"Còn bao nhiêu cầu Lai Châu trên đất Việt?

Chuyện cầu hư, cầu sập ở Việt Nam ngày nay được coi như chuyện bình thường, không có gì đáng quan tâm đối với các quan chức nhà nước. Ngày 24/2 vừa qua cầu Chu Va 6, một cây cầu treo miền núi thuộc tỉnh Lai Châu  đã sập bình thường như thế và gây ra cái chết cho 9 người dân, bị thương hàng chục người khác. Kém may mắn cho nhà cầm quyền Lai Châu, lần này toàn bộ hình ảnh sập cầu được ghi lại trong một video clip và phát tán rộng rãi lên mạng xã hội cũng như trên báo chí.

Dư luận trong nhiều ngày đã xôn xao tìm hiểu và chia sẻ sự đau thương mất mát đối với những gia đình có người qua đời. Nhưng nếu không có đoạn video đó thì quả thực nhiều phần là số người dân chết và bị thương đó đã bị hất vào gầm giường như trong một tai nạn mà không ai biết đến. Bất quá gia đình các nạn nhân chỉ được chính quyền địa phương trích quỹ hỗ trợ vài triệu đồng làm ma chay rồi chấm hết.

Cầu treo Chu Va 6 không phải là cây cầu duy nhất đã sập. Còn biết bao những cây cầu khác như Chu Va 6 trên cả nước đã chịu chung số phận và có nơi tình trạng còn thê thảm hơn nhiều. Do đó, chắc chắn số người chết vì cầu đứt, cầu sập, cầu gẫy phải cao hơn Lai Châu gấp nhiều lần. Người ta còn nhớ năm 2007, chỉ mới sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ phía Vĩnh Long đã có 64 người chết, hàng trăm người bị thương. Điều khác biệt duy nhất với hôm nay là những tai nạn ấy còn thiếu các đoạn video thôi.

 

Nhưng ngay cả có video đó thì nhà cầm quyền cũng đối xử với các nạn nhân không hơn những kẻ chết qua đường. Nghĩa là địa phương nào tự lo, chỉ tung ra vài cử chỉ hỏi thăm để báo đài có dịp đưa lên cho thấy sự quan tâm, sự tỏ ra có trách nhiệm của các quan chức, thế là quá đủ. Như mọi khi, “văn hóa từ chức” thật xa lạ đối với Việt Nam!

Đến khi người dân đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm và sự chê trách càng lúc càng nhiều, lập tức người ta thấy các quan chức lớn nhỏ đua nhau lên tiếng “chỉ đạo” điều tra làm rõ nguyên nhân. Thủ tướng chỉ đạo xuống tỉnh, tỉnh chỉ đạo xuống chủ đầu tư, chỉ dần xuống đơn vị thiết kế thi công. Và cuối cùng đưa ra con bù lon gãy chịu trách nhiệm chính, vì nó không gãy thì cầu không sập, dù người ta khám phá ra nó chỉ bằng ½ kích thước thiết kế.

Cầu Chu Va 6 sập để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và cuộc điều tra có mở ra, nhưng việc xử lý có vẻ bị chậm  một cách bất thường. Theo nguồn tin một tờ báo trong nước, ông Trưởng Ban Quản lý dự án (QLDA) huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu trực tiếp quản lý xây dựng cầu này lại là con rể của ông Lò Văn Giàng, Bí thư tỉnh ủy Lai Châu. Có lẽ vì thế mà mọi sự “chỉ đạo điều tra” tạm dừng ở đó.

Thực ra , đây chỉ là cơ hội cho cán bộ điều tra kiếm ăn chút ít từ các cán bộ bị điều tra, nghĩa là dịp để cán bộ “cạp” lẫn nhau như đã thấy trong màn Dương Chí Dũng cống nạp cho viên tướng thứ trưởng Bộ công an, khi chạy án Vinalines.  Rồi đâu lại vào đấy, chưa bao giờ câu “sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi” lại nghe đúng đến thế.

Vì cả 2 phía đều biết công trình xây dựng nào cũng vậy, không phải riêng cầu đường. Cán bộ nào ngồi vào những ghế có ăn đều phải làm ăn gian dối, bớt xén vài chục phần trăm xi măng, sắt thép để củng cố khối tài sản riêng và chia chác lên trên. Trước đây, có người còn dám lấy “bê tông cốt tre” thay thế cho cốt thép để làm đường, xén bớt tiền đầu tư bỏ túi.

Mặt khác, dù có mở hàng chục cuộc điều tra, thanh tra, chẳng ai dại gì đụng chạm vào hệ thống chân rết của các quan chức để khỏi phạm nguyên tắc “bứt dây động rừng”. Phía nào cũng có gốc rễ bên trên hay ô dù che chắn, ăn chia, bảo vệ lẫn nhau chặt chẽ.

Cả những công trình gọi là “trọng điểm” như cầu Đà Rằng (Phú Yên) mới làm xong mặt cầu cũng bị xê dịch, sụt lún. Rồi cầu Rồng (Đà Nẵng), cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), đường hầm Thủ Thiêm bị nứt sau thời gian sử dụng không bao lâu. Năm 2007 cầu Cần Thơ sập nhịp dẫn và vô số các cây cầu nhỏ khác với vô số kiểu sập. Thế nhưng cũng có người như ông phó chủ tịch huyện Chư Pảh tỉnh Gia Lai còn cố biện minh cho cây cầu ở huyện ông tại “mưa lũ làm cầu tạo thành chữ V chứ không sập”!

Và thế là khi cầu sập, ai chết cứ chết trong im lặng, ai giàu cứ làm tiếp các cây cầu khác sao cho to hơn đẹp hơn, càng không bền hơn càng tốt. Vì đó là lý do để quy hoạch thêm cầu mới, phục vụ thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Cũng có người tự hỏi nếu chỉ lấy một cái núi gia sản của bất kỳ vị lãnh đạo "cả đời chỉ biết phục vụ nhân dân" nào ở thượng tầng hiện nay ra làm cầu cho dân thì được bao nhiêu cây? Những cầu ấy chắc chắn phải cứu được nhiều sinh mạng người qua cầu mà không cần kết tội một con bù lon nào!

Trong vụ này, quốc gia viện trợ tài chính là Đan Mạch đã vội vàng lên tiếng. Thật khổ cho những chính phủ tặng tiền nhưng không làm sao kiểm soát được phẩm chất và mức độ rút ruột công trình, vì họ làm sao hiểu được con đường ngoắt ngoéo của cán bộ nhà nước Việt Nam. Nhất là họ không hiểu tại sao bỏ tiền ra làm phước mà bị người dân trách móc khi công trình sụp đổ chết người như cầu Chu Va 6 vừa qua.

Nếu xem xét kỹ, tại Việt Nam những vụ sụp đổ từ công trình này đến công trình khác gần như chuyện phải có, không ít thì nhiều. Nhưng các nước viện trợ cũng không được báo cáo để suy xét, rút kinh nghiệm cho  những lần viện trợ sau, tạo ra một lỗ hổng to lớn về tài chính cho các quan chức tham ô thọc tay vào.

Lối viện trợ có vẻ vô trách nhiệm ấy đã vô tình tạo thêm nhiều nỗi khổ và chết chóc cho người dân Việt. Nó chỉ làm đầy túi tham cho các cán bộ nhà nước hơn là làm thăng tiến một xã hội vốn đang cần mọi thứ.

Tuy nhiên dù biết thế, từ lâu vẫn tồn tại một câu hỏi là liệu có kiểm soát nổi việc thực hiện các công trình xây dựng dù lớn hay nhỏ, dù là cầu hay đường hay nhà ở không? Đây là câu hỏi mà người trong cuộc hay người ngoài cuộc đều có thể trả lời chính xác. Cho đến giờ, câu trả lời vẫn là KHÔNG. Đơn giản là vì giới chức càng lớn ăn càng bạo và càng nhiều mánh khoé khó khám phá. Người đi thanh tra cũng ăn và ăn phần nhiều hơn người bị thanh tra. Từ đó, đi dần lên tới người đứng đầu đảng và nhà nước, câu trả lời cũng là không.

Nếu giải thích tóm tắt theo ngôn ngữ của ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch Quốc hội: đó là Lỗi Hệ Thống. Khó có cách diễn tả nào khác hơn khi nói “lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình.”                           

 

Từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình nghĩa là gì? Hãy nói về mô hình, có thể hiểu là phương cách quản trị việc nước, mà ông Nguyễn Văn An muốn nhấn mạnh về mặt kinh tế. Ông An chỉ thẳng ra lỗi lầm trong mô hình kinh tế của đảng ông, đó chính là chủ trương lấy “chế độ công hữu làm chủ yếu.”

Trong cùng hệ thống cai trị hiện nay, khi mảng ăn và mảng quản lý điều hành cùng là một nhóm người, cùng một đảng, bản chất hoàn toàn giống nhau, và quyền lợi cũng y như nhau thì hệ thống ấy đã hỏng, không còn là lỗi nữa./.