Nay còn “ơn đảng” bùi ngùi “lòng dân”?!

Đại hội lần thứ XIII của ĐCSVN đã khép lại với sự định hình ngôi thứ của những nhân vật quan trọng nhất. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa ngớt bàn tán xung quanh vấn đề nhân sự của người CSVN.
 
Bốn nhân vật hàng đầu thường được gọi là “tứ trụ” gồm:
 
1. Nguyễn Phú Trọng
2. Nguyễn Xuân Phúc
3. Phạm Minh Chính
4. Vương Đình Huệ
 
chiếm giữ 4 vị trí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
 
Những nhân vật không mới nhưng khá lạ trong Bộ Chính trị
 
Nhân vật đầu tiên là ông Phạm Minh Chính, được nhắm cho chiếc ghế Thủ tướng sau kỳ bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng Năm năm 2021.
 
Ông Phạm Minh Chính sinh năm 1958. Theo tiểu sử cá nhân [1], ông Chính tốt nghiệp trung học phổ thông theo hệ 10 năm. Trải dài theo con đường sự nghiệp cách mạng, dư luận đều nhìn ông ta với xuất thân là công an – một ngành hầu như vô cùng ít thiện cảm trong mắt dân chúng.
 
Vị trí quan trọng nhất và cao nhất, được nhiều người biết tới đối với ông Chính là Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng. Ngày 20 tháng Giêng năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định bổ nhiệm ông ta làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đặc khu kinh tế Việt Nam.
 
Tháng Sáu năm 2018, Quốc hội Việt Nam thảo luận về Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế, trong đó quy định cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trong 99 năm (không phân biệt quốc tịch nhà đầu tư), tuy nhiên một số thông tin trên mạng xã hội Facebook cho rằng dự luật sẽ tạo điều kiện “cho Trung Quốc thuê đất trong 99 năm”.
 
Sự kiện này cùng với Luật An Ninh Mạng đã tạo ra cuộc biểu tình có một không hai trên toàn quốc, riêng tại Sài Gòn, vài ngàn người đã tập trung biểu tình tại Quận 1 và nhiều người đã bị bắt sau đó cùng với nhiều năm tù được tuyên.
 
Cuộc biểu tình rầm rộ đến mức gây choáng váng cho người CSVN, vốn không bao giờ tưởng tượng ra được cỡ như vậy. Sự việc được cựu Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân [2] “…được báo Thanh Niên tường thuật trong bài viết có tựa “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP. HCM hứa với Bộ Chính trị sẽ không có biểu tình”. Bài báo sau đó đã được sửa lại, lược bỏ những câu nói cấm biểu tình, chống biểu tình của ông Nhân và thay bằng bài báo có tựa: “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Nỗ lực làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng”…” như đài RFA đưa tin vào ngày 27 tháng Tư năm 2019.
 
Phạm Minh Chính là viên tướng Công an thứ hai sửa soạn nắm chức vụ Thủ tướng, sau viên tướng Công an đầu tiên Nguyễn Tấn Dũng. Sự khác biệt giữa hai người này chỉ là gốc gác vùng miền. Ông Dũng quê quán Kiên Giang, còn ông Chính sinh trưởng tại Thanh Hóa.
 
Cho đến hiện nay, Hoa Kỳ – quốc gia quan trọng nhất và là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam – vẫn chưa hề công nhận kinh tế thị trường tồn tại ở Việt Nam. Đây sẽ là một thử thách cam go cho ông Chính và cho cả hệ thống kinh tế phi thị trường và chính trị độc đảng toàn trị của ĐCSVN.
 
Rất khó có đủ căn cứ để tin trong 5 năm trước mắt, cá nhân Thủ tướng tương lai Phạm Minh Chính cải thiện được vấn đề tối quan trọng này. Đặc biệt, bối cảnh đối nội với nạn dịch virus Vũ Hán vẫn chưa có dấu hiệu giảm dần, còn nền kinh tế Việt Nam vốn èo uột, càng thêm teo tóp với sự tàn phá của con virus chết người này.
 
Nhân vật tiếp theo chính là ông Võ Văn Thưởng.
 
Theo báo Tuổi Trẻ số ra ngày 6 tháng Hai năm 2021, ông Thưởng được phân công [3] giữ chức Thường trực Ban Bí thư – một chức danh khá quan trọng ở các nhân vật cao cấp nhất trong Bộ Chính trị.
 
Ban Bí thư được bầu bởi Ban Chấp hành Trung ương. Thành phần Ban Bí thư gồm có Tổng Bí thư, một số Ủy viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và một số Ủy viên Bộ Chính trị (do Bộ Chính trị phân công). Số lượng Ủy viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
 
Có thể nói Thường trực Ban Bí thư là nhân vật thứ Nhì sau Tổng bí thư.
 
Nhắc đến vai trò Thường trực Ban Bí thư, dư luận vẫn không quên ông Đinh Thế Huynh, cho đến nay đã đi chữa bệnh dài hạn [4] và hầu như không còn nghe thấy tung tích về ông ta, chi duy tư tưởng “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng” tại cuộc họp báo của đảng vào tháng Giêng năm 2011 là còn gây ấn tượng mạnh trong quần chúng.
 
Thay cho ông Huynh trong vai trò Thường trực Ban Bí thư là ông Trần Quốc Vượng – người đã thất cử trong kỳ đại hội vừa qua.
 
