Thông báo ngày 23-12-2013 của Diễn đàn Xã hội Dân sự

1. Sơ bộ hoạt động trong tháng qua
 

Hoan nghênh các quý vị thành viên Diễn đàn đã tích cực tham gia vào hoạt động của Diễn đàn, nhất là viết bài cho trang mạng, góp ý và tham gia vào những hoạt động khác.

Trang thông tin tuy còn rất nhiều khiếm khuyết và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để khắc phục và dù bị chặn rất gắt gao nhưng vẫn có số người đọc đáng mừng.

 

Các đại diện cũng như thành viên của Diễn đàn đã tiếp xúc với nhiều cơ quan ngoại giao ở Hà Nội (theo yêu cầu và lời mời của họ) như với tất cả các tham tán chính trị của các nước EU, Canada cũng như một số vị đại sứ của các nước này; đã làm việc với báo cáo viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (phụ trách các vấn đề kinh tế), Phó Trợ lý Ngoại trưởng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ; tham dự ngày nhân quyền với các nước EU; tham dự kỷ niệm ngày nhân quyền do Mạng Lưới Blogger Việt Nam tổ chức; tham dự chào mừng sự ra mắt của Mạng Lưới Blogger Việt Nam; dự lễ tang ông Nguyễn Kiến Giang; đến sứ quán Nam Phi chia buồn về sự ra đi của Nelson Mandela và dự lễ tưởng niệm Nelson Mandela do Liên hiệp các Hội Hòa bình Hữu nghị và đoàn ngoại giao tổ chức. Ngày 22-12-2013 đã tổ chức một bữa cơm thân mật cuối năm với sự tham gia của trên 20 thành viên có điều kiện tham gia và khách mời.

2. Công việc chuẩn bị cho thời gian tới

2.1.Việc công khai danh tính nhóm trị sự
 

Nhà báo tự do, TS Phạm Chí Dũngnhà báo Trần Quang Thành đồng ý công khai danh tính. Những thành viên khác của nhóm trị sự sẽ công khai danh tính vào thời điểm thích hợp.

2.2.Thông báo về khẩu hiệu

Chúng ta coi cụ Phan Châu Trinh là cụ tổ và xin được dùng khẩu hiệu của Cụ với sự bổ sung hay cập nhật như sau:

Thực thi Dân Quyền; Nâng cao Dân Trí; Chấn hưng Dân Khí; Cải thiện Dân Sinh

Thực thi Dân Quyền: Sử dụng, thực thi các quyền của người dân, các quyền con người và quyền công dân. Chúng ta KHÔNG ĐÒI CÁC QUYỀN NÀY, vì chúng là quyền tự nhiên hoặc hiến định và được coi là quyền hiển nhiên, vốn có của chúng ta, nên chúng ta đơn thuần nắm lấy, sử dụng, thực thi các quyền này và đấu tranh chống lại bất cứ mưu toan nào của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào nhằm cắt xén các quyền đó (chiến thuật “cứ như”). Tuy nhiên, chúng ta ĐÒI nhà nước phải tôn trọng các quyền đó; đòi nhà nước thực hiện nghĩa vụ của mình để người dân có thể thực thi đầy đủ quyền của họ; đòi nhà nước tạo khung khổ pháp lý, tạo môi trường để người dân thực thi các quyền của mình sao cho không ảnh hưởng đến quyền của người khác và phục vụ lợi ích chung. Để nhắc nhở và góp phần vào công việc thực thi dân quyền, chúng ta thành lập nhật báo Dân Quyền (bằng cách nâng cấp trang mạng để biến dần thành nhật báo). Dự án này tiến hành từ từ và mong quý vị đóng góp bài vở, sáng kiến để nâng cấp trang mạng hiện nay.

Nâng cao Dân Trí: thúc đẩy động viên tất cả mọi người học tập, thảo luận, mở mang đầu óc, kiến thức, thảo luận nhằm nâng cao dân trí để phục vụ chính mình cũng như xã hội. Hoạt động nâng cao dân trí hết sức đa dạng và để nhắc nhở, cũng như góp phần vào việc nâng cao dân trí, chúng ta thành lập Tạp chí DÂN TRÍ (anh Nguyên Ngọc đã nhận làm Tổng Biên tập, mời các anh chị tham gia Hội đồng biên tập) trước mắt ra hai tháng một kỳ. DÂN TRÍ sẽ đăng các bài nghiên cứu, các tranh luận về chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong mọi lĩnh vực.

