Anh và Đức: Hai quốc gia, hai phản ứng trước COVID-19

Nhân viên y tế cho người dân thủ đô London thử COVID19 hôm 4 Tháng Tư. Chính phủ Anh được cho là phản ứng quá chậm trễ trước đại dịch này. (Hình: ISABEL INFANTES/AFP/Getty Images)

Lê Phan|

Ngay trong những tháng đen tối với những cú “shock” không tưởng tượng nổi, một điều vẫn còn làm các viên chức Anh bực tức đó là “nhắc đến nước Đức.”

Tờ Financial Times dẫn lời một cố vấn cao cấp than trời trước những so sánh không mấy tốt đẹp.

 

Hôm 17 Tháng Ba, với đại dịch COVID-19 đang tiến vào, Thủ Tướng Boris Johnson kêu gọi các nhà kỹ nghệ Anh bắt đầu làm máy trợ thở để tăng cường cho kho toàn quốc chỉ có 8,000 cái, còn đùa gọi kế hoạch này là “Chiến Dịch Hơi Thở Cuối Cùng.”

Nhưng gần một tuần trước khi thủ tướng tuyên bố điều này, Đức đã đặt hàng 10,000 cái từ một nhà sản xuất, cộng thêm cho con số 20,000 máy có sẵn. Tuần vừa qua, Đức có gấp đôi số giường bệnh chăm sóc đặc biệt trống hơn là toàn thể số giường cấp cứu của Anh – khoảng 15 đến 20,000.

Nhưng còn rõ rệt hơn là thành tích giữa hai quốc gia về thử nghiệm. Anh Quốc và Đức đi vào cuộc khủng hoảng cùng một lúc, hợp tác về nghiên cứu thử nghiệm, một trong những thử nghiệm đầu tiên trên thế giới.

Nhưng các phòng thí nghiệm của Đức thử nhiều gấp năm lần mức độ của Dịch Vụ Y Tế Quốc Gia (National Healh Service-NHS), hoàn tất 918,460 thử nghiệm so với 163,194 của Anh Quốc.

Mãi đến Thứ Năm, 2 Tháng Tư vừa qua, Bộ Trưởng Y Tế Matt Hancock, mới tuyên bố Anh Quốc sẽ “tăng vọt” cố gắng bằng cách sử dụng những phòng thí nghiệm tư nhân – ngay khi mà cung cấp hóa chất toàn cầu và dụng cụ thử nghiệm đang bị siết chặt.

Ông công nhận “Đức có 100 phòng thí nghiệm ngay từ đầu, phần lớn là nhờ Roche, nhưng chúng ta phải bắt đầu ở mức thấp hơn. Chúng ta sẽ chuyển đổi kỹ nghệ chẩn đoán Anh lên đúng mức.”

Các chuyên gia bảo còn quá sớm để đánh giá những lựa chọn khác biệt sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia như thế nào trong thời đại dịch toàn cầu. Lợi thế của Đức đến từ nhiều thập niên bỏ tiền nhiều hơn về chăm sóc sức khỏe, cùng với một nền kỹ nghệ có khả năng gia tăng sản xuất khi có tình trạng khẩn cấp. Ngay cả với lợi thế này, các bộ trưởng Đức công nhận họ đang đối diện với “sự yên lành trước cơn bão tố,” trong chiều hướng tử vong, họ có thể đang đi cùng chiều hướng virus như Anh.

Nhưng chiến lược của Berlin tuy vậy đã là một điều so sánh khó chịu cho chính phủ Anh. Mà không những chỉ với khả năng của NHS – được nhắm vào hiệu năng hơn là bền vững – nhưng cả về phẩm chất cũng như tiến độ quyết định chính sách. Vấn đề là chiến lược của Anh Quốc không nhất quán, nó quay chiều này đổi chiều khác, làm phí phạm nhiều thời giờ quý giá.

Bác Sĩ Martin Stuermer, một nhà vi trùng học ở phòng thí nghiệm IMD Labor ở Frankfurt, nhận xét: “Nó không trước sau như một. Họ thử nhiều chiến thuật và loại bỏ chúng. Họ có kế hoạch cho cuộc sống tiếp tục nhưng bảo đảm là người già được bảo vệ. Nhưng rồi họ từ bỏ nó. Và họ không chuẩn bị cho thử tập thể. Nhưng vấn đề chính là chính phủ không vẽ ra một con đường rõ rệt trong cuộc khủng hoảng này, khác với chính phủ Đức.”

