Vận động cho nhân quyền và tù nhân lương tâm tại Hội nghị Front Line Defenders 2019 ở Ireland

RFA|

Tổ chức Nhân quyền Front Line Defenders vừa tổ chức Hội nghị năm 2019 trong 3 ngày, từ mùng 2 đến mùng 4 tháng 10, tại Dublin, Ireland. Cựu tù nhân lương tâm Đỗ Nam Trung, đến từ Việt Nam lần đầu tiên tham dự hội nghị này.

Anh Đỗ Nam Trung dành cho RFA một cuộc phỏng vấn ngắn để chia sẻ về thông tin hội nghị vừa nêu:

RFA: Xin chào anh Đỗ Nam Trung. Anh vui lòng cho biết cơ duyên anh đến tham dự Hội nghị của Front Line Defenders năm 2019. Và nội dung chính yếu của hội nghị năm nay là gì?

Đỗ Nam Trung: Xin chào quý khán thính giả RFA. Hôm vừa rồi tôi tham dự một Hội nghị về nhân quyền của Front Line Defenders tổ chức ở Ireland. Đây là một tổ chức chuyên bảo vệ các nhà bảo vệ nhân quyền trên khắp thế giới. Trong hội nghị này có tầm 100 nước tham dự.

Tôi cũng rất tình cờ thôi. Cách đây tầm 5 tháng thì Front Line Defenders đã gửi thư mời sang tham dự, khi họ biết tôi là một cựu tù nhân lương tâm để chia sẻ các câu chuyện về Việt Nam và tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Trong hội nghị năm nay thì nội dung chính là nói về tình hình chung nhân quyền trên khắp thế giới, một số nước điển hình mà có tình trạng vi phạm nhân quyền hết sức trầm trọng. Sau đó, từng nước báo cáo tình hình chung của nước mình cũng như các vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Tôi cũng có báo cáo chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam qua một số những trường hợp như là trường hợp Hà Văn Nam, trường hợp Trần Thị Nga và trường hợp của Hoàng Bình…Đấy là những trường hợp điển hình mà Chính quyền Việt Nam đang vi phạm nghiêm trọng.

RFA: Được biết anh đã vận động cho một số tù nhân lương tâm cũng như tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Anh có thể chia sẻ thêm chi tiết về nội dung anh đã vận động?

Đỗ Nam Trung: Trong suốt 3 ngày liên tục làm việc tại Dublin thì trong báo cáo chung về tình hình vi phạm nhân quyền hết sức nghiêm trọng của Việt Nam, tôi đã đề cập đến trường hợp nổi bật nhất của anh Hà Văn Nam, một tài xế chuyên phản đối các BOT bẩn trên khắp cả nước. Anh đã phải chịu một án 30 tháng tù giam. Sự việc này đã gây ra sự phẫn nộ ở Việt Nam và các báo chí quốc tế cũng vào cuộc đưa tin. Trường hợp thứ hai của chị Trần Thị Nga, hiện tại chị có hai con nhỏ và đang chịu 9 năm tù giam. Đây là một án rất dài mà chỉ đơn giản chị là một trong những người bảo vệ nhân quyền, chống lại bất công và bênh vực cho bà con dân oan mất đất. Ngoài ra chị Nga còn hoạt động rất nhiều trong những lĩnh vực khác nữa. Tiếp theo, một trường hợp khác là anh Hoàng Bình đã cùng bà con ngư dân phản đối Formosa xả thải xuống biển miền Trung.

Đấy là những trường hợp mà tôi đã báo cáo với Front Line Defenders và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình cũng như sự ủng hộ rất lớn từ phía họ. Đây là một điều hết sức tích cực đối với tình hình chung nhân quyền tại Việt Nam.

RFA: Chúng tôi ũng được biết Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Hội nghị đã lên tiếng cho trường hợp bà Trần Thị Nga. Anh có thể cho biết thêm thông tin này?

Đỗ Nam Trung: Về trường hợp chị Trần Thị Nga thì trước đây chúng tôi đã gửi hồ sơ đến Front Lines Defenders và Cao ủy Nhân quyền LHQ. Và trong hội nghị năm nay thì trường hợp của chị Nga đã được chính ông Michel Forst-Báo cáo viên đặc biệt của LHQ lên tiếng cùng rất nhiều tù nhân lương tâm khác trên khắp thế giới.

