Báo động đỏ cúm Tàu ở quanh nước Đức

Phan Ba
Ngoài Ba Lan (14,7) và Thụy Sĩ (34), không quốc gia nào có biên giới với Đức nằm dưới giới hạn 50 ca nhiễm trên 100.000 dân trong vòng 7 ngày. Bị ảnh hưởng nặng nhất hiện nay là Pháp với 108,9 ca và Cộng hòa Séc với 133,9 ca. Vương quốc Anh, quốc gia gần đây đã áp dụng các quy định hạn chế mạnh mẽ hơn đối với đời sống công cộng, hiện đang ở mức 44.

Thành phố München (Munich) phản ứng trước số người bị lây nhiễm cao. Để ngăn chặn virus Vũ Hán, thành phố München đã quyết định bắt buộc đeo khẩu trang ở một số nơi công cộng và đường đi ở trung tâm thành phố. Quy định sẽ được áp dụng từ thứ Năm. Ngoài ra, thành phố đang đưa ra các hạn chế trong cuộc sống công cộng và riêng tư do số lượng nhiễm virus tăng lên. Thị trưởng Dieter Reiter cho biết, kể từ thứ Năm, chỉ có năm người hoặc hai hộ gia đình được gặp nhau ở thủ đô của bang Bayern (Bavaria). Điều này áp dụng trong không gian riêng tư và công cộng lẫn trong phạm vi nhà hàng quán ăn. Ở bang Bayern (Bavaria), 8.800 học sinh và 771 giáo viên hiện buộc phải cách ly tại gia. Có 343 học sinh và 48 giáo viên được xác nhận là bị nhiễm bệnh.

Nhà virus học Christian Drosten cho rằng nước Đức vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho giai đoạn sắp tới của đại dịch. "Bây giờ đại dịch mới thực sự bắt đầu." Thành công cho đến nay đơn giản là do nước Đức đã phản ứng sớm hơn các nước khác khoảng 4 tuần. "Chúng ta không làm bất cứ điều gì đặc biệt tốt. Chúng ta chỉ làm những điều đó sớm hơn thôi."

Khẳng định của một nhà virus học Trung Quốc rằng virus Vũ Hán được Trung Quốc tạo ra trong phòng thí nghiệm và cố tình phát tán đã vấp phải sự chỉ trích từ các đồng nghiệp. Friedemann Weber, một nhà virus học tại Đại học Giessen, cho biết: "Dữ liệu được giải thích một cách phiến diện. Mọi thứ phản bác giả thuyết của bà ấy chỉ đơn giản là không được xem xét đến".

Theo Viện Robert Koch, ở Đức có 1769 ca được xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán, nâng tổng số lên 275.927 ca. Có 13 người chết có kết quả xét nghiệm dương tính.

Trong cuộc chạy đua về vắc xin, công ty Johnson & Johnson của Mỹ hiện đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và mang tính quyết định. Trong một nghiên cứu được gọi là Giai đoạn III với hơn 60.000 tình nguyện viên trên ba lục địa, tính an toàn và hiệu quả của vắc xin có tên JNJ-78436735 sẽ được kiểm tra, như công ty con Janssen-Cilag của Đức đã thông báo. Điểm đặc biệt của loại vắc xin này là chỉ cần dùng một liều. Kết quả của các thử nghiệm lâm sàng trước đây đều khả quan. Công ty hy vọng những liều vắc xin đầu tiên sẽ được "sử dụng khẩn cấp" vào đầu năm 2021.