Bầu cử quốc hội Liên minh Châu Âu

Fb Người Đà Lạt Xưa |

Trên 400 triệu người của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội Liên minh lần thứ 9, với nhiệm kỳ 5 năm từ 2019 đến 2024. Cuộc bầu cử kéo dài từ ngày 23 cho đến ngày mai Chúa Nhật 26/05/2019. Bài viết này xin được đóng góp thông tin, đặc biệt đối với các bạn trẻ Việt Nam trong nước, về các diễn biến chính trị của Liên minh châu Âu.

Cử tri của mỗi quốc gia thành viên EU được quyền bầu đại biểu quốc gia của họ, với con số đại biểu qui định khác nhau cho mỗi thành viên. Theo Hiệp ước Lisbon, tổng số đại biểu của Quốc hội châu Âu không được nhiều hơn 751 kể cả chiếc ghế Chủ tịch Quốc hội.

Số đại biểu của mỗi quốc gia thành viên sẽ tùy thuộc vào dân số công dân EU trong nước đó theo tỷ lệ lũy thoái (degressive proportionality), có nghĩa là số ghế vẫn được chia theo tỷ lệ nhưng tỷ lệ của số ghế sẽ tăng lên nếu dân số công dân EU thấp hơn. Theo qui định hiện nay, con số đại biểu của mỗi quốc gia thành viên chỉ được tối đa 96 ghế và tối thiếu 6 ghế. Hiện nay, Đức có số công dân cao nhất, cho nên được quyền chọn lựa 96 đại biểu; kế đến là Pháp được 74 ghế. Ba quốc gia thành viên nhỏ nhất là Cyprus, Luxembourg và Malta được 6 ghế cho mỗi nước.

Đứng hàng thứ ba, Anh và Ý được 73 ghế cho mỗi nước. Nếu Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, với hạn chót là cuối tháng 10 năm nay, thì 27 trong số 73 ghế của Anh sẽ được chia lại cho các quốc gia thành viên và 46 ghế còn lại sẽ để dành cho các nước muốn tham gia Liên minh trong tương lai.

Bởi vì 751 đại biểu đến từ 28 quốc gia khác nhau, họ sẽ là một tập hợp rất phức tạp của những tư tưởng chính trị khác nhau, với lập trường chính sách và quyền lợi kinh tế xã hội khác nhau; nhiều khi đối nghịch với nhau. Để tạo được khối thế lực chính trị mạnh mẽ trong Quốc hội EU, mỗi đại biểu sẽ liên kết với các đại biểu khác trong cùng một đảng và đến cùng một quốc gia hoặc khác quốc gia nhưng có tư tưởng và lập trường chính trị tương đối giống nhau.

Cho đến hôm nay, các kết quả thăm dò đã cho thấy phe Trung Hữu của đảng Nhân dân châu Âu (European People's Party) và phe Trung Tả của Liên minh Tiến bộ Xã hội & Dân chủ (Progressive Alliance of Socialists & Democrats) vẫn duy trì được vị trí của hai nhóm lớn nhất trong Quốc hội EU, tuy nhiên đa số ghế cộng lại của cả hai đã bị tụt giảm lần đầu tiên trong lịch sử.

Điều này cho thấy sự bất mãn của người dân châu Âu đã gia tăng đối với chính sách mở cửa di trú khiến cho làn sóng di dân từ Trung Đông và châu Phi tràn ngập vào lãnh thổ các quốc gia thành viên, đặc biệt là Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Austria, Hungary, Đan Mạch và Ba Lan.

Nhìn lại Cộng hòa Liên bang Đức, đảng cực Hữu mang tên "Alternative for Germany" (AfD), chỉ mới thành lập được 6 năm, đã bước vào được Quốc hội Liên bang lần đầu tiên với 12,6% tổng số cử tri, trở thành nhóm Đối Lập lớn nhất của Đức, nhờ vào chính sách giới hạn di dân. Hiện nay, đảng AfD đã thắng cử liên tục để có được đại biểu Quốc hội của mỗi tiểu bang.

Tại Pháp, đảng cực Hữu với tên gọi Mặt trận Quốc gia (National Front) của bà Marine Le Pen, sau đổi tên là "National Rally" (Rassemblement National), đang dẫn đầu phe cầm quyền của Tổng thống Macron trong các cuộc thăm dò dư luận. Trong khi đó, phó Thủ tướng Ý, ông Matteo Salvini, người có khuynh hướng thiên Hữu, hiện đang chủ trương thống nhất các đảng phái quốc gia tại châu Âu với một mô hình về Liên minh châu Âu khác biệt với phe cánh Tả của Tổng thống Macron.

Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban thắng cử nhiệm kỳ thứ ba một cách vẻ vang sau khi vận động tranh cử năm 2018 bằng chính sách hạn chế di dân. Trong cùng năm, đảng Dân Chủ cực Hữu của nước láng giềng Slovenia đã tăng thêm đến 25 ghế Dân biểu.

Còn nhiều nữa, các đảng thiên Hữu châu Âu gồm có: đảng Vox đã vào được Quốc hội Tây Ban Nha lần đầu tiên trong cuộc bầu cử cuối tháng Tư 2019 với 24 ghế dân biểu; đảng "Sweden Democrats" của Thụy Điển; đảng Tự Do của Austria; đảng cực Hữu "Finn Party" của Finland; và ngay đến Estonia, một nước nhỏ trong vùng biển Baltic, đảng bảo thủ "Conservative People's" đã đạt được gấp đôi số phiếu trong lần bầu cử Quốc hội vào tháng Ba vừa qua.

Khuynh hướng của cử tri châu Âu hiện nay đang hướng niềm tin về lại các đảng phái chính trị thiên Hữu. Rõ ràng như vậy./.