuela đã gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ. Khối ngoại tệ dự trữ bớt dần. Mức lạm phát gia tăng. BBC trong tháng 9 vừa qua báo cáo rằng mức lạm phát của một năm qua là 63,4%. Venezuela đang bị khan hiếm về hàng hóa tiêu thụ hàng ngày như bột mì và giấy vệ sinh. Quốc gia này đang ở ven bờ phá sản. Iran cũng đang gặp khó khăn. Nước này cần giá dầu ở mức $140/thùng để cân bằng ngân sách phung phí với những chi tiêu quá mức. Thêm vào đó, nạn cấm vận chống lại chương trình nguyên tử của Iran làm cho quốc gia này chịu nhiều rủi ro. Iran chủ yếu dùng lợi tức dầu xuất cảng vào những chương trình bao cấp để duy trì ổn định xã hội. Nguồn tài chánh này giảm mạnh vì giá dầu giảm mạnh sẽ tạo ra nguy cơ hỗn loạn. Nga đang ở ven bờ suy thoái kinh tế. Hơn 50% ngân sách của nước này lấy từ lợi tức xuất cảng dầu và nền kinh tế của Nga rất nhậy cảm với giá dầu thay đổi. Dầu và khí đốt chiếm 70% lợi tức xuất cảng. Tuy nhiên Nga có thể chịu đựng giá dầu thấp trong một thời gian dài hơn từ 18 tháng cho đến hai năm, nhưng tiền dự trữ cũng sẽ hết. Cấm vận của Tây Phương làm kinh tế Nga khốn đốn và làm cho nước này không thể vay nợ dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tách đồng ý rằng hậu quả của giá dầu giảm mạnh còn tệ hại hơn nhiều. Theo tờ báo Vzglad của Nga, khi giá dầu giảm $1/thùng, ngân sách của Nga sẽ bị thiệt hại $2 tỉ. Mặc dù Ngân Hàng Trung Ương Nga đã bán ra US$7 tỉ trong tháng 10, 2014 để trợ giá đồng Rúp (Rouble) của Nga nhưng gía tri của Rúp vẫn xuống thấp còn 43 Rúp/US$ so với 35 Rúp/US$ vào tháng 5 vừa qua một phần vì giá dầu giảm. Chương trình hiện đại hóa quân đội chiếm 20% ngân sách của khu vực công. Ngân sách quốc gia thiếu hụt ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến ngân sách quốc phòng. GS Konstantin Sonin của Trường Cao Học Kinh Tế tại Moscow nói rằng “Giá dầu giảm xuống sẽ khiến chi tiêu giảm. Đó là những hồi chuông báo động cho các doanh gia.” Bank of America tiên đoán Nga sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và giảm 1,5% vào năm 2015. Những nước sản xuất dầu bị thiệt hại về giá dầu xuống thấp chỉ là thiểu số. Những nước có lạm phát cao như Thổ Nhĩ Kỳ và những nước tiêu thụ dầu chiếm đa số, đặc biệt là những nước tiêu thụ nhiều dầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Indonesia là những nước được hưởng lợi ích của giá dầu thấp. Trong trường hợp giá dầu giảm như hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ lời hay lỗ? Việt Nam là một nước xuất cảng dầu thô nhưng nhập cảng xăng dầu và nhiều sản phẩm chế biến từ dâu thô như phân hóa học, thuốc diệt trừ sâu bọ, tơ sợi nhân tạo, đồ nhựa. Theo sự phân tách của TS Lê Đăng Doanh, dầu thô xuất cảng chiếm 20-25% tổng số lợi tức xuất cảng hàng hóa của Việt Nam. Khi giá dầu giảm 25%, lợi tức thu về cũng giảm theo. Việt Nam trợ giá xăng là 300-500 đồng/lít. Theo Cơ Quan Quản Trị Số Liệu Năng Lượng của Hoa Kỳ (U.S. Energy Information Administration), Việt Nam là một nước nhập siêu về dầu. Tính trung bình cho năm 2013, số dầu nhập siêu là 59.326 thùng/ngày. Như vậy mặc dù Việt Nam sẽ thất thu 25% lợi tức về dầu xuất cảng, nhưng cộng chung với số dầu nhập cảng, Việt Nam là nước hưởng lợi từ giá dầu giảm. Trong thời gian gần đây gía xăng ở Việt Nam đã giảm 8 lần tính đến ngày 4.11.2014 với mức giảm tổng cộng là 3.300 đồng/lít xuống còn khoảng 23.000 đồng/lít. Mức lạm phát tiếp tục giảm theo. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (Consumer price index) tính từ đầu năm chỉ tăng tổng cộng 2,36%, cách khá xa so với lạm phát tiêu chuẩn đặt ra cho năm 2014 ra là 6%. Hoa Kỳ là một trong những nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới và cũng là một nước nhập siêu về dầu. Do đó Hoa Kỳ là một nước chính hưởng lợi nhiều từ việc gía dầu giảm mạnh. Trong năm 2013, Hoa Kỳ đã nhập cảng 3,6 tỉ thùng dầu thô và sản phẩm dầu. Nhiều nhất từ Canada, Mexico, Saudi Arabia, Venezuela, Kuwait, Iraq và Nga. Theo một ước tính của Moody, giá xăng giảm 1% trong một năm sẽ giúp những người tiêu thụ xăng ở Mỹ tiết kiệm được $1,2 tỉ.   Vì lý do chiến lược, luật của Hoa Kỳ hiện nay không cho phép các công ty sản xuất dầu xuất cảng dầu thô. Nhưng trong tương lai, Hoa Kỳ có thể bãi bỏ việc cấm xuất cảng dầu thô, nếu việc khai thác dầu đá phiến trong nước giúp Hoa Kỳ thặng dư dầu thô đáng kể. Giá dầu giảm năm nay có những ảnh hưởng nào về phương diện kinh tế và chánh trị? Giá dầu giảm đã làm cho kinh tế thế giới phát triển sau Thế Chiến Thứ Hai và trong thập niên 1990. Trái lại giá dầu cao trong thập niên 1970 đã làm cho kinh tế thế giới trì trệ. Những nước chịu hậu quả khốc liệt của giá dầu giảm mạnh hiện nay sẽ phải đối phó với những bất an xã hội và chính trị. Giá dầu xuống thấp giúp giảm lạm phát và sẽ kích thích phát triển kinh tế trên toàn cầu, ngoại trừ một số nước xuất cảng dầu. Theo tờ báo The Economist của Anh, Liên Bang Sô Viết xụp đổ vào năm 1991, một phần vì giá dầu giảm 2/3 trong khoảng thời gian từ 1980-1986. Mặt khác, giá dầu tăng gấp ba đã giúp củng cố chính quyền của Tổng Thống Vladimir Putin trong thời gian 14 năm. Dầu là hàng xuất cảng chính của Nga trước đây và hiện nay. Giá dầu xuống cũng sẽ gây bất mãn trong quần chúng Nga và khó khăn cho chính quyền Putin. Giá dầu giảm làm tình hình chính trị căng thẳng giữa một số nước. Sự đối nghịch giữa Shia Iran và Sunni Saudi Arabia sẽ gia tăng thêm, vì hai nước cùng là thành viên của OPEC nhưng Iran muốn giảm sản xuất dầu để giữ giá, trong khi Saudi Arabia lại muốn tăng sản xuất. Một số người nhận định rằng Saudi Arabia liên kết với Hoa Kỳ để thao túng chính trị và làm hại Iran. Ô. Masoud Mirkazemi, một đại biểu của Nghị Viện Iran, nguyên là bộ trưởng dầu hỏa, nói rằng “Saudi Arabia, có ý muốn kiềm chế OPEC, phục vụ quyền lợi của G20.” Tổng Thống Nicholas Maduro của Venezuela đổ lỗi cho Hoa Kỳ làm hạ giá dầu để làm suy yếu Nga và những nước sản xuất dầu. Một lý thuyết cho rằng gía dầu giảm sẽ buộc Nga phải có một giải pháp hòa dịu đối với Ukraine và Iran phải tìm cách thỏa hiệp về chương trình hạt nhân. Chuyện gì sẽ xẩy ra trong năm 2015?   Dầu hỏa là nguồn năng lượng chính vô cùng quan trọng trong đời sống của chúng ta và trong mọi ngành công nghiệp sản xuất. Nó cũng là một võ khi chiến lược vô cùng lợi hại. Như đã được tiên đoán trước đây, tổ chức những quốc gia xuất cảng dầu (Organization of Oil Exporting Countries – OPEC) đã nhóm họp vào ngày 27.11.2014 ở Vienna để tìm giải pháp đối phó với giá dầu giảm. Một trong những biện pháp OPEC đã thảo luận là giảm mức sản xuất dầu. OPEC đã quyết định tiếp tục giữ nguyên mức sản xuất hiện nay là 30 triệu thùng dầu mổi ngày áp dụng kể từ tháng 12. 2011. Sau khi quyết định của OPEC được công bố, giá dầu thô (Brent) giảm xuống còn US$72/thùng. Ô. Igor Sechin, Tổng Giám Đốc của tập đoàn quốc doanh dầu khí Nga Rosneft, dự đoán dầu sẽ xuống tới dưới $60 một thùng trong nửa đầu năm 2015. Hầu hết những quốc gia xuất cảng dầu, kể cả Nga lẫn Việt Nam, đều phải tiếp tục sản xuất và bán dầu dù ở bất cứ giá nào, vì áp lực của ngân sách. Kỹ nghệ dầu đá phiến của Hoa Kỳ cũng ở trong tình trạng này, dù chưa được phép xuất cảng. Trong khi đó nhu cầu về dầu tiếp tục ở mức độ thấp. Do đó thị trường dầu hỏa sẽ có thể tiếp tục chứng kiến giá dầu thấp trong nhiều tháng tới.
......

Vũ khí chiến lược dầu hỏa

(VNC) Trong vòng ba năm nay, những tính toán về thế chiến lược địa dư toàn cầu đã bị một vũ khí chiến lược mới của Hoa Kỳ làm thay đổi hẳn cục diện. Đó là vũ khí dầu hỏa, một thứ vũ khí trước giờ làm Hoa Kỳ khốn đốn và bị lệ thuộc vào những quốc gia không mấy gì thân thiện với Hoa Kỳ nắm giữ như những xứ vùng Trung Đông, Venezuela và Nga. Nhưng thế cờ hiện nay đã bị lật ngược và Hoa Kỳ đã nắm thượng phong để có thể dùng dầu hỏa như một vũ khí chiến lược cho những tính toán mới cho chính trị địa dư toàn cầu.   Điều này xảy ra được hoàn toàn nhờ vào một kỹ thuật mới về đào dầu. Đây là phương cách tân tiến nhất dùng vệ tinh satellite để điều khiển mũi khoan dầu, đào sâu xuống nhiều dặm dưới lòng đất rồi tùy theo vị trí có thể quay ngang và đào bên cạnh gọi là horizontal drilling, tiến tới mục tiêu chính xác có thể chỉ nhỏ như một chiếc bánh xe! Trước kia việc đào dầu thường chỉ dùng những dữ kiện do địa chấn đem lại để tìm mỏ dầu và đào thử hàng chục lần mới được một lần trúng. Những lần đào hụt gọi là dry holes, tốn tiền nhiều và mất nhiều thời giờ để đào trúng mỏ dầu. Với những dữ kiện về địa chất do satellite technology và cách đào ngang horizontal drilling, việc đào hụt gặp dry holes không xảy ra nữa!   Nhưng việc sản xuất dầu hiện nay tại Hoa Kỳ thay đổi nhiều hơn cả là do việc lấy dầu từ đá gọi là shale oil. Dưới đáy của những mỏ dầu đã bơm ra gần cạn từ đầu thế kỷ 20 đến giờ, là những mỏ đá shale oil chứa dầu nằm lẫn trong đá. Dầu hỏa nằm trong đá này trước giờ không lấy ra được vì không chảy và không bơm lên được, gọi là dầu chặt, tight oils. Dung lượng của những mỏ dầu nằm trong shale oil còn nhiều hơn những mỏ dầu bơm lên dễ dàng trước kia, nhưng nay đã bơm cạn. Kỹ thuật mới hiện tại là dùng cách đào như diễn tả trong đoạn trước và đào ngang horizontal drilling để tiến sâu vào những mỏ đá shale oil. Sau đó hàng ngàn gallons nước được bơm thẳng vào những vết nứt của mỏ đá shale oil này với áp suất cực mạnh. Dầu và khí đốt nằm trong đá được hút ra sau khi được nước bơm vào giải tỏa và được bơm thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật này gọi là hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking và hiện đang được áp dụng tại ba vùng có mỏ dầu shale oil lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại tiểu bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía Nam Texas. Nhờ vào số lượng dầu bơm từ ba vùng này với kỹ thuật mới, mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ đã tăng vọt từ 5 năm trở lại, nhưng tăng nhiều nhất là ba năm nay. Trong thập niên 60’s mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ lên đến mức cao nhất và sau đó đi xuống dần. Năm 1970 là mức tột đỉnh với sản xuất dầu nội địa là 9.6 triệu thùng dầu một ngày. Sau đó các mỏ dầu nhất là tại vùng Texas cạn dần, cho đến năm 2008 chỉ còn sản xuất được 5 triệu thùng dầu một ngày. Nhưng từ năm 2011 đến 2014, mức sản xuất dầu hỏa nhờ vào kỹ thuật fracking đã làm tăng lên được 46%, chưa bao giờ tăng nhanh lên được như vậy kể từ giai đoạn 1921-1924, đúng 90 năm trước, lúc mới bắt đầu việc đào dầu tại Hoa Kỳ tạo ra các nhà tỷ phú như Rockefeller thời đó! Năm 2013 mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ là 7.5 triệu thùng dầu một ngày, với ước tính cho năm 2014 sẽ là 8.3 triệu thùng dầu sản xuất mỗi ngày. Với đà sản xuất này, theo cơ quan năng lượng quốc tế International Energy Agency, đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ qua mặt Saudi Arabia để sản xuất lên đến mức 11.6 triệu thùng dầu một ngày! Như vậy điều rõ ràng nhất là Hoa Kỳ sẽ không cần đến Saudi Arabia như trước nữa! Xứ này từ trước đến nay nắm giữ quyền lực về dầu hỏa vì được coi là swing producer, tức có khả năng để ấn định giá cả cho dầu hỏa. Với mức bơm dầu nhiều nhất thế giới, Saudi Arabia chỉ việc bơm nhiều hơn hay ít hơn để xác định giá cả cho dầu hỏa và Hoa Kỳ lệ thuộc vào xứ này trên phương diện chiến lược. Như việc phải bảo vệ cho Saudi Arabia với các căn cứ quân sự tại đây cũng như đặt Đệ Ngũ hạm đội tại vùng Bahrain và tuần tiễu trên vùng Vịnh để giữ cho đường thủy chở dầu được lưu thông. Trong chiến lược ngăn chặn Iran không cho quốc gia này chế tạo bom nguyên tử, ngoài việc bảo vệ Do Thái, Hoa Kỳ còn bị áp lực của Saudi Arabia. Lý do là hai xứ Iran và Saudi Arabia là hai kẻ thù không đội trời chung. Iran được coi như cầm đầu các xứ theo Shiite, trong khi Saudi Arabia là quán quân cho phe Sunni của Hồi Giáo. Thế chiến lược địa dư hiện nay tại vùng Trung Đông có thể coi như một cuộc tranh chấp đẫm máu giữa hai giáo phái Sunni và Shiite của Hồi Giáo. Hiện nay cuộc nội chiến tại Syria đã biến thể để thành chiến tranh giữa Shiite với phe của Assad và Iran ủng hộ, với phe Sunni của đa số dân Syria được Saudi Arabia và các vương quốc vùng Vịnh yểm trợ. Đây chính là lý do Saudi Arabia đã bất mãn đến cùng cực khi Tổng Thống Obama chùn chân không chịu cho tấn công Assad năm ngoái sau vụ thảm sát dân lành bằng vũ khí hóa học. Quốc Vương Abdullah của Saudi Arabia đã coi đây là một sự phản thùng của Obama, không chịu tiến tới trong việc yểm trợ phe Sunni để lật đổ Assad như Saudi Arabia đã mong muốn.   Tuy nhiên việc Obama trở mặt vào phút chót đối với Saudi Arabia đã cho thấy một điều rõ ràng. Là ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với Hoa Kỳ đã không còn được như trước. Obama đã tính toán là vùng Trung Đông không còn giữ vai trò quan trọng như khi Hoa Kỳ bị lệ thuộc vào Saudi Arabia về dầu hỏa và cần phải giữ cho Saudi Arabia hài lòng bằng mọi giá, kể cả việc gây ra thêm một cuộc chiến tranh khác như tại Syria. Với mức dầu hỏa sản xuất tại Hoa Kỳ chỉ trong thời gian ngắn sắp đến sẽ làm Hoa Kỳ độc lập về dầu hỏa, Saudi Arabia đã mất đi thế đòn bẩy để áp lực Hoa Kỳ bằng dầu. Nên việc Obama trở mặt với vua Abdullah của Saudi Arabia trong vụ Syria vừa qua có thể coi như bước đầu trong thề chiến lược thay đổi của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông, khi Hoa Kỳ đã nắm được thế thượng phong với vũ khí chiến lược dầu hỏa. Cũng thế, lý do để Iran phải chịu vào bàn thương thuyết với Hoa Kỳ về việc tinh luyện nhiên liệu uranium cho bom nguyên tử, cũng do Hoa Kỳ đã trên chân về vũ khí dầu hỏa. Iran trước giờ đe dọa sẽ cho phong tỏa eo biển Hormuz để chặn đường biển chở dầu hỏa từ các xứ vùng Vịnh, kể cả Saudi Arabia. Nhưng vớiHoa Kỳ gia tăng mức sản xuất dầu do fracking, thế đòn bẫy này của Iran không còn nữa. Hoa Kỳ trong những năm của thời George Bush hay Clinton đã không thể dùng những biện pháp chế tài kinh tế khắt khe với Iran chỉ vì sợ Iran làm thật để phong tỏa eo biển Hormuz và làm rối loạn kinh tế toàn cầu khi giá dầu lên vài trăm Mỹ Kim một thùng. Nhưng khi áp lực đòn bẫy này của Iran không còn nữa, Obama đã có thể cho áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế khắt khe nhất mà không sợ Iran phản ứng lại. Điều làm cho Iran phải qui hàng và chịu vào bàn thương thuyết chính là đòn cô lập Iran về ngân hàng và tín dụng. Các ngân hàng trên toàn cầu không thể giao dịch với Iran nên xứ này bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, không thể bán dầu lấy dollar được, chỉ có thể trao đổi hàng hóa với Trung Hoa, Ấn Độ….. nên đã bị thiệt hại nặng và sụp đổ kinh tế. Như thế một khi Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong trong vũ khí chiến lược dầu hỏa, các bài tính chiến lược của vùng Trung Đông đã phải thay đổi hết và đem lại những giải quyết cho vấn đề Iran nhức đầu choHoa Kỳ hàng bao nhiêu năm nay.   Trong cuộc khủng hoảng mới nhất hiện nay tại Ukraine, vũ khí chiến lược dầu hỏa và khí đốt cũng đã trở thành thế lực mạnh nhất cho các tính toán của Putin và Obama trong việc đối chọi giữa Nga và thế giới Tây Phương hiện nay. Hoa Kỳ và Âu Châu gần như đã chấp nhận cho Putin chiếm Crimea, nhưng muốn ngăn chặn những tham vọng kế tiếp của Putin là chiếm luôn miền phía Đông và Nam Ukraine, phân chia xứ này ra làm hai, nửa theo Nga, nửa theo Tây Âu. Putin có thế đòn bẫy là cung cấp khí đốt cho Âu Châu bằng các ống dẫn khí đốt này chạy ngang qua lãnh thổ Ukraine. Nếu Hoa Kỳ và Tây Âu làm dữ, nhất định trừng phạt Nga nặng nề hơn bằng các biện pháp kinh tế và loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, Putin có thể phản ứng lại bằng cách cho khóa các ống dẫn khí đốt này và 60% nhà cửa của Tây Âu sẽ lạnh cóng vì thiếu hơi đốt!   Ngoài ra Nga cũng là xứ sản xuất dầu và cung cấp cho Âu Châu nên ngoài khí đốt, dầu hỏa sẽ bị khan hiếm với giá tăng vọt cho dân chúng Âu Châu. Hoa Kỳ có thể cho xuất cảng hơi đốt sang Âu Châu bằng cách cho đông lạnh liquefied natural gas và dùng tầu tanker chở băng ngang qua Đại Tây Dương cung cấp cho khí đốt cho Âu Châu. Nhưng những cơ sở để làm đông lạnh hơi đốt tại Hoa Kỳ và các cơ cấu hạ tầng chưa có sẵn tại Hoa Kỳ và sẽ mất hai ba năm để có thể thay thế toàn bộ lượng khí đốt Âu Châu nhập cảng từ Nga. Cũng thế tuy Hoa Kỳ trong tương lai có thể dư thừa dầu hỏa để xuất cảng sang Âu Châu. Nhưng hiện nayHoa Kỳ vẫn còn lệnh cấm xuất cảng dầu do Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật này từ đầu thập niên 70’s khi dân chúng Hoa Kỳ phải xếp hàng để mua xăng! Muốn xuất cảng dầu, Hoa Kỳ phải bỏ luật cấm này. Nhưng hiện vẫn còn bị kỹ nghệ lọc dầu chống đối và chưa ra luật được! Lý do là các nhà máy lọc dầu hưởng lợi do việc mua dầu sản xuất tại Hoa Kỳ giá rẻ, cho lọc dầu và bán với giá của thị trường toàn cầu cao hơn nhiều. Nếu bỏ luật cấm xuất cảng dầu, các nhà máy lọc dầu sẽ phải mua dầu sản xuất nội địa với giá cao hơn nên không còn lời nữa! Vì sự chống đối của các kỹ nghệ lọc dầu, đạo luật cấm xuất cảng dầu vẫn chưa bỏ được!   Tuy nhiên nếu tình hình tại Ukraine trở thành tồi tệ hơn và Putin cho chiếm thêm đất xứ này, dĩ nhiên Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ phải bỏ luật cấm xuất cảng làm lợi cho thiểu số lọc dầu để bảo vệ cho chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ chống lại Nga! Tuy vậy chỉ cần đe dọa là Hoa Kỳ sẽ thực hiện việc cung cấp khí đốt đông lạnh cho Âu Châu và sẽ cho xuất cảng dầu hỏa sang, dù phải mất hai ba năm nữa, cũng đủ để cho Putin phải chùn chân và tính toán lại nếu không muốn thấy kinh tế Nga đi vào chỗ sụp đổ như Iran hiện nay. Đây là thế đòn bẫy quan trọng vì Nga hiện nay có thể được coi như một thứ Saudi Arabia thứ hai, gần như hoàn toàn chỉ sống bằng việc xuất cảng dầu hỏa và khí đốt. Kinh tế của Nga được coi là lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi thiên nhiên. Putin có mua chuộc được giới quân sự và được nhiều nhóm dân chúng ủng hộ, thực ra cũng nhờ vào các nguồn lợi do xuất cảng năng lượng này. Nên khi Hoa Kỳ có lợi thế hơn về vũ khí chiến lược dầu hỏa, thế đòn bẫy này của Nga đã giảm đi nhiều hiệu quả. Và trong sự tính toán của Putin hiện nay, liệu việc chiếm thêm đất của Ukraine sẽ phải trả giá quá đắt do việc Hoa Kỳ và Âu Châu loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, cũng như trong hai ba năm đến sẽ ngưng mua dầu hỏa và khí đốt từ Nga. Lúc đó chắc chắn kinh tế Nga sẽ xuống dốc không phanh và sụp đổ dễ dàng. Putin dĩ nhiên sẽ tính toán lợi hại với các giả sử và bài tính khác nhau để chọn con đường đi tới trong vài tháng sắp đến. Việc Putin gọi điện thoại thẳng nói chuyện với Obama trong hai tiếng đồng hồ và cho ngoại trưởng Lavrov gặp ngoại trưởng John Kerry tuần qua là dấu hiệu Putin có thể cũng đã chùn chân và lạnh cẳng trước những đe dọa của Hoa Kỳ về năng lượng và phải tính lại hết các bài tính chiến lược mới! Như vậy chỉ với một tiến bộ kỹ thuật mới về đào dầu, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn cục diện cho các thế chiến lược và chính trị địa dư của toàn cầu. Chỉ trong vòng ba năm, Hoa Kỳ đã chiếm thế thượng phong đối với vũ khí chiến lược dầu hỏa và nhờ đó thay đổi hẳn các tính toán cho vùng Trung Đông cũng như cho Âu Châu hiện tại. Kẻ thù tương lai và nguy hiểm nhất cho Hoa Kỳ hiện nay là Trung Hoa cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì ưu thế mới này của Hoa Kỳ đối với vấn đề năng lượng.   Điều đầu tiên là những kỹ nghệ sản xuất về solar panels, chế các tấm bảng đổi ánh sáng mặt trời ra điện của Trung Hoa hiện nay đã bắt đầu bị phá sản. Trong mấy năm trước, Trung Hoa đã chiếm đến 80% thị trường về kỹ nghệ này. Nhưng với giá dầu đi xuống, mức sản xuất dầu nội địa Hoa Kỳ đi lên, các kỹ nghệ về năng lượng mặt trời đều bị phá sản hết! Và Trung Hoa đầu tư nặng về các ngành này sẽ bị ảnh hưởng nặng! Đây chỉ là một điểm nhỏ trong những chiều hướng thay đổi lớn trên toàn cầu do các tiến bộ về kỹ thuật đem lại. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của Trung Hoa trong vài thập niên qua, thực sự chỉ do Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật sai lầm đầu tư quá trớn vào Trung Hoa và thiếu suy nghĩ cho các hậu quả tương lai. NhưngTrung Hoa không thể so sánh với Hoa Kỳ về phương diện tiến bộ kỹ thuật, chỉ biết học lén, ăn cắp và lường gạt các nhà đầu tư ngoại quốc. Nên hiện nay kinh tế Trung Hoa đã chậm lại và nhiều phần sẽ đi vào suy thoái nặng trong tương lai. Tóm lại Hoa Kỳ vẫn là quốc gia hàng đầu của thế giới với những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới mẻ. Chỉ với một phương cách đào dầu tân tiến, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn những thế tính toán chiến lược địa dư trên toàn cầu. Tất cả nhờ vào vũ khí dầu hỏa nay đã trở thành ưu thế chiến lược cho Hoa Kỳ để chống lại với các kẻ thù cũ như Iran, Nga. Cũng như đối với kẻ thù mới trong tương lai chính là Trung Hoa vậy! Nguồn: Baomaiblog
......