Trường hợp của chị Nga như chúng ta biết thì chị là một phụ nữ rất can trường. Chính bản thân chị Nga đã bị phía Chính quyền Việt Nam có những hành xử vô cùng tồi tệ, như tra tấn, đánh đánh đập đến gãy tay, gãy chân và bây giờ hiện tại chị đang chịu án 9 năm tù giam.

Sau khi chị Nga chị bắt giam, Front Line Defenders và Cao ủy Nhân quyền LHQ nhận được hồ sơ từ phía chúng tôi thì họ đã lên tiếng rất mạnh mẽ và họ xếp trường hợp của chị Nga vào một trường hợp hết sức đặc biệt và được ưu tiên nêu tên đầu tiên trong hội nghị năm nay, như những hình ảnh mà tôi đã chia sẻ trên mạng xã hội.

 
Cựu tù nhân lương tâm Đỗ Nam Trung (thứ hai từ bìa phải) tham dự Hội nghị Front Lines Defenders 2019, tại Dublin, Ireland. Courtesy: Facebook Đỗ Nam Trung
RFA: Là một nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam, lần đầu tiên tham dự hội nghị của tổ chức nhân quyền quốc tế như Front Line Defenders, anh cảm nhận ra sao?

Đỗ Nam Trung: Riêng với cá nhân tôi thì hội nghị năm nay của Front Line Defenders là một hội nghị rất lớn và không chỉ có ý nghĩa đối với riêng Việt Nam mà còn với rất nhiều nước trên thế giới. Như quý vị cũng biết là có cả hàng trăm nước tham dự hội nghị năm nay và trong khán phòng có khỏang 200 người đến từ các nước trên thế giới và từ các tổ chức nhân quyền khác nhau cùng về tham dự hội nghị lần này. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của các báo đài quốc tế nữa.

Tôi cảm thấy vô cùng cảm kích đối với sự quan tâm về nhân quyền của Front Line Defenders. Qua hội nghị lần này thì tôi cảm nhận được rằng họ thật sự quan tâm đến tình hình chung nhân quyền của các nước, và đặc biệt những nước “nổi trội” như Việt Nam. Họ quan tâm, họ tìm mọi cách để khai thác những thông tin mà Chính quyền Việt Nam che dấu và bị Chính phủ ém nhẹm đi. Đồng thời, họ tìm mọi cách để tương tác với chúng tôi để thu thập những thông tin đó. Tôi thấy sự quan tâm như thế là điều hết sức khích lệ đối với những người hoạt động như chúng tôi. Rất là cảm kích!

RFA: Và nhận định của anh thế nào về vai trò cũng như sự hỗ trợ các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ trên toàn cầu của các tổ chức nhân quyền quốc tế, đặc biệt tại Việt Nam?

Đỗ Nam Trung: Theo tôi thì những hội nghị như của Front Line Defenders mới tổ chức đây hay những hội nghị của Cao ủy Nhân quyền LHQ có vai trò rất quan trọng đối với việc thúc đẩy nhân quyền trên khắp thế giới cũng như tại Việt Nam. Nhờ vào những hội nghị như thế này cũng như sự hỗ trợ cho dù công khai hay thầm lặng của những tổ chức nhân quyền lớn như vậy thì tình hình nhân quyền Việt Nam mới được thúc đẩy và cải thiện rõ rệt. Cũng nhờ họ lên tiếng tạo ra được sức ép đủ lớn, đủ mạnh để khiến cho Chính phủ Việt Nam cần nhìn nhận lại bản thân cũng như cách hành xử đối với các nhà hoạt động tại Việt Nam.

Hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng muốn cho đất nước phát triển, muốn cho xã hội văn minh thì không có cách nào khác là Chính phủ Việt Nam buộc phải tôn trọng quyền con người và tiếng nói phản biện của giới đấu tranh. Và tôi cũng hy vọng rằng qua những hội nghị như thế này, qua những lần lên tiếng như thế này thì giúp cho tình hình nhân quyền Việt Nam được cải thiện hơn và giúp cho công cuộc đấu tranh nhân quyền được thúc đẩy được mạnh mẽ hơn và thành công hơn. Tôi rất hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho người dân Việt Nam.

RFA: Chân thành cảm ơn anh Đỗ Nam Trung dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với Đài Á Châu Tự Do.