Vô phúc đáo tụng đình

Khi toà án không phải là nơi hiện diện của công lý, thậm chí nó còn là con đường khiến cho luật pháp bị kéo dài ra, bị trì hoãn và bị biến dạng hoặc có thể mua chuộc, thì đương nhiên người dân hay doanh nghiệp sẽ tự tìm đến cách giải quyết được cho là hữu ích nhất của mình.

Thời gian đối với người dân chính là tiền bạc và những cơ hội quý báu để làm ra của cải hoặc những thứ có giá trị cho con người và xã hội, nên họ không thể cứ phải đi cầu cạnh hoặc chờ đợi mòn mỏi để nhận lấy sự phiền nhiễu, những sự gợi ý, mặc cả hoặc những điều trái với luật pháp hay đạo lý thông thường, trong khi họ cần được bảo vệ theo đúng với cái mà họ cần tới và theo đúng chức trách mà thiết chế được tạo ra đó.

Chỉ có những ai đã từng phải (hoặc bị) tham gia kiện tụng, chỉ cần một lần trong đời thôi là đủ thấu hiểu tất cả những sự cay đắng, trớ trêu và khốn đốn của luật pháp cũng như của chính mình trong hành trình đi tìm công lý.

Hệ thống tư pháp trong một quốc gia đáng ra phải là một hệ thống mạnh: trước tiên là đảm bảo trình độ (trí tuệ) ở một tầm mức cao của các thẩm phán; hai là phẩm chất liêm chính, dũng cảm của những người cầm cân nảy mực; ba là thẩm phán (và toà án) phải thực sự độc lập về chính trị để đảm bảo việc thượng tôn luật pháp cũng như họ (sẽ) chỉ phụng sự công lý như một bổn vụ cao quý duy nhất và suốt đời mình.

Người dân cứ đến toà án là cảm thấy sợ hãi, rụt rè, lo ngại những trở lực vô hình, thậm chí bị đưa đi đường vòng, có những kẻ hành nghề luật lại sẵn làm trung gian kết nối để chạy án hoặc làm cho luật pháp trở nên bị xem thường, khinh nhạo. Bởi vậy mà mới nảy sinh tình trạng những tên tội phạm trong hệ thống công quyền chẳng còn biết giới hạn là gì và tội phạm ngoài xã hội thì ngày càng manh động một cách công khai.

Muốn cho công lý hiện diện tại nơi mà nó thuộc về, ắt phải tìm lấy sự độc lập của toà án (không chịu chi phối bởi yếu tố đảng phái), thì khi đó hệ thống tư pháp sẽ trở nên lành mạnh và uy nghiêm. Nó sẽ đảm bảo sự thông suốt, đúng đắn của luật pháp khi thực thi.

Và mỗi bản án, thay vì nhân danh nhà nước, phải nhân danh công lý để xét xử và tuyên án. Vì nhà nước không thể ban phát hay là định hình ra giá trị của công lý, mà công lý là một trạng thái tự nhiên lý tính của con người trong cộng đồng có tổ chức mà phải luôn được duy trì.

Và:
“Nếu công lý không thể hiện diện hay được bảo đảm rằng sẽ luôn được duy giữ tôn nghiêm ở nơi mà cần đến nó nhất, toà án, người dân sẽ tự tìm cách để xác lập công lý của mình, và lúc đó, nhà nước chỉ là cái nôi của mọi sự bất công và chia rẽ.”

LS Lê Luân
(Trích: Một Người Quốc Dân)

Nguồn: FB Luân Lê