Gabriel trifft vietnamesische Menschenrechtler

Gabriel trifft vietnamesische Menschenrechtler In Vietnam gibt es keine freie Presse. In dem kommunistischen Land gibt es auch keine Opposition - zumindest offiziell. Vizekanzler Gabriel trifft sich dennoch mit Andersdenkenden. Ho-Chi-Minh-Stadt (dpa) - Vizekanzler Sigmar Gabriel hat sich während seiner Vietnam-Reise mit prominenten Menschenrechtsaktivisten getroffen, die in dem kommunistischen Land unter harten Repressalien leiden. Zu einem im Vorfeld geheim gehaltenen Treffen in der Wirtschaftsmetropole Ho-Chi-Minh-Stadt (früher Saigon) kamen nach Informationen der Deutschen Presse-Agentur vom Samstag mehrere bekannte Blogger mit dem SPD-Vorsitzenden und Bundeswirtschaftsminister zusammen. Dazu zählte eine populäre Bloggerin, die unter dem Namen «Mother Mushroom» in sozialen Netzwerken aktiv ist und für Bürgerrechte und Meinungsfreiheit in dem 90-Millionen-Einwohner-Land kämpft. Ihr Pass wurde von den Behörden eingezogen. Gabriel lernte auch einen Bruder des Anwalts Le Quoc Quan kennen, der als bekanntester inhaftierter politischer Gefangener Vietnams gilt. Seine katholische Familie wird wegen ihres Einsatzes für Menschenrechte und Religionsfreiheit seit Jahren schikaniert. Ein anderer Blogger wurde im Oktober direkt aus dem Gefängnis in die USA abgeschoben. An dem zweistündigen Gespräch über die Menschrechtslage in dem südostasiatischen Land - wo es keine Opposition und freie Presse gibt - nahm auch der Staatssekretär im Auswärtigen Amt, Stephan Steinlein, die frühere Bundesjustizministerin Brigitte Zypries (SPD) und die grüne Bundestagsabgeordnete Tabea Rößner teil. Rößner sagte anschließend, die Aktivisten riskierten ihre Existenz und die Sicherheit ihrer Familien, um sich für Demokratie und Meinungsfreiheit in Vietnam einzusetzen. Nach Einschätzung der Vereinten Nationen sitzen mindestens 30 Mitglieder der vietnamesischen Zivilgesellschaft zu Unrecht im Gefängnis. Die Europäische Union geht sogar von wesentlich mehr Betroffenen aus. http://www.asienzeitung.com/component/flexicontent/10-aktuelle-nachricht... ************************************* German Deputy Chancellor met human right activists in Vietnam Yesterday (21/11/2014), Deputy Chancellor Sigma Garbriel (also the Minister for Economy & Energy and the President of the Social Democratic Party - SPD) met with the human right activists in Vietnam. Mr. Garbriel is in Saigon for the 14th Conference of German Enterprises in Asia-Pacific (APK). Also attending this meeting were Ms. Brigitte Zypries (Secretary, Economy & Energy Ministry) and Mr. Stephan Steinlein (Federal Secretary, Foreign Affairs Ministry), Ms. Tabea Roessner and a number of German diplomatic officials. Representing Vietnam’s human rights activists were blogger Mẹ Nấm, businessman Lê Quốc Quyết (Lawyer Lê Quốc Quân’s younger brother), Mr. Nguyễn Trí Dũng (blogger Điếu Cày’s son), Mr. Phạm Bá Hải, blogger Huỳnh Thục Vy and her younger brother Huỳnh Trọng Hiếu. Mr. Garbriel says improved human rights together with economic gains are needed for the growth of a country. He expressed concerns regarding blogger Mẹ Nấm being harrassed and detained for expressing her views on Internet. Also discussed was how to make the people not fearful when expressing their views as part of the normal daily life. This is particularly important for business people who are concerned with human rights and want to see improvements in this area as the much needed change for Vietnam. We also talked about prisoners of conscience who are ill but not allowed to receive medical treatments like Ms. Mai Thị Dung whose case had been included in the agenda for the meeting with Prime Minister Nguyễn Tấn Dũng to discuss economic co-operation and human rights. Regarding many reports on the human rights situation in Vietnam, blogger Mẹ Nấm explained that in wanting to promote Vietnam as a stable, beautiful and happy country with strong growth the Vietnamese Government has been trying to hide human right violations. The bloggers described some real-life cases to illustrate the ugly reality: the activists want to express themselves peacefully but are cruelly suppressed to make others fearful. Meetings like this one are an effective way to let the Government of Vietnam know that other countries want to see human rights promoted together with economic interests, and the human right activists’ efforts are recognised. The meeting concluded with Mr. Garbriele saying: “Please continue using the social networks to achieve the changes for the better that you like to see for Vietnam”. Translated by Hanh Trần
......

Buổi tường trình của ông Đỗ Hoàng Điềm

20/11/2014 THÔNG CÁO BÁO CHÍ Dân biểu Wayne Marston, Hamilton East - Stoney Creek BUỔI TƯỜNG TRÌNH QUỐC HỘI VỀ TRIỂN VỌNG DÂN CHỦ VÀ NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM   Ottawa - Các thành viên Quốc hội, các thượng nghị sĩ, các lãnh tụ công đoàn, và đại diện nhiều tổ chức xã hội dân sự đã tham dự buổi tường trình tại Quốc Hội Canada về triển vọng dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Diễn giả chính của buổi tường trình là ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch Đảng Việt Tân, một mạng lưới có thành viên tại Việt Nam và trên toàn thế giới, có mục tiêu là thiết lập dân chủ và canh tân Việt Nam bằng những phương tiện chính trị và ôn hòa. Luật gia nổi tiếng, đồng thời là nhà bình luận về quan hệ Việt Nam - Canada, ông Vũ Đức Khanh, cũng có mặt để cung cấp một cái nhìn sâu sắc về những gì Canada có thể làm để đẩy mạnh nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.   Chủ tọa buổi họp là ông Wayne Marston, thành viên đối lập chính thức về nhân quyền. "Chế độ cộng sản Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có," theo lời ông Đỗ Hoàng Điềm. "Đây là thời điểm để thúc đẩy chuyển tiếp sang một thể chế dân chủ tại Việt Nam. Một nước Việt Nam tự do, dân chủ, và ổn định là có lợi nhất cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương và xa hơn nữa." "Tôi rất hãnh diện được chủ tọa một buổi tường trình có nhiều diễn giả đặc biệt, và tôi có một hy vọng nho nhỏ là cuộc đối thoại hôm nay sẽ thúc đẩy triển vọng dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam đến gần với sự thật hơn", ông Marston nói.  Để thêm thông tin xin liên lạc: Tom Allen, VP DB Wayne Marston, 613-219-0076wayne.marston.a1@parl.gc.ca
......

4 Dân biểu Hoa Kỳ can thiệp tự do cho blogger Ba Sàm và Minh Thúy

Thư của 4 dân biểu Hoa Kỳ đồng gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng HẠ VIỆN HOA KỲ Washington, DC 20515 Ngày 19 tháng 11 năm 2014 Kính gửi: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Đồng kính gửi: Đại sứ quán Việt Nam 1233 20th Street NW, Suite 400, Washington, DC 20036 Thủ tướng Dũng thân mến, Chúng tôi viết thư này để yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho hai blogger đang bị cầm tù, là Nguyễn Hữu Vinh (còn được gọi là Ba Sàm) và Nguyễn Thị Minh Thúy. Chúng tôi biết rằng ông Vinh và cô Thúy đã bị bắt vào tháng 5 theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”. Chúng tôi lo ngại về sự tăng cường sử dụng các biện pháp mơ hồ và hà khắc như Điều 258 để bắt giam blogger và các nhà hoạt động ôn hòa khác. Trong khi Việt Nam đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, chúng tôi khuyên chính quyền Việt Nam nên xem xét lại việc sử dụng Điều 258 và các đạo luật tương tự nhằm hạn chế tự do ngôn luận và dập tắt những tiếng nói khác biệt với hệ thống truyền thông quốc doanh. Chúng tôi tiếp tục yêu cầu Việt Nam giữ đúng các cam kết quốc tế của họ về nhân quyền, và, cùng với điều đó, chúng tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy. Thân kính, (ký tên) Zoe Lofgren, dân biểu Loretta Sanchez, dân biểu Chris Smith, dân biểu Alan Lowenthal, dân biểu—- Bản tiếng Anh: https://anhbasam.files.wordpress.com/2014/11/letter-to-pm-re-ba-sam-nov-...
......

Nước Đức, 25 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ

Bức tường Bá Linh được dựng lại bằng hàng ngàn những chiếc đèn lồng trắng , là một phần của dự án "Lichtgrenze 2014" để kỷ niệm 25 năm sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh ngày 09 Tháng 11 năm 2014 - AFP Bức tường Bá Linh Đêm 13 tháng 8 năm 1961, tại Bá Linh, một bức tường dài 156 km được dựng lên chia đôi 2 miền ý thức hệ. Bức tường đã giam cầm sự tự do của hơn 3 triệu người dân ròng rã 28 năm. Mảng tối của hàng triệu cư dân Đông Đức chỉ thực sự được phơi bày sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989. 25 năm trôi qua, sau ¼ thế kỷ thống nhất, nước Đức còn, mất những gì, người dân của xứ sở Karl Marx và Einstein này thua thắng ra sao ở buổi chung cuộc? Mặc dầu trong một sớm một chiều, 40 triệu người dân Tây Đức đã phải cưu mang thêm 18 triệu người dân Đông Đức, thế nhưng, tinh thần dân tộc đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn ban đầu để vực dậy nền kinh tế và đưa nước Đức thành một quốc gia cường thịnh như hôm nay. Ông Lê Nam Sơn, ngụ tại thành phố Hannover nói :“Trước đó, cuộc sống bên Tây Đức rất là dễ dàng, thoải mái. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, toàn nước Đức thống nhất thì nói chung cuộc sống không khá như trước. Nhưng để bù lại, cả một nước Tây Đức họ đã vực dậy phần còn lại bên Đông Đức và sánh ngang hàng với các nước Châu Âu. Nhưng người lãnh đạo của nước Đức có cái viễn kiến và họ đã đưa nước Đức lên ngang hàng với các nước Tây Âu, chuyện đó không phải là dễ.” Theo chị Thục Quyên ở Munchen, đa số người dân Đức hài lòng với cuộc thống nhất đất nước. Họ đặt tinh thần dân tộc lên trên mọi khác biệt để xây dựng đất nước. Chị Thục Quyên nói :“Có khoảng 70% dân chúng đánh giá là cuộc thống nhất của đất nước họ từ tốt đến rất tốt. Phần lớn dân chúng rất là bằng lòng với tình hình chính trị và xã hội của đất nước họ. Điểm son của dân tộc Đức là tuy họ đã sống dưới 2 thể chế chính trị đối ngược với nhau trong hơn 40 năm trời nhưng người dân Đức vẫn có lòng tin tưởng ở tình anh em, tình dân tộc của họ. Và cái rất là hay là họ rất là sáng suốt, họ đã tách cái đảng Cộng sản của Đông Đức ra, là cái chính quyền phải chịu trách nhiệm. Người dân Tây Đức Tự do và người dân Đông Đức đã dẹp bỏ được những nghi kỵ với nhau, và vì vậy họ mới bắt được tay với nhau và làm việc.” Thực vậy, dưới sự điều hành của Thủ tướng Merkel và Tổng thống Gauck, cả 2 đều xuất thân từ Đông Đức, nước Đức đã trở thành một nền kinh tế đứng thứ tư trên thế giới và là đầu tàu của nền kinh tế Âu châu. Từ Hannover, ông Lâm Đăng Châu nói :“Đa số người dân 2 miền Đông Tây sống hoà thuận. Chính trị Đức ổn định, kinh tế Đức cho đến bây giờ rất ổn định, coi như là vững mạnh nhất ở Âu châu bây giờ.” Bức tường đổ và sự hãnh diện của người Đức Nhìn vào sự cư xử của người dân Đức, theo ông Nguyễn Đình Tâm ở Bá Linh thì người ta có cảm tưởng hình như chưa hề có một bức tường nào ngăn cách giữa người dân Đông và Tây Bá Linh trước và sau năm 1961. Ông nói :“Hồi đó, bức tường chưa sập nhưng vẫn có những người bên Đông Đức sang bên này để gặp bà con. Chính quyền Tây Đức còn tặng cho những người dân Đông Đức 100 Đức Mã. Rồi đến khi bức tường sập, thì người dân Tây Đức mở rộng vòng tay họ đón tiếp (người dân Đông Đức) như người thân thiết của họ.” Cho tới nay, người dân Đức đã phải đóng góp hàng ngàn tỷ Đức Mã để cưu mang thêm một nền kinh tế trì trệ sau gần 30 năm dưới chế độ Cộng sản. Từ Bá Linh, ông Hoàng Kim Thiên nói :“Kinh tế của Đông Đức trước 1989 thì không phát triển gì nhiều. Nhưng sau khi bức tường đổ, Tây Đức đã phải bỏ ra rất nhiều tiền. Ở Tây Đức, mỗi người dân đi làm phải đóng 7% thuế để xây dựng Đông Đức. Sau 25 năm thống nhất, kinh tế nước Đức vẫn giữ rất là vững. Thì đó là sự hãnh diện của người Đức.” Sự khác biệt về mặt vật chất đã được san bằng, còn về con người thì sao ? Theo chị Anh Đào ở Bá Linh, thì đâu đó vẫn còn sự khác biệt về tư tưởng giữa những con người của thế giới tự do và những người đã sống một thời gian dài dưới chế độ cộng sản. Chị Anh Đào nói :“Nói chung sau 25 năm, sự thống nhất của nước Đức rất là hoàn hảo. Mặc dù còn một số ít những người dân Đông Đức vẫn còn những tư tưởng của chế độ cũ, nhưng từ từ họ vẫn hoà mình với phía bên Tây Đức này.” Sự khác biệt này, theo ông Hoàng Kim Thiên dần dần cũng đã được san bằng:“Trước đây khoảng 10 năm. Thí dụ như trong hãng, xưởng, thí dụ như người Tây Đức có vẻ phóng khoáng hơn, tức là họ nghĩ gì thì họ nói đó. Còn người Đông Đức họ hơi dè dặt một chút xíu. Nhưng bây giờ, sau 25 năm qua, tôi thấy cái tinh thần đó không còn nữa.” Một điều ngoạn mục là sau một thời gian đầu tư để lấp đầy khoảng trống giữa Tây và Đông Đức. Giờ phía bên Đông Đức lại hình như vượt trội cả Tây Đức về mặt hạ tầng cơ sở cũng như chất xám. Ông Lâm Đăng Châu nói :“Trước đây người dân Đông Đức qua Tây Đức để tìm công ăn việc lắm để sinh sống. Nhưng từ năm 2013 thì ngược lại : Những người dân Tây Đức đã bắt đầu qua Đông Đức để bắt đầu xây dựng sinh sống làm ăn. Đấy là những sự phát triển rất là ngoạn mục. Nước Đức họ vui mừng thấy đó là một trong những tiến bộ.” Từ Bá Linh, chị Mỹ Lâm cũng ghi nhận những thành quả thực tế mà Tây Đức đã đóng góp cho Đông Đức:“Phải nhìn nhận rằng sự giúp đỡ của Tây Đức cho Đông Đức rất là lớn và những thành quả đó cũng thấy được, bằng chứng là ở Berlin có nhiều những bệnh viện được xây ở Đông Đức còn tối tân gấp mấy lần những bệnh viện đã có sẵn ở Tây Berlin. Hạ tầng cơ sở, đường xá, bệnh viện, trường học, nhà cửa được xây dựng lại rất là mới.” Với hàng chục ngàn người Việt đang lao động tại Đông Đức trước 1989, sự hội nhập tuy quả là không dễ dàng sau khi cánh cửa tự do mở ra, nhưng sau 25 năm , ông Nguyễn Thành Lương ở Frankfurt cũng đã ghi nhận những thành công đáng kể của họ:“Người Việt sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ chạy qua bên này (Tây Đức) thì không được hưởng những ưu đãi (như người Tây Đức lúc đó) nhưng dần dần người mình cũng chịu khó làm ăn và hội nhập. Mấy năm trở lại đây thấy họ cũng bắt đầu làm ăn đàng hoàng, không còn lối làm ăn chụp giựt trước đây nữa. Đó cũng là một thành công! Và nhất là một trong những thành công mà báo chí Đức mấy năm gần đây nói rất nhiều về sự học hành của con em người Việt mình ở bên Đông.” Được sống trong một không khí hoàn toàn tự do, từ Berlin, ông Nguyễn Duy Tân, một cựu đảng viên Cộng sản phát biểu :“Cảm nghĩ của tôi thực sự là bình an. Mọi người đều có sự công bằng trước pháp luật và trước cơ quan công quyền nhà nước. Ai cũng được quyền tự do tham gia vào việc của nhà nước. Đó là giá trị mà tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc được sống trong một nền Tự do.” Đó cũng là sự may mắn của ông Nguyễn Thành Lương, một thuyền nhận tị nạn ở Tây Đức khi gặp được người phối ngẫu là chị Mai, một công nhân xuất khẩu lao động ở Đông Đức. 25 năm bức tường sụp đổ là gần 25 năm mà ông Nguyễn Thanh Lương sống chung dưới một mái nhà:“Từ sự may mắn của tôi, tôi cũng chia sự may mắn đó cho nhà tôi sớm được hội nhập.” Từ sự thống nhất của một quốc gia, đến sự thống nhất của hai tâm hồm. Đây có phải là một thí dụ tuyệt vời về sự hoà giải ? Chị Mai vui cười nói :“Đấy mới là thống nhất nhỉ ???” Bên cạnh những hào quang của một nước Đức thống nhất. Đâu đó vẫn còn chập chờn những mảng xám. Sau những niềm vui hội ngộ là những sự thật trần trụi mà người dân hai miền Đông Tây của nước Đức phải đối diện và giải quyết. Xin mời quý vị xem tiếp trong phần hai. * Chiếc huy chương nào cũng có những mặt phải và mặt trái của nó. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989, niềm vui thống nhất của người dân hai miền Đông Tây chưa trọn vẹn thì họ đã phải đối diện với những khó khăn về vật chất khi mà 40 triệu người dân Tây Đức đã phải gánh thêm trên vai cuộc sống của hơn 18 triệu dân Đông Đức với tất cả những hệ luỵ còn sót lại của 28 năm dưới chế độ Cộng sản và cả những di sản trước đó do chiến tranh để lại. Người Việt từ Đông Đức Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, gần 60 ngàn người Việt đang học tập và lao động ở Đông Đức đứng trước sự chọn lựa: tiếp tục tương lai trên nước Đức tự do nhưng mới mẻ và đầy thách thức hay trở về với chủ nghĩa Cộng sản quen thuộc tại Việt Nam với số tiền trợ giúp của chính quyền mới ? Khoảng 40.000 người Việt đã chọn con đường hồi hương với 3000 Đức Mã. Anh Nguyễn văn Mài, là một công nhân hợp tác lao động ở Đông Đức vào thập niên 80, nay cư ngụ tại Hannover kể lại:“Khi bức tường Bá Linh đổ, ai có điều kiện thì chạy sang Tây Bá Linh, tôi còn nhớ lúc đó ai qua Tây Bá Linh thì chính quyền mới cho 100 Đức Mã. Một trăm đô Mác lúc đó đối với anh em mình là to lắm. Thế là lúc đó nước Đức đổi tiền theo tiêu chuẩn 1 ăn 1, người Việt mình nói chung lúc đó là vui vẻ. Sau đó nước Đức người ta thấy hoàn cảnh công ăn việc làm khó khăn quá cho nên người ta động viên người Việt nhà mình, nếu ai muốn hồi hương thì người ta sẽ bồi thường 3000 đô Mác cho mỗi người và thế là đại đa số người Việt mình hồi hương.” Đông Đức tan rã kéo theo nhiều nhà máy phải đóng cửa, người dân Đông Đức thất nghiệp. Người dân Tây Đức đi làm phải đóng thuế vào “Quỹ Quốc Gia” để xây dựng lại một Đông Đức đầy bất trắc. Người Việt từ Đông Bá Linh chạy sang Tây Bá Linh, đa số sống chủ yếu bằng những nghề buôn bán nhỏ, bán thuốc lá lậu, cuộc sống bấp bênh, tỷ lệ tội phạm cao trong thời kỳ giao thoa này. Chị Mai, cũng hợp tác lao động ở Đông Đức, nay sống tại Frankfurt cho biết:“ Ở lại thì lúc đầu thì cũng khó khăn lắm, người ta đi kiếm việc làm, lúc đầu thì bán quần áo, sau này có phong trào bán thuốc lá lậu. Sau đó thì từ từ họ được định cư lại thì họ làm ăn cũng ổn định” Chưa đầy 3 năm sau ngày nước Đức thống nhất, người ta đã thấy manh nha những tư tưởng bài người ngoại quốc mà nạn nhân đầu tiên bị nhắm đến là những người lao động nhập cư. Điển hình là sự kiện ném bom xăng vào khu nhà ở của người ngoại quốc ở thành phố Lichtenhagen, Rostock đã gây chấn động chính trường Đức và thu hút sự quan tâm của thế giới. Anh Mài tiếp:“Khi mà bức tường Bá Linh đổ, khi mà chế độ bắt đầu thay đổi thì trong một số người Đức bắt đầu xuất hiện những tư tưởng bài xích người ngoại quốc. Những người mang tư tưởng kỳ thị họ ở bên Đông Đức, đại đa số là thanh niên. Bởi vì khi bức tường Bá Linh đổ thì không những người Việt nhà mình thất nghiệp mà ngay cả người Đức cũng bị thất nghiệp, vì vậy họ cho rằng là do những người lao động ở Đông Đức là nguyên nhân khiến cho họ không có việc làm.” Những khác biệt về tư tưởng Đông và Tây Sau 25 năm xây dựng và phát triển, sự cách biệt giàu nghèo giữa Đông và Tây Đức hầu như đã không còn. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn một khoảng trống chưa thể lấp đầy, đó là sự khác biệt về tư duy, về cách hành xử của người dân Tây Đức, quen sống thoải mái tự do và người dân Đông Đức, hình như vẫn chưa thoát ra được cái bóng của chế độ Cộng sản vẫn còn đeo đuổi. Chị Anh Đào ở Bá Linh nhận xét:“Hai tư tưởng khác nhau, mặc dù ở xứ tự do này, nhưng những người bên Đông Đức vẫn còn lập trường bị gò bó. Còn bên Tây Đức mỗi người đều có 1 tư tưởng, thành ra mình rất là thoải mái khi mình nói chuyện, nhưng khi mình nói chuyện với anh chị em bên Đông Đức; ngay cả tới bây giờ cũng vậy, họ nói cái gì cũng rất là dè dặt.” Hàng chục năm sống dưới chế độ bao cấp, anh Mài cho biết không khỏi bỡ ngỡ khi phải hội nhập vào xã hội tư bản, nơi mà ai cũng phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Anh chia sẻ:“Làm việc ở các nhà máy bên Đông Đức, tuy nó có định mức nhưng làm việc cũng nhẹ nhàng thôi. Thế nhưng khi mà làm việc bên Tây Đức thì cường độ nó cao hơn, nhưng tất nhiên là thu nhập cũng cao hơn. Và cái tâm lý lo lắng mất việc làm thì nó thường trực trong đầu của người Việt mình hơn. Bên Đông Đức thì không có như thế, công ăn việc làm không phải lo gì cả.” Khi nước Đức thống nhất, chị Anh Đào có dịp làm quen với một cộng đồng người Việt mới đến từ bên kia bức tường Bá Linh. Chị nhận xét:“Giữa người Việt Đông Đức và Tây Đức thì riêng em, em có nhận xét là từ sinh viên du học cho đến những người tị nạn hầu như ai cũng có một kết quả rất tốt. Họ không có nhiều criminel (tội phạm) nhiều như sau khi mở bức tường. Sau khi mở bức tường, bên Đông Đức thì có những gia đình sống mực thước, nhưng cũng có những người bên Đông Đức hợp tác lao động muốn tiến thật xa cho nên họ làm tất cả những cái gì mà họ có thể làm. Những hành động của họ, những việc làm của họ, họ không sợ hậu quả xấu cho cộng đồng hoặc là đối với người Đức.” Sau thời gian cần thiết để ổn định cuộc sống mới, vẫn như câu tục ngữ ngàn đời của Việt Nam “phi thương bất phú”: người Việt, đa số từ Đông Đức đã lập nên khu thương mại nổi tiếng Đồng Xuân với hơn 250 gian hàng, khu buôn bán sầm uất của hơn 4000 người Việt sống hợp pháp và bất hợp pháp. Anh Mài nói:“Khi mà bức tường đổ thì chúng tôi đại đa số đều thất nghiệp hết. Mạnh ai thì người ấy lo cho bản thân. người Việt mình chủ yếu là lo buôn bán để kiếm tiền, bởi vì buôn bán đối với người Việt mình dễ dàng hơn. Và người Việt mình chịu khó đi len lỏi khắp nơi để mà kiếm tiền.” Với hơn 120.000 người Việt đang sống tại Đức, trong đó có khoảng 88.000 người có giấy tờ hợp pháp và phần còn lại sống bất hợp pháp. Cộng đồng Việt Nam tại Đức có thể được chia ra thành 4 nhóm: 1 nhóm rất ít là sinh viên du học trước 1975, nhóm thứ hai gồm khoảng 40.000 người là thuyền nhân tị nạn Cộng sản. Nhóm thứ ba gồm khoảng 20.000 người ở lại sau khi bức tường bá Linh sụp đổ và nhóm thứ tư cũng khoảng 40.000 người đến Đức bằng đủ mọi ngõ ngách khác nhau, đa số là sống bất hợp pháp. Nhóm thứ nhất và thứ nhì đã hoàn toàn ổn định ở xã hội Đức, đa số thành công và là mẫu mực của sự hội nhập. Nhóm thứ ba và thứ tư sống co cụm như là một xã hội Việt Nam thu nhỏ ở phần phía Đông của nước Đức. Nói chung, người Việt Tây Đức sống rải rác và hoà nhập vào xã hội Đức, trong khi đó người Việt ở Đông Đức sống gần như tập trung trong một xã hội riêng của họ. Sinh hoạt của họ cũng mang ít nhiều mô hình của chế độ Cộng sản. Chị Mai nói:“ Vẫn như hồi xưa…!!! Trong nước ra như thế nào thì trong nước vẫn như thế. Nói chung là cái mô hình họ mang từ Việt Nam sang. Tức là họ vẫn có công đoàn, vẫn có hội phụ nữ, vẫn có chi bộ, rồi vẫn có đoàn thanh niên, phụ nữ…. Tất cả đều phải áp dụng trong đội quản lý người lao động. Trước đấy, đi lao động thì hộ chiếu của bọn mình thì do sứ quán giữ, mình không được giữ. Sau này người ta vẫn hội họp, vẫn sinh hoạt kiểu như thế!” Dù nước Đức đã ăn mừng 20 năm, rồi 25 năm thống nhất và phát triển, cộng đồng người Việt tại Đông Đức này vẫn hầu như đi bên lề sự hội nhập ấy, dù họ cũng có những phát triển theo cách riêng của họ. Theo chị Anh Đào, một sự hoà hợp là khó có thể. “Không thể hoà hợp được, là vì theo em thấy, những anh chị em sống bên Đông Đức hình như họ vẫn còn dưới một sự control (kiểm soát) của toà đại sứ Việt Nam. Có thể họ có những cái không đồng ý nhưng vì gia đình họ vẫn còn ở Việt Nam hoặc là một cái lợi riêng gì của họ cho nên họ không thể hoà đồng hoặc là nói lên những gì họ muốn nói.” Bức tường Bá Linh đã được san bằng, nhưng những khác biệt về tư tưởng sau 30 năm chia lìa vẫn còn đó. 25 năm tuy dài nhưng vẫn chưa đủ cho một cuộc thống nhất trong tư duy nếu không có sự nỗ lực từ hai phía. Bức tường Bá Linh đã đổ, nhưng đâu đó vẫn còn một bức tường Bá Linh trong lòng mọi người.
......

