Biểu tình hay không biểu tình?

Kể từ khi Bắc Kinh cho kéo giàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam, đã có nhiều tranh luận gay go trên thế giới mạng về câu hỏi " Có nên biểu tình chống Trung Quốc hay không?". Và khi nhà cầm quyền CSVN len lén tung tin công an sẽ "bảo vệ" cuộc biểu tình ngày 11/5/2014 sắp tới, các tranh luận lại càng gay go hơn. Người viết xin tóm lược một số luận điểm chính đã xuất hiện như sau.

 

Câu hỏi: "Nên biểu tình lúc này hay chờ xem nhà nước đối phó với Bắc Kinh ra sao?" đã dẫn đến các câu trả lời như sau:

·                     Toàn dân Việt Nam đã xem rất rõ hậu quả của chính sách "đối phó bằng phương thức ngoại giao" của lãnh đạo CSVN suốt từ Hội Nghị Thành Đô 1990 đến nay rồi. Các phản đối ngoại giao, mà chính yếu chỉ nói cho người Việt nghe, đã lập lại quá nhiều lần, từ những vụ cắt cáp 2 tàu thăm dò dầu khí đến hàng trăm vụ bắn, giết, cướp, đánh ngư dân Việt. Đến nay loại phản đối ngoại giao vô dụng đó đã vô tình trở thành lời cam kết là Hà Nội sẽ không làm gì thêm nếu Bắc Kinh  tiếp tục rấn bước xâm lược kế tiếp. Vì vậy, người Việt nên chờ đến bao giờ và hy vọng sẽ thấy gì sau khi chờ đợi?
·                     Hơn thế nữa, việc toàn dân biểu tình, cùng bày tỏ lòng yêu nước là nền tảng bắt buộc phải có cho BẤT KỲ đối sách nào của nhà cầm quyền. Mọi chính sách quốc phòng thành công trong lịch sử Việt Nam đều phải đặt trên nền tảng lòng yêu nước của toàn dân.

 

Câu tự vấn: "Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì đem lại ích lợi gì?" cũng đã được trả lời:

·                     Người dân Việt Nam cần biểu tình  để gởi thông điệp cho Bắc Kinh. Đây là thông điệp thực sự chứa đựng sự phẫn nộ tột cùng của dân tộc Việt Nam chứ không phải loại phản đối lấy lệ đã quá nhàm của nhà nước CSVN.
·                     Người dân Việt Nam cần biểu tình để thử nghiệm mức thành thật muốn bảo vệ đất nước của nhà cầm quyền CSVN. Nếu các trò trấn áp xảy ra, toàn dân sẽ thấy rõ lãnh đạo đảng vẫn chỉ quan tâm đến cái ghế cai trị của họ trên hết, nghĩa là muốn tiếp tục giữ chỗ dựa Trung Quốc bất kể tình trạng nguy hiểm đang đối diện đất nước.
·                     Nhưng quan trọng hơn cả, cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nhằm báo nguy và đánh thức lòng yêu nước của toàn dân vốn đã bị trấn áp trong nhiều năm qua đến độ gần như biến mất. Lòng yêu nước này là nền tảng vô cùng hệ trọng cho mọi nỗ lực bảo vệ đất nước.

 

Và lo lắng: "Nhưng nếu công an cứ nêu lý do chưa có luật biểu tình để trấn áp thì sao?" được đáp ứng với các luận điểm:

·                     Về mặt đạo lý, công an và giới lãnh đạo đảng KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN gì để cấm cản người dân bày tỏ lòng yêu nước. Những hình ảnh trấn áp chỉ cho thấy họ công khai chống lại lòng yêu nước của dân tộc.
·                     Về mặt pháp lý, công an và giới lãnh đạo đảng cũng KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN gì để cấm cản. Hiện nay, Việt Nam không có luật qui định việc đọc sách nơi công cộng, qui định việc mỗi ngày dân được ăn mấy bữa, qui định dân phải uống nước bằng ly hay bằng tay, v.v... và có ai chờ khi có các luật đó mới làm không? Nguyên tắc dân được làm tất cả mọi việc mà luật không cấm cũng vừa phát ra từ chính miệng ông Nguyễn Tấn Dũng trong thông điệp đầu năm 2014. Hơn thế nữa, quyền biểu tình là một phần của quyền tự do ngôn luận được ghi trong các văn bản quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký kết, và cũng được công nhận trong chính bản Hiếp Pháp mà đảng CSVN áp đặt lên cả nước.
·                     Do đó, dù công an dùng bất kỳ loại lý cớ nào để trấn áp biểu tình thì chính họ đều biết đó chỉ là ngụy biện và lãnh đạo đảng CSVN biết họ sẽ phải trả giá đắt cho những hành động bạo hành côn đồ của công an đối với người biểu tình yêu nước. Hàng ngàn máy chụp hình của người dân sẽ theo dõi từng hành vi, từng bộ mặt, và từng bảng tên của công an.

Nhưng rắc rối hơn, câu hỏi " Nếu nhà nước tổ chức các cuộc biểu tình thì sao, có nên tham gia không?" cũng đã được góp ý:

·                     Nên tận dụng các cuộc biểu tình loại này để giương lên các băng rôn, các biểu ngữ mang thông điệp của những người Việt yêu nước thực sự, chứ không chỉ có những khẩu hiệu phản đối "cầm chừng" của nhà cầm quyền. Cụ thể như những biểu ngữ kêu gọi thả ngay những người yêu nước trong tù ngục; kêu gọi chấm dứt ngay chính sách 16 chữ vàng nguy hiểm; yêu cầu xác định Bắc Kinh là thù hay là bạn; tuyên bố nhân dân Việt Nam đứng cùng nhân dân Trung Quốc chống lại chủ nghĩa bá quyền của giới lãnh đạo Bắc kinh,... Nếu công an giật xé các băng rôn, biểu ngữ của người dân thì hình ảnh đó, một khi lan truyền khắp mạng Internet, sẽ là bằng chứng không thể chối cãi về sự giả tạo của lãnh đạo đảng.
·                     Nhưng quan trọng hơn nữa, loại biểu tình này, dù mang tính biểu kiến, vẫn tạo tiền lệ rất tốt cho các cuộc xuống đường trong tương lai. Những người Việt yêu nước sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình trong những tuần, những tháng kế tiếp chứ không làm một lần cho có rồi thôi, như nhà cầm quyền mong muốn. Nếu họ trấn áp các lần biểu tình kế tiếp thì một lần nữa bộ mặt gian dối của lãnh đạo đảng sẽ hiện rõ.

 

Tóm tắt lại, người yêu nước cần và sẽ khai dụng mọi tình huống để đánh thức lòng yêu nước của đồng bào mình càng nhiều, càng nhanh, càng quí. Tình trạng đất nước đã và đang nguy ngập lắm rồi!