Sự cô lập chết người, Trung Quốc muốn tự cung tự cấp và sẽ bị sụp đổ

Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
 
Von Stefan Aust, Adrian Geiges -
Nguyễn Xuân Hoài dịch
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng nói về hợp tác với các quốc gia khác, nhưng bây giờ điều đó chỉ là lời nói gió bay.
 
Nguyên thủ quốc gia kiêm lãnh đạo đảng Tập Cận Bình đã mang lại kỳ tích kinh tế cho đất nước và đang vươn lên để trở thành nhà lãnh đạo có quyền lực nhất thế giới. Nhưng bây giờ ông ta cô lập với phương Tây. Đất nước ông đang phải trả một cái giá đắt cho điều này. Đây cũng không phải là lần đầu tiên.
 
Christoph Columbus là ai? Ở phương Tây, chúng ta đều biết nhiều về ông, nhưng không mấy người biết về Trịnh Hòa (Zheng He) . Nhà đi biển này sinh năm 1371 đến năm 1433, lên đến chức đô đốc dưới thời nhà Minh. So với ông thì Columbus chỉ là một tay đi biển nghiệp dư. Trịnh Hòa từng chỉ huy 27.870 thủy thủ trên 317 con tàu, thực hiện bảy chuyến thám hiểm đến Đông Nam Á, Ấn Độ, Châu Phi và Ả Rập. Nhiều nhà thiên văn học và khí tượng học đã đi cùng ông. Ngược lại, Columbus chỉ có 90 người và ba chiếc thuyền nhỏ chỉ bằng một nửa con tàu có 9 cột buồm dài 140 mét của Trịnh Hòa.
 
Vào thời điểm đó, Trung Quốc là cường quốc hàng đầu trên trái đất và cũng là cường quốc biển lớn nhất. Angus Deaton, người đoạt giải Nobel, một nhà kinh tế học người Mỹ gốc Anh tại Đại học Princeton, đã viết về những phát triển trong cuốn sách Đại bùng nổ: Từ nghèo đói đến sự thịnh vượng của các quốc gia: "Các nhà cai trị Trung Quốc, lo ngại các thương gia đe dọa quyền lực của họ từ năm 1430 đã cấm các hành trình trên các đại dương, vì vậy các cuộc thám hiểm của Đô đốc Trịnh Hòa là một sự kết thúc, không phải là sự khởi đầu.”
 
Chính phủ đã cho hủy hồ sơ, tư liệu của Trịnh Hòa. Năm 1525, Hoàng đế Jiajing thậm chí còn ra lệnh đốt tất cả các con tàu có hơn hai cột buồm. Lý do: Để chấm dứt hoạt động buôn lậu với Nhật Bản.
 
Phần còn lại là lịch sử: đầu tiên là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sau đó là Anh và Pháp đã vượt qua Trung Quốc với tư cách là một cường quốc hàng hải. Cuối cùng khi họ tấn công xâm chiếm Trung Quốc, cường quốc thế giới một thời không còn hạm đội để đánh trả. Sự kiêu ngạo và chủ nghĩa biệt lập đã đưa Trung Quốc xuống vực thẳm. Khi vua Anh George III. gửi thư tới Bắc Kinh với lời đề nghị trao đổi buôn bán năm 1792, Hoàng đế Càn Long đã viết thư phúc đáp:"Chúng tôi không có nhu cầu nhỏ nhất nào đối với các sản phẩm của quý quốc."
 
Lịch sử dường như đang lặp lại. Có hai năm đáng ghi nhớ là năm 2012 và 2020. Năm thứ nhất đánh dấu việc Tập Cận Bình lên nắm quyền với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm thứ hai, sự tự cô lập bản thân với phần còn lại của thế giới bắt đầu sau khi đại dịch Corona lây lan mạnh mẽ. Tập Cận Bình nhận thấy sứ mệnh của mình trong việc ngăn chặn không để Trung Quốc bị sụp đổ như Liên Xô.
 
“Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, một số quốc gia đã phải chịu thiệt hại khủng khiếp đối với các giá trị phương Tây", ông nói trong một bài phát biểu năm 2015 trước đại diện các trường đảng. “Họ bị chiến tranh tàn phá hoặc đang hỗn loạn.” Đây là cấu trúc thượng tầng ý thức hệ cho mọi thứ diễn ra sau đó: các trại cải tạo Hồi giáo ở khu vực Tân Cương nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh; Cuộc săn lùng các nhà Dân chủ và nhà báo ở Hồng Kông; cấm các nhóm nữ quyền và LGBTQ.
 
Lúc đầu, ông Tập vẫn nghĩ ông có thể dung hòa điều này với việc tiếp tục mở cửa kinh tế với các nước khác, phương Tây rất vui và tin ông, thậm chí coi ông là đối trọng với "Nước Mỹ trên hết" của Donald Trump. Chưa bao giờ các nhà đại tư bản trên thế giới lại cổ vũ một người cộng sản tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng 1 năm 2017 đến mức như vậy.
 