Bước Nhảy Tự Do

Chỉ có niềm khao khát mãnh liệt mới thôi thúc con người vượt lên trên chính họ, vượt qua nỗi sợ hãi, để bằng một hành động dũng cảm tự giải thoát chính mình. Người lính biên phòng Đông Đức, anh Conrad Schumann, khi ấy mới 19 tuổi. Conrad Schumann đã phóng qua hàng rào kẽm gai ngày 15/8/1961 để tìm tự do ở Tây Đức trong lúc bức tường Bá Linh mới bắt đầu được xây dựng. Người thanh niên can đảm này có thể bị bắn chết như khoảng 200 người khác trước và sau anh. Nhưng may mắn anh đã thoát được. Sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, trong ngày lễ kỷ niệm hai mươi năm, nước Đức đã dựng tượng đài của anh để diễn đạt nỗi khao khát tự do của con người.   Rất nhiều năm sau ngày đất nước đã thống nhất, người dân Đông Đức vẫn giữ trong trí nhớ mình cảm giác sợ hãi của những ngày tháng sống dưới sự kiểm soát của công an và mạng lưới mật vụ Stasi. Hồi tưởng mức độ căng thẳng tinh thần trong những năm tháng đó, Thủ tướng Đức, bà Agela Merkel đã bày tỏ: “Cần phải giữ làm sao để họ không buộc mình phát điên”. Một phụ nữ từng sống ở Đông Đức đã nói với cô con gái của chị rằng: suốt trong khoảng 10 năm, chị vẫn nằm mơ từng đêm thấy mình trở về Đông Đức, sinh sống tại đó. Nhưng may mắn thay, đó chỉ là một cơn ác mộng mà thôi!   Nhân kỷ niệm 25 năm ngày bức tuờng Bá Linh sụp đổ, nhiều người Việt cũng không khỏi bùi ngùi nhớ lại biến cố 30/4/75 trên đất nước mình. Nước Đức thống nhất không mất một giọt máu, chỉ có tiếng cười và nỗi hân hoan của người dân cả hai miền. Đêm 9/11/1989 dân Đức đua nhau trèo lên bức tường đã ngăn chia tổ quốc của họ suốt 28 năm. Họ đứng, họ ngồi, họ ca hát, họ vui đùa như những đứa trẻ, thỉnh thoảng người ta nghe thấy những tiếng thét to “Wir sind ein Volk!”, “Wir sind ein Volk!” (chúng ta cùng một dân tộc!). Cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội -- cơ hội hàn gắn dân tộc sau bao nhiêu năm chiến tranh để cùng nhau nỗ lực xây dựng lại đất nước. Ở hoàn cảnh hiện nay, có lẽ nhiều người Việt cả trong lẫn ngoài nước đều ước ao giá mà tình trạng hiện nay chỉ là một cơn ác mộng. Không ai có thể ngờ. Cả những người buộc phải bỏ nước ra đi và những người miền Bắc chiến thắng, đều không thể tưởng tượng được sau cái niềm vui thống nhất ngắn ngủi phù du đó, đất nước đã phải trả những cái giá quá đắt. Biển đảo và nhiều phần đất xương thịt của tổ quốc dọc theo biên giới đã mất đi chẳng biết bao giờ mới lấy lại được. Trong khi đó đất nước ngày càng kiệt quệ, gần như phụ thuộc hẳn vào người bạn láng giềng thâm độc và nham hiểm.   Nhưng điều đáng lo sợ hơn cả là dường như sống quá lâu dưới chế độ cộng sản, nỗi sợ hãi làm con người tê dại! Người ta trở nên ích kỷ, người ta gần như thờ ơ với tất cả mọi vấn đề của đất nước, gần như vô cảm trước mọi tai ương của dân tộc. Nhìn những cố gắng, những nỗ lực hết sức của các nhà dân chủ, của những người quan tâm hiện nay, phải đau lòng mà nói họ vẫn còn là thiểu số trong một đại đa số thụ động. Có nỗi kinh sợ nào bằng khi tổ quốc đi dần đến tình trạng diệt vong như Tân Cương, Tây Tạng mà dân tộc vẫn an vui từng ngày với số phận? Hôm nay khu kinh tế Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh đã bắt đầu đòi tự trị. Đến hôm nào thì những khu vực nhạy cảm, những vùng đất chiến lược để bảo vệ tổ quốc cũng sẽ xếp hàng đòi tách riêng vì khác biệt văn hóa - đa số dân cư trong vùng nói tiếng Hoa? Để giúp nhau vượt qua cơn ác mộng này, mỗi người Việt Nam phải góp mặt cho ước muốn của chính mình, góp mặt hiền hoà như dòng người Đông Đức 25 năm về trước. Đêm 9/11/1989 lính biên phòng Đông Đức đã tự động buông súng xuống để cho người dân vượt qua các cửa ngõ biên giới. Thành phố Berlin từ 9 giờ tối cho đến 2 giờ sáng đã chào đón khoảng 20.000 người vượt qua bức tường Bá Linh để tìm đến với tự do. Nước Đức đã có một đêm không ngủ, đây là một cuộc bỏ phiếu bằng chân lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Dòng người từ Đông Bá Linh như một khối nham thạch tuôn chảy, họ đi bộ thâu đêm suốt sáng, hàng hàng lớp lớp nối đuôi nhau tưởng chừng như không bao giờ dứt. Nhưng Đông Đức một ngày trước đó không hề bình yên, suýt chút nữa đã xảy ra một cuộc tắm máu. Chính quyền đã huy động hơn 8.000 binh lính gồm cả cảnh sát và mật vụ Stasi trong tư thế chuẩn bị cho một trận đàn áp. Nhưng cuối cùng, cuộc đàn áp đã không xảy ra như dự định, ước muốn mãnh liệt của người dân đã buộc chính quyền phải thay đổi. Ước muốn ấy đã xô đổ bức tường Bá Linh và làm cho quân đội Đông Đức phải buông súng. Nó cũng là nguyên nhân làm sụp đổ khối thành trì cộng sản kiên cố ở Đông Âu. Tưởng cũng nên nhắc lại bối cảnh lúc đó: sau khi Công Đoàn Đoàn Kết thắng lớn tại BaLan, Hungary là quốc gia tiếp nối từ bỏ chế độ cộng sản. Quyết định mở cửa biên giới của Hungary đã giúp hơn 30.000 người Đông Đức di cư sang Tây Đức qua ngã biên giới của quốc gia này. Để ngăn chận làn sóng di cư, chính quyền Đông Đức liền ngưng ngay việc cấp giấy phép du lịch đến Hungary. Tiệp Khắc bỗng nhiên trở thành một nước láng giềng duy nhất mà người dân Đông Đức có thể thoát ra ngoài qua ngã du lịch. Dân Đông Đức đã không từ bỏ ước muốn được vượt biên đến Tây Đức, họ tìm mọi cách để xin trú ngụ ở các cơ sở ngoại giao của các thủ đô Đông Âu khác. Đặc biệt tại Đại sứ quán Prague, đã có hàng ngàn người Đông Đức đã cắm trại trong vườn toà Đại Sứ suốt từ tháng 8 cho đến tháng 11. Khi chính quyền Đông Đức ra lịnh đóng cửa biên giới với Tiệp Khắc, cửa ngõ cuối cùng để vượt thoát ra ngoài đã bị đóng lại, lúc này người dân Đông Đức bắt đầu cuộc biểu tình của mình. Cuộc biểu tình ôn hoà tại thành phố Leipzig được tổ chức vào mỗi thứ hai, ban đầu chỉ có hơn 100 người tham dự, nhưng chỉ trong vòng một tháng con số đã lên đến gần 1 triệu người. Lực lượng cảnh sát gần như bó tay trước số lượng người biểu tình cứ tăng dần lên. Cuối cùng, chính quyền Đông Đức đã phải đầu hàng trước áp lực của công chúng, bằng cách cho phép các công dân Đông Đức được vào Tây Bá Linh và Tây Đức trực tiếp, thông qua các trạm biên giới. Một năm sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức chính thức tuyên bố thống nhất tính từ ngày 3/10/1990. Với ước muốn được sống tự do, mỗi người dân Đông Đức đã vươn bàn tay nhỏ bé của mình đồng loạt góp sức xô đổ bức tường ô nhục để xây dựng lại đất nước của họ.   Tuy thống nhất về mặt địa lý và con người, gánh nặng của một nửa quốc gia suy sụp sau gần nửa thế kỷ theo đuổi mô hình kinh tế XHCN không hề nhỏ. Khi sáp nhập vào Tây Đức, GDP của Đông Đức chỉ góp được 7% của cả nước Đức so với 93% của Tây Đức dù cho họ chiếm khoảng 1/3 dân số cả nước. Người dân Tây Đức đã phải đóng góp rất nhiều để có một nước Đức cường thịnh và phát triển như ngày hôm nay. Mỗi người dân Tây Đức, đi làm phải đóng 7% tiền lương của mình vào một quỹ gọi là “quỹ xây dựng lại Đông Đức”. Về mặt tinh thần “quỹ xây dựng lại Đông Đức” mang tính dân tộc rất cao, nó thể hiện sự đùm bọc và chữa lành những vết thương chia cắt. Mặc dù phải cưu mang thêm 18 triệu người Đông Đức, hầu hết người dân Tây Đức đều hài lòng với các chính sách của chính phủ và cùng chia sẻ niềm hãnh diện vì một nước Đức thống nhất. Không có một đất nước nào có thể đi lên dưới bóng chủ nghĩa và nhà nước mô hình Marx-Lênin. Sau 25 năm bức tường Bá Linh sụp đổ, với sự nỗ lực tái thiết và cưu mang của người dân Tây Đức, đến nay nền kinh tế của Đông Đức vẫn còn phải dựa vào Tây Đức. Nhìn như thế mới thấy mức bất hạnh lớn cỡ nào cho những quốc gia còn quằn quại trong tụt hậu dưới gót giày cộng sản. Miến Điện cũng đã từng độc tài và từng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, nhưng những cải tổ chính trị đột ngột vào năm 2011 đã mở ra một tương lai mới cho nhân dân Miến Điện. Dân tộc Việt Nam cần một bước nhảy vọt như dân tộc Miến Điện ra khỏi vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh. Hãy dám phóng tới như bước nhảy tự do của Conrad Schumann ... trước khi quá trễ. Chúng ta mong ước thiết tha cái ngày người Việt trên toàn thế giới cùng chia sẻ nỗi ấm áp và hân hoan tuyệt vời khi thành lập quỹ hỗ trợ tái thiết lại đất nước Việt Nam hậu độc tài. Bao giờ ngày đó đến, bao giờ đất nước sẽ hồi sinh?
......

Cho Một Đất Nước Cởi Mở Với Những Con Người Tự Do

Mặc dù đã qua một phần tư thế kỷ, nhưng những người thường theo dõi biến chuyển chính trị tại Đức không thể nào quên được hình ảnh các cuộc biểu tình đòi Tự do, Dân chủ của người dân thuộc miền Đông Đức (DDR) cũ vào năm 1989. Đặc biệt những hình ảnh các cuộc thắp nến biểu tình thầm lặng, ôn hòa vào mỗi tối thứ hai trong tuần bắt đầu tại thành phố Leipzig là một ngày không thể nào quên được cho người dân Đức. Những cuộc biều tình này còn được gọi là „Biểu tình ngày thứ hai“ (Montagdemonstration) đóng góp một phần không nhỏ trong việc phá vỡ bức tường ô nhục  Berlin, lật đổ chế độ Cộng sản vô thần để lập nên một trang sử mới cho một nước Đức thống nhất. „Biểu tình ngày thứ hai“ đầu tiên[1] tại Leipzig rồi lan tràn sang các thành phố lớn khác về sau này là cảm hứng cho những cuộc biểu tình cũng được mệnh danh là „Biểu tình ngày thứ hai“ nhằm đòi hòa bình, chống Mỹ gây chiến tranh tại Iraq của các tổ chức được gọi là Thiên Tả tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Tuy nhiên những cuộc „Biểu tình ngày thứ hai“ „nhái“ kể trên không thể nào so sánh được với những cuộc „Biểu tình ngày thứ hai“ gây cơn sốt cho hàng trăm triệu người trên thế giới vào mùa thu 1989.   Ngày 4.9.1989 cuộc biểu tình đầu tiên về sau được gọi là „Biểu tình ngày thứ hai“, xảy ra tại Leipzig sau buổi Thánh lễ cầu nguyện cho Hòa bình truyền thống chỉ thu hút chừng vài trăm người tham dự với năm biểu ngữ nhằm đòi hỏi nhà cầm quyền Đông Đức phải nới rộng quyền tự do đi lại, tự do báo chí và tự do tụ tập. Một trong năm tấm biểu ngữ nêu trên về sau trở thành biểu tượng cho Tự Do Dân Chủ tại Đức được ghi là „Cho một Đất nước cởi mở với những Con người tự do“ ("Für ein offenes Land mit freien Menschen") do hai phụ nữ chuyên tranh đấu cho dân quyền tại Đông Đức, Katrin Hattenhauer[2] và Gesine Oltmanns giăng lên. Mặc dù chỉ xuất hiện được chừng ít phút nhưng tấm biểu ngữ cũng được thu vào ống kính của các phóng viên quốc tế, trước khi bị an ninh Đông Đức dùng sức mạnh cơ bắp giật mất. Hình ảnh hai người phụ nữ can đảm đồng tác giả cùng tấm biểu ngữ lịch sử liền được loan truyền trên phần Tin Thế Giới khắp thế giới. Tinh thần „Cho một Đất nước cởi mở với những Con người tự do“ của Katrin Hattenhauer và Gesine Oltmanns thực hiện tốt vai trò vạch mặt chế độ Cộng sản độc đoán và gây hứng khởi, hy vọng cho hàng trăm triệu người khác.   Cũng nhờ vậy, ban đầu, từ chỉ với vài trăm người đòi hỏi „Cho một Đất nước cởi mở với những Con người tự do“ trong „Biểu tình ngày thứ hai“ đầu tiên tại Leipzig, rồi cứ mỗi ngày thứ hai này sang ngày thứ hai khác đã có hàng trăm ngàn người tham dự „Biểu tình ngày thứ hai“ được tổ chức trên một số thành phố lớn khác cho đến ngày Bức tường Ô Nhục  Berlin bị giật sập. Không riêng Katrin Hattenhauer và Gesine Oltmanns đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng ôn hòa tạo nên lịch sử tại Đông Đức, mà còn có nhiều phụ nữ khác nổi bật không kém trong giai đoạn đấu tranh chống lại chế độ Cộng sản Đức. Bärbel Bohley và Jutta Seidel được biết đến như là hai người phụ nữ thuộc nhóm phụ nữ lập nên tổ chức chính trị đối lập đầu tiên vào thập niên 80. Tổ chức lấy tên „Diễn Đàn Mới“ (Neue Forum) gồm 30 người trong đó đa số là phụ nữ được thành lập vào ngày 08.9năm 1989 trong căn nhà của bà Katja Havemann. Bärbel Bohley và Jutta Seidel sau đó đòi hỏi công khai nhà cầm quyền Đông Đức phải cấp giấy phép để „Diễn Đàn Mới“ trở thành một đảng chính trị.   Mãi cho đến nay, các nhà quan sát và phân tích chính trị vẫn còn thú vị khi đi tìm một câu trả lời cho những câu hỏi vẫn mãi còn bỏ ngỏ: Tại sao phụ nữ lại đóng một vai trò chính trong cuộc cách mạng ôn hòa lật đổ chế độ Cộng Sản tại Đông Đức? Đây là những người phụ nữ can đảm sẵn sàng hy sinh tất cả cho đại cuộc là điều không cần bàn đến nhưng tại sao những phụ nữ trẻ „tay yếu chân mềm“ lại chọn con đường đấu tranh gian nan như vậy? Liệu họ có can đảm hơn nam giới hay phải chăng đây là một thủ thuật chính trị hay là nước cờ chiến thuật đưa phụ nữ ra trước „đầu sóng ngọn gió“ nhằm giảm bớt sức đàn áp của chế độ? Ngay chính những người trong cuộc như Katrin Hattenhauer và Gesine Oltmanns cũng không nghĩ rằng họ sẽ đi vào lịch sử khi đưa ra câu khẩu hiệu „Cho một Đất nước cởi mở với những Con người tự do“, được xem là động lực cho phong trào đòi Dân chủ tại Đông Đức, tạo thêm sức mạnh và niềm tin cho quần chúng khi đối đầu trực diện với lực lượng an ninh thâm hiểm. Họ không nghĩ rằng họ đang làm chính trị - nhưng nếu có đi chăng nữa thì cũng không có gì là xấu -mà chẳng qua họ chỉ muốn phản đối, chỉ muốn đòi lại cái quyền sống mà Thượng Đế đã ban cho họ. Nhìn ra toàn thế giới người ta dễ dàng nhận ra, một xã hội cởi mở và tự do là điều kiện thiết yếu để tạo nên sức mạnh và sự thành công lâu dài của một đất nước. Nhìn lại đất nước Việt Nam sau hơn hai mươi lăm năm được gọi là „đổi mới“ nhưng xã hội ngày càng ù lì, kinh tế hoàn toàn bế tắc, người dân bị nhà nước dùng vũ lực đàn áp cướp đất nhà cửa, các quyền tối thiểu của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật không những không được tôn trọng mà ngày càng bị chà đạp nhiều hơn. Xem ra cái tinh thần „Cho một Đất nước cởi mở với những Con người tự do“ vẫn rất cần thiết phải gióng lên hơn bao giờ hết.   Phương Tôn Tháng 9.2014 [1] Cuộc biểu tình đầu tiên tập hợp ba thành phần tham dự: Những nhà đấu tranh Dân quyền muốn sống trong một đất nước Dân chủ nhưng họ không muốn bỏ sang Tây Đức. Trong cuộc biểu tình này nhóm người này hô vang „Chúng tôi ở lại đây“ (Wir bleiben hier) ngược lại với nhóm thứ nhì là những nhà tranh đấu Dân quyền thất vọng, không nhìn thấy tương lai dưới chế độ Cộng sản, họ muốn thoát khỏi Đông Đức càng sớm càng tốt. Trong cuộc biểu tình này họ hô to „Chúng tôi muốn đi ra ngoài“ (Wir wollen raus). Nhóm thứ ba là nhóm truyền thông phương Tây, đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến lan truyền tình hình chống đối tại Đông Đức ra thế giới. [2] Trong lần „„Biểu tình ngày thứ hai“ lần thứ nhì, Katrin Hattenhauer bị mật vụ Đông Đức (Stasi) bắt cóc đem về nhốt tại trung tâm điều tra của Stasi
......

UNHR lên tiếng về bản án buộc tội ba nhà đấu tranh cho nhân quyền ở VN

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VĂN PHÒNG CAO ỦY NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC QUAN NGẠI VỀ BẢN ÁN BUỘC TỘI BA NHÀ ĐẤU TRANH CHO NHÂN QUYẾN Ở VIỆT NAM   BANGKOK (29 Tháng 8, 2014) - Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc khu vực Đông Nam Á (OHCHR) rất quan ngại về việc một toà án tại Việt Nam đã tuyên án bỏ tù ba nhà hoạt động cho nhân quyền vì những hoạt động bất bạo động của họ trong việc bảo vệ quyền con người. Ngày 26 tháng Tám năm 2014, Toà Án Nhân Dân Tỉnh Đồng Tháp đã tuyên án bà Bùi Thị Minh Hằng, Cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, và ông Nguyễn Văn Minh từ hai năm đến ba năm tù giam về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 của Bộ luật Hình sự. Những vụ bắt giam và các bản án nặng nề đối với các nhà hoạt động bảo vệ quyền con người, những blogger và các nhà báo là một điều đi ngược lại những gì chính phủ Việt Nam đã cam kết với quốc tế về việc họ sẽ đảm bảo quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội trong Công uớc Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. OHCHR trong quá khứ đã từng lên tiếng quan ngại trong rất nhiều trường hợp với chính phủ Việt Nam về khuynh hướng hành xử đáng lo ngại này. Tháng Hai năm 2014, Đặc phái viên về tình trạng người bảo vệ quyền con người cũng đã bày tỏ những quan ngại tương tự, khi diễn tả về “một mô hình uy hiếp, đe doạ, và bịt miệng nhắm vào những nhà dân chủ đấu tranh bất bạo động và những người bảo vệ quyền con ngưòi khi họ thực thi quyền bày tỏ chính kiến và diễn đạt cũng như quyền lập hội ở Việt Nam.” Ngày 11 tháng Hai năm 2014, ba nhà bảo vệ quyền con người đã bị bắt sau khi họ tổ chức một nhóm đi thăm viếng một luật sư nhân quyền và một cựu tù nhân chính trị,ông Nguyễn Bắc Truyển sau khi được báo là ông Truyển đã bị công an tạm giữ và đánh đập tại nhà tù Chí Hòa. Nhóm người này đã bị bắt. Sau hai ngày, 18 người trong số họ đã được thả ra trong khi ba nhà bảo vệ quyền con người nói trên đã bị giam giữ cho đến khi họ bị tuyên án hôm thứ Ba vừa qua. Theo những thông tin nhận được, phiên tòa không hề được xử công khai và thân nhân của các bị cáo cũng như những nhà hoạt động khác, tuy đã cố gắng đến, nhưng không được tham dự phiên xử vì đã bị công an ngăn cản. Một số họ đã bị cấm cố trái phép tại nhà trong khi một số khác đã bị chặn bắt bởi công an trên đường họ đến tòa án. Theo tin đã đưa, có một lực lượng công an đông đảo đã có mặt nhằm cản trở lối vào của tòa án. Bà Bùi Thị Minh Hằng đã chú trọng những hoạt động bảo vệ quyền con người của bà vào việc giúp đỡ những người nông dân, đặc biệt là những nông dân trở thành dân oan trong những vụ án tranh chấp đất đai với chính quyền. Cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh là những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vận động cho quyền tự do tôn giáo.   OHCHR yêu cầu chính phủ Việt Nam, với danh nghĩa một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền, xem xét lại hình thức áp dụng Bô luật Hình sự nhằm nhắm vào những nhà hoạt động nhân quyền cũng như phải tuyệt đối tôn trọng các quyền tự do biểu đạt, bày tỏ chính kiến cũng như tự do hội họp trên đất nước của họ. KẾT THÚC   OHCHR website: http://www.ohchr.org/ OHCHR Regional Office for South-East Asia website:http://bangkok.ohchr.org/ Bản dịch của luật sư Vi K. Tran, thành viên Con Đường Việt Nam. nguồn: FB Con Đường Việt Nam
......

Dân biểu Hoa Kỳ đòi thả Ls. Lê Quốc Quân vô điều kiện

Ngày 22 tháng 8, 2014 Kính gởi: Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng Qua Tòa Đại Sứ Việt Nam 1233 20th Street NW, Suite 400 Washington, DC 20036 Thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:   Chúng tôi viết thư này để yêu cầu thả ngay lập tức luật sư đấu tranh cho nhân quyền đang bị cầm tù Lê Quốc Quân, đã bị bắt vào tháng 12 năm 2012. Chúng tôi lo ngại rằng ông Quân, một blogger nổi tiếng và nhà tranh đấu nhân quyền, đã bị giam cầm vì bị vu khống tội trốn thuế, và đang bị giam cầm một cách vô lý vì các quan điểm ôn hòa của ông.   Như Ông đã biết, vào năm ngoái, Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) đã kêu gọi trả tự do cho ông Quân, xác nhận việc giam cầm ông là tùy tiện và vi phạm các tiêu chuẩn pháp lý bao gồm điều 9 và điều 14 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, trong đó Việt Nam là một thành viên. Mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam đã biểu lộ ý muốn thắt chặt quan hệ kinh tế và an ninh với Hoa Kỳ, chúng tôi quan ngại việc tiếp tục giam cầm các tù nhân chính trị như ông Lê Quốc Quân, cho thấy thiếu cam kết việc tôn trọng nhân quyền. Như Ngoại trưởng John Kerry đã nhấn mạnh vào tháng Mười Hai năm ngoái, "Việt Nam cần phải cho thấy tiếp tục tiến bộ về nhân quyền và các quyền tự do, bao gồm tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do lập hội." Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng các cam kết đối với luật pháp quốc tế và thả ông Quân ngay lập tức và vô điều kiện. Trân trọng,
......

