Quốc tế vận Bãi Tư Chính: Việt Nam hay Trung Quốc thắng thế?

Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh: China Geological Survey)

Phạm Chí Dũng - VOA|

Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18/9/2019 đòi “Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính”, người ta có thể tự hỏi vì sao Bắc Kinh lại tự tin và ngạo mạn đến thế.

Cái gì đã khiến Trung Quốc quá tự tin và ngạo mạn?

Nhất là từ cái cái cách hé miệng ấp úng “Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta” của Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 4/9/2019 trong một cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tại Hà Nội, nhưng vẫn không hề dám nhắc đến cái tên Trung Quốc.

Dù đó là lần đầu tiên ông Phúc ’can đảm’ có được một phát ngôn về tình hình ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào hoạt động tại khu vực Bãi Tư Chính từ ngày 3/7/2019. Phát ngôn đó xảy ra trong bối cảnh tàu Hải Dương 8 thậm chí còn lấn tới sát vùng biển Phan Thiết, trong lúc không có một tàu hải quân nào của Việt Nam ra ngăn chặn, theo đúng là tinh thần câu vè dân gian ‘ngư dân bám biển, hải quân bám bờ’.

Vào cuối tháng 7 năm 2019, chỉ một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam là Lê Thị Thu Hằng cho biết Hà Nội đã “trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam” - một cử chỉ can đảm mang tính quá hiếm muộn của giới chóp bu Việt Nam về thế buộc phải đối đầu với “thiên triều”, Trung Quốc đã lần đầu tiên phản ứng khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng cáo buộc Việt Nam “vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính kể từ tháng Năm,” “Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam” và “Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc”. Nhưng khi đó Bắc Kinh chưa trịch thượng đến độ dám đòi “Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính”.

Sang tháng 8 năm 2019, Trung Quốc đã lần thứ hai ra tuyên bố về Bãi Tư Chính, khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, tàu Hải Dương Địa Chất số 8 hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này và yêu cầu quốc gia có liên quan tôn trọng. Ngay trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn mấp máy đọc bài “yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”.

Rõ ràng thái độ tự tin và ngạo mạn của ‘đảng anh’ Trung Quốc trong vụ Bãi Tư Chính đã gia tăng dần qua từng tháng, tỷ lệ nghịch với toàn bộ biểu cảm ‘kịch liệt phản đối’ nhưng không dám có bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào của chính thể ‘đảng em’ Việt Nam, không chỉ không dám hé môi cái tên Trung Quốc trên đầu môi chót lưỡi của giới chóp bu Hà Nội mà cho tới lúc này, khi cuộc chiến khoan dầu đã kéo dài gần trọn một quý, các tàu hải cảnh và tàu chiến Việt Nam vẫn chẳng dám nổ một phát súng, dù chỉ bắn lên trời, để cảnh cáo tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc.

Trong khi hệ thống tuyên giáo và báo đảng Việt Nam vẫn ‘tự sướng’ bằng cái cách thầm thì trong nội bộ ‘ta nhất định thắng’ và những bài báo theo kiểu ‘Việt Nam nhận được sự ủng hộ lớn lao của cộng đồng quốc tế về chủ quyền ở Bãi Tư Chính’, thì sự thật đắng chát mà không một quan chức hay tờ báo nào của đảng CSVN dám nói ra là thất bại của Việt Nam tại Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019. Ở hội nghị đó, bất chấp phía Việt Nam đã tìm cách vận động các quốc gia ASEAN để phản đối xâm phạm Bãi Tư Chính nói riêng và rộng hơn là Biển Đông, tuyên bố của Hội nghị đã chỉ đề cập khá chung chung và “quan ngại” về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc.

Thắng lợi ngoại giao và quốc tế vận của Trung Quốc - cần phải thừa nhận như thế - đã khởi sự từ thời điểm trên, ngay vào lúc tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho nó bắt đầu xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như một cách vừa ăn cướp vừa la làng.

