Tương lai Lebanon đi về đâu?

Người biểu tình ném đá vào cảnh sát chống bạo động Lebanon, 9 tháng Tám, 2020.

Ngô Nhân Dụng - VOA 

Tổng thống Emmanuel Macron đến thăm Beirut mới một ngày, số người Lebanon ký kiến nghị yêu cầu Pháp trở lại xứ này đã tới 60 ngàn và còn đang tăng lên. Chưa thấy một quốc gia nào lâm vào cảnh nhục nhã như vậy: Người dân kêu gọi nước khác đến cai trị mình!

Lebanon là có một bản hiến pháp dân chủ, người dân vẫn được đi bỏ phiếu! Tại sao dân Lebanon tuyệt vọng đến mức muốn trở lại chế độ thuộc địa?

Vì chế độ dân chủ chỉ có trên giấy tờ! Một nhóm người mị dân, bè phái, ích kỷ, tham nhũng và bất lực đã chiếm độc quyền cai trị kể từ khi được độc lập, năm 1945!

Bản kiến nghị trên mạng Avaaz xuất hiện ngay sau vụ nổ, viết rằng “Những người cầm quyền ở Lebanon cho thấy rõ ràng là họ hoàn toàn bất lực không thể điều hành quốc gia và bảo vệ an toàn cho dân … với một hệ thống tham nhũng!”

Sau khi vụ nổ kho phân bón ở bến tàu làm chết gần 150 người, 5,000 người bị thương và 250 ngàn người mất nhà cửa, bà Lina Mounzer, một nhà văn đã viết rằng “một chế độ tham nhũng của các lãnh chúa và những gia đình giầu có, họ kiểm soát guồng máy quyền hành kể từ thập niên 1990 sau khi trận nội chiến 15 năm chấm dứt… Tôi không bao giờ tưởng tượng được tình trạng bất lực của nhà nước Lebanon xuống tới mức nguy hiểm chết người khủng khiếp như thế này!”

Bản kiến nghị Avaaz kết luận: “Chúng tôi muốn Lebanon trở lại dưới quyền ủy nhiệm cai trị của nước Pháp (trong thời gian 10 năm) để thiết lập một chính phủ sạch sẽ và vững vàng.”

Trước thế kỷ 20 người dân vùng này sống trong Đế quốc Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ. Sau Đại chiến Thứ nhất, các nước thắng trận chia phần các lãnh thổ thuộc Đế quốc Ottoman, họ tùy tiện quyết định biên giới các mảnh đất được chia cắt. Nước Pháp được ủy nhiệm cai trị xứ Syria và Lebanon bây giờ. Vùng này đã từ thời thượng cổ từng bị các đạo quân Hy Lạp, Ba Tư, quân Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ, các đạo Thập Tự quân và quân Hồi Giáo đi qua. Liban, tên theo người Pháp gọi, là một xứ phong cảnh nổi tiếng đẹp với những ngọn đồi trồng olive và các bãi biển bên bờ Địa Trung Hải nước xanh ngắt. Sau Đại chiến Thứ hai, Pháp rút đi, Lebanon thành một quốc gia độc lập hỗn hợp nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo. Trong bài này chúng tôi dùng cả hai tên Lebanon và Liban, vì người Pháp đang dính líu vào tương lai xứ này.

Bản hiến pháp Liban năm 1945 công nhận các quyền tự do của người dân. Nhưng thực quyền lại được phân phối theo tiêu chuẩn các phe nhóm tôn giáo, giờ vẫn còn áp dụng. Tổng thống Michel Aoun hiện nay vẫn là một người Thiên Chúa giáo phái Maronite; Thủ tướng Hassan Diab là người Hồi Giáo phái Sunni; chủ tịch quốc hội, ông Nabih Berri theo Hồi Giáo Shi A, cũng một quyền hiến định. Các nhóm thiểu số khác, Chính thống giáo Hy Lạp và giáo phái Druze thuộc Hồi Giáo, theo hiến pháp, cũng được chia các chức vụ.

