Năng lượng xanh mới – thay đổi vì môi trường

Người viết: Anh Hoang- Truong Hoang

Tình hình ô nhiễm tại Hà Nội hiện đã được vơi bớt khi những cơn mưa đã đến. Tuy nhiên với tình hình nhà máy nhiệt điện mọc lên khắp nơi tình trạng này sẽ sớm quay lại. Sự thay đổi chỉ đến nếu Việt Nam chú trọng vào phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đó là năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Đây là xu thế của thế giới và Việt Nam cần thúc đẩy phát triển. Bởi năng lượng là gốc rễ phát triển của nền kinh tế. Các nhà máy, văn phòng, cũng như các phương tiện giao thông vận tải, sản xuất đều cần năng lượng, dù cho chúng chuyển sang dùng các phương tiện như xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện và các máy móc sản xuất bằng điện, nhưng nếu nguyên liệu đầu vào để tạo ra điện vẫn là than, xăng hay dầu diesel thì ô nhiễm vẫn không ngừng tăng. Thủy diện là một nguồn năng lượng sạch và cùng với hệ thống sông ngòi phong phú đây là một lợi thế của Việt Nam, tuy nhiên, mặt trái của thủy điện cũng rất lớn. Cụ thể, việc xây dựng các hồ chứa và đập để tích nước sản xuất điện sẽ khiến lượng cá và  phù sa chảy về hạ lưu giảm dẫn đến các hộ gia đình sống ở hai bên sông trước kiếm sống nhờ vào nghề đánh bắt cá sẽ phải chuyển đổi nghề và hạn hán xảy ra nhiều hơn.

Người nông dân nhìn ruộng dưa bị phá hủy bởi hạn hán do tác động thủy điện gây ra
Việc xây dựng các nhà máy thủy điện được xây dựng đồng nghĩa với nhiều khu rừng phòng hộ bị chặt phá. Những nhà đầu tư sẽ hưởng món lợi lớn từ việc “một mũi tên trúng hai đích” này. Để tạo ra 1 MW điện, phải “đổi” ít nhất 10-30 ha rừng, và để có 1.000 ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, phá hủy từ 1.000 – 2.000 ha đất rừng ở phía thượng nguồn. Không còn rừng phòng hộ những đợt lũ lớn các hồ sẽ buộc xả lũ bất chợt khiến thiệt hại cho người dân và các gia đình nuôi thủy sản bằng bè ở trên sông. Ví dụ:

  • Cuối tháng 9/2009, thủy điện A Vương (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) xả lũ sau bão số 9 gây ngập úng diện rộng.
  • Tháng 9/2016, ống thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) vỡ làm 2 người mất tích.
  • Thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), công trình mà nhiều hộ dân từng chịu ảnh hưởng nặng nề sau cú vỡ đập vào tháng 6/2013, tiếp tục vỡ vào ngày 1/8/2014 tạo ra một trận lũ quét lớn.
  • Tháng 10/2016, thủy điện Hố Hô xả lũ ngay mùa mưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho Hà Tĩnh và Quảng Bình không kém trận lũ lịch sử năm 1999…
Những gia đình đi lại bằng ghe và thuyền sau đợt xả lũ

Hậu quả là vô cùng lớn vì vậy phát triển năng lượng tái tạo cụ thể xây dựng các trang trại quạt gió và cánh đồng pin mặt trời là điều cần thiết.

Lợi thế của Việt Nam là đường bờ biển dài 3000 km đón một lượng gió lớn vào đất liền cùng địa hình đồng cỏ và đồng bằng rộng lớn thuận lợi cho việc lắp đặt các trang trại quạt gió. Khoảng 8.6%diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn. Con số tương ứng của Campuchia là 0,2%, Lào là 2,9% và Thái Lan là 0,2%. Trữ lượng gió của Việt Nam ước tính đạt 513.360 MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành điện vào năm 2020. Mặc dù các cánh đồng quạt gió có những hạn chế như ô nhiễm tiếng ồn, gây ảnh hưởng đến các sinh vật bay. Tuy nhiên, ảnh hưởng này nhỏ hơn rất nhiều các nhà máy thủy điện và nhiệt điện hiện nay.

Cánh đồng quạt gió tại Tuy Phong- Bình Thuận

Ngoài ra năng lượng mặt trời ở Việt Nam cũng rất thuận lợi để khai thác. Các tỉnh nam bộ và nam trung bộ Việt Nam có số ngày nắng nhiều trong năm khoảng  2000-2600 giờ mỗi năm thuận lợi cho sự phát triển lĩnh vực này.

Quy mô năng lượng điện mặt trời tại khu vực Đông Nam Á

Nhìn vào số liệu thống kê cho thấy Việt Nam đang dẫn đầu về quy mô khai thác năng lượng mặt trời tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên hiện tại tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn là cơ sở duy nhất thu mua điện và phân phối điện trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy EVN sẽ mặc nhiên hoành hành ép mua điện giá rẻ và bán cho người dùng với cao. Điện được tạo ra từ thủy điện và nhiệt điện đang rẻ hơn do đầu tư vốn thấp hơn. Kết quả, các doanh nghiệp chọn đầu tư vào nhiệt điện, hay thủy điện nhiều hơn năng lượng tái tạo, và những hậu quả từ thủy và nhiệt điện vẫn diễn ra. Mọi thứ sẽ chỉ cải thiện nếu chính phủ cho phép nhiều công ty tham gia vào thu mua và phân phối điện như trong lĩnh vực viễn thông. Khi đó ngành năng lượng Việt Nam mới có thể phát triển bền vững, minh bạch, sáng tạo để thúc đẩy cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.