Putin có dám sử dụng “vũ khí hạt nhân chiến thuật” không?

Trương Nhân Tuấn

Putin ngạo nghễ trả lời phỏng vấn báo chí đại khái về vụ quân Ukraine thắng thế ở mặt trận phía Đông. Putin cười khẩy nói rằng “để rồi coi”. Người ta hiểu ngầm đây là lời đe dọa. Quân Nga sẽ có những cuộc phản công ghê gớm sắp tới.

Trên TV các chuyên gia Tây phương “thảo luận bàn tròn” với nhau. Họ đặt vấn đề Putin lấy quân ở đâu mà đánh “phản công”? Có người đưa giả thuyết về khả năng Putin cho sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Người khác nói rằng, nếu làm như vậy (xài bom hạt nhân) thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả việc “tuyên bố chiến tranh” từ các nước NATO.

Trên thực tế quân đội Nga đang thiếu quân trầm trọng. Bà con theo dõi chiến sự Ukraine chắc đều có coi clip video của thủ lĩnh đạo quân “đánh mướn” Wagner, lúc ông này đang “thuyết trình” trong sân trại tù để “tuyển quân”.

Tôi không nghĩ là với số quân ít ỏi lấy từ các trại tù mà Putin có đủ lực lượng để chuẩn bị cho cuộc chiến khắc khổ mùa đông. Và tôi cũng không nghĩ đạo quân “cầm súng vì tiền” này có đủ tinh thần chiến đấu để khuất phục các chiến binh vệ quốc của Ukraine.

Putin còn bỏ rơi lính chính qui (thiếu hụt đủ thứ trên chiến trường) thì đạo quân đánh mướn này chỉ có thể “liều chết” mới cứu được sinh mạng của họ. Nói chi tới vụ chinh phục lại vùng lãnh thổ vừa bị quân Ukraine chiếm được.

Vậy còn vụ xài bom nguyên tử “chiến thuật”?

Theo tôi, có thể trong đầu các nhà quân sự Ukraine đang tính chuyện đánh vào đất Nga, vào tới Rostov-na-Donu (thậm chí Volvograd) để “chặt” vùng hậu phương miền Nam nước Nga. Họ có thể nghĩ tới chuyện “lấy đất đổi đất”. Đánh chiếm Kherson có thể được nhưng đánh Crimée là khó. Khó hơn đánh vào tới Rostov-na-Dodu hoặc Volvograd. Vấn đề là muốn đánh vào đất Nga phải có lý do.

Ta nên biết miền Viễn Đông nước Nga thì bị Trung Quốc và Nhật làm áp lực. Nhưng miền Nam nước Nga, với các quốc gia vốn là cộng hòa cũ của Liên Xô, như Georgia (chủ trương thân EU) và Azerbaijan (thân Thổ Nhĩ Kỳ)… Georgia luôn có ý định lấy lại phần lãnh thổ phải nhượng cho Nga (2008). Cuộc chiến Armenia (thân Nga) và Azerbaijan hiện thời mà phần thắng đang nghiêng về phe Thổ nhĩ kỳ, trong khi Putin phải “ngồi ghế dưới” để nghe tổng thống Thổ Erdogan nói chuyện. Ta phải biết “áp lực” ở miền Nam nước Nga là không đơn giản.

Tức là nếu Putin chơi liều đánh bom nguyên tử, nhiều khả năng Mỹ và EU sẽ gia tăng tiếp viện cho quân Ukraine để họ (thừa thắng xông lên) tiến chiếm Rostov-na-Donu (hay Volvograd) để đổi lấy Crimée và các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm, từ 24 tháng 2 năm 2022.

Khi bấm nút nguyên tử, chiến thuật hay không thì Putin đã vượt lằn ranh đỏ, không chỉ đối với NATO mà còn ngay cả đối với Trung Quốc.

Vượt qua lằn ranh này ta không loại trừ khả năng nước Nga sẽ bị phân liệt.

Vũ khí Mỹ và EU “biểu diễn” ở Ukraine cho thấy khoa học quốc phòng của các quốc gia này dư thừa khả năng đánh chặn các hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Bà con chắc đã thấy hệ thống “vòm sắt” của Do Thái hiệu quả ra sao rồi? Một con ruồi bay qua còn không lọt.