Phỏng vấn Dân Biểu Saskia Bricmont về Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU-VN

|

Nhân dịp Dân Biểu Quốc Hội Âu Châu Saskia Bricmont tham dự cuộc biểu tình do Cộng Đồng Việt Nam Tự Do Vương Quốc Bỉ tổ chức trước trụ sở Quốc Hội Âu Châu tại thủ đô Bruxelles hôm Thứ Ba, 10 Tháng Mười Hai, Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2019, Giảng viên Phạm Minh Hoàng đã thực hiện cuộc phỏng vấn bà dân biểu về Hiệp Định Thương Mại Tự Do giữa Liên Minh Âu Châu và Việt Nam (EVFTA).

Dân Biểu Saskia Bricmont hiện là ủy viên Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế, Quốc Hội Âu Châu, đặc trách thương mại giữa EU và Việt Nam.

Xin mời độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn.

BBT Web Việt Tân

***

Phạm Minh Hoàng: Thưa Bà, xin Bà cho biết ý kiến của bà về Hiệp Định Thương Mại giữa Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam.

Saskia Bricmont: Ngày hôm nay, bản hiệp định như nó đã được trình cho chúng tôi, chúng tôi đã đưa vào cùng với các bạn đồng viện hơn 281 điều tu chính cho bản hiệp định, vì nếu để nguyên như cũ, hiệp định đối với chúng tôi không thể chấp nhận được, bởi vì nó không thiết lập đủ những điều kiện cho sự tiến hóa, đặc biệt là của các quyền con người tại Việt Nam.

Quyền tự do nghiệp đoàn đã không được tôn trọng, mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam đã cam kết phê chuẩn các hiệp ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), thì điều đó vẫn chưa đủ đối với chúng tôi, bởi vì luật hình sự và luật tố tụng hình sự đều cần phải được cải tiến.

Ngày hôm nay, quyền tự do lập hội và hội họp cũng như quyền tự do ngôn luận đã không được chấp nhận tại Việt Nam. Chuyện này tương tự như bộ luật mới đã được thông qua về an ninh mạng và sự kiện có thể phát biểu một cách tự do trên mạng đang là một điều có nhiều vấn đề, điển hình là việc bắt bớ một nhà báo, ông Phạm Chí Dũng. Ông này đã bị bắt giữ vì đã phát biểu đặc biệt về hiệp định thương mại tự do này. Thế mà Ủy Ban Âu Châu (European Commission) – ký kết những hiệp định trao đổi thương mại tự do – lại nói rằng, đó cũng là cách thức xuất khẩu các giá trị của Châu Âu qua Việt Nam.

Ở đây, tôi không thấy chúng ta sẽ xuất khẩu được những giá trị Âu Châu nào cho Việt Nam. Lý do là, nhà cầm quyền Việt Nam không thực sự chứng tỏ thiện chí. Trái lại, tình hình đã biến chuyển xấu đi rất nhiều trong những năm gần đây. Bởi vậy, chúng tôi không muốn phê chuẩn hiệp định này nếu nó giữ nguyên trạng. Và chúng tôi đánh giá là chính trong lúc này, chúng tôi có thể thực sự chờ đợi nhà cầm quyền Việt Nam xúc tiến những cải tổ cơ bản để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do nghiệp đoàn, đơn giản là tôn trọng các quyền con người, trước khi (EU) ký kết những trao đổi kinh tế và tăng cường những quan hệ kinh tế với nước này.

Phạm Minh Hoàng: Thưa Bà, Bà vừa nhắc đến quyền tự do nghiệp đoàn và theo những hiệp định thương mại giữa Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam, Việt Nam bắt buộc phải chấp nhận quyền tự do thành lập các nghiệp đoàn tự do; nhưng trong trường hợp mà Việt Nam từ chối thực hiện hoặc giả họ cho phép thành lập nhưng không tôn trọng những nghĩa vụ cam kết, trong trường hợp đó, Liên Minh Âu Châu sẽ có những sức ép nào đối với họ?