Điểm qua lịch sử ở vai trò này, người quan sát nhận thấy toàn bộ là người gốc Bắc. Lần này, vị trí quan trọng này được giao cho người gốc Nam – Võ Văn Thưởng, lại là một người khá trẻ với tuổi 51.
 
Nhắc đến ông Thưởng, nhiều người còn nhớ ông ta đã từng hứa hẹn từ tháng Năm năm 2017 trong vai trò Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
 
Báo Pháp Luật ra ngày 18 tháng Năm 2017 cho biết thêm [5]: “Ông Thưởng cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
 
Hơn 3 năm qua, lời hứa này không thấy hồi âm, mặc dù lúc bấy giờ [6] cũng khiến nhiều “nhân sĩ trí thức” rất háo hức chen lẫn hoài nghi và hy vọng xem như là ĐCSVN đã biết lắng nghe những ý kiến trái chiều, trong đó rất nhiều người nổi tiếng, như: Tô Văn Trường, Lê Phú Khải, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Quang A v.v…
 
Liên quan đến ông Thưởng, báo Thanh Niên ra ngày 23 tháng Mười Hai năm 2019 có bài  [7] Ông Võ Văn Thưởng: ‘Môi trường internet, mạng xã hội đã sạch hơn nhưng chưa sạch hẳn’, trong đó,  ông Thưởng cho rằng đã tạo ra kết quả tốt trong việc “…bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch…”. Bài báo cũng cho biết, ông Thưởng đã thuyết phục được tướng về hưu Lê Mã Lương không tham gia mạng xã hội để nói trái quan điểm, chủ trương của ĐCSVN cũng như nhắc lại việc khai trừ đảng đối với ông Chu Hảo. Quả thật, sau này dư luận không còn thấy “tiếng lớn tiếng nhỏ nào” của cả ông Lê Mã Lương và Chu Hảo. Đó là sự tài tình mà ông Thưởng đã tạo thành công lớn trong mắt các “đồng chí” cấp cao nhất.
 
Không rõ với vai trò mới và quan trọng hơn rất nhiều – Thường trực Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng còn giữ ý định “đối thoại” để tìm ra chân lý trong tình hình đối ngoại khó lường và đối nội khó khăn hay không (!).
 
Nhân vật kế đến chính là ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
 
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng được biết đến với tư cách một viên tướng Công an, rồi lần lượt trải qua ngành Kiểm sát cho đến hiện nay là ngành Tòa án.
 
Vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình vì “tội giết người” – một vụ án hoàn toàn không dính dáng đến màu sắc “phản động” hay “thế lực thù địch” nhưng gây sóng gió ba đào suốt hơn 10 năm qua.
 
Vụ án bỗng trở nên nổi tiếng, bởi lần đầu tiên trong lịch sử Tư pháp của Nhà nước CHXHCNVN, cho đến nay vẫn gây tranh cãi tận cùng, từ dân trong nghề cho đến quần chúng. Vụ án đã bộc lộ quá nhiều tình tiết oan sai mà còn làm “tổn hại” trầm trọng đến hình ảnh uy nghiêm của “pháp quyền XHCN”, trong cái cách gọi là “giám đốc thẩm”, tỏ ra không khác một “nghị quyết chính trị” mà thứ “nghị quyết” đó làm người dân sững sờ khi 17 ông bà thẩm phán, trong đó ông Nguyễn Hòa Bình giữ vị trí cao nhất, tất cả đã đồng lòng “quyết tâm chính trị” để giết chết một mạng người với vô số chứng cớ ngoại phạm.
 
Ngày 26 tháng Mười năm 2020, ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao – người đã “xới lại” vụ án oan sai Hồ Duy Hải nói trước báo giới [8]: “Tôi sắp nghỉ làm Viện trưởng rồi, nếu còn làm thì sẽ nhận khuyết điểm mãi”. Khi nghe tin này, rất nhiều người dân chùng lòng và đau đớn cho bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hồ Duy Hải) với hơn mười năm trường không ngừng nghỉ kêu oan cho đứa con trai tội nghiệp!
 
Tuy nhiên, kỳ đại hội đảng vừa rồi, ông Lê Minh Trí tiếp tục tái đắc cử trong Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN. Điều này lại khiến cho nhiều người dân khấp khởi với hy vọng được thắp sáng lại cho hai mẹ con đáng thương Nguyễn Thị Loan – Hồ Duy Hải.
 
“Trời cao có mắt” – một thành ngữ có giá trị an ủi cho người hàm oan trong cơn khốn cùng!
 
Chỉ mong nhân vật số Hai Võ Văn Thưởng – Thường trực Ban Bí thư (nhân vật này được xem là tạm thay thế Tổng Bí thư trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng vì tuổi cao sức yếu , dù cố gắng hết mình nhưng cần phải nghỉ ngơi hay chữa bệnh dài hạn và trong các trường hợp “đột biến” khác) cùng ông Lê Minh Trí, bà Lê Thị Nga và nhiều người CSVN trong BCHTƯ còn hiểu được hàm oan thấu trời xanh của mẹ con bà Nguyễn Thị Loan – Hồ Duy Hải…
 
Trời cao chẳng thấu lòng người
Nay còn “ơn đảng” bùi ngùi “lòng dân”?!
_______________________
 

Nguyễn Ngọc Già