Chống Nội Thù Hay Chống Ngoại Xâm Trước?

Trước hết, hãy cùng định nghĩa “nội thù” là gì, là ai?

Nội thù của dân tộc Việt Nam chính là những cá nhân, tập đoàn hay hệ thống cai trị nào đã khiến cho người dân phải sống trong nơm nớp lo sợ, bị tước đi quyền sống căn bản của mình, hủy hoại tiềm năng vươn lên của dân tộc, đẩy xã hội tha hóa tới mức bất công, tệ nạn, tham nhũng tràn lan, và đưa đất nước tới họa diệt vong bởi chiến tranh hoặc nạn ngoại xâm.

Câu hỏi “chống nội thù hay ngoại xâm trước” được đặt ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước ta hiện nay vì chính chế độ độc tài đương quyền là đầu mối cho ngoại xâm, khi họ đã:

 

• Bán rẻ lương tâm với Bắc Triều để tìm đồng minh chiến lược trong cuộc chiến “nồi da xáo thịt” Bắc-Nam/Quốc-Cộng trước năm 1975 (1945-1975), và bây giờ để duy trì quyền lực độc tôn trên đất nước. Lãnh đạo chế độ đã dâng hiến biển, đảo Tổ Tiên cho giặc, Hán hóa đất nước và tỏ ra nhu nhược trước những gây hấn của kẻ thù.

• Ngăn chặn sức bật cứu nước của toàn dân khi trấn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, và bỏ tù người yêu nước. Chưa kể đến tội họ đã hủy hoại mọi tiềm năng chiến đấu của dân tộc sau gần 4 thập niên bần cùng hóa đất nước trong một chủ thuyết ngoại lai, phi nhân và ngu xuẩn.

Nhưng nếu chúng ta dồn nỗ lực để dẹp sạch “nội thù”, thì liệu có tạo ra hoàn cảnh thuận lợi cho ngoại xâm tiến tới? tạo cơ hội cho những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc trong guồng máy hiện tại “cõng rắn cắn gà nhà”? Đợi dẹp xong nội thù thì có thể ngoại xâm đã thực hiện được mưu đồ ăn cướp bán phần hay toàn phần trên các vùng thuộc chủ quyền đất nước?

 

Do vậy, thực tế nhất là chúng ta phải làm cả hai việc song song:

1. Toàn dân “phất cờ khởi nghĩa” - không chờ đợi sự “cho phép” hay “lãnh đạo chống xâm lược” vốn chẳng hề có của những nhân vật “đỉnh cao” vẫn đang nhắm mắt bịt tai trước nhu cầu của đất nước và nguyện vọng của người dân.

2. Với chính nghĩa sáng ngời của dân tộc, những người thực tâm yêu nước trong hàng ngũ cầm quyền hiện nay sẽ bước về phía nhân dân để cùng bảo vệ quê hương. Trong khí thế sôi sục của toàn dân trước họa xâm lăng hiện nay, thành phần nào đi ngược với lòng dân chắc chắn sẽ bị đào thải.

3. Đây là cơ hội bằng vàng cho một thể chế đã có quá nhiều sai phạm có cơ hội sửa sai, chuộc lỗi, tái tạo lại tư duy cũng như cách hành xử để được cùng đồng hành với dân tộc. Mong là nguy cơ ngoại xâm và tinh thần bất khuất, độ lượng của dân tộc có thể “cảm hóa” được những người lầm đường, lạc lối, để họ biết tôn trọng quyền biểu tình của nhân dân, thả hết các tù nhân lương tâm, thành khẩn chung sức, chung lòng với toàn dân trong công cuộc cứu quốc cấp bách này.

Cũng có người âu lo rằng nếu toàn dân cùng với chế độ hiện nay “bắt tay” chống quân xâm lược và sau đó dân tộc Việt Nam chiến thắng, rồi những kẻ cầm quyền và hệ thống cai trị độc tài hiện nay sẽ lại vin vào “hào quang chiến thắng” của toàn dân để áp đặt tiếp thể chế toàn trị của họ lên đất nước, nhất là trong tay của họ vẫn còn công an và quân đội, thì sao?

Trước hết, như đã đề nghị ở trên, dân tộc chúng ta không hề muốn "bắt tay" với những kẻ thân Tàu đang ngồi ở ghế cai trị và nay đang lo chống đỡ cho Bắc Kinh. Dân tộc chỉ đón nhận những người còn lòng yêu nước và đặt vận mạng đất nước lên trên hết. Hơn thế nữa, nỗi âu lo nêu trên, trong thực tế sẽ không còn, nhất là ở thời điểm hiện nay!

Cuộc đấu tranh của dân tộc để giành lại quyền làm chủ đất nước trong nhiều thập niên qua, kinh nghiệm của thế giới, và với các phương tiện truyền thông hiện đại, dân tộc chúng ta đã trông thấy rất rõ con đường phải đi; chính họa xâm lược và tình trạng tụt dốc thê thảm của dân tộc so với thế giới đã đánh thức cả nước về:

• Hiểm họa độc tài – dù dưới hình thức nào đi chăng nữa.
• Nhu cầu dân chủ hóa và canh tân đất nước.
• Hiểm họa ngoại xâm và Hán hóa - sẽ luôn chờ chực nếu Việt Nam không có dân chủ.

Từ những ý thức này, mọi thành phần dân tộc - kể cả hàng ngũ đảng viên Cộng sản - sẽ không để yên cho độc tài ngự trị. Đặc biệt, trong nỗ lực chung vai sát cánh để chống ngoại xâm, đại khối dân tộc sẽ phải đứng chung về một phía, để lằn ranh giữa dân tộc và thiểu số độc tài bán nước, cơ hội chủ nghĩa trở nên rất rõ, rất đậm. Đây chính là cơ hội để toàn dân sàng lọc: Thiểu số nào manh tâm lợi dụng lòng yêu nước để thực hiện tham vọng quyền lực của riêng mình sẽ bị lật tẩy và đào thải./.

10 tháng 5, 2014
Ts Trần Diệu Chân