Frankfurt - Đức: Cầu nguyện cho quê hương trong ngày Đau Thương Dân Tộc

Cầu Nguyện Liên Tôn tưởng niệm ngày Quốc-Hận 30.4.2014 tại giáo xứ St. Lioba Frankfurt am Main- Bonames / Germany cùng với ông bà Võ Đại Tôn

 

Sáng nay trời mưa phùn, gió lạnh như cùng khóc số phận của toàn nước Việt Nam cách đây 39 năm rơi vào ách thống trị của độc tài đảng trị Cộng Sản. Đây là lời tâm sự của ông Võ Đại Tôn với đồng bào tại phòng hội giáo xứ St. Lioba. Ông không ngủ được nên dậy sớm, thầm nguyện cầu với Hồn Thiêng Sông Núi và các Đấng Anh Linh cho dân tộc.  Trong phần nghi lễ khai mạc do bà Lê Nhất Hiền điều hợp, người chiến sĩ cho tự do, dân chủ và nhân quyền này, mặc dầu tuổi cao và thân thể mang đầy thương tích vì nhiều lần bị tra tấn dã man, đã long trọng, kính cẩn quỳ xuống trước bàn thờ Tổ Quốc và các anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngâm bài văn tế hết sức cảm động. Cả hội trường im phăng phắc. Chỉ nghe có tiếng sụt sùi…

 

Linh mục Đinh Xuân Minh, người đứng ra mời đồng bào tham dự buổi Cầu Nguyện Liên Tôn, đã cảm tạ đặc biệt ông bà Võ Đại Tôn và tất cả những nỗ lực của nhiều người cho buổi gặp gỡ hôm nay. Ngoài ra, linh mục còn nhấn mạnh thành quả chống cộng sản nổi bật của vị tân thánh Đức giáo Hoàng Gioan Phalô I I, gốc người Ba-Lan, Sứ Điệp Fatima và vai trò của các giá trị tôn giáo trong công cuộc đấu tranh chống cộng sản.

 

Nữ mục sư Tin-Lành bà Nguyễn Thanh Dung trích Lời Phúc-Âm „Hãy cầu nguyện cho kẻ thù“ để đến đây cùng nhau nguyện cầu cho đất nước, quê hương, đồng bào của chúng ta, và đau nỗi đau chung khi phụ nữ Việt Nam bị mang bán như những món hàng. Bà kêu gọi hãy dùng ý chí và tấm lòng thay vì vũ khí và bạo lực. 

Đại diện Phật Giáo gồm ông Nguyễn Văn Phẩy, bà Lê Nhất Hiền, ông Hoàng Tôn Long, ông Nguyễn Khắc Giang và bà Lê Tuyết Mai xướng lên bài ca Phật Giáo Việt Nam. Sau đó là phần tụng kinh trong bầu không khí trang nghiêm cho quê hương  và những nạn nhân của chế độ Cộng Sản Việt Nam.

 

Trong phần tâm sự chiến sĩ Võ Đại Tôn nhấn mạnh, những món nợ ân tình với đồng bào thì không khi nào trả được. Vì thế, ông càng hạnh phúc khi được tiếp tục „đồng cảm và đồng hành với các bạn.“. Đặc biệt ông cám ơn linh mục Đinh Xuân Minh, BS Trần Văn Tích (chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại CHLBĐ) đã viết lá thư tay dài tâm sự (lúc này người ta thấy vị ngục sĩ rơi nước mắt cảm động), và nhất là anh chị Trí – Mai, hai người em trong nhà, âm thầm đóng góp công sức cho chuyến đi sang Âu Châu này…
Và như để vinh danh Tổ Quốc, tưởng niệm các nạn nhân và lên án chế độ phi nhân nghĩa, ông Võ Đai Tôn kể 3 câu chuyện sau liên quan đến biến cố 30.4. và liên quan đến tình thương tổ quốc, mà biểu tượng là Mẹ Việt Nam / Mẹ Âu Cơ / Người phụ nữ Việt Nam:

a) Khi tham dự một Hội Nghị Nhân quyền tại Moskau, nơi ông cắm cờ vàng ba sọc đỏ, đã có một người con gái Việt Nam là đảng viên cộng sản được chỉ định làm thông dịch viên tiếng Nga cho ông. Sau bốn ngày làm việc, khi chia tay ra phi trường, người nữ đảng viên cộng sản đó nói: „Cho cháu xin Bác một điều duy nhất là được gọi Bác bằng Bố.“ Ông Võ Đại Tôn xúc động đánh giá rằng, đây là một cử chỉ nói lên tình tự dân tộc cao quý.

