Vì sao “nền kinh tế tư nhân” không chịu lớn

Lợi nhuận thấp nhất trong các thành phần kinh tế nhưng các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt cao nhất. Ảnh: VnEconomy

Phạm Nhật Bình – Việt Tân |

Ngay cả sau khi cưỡng chiếm được Miền Nam vào tháng Tư, 1975, có cơ hội tiếp xúc với nền kinh tế thị trường đang vươn lên, quan điểm của những người cộng sản tự nhận là vô sản chuyên chính, kinh tế tư nhân bị đánh giá là thành phần kinh tế độc hại, nơi tập trung tư bản để thực hiện chính sách bóc lột; tư bản tích trữ càng lớn, phạm vi bóc lột càng cao.

Đó là một quan điểm sai lầm nên trong suốt 10 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, lãnh đạo cộng sản ở miền Bắc xuống tay triệt hạ những nền tảng căn bản của kinh tế thị trường ở miền Nam và thay thế bằng hình thức kinh tế chỉ huy, nhà nước bao cấp toàn diện trên cả nước. Kinh tế tư nhân bị xoá bỏ tận gốc rễ để nhanh chóng “kinh qua” giai đoạn tư bản, tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa. Kết quả đem lại chỉ là một nền kinh tế èo uột, ngoắc ngoải và một xã hội nghèo đói triền miên.

Mãi đến thời gian sau năm 1986 cùng với thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân dần dần được phục hồi và được công nhận là 1 trong 5 thành phần kinh tế trong đại hội X vào năm 2006. Tuy nhiên sức sống và tiềm năng phát triển của kinh tế tư nhân đến nay vẫn chưa đóng một vai trò nổi bật bên cạnh quốc doanh. Vì sao kinh tế tư nhân “không chịu lớn” cho dù Việt Nam hiện có tới gần 800 ngàn doanh nghiệp tư nhân lớn nhỏ đang hoạt động đủ mọi ngành nghề?

Mới đây tại một cuộc hội thảo về “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương thừa nhận “doanh nghiệp tư nhân đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đất nước…” Nhưng đồng thời ông cũng cho rằng “khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự là một động lực quan trọng” của nền kinh tế nước nhà. Để lý giải sự mâu thuẫn ấy, ông Hiếu đã dẫn ra 5 điểm nghẽn khiến cho nền kinh tế tư nhân không chịu lớn. 5 điểm nghẽn đó là:

Thứ nhất, về định hướng và quy hoạch. “Công tác xây dựng và quy hoạch của nhà nước còn chưa kịp thời, chưa đầy đủ, làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.” Cạnh đó định hướng chiến lược cho nền kinh tế phần lớn dựa vào nghị quyết của đảng với lời lẽ dao to búa lớn hơn dựa vào khả năng thực tế. Đây là một sự thật đang diễn ra trước mắt mọi người.

Thứ hai, về việc “tạo lập khuôn khổ thể chế chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.” Đó là lý do khiến doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa vẫn yếu thế so với doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp FDI. Trong khi thể chế và pháp luật là yếu tố then chốt tạo cạnh tranh công bằng trên thương trường thì điều này vẫn là điểm tối trong chính sách kinh tế nhà nước.

Thứ ba là “chưa có sự bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp tư nhân và quốc doanh trong chính sách phân bổ nguồn lực cũng như cách tiếp cận chính sách hỗ trợ.” Khi hoạt động của các thành phần kinh tế không thể dựa vào một nền tảng pháp luật minh bạch, chính sách hỗ trợ cũng như nguồn lực tập trung trong tay các phù thủy kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân vẫn mãi bơi lội trong cơ chế “xin-cho” để tồn tại qua ngày.

Thứ tư trong “công tác kiểm tra giám sát tuy có thay đổi nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đề ra trong khi có một số thay đổi không thực chất.” Cụ thể nhất, trong thời gian dịch bệnh các doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra một năm 2 lần với mục đích tạo cơ hội cho cán bộ thanh tra vòi vĩnh kiếm ăn.

Thứ năm là thủ tục hành chánh, vẫn còn nhiều doanh nghiệp phản ảnh bị gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thật ra đây không phải là những điểm nghẽn được ông Hiếu nêu lên lần đầu. Cứ mỗi lần có hội nghị, hội thảo về vấn đề phát triển kinh tế, nó như những điệp khúc được các chuyên gia nhai đi nhai lại. Để rốt cuộc trở thành Tiếng Kinh Cầu từ đáy vực mà không có phản hồi nào từ phía những người cầm quyền.

Trong 5 điểm nghẽn mà ông Hiếu nêu ra, điểm nào cũng là những bế tắc mà suốt trên 35 năm qua chưa có biện pháp tháo gỡ. Hay nếu có chỉ là những cải cách nửa vời, những giải pháp tình thế cho một giai đoạn nhất định nào đó. Nhưng căn bản nhất chính là ở điểm sau cùng, liên quan đến thủ tục hành chánh.Tại sao có sự tắc nghẽn này từ năm này đến năm khác ai cũng biết mà không ai giải quyết. Ngay cả đảng và nhà nước từng nhiều lần hô hào cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục kể cả việc “đốt lò” như ông Trọng đang làm mà vẫn không nhúc nhích.

Đó là vì đảng tự cho mình cái quyền đứng trên tất cả, để ban phát đặc quyền đặc lợi, khống chế các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp tư nhân trong thủ tục “xin-cho.”

Làm sao doanh nghiệp tư nhân có thể hoạt động, kinh doanh suôn sẻ nếu không có thủ tục phong bì làm đầu, không có đút lót, bôi trơn. Nhưng một khi đã là phong bì và đút lót thì phải có sự cạnh tranh để đưa phong bì. Từ đó cán bộ nhà nước biến thành những con cá mập sống phè phỡn trên đồng lương công chức cán bộ bị kêu ca là quá thấp. Do đó, chúng lại càng phải duy trì lâu dài điểm nghẽn thứ năm để siết cổ doanh nghiệp kiếm ăn.

Trong 5 thành phần kinh tế được đảng thừa nhận, kinh tế tư nhân đứng hàng thứ 5 nhưng trên thực tế là thực thể kinh tế đóng vai trò quyết định bên cạnh doanh nghiệp FDI. Sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân “không chịu lớn” còn vì một lý do ràng buộc quan trọng khác. Đó là sự lo sợ của đảng CSVN, rằng khi kinh tế tư nhân lớn mạnh, nó sẽ tích tụ được một khối lượng tư bản đủ khả năng làm yếu vai trò chuyên chính cộng sản dẫn tới thủ tiêu đấu tranh giai cấp.

Đó là điểm nghẽn lớn nhất và điểm nghẽn này chỉ giải quyết được khi bộ máy chuyên chính vô sản lui vào bóng tối.

Phạm Nhật Bình