Chủ Nghĩa Tân Stalin

Chủ nghĩa đế quốc, cộng sản, phát xít và chỗ tựa của Vladimir Putin   Trong cuốn "Đèn Cù" của Trần Đĩnh do Người Việt vừa xuất bản – một cuốn bút ký chúng ta phải đọc – tác giả có một trang "ứa lệ" ở chương bốn. Tranh tuyên truyền về Josef Stalin *   Kể lại việc lãnh đạo cộng sản, từ Hồ Chí Minh trở xuống, tổ chức học tập cho trí thức vào mùa Thu 1953 trước khi phát động chiến dịch Cải cách Ruộng đất, tác giả Trần Đĩnh nói đến một buổi tối thình lình có kẻng gọi toàn thể lên hội trường. Tề tựu lâu rồi mà trên sân khấu vẫn vắng tanh. Sau đó, Tố Hữu ủ rũ đi vào, theo sau là "Cụ Hồ" và nhiều người khác.   Tố Hữu trình diễn màn nước mắt chan hoà để thông báo một đại tang: Đại nguyên soái Stalin vừa từ trần. Dưới con mắt tinh tường và văn phong bình thản đến rợn người, Trần Đĩnh ghi lại cho chúng ta một biệt tài của Tố Hữu. "Ông ấy hình như tranh hơn thiên hạ cả ở chỗ được biết hung tin sớm hơn, do đó được ưu tiên đau xót trước và nhân thể lại tranh thủ dịp thị phạm cho lớp trí thức ngồi đây thái độ cách mạng đối với cái chết của lãnh tụ...." Cuốn "Đèn Cù" của Trần Đĩnh vừa được tờ Người-Việt xuất bản   Bối cảnh ứa lệ đó báo trước bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu về lãnh tụ Stalin của Liên Xô ("Yêu biết mấy nghe con tập nói - Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!... Thương cha thương mẹ thương chồng - Thương mình thương một thương Ông thương mười... Ơn này nhớ để hai vai - Một vai ơn Bác một vai ơn Người")   Còn Bác Hồ, người nghĩ gì về Người?   Trần Đĩnh kể lại: "Trước mặt tôi, Cụ Hồ cũng nức nở. Không ngừng đưa khăn tay màu trắng lên lau nước mắt và nước mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng vì khóc, vì xúc động." Có lẽ vì xúc động, Bác để quên hộp thuốc lá Trung Hoa Bài hình tròn ổ trên ghế khi lập cập về phòng riêng ở sau hội trường. Tác giả Trần Đĩnh là người cầm lấy hộp thuốc đem vào phòng Bác. Ông thấy gì? Trần Đĩnh kể lại: "Cụ ngửng lên nhìn và tôi bỗng thấy mình lạc lõng quá, vô duyên quá, tọc mạch quá. Mặt Cụ xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại, những nét tôi chợt thấy chỉ cốt để mình Cụ được biết, một cái gì hết sức bí mật, riêng tư. Cụ ngơ ngẩn nhìn tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì, cái hộp kia là gì và của ai..."   Hồ Chí Minh là người có tài đóng kịch, còn hơn giọt nước mắt Tố Hữu trước hội trường. Nhưng dường như là ông khóc thật cho Josef Stalin....   Mà vì sao lại nhắc đến Stalin ở đây? Vì sự hồ hởi của các thị trường tài chánh tuần qua khi có tin là Vladimir Putin có vẻ hòa dịu trong vụ khủng hoảng Ukraine.... ***   Nói đến lãnh tụ Josef Stalin hay Iosif Vissarionovich Stalin (sinh ngày 18 Tháng 12 năm 1878 - sau khi nắm quyền từ 1922 thì tự sửa lại là ngày 21 Tháng 12 năm 1879 - mất ngày năm Tháng Ba năm 1953), hậu thế đều nhớ tới chiến dịch tranh trừng đẫm máu nhằm tiêu diệt mọi đối thủ trong đảng. Có một thời, cuộc thanh trừng được gọi trong lịch sử nước Nga là "Khủng bố Stalin".   Thời ấy, các đảng viên có ba ngả chọn lựa: sùng bái Stalin, bị tử hình hay vào trại cải tạo. Truyện tiếu lâm thông dụng về sau là có ba anh ngồi bắt chấy cho nhau trong tù - và hỏi nhau. Vì sao đồng chí lại vào đây? - Vì tôi chống Molotov. Anh kia gật gù: "Vì tôi ủng hộ Molotov", và họ nhìn người tù thứ ba. "Các đồng chí chẳng nhận ra sao? Tôi là Molotov!"   Cái lô gích quái đản thời ấy là Stalin không chỉ gây cảnh tàn sát trong đảng và cả quân đội bằng những phiên toà bi hài từ 1934 đến 1939. Tên bạo chúa còn nhìn xuống dưới và phất tay cho hai chục triệu thường dân đi vào trại cải tạo, phân nửa thiệt mạng vì đói và bệnh. Stalin cũng mở ra những cuộc di dân cưỡng bách để tiêu diệt khả năng cưỡng chống của các sắc tộc thiểu số, nguyên nhân của những tranh chấp ngày nay.   Sau khi lên cầm quyền, Nikita Krushchev mới nói đến tệ sùng bái cá nhân của Stalin và cho viết lại lịch sử.   Nhưng, y như Đặng Tiểu Bình với Mao Trạch Đông sau này, lịch sử được viết lại từ thời Krushchev mà có chọn lọc. Phần tích cực vẫn lớn hơn tiêu cực. Sai lầm thì có, tội ác thì không. "Cơ bản thì tốt thôi".   Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin, nước Nga cũng đang viết lại lịch sử và vẽ ra một chân dung màu hồng của Josef Stalin.   Nếu không mủi lòng nức nở như Hồ Chí Minh hay Tố Hữu, ta có thể thấy Stalin có biệt tài thâu tóm bốn chủ nghĩa đáng tởm nhất của thế kỷ 20: chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và chủ nghĩa phát xít. Vladimir Putin đang bước lên, hay trôi xuống, bốn dòng thác cách mạng đó. Chung quanh ông, một số phần tử quốc gia cực đoan đang cổ xúy cho chủ nghĩa Đại Nga. Việc Putin thôn tính bán đảo Crimea và khuynh đảo xứ Ukraine được các phần tử phát xít này nhiệt liệt ca ngợi. Mươi năm về trước, họ chê Putin là thế lực đỡ đầu của bọn tài phiệt nên họ lãnh đòn thù của lãnh tụ. Ngày nay, họ thần phục Putin, như người tiếp nối sự nghiệp Stalin. Và lịch sử lại được viết lại, với Stalin ở vào vị trí được trọng vọng. Nước Nga đang vùng dậy đẩy lui thế lực Tây phương và nếu có nhen nhóm không khí Chiến tranh lạnh thì cũng tốt thôi!   Trong khi đó, truyền thông Tây phương hồ hởi khi có tin là chuyến xe cứu trợ của cơ quan Hồng thập tự được phép vào Ukraine. Rồi thị trường cổ phiếu tăng vọt khi có lời tiết lộ về một cuộc hòa đàm cho Ukraine....   Khi theo dõi tin tức về các thị trường tài chánh, người viết bèn nhớ lại những vụ xét lại trong lịch sử. Mà rùng mình. ***   Bài viết này khởi  sự với giọt nước mắt họ Hồ trước khi đảng ta phát động cuộc Cải cách Ruộng đất đẫm máu – theo chỉ thị của Trung Quốc. Nói đến bốn dòng thác của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và chủ nghĩa phát xít thì cũng là cách mô tả Trung Quốc thời nay. Y như Mao Trạch Đông, Stalin vẫn có vị trí chói lọi trong tâm khảm của nhiều nhà lãnh đạo Bắc Kinh.   Bao giờ Hà Nội mới tự giải ảo? Nguồn: dainamaxtribune.blogspot.de
......