 

b) Câu chuyện thứ hai diễn ra trong chuyến đi Đông Nam Á để trùng tu 2500 ngôi mộ của những thuyền nhân Việt Nam bị bỏ hoang tại các trại tỵ nạn. Người bản xứ đã thuật lại bối cảnh về một ngôi mộ mang tên „Miếu ba Cô“ như sau: Ba người phụ nữ này đã bị hải tặc hiếp áp. Vì không thể chấp nhận mối nhục này nên ba vị đã cùng treo cổ tự vận. Dân cư địa phương cảm phục nên đã lập miếu này để tưởng nhớ. Ông Võ Đại Tôn uất ức đặt câu hỏi: „Chế độ nào đã đưa người phụ nữ Việt Nam đến cùng cực đó?“

 

c) Trong suốt thời gian 10 năm bị biệt giam, nằm trong xà lim tăm tối, liếm máu mình sau những khi bị tra tấn dã man (96 lần), ông Võ Đại Tôn đã chứng kiến một tiến trình phũ phàng, phản ảnh bản chất thâm độc và vô luân của chế độ cộng sản: Số lúc ấy, có một bé gái 5 tuổi thỉnh thoảng đi ngang qua khe cửa sổ nhà tù và ném xuống những mảnh giấy để tù nhân xếp thành tầu hoặc máy bay cho bé chơi. Bẵng đi một thời gian, bé gái 10 tuổi, có lúc vẫn đi ngang qua khe cửa sổ nhưng hoàn toàn im lặng không nói gì. Đến năm 15 tuổi có lần cháu gái đi ngang qua, tù nhân gọi lại, nhưng cháu quắc mắt, nói:“Câm mẹ cái mồm mày lại! Đồ phản động!“ Đau điếng trong lòng ông Võ Đại Tôn nhận định: Chế độ Cộng Sản Việt Nam vô lương tâm, mị dân, biến thế hệ trẻ thành công cụ cai trị vô tri, vô giác.

Trích lời của mục sư Tin-Lành Martin Luther King „Tôi có một giấc mơ: Tôi không sợ những lời chống đối, nhục mạ, nhưng sợ sự im lặng của bạn bè.“, ông Võ Đại Tôn kêu gọi hãy lên tiếng vì im lặng là tiếp nối cho sự ác bành trướng; hãy dùng những viên đạn đúc bằng máu của tim, kết tinh từ tiếng gọi của tình thương Dân Tộc. Và ông quyết tâm đi đến cùng mục tiêu như trong bài thơ „Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây!“ mà ông viết năm 1972: „Chúng con nguyện đi dựng lại Quê Hương!“

Phu nhân Võ Đại Tôn  người phụ nữ tuyệt vời

 

Qua phần đặt câu hỏi, anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh, xin bà phu nhân Võ Đại Tôn chia xẻ về những động lực, yếu tố nào đã giúp bà kiên trì chờ chồng và nuôi con suốt mười mấy năm trời:

„Khi vừa nghe tin chồng bị bắt, tay chân tôi rụng rời. Trái tim tôi tan nát. Tôi vô cùng đau khổ nhưng cũng rất hãnh diện… Nhờ tình thương của gia đình tôi, tình yêu của tôi cho anh Tôn, và những giúp đỡ của chính phủ Úc đi kiếm tin mà tôi mới có thể vượt qua được những khó khăn và cám dỗ của những năm tháng dài mong chờ… Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam liên tục chơi trò đưa banh, đẩy trách nhiệm trả lời những văn thư của bộ ngoại giao Úc Châu lúc thì qua bộ nội vụ, lúc thì qua bộ ngoại vụ… Cho mãi tới khi một tờ báo lớn ở Úc loan tin Hoàng Cơ Minh bị chết năm 1989, và ở cuối bài có ghi, Võ Đại Tôn đã bị xử tử, thì tôi đã liên tục lên bộ ngoại giao để xin giấy khai tử… Mãi đến năm 1991, chiều hôm đó bộ ngoại giao gọi điện thoại cho tôi, thông báo, ngày mai chồng bà sẽ về… Chưa tin được, tôi gọi trực tiếp cho ông giám đốc sự vụ Á Châu nhờ ông xác định… Rồi lòng tôi lâng lâng, ôm con mà không sao ngủ được… Đến khi đài VOA loan tin tôi mới cảm thấy trong lòng như bài hát của Trầm Tử Thiêng: „Có tin vui trong giờ tuyệt vọng“… Khi ra tới phi trường rất đông đồng bào đang chờ, tôi thấy được đồng cảm và vô cùng tri ơn…“

Trong phần văn nghệ các bạn trẻ như Lộc - Lan - Thông v.v. mời mọi người cùng hòa ca những nhạc phẩm rất thôi thúc và động viên tinh thần mọi người:

„Một ngày Việt Nam,
Ngày thoát bóng đêm dài lầm than.
Ngày thế giới reo mừng hòa vang.
Trong khúc hát một ngày “Việt Nam”.

(Trúc Hồ / Trầm Tử Thiêng)

MINH-HOÀI