Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới chỉ trích việc bắt giữ ba bloggers tại Việt Nam

 

Thông Cáo Báo Chí

25.01.2017

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) lên án việc bắt giữ có tính cách "chận trước" ba người blogger và phóng viên dân báo trong những ngày qua trước thời điểm Tết, và kêu gọi thả ngay lập tức và hủy bỏ những điều cáo buộc đối với họ.


Từ trái sang: ông Nguyễn Văn Oai, bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Hóa
 

Nạn nhân gần đây nhất là Trần Thị Nga, một blogger được biết đến với tên Thúy Nga, bị bắt giữ tại nhà riêng tại tỉnh Hà Nam Ngày 21 Tháng Giêng, 2017. Là người mẹ với hai con, bà Ngà dùng blog tranh đấu cho giới lao động xuất khẩu và người dân bị nhà nước tịch thu đất đai.
Bị cáo buộc đăng tải nội dung “chống nhà nước” trên mạng, bà bị khởi tố theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự, với án tù từ ba đến 20 năm về “tuyên truyền chống phá Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Nguyễn Văn Oai, một dân báo đã từng ngồi tù, bị bắt Ngày 19 Tháng Giêng tại Nghệ An với lý do là chống người thi hành công vụ và rời nhà trong thời gian bị quản chế.

Anh Oai bị bắt vào năm 2011 và bị tuyên án bốn năm tù giam và ba năm quản chế tại gia theo Điều 79 ("hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"), và được thả vào Tháng 8, 2015 sau khi mãn hạn tù. Điều 70 và 88 được áp dụng thường xuyên nhất để bịt miệng các bloggers và những nhà hoạt động trên mạng. 

Nhà dân báo Nguyễn Văn Hóa bị biệt giam hơn một tuần lễ sau khi bị bắt Ngày 11 Tháng Giêng. Chỉ mới cách đây hai ngày gia đình mới được biết anh bị chế độ giam cầm và cáo buộc theo Điều 250 "lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước."
Gần đây anh Hóa đã đưa tin về các cuộc biểu tình  chống Formosa Hà Tĩnh, một nhà máy thép của Đài Loan, chịu trách nhiệm về việc thải chất độc ra biển khiến hàng ngàn tấn cá chết vào Tháng Tư, 2016. 

“Làn sóng bắt bớ trước thời điểm Tết đã để lộ ra tình hình căng thẳng của chế độ mỗi khi xã hội dân sự có cơ hội tự do lên tiếng về các vi phạm về quyền hạn nói riêng và nhân quyền nói chung,” ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói.

“Những người bloggers và dân báo này không làm gì khác ngoài việc đưa tin về các cuộc biểu tình và bày tỏ quan điểm về các vi phạm về quyền hạn của chính họ và những người chung quanh. Nói cách khác, họ bảo vệ lợi ích chung của mọi người. Tuy thế thật là điều tệ hại vô cùng khi việc bảo vệ lợi ích chung và nhân quyền lại bị dán nhãn là tuyên truyền chống nhà nước tại Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng thế giới áp lực để họ được thả ngay lập tức.”

Bên cạnh việc trấn áp, hăm dọa và dùng bạo lực tấn công những bloggers dám lên tiếng cùng với người thân của họ, Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng sẵn sàng dùng thủ đoạn bắt chận trước – những vụ bắt giữ không khác gì bị buộc biến mất – để bịt miệng những tiếng nói phản biện trước những ngày lễ lớn của toàn quốc.

Vào Tháng 10 năm ngoái, RSF đã lên án chính sách cô lập phóng viên và blogger của cầm quyền Việt Nam trong khi trừng phạt những ai dám liên lạc với thế giới bên ngoài.

Việt Nam đứng hàng thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí 2016 theo xếp hạng của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới.

https://rsf.org/en/news/rsf-decries-arrests-three-activist-bloggers-vietnam