‘Tổng Tịch’ Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Mỹ và ‘khoan dầu nuôi đảng?’

Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 27 Tháng Hai, 2019, tại Hà Nội. (Hình: Getty Images)
Phạm Chí Dũng - Người Việt|
9/9/2019

Đã bắt đầu manh nha vài tin tức vụn vặt về chuyến đi Mỹ của “Tổng Tịch” Nguyễn Phú Trọng, có thể diễn ra vào Tháng Mười 2019, tức trễ khoảng 4 – 5 tháng so với lịch dự định ban đầu cho chuyến đi này vào đầu năm 2019, một chủ đề chẳng có gì đặc biệt trong con mắt của giới quan sát chính trị và báo chí phương Tây.

Giáo Sư Carl Thayer, một chuyên gia theo dõi chặt chẽ về những biến động chính trị ở Việt Nam và mối quan hệ của Việt Nam với các nước, cho biết đã có một đợt vận động hành lang của Bộ Ngoại Giao Việt Nam để Nguyễn Phú Trọng được Donald Trump tiếp.
Tin tức này là có cơ sở bởi vào Tháng Năm, 2019, Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã có một chuyến đi Mỹ khá đặc biệt, không chỉ gặp gỡ giới ngoại giao mà còn cả với giới quốc phòng của Hoa Kỳ. Đó là một chuyến đi được giới quan sát cho là tiền trạm cho Nguyễn Phú Trọng và cũng khiến Phạm Bình Minh như được “hồi sinh,” kể từ lần bị thất sủng thấy rõ tại Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, 2017.
Trong khi đó cũng lác đác một ít thông tin của giới “chuyên gia thân đảng” về lịch đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng: lúc đầu là Tháng Sáu, rồi “dời lại” vào Tháng Bảy, Tháng Tám hoặc những tháng còn lại của năm 2019…
Lẽ ra, ông Trọng đã đặt chân lên Washington D.C. vào giữa năm 2019, nếu không xảy ra cú bạo bệnh thình lình trong đợt ông ta bất ngờ đi công tác tại Kiên Giang “nhà Ba Dũng” vào Tháng Tư, 2019. Cú bạo bệnh này (mà diễn tiến của nó được cho là phức tạp về hệ thần kinh) đã khiến Trọng phải nằm điều trị trong một thời gian khá dài mà không thể tiếp khách hay ra nước ngoài.
Tuy nhiên, cho đến khi Nguyễn Phú Trọng có vẻ thực sự thoát khỏi mối nguy hiểm chấn thương sọ não và bắt đầu phục hồi cử động tứ chi vào Tháng Bảy, 2019, lịch tiếp khách của Tổng Thống Trump lại dường như không còn trống chỗ để đón Trọng. Vào khoảng thời gian đó, Trump còn bận rộn với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tăng tốc cùng kế hoạch sơ thảo cho chiến dịch tái tranh cử chức vụ tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.
Vấn đề còn lại là phải do một nguyên cớ thật sự đặc biệt được nêu ra từ phía Việt Nam, chứ không phải là nguyên do vụn vặt, thì Trump mới có thể xếp lịch tiếp Trọng theo đúng nghi thức đón tiếp một nguyên thủ quốc gia, và với điều kiện cuộc làm việc Mỹ – Việt phải đi vào thực chất chứ không chỉ qua loa xã giao theo não trạng “mình phải như thế nào người ta mới tiếp như thế chứ.”
Nhưng dù sao, tín hiệu đầu tiên cho cuộc tiếp đón Nguyễn Phú Trọng đã được phát ra bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.
Ai cần ai hơn?
Điểm khác biệt lớn nhất giữa lần dự kiến đi Mỹ vào giữa năm 2019 của Nguyễn Phú Trọng và lần dự kiến thứ hai vào Tháng Mười cùng năm là hội chứng tàu Trung Quốc.
Trước Tháng Năm, 2019 và trong lúc Nguyễn Phú Trọng còn phải nằm giường điều trị, đã chưa có vụ tàu Trung Quốc gây hấn ở khu vực Bãi Tư Chính. Vấn đề quan hệ Việt – Mỹ có cần thiết được đẩy lên tầm “đối tác chiến lược” hay không cũng bởi thế không quá khẩn thiết đối với Trọng và giới chóp bu trong Bộ Chính Trị đảng, dù trước đó đã liên tiếp xảy ra hai vụ Trung Quốc gây hấn đều ở Bãi Tư Chính vào Tháng Bảy, 2017 và Tháng Ba, 2018.
Trong lần dự kiến đầu tiên đi Mỹ, nhiều khả năng Nguyễn Phú Trọng muốn tập trung đàm phán với Mỹ về việc làm thế nào để Mỹ chấp nhận cho Việt Nam có được quy chế “kinh tế thị trường tự do” mà do đó Việt Nam có thể nhận được những ưu đãi hơn về vốn vay ODA cùng thúc đẩy đà gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa và thị trường Mỹ, đồng thời thuyết phục Trump về việc kinh tế Việt Nam không đến nỗi quá nguy hiểm cho nước Mỹ để Mỹ không cần phải dựng đứng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Việt xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Đã rõ là trong nửa đầu năm 2019, giới chóp bu Việt Nam vẫn đu dây Trung Quốc và tái diễn thói ưỡn ẹo với người Mỹ.
Nhưng kể từ đầu Tháng Sáu, 2019, thế cục đã biến hẳn. Trung Quốc bắt đầu điều tàu phá rối ở mỏ Lan Đỏ, nơi được liên doanh giữa Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) với Tập Đoàn Dầu Khí Rosneft của Nga. Sang đầu Tháng Bảy thì vụ gây hấn này đã lan sang Bãi Tư Chính, đặc biệt xoáy vào mỏ Cá Rồng Đỏ, liên doanh giữa PVN với hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha.