Hậu quả của cách phân phối này là người dân không được trực tiếp chọn người lên cai trị! Các nhóm tôn giáo nằm trong tay những gia đình giầu thế lực mạnh và những nhóm vũ trang. Họ giỏi dùng thủ đoạn khích động, mị dân, thao túng. Cuối cùng, bộ máy chính quyền gồm những nhà chính trị lợi dụng tôn giáo gây xung đột, chia rẽ dân, để giành quyền bính và vơ vét tài sản. Dân Lebanon không còn làm chủ vận mệnh của họ nữa.

Khi trong phong trào Mùa Xuân Á Rập năm 2011 nổi lên, người biểu tình đều nêu đích danh các lãnh tụ độc tài đòi lật đổ, ở Ai Cập, Tunisie hay Algérie. Nhưng Tháng Mười năm ngoái dân Lebanon xuống đường, thanh niên, sinh viên hô “Cách Mạng! Cách Mạng!” họ đã đòi phải lật đổ tất cả hệ thống chính quyền của các phe phái.

Người ta bất mãn vì chế độ thối nát, bất công, không màng gì tới đời sống của đám dân đen. Ba ngàn người giầu có nhất nước chiếm một phần mười lợi tức của cả quốc gia gần bẩy triệu người. Trong khi đó nhiều khu nhà mất điện, nước không chảy, rác rưởi ngập đường hoặc chất đống bên các xa lộ. Các bãi biển cũng đầy rác và nước ô nhiễm đến mức không ai dám xuống tắm.

Cuộc biểu tình năm ngoái đã nổ lên vì một chuyển cỏn con: ông thủ tướng cũ đặt thêm một món thuế đánh trên việc sử dụng WhatsApp, một ứng dụng tin học được thanh niên ưa chuộng. Từ năm ngoái, IMF cùng các nước vẫn còn đang bàn cách cứu chính phủ Lebanon, giúp họ thanh toán những món nợ ngập đầu không có tiền trả. Ông Saad al-Hariri nổi tiếng khi báo chí tiết lộ ông đã tặng một món quá trị giá $16 triệu mỹ kim cho một cô người mẫu chuyên mặc bikini mà ông gặp khi đi nghỉ mát ở quần đảo Seychelles từ năm 2013!

Ông thủ tướng phải rút lại món thuế trên WhatsApp nhưng dân chúng tiếp tục xuống đường; vì bao nhiêu bất mãn chồng chất, nền kinh tế suy sụp do chế độ gây nên. Một sinh viên 23 tuổi kết án: “Tất cả bọn chúng nó đáng bỏ tù hết! Không bỏ sót một đứa nào!” Một nữ sinh viên 22 tuổi, sau khi đi biểu tình bốn ngày, tố cáo: “Không thể nào tin tưởng chúng nó, toàn là một bọn ăn cắp!” Cô đã tốt nghiệp về âm nhạc nhưng không kiếm ra việc làm, vì “muốn xin làm cô giáo không thôi cũng phải có phe đảng!” Một người đàn ông 47 tuổi, đem theo đứa con gái 7 tuổi đi biểu tình, nói rõ ràng: “Chúng tôi cần một hệ thống chính trị mới, bắt đầu từ số không!”

Khi nhà báo nước ngoài hỏi các thanh niên biểu tình rằng họ thuộc giáo phái nào, những bạn trẻ đã gạt đi: “Không cần biết!” Một sinh viên mới ra trường không kiếm được việc làm nói: “Chúng tôi là người Lebanon! Đi ngoài đường, chúng tôi không biết ai là người Shi A,người Sun Ni hay Thiên Chúa giáo! Chúng tôi là các công dân Lebanon!”

