Dư luận Nhật về quyết định ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam

Ngày 02/06/2014 vừa qua, hầu như tất cả cơ quan truyền thông ở Nhật đều loan tải tin tức về chuyện Tokyo tạm ngưng viện trợ ODA cho Hà Nội và các khoản cho vay mới cũng bị tạm ngưng. Quyết định này đã được ông Ishikane  Kimihiro, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế thuộc bộ Ngoại giao Nhật, thông báo trong cuộc họp với ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng  bộ Giao thông -Vận tải.

 

Phản ứng chung của dư luận Nhật về quyết định này khá phức tạp. Một mặt, trên nhiều diễn đàn Internet và trong các cuộc phỏng vấn của báo đài Nhật trên đường phố, hầu hết dân Nhật đều đồng ý là không thể để tiền thuế của dân Nhật tưởng là giúp nước Việt Nam nhưng lại chạy vào túi riêng của các quan chức tham nhũng Việt Nam. Họ tán thành quyết định tạm ngưng viện trợ ODA cho đến khi nào phía Việt Nam thật sự điều tra làm rõ nội vụ. Tuy nhiên, không ít các nhà phân tích thời cuộc đặt câu hỏi: tại sao chính phủ Nhật lại đưa ra quyết định vào thời điểm này, khi mà chính phủ Nhật đang khuyến khích Hà Nội chọn thái độ mạnh mẽ hơn trong việc chống Trung quốc bành trướng ở biển Đông.

 

Thật vậy, vì tin ngưng ODA liên quan tới mối lo hàng đầu là chống Tàu của dân Nhật nên truyền thông tại đây dành nhiều thời giờ ôn lại toàn bộ nguyên nhân dẫn đến quyết định này. Chẳng hạn như trong bản tin vào lúc 22 giờ 15 phút tối ngày 2 tháng 6, đài truyền hình quốc gia Nhật NHK ôn lại chuyện cán bộ, quan chức cao cấp Việt Nam nhận tiền hối lộ từ công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) trong dự án xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt do quỹ ODA của Nhật tài trợ. Vụ hối lộ này bị phát giác vào cuối tháng 3 năm nay và chính phủ Nhật đã yêu cầu phía Việt Nam điều tra làm rõ sự việc hầu ngăn chận tệ nạn hối lộ.

Thoạt tiên phía Việt Nam nhanh lẹ đáp ứng ngay lời yêu cầu này. Họ biết nếu không hợp tác điều tra sẽ bị Nhật tạm ngưng viện trợ ODA như hồi cuối năm 2008 với vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ từ công ty Tư vấn Quốc tế Thái bình dương (PCI) để cho công ty này trúng thầu xây cất Đại lộ Đông Tây. Vào tháng 4/2014, Thứ trưởng Giao thông & Vận tải của Việt Nam là ông Nguyễn Ngọc Đông đã bay sang Nhật để thu thập các thông tin chính thức từ cơ quan công tố Nhật về vụ công ty JTC đưa hối lộ cho quan chức Việt Nam. Trước khi trở về nước, ông Thứ trưởng Đông cũng tuyên bố với báo chí Nhật rằng Việt Nam cam kết hợp tác tích cực để đẩy mạnh điều tra hầu xử lý vụ việc. Sau  2 tháng chờ đợi, quyết định ngưng viện trợ ODA của chính phủ Nhật cho thấy phía Việt Nam đã không thật sự hợp tác và đẩy mạnh điều tra như lời ông Thứ trưởng Đông cam kết. Trong khi đó, phía Nhật đã xử xong vụ công ty JTC vào ngày 25/04/2014 với phán quyết  công ty này có tội. Trong số các hình phạt, công ty JTC cũng bị cấm không được đấu thầu các dự án theo vốn ODA trong vòng 1 năm rưởi. Phán quyết này đã làm cho công ty JTC mất mặt và uy tín đến độ Tổng  Giám Đốc công ty, ông Kakinuma, đã xin lỗi và từ chức sau đó.

 

Giới truyền thông Nhật cũng đặt câu hỏi tại sao báo đài Việt Nam không đề cập gì đến một sự việc đáng chú ý như vậy. Chẳng hạn như trong phần thời sự quốc tế của đài truyền hình Sakura TV Cable kênh số 132, đài này thắc mắc trong khi trên trang nhà của bộ Ngoại giao Nhật, bộ phận trách nhiệm viện trợ ODA Nhật đăng rõ ràng là Nhật Bản tạm ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam nhưng ngay cả bộ Giao thông & Vận tải của Việt Nam cũng chẳng hề đề cập đến chuyện này, chứ chưa nói gì đến các báo đài khác. Đây không phải là một sự việc nhỏ. Nó  ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của Việt Nam, vậy mà nhà cầm quyền vẫn không cho dân biết. Nội thái độ đó cũng cho thấy khó mà có được sự hợp tác đúng nghĩa từ phía nhà cầm quyền Việt Nam. Không chỉ dân Nhật mà nhiều chính phủ khác đang theo dõi sự việc. Nếu Hà Nội không tự  loại bỏ được cái ‘’rỉ sét’’ đó đi, thì không phải chỉ Nhật Bản mà còn nhiều quốc gia khác cũng sẽ ngưng viện trợ.

Theo một số nhà ngoại giao tại Tokyo, thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam qua lời của ông Phùng Quang Thanh tại cuộc Đối thoại Shangri-La 13 diễn ra ở Singapore vừa rồi cũng đã góp phần dẫn đến quyết định tạm ngưng ODA. Nếu ông Phùng Quang Thanh tuyên bố một thái độ cương quyết bảo vệ lãnh hải, lãnh đảo của Việt Nam trước sự xâm lược của Trung quốc giống như ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố tại Miến Điện và Philippines, thì có lẽ Thủ tướng Abe đã tìm một giải pháp khác. Quyết định tạm ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam vừa cho thấy sự thất vọng của chính phủ Nhật vừa cho thấy thế bí của họ không thể biện minh với công chúng Nhật nếu tiếp tục đổ tiền của dân ra biển./.