Sự Thất Bại Của Hoa Kỳ Tại Trung Đông Qua Cuộc Chiến Giữa Do Thái Và Hamas

Dưới sự dàn dựng của cái gọi là Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, đã vẽ được bức tranh hòa hợp hòa giải cho dân tộc Cao Ly, qua cái bắt tay giữa Tổng Thống Đại Hàn Kim Đại Trọng (Kim Dae Jung) và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Nhật Thành II (Kim Jong II), trong Hội nghị thượng đỉnh Bình Nhưỡng vào hai ngày 13-15/6/2000, với hứa hẹn chấm dứt hận thù tại hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, đã kéo dài từ năm chia cắt 1948 tới nay vẫn không thay đổi.   Đó là những bài học của lịch sử đã chứng minh nhiều trong quá khứ, nhưng nổi bật nhất vẫn là bi kịch hòa bình Việt Nam giả mạo, được ký kết tại Ba Lê ngày 27-1-1973, giữa Hoa Kỳ và cọng sản Bắc Việt, sau cái bắt tay của Kissinger-Lê Đức Tho và hiện tại, là sự ngang ngược của Bắc Cao, khi đem bom nguyên tử để hù dọa cả thế giới, trong đó có Hoa Kỳ,Nhật Bản.. bất chấp lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An LHQ.   Nhưng bi hài nhất vẫn là các biến chuyển lịch sử tại Trung Đông, mà hầu hết đều do Hoa Kỳ chủ động qua thứ chiến lược hào nhoáng, được gọi là sự mưu tìm hòa bình, để chấm dứt cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ, Do Thái và Khối Hồi Giáo Ả Rập, tiếp diễn suốt 70 năm qua, gần như không một phút giây ngơi nghĩ. Vì vậy ngày 13-9-1993, lại bắt tay lịch sử tại thủ đô Hòa Thịnh Đốn, giữa Thủ Tướng Do Thái là Yitz Rabin và Chủ Tịch Palestine Yasser Arafat, để ký kết hoà bình. Tất cả các sự kiện đó, ngày nay đã trở thành những chuyện làm vô duyên lố bịch nhất trong lịch sử thế giới cận đại. Tại Việt Nam, ngay sau khi cái bắt tay của các phe nhóm còn nóng hổi, thì cọng sản Bắc Việt đã xua quân xâm lăng rồi cưởng chiếm VNCH. Tại Triều Tiên, bắt tay để buộc Nam Hàn, Nhật Bản, Liên Âu kể cả Hoa Kỳ.. nuôi béo cò, tạo thêm phương tiện cho cha con Kim Nhật Thành dư tiền chế tạo nhiều loại vũ khí chiến lược, mà ghê gớm nhất vẫn là bom nguyên tử. Riêng Trung Đông, tình trạng chém giết giữa hai phiá sau cái bắt tay đó, càng ghê rợn và khủng khiếp gấp trăm lần khi chưa hòa hợp, vì đó là cái cớ để cho bọn khủng bố Hamas, Hezbollah.. kiếm chuyện, tiếp diễn cuộc thánh chiến mãi tới hôm nay, qua các màn tử vì đạo của người Palestine ôm bom tự sát để chết chung với kẻ thù và Do Thái trả đủa lại bằng đạn pháo, xe tăng, tàn sát dân chúng không nhân nhượng. Đó là thành quả của các cựu Ngoại trưởng Mỹ, từ Kissinger tới Colin Powell và Cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat, khi cùng ký thỏa thuận vào ngày 14-4-2002, để quyết định tấm bản đồ mới của Trung Đông. Top of Form Tới nay cuộc chiến tại dải Gaza vẫn là một chuyện dài không biết bao giờ mới kết cuộc. Hầu như cả thế giới đều tìm đủ mọi cách để chấm dứt sự thù hận giữa Isrặl và Palestine vẫn vô ích. Máu lửa cứ tiếp diễn theo vòng xoáy hận thù và đây cũng chính là sự thất bại to lớn của Hoa Kỳ, nhất là thời lỳ cầm quyền của Tổng thống Obama, luôn theo đuổi chủ thuyết “ không can thiệp “ của cố TT Nixon.. Liên Hiệp Quốc cũng nhận định: « Cuộc khủng hoảng Isrặl-Palestine là thất bại lớn nhất của chính sách ngoại giao Obama. Hiện nay, ông Obama còn một ít thời gian để có thể gây ảnh hưởng lên xung đột này. Tuy nhiên quyền hạn cũng bị giới hạn, vì ông không có mối quan hệ tốt đẹp với Nétanyahou và sự việc càng ngày càng diễn biến phức tạp trên dải Gaza». Các lệnh ngừng bắn cứ tiếp tục được công bố ở Gaza nhưng cả Palestine lẫn Israel đều vi phạm và tiếp tục các cuộc tấn công đối đầu. phe Hamas thì pháo kích các loại hỏa tiễn vào Tel Aviv, còn Do Thái thì dùng bộ binh lẫn không quân hành quân tiến sâu vào lãnh thổ Palestine, bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của Hoa Kỳ và Liệp Hiệp Quốc. Trong cuộc xung đột tại Cận Đông, Bĩnh Nhưỡng đã lên tiếng phủ nhận khi bị tố cáo cung cấp vũ khí cho Hamas và Herzbollah, qua một thông cáo ngày 28/7/2014 của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên nhưng nhật báo Anh Daily Telegraph đã căn cứ vào các nguồn tin phương tây xác quyết Hamas đã mua của Bắc Triều Tiên hỏa tiển và các thiết bị truyền tin. Trước đó Mỹ cũng tuyên bố là Bình Nhưỡng đã cung cấp các loại vũ khí tối tân cho phong trào Herzbollah ở Liban. Hiện cả thế giới như đang cận kề trên bờ vực thẳm của chiến tranh hủy diệt vì bạo lực, khủng bố, bom nguyên tử, qua thách thức của Iran và Bắc Hàn, mà phía sau lưng có Liên bang Nga cùng Trung Cộng xúi giục, cũng chỉ vì sự tranh chấp biển đảo, năng lượng và ảnh hưởng chính trị trong vùng. Tại A Phú Hản, Iraq.. chiến tranh càng lúc càng ác liệt thêm, chẳng những gây thương vong cho người lính Mỹ và thường dân, mà còn có nguy cơ gây chia cắt tại Iraq bởi phiến quân “ nhà nước Hồi Giáo “, từ sau khi Obama tháo chạy khỏi Iraq, như Mỹ từng làm ở Đông Dương năm 1973-1975 cho dù đó là quyết định của đảng cộng hòa hay dân chủ trên lý thuyết. Trong lúc Hoa Kỳ đang lúng túng vì thù trong, giặc ngoài bủa vây tứ phía, thì các tổ chức Hồi Giáo cực đoan Hamas, Hezbollah.. được Syria và Iran yểm trợ, lại châm ngòi một cuộc chiến mới khắp vùng Tiểu Á-Tế Á, khiến cho Do Thái vì sự sinh tồn, không còn con đường nào khác hơn, đã phải tấn công trực tiếp vào sào huyệt của hai tổ chức khủng bố trên tại lãnh thổ Palestine và Miền Nam nước Lebanon. Cuộc chiến bắt đầu từ 26-6-2006 tới nay vẫn đang khốc liệt, hứa hẹn một thế chiến mới nếu Hoa Kỳ chính thức nhập cuộc, giúp Do Thái chống lại Syria và Iran. Trong quá khứ, Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã phải hủy bỏ chuyến công du Đông Nam Á, tức tốc tới Trung Đông để mưu tìm một sự dàn xếp và trên hết là hóa giải sự bất đồng của Mỹ và Liên Âu, về cuộc chiến trên, trong đó có Pháp luôn thời cơ hưởng lợi. Còn Đức tới nay vẫn đâu có quên thù hận cũ với Irael, do Tổ chức ‘ Những Người Bảo Thủ (NHBT) ‘ của Kháng chiến quân Do Thái,được thành lập từ năm 1941,đã thi hành sứ mệnh cuối cùng, sau khi Thế chiến 2 chấm dứt. Đó là việc KCQ Do Thái, đã đầu độc bằng thạch tín, giết 8000 tù nhân Đức Quốc Xã, trong trại giam Stalag 13 ở Nuremburg, vào tháng 6-1946, để trả thù mối huyết hải thâm cừu, của hằng triệu đồng bào Do Thái vô tội, bị Hitler sát hại trong thời gian qua. Nội vụ được tờ New York Times ngày 23-4-1946 tường thuật rất sơ sài, qua một bản tin ít hàng vài trăm chữ và sau đó chôn vùi theo sự sụp đổ của nước Đức. Mãi tới năm 1998, vụ đầu độc tù nhân Đức,được đánh giá là lớn nhất trong chiến tranh hóa học, mới được tiết lộ qua tác phẩm America’s Achilles ‘ Heel, do nhiều tác giả chung viết.. Ngày 19-12-2008 bất thần du kích quân Hamas đang làm chủ vùng đất Gaza phía nam Do Thái, đã bắn hỏa tiển vào lảnh thổ nước này gây thương vong cho nhiều người, mở màn cho một cuộc chiến tranh mới tại đây. Và Irael đã trả đủa một cách bạo tàn bằng bom đạn oanh tạc kể cả các cuộc tấn công của bộ binh bất chấp sự can thiệp của LHQ. Chiến cuộc càng leo thang khi phiến quân Hezbollah tại miền Nam Lebanon thừa dịp nã đạn pháo vào vùng bắc Do Thái, làm cho nước này chỉ chịu ngưng bắn 3 giờ vào ngày 8-1-2009 mà thôi. Nhiều người hy vọng Hoa Kỳ sẽ giải quyết được cuộc chiến tranh trên. Nhưng kết thúc bằng phương cách nào qua lời tuyên bố của cả hai tổng thống Bush, Obama kể cả ngoại trưởng Rice, bà Clinton, John Kerry... đều hàm chứa sự mơ hồ không ai hiểu nổi. Có lẽ vậy, nên mặt trận Trung Đông khó yên tỉnh sớm, trước khi Do Thái đạt được mục đích cuối cùng, như năm 1982, là đánh đuổi toàn bộ khùng bố Hamas và Hezbollah, ra khỏi Lebanon và dãi Gaza. Hơn nửa Do Thái không phải là VN, Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Hàn.. những quốc gia ít nhiều lệ thuộc vào quân viện và chiếc dù bảo vệ của Hoa Kỳ, nên người Mỹ đâu có đủ quyền bắt Irael nghe theo lệnh. Trong lúc đó chính Tổng Thống Bush (con) lẫn Obama, bộn bề trăm mối lo toan, thì sức đâu lo chuyện thiên hạ.. Cho nên điều mà Mỹ làm được lúc này, đối với Do Thái, đó là răn đe, ve vuốt cơn giận, để cho họ đừng đi quá trớn khi xài Bom nguyên Tử, tiêu diệt Syria và Iran, quốc gia có trử lượng dầu khí thứ 2 trên thế giới, tạo thêm cuộc khủng hoảng kinh tế (Á Căn Đ2inh, Nga, Trung Cộng, Liên Âu,,), hiện tại đã làm điêu đứng nhân loại, mà tai hại cũng đâu có thua gì sự chết người bằng bom đạn. 1 - BảY MƯƠI NĂM ĐỐI ĐẦU GIỮA HOA KỲ-DO THÁI VÀ CÁC NƯỚC HỒ I GIÁO Ả RẬP TẠI TRUNG ĐÔNG: Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ-Do Thái và các nước Hồi Giáo Ả Rập ( kể cả Ai Cập, Iran và Bắc Phi), có bề dầy lịch sử hơn 70 năm, mà hậu quả ngày nay là cuộc chiến tranh tại Trung Đông, hầu như là không bao giờ có thể chấm dứt, trừ phi một trong hai kẻ tử thù bị tiêu diệt. Mới đây một nhóm nhà nghiên cứu, gồm Mỹ, Âu Châu và Irael, căn cứ vào các đặc tính của ngành di truyền học, qua nhóm nhiểm sắc thể Y (từ cha truyền sang con), của 1370 người, sống tại 29 nước, gồm Do Thái, Bắc Phi và Châu Âu. Kết quả cho thấy người Do Thái sống ở nước ngoài, Palestine, Syria và Lebanon, đều có chung đặc điểm di truyền học. Vì vậy các nhà khoa học, đã tuyên bố công trình nghiên cứu này, trên tạp chí Proedings of the National Academy of Sciences ngày 9-5-2000, xác quyết các dân tộc trên, có chung một tổ tiên. Nhưng nếu điều đó là đúng, thì cũng đâu có ăn nhằm gì với thực tại con người. Ấn Độ, Pakistan,Tích Lan, Bangadesh đều là người Ấn 100% nhưng họ vì tôn giáo, mà đâm giết nhua còn hơn kẻ thù. Còn nửa, VN từ nam tới bắc, 100% cháu Lạc con Hồng, nhưng Hồ Chí Minh và đảng Việt Cộng, đâu có bao giờ coi chúng ta là đồng bào đâu ? nên đời nay khó mà xin xõ tình huyết nhục là vậy đó. Tiểu Á là cái nôi văn minh của ba châu Phi, Âu và Á, khởi đầu từ năm 1947-1948 sau khi Thế Chiến 2 chấm dứt, được LHQ bỏ phiếu chia miền Palestne, thành hai quốc gia Do Thái và Palestine, để giải quyết số phận của mấy triệu người Irael vô tổ quốc. Sự kiện trên làm cho hơn 300.000 người Palestine phải bỏ quê hương, để sang tị nạn chính trị tại các nước Hồi Giáo Ả Rập quanh vùng. Năm 1956, Do Thái tấn công Ai Cập và chiếm kênh đào Suez nhưng sau đó rút về nước, qua áp lực của LHQ. Năm 1966, Hoa Kỳ chính thức bán các loại phi cơ chiến đấu cho Do Thái, bất chấp lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo An đang còn hiệu lực. Chiến cuộc Trung Đông lại bùng nổ dữ dội vào năm 1967, được gọi là cuộc chiến 6 ngày, giữa Do Thái và các nước Ả Rập láng giềng. Trong trận này, Do Thái đã chiếm toàn bộ thánh địa Jerusalem của Palestine, bán đảo Sinai và dãi Gara của Ai Cập, vùng tây ngạn sông Jordan của Jordanie và cao nguyên Golan của Syria. Dù LHQ ra nghị quyết 242, bắt Do Thái trả lại đất cho các nước nhưng Irael bất tuân lệnh. Đã vậy còn tiến hành các cuộc di dân tới những vùng mới chiếm đó, để lập các khu trù mật kinh tế mới, hầu giải quyết sự khan hiếm thực phẩm và nạn nhân mản. Đồng thời biến những khu vực trên như những tiền đồn, ấp chiên lược, bảo vệ thành phố, thủ đô. Năm 1968, khủng bố Palestine thực hiện vụ không tặc đầu tiên trên thế giới, khi bắt giữ con tin trong chuyến bay của hảng hàng không ELAL (Irael), từ Rome tới Tel Avis. Năm 1972, 8 cảm tử quân trong Tổ chức ‘ Tháng 9 Đen ‘, đột nhập vào Làng Thế Vận Munich của Tây Đức, sát hại 11 vận động viên Do Thái. Năm 1973, liên quân Ai Cập-Syria lại tấn công Do Thái, để chiếm lại Sinai và Golan nhưng bị thất bại. Dịp này, Mỹ đã cắt xén quân viện của VNCH theo đề nghị của Kissinger, để viện trợ khẩn cấp cho Do Thái hơn 2,2 tỷ đô la. Năm 1974, LHQ ra nghị quyết cho phép thành lập nước Palestine. Năm 1976, Đại sứ Mỹ tại Lebanon là Francis Meloy bị ám sát tại thủ đô Beirut. nên Mỹ đóng cửa Toà đại sứ nước này. Năm 1978, Ai Cập và Do Thái ký hiệp định hòa bình tại trại David, Tổng thống Ai Cập là Anwar Sadat cùng Thủ tướng Do Thái Manachem Begin, nhận được giải Nobel hòa bình. Năm 1981, Do Thái tấn công Lò phản ứng nguyên tử của Iraq cùng lúc Tổng thống Ai Cập Sadat bị ám sát. Năm 1982, Do Thái tấn công Lebanon, đánh đuổi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ra khỏi nước này, lập một vùng trái độn, dọc theo biên giới 2 nước và vào sâu lảnh thổ Lebanon hơn 40 km, để thiết lập các trại tị nạn Sabra và Shatila, ngoại ô thủ đô Beirut. Năm 1983, doanh trại của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trong đạo quân gìn giữ hòa bình tại Beirut bị đặt bom, làm 241 quân nhân tử vong. Năm 1987 cuộc chiến giữa Do Thái và Palestine, bùng phát tại vùng tây ngạn sông Jordan và trên dãi Gaza. Năm 1994, Jordan và Do Thái ký hiệp ước hòa bình. Dịp này Yasser Arafat, Yitzhak Rabin và Simon Peres, lại được giải Nobel hòa bình. Năm 2000, cuộc thương lượng hòa bình Trung Đông tại trại David thất bại, mở đầu cho cuộc chiến mới khi Sharon lên làm Thủ Tướng Do Thái. So về diện tích và dân số (8,020 dặm vuông hay 20.772km2 với 4,5 dân), Do Thái chỉ là một chấm nhỏ giữa các quốc gia Trung Đông như Ai Cập,Thổ nhỉ Kỳ và Ả Rập hoàn toàn theo hồi giáo, lúc nào cũng muốn tiêu diệt nước này. Nhưng từ ngày lập quốc năm 1948 cho tới nay,ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư chưa trực tiếp đụng độ, còn các nước Hồi giáo khác, kể cả Iraq và Ai Cập,thì Do Thái luôn luôn làm bá chủ trong vùng, nhất là hiện nay trong tay có vũ khí nguyên tử và cả tàu ngầm trang bị đầu đạn hạt nhân, đưọc điều khiển từ xa, mà tờ Times Sunday số ra ngày 18-6-2000 đã công bố. Hiện nay, Do Thái là nước thứ ba trên thế giơí đứng sau Mỹ-Nga có vũ khí này. Sự kiện càng làm các nước Ả Rập trong vùng Vịnh thi đua tìm kiếm vũ khí mới, khiến cho tình hình thêm nát bấy tại Trung Đông, càng thêm thê thảm hơn khi Mỹ-Anh lật đổ Sadam Hussein, làm chủ các mõ dầu tại Iraq, khiến cho Trung Cộng và Nga bị ra rìa, nên hai nước này không ngớt xúi giục Iran và Các Tổ Chức Hồi Giáo cực đoan làm loạn. Màn hỏa mù tranh dành đất đai giữa hai dân tộc Irael và Palestine, chỉ là lớp sơn hào nhoáng cho có chính nghĩa, hầu che đây mặt thật sự tranh chấp kinh khiếp của các cường quốc, về các mõ dầu không lồ tại Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á và Biển Caspiene. Theo tin tức từ Anh, hiện Do Thái có từ 100-200 đầu đạn nguyên tử, bốn tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân và người Do Thái đã nói thẳng không chút e ấp, vũ khí này để chọi với Ba Tư, cũng như bất cứ nước nào tấn công vào lãnh thổ mình, bằng chứng là năm 1973, khi bị Ai Cập và Syria tấn công, Thủ Tướng Do Thái đã ra lệnh lắp đầu đạn tầm gần và chỉ còn chút xíu nửa là khai hỏa,nếu bộ binh bị thất trận. 2 - CÁC TỔ CHỨC VÕ TRANG PALESTINE:   Năm 1982, khi Sharon còn là Bộ trưởng Quốc Phòng của Do Thái, đã nhận biết được vai trò vô cùng quan trọng của nhân vật lãnh đạo tổ chức PLO đó là Arafat, nên khi trở thành Thủ tướng, đã tìm đủ mọi cách để giết cho được kẻ đối đầu. Bởi vậy không lấy làm lạ, khi tờ Le Firago ngày 4-4-2002, đăng tin Thủ tướng Do Thái Sharon, yêu cầu Tổng thống Arafar ra đi và không được quay về Palestine. Đề nghị này, chính Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Colin Powell cũng cho là vô lý. Đó cũng là lý do, để Liên Âu và Hoa Kỳ tuyên bố, chỉ có Yasser Arafat mới có đủ tư cách, đại diện cho người Palestine qua các cuộc đối thoại, để tìm kiếm hòa bình cho dân tộc mình. Ngày 28-9-1995, tại Hội Nghị OLso 2 ở Na Uy, các phe phái đã cùng ký một tạm ước, trong đó có điều 4, phụ lục 1, cho phép Palestine, được thành lập một lực lượng cảnh sát, do Arafat tổng chỉ huy, giữ an ninh trật tự vùng tự trị của người Palestine. + Các Tổ Chức Vũ Trang của PLO: Ngoài tổ chức cảnh sát được công khai hoạt động, người Palestine còn có nhiều Tổ Chức Vũ Trang khác rất bí mật, cho nên không ai rỏ quân số cũng như địa bàn nhưng tất cả đều có mục tiêu chính là chống lại người Do Thái. Hiện nay qua báo chí, có:   - FATAH: Tên viết tắt của tổ chức Harakat al tabrir al watani al filistini. Đây là một tổ chức vũ trang của người Palestine có thực lực rất mạnh và kỷ luật., chính thức hoạt động từ ngày 1-1-1965. Ngưng hoạt động từ 1994 ố 9/2000 khi Do Thái và Palestine ký kết hiệp ước hòa bình. tại Olso. Nhưng rồi cuộc chiến tại Infitada bùng nổ sau tháng 9-2000, tổ chức Fatah hợp tác với tổ chức Chabiba, chống lại Do Thái. Hiện quân du kích Fatah làm chủ vùng Tây Ngạn (West Bank) sau khi thất cử. - TANZIM: Là một bộ phận võ trang của Fatah, thành lập từ năm 1983, hoạt động riêng rẽ theo Tổ, với các thành viên tuổi từ 18-35. Tanzim hiện có nhiều ngàn người tham dự, trà trộn vào các trại tị nạn Palestine, để xách động biểu tình, chống lại Do Thái khắp mọi nơi. - AL Aqsa: Cũng là một bộ phận của tổ chức Fatah, thành lập từ năm 2002 với những thành viên dám tử vì đạo. Không như tổ chức Hamas và Jihah Hồi giáo cực đoan, lực lượng Al-Aqsa chuyên sử dụng phụ nử mang bom tự sát. Lãnh tụ của nhóm này là Nasser Awais luôn luôn di chuyển trốn lánh màn lưới truy sát của cơ quan tình báo Do Thái. + Các Tổ Chức Vũ Trang của Hồi Giáo: Hiện có tổ chức Hamas và Jihah chuyên tổ chức đánh bom tự sát. Hamas giờ đang nắm chính quyền Palestine, đuợc thành lập từ tháng 12-1987 do giáo sĩ Ahmas Ismail Yassine cầm đầu. Bắt chước theo mô hình các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Ai Cập, Hamas luôn chủ trương dùng mọi hình thức bạo động, gọi là thánh chiến để chống lại Do Thái tại các khu vực định cư ở Tây Ngạn Jordan, dãi Gaza và ngay trong lãnh thổ của Irael. Chính tổ chức này đã làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Arafat, cuối cùng cướp được chính quyền qua hình thức bầu cử khi Arafat qua đời tại Pháp. Tổ chức này nhiều lần bị quân đội Do Thái tiêu diệt nhưng sau đó phát triển lại rất nhanh, nhờ sự tài trợ của Hồi giáo. Đây là lực lượng đối chọi với PLO, qua giải phap hòa bình do Arafat chủ xướng, cũng như thừa nhận quốc gia Do Thái. Bộ phận võ trang của Hams là Ezzeddin el-Qassem, hoạt động độc lập với cơ quan lãnh đạo trung ương, gồm các thành phần quá khích, chuyên mang bom trong mình để tự sát, tại các đô thị và khu vực định cư của Do Thái. Hamas được nuôi dưởng bằng sự tài trợ của Iran, từ tiền bạc tới vũ khí, chuyên chở bằng đường biển tới Gaza. Với tổ chức khủng bố Al-Qaeda của Bin Laden, tổ chức Qassem tuyên bố không quan hệ, tuy cả hai cùng quan điểm thánh chiến. Còn tổ chức Jihah Hồi giáo được thành lập năm 1980 tại Gaza, sau khi Khomeni làm chủ Ba Tư. Tổ chức này tuy ít người hơn Hamas nhưng rất thiện chiến và có liên hệ với tổ chức Hồi giáo cực đoan Hezbollah ở Lebanon. Hiện Jihah Palestine do Ramadan Chalah chỉ huy, có một tổ chức khủng bố bí mật là Qassem. Tuy cùng là dân Palestine nhưng ngày nay đã có sự phân hóa trầm trọng giữa ba tổ chức vũ trang PLO, Hamas và Jihad. Sách lược muốn tóm thu Hội đồng tự tri Palestin, tổ chức Fatah và Tanzim của Hamas, thật sự đả thất bại. Chẳng những thế, Hamas còn bị Tây Phương gần như cắt đứt mọi viện trợ khi nắm được chính quyền Palestine. Đây chính là một trong những lý do dẫn đến cuộc chiến tranh đang diễn ra giữa Do Thái-Palestin và tổ chức Hồi giáo cực đoan Hezbollah ở miền Nam Lebanon. + Hezbollah: Được thế giới xếp vào nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan. Thật sự như nhóm khủng bố Hamas, đây là đứa con hoang của Phái Hồi giáo cuồng tín Ba Tư Shiite, được Khomeni cho thành lập tại Lebanon từ năm 1982 và sống còn bằng sự nuôi dưởng trực tiếp từ Ba Tư và Syria, với trợ cấp hiện kim hằng năm hơn trăm triệu đô la Mỹ. Tuy hình thức chỉ là Dân Quân Du Kích Hồi giáo nhưng Herbollah được Iran, Syria kể cả Trung Cộng và Liên bang Nga trang bị toàn cac loại vũ khí tối tân, trong đó nguy hiểm nhất là các loại hỏa tiển tầm ngắn lẩn tầm dài ( từ 45 ố 200 km ) như Fajr-3, Fajr-5, Zelzal-2.. Tóm lại, khủng hoảng Trung Đông ngày nay đều do hai tổ chức Hamas và Hezbollah châm ngòi, qua đạo diễn Syria và Ba Tư dàn dựng. 3- CHIẾN LƯỢC HÒA BÌNH TRUNG ĐÔNG CỦA HOA KỲ: Từ năm 1978 tới nay, đã có không biết bao nhiêu người chết vì hòa bình Trung Đông, trong đó có Tổng Thống Ai Cập Sadate và Thủ tướng Do Thái Rabin. Lịch sử đã không lập lại một nền hòa bình thật sự mà Do Thái và Ai Cập đã đạt được năm 1982, qua những cuộc đi đêm, đàm phán, bắt tay giữa hai dân tộc thù nghịch đang cùng đối mặt trên vùng đất Palestine. Máu lại bắt đầu đổ vào năm 2000, sau cuộc thương lương 14 ngày tại trại David thất bại. Cuộc thăm viếng của tân Thủ tướng Do Thái Sharon tại Đồi Đền ở Jerusalem, châm ngòi cho một trận chiến mới, tiếp diển suốt 60 năm qua, kinh hoàng trong cảnh Palestine nổ bom cùng chết và thương tâm nhìn tăng pháo Do Thái tan sát không nhân nhưọng. + Tại thủ đô Olso, Na Uy năm 1993: Sau bao nhiêu lần đi đêm, cuối cùng Chủ tịch tổ chức giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat và Thủ Tướng Do Thái Itzhak Rabin cũng đã thỏa thuận với nhau về một tiến trình hòa bình. Hiệp định trên được gọi là Olso, đưọc hai phía kỳ kết vào ngày 13-9-1993 tại Toà Bạch Ốc (Hoa Kỳ), với sự ký kết giữa hai phía, qua đó Do Thái phải rút khỏi Gaza và thành phố Jéricho ngày 13-12-1993, chuyển giao quyền hành chánh cho nhà nước Palestine để nước này lập quốc hội ngày 13-7-1994. + Tại Le Caire năm 1994: Ngày 4-5-1994, Palestine và Do Thái lại ký hiệp định Le Caire, ấn định thời hạn cuối Do Thái phải rút hết quân ra khỏi Palestine là năm 1999, ngoài ra còn có các vấn đề người tị nạn, biên giới nhưng nhức nhối nhất vẫn là chủ quyền tại Jerusalem, mà hai phía đều dành. + Olso II năm 1995: Năm 1995, Do Thái và Palestine lại ký hiệp định Olso II tại Ai Cập và phê chuẩn ở Hoa Kỳ, chung qui cũng chẳng có gì mới mẻ so với các hiệp ước cũ. Sự kiện càng rắc rối thêm khi Benyamin Netanyahu, người từng chỉ trích hiệp ước hòa bình Olso lại đắc cử Thủ Tướng Do Thái. Rồi tiếp theo, hai phía lại ký thêm các hiệp ước Hébron 1997, Wye river 1998, Chaarm el-Cheikh 1999.. cuối cùng bị khựng lại vì các điểm bất đồng không thể khai thông được, đó là vấn đề người tị nạn Palestine, hiện có chừng 3,5 triệu người đang sống trong các trại tị nạn khắp Trung Đông, hoặc phải đưọc trở về nguyên quán hay nhận tiền bồi thường thay thế. Thứ đến là việc thành lập quốc gia Palestine và sau cùng là khu định cư người Do Thái trong đất Palectine và chủ quyền tại Thánh địa Jerusalem. Ngày 5-7-2000, Hoa Kỳ đích thân tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Do Thái là Ehoud Barak và Chủ tịch Palestine Arafat tại trại David, nơi nghĩ mát của Tổng thống Mỹ tại Maryland. Hội nghị kéo dài 14 ngày trong bí mật, có sự tham dự của Tổng Thống Mỹ là Bill Clinton và Ngoại Trưởng Albrigh, nhưng mọi cố gắng dàn xếp vẫn không kết quả, do trên hai phía không ký kết một hiệp ước nào. Sau đó ngày 25-7-2000, Hoa Kỳ đã chính thức thông báo về cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ-Do Thái-Palestine, gôm 5 điểm trong đó quan trọng nhất là nhắc Do Thái và Palestin phải tuân hành theo các nghị quyết 242 và 338 của LHQ cũng như hai nước trên muốn có hòa bình vĩnh cửu, phải có sự đồng thuận của Hoa Kỳ.. Từ đó đến nay, chiến tranh lại tiếp diễn dử dội, khiến cho ngày nào cũng có người chết, đa số là thường dân vô tội của cả hai phía, mà thảm nhất vào ngày 22-6-2002, ba trẻ em Palestine và mười mấy học sinh Do Thái chết trong đan thù, vì bắn nhau và bom tự sát. Theo tin của nhà báo Akiva Eldar, thì Arafat vừa tuyên bố với Do Thái là chịu chấp nhận chủ quyền khu Jewish ở cổ thành Jerusalem và bức tường phía tây, đồng thời rút lại đòi hỏi hồi hương 4 triệu người Palestine tị nạn nhưng vẫn duy trì việc hồi cư gần 300.000 Palestine tại Liban. Tất cả đều là kế hoạch của Clinton năm 2000 nhưng có trể không ? vì tin mới nhất cho biết, Hoa Kỳ nhất quyết đổi ngựa giữa đường, bất chấp sự phản đối của Ai Cập, Liên Âu,Nga và nhiều nước Hồi giáo. Bắt tay nhau để cam kết xoá bỏ hận thù giữa hai dân tộc và hòa bình toàn vùng, hai ông Arafat và Rabin, người bị ám sát chết, kẻ đang sắp làm con vật tế thần, dù bị thất bại nhưng muôn đời Họ vẫn là anh hùng và ít nhát hai người cũng đã thật tình tôn trọng tư cách lẫn nhau. Còn Lê đức Thọ và Kissinger cũng bắt tay nhưng chỉ để biểu lộ sự chiến thắng vì cả hai đã gạt đưọc hết mọi người. Một cái bắt tay làm hại cả một dân tộc, tiếng xấu biết lấy gì trang trải cho sạch đây ? + Chiến Dịch Hoàng Hôn Hay Cuộc Rút Quân Khỏi Lebanon ngày 23-5-2000 Của Do Thái:   Sáng ngày 23-5-2000, Thủ tướng Do Thái Ehoud Barak chính thức tuyên bố đơn phương rút quân đội Do Thái ra khỉi Nam Lebanon, sau 22 năm chiếm đóng vùng trái độn giữa biên giới hai nước. Cuộc rút quân đã trở nên hổn loạn, khi có hơn 2500 người, gồm binh lính của quân đội Nam Lebanon (SLA) cùng gia đình, chạy sang Irael xin tị nạn. Tại Lebanon, từ năm 1976 có hơn 2500 quân sĩ thuộc quân đội Lebanon, đã ly khai chính phủ trung ương và theo quân Do Thái từ năm 1984. Lực lượng trên được gọi là SLA, gồm nhiều thành phần hổn tạp, trong đó có 1500 quân Hồi giáo Chiite, quân theo Thiên Chúa giáo, quân thuộc Bộ tộc Druze và quân Hồi giáo Sunnite. Tháng 3-2000, được tin quân Do Thái sắp rút, tinh thần của đạo quân SLA xuống thấp và đã rút khỏi hai cứ điểm quan trọng. Nhiều binh sĩ, trong số này có cả Tiểu đoàn trưởng Emile Nasser ra đầu hàng chính phủ Lebanon. Trong lúc đó, quân đội SLA hy vọng, chính phủ Do Thái sẽ bảo trợ cho họ,khi đã rút hết về nước. Để chuẩn bị, Bộ Tổng Tham Mưu Do Thái đã soạn thảo hai kế hoạch lui quân mang tên ‘ Chân trời mới ‘, trường hợp đạt được thỏa thuận với Syria và chiến dịch ‘ Hoàng Hôn ‘ khi Do Thái đơn phương triệt thoái. Trong thời gian chờ đợi, quân Do Thái được lệnh cố thủ nên lực lượng SLA trở thành mục tiêu tấn công của quân Hezbollan. Cùng lúc LHQ ra lệnh cho Do Thái, khi triệt thoái, phải thu hồi lại tất cả xe tăng, đại pháo.. đã cấp cho SLA sử dụng, vì sợ có cuộc đ5ng độ giữa SLA và quân Mũ Xanh của LHQ (UNFIL) tới thay thế quân Do Thái, trấn đóng vùng trái độn. Ngày 21-5-2000, dù Do Thái lên tiếng sẽ rút quân theo đúng hạn định 7-7-2000 nhưng Lực lượng SLA tại miền Nam Lebanon thực sự đã tan rã. Mặc cho thủ lãnh của Hezbollah là giáo sĩ Hassan Nasrallah kêu gọi đầu hàng với cam kết không trả thù, nhưng phần lớn lực lượng SLA cùng gia đình, bằng đủ mọi phương tiện chạy vào lãnh thổ Do Thánh lánh nạn. Trước sự rả ngũ nhanh chóng của SLA, quân Do Thái bắt buộc phải triệt thoái gấp về nước, bỏ mặc cho số phận của một phần lực lượng SLA, gồm cánh quân Thiên Chúa Giáo và Bộ Tộc Druze, đang cố cầm cự với quân Hezbollah, suốt đêm 22-5-2000. Tới sáng ngày 24-5-2000, coi như kết thúc chiến dịch ‘ Hoàng Hôn’, khi ra lệnh đóng cửa ải 93, thông thương giữa hai nước. trong lúc đó hàng ngàn dân Lebanon và quân SLA, vẫn vượt biên sang tị nạn tại Do Thái. Tóm lại kế hoạch của Thủ tướng Do Thái Ehoud Barak là khi quân Irael rút, thì quân UNFIL ở Lebanon, sẽ tới tiếp thu vùng trái độn nhưng cuối cùng bị thất bại và vùng này đã lọt vào tay quân Hezbollah, nên quân LHQ chỉ còn có nhiệm vụ, giúp người tị nạn tại biên giới hai nước mà thôi. Theo Nghị quyết 425 của LHQ năm 1978, đã có 4505 quân, thuộc lực lượng giữ gìn hòa bình (UNFIL) tới Lebanon. Đạo quân mũ xanh này thuộc 9 nước, gồm Ba Lan (630 người), Ghana(570), Ấn Độ (560), Nepal (550), Ái Nhĩ Lan (530), Fidji (530), Phần Lan (450), Pháp (250) và Ý Đại Lợi (45). Nhiệm vụ của quân LHQ tại Lebanon, chỉ đơn thuần là gở mìn và làm công tác nhân đạo. nên không can thiệp vào cuộc chiến ở đây. Trong nhiều năm qua, quân LHQ có mặt trong khu vực nhưng chẳng làm được tích sự gì, ngoài việc tiêu phí hằng tỷ đô la tiền của thế giới đóng góp. Bởi vậy không trách các nước coi tổ chức này, giá trị và thực chất không đáng được tín nhiệm. Về lý do quân Do Thái tấn công Lebanon, bắt nguồn từ vụ toán đặc công Palestine, có trụ sở tại Nam Lebanon, vào ngày 14-3-1978 tới thủ đô Tel Avis khủng bố, nên 25.000 quân Do Thái đã vượt biên chiếm miền nam nước này, qua chiến dịch mang tên Latini.. Ngày 19-3-1978 LHQ ban hành NQ 425 kêu gọi Do Thái, rút về lằn ranh quốc tế chỉ định, đồng thời thành lập lực lượng UNFIL tới giữ hòa bình tại Lebanon. Ngày 6-6-1982, Do Thái lại mở chiến dịch hành quân, mang tên Hòa Bình, tại Galilée, tấn công lực lược PLO của Palestine tại Beirut. Tháng 6-1985 quân Do Thái chiếm một vùng trái độn rộng 850 km2 của Lebanon. Từ tháng 7-1993 về sau, quân Do Thái mở nhiều chiến dịch, nhằm tiêu diệt lực lượng du kích Hồi giáo Hezbollah tại Nam Lebanon, tới khi Ehoud Barak đắc cử Thủ tướng Do Thái ngày 17-5-1999, đã hứa hẹn sẽ triệt thoái quân đội về nước vào tháng 5-2000, dù Syria và Lebanon có đồng ý hay không. 4- BẢN ĐỒ MỚI TẠI TRUNG ĐÔNG VÀ CUỘC CHIẾN HIỆN TẠI: Qua nhiều lần thương thuyết bàn cải, trong lúc chiến tranh vẫn tiếp diễn không ngừng tại Trung Đông. Cuối cùng ngày 14-4-2002, ngoại trưởng Mỹ là Colin Powell và Tổng thống Palestin Yasser Arafat, chịu ngồi vào bàn hội nghị, để thương lượng, phân định chủ quyền của hai nước đang tranh chấp trên vùng đất Palestine. Yếu tố tiên quyết đầu tiên mà Hoa Kỳ cần có là sự ngưng bắn, để tạo nguồn tin cho cả hai phía. Một điều mà ai cũng cho rằng Hoa Kỳ không làm được dù Arafat có hứa hẹn, vì suốt 19 tháng qua, cơn lốc Intifada (Nổi dậy) với màn đánh bom tự sát bên phía Palestine, được phe cực hửu Do Thái (qua Thủ tướng Ariel Sharon) đáp ứng không nhân nhượng, rồi còn được phụ họa thêm bởi các tổ chức Hồi giáo cực đoan Hamas, Jihad Hồi giáo Ba Tư..). Tất cả là những hạt nhân, đã làm tiêu tan hết chiến lược hòa bình Trung Đông, mà LHQ, Liên Âu và Hoa Kỳ, bỏ công sức và tiền bạc xây dựng từ trước tới năm 2000. Theo đề nghị của Arab Seoui, được tất cả các nước trong Liên minh Ả Rập, đồng ý chọn giải pháp: Đó là Do Thái phải rút khỏi các vị trí đã chiếm đóng trong cuộc chiến 1967. Đổi lại Do Thái sẽ được toàn khối Ả Rập công nhận như một quốc gia hiện hửu trong vùng.. Điều này cũng được áp dụng cho quốc gia Palestine. Để đạt được thành quả trên, các nước liên hệ phải giải quyết cho xong bốn trở ngại: 1- Biên giới nước Palestine ra sao. 2- Giải quyết thế nào về những khu vực định cư của người Do Thái, lập trên lãnh thổ của Palestine. 3- Jerusalem có bị phân chia để làm thủ đô của Palestine. 4- Số phận của người tị nạn Palestine ở Trung Đông. Thật ra bốn vấn đề này đã đưọc đề cập tại Hội nghi Olso, nhưng bị phá vở sau khi Thủ tướng Do Thái Yitzhak Rabin bị ám sát. Ngày 28-9-1995, Palestine và Do Thái đã ký tại Tòa Bạch Ốc, tạm ước Olso-2, dầy 400 trang, xác nhận quốc gia Palectine tự trị, tại các thành phố Bethlehem, Jenin, Nablus, Qalqilva, Ramallah, Tulkarm, một phần Hebron và 450 ngôi làng. Trong khi Do Thái có quyền giám sát những khu định cư của ngườu dân nước mình sống trong các khu vực trên thuộc Palestine. Năm 1998, TT Palestine là Yasser Arafat và Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, lại họp thượng đỉnh 9 ngày tại Wye Mills (Maryland), có TT Bill Clinton tham dự. Hai bên đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch chung trong việc chống khủng bố. Quan trọng nhất là là lời hứa của Irael sẽ rút quân thêm 13,1% lảnh thổ tại Tây Ngạn, mở cho Palestine một sân bay tại Gaza. Tiếp theo vào ngày 13-9-1999, Thủ tướng Do Thái Ehud Barak (Đắc cử tháng 5-1999), lại ký thêm với Arafat, bản giao ước bổ sung những thỏa thuận Wye: Đó là việc hai phía cùng đồng ý chọn ngày 13-9-2000, là thời hạn cuối cùng, để ký một Hiệp ước Hòa bình chung cuộc. Để bổ túc những gì còn lại chưa được giải quyết ổn thòa của hai phía, TT Mỹ Bill Clinton đã đề nghị một bản đồ mới cho hai nước Do Thái và Palestine: Đó là Palestine sẽ lấy lại từ 94-96% lảnh thổ của mình tại Tây Ngạn, phần đất phía đông Jerusalem ( ngoại trừ các quận có người Irael) và các quận của người Ả Rập. Về việc hồi cư người tị nạn Palestine tại các nước lân cận, sẽ thi hành theo các nghị quyết của LHQ có từ trước. Theo đó, họ có quyền hồi hương nhưng về Palestine chứ không phải đất cũ đã thuộc Do Thái. Nhưng Jerusalem mới chính là trở ngại lớn nhất. Năm 1967 Do Thái chiếm phía đông thánh địa này và thiết lập ranh giới hành chánh từ ấy đến nay. Theo thỏa ước Taba, hai phía đã đồng ý coi Jerusalem là thủ đô chung,: Phần thuộc Do Thái được gọi là Yerushalaim. Còn phía lảnh thổ thuộc Palestine là thủ đô Al-Quds. Tại thánh địa, Do Thái sở hữu Bức Tường Than Khóc. Khu Núi Đền linh thiêng, theo đề nghị của TT Clinton, phần trên đồi thuộc Palestine, phía dưới của Do Thái. Cuối cùng vì lý do nhân đạo, Do Thái chịu nhận 25.000 người Palestine có thân nhân đang sống tại Do Thái. Tóm lại, tất cả những cố gắng trong và ngoài nước suốt mấy chục năm qua, cho thấy sự khủng hoảng tại Tiểu Á giữa hai dân tộc Do Thái và Palestine, mang nhiều hy vọng được giải quyết. Tiếc thay tất cả đã bị Ba Tư và Syria nhúng tay phá vở, mà hậu quả ngày nay là nổi đau đớn cùng tận vì bom đạn của ba dân tộc Irael-Palestine và Lebanon, không biết tới bao giờ mới chấm dứt. 5- PHẢN ỨNG CỦA THẾ GIỚI VỀ CUỘC CHIẾN DO THÁI-HAMAS VÀ HEZBOLLAH Ngay khi chiến tranh bộc phát vào ngày 25-6-2006 giữa quân đội Do Thái và Lực lượng Hồi giáo quá khích Hamas đang nắm chủ quyền Palestine tại Gaza. Tiếp theo ngày 12-7-2006 là cuộc chiến giữa Irael và Hezbollah. Vì không còn có thể nhường nhịn được, trước hành động quân sự khiêu khích, cũng như sự nhục mạ và hăm dọa công khai của Ba Tư trên diễn đàn quốc tế. Bởi vậy Do Thái đã phản ứng, qua hai cuộc tấn công cùng lúc, nhằm vào lực lượng Hamas trong lảnh thổ Palestine và dân quân du kích Hezbollah,có sào huyệt tại miền nam Lebanon, sau tháng 5-2000, khi quân đội Ly khai Lebanon (SLA) và Do Thái, triệt thoái. Cuộc đụng độ giửa ba phía suốt mười mấy ngày qua, nhât là mặt trận phía Nam Lebanon rât ác liệt và kinh khiếp, vì Do Thái đã xử dụng cả Hải Lục Không Quân và Hàng Không Mẫu Hạm để tấn công, quyết tâm tiêu diệt cho được Hai Nhóm Khủng Bố tàn bạo nhất tại Trung Đông hiện nay, trước thái độ căm hờn tức tối của Ba Tư, Syria.. nhưng cả hai không dám trực tiếp can thiệp, vì Do Thái đã thề là sẽ sử dụng kho Bom Nguyên Tử của mình, để tiêu diệt Ba Tư cũng như bất cứ kẻ nào làm hại đến đất nước mình. Hậu quả của cuộc chiến này, trước nhất là sự tan nát đổ vở tại Lebanon và Palestine, cùng với một vài thành phố phía Bắc của Do Thái. Đã có hơn vài trăm người bị thương vong, đa số là thường dân vô tội. Thủ đô Beirut của Lebanon đắm chìm trong biển lửa, người người từ dân địa phương tới ngoại kiều, đều tìm đường di tản để tránh chết chóc. Trong lúc đó, quân Do Thái tiến vào đất Lebanon như chốn không người, với quyết tâm đuổi tận giết tuyệt Hezballlah và không dấu ý định sẽ truy sát tận Syria, nếu nhóm khủng bố này trốn vào đây. Riêng trùm nhóm khủng bố Hezbollah là Sayyed Nasrallah may mắn chạy thoát, lúc biệt thự bị bom san bằng. Ở phương Nam, quân Do Thái tàn phá không chừa thứ gì, đồng thời phong tỏa hết mọi ngõ ngách.. khiến cho người dân vô tội Palestine mới vừa vui được chút chút, thì nay trắng tay và toi mạng. Trước tình trạng thê thảm này, LHQ, Liên Âu và Liên Minh Ả Rập cũng bó tay bất lực, vì ai cũng biết, chính Hamas và Hezbollah đã dồn Do Thái vào chân tường, nên họ phải hứng hậu quả là cái chắc. Ở Trung Đông, suốt 60 năm qua, cứ mỗi lần có khủng hoảng giữa Do Thái và Ả Rập, đều có màn cúp dầu để áp lực Mỹ đừng can thiệp và nhúng tay. Nhưng lần nào cũng vậy, Hoa Kỳ cứ xông vào vì biết, Ả Rập chỉ sống bằng dầu, nên cúp được bao lâu. Rốt cục đâu lại vào đó. Còn một yếu tố khác mà Do Thái và Hoa Kỳ nắm được để hành động, đó là ở Trung Đông, bất cứ nước Hồi Giáo nào cũng đều ghét Ba Tư, cho nên kỳ này thấy Do Thái thay họ, tiêu diệt những đứa con hoang Hamas và Hezbollah của Iran,, ai cũng hả dạ, dù ngoài mặt, vẫn to tiếng phản đối.hành động quân sự quá thô bạo của DoThái, làm thiệt hại đến sinh mạng và tài sản của dân chúng địa phương trong vùng chiến cuộc. Lúc chiến tranh đang tiếp diễn ác liệt, cũng là thời điểm họp thượng đỉnh của G-8 gồm các nước Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Ý, Đức, Canada và Nga. Chỉ có Tổng thống Pháp là Chirac to tiếng tố cáo hành động quân sự của Do Thái nhưng đã bị TT Bush và Thủ tướng Canada là Stephen Harper bác bỏ, đồng thời ra mặt ủng hộ hành động của Do Thái là chính đáng, tự vệ, mà bất cứ ai khi bị dồn vào chân tường, đều phải làm vậy. Đặc biệt là sự phân tích của ký giả Kevin Perain, trên tờ Newsweek ra ngày 14-7-2006, cũng xác nhận hành động của Do Thái lần này là tự vệ, vì không còn lực chọn nào khác. Tờ báo đã thẳng thắng chỉ đích danh Ba Tư-Syria là thủ phạm, đã xuí giục hai nhóm khủng bố Hamas và Hezbollah gây chiến, chứ không phải Do Thái, Palestin hay Lebanon. Do Thái đã ban lệnh Tổng Động Viên và cũng chẳng dấu diếm ý đồ tiêu diệt Hezbollah, đồng thời thiết lập lại Khu Độn giữa biên giới hai nước Do Thái-Lebanon, như họ đã từng thực hiện từ năm 1982-2000 mới triệt thoái. Hòa bình Trung Đông chỉ là sự tạm bợ, chẳng những vì dầu mà còn sự hận thù tôn giáo và chủng tộc, giữa các sắc dân Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ả Rập, Do Thái và Kurd. Nên chiến tranh cứ đến là điều tự nhiên, cho dù không có quốc gia Do Thái hiện hữu, thì vẫn có ngàn muôn lý do khác để mà gây chiến. Bởi vậy việc Ngoại trưởng Condoleezza Rice tới Trung Đông, chẳng qua cũng chỉ để thương lượng các phe Do Thái, Palestine và Lebanon, về một giải pháp thuận lợi, trong việc cứu trợ các nạn nhân chiến tranh, đang cần giúp đở. Riêng Do Thái, thì Tổng Thống Mỹ W.G.Bush khi còn tại chức cũng đã thẳng thừng tuyên bố ‘ Giai đoạn này chưa phải là lúc để quân đội Do Thái dừng lại, vì mục tiêu chiến lược là phải tiêu diệt tận gốc hai lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan, đã bị LHQ đặt ra ngoài vòng pháp luật: Đó là Hamas và Hezbollah. Đây cũng là nguyện vọng chung của Hoa Kỳ, người dân Palestine và nhất là Chính phủ Lebanon, từ bao lâu nay khốn khổ vì sự đàn áp của Hezbollah có Syria và Ba Tư chống lưng tiếp trợ. Dù muốn hay không mọi người đều phải đợi Do Thái kết thúc mục tiêu của họ, chừng đó LHQ, Hoa Kỳ hay Liên Âu.. may ra còn có tiếng nói để hạ màn. Nhưng Trung Đông lại lửa khói ngút trời từ giữa tháng 12-2008 tới nay (tháng 8-2014) vẫn không im tiếng súng vì cả hai phía Do Thái và Hamas đều quyết dùng quân sự để đạt chiến thắng chính trị, mặc cho sinh mạng của người dân trong vùng. Hoa Kỳ từ trước tới nay là trọng tài nhưng lần này cũng chỉ đứng xa để ngó vào như bao khán giả khác nhất là trong thời gian sắp đổi ngựa của Obama tại Tòa bạch Ốc. Và dù Obama có cố gắng lấy điểm cho chính mình (thêm một giải Nobel hòa bình) hay cho đảng Dân Chủ trong các giai đoạn sắp tới, thì vấn đề Palestin-Do Thái cũng thế thôi vì đây là một vỡ kịch trường thiên không bao giờ có phần kết luận. Và nguời dân ở đây càng thê thãm hơn khi người Mỹ giải kết ‘ việc bảo hộ các mõ dầu tại Trung Đông “ khi mức sản xuất tại nội địa Hoa Kỳ đủ cung ứng nhu cầu trong nước ũng như xuất cảng tới các nước Đồng Minh, trong một tương lai rất gần. Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di Tháng Tám 2014 MƯỜNG GIANG Nguồn: vietbao.com
......

