Đôi điều qua việc em bé tiểu học bị đứng ngoài cổng trường

Lại một câu chuyện của GIÁO DỤC. Mấy hôm nay, cộng đồng mạng lại dấy lên câu chuyện về một em bé học tiểu học ở Hải Phòng đến học ca chiều sớm và bị chị sao đỏ lớp trên đuổi ra khỏi trường, em phải đứng dưới trời đổ lửa... Vì điều kiện mẹ của em không đủ tiền cho em ăn cơm trưa tại trường (bán trú), mẹ em lại phải đi làm sớm nên chở em đến học ca chiều sớm hơn 15 phút.

Sao đỏ - hồng vệ binh – nỗi ám ảnh của học trò

Là một giáo viên cả đời dạy trường bán trú, tôi thấy lòng nhói đau... Nhớ lại những năm tháng đã qua, những ngôi trường bán trú mà tôi đã trải, không phải học sinh nào cũng cần bán trú hay có điều kiện bán trú. Nhưng đây là các trường bán trú của hai cấp THCS và THPT, tuổi các em đã lớn, các em có thể tự chủ bản thân mà không cần đến cha mẹ bảo trợ cho mình. Còn với em bé ở Hải Phòng, em học cấp TIỂU HỌC, cái tuổi được người lớn bảo trợ kỹ lưỡng song thật đáng tiếc, cả nhà trường và người mẹ đều chưa làm đúng cách.

Trước hết, về phía người mẹ của em bé, nếu là tôi, tôi sẽ đưa con vào phòng bảo vệ và gửi con ở đó. Vì không một trường nào là không có chốt bảo vệ ngay bên lề cổng. Mặt khác, có thể tôi phải liên hệ với giáo viên chủ nhiệm trước để mong cô lưu ý và cảm thông. Đó mới là làm tròn trách nhiệm của một người mẹ.

Thứ hai, về phía cô giáo chủ nhiệm, nếu là tôi, tôi sẽ hỏi học sinh vì sao em đến sớm để giúp em, hoặc phải gọi trực tiếp cho mẹ của em để tìm hiểu nguyên nhân rồi có sự chỉ dẫn, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ. Nhưng rất tiếc cô giáo này lại không làm thế mà đã chụp ảnh các em, đăng lên nhóm Zalo của phụ huynh lớp để phê bình. Điều đó sẽ không tốt cho tâm lý một người mẹ đang gặp phải hoàn cảnh khó khăn và cả trách nhiệm, uy tín của chính cô... Sự việc lẽ ra giải quyết rất nhẹ nhàng nhưng cô giáo đã làm phức tạp lên và gây bức xúc cho dư luận xã hội.

Thứ ba, về phía nhà trường và em bé sao đỏ, nhà trường vẫn duy trì đội sao đỏ đối với cấp tiểu học là điều không thể, khi xã hội đã kết nối toàn cầu, khi QUYỀN TRẺ EM được tôn trọng, chăm chút, coi sóc. Nhà trường đã lạm dụng "sao đỏ" mà tước mất giờ ngủ trưa của các em, bắt các em phải coi sóc, chấm điểm giờ ngủ trưa của các lớp. Vậy, làm sao buổi chiều các em có đủ sức khoẻ để học tập và còn đội ngũ cô nuôi trông bán trú đâu, các cô ngủ hay làm gì? Còn nữa, nhà trường đã tước đi tuổi thơ của các em, cướp đi quyền được vui chơi, hồn nhiên, vô tư, quyền bình đẳng giữa bạn với bạn, mà giờ đây trở thành "người có quyền" hành tội "người vi phạm" đồng trang lứa. Hình thành cho các em tư tưởng ham muốn được cai trị người khác, từ đó nảy sinh ra nhiều tiêu cực, thói xấu trong cá tính của trẻ thơ, lứa tuổi đang hình thành tính cách, quả là tai hại...

Việc em bé sao đỏ lớp trên đuổi em bé ra khỏi trường giữa lúc trời đổ lửa xuống khu trường, giữa lúc các bạn đang thiêm thiếp trong máy lạnh. Lỗi không phải của em bé sao đỏ ấy mà lỗi thuộc về cô TỔNG PHỤ TRÁCH ĐỘI, ĐOÀN của trường. Cô ấy qui định như vậy nên em phải tuân lệnh như thế. Việc thành lập các ĐỘI SAO ĐỎ ở các trường cũng xuất phát từ BỆNH THÀNH TÍCH trong giáo dục. Thi đua giữa các lớp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cô chủ nhiệm, cô "không hoàn thành nhiệm vụ", "không đạt chiến sĩ thi đua" cuối kì, cuối năm là do lớp thi đua kém và... cũng tất nhiên... ảnh hưởng trực tiếp đến nồi cơm của cô. Thế nên, hai tiếng THI ĐUA nó chẳng những làm người ta không tốt lên mà còn sinh ra những thói xấu trong cách ứng xử giữa người với người: chống chế, dối lừa, kèn cựa, bon chen, nói xấu, đạp lên nhau mà sống, ngay cả trong môi trường mà người ta tưởng là "mẫu mực" nhất.

Theo tôi, câu chuyện ở một trường tiểu học của Hải Phòng hay ở bất cứ trường nào trên đất nước này, tất cả đều phải xem đó như một bài học về giáo dục con người. Khi con người không có tình yêu thương, không có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong những hoàn cảnh khó khăn hay đặc biệt thì cũng chỉ giống như những con vật có chung đặc tính ăn thịt nhau mà thôi. Nghề dạy học không chỉ cần người thầy có tri thức vượt trội mà cái đạo làm thầy còn cần thiết hơn rất nhiều. Làm nghề gì mà không có tâm thì đều trở nên thất đức. Nghề làm thầy càng không thể là người thất đức.