Hậu quả có thể sẽ trở thành rõ ràng một cách kinh khủng. Mức lây nhiễm được chờ đợi sẽ đến đỉnh vào Chủ Nhật Phục Sinh.

Thủ Tướng Johnson đã chậm đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Những bằng có từ Trung Quốc về một bệnh dịch hồi Tháng Hai đã được coi là không đáng tin cậy và có hy vọng là nó sẽ tự hủy diệt, như bệnh Sars hồi năm 2003.

Tuy Chính Phủ Anh bắt đầu tính đến những kế hoạch đối phó từ đầu năm 2020, sự thiếu tính khẩn cấp đã lộ rõ khi ông thủ tướng quyết định biến mất trong nguyên một tuần lễ vào cuối Tháng Hai về một căn nhà đồng quê của thủ tướng. Mãi đến 2 Tháng Ba ông mới chủ trì phiên họp nội khẩn cấp đầu tiên.

Vào giai đoạn này các cố vấn đang phỏng đoán một sự lan truyền dịch bệnh tràn qua Anh (kiểm soát bằng những biện pháp khoảng cách xã hội) sẽ đến đỉnh vào giữa Tháng Năm đến đầu Tháng Sáu. Một vị bộ trưởng còn trấn an những đồng nghiệp lo sợ, “Glastonbury sẽ được tổ chức,” ý nói đến đại nhạc hội lớn nhất thế giới vào cuối Tháng Sáu.

Thay vì theo những quốc gia như Nam Hàn có ngay những biện pháp nghiêm khắc chặn dịch bệnh, kể cả sử dụng thử nghiệm tập thể, toán của ông Johnson nghĩ là một lối đối phó tiệm tiến sẽ sau cùng cứu nhiều mạng người và tạo ít thiệt hại kinh tế hơn.

Cố vấn khoa học chính của chính phủ, Bác Sĩ Patrick Vallance đã tìm được một đồng minh qua ông Dominic Cummings, cố vấn được tin cậy nhất bởi ông Johnson, trong việc đón nhận khái niệm “miễn nhiễm bầy,” nơi căn bệnh bỏ qua những công dân khỏe mạnh.

Theo khái niệm này, một số người nhiễm bệnh đông nhưng nhẹ sẽ tạo nên một “miễn nhiễm tập thể” hay”‘một miễn nhiễm bầy.”  Ông Cummings đã từng nói đến khái niệm này trong một cái blog hồi năm 2013. Ông còn được nói đã tuyên bố trong một cuộc họp là một số người già có chết đi cũng chả sao.

Một viên chức Bộ Tài Chánh thì nói “Cũng phải thêm là có một yếu tố nghĩ Anh Quốc là ngoại lệ nữa.”

Quan trọng hơn trong giai đoạn đó, Cơ Quan Phụ Trách Y Tế Quốc Gia Public Health England (PHE), cố vấn chính phủ là thử nghiệm tập thể không thể thực hiện được. Giáo Sư Neil Ferguson, giáo sư của Viện Đại Học Imperial College và một cố vấn của chính phủ, nói với quốc hội “rất rõ là thông điệp từ PHE là chúng ta không có đủ khả năng để thực hiện chiến lược đó.”

Khác với hệ thống phân tán của Đức và đôi lúc cồng kềnh, Anh Quốc chọn tập trung cố gắng vào những phòng thí nghiệm lớn, để bảo đảm sự tin cậy.

Bà Sharon Peacock của PHE nói là điều này tốt hơn là “phân tán cố gắng ở nhiều phòng thí nghiệm.” Một nhà khoa bảng nói là PHE đã gặp khó khăn tản quyền về nhiệm vụ căn bản của họ. Ông này bảo là cơ quan đã “đứng bên lề chờ đại dịch tới. Đó là điều họ được trả lương để đối phó.”