Thời Đại Hậu Putin

Chuyến bay MH17 bị bắn đã rơi trúng đầu Vladimir Putin   * Putin bơ phờ bên tay em Dmitri Medvedev *   Chuyến bay MH17 của Hàng không Malaysia bị bắn hạ tại Ukraine chiều ngày 17 Tháng Bảy là một thảm kịch vì khiến 298 thường dân tử nạn. Nhưng biến cố này cũng đánh dấu ngày tàn của một nhân vật tới nay vẫn được coi là có bản lãnh và mưu lược, Tổng thống Vlaimir Putin của Liên bang Nga.... Chúng ta hãy đi từ tin tức thời sự vào tận cốt lõi của vấn đề. Vấn đề ấy là hồ sơ Ukraine. ***   Cuối Tháng Bảy vừa qua, khi lãnh tụ phe ly khai tại Donetsk của Ukraine là Alexander Borodai qua thăm viếng Moscow, tin tức thời sự cho biết người tạm thời xử lý công vụ của  "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" là Vladimir Antyufeyev. Nếu đào sâu hơn thời sự, ta biết cái nước Cộng hoà giả hiệu này có một Phó Chủ tịch là Andrei Purgin, người Ukraine sống tại tỉnh Donetsk ở miền Đông. Còn Vladimir Antyufedev là người Siberia của Nga, từng là Bộ trưởng An ninh của khu vực ly khai Transdniestra của Cộng hoà Moldovia. Vladimir Putin khuynh đảo các nước Đông Âu và Trung Âu qua việc hỗ trợ các nhóm ly khai rồi chỉ định tay chân gốc Nga vào vị trí trọng yếu tại các nước "Cộng hoà Ly khai". Antyufedev thuộc diện đó.   Mà đây không là một trường hợp cá biệt. Trong vụ khủng hoảng Ukraine do Putin tiến hành một cách lạnh lùng và khốc liệt, người ta cần phân biệt hai thành phần nhân sự. Trước hết là những nhóm được gọi là dân quân Ukraine, gồm đám thanh niên trai tráng, có khi là du đãng, người Ukraine thân Nga và muốn xứ này trở thành một chư hầu của Nga. Ngoài các thủ lãnh ở trên, đa số trong nhóm dân quân này là người trẻ, ít kinh nghiệm về tổ chức hay tác chiến nhưng tương đối am hiểu tình hình địa phương vì sinh sống tại chỗ. Thành phần kia là cán bộ an ninh, quân báo hay sĩ quan Nga, tương đối lớn tuổi hơn, có trình độ nghiệp vụ cao và ý thức được vai trò chính trị của mình. Nhưng vì đến từ nước Nga hay các vùng ly khai do Liên bang Nga chỉ đạo, họ thiếu tin tức về tình báo và phải dựa vào hậu cần của đám dân quân Ukraine vừa thiếu tay nghề vừa ít kỷ luật. Sau khi chuyến bay dân sự của Malaysia bị bắn hạ, Putin lặng lẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của Nga trong lực lượng ly khai tại Ukraine. Có thể là để tránh một tai nạn bất ngờ như vụ MH 17. Chúng ta có thể mường tượng ra chuyện ấy khi nhớ tới việc Liên Xô đảo chánh lãnh tụ thân Nga tại Afghanistan, hoặc việc Hà Nội gia tăng kiểm soát hoạt động du kích của Mặt trận Giải phóng Miền Nam qua Trung ương cục "R". Nhưng thực chất là Putin lún sâu hơn vào hồ sơ Ukraine và gặp kết quả Xô viết tại Afghanistan năm 1989 hơn là thành quả của Hà Nội vào năm 1975. Vì vậy, ta cần tìm hiểu hồ sơ Ukraine của Putin. *** Với Liên Xô hay Liên bang Nga, Ukraine là chuyện sinh tử ở hai mặt âm dương, quân sự và kinh tế. Ukraine phải là vùng trái độn quân sự để bảo vệ nước Nga từ hướng Tây vì các nước Âu Châu mà muốn vào tới Moscow thì phải vượt qua lãnh thổ Ukraine. Trong thế thủ với tinh thần bi quan và đa nghi, việc kiểm soát Ukraine bằng quân sự là chiến lược phòng thủ tích cực. Song song, Ukraine cũng là vựa lúa và trạm trung chuyển năng lượng của Nga bán cho Âu Châu. Khi Putin muốn dùng võ khí năng lượng với Âu Châu sau vụ tấn công Georgia vào Tháng Tám năm 2008, thì đầu năm 2009, Ukraine bị Putin khống chế về khí đốt để qua đó gây sức ép kinh tế với các nước Âu Châu. Đấy là các yếu tố thuộc địa dư chiến lược. Thuộc lãnh vực chính trị thì có lẽ ta phải đào sâu hơn vào quá khứ. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1989 và cáo chung vào năm 1991, thì Liên bang Nga đã kế thừa di sản Nga-Xô viết. Di sản Xô viết là khủng hoảng kinh tế do sự phi lý của hệ thống kinh té cộng sản. Di sản Nga là niềm mơ ước canh tân khi học theo Âu Châu (và Tây phương nói chung) xen lẫn nỗi lo là sẽ lại bị Âu Châu tấn công như đã từng bị trong quá khứ, vì Napoléon của Pháp hay Hitler của Đức. Người nhận lãnh di sản này là Tổng thống Boris Yeltsin đã gặp cả hai vấn đề. Năm 1998, Liên bang Nga bị khủng hoảng tài chánh và vỡ nợ, do cái nhân là hệ thống kinh tế Nga trong buổi giao thời và cái duyên là vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997-1998. Năm 1999 thì Nga thấy quân lực NATO vào tới Cộng hoà Serbia thân tín của Nga, không tập lực lượng Serbia tại Kosovo, rồi các nước Âu Châu tách riêng khu vực Kosovo của Serbia thành một quốc gia độc lập. Biến cố ấy góp phần cho việc Vladimir Putin được Boris Yeltsin đưa lên cầm quyền rồi lãnh đạo nước Nga kể từ năm 2000. Là người gian hùng có bản lãnh, Putin tập trung quyền lực bên trong và chấn chỉnh nội tình nước Nga để sẽ mở cuộc phản công khi có thực lực. Đấy là lúc ông ta lo ngại sự bành trướng của Tây phương qua hai mặt hỗ tương và song hành. Về quân sự là tấm khiên của Minh ước NATO tiếp tục lăn về hướng Đông rồi kết nạp các quốc gia xưa kia nằm trong quỹ đạo Xô viết hoặc thuộc về Liên bang Xô viết khiến lãnh thổ Nga nằm dưới tấm đạn của Tây phương. Về chính trị là cuộc cách mạng muôn màu dân chủ lan rộng từ Đông Âu tới Trung Á khiến nổi khát khao dân chủ có thể khiến dân Nga cũng muốn thay đổi và đòi hỏi một chế độ cởi mở hơn.   Nỗi lo của Putin kết tinh vào Ukraine. *** Trong cuộc bầu cử năm 2004, nhân vật thân Nga là Viktor Yanukovych ra tranh cử Tổng thống và đắc cử nhờ gian lận. Phản ứng chống đối của dân chúng Ukraine dẫn tới cuộc Cách mạng màu da cam và sự thắng thế của các lãnh tụ thân Tây phương, như Tổng thống Viktor Yuschenko hay Thủ tướng Yulia Tymoshenco. Chính biến cố ấy khiến Putin phản công tại Georgia vào năm 2008 khi đã có thực lực, rồi dùng võ khí năng lượng để khống chế Ukraine và để hóa giải sức ép của Âu Châu. Nhưng sự phân hóa của hai lãnh tụ dân chủ thân Tây phương của Ukraine – bài học cho Việt Nam sau này – đã tạo cơ hội cho Yanukovych trở về thi hành một chánh sách tương đối trung lập, kéo Ukraine về hướng Đông cho gần Liên bang Nga hơn, mà vẫn không gián đoạn luồng trao đổi với hướng Tây là các nước Âu Châu. Việc bất ngờ là Yanukovych thất bại từ Tháng 11 năm ngoái khi hủy bỏ hiệp ước kinh tế với Âu Châu trong Thượng đỉnh tại Vilnius của Lituania.  Rồi Yanukovych bị dân chúng lật đổ sau ba tháng biểu tình. Dưới con mắt của một trùm mật vụ như Putin, thì đấy là do CIA: mọi cuộc vận động dân chủ đều chỉ là nghiệp vụ tình báo Tây phương dưới bình phong là các tổ chức phi chính phủ NGO! Chúng ta có một vấn đề về ấn tượng perception, qua cách tường thuật narrative và sự lượng định lạnh lùng của thực tế, dưới cái nhìn của những người chuyên nghiệp về chánh sách. Với dư luận Tây phương thì vụ Ukraine là kết quả của một phong trào dân chủ và tự quyết của dân Ukraine, Với Putin thì 10 năm sau khi can dự vào vùng cấm địa Ukraine của Nga qua cuộc cách mạng màu da cam năm 2004, CIA và các thế lực thù nghịch Tây phương lại can thiệp để đánh đuổi Yanukovych về Nga vào đầu năm 2014! Với dư luận Tây phương thì việc Putin phản công tại đất Crimea rồi xúi giục phong trào ly khai ở miền Đông để khuynh đảo chính quyền Kyiv (Kiev, theo cách viết và gọi của Nga) là một biểu hiện của chủ nghĩa bành trướng truyền thống của Nga - và đi ngược trào lưu dân chủ của nhân loại. Với Putin, đây là một phản ứng tự vệ chính đáng sau khi hàng loạt quốc gia Đông Âu đã theo Tây Âu gia nhập Liên hiệp Âu châu rồi còn cầm súng cho Minh ước NATO. Nếu Ukraine cũng lại tiến về Tây Âu và đẩy tấm khiên NATO tới sát biên giới Nga thì tổ quốc lâm nguy! Trong năm (5) tháng liền kể từ Tháng Hai, Vladirmir Putin coi như thắng lớn nhờ nhiều lợi thế: Chính quyền mới của Ukraine tại thủ đô Kyiv bị khủng hoảng kinh tế và chẳng giữ được bán đảo Crimea mà còn mất nhiều địa phương tại miền Đông. Các nước Tây phương bị phân hóa vì mâu thuẫn giữa đạo lý chính trị và quyền lợi kinh tế nên chỉ phản ứng cầm chừng và khá rời rạc, với tinh thần thụ động leo thang biện pháp trừng phạt để trả đòn theo đà lấn lướt của Putin. Và trong khi quần chúng Nga ủng hộ Putin với tỷ lệ áp đảo là hơn 80% thì hậu thuẫn của Tổng thống Barack Obama lại tuột dốc hàng tuần và nay chỉ bằng phân nửa của Putin. Là siêu cường lãnh đạo toàn khối Tây phương, Hoa Kỳ bị tê liệt vì những vấn đề nội bộ và khủng hoảng ở nhiều nơi khác nên chỉ có thể chống đỡ từng bước tiến công của Putin mà thôi. Nhưng hình như ông trời có mắt! *** Chuyến bay MH17 bị hỏa tiễn bắn hạ khiến cả thế giới rà soát lại cách giải trình hay tường thuật. Đám dân quân ô hợp tại Donetsk không thể có loại hỏa tiễn đã bắn hạ một phi cơ dân sự trên cao độ 10 cây số. Họ có thể được Nga cung cấp, và huấn luyện về kỹ thuật sử dụng, mà vụng về bắn lầm vào máy bay dân sự. Giả thuyềt kia là chính binh lính Nga đã thi hành việc giết người hàng loạt như vậy bằng hỏa tiễn của Nga. Trong cả hai trường hợp, Liên bang Nga đều chịu trách nhiệm và Putin phạm tội ác với nhân loại. Chủ nghĩa ái quốc của Nga ngụy trang cho tội ác và Putin mất chính nghĩa. Chẳng những vậy, con người gian hùng đó còn cho thấy sự luộm thuộm khi mở ra một cuộc xâm lược và nay không thể giấu được bàn tay ném đá nên đang tìm cách kiểm soát hồ sơ Ukraina cho chặt chẽ hơn. Và lún sâu hơn vào một vũng lầy chính trị. Không có chính nghĩa, bị quốc tế trừng phạt, nước Nga của Putin sẽ bị khủng hoảng kinh tế và Putin bị dân Nga oán trách. Các nhân vật trong Bộ Chính trị và hệ thống kinh tài của Putin cũng thấy ra nhược điểm của lãnh tụ và mối nguy cho bản thân, họ sẽ tìm giải pháp khác, để cứu lấy nước Nga và bản thân. Chúng ta sẽ có dịp điểm danh các nhân vật này. Putin đã lãnh đạo được 14 năm, với hy vọng có thêm chục năm nữa. Chuyến bay MH17 bị bắn hạ đang cắt ngắn hy vọng này. Kỷ nguyên "Hậu Putin" đã bắt đầu....  
......

Nhật gấp rút đặt tên các đảo quanh cụm Senkaku

Người ta gọi Nhật Bản là một đảo quốc vì đất nước này có đến 6.852 hòn đảo lớn nhỏ. Tuy nhiên hầu hết người Nhật sinh sống trên bốn hòn đảo chính: Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. Mặc dù đã vào thời đại toàn cầu hóa của thế kỷ 21, nhưng vẫn còn rất nhiều hòn đảo nhỏ của Nhật vẫn còn trong tình trạng vô danh. Lý do cũng dễ hiểu vì đó là những hòn đảo quá nhỏ, không có người ở. Có những hòn đảo chỉ trồi lên khỏi mực nước biển chừng vài mét.   Nếu không có chuyện Trung Cộng mưu toan xâm chiếm quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) thì có lẽ chính phủ Nhật cũng vẫn chưa có nhu cầu đặt tên cho những hòn đảo tí hon này. Ngày 01.08.2014, phát ngôn viên chính phủ Nhật, ông Suga, trong một cuộc họp báo định kỳ cho biết kể từ ngày này 158 hòn đảo nhỏ vô danh của Nhật đã chính thức có tên. Trong 158 hòn đảo đó, có 5 hòn thuộc quần đảo Senkaku. Ông Suga cũng cho biết chính phủ Nhật đã không tự ý đặt tên nhưng tham khảo ý kiến người dân tại các địa phương gần từng hòn đảo để kiếm tên thích hợp. Hầu hết tên gọi 158 đảo đều là các tên dân dã mà dân chúng trong vùng dùng với nhau cho dễ nhớ.   Ngay sau khi phát ngôn viên chính phủ Nhật họp báo, các ban ngành, đặc biệt là cơ quan Tham mưu về chính sách Hải dương Nhật, lập tức công bố trên website của từng ngành tên chính thức của 158 hòn đảo. Chính phủ Nhật muốn quảng bá tối đa trước cả thế giới và đang chuẩn bị đối phó với phản ứng lồng lộn từ Bắc Kinh mà họ dự kiến sẽ xảy ra. Khi giới ký giả hỏi về chủ đích của chính phủ Nhật qua sự việc này, ông Suga trả lời: "Nếu gọi là muốn quảng bá cho thế giới biết thì quả thật không sai, nhưng điều quan trọng của việc phải đặt tên là khẳng định đó là lãnh hải, lãnh đảo bất khả xâm phạm từ ngàn xưa của Nhật ... và đã được luật pháp quốc tế, luật Biển của Liên hiệp quốc thừa nhận để làm chứng cứ chống lại sự xâm lược của bất kỳ quốc gia nào. Việc đặt tên này có bị Trung quốc phản đối hay không thì chắc là có, nhưng dù phản đối ở mức độ nào Nhật Bản vẫn không thay đổi lập trường". Theo giới hữu trách thuộc nội các của Thủ tướng Abe thì sự việc Trung quốc kéo giàn khoan HD981 vào thềm lục địa của Việt Nam đã khiến cho chính phủ Nhật Bản phải gấp rút lên đối sách để đề phòng trường hợp Bắc Kinh cũng dùng trò này xâm lấn vùng biển Hoa đông. Một hội nghị bàn về cách bảo vệ các hòn đảo nhỏ đã đuợc tổ chức vào tháng 6.2014. Một việc cần ngay mà nhiều giới chức chính phủ, chuyên gia, học giả độc lập đồng ý là chính thức đặt tên và đưa cả 158 hòn đảo này lên bản đồ trước mắt toàn thế giới. Phản ứng của Bắc Kinh đúng như dự đoán. Sứ quán Trung Cộng tại Tokyo gọi điện đến bộ Ngoại giao Nhật phản đối, đồng thời Đại sứ Nhật ở Bắc Kinh là ông Kitera bị bộ Ngoại giao Trung Cộng gọi đến để kháng nghị. Đáp lại, cả bộ Ngoại giao Nhật lẫn Đại sứ Kitera đều bác bỏ việc kháng nghị này vì cho rằng chính phủ Nhật Bản có quyền đặt tên hay thay đổi tên bất kỳ  hòn đảo nào thuộc chủ quyền của mình.   Theo các quan sát viên tình hình châu Á-Thái Bình dương thì thái độ của Tokyo đã khác hẳn  mấy năm trước. Trong những năm trước, cứ mỗi khi Tokyo làm điều gì không vừa ý, Bắc Kinh lại hăm dọa chiến tranh và gọi mập mờ nơi đó là "vùng tranh chấp". Lần này việc Tokyo đặt tên cho 5 hòn đảo trong quần đảo Senkaku được coi là lời nói thẳng với Bắc Kinh đây là hải đảo của Nhật chứ chẳng có gì để tranh chấp cả. Hải quân và không quân Nhật sẵn sàng nghênh chiến để khẳng định chủ quyền của mình. Đó là chưa kể sự tham gia của hải quân Mỹ qua hiệp ước bảo an Mỹ-Nhật hiện có. Vẫn theo giới phân tích thì lần này có vẻ Bắc Kinh chỉ phản ứng chiếu lệ rồi thôi, chứ không quá đà như những năm trước. Một lần nữa, có vẻ như chiến thuật "mềm nắn, rắn buông" lại được Bắc Kinh áp dụng. Nhìn cảnh chính phủ Nhật huy động sức lực đến mức đó để bảo vệ 5 hòn đảo tí hon, người Việt không khỏi đau xót khi nghe Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố việc kéo giàn khoan HD981 vào thềm lục địa Việt Nam, việc chiếm đảo, biển và bắn giết ngư dân Việt, đều chỉ là những chuyện lục đục nhỏ trong gia đình. Và nhìn cảnh tượng chính phủ Nhật cố sức ghi đậm tên tuổi các hòn đảo trong sổ sách quốc tế, người Việt Nam lại càng không sao hiểu được Hiệp ước phân định biên giới trên bộ ký kết công khai giữa Hà Nội và Bắc Kinh từ 15 năm trước (1999) nhưng đến nay lãnh đạo đảng CSVN vẫn giữ các bản đồ đó trong vòng tối mật, không cho ai biết./.
......

