Chiến tranh Trung Quốc - Nhật Bản?

Ông Lý Thái Hùng nói về sự leo thang xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên quần đảo Senkaku

http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2014/02/20140216-ctm-...

Thanh Thảo thực hiện

 

Trong lúc dư luận thế giới đang phẫn nộ về quyết định của nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc buộc tất cả những tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép trước khi vào đánh bắt thủy sản khu vực biển Đông hôm đầu tháng 1 năm 2014, thì hai tuần sau Asahi Nhật Báo loan tải rằng Trung Quốc đang chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc sau đó đã lên tiếng bác bỏ nguồn tin này và cáo buộc rằng phe cực hữu tại Nhật đã ngụy tạo bản tin này để kích lên chiêu bài chống Trung Quốc lan rộng đến Đông Nam Á.

 

Hai sự kiện nói trên diễn ra vào lúc một số cán bộ cao cấp trong giới truyền thông Nhật lên tiếng phủ nhận vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 mà quân đội Thiên Hoàng Nhật đã giết hại ít nhất 25 ngàn thường dân vô tội khi tiến vào Nam Kinh. Những diễn biến này cho thấy là xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku đã leo thang lên thành cuộc chiến chủ nghĩa dân tộc giữa hai nước, và đã làm cho dư luận quan tâm nghĩ rằng cuộc chiến Trung Nhật có thể xảy ra trong thời gian tới. Để tìm hiểu thêm vấn đề này Thanh Thảo xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.

Thanh Thảo: Mặc dù Trung Quốc lên tiếng phủ nhận việc thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông nhưng phía chính quyền Hoa Kỳ qua Trợ lý ngoại trưởng Danny Russel lại tiếp tục lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về việc này và đòi hỏi Bắc Kinh phải điều chỉnh lại tuyên bố chủ quyền trên biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế. Theo ông thì những phát biểu của ông Danny Russel mang ý nghĩa gì vào lúc này?

 

Lý Thái Hùng: Vào cuối năm ngoái, tờ South China Morning Post trích lời Đại sứ Trung Quốc tại Philippines là bà Mã Khắc Khanh nói rằng Bắc Kinh có quyền quyết định thời gian và địa điểm thành lập một vùng nhận dạng phòng không mới, sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.

 

Có lẽ do lời tuyên bố của bà đại sứ Trung Quốc tại Phi Luật Tân - nước đang kiện Trung Quốc về chủ trương đường luỡi bò chín khúc - khiến cho dư luận nghĩ là Trung Quốc đang chuẩn bị việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Tuy Trung Quốc chưa xúc tiến việc này; nhưng cuối tháng 1 năm 2014, nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam lại ra quyết định bắt các tàu nước ngoài phải xin phép khi vào đánh bắt hải sản trên biển Đông nên đa số dư luận đều nghĩ rằng sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.

 

Do đó, dư luận không tin vào sự lên tiếng phủ nhận của ông Hồng Lỗi, phát ngôn nhân của Trung Quốc về việc này vì theo kinh nghiệm quá khứ, Trung Quốc thường chỉ xác nhận sau khi họ đã hoàn tất một việc gì đó, tức là đặt dư luận thế giới vào việc đã rồi. Nói cách khác là Trung Quốc lên tiếng phủ nhận không có nghĩa là Trung Quốc hoàn toàn không tiến hành việc xây dựng vùng nhận dạng phòng không, mà là vì nó chưa hoàn tất nên chưa lên tiếng xác nhận mà thôi.

 

Chính vì biết rõ ý đồ của Bắc Kinh làm xong mới nói nên Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ ông Danny Russel đã phát biểu chận đầu với hai dụng ý:

 

Thứ nhất là ngăn chận bớt đà háo thắng của Bắc Kinh sau khi tỉnh Hải Nam bắt các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép. Chủ trương của tỉnh Hải Nam chính là bước đầu mà Trung Quốc muốn thăm dò phản ứng của dư luận để tiếp tục nhấn tới việc thành lập khu vực nhận dạng phòng không. Có lẽ do dư luận chung phản đối quá mạnh về quyết định của tỉnh Hải Nam nên Trung Quốc đành phải lên tiếng phủ nhận.