Saskia Bricmont: Đúng với suy nghĩ của tôi, đó chính là cái rủi ro nếu chúng ta phê chuẩn hiệp định, một khi đã ký kết rồi thì không còn phương tiện tạo sức ép nào nữa, những đòn bẩy sẽ không còn đủ nữa, trong lúc lại không thể ngưng thi hành hiệp định được; nhưng có một số người lại nói rằng vẫn có thể có biện pháp nếu những điều khoản ghi trong hiệp định không được tôn trọng. Tôi thì tôi không tin, không có một cơ chế trừng phạt, không có một cơ chế ép buộc chế độ Việt Nam thực hiện những điều khoản đó, tuy rằng đúng là trong trường hợp của hiệp định. Phải tạo ra một nhóm theo dõi với các thành phần của xã hội dân sự ở cả hai bên, của xã hội dân sự Âu Châu và những thành viên độc lập của xã hội dân sự Việt Nam.

Nhưng ngày hôm nay tại Việt Nam không hề có xã hội dân sự độc lập, không có nghiệp đoàn độc lập và như thế, không có một bảo đảm nào trong hiện tại là nhóm ý kiến theo dõi hiệp định được bao gồm những con người thực sự độc lập, và đó là một trong những tiêu chuẩn mà chúng tôi yêu cầu thực hiện.

Ngày nay, cần phải nói với họ rằng, yêu cầu các ông hãy đưa ra cho chúng tôi những bảo đảm đủ để những điều kiện đó được tôn trọng, để cho những cải tổ được tiến hành, để cho mọi chuyện được sắp xếp đúng chỗ để tự do nghiệp đoàn được bảo đảm, trước khi chúng tôi tiến xa hơn trong việc đầu tư với các xí nghiệp Âu Châu tại Việt Nam.


Bà Dân Biểu Saskia Bricmont (bìa trái) tiếp phái đoàn vận động Quốc Hội Âu Châu gồm đại diện 3 tổ chức: Tổ chức Thiên Chúa Giáo Chống Tra Tấn – ACAT (thứ ba), Phóng Viên Không Biên Giới – RSF (bìa phải) và Việt Tân Âu Châu tại trụ sở Quốc Hội Âu Châu hôm 10/12/2019. Ảnh: Việt Tân Âu Châu.

Phạm Minh Hoàng: Theo phát biểu của Bà, chúng tôi có cảm tưởng rằng Việt Nam đang ở một vị thế khá mạnh trong những kiểu hiệp định thương mại này với Liên Minh Âu Châu, bà có cùng chung cảm tưởng đó của chúng tôi không?

Saskia Bricmont: Hiện nay, tôi đang ngồi ở trong Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế (International Trade Committee – INTA), nó chủ yếu bao gồm các thành viên mong muốn phát triển các hiệp định tự do thương mại với các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, đáng kể là vì những lý do địa dư chiến lược và ý chí ký kết các hiệp định với các quốc gia ASEAN. Trong những thành viên đó, có một số người như Bà Dân Biểu Arena (Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Âu Châu) hay bản thân tôi, là những người muốn làm sao để các hiệp định thương mại cũng tạo ra những bước tiến và những cải tổ về vấn đề các quyền căn bản.

Nhưng thực chất có một đa số hiện nay đang tô vẽ ra cho mình lý luận ủng hộ kiểu hiệp định này bất chấp chế độ mà mình muốn buôn bán với họ. Lý luận của Ủy Ban Âu Châu chính là nói rằng mình ký kết một hiệp định thương mại chứ không phải một hiệp định về các quyền con người. Nhưng đối với tôi, tất cả những điều này gắn kết chặt chẽ với nhau. Người ta không thể đầu tư trong một nước không tôn trọng con người, không tôn trọng xã hội dân sự và không tôn trọng các quyền căn bản.

Phạm Minh Hoàng: Xin cảm ơn Bà, chúc Bà mạnh khỏe.

https://viettan.org/phong-van-dan-bieu-saskia-bricmont-ve-hiep-dinh-thuo...