Lên án nhà cầm quyên CSVN tấn công cộng đồng Facebook

THÔNG CÁO BÁO CHÍ Ngày 6 tháng 8, 2014 Nhà cầm quyền Hà Nội phải ngưng tấn công cộng đồng Facebook tại Việt Nam. Là những tổ chức tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và một mạng internet mở rộng, chúng tôi lấy làm quan ngại về việc nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện một chiến thuật để ngăn chận các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến truy cập vào Facebook. Theo giới cư dân mạng Việt Nam, giới chức trách dùng dư luận viên để gởi hàng loạt báo cáo về ’lạm dụng’ đến Facebook khiến cho các trang này của các nhà hoạt động và tổ chức nhân quyền nổi tiếng bị đóng. Kể từ cuối tháng Sáu có ít nhất 100 tài khoản bị đóng. Trong một môi trường truyền thông bị kiểm duyệt nặng nề và khép kín như tại Việt Nam, Facebook đã trở thành một diễn đàn vô cùng quan trọng đối với xã hội dân sự tại Việt Nam. Nhiều người Việt dùng Facebook để chia sẻ thông tin và tham gia vào các cuộc thảo luận tự do. Các ký giả dân báo có thể thông tin đến với hàng triệu độc giả. Các nhóm cộng đồng trên Facebook là một hình thức tiêu biểu của sự tự do lập hội và tự do tụ họp mà ở ngoài đời không cho phép. Trong những năm gần đây nhà cầm quyền Việt Nam đã tìm cách để làm giảm thiểu tự do ngôn luận trên mạng qua việc kiểm duyệt gắt gao, cài mã độc, và qua các nghị định kềm hãm. Kể từ năm 2009 nhà cầm quyền đã nỗ lực hạn chế Facebook và những mạng xã hội khác. Tuy giới chức trách đến nay đã thất bại việc dẹp bỏ truyền thông xã hội, chúng tôi vô cùng quan ngại về những cuộc tấn công gần đây đối với những nhà hoạt động trên Facebook. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng thế giới cùng với chúng tôi lên án nỗ lực kiểm duyệt gần đây nhất. Để thêm thông tin, xin liên lạc: Quinn McKew Deputy Executive Director, ARTICLE 19, info@article19.org Eva Galperin Global Policy Analyst, Electronic Frontier Foundation, eva@eff.org Angelina Trang Huynh Advocacy Director, Viet Tan, angelina@viettan.org FOR IMMEDIATE RELEASE August 6, 2014 Hanoi government must stop attacks against Vietnam’s Facebook community As organizations dedicated to free expression and an open internet, we are concerned that the Government of Vietnam is implementing a new tactic to restrict the ability of activists and dissidents to access Facebook. According to Vietnamese netizens, the authorities are using so-called “opinion shapers” (du luan vien) to send an onslaught of abuse reports to Facebook, which has then led to the taking down of Facebook pages of well-known Vietnamese activists and human rights organizations. Since the end of June, at least 100 accounts have been known to be suspended. In a heavily-censored and closed media environment such as Vietnam’s, Facebook has become a vital platform for Vietnamese civil society. Many Vietnamese use Facebook to share information and participate in uncensored debate. Citizen journalists are able to communicate with an audience in the millions. Community groups on Facebook represent a form of freedom of association and freedom of assembly that is not permissible offline in the country. Over the last several years, the Vietnamese government has tried to curtail online speech through aggressive filtering, malware, and repressive decrees. Since 2009, the government has attempted to restrict Facebook and other social networks. While authorities have failed so far in stamping out social media, we are deeply concerned by the recent attacks against activists on Facebook. We call on the international community to join us in condemning this latest censorship effort. For more information, please contact: Quinn McKew Deputy Executive Director, ARTICLE 19, info@article19.org Eva Galperin Global Policy Analyst, Electronic Frontier Foundation, eva@eff.org Angelina Trang Huynh Advocacy Director, Viet Tan, angelina@viettan.org
......

Dân biểu Hoa Kỳ họp báo về TPP - đối sách với Việt Nam

Washington, D.C 29-5-2014:   Bốn vị dân biểu (Rosa DeLauro, Loretta Sanchez, George Miller, Mark Pocan) hiện diện trong cuộc họp báo chiều ngày 29-5-2014 tại Washington D.C. cho biết hơn một nửa các dân biểu đảng Dân Chủ đã kêu gọi gia tăng điều kiện bảo vệ lao động trong Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặc biệt tại các quốc gia có thành tích vi phạm nhân quyền lâu dài như Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Mexico. 153 dân biểu đã ký một kiến nghị gởi cho Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman, thúc giục ông phải đàm phán một kế hoạch hành động và giám sát để bảo đảm quyền lao động và nhân quyền được tôn trọng tại các quốc gia đối tác đã từng nuốt lời hứa thực hiện các cam kết như Việt Nam. Với thành tích “lật lọng” các ký kết trong Hiệp Ước Thương Mại Song Phương (2001) và WTO (2007), Việt Nam đã bị chỉ trích nhiều nhất trong cuộc họp báo kéo dài 1 tiếng.   Cùng lên tiếng với các dân biểu, Giám đốc Cathy Feingold của AFL-CIO - tổng liên đoàn lao động lớn nhất Hoa Kỳ - và Chủ tịch Larry Cohen của công đoàn Communications Workers of America đã chia sẻ với khoảng 20 cơ quan truyền thông Hoa Kỳ các quan tâm về nhu cầu giám sát hữu hiệu, và chế tài các đối tác thương mại không tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế.   Đại diện cho hệ thống đài phát thanh Tiếng Nước Tôi - cơ quan truyền thông người Việt hải ngoại duy nhất có mặt trong buổi họp báo, Tiến sĩ Minh Thi đã phát biểu: “Tôi rất trân quý và cám ơn quan tâm của quý vị về quyền lao động như là một điều kiện để gia nhập TPP đối với các quốc gia vi phạm nhân quyền như Việt Nam. Tôi đề nghị nên thành lập các cơ chế giám sát với sự tham dự của các nhà hoạt động Việt Nam trong nước và người Mỹ gốc Việt. Quý vị chắc cũng biết đến tình trạng xâm lược của Trung Quốc trên vùng Biển Đông, và đặc biệt mới đây họ đã đem giàn khoan dầu một cách phi pháp vào hải phận Việt Nam, khiến tình hình trở nên căng thẳng. Chính phủ cộng sản Việt Nam, hơn bao giờ hết, đang cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Tôi hy vọng quý vị nhìn thấy đây là cơ hội để Hoa Kỳ đứng cùng dân tộc Việt Nam đẩy mạnh việc tôn trọng nhân quyền, quyền được thành lập công đoàn độc lập, quyền tự do báo chí và trả tự do cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam.” Lá thư gởi Đại sứ Thương mại Michael Froman cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn thị trường Mỹ bị tràn ngập với hàng nhập khẩu sản xuất bởi công nhân lao động bị đối xử tàn tệ, không có nhân phẩm và các quyền cá nhân bị tước đoạt."  Cưỡng bức và lao động trẻ em, phân biệt đối xử với lao động nữ mang thai, kỳ thị giới tính, lao động quá giờ và trong điều kiện thiếu an toàn ... là những quan tâm cũng được nêu lên. Cựu bộ trưởng thương mại Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển, hiện là một cố vấn cao cấp về các cuộc đàm phán TPP, gần đây đã tuyên bố rằng Việt Nam sẽ không chấp nhận yêu cầu của TPP đòi tôn trọng quyền thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của công nhân. ---------- Nguồn tham khảo:http://wispolitics.com/1006/140529NoTPP.pdf “On Eve of ‘Check In’ Ministerial, Top 10 Signs That Obama Administration Should Call It Quits on TPP Negotiations”; May 19, 2014http://citizen.typepad.com/eyesontrade/2014/05/on-eve-of-check-in-minist...
......

Nga sẽ ngưng hỗ trợ Trạm Không gian để đáp lại chế tài của Mỹ

Moscow cho hay Nga sẽ rút các hỗ trợ cho Trạm không gian Quốc tế trước cuối thập kỷ này, để đáp lại các chế tài của Hoa Kỳ đối với Moscow về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin lắng nghe video trực tiếp với Trạm Không gian Quốc tế từ Siberia. Phó Thủ tướng Dmitri Rogozin đưa ra loan báo này hôm thứ Ba. Ông nói Điện Kremlin cũng sẽ cấm Hoa Kỳ hoạt động hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GPS tại các địa điểm trên lãnh thổ của Nga bắt đầu vào tháng 6. Thêm vào đó, ông Rogozin nói rằng Moscow sẽ cấm Washington sử dụng các động cơ hỏa tiễn do Nga sản xuất để phóng vệ tinh quân sự.   Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Nga đưa ra vào lúc Hoa Kỳ xúc tiến kế hoạch không cấp phép xuất khẩu cho các thiết bị kỹ thuật cao có thể giúp ích cho quân đội của Nga. Trong một từ chối yêu cầu của phía Hoa Kỳ được gia hạn sử dụng trạm không gian đến năm 2024, Phó Thủ tướng Rogozin gọi Washington là “một đối tác không đáng tin tưởng…họ chính trị hóa tất cả mọi thứ.” Phi thuyền Soyuz của Nga đã đảm nhận việc chuyên chở tất cả các phi hành gia đến trạm không gian và về lại trái đất kể từ năm 2011, khi Hoa Kỳ kết thúc dự án phi thuyền con thoi. Hôm thứ Ba, Moscow cũng lập lại yêu cầu chính phủ Kiev đến ngày 2 tháng 6 phải trả trước gần 1,7 tỉ đôla tiền khí đốt mà Nga sẽ cung cấp cho Ukraine vào tháng tới. Yêu cầu phải thanh toán tiền mua khí đốt trước lần đầu tiên được đưa ra hồi tuần trước, khi Moscow nói rằng Ukraine không thanh toán đúng hạn chót khoản nợ 3,5 tỉ đôla tiền năng lượng. Nguồn: voatiengviet.com
......

Giải pháp nào cho Ukraina?

Tổng thống Nga Putin và chiến thuật nước đôi tại Ukaina Liệu thỏa thuận giải quyết khủng hoảng bất ngờ đạt được tại Genève sẽ mở ra lối thoát cho Ukraina ? Mặc dù một tia hy vọng lóe lên từ chiều hôm qua sau 6 giờ đàm phán bốn bên (Nga, Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Ukraina), tại hiện trường tình hình không có dấu hiệu xuống thang, trong khi ở Matxcơva, Vladimir Putin vẫn đóng vai trò « lính cứu hỏa đốt lửa ». Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình Nga, ngày 17/04/2014 - REUTERS Thỏa thuận đạt được hôm qua được giới truyền thông quốc tế đánh giá là bất ngờ vì sau 6 giờ đàm phán, Ngoại trưởng Nga cùng với đồng sự Hoa Kỳ, Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu đồng ý một tiến trình giải quyết một vụ bế tắc hiện nay đang đặt thế giới trước ngưỡng cửa tái diễn chiến tranh lạnh.   Thật ra, thỏa thuận này tuy dự trù các biện pháp giải giới các toán võ trang « bất hợp pháp » và trả lại các cơ quan công quyền cho nhà nước nhưng hoàn toàn không có một lịch trình thi hành. Do vậy, Hoa Kỳ hoài nghi thực tâm muốn hòa hoãn của Tổng thống Nga. Ngoại trưởng John Kerry đến Tổng thống Barack Obama đều tỏ thái độ thận trọng « chờ kết quả » cụ thể trên hiện trường. Thế mà trên hiện trường, phe thân Nga đang chiếm đóng nhiều cơ quan hành chính tại miền đông Ukraina , ngay lập tức, tuyên bố không bị trói buộc phải tôn trọng thỏa hiệp. Liệu những thành phần nói tiếng Nga tại Ukraina đang chiếm đóng nhiều khu phố ở miền đông Ukraian và công khai kêu gọi Putin gửi quân sang « cứu giúp » có thể hành động mà không có đèn xanh của Matxcơva ? Giới phân tích Tây phương vẫn xem Putin là « thanh tra phòng cháy, chữa cháy nhưng lại là người phóng hỏa » không phải và không có cơ sở. Hôm qua, 17/04/2014, trong lúc Ngoại trưởng Serguei Lavrov, đại diện lập trường bất di bất dịch đòi hỏi quyền lợi của Nga tại Ukraina,đàm phán tại Thụy sĩ thì ở Matxcơva, chủ nhân điện Kremli trổ tài đi dây vừa dọa nạt, vừa xoa dịu Tây phương. Trong một màn trình diễn trả lời trực tiếp câu hỏi của người dân trên 4 tiếng đồng hồ, Tổng thống Putin phủ nhận các thông tin Nga giựt dây, tổ chức các cuộc bạo loạn tại Donetsk và Slaviansk, nhưng lại nhìn nhận là các đơn vị đặc biệt của Nga đã có can thiệp vào Crimée cách nay hơn một tháng. Nhưng liền sau đó, ông lại trấn an Hoa Kỳ và Châu Âu nào là « kịch bản của Crimée sẽ không tái diễn tại miền đông Ukraina » nào là quân Nga sẽ không tràn qua biên giới vì Crimée không giống đông Ukraina (58% người Nga tại Crimée, 38% tại Donetsk). Ông Putin lý giải là Thượng viện Nga cho phép Tổng thống đưa quân sang Ukraina nhưng ông « hy vọng » sẽ không sử dụng pháp quân sự mà để cho « các nỗ lực ngoại giao và chính trị » tìm kiếm giải pháp. Trong cuộc trình diễn truyền hình này, đây là cử chỉ « xuống thang » duy nhất mà Putin nhắn gửi Tây phương nhưng Washington và Bruxelles xem đấy là những lời đe dọa gián tiếp. Tiếp theo đó, chủ nhân điện Kremli phủ nhận tính chính đáng của chính phủ lâm thời Ukraina, tiếp tục đòi Kiev cải cách Hiến pháp, biến Ukraina thành một « liên bang » hay theo chế độ « tản quyền » trước khi bầu Tổng thống ngày 25/05 tới. Trong mọi trường hợp, Putin không muốn Kiev bổ nhiệm nhân sự làm lãnh đạo các thành phố ở miền đông Ukraina.   Theo giới phân tích, chương trình trả lời thắc mắc của người dân đã được ông Putin đạo diễn theo một kịch bản xuyên suốt. Sau khi « trách » liên minh Bắc Đại Tây dương « đẩy » ông vào thế « phải sáp nhập Crimée » vào nước Nga, Tổng thống Putin trả lời câu hỏi của nhà báo truyền hình nổi tiếng kỳ thị và hiếu chiến Dmitri Kissilev (được ông Putin bổ nhiệm làm giám đốc hãng thông tấn Ria Novosti) qua những tuyên bố bốc lửa như « đốt tim bọn đồng tính » hay « tiêu hủy nước Mỹ ». Bị Liên Hiệp châu Âu cấm visa, Dmitri Kissilev than phiền « bị NATO làm ngạt thở », Tổng thống Nga trả lời với nụ cười : « Anh đừng sợ, chính chúng ta mới làm cả thế giới này chết ngạt ». Liệu chủ nhân điện Kremli có thành công hay không ? Trong lịch sử Châu Âu đã hơn một lần có một nhân vật từng suy tính như vậy. Điều chắc chắn là Tổng thống Nga đang muốn làm chủ nhân ông trong hồ sơ Ukraina. Bằng sức mạnh hay bằng bắt chẹt. Nguồn: Tú Anh RFI ****** Vladimir Putin: Người thắng thế trong vụ Ukraine   Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp) Cuộc đối thoại 4 bên - Mỹ, Nga, Liên Âu, Ukraine  - tại Geneva hôm Thứ Năm đã đi đến thỏa thuận cố gắng làm giảm căng thẳng trong thế đối đầu ở Đông Âu,  nhưng chưa phải là đã có thể dễ dàng và mau chóng kết thúc vụ khủng hoảng trầm trọng nhất tại Âu Châu kể từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Các phóng viên theo dõi buổi hội thoại của Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm Thứ Năm tại Moscow. (Hình: AP/Pavel Golovkin)   Nhưng, một cách khách quan, phải thấy là Tổng Thống Nga Vladimir Putin cho đến nay đang thắng thế qua các diễn biến của vụ khủng hoảng Trước hết, ông ta không hoàn toàn bị động mà nắm được quyền chủ động trong thế đối đầu với Tây Phương, một liên minh không dễ dàng có sự  đồng thuận trong tất cả mọi vần đề vì những lợi ích khác biệt của các thành viên. Người ta không tin là trong thời đại này có thể xảy ra chiến tranh, nhưng nếu buộc phải cần sử dụng biện pháp quân sự vào một lúc nào đó thì chỉ Nga, chứ không phải Liên Âu, có thể quyết định. Quan trọng hơn nữa, mục tiêu lâu dài của Putin là tái tạo vai trò cường quốc mà nước Nga đã mất từ khi Liên Xô sụp đổ, bây giờ đang được dần dần thể hiện. Người dân Nga tán đồng đường hướng này và các thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy uy tín của Putin trong nước lên rất cao. Sự công kích của phe đối lập, những phê phán về dân chủ, nhân quyền từ hơn một năm trước đây, bây giờ đã không còn là đề tài hàng đầu, và vị thế chính trị của ông ta trong nước Nga đang vững vàng hơn bao giờ hết. Mặc dầu vẫn mạnh mẽ lên án Nga về hành động sát nhập Crimea, nhưng  Tây Phương không còn phương cách nào để đảo ngược tình thế và trên thực tế sẽ đi đến chỗ phải thừa nhận một việc đã rồi. Mối lo lắng nhất của Tây Phương bây giờ là làm sao bảo vệ những phần còn lại của Ukraine. Nga không bao giờ muốn Ukraine là thành viên của Liên Âu hay gia nhập NATO. Đằng sau lập luận là việc này có thể tạo nên mối đe dọa cho an ninh quốc gia mình, tham vọng chính của Nga vẫn là duy trì vai trò khống chế trên toàn khu vực Đông Âu. Do ảnh hưởng hay áp lực của Tây Phương, từ đầu năm nay Ukraine đã đi một nước cờ rủi ro, khởi đầu bằng phong trào biểu tình chống chính quyền Tổng Thống Viktor Yanukovych, và đòi hỏi hợp tác chặt chẽ với Liên Âu. Hậu quả của hành động không đúng chỗ đúng lúc này của Ukraine là đã làm mất Crimea một cách dễ dàng và tạo hoàn cảnh đưa đến nguy cơ ly khai của các phần đất phía Đông. Trong tình hình ấy,  tương lai của những cuộc đàm phán tại Geneva chưa chắc đã hoàn toàn phục vụ cho lợi ích của Ukraine, mà mục tiêu chính sẽ là ổn định tình thế tại khu vực Đông Âu trong điều kiện thực tế không thể ngăn chặn được vai trò của Nga ở đây. Hôm Thứ Năm, Tổng Thống Vladimir Putin  có một chương trình hội thoại trên truyền hình toàn quốc, trao đổi ý kiến, hỏi và đáp, với dân chúng Nga. Buổi đầu tiên trong năm 2014 này diễn ra trong thế đối đầu căng thẳng với Tây Phương và tình hình căng thẳng ở khu vực miền Đông Ukraine, ngay sau khi xảy ra vụ 300 phần tử ủng hộ Nga tấn công vào một doanh trại vệ binh Ukraine ở Mariupol và 3 người bị bắn chết. Ông Putin tỏ ra rất tự tin và vững vàng trong cuộc trao đổi kéo dài 3 giờ 55 phút. Các phóng viên ghi nhận là chỉ có một lúc ông tỏ ra không hài lòng và đề nghị cử tọa đừng sử dụng tiếng “người từ hành tinh khác” (little green men) để gọi các binh sĩ lực lượng đặc biệt đã nắm quyền kiểm soát Crimea trước ngày trưng cầu dân ý.  Đây là lần đầu tiên ông xác nhận những binh sĩ võ trang đầy đủ, bịt mặt và không mang phù hiệu là của Nga. Theo lời ông, đó là những quân nhân “hành xử lịch sự nhưng chuyên nghiệp và quyết tâm”, cần thiết cho cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành có an ninh trật tự. Ông cũng không ngần ngại xác nhận rằng sự sát nhập Crimea là cần thiết đối với cái mà ông gọi là ý đồ thâu nhận Ukraine làm thành viên NATO. Tổng Thống Putin tuy nhiên phủ nhận là có lực lượng đặc biệt Nga đang hoạt động ở miền Đông Ukraine, nơi những nhóm thân Nga đã chiếm giữ nhiều cơ quan chính quyền. Theo ông, Nga có quyền đưa quân vào Ukraine để bảo vệ dân Nga, nhưng hiện nay chưa cần thiết và ông hy vọng những cuộc đối thoại đang diễn ra ở Geneva sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Tuy vậy  ông Putin coi Đông Ukraine là Novorossiya nghĩa là nước Nga Mới, tên gọi trong lịch sử của đế quốc Nga từ thế kỷ thứ 18. Ông nói rằng miền đất này đã được những người Cộng Sản Boshelviks trao cho Ukraine hồi thập niên 1920, và “chỉ có Trời mới hiểu vì sao”.   Một phụ nữ lớn tuổi gọi điện thoại vào hỏi vậy Nga có ý định lấy lại Alaska, xưa kia cũng là đất thuộc đế quốc Nga Hoàng cho đến năm 1867, hay không. Ông Putin sau khi giải thích là Crimea có tầm quan trọng chiến lược với những cảng biển nước ấm, nói với người đặt câu hỏi: “Bà Faina Ivanovna, tại sao chúng ta cần Alaska? Nơi ấy lạnh lắm!” Ông nói thêm rằng biết Alaska được dân Nga gọi đùa là Ice Cream, đọc lên tương tự như Krym, tiếng Nga chỉ Crimea. Có tất cả 81 câu hỏi đặt ra ở cuộc hội thoại trên truyền hình của Tổng Thống Putin, trong đó 35 câu là về vấn đề Ukraine. Edward Snowden, người tiết lộ chương trình do thám của NSA và đang được Nga tạm thời cho tị nạn, gởi một câu hỏi qua video yêu cầu cho biết Nga có những chương trình như vậy không. Tổng Thống Putin trả lời là không, vì Nga không có tiền và kỹ thuật để thực hiện việc theo dõi rộng lớn như thế. Trước khi giải thích chi tiết, ông Putin nói: “Ông Snowden, ông là một cựu gián điệp, và tôi cũng đã có những liên hệ với công tác tình báo, như vậy chúng ta có thể nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ chuyên nghiệp...”. Trong buổi hội thoại, Tổng Thống Vladimir Putin cũng có hai dịp nói tới mối quan hệ của Nga  với Hoa Kỳ và Liên Âu. Theo ông sự tin cậy giữa Hoa Kỳ và Nga đã sút giảm lớn nhưng đó không phải do lỗi của Nga. Ông nói: “Tôi dồng ý rằng niềm tin đã bị suy yếu đi rất nhiều. Nhưng tại sao như vậy? Chúng tôi tin là tình trạng này không do lỗi nơi chúng tôi”. Với Liên Âu, ông Putin nói rằng Nga không có ý định là hư hại các quan hệ với những đối tác Âu Châu và “hy vọng rằng đó cũng không phải là đường lối của Liên Âu” Thỏa thuận sơ khởi đạt được tại Geneva hôm Thứ Năm về việc làm giảm tình hình căng thẳng là một kết quả khá đột ngột. Tổng Thống Obama tỏ  ra hoài nghi việc Nga sẽ tuân hành nghiêm túc thỏa thuận ấy. Trong một buổi họp báo không dự tính trước tại tòa Bạch Ốc sáng Thứ Năm,  ít giờ sau khi hai Ngoại Trưởng Nga – Mỹ kết thúc cuộc hội đàm ở Geneva, Tổng Thống Obama, tuyên bố: “Hy vọng của tôi là chúng ta thật sự thấy mọi chuyện tiến triển suông sẻ”. Trước đó Tổng Thống Obama và Phó Tổng Thống Biden đã trao đổi ý kiến qua điện thoại với Thủ Tướng Anh David Cameron và Thủ Tướng Đức Angela Merkel cùng nhiều nhà lãnh đạo Tây và Đông Âu khác. Tòa Bạch Ốc đưa ra một thông cáo xác định rằng các nhà lãnh đạo đều đồng ý sẵn sàng chuẩn bị thi hành thêm những biện pháp trừng phạt khác nếu Nga không “xuống thang căng thẳng trong một thời gian ngắn sắp tới”. Tổng Thống Obama cũng đề cập tới việc hàng ngàn quân Nga đang tập trung gần biên giới phía Đông Ukraine có tính cách hăm dọa. Ngược lại, Nga lập luận rằng quan trọng nhất là từ ở Ukraine, nếu chính quyền nước này không khích động dân chúng có những hành động chống Nga và không tìm cách lợi dụng các bất đồng quan điểm Đông – Tây cho lợi ích riêng của mình. ****** Cuốn Phim Âu Châu Đã Cũ Hùng Tâm/Người Việt Điểm lại những đòn công thủ của Nga và Tây phương Cuối tuần qua, một số người võ trang, có thể với sự yểm trợ của đặc công Nga, đã chiếm đóng nhiều công thự của Ukraine tại ít ra là sáu tỉnh miền Đông, kể cả Donetsk, Kharkiv và Mariupol. * Hình hý họa về Georgia: Cha con đều... hỗn như gấu, và Tây phương là con bò * Trước sự thể đó, Chính quyền lâm thời Ukraine tại thủ đô Kyiv ra lệnh giải phóng các trụ sở bị chiếm đóng và nói tới nguy cơ chiến tranh. Từ Moscow, Thủ tướng Nga là Dmitri Medvedev thì cảnh báo, hay hăm dọa, về rủi ro nội chiến tại Ukraine. Qua Thứ Ba, binh lính Ukraine đã lần đầu tiên nổ súng quanh phi trường của thành phố Kramatork trong khi đã xuất hiện nhiếu thiết giáp dưới cờ Nga ở trong lãnh thổ Ukraine ở miền Đông. Tùy viên báo chí Phủ Tổng thống là Jay Carney, hôm Thứ Hai 14, cho biết là Chính quyền Barack Obama đang lượng định tình hình và sẽ tham khảo ý kiến các đối tác về biện pháp ứng phó. Hôm sau thì Mỹ ngợi ca việc Ukraine sử dụng võ lực một cách dè dặt, chỉ để tự vệ... Khi thời sự dồn dập tường thuật như vậy, giới quan sát quốc tế cho là đôi bên, Liên bang Nga và các nước Tây phương, đang bước vào một cuộc chiến tranh cân não trước khi có cuộc họp vào ngày Thứ Năm 17. Sự thể không ngắn ngủi và thu hẹp như vậy. Vì thế, "Hồ Sơ Người-Việt" nhìn rộng ra toàn cảnh và lượng định lại tình hình qua những lần Nga can thiệp bằng quân sự vào các nước lân bang.   Can Thiệp vào Vùng Baltic và Uy Hiếp Lithuania   Nhìn vào tấm bản đồ, ai cũng có thể thấy Hải quân Nga chỉ có một vùng thông thương tiện lợi là qua vùng biển Baltic ở phía Bắc. Tại khu vực Viễn Đông, Nga gặp trở ngại và đã từng bị Nhật Bản chặn đường và khuất phục trong trận chiến Nhật-Nga năm 1905. Vì vậy, sau Thế chiến II, Liên bang Xô viết đã thôn tính ba quốc gia độc lập vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania. Trong 40 năm thời Chiến tranh lạnh, người dân tại ba nước này vẫn nhất quyết tuyên bố độc lập, trước sự thờ ơ bất lực của Tây phương. Khi Liên Xô trôi vào khủng hoảng, từ năm 1985, Chủ tịch Mikhail Gorbachev tiến hành cải cách (qua hai chính sách gọi là glasnost và perestroika). Xứ Lithuania bèn tìm cách thoát khỏi quỹ đạo Nga vào năm 1988. Khởi đầu là phong trào ủng hộ việc cải cách của Gorbachev (lấy tên là Sajudis) với mục tiêu thật là khôi phục bản sắc văn hóa Lithuania, và công khai hóa mật ước chia vùng ảnh hưởng giữa Liên Xô với Đức Quốc Xã theo đó xứ Lithuania đã bị Nga thôn tính. Được dân chúng hậu thuẫn, phong trào Sajudis bắt trớn cho việc Lithuania đòi tuyên bố độc lập năm 1990. Trước sự xoay chuyển dồn dập ấy, Liên Xô bắt đầu phản ứng qua ba bước là 1) phong toả kinh tế Lithuania, 2) từ đầu năm 1991, lập ra phong trào Yedinstvo ủng hộ Xô viết và biểu tình phản đối chính quyền Lithuania tại thủ đô Vilnius; 3) vài ngày sau thì đưa lực lượng bán võ trang vào bảo vệ dân biểu tình và chiếm đóng nhiều công thự của Lithuania, dưới khẩu hiệu "Cứu Quốc". Súng đã nổ và máu đã đổ, 14 người thiệt mạng khi lính Xô viết chiếm đài truyền hình Vilnius.... Nhưng thời đó, Liên Xô đã kiệt quệ và biến động quân sự tại Vilnius gây phản ứng ngược về nhà, khiến chế độ Xô viết còn tan rã nhanh hơn. Tháng Chín năm 1991, Lithuania tuyên bố độc lập trước sự bất lực của Moscow. Ba bước can thiệp của Liên Xô thời ấy có thể là cơ sở cho việc lượng định chuyện Crimea và Ukraine thời nay. Và ta nên suy ngẫm về những gì Liên bang Nga có khả năng tác động trong vùng Baltic. Khác biệt thời nay là cả ba nước Cộng hoà Baltic đều là thành viên của Minh ước NATO, còn Ukraine thì chưa.   Can Thiệp Vào Moldovia Vì Transdniestria   Moldovia là một nước nhỏ, nằm kẹt giữa Ukraine và Romania, có một dải đất hẹp ở phía Đông là Transdniestria được quy chế tự trị và nói tiếng Nga, trong khi dân Moldovia nói tiếng Romania. Dải đất Transdniestria lại tiếp cận với Ukraine và giáp giới với đất Odessa do Nga kiểm soát. Khi Liên Xô bị khủng hoảng, tinh thần quốc gia Moldovia dẫn tới phong trào bảo vệ bản sắc văn hóa và ngôn ngữ, để thay tiếng Nga và nếp cai trị Xô viết từ Tháng Tám năm 1989. Trong nội bộ có nhiều mâu thuẫn và thậm chí xung đột giữa người Moldovia nói tiếng Romania và người Slav nói tiếng Nga. Nơi đụng độ mạnh nhất là khu vực tự trị Transdniestria, với các nhóm "dân quân tự vệ" được Moscow yểm trợ và có hậu thuẫn của những nhóm "thiện nguyện" người Nga và người Ukraine theo Nga, ở bên kia biên giới.   Đầu năm 1990, dân chúng tại Transdniestria tổ chức trưng cầu dân ý bên trong Cộng hoà Xô viết Moldovia và 96% ủng hộ việc ly khai để theo Nga. Qua năm 1991, Liên Xô đưa quân đồn trú tại Transdniestria tấn công các đơn vị Moldovia rồi dàn xếp "ngưng bắn" giữa Moldovia và dân quân Transdniestra kể từ 1991. Từ năm 1992, coi như Moldovia mất luôn Transdniestria, vùng đất vẫn được Liên bang Nga yểm trợ về quân sự lẫn tài chánh và có thể tự xưng là Cộng hoà Transdniestra. Ngày nay, sau khi thôn tính Crimea và khuynh đảo xứ Ukraine, Nga có lợi thế địa dư chính trị là từ đất Odessa của Ukraine và Transdniestria của Moldavia (đều do Nga kiểm soát) mà gây áp lực với Moldovia, một quốc gia cũng có ý muốn hội nhập vào Âu Châu y như Ukraine. Nhưng trở ngại của Tổng thống Vladmir Putin là 1) chưa có một lực lượng thân Nga đủ mạnh bên trong Moldovia và 2) nếu dùng biện pháp quân sự thì phải giải quyết bài toán tiếp vận qua lãnh thổ Ukraine ở hướng Tây, là chuyện không dễ, và 3) gây phản ứng phòng thủ dữ dội hơn của các nước lân bang với Moldovia. Với Putin, giải pháp kinh tế, phong tỏa năng lượng của Moldovia có thể là rẻ và dễ hơn.   Tấn Công Georgia Nhờ Abkhazia và Nam Ossetia   Từ Bắc xuống Nam, từ vùng Baltic đến Moldovia, người ta thấy Liên Xô rồi Liên bang Nga sử dụng cả chính trị, kinh tế lẫn quân sự để can thiệp vào các nước từng nằm trong quỹ đạo Xô viết. Cộng hòa Georgia không thoát khỏi số phận đó, khi bên trong cũng lại có hai khu vực tự trị là Abkhazia và Nam Ossetia. Người dân nơi đây có khác biệt văn hóa và sắc tộc với dân Georgia.   Khi Gorbachev phải tiến hành cải cách để cứu vãn chế độ, người dân Georgia không để lỡ cơ hội khôi phục tinh thần quốc gia và vận động phong trào độc lập. Nằm trong lãnh thổ Georgia, hai vùng đất kia sợ bị mất quyền tự trị và năm 1989, tại Abkhazia đã có xung đột võ trang giữa dân Georgia và dân Abkhaz. Khi đó, Liên Xô đưa quân vào can gián và phê phán cả hai để tái lập trật tự. Nhưng khi Georgia đòi có nhiều quyền hạn hơn từ năm 1990 và qua năm 1991 thì tuyên bố độc lập (được công nhận chính thức vào cuối năm) với Liên bang Xô viết, người Nga bèn can thiệp mạnh mẽ hơn, và ủng hộ dân Abkhaz. Giữa năm 1992, Abkhazia tuyên bố độc lập và các nhóm dân quân của dân Abkhaz tấn công các trụ sở do chính quyền Georgia kiểm soát và giao tranh bùng nổ. Khi ấy, dư luận Tây phương chưa mấy chú ý và loan tin dù Liên bang Nga đã đưa quân từ mạn Bắc Caucasia vào yểm trợ dân Abkhaz và đẩy lui quân Georgia. Khi ấy, người ta mới chỉ theo dõi sự chuyển hóa của Georgia, một vùng đất có các nhân vật Xô viết nổi tiếng như Josef Stalin hay Eduard Schevarnadze, Tổng trưởng Ngoại giao của Gorbachev, về sau là Tổng thống Georgia. Người ta không đế ý đến việc dân Georgia khuông muốn là người Nga, quốc gia là đất Nga, mà bên trong Georgia, dân Abkhaz lại không muốn làm người Georgia. Và họ được Nga nâng đỡ vì chủ đích riêng. Cũng vì vậy mà Tháng Tám năm 2008, Nga lại can thiệp lần nữa vào Georgia. Lý do là khi Georgia tuyên bố muốn gia nhập Minh ước NATO. Với Putin thì đấy là mối nguy cho an ninh của Nga, hay ý đồ đen tối của các nước Tây phương. Các nước Tây phương lại chẳng nghĩ như vậy mà cho rằng đấy là trào lưu tất yếu của dân chủ. Trước hết, Putin can thiệp gián tiếp bằng cách rộng rãi cấp phát thẻ thông hành Nga cho người dân tại Abkhazia và Nam Ossetia. Tức là họ trở thành "công dân Nga". Khi đám công dân mới này kêu gọi Noscow bênh vực vì lực lượng Georgia bắt đầu nã đạn vào các thành lũy đòi độc lập của Nam Ossetia, Putin có lý cớ đưa quân qua đường hầm Rokhi vào đẩy lui quân Georgia để "giải phóng" Nam Ossetia. Kết thúc việc can thiệp, kể từ đó, Liên bang Nga chính thức công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, lưu giữ quân đội đồn trú tại đây, bất chấp sự phản đối của Georgia và các nước Tây phương. Trong khi ấy, Georgia tiếp tục vận động việc gia nhập Minh ước NATO, cái lý do ban đầu khiến Putin đưa quân can thiệp. Ngày nay, sau khi đã vào Crimea và đang uy hiếp Ukraine, biết đâu Putin lại chẳng muốn can thiệp vào Georgia? Lãnh đạo xứ này tại thủ đô Tbilisi có thể nghĩ như vậy khi binh lính Nga ở Abkhazia và Nam Ossetia lại vừa mở ra một cuộc thao dượt quân sự và có tin (chưa xác nhận) là Nga lại cấp phát thẻ thông hành Nga, lần này là cho người dân ở tỉnh Samtskhe-Javakhewti, nơi tập trung khá nhiều người gốc Armenia. Giữa vụ khủng hoảng Ukraine hiện nay, phần bổi cảnh như cuốn phim cũ ở trên về sự can thiệp của Nga vào Lithuania, Moldovia và Georgia từ năm 1989 tới nay, có thể giúp độc giả hiểu ra – và đoán trước – được sự thể. Điều ngạc nhiên là truyền thông Tây phương lại có vẻ ngạc nhiên, là lãnh đạo nhiều nước bị bất ngờ, và Chính quyền Obama thì còn "lượng định tình hình".   Hồ Sơ Người-Việt phải trình bày tiếp về cái thế công-thủ của Tây phương. Tây Phương Duy Ý Chí   Một số người bênh vực quan điểm của Vladimir Putin đều nói đến sự cam kết ngầm giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Liên Xô (Tổng thống George H.W. Bush và Chủ tịch Mikhail Gorbachev) trong cơn hấp hối của Liên Xô. Rằng Hoa Kỳ, Âu Châu và Minh ước quân sự NATO sẽ không thừa thắng mà tiến về hướng Đông. Lá chắn NATO là phương tiện phòng thủ thời Chiến tranh lạnh chống lại đà bành trướng của Liên Xô vào Âu Châu. Nhưng khi Liên Xô tan rã từ năm 1989 và sụp đổ vào năm 1991, lá chắn là tấm khiên có mục tiêu tấn công chứ không phòng thủ, và lăn vào khu vực trước kia thuộc về quỹ đạo hay lãnh thổ Xô viết. Không mấy chú ý tới khía cạnh an ninh, truyền thông Tây phương chỉ đề cao trào lưu dân chủ Đông Âu và những cuộc cách mạng muôn màu tại Georgia, Ukraine, Serbia, thậm chí ở mại tận Trung Á, tại Cộng hoà Kyrgyzsatn.... Với Putin, chuyện dân chủ đó chỉ là âm mưu của Hoa Kỳ và Tây phương, do CIA lặng lẽ tiến hành qua các tổ chức ngụy danh "phi chính phủ" mà thực chất là bình phong tuyên truyền. Ngoài khía cạnh chính trị là phát huy dân chủ để làm suy yếu chế độ độc tài của Putin, trào lưu đó còn là đòn tấn công về an ninh: lãnh thổ của ba nước Baltic hay Georgia mà được NATO bảo vệ thì cũng có nghĩa là võ khí của NATO được thiết trí ngay tại biên giới của Nga.   Đấy là phần ấn tượng (perception) hay giải trình (narrative) được báo chí loan tải và độc giả tiếp nhận như chân lý. Thực tế lại khác hẳn – vì vậy mới có "Hồ Sơ Người-Việt". Thực tế là Âu Châu đã cổ võ cho trào lưu dân chủ ở đầu môi mà không đóng góp gì cho sức mạnh bảo vệ dân chủ, là hệ thống an ninh quốc phòng, hay Minh ước NATO. Chẳng những vậy, Âu Châu còn lạc quan, ngây ngô hay gian ác, gia tăng hợp tác kinh tế với Liên bang Nga. Mười năm qua, Putin đã tăng quân phí tới gần 80% và ngân sách quốc phòng Nga nay lên tới 4,5% Tổng sản lượng GDP của Nga. Trong khi đó, các nước Âu Châu tiếp tục cắt giảm quân phí và so với tỷ lệ 4,5% của Nga thì Pháp chi gần 2% (nhiều nhất), Đan Mạch 1,4%, Đức 1,3%... Họ nói chuyện an nhàn và hiếu hòa được là nhờ NATO, với Hoa Kỳ cáng đáng 75% các khoản chi (còn 25% kia là của 27 nước còn lại, trong đó có 26 nước Âu Châu!). Đối diện với việc giảm chi về quốc phòng, kinh tế Âu Châu lệ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga! Âu Châu thì vậy, Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama cũng hiếu hòa không kém và còn khắng khít hợp tác với Putin cho hồ sơ Syria và Iran. Sau khi tiến hành kế hoạch tài giảm binh bị với Liên bang Nga (New START), Mỹ đã đơn phương tháo gỡ nhiều phương tiện quốc phòng và còn sớm hơn lịch trình cam kết với Nga. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa thông báo điều ấy, hôm Thứ Ba mùng tám vừa qua. ________________   Kết luận ở đây là gì? Những ai chủ trương bảo vệ nhân quyền hay phát huy dân chủ đều được coi là đáng kính trọng, miễn là không nói tới việc dụng binh, hoặc gia tăng phương tiện quốc phòng. Tinh thần lý tưởng và duy ý chí này là một sự cám dỗ lớn cho Putin. Nhiều khi công lý của nhân loại cần tới sức mạnh. Putin nghĩ là mình có sức mạnh và áp dụng công lý của mình. Các nước Tây phương thì nói đến "quyền lực mềm" hơn là súng đạn. Nạn nhân ở giữa có thể là dân Ukraine - hay nhiều xứ khác....   Nguồn: nguoi-viet.com
......