 

Thứ hai là cho thấy lập trường của Hoa Kỳ không chấp nhận những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông và buộc Trung Quốc phải thận trọng trong việc tuyên bố chủ quyền nằm trong khuôn khổ công pháp quốc tế.

 

Nói tóm lại, phát biểu của Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ ông Danny Russel muốn đưa ra tín hiệu là Hoa Kỳ muốn Trung Quốc phải ứng xử theo khuôn khổ công ước của Luật biển, và bỏ các quyết định như phải xin phép khi đánh bắt hải sản và lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.

 

Thanh Thảo: Dư luận chung của thế giới đang lo rằng, lợi dụng vấn đề xung đột quần đảo Senkaku với Trung Quốc, phe chủ chiến theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nhật Bản đang có những động thái muốn thay đổi Hiến pháp để tăng cường sức mạnh quân đội vốn bị cấm trong hiến pháp. Theo ông thì liệu Nhật Bản có ngả theo khuynh hướng chuẩn bị chiến tranh và Trung Quốc có khả năng đối ứng hay không?

 

Lý Thái Hùng: Thủ Tướng Abe đang cầm quyền tại Nhật Bản hiện nay là một trong 9 vị thủ tướng xuất thân từ tỉnh Yamaguchi, miền Nam Nhật Bản vốn là nơi sinh truởng của những nhân tài lãnh đạo và canh tân nước Nhật trong thời Minh Trị Thiên Hoàng. Chính vì thế mà tư chất của Thủ tướng Abe và những người liên hệ trong nội các lần này mang tinh thần dân tộc rất mạnh.

Sự kiện hai nhà lãnh đạo của tập đoàn truyền thông NHK Nhật Bản tuyên bố vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 là ngụy tạo, hoàn toàn mang ý nghĩa kích lên phong trào chống Trung Quốc để bài bác việc Trung Quốc tranh giành quần đảo Senkaku với Nhật. Theo tôi nó không có khả năng đi xa để trở thành một phong trào bài Trung Quốc tại Nhật hay trở thành một phong trào chủ chiến như Trung Quốc báo động vì phần đông dân chúng Nhật hiện nay rất lo sợ chiến tranh.

 

Tuy nhiên, vốn mang nặng tinh thần dân tộc và dùng yếu tố bảo vệ quần đảo Senkaku bằng mọi giá, Thủ tướng Abe và những người theo chủ nghĩa dân tộc đã tích cực khai thác sự hung hăng của Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông và cả biển Đông không phải để chuẩn bị chiến tranh mà nhắm vào hai mục tiêu:

 

Thứ nhất là tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng tự vệ Nhật Bản bằng cách gia tăng ngân sách quốc phòng để tân trang vũ khí, phương tiện mà không bị dư luận Nhật và thế giới chống đối.

Thứ hai là tạo thế liên kết với các quốc gia trong khu vực để bao vây và ngăn chận sự lớn mạnh của Trung Quốc tại Á Châu.

 

Trong hiện tại quân lực Trung Quốc chưa có đủ khả năng để tấn công đè bẹp lực lượng tự vệ Nhật, nhưng về lâu dài, nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển và lớn mạnh như hiện nay sẽ là mối đe dọa cho Nhật Bản.

 

Nói tóm lại, tuy có sự manh nha xuất hiện trở lại chủ nghĩa dân tộc tại Nhật Bản qua sự phát biểu của một vài trí thức, nhưng không nhằm vào xu thế chuẩn bị chiến tranh toàn diện với Trung Quốc vì thời điểm chưa chín muồi và Trung Quốc chưa có khả năng để đối đầu với lực lượng quân sự của Nhật.

Thanh Thảo: Nếu như theo sự phân tích của ông thì việc Trung Quốc bắn tin thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông chỉ là sự kiện tung hỏa mù trong dư luận để tránh né cuộc chiến với Nhật Bản hay không?

 

Lý Thái Hùng: Theo tôi nghĩ thì nhắm vào cả hai: vừa tránh né cuộc chiến với Nhật, vừa đặt ASEAN ở vào thế đã rồi trong vấn đề bàn thảo chủ quyền trên biển Đông.

Trước hết ta nói về lý do tránh né cuộc chiến với Nhật Bản.