Đến lúc đó, tương quan lực lượng cùng cán cân đàm phán Việt – Mỹ đã nghiêng hẳn về phía Mỹ, xét trên phương diện “ai cần ai hơn.”
Từ cuối Tháng Bảy, 2019, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên lên tiếng ủng hộ Việt Nam, dù chỉ là gián tiếp, chống lại thói bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông, và cho tới nay Mỹ vẫn là quốc gia gần như duy nhất dám nhắc đến cái tên Trung Quốc với cảm xúc lên án chứ không phải bằng những từ ngữ xã giao né tránh như cái cách mà Liên Minh Châu Âu (EU) và các nước Anh, Pháp, Đức, Úc bày tỏ.
Không chỉ Bộ Ngoại Giao, mà cả Bộ Quốc Phòng và Cố Vấn An Ninh của Hoa Kỳ đã cùng lên tiếng về chủ đề này không chỉ một lần. Cùng lúc, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan được Mỹ điều đến Biển Đông để tuần tra, mà về thực chất là án ngữ ở cửa ngõ vùng biển mà rất có thể xảy ra một cuộc xung đột vũ trang bắt nguồn từ “đồng chí tốt” của Việt Nam.
Bài toán đặt ra với Nguyễn Phú Trọng hiện thời là trong khi ông ta vẫn tuyệt đối “cấm khẩu” về vụ tàu Hải Dương và giới quan chức cấp dưới của ông ta cũng “sao y bản chánh,” Trọng làm sao phải gấp rút thời gian để lôi kéo được người Mỹ tham gia bảo vệ không chỉ vùng biển mà cả vùng trời của Việt Nam ở Biển Đông, hệt theo cái cách vung tay đầy “dũng khí” của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam về việc Việt Nam không chỉ “tôn trọng tự do hàng hải” mà còn “tôn trọng tự do hàng không.”
Nếu hành động đó được triển khai có hiệu quả thì Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam sẽ yên tâm khai thác dầu khí cùng với các đối tác liên doanh mà không còn quá sợ hãi bị Trung Quốc bắt nạt, còn Bộ Quốc Phòng Việt Nam cũng có thể tỏ ra can đảm hơn đôi chút chứ không đến nỗi bị dân chửi “ngư dân bám biển, hải quân bám bờ” và “chưa đánh chác gì đã đái cả ra quần.”
Và làm sao đạt được quan hệ “đối tác chiến lược” với Mỹ càng sớm càng tốt, hoặc ít ra cũng thủ được một bản ghi nhớ với Mỹ về chủ đề này, để bảo đảm rằng quốc gia đối trọng duy nhất với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ hỗ trợ chế độ cộng sản Việt Nam khai thác dầu khí.
Làm cách nào để khoan dầu nuôi đảng?
Từ Tháng Tư năm 2019, đã bắt đầu khởi động vài tín hiệu cho triển vọng đối tác chiến lược Việt – Mỹ. Đó là lúc một số quan chức cấp thứ trưởng của Mỹ và Việt Nam đã tổ chức hội thảo mang tên “Việt- Mỹ: Hướng đến hợp tác chiến lược” tại Trung Tâm Chiến Lược & Nghiên Cứu Quốc Tế CSIS ở thủ đô Washington.
Có thể xem hội thảo trên là một trong số hiếm hoi hoặc là lần đầu tiên hai bên bàn về chủ đề không còn là chuyện giỡn chơi hay trả treo mặc cả này.
Đối với chính thể Việt Nam, bây giờ không còn là lúc ngả ngớn õng ẹo đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc nữa, mà Hà Nội đang bị “đồng chí tốt” ép bật khỏi những giếng dầu ở Biển Đông khiến ngân sách – vốn đang tồi tệ – càng nguy khốn hơn.
Kể từ năm 1975, chưa bao giờ Mỹ và Việt Nam lại sát gần với quan hệ đối tác chiến lược như vào lúc này, đặc biệt từ thời điểm mùa xuân năm 2019, lúc mà giới chóp bu Việt Nam đã chuyển từ sáo ngữ cửa miệng “lợi ích tương đồng” với Bắc Kinh sang một chiến dịch “tố cáo giặc Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979,” và tiến đến những gì cần có để một liên minh quân sự Việt – Mỹ trong tương lai gần có thể đánh bật Trung Quốc khỏi Biển Đông.
Nếu chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào Tháng Mười, 2019 và nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, sau cuộc cuộc gặp Trump – Trọng tại Washington sẽ hiện ra một văn bản được ký giữa hai bên như kiểu “Hiệp Ước tương trợ quốc phòng” mà Mỹ đã ký với Philippines, hoặc ít ra cũng là một bản ghi nhớ về việc sẽ tiến hành chuyện đó trên nền tảng chuẩn bị cho “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ – Việt.”
Khi đó, Bộ Chính trị đảng Việt Nam sẽ hoàn hồn để vừa tiến vừa run vào các mỏ dầu Lan Đỏ, Cá Rồng Đỏ… ở Bãi Tư Chính, và cả mỏ Cá Voi Xanh ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi – nơi có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối và hứa hẹn mang về đến $60 tỷ, bằng số thu nguyên một năm của nền ngân sách bóp họng dân chúng chỉ để nuôi đội ngũ “còn đảng còn tiền” và “còn đảng còn mình.”

Phạm Chí Dũng - Người Việt|
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tong-tich-nguyen-phu-trong-se-tham-...