Sự ngụy biện của đám tuyên giáo!

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân|

Đa đảng là một hình thức sinh hoạt chính trị phổ biến ở hầu hết các nước theo thể chế dân chủ trên thế giới. Chỉ riêng ở Việt Nam và một số quốc gia độc tài nguỵ trang dân chủ, đa đảng chẳng những là một đề tài cấm kỵ mà còn bị các cơ quan tuyên giáo trung ương ra sức bài bác một cách lố bịch, với não trạng xơ cứng rằng “đa đảng là hỗn loạn.”

Mới đây một cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh của trường Chính Trị Đồng Nai, bà Tiến Sĩ Vũ Thị Nghĩa đã viết một bài và được đưa lên báo Đồng Nai với tựa đề:  “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa đảng.”

Từ những nhận định một chiều và phiến diện, bà Nghĩa khẳng định chắc nịch: “Chế độ một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam hoàn toàn không phải là sự áp đặt từ phía đảng hay một lực lượng chính trị nào khác mà chính là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam cho phép khẳng định: Ở Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng.”

Bài viết dài dòng và lê thê với những lý luận quen thuộc đã được nhai đi nhai lại quá nhiều lần bởi các bồi bút của Ban Tuyên Giáo; nhưng tóm lại, bà Nghĩa chỉ muốn nhấn mạnh đến ba điều:

– Chế độ độc đảng tại Việt Nam là sự lựa chọn của nhân dân;

– Đảng CSVN là đảng lãnh đạo độc nhất vì đó là thực tiễn của cách mạng;

– Chế độ độc đảng cầm quyền ở Việt Nam hoàn toàn có thể bảo đảm và phát huy dân chủ!

Trước hết luận điểm “là sự lựa chọn của nhân dân” hoàn toàn sai trong thực tế, từ ngày cộng sản cầm quyền. Suốt 90 năm, dân chúng Việt Nam có được quyền chọn lựa lúc nào đâu mà gọi là sự chọn lựa của nhân dân?

Từ khi cướp chính quyền vào tháng Tám năm 1945, sau đó cướp công kháng chiến của toàn dân, đảng đã chọn mô hình cộng sản để cai trị đất nước. Diễn biến của hệ thống cộng sản thế giới cho đến năm 1991 đã chứng minh sự lựa chọn mô hình này là hoàn toàn sai lầm. Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ dựa vào Liên Xô và Trung Quốc, dùng vũ lực khống chế người dân phải làm theo đảng, nói theo đảng, ăn theo đảng…

Ngay cả quyền đi bầu người lãnh đạo đất nước cũng chưa bao giờ được làm. Cứ 5 năm một lần, người dân được nhà nước hô hào đi bầu quốc hội như một cách thể hiện dân chủ tốt đẹp của chế độ. Nhưng thực tế người dân chỉ được quyền bỏ phiếu cho các ông bà nghị gật do đảng chọn sẵn để gọi đó là cơ quan quyền lực cao nhất nước. Đây là cơ chế “đảng cử dân bầu” do đảng CSVN dàn dựng mà không nước nào có.

Kế đến, đảng cộng sản giữ vai trò là đảng lãnh đạo độc nhất vì thực tiễn cách mạng, bởi đảng là người có công duy nhất đánh thắng Pháp, Mỹ, Tàu. Chẳng những vậy, đảng còn là ngọn đuốc soi đường đưa Việt Nam vào thiên đường xã hội chủ nghĩa. Thế giới đã chứng minh xã hội chủ nghĩa là một mô hình không hề có và nhân dân Việt Nam đâu có ai nhờ đảng làm cách mạng kiểu hoang tưởng này.

Cho đến ngày nay sau 90 năm nắm độc quyền dẫn dắt, Việt Nam không ngóc đầu lên nổi vì cái vòng kim cô xã hội chủ nghĩa, cho dù nhân dân bị cưỡng bách đóng góp tối đa cho mục tiêu này. Thật cay đắng khi giờ này mà đảng còn đem “thực tiễn cách mạng” ra để phủ dụ người dân, rõ ràng là một đám người nuôi mộng tưởng “ai thắng ai” của một thời đã qua.

Sau cùng, nói chế độ độc đảng bảo đảm phát huy dân chủ là một lối nói cường điệu, ngu xuẩn, hoàn toàn không hiểu hay cố tình không hiểu thế nào là dân chủ.

Dân chủ không cần diễn đạt một cách cao siêu mà đơn giản đó là quyền làm chủ đất nước của người dân mà chính quyền là người được trao quyền điều hành để thực hiện khế ước chính trị giữa đôi bên, bằng một cuộc bầu cử tự do. Mọi sự vận hành của xã hội đều phải thông qua những cuộc trưng cầu dân ý của số đông.

Như vậy chế độ mới có thể bảo vệ đích thực và dung hoà giữa quyền lợi, bổn phận của người cầm quyền và cộng đồng dân chúng. Khi một đất nước  bị một thiểu số nắm quyền lãnh đạo và cai trị một cách độc đoán, lại kéo dài từ năm này sang năm khác thì làm sao xây dựng được dân chủ, nói gì đến trưng cầu dân ý.

Đất nước Việt Nam hiện nay không có dân chủ vì nằm trong tay một đảng độc nhất, được lãnh đạo bởi 4 người gọi là “tứ trụ.” Họ chia nhau quyền lực thống trị đất nước, và cứ như thế mỗi năm năm một lần, trong nội bộ đảng lại tổ chức bầu bán và trao quyền cho nhau. Đảng CSVN nói đó là sự lựa chọn theo ý muốn của dân tộc thì rõ ràng cả một dân tộc bị bịt miệng, bị gông cùm trong một nhà tù khổng lồ.

Nói tóm lại trong khi nhân loại đang ở thế kỷ 21, mạng xã hội đã phá tung những bưng bít, mị dân thế mà vẫn có những người gọi là có học thức cao như TS Vũ Thị Nghĩa buông ra những giọng điệu lạc hậu khinh miệt nhân dân đến thế.

Nói như bà tiến sĩ này “Việt Nam không cần đa đảng” hay “chế độ độc đảng tại Việt Nam là sự chọn lựa của nhân dân,” khiến người ta chỉ có thể lý giải rằng, nội bộ đảng CSVN thực sự đang rúng động vì những áp lực đòi đa nguyên đa đảng ngay trong mọi tầng lớp đảng viên.

Chính vì thế đảng phải cho một số cán bộ tuyên giáo xuất hiện nói theo kiểu cường điệu, nguỵ biện nhằm che giấu thực trạng ruỗng nát trong nội bộ sau 5 năm đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng mà thôi.

Phạm Nhật Bình