Chấn hưng Dân Khí: nâng cao tinh thần, ý chí, dũng khí của người dân trong việc sử dụng các quyền của mình, trong mọi hoạt động của mình. Để nhắc nhở đến và góp phần vào công việc chấn hưng dân khí, chúng ta thành lập nhà xuất bản DÂN KHÍ, hoạt động theo luật pháp quốc tế (dự kiến ra mắt đầu năm 2014 và trong năm 2014 ra được ít nhất 10 đầu sách) để xuất bản những tác phẩm dịch có giá trị cho sự phát triển đất nước mà hiện chưa thể xuất bản ở Việt Nam, cũng như những tác phẩm mới của các tác giả Việt Nam.

Cải thiện Dân Sinh: là lĩnh vực hoạt động thường xuyên của mọi người dân. Chúng ta động viên, khuyến khích mọi người tự chủ, sáng tạo trong hoạt động để cải thiện dân sinh, mưu cầu hạnh phúc của mình và tìm mọi cách để bảo vệ dân sinh. Để nhắc nhở việc thực hiện dân quyền và cải thiện dân sinh, chúng ta ủng hộ dự án phong trào bảo vệ dân sinh do anh Phạm Chí Dũng khởi xướng.

Bốn khẩu hiệu này không độc lập với nhau, không phải cái này suy ra cái kia mà tác động qua lại lẫn nhau và việc tách bạch về khái niệm chỉ để nhằm làm rõ những chiều kích, những mặt, những khía cạnh khác nhau của bản thân hoạt động xã hội dân sự mà thôi.

3.   Thông báo về khởi động dự án Giám sát pháp luật
 

Đầu tháng 1-2014 sẽ hoàn thành cơ sở Công nghệ thông tin (một trang web) để có thể thử nghiệm trong nội bộ chúng ta và sau đó dự kiến đến 23-1-2014 sẽ khai trương và bắt đầu dự án.

3.1. Mục đích
 

Tất cả người dân, tất cả các tổ chức đều có thể tham gia dự án để thực thi quyền giám sát pháp luật của người dân (thực thi dân quyền) nhằm giúp các cơ quan lập pháp, hành pháp nâng cao chất lượng lập pháp và hành pháp; nhằm giúp người dân học tập, nâng cao hiểu biết pháp luật và nhất là các quyền của mình (nâng cao dân trí) để áp dụng chúng (thực thi dân quyền) để cải thiện cuộc sống của mình và của đất nước; nhằm giúp các học giả có dữ liệu để nghiên cứu; nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách cơ sở và bằng chứng để có những quyết định chính sách tốt hơn.