Tập Cận Bình thậm chí đã có bài phát biểu khai mạc Diễn đàn này, ông ta tuyên bố: "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt sự lưu thông của tư bản, công nghệ, sản phẩm, ngành công nghiệp và con người giữa các nền kinh tế và biến đại dương vô tận của nền kinh tế thế giới thành những cái ao và các con suối riêng lẻ sẽ bị tiêu diệt, thất bại và đều đi ngược lại "xu hướng lịch sử."
 
Đó là xoay quanh kinh tế tự túc
 
Ngày nay khó có thể nghe thấy những lời nói như vậy ở Trung Quốc, và chắc chắn không phải từ Tập Cận Bình. Ngược lại, ông ta cảnh báo về người nước ngoài: "Thực tế là công nghệ chủ chốt của chúng ta đang bị người khác kiểm soát đó là mối nguy tiềm ẩn lớn nhất đối với chúng ta." Kế hoạch “Made in China 2025“ của ông ấy dự tính đến thời điểm đó sẽ đáp ứng được 70% nhu cầu về computerchips của Trung Quốc.
 
Một câu cửa miệng gần đây của Tập Cận Bình là "hai chu kỳ": Để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, chu kỳ nội bộ của Trung Quốc phải được phát triển nhiều hơn nữa bên cạnh chu kỳ kinh tế quốc tế. Để làm được điều này, ông Tập đã đích thân đến các nhà máy để cổ vũ động viên người lao động. Ví dụ, hồi tháng 10 năm 2020, tại thành phố Triều Châu, miền đông nam Trung Quốc, ông tới donh nghiệp Three-Circle Group, cơ sở này chuyên sản xuất tụ điện và điện trở gốm cho lĩnh vực điện tử, năng lượng và viễn thông quang học.
 
Ông phát biểu với công nhân viên chức trước trụ sở nhà máy. "Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi to lớn chưa từng thấy trong 100 năm qua", ông kêu gọi họ. "Chúng ta phải đi theo con đường đổi mới ở đất nước ta với tinh thần tự lực cánh sinh."
 
Để có thể tự chủ về kinh tế, đồng thời để bảo vệ đất nước ta trước "các giá trị phương Tây" Trung Quốc phải xây dựng một bức tường mới. Trong đó có sự tiếp tay của đại dịch corona. Chúng ta không phải là những người theo thuyết âm mưu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện vẫn chưa rõ vi-rút xâm nhập qua con dơi ở chợ Hoa Nam, Vũ Hán hay thoát khỏi Viện Vi-rút Vũ Hán thông qua một vụ tai nạn.
 
Có thể loại trừ khả năng Tập Cận Bình cố tình gây lây nhiễm cho người dân của ông ta. Mặt khác, những sự trùng hợp trong lịch sử để lại hậu quả to lớn và thường là không mong đợi. Vì vậy, ý định của ông Tập nhằm tách hơn nữa Trung Quốc ra khỏi các nước khác như thêm dầu vào lửa.
 
Về cơ bản điều quyết định với tất cả những ai không phải là người Trung Quốc, kể cả người Đức, đều không được nhập cảnh. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến trao đổi kinh tế. Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cho biết: “Rất khó để duy trì liên lạc hợp lý với các trụ sở chính của chúng tôi ở châu Âu,” trả lời phỏng vấn với tờ “Handelzeitung” của Thụy Sĩ.
 
Bạn có thể làm rất nhiều việc trực tuyến, nhưng bạn cũng cần phải đi lại vì công việc và vì lý do cá nhân. "Với thời gian vấn đề này đã trở thành đạo lý, hai năm qua nhiều người không thể về quê hương họ. Người nước ngoài ra đi ngày một nhiều, hầu như không thể thay thế những người đã ra đi. Một bầu không khí mất tinh thần đang lan tỏa. Chúng tôi nghi ngờ khoảng một nửa số người nước ngoài đã rời đi kể từ năm 2019 và nhiều hơn nữa sẽ theo sau.
 
Tất cả các hình thức gây rối đã được sử dụng để trục xuất những người không phải gốc Hoa ra khỏi Trung Quốc một cách có hệ thống. Do đó, hiện có nhiều người nước ngoài sống ở Luxembourg nhỏ bé (chỉ 630.000 dân) so với ở Bắc Kinh và Thượng Hải cộng lại (tổng dân số ở đó: 48 triệu người). Theo chuyên gia Wuttke về Trung Quốc, điều này hoàn toàn không phải do chiến lược zero-Covid: “Có sự kiêu ngạo đằng sau nó. Người ta nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mà không cần có người nước ngoài. Tâm trạng đối nghịch nhau: Trung Quốc với phần còn lại của thế giới ”.
 
Cuộc cách mạng của Mao là một sự sụp đổ, không phải sự trỗi dậy
 
Với tính vĩ cuồng, tự cao tự đại và chứng cuồng kiểm soát của mình, Tập Cận Bình đang đập tan mọi thứ đã khiến Trung Quốc trở nên hùng mạnh trong những thập kỷ gần đây. Những doanh nhân thành đạt trên mạng Internet như Jack Ma, cho đến gần đây là thần tượng của giới trẻ Trung Quốc, đang bị quấy nhiễu, gây rối và không còn được phép xuất hiện trước công chúng. Tập Cận Bình đã được giới thiệu như một môn học ở các trường tiểu học của Thượng Hải và môn tiếng Anh đã bị bãi bỏ mặc dù hoạt động thương mại trong toàn cầu hóa đòi hỏi phải có kiến thức về ngoại ngữ.
 