Vụ nổ nhà kho ở bến tàu cho thấy chế độ thối nát và vô trách nhiệm đến cùng cực. Chiếc tàu Rhosus từ nước Georgia chở 2,750 tấn chất nitrate ammonium, một hóa chất có thể dùng làm phân bón hoặc chế chất nổ, trên đường đi giao hàng tại Mozambique, châu Phi, năm 2013; đã bị kẹt lại khi ghé bến Beirut, vì chủ nhân không trả tiền lệ phí và bỏ rơi cả thủy thủ đoàn ba người Nga và Ukraine. Chính phủ Lebanon đã tịch thâu hàng rồi chứa 2,750 tấn chất nitrate ammonium trong một nhà kho. Tất cả mọi người biết đây là một trái bom có thể nổ bất cứ lúc nào. Quan chức ở bến tàu biết mối nguy hiểm, đã yêu cầu thanh toán đi, nhưng sau 6 năm không xong! Cho đến khi “kho chất nổ” đã bột phát.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bay qua Beirut ngày hôm sau, và được hàng ngàn người đón chào nồng nhiệt trong khu vực người Thiên Chúa giáo. Ông Macron hứa Pháp sẽ viện trợ, và “cam kết tiền viện trợ sẽ không đưa vào tay đám tham nhũng,” một lời hứa có thể làm cho chính người dân Liban phải xấu hổ nhưng nhiều người hô khẩu hiệu “Vive la France! – Nước Pháp muôn năm!”

Ông Macron cũng nói rằng nước Liban sẽ càng ngày càng tụt xuống hố sâu nếu không cải tổ, rằng vụ nổ này bắt đầu một thời kỳ mới phải thay đổi chính trị.”

Người dân Liban cũng thấy cần thay đổi chính trị. Ông Walid Jumblatt, thuộc một gia đình nhiều đời làm chủ nhóm dân thiểu số Druze cũng yêu cầu phải có một ủy ban điều tra quốc tế đến xem ai chịu trách nhiệm về cái chết của 145 nạn nhân vụ nổ, vì ông không thể tin tưởng nếu để cho chính quyền hiện tại đứng ra làm việc đó.

Chính phủ Pháp đã bắt đầu mở cuộc điều tra về nguyên nhân vụ nổ, vì có một công dân Pháp chết và 21 người bị thương. Nhưng thay đổi chính trị xứ Liban như thế nào?

Các nhóm chính trị ở Lebanon đã bám rễ từ hơn nửa thế kỷ, họ chia rẽ người dân dựa trên các tôn giáo khác biệt, mỗi nhóm liên kết với các thế lực ngoại quốc, nhưng họ đã biết cách “chia phần” với nhau để cùng thụ hưởng.

Nhà văn Lina Mounzer viết rằng bà vẫn gọi cuộc nội chiến hồi 1990 là “Cuộc chiến Aoun.” Tướng Aoun lúc đó chỉ huy quân đội quốc gia, nhưng đã biến đạo quân đó thành lính của chính ông ta khi hô hào họ đánh đuổi quân Syria ra khỏi nước. Nhưng bây giờ, bà Mounzer kể, ông Aoun lại liên kết với nhóm vũ trang Hezbollah, gồm những người theo giáo phái Shi A, mà Hezbollah thì liên kết chặt chẽ với Iran và chính quyền Syria, vì họ cùng theo giáo phái Shi A.

Ông Macron cho biết ông “sẽ nói chuyện với tất cả các lực lượng chính trị trong xứ Liban và sẽ đề nghị với họ một “thỏa hiệp chính trị mới.” Nhưng không ai đoán được thỏa hiệp mới sẽ như thế nào khi nước Liban còn chia rẽ và bị các nước láng giềng thao túng!

Có lẽ, sau khi ông Macron không thể nào hòa giải các phe nhóm, giải pháp giản dị nhất là nước Pháp trở lại trực tiếp cai trị nước Liban – trong mười năm như người ta đang đề nghị! Muốn vậy, Pháp cần được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm để có lý do đem quân tới “dẹp loạn.” Nhưng trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không phải nước nào cũng dễ dàng chấp nhận giải pháp đó! Nga và Trung Cộng sẽ giúp Iran bảo vệ ảnh hưởng ở Lebanon, dù chỉ để chống Mỹ!

Bản kiến nghị trên mạng Avaaz tiên đoán rằng “các nhóm khủng bố và dân quân bè phái trong nước Liban đang trút hơi thở cuối cùng!” Các con quái vật đều cựa quậy, vùng vẫy, trước khi trút hơi thở cuối cùng, nếu thực sự chuyện đó xẩy ra!