 

Nếu cuộc chiến tranh xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản thì sẽ tập trung nhiều vào hai lực lượng hải quân và không quân, và thường thì Trung Quốc ra tay trước. Mặc dù Trung Quốc đã dành một ngân sách quốc phòng rất lớn trong 20 năm qua để tân trang lực lượng hải quân và không quân nhưng so với Nhật Bản thì còn thua rất xa trên phương diện vũ khí và kỹ thuật chiến đấu. Hơn thế nữa, Trung Quốc rất ngại sự can thiệp của các hạm đội Hoa Kỳ trên vùng Thái Bình Dương để hỗ trợ Nhật Bản khi bị Bắc Kinh tấn công. Điều này làm cho Trung Quốc phải dè chừng vì phải đối đầu không chỉ với lực lượng quân sự Nhật mà cả Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ làm cho lực lượng quân sự của Trung Quốc bị kiệt quệ sớm.

 

Ngoài ra, một vấn đề then chốt khác là Trung Quốc vẫn dựa vào một số mặt hàng công nghệ quan trọng, đặc biệt là các linh kiện điện tử của Nhật Bản cho nhu cầu xuất khẩu. Nếu cuộc chiến xảy ra, Nhật ngưng việc bán các mặt hàng nói trên, kinh tế Trung Quốc sẽ bị gặp khó khăn. Năm 2010 là năm Trung Quốc vui mừng tuyên bố GDP vượt Nhật Bản. Sự trổi dậy này của Trung Quốc không phải do tiềm lực của các công ty Trung Quốc mà đến từ những công ty nước ngoài và liên doanh nước ngoài với Trung Quốc chiếm tới 25% toàn bộ sản lượng công nghiệp và 99% hàng xuất khẩu máy tính Trung Quốc. Điều đáng quan tâm ở đây là những công ty này lại dựa vào hàng nhập khẩu của Nhật Bản, cho nên, loại bỏ hàng hóa Nhật Bản đồng nghĩa với loại bỏ các công ty đa quốc gia này và lúc đó Trung Quốc sẽ lấy gì để sống trước khi nói đến chuyện tiếp tục cạnh tranh kinh tế với Hoa Kỳ.

Kế đến ta nói về việc Bắc Kinh muốn đặt thế đã rồi đối với khối ASEAN.
 

Hiện nay, Trung Quốc và khối ASEAN đang bàn thảo về bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) và năm 2014 phải thông qua để làm nền tảng giải quyết các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước trong vùng biển Đông như Philippines, Việt Nam, Mã Lai, Brunei v...v… Thực tâm Trung Quốc không muốn thông qua COC mà chỉ muốn bàn thảo song phương với từng nước nên vì thế mà họ tìm mọi cách gây áp lực để làm nản khối ASEAN.

 

Việc bắn tin sẽ lập vùng nhận dạng phòng không tiếp theo sau lệnh bắt các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép trước khi vào đánh bắt hải sản trên biển Đông là một loạt những ý đồ mà Bắc Kinh muốn đặt ASEAN ở vào thế đã rồi dù COC có thông qua trong năm 2014. Hiện nay Trung Quốc đang còn bận tâm đối phó những chỉ trích của Nhật Bản và Nam Hàn về việc lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông nên chưa tính đến việc thành lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông. Nhưng sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ làm vì mục tiêu sau cùng của Bắc Kinh là buộc các quốc gia khi di chuyển trên vùng biển Đông và Hoa Đông đều phải xin phép Trung Quốc.

 

Nói tóm lại, tuy cuộc chiến Trung Nhật chưa có thể xảy ra trong tình hình hiện nay, nhưng nhìn vào các ý đồ của Trung Quốc cho người ta thấy rằng Trung Quốc đang từng bước thực hiện ý đồ kiểm soát toàn thể khu vực Á Châu Thái Bình Dương vào năm 2050 như họ đã vạch ra từ thập niên 60 của thế kỷ trước.

 

Thanh Thảo: Tháng 4 tới đây, Tổng thống Obama sẽ có cuộc thăm viếng Á Châu mà trọng tâm chính là khu vực ĐôngÁ . Theo ông thì chuyến đi của ông Obama kỳ này có những tác dụng ra sao về tình hình an ninh chung của Á Châu nói riêng và mối quan hệ Trung Mỹ sau khi Bắc Kinh cho thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển Hoa Đông?