Trong những thập kỷ gần đây, về nguyên tắc, nếu bạn không tham gia chính trị, bạn vẫn có thể có một cuộc sống tốt đẹp. Điều đó giờ đây không còn nữa; bây giờ nhà nước lại can thiệp một cách độc đoán vào cuộc sống hàng ngày của người dân. Các nhóm nhạc nam nổi tiếng bị cấm vì ca sĩ của họ được cho là trông quá ẻo lả như đàn bà. Các cầu thủ bóng đá phải xóa các hình xăm trên cơ thể của họ. Và nhà nước còn quyết định trẻ em được phép chơi bao nhiêu giờ mỗi tuần trên Internet.
 
Trái ngược với những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố, và một số người ở phương Tây cũng tin, thì sự trỗi dậy của Trung Quốc không bắt đầu từ cuộc cách mạng của Mao năm 1949. Ngược lại, nhà độc tài đầu tiên này đã đẩy đất nước xuống vực thẳm. Trong "Đại nhảy vọt" của ông ta 45 triệu người đã bị chết đói, nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.
 
Trong cuộc "cách mạng văn hóa", ông đã áp đặt một lệnh cấm gần mười năm đối với các trường phổ thông và đại học. Thanh thiếu niên không được học hành, đào tạo nhưng bị đày về nông thôn. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng chỉ bắt đầu từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình cho phép phát huy tính sáng tạo tư nhân và qua đó giải phóng sự cần cù siêng năng và tinh thần kinh doanh của người Trung Quốc, đồng thời thu hút được tư bản nước ngoài vào Trung Quốc.
 
Người ta nói về “cải cách và mở cửa”, điều mà Tập Cận Bình vẫn tuyên bố bằng lời cho đến ngày nay. Nhưng hành động của ông ta lại thể hiện một ngôn ngữ khác. Sức mạnh kinh tế mà Trung Quốc đã tích lũy được trong vài thập kỷ qua khiến nó phải mất một thời gian. Ngay cả khi hoàng đế Trung Hoa phóng hỏa các con tàu, đất nước vẫn chưa sụp đổ ngay lập tức. Sự suy sụp kéo dài hàng thế kỷ. Nhưng ngày nay những phát triển như vậy đang diễn ra nhanh hơn nhiều.
Những điềm báo về một cuộc khủng hoảng đã hiển hiện ở Trung Quốc: mất điện làm tê liệt các doanh nghiệp; ngành công nghiệp bị tắc nghẽn nguồn cung; do một số trường hợp riêng biệt của corona, toàn bộ các cảng bị đóng cửa, các nhà máy VW và Tesla phải tạm thời ngừng hoạt động; các công ty bất động sản lớn có nguy cơ bị phá sản.
 
Còn bây giờ là chiến tranh. Khi Tập Cận Bình khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh ngày 4 tháng 2, ông đã tiếp Vladimir Putin. Họ đã thông qua "Tuyên bố chung về quan hệ quốc tế hướng tới kỷ nguyên mới và phát triển bền vững toàn cầu". Những hình ảnh từ Ukraine cho thấy "thời đại mới" này có hình hài như thế nào. Trong tuyên bố, cả hai phản đối sự mở rộng về phía đông của NATO, điều mà Putin ít nhất hiểu là một tấm séc khống cho cuộc xâm lược của ông ta đối với quốc gia láng giềng.
 
Ông Tập đã đồng ý với hiệp ước này vì trong cùng một tuyên bố, Putin ủng hộ kế hoạch đưa Đài Loan trở lại với Đế chế Trung Hoa. Theo kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nói với Joe Biden qua điện thoại: “Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là điều mà chúng tôi không muốn thấy.” Ở đây, từ “chiến tranh” cũng được tránh tối đa không sử dụng đến.
 
Cho dù Trung Quốc đang bí mật hỗ trợ vũ khí cho Nga hay nội bộ không hài lòng với diễn biến của cuộc chiến vẫn chỉ là điều suy đoán. Tuy nhiên có một điều có thể khẳng định chắc chắn: Tập Cận Bình đã nói lời tạm biệt với chính sách cởi mở của những người tiền nhiệm của ông ta, những người coi thành công về kinh tế quan trọng hơn cuộc chiến chống lại phương Tây. Đây là một sự thay đổi chính sách đầy nguy hiểm. (Dịch tóm tắt)WELT-Herausgeber Stefan Aust là chủ bút báo Welt và Adrian Geiges là nhà báo nhiều năm chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, hai ông là đồng tác giả cuốn sách „Xi Jinping – der mächtigste Mann der Welt“( Tập Cận Bình, người hùng mạnh nhất thế giới), nhà xuất bản Piper.
 
China: Tödliche Isolation – Peking forciert den eigenen Absturz - WELT
Von Stefan Aust, Adrian Geiges -
Nguyễn Xuân Hoài dịch