Nga-Ukraina: Bóng ma « chiến tranh khí đốt »

Ukraina không chấp nhận Nga tăng 80% giá khí đốt và dọa kiện Matxcơva ra trước một tòa án trọng tài, khơi dậy nguy cơ một cuộc « chiến tranh khí đốt » ảnh hưởng đến toàn Châu Âu. Nga đang dùng khí đốt để gây áp lực chính trị với Ukraina? REUTERS/Gleb Garanich Trong tuần này, Nga đã nâng giá khí đốt bán cho Ukraina từ 268 lên thành 485 đôla/1000 mét khối, một trong những mức giá cao nhất tại Châu Âu. Hôm nay, 05/04/2014, Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk tuyên bố Kiev sẽ không chấp nhận giá khí đốt gần 500 đôla và theo ông, việc tăng giá này là một áp lực chính trị của Matxcơva. Ông Iatsenouk nêu lên nguy cơ một cuộc « chiến tranh khí đốt » mới, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu, vì điều ông chờ đợi là Nga sẽ giảm bớt hoặc ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraina.   Chủ tịch tập đoàn Gazpromm hôm nay còn gia tăng áp lực lên Kiev khi đòi Ukraina phải trả 11,4 tỷ đôla tương đương với mức chênh lệch giảm giá mà Nga cho Ukraina hưởng trong bốn năm qua và vừa bị Gazprom hủy bỏ.   Bên lề một cuộc họp không chính thức giữa các Ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu hôm nay tại Athènes, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố Nga không có lợi gì trong việc để cho Ukraina sụp đổ về kinh tế lẫn chính trị. Ông Steinmeier nhấn mạnh rằng, nước Nga đóng vai trò quan trọng bởi vì việc ổn định nền kinh tế Ukraina tùy thuộc một phần vào giá năng lượng do Nga cung cấp. Nhiều Ngoại trưởng Châu Âu khác cũng chia sẻ mối quan ngại của Ngoại trưởng Đức. Sau cuộc họp tại Athènes, lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Catherine Ashton đã một lần nữa kêu gọi Matxcơva làm giảm căng thẳng ở Ukraina và nhắc lại là Liên Hiệp Châu Âu sẵn sàng ban hành những biện pháp trừng phạt mới, nhất là về mặt kinh tế, nếu khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn. Nguồn: RFI
......

Thủ Tướng Đức tặng Trung Quốc bản đồ cổ không có Hoàng Sa, Trường Sa

Trong bữa tối ngày 28/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng ông Tập Cận Bình một tấm bản đồ cổ của Trung Quốc, biên giới chỉ đến đảo Hải Nam. Tấm bản đồ bà Merkel tặng ông Tập Cận Bình được vẽ vào năm 1735 bởi họa sĩ bản đồ người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville và được in tại Đức.   Theo chú thích của các trang web chuyên về bản đồ cổ, tác phẩm được d'Anville vẽ dựa vào các cuộc khảo sát địa lý của những nhà truyền giáo Dòng Tên ở Trung Quốc. Nó được gọi là đại diện của 'tổng hợp kiến thức châu Âu về Trung Quốc trong thế kỷ 18". 'Trung Quốc chuẩn' với chủ yếu phần đại lục, Hải Nam và Đài Loan được vẽ bằng đường biên giới khác màu Trong tấm bản đồ, với chú thích bằng chữ Latin có nghĩa là 'Trung Quốc chuẩn' cho thấy chủ yếu là vùng dân cư người Hán, không có Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ hay Mãn Châu. Biên giới phía Nam kéo dài đến sát đảo Hải Nam. Đài Loan và Hải Nam được vẽ bằng màu biến giới khác so với phần đại lục. Tất nhiên, Hoàng Sa và Trường Sa không thể xuất hiện trong tấm bản đồ 'Trung Quốc chuẩn' này. Theo Foreign Policy, bản đồ lịch sử là một chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc, các học sinh được dạy Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan và Điếu Ngư là một 'phần không thể tách rời của đại lục từ thời cổ đại'. Tuy nhiên, tấm bản đồ bà Merkel tặng ông Tập Cận Bình đã phủ nhận hoàn toàn điều đó. Tạp chí Foreign Policy cũng nhận xét rằng không có gì ngạc nhiên khi các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc không đánh giá cao món quà này. Thậm chí, Foreign Policy còn nói 'một tấm bản đồ khác' đã được thay thế khi xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc khi nói về chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tấm bản đồ được đưa lên truyền hình, theo Foreign Policy là thể hiện Trung Quốc ở thời kỳ 'đỉnh cao về lãnh thổ', bao gồm cả Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ và nhiều vùng rộng lớn ở Siberia. Đây là tác phẩm của họa sĩ bản đồ người Anh John Dower, xuất bản năm 1844 tại London và chắc chắn không phải làm món quà bà Merkel tặng ông Tập, tạp chí Foreign Policy khẳng định. Tuy nhiên, 'sai sót' này không được giải thích hay thừa nhận trên các bản tin của truyền thông Trung Quốc. Tuy nhiên trên các mạng xã hội Trung Quốc lại có thông tin về cả hai bản đồ này. Với bản đồ d'Anville, cư dân mạng Trung Quốc giận dữ với món quà bà Merkel tặng, cho rằng đó là "món quà vụng về", hoặc "Đức chắc có động cơ thầm kín", hay đi xa hơn là cáo buộc bà Merkel muốn hợp pháp hóa các phong trào đòi độc lập của Tây Tạng, Tân Cương. Trong khi đó, bản đồ Dower lại được đón chào hơn, và có người còn tự hào về lãnh thổ cũng như quyền lực to lớn của đế quốc Trung Hoa trước đây. Một cư dân mạng gọi tấm bản đồ là một “cái tát” từ bà Merkel. “Chúng ta luôn nói những vùng đất đó là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại, thế nhưng bà Merkel lại nói rằng thậm chí tới thế kỉ 18 những khu vực đó vẫn không thuộc về Trung Quốc” – người này chỉ trích. Một số ý kiến cho rằng món quà của bà Merkel rất ý nghĩa trong bối cảnh vấn đề khủng hoảng ở Ukraine đang nóng và tấm bản đồ chính là ngụ ý của Thủ tướng Đức nhằm nhắc nhở Trung Quốc về những vết thương trong quá khứ sau các cuộc bành trướng trước đây. Tuy nhiên cũng cho ý kiến cho rằng không nên quá nhạy cảm về tấm bán đồ từ thế kỷ 18 của d’Anville và coi đó là thông điệp về Tây Tạng hoặc Tân Cương. Tờ Time bình luận rằng có lẽ bản đồ không phải là một món quà hoàn hảo cho các vị nguyên thủ quốc gia. Linh San (Theo Time)
......

Lê Chiêu Thống thời đại

Ông Yanukovych nhận ‘sai lầm’ vì mời Nga tiến chiếm Crimea Tổng thống Ukraine bị lật đổ Victor Yanukovych mô tả việc sáp nhập Crimea của Nga là "một bi kịch lớn" Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych cho biết ông đã "sai" khi mời quân đội Nga vào bán đảo Crimea của Ukraine - một động thái dẫn tới việc Moscow sáp nhập lãnh thổ trên Biển Đen này. Ông Yanukovych đào thoát khỏi Kiev vào tháng Hai sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ, đã lên tiếng hôm thứ Tư, 2 tuần sau khi quốc hội Nga bỏ phiếu phê chuẩn biến Crimea thành một phần của Liên bang Nga. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông kể từ khi lánh nạn ở Nga, ông Yanukovych nói với hãng tin AP và đài NTV của Nga rằng ông sẽ cố gắng thuyết phục Moscow trao trả quyền kiểm soát lãnh thổ này lại cho Ukraine. Ông đưa ra phát biểu này chỉ vài tuần sau khi Moscow bị quốc tế lên án vì điều động hàng ngàn binh sĩ tới bán đảo Crimea. Ông mô tả việc sáp nhập tiếp theo đó của Nga là "một bi kịch lớn." Hầu hết những nhà phân tích phương Tây nhận định phát biểu của cựu tổng thống rõ ràng là một nỗ lực nhằm vớt vát sự ủng hộ ở Ukraine, nơi mà ngay cả những đồng minh chính trị một thời cũng đã bỏ rơi ông. Cựu Tổng thống cho rằng việc Nga chiếm Crimea sẽ không xảy ra nếu ông vẫn còn tại chức. Ông cũng phủ nhận những cáo buộc tham nhũng tràn lan mà người biểu tình ủng hộ phương Tây muốn truất quyền ông đã nêu ra. Trong một diễn biến khác, Moscow cáo buộc NATO quay trở lại những lập luận và chiến thuật thời Chiến tranh Lạnh qua việc đình chỉ hợp tác với Nga vì vụ sát nhập. Nga đưa ra lời tố cáo này sau khi các ngoại trưởng của khối NATO công bố hôm thứ Ba rằng họ sẽ chính thức chấm dứt mọi sự hợp tác dân sự và quân sự với Nga. Các ngoại trưởng tái khẳng định họ không công nhận việc sáp nhập và kêu gọi Moscow tuân thủ ngay lập tức luật pháp quốc tế. Dù lập trường của NATO là vậy, liên minh 28 nước châu Âu nói các kênh ngoại giao với Moscow vẫn để ngỏ. NASA cũng chính thức thông báo ngưng hợp tác và liên hệ với Nga. Nguồn: voatiengviet.com  
......

Phụ nữ Ukraina kêu gọi « cấm vận » tình dục đàn ông Nga

Trong khi các biện pháp trừng phạt chính trị và kinh tế không làm Matxcơva nao núng, một nhóm phụ nữ thành đạt Ukraina đã tìm được một phương cách khác để gây ấn tượng lên tâm hồn và cả thể xác : đó là không quan hệ tình dục với đàn ông Nga. Nụ hôn của một phụ nữ Ukraina dành cho người đàn ông của mình là quân nhân đang bị kẹt trong một doanh trại ở Crimée trong vòng vây của quân Nga. Ảnh chụp ngày 03/03/2014. REUTERS/Vasily Fedosenko   « Không trao thân cho người Nga », đó là lời hiệu triệu của chiến dịch trên Facebook nhắm vào việc ngăn chận sự dòm ngó lãnh thổ Ukraina của Nga, thu hút sự chú ý trước những gì diễn ra ở Crimée. Những phụ nữ phụ trách chiến dịch này kêu gọi các đồng hương nữ giới : « Chúng ta phải chiến đấu với kẻ thù bằng mọi phương tiện ». Mục tiêu thực tế của họ còn đi xa hơn việc chấm dứt « công nghiệp tình dục » giữa hai nước. Irena Karpa, nhà văn nữ kiêm blogger và nhạc sĩ nhìn nhận : « Chúng tôi chọn cách khiêu khích vì như thế sẽ gây chú ý. Ý nghĩa thực sự sâu sắc của chiến dịch là không nên chối từ lòng tự trọng, sự tự do và Tổ quốc chúng tôi. Hoạt động này nhắm vào Putin và chính sách của ông ta, chứ không phải là phân biệt chủng tộc ». Nữ nhà văn nhắc lại sự tham gia của các phụ nữ Ukraina gốc Nga phong trào phản kháng đã khiến cựu Tổng thống thân Nga Viktor Ianoukovitch phải bỏ trốn vào tháng Hai. Chiến dịch trên đây là sáng kiến của một nhóm « phụ nữ thành đạt » gồm doanh nhân, nhà báo, nhà văn. Câu khẩu hiệu « Không trao thân cho đàn ông Nga » lấy từ bài thơ của một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất Ukraina, Taras Chevtchenko. Mang tựa đề là « Katerina », bài thơ kể lại câu chuyện một thiếu nữ nông dân yêu một sĩ quan Nga. Bị cha mẹ phản đối, cô tìm đến với người tình ở Matxcơva rồi bị bỏ rơi, cuối cùng cô tự tử. Trang Facebook của nhóm vừa ra đời đã thu hút được trên 2.300 “like”, được các trang web khác đề cập kể cả các trang mạng Nga. Một số người Nga chế giễu, số khác cảm thấy tự ái. Cũng trên Facebook, Anton Grigoriev bình luận : « Các cô từ chối những người ủng hộ cung cách xô-viết của Putin, nhưng không phải tất cả những người Nga. Chúng tôi có làm gì đâu ? Mà chính các cô cũng viết bằng tiếng Nga ». Trên trang web lifenews.ru ở Matxcơva, được cho là có liên hệ với cơ quan tình báo, một phụ nữ tên Olga Silaeva viết : « Không ngủ với đàn ông Nga à, như vậy sẽ có nhiều đàn ông hơn cho chúng tôi chọn lựa ». Những người phụ trách chiến dịch cũng bán các áo thun, tiền thu được sẽ dành để mua sắm trang thiết bị cho quân đội Ukraina đang thiếu thốn. Bản thân bà Karpa cũng đã chia tay với người yêu « đế quốc Nga » của mình, sau khi tranh cãi về đề tài quân Nga xâm lăng Gruzia năm 2008.   Các nhà hoạt động Ukraina như vậy đã bổ sung vào một danh sách dài gồm các phụ nữ ở Liberia, Kenya, Togo, Colombia và nhiều nơi khác, trong quá khứ đã sử dụng đến biện pháp « cấm vận » quan hệ tình dục để ngăn trở những người đàn ông tham gia chiến tranh. Truyền thống này có từ thời Hy Lạp cổ đại, như kịch tác gia Aristophane đã mô tả trong vở « Lisistrata » : nữ giới sử dụng cách này để những người đàn ông ngưng cuộc chiến giữa Athènes và Sparte. Nguồn: viet.rfi.fr  
......

Pages