Thắng lợi của ‘Mười sáu chữ vàng’

Kết quả phản ứng Trung Quốc quá mờ nhạt, hoặc gần như không có gì, tại Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN hẳn đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định có phản ứng hay không của nhiều quốc gia trên thế giới đối với Trung Quốc về căng thẳng ở Biển Đông. Sau gần 3 tháng từ ngày nổ ra vụ Bãi Tư Chính, hoặc đã là năm thứ ba kể từ lúc Trung Quốc xua tàu bao vây, gây hấn và ‘tống tiền’ Bộ Chính trị Việt Nam ở khu vực này, thực tế quá ư trần trụi và cay đắng là phần lớn trong số các ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của Việt Nam đã chẳng có ý kiến gì hoặc ngó lơ vụ Bãi Tư Chính, để mặc cho ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc - cụm từ mà giới quan chức Việt Nam vẫn hỉ hả tụng ca về người bạn ‘Bốn Tốt’ của mình - hành hạ ‘đảng em’ đến mức ‘đái cả ra quần’.

Một sự ghẻ lạnh lạ lùng xâm phủ bộ mặt chính thể độc tài ở Việt Nam - luôn tự hào có rất nhiều quan hệ đối tác chiến lược. Thậm chí ngay cả những quốc gia có lợi ích trực tiếp về liên doanh khoan dầu ở Bãi Tư Chính là Nga - tập đoàn dầu khí Rosneft ở mỏ Lan Đỏ, và Tây Ban Nha - hãng dầu khí Repsol ở mỏ Cá Rồng Đỏ, cũng không một lời chia sẻ với nỗi đau thất thần của Hà Nội, càng chẳng có cử chỉ tối thiểu nào ‘lên án’ Trung Quốc.

Cử chỉ bị coi là câm nín của giới lãnh đạo Việt Nam và việc chẳng một quan chức cao cấp nào trong ‘tam trụ’ - từ Nguyễn Phú Trọng đã từng cầu an ‘trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam’ đến Nguyễn Xuân Phúc từng nghiêng ngoẹo cụng ly với Tập Cận Bình vào năm 2016, và cả Nguyễn Thị Kim Ngân uốn éo trước mặt họ Tập về ‘đại cục’ ở Bắc Kinh… đã dìm xác suất ‘kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế’ xuống đáy hy vọng, xứng đáng bổ sung thêm một ‘không’ nữa vào chính sách ‘ba không’ gậy ông đập lưng ông của Hà Nội: không kiện Trung Quốc!

Rốt cuộc, tất cả từ không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế.

Cách tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó, rất có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới – vốn không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những mưu tính lắt léo trong “đường lưỡi bò 9 đoạn,” tỏ ra dè dặt hơn nếu những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung Quốc ra trước thế giới, cho dù Việt Nam được đặt vào ghế “thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” vào năm 2019.

Nếu ngày càng nhiều quốc gia thờ ơ với vụ Bãi Tư Chính, đó sẽ là cơ hội để Bắc Kinh khuếch tán chiến dịch vận động các nước trong Liên Hiệp Quốc ủng hộ ‘chủ quyền’ của Trung Quốc ở khu vực này. Và nếu Trung Quốc đạt được một sự ủng hộ của một số nước nào đó, dưới dạng tuyên bố hoặc nghị quyết quốc tế, đó sẽ là cơ sở và tiền đề cực kỳ quan trọng để ‘Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa’ tiến hành một chiến dịch quân sự tốc chiến xâm chiếm Bãi Tư Chính của Việt Nam. Tốc chiến trước khi Việt Nam khai thác hết dầu để nuôi đảng!

Còn ngay trước mắt, gần ba tháng đã lao qua ở Bãi Tư Chính… Cho tới lúc này Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu ban đầu của chiến dịch này, không chỉ khiến nhiều quốc gia trên thế giới và dư luận quốc tế dần bớt mối quan tâm đến một Biển Đông giằng co nhàm chán, mà còn biến Bãi Tư Chính từ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành nơi ‘tranh chấp không thể tranh cãi’ giữa hai kẻ vẫn quen ca hát 16 chữ vàng "Sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan".