Buổi nói chuyện của ông Võ Đại Tôn với giới trẻ Việt Nam tại Bad Homburg, Đức quốc

Tuổi Trẻ Việt Nam và Cội Nguồn Dân Tộc
 

Die Füße eines Menschen sollten in seiner Heimat verwurzelt sein.
Mit seinen Augen aber sollte er die Welt überblicken.

(Bàn chân của con người nên cắm rễ trên quê hương.
Với cặp mắt thì con người nên nhìn thấy cả thế giới)
George de Santayana

Bad Homburg v.d. Höhe - Germany (31.5.2014)
 

“Hôm nay xin quý vị cho phép tôi được tâm sự với con cháu của chúng ta. Đó là bổn phận và trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ, để xây dựng một thế hệ tương lai cho Tổ Quốc Việt Nam. Chúng ta lìa xa tổ quốc đã 39 năm rồi; và sắp đến ngày tại nước Đức này chúng ta kỷ niệm 35 năm chiếc tàu Cap Anamur đón rước, hỗ trợ cho những người vượt biển ra đi đến định cư tại nước Đức. Có những người con của quý vị sinh ra tại nước Đức này. Quý vị đã đổ mồ hôi lao động; tìm đủ mọi phương cách để mưu sinh, ngôn ngữ bất đồng, đôi khi tuổi già sức yếu… chỉ có một mục đích duy nhất là làm thế nào tìm ra miếng cơm, manh áo để nuôi cho con mình học thành tài; và quý vị đã không có đủ thời gian để dạy dỗ cho con cháu mình về cội nguồn của dân tộc.

Ngày hôm nay, sau 35 năm con của quý vị đã có thể trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, khoa học gia, chính trị gia…. Cái sự thành đạt bác sĩ, kỹ sư, giáo sư…, chuyện đó có thời cơ, có bản lãnh, có thời gian thì sẽ học được, nhưng học LÀM NGƯỜI VIỆT NAM mới là điều vô cùng khó khăn, mà chúng ta không có đủ thời gìờ để truyền đạt tâm tư đó cho thế hệ mai sau. Rồi đây con cháu của chúng ta sống tại Hoa Kỳ, tại Úc Châu, tại Âu Châu, tại khắp nơi trên thế giới này sẽ trở thành những người Mỹ, những người Úc, những người Pháp. những người Đức…tuy trong dòng máu vẫn còn dòng máu của Việt Nam. Vì thế chúng ta gánh vác trên vai hai bổn phận: Bổn phận phục vụ cho đất nước đã cưu mang chúng ta và bổn phận phục vụ cho “thế hệ tương lai” của dân tộc. Đó là lý do mà ngày hôm nay tôi xin phép quý vị cho tôi được thưa chuyện cùng với các con, các cháu của tôi. Tôi muốn thay quý vị được tâm tình với các con, các cháu như một người bạn….” Đây là lời mở đầu buổi nói chuyện của ông Võ Đại Tôn với giới trẻ Việt Nam tại Bürgerhaus Kirdorf / Bad Homburg vào ngày thứ bảy, 31.5,2014.

Trong cử tọa có sự hiện diện khoảng 150 đồng bào  và các tổ chức và hội đoàn như: Hội NVTN Cộng Sản tại Frankfurt, Köln, Mannheim, Odenwald, Liên Hội NVTN tại CHLB Đức, VOVINAM, đảng Dân Tộc, Linh-Thao, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam hải ngoại, Hội Văn Hóa Phụ Nữ Việt Nam Tự Do Đức …

Ngoài phần tâm sự của diễn giả còn có mục văn nghệ Quê Hương và Tuổi Trẻ. Chương trình kéo dài từ 15:00 giờ đến 24:00 giờ

 


 

Sau nghi thức khai mạc với Quốc Ca Đức, Quốc Ca Việt Nam và một phút Mặc Niệm do anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh điều hợp, 2 cô sinh-viên Mimi Trần Thị Thanh Tâm và Loulou Trần Thị Anh Tú, đại diện cho Ban Tổ Chức chào mừng quan khách bằng Anh ngữ. Hai cô tự giới thiệu mình thuộc nhóm Sinh viên trẻ, rất thiếu kinh nghiệm trong vấn đề tổ chức; mặc dù vậy hai cô cùng các bạn khác đã mạnh dạn “lên chương trình” buổi Hội luận này với sự hỗ trợ của Ba Mẹ, các cô và các thân hữu. Hai cô thay mặt cử tọa cám ơn diễn giả Võ Đại Tôn, mặc dù đã lớn tuổi, nhưng đã không từ chối lời mời của các cháu, tới đây tâm tình với giới trẻ, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay tại Việt Nam đang xảy ra việc Tầu Cộng ỷ thế nước lớn uy hiếp nước nhỏ, xâm lấn chủ quyền “Lãnh thổ, Lãnh hải và Biển Đảo Việt Nam” để thực hiện giấc mơ “Bành Trướng” vào vùng Đông Nam Á. . Hai cô cũng cám ơn cử tọa, các Bác, các cô chú, các Ban Nhạc Frankfurt và Odenwald, các ca và nhạc sĩ đã phụ giúp dưới nhiều hình thức cho buổi tổ chức này thành công.
 

Mimi Trần Thị Thanh Tâm và Loulou Trần Thị Anh Tú
 

Trước khi vào phần thuyết trình, ca sĩ Thu Sương (Paris) và anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh mời cử tọa cùng đồng ca bài “Bài ca Tuổi Trẻ” của Phan Văn Hưng. Phần giới thiệu về diễn giả đã được 3 em học sinh Jonathan Hưng, Valentin Nam và Immanuel Tân đọc bằng Việt ngữ và Đức ngữ.

Ông Võ Đại Tôn đã nói chuyện với giới trẻ bằng Việt ngữ, Anh ngữ và Pháp ngữ. Ông ví số phận của người giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại giống như một nhánh cây khô, nhưng nếu để nhánh cây này vào nước thì nó sẽ đâm rễ, mọc lá và trổ hoa. Hoa này theo diễn giả Võ Đại Tôn tượng trưng cho TỰ DO và DÂN CHỦ. Với một bông hoa trên tay diễn giả nói: “Hôm nay tôi muốn tặng bông hoa này cho một tham dự viên nhỏ tuổi nhất trong hội trường này là cháu Immanuel Tân”.
 

Jonathan Hưng, Immanuel Tân và Valentin Nam

Ông khuyên giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại cần phải ghi nhớ 5 điều:

1) Học tiếng Việt Nam
2) Học lịch sử Việt Nam
3) Biết về nguồn gốc gia đình Việt Nam mình (Tại sao cha mẹ mình sống ở hải ngoại ? …)
4) Theo dõi tin tức nói về Việt Nam
5) Sống nhân hậu

 

Trong bài nói chuyện ông Võ Đại Tôn cho biết là từ năm 1976 đã có những tổ chức đấu tranh chống Cộng Sản ở hải ngoại, chẳng hạn như ở Âu Châu có tổ chức của ông Trần Văn Bá, ở Mỹ Châu thì có ông Hoàng Cơ Minh và ở Úc Châu thì có tổ chức mà diễn giả là chủ tịch. Ông còn cho biết, ông là người đầu tiên về lại quốc nội vào năm 1981; bị bắt và bị tù biệt giam hơn 10 năm ở trại tù Thanh Liệt, Hà Nội. Ông Trần Văn Bá về năm 1984 và bị xử tử. Ông Hoàng Cơ Minh về năm 1987 và đã hy sinh mạng sống.

Phần thảo luận thật sôi nổi với các câu hỏi gửi đến diễn giả như:

 

Làm thế nào để Chú sống còn trong tù?
Trong tù Chú có đọc kinh cầu nguyện không?
Khi Chú đi tù 10 năm về con trai Chú ra sao?
Làm gì để giúp cho Việt Nam?

…..

Các câu hỏi đều được diễn giả trả lời thỏa đáng trong tinh thần thân mật, rất chân tình và gần gũi với người trẻ.

Đêm văn nghệ sau phần giải lao được bắt đầu với bài: “Triệu con tim” (Trúc Hồ) do Tốp ca trẻ Frankfurt trình bày. Ban Văn Vũ “Điểm Sáng“ với những điệu vũ, trình diễn võ thuật Vovinam trông thật đẹp mắt. Ngoài ra còn có các bài đơn ca, song ca do các bạn trẻ đầy nhiệt huyết đóng góp. Buổi sinh hoạt với ông Võ Đại Tôn cùng giới trẻ Việt Nam kết thúc trong tâm tình:

 

“Từ khắp những phương trời và muôn lối đi trong đời,
gặp nhau trong tâm hồn Việt Nam sáng ngời.
Mồ hôi trên cánh đồng,
Mẹ ru trên núi sông,
tình quê hương ta ôm ấp trong lòng.
Chúng ta là bước người xông pha.
Chúng ta là những lớp phù sa.
Chúng ta là ngọn đuốc bùng to.
Chúng ta là TỰ DO.
Bạn hỡi, hành trang ta mang trong ta:
Một khối óc, một tấm lòng, một giấc mơ.” (Phan Văn Hưng)

Minh Hoài