Nhưng trên thực tế, nó có nghĩa là trong khi Đức mở rộng chiến lược thử nghiệm cho cả những ai có triệu chứng nhẹ – chiến lược căn bản của thử nghiệm, theo dõi và cô lập những người nhiễm bệnh – vào Tháng Ba, Anh Quốc gặp khó khăn gia tăng số thử nghiệm. Cách đối phó là chỉ thử những ai được nhập viện. Chính sách này đã có kết quả là chỉ có 5,000 nhân viên trong số nửa triệu nhân viên của NHS được thử nghiệm cho đến Thứ Năm, 2 Tháng Tư.

Tổng Thống Donald Trump đã nói sau đó là nếu Anh tiếp tục theo đuổi chính sách miễn nhiễm bầy thì sẽ là “thảm họa.” Nhưng điều đó đã rõ cho ông Johnson và toán của ông vào ngày cuối tuần 14 đến 15 Tháng Ba. Những dữ liệu mới từ Ý đã xác nhận là căn bệnh đang lây nhanh hơn là dự đoán, với nhiều bệnh nhân phải vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Giáo Sư Ferguson ở Imperial College khuyến cáo là khoảng 250,000 người sẽ chết ở Anh nếu không có sự thay đổi chính sách. Tệ hơn nữa, các bộ trưởng được cố vấn là ngay cả nếu khả năng chăm sóc đặc biệt của NHS tăng gấp đôi hay gấp ba, nó vẫn bị tràn ngập gấp ba lần hơn thế.

Các ông bộ trưởng y tế Hancock, bộ trưởng văn phòng chính phủ Michael Gove và ông cố vấn Cummings nay khuyên ông Johnson hãy bỏ bản năng tự do của mình và đóng cửa nước Anh. Một trong những viên chức thì nhái lời cố Thủ Tướng Winston Churchill “Khi sự kiện thay đổi, mình phải đổi ý kiến.”

Giới hạn trong cuộc sống tập thể đã đến sau các tiểu bang của Đức một tuần lễ, nhưng khác biệt ở Anh không đến nỗi lộ liễu như ở một số quốc gia khác.

Ảnh hưởng tệ hại hơn ở Anh là một lỗ hổng lớn trong thay đổi chiến lược về chuẩn bị. Chiến lược đi ra khỏi tình trạng đóng cửa có vẻ chỉ là vaccine hay thuốc điều trị – vốn còn nhiều tháng nữa – hay thử nghiệm tập thể để giảm dần giới hạn mà không tạo nên một đợt dịch thứ nhì.

Giáo Sư Devi Sridhar, chuyên nghiên cứu vấn đề sức khỏe toàn cầu, hỏi “Nếu theo chiến lược tìm miễn nhiễm cộng đồng, thì tại sao không xây dựng khả năng chữa trị và thử nghiệm? Đó là điều là tôi ngạc nhiên.” Rồi ông giáo sư của Viện Đại Học Edinburgh giải thích: “Tôi nghĩ vì họ đang coi mọi sự dựa trên sách vở đối phó với dịch cúm. Trong dịch cúm bạn không cần theo đuổi mọi trường hợp nhiễm bệnh, không cần thử cộng đồng hay nhân viên y khoa… Nhưng coronavirus không phải là cúm.”

Các ông bộ trưởng thì nay đổ tội cho cơ quan y tế PHE và ngay cả NHS vốn chỉ có nhiệm vụ chữa bệnh. Nhưng đối với một bác sĩ đang ở tiền tuyến thì rõ ràng lỗi là ở các chính trị gia.

Một bác sĩ nói: “Đối với chúng tôi ở tiền tuyến, nó có cảm tưởng chuyện đang xảy ra là khi để cho một nhà dịch bệnh học chỉ huy thế giới thực. Điều chưa bao giờ được giải thích cho những người đối phó với những căn bệnh đường hô hấp là tại sao không có ‘thử nghiệm, thử nghiệm, thử nghiệm,’ rồi cô lập, theo dõi liên hệ, vốn là căn bản tuyệt đối của y tế công cộng và kiểm soát lây nhiễm. Nay thì họ có vẻ đã phản ứng, nhưng quá trễ rồi.

(Lê Phan)

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/anh-va-duc-hai-quoc-gia-hai-phan-un...