Vắc xin ngừa cúm tàu: cuộc giành giật để phân phối trên toàn cầu

Phan Ba|
Việc tiêm chủng ngừa cúm tàu có thể bắt đầu ở Đức và các nước EU khác chỉ trong vài tuần nữa. Tuy nhiên, nhiều quốc gia nghèo hơn có thể sẽ trắng tay trong thời điểm hiện tại. Sáng kiến ​​vắc xin COVAX muốn khắc phục điều này.

Các nhà chức trách ở châu Âu có thể phê duyệt một loại vắc xin chống virus cúm tàu vào cuối năm nay. Ba công ty dược phẩm đã nộp đơn đăng ký. Các phê duyệt khẩn cấp cũng đang được tiến hành ở Hoa Kỳ. Và các hợp đồng đã được ký kết từ lâu trước khi các nhà chức trách bật đèn xanh: Mỹ và các nước châu Âu đã bảo đảm hàng tỷ liều vắc xin cho họ, bao gồm từ Pfizer / BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson và Johnson, CureVac và SanofiGSK.
Nếu tất cả các công ty này đều nhận được sự chấp thuận, EU sẽ có đủ vắc xin để chủng ngừa cho người dân - ngay cả khi phải tiêm nhiều liều cho mỗi người. Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở phương nam, chẳng hạn như Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh, thiếu tiền để ký hợp đồng trực tiếp với các công ty dược phẩm. Họ sẽ phải dựa vào sáng kiến ​​vắc xin COVAX.

COVAX là một chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, liên minh tiêm chủng toàn cầu Gavi và liên minh vì đổi mới trong phòng chống dịch CEPI. Mục tiêu của họ: tiếp cận công bằng với vắc xin ngừa cúm tàu cho người dân ở các nước nghèo hơn.

Không có Nga, không có Mỹ
Một số quốc gia và tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ COVAX bằng các cam kết tài chính. COVAX cho biết số tiền tương đương hai tỷ đô la Mỹ đã được thu về cho việc mua và phân phối vắc xin. Liên minh châu Âu đã cam kết 500 triệu euro. Mỹ và Nga cho tới nay vẫn chưa tham gia.

COVAX đặt mục tiêu cung cấp một tỷ liều vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp đến trung bình vào cuối năm 2021. Điều này có thể tạo miễn dịch cho khoảng 1/5 dân số của họ.

"Biến điều này thành hiện thực sẽ là một nỗ lực lịch sử," Phó Giám đốc CEPI Tiến sĩ Frederik Kristensen nói trong một cuộc phỏng vấn với DW [Deutsche Welle – Làn Sóng Đức]. WHO đã thông báo rằng họ sẽ ưu tiên cho một số quốc gia thể theo những hướng dẫn của họ về phân phối công bằng. Tức là, những quốc gia có nguy cơ COVID-19 cao hơn những quốc gia khác thì có thể được cung cấp vắc xin trước.

Nhiệt độ lạnh là điều cốt yếu
Pfizer và Moderna có các cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ và một số ở Châu Âu. Việc bảo quản và vận chuyển vắc xin đến các nước xa hơn sẽ là một thách thức lớn. Vắc xin của Pfizer sẽ yêu cầu nhiệt độ bảo quản cực kỳ lạnh là âm 80 độ C. Điều này đòi hỏi các hệ thống làm lạnh đặc biệt mà hiện nay nhiều nơi ở Châu Phi và Châu Á chưa có.

Nhưng cả việc phân phối vắc xin không yêu cầu nhiệt độ bảo quản cực lạnh cũng gắn liền với nỗ lực lớn về tiếp vận. Theo một nghiên cứu của tập đoàn tiếp vận Đức DHL, để vận chuyển vắc xin ngừa cúm tàu đến mọi nơi trên thế giới có khả năng cần 15.000 máy bay chở hàng.

Một số nước Mỹ Latinh dựa hoàn toàn vào vắc xin của Trung Quốc và Nga. Ví dụ, vắc xin Sputnik V của Nga đã được thử nghiệm trên các tình nguyện viên ở Brazil và Argentina. Đổi lại, chính phủ của các quốc gia này đã đảm bảo cho mình là sẽ nhận được vắc-xin Sputnik V.

Ấn Độ, cường quốc vắc xin
Công ty AstraZeneca của Anh-Thụy Điển có thể mang lại sự đột phá cho COVAX. Vắc xin của họ, được phát triển cùng với Đại học Oxford, sẽ dễ sản xuất, rẻ tiền và có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường. Tuy nhiên, những nghi ngờ về hiệu quả của nó gần đây đã nảy sinh do có những sai sót trong các cuộc thử nghiệm. Nếu các thử nghiệm tiếp theo xác nhận hiệu quả của nó, thì vắc xin này có thể báo hiệu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại COVID-19, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.
AstraZeneca muốn để cho nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, Serum Institute of India [Viện Huyết thanh của Ấn Độ], sản xuất một tỷ liều vắc xin ngừa cúm tàu. Khả năng sản xuất ở các nơi khác nhau trên thế giới được coi là yếu tố quyết định trong việc đảm bảo phân phối vắc xin một cách công bằng.

"Giải quyết các vấn đề cơ bản"
Đây cũng là trọng tâm của các nỗ lực cho chương trình COVAX: "Một phần trong kế hoạch của chúng tôi là mọi loại vắc-xin đều được sản xuất tại ít nhất hai quốc gia", Kristensen nói. "Tức vấn đề chính không chỉ là việc mở rộng khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Mà còn là việc có thể chuyển việc sản xuất từ ​​địa điểm này sang địa điểm khác để đến gần nơi cần vắc xin hơn."

Rasmus Bech Hansen là giám đốc điều hành của Airfinity, chuyên đánh giá dữ liệu về năng lực sản xuất của các công ty dược phẩm. Ông coi đại dịch cúm tàu là một thử nghiệm quan trọng cho tương lai. "Bây giờ chúng ta nên nghĩ về việc làm thế nào để có thể mở rộng khả năng sản xuất vắc-xin hơn, và là trên toàn thế giới", ông nói với DW. "Chúng ta nên nhờ đại dịch này để giải quyết các vấn đề cơ bản về phân phối vắc xin."

Phan Ba dịch từ Làn Sóng Đức