3.2. Mô tả sơ bộ dự án

    Ø In-put: Tất cả mọi người có thể truy cập trang Giám sát pháp luật (GSPL) và cung cấp thông tin cho hệ thống. Thông tin có thể là thông báo hay khiếu nại. Người dân và tổ chức có khiếu nại về những quyết định mà họ cho là vi phạm luật sẽ truy cập vào trang GSPL, điền vào các mẫu báo cáo sẵn có, scan hay chụp ảnh bản khiếu nại của mình và gửi lên trang GSPL. Có ba loại input:
    báo cáo về các văn bản quy phạm pháp luật mà người thông báo coi là vi phạm các luật cao hơn hay vi hiến hay vi phạm thỏa ước quốc tế mà Việt Nam đã ký; input loại này không cần thẩm tra mà có thể chuyển ngay cho bộ phận xử lý.
    báo cáo về sự vi phạm luật của các quan chức và cơ quan nhà nước qua những khiếu nại, khiếu kiện mà đương sự đã gửi cho cơ quan nhà nước mà họ nghĩ là có thẩm quyền (trong trường hợp này GSPL có thể tư vấn xem người khiếu nại có làm đúng thủ tục hay nội dung có hợp lý không); loại input này cần thẩm tra nhưng không nhiều vì đương sự là người khởi xướng khiếu nại, khiếu kiện và đã gửi cho nhà chức trách liên quan; sau khi thẩm tra xong chuyển cho khâu xử lý;
    báo cáo về sự vi phạm luật của quan chức và cơ quan nhà nước (mà không gắn với khiếu nại, khiếu kiện) loại này sẽ rất mất công xác minh (để tránh giả mạo gây mất uy tín cho GSPL).
        Ø Xử lý các thông tin đầu vào: Sau khi đã thẩm tra (các bước input), thông tin sẽ được chuyển cho nhóm các chuyên gia luật (qua một mailing list riêng của GSPL). Tùy theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật, hệ thống sẽ đưa các trường hợp được xử lý vào cơ sở dữ liệu để phục vụ cho nghiên cứu, cũng như cung cấp thông tin cho các nhà lập pháp, hành pháp để cải thiện luật và thực thi luật. Nếu là chuyện khiếu kiện, GSPL sẽ gửi bằng điện tử đến cho cơ quan đã nhận khiếu nại, nhắc nhở họ về nghĩa vụ trả lời hay giải quyết, nếu quá hạn mà không giải quyết và sau (thí dụ ba lần nhắc nhở) thì GSPL sẽ đưa lên trang thông tin để cho công chúng biết. Tổ chức nhóm xử lý cũng dựa trên hoạt động phân tán trực tuyến.
        Ø Tổ chức hoạt động: Sẽ cần một nhóm chăm sóc hệ thống (chủ yếu là anh em tin học và một hai người điều phối). Họ có thể làm việc toàn thời gian hay bán thời gian và sẽ phải tìm cách trả thù lao cho anh chị em này. Đề nghị các quý vị giới thiệu các chuyên gia có thể tham gia nhóm chuyên gia luật pháp (chỉ cần có một mail account riêng, không cần công khai danh tính và cam kết mỗi ngày hay mỗi tuần xem xét một hồ sơ và cho ý kiến, có lẽ hết khoảng 30 phút) và gửi lại cho hệ thống GSPL. Hệ thống sẽ điều phối (gửi, nhận thông tin, phân loại, đưa vào cơ sở dữ liệu hay vẫn để ở dạng thông tin đầu vào thô) công việc xử lý của các chuyên gia (những người này không cần phải biết nhau, không cần biết ai là ai). Trước mắt kêu gọi sự làm việc thiện nguyện, nếu kiếm được tài trợ sẽ trả thù lao cho công việc chuyên gia này.

3.3. Tổ chức hệ thống tin học đáp ứng nhu cầu mô tả ở trên
 

Đang xây dựng và dự kiến hoàn thành hệ thống tin học vào đầu tháng 1-2014. Sau khi hoàn tất, đề nghị nhóm IT cấp quyền truy cập cho tất cả các thành viên Diễn đàn Xã hội Dân sự để các vị nếu có các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện (của những người khác mà đã được quý vị hay tổ chức của quý vị xác minh) sử dụng (đưa input vào, xử lý và đưa lên trang mạng), lấy ý kiến đóng góp của quý vị và hoàn thiện hệ thống để 23-1-2014 có thể đưa ra công khai cho dân chúng sử dụng (nếu chưa hoạt động suôn sẻ có thể lùi thời gian khai trương sang 23-2-2014).

3.4. Khả năng mở rộng

Hoàn toàn tương tự như giám sát pháp luật, hệ thống có thể dễ dàng được chỉnh sửa để nhân dân có thể tham gia vào việc giám sát tham nhũng, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, vân vân.

3.5. Ý nghĩa
 

Sự tham gia của người dân là quan trọng nhất, sự đóng góp của cộng đồng chuyên gia sẽ huy động được sức mạnh của rất nhiều người, chứ không chỉ số lượng hạn chế của một tổ chức nào đó; và có thể tạo cơ sở thực tiễn, có bằng chứng giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp và hành pháp cải thiện hoạt động của mình.

Nguồn: Diễn đàn Xã hội Dân sự