Những sáng kiến chống tha hóa xã hội; thăng tiến nền dân chủ

Theo tôi, vấn đề chúng ta mắc phải hôm nay không phải là câu chuyện con người tốt-con người xấu mà là vấn đề tha hóa hệ thống. Trong hệ thống tha hóa, người tốt rất khó tồn tại

http://www.thanhblog.org/2014/04/tranh-au-trong-mot-xa-hoi-tha-hoa.html.

Nguyên nhân gây ra tha hóa hệ thống có nhiều nhưng tôi thấy có hai nguyên nhân: thông tin thiếu minh bạch và lợi ích được phân bổ sai.

 

Dựa trên góc nhìn trên, tôi xin đưa ra một số sáng kiến có thể chống sự tha hóa hệ thống; tăng cường nền dân chủ.

A. Sáng kiến trong nước

1. Thương hiệu cho những công trình công

Chúng ta thấy những sản phẩm có nhãn mác, có thương hiệu luôn luôn có chất lượng, an toàn hơn những sản phẩm trôi nổi vô danh. Những công trình công cộng cũng vậy. Hiện nay gần như những công trình công cộng như: đường xá, bến cảng, trường lớp… đều rất khó xác định những thông tin như: ai quyết định, ai xây, ai giám sát,... Ngay cả Quốc hội cũng thừa nhận là thất thoát trong xây dựng cơ bản là rất lớn. Những thất thoát này có đích đến là túi những quan tham, những nhà thầu phe cánh,… Trong khi người chịu thiệt hại là dân. Dân là người chi tiền (qua thuế) nhưng lại thụ hưởng những sản phẩm kém chất lượng với giá thành đắt đỏ.

 

Những thất thoát trong xây dựng cơ bản không chỉ gây thiệt hại kinh tế, làm nghèo đất nước mà chính nó góp phần thúc đẩy sự tha hóa xã hội.

 

Từ những thực tế trên, tôi đưa ra sáng kiến: chúng ta cần yêu cầu quốc hội thông qua luật minh bạch các công trình xây dựng công. Tại mọi công trình sau khi hoàn thành phải gắn bản thông tin đầy đủ các thông số: ngày khởi công, ngày hoàn thành, người quyết làm, người thi công, người giám sát, số tiền đầu tư, tuổi thọ công trình,... Cần có một cổng thông tin để mọi người có thể truy cập.

Tôi cho rằng nếu sáng kiến này được cộng đồng ủng hộ, thúc đẩy thực hiện thì sẽ góp phần rất lớn trong việc chống tha hóa xã hội cũng như thúc đẩy nền dân chủ trong trật tự.

Sáng kiến này còn góp phần giải quyết hai vấn nạn nhức nhối hiện nay là tham nhũng và tai nạn giao thông (những con đường có thương hiệu chắc chắn sẽ có chất lượng và an toàn hơn).

2. Minh bạch thông tin trong hỗ trợ người nghèo

Tôi biết, chính phủ chi một lượng tiền rất lớn để hỗ trợ người nghèo thông qua đủ loại dự án. Và tôi biết số tiền đến tay người nghèo rất ít (số tiền rơi rớt trên đường do nuôi bộ máy cồng kềnh, do tham nhũng ăn chặn,...). Có một thực tế là có nhiều người được hưởng lại không thuộc đối tượng xứng đáng mà là do quen biết nên chạy chọt hợp thức hóa giấy tờ: rất nhiều chung cư, nhà ở xã hội không đến tay người nghèo mà đến tầng lớp biết chạy.

 

Để giải quyết điều này, chúng ta cần vận động quốc hội ra luật minh bạch: qui định tất cả những ai được hưởng hỗ trợ từ nhà nước phải có tên tuổi, số tiền hưởng,... công khai minh bạch. Lập một cổng thông tin để mọi người có thể tiện theo dõi, giám sát. Người dân có quyền biết vì tiền dùng để cứu trợ là tiền của dân đóng góp.

B. Sáng kiến có tầm quốc tế
 

1. Minh bạch các khoản viện trợ, vay mượn

Những nước nghèo như nước ta, hàng năm nhận viện trợ cũng như vay mượn các nước một khoản tiền rất lớn. Chính người dân là người sau này phải trả những khoản nợ đó nhưng họ lại không biết gì. Đây là một nguy cơ nuôi dưỡng tham nhũng, làm tha hóa xã hội.

 

Trong một thể chế mà nền dân chủ còn yếu thì tranh đấu cho sự minh bạch sẽ rất khó khăn, do vậy chúng ta cần dùng ngoại lực bên ngoài. Chúng ta cần yêu cầu những nước viện trợ, cho chúng ta vay phải minh bạch tất cả các khoản để người dân dễ dàng biết và giám sát. Tôi nghĩ nếu chúng ta làm được điều này sẽ rất hữu ích trong việc thúc đẩy nền dân chủ đất nước.

2. Chương trình giáo dục nền tảng toàn cầu

Tôi thật sự giật mình khi biết rằng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời năm 1948, Việt Nam tham gia ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1982 nhưng tôi thấy rất nhiều người dân gần như không biết gì về vấn đề này. Có một thực tế là các chính phủ độc tài thường bưng bít thông tin, ngăn chặn bước tiến dân chủ. Các nước càng độc tài độc đoán thì ngoài việc ngăn chặn thông tin, họ còn tuyên truyền tẩy não khủng khiếp.

Thực tế trên không chỉ làm thế giới trở nên bất ổn mà còn làm cho các nước nghèo lạc hậu chậm tiến đến văn minh, người dân hứng chịu nhiều đau khổ.

Để giải quyết vấn đề trên, chúng ta cần vận động thúc đẩy sáng kiến thiết lập một nền giáo dục nền tảng cho toàn cầu; ở đó những giá trị phổ quát như nhân quyền, kinh tế tự do… được truyền dạy bắt buộc cho mọi người.

 

Tôi cho rằng sáng kiến này vô cùng hữu ích không chỉ thúc đẩy nền dân ở các nước nghèo, độc tài như nước ta mà còn làm cho nền dân chủ thăng tiến trên toàn cầu. Dân chủ đồng nghĩa với sự thịnh vượng và chống sự tha hóa xã hội.

 

Rất mong nhận được sự quan tâm bàn luận và thúc đẩy những sáng kiến trên

Trân trọng.

Đà Nẵng, ngày 19.4.2014

N.V.T.