Lý Thái Hùng: Theo tin tức thì Tổng thống Obama sẽ viếng thăm 4 quốc gia Á Châu gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia và Philippines vào cuối tháng 4 mà theo Tòa Bạch Ốc cho biết mục đích là gia tăng mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, an ninh ở khu vực Á Châu – Thái Bình Dương.

 

Sự kiện Tổng Thống Obama không viếng thăm Trung Quốc trong chuyến công du này cho thấy là Hoa Kỳ đã không coi mối quan hệ Trung Mỹ là quan trọng vào lúc này so với nhu cầu thắt chặt quan hệ với các đồng minh của Mỹ tại Á Châu là Nhật, Nam Hàn, Phi Luật Tân và Mã Lai. Rõ ràng là các động thái hung hăng của Trung Quốc trong thời gian qua có làm cho những đồng minh của Hoa Kỳ lo ngại. Chuyến công du Á Châu của Tổng Thống Obama lúc này đã nói lên hai ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất là Hoa Kỳ cho thấy quyết tâm sẵn sàng đứng bên cạnh các đồng minh cật ruột gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Mã Lai, Phi Luật Tân để chống lại các áp lực từ Trung Quốc. Sự hiện diện của ông Obama cho các quốc gia này tin tưởng là Hoa Kỳ không bỏ rơi họ nếu có xảy ra cuộc chiến tranh do Trung Quốc gây hấn trước tiên.

 

Thứ hai là Hoa Kỳ gián tiếp đưa một thông điệp cho Trung Quốc là phải chấm dứt các ý đồ bá quyền hay gây hấn với các quốc gia khu vực Á Châu qua việc thiết lập vùng phòng không và ngăn cấm các quốc gia đánh bắt thủy sản trên biển Đông.

 

Nói tóm lại, chuyến công du của Tổng thống Obama là nhằm tái xác nhận sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các đồng minh cật ruột Á Châu nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc.

 

Thanh Thảo: Trong bối cảnh có những giao động mạnh mẽ về tình hình an ninh khu vực như vậy , CSVN lại cưỡng bức người dân và dư luận không được nhắc nhở gì đến những biến cố đánh dấu những cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam như vụ xâm chiếm Hoàng sa tháng 1/1974; Chiến tranh biên giới tháng 2/1979 và Vụ xâm chiếm Trường sa tháng 3/1988. Nguyên do gì khiến cho CSVN phải khiếp nhược với Bắc Kinh như thế vào lúc này?

 

Lý Thái Hùng: Từ năm 1990 sau Hội nghị Thành Đô, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã trở thành một con cờ của Bắc Kinh từ lâu nên họ phải phục tùng các ý đồ của Bắc Kinh hơn là phục vụ nguyện vọng nhân dân Việt Nam. Việc CSVN ngăn chận dân chúng tổ chức các buổi lễ tưởng niệm những người đã chết vì chống lại Trung Quốc cho thấy họ không những không muốn làm cho Bắc Kinh khó chịu mà còn biểu hiện sự trung thành theo “Tàu” một cách triệt để đổi lấy sự bảo hộ của Trung Quốc.

 

Nói cách khác là CSVN đang nhìn thấy sự rệu rã của chế độ ở bên trong và sự chống đối của người dân ngày một gia tăng. CSVN nhìn thấy nguy cơ sụp đổ nên họ phải dựa vào Bắc Kinh để được bảo hộ từ kinh tế, chính trị cho đến các mặt về an ninh chiến lược. Ngày nào chế độ này còn tồn tại, dân tộc Việt Nam còn phải tiếp tục sống trong sự khống chế của Trung Quốc. Muốn thoát ra khỏi sự kiềm chế của Bắc Kinh, người Việt Nam trước tiên phải nỗ lực tranh đấu để chấm dứt ách cai trị của đảng CSVN và sau đó, bằng sức mạnh phản kháng của dân tộc, chúng ta mới giành lại những biển đảo đã mất và thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Đại Hán.

 

Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng đã tham dự cuộc hội luận hôm nay.

 

Nguồn: radiochantroimoi.com