Những hạn chế của nền giáo dục Việt Nam

Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|

Hầu hết các quốc gia trên thế giới, giáo dục được coi là nền tảng của mọi mặt phát triển của đất nước. Giáo dục cung cấp tri thức khoa học kỹ thuật cho công dân để có thể bắt kịp, làm chủ và chinh phục được khoa học kỹ thuật thế giới, phục vụ sự phát triển của nước nhà. Vì thế giáo dục cũng là thước đo trình độ hiện đại của một quốc gia, không phải bằng lời nói suông mà bằng hành động thực tế.

Mới đây trước diễn đàn đại hội đảng lần thứ XIII,  ông Phùng Ngọc Nhạ Bộ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo đã trình bày phần tham luận của mình, trong đó nêu lên 9 thành tựu nổi bật bên cạnh 5 hạn chế của ngành giáo dục. Bỏ qua phần ca cẩm về những thành tích giáo dục của ông bộ trưởng, 5 hạn chế đáng lưu ý đó là:

1/ Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo;

2/ Tình trạng thừa, thiếu giáo viên chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong xã hội;

3/ Mạng lưới giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chưa phù hợp;

4/ Hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu còn quá thô sơ, chưa đồng bộ;

5/ Chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách giáo dục mới.

Dù có 5 hạn chế như vậy – mà thực tế là những khuyết điểm trầm trọng, ông Bộ Trưởng Nhạ vẫn khoe nền giáo dục Việt Nam đạt được những kết quả “đáng ca ngợi.” Ông Nhạ dẫn chứng theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới về vốn nhân  lực, năm 2020 Việt Nam đứng hạng thứ 15 tương đương với các nước Hòa Lan, New Zealand và Thụy Điển. Đây thật là kết quả đáng cho người ta phải giật mình. Vì nếu điều này là đúng như vậy thì ông Bộ Trưởng Nhạ phải thêm trong tham luận của mình cái hạn chế thứ 6 là nạn báo cáo láo về tình hình giáo dục Việt Nam.

Thật vậy, trong 6 hạn chế của nền giáo dục Việt Nam, 3 hạn chế sau đây đã làm giáo dục Việt Nam bị thui chột ngay từ cấp căn bản nhất. Nó khiến cho những người lãnh đạo ngành loay hoay trong những dự án cải cách giáo dục mà không cải cách được gì. Rốt cuộc Việt Nam không thể phát triển theo kịp các quốc gia lân cận, đừng nói tới bắt kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Giáo dục chậm tiến nên trong thực tế nền kinh tế Việt Nam không thoát khỏi cảnh gia công hay làm thuê cho nước ngoài.

Có thể xác định 3 hạn chế lớn nhất đang trói buộc nền giáo dục Việt Nam là:

– Tình trạng quản lý nhà nước, quản lý nhà trường trở nên nặng nề  vì đảng đã nhúng tay quá nhiều vào sự điều hành, tổ chức và quản trị các cơ sở giáo dục theo chính sách Xin – Cho. Nó phù hợp với quan điểm “đảng lãnh đạo toàn diện và xuyên suốt,” một quan điểm đầy sai lầm và lạc hậu của đảng CSVN. Vì thế trong hoàn cảnh ấy, giới tinh hoa có nhiệt tâm trong giáo dục không thể phát huy sự tự chủ. Những ai có khả năng nâng cao giáo dục nước nhà đều đi đến một kết cuộc bi thảm là “té lầu” chết một cách đầy bí mật!

– Với sự quản lý lạc hậu tất nhiên làm sao xây dựng được mạng lưới giáo dục mầm non, tiểu học và trung học phát triển theo kịp đà lớn mạnh của xã hội ngày càng thay đổi theo chiều hướng đi lên. Cải cách giáo dục được hô hào hàng năm để tiêu hàng trăm triệu đô-la, nhưng phẩm chất giáo dục ngày càng tụt giảm. Thế nhưng báo cáo của ông Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ thì đầy lạc quan khi cho rằng “chất lượng giáo dục tiểu học Việt Nam đứng vào tốp đầu của các nước ASEAN.”

– Từ những sự yếu kém trong quản lý, đưa đến hạn chế thứ ba là người dân không thể nào chấp nhận hoặc im lặng trước những đường lối, chính sách giáo dục bất cập của chính phủ. Chẳng hạn trong thời gian vừa qua, dư luận quần chúng đã tranh cãi  và quyết liệt chỉ trích bộ sách giáo khoa dạy tiếng Việt, chữ Việt do Bộ Giáo Dục đưa ra.

Trong khi đảng CSVN luôn kêu gọi về nhu cầu xây dựng một nền kinh tế công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số nhưng hệ thống giáo dục vẫn từ chương, vẫn rập theo khuôn khổ giáo dục Mác-Lê. Đồng thời lại ngăn cấm những phát biểu cởi mở trên các trang mạng xã hội của thanh niên và coi đó là tuyên truyền chống chế độ thì làm sao xã hội phát triển.

Nói tóm lại chính những hạn chế quản lý nhà nước và quản lý trường học theo đường lối Mác-Lê là nguyên nhân làm cho nền giáo dục Việt Nam phá sản. Đây là vòng kim cô tai họa trói buộc dân tộc Việt Nam cần được tháo gỡ, càng sớm càng tốt.